Mụ y tá tiến thẳng đến McMurphy:
“Anh ta đã tự cắt cổ.” Nói xong, mụ dừng lại chờ hắn trả lời. McMurphy không ngẩng đầu lên. “Anh ta mở ngăn bàn ông bác sĩ, tìm thấy dụng cụ ở đó và tức khắc hành động luôn. Cậu bé bất hạnh, đáng thương không một ai chia sẻ đã tự tử. Bây giờ anh ta đang ngồi trong ghế ông bác sĩ với cái họng bị cưa đứt.”
Mụ ta lại đợi, nhưng McMurphy vẫn không ngẩng đầu lên.
“Đầu tiên là Charles Cheswich, còn bây giờ là William Bibbit! Hy vọng rằng ông đã thỏa mãn. Ông đùa giỡn với sinh mạng con người… đánh bạc bằng sinh mạng con người… dường như ông xem mình là Thượng đế!”
Mụ quay người, đi đến buồng trực và đóng cửa lại, để lại phía sau những âm thanh buốt giá chết người đang vang lên từ các ống đèn trên đầu chúng tôi.
Tôi chợt thoáng có ý nghĩ ngăn hắn lại, khuyên hắn hãy vừa lòng với tất cả những gì thắng được trước đây và nhường mụ hiệp cuối cùng này, nhưng ý nghĩ đó dần dần bị thay thế bởi ý nghĩ khác, to lớn hơn. Tôi bỗng hiểu thật rõ ràng rằng không phải tôi và không một ai trong cái đám một tá chúng tôi có thể ngăn hắn lại được. Với tất cả các lý lẽ của mình Harding cũng không thể, hay tôi với đôi tay rắn chắc như thép của mình, hay ông đại tá Matterson với các bài học, cũng như Scanlon luôn miệng càu nhàu, hay tất cả chúng tôi cộng lại cũng không thể ngăn hắn được.
Chúng tôi không thể ngăn hắn lại được, bởi chính chúng tôi đã đẩy hắn tới hành động đó. Bây giờ không phải mụ y tá, mà là đòi hỏi của chúng tôi bắt hắn chậm chạp tì hai tay vào thành ghế, đẩy người về phía trước, từ từ đứng lên như thây ma cử động trong phim, nhận lệnh của bốn mươi ông chủ. Chính chúng tôi là kẻ hàng tuần nay thúc ép hắn, bắt hắn đứng liên tục, mặc dù từ lâu chân hắn đã không giữ nổi tấm thân của mình, bắt hắn hàng tuần nay phải nháy mắt, phải cười gằn, cười khẩy, phải đóng trò, mặc dầu toàn bộ niềm vui thích của hắn từ lâu đã bị đốt cháy giữa hai điện cực.
Chúng tôi bắt hắn đứng dậy, giật giật cái quần đùi đen, dường như đó là cái quần cao bồi bằng da ngựa, ngón tay đẩy chiếc mũ ra sau gáy như đấy là cái mũ phớt mười ga lông, những cử động chậm chạp, máy móc – và khi hắn đi trong phòng, tiếng cá sắt dưới gót chân trần đánh lửa xoèn xoẹt xuống sàn nhà.
Chỉ đến phút cuối – sau khi hắn đã đập vỡ cửa kính và mụ y tá quay lại, phô ra bộ mặt kinh hoàng, vĩnh viễn xóa nhòa mọi biểu hiện mà mụ muốn mang vào và hét lên khi bị hắn vồ lấy, bị hắn xé tung bộ đồng phục phía trước ngực và lại hét lên khi hai quả cầu có núm vú tràn ra trương phồng mỗi lúc một to, to hơn cả lúc chúng tôi có thể tưởng tượng được, ấm áp và hồng hào dưới ánh đèn, chỉ đến phút cuối sau khi đám quan chức cùng nhân viên bệnh viện hiểu ra rằng ba tên hộ lý mà mụ Y tá Trưởng dày công tuyển mộ sẽ bỏ mặc mụ, sẽ chỉ đóng vai quan sát và đành phải chiến đấu không có sự giúp đỡ của chúng, và tất cả – các bác sĩ, y sĩ, thanh tra – lao vào gỡ các ngón tay đỏ bầm đang cấu lấy cần cổ trắng nhợt mụ y tá tựa như xương cổ họng của mụ, mà vừa thở hồng hộc, họ vừa cố gắng đẩy McMurphy ra sau, chỉ đến lúc đó hắn mới tỏ ra có lẽ mình không hoàn toàn là con người kiên trì ngang bướng, thực hiện nghĩa vụ của mình dù muốn hay không.
