Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sicily – Miền Đất Dữ

Chương 11

Tác giả: Mario Puzo

“Băng” của Guiliano nay lên đến con số ba mươi. Một vài người trong đám đó vốn là tay em của Terranova hoặc của Passatempo. Một vài người là dân trong thị trấn được Guiliano giải thoát trong cuộc đột kích trại Bellampo. Bị bắt oan, nhưng những người này vẫn cứ bị nhà nước truy nã. Họ nghĩ: đằng nào cũng bị truy nã. Vậy thì bị truy nã cùng với Guiliano còn hơn bị truy nã trong thân cô thế cô, không có bạn bè hỗ trợ.

Vào một buổi sáng tháng tư đẹp trời, Guiliano nhận được tin có một tên nom có vẻ khả nghi, có thể là lính kín lắm. Gã cứ dò la để xin “đăng lính” cho Guiliano. Gã ngồi chờ ở quảng trường trung tâm thị trấn Montelepre. Guiliano phái Terranova và bốn tay anh em nữa đi thẩm tra. Nếu coi bộ xài được thì dắt về. Nếu là cớm, là lính kín chơi trò khổ nhục kế thì cứ việc khử luôn.

Trưa hôm đó, Terranova trở về, báo cáo cho Guiliano:

– Có thể là cánh mình sẽ thêm một nhân khẩu. Thằng chó bắn hụt anh bữa hôm đột kích trại, thả tù đó. Anh thử tiếp xúc với gã xem sao.

Thấy cái mặt ngang dọc những vết thẹo mà lại ăn vận theo lối nhà quê Sicilian. Guiliano cười lớn:

– Rồi, ông bạn, bộ ông nghĩ là tôi có thể quên được cái bản mặt của ông bạn sao chứ. Lần này chắc là đồ nghề của ông bạn “tuyệt vời” rồi chứ?

Người đó chẳng phải ai xa lạ, mà chính là thầy cai Canio Sylvestro, kẻ đã chĩa súng bắn Guiliano, nhưng may mắn là viên đạn chỉ bay sướt qua đầu. Tuy mặt mày rằn ri như vậy, nhưng trông không có vẻ cô hồn, hắc ám, trái lại có vẻ kiên nghị, quả cảm. Khuôn mặt ấy gợi cho Guiliano một điều gì đó. Dù bị hắt hủi, Guiliano vẫn cảm thấy quí mến con người này. Gã là kẻ đã chứng minh cho Guiliano thấy sự bất khả tử của nó.

– Tôi đến xin gia nhập vào băng của mấy anh. Tôi cho rằng tôi có thể là một của quí đối với mấy anh nữa đó.

Đi xin việc mà lại giở giọng kẻ cả như vậy mới hách. Nhưng Guiliano lại chịu cách đó. Guiliano bảo hắn kể “cuộc đời và sự nghiệp” của hắn. Sau cuộc đột kích phá ngục cứu tù, “thầy cai” Sylvestro bị đưa ra tòa án binh ở Palermo. Tội danh: sao lãng nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Thầy đội Maresciallo tức điên lên với thầy cai. Lão điều tra gã rất gắt trước khi lập thủ tục truy tố. Kỳ quặc đến cái độ quái gở là lão nghi thầy cai chỉ giả bộ bắn Guiliano mà thôi. Nguyên nhân bắn hụt – theo Maresciallo – là do viên đạn không đủ thuốc súng. Maresciallo căn cứ vào chỗ mặc dù đã biết đạn có khuyết điểm mà vẫn cứ xài để kết tội Sylvestro. Do đó, toàn bộ cuộc kháng cự này nọ chỉ là để che mắt mấy chú cớm oắt. Cứ theo lão thì chính Sylvestro đã giúp Guiliano đặt và thực hiện kế hoạch phá ngục cứu tù, trong đó có việc sắp đặt người gác cà chớn để dễ bề qua mặt lão.

Guiliano ngắt ngang hỏi:

– Tại sao hắn lại biết viên đạn có khuyết điểm?

Syvestro có vẻ ngập ngừng:

– Quả thật là tôi cũng biết viên đạn có khuyết điểm. Tôi là chuyên viên vũ khí trong bộ binh lúc còn chiến tranh mà.

