Tôi đã quá quen với máy phun mù. Ở châu Âu, chúng tôi có cả một trung đội chỉ để chạy những cỗ máy phun mù bảo vệ các sân bay. Khi được điệp báo viên báo trước một đợt ném bom, hay khi các vị tướng chợt có một điều gì bí mật là họ lại khởi động máy tạo sương mù ngụy trang. Gián điệp ở ngay sát nách cũng không thể phát hiện ra.
Đó là một thiết bị không mấy phức tạp: một chiếc bơm hút nước và một loại dầu đặc biệt từ hai bể chứa khác nhau, nén chúng lại và từ vòi phun đen xì cuối cỗ máy phun ra một đám mù màu trắng, đủ để phủ kín một sân bay trong chín mươi giây. Thứ sương mù đó là thứ đầu tiên mà tôi thấy khi đặt chân lên đất châu Âu. Máy bay vận tải của chúng tôi bị vài máy bay do thám bám theo sát nút, và chúng tôi vừa chạm đất là đội phun mù lập tức mở máy. Nhìn qua cửa kính tròn xước xát, chúng tôi thấy máy phun mù được xe Jeep chở đến sát máy bay mình, nhìn sương mù tỏa ra như bông ướt, cuồn cuộn lan khắp sân bay và bám vào làm mờ cả cửa kính.
Sau đó ta phải tìm đường lần ra khỏi máy bay theo tiếng còi trung úy thổi, tiếng còi nghe như tiếng ngỗng kêu đổi mùa, Ra đến bên ngoài là không thấy nổi vật gì cách quá một mét. Ta có cảm giác là mình hoàn toàn đơn độc trên cả sân bay. Được che chở an toàn khỏi mắt kẻ thù, nhưng lẻ loi đến đáng sợ. Tiếng động cách khoảng vài thước cũng bị chìm đi, không còn nghe được tiếng đồng đội, không còn gì ngoài tiếng còi the thé rời rạc xuyên màn trắng mềm mại, mịn màng như lông tơ, đặc quánh đến nỗi phần cơ thể từ thắt lưng trở xuống cũng lặn vào màu trắng; ngoài cái áo nâu và khóa thắt lưng đồng, chẳng còn nhìn thấy gì nữa ngoài màu trắng, cứ như bên dưới hông ta không còn lại gì, đã bị sương mù nuốt hết.
Rồi thình lình sẽ có một người cũng đang lạc lối như ta hiện ra ngay trước mặt, trong đời chưa bao giờ ta được thấy một khuôn mặt người to và rõ ràng đến thế. Vì đôi mắt luôn căng ra, cố xé đám sương mù nên khi có một vật xuất hiện thì mọi đường nét của nó trở nên rõ ràng gấp mười lần bình thường, và cả hai đứa không chịu nổi phải quay mặt đi. Khi có người xuất hiện ta không muốn nhìn mặt họ và họ cũng không muốn nhìn mặt ta, bởi thật đau lòng phải thấy nhau rõ ràng như thấy đến cả ruột gan như thế, nhưng cũng không muốn quay đi để mất hắn và mình trở nên đơn độc. Ta chỉ có hai lựa chọn ấy: hoặc căng mắt nhìn những gì hiện ra từ sương mù, bất chấp đau đớn, hoặc thả mình trôi đi vào lãng quên.
