Hai ông bà, mỗi người có một phòng riêng. Cả hai đều đã ngót bảy mươi, nếu không hơn. Tuy thế, họ vẫn cố tận hưởng mọi lạc thú cõi trần, dù rằng một chân đã mấp mé bên miệng huyệt. Ăn nói thế là mất dạy, tôi biết, nhưng trong thâm tâm tôi hoàn toàn chẳng muốn nói thế chút nào. Tôi chỉ muốn bảo: tôi nghĩ nhiều về ông thầy giáo già Spencer. Nhưng nếu nghĩ ngợi nhiều quá về ông, bạn sẽ lập tức thấy kinh ngạc sao ông ấy cứ sống mãi thế không biết?! Thì các bạn thấy đấy, lưng ông ấy đã còng gần sát đất, đi đứng thì chậm chạp, đến nỗi hễ đánh rơi cục phấn giữa lớp thì mấy đứa ngồi ở dãy bàn đầu phải lập tức cúi xuống, nhặt giúp và trao lại tận tay. Theo tôi, đã vậy thì còn sống làm quái gì! Nhưng nếu đừng quá bận tâm đến ông ấy, mà chỉ nghĩ qua quít thì hóa ra ông ấy ăn ở cũng chẳng đến nỗi tệ bạc lắm. Chẳng hạn, có lần, vào một ngày chủ nhật, ông ấy đã tự đứng ra thết tôi với mấy đứa nữa, mỗi thằng một cốc sôcôla nóng, rồi đem khoe với bọn tôi tấm chăn Anh điêng sắp nát mủn mà ông ấy với bà Spencer đã mua lại được của một anh chàng người Navaho, tại công viên Yellow Stone. Trông cũng biết ông ấy rất khoái chí vì đã mua được tấm chăn. Đấy, bây giờ hẳn các bạn hiểu điều tôi muốn nói về thầy Spencer rồi chứ? Nghĩa là ở ông già lụ khụ ấy còn có một con người thứ hai nữa, từa tựa như ông ấy. Thế nhưng ông già thứ nhất vẫn khoái chí như ai, vì đã sắm được một tấm chăn lạ mắt của người Anh điêng thuộc bộ tộc Navaho.
Cửa phòng ông Spencer vẫn để ngỏ, nhưng tôi vẫn gõ khẽ cho lịch sự. Tôi cũng nhìn thấy ông ấy hẳn hoi, thầy đang ngồi trong chiếc ghế xa-lông bọc da, rộng thênh thang, người quấn chặt trong tấm chăn tôi vừa kể kia. Ông già quay người lại, khi thoáng nghe mấy tiếng gõ khẽ.
– Ai đó? – Ông lớn tiếng hỏi – Cậu đấy hả Caulfield? Vào đi cậu bé, vào đi!
Giọng thầy vẫn oang oang như lúc giảng bài trên lớp. Nghe rất chối óc, thật đấy. Vừa bước vào là tôi đã ân hận ngay, chẳng biết ma quỷ nào xui mình mò tới đây. Ông đang xem tờ Atlantic Monthly, và nhìn đâu tôi cũng thấy bày la liệt nào thuốc viên, nào thuốc chai. Khắp phòng nồng nặc mùi thuốc nhỏ mũi để chống cảm lạnh. Tôi đâm buồn bã. Tôi, nói chung, không thích nhìn thấy cảnh đau ốm. Tôi càng rầu hơn nữa, bởi nhìn thấy ông già choàng chiếc áo ngủ cũ mèm, sờn rách, thảm hại hết chỗ nói, chắc ông ấy đã dùng nó từ lúc mới lọt lòng, thật đấy. Tôi vốn chúa ghét người già cả lúc họ thắng bộ áo choàng ngủ hoặc pijama. Tứ thời, họ toàn để phanh ngực, phô hết mấy chục chiếc xương sườn ọp ẹp. Lại cả những bộ giò dễ sợ của họ nữa chứ! Thì đã mấy ai được nhìn thấy một ông già nào ngoài bãi biển có bộ giò trơn tru, trắng trẻo, không một sợi lông chưa?