Mặt gã bỗng trở nên dữ tợn. Gã nhún vai, nói tiếp:

– Tôi sơ suất, đúng! Tôi là tổ trưởng vũ khí của trại Bellampo. Nhưng tôi đã không quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ chủ yếu của mình. Với khả năng chuyên môn về vũ khí của tôi, tôi nghĩ là tôi sẽ rất đắc dụng cho các anh. Tôi sẽ kiểm tra, sửa chữa, cải biên cho các anh nghĩa là làm đảm bảo vũ khí của các anh lúc nào cũng ngon lành. Súng không bị hóc, đạn không bị lép vào những lúc sinh tử nhất. Tôi cải biên, sửa chữa sao cho vũ khí của các anh thích hợp, tiện dụng ở vùng núi non này.

– Anh cứ kể tiếp đi.

Trong khi Sylvestro nói, Guiliano quan sát, ngắm nghía. Đây có thể là một khổ nhục kế cớm dùng để cài người. Hắn thấy rõ là Pisciotta, Passatempo và Terranova có vẻ không tin Sylvestro.

– Tụi nó điên hết, – Sylvestro nói, – Tụi nó như một lũ đàn bà hèn nhát. Khi nhìn kỹ, Maresciallo cũng biết mình quá ngu. Trại giam thì đầy tù, doanh trại thì mênh mông mà chỉ để lại có mấy ngóe thủ trại. Bọn cớm nói chung cứ coi xứ Sicily của mình như là vùng đất chiếm đóng, và tụi nó là lính viễn chinh. Tôi thường phản đối thái độ ấy. Vì vậy tôi bị ghi tên vào sổ đen. Nhà cầm quyền ở Palermo bênh lão Maresciallo. Họ phải chịu trách nhiệm về lão ta mà, luận điệu của mấy cha ấy là cuộc đột kích phải có tay trong, chớ không phải là do một người tài ba, đảm lược thực hiện. Có giải thích như vậy thì mới che giấu được cái dốt, cái bất tài của mấy cha… Nhưng, ra đến Palermo, mấy cha đếch dám đưa tôi ra tòa án quân sự. Đưa ra, lòi cái đuôi dốt là cái chắc. Mấy cha giở giọng nhân đức: bảo tôi làm đơn xin giải ngũ thì sẽ không bị đưa ra tòa, không bị án trong lý lịch tư pháp… Nhưng tôi thừa biết cái thâm ý của mấy cha và tôi cũng biết là dù không có án trong lý lịch tư pháp thì tôi cũng đừng hòng xin việc làm trong cơ quan chính quyền. Đối với mấy cha, tôi là đồ bỏ. Nhưng, là dân Sicilian thứ thiệt, tôi yêu xứ sở của tôi. Tôi tự hỏi: làm gì bây giờ? Và tôi tự trả lời: đi theo Guiliano.

Guiliano bảo Sylvestro ra nói mấy anh em ở ngoài kiếm cho cái gì ăn. Trong này, hắn bàn với mấy người kia. Cộc cằn, thô lỗ, Passatempo đưa ra ý kiến phản bác:

– Thằng chó đẻ ấy nghĩ bọn mình điên hay sao chớ? Cứ cho nó một phát rồi thảy xuống khe núi cho rảnh nợ. Trong băng tụi mình đếch cần thằng cớm.

Pisciotta nhìn Guiliano và biết thằng bạn mình có lòng trắc ẩn đối với Sylvestro. Bởi vậy, y dè dặt nói:

– Rất có thể đây là trò bịp. Sơ đẳng quá! Nhưng dù không phải là bịp đi nữa thì tại sao mình lại cứ phải thử thời vận hoài? Lúc nào cũng ngay ngáy đề phòng, cảnh giác. Mệt thấy mẹ. Cứ luôn luôn phải ngờ vực. Đuổi cha nó đi cho rảnh nợ.

– Nhưng nó đã biết sào huyệt của bọn mình rồi, – Terranova nói, – Nó đã biết mặt anh em mình, biết quân số của mình. Bấy nhiêu đó đã là những tin tức quá quý rồi!

Guiliano nói, giọng nồng nhiệt:

– Hắn đúng týp Sicilian thứ thiệt. Hắn bắn tao chỉ là do muốn bảo vệ danh dự. Tao không tin nó làm gián điệp, mật thám hay chỉ điểm gì ráo!

