Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu

Chương 4

Tác giả: Ken Kesey

Trong phòng trực kính, mụ Y tá Trưởng mở chiếc hộp gửi từ nước ngoài về và dùng ống tiêm hút thứ chất lỏng xanh đục trong ống thuốc trong chiếc hộp. Đứng cạnh mụ là một nữ y tá nhỏ có một mắt lo âu, luôn dè chừng liếc trộm lại đằng sau trong khi mắt kia vẫn chú tâm vào công việc. Cô ta bưng một chiếc khay đựng các ống tiêm đã hút đầy thuốc chuẩn bị mang đi.

“Cô Ratched, cô nghĩ sao về gã bệnh nhân mới đến? Em nghĩ, úi, hắn có vẻ bảnh trai, dễ gần, nhưng xin lỗi, em có cảm giác hắn ta dắt mũi tất cả.”

Mụ Y tá Trưởng dùng đầu ngón tay kiểm tra độ sắc của kim tiêm. “Tôi sợ rằng đó chính là ý đồ của hắn. Hắn là cái mà chúng ta gọi là một ‘tay xách động’, cô Flinn ạ. Để đạt được mục đích hắn sẽ không từ một thủ đoạn nào, không tha một người nào.”

“Úi. Nhưng. Em nghĩ, mục đích gì ở một nhà thương điên cơ chứ?”

“Đủ loại.” Mụ cười điềm tĩnh, mắt vẫn không rời ống tiêm trên tay. “Tiện nghi, một cuộc sống dễ chịu chẳng hạn. Và biết đâu còn tiền bạc, quyền lực, trọng thị… tất tật. Cũng có khi một tay xách động phá bĩnh chỉ để mà phá bĩnh. Những kẻ như thế ở xã hội ta đâu có thiếu. Thằng cha xách động có thể ảnh hưởng đến tất cả các bệnh nhân khác, gieo rắc hỗn loạn giữa họ và phải mất hàng tháng mới duy trì lại được nề nếp cũ. Với chính sách nhường nhịn trong các bệnh viện thần kinh thời đại nay, chúng càng có thêm nhiều cơ hội làm chuyện đó. Mấy năm trước mọi sự đâu đến nỗi này. Hồi đó, tôi nhớ chúng ta có một Kẻ Xách Động bất trị gọi là ông Taber. Trong một thời gian ngắn.” Mụ ngừng tay, đôi mắt mơ màng nhớ lại một hồi ức dễ chịu. “Ông Taber ấy…”

“Nhưng, úi, họ phá rối để làm gì? Do đâu…” Cô y tá nói.

Mụ Y tá Trưởng ngắt lời cô ta bằng cách thọc kim tiêm trong tay vào đầu bịt cao su của ống thuốc, bơm đầy, rút ra, rồi đặt lại lên khay. Tôi quan sát bàn tay mụ lấy thêm chiếc nữa, nhìn cô phóng ra cắm phập vào ống thuốc, dừng lại, đặt xuống.

“Cô Flinn, hình như cô quên rằng bệnh nhân chúng ta là những kẻ điên.”

Hễ có một cái gì ngăn cản mụ điều hành tổ hợp của mình một cách trơn tru và chính xác như cỗ máy là mụ Y tá Trưởng liền nổi cơn tam bành. Bất kỳ một sơ suất, lộn xộn hoặc sai lệch nhỏ nào cũng làm mụ sôi máu với một nụ cười đanh ác. Mụ đi khắp phân khoa, trên khuôn mặt, chỗ giữa mũi và cằm nứt ra một nụ cười búp bê và đôi mắt điềm đạm, nhưng bên trong mụ đang nghiến như thép. Tôi biết, tôi cảm thấy mà. Mụ sẽ ở nguyên trạng thái đó, chừng nào kẻ phá rối chưa bị trừng trị, hay theo lời mụ – “chưa được đưa vào kỷ cương.”