– Chào thầy! Em có nhận được thư thầy. Cảm ơn thầy nhiều lắm – Ông ấy có viết cho tôi một mẩu giấy, nhắn tôi đến chào từ biệt trước lúc về nghỉ đông. Ông già thừa biết tôi chẳng bao giờ thèm quay lại trường – Lẽ ra thầy không cần phải viết đâu. Vì đằng nào em chẳng đến từ giã thầy trước lúc đi hẳn?
– Ngồi xuống đây, chú bé – Thầy Spencer bảo, chỉ tay vào cái giường ngủ kề bên cạnh. Tôi ngồi xuống mép giường.
– Thầy đã đỡ chút nào chưa ạ?
– Em biết đấy, thầy mà thấy đỡ thì thầy còn cho đi mời bác sĩ làm gì? Ông già
Spencer tự giễu mình. Ông cất tiếng cười the thé, như một lão điên. Cười xong, ông già thở lấy hơi, rồi hỏi tiếp: – Này, sao cậu không đi xem đá bóng? Hôm nay nghe bảo là chung kết kia mà?
– Vâng. Nhưng em vừa mới từ New York về cùng đội đấu kiếm.
Khiếp, giường với chiếu! Đá tảng chắc cũng chả rắn bằng!
Rồi thầy đột nhiên nghiêm giọng, như một ông giáo khắt khe. Tôi biết trước sau gì rồi cảnh đó cũng sẽ tới.
– Nghĩa là cậu sắp giã từ chúng tôi đấy hả? – Thầy hỏi.
– Vâng ạ, đại để là thế.
Nghe tôi nói vậy, thầy lập tức lắc đầu triền miên. Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa từng thấy ai lắc đầu lâu đến thế. Không biết thầy ấy lắc đầu lắm thế là vì đang ngẫm nghĩ hay chẳng qua chỉ vì đã quá già. Hẳn quỷ sứ họa may mới hiểu!
– Thế tiến sĩ Thurmer đã nói gì với cậu chuyện này? Nghe bảo ông ấy đã trò chuyện với cậu suốt một buổi chiều, đúng không?
– Vâng ạ. Thầy ấy quả có nói chuyện với em. Nhưng em chỉ ngồi đằng phòng làm việc của thầy ấy chừng hai tiếng thôi, không hơn.
– Thế ông ấy nói những gì, Holden?
– Ồ… đủ thứ. Nào đời là một canh bạc lớn. Nào phải chơi thật trung thực, theo đúng luật lệ. Thầy ấy nói thao thao bất tuyệt. Nghĩa là chẳng có gì đặc sắc cả. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ mỗi một chuyện đời là một canh bạc lớn và vân vân. Gì chứ chuyện đó, em chắc thầy biết cả rồi?
– Nhưng đời quả tình là một canh bạc, chú bé ạ, và phải chơi cho thật đúng luật lệ.
– Vâng. Em biết những thứ ấy, em biết cả đấy.
Hừm! Ví thế mà cũng đòi! Bài với chả bạc! Nếu ở bên phía vận đỏ, thì ví đời là canh bạc, hay gì gì tùy thích cũng chả sao. Nhưng cứ thử đặt mình vào phía bên kia, bên vận đen? Lúc đó, xem đời có còn là một canh bạc nữa không? Chẳng giống nhau chút nào hết. Ví thế mà cũng đòi ví.
– Thế tiến sĩ Thurmer đã báo tin cho bố mẹ cậu chưa? – Thầy Spencer hỏi.
– Chưa ạ, thầy ấy định đến thứ hai mới viết thư.
– Còn cậu, cậu cũng chưa báo tin gì cho bố mẹ cậu à?
– Vâng, em chưa kịp báo tin gì, vì tối thứ năm này em đã có mặt ở nhà.
– Theo cậu, bố mẹ cậu sẽ tỏ thái độ gì khi nghe tin đó?
– Chắc… bố mẹ em sẽ giận lắm – tôi đáp – Có lẽ thế. Vì đây là lần thứ tư em bị đuổi học. Bây giờ thì chính tôi lắc đầu. Tôi quen thế rồi.
