Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu

Chương 6

Tác giả: Ken Kesey

Gần trưa, máy phun mù lại hoạt động, rất may là chưa hết công suất; nếu cố căng mắt ra tôi vẫn có thể nhìn thấy được gì đó. Sẽ đến lúc tôi không thể cố thêm được nữa, tôi sẽ đầu hàng hoàn toàn, sẽ chịu chìm lỉm trong lớp mù đặc quánh như một vài đứa Kinh niên, nhưng hiện thời thì tôi còn đang tò mò muốn xem cái gã mới đến sẽ xử thế ra sao trong lần Họp Nhóm này.

Một giờ kém mười, sương tan hết, hộ lý bảo tụi Cấp tính chùi sàn nhà chuẩn bị cho cuộc họp. Tất cả các bàn trong phòng chung được mang sang buồng tắm phía đối diện, sàn đã được giải phóng, McMurphy nói, mời các vị vào khiêu vũ.

Mụ Y tá Trưởng vẫn nhìn trân trân qua cửa sổ. Đã ba giờ liền mụ không rời khỏi cái cửa kính, thậm chí chỉ để đi ăn trưa. Bàn đã dời hết, lúc một giờ, gã bác sĩ từ phòng làm việc phía cuối hành lang bước ra, qua cửa sổ, gật đầu chào mụ rồi ngồi xuống chiếc ghế bên trái cánh cửa. Các con bệnh ngồi xuống theo gã, rồi các ả y tá và đám bác sĩ thực tập lục tục kéo vào chỗ của mình. Khi đâu đã vào đấy, mụ Y tá Trưởng lui vào phía trong, đến bên bàn điều khiển ấn nút cho các máy móc còn lại tự hoạt động, rồi xuất hiện tại phòng chung với cuốn sổ trực trong tay và một giỏ đựng các mẩu ghi chú. Ở đây đã nửa ngày mà chiếc áo choàng trắng của mụ vẫn phẳng phiu, nguyên nước hồ, khớp tay kêu sột soạt nghe như vải bạt đóng băng bị gấp lại.

Mụ ngồi vào chiếc ghế phía bên phải cánh cửa.

Mụ chưa kịp thả mình xuống thì Pete Pancini đã nhổm dậy, lắc đầu và bằng một giọng khàn khàn, lão rên rỉ: “Mệt quá, trời ơi, mệt đến chết mất….” – cứ mỗi lần trong phân khoa xuất hiện kẻ lạ mặt là lão lại ca thán, may ra có kẻ lắng nghe.

Không nhìn Pete, mụ Y tá Trưởng vừa lục tìm giấy tờ trong giỏ vừa buông một mệnh lệnh: “Một người đến ngồi với ông Pete dỗ cho ông ấy yên đi để chúng ta bắt đầu.”

Billy Bibbit đứng lên. Pete lúc này quay lại phía McMurphy, nghiêng đầu hết bên trái lại sang phải như chiếc đèn đỏ ở chỗ chắn tàu. Lão làm việc đó đã ba mươi năm, bào mòn hết, nhưng vẫn hoạt động theo thói quen nghề nghiệp.

“Tôi mệt rồi,” lão nói, đung đưa cái đầu trước mặt McMurphy. “Bình tĩnh, Pete,” Billy nói và đặt bàn tay đầy tàn nhang lên đầu gối lão.

“… Mệt quá rồi…”

“Tôi biết, Pete ạ,” Billy đập tay vào gối Pete, và Pete thôi không lắc đầu, hiểu rằng hôm nay không có ai sẵn lòng nghe lão than thở. Mụ Y tá Trưởng tháo đồng hồ đeo tay, nhìn lên đồng hồ chuông lấy lại giờ, đoạn đặt vào giỏ sao cho có thể thấy được mặt số và lôi ra chiếc cặp giấy.

“Chúng ta bắt đầu cuộc họp thôi.”

