Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bắt trẻ đồng xanh

Chương 15

Tác giả: Jerome David Salinger

Tôi ngủ chẳng được mấy và hình như đã thức giấc lúc mới 10 giờ. Hút xong điếu thuốc, tôi cảm thấy đói bụng kinh khủng. Bữa ăn gần đây nhất, tôi chỉ nuốt vội có hai chiếc hamburger, và thấy như đã xa cách hàng nửa thế kỷ! Sẵn có máy điện thoại bên cạnh, tôi toan nhấc máy, gọi xuống dưới nhà, bảo dọn cho một bữa sáng tại phòng. Nhưng rồi lại sợ họ sai chính lão Moris ấy bưng lên, nên tôi từ bỏ ý định đó ngay. Các bạn sẽ nhầm, nếu tưởng tôi ước ao tái ngộ với hắn. Tôi nằm yên một lúc nữa, hút thêm điếu thuốc thứ hai. Chỉ muốn gọi điện cho Jane, hỏi xem Jane đã về nghỉ lễ chưa, nhưng lòng chẳng phấn chấn mấy, nên lại từ bỏ ý định đó.

Nhưng rồi buồn quá, tôi đành nhấc máy, gọi cho Sally Hayes. Hồi này, Sally đang học trên trường nội trú Mary A Woodruff. Tôi biết chắc nó đã về nhà, vì mới nhận được thư nó cách đây chưa đến tuần lễ. Thực thà mà nói, tôi chẳng mê gì nó, nhưng vì đã quen biết nhau quá lâu, và lúc xưa, do ngờ nghệch, tôi cứ tưởng nó cũng thông minh. Tôi ngộ nhận thế chẳng qua chỉ vì Sally am hiểu sân khấu kinh khủng và nói chung cả văn chương nữa. Gặp một người uyên bác thế, bạn chẳng dễ gì biết ngay được họ thông minh hay ngu đần. Với Sally Hayes, tôi đã phải mất mấy năm trời mới rõ được chân tướng. Vả lại, chắc chẳng cần phải lâu đến thế mới biết nó ngốc nghếch, nếu hai đứa chẳng hôn nhau bao giờ, tuy đã quen biết nhau lâu đến thế. Khổ một nỗi là khi đã hôn đứa nào, bao giờ tôi cũng nghĩ là nó rất thông minh. Đó là hai chuyện chẳng hề dính dáng gì đến nhau, nhưng tôi vẫn bất chấp, cứ tưởng chúng phải liên can mật thiết lắm.

Tóm lại, tôi đã nhấc máy gọi điện cho Sally. Đầu tiên cô hầu phòng nhấc máy lên. Tiếp đến là ông bố. Mãi, tôi mới thấy nó lên tiếng trong ống nghe.

– Cậu đấy hả, Sally? – Tôi hỏi khẽ.

– Tớ đây, ai ở đầu dây thế? – Nó hỏi. Vờ vĩnh kinh khủng. Vì tôi đã xưng tên với ông bố hẳn hoi rồi.

– Holden Caulfield đây. Khoẻ chứ?

– A. Holden! Khoẻ, cảm ơn. Thế còn cậu?

– Rất tuyệt. Này, sống trên ấy dễ chịu chứ? Trường lớp thế nào?

– Cũng như mọi trường khác thôi, cậu thừa biết rồi đấy.

– Tuyệt. Tớ chỉ muốn hỏi, cậu có rỗi không? Hôm nay tuy là chủ nhật, nhưng chắc các rạp vẫn mở cửa đấy. Cậu có thích đi xem không?

– Ồ, thích chứ, lại còn phải hỏi! Tuyệt diệu thế còn đòi gì hơn!