– Ái chà! – tôi nói. Đó cũng lại là một cái tật nữa: cứ kêu lên “Ái chà!” hoặc “Ối giời!” trước lúc nói. Phần vì tôi chưa tìm được những lời lẽ cần phải nói; phần vì tôi hay cư xử theo lối trẻ con. Hồi ấy tôi mười sáu, bây giờ thì đã mười bảy, nhưng lắm lúc tôi vẫn xử sự như mới mười hai, mười ba tuổi. Cư xử thế dĩ nhiên hết sức chướng mắt, nhất là vì tôi đã cao tới một mét bảy hai và tóc đã hoa râm. Thật đấy. Một nửa mái tóc, nửa bên phải, đã có tới cả triệu sợi bạc. Từ bé, vốn đã thế rồi. Vậy mà lắm lúc tôi vẫn xử sự như thể mới mười hai tuổi. Ai cũng trách tôi về khoản ấy, nhất là bố tôi. Nhưng chỉ đúng phần nào, chứ không đúng hoàn toàn. Thế nhưng thiên hạ thường ai cũng tưởng mình đi guốc trong bụng người khác. Tôi thì tôi nhổ toẹt vào chuyện đó, tuy rằng tôi rất buồn mỗi khi nghe thiên hạ răn dạy này nọ: phải xử sự cho ra vẻ người lớn một chút chứ! Chán vạn gì lúc tôi cũng đã cư xử như người lớn hẳn hoi, nhưng nào có ai thèm để ý đâu. Nói chung, họ chẳng bao giờ chịu để ý đến bất cứ điều gì.
Ông già Spencer lại lắc đầu. Vừa lắc đầu, vừa cho tay vào mũi ngoáy lấy ngoáy để. Thầy ấy làm như thể chỉ lau mũi qua quít, nhưng kỳ thực đã thọc cả một ngón tay vào ngoáy. Chắc thầy ấy tưởng chuyện đó chẳng sao hết, bởi lẽ ngoài tôi ra, trong phòng chẳng còn ai. Tôi thì cố nhiên, tôi chẳng chấp làm gì, tuy rằng tôi chúa tởm cái trò cứ thọc tay vào mũi mà ngoáy trước mặt người ta. Lát sau thầy lại lên tiếng:
– Thầy có hân hạnh là đã được tiếp xúc với bố lẫn mẹ cậu, khi hai ông bà đến đây gặp tiến sĩ Thurmer, dăm tuần trước đây. Bố mẹ cậu đều là những người hết sức quý hóa.
– Vâng, dĩ nhiên. Bố mẹ em đều rất tử tế ạ.
Quý hóa. Tôi không ghét gì bằng hai chữ đó. Tầm thường hết chỗ nói. Nghe ai nhắc tới nó là tôi thấy lợm giọng ngay. Nét mặt thầy Spencer vụt đổi khác, như thể thầy sắp thốt ra một điều gì rất thông minh, rất hay ho. Thầy rướn người, ngồi lại cho ngay ngắn hơn trước. Nhưng hóa ra tôi bị báo động nhầm. Thầy ấy chỉ cầm lên tờ tạp chí nằm trong lòng, và muốn quẳng nó sang cái giường cứng như đá. Nhưng ý định đó không kết quả. Cái giường chỉ cách chỗ thầy ấy đang ngồi chưa đầy năm tấc; thế mà thầy vẫn ném không tới. Tôi lại phải đứng dậy, nhặt giúp tờ báo đặt nó lên giường. Tôi bỗng muốn chạy ngay ra khỏi căn phòng cho nhẹ cái thân. Tôi cảm thấy sắp phải nghe một bài giảng đạo tồi tệ nhất. Ai muốn nói gì tùy thích, nói chung, tôi không phản đối. Nhưng tôi thấy thật quá quắt, nếu cứ phải ngồi nghe những lời giáo huấn mà chung quanh mình ngập ngụa toàn những thuốc là thuốc và trước mặt là ông già Spencer, thắng bộ pijama và chiếc áo choàng ngủ như thế kia. Nói thật chứ tôi chẳng còn bụng dạ nào mà ngồi nghe thầy ấy nói. Nhưng bài giảng đạo vẫn cứ tuôn ra, bất chấp hết thảy.
– Cậu học hành gì mà lạ thế, hả ông tướng con – Thầy Spencer lên tiếng, giọng nghiêm khắc đến mức tôi chưa từng nghe thấy bao giờ – Học kỳ này, cậu phải thi mấy môn nào?
– Năm.
– Năm môn. Thế cậu trượt mấy môn cả thảy?