Nói vậy, hắn cũng biết bọn kia mỉm cười như thể tội nghiệp cho sự ngây thơ, cả tin của hắn. Pisciotta nói:

– Nên nhớ là chính nó đã muốn làm thịt mày. Ấy là nó đang là tù nhân của mình đấy. Đâu phải là bắn hốt hoảng mà là bình tĩnh, sáng suốt khi rút súng bắn mày đấy chớ? Hắn quyết ăn thua đủ mà. Làm gì nó không biết là nó không thể nào thoát được?

Không phải Guiliano không nghĩ đến điều đó. Trái lại, hắn coi điều đó là một giá trị. Guiliano cất cao giọng:

– Biết rằng chết mà vẫn cứ chơi mới là ngon chứ, mới là hành động vì danh dự chứ? Để nó ở lại đây, nó làm gì được mình? Mình sẽ không cho nó tham gia các buổi họp mặt. Chỉ cho nó làm thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy. Để nó đấy cho tao. Tao sẽ kèm sát nó. Tao đích thân giám sát nó, gặp dịp thuận tiện, cho nó làm thử. Nếu nó chối từ thì dễ quá, biết liền. Để nó đó cho tao.

Xế chiều, khi biết mình được chấp thuận cho nhập băng, Sylvestro chỉ giản dị nói:

– Các anh có thể tin tôi về mọi vấn đề.

Trong thâm tâm, hắn biết Guiliano đã tha mạng cho hắn một lần nữa.

Lễ Phục Sinh, Guiliano lẻn về thăm nhà, Pisciotta phản đối việc này với lý do cớm có thể giăng bẫy. Ở Sicily, dịp lễ Phục Sinh lại thường là thời điểm chết chóc của các tay ăn cướp.

Cớm cứ xoáy vào chỗ quyến luyến gia đình khiến cho bọn cướp liều mạng về thăm nhà dịp này để ra tay. Nhưng một nguồn tin cho biết Maresciallo và một nửa quân số của trại Bellampo được nghỉ phép về thăm gia đình ở lục địa vào dịp này. Guiliano quyết tâm định đem theo đủ số vệ sĩ để về thăm nhà. Hắn chuồn về hôm chiều thứ bảy tuần Lễ Thánh.

Chỉ nhắn tin cho gia đình biết trước hai ngày. Bà già hắn kín đáo chuẩn bị tiệc tùng. Đêm đó, hắn được ngủ trên chiếc giường hắn đã ngủ từ hồi nhỏ. Sáng hôm sau, hắn theo bà già đi nhà thờ. Có sáu vệ sĩ đi theo.

Lễ xong, hắn và bà già vừa bước ra đến cửa nhà thờ, thì sáu vệ sĩ cùng với Pisciotta đã đứng chờ ở đó. Mặt Pisciotta trắng bệch ra vì tức giận:

– Turi, mình bị phản rồi. Maresciallo cùng với hai chục lính đặc biệt vừa từ Palermo lộn về để bắt mày. Nhà mày đang bị vây, cũng may, tụi nó tưởng là mày đang ở trong nhà.

Thoáng một cái, Guiliano cảm thấy giận thân vì cái thói liều lĩnh ngu xuẩn của mình. Hắn thề từ này sẽ không bao giờ bất cẩn như vậy nữa. Nếu không, sẽ có ngày Maresciallo và bọn đặc vụ của lão sẽ vồ được hắn ngay tại nhà. Tất nhiên hắn và các vệ sĩ của hắn sẽ phải ra tay. Và sẽ có đụng độ đẫm máu. Và như vậy sẽ làm vẩn đục tinh thần ngày Lễ Phục Sinh. Ngày Chúa sống lại mà máu chảy, người chết thì bậy quá.

Hắn hôn từ giã bà già:

– Mẹ cứ trở về nhà tự nhiên, cớm có hỏi thì cứ nói thẳng là ừ, tôi vừa chia tay nó ở cửa nhà thờ. Như vậy, mẹ không bị tụi nó qui là đồng lõa, âm mưu gì ráo. Mẹ khỏi lo. Anh em trang bị đầy đủ. Chuồn dễ thôi. Và cũng sẽ không có đánh đấm gì đâu. Còn lâu bọn cớm mới dám đuổi theo lên núi.

Guiliano và đồng bọn rút êm. Bọn cớm không trông thấy. Đêm đó, tại sào huyệt, hắn bàn với Pisciotta. Tại sao Maresciallo biết chắc là nó về thăm nhà? Ai đã mật báo cho lão? Bằng mọi cách phải tìm ra manh mối việc này.