Mụ nhìn mọi người một lượt xem có ai dám ngắt lời, bộ mặt với nụ cười chết cứng quay chầm chậm trên cổ áo. Đố đứa nào dám nhìn lên, cả bọn đều ngồi cắn móng tay. Chỉ có McMurphy. Hắn tìm được một chiếc ghế bành ở góc phòng, chễm chệ đặt mông vào, cứ như đã dùng nó hàng thế kỷ, mắt không bỏ sót một cử chỉ nào của mụ Y tá Trưởng. Chiếc mũ sụp xuống chật căng trên mái đầu tóc đỏ như thể hắn là một tay đua mô tô. Cỗ bài được chia làm hai nửa đặt trên hai đầu gối, hắn cầm một nửa lên, rồi vỗ đánh bốp vào nửa kia vang cả phòng, gộp chúng làm một. Cái nhìn của mụ Y tá Trưởng dừng lại ở McMurphy. Mụ đã nhìn hắn chơi poker suốt cả sáng và dầu không thấy hắn lột túi của ai nhưng mụ vẫn nghi ngờ hắn sẽ không yêu thích quy tắc ở đây – chỉ chơi ăn diêm. Cỗ bài chia đôi, nhập một rồi biến mất trong lòng bàn tay to đùng của hắn.

Mụ y tá lại nhìn đồng hồ. Mụ lôi từ trong cặp ra một tờ giấy, liếc qua rồi lại nhét vào. Đặt cặp giấy sang một bên, mụ vớ lấy cuốn sổ trực. Ellis đang bị ghim vào tường chợt lên cơn ho; đợi cho hắn hết cơn, mụ nói:

“Xem nào. Buổi họp thứ Sáu chúng ta đang thảo luận dở vấn đề của ông Harding, về việc ông có một vài… trục trặc nho nhỏ với người vợ trẻ. Ông Harding rất lấy làm lo lắng vì bộ ngực to quá cỡ của vợ làm cánh đàn ông ngoài phố cứ phải nhìn chằm chằm.” Mụ giở quyển sổ trực ở nhiều trang khác nhau; những mảnh giấy nhỏ thò ra trên đầu các trang đánh dấu. “Theo những điều mà các bệnh nhân khác ghi được, ông Harding đã nói: ‘với những gì cô ả làm thì quân đểu cáng nhìn ngắm cũng đáng lắm’. Chúng ta cũng nghe thấy ông Harding thú nhận là với những gì ông làm thì cô vợ tìm kiếm sự chú ý của đàn ông cũng đáng lắm. Ông còn nói: ‘Con vợ rất dễ thương nhưng dốt nát của tao cho rằng mọi lời nói và hành động thiếu sự mạnh mẽ, hung hãn của thú vật đều chỉ là lời nói và hành động của một thằng công tử bột mà thôi’.

Đoạn tiếp theo mụ đọc lẩm nhẩm rồi gập sổ lại.

“Ngoài ra ông Harding còn nói rằng bộ ngực quá bự của vợ gây cho ông cảm giác là ông kém cỏi hơn. Nào, xin mời các vị.”

Mắt Harding nhắm tít. Tất cả im lặng. McMurphy nhìn cả bọn xem có ai muốn phát biểu không, đoạn hắn giơ tay lên và búng ngón cái như một cậu học trò trong lớp học; mụ Y tá Trưởng gật đầu:

“Ông… M… Mac… McMurphy?”

“Bà vừa ‘xin mời’ cái gì thế ạ?”

“Ông bảo sao? Xin mời…”

“Bà vừa nói ‘xin mời các vị’ cái gì đấy, nếu tôi nghe không lầm…”

“Xin mời… đóng góp ý kiến, ông McMurphy, đóng góp ý kiến về vấn đề của ông Harding.”

“Ra thế, tôi cứ ngỡ… bà mời mọi người cái bộ… mà bà vừa nói.”

“Ông muốn làm cái…”

Nhưng mụ tắc lại. Mụ có vẻ bối rối mất mấy giây. Một đứa Cấp tính suýt bật cười, còn McMurphy duỗi người trên ghế, ngáp dài, nháy mắt với Harding. Mặt vẫn điềm tĩnh như thường, mụ y tá cất quyển sổ vào túi, rút ra một cặp giấy khác và đọc:

“McMurphy, Randle Patrick. Được các nhà chức trách từ trại cải tạo Pendleton chuyển đến để khám bệnh và điều trị, nếu được. Ba mươi lăm tuổi, chưa vợ. Huân chương chữ thập ‘Cống hiến lớn lao’ ở Triều Tiên, do đã dẫn đầu đồng đội trốn khỏi trại tù binh Cộng. Sau bị kỷ luật, bị đuổi khỏi quân đội và tước các đặc lợi vì không chấp hành mệnh lệnh. Đã từng đánh nhau trên đường phố, gây gổ ở quán rượu. Nhiều lần bị bắt giữ vì say rượu, phá rối trật tự, hành hung và các trò chơi sát phạt tái phạm nhiều lần ; một lần ra tòa – tội cưỡng dâm.”