– Bốn ạ – Tôi vặn vẹo trên chiếc giường thổ tả. Trên cái giường cứng ngắc mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Tiếng Anh tôi thi rất trót lọt vì tôi đã từng học Beowulf và Huân tước Randat, con ta với đủ thứ khác nữa bên trường Whootton. Vả lại, tôi phải động đến tiếng Anh luôn, mỗi khi làm luận.
Ông già bỏ ngoài tai những điều tôi vừa nói. Tính ông ấy vẫn thế: chẳng bao giờ chịu nghe xem người ta nói gì với mình.
– Tôi đánh trượt cậu môn sử, vì cậu chẳng chịu học bài gì hết, dù là một dòng.
– Em biết. Điều đó em biết. Thầy không thể làm khác được.
– Cậu chẳng chịu học, dù chỉ một bài! – Thầy Spencer nhắc lại. Tôi rất tức khi nghe người khác nhắc đi nhắc lại chính cái điều mà ngay từ đầu tôi đã công nhận với họ. Thế nhưng thầy ấy vẫn đay lại câu đó lần thứ ba: – Dù chỉ một bài thôi, cậu cũng chẳng chịu học. Tôi dám đánh cuộc là suốt học kỳ vừa rồi, cậu chưa hề động đến sách giáo khoa lần nào. Đúng không, hả? Nói thật đi, ông tướng con!
– Không đâu ạ, dĩ nhiên là em có xem qua một vài bận – tôi nói. Tôi không nỡ làm thầy ấy giận. Thầy rất mê sử học.
– Chà, có ấy à – thầy giận dữ nói – Xin lỗi cậu nhé, bài thi của cậu còn nằm sờ sờ trên giá kia. Bên trên chồng vở đấy. Nào lấy xuống giúp cho tôi đi!
Đây quả là một vố chơi khăm, nhưng tôi vẫn phải cầm quyển vở của mình xuống, trao cho ông thầy, vì còn biết làm gì khác nữa? Xong đâu đó, tôi lại gieo người xuống cái giường bê tông vẫn ngồi từ nãy. Các bạn hẳn không thể hình dung nổi là tôi ân hận đến mức nào về chuyện đã ghé lại đây từ giã ông già Spencer!
Ông cầm quyển vở của tôi trên tay, như cầm một cục phân khô hoặc một thứ gì đó còn tồi tệ hơn.
– Về Ai Cập, ta học từ hôm mồng 4 tháng Một đến mồng 2 tháng Chạp – ông nói – Cậu đã chọn đầu đề đó cho bài thi học kỳ. Cậu có muốn nghe tôi đọc những gì cậu viết không, Caulfield?
– Không ạ, thầy chẳng cần đọc lại đâu.
Thế nhưng ông ấy vẫn cất tiếng đọc. Thầy ấy mà đã định làm gì thì đố ai ngăn. Muốn là làm, bất chấp tất.
– “Người Ai Cập là tộc người cổ xưa nhất thuộc gốc gác Kavkaz, sinh sống tại một vùng đất thuộc địa phận Bắc Phi. Đó, như ta đã biết là lục địa lớn nhất ở đông bán cầu”.
Tôi cứ phải ngồi thừ ra đó mà nghe tất thảy những thứ nhảm nhí chưa từng có. Đúng là một trò chơi khăm, không hơn không kém.
– “Hiện thời, chúng ta rất chú ý đến người Ai Cập vì nhiều nguyên do. Khoa học hiện đại vẫn đang cố tìm cách giải đáp câu hỏi: họ đã dùng những chất bí ẩn gì khi ướp các tử thi, để năm tháng không làm thối rữa những khuôn mặt của tổ tiên. Câu đố hóc hiểm ấy vẫn đang thách thức nền khoa học hiện đại của thế kỷ hai mươi chúng ta đang sống”.
Thầy nín bặt, đặt quyển vở của tôi xuống. Tôi gần như căm ghét ông ấy thực sự vào giây phút này.
– Đúng thế đấy, cuộc du ngoạn của cậu vào thế giới khoa học kết thúc ở đây – ông ấy vẫn dùng cái giọng cay độc như trước. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một ông già lụ khụ đến mức đó lại có lắm trò hiểm độc đến thế – Nhưng chưa hết, ở cuối bài, cậu còn có nhã ý gửi riêng cho tôi mấy dòng – ông thêm.