“Tuyệt diệu!”. Tôi ghét hai chữ đó! Nghe tầm thường hết chỗ nói! Tôi suýt bảo nó thôi đừng đi đâu nữa cho rồi. Nhưng lại vẫn tiếp tục tràng giang đại hải một lúc qua đường dây. Đúng hơn thì nó mới là đứa làm vậy, còn tôi, tôi nín thinh. Nó chẳng bao giờ để cho ai mở mồm. Mới đầu, nó kể chuyện một thằng đê tiện, bên Havard, chắc mới vào năm thứ nhất, (nhưng nó ỉm khoản đó đi, cố nhiên), tuồng như đang chạy ngược chạy xuôi, mong được lọt mắt xanh. Và gọi điện cho nó suốt cả đêm lẫn ngày. Đúng, cả đêm lẫn ngày, tôi suýt phá lên cười khi nghe câu chuyện ấy. Rồi nó kể tiếp chuyện một thằng nữa, hiện học bên West Point, cái trường võ bị danh tiếng. Gã này thì lúc nào cũng có thể tự thọc dao vào cổ họng, nếu không lấy được cô bạn lòng, khiếp thế đấy. Tôi dặn nó cứ chờ tôi bên cột đồng hồ, cạnh khách sạn Bilmore, lúc hai giờ. Vì các vở diễn suất ban ngày thường mở màn lúc hai rưỡi. Mà nó thì nhiễm phải cái tật quanh năm trễ hẹn. Rồi hai đứa tạm biệt nhau. Trò chuyện với nó khiến tôi thấy ngao ngán, nhưng nó là đứa xinh không thể tả.

Hẹn hò với Sally xong, tôi liền ngồi ngay dậy, thay quần áo, thu xếp vali và các thứ đồ đạc mang theo. Lúc ra khỏi phòng, tôi có thử nhìn vào khung cửa sổ, xem bọn động cỡn hiện đang làm gì bên ấy, nhưng bọn họ đã buông kín rèm. Ban ngày, bọn họ đều hoá thành những kẻ hết sức tử tế. Rồi tôi xuống phòng quản trị, thanh toán các khoản với gã gác cổng. Moris, may quá, chẳng thấy đâu. Tôi thì cũng chẳng hơi đâu tìm gặp, để từ giã cái gã đê tiện ấy.

Tôi vẫy taxi ngay trước cửa khách sạn, nhưng hoàn toàn chẳng biết đi đâu. Hoá ra chẳng còn chốn nào để ghé tới lúc này. Hôm nay, chỉ mới chủ nhật, mà tôi thì không thể vác mặt về nhà trước thứ tư, hoặc cùng lắm là trước tối thứ ba. Trọ ở khách sạn khác? Thôi, chuyện đó, tôi xin đủ, bởi chẳng muốn vỡ sọ ở đằng ấy, nên đành bảo ông tài xế cho tới ga trung tâm. Nhà ga vốn kế bên khách sạn Bilmore, nơi tôi hẹn gặp Sally – cứ đến đó là hay nhất. Tôi sẽ đem gửi hành trang vào phòng gửi hành lý, giữ lấy chìa khoá, rồi đi tìm món gì đó điểm tâm vì bụng đang đói cồn cào. Ngồi trên taxi, tôi thử rút ví, kiểm xem tiền còn nhiều ít. Tôi cũng chẳng nhớ mình có được bao nhiêu trước lúc từ giã Pencey nhưng thừa biết chẳng lấy gì làm phong lưu. Nội trong hai tuần mà tôi đã tiêu mất vô khối tiền. Tính tôi vẫn coi tiền như rác. Nếu không vung tay quá trán, thì cũng đánh mất lung tung. Lắm khi tôi quên cả việc lấy tiền thối lại trong các nhà hàng hoặc các tiệm rượu. Bố mẹ tôi thường điên đầu với tôi về thói ấy. Tôi hiểu lòng bố mẹ, nên chẳng chút phàn nàn. Tuy bố tôi khá dư dả, nhưng tôi chẳng biết đích xác các khoản thu nhập hàng tháng của ông là bao nhiêu. Tứ thời bố toàn tung tiền vào các vở diễn này nọ đằng Broadway do bố dàn dựng. Đã kể cũng nên kể hết, là những lần đó phần nhiều đổ bể, và hễ bố tôi dính tới chuyện đó là mẹ tôi liền nổi trận lôi đình. Nhưng rồi mẹ cũng đã đầu hàng, sau ngày gia đình mất Allie. Cũng chính vì chuyện đó mà tôi rất ngại báo cho mẹ biết tôi lại bị đuổi học chuyến nữa.