Dưới sự lãnh đạo của mụ, Bên trong phân khoa chúng tôi hầu như luôn là một thế giới của kỷ cương, khuôn phép. Khốn nỗi, mụ không thể chỉ sống ở đây. Một phần đời của mụ phải trôi qua ở thế giới Bên ngoài. Và ngay ở thế giới ấy, mụ cũng không từ bỏ ý đồ kia. Mụ hợp tác với một bọn người giống hệt mụ mà tôi gọi là “Liên hợp”, một cơ cấu tổ bố, mưu toan đưa thế giới Bên ngoài vào kỷ cương như mụ Y tá Trưởng – một chuyên gia lão luyện – vẫn làm với thế giới Bên trong của chúng tôi. Quỷ biết được mụ đã biến mình cho kỷ cương bao nhiêu năm; tận ngày xửa ngày xưa, khi tôi từ thế giới Bên ngoài bước vào, mụ đã ở trên cương vị hiện nay của mình.

Tôi đã chứng kiến kỹ năng của mụ được tích lũy một cách liên tục và có hệ thống năm này qua năm khác. Kinh nghiệm tôi luyện mụ và giờ đây mụ đã nắm chắc được quyền lực, một thứ quyền lực len lỏi đến mọi nơi, mọi chỗ bằng các dây dẫn mảnh như tơ mà những người ngoài cuộc không thể nhìn thấy, nhưng không lọt khỏi mắt tôi; tôi thấy mụ ngồi như một người máy canh phòng đúng tâm mạng lưới này, cai quản với một bản năng côn trùng máy móc, biết rõ cần phải phát một dòng điện vào thời điểm nào, với cường độ bao nhiêu và theo dây dẫn nào để có kết quả như ý. Ở trại huấn luyện quân sự trước khi bị quẳng sang Đức tôi đã giúp việc cho một tay thợ điện, và có học chút ít về điện tử thời đại học, vì thế tôi biết hệ thống điều khiển này được trang bị ra sao.

Ngồi trước mạng điều khiển này, mụ mơ về một thế giới mà mọi thứ đều hoạt động đồng bộ, chuẩn xác như bộ máy đồng hồ, một thế giới tồn tại trong một thời gian biểu bất di bất dịch và các con bệnh nếu không phải Bên ngoài, hoàn toàn quy phục sự điều khiển của mụ, thì đều là những con bệnh Kinh niên, ngồi xe lăn, các ống cao su dẫn nước tiểu chạy thẳng từ chân bánh xe vào một rãnh thoát nước nằm dưới sàn nhà. Phải mất nhiều năm mụ mới chọn được một đám môn đồ lý tưởng. Các bác sĩ đủ mọi lứa tuổi, trình độ, đã từng trình diễn trước mụ, đưa ra đủ kiểu sáng kiến về cách điều khiển phân khoa, một vài người tính tình còn đủ cứng rắn để bảo vệ ý kiến của mình; nhưng ngày ngày gặp phải cặp mắt lạnh lẽo như đóng băng của mụ thì cũng phát run mà xin đi. “Nói thật, tôi chẳng hiểu ra làm sao nữa,” họ than vãn với phòng nhân sự. “Từ ngày làm việc với bà ta, tôi có cảm giác là trong các đường gân, thớ thịt của tôi, không phải là máu mà là nước tiểu đang chảy. Thật khủng khiếp khi con tôi không thèm ngồi vào lòng tôi nữa, vợ tôi không thèm ngủ với tôi nữa. Tôi nhất định cần chuyển sang khoa thần kinh, khoa nhi, hay đi đâu cũng được.”

Cứ thế, năm này qua năm khác. Các bác sĩ, kẻ chịu được năm ngày, người vài tháng. Rồi một gã nhỏ thó xuất hiện, trán rộng, má nung núc thịt, đầu thắt lại ở chỗ ngang với đôi mắt, cứ như gã từng có một cặp kính nhỏ đến mức đeo quá lâu chúng ép đầu gã lại, thế nên giờ gã dùng sợi dây nối cặp kính vào cúc áo cổ, cứ mỗi lần nói cặp kính luôn tròng trành trên sống mũi nhỏ xíu để giữ cho thăng bằng, gã cứ phải nghiêng nghiêng cái đầu. Gã bác sĩ này hợp ý mụ Y tá Trưởng lắm.