– Nhiệm vụ đặc biệt của mày đó, Aspanu. Và nếu đã có một đứa phản mà thoát, thì sau này sẽ có nhiều đứa khác nữa bắt chước. Lúc đó thì mệt lắm. Tao đếch cần biết mày phải mất bao nhiêu lâu và tốn bao nhiêu tiền. Nhưng, phải tìm cho ra.

Ngay từ lúc còn nhỏ, Pisciotta đã không sao ưa được thằng cha thợ hớt tóc ấy. Nói năng đểu cáng, tục tĩu. Giễu cợt rẻ tiền, vô duyên. Frisella là một trong những thợ hớt tóc chạy theo mốt. Khi thì hớt thật thấp. Khi thì hớt thượng lên đến đỉnh đầu, lúc lại “cổ điển” như mấy anh “dân ruộng”. Nào là bát dài, bát ngắn, ôi thôi đủ thứ vớ vẩn, đủ kiểu lố lắng. Chỉ thay đổi vặt vãnh như vậy mà gã cứ vênh váo tự coi mình là “nghệ sĩ” mới tức chớ. Gã ưa lối chơi trịnh thượng, chơi kiểu cha chú người ta. Đối với người bề trên gã, gã làm như ngang vai ngang vế. Đối với người bằng vai phải lứa với gã, gã giở giọng đàn anh. Đểu nhất là gã đối với mấy đứa nhỏ. Đểu và độc ác. Không hiểu sao, đối với tụi nhỏ, gã hằn học theo cái kiểu đặc biệt Sicilian mà dân lục địa thấy rất “gai”. Gã thường lấy cây kéo – cho sơ hai ngón tay – giả bộ lỡ hoặc vô tình kẹp tai mấy đứa nhỏ. Rồi cười xỏ lá. Có khi gã hớt tóc cho mấy đứa nhỏ tròn rung rủng như cái chén úp lên đầu. Có khi gọt trắng hết như trái bi-a. Bởi vậy, Pisciotta cảm thấy khoái chí một cách tàn nhẫn khi cho Guiliano biết tên thợ hớt tóc Firsella làm chỉ điểm cho cớm và phạm luật Omerta. Rõ ràng hôm lễ Phục Sinh, Maresciallo đã hoạt động theo tin tình báo chính xác, không “sục” bậy. Lão đâu có điều gì mà bỏ dịp nghỉ lễ, dẫn hai chục lính từ Palermo về Montelepre đúng ngày đó. Nhưng, tại sao lão lại biết được tin đó. Guiliano chỉ cho gia đình nó biết trước có hai mươi bốn tiếng đồng hồ thôi kia mà.

Pisciotta dùng mật báo viên của mình trong thị xã để kiểm tra lại từng bước của Maresciallo trong hai mươi bốn giờ trước khi lão đi Palermo. Lão đã đi những đâu, làm gì, gặp ai?… Chỉ có ông bà già của Guiliano biết con mình sẽ về nhà vào ngày giờ đó. Bởi vậy, Pisciotta hỏi thật kỹ lưỡng xem trong thời gian đó, có thể họ vô tình làm lộ tin đó ra. Bà mẹ của Guiliano cố moi móc trí nhớ xem mình đã làm gì, nói gì, với ai:

– Dì không hề nói với ai. Ngay cả hàng xóm. Dì ở lì trong nhà lo nấu nướng đặng thằng Turi về ăn mừng lễ.

Nhưng bữa sáng hôm ông con trai về thì ông bố của Guiliano đã đến tiệm hớt tóc của Frisella. Tánh ông già này cũng đoảng vị lắm. Phù phiếm, nông nổi, ưa khoe khoang, ruột để ngoài da, phổi bò. Nhân dịp hiếm có, ông con trai về thăm nhà, nên lão cũng muốn sửa sang râu tóc cho thêm phần long trọng, thằng nhỏ trông thấy đỡ tủi. Frisella vừa hớt tóc, cạo râu cho lão, vừa nửa đùa nửa thật, giễu giễu như thường lệ:

– Có lẽ bữa nay “ông lớn” đi Palermo thăm “bà nhỏ”? Hay là bữa nay “ông lớn” sửa sang sắc đẹp để đón tiếp “ông bự” từ Rome về chơi. Thằng Frisella này rất lấy làm hân hạnh được góp phần “trang trí” cho ông lớn đặng ra mắt “Quốc vương” sắp vinh qui bái tổ.