Hắn hét lên. Giây phút cuối, khi hắn ngã ngửa ra, và trong giây lát, trước lúc người ta chôn hắn dưới những bộ quần áo trắng, chúng tôi còn kịp nhìn thấy bộ mặt tênh hênh của hắn, hắn đã cho phép mình la hét.
Tiếng thét của con thú bị săn đuổi xen lẫn vẻ kinh hoàng, sự thù địch, nỗi bất lực và sự tự vệ, nếu như anh lúc nào đó lần theo một con gấu, con báo hay con linh miêu bị thương, thì anh sẽ nghe thấy tiếng kêu cuối cùng đó của con thú khi lũ chó xông vào cắn xé, khi nó không còn nghĩ đến gì nữa ngoài việc mình đang chết.
Tôi còn nằm lại khoảng hai tuần nữa để xem chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Tất cả đều thay đổi. Sefelt và Fredrickson cùng nhau ký giấy ra khỏi bệnh viện, Bất Chấp Lời Khuyên Bác Sĩ; hay ngày sau ba bệnh nhân Cấp tính nữa cũng xin ra, còn sáu người chuyển sang khoa khác. Những điều tra về cuộc đập phá đêm ấy và cái chết của Billy cứ kéo dài mãi. Người ta báo cho gã bác sĩ rằng gã có thể xin nghỉ việc theo nguyện vọng riêng, nhưng gã thề rằng ở đến cùng và cứ để cho người ta tìm cách đuổi gã, còn tự gã, gã sẽ không đi đâu hết.
Mụ Y tá Trưởng phải nằm điều trị một tuần, tạm thay mụ là cô y tá nhỏ bé người Nhật, cho phép chúng tôi thay đổi nhiều thứ trong nội quy khoa. Đến lúc mụ trở lại thì Harding không những đã mở được cửa phòng tắm mà còn tự ngồi chia bài trong đó, bằng giọng kim yếu ớt của mình, hắn cố gắng bắt chước cái kiểu rống lên như người bán đấu giá của McMurphy. Hắn đang chia dở một cuộc bài thì nghe thấy tiếng chìa khóa của mụ tra vào ổ.
Chúng tôi đi ra khỏi buồng tắm tràn ra hành lang trước mặt mụ để hỏi về McMurphy. Thấy chúng tôi tiến đến, mụ nhảy lùi lại hai bước và tôi nghĩ mụ định bỏ chạy. Một bên mặt mụ còn bầm đen, tím ngắt và sưng vù lên, chẳng ra hình thù gì, khiến một mắt sưng húp, trên cổ còn quấn đầy băng. Và lại một bộ đồng phục trắng mới. Mấy người cười khẩy, nhìn bộ quần áo của mụ; dù nó chật hơn bộ cũ và hồ bột cứng hơn, nhưng mụ cũng không còn có thể giấu được mình là phụ nữ.
Harding mỉm cười bước tới và hỏi Mack bây giờ ra sao.
Mụ lôi từ trong túi ra cuốn sổ với cây bút chì và viết: “Anh ta sẽ quay lại” sau đó giơ cho khắp lượt. Tờ giấy rung lên trong tay mụ. “Bà tin chắc chứ?” Harding hỏi. Chúng tôi đã nghe đủ chuyện trong thời gian vừa rồi: nào là hắn đấm vỡ mõm hai tên hộ lý trong phòng điên, cướp lấy chìa khóa và bỏ chạy, nào là người ta đã trả hắn về trại cải tạo, và thậm chí là mụ y tá tạm thời phụ trách khoa trong khi chờ đợi người ta tìm một bác sĩ mới và mụ đã dành cho hắn phương pháp chữa bệnh đặc biệt.
“Bà hoàn toàn tin điều đó chứ!” Harding hỏi lại.
Mụ y tá lại lôi cuốn sổ tay ra. Mụ cử động rất khó khăn vì bó bột, bàn tay trắng hơn bất cứ lúc nào di động trên cuốn sổ như những ngón tay của các mụ Di gan di động trên bàn tay người xem bói. “Vâng, ông Harding,” mụ viết. “Nếu như tôi không tin, thì tôi đã không nói. Anh ta sẽ trở về.”
Harding đọc tờ giấy, sau đó xé nát và ném các mẩu vụn vào mụ ta. Mụ giật mình và lấy tay che phía mặt bị sưng khỏi bị giấy đập vào. “Đủ những chuyện láo khoét rồi, thưa bà,” Harding nói. Mụ nhìn hắn hồi lâu, tay khua trên cuốn sổ, nhưng rồi mụ quay người bỏ đi, đút quyền sổ và cái bút chì vào túi và bước đến phòng y tá.