Mụ phải mất nhiều thời gian hơn và phải loại bỏ hàng ngàn người mới chọn được ba tên hộ lý ca ngày. Với những bộ mặt như mặt nạ, đen đủi, cau có, các ứng viên lũ lượt qua tay mụ, đều căm ghét bộ mặt trắng bệch như búp bê sứ của mụ ngay từ phút đầu. Hàng tháng trời mụ kiểm tra lòng hận thù của chúng, rồi khước từ chúng vì hận thù còn quá hời hợt. Cuối cùng mụ cũng nhặt được bộ ba này, không phải một lúc, mà từng đứa một, cách nhau hàng năm, tin tưởng tuyệt đối là chúng hoạt động bình thường, lắp chúng vào cơ đồ. Lòng hận thù của chúng đã đủ sâu sắc.

Đứa thứ nhất xuất hiện khoảng năm năm sau khi tôi đến, một gã lùn, gân guốc, bệnh hoạn, đen nhánh như cục nhựa đường. Mẹ hắn bị cưỡng hiếp ởGeorgia, trong khi sát bên cạnh bố hắn bị trói giật cánh khuỷu vào một lò sưởi gang nóng bỏng, máu từ chân chảy như xối vào đôi ủng. Thằng bé năm tuổi quan sát cảnh tượng đó qua khe cửa gian nhà kho, mắt nheo nheo, và từ đó hắn không cao lên nổi một ly. Bây giờ mí mắt hắn mỏng dính, nhẽo nhoét, trông như con dơi đậu trên sống mũi. Đôi mí mắt như da thuộc mỏng ấy giờ đây hé lên mỗi khi có một người da trắng lạ mặt xuất hiện, hắn nhìn kẻ đó từ đầu đến chân và gật đúng một lần như là gã đang xác định lại điều gã đã biết chắc. Ngày đầu nhận việc gã toan mang tới một túi đầy đạn bắn chim, để đào tạo bệnh nhân vào khuôn phép, nhưng mụ đã dạ gã rằng ngày nay không còn làm vậy, buộc gã bỏ túi ở nhà và luyện cho gã phương hướng riêng của mình; mụ dạy gã giấu kín hận thù và điềm đạm mà chờ đợi, đợi khi nào khá hơn một chút, sơ hở một chút, thì rút thòng lọng và kéo cho đều tay. Không được buông ra. Như thế mới tạo được chúng vào khuôn phép, mụ đã dạy thế.

Hai đứa còn lại xuất hiện cách nhau một tháng, sau đứa thứ nhất hai năm, giống nhau đến mức tôi nghĩ là mụ Y tá Trưởng đã đặt đúc chúng cùng một khuôn: cao, mảnh, xương xẩu, vẻ mặt vô cảm bất động, như đầu mũi tên bằng đá lửa. Mắt chúng nhíu lại chỉ còn hai cái chấm. Nếu chẳng may cọ phải tóc chúng sẽ tuột cả da.

Cả ba đen như cái hộp điện thoại. Mụ thỏa mãn vì điều đó. Kinh nghiệm từ hàng dài bị loại cho hay, càng đen chúng càng chịu khó lau rửa chuồng xí, càng hăng máu giữ trật tự trong phân khoa. Quần áo chẳng hạn, ở cả ba đứa đều trắng hơn tuyết. Trắng và lạnh và cứng như chính áo của mụ.

Quần trắng, áo sơ mi trắng với hàng cúc bấm lệch một bên, giày trắng được đánh bóng như mặt băng có đế cao su đỏ mềm mại, chúng đi dọc hành lang, lặng lẽ như mèo. Chúng chuyển động không hề phát ra tiếng động. Chúng hiện hình ở bất kỳ xó xỉnh nào trong bệnh viện mỗi khi con bệnh tìm cách rúc vào một xó tự khám cho mình hoặc quay sang thì thầm với kẻ khác. Bệnh nhân vừa kiếm được một chỗ yên thân, tức thì… xịch, một luồng băng giá đã phả vào bên mặt, con bệnh quay sang chỉ thấy một bức mặt nạ đá lạnh lơ lửng bên trên sát tường. Con bệnh chỉ nhìn thấy một khuôn mặt đen đúa. Không thân người. Tường trắng, trang phục cũng trắng, đánh bóng loáng như cửa tủ lạnh, khuôn mặt và đôi bàn tay đen bay lờ lững trên nền trắng, hệt như một bóng ma.

