Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sicily – Miền Đất Dữ

Chương 25

Tác giả: Mario Puzo

Đang ngủ say bỗng Michael Corleone giật mình tỉnh dậy. Tưởng như mình bị hất tung ra khỏi một cái hố. Phòng ngủ tối om. Hắn đóng chặt cái cửa sổ để ngăn ánh trăng lọt vào. Không một tiếng động, ngoại trừ tiếng trống ngực của hắn đập thình thịch. Hắn không cảm thấy có sự hiện diện của một ai trong phòng.

Hắn tỉnh giấc, nhưng nằm trằn trọc trên giường. Hắn thấy hình như có một cái gì đen đen ở phía cửa. Hắn với tay bật đèn ngủ ở đầu giường. Cái vật đen đen ấy là cái đầu bức tượng Đức Thánh Mẫu bằng gỗ mun mà bà Maria Lombardo tặng hắn. Và cũng chính trong ruột bức tượng quý có bản chức thư – hay là bửu bối an toàn của Guiliano. Hắn nghĩ, có lẽ cái đầu ấy rớt từ trên bàn xuống. Và tiếng động ấy làm hắn giật mình. Hắn nằm duỗi thẳng cẳng và mỉm cười. Đúng lúc đó, hắn thấy tiếng kẹt cửa nhè nhẹ. Hắn quay nhìn về hướng đó. Trong ánh sáng vàng vọt, lờ mờ hắt ra từ chiếc đèn ngủ, hắn thấy lờ mờ khuôn mặt hốc hác, trơ xương của Pisciotta.

Y ngồi tựa lưng vào cánh cửa. Bộ ria mép nháy nháy. Y toét miệng cười không thành tiếng. Cái cười của một kẻ chiến thắng. Như thể hắn nói: “Đ.m. canh phòng, bảo vệ, an ninh nơi ẩn trú như vậy mà cũng đòi đảm bảo an toàn cho Guiliano. Lo cho mình còn cóc ra gì mà cũng ra vẻ, học đòi làm nghĩa hiệp”. Michael nhìn đồng hồ đeo tay để trên bàn ngủ 3 giờ đêm.

– Giờ giấc của anh bạn cũng lạ nhỉ. Anh bạn chờ cái gì vậy?

Michael vừa hỏi, vừa vội vã đứng dậy mặc quần áo và tức tốc mở cửa sổ. Ánh trăng lọt vào phòng. Bóng cây bên cửa sổ khẽ lay động làm cho bóng của nó in trên nền phòng và nền trời lấp loáng như bóng ma.

– Sao anh bạn không đánh thức tôi dậy? – Michael hỏi tiếp.

– Tôi thích quan sát người khác đang ngủ. Đôi khi, trong lúc mơ ngủ, người ta vô tình thổ lộ những bí mật. Nổi nóng, nhưng Michael vẫn cố bình tĩnh:

– Khỏi lo. Chưa bao giờ thằng này tiết lộ bí mật. Kể cả trong lúc nó ngủ mơ.

Cả hai bước ra sân thượng. Michael chìa bao thuốc ra mời Pisciotta. Hai người cùng lặng lẽ kéo khói. Michael nghe thấy tiếng khò khè và tiếng húng hắng khô khan của Pisciotta. Dưới ánh trăng mờ ảo, khuôn mặt hốc hác, lợt lạt của hắn nom càng dễ sợ. Vẫn im lặng. Thình lình, Pisciotta lên tiếng.

– Anh bạn nhận được bản chúc thư chưa?

– Rồi.

– Mẹ kiếp, thằng Turi tin tôi hơn bất cứ ai trên đời này, – Pisciotta thở dài, – nó tin đến cái mức dám phó thác cả sinh mệnh của nó cho tôi. Hiện nay, tôi là người duy nhất biết nó đang ở đâu. Đ.m, thế mà trong vụ chúc thư, nó lại đếch tin tôi. Anh bạn có cái chúc thư đó ở đây không Michael ngần ngừ. Pisciotta nói:

– Xin lỗi, anh bạn cũng đếch khác gì thằng Turi.

– Chúc thư đã được gửi đi Mỹ. Giờ này có lẽ nó đang nằm trong tay ông già tôi.

Michael không muốn cho Pisciotta – cũng như cho bất cứ ai – biết hiện bản chúc thư đang trên đường đi Tunis. Michael rất sợ phải nghe câu hỏi kế tiếp mà theo hắn, đó là lý do duy nhất khiến Pisciotta mò đến đây vào giờ này, với cung cách lén lút như thế này. Chỉ có lý do đó mới đủ mạnh để khiến y phải liều mạng vượt qua sự canh gác nghiêm ngặt, cẩn thận của toà biệt thự này. Hay là y đã được để cho đi qua? Có thể là Guiliano sắp xuất hiện hay đã xuất hiện ở đây, không chừng. Nhưng chưa tiện ra mặt.