– Đúng, đúng, chuyện đó em vẫn còn nhớ! – tôi nói. Tôi vội nói lấp đi, để ông ấy đừng đọc câu đó lên. Nhưng vô ích, có họa là thánh may mới ngăn nổi! Lòng ông ấy đang hừng hực khí thế mà lại!
– “Thầy Spencer quý mến! – ông cao giọng đọc – Đấy là tất cả những gì em biết về người Ai Cập. Họ, chẳng hiểu sao không khiến em quan tâm mấy. Tuy rằng thầy giảng về họ rất tuyệt. Sẽ chẳng sao cả, nếu thầy đánh trượt em, bởi vì trừ tiếng Anh, các môn khác em đều bị đánh trượt cả rồi. Kính thư. Holden Caulfield, học trò của thầy”.
Đọc xong, ông ấy đặt quyển vở thổ tả của tôi xuống đùi, rồi ngước lên nhìn, như thể vừa hạ tôi một “xéc” bóng bàn với tỷ số 21 – 0. Tôi không bao giờ tha thứ cho việc ông ấy đã đọc to lên mấy câu vớ vẩn đó. Nếu ông ấy mà viết cho tôi mấy dòng như thế, thì dẫu có các vàng tôi cũng dứt khoát từ chối, thật đấy. Vì viết thêm mấy câu chết giẫm ấy, tôi thực tình chỉ muốn cất đỡ cho ông ấy cái gánh nặng khi phải hạ bút đánh trượt một đứa học trò lười.
– Cậu có giận là tôi đã đánh trượt cậu không, ông tướng con?
– Ô, không đâu ạ. Em không hề giận chút nào! – tôi đáp. Chà, sao ông ấy cứ gọi mãi tôi là “cậu tướng con” thế nhỉ?
Ông ấy vứt quyển vở của tôi lên giường. Nhưng lại hụt, cố nhiên, tôi lại phải đứng dậy, nhặt lên. Rồi đặt nó ngay ngắn xuống cạnh tờ tạp chí Atlantic Monthly đang xem dở. Nhưng tôi chả trách, bởi tôi đang thích chốc chốc lại được vặn người cho đỡ mỏi.
– Thế ở vào địa vị tôi thì cậu tính xử trí thế nào? Nói thực đi, cậu tướng con?
Đấy nhé, trông cũng thừa biết ông ấy đang rất áy náy vì đã đánh trượt tôi bài sử. Nhưng dĩ nhiên tôi phải nói trớ sang chuyện khác. Nào là tôi tối dạ, đại để hơi đần độn; nào là ở vào địa vị ông ấy, tôi cũng sẽ làm hệt thế; nào là lắm kẻ vẫn không hiểu làm một ông giáo khó đến bực nào. Và vân vân… Tóm lại, tôi phải nói trớ đi, cho ông ấy đỡ thấy bứt rứt lương tâm.
Nhưng buồn cười nhất là lúc đó đầu óc tôi lại hoàn toàn bận tâm đến chuyện khác. Miệng vẫn nói, nhưng tâm trí lại nghĩ đến một chuyện khác. Mà nghĩ đến một chuyện khác, chẳng dính dáng gì tới điều đang nói. Chả là nhà tôi vốn ở New York, nên tôi bận tâm đến cái hồ nước ở mé cửa nam công viên Trung tâm không biết nó đã đóng băng chưa; mà nếu đã đóng băng rồi, thì bầy vịt nuôi dưới đó không biết sẽ xoay xở thế nào? Tôi không thể hình dung nổi đàn vịt ấy sẽ trốn rét khi hồ nước bị băng phủ kín và giá buốt như cắt thịt. Chắc họ sẽ cho xe tải tới chở chúng sang một sở thú ấm áp? Mà không chừng chúng sẽ tự bay đến cũng nên?
Thành ra dẫu sao tôi cũng thấy đỡ nặng nề hơn. Tôi muốn nói là tôi vừa có thể múa may ba tấc lưỡi về đủ mọi thứ với thầy Spencer già lão, vừa có thể nghĩ đến đàn vịt. Sự thể đã xô đẩy tôi nghĩ đến nước ấy, chứ thực tình, khi đang trò chuyện với thầy giáo, bạn đừng nên nghĩ ngợi điều gì khác. Nhưng rồi thình lình ông ấy lại cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Đối với ông ấy, đó là chuyện cơm bữa.