Năm tháng xô đẩy chúng, cuốn chúng theo biên độ sóng của mụ Y tá Trưởng. Dần dần, chúng thoát khỏi sự chăm bẵm của mụ, như các con thú đã trưởng thành. Mụ không bao giờ quát tháo khi ra lệnh, không để lại những lời sai bảo ở dạng thư từ vì sợ rơi vào tay khách thăm viếng. Việc đó cũng không còn cần thiết. Chúng liên lạc với nhau qua làn sóng cao thế của sự căm thù đồng loại, thực hiện mọi ý muốn của chủ trước cả khi những ý nghĩ ấy xuất hiện trong đầu mụ.

Vậy là sau khi kiếm đủ bộ sậu rồi, phân khoa đi vào hoạt động nhịp nhàng, chính xác như bộ máy đồng hồ. Tất cả những gì người ta sẽ nghĩ, sẽ làm, sẽ nói đều như mụ Y tá Trưởng vạch sẵn trước mấy tháng, dựa vào những ghi chép hàng ngày. Chương trình được in ấn và đưa vào bộ nhớ của cỗ máy tôi vẫn nghe rì rầm sau cánh cửa thép cuối Phòng Trực. Máy đưa ra những Nhật biểu ở dạng những tấm phiếu đục lỗ. Mở đầu một ngày, tấm NB được nhét vào khe cửa sắt. Các bức tường rung lên. Sáu giờ ba mươi, phòng ngủ bật đèn. Tụi Cấp tính bị dựng dậy lau sàn nhà, rửa các gạt tàn thuốc lá, chùi các vết xước trên tường nơi mới hôm trước một gã đồng phòng vừa chập mạch, quỵ xuống trong một đám mù mịt khói tỏa mùi cao su cháy. Tụi Xe lăn oặt đôi cẳng cà kheo xuống nền nhà và như những bức tượng bán thân, ngồi đợi tụi hộ lý đẩy cho chiếc xe. Tụi Thực vật đái dầm vào chăn, khiến máy sốc hất họ xuống sàn nhà và chuông báo động réo gọi đợi đám hộ lý dùng vòi tắm xối vào họ rồi thay cho mỗi người một bộ quần áo xanh thẫm.

Sáu giờ bốn lăm, các máy cạo bắt đầu kêu vo vo, tụi Cấp tính xếp hàng trước gương theo thứ tự A, B, C, D… xong đến đám Kinh niên Tự hành như tôi, rồi tụi Xe lăn được đẩy vào. Ba lão già còn lại, cằm chảy xệ, phủ đầy các lớp ghét màu vàng, được cạo mặt ngay tại phòng chung, đầu buộc chặt vào thành ghế để khỏi lắc lư dưới bàn cạo.

Đôi lúc, nhất là vào sáng thứ Hai tôi trốn được. Còn vào những ngày khác, khôn ra, nên đứng vào theo thứ tự giữa A và C, rồng rắn lê bước như mọi người, không nhấc chân – sàn nhà có những thỏi nam châm cực mạnh kéo con người đi khắp khoa, hệt như những con rối trên sân khấu.

Bảy giờ, nhà ăn mở cửa. Hàng xếp ngược lại: Xe lăn, Tự hành, sau cùng là đám Cấp tính cầm khay đựng thức ăn – bỏng ngô, thịt xông khói và trứng, bánh mì nướng, và hôm nay có thêm đào đóng hộp lót một mảnh xà lách xanh tơi tả. Một vài đứa Cấp tính mang khay cho tụi Xe lăn. Phần lớn bọn này chỉ bị bại chân, nhưng có thể tự ăn được, chỉ có ba lão già, thật khốn khổ, phần cơ phía dưới má không hoạt động nữa, phần trên cũng chẳng hơn gì. Vì thế là gọi là Thực vật. Bọn hộ lý đẩy họ vào sát tường sau tất cả mọi người đã vào chỗ và mang đến cho họ những khay giống nhau đựng thứ thức ăn lầy nhầy và một tờ thực đơn. Những kẻ không răng ấy được hưởng Thức ăn mềm Cơ học: trứng, giăm bông, bánh mì… thực đơn kê như vậy, đã được nhai đi nhai lại ba mươi hai lần bằng một chiếc máy thép không gỉ đặt trong bếp. Tôi đã thấy nó vươn cặp môi cắt khúc như chiếc vòi của máy hút bụi, ngoạm lấy thức ăn, rống lên như bò rồi nhả ra đĩa một cục thịt đã nhai kỹ.