Pisciotta hình dung ra cảnh ông già nghe nói thế, tuy không nói gì, nhưng tủm tỉm cười coi bộ khoái chí. Thằng cha thợ hớt tóc cứ thì thào bên tai lão:

– Bữa này nom lão gia phởn quá, chẳng khác gì một nhà quí phái cỡ bự, thứ chính hiệu “máu xanh”, có gốc, có củ đàng hoàng.

Frisella nói rồi làm bộ cười vô tội. Ông già của Guiliano sướng phổng mũi khi con lão nổi tiếng đến nỗi được dân thị trấn gọi là “Quốc vương Montelepre”. Hoặc giả, Frisella nghe phong thanh cái tin Guiliano về, nhưng chưa chắc chắn, nay thấy lão già hớt tóc, mặt mũi coi bộ mãn nguyện, phối hợp hai cái đó thì thấy ngay.

Mỗi ngày Maresciallo đều tạt qua tiệm hớt tóc của Frisella để cạo mặt. Hầu như giữa lão và Frisella không trò chuyện gì nhiều để có thể nói là họ báo tin cho nhau. Nhưng Pisciotta tin là có. Y cho mấy tay do thám lê lết suốt ngày ở tiệm hớt tóc. Lúc tán dóc, lúc đánh bài với Frisella ở cái bàn kê phía ngoài chỗ hớt tóc. Họ nhậu nhẹt, tán phét chính trị, và ới lên mỗi khi có bạn thân đi ngang.

Suốt tuần lễ như vậy, các tay do thám thâu lượm thêm được một số tin tức. Nếu không tán hươu tán vượn với khách hàng, thì Frisella cũng huýt sáo miệng theo điệu của một bài hát mà gã rất khoái. Hoặc gã sẽ vặn thật lớn cái ra – đi – ô của gã. Nhất là khi có Maresciallo tới. Trong khi ra – đi – ô đang nói, đang hát lớn, thì gã ghé sát tai Maresciallo để “báo cáo tin tức”. Nếu không để ý thì chỉ thấy gã thì thầm trò chuyện cũng như thì thầm trò chuyện với khách hàng khác. Nhưng một trong những tay do thám của Pisciotta đã vớ được cuốn sổ tay Maresciallo ghi trả tiền công “cạo mặt” cho gã. Họ để ý thấy Maresciallo ghi xong, Frisella cất kỹ vào túi áo trong của áo vét, bên ngoài lại mặc áo blu trắng. Khi các tay do thám vặn hỏi và đòi gã cho coi cuốn sổ ấy, họ đã thấy con số ghi lên đến mười ngàn lire. Tên thợ hớt tóc thề sống thề chết rằng đó là tiền công gã cạo râu hớt tóc cho Maresciallo trong mấy tháng trời. Các tay do thám làm bộ tin lời gã nói.

Pisciotta đưa ra những bằng chứng hiển nhiên cho Guiliano và cho cả Pasatempo, Terranova và cả Canio Sylvestro lúc đó cũng có mặt. Xem bằng chứng xong, Guiliano ra đứng ở mỏm đá nhìn xuống thị xã Motelepre.

Frisella – thợ hớt tóc là một phần của cái làm nên thị trấn Montelepre. Guiliano biết gã từ lâu. Hồi nhỏ, khi đến hớt tóc để lĩnh phép bí tích “Kiền thành”, Guiliano còn nhớ nó đã được gã tặng cho một đồng tiền mạ bạc để làm kỷ niệm. Hắn cũng quen biết cả vợ con gã. Mỗi khi đi ngang, trông thấy hắn, gã đều lớn tiếng gọi và hỏi thăm ông bà già hắn.

Bây giờ, Frisella phạm luật Omerta. Gã đã bán bí mật cho kể thù. Gã làm chỉ điểm có ăn lương của cớm. Tại sao gã lại ngu muội đến thế? Guiliano phải đối xử với gã ra sao đây? Giết một thằng cớm tại chiến trường là một việc. Lạnh lùng xử tử một người vào hàng cha chú mình và chính mình cũng quen biết lại là chuyện khác. Turi mới chỉ là hai mươi mốt. Đây là lần đầu tiên hắn phải quyết định một sự thanh toán độc ác, lạnh lùng, nhưng cần thiết. Để giải quyết hậu hoạn có tầm mức hết sức quan trọng và rộng lớn. Luật Omerta.