Chúng đã mua chiếc máy phun mù khi người ta thanh lý hàng quân dụng và bí mật nối với hệ thống thông gió ở nhà mới trước khi chúng tôi chuyển về. Lần đầu tiên chúng khởi động máy, theo phản xạ, tôi cố sức căng mắt ra nhìn mỗi khi có vật gì xuất hiện trong màn sương, để bám lấy nó như khi bị phun mù ở sân bay châu Âu. Ở đây không có tiếng còi, cũng chẳn có dây chằng, chỉ có thể định vì bằng cách dán mắt nhìn vào một vật gì đó. Thế nhưng đôi lúc tôi vẫn bị lạc, nếu tìm cách trốn quá sâu trong đám sương mù và mỗi lần như vậy cuối cùng tôi lại thấy mình đang đứng trước cánh cửa sắt không số với một hàng đinh tán trông như những con mặt, cứ như căn phòng đó hút tôi tới đó dù tôi cố kháng cự cách nào, cứ như luồng điện tạo ra trong tay lũ quỷ trong phòng đá đã phóng ra thành một luồng xuyên màn sương để chập lấy tôi kéo theo mình như một rô bốt. Mất nhiều ngày tôi lang thang trong sương mù, mang theo nỗi sợ rằng sẽ không còn được nhìn thấy gì nữa, rồi bỗng nhiên tới bên cánh cửa sắt, đang mở toang cho thấy những bức tường bọc nỉ cách âm, thấy một hàng người như những thây ma sống kia, đứng xếp hàng giữa những cuộn dây đồng đỏ au và bóng điện nhấp nhày, tia lửa điện lập lòe. Tôi đứng sau họ và đợi đến lượt mình. Trân mặt bàn hình thập tự còn in bóng hàng nghìn người bị hạ sát, những cổ tay mắt cá ma đút vào vòng da đã xanh lè vì thấm mồ hôi, những cổ và đầu ma đút vào dải đai bằng bạc đóng ngang trán. Rồi gã kỹ thuật viên ngồi sau bàn điều khiển ngẩng lên nhìn hàng người, chỉ bàn tay đeo găng da vào tôi: “Cẩn thận, tôi biết rõ thằng khốn dài lêu nghêu kia – tốt hơn là nện cho hắn một phát vào gáy hoặc gọi thêm người giúp sức. Hắn giãy khỏe hơn bất cứ đứa nào.”
Thế nên hồi đầu tôi cố thoát khỏi sương mù vì sợ bị lạc lối và rơi vào trước cửa phòng Đột Tử. Tôi nhìn vào bất cứ vật gì nhô ra trước mặt và không rời mắt khỏi chúng như người ta vẫn bám sát hàng cọc tiêu bên đường trong cơn bão tuyết. Nhưng sương mù mỗi lúc một dày và dù cố đến đâu, vài lần một tháng vẫn phải xuất hiện trước cánh cửa địa ngục đang mở rộng, mùi khét của tia lửa điện, mùi ôdôn đang chờ. Mọi cố gắng lẩn trốn càng ngày càng thêm vô ích.
Thế rồi tôi phát hiện điều này: tôi sẽ không lạc đến cánh cửa đó nếu cứ ngồi im trật tự khi sương mù trùm tới. Nhưng phiền hơn nữa là tôi tự tìm đường đến đó bởi quá sợ phải luẩn quẩn trong sương mù, tôi sẽ la lên và thế là chúng tóm được. Nói cho đúng là tôi cố tình gào lên cho chúng tóm; khi ấy tôi nghĩ dù gì cũng hơn lạc lối trong đám khói trắng, dù phòng Đột tử cũng hơn. Còn bây giờ, tôi không biết nữa. Lạc lối trong đám khói trắng cũng không đến nỗi nào.
Cả buổi sáng nay tôi ngồi đợi chúng phun mù trở lại. Mấy ngày nay mù dày quá, mà theo ý tôi có lẽ tại McMurphy. Hắn vẫn chưa bị nối với hệ điều khiển, và chúng đang muốn chộp vào lúc hắn không ngờ. Chúng đã hiểu hắn sẽ là nguồn cơn rắc rối dài lâu; hắn đã kịp nhiều lần khích Cheswick, Harding và một số đứa khác đến mức cảm tưởng như họ sắp đánh lộn với tụi hộ lý đến nơi – nhưng lần nào cũng vậy, hễ một bệnh nhân có vẻ sắp vùng lên là máy phun mù liền được bật lên, cũng như lần này.