Tôi gửi hai chiếc vali vào phòng gửi hành lý, rồi ghé vào một cửa hiệu ngay trong khuôn viên nhà ga, điểm tâm. Tôi ăn khá nhiều: nước cam, trứng tráng, bánh mì rán và cả cà phê. Thường tôi chỉ lót dạ một ly nước quả ép. Tôi ăn rất ít, ít lạ lùng. Vì thế nên gầy. Mấy ông thầy thuốc dặn phải tọng thật nhiều các thứ bổ béo, cho chóng lên cân, nhưng tôi chẳng ham. Vào những dịp đi đây đi đó, tôi thường chỉ ăn một mẩu xăng đuých kẹp phó mát Thụy Sĩ, rồi uống một cốc sữa chua, thế là xong. Ăn vậy, tôi biết là đạm bạc quá, nhưng sữa vốn lắm vitamine.

Tôi đang ăn trứng tráng thì có hai nữ tu sĩ, tay vali tay túi xách đi vào, chắc họ chuyển tu viện và đang đợi tàu. Họ ngồi xuống sau quầy, kế bên chỗ tôi. Họ chẳng biết đặt hành lý vào đâu cả, nên tôi bèn đứng ngay dậy giúp họ. Vali của họ đều là loại rẻ tiền, xấu xí, chẳng phải bằng da thật, mà chỉ là những thứ chả ra sao. Tôi thừa biết chuyện đó chẳng hệ trọng gì, nhưng tôi không thể chịu nổi khi nhìn thứ vali cà khổ đó. Nói ra thì ngượng, nhưng tôi rất khó chịu mỗi lần trông thấy ai đó tay mang xách những loại vali rẻ tiền kia. Tôi bất giác nhớ tới một chuyện, từ hồi còn học dưới Elkton Hill. Dạo đó, tôi sống cùng phòng với một đứa, tên nó là Dick Slagle, cũng có mấy chiếc vali cà khổ như thế. Nó luôn nhét mấy chiếc vali ấy xuống gậm giường chứ chẳng chịu để lên giá, để đừng ai trông thấy chúng bên cạnh mấy chiếc vali bảnh bao của tôi. Chuyện đó khiến tôi áy náy tới mức sẵn lòng quẳng hết cả mấy cái của tôi hoặc thậm chí đổi ngang cho nó, để nó đỡ tủi. Mấy chiếc của tôi là loại mua đằng cửa hiệu Mark Cross tử tế, bằng da thật, trong ngoài chẳng thiếu một bộ phận nào, và giá có trời biết là bao nhiêu. Nhưng điều kỳ lạ chẳng phải chuyện đó, mà là chuyện thằng Dick Slagle gàn dở. Khi tôi vất vả lôi vali mình, tống xuống gậm giường cho thằng bạn đỡ tủi bởi những mặc cảm ngu ngốc về gia cảnh khốn quẫn, thì nó, lại lôi mấy chiếc vali thổ tả của cha nó ra, rồi để lên trên giá, cạnh chỗ tôi vừa lấy xuống xong. Tới lúc đó tôi mới hiểu nó làm thế để làm gì? Ra nó muốn ai nấy tưởng đó là những chiếc vali của chính nó! Đúng, đúng như thế đấy. Các bạn thấy có kỳ quặc không? Nó cứ chế giễu mấy chiếc vali của tôi suốt, nào là quá mới, nào là quá trưởng giả. Đó là mấy chữ nó thích nhất trần đời. Chẳng biết nó học lỏm được ở đâu, tôi đến chịu thua. Cái gì của tôi cũng bị nó gọi là “trưởng giả” tất. Thậm chí cả đến chiếc bút máy nữa. Thế nhưng nó vẫn mượn luôn tuy rằng vẫn luôn mồm chê bai. Tôi chỉ ở chung với nó đúng hai tháng. Rồi cả hai đều đâm đơn xin ban giám hiệu tách ra. Và buồn cười nhất là khi xa nhau rồi, tôi lại thấy thiếu nó kinh khủng. Vì nó ăn đứt tụi ở đây về tài châm biếm, và hai đứa đã có những giờ phút vui đùa thoả thích bên nhau. Tôi nghĩ, vắng tôi chắc nó cũng vậy. Hồi mới xa nhau, nó toàn chọc tức tôi, gọi những đồ dùng của tôi là trưởng giả, nhưng tôi mặc kệ, thậm chí còn về hùa với nó nữa. Nhưng ít lâu sau, tôi thấy nó chẳng đùa bỡn bao giờ. Chung qui chỉ vì khó chung sống với một kẻ mà vali anh to hơn hẳn vali nó, và anh thì có những chiếc vali hảo hạng, còn nó lại không. Chắc các bạn sẽ bảo, nếu có đầu óc và có khiếu châm biếm, thì phải nhổ toẹt vào những chuyện vớ vẩn ấy chứ. Chính vì lẽ đó mà tôi đã dọn sang ở với một đứa súc sinh ngu độn, với thằng Stradlater. Dẫu thế nào chăng nữa, thì vali nó cũng chẳng kém vali tôi nhiều lắm.