“Hừ,” Harding nói. “Hình như câu chuyện không ăn nhập gì cả. Nhưng nếu người ta bảo anh toàn nói chuyện láo khoét, thì anh còn chửi lại bằng giấy thế nào được nữa!”
Mụ y tá cố gắng lập lại trật tự trong khoa, nhưng chẳng dễ dàng gì, nếu như hình bóng McMurphy vẫn còn ngang ngửa dọc hành lang, cười hô hố trên các cuộc họp và hát inh tai trong buồng vệ sinh. Mụ không thể lấy lại quyền lực trong tay, nếu lúc nào cũng phải bận viết ra giấy. Mụ mất hết bệnh nhân này tới bệnh nhân khác. Sau khi Harding xin đi và vợ hắn đến đón, còn George chuyển sang khoa khác, thì chúng tôi – những người đi câu – chỉ còn lại có ba: tôi, Martini và Scanlon.
Hiện thời tôi chưa muốn đi, bởi mụ y tá vẫn còn có cái vẻ tin tưởng bệnh hoạn, dường như mụ còn đợi một hiệp cuối cùng nữa và nếu như thế, tôi muốn chứng kiến hiệp đó. Và, một buổi sáng, khi McMurphy đã vắng mặt được ba tuần, mụ bắt đầu ván bài cuối cùng.
Cửa phân viện mở ra, tụi hộ lý đẩy vào cái xe có tờ bìa treo dưới chân và trên tờ bìa in dòng chữ đậm nét: MCMURPHY, RANDLE P. ĐÃ MỔ XONG. Còn thấp xuống bên dưới, viết bằng mực: GIẢI PHẪU NÃO.
Chúng đẩy chiếc xe vào phòng chung và đặt cạnh bức tường sát tụi Thực vật. Chúng tôi đứng cuối xe đọc tấm bìa, sau đó nhìn về nơi có cái đầu với nhúm tóc đỏ hung ngập trong chiếc gối, trên bộ mặt trắng nhờ nhờ như sữa chỉ thấy những vết bầm tím sưng vù quanh mắt.
Sau một phút im lặng, Scanlon quay lại và nhổ toẹt xuống sàn nhà. “Phù, mụ ta dúi cho chúng ta cái gì thế này, đồ chó cái! Không phải ông ấy.”
“Chẳng giống tí nào cả,” Martini nói.
“Mụ coi chúng ta là lũ ngốc hay sao?”
“Nói chung, bọn chúng làm việc không tồi,” Martini nói và chỉ ngón tay vào cái đầu. “Nhìn này, chúng làm giả được cả cái mũi gãy, vết sẹo… giống y như thật, và thậm chí cả tóc mai nữa.”
“Tất nhiên,” Scanlon càu nhàu, ” mẹ kiếp!”
Tôi chen vào giữa các bệnh nhân và đứng cạnh Martini. “Hiển nhiên bọn chúng biết cách làm cho mọi vết sẹo hay mũi gãy,” tôi nói. “Nhưng cái thần của một người thì không thể làm giả được. Chẳng có gì trên mặt cả. Giống như hình nhân trong cửa hàng vậy. Đúng không, Scanlon?”
Scanlon lại nhổ toẹt xuống sàn. “Hiển nhiên là đúng vậy. Cậu hiểu không, cái của quý này hoàn toàn trống rỗng, số không. Ai cũng thấy thế.”
“Nhìn xem này,” ai đó kêu lên, lật tấm chăn ra. “Vết xăm!”
“Thì sao,” tôi nói. “Cả vết xăm bọn chúng cũng làm giả được chứ sao. Nhưng tay thì sao nhỉ? Tay ấy mà? Tay của ông ấy to lắm, bọn chúng đâu có làm giả được!”
Suốt ngày còn lại, Scanlon, Martini và tôi thi nhau cười cợt trên cái hình nhân đó – Scanlon gọi nó là con búp bê ngu xuẩn hàng chợ, nhưng dần dần thời gian trôi qua và các cục u xung quanh mắt hắn bắt đầu xẹp xuống, tôi nhận thấy các con bệnh càng hay tiến đến nhìn McMurphy nhiều hơn. Họ làm ra vẻ đi tới giá sách hoặc vòi nước uống, nhưng thực ra để đưa mắt nhìn trộm hắn. Tôi nhìn họ và cố gắng tưởng tượng ở địa vị tôi, hắn sẽ hành động thế nào. Tôi chỉ biết chắc chắn một điều: hắn sẽ không tha thứ cho cái chuyện một hình nhân như thế bị găm cho cái tên của hắn và ngồi trong phòng chung suốt hai hay ba chục năm để mụ y tá chỉ tay lên đó và nói: sẽ thành như vậy đối với bất cứ người nào chống lại trật tự này. Điều đó thì tôi biết chắc chắn.