– Khi nào Guiliano tới đây? – Michael hỏi.

– Tối mai. Nhưng không phải ở đây.

– Tại sao lại không phải ở đây? Ở đây an toàn…

Nhưng Michael chợt thấy mình đã nói sai. An toàn mà Pisciotta lọt vào được mà không bị phát giác. Hắn nói mới nửa câu rồi im. Pisciotta cười:

– An toàn của anh bạn! Rõ chán! An toàn mà tôi lọt vào được đến tận đây. Êm re. Phải vậy không?

Michael tức giận, vì quả là thế. Nhưng hắn lại tự hỏi phải chăng chính Domenic Clemenza đã ra lệnh cho bọn canh gác để hắn đi qua. Thậm chí, chính già Domenic đã dắt hắn đến tận phòng của mình. Nếu không, sao hắn biết phòng của mình.

– Guiliano quyết định như vậy hay sao? – Michael hỏi.

– Không, chính tôi quyết định giùm nó. Anh đã hứa với gia đình nó là đảm bảo an toàn cho nó. Nhưng thằng già dịch Croce đã biết anh bạn ở đây. Và như vậy thì thằng cớm chúa – thanh tra Velardi – cũng biết. Gián điệp nhan nhản. Hỏi thật: anh bạn định dựng vở như thế nào cho Guiliano? Một đám cưới nhé, hay là bữa tiệc sinh nhật? Hay một đám ma? Anh bạn đã chỉ nói với tụi này toàn những điều tào lao, điên khùng. Chi vậy? Bộ tưởng qua được mắt tụi này sao chứ? Bộ anh bạn nghĩ tụi này cũng như lũ lừa ở Sicily sao chứ?

– Cũng đếch cần phải úp mở, rào đón lôi thôi gì hết. Nói thẳng cho anh bạn hay. Tôi sẽ đếch bao giờ nói cho ai hay – ngay cả cho chính anh bạn, thậm chí cả Guiliano, cũng vậy – cái kế hoạch đào thoát của tôi. Tin hay không là tuỳ anh bạn. Tin thì đến. Đếch tin thì thôi. Cứ đòi tôi cho biết kế hoạch thì – xin lỗi – khỏi? Anh bạn cứ nói chỗ của Guiliano đang ẩn náu. Còn làm thế nào để đem hắn đi là phần của tôi. Miễn sao an toàn là được. Hay là không nói, cũng được. Nói rõ: bản thân tôi rất muốn giúp anh bạn Guiliano tới nơi tới chốn. Bằng an, vô sự. Nhưng anh bạn không tin thì cũng đành chịu. Và nếu anh bạn không nói thì ngay tối mai, tôi đã ở trên đất Mỹ với ông bà già tôi rồi. Trong khi đó mấy bạn vẫn cứ bị tụi nó rượt té cứt ra.

– Anh bạn nói y như một thằng Sicllian thứ thiệt, – Pisciotta cười. – Mấy năm trời anh bạn ẩn náu ở đây thật không uổng chút nào. – Y thở dài. – Tôi [bad word] tin là mọi sự như vậy đâu, [bad word] tin đó là đã xong, đã ổn đâu. Trong gần bảy năm trời, tụi này vừa đánh vừa chạy. Quen rồi. Có té cứt thì bây giờ cũng đếch còn cứt để mà té nữa. Chạy, để khỏi bị phản bội và bị giết. Đó là lúc tụi này là vua của vùng Montelepre. Cứ kể ra thì bấy nhiêu đó cũng là vinh quang, danh giá chán. Chứ sao? Bao phen cớm lớn, cớm bé, cớm già, cớm trẻ ở vùng này khiếp vía, co vòi vì tụi này rồi. Phải công nhận Turi là người có lòng nhân hậu và có trí lớn. Tôi thì chỉ lo, chỉ nghĩ đến mình. Còn nó chỉ lo, chỉ nghĩ đến mấy thằng khố rách. Lúc đầu tôi cứ cho nó là nổi hứng lãng mạn, mơ mộng viển vông, lý tưởng hão huyền… Nhưng sau một năm sống ngoài vòng pháp luật, nó đã chứng tỏ cho tôi – và cho cả băng của tụi này – thấy là, quả thật, nó