Nó quay trở vào họp với mấy người kia.

– Frisella biết rõ tao từ hồi tao còn nhỏ xíu. Hắn thường cho tao nước chanh đá. Mày nhớ không, Aspanu? Có thể là hắn chỉ bép xép mách lẻo. Không phải là làm chỉ điểm ăn tiền. Giá như có người – ông bà già tao chẳng hạn, nói rõ tao về ngày đó ngày đó, rồi hắn đến tâu với bọn cớm thì nó đi một lẽ. Có thể hắn mới chỉ đặt giả thuyết và bọn cớm thưởng nó. Có ai đồng ý vậy không?

Passatempo nhướn đôi mày him híp, ti hí của gã lên, nhìn Guiliano như thể con sói lang nhìn sát con sư tử xem có an toàn khi nhào vô cắn xé cái xác ấy.

Terranova nhè nhẹ lắc đầu mỉm cười như thể hắn đang nghe con nít kể chuyện thần tiên. Chỉ có Pisciotta nói thẳng thừng.

– Đ.m, hắn có tội rõ ràng. Cũng như thầy tu đi chơi đĩ vậy!

– Mình có thể cảnh cáo hắn, – Guiliano nói, – Mình có thể kéo hắn về phía mình. Dùng hắn để tung tin giả cho bọn cớm?

Ngay lúc nói như vậy, hắn đã biết là đã trật búa rồi. Không thể nào tỏ thiện chí được nữa. Pisciotta tức giận nói:

– Sao không tặng quà cho hắn luôn thể. Một bao lúa và một chục con gà? Turi, sự sống của mày cũng như sự sống của tụi tao tùy thuộc và sự can đảm, ý chí của mày, sự phán đoán của mày, sự lãnh đạo của mày. Làm sao tao dám theo mày nữa khi một thằng phản bội như Frisella mà mày cũng tha thứ?

Một thằng phạm luật Omerta! Nếu là bọn “Người anh em”, chúng chẳng cần đến bằng chứng như mình đâu, chúng đã moi gan, móc ruột thằng đó phơi lên sào coi chơi rồi. Nếu mày cứ để nó sống thì tất cả những thằng phản bội khác sẽ nghĩ: “Bán tin, phản bội một lần thì chưa bị trừng phạt”, mà có khi chỉ “một lần” là mình đã “tắt bóng” rồi.

– Frisella là một thằng hề ngu xuẩn, – Terra nói, – Một thằng phản bội, lừa bịp và tham lam. Lúc bình thường, nó làm hại một làng. Nhưng, bây giờ hắn trở nên rất nguy hiểm rồi. Tha thứ cho hắn là một sự liều lĩnh, không khôn ngoan và nguy hiểm. Hắn không đủ thông minh để cải tà qui chính đâu. Có thể hắn nghĩ bọn mình không phải những người đàng hoàng, chín chắn. Và như vậy, những đứa khác cũng sẽ bắt chước. Turi anh phải dứt điểm với bọn “Người anh em” đi, ít nhất là ở Montelepre này. Thằng cha Quintana – người của tụi nó – hoạt động rất cẩn thận, mặc dù hắn nói năng này nọ, không thân trọng, không khôn ngoan. Nếu anh không trừng trị Frisella, hoặc trừng trị bằng cách khác hơn là cái chết thì bọn “Người anh em” sẽ nghĩ là anh yếu. Chúng sẽ lấn mình. Chúng sẽ nắm gân mình mạnh hơn nữa. Bọn cớm sẽ trở nên táo bạo hơn, ít sợ hơn. Và do đó, trở nên nguy hiểm hơn. Thậm chí, có thể ngay cả dân thị trấn này cũng sẽ nghĩ không hay về anh. Do đó, không thể để Frisella sống!