Tôi đợi đến đêm, đợi cho đến khi trong phòng im ắng hẳn và tụi hộ lý đã hết đi kiểm tra. Tôi quay đầu trên gối nhìn sang giường hắn. Tôi đã lắng nghe hơi thở hàng giờ – từ lúc người ta đẩy xe vào và đặt chiếc cáng lên giường; nghe đôi phổi lúc thì ngắc ngứ lúc lặng tắt hẳn đi, rồi sau đó lại ngắc ngứ, ngắc ngứ… vừa nghe vừa mong cho nó ngừng hẳn hoàn toàn, nhưng đến lúc này tôi mới quay nhìn.
Mặt trăng lạnh lẽo treo ngoài cửa sổ và đổ xuống phòng ngủ một thứ ánh sáng nhờ nhờ như váng sữa. Tôi ngồi dậy trên giường và cái bóng của tôi đổ lên cái thân thể bên kia, cắt đôi nó chỉ chừa lại từ hông và đôi vai trở lên, còn ở giữa là một khoảng không đen thẫm. Cục u nơi mắt đã xẹp xuống và hai con mắt mở trừng trừng: chúng nhìn thẳng vào mặt trăng, chằm chằm, vô ý thức, đục mờ do lâu không chớp, trông giống như hai cái cầu chì cháy đen. Tôi quay lại cầm lấy cái gối, cặp mắt bắt lấy cử động đó của tôi và cái nhìn ấy dõi theo tôi đứng dậy, bước tới giường bên kia.
Cái thân thể to lớn và dẻo dai bền bỉ kháng cự, cố bám lấy cuộc sống. Nó vật vã hồi lâu, không chịu đầu hàng, nó giật lên, giãy giụa và tôi phải nằm cả người lên, hai chân kẹp lấy chân không cho quẫy, tay đè chiếc gối lên trên mặt. Có cảm giác như tôi đang nằm trên tấm thân đó hàng thế kỷ. Sau đó nó thôi giãy giụa. Lúc đó tôi mới tụt xuống. Tôi nâng cái gối lên và nhìn thấy qua ánh trăng vẻ mặt ấy vẫn không thay đổi, chỉ cứng đờ và trống rỗng. Tôi để hai ngón tay cái lên hai mi mắt và giữ cho đến khi chúng ngoan ngoãn khép lại. Lúc đó tôi mới nằm xuống giường mình.
Tôi nằm vùi đầu trong gối và nghĩ tất cả đều trót lọt không một tiếng động, nhưng tôi biết mình nhầm khi Scanlon từ giường mình thì thầm.
“Bình tĩnh. Thủ lĩnh. Bình tĩnh. Thủ lĩnh. Không sao cả đâu.”
“Im đi,” tôi nói chỉ đủ cho hắn nghe. “Ngủ đi.”
Yên lặng một lúc lâu, rồi hắn lại lên tiếng hỏi: “Xong rồi chứ?”
Tôi đáp lại ừ.
“Lạy Chúa,” hắn nói. “Mụ sẽ đoán ra. Cậu hiểu, đúng không? Tất nhiên, chẳng ai chứng minh được… ai cũng có thể xỉu sau khi mổ… nhưng mụ ta – mụ sẽ đoán ra.”
Tôi không nói gì.
“Nếu ở địa vị Thủ lĩnh, tớ sẽ chuồn khỏi đây. Cậu hãy chạy đi, còn tớ sẽ nói đã nhìn thấy McMurphy đứng dậy và bước đi như thế nào sau khi cậu đã bỏ trốn. Người ta sẽ không nghi ngờ cậu được. Ý đồ tuyệt đấy chứ, Thủ lĩnh?”
“Hiển nhiên rồi, đơn giản quá. Chỉ cần yêu cầu chúng mở cửa cho tớ đi là xong.”
“Không. Có một hôm McMurphy đã chỉ cho cậu làm thế nào rồi đấy, nhớ chưa? Ngay tuần đầu tiên, nhớ không?”