chỉ quan tâm đến đám dân cùn mằn, khố rách đó thiệt. Và quan tâm hết mình nữa là khác. Tôi là phó tướng cận kề nó, là em họ nó, là người nó tin cậy nhất. Tôi cũng mang cái khóa dây lưng bằng vàng chạm nổi chim phượng hoàng và sư tử. Giống y của nó. Nó cho tôi đấy. Ấy vậy mà khi tôi dụ con nhỏ, con của một thằng cha nông dân ở Partinico, làm cho con nhỏ này một bụng, ông già con nhỏ mách nó, anh bạn biết nó làm gì không? Mẹ kiếp, nó trói tôi vào gốc cây và quất một trận nên thân. Tất nhiên, không quất tôi trước mặt ông già con nhỏ kia hay trước mặt đám bộ hạ. Nó vẫn giữ thể diện cho tôi. Không bao giờ nó tỏ ra thiếu kính trọng đối với tôi Đó là cái bí quyết giúp tụi này dám sống dám chết cho nhau như vậy. Nhưng nếu nó biết tôi không nghe lời nó một lần nữa thì, đ.m., nó dám giết tôi lắm. Đó, Turi của tôi như vậy đó.

Tay Aspanu kẹp điếu thuốc run run đưa lên miệng. Dưới ánh trăng mờ, bộ ria con kiến của y sáng lên, lấp lánh như một mảnh xương đen, mỏng, bóng láng dán vào môi. Michael trầm ngâm. Câu chuyện thật lạ lùng. Không lẽ y liều thình giữa bao nhiêu cạm bẫy hung hiểm chết người, đến đây vào giờ này để nói với mình chuyện này?

Hai người quay vào phòng ngủ. Michael đóng cửa lại Pisciotta cúi xuống, nhặt cái đầu bức tượng lên và trao cho Michael:

– Tôi liệng cái này xuống sàn đặng đánh thức anh bạn. Bản chúc thư đựng trong bức tượng này chứ gì?

– Phải.

Mặt Pisciotta sa sầm:

– Vậy mà Maria Lombardo cũng nói dối tôi nốt. Tôi đã hỏi bà có giữ bản chúc thư không. Bà ấy nói không. Thế mà chính bà trao cho anh bạn ngay trước mắt tôi. – Y cười chua chát. – Tôi chẳng khác gì con đẻ của bà. – Im lặng một chút, y nói tiếp: – Và, tôi coi bà chẳng khác nào mẹ đẻ của tôi.

Pisciotta hỏi xin một điếu thuốc khác. Trong vò còn ít rượu. Michael rót hai ly. Pisciotta làm gọn một hơi, ngon lành.

– Cám ơn anh bạn. Bây giờ mình phải bàn tiếp công việc. Tôi sẽ trao Guiliano cho anh bạn ở ngoại biên thị trấn Castelvetrano. Anh bạn hãy đến đó bằng chiếc xe mui trần, để tôi có thể nhìn ra anh bạn. Và anh bạn cứ khởi hành thẳng từ Trapani này. Tôi sẽ chặn anh bạn ở chỗ chúng tôi đã chọn. Nếu có gì nguy hiểm, anh bạn cứ đội mũ lên, chúng tôi sẽ không xuất hiện. Thời gian là lúc rạng đông. Anh bạn liệu được chứ?

– Ôkê. Xong ngay. Mọi sự ơn thoả. Có điều này tôi chưa cho anh bạn hay. Hôm qua, Stefan Andolini đã không đến như đã hẹn với giáo sư Adonis. Ông giáo sư tỏ ra rất bồn chồn, lo lắng.

Lần đầu tiên Michael thấy y giật mình. Nhưng, rồi gã trấn tĩnh và nhún vai:

– Ông già chim chích ấy chẳng mấy khi gặp trên. Thôi, bây giờ xin chia tay anh bạn. Cho đến ngày mốt, lúc rạng đông. Xong?

Y bắt tay Michaei. Michael buột miệng:

– Sao anh bạn không đi Mỹ cùng tụi này?

Pisciotta lắc đầu:

Cả đời, tôi đã sống ở Sicily. Và, tôi yêu đời lắm. Nếu cần phải chết, tôi cũng muốn được chết tại Sicily. Nhưng, dù sao, cũng cám ơn nhã ý của anh bạn.

Michael xúc động một cách kỳ lạ vì những lời này. Mới chỉ biết Pisciotta sơ sơ, nhưng Michael cũng cảm thấy y không thể sống thích hợp ở một nơi nào khác, ngoài miền núi non của Sicily. Y quá hung ác, quỷ quyệt tàn bạo và khát máu. Cho đến nước da, giọng nói của y cũng hoàn toàn “Sicilian”. Đặc biệt “Sicilian”. Không bao giờ y tin vào một con người xa lạ, một vùng đất xa lạ nào khác.