“Cưỡng dâm?” Gã bác sĩ giật mình.

“Quan hệ với trẻ dưới tuổi cho phép, với một cô bé…”

“Hề… hề, đừng có tin,” McMurphy nói với bác sĩ. “Con bé đâu chịu làm chứng.”

“Một đứa bé mười lăm tuổi.”

“Con bé biểu nó mười bảy, bác sĩ ạ, và rất muốn.”

“Pháp y đã phát hiện ra dấu hiệu của sự chung đụng. Biên bản nói rõ rằng đã nhiều lần…”

“Thú thiệt, con bé nó thèm quá mà, đến nỗi tôi phải khâu chặt quần lại.”

“Đứa trẻ không chịu ra chứng, mặc dầu kết quả khám nghiệm đã rõ ràng. Tất nhiên nó đã bị buộc phải im lặng. Bị cáo sau khi xét xử vội rời khỏi thành phố.”

“Ối chà, tôi có việc phải rời đi. Bác sĩ à, tôi nói nghiêm túc,” McMurphy nghiêng người chống khuỷu tay lên gối và nhỏ giọng nói với bác sĩ ở đầu bên kia phòng. “Đợi cho đến tuổi mười sáu theo pháp luật thì cái con đượi con ấy cứ gọi là quần cho tôi đến nhừ. Nó ham đến mức cố ngáng chân tôi và xô tôi xuống sàn nhà.”

Mụ y tá gấp cặp giấy lại rồi chìa cho bác sĩ ngồi bên kia cửa cứ như thể mụ vừa nhét con bệnh vào đó và chuyển cho gã ta để xét nghiệm. “Bác sĩ Spivey, đây là bệnh nhân mới. Tôi đã định chiều nay sẽ nói với anh sau. Nhưng vì anh ta muốn kể về mình trong Cuộc Họp Nhóm thì chúng ta cứ làm việc với anh ta trước.”

Bác sĩ kéo sợi dây buộc cặp kính từ trong túi ra, đặt lên mũi. Cặp kính hơi lệch về bên phải nhưng gã lại nghiêng đầu sang trái, thế là cân bằng. Lật xem qua vài tờ, gã cười nụ, bồn chồn vì điệu bộ lấc láo của McMurphy cũng như chúng tôi và cũng như chúng tôi, gã thận trọng không dám cười công khai. Xem xong, gã đóng cặp, cho lại kính vào túi và nhìn McMurphy lúc này vẫn ngồi ở góc đối diện chúi mình về phía gã.

“Ông McMurry, theo tôi hiểu, ông chưa có tiền sử khám thần kinh?”

“Mac-Mur- phy, bác sĩ à!”

“Thật ư?… Tôi nghe bà y tá gọi…”

Gã ta lại mở cặp, lôi kính ra, nhìn thêm một phút, rồi đóng lại và cho kính vào túi. “Vâng, McMurphy, đúng rồi, tôi xin lỗi.”

“Không sao, bác sĩ à. Lỗi tại bà kia. Tôi có biết vài người hay nhầm như vậy. Ông chú tôi tên là Hallahan, có lần quen với một người đàn bà. Bà ta cứ cố tình nhầm lần mà gọi ông thành Hooligan, chỉ vì muốn vuốt râu hùm. Sau vài tháng ông cho bà ấy lãnh đủ.”

“Thật sao, thế ông chú anh đã làm gì bà ấy?” Gã bác sĩ hỏi.

McMurphy nhăn răng cười, đưa ngón cái quệt mũi. “Hà… hà, cái đó thì tôi không thể nói. Tôi giữ bí mật của chú Hallahan như một cẩm nang, đề phòng bất trắc. Có thể chính tôi sẽ cần đến.”