Y nói câu cuối cùng này như thể có vẻ hối tiếc. Guiliano dáng tư lự và khẽ lẩm bẩm: “Có lý”. Hắn đọc được ý nghĩ của Passatempo qua cái nhìn của gã. Hắn hiểu được tâm tư của người khác. Passatempo sẽ không còn có thể tin cậy được nữa nếu Frisella được để cho sống. Không thể trở lại cái thời các hiệp sĩ của Charlemagne. Không thể đường đường chính chính và quân tử với bọn địch thủ tối nguy hiểm chúng dùng bất cứ thủ đoạn nào. Bất cứ lúc nào để chơi cho mình tiêu luôn mới nghe. Phải xử tử thằng Frisella, nhưng nếu đã thế thì phải xử tử thế nào để gây ra sự kinh khiếp nhất, dữ dội nhất cho các đối thủ.

Guiliano đã có ý định. Nó quay ra hỏi Syvestro.

– Anh nghĩ sao? Chắc chắn Maresciallo đã nói với anh về các chỉ điểm viên của lão ta. Vậy thì thằng thợ hớt tóc có đáng chết không?

Canio Sylvestro ậm à không nói. Mặt lạnh như tiền. Mấy người kia đều hiểu ngay lý do gã không nói. Không phản bội người trước kia đã tin cậy mình. Đó là vấn đề danhd ự. Và cũng không muốn nói dối. Như vậy, sự im lặng của gã là gián tiếp xác nhận thằng thợ hớt tóc là có tội làm lính kín cho Maresciallo. Tuy nhiên, Guiliano vẫn muốn tìm cho bằng được sự chân xác, chắc chắn. Hắn mỉm cười quay sang Sylvestro:

– Bây giờ là lúc anh có thể chứng tỏ lòng trung thực với tụi này. Ta sẽ cùng đi về Montelepre. Và chính tay anh sẽ xử tử thằng thợ hớt tóc ngay tại quảng trường thị trấn.

Aspanu kinh ngạc trước sự sâu hiểm của thằng bạn mình. Guiliano luôn luôn làm cho nó ngạc nhiên. Hành động mã thượng, nhưng vẫn luôn dăng được những cái bẫy tinh tế, khéo léo, chắc ăn không thua gì Iago (1). Qua vụ Frisella, nó sẽ biết bụng dạ thầy cai. Có đáng tin cậy, có biết chơi đẹp hay không? Biết chắc chắn thằng thợ hớt tóc có tội, mà đồng thời Sylvestro vẫn bảo toàn được danh dự, không phản bội người đã tin cậy mình. Nếu gã không nắm chắc Frisella có tội, gã sẽ không khi nào xử tử, dù hậu quả ra sao. Nhưng khi gã chịu tự tay xử tử thằng kia thì mọi sự đã rõ ràng. Pisciotta thấy môi Guiliano hình như phác một nụ cười. Nếu thầy cai không chịu xử tử thằng thợ hớt tóc, thì hắn có bằng chứng chắc chắn để coi Frisella là vô tội. Và do đó hắn sẽ tha chết cho bọn kia.

Bộ ria mép nháy nháy, thầy cai nhìn mấy đứa kia:

– Thằng Frisella hớt tóc ngu thấy bà. Chỉ chừng đó cũng đáng chết rồi. Tôi sẵn sàng thi hành án tử nó ngay ngày mai.

Lúc rạng đông, Guiliano, Pisciotta và ông “cựu” hạ sĩ cớm Sylvestro kéo nhau xuống Montelepre. Trước đó khoảng một giờ, Passatempo đã kéo bộ hạ của hắn đi “nằm đường” chặn lối vào thị trấn và các ngã rẽ vào quảng trường. Terranova thủ trại, đồng thời chuẩn bị một toán tiếp viện nếu trong thị trấn bị trục trặc lớn. Guiliano và Pisciotta vào đến quảng trường thị xã thì trời hãy còn sớm. Đường phố trải sỏi và chật hẹp ướt đẫm sương đêm. Một vài đứa trẻ đã chơi đùa trên sân khấu, chỗ con la và con lừa “gieo nọc” trước ngày định mệnh ấy. Guiliano bảo Sylvestro đuổi mấy đứa trẻ đi chỗ khác chơi, để chúng khỏi nhìn thấy những gì sắp diễn ra. Sylvestro làm bộ mặt “ba bị”, mấy đứa trẻ sợ hãi chạy tán loạn như bầy gà con. Thằng thợ hớt tóc cứ tưởng chúng “mời” lão điền chủ. Hắn cởi tấm vải trắng choàng trên người lão điền chủ, miệng cười mỉm, xảo quyệt như thể hắn muốn tặng cho chúng một món quà. Lão điền chủ, một nông dân Sicilia đã già. Lão đã làm giàu trong thời kỳ chiến tranh nhờ chợ đen, chợ đỏ khoản lương thực của quân đội Mỹ. Lão hiên ngang đứng dậy. Nhưng, Pisciotta đã ra hiệu cho lão đứng dẹp ra một bên. Nó nhăn răng ra cười, rồi nói:

– Lão không đủ tiền để làm khách mời của tụi này đâu. Nhưng, với tụi này thì lão khỏi lo.