– Để tôi đưa anh bạn ra cổng, – Michael nói.

– Cám ơn, khỏi? Phải giữ kín tuyệt đối cuộc gặp gỡ này. Nghe!

Sau khi Pisciotta đi khỏi, Michael nằm trằn trọc trên giường cho tới sáng, không ngủ được. Những mộng mị, những ý nghĩ liên tiếp kéo theo ra sân khấu ý thức của hắn. Cuối cùng, thì hắn có thể gặp mặt Guiliano? Và cả hai cùng đi Mỹ? Hắn băn khoăn tự hỏi, khi gặp mặt liệu hắn có thể phát hiện ra chân tướng của Guiliano và tay này thuộc loại người nào không? Phải chăng Guiliano chỉ là một huyền thoại? Huyền thoại ấy lớn hơn chính cuộc đời thực của một con người có thực, đã thống ngự hòn đảo này và tác động đến dòng lịch sử của cả một quốc gia? Hắn nhổm dậy và đi ra phía cửa sổ. Bình minh hé rạng. Hắn nhìn mặt trời từ từ nhô lên khỏi chân trời, toả ánh vàng rực rỡ và làm thành một vệt sáng lớn trên mặt biển. Trông luồng ánh sáng đó, hắn thấy chiếc khinh tốc đỉnh đang rẽ sóng đi về phía cầu tàu. Hắn đi ra khỏi biệt thự, xuống bờ biển đến cầu tàu để đón Clemenza.

Hai người ngồi ăn sáng. Michael thuật lại cho Clemenza cuộc gặp gỡ với Pisciotta hồi đêm. Clemenza không tỏ ra ngạc nhiên về việc Pisciotta có thể xâm nhập toà biệt thự được canh gác cẩn mật như vậy. Họ để ra cả buổi sáng để sắp đặt kế hoạch đón gặp Guiliano. Chắc chắn có gián điệp theo dõi từng cử động của họ. Vậy thì một đoàn xe xuất phát từ biệt thự này thì khỏi nói, sẽ được gián điệp chăm sóc kỹ là khác. Tất nhiên, Michael lại càng được theo dõi kỹ. Đúng là lực lượng cảnh sát, an ninh của cớm chúa Velardi có thể sẽ không can thiệp. Nhưng, sự đời! Nếu biết chắc và biết trước được mọi sự thì ở đời làm gì có những vụ bội phản, lừa lọc? Và trong vụ này, ai biết được những bội phản, lừa lọc kiểu nào đang được sửa soạn. Mà đối tượng, biết đâu lại chẳng phải chính là Michael, chứ không phải là Guiliano. Biết đâu cái chết của Michael lại quá quan trọng đến nỗi các đối thủ không ngại tốn kém khi phải “dựng vở” một cách rộng lớn và hiểm hóc như vậy. Chỉ khi nào Michael đã an toàn trên đất Mỹ thì cái màn hoả mù này mới ngừng chăng?

Khi kế hoạch phác họa xong thì đã đến giờ ăn trưa. Sau đó, Michael đi ngủ. Hắn muốn ngủ bù đêm rồi. Peter Clemenza còn nhiều chi tiết phải sắp xếp và thực hiện trước cho xong. Lão ra lệnh cho bộ hạ của lão lo phương tiện chuyên chở và báo cáo lại cho ông anh Domenic chuyến đi của mình.

Michael đóng cửa sổ, lên giường nằm. Thân thể mỏi mệt, nhưng không sao ngủ được. Chỉ nội trong hai tư giờ qua mà có biết bao nhiêu việc dồn dập xảy ra. Đấu trí và cạm bẫy. Tung hoả mù và né tránh. Xuyên thấu tử địa để tìm lối thoát… Hắn có linh cảm về một kết thúc chẳng lành. Nhưng rồi hắn lại tưởng tượng ra cuộc trở về của mình. Tại Long Island, ông bà già hắn đang đứng ở cửa chờ hắn trở về. Cái thành tích “ghè” bể sọ thằng Thổ Sollorzo và cớm gộc Mc. Closkey đã khiến hắn phải lẩn lút sống lưu vong hai năm tại Sicily. Cuộc lưu vong này đã kết thúc. Hắn trở về để nhận quyền cai trị “đế quốc Corleone” do ông già hắn trao lại.

Bình luận
× sticky