Tôi trở lại với chuyện hai cô tu sĩ, họ ngồi xuống bên cạnh và chúng tôi bắt đầu trò chuyện linh tinh. Cô ngồi gần tôi hơn cầm trên tay một cái giỏ đan, thứ giỏ mà các nữ tu sĩ và tụi con gái thuộc Giáo đoàn Cứu rỗi vẫn thường cầm đi quyên tiền vào dịp Giáng Sinh hoặc các ngày lễ lớn. Tứ thời, họ toàn đứng ở những góc đường dọc Đại lộ số 5, hoặc các cửa hiệu tạp hoá cực sang. Khi cô bất chợt đánh rơi, tôi vội cúi xuống nhặt giúp. Rồi hỏi: hẳn họ đi quyên tiền để lo quà cáp cho dịp Noel nay mai. Nhưng nữ tu sĩ đáp, không phải. Chẳng qua chỉ vì vali họ chật quá, hết cả chỗ cất nên phải để ngoài. Cô ta niềm nở, ngước nhìn và cười mỉm rất tươi. Mũi cao, đeo chiếc kính cận gọng sắt, tuy cô không xinh lắm, nhưng gương mặt phúc hậu.

– Tôi tưởng nếu các chị đi quyên tiền, tôi có thể đóng góp chút đỉnh, – tôi nói. – Đây, xin cô nhận giúp, rồi lúc nào phải quyên tiền thì bỏ vào giỏ sau.

– Ôi, cậu tử tế quá! – Cô đeo kính nói. Cô bạn kia cũng ngước mắt nhìn. Cô ta đang uống cà phê, nhẩm đọc một cuốn sách khổ nhỏ, từa tựa Kinh Thánh tuy có hơi mỏng. Nhưng chắc cũng là một quyển kinh. Bữa điểm tâm của họ chỉ tách cà phê với mấy lát bánh mì suông. Tôi thấy rất ái ngại cho họ nên đâm căm ghét đĩa trứng tráng với các thức ăn khác, khi người ngồi cạnh chỉ dám lót dạ có vậy.

Họ cầm tờ mười dollar tôi quyên. Nhưng cứ hỏi đi hỏi lại, liệu tôi có đủ tiền để chi tiêu các thứ không. Tôi bảo vẫn còn ít nhiều trong túi, nhưng họ không tin lắm. Tuy thế, vẫn cứ giữ tờ giấy bạc trên tay. Rồi cả hai thi nhau cảm ơn tôi, đến mức tôi đâm ngượng vì thấy mình đâm ra quá hào phóng. Tôi chuyển đề tài câu, hỏi họ định đi đâu. Họ là giáo viên, vừa từ trên Chicago xuống và đang tính tìm chỗ làm tại một trường nội trú, nằm đâu như trên đường Một trăm sáu tám hay gì đó, đại để là một xó xỉnh phải gió nào đó ở tận đầu đằng kia New York. Cô ngồi cạnh, đeo kính, hoá ra là giáo viên tiếng Anh, còn cô kia chuyên dạy sử và hiến pháp Hoa Kỳ. Vì thế, tôi đâm tò mò, chẳng hiểu sao một cô giáo dạy Anh ngữ lại bỏ đi tu, và đã vậy thì có còn được phép thưởng thức các tác phẩm trong văn chương Anh nữa không. Những cuốn thô lỗ thì chẳng nói làm gì. Nhưng những cuốn tỏ tình, tả về các đôi trai gái đắm đuối yêu nhau, hoặc đại để thế, thì sao? Như nàng Eustacia Vye trong The Return of the Native của Thomas Hardy chẳng hạn. Lòng họ cố nhiên chẳng còn bợn một ham muốn nào mãnh liệt nữa, nhưng dẫu sao tôi cũng muốn biết một nữ tu sĩ nghĩ gì khi đọc những trang diễm tình về cô thiếu nữ đa cảm Eustacia. Tuy thế, tôi vẫn chẳng dám hỏi gì, dĩ nhiên. Mà chỉ nói: trong các môn, tôi học trội nhất là Anh ngữ.