Tôi không trả lời và hắn cũng không nói gì thêm, phòng ngủ im ắng trở lại. Tôi nằm thêm mấy phút nữa, sau đó vùng dậy mặc quần áo. Rồi tôi thò tay vào chiếc tủ của McMurphy lôi ra chiếc mũ của hắn, đội thử lên đầu. Nó chật quá, và tôi chợt cảm thấy xấu hổ vì đã thử nó trên đầu mình. Tôi vứt xuống giường Scanlon và bước ra khỏi buồng ngủ. Scanlon nói đuổi theo tôi: “Bình tĩnh, anh bạn.”
Ánh trăng xuyên qua cửa sổ rọi vào buồng tắm, chiếu xuống chiếc bệ nặng nề lùn tịt dưới đất, ánh lên những chi tiết mạ crôm và những tấm kính trong đó, lạnh lẽo đến mức dường như nghe thấy cả tiếng ánh trăng đập vào kim loại kêu lanh canh. Tôi hít một hơi căng lồng ngực, cúi người xuống và tóm lấy tay gạt. Bắp chân căng lên và tôi cảm thấy có gì đó lạo xạo vỡ ra dưới chân bệ. Gắng sức một lần nữa, tôi nghe thấy tiếng các dây dẫn và các ổ nối bật ra khỏi sàn. Một tay ôm phía trên, tay kia luồn xuống dưới, tôi đặt được cái bệ lên hai đầu gối. Kim loại áp vào má và cổ tôi lạnh ngắt. Lưng quay vào cửa sổ, tôi đứng dậy, rồi lăng người đi, vừa nửa chừng thì buông tay ra cho cái bệ bay tới phá tung cửa sổ và lưới sắt với một tiếng răng rắc kéo dài. Những mẩu kính văng ra lấp lánh dưới ánh trăng như nước thánh được vẩy xuống rửa tội cho mặt đất đang ngủ. Tôi thở phì phò và định quay lại kéo Scanlon hay ai đó nữa đi cùng thì ngay lúc đó trong hành lang vang lên tiếng giày lộp cộp của tên hộ lý, tôi tì tay lên cửa sổ nhảy vọt theo cái bệ, lao ra khoảng không chan hòa ánh trăng.
Tôi chạy theo trí nhớ, theo hướng con chó đã chạy hôm nào – nhằm tới đường quốc lộ. Tôi còn nhớ chân mình bước những bước dài, dường như sau mỗi bước tôi lại bay trong không trung rất lâu cho đến khi chân kia chạm đất. Tôi cảm giác như mình đang bay. Hoàn toàn tự do. Không ai đuổi theo bệnh nhân trốn khỏi viện điên, tôi hiểu điều đó, và Scanlon biết cách trả lời mọi câu hỏi về người chết – chẳng việc gì phải chạy. Nhưng tôi không dừng lại. Tôi chạy rất lâu, không nghỉ, và cuối cùng chạm phải sườn dốc của đường quốc lộ.
Một tài xế người Mexico đang rong ruổi trên chiếc xe tải chở cừu lên phía Bắc cho tôi đi nhờ, và tôi đã bịa ra rằng tôi là một tay đô vật nhà nghề da đỏ bị bọn găngxto tống vào nhà thương điên hay ho đến nỗi anh ta lập tức dừng xe lại, đưa cho tôi chiếc áo khoác da để che bộ quần áo xanh của tôi và còn cho vay mười đô la để ăn đường cho đến khi tới được Canada. Lúc chia tay, tôi yêu cầu anh ta viết địa chỉ cho tôi và nói rằng hễ kiếm được việc làm là tôi gửi trả anh ta ngay.
Có thể tôi sẽ điCanada, nhưng chắc chắn trên đường tôi phải ghé qua con sôngColumbiacái đã. Tôi sẽ quanh quẩn đâu đó xung quanhPortland, cạnh sông Hood và thành phố Dalles – biết đâu bất ngờ chả gặp một người nào đó từ làm chúng tôi chưa uống đến mức mất trí nhớ. Tôi muốn biết họ làm gì từ bấy đến nay, từ khi chính phủ muốn mua quyền làm người da đỏ của họ. Thậm chí tôi còn nghe đâu như có mấy người da đỏ bắt đầu dựng những chiếc cầu khỉ bằng gỗ trên đập thủy điện hàng triệu đô đó và đâm cá trong hồ. Được xem những cái đó cũng thật đáng giá. Nhưng thích nhất vẫn là được thấy lại những chòm xóm của chúng tôi ngay cạnh khe núi, để chúng trở lại tươi mới trong trí mình.
Đã lâu tôi chưa về thăm quê.