– Này, thế cậu nghĩ gì về chuyện đó, cậu bé? Tôi đang muốn biết cậu nghĩ gì.
Tôi không mong gì khác hơn.
– Về chuyện em bị đuổi ấy ư? – Tôi hỏi. Trời ơi, ước gì ông ấy khép ngay cái vạt áo ngủ ngu ngốc kia lại giúp! Chứ trông chướng mắt quá.
– Nếu tôi không nhầm thì hình như cậu cũng đã gặp chính những chuyện lôi thôi đó cả bên trường Whootton, lẫn trường Elkton Hills, đúng không? Câu ấy ông già thốt ra bằng một giọng chẳng những độc địa, mà còn thù địch.
– Em không hề gặp một chuyện lôi thôi nào bên trường Elkton Hills. Em chẳng trượt môn nào bên trường ấy. Em chỉ thôi học – thế thôi. Chứ chẳng phải bị đuổi ạ.
– Tôi hỏi thẳng nhé, tại sao thế?
– Tại sao ư? Đó là cả một câu chuyện dài, thưa thầy – Chuyện đó đại để khá rắc rối ạ.
Tôi chẳng muốn kể với ông ấy chút nào đầu đuôi câu chuyện. Vì có kể hết, ông ấy cũng chẳng chịu hiểu cho. Vượt quá sức tưởng tượng của ông ấy. Tôi từ giã Elkton Hills chẳng qua chỉ vì bên ấy đầy rẫy một lũ rởm đời, thế đấy. Rởm đời lộ liễu đến mức bạn phải chết ngốt tức khắc, nếu cứ học mãi bên ấy. Như lão hiệu trưởng của trường, lão Haass, chẳng hạn. Tôi chưa từng gặp kẻ nào rởm đời, đê tiện đến mức ấy. Còn tệ gấp mười lão Thurmer bên này. Chẳng hạn, chủ nhật nào lão cũng chạy ra, rối rít bắt tay, bắt chân tất cả các vị phụ huynh đến thăm con. Lão tươi cười, lịch duyệt đố ai bằng. Nhưng chẳng phải ai lão cũng tay bắt mặt mừng như nhau bởi vì bố mẹ bọn học trò cũng có kẻ giàu sụ, người túng quẫn. Các bạn cứ nhìn cung cách lão chào hỏi bố mẹ thằng ở cạnh phòng tôi, chẳng hạn, là khắc biết. Nếu mẹ đứa nào quá đẫy đà hoặc ăn mặc quê mùa quá, hoặc bố nó mà thắng bộ com-lê vai hếch quá, còn giầy thì không hợp thời trang chỗ đen, chỗ trắng lam nham, thì lão chỉ chìa cho có đúng hai ngón tay, gượng gạo cười mỉm, rồi quay ngoắt sang trò chuyện với bố mẹ đứa khác, lắm lúc cả nửa tiếng đồng hồ là ít! Gì chứ trò đó thì tôi chịu, xực hết nổi. Máu tôi lập tức sôi lên. Tức đến muốn phát điên. Tôi căm ghét cái trường Elkton Hills thổ tả ấy chẳng biết để đâu cho hết.
Ông già Spencer lại hỏi thêm câu gì đó, nhưng tôi không nghe. Tôi đang mãi nghĩ đến cái lão Haass đê tiện.
– Thầy bảo gì em thế ạ? – tôi hỏi.
– Thế cậu có buồn không, khi phải từ giã Pencey?
– Có chứ, dĩ nhiên cũng chỉ hơi buồn chút đỉnh thôi. Dĩ nhiên… nhưng dẫu sao cũng chỉ chút đỉnh thôi, thưa thầy! Chắc tâm trí em chưa bị nó xâm chiếm. Phải có thời gian cho nó thấm. Lúc này, em chỉ bận tâm đến chuyện sắp được về nhà vào thứ năm này. Dẫu sao em cũng tự thấy mình là đồ bỏ đi!
– Chẳng lẽ cậu không bận tâm chút nào về tương lai ư, ông tướng con?
– Không ạ, em vẫn nghĩ đấy chứ, dĩ nhiên, làm sao không nghĩ đến được? –
Tôi ngừng bặt – Có điều chỉ thỉnh thoảng mới nghĩ. Thỉnh thoảng thôi ạ.
