Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sicily – Miền Đất Dữ

Chương 17

Tác giả: Mario Puzo

Michael và Adonis quay trở lại tòa biệt thự, ngồi dưới gốc cây chanh với Peter Clemenza: Michael nóng lòng muốn đọc bản chúc thư. Nhưng Adonis nói ông ta phải chờ Andolini đến để chở ông về Montelepre gấp. Michael cũng chờ Andolini xem gã có tin tức gì nói cho hắn không.

Một giờ trôi qua. Giáo sư Adonis nhìn đồng hồ. Ông có vẻ bồn chồn bứt rứt, lo lắng.

– Có thể xe bị hư chăng, – Michael nói, – chiếc Fiat ấy coi bộ cũng rệu rạo lắm rồi.

– Andolini có trái tim của tên sát nhân. Nhưng lại có tác phong lịch sự, đúng giờ của nhà quí tộc. Và đáng tin cậy. Tôi sợ rằng nếu lão ta đến trễ một tiếng đồng hồ, thì có nghĩa là có cái gì đấy trục trặc rồi, không ổn dữ rồi. Tôi phải có mặt ở Montelepre ít nhất trước giờ giới nghiêm.

– Thưa ngài giáo sư, – Peter Clemenza trịnh trọng nói, – Ông anh của tôi, Domenic có thể cho giáo sư mượn xe. Và cả tài xế luôn.

Ông Adonis suy nghĩ một chút, rồi trả lời:

– Không, cám ơn ông bạn. Tôi phải đợi. Tôi gặp lão đã, đó là một điều cực kỳ quan trọng.

– Ông có ý kiến gì khi chúng tôi đọc chúc thư ấy, – Michael hỏi. – Làm thế nào để mở được bức tượng ấy?

– Dĩ nhiên là đọc được, mà chẳng cần tôi có mặt làm chi. Còn mở bức tượng ấy thì chẳng phải mộng, mẹo gì đâu. Bức tượng ấy làm bằng gỗ cực tốt. Đầu bức tượng ấy rời. Chỉ cần tháo cái đầu ra. Nếu anh thấy khó đọc thì tôi sẵn sàng giúp anh. Anh cứ bảo một người của anh đến cho tôi biết, tôi sẽ đến ngay.

Michael và Peter Clemenza đi lên ngay phòng ngủ của Michael. Kể từ lúc nhận được từ tay bà Maria Lombado, bức tượng vẫn nằm trong áo jaket của Michael. Hắn hầu như quên hẳn bức tượng. Cả hai đều nhìn vào bức tượng Đức Thánh Nữ Đồng Trinh vừa được lôi ra khỏi túi. Sắc thái của bức tượng thì đúng là sắc thái châu Phi. Nhưng nét diễn tả cũng giống với nét diễn tả của những bức tượng mà mọi gia đình nghèo ở Sicily đều có. Bức tượng nặng đến nỗi không ai ngờ là nó rỗng ruột.

Peter Clemeza ra phía cửa sổ nói vọng xuống bảo mụ già đem lên cho lão cái khăn lau. Mụ đi lên, chỉ thò cái đầu vào cánh cửa mở hé, nhìn vào phòng, rồi chìa cái khăn cho Clemenza. Lão đứng chắn ngay ở cửa để ngăn ngừa mọi sự nhòm ngó hoặc bất ngờ nào.

Michael cầm bức tượng. Hai tay Michael nắm chặt đế tượng. Cánh tay vạm vỡ của Clemenza xoay mạnh một cái đầu, đầu bức tượng rời ra và lăn lông lốc trên sàn nhà. Một tập giấy mỏng bọc trong miếng da cừu non lòi ra khỏi ruột tượng. Tập giấy khoảng mười lăm tờ giấy mỏng chi chít chữ viết bằng mực đen. Mỗi trang đều có chữ ký nguệch ngoạc của Guiliano. Cũng có một tài liệu có con dấu của chính quyền, những bức thư trên ấy chỉ có tiêu đề của cơ quan nhà nước, một tờ giấy có chứng thực của chưởng khế. Michael dùng bức tượng và tấm giẻ lau đè các mép tờ giấy bị uốn cong ra. Sau đó, hắn trịnh trọng rót hai ly rượu, một cầm lên tay, một trao cho Clemenza.

Họ uống và cùng đọc bản chúc thư đó. Phải mất gần hai giờ đồng hồ mới xong.