Hắn nói vào mặt mụ Y tá Trưởng câu đó. Mụ mỉm cười thay cho câu trả lời, rồi hắn đưa mắt sang gã bác sĩ. “Ông hỏi gì về tiền sử của tôi?”

“Tôi muốn hỏi về tiền sử khám thần kinh. Tôi muốn biết trước khi tới đây ông đã trú ngụ lâu dài một nơi nào khác chưa?”

“Tôi đã qua hàng loạt nhà tù, địa phương cũng có, quốc gia cũng có.”

“Là tôi nói các cơ sở điều trị bệnh tâm thần cơ.”

“À, cái đó thì chưa. Đây là bước đầu. Nhưng tính tôi đúng là điên, thật đó. Tôi thề. Để tôi chỉ cho ông xem, hình như bác sĩ ở trại đã…”

Hắn đứng dậy, nhét cỗ bài vào túi áo khoác, và băng qua phòng tiến đến gã bác sĩ, chúi người qua vai gã bật mấy trang hồ sơ. “Tôi nhớ ông ấy đã ghi vào đâu đó, tít ở đây…”

“Vậy à? Tôi không nhìn thấy, để tôi xem lại.” Gã bác sĩ lại lôi kính ra đeo và nhìn vào chỗ McMurphy vừa chỉ.

“Đây rồi bác sĩ! Bà y tá đã bỏ qua phần này khi tóm tắt lại hồ sơ của tôi. Đúng chỗ nói: ‘Đã nhiều lần bộc phát những dấu hiệu…’ đó, tôi muốn người ta hiểu tôi cho rõ ngọn ngành, ‘nhiều lần’ nhé, bác sĩ… ‘không kiểm soát được bản thân. Những dấu hiệu đó cho phép kết luận bệnh nhân mắc bệnh thái nhân cách.’ Ông ấy biểu mắc bệnh thái nhân cách nghãi là tôi cãi lộn và đ… – xin lỗi các bà, nghĩa là, ông ấy biểu… cơ thể tôi quá mãnh liệt về sinh lý. Sao, bác sĩ, bệnh đó có nguy hiểm lắm không?”

Trên khuôn mặt rộng, cứng cỏi hiện lên nỗi lo âu rất trẻ thơ khiến gã bác sĩ phải ngoẹo đầu sang bên mà giấu nụ cười vào cổ áo. Cặp kính lại tuột khỏi sống mũi rơi trúng túi. Tụi Cấp tính và vài đứa Kinh niên cũng mỉm cười.

“Quá mãnh liệt về sinh lý, bác sĩ nói coi, ông đã từng phải khổ sở vì bệnh này chưa?”

Bác sĩ dụi mắt. “Không, ông McMurphy ạ, tiếc rằng chưa. Nhưng tôi thấy thật thú vị là bác sĩ ở trại cải tạo còn ghi: ‘Chú ý rằng người này rất có thể đã trầm trọng hóa căn bệnh của mình để tránh các việc nặng ở trại’.” Gã ngẩng đầu lên. “Ông nghĩ sao, ông McMurphy?”

“Này, ông bác sĩ,” McMurphy đứng thẳng dậy, nhăn trán, dang tay ra cho toàn thế giới chứng minh, “trông tôi thực sự bình thường hay sao?”

Gã cố nén cười nên không trả lời được. McMurphy quay sang mụ Y tá Trưởng, hỏi y hệt: “Trông tôi thực sự bình thường ư?” Không trả lời, mụ đứng dậy, lấy chiếc cặp trên tay gã bác sĩ cho vào giỏ dưới đồng hồ và ngồi xuống.

“Bác sĩ, có lẽ chúng ta nên cho ông McMurry biết cách thức tiến hành cuộc Họp Nhóm ở đây.”

“Thưa bà,” McMurphy phá ngang, “tôi đã kể cho bà nghe về ông chú Hallahan của tôi, về người đàn bà cứ cố tình gọi nhầm tên ông ấy rồi chứ ạ?”