– Phải nghĩ thật kỹ! – ông già Spencer nói – Ngay từ bây giờ. Chứ để ít nữa mới nghĩ e muộn mất! Tôi bỗng thấy khó chịu kinh khủng khi nghe câu đó. Sao ông ấy lại ăn nói thế nhỉ, cứ làm như tôi sắp chết đến nơi không bằng? Khó chịu kinh khủng.
– Nhất định em sẽ ngẫm nghĩ đến điều đó. Em sẽ ngẫm nghĩ.
– Cậu có cần tôi nhồi nhét cho đôi điều cần thiết không, Caulfield? Vì tôi rất muốn giúp cậu, cậu hiểu chứ?
Trông vẻ mặt, tôi thấy ông ấy quả muốn giúp tôi thực. Giúp thực tình. Nhưng tâm trí mỗi người một ngả, thành thử chẳng ăn thua.
– Em biết thầy rất quý em, em cảm ơn thầy rất nhiều. Nói thật, em rất cảm kích, đúng thế đấy!
Dứt lời, tôi liền đứng phắt dậy. Lạy chúa, dẫu có bị xử chém, tôi cũng không thể nào ngồi thêm trên cái giường ấy mười phút nữa.
– Rất tiếc em đang phải vội về trường! Em phải gói ghém đồ đạc trong phòng chơi thể thao. Đằng ấy đang trăm thứ linh tinh, nhưng khốn nỗi em rất cần những thứ ấy. Lạy chúa, em phải về gấp ạ!
Ông già chỉ nhìn tôi, rồi lại lắc đầu triền miên nhưng vẻ mặt hết sức trang nghiêm, phiền muộn lạ lùng. Tôi bỗng thấy tội nghiệp cho ông già quá. Nhưng không thể cứ nấn ná ở đây mãi. Vả lại, ý nghĩ của hai thầy trò cách bức nhau quá nhiều. Không thể ngồi mãi ở đây để ngắm cái cảnh ông già muốn vứt thứ này thứ nọ sang bên kia giường nhưng mười lần đều hụt cả mười, chiếc áo ngủ thảm hại ông ấy đang diện, lẫn bộ ngực lép kẹp cứ phanh trần ra suốt, với lại ngửi cái mùi thuốc chống cúm nồng nặc.
– Thầy biết đấy. – tôi nói, – thầy đừng quá buồn phiền về em. Đừng thầy ạ, em nói thật đấy. Mọi thứ rồi sẽ ổn hết. Em đang trong lứa tuổi chuyển tiếp, chính thầy cũng biết rõ đấy. Ai cũng đều thế cả ấy mà.
– Thầy không biết, thầy không biết.
Tôi chúa ghét cái tật cứ lầu bà lầu bầu kiểu đó.
– Ai mà chả thế – tôi nói – ai mà chả qua cái tuổi đó, hả thầy? Thật đấy, thầy đừng quá buồn phiền về em. – Thậm chí tôi còn vỗ vỗ lên vai ông Spencer – Thầy đừng quá buồn phiền nhé!
– Cậu có muốn uống một cốc sôcôla nóng cho ấm bụng không? Bà Spencer nhà tôi sẽ rất lấy làm sung sướng…
– Em rất muốn, thật đấy, nhưng em đang rất vội. Phải chạy tới phòng tập thể dục gấp. Rất cảm ơn thầy. Cảm ơn thầy nhiều lắm.
Thế là hai thầy trò bắt tay nhau. Rồi cả các thứ lễ nghi lúc chia tay, dĩ nhiên. Nhưng chẳng hiểu sao tôi bỗng thấy buồn khủng khiếp.
– Em sẽ viết thư cho thầy. Thầy nhớ giữ gìn sức khoẻ khi dứt cúm, thầy nhé!
– Thôi, đi nhé, ông tướng con! Nhưng lúc tôi vừa khép cửa, bước ra phòng ăn, thì ông già Spencer liền cất tiếng gọi với theo sau lưng nhưng tôi không nghe ra, tuy rằng ông hét rất to. Hình như ông chúc tôi “Đi mạnh giỏi nhé!”. Mà không chừng chẳng phải thế. Tôi hy vọng vậy. Có các vàng mà bảo tôi chúc thế, tôi cũng cóc làm. Một thói quen đến là bỉ ổi, các bạn cứ ngẫm mà xem.