Michael kinh ngạc khi thấy Guiliano còn trẻ như vậy, có lý tưởng cao cả như vậy, mà đã phải trải qua những kinh nghiệm, những cạm bẫy lừa lọc xảo quyệt như vậy, với sự hiểu biết kinh nghiệm bản thân rất phong phú và sâu sắc về cái thế giới cạm bẫy, lừa lọc, phản trắc, Michael đã có thể dễ dàng nhanh chóng hình dung ra đầy đủ những mưu sâu bẫy hiểm Guiliano đã dùng để đối phó với địch, để có thể ấp ủ, nuôi dưỡng, mưu đồ, kế hoạch chiếm đoạt và xây dựng quyền lực, hầu có thể thực hiện cái sứ mạng của mình. Michael cảm thấy lòng tràn ngập nỗi sung sướng được gặp người đồng điệu, được góp phần mình vào sự giải thoát Guiliao. Trong phút chốc, những háo hức, nôn nóng trở về nhà của Michael đã bị nỗi sung sướng ấy làm tan biến như làn sương mai tan biến dưới ánh mặt trời.

Trong bản chúc thư này, những gì Guiliano nói về những hoạt động của mình trong thời gian sống ngoài vòng pháp luật thì chẳng có gì đáng kể lắm. Nhưng, những tài liệu dẫn chứng thì thật động trời và kinh khủng. Tài liệu ấy chắc chắn quất sụm tức khắc chính phủ đương quyền của đảng Dân Chủ thiên chúa giáo. Mà ngay cả cái đảng này cũng bị “đo ván” luôn. Thân bại danh liệt là cái chắc. Tại sao bọn chính khách lại ngu xuẩn và điên khùng đến như vậy được. Michael kinh ngạc: một tờ giấy viết tay mang chữ ký của Hồng y giáo chủ Palermo. Một bức thư lời lẽ khốn nạn của bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi cho Ông Trùm Croce yêu cầu lão dập tắt cuộc biểu tình do cánh tả tổ chức ở Ginestra. Nhưng, khi sự việc xảy ra thì lại ngậm máu phun người, đạo đức giả, nước mắt cá sấu xót thương và to miệng hò hét lên án chống bạo động. Đặt mỗi sự kiện riêng rẽ thì mỗi sự kiện xem ra tầm thường, chẳng có gì đáng kể. Nhưng sắp đặt chúng vào chuỗi liên hệ với nhau, thì lập tức những sự kiện ấy trở thành một hòn núi tội ác khủng khiếp đập vào mắt người ta. Cũng có cả bức thư của hoàng thân Ollorto – nhân vật đáng kính, quyền thế cùng mình, tiền bạc như rừng như biển – đã tán dương Guiliano bằng những lời hoa mỹ, nồng nhiệt. Ngài đảm bảo với hắn rằng tất cả những nhân vật chóp bu trong chính quyền đã đảm bảo với ngài là họ sẽ làm tất cả để miễn xá cho hắn và thỏa mãn tất cả những gì hắn yêu cầu, chỉ với một điều kiện: hắn tiếp tay để họ nắm chính quyền trong cuộc bầu cử. Hoàng thân cũng cho biết có sự giao hảo mật thiết với ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Và chính ngài bộ trưởng cũng nhất trí với hoàng thân. Cũng có cả bản chụp kế hoạch hành quân do bộ tham mưu tối cao cảnh sát phối hợp với Bộ Tổng tham mưu quân đội soạn thảo để tiêu diệt lực lượng và bản thân Guiliano, kế hoạch này đã được đổi lấy sự cộng tác của Guiliano nhằm triệt hạ cánh tả, giúp đảng Dân chủ Thiên chúa giáo nắm chính quyền.

– Thảo nào, cuộc hành quân dây dưa cả năm trời không xong, mặc dù chính phủ đã tung ra một lực lượng hùng hậu với đủ các binh chủng, – Michael nói, – lực lượng dàn ra chỉ là hỏa mù để che mắt và bịt miệng phe đối lập, chứ thực tâm họ muốn bắt Guiliano. Nhưng, đó mới chỉ là màn đầu của cạm bẫy. Nhưng, với những tài liệu này thì đúng là bọn chính quyền ngồi trên thùng thuốc súng mà ngòi nổ nằm trong tay Guiliano.

– Qua phải mang cái này đi Tunis ngay bây giờ mới được, – Già Peter Clemenza nói, – Nội nhật ngày mai, tài liệu này đã nằm trong tay Bố Già rồi!