Mấy phút trước tôi đã nghe thấy tiếng bơm của máy nén đằng sau tấm lưới sắt, đúng vào lúc tụi Cấp tính đang khuân bàn ra khỏi phòng chung chuẩn bị cho cuộc họp, và chưa chi sương mù đã ùn ùn trên sàn nhà, nhiều đến mức ống quần tôi ướt đẫm. Đang lau cửa kính phòng trực tôi nghe thấy mụ Y tá Trưởng nhấc ống nói gọi cho gã bác sĩ, bảo hắn cuộc họp sắp bắt đầu và yêu cầu hắn dành một tiếng sau bữa ăn trưa để thảo luận với các nhân viên. “Vấn đề hôm nay là”, mụ nói, “theo tôi, đáng ra chúng ta đã phải bàn vấn đề bệnh nhân RandleMcMurphytừ lâu, và nên chăng cứ giữ hắn ở lại khoa ta?” Mụ lắng nghe một lúc rồi nói tiếp. “Tôi cho là phi lý nếu cứ để hắn tiếp tục kích động bệnh nhân như những ngày gần đây.”
Thì ra vì thế mà mụ phải phun sương mù trước khi họp. Trước đây không mấy khi có chuyện đó. Nhưng hôm nay mụ muốn làm gì đó với McMurphy, tống lên khoa Điên là cái chắc. Tôi buông giẻ, đi đến ghế của mình ở cuối hàng các con bệnh Kinh niên, từ đây khó khăn lắm mới thấy các con bệnh lục tục ngồi vào ghế và gã bác sĩ bước vào, tay lau đôi kính như thể không phải sương mù làm hạn chế tầm nhìn mà chỉ vì mặt kính mờ đi.
Chưa bao giờ sương mù cuộn lên dày đặc đến thế.
Tôi nghe văng vẳng ở đâu đó người ta cố bắt đầu một cuộc họp, nói những điều vớ vẩn vô nghĩa về chuyện tại sao Billy Bibbit lại nói lắp. Tiếng nói vọng đến tôi như phải đi qua một màn nước. Sương đặc đến mức tôi dềnh lên khỏi chiếc ghế và không còn phân biệt được đâu là phía trên, đâu là bên dưới. Ban đầu tình trạng mất trọng lượng làm tôi buồn nôn. Tôi không nhìn thấy gì cả. Chưa bao giờ tôi gặp sương đặc đến mức mình trôi lềnh bềnh thế này.
Tiếng người nói lúc trầm lúc bổng, lúc tắt đi, lúc lại vang lên, trên đường tôi trôi ngang dọc, nhưng kể cả lúc to nhất, to và rõ khiến tôi biết người nói đang ngồi ngay bên cạnh, cũng tuyệt nhiên không thấy một ai.
Tôi nhận ra giọng Billy, vì hồi hộp, hắn nói lắp hơn bao giờ hết. “…b…b…bị đuổi khỏi trường tổng hợp v…v…vì bỏ tập quân sự. Khô…khô…không chịu đựng nổi. Kh…kh…khi điểm danh, người sĩ quan gọi ‘Bibbit’, tôi không thể lên tiếng ngay lậ…lậ…lập tức. Đáng ra ph…ph…phải đáp ‘C…c…ó…’,” Billy đánh vật mãi chữ đó như bị vướng cục xương trong họng. Tôi nghe thấy hắn hắng giọng, bắt đầu lại. ” Đáng ra phải đáp ‘có tôi’, nhưng tôi kh…kh…không làm được.”
Giọng nói tắt đi, rồi từ bên trái tiếng mụ y tá cất lên, “Billy, ông có nhớ ông gặp khó khăn khi phát âm từ bao giờ không? Ông bắt đầu nói lắp từ khi nào?”
Tôi không chắc có phải hắn đang cười hay không. “Bắt đầu n…nó…nói lắp? Bắt đầu nói lắp? Tôi bắt đầu nói lắp ngay từ cả chữ đầu t…t…iên:m…m…m…mẹ.”
Cuộc đối thoại lặng im: chưa bao giờ có chuyện này. Cũng có thể Billy đang giấu mình vào trong màn sương. Cũng có thể tất cả tụi Cấp tính đã vĩnh viễn chìm lỉm vào trong đó.