– Ồ, thế hả? Tuyệt quá! – cô giáo viên Anh ngữ, reo lên – Thế năm vừa rồi cậu đã đọc được những cuốn nào? Ước gì được cậu tâm sự vài điều nhân gặp gỡ hôm nay. Quả là một thiếu nữ nhân hậu, niềm nở.

– Thực tình, chỉ có các nhà văn Anh, Mỹ là nhiều. Đại để như Bewulf, rồi Randal, con ta, với lại… nghĩa là vớ được gì đọc nấy. Nhưng phần lớn là những thứ thường bắt đọc thêm để cho điểm riêng – điểm ngoại khoá. Năm rồi, tôi có đọc thêm The Return of the Native của Thomas Hardy, Romeo và Juliet, Julius Cesa…

– Ồ, cả Romeo và Juliet nữa! Tuyệt! Hẳn cậu thích lắm? – Câu ấy cô ta nói bằng cái giọng chẳng có vẻ nữ tu sĩ chút nào.

– Vâng, tôi rất thích. Có đôi chỗ tôi chẳng thích mấy, nhưng trên đại thể rất xúc động.

Nói thực, tôi rất bối rối khi phải bàn luận về Romeo và Juliet với một nữ tu sĩ. Vì vở kịch đó toàn nói về chuyện yêu đương và những thứ gần như là vậy. Nhưng vì cô ấy đã hỏi, nên tôi vẫn phải trả lời, tuy cô ấy là tu sĩ.

– Cô biết đấy, tôi không thích Romeo và Juliet lắm, nghĩa là tôi chẳng mê họ.

Tại sao ư?… Cũng chẳng biết! Thậm chí có lúc tôi còn bực nữa là khác. Tôi muốn nói, – tôi xúc động hơn khi Mercutio bị giết, tôi thương họ hơn là thương hai nhân vật kia. Cô hiểu đấy, tôi hết thấy xót anh chàng Romeo ấy, sau lúc Mercutio tội nghiệp bị đâm chết. Vì kẻ đâm vào ngực chàng trai đó chính là anh họ cô Juliet, tên gã đó là gì tôi quên mất rồi…

– Tybalt.

– Đúng, Tybalt. Chẳng hiểu sao tôi cứ quên mất. Nhưng Romeo mới là người có lỗi. Nên người tôi thích hơn cả chính là chàng trai ấy, Mercutio. Người của hai dòng họ Montague và Capulet, dĩ nhiên, tôi chẳng có cảm tình, ngoại trừ Juliet, nhưng Mercutio thì… không, tôi chịu chết, không thể cắt nghĩa tại sao cả. Chắc vì anh ấy thông minh, vui tính. Cô biết đấy, tôi rất ức khi thấy người ta giết chết như vậy hơn nữa họ lại chẳng hề có tội tình gì. Còn Romeo và Juliet lại là chuyện khác, vì chính họ có lỗi.

– Cậu học trường nào thế, anh bạn? – Cô đeo kính hỏi, chắc thấy chán những điều tôi nói về vở kịch của Shakespeare.

Tôi đáp – trường Pencey. Hoá ra cô ấy biết tiếng cái trường thổ tả này và bảo đó là nơi rất danh tiếng. Tôi nín thinh. Đúng lúc ấy thì cô dạy sử và hiến pháp chen vào, – đã đến lúc phải lên đường. Tôi giành lấy hai tấm phiếu ghi tiền, nhưng họ nhất định không chịu để tôi trả thay hai tách cà phê với đĩa bánh. Cô đeo kính nhanh nhẹn giằng lấy tấm phiếu từ tay tôi:

– Cậu đã quá hào phóng với chúng tôi rồi. Cậu quả là một cậu bé đáng mến.

Chính cô ấy mới đáng mến. Rất giống mẹ thằng Ernest Morrow tôi gặp trên chuyến tàu đêm. Nhất là lúc mỉm cười – Trò chuyện với cậu thật lý thú, – cô ấy tiếp.