Mụ nhìn McMurphy rất lâu, không còn nụ cười thường lệ. Mụ có kỹ năng tùy theo câu chuyện và đối tượng mà dùng điệu cười thay cho lời nói, nhưng cái thần mụ để vào đó thì vẫn không thay đổi, điệu cười xét cho cùng chỉ là một hành động máy móc dành riêng cho mục đích của mụ thôi. Cuối cùng mụ nói, “Ông bỏ qua cho, ông Mac-Mur-phy.” Rồi mụ quay sang phía bác sĩ. “Ông giải thích giùm…”

Gã bác sĩ đan tay vào nhau và ngả người ra ghế. “Vâng. Tôi đồng ý. Tôi sẽ trình bày toàn bộ lý thuyết về Cộng đồng Trị Liệu của chúng ta. Mặc dầu thông thường phần này để đến cuối cuộc họp. Vâng. Đây là một sáng kiến hay, cô Ratched, một sáng kiến rất hay.”

“Cả lý thuyết nữa, dĩ nhiên, nhưng tôi muốn nhấn mạnh nguyên tắc: trong cuộc họp, tất cả các bệnh nhân phải ngồi.”

“Ồ, tất nhiên. Sau đó tôi sẽ trình bày lý thuyết. Ông McMurphy, một trong những điều kiện đầu tiên: trong cuộc họp, tất cả bệnh nhân phải ngồi. Nếu không, chúng tôi không giữ nổi trật tự, ông hiểu đấy.”

“Tôi hiểu, bác sĩ à. Tôi chỉ đứng dậy để chỉ cho ông vài chi tiết trong hồ sơ.”

Nói đoạn hắn quay về chỗ, sảng khoái vươn vai rồi ngáp dài, thả mình xuống chiếc ghế bành, xoay trở một hồi như chú cún tìm chỗ nằm. Thoải mái rồi hắn giương mắt chờ đợi, nhìn vào gã bác sĩ.”

“Còn về lý thuyết…” Gã bác sĩ hít một hơi dài khoan khoái.

“Đđđđđđđ mẹ con vợ,” Ruckly nói.

McMurphy đặt tay lên miệng bắc loa hỏi thầm hắn từ đầu phòng đến cuối phòng, bằng một giọng rít lên: “Vợ ai?” khiến Martiini ngẩng đầu lên và trố mắt. “Ừ phải, vợ ai?” hắn nói. “À, à… Cô ta! Tôi thấy cô ta rồi. Phải.”

“Qua sẵn sàng trả giá để có được cặp mắt như hắn.” McMurphy nói và từ đó không thốt một lời nào nữa cho đến cuối cuộc họp. Hắn chỉ ngồi nhìn, lắng nghe không bỏ sót một chi tiết và một lời nào của mọi người. Gã bác sĩ thao thao bất tuyệt về lý thuyết của mình, cuối cùng mụ Y tá Trưởng quyết định thế là đủ, bèn yêu cầu gã ta im lặng, bởi vì dầu sao cũng phải làm việc với Harding, và thế là bọn chúng bàn luận về Harding cho đến cuối buổi họp.

Trong suốt thời gian họp, McMurphy chỉ một hai lần vươn đầu về phía trước như muốn nói gì nhưng rồi lại thôi và lại ngửa ra sau. Mặt hắn đầy vẻ nghiền ngẫm. Hắn nghĩ: có cái gì kỳ lạ ở đây. Nhưng hắn không nắm bắt được đó là cái gì. Ví dụ như không ai cười khi hắn hỏi: “Vợ ai?” Hắn nghĩ, tất cả sẽ phá lên cười, thế mà chẳng ai thèm nhếch mép. Không khí bị giam chặt trong các bức tường, căng lên, còn đâu mà cười. Thật là một nơi kỳ lạ, khi không ai cho phép mình cười, một cảnh lạ lùng khi tất cả đều khuất phục con mẹ mặt trắng như bột mì cười cười vú bự và có cặp môi đỏ chót này. Hắn nghĩ phải đợi thôi, phải tìm hiểu xem ở đây có cái gì, không nên vào cuộc khi chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao.Taychơi lão luyện phải luôn nhớ điều đó: xem xét rồi mới nhảy vào cầm bài.