Có một chiếc ghế bơi dập dềnh qua tôi. Đó là vật đầu tiên tôi thấy. Nó trôi ra khỏi màn sương phía phải, sau mấy giây đã ở ngay trước mặt, gần hơn chút nữa là tôi túm được. Thời gian gần đây tôi không chú ý đến các đồ vật hiện ra trong sương nữa, chỉ ngồi yên, không bám theo chúng. Nhưng bây giờ tôi lại sợ như trước đây vẫn sợ. Tôi cố hết sức nhoài người đến chiếc ghế để bắt lấy nó, nhưng điểm tựa không có, tôi chỉ vùng vẫy vô ích trong không khí, còn chiếc ghế hiện ra rõ dần, rõ dần, có thể thấy được vân tay của người thợ mộc để lại trên mặt véc ni lúc chưa khô, vật vờ trước mặt tôi một lúc rồi lại tan biến đi. Tôi chưa bao giờ thấy đồ vật bơi quanh thế này. Tôi chưa bao giờ thấy sương đặc thế, đặc đến khiến tôi không đặt nối chân xuống sàn nhà mà cất bước. Vì thế nên tôi sợ: tôi linh cảm rằng lần này bị cuốn đến một nơi nào đó rất xa và không bao giờ quay lại.
Phía dưới tôi một chút là một bệnh nhân Kinh niên đang bơi lại gần. Đó là đại tá già Matterson đang giơ bàn tay dài, vàng ệch ra đọc những gì ghi trên đó. Tôi nhìn chăm chú vì nghĩ rằng đây là lần cuối cùng được trông thấy lão. Khuôn mặt lão to đến dễ sợ. Mỗi sợi tóc, mỗi nếp nhăn đều được phóng đại như qua kính hiển vi. Tôi nhìn thấy lão rõ đến mức nhìn thấu cả cuộc đời gã. Khuôn mặt là sáu mươi năm ở các trại lính TâyNambị cày nát bởi đạn bom, mòn đến trơ xương bởi hàng nghìn bước chân từng phải nện xuống trong các cuộc hành binh hai ngày không nghỉ.
Lão duỗi bàn tay, gí sát vào mặt, nheo mắt, giơ bàn tay kia đưa ngón tay đã cứng lại như gỗ và bóng lên màu báng súng vì khói thuốc, lần theo từng chữ. Giọng lão trầm, chậm rãi và kiên nhẫn, và tôi nhìn thấy từ phía trong đôi môi cằn cỗi, những chữ nặng và đen đục lần lượt bay ra.
“Xem nào…Lá cờ…đố là nước Mỹ. Nước Mỹ là…quả mận. Quả đào. Quả dưa hấu. Nước Mỹ là…cục đường phèn. Hạt bí. Nước Mỹ là…cái ti vi.”
Đúng thế. Tất cả đều viết trên bàn tay màu vàng. Tôi có thể đọc theo lão.
“Bây giờ…Cây thánh giá… Là nướcMexico.” Lão ngẩng mặt lên xem tôi có nghe không; thấy tôi vẫn chú ý theo dõi, lão cười và đọc tiếp: “Mexicolà… quả bồ đào. Quả dẻ. Quả sồi.Mexicolà… cầu vồng. Cầu vồng… bằng gỗ,Mexico… bằng gỗ.”
Tôi hiểu lão muốn nói điều gì. Những lời kiểu đó lão đã lặp đi lặp lại suốt sáu năm nay nhưng chưa bao giờ tôi để ý, vì cho lão chỉ là một bức tượng biết nói, một đồ vật được cấu tạo từ những khớp xương, bắp thịt, biết vung ra những định nghĩa ngốc nghếch, không chứa đựng một giọt ý nghĩa nào. Đến lúc này tôi mới hiểu lão nói gì. Tôi đang nhìn lão lần cuối, muốn khắc hình ảnh lão vào ký ức, và vì cố sức nhìn tôi đã bắt đầu hiểu lão. Lão dừng lại và nhìn tôi xem có thật tôi hiểu không, và tôi muốn hét lên với lão Vâng, tôi hiểu!Mexicođúng là quả bồ đào, màu nâu và cứng và nhìn vào là ông hiểu và ông thấy nó hệt như quả bồ đào. Bố già ơi những lời bố nói đều có ý nghĩa, bố đâu có điên như người ta nghĩ. Vâng, tôi hiểu…
Nhưng sương mù đã tràn vào họng, không thể thốt ra được lời nào. Lão trôi ra xa và lại cúi xuống bàn tay của mình.