Tụi hộ lý bón thức ăn quá nhanh khiến ba lão già không kịp nuốt, và Thức ăn mềm Cơ học trào ra, rớt cả xuống khăn áo. Bọn hộ lý vừa mắng vừa vặn cái thìa vạch miệng họ ra như khoét ruột quả táo thối, nhét tiếp thức ăn vào: “Cái bị thịt già nua Blastic này đang rữa ra ngay trước mặt tao. Không hiểu tao đang bón cho hắn cháo giăm bông hay từng mẩu của chính cái lưỡi của hắn.”

Bảy giờ ba mươi, cả bọn lục tục kéo về phòng chung. Mụ Y tá Trưởng nhìn qua lớp kính đặc biệt, trong vắt như không khí, khẽ gật đầu, xé tờ lịch ra. Thêm một ngày gần tới đích. Mụ ấn nút khởi động. Tôi nghe thấy ở đâu đó có tiếng động cơ, tiếng kim loại va đập vào nhau. Tất cả vào chỗ. Cấp tính: ngồi ở bên khu vực của mình trong phòng chung chờ tụi hộ lý mang bài và Cờ tỷ phú tới. Kinh niên: ngồi ở bên phần của mình đợi các hộp xếp hình do hội Chữ thập đỏ phát cho. Ellis: tới đứng sát tường, giơ hai tay lên chờ đinh và đái ra quần. Pete: lắc lư đầu như con lật đật. Scanlon: cựa quậy trên bàn, hai cánh tay khô héo quờ quạng chế một quả bom tưởng tượng để làm nổ tung thế giới tưởng tượng. Harding: bắt đầu thao thao, khoa chân, khua khua tay như một đôi chim bồ câu rồi lại nhốt chúng vào nách – người lớn ai lại vung vẩy đôi tay đẹp loạn xạ như vậy. Sefelt: ca cẩm vì đau răng và rụng tóc. Tất cả: hãy nhất loạt hít vào… thở ra, theo thứ tự, mạch đập theo đúng nhịp đã cho trong phiếu NB. Âm thanh của những ống bơm đồng bộ.

Hệt như trong thế giới hoạt hình, một núi các hình người hai chiều vẽ viền màu đen, múa may trong một câu chuyện ngớ ngẩn, có thể gây cười nếu những hình nhân đó không phải là những con người thật…

Bảy giờ bốn lăm, bọn hộ lý đi dọc theo chuỗi Kinh niên, phát bộ tiểu tiện nhân tạo cho những đứa còn có thể ngồi im. Bộ tiểu tiện nhân tạo là một bao cao su cũ bị cắt phần đầu rồi dán vào ống dẫn nước, được luồn trong quần, xả vào một túi chất dẻo mang dòng chữ “KHÔNG DÙNG LẠI LẦN THỨ HAI”, một phần công việc của tôi là rửa sạch những túi đó vào cuối ngày. Họ dùng băng dính dán luôn bao cao su vào túm lông, ban đêm gỡ ra; những con bệnh Kinh niên ở đây đã lâu năm, lông lá bị vặt sạch, nhẵn nhụi như đứa trẻ sơ sinh…

Tám giờ, các bức tường kêu o… o… khắp mọi chỗ. Chiếc loa phóng thanh trên trần nhà ra lệnh: “Uống thuốc”, giọng mụ Y tá Trưởng được khuếch đại lên. Chúng tôi nhìn vào phòng trực kính nhưng mụ ta ở xa micro đến ba mét, đang hướng dẫn một ả y tá xếp thuốc vào khay thế nào là gọn gàng ngăn nắp. Trước cửa, tụi Cấp tính đang xếp hàng theo thứ tự A, B, C… sau đó là nhóm Kinh niên và Xe lăn (tụi Thực vật sẽ uống sau, thuốc được pha vào thìa nước táo). Từng đứa một nhận hai viên con nhộng, một cốc giấy – nhét vào cuống họng để y tá châm đầy nước rồi ực cho trôi. Đôi lúc một đứa ngu muội nào đó hỏi là nó đang phải uống thứ gì.

Bình luận
× sticky