Lão già nhét tài liệu vào ruột tượng, lấy đầu bức tượng ráp lại và bỏ bức tượng vào túi, rồi nói với Michael:

– Đi, nếu qua đi ngay bây giờ, thì sáng sớm mai qua đã lại có mặt ở đây rồi.

Họ đi ra khỏi biệt thự. Trước khi đi, Clemenza đã xem xét cái giẻ lau như thể xem có vết máu dính ở đó không, rồi ném vào bếp. Họ đi ra bờ biển và bất ngờ gặp Adonis đang đứng thẫn thờ ở đó. Stefan Andolini vẫn chưa tới.

Adonis đã tháo cà – vạt, cởi áo vét. Áo sơ – mi của ông đẫm mồ hôi mặc dù đã đứng dưới bóng mát của cây chanh và gió thổi hiu hiu. Hình như ông uống cũng hơi nhiều, vì chai rượu trên bàn đã cạn.

Ông ta chào Michael và Clemenza. Giọng thất vọng và lo âu:

– Những sự phản bội cuối cùng đang bắt đầu. Andolini đã trễ mất ba giờ đồng hồ rồi. Sự chậm chễ bất thường này là triệu chứng chắc chắn của thảm họa, của tội ác, của bội phản… Tôi đi Montelepre và sau đó đi Palermo ngay. Tôi phải tìm cách báo cho Guiliano biết ngay.

Peter Clemenza nói, giọng nửa đùa nửa thật:

– Ông già à, xe của gã đó có thể bị hư thiệt. Hoặc có thể bị trở ngại vì một công việc gấp gáp hơn chăng. Gã biết là ông giáo đang còn ở đây, bình yên vô sự và sẽ đợi. Cho nên gã bay bướm lả lướt với mấy ả ở Palermo chẳng hạn. Thì cứ ở lại đây với chúng tôi một đêm nữa, nếu ngày hôm nay gã chưa đến.

Nhưng Adonis vẫn lẩm bẩm nói như thể nói với riêng mình:

– Nhất định là có cái gì đó tệ hại lắm xảy ra… nhất định… tệ hại… nhất định…

Và ông Adonis đã yêu cầu Peter Clemenza cho xe chở ông ta đi. Clemenza đã cử hai người – một tài xế và một hộ tống – lái chiếc Alffa Roméo chở ông Adonis đi Palermo. Lão nói với hai người của lão phải làm sao để xe quay về nhà trước khi trời tối. Cấm lang bang, la cà nơi nào.

Họ đưa giáo sư Hector ra tận xe và nói ông đừng lo lắng gì. Chúc thư sẽ được gửi đi Hoa Kỳ. Nội trong hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa, nó sẽ nằm trong tay Bố Già. Và lập tức, Guiliano sẽ được an toàn ngay thôi. Chiếc xe chạy vút ra cổng. Già Clemenza và Michael đi ra phía cầu tàu. Michael đứng nhìn Clemenza mở máy tàu và để lão đi một mình với đám người hộ tống. Lão nói với lại: “Sáng sớm mai qua đã có mặt ở đây rồi”. Michael tự hỏi sẽ làm gì, sẽ ra sao nếu bất ngờ Guiliano lại chọn đúng đêm nay để đến đây?

Sau đó, hắn ăn trưa. Sau bữa ăn, hắn nằm nghỉ. Sau đó đi dạo một mình ngoài bờ biển. Xế chiều, mặt biển thẫm hơn. Và, phía ngoài tít mù khơi – Michael dự đoán – có lẽ là châu Phi. Hắn có cảm tưởng như ngửi thấy mùi hương hoa rừng và mùi dã thú. Hắn đứng trên bờ biển, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và cảm nhận yên bình của một đêm Sicilian. Hắn bỗng cảm thấy dạt dào lòng ái ngại cho những kẻ đang lao vào những cuộc hành trình gian nguy, hiểm nghèo. Guiliano trong hang núi, Pisciotta – với tấm khiên mỏng manh và mảnh giấy thông hành đặc biệt, có sọc đỏ, do bộ trưởng Tư pháp ký – đang đi dây giữa hai bên đều là kẻ thù. Adonis và Andolini, người nọ đang đi tìm người kia trên đường cát bụi mịt mù. Peter Clemenza đang bồng bềnh trên sóng nước biển xanh. A, già Domenic, đi đâu mà trưa này lại không ăn cơm ở nhà nhỉ?

Tất cả những người đó chìm khuất trong bóng của xứ Sicly. Khi họ xuất hiện thì có lẽ sự sống, chết của Guiliano đã rõ ràng.

Bình luận