“Bây giờ… Con cừu xanh – đó làCanada.Canada– đó là cây thông. Đồng lúa mì. Tờ lịch…”
Lão bơi xa dần, còn tôi cố nhìn theo, mắt căng lên. Tôi cố đến mức mắt nhức nhối phải nhắm lại và khi mở ra thì không còn thấy đại tá đâu. Tôi lại bơi một mình, bơ vơ, lạc lõng.
Tôi nghĩ: Thế là xong. Hết đường về.
Rồi ông già Pete hiện ra, mặt như cái đèn pha. Lão ở bên trái tôi, cách những năm chục thước, nhưng tôi vẫn thấy rõ ràng như không hề có sương mù. Hay lão ở ngay sát tôi và thật ra thì lão rất nhỏ bé, tôi không hiểu nữa. Lão nói một lần với tôi là lão mệt, và qua hai chữ đó tôi nhìn được toàn bộ cuộc đời lão trên tuyến đường sắt, thấy lão đánh vật với chiếc đồng hồ để đọc thời gian, vã mồ hôi mới lồng được cúc áo vào khuyết trên bộ đồ đường sắt, kiệt sức mới hoàn thành nổi một công việc mà đồng nghiệp thừa thời gian để ngồi ghế lót bìa mà đọc tiểu thuyết trinh thám hay chuyện ái tình ba xu. Mặc dù chưa bao giờ lão tìm ra bí quyết để dấn lên – ngay từ đầu lão đã hiểu rằng mình không đủ sức – nhưng vẫn phải gắng mãi, chỉ để không bị bỏ rơi. Cứ thế suốt bốn mươi năm lão đã sống, nếu không ở ngay trong lòng của cộng đồng loài người thì ít ra cũng bên lề của nó.
Tôi thấy hết và đau lòng bởi tất cả những gì đang phải chứng kiến, cũng như đau lòng khi chứng kiến những sự kiện trong quân đội, hồi chiến tranh. Cũng như khi chứng kiến những điều xảy ra với ba và bộ lạc. Tôi cứ nghĩ mình đã vượt qua, không còn mãi buồn bực trước những điều tai nghe mắt thấy. Làm thế chẳng được gì cả. Người ta chẳng thể làm gì.
“Tôi mệt rồi,” lão nói.
“Tôi biết ông đã mệt, Pete ạ, nhưng có ích gì đâu nếu tôi buồn bực vì ông. Ông biết mà.”
Pete trôi đi theo vết của đại tá.
Và đây là Billy Bibbit, cũng xuất hiện từ chỗ của Pete. Người này nối gót người kia trôi qua cho tôi nhìn lần cuối. Tôi biết Billy chỉ cách tôi vài bước, nhưng hắn bé tí tẹo tưởng chừng như đang ở xa hàng ki lô mét. Hắn đang cố vươn lại phía tôi với bộ mặt của thằng ăn mày, cần nhiều đến mức không ai cho nổi. Miệng hắn mở rồi khép như con rối.
“Thậm chí kh… kh… khi hỏi vợ, tôi cũng làm hỏng cả. Tôi nói ‘E… em yêu, hãy làm v… v… v… v… v…’ và cô ta phá lên cười.”
Giọng mụ y tá, tôi không hiểu từ đâu: “Billy, mẹ ông có kể cho tôi nghe về cô gái đó. Rõ ràng là cô ta không xứng với ông. Theo ông, cái gì ở cô ta đã làm ông sợ đến thế.”
“Tôi y… yê… yêu cô ta.”