Guiliano hết sức cảnh giác và nhìn chòng chọc vào tên thợ hớt tóc, tay gã vẫn cầm cây kéo.

– Để kéo xuống đi. Tụi này mời ông đến một nơi, ở đó ông khỏi phải làm nghề hớt tóc nữa. Thôi, nào ta đi.

Frisella đặt cây kéo xuống bàn. Cái mặt hề của gã bỗng nhăn nhúm, vì cố nặn ra một nụ cười mà không được.

– Turi, sáng sớm, vừa mở cửa tiệm thì làm gì đã có tiền. Tôi là một người nghèo.

Pisciotta nắm lấy mớ tóc gã, lôi ra khỏi tiệm và đẩy đi ra phía quảng trường, nơi Sylvestro đang đứng đợi. Frisella cảm thấy đầu gối muốm sụm xuống. Gã bắt đầu kêu la:

– Turi, Turi, tôi hớt tóc cho anh từ lúc anh còn bé, anh không nhớ sao? Vợ tôi sẽ chết đói, con tôi đang bị bệnh đau đầu… Trời ơi!

Pisciotta thấy Guiliano có vẻ mủi lòng, nao núng. Y đá tên thợ hớt tóc và nói:

– Lúc đi báo tin cho bọn cớm, sao mày không nhớ đến vợ, con?

– Không bao giờ tôi cho Maresciallo tin tức về Guiliano. Chỉ có báo tin về mấy thằng ăn trộm cừu. Tin vặt ấy mà. Tôi xin thề trên đầu vợ con tôi.

Guiliano nhìn xuống đất. Hắn cảm thấy như tan nát cả cõi lòng. Cái mà suýt nữa hắn làm có thể sẽ hủy diệt cuộc đời hắn, nhưng hắn đã kịp nói một cách dịu dàng:

– Ông có một phút để ăn năn tội và làm lành cùng Chúa.

Nhìn vào ba người đang đứng vây quanh, Frisella chẳng thấy một tên nào động lòng trắc ẩn. Gã cúi đầu xuống thì thầm cầu nguyện. Rồi, ngẩng đầu lên, gã nói với Guiliano:

– Đừng để vợ con tôi chết đói.

– Tôi hứa sẽ không để họ phải chết đói.

Guiliano quay sang phía Sylvestro, ra lệnh:

– Phơ đi!

Thầy cai nhìn cảnh ấy, lòng thấy bàng hoàng. Nhưng, gã đã lảy cò. Viên đạn hất ngược, thằng thợ hớt tóc nảy tung lên, rồi té nằm sóng soài ra mặt đường đá. Giẫy giụa một hồi. Máu hòa với nước đọng trên vũng. Từ trong các kẽ đá, mấy con tắc kè nhỏ bò ra liếm máu. Quảng trường lặng như tờ. Pisciotta quì xuống cạnh xác Frisella lúc này xuội lơ và ghim lên ngực hắn mảnh giấy.

Khi tới nơi, Marescialo thấy vẫn y nguyên như vậy. Hỏi người bán tiệm, lão nói lão chẳng thấy gì. Lúc đó lão đang ở đằng sau nhà. Hoặc người ta đang nhìn đám mấy trên núi. Khách hàng của Frisella thì khai lúc mấy người vào bắt Frisella, thì lão đang gục mặt vào thau nước nên không nhìn thấy mặt những tên sát nhân. Dù vậy, lão vẫn bị buộc tội. Mảnh giấy ghim trên ngực Frisella ghi hàng chữ: “Kẻ nào phản bội Guiliano cũng sẽ bị chết như thế này”.

(1) Iago: nhân vật trong vở kịch Othello của Shakespeare, một tay giết người rất tàn bạo, rất đa nghi, có lối giễu cợt, “bẫy” người khác một cách thâm độc (N.D)

Bình luận