Tôi bảo tôi rất lấy làm thích thú được tiếp chuyện cùng họ. Tôi nói rất thực bụng. Nhưng chắc hẳn sẽ thấy thú vị hơn, nếu không nơm nớp sợ họ bất chợt hỏi tôi có theo công giáo nào không. Tín đồ công giáo nào thường bao giờ cũng cố dò hỏi điều đó. Tôi hay gặp chuyện đó lắm, chủ yếu vì cái họ tôi vốn gốc Ái Nhĩ Lan; mà phàm đã là dân Ái Nhĩ Lan thì ai cũng đều là tín đồ công giáo. Bố tôi trước cũng là người công giáo. Đến lúc lấy mẹ, bố mới bỏ đạo cũ đi. Những người công giáo bao giờ cũng thích dò hỏi bạn có phải là tín đồ cùng dòng đạo, ngay cả khi họ chưa hay biết gì họ tên bạn. Hồi còn học dưới Whooton độ trước, tôi có quen thằng bạn cùng lớp theo đạo, thằng Louis Gorman. Nó là đứa tôi biết trước tiên. Tôi nói với nó tình cờ đã ngồi cùng dãy hôm đến khám sức khỏe, việc đầu tiên trước ngày nhập học, và hai đứa thủ thỉ trò chuyện về quần vợt, trong lúc chờ bác sĩ gọi vào. Nó mê quần vợt kinh người, y hệt tôi. Nó khoe với tôi, hè nào nó cũng thi đấu trên những sân cỏ ở Forest Hill. Còn tôi bảo nó cũng đã từng lên đó. Rồi hai đứa bắt đầu bàn nhau xem ai là cây vợt hay nhất mùa thi đấu vừa qua. Tuy còn ít tuổi, nhưng nó đã sành sỏi về quần vợt kinh người và thật sự say mê quả bóng nỉ. Rồi giữa chừng câu chuyện, nó bất chợt hỏi: “Mày có biết nhà thờ công giáo thành phố nằm ở ngả nào không?”. Tôi thừa biết nó muốn hỏi dò, tôi có phải là tín đồ công giáo không? Nó chỉ muốn biết thế, chứ chẳng phải thích người theo công giáo hơn các giáo phái khác. Nó vẫn say sưa trò chuyện về quần vợt, nhưng tôi đoán biết câu chuyện về quả bóng nỉ sẽ khiến nó thích thú hơn, nếu biết đích xác tôi cũng cùng đạo với nó. Những khoản đó chỉ khiến tôi thêm bực mình. Tuy chẳng nói ra mồm, nhưng điều đó đã khiến toàn bộ câu chuyện giữa hai đứa đâm nhạt nhẽo hẳn: cả tôi lẫn nó đều cụt hứng, mặc dầu vẫn tiếp tục câu chuyện bỏ dở. Bởi vậy, tôi rất mừng là hai cô tu sĩ nọ không đả động gì tới chuyện tôi có phải là tín đồ công giáo không. Câu hỏi ấy chắc cũng chẳng khiến cuộc trò chuyện giữa ba chúng tôi kém mặn mà đâu, nhưng dẫu thế nào chăng nữa tình thế chắc cũng đổi khác. Tôi chẳng trách cứ gì người công giáo cả. Ví thử tôi là người như vậy, có lẽ tôi cũng sẽ hỏi chính câu kia. Chuyện này, đại để cũng rất giống chuyện mấy chiếc vali tôi vừa kể xong. Điều tôi muốn nói ở đây chung qui là: những thứ đó thường chỉ khiến cuộc trò chuyện kém lí thú. Có vậy thôi, chứ chẳng ngụ ý gì.

Lúc hai cô tu sĩ đứng dậy, thình lình tôi đã phạm phải một chuyện ngu ngốc và khó xử kinh người. Vì đang hút thuốc, nên lúc đứng dậy từ biệt, chẳng may tôi đã phả khói vào giữa mặt hai cô bạn mới mà hoàn toàn chẳng chủ tâm. Tôi rối rít xin lỗi họ như một thằng rồ. Họ lịch sự và khoan dung bỏ qua cái cử chỉ khiếm nhã ấy của tôi, nhưng dẫu sao vẫn hết sức bối rối.

Lúc họ đã đi hẳn, tôi đâm hối là chỉ quyên cho họ có 10 dollar. Nhưng thực tình, tôi không thể hào phóng hơn, vì đã trót hẹn với Sally Hayes đi xem kịch, nên không thể tiêu hết chỗ tiền còn lại trong ví. Dẫu sao tôi cũng thấy buồn. Chính vì ba đồng tiền chết giẫm ấy mà chẳng bao giờ thấy vui.

Bình luận
× sticky