Lý thuyết có tên Cộng đồng Trị liệu tôi đã nghe cả ngàn lần đến nỗi có thể kể lại từ đầu chí cuối rồi lại từ cuối lên đầu – nào là con người cần phải học cách sống trong nhóm trước lúc có thể thực hiện chức năng sống trong xã hội bình thường; nào là nhóm phải giúp anh ta, chỉ cho thấy bệnh tật ở đâu; và ai là người bình thường còn ai là người không bình thường thì xã hội tự quyết định lấy, anh chỉ có việc nghe theo. Và tuốt tuồn tuột những việc như thế. Chỉ cần xuất hiện bệnh nhân mới là gã bác sĩ lập tức tuôn ra toàn bộ lý thuyết của mình, dường như đó là lúc duy nhất gã được thấy mình quan trọng, được điều khiển cuộc họp. Gã sẽ thuyết trình về mục đích của Cộng đồng Trị liệu là một phân khoa dân chủ, hoàn toàn do các bệnh nhân tự quản và bầu nên, nó sẽ trả bệnh nhân lại đường phố, lại thế giới Bên ngoài với tư cách những công dân tốt. Bất kỳ điều gì anh không hài lòng và bất kỳ điều gì anh muốn thay đổi, cần phải nói ra trước nhóm và cùng thảo luận, chứ không được để mưng mủ lên trong lòng. Và anh cần phải cảm thấy hoàn toàn thoải mái với những người xung quanh đến mức có thể tranh luận thẳng thắn về các vấn đề cảm xúc với bệnh nhân cũng như với các nhân viên bệnh viện. Hãy trò chuyện, gã bảo, hãy bàn luận và hãy thú nhận. Còn nếu trong khi nói chuyện bình thường bạn anh có nói ra điều gì thì hãy ghi vào trong sổ trực để bác sĩ và y tá đều biết. Đấy không phải là “gõ đầu” như người ta nói lóng với nhau mà là giúp đỡ bạn bè. Phải lôi ra những lỗi lầm cũ để rửa sạch trước mắt mọi người. Phải tham Thảo luận tập thể, phải giúp mình và bạn bè thâm nhập vào các bí ẩn của tiềm thức. Đối với bạn bè không được giấu giếm điều gì.

Gã bác sĩ thường kết thúc bằng lời giáo huấn, nhiệm vụ của chúng ta là làm cho bệnh viện giống những nơi dân chủ tự do khác, nơi mà các bạn đã sống qua. Hãy để cho thế giới Bên trong trở thành hình mẫu thu nhỏ của thế giới Bên ngoài mà một ngày đẹp trời nào đó các bạn sẽ được trở về.

Có lẽ gã còn tiếp tục bàn luận dài dòng nữa nhưng thường thường đến đây thì mụ Y tá Trưởng chặn gã lại, rồi giữa lúc yên ắng của cuộc họp, lão già Pete đứng dậy, lắc lư cái đầu như cái nồi đồng dúm dó và nói với mọi người rằng lão mệt mỏi lắm rồi, rồi mụ Y tá Trưởng sai một ai đó trông nom lão, người ta vỗ về Pete và cuộc họp lại tiếp tục.

Chỉ có một hôm, một lần duy nhất, tôi nhớ khoảng bốn hay năm năm trước đây, thì không như thế. Gã bác sĩ vừa kết thúc lời thao thao bất tuyệt của mình thì lập tức mụ Y tá Trưởng hỏi: “Thế nào? Ai bắt đầu đây? Hãy cởi mở tâm can nào, các bạn!” Tất cả bọn Cấp tính lập tức ngồi lặng thinh như trời trồng, ngồi im đến hai mươi phút, câm như còi báo động đang chuẩn bị réo lên, sau câu hỏi đó, đều đợi xem ai sẽ bắt đầu kể về mình. Mụ đưa mắt xung quanh, từ tốn và đều như đèn hiệu đổi màu. Hai mươi phút dằng dặc, căn phòng chìm trong yên lặng. Hai mươi phút trôi qua, mụ ta nhìn đồng hồ rồi nói: “Như vậy là không có ai trong các ông có hành động gì cần giấu giếm và không ai giấu giếm điều gì phải không?” Mụ ta thò tay vào giỏ tìm sổ trực. “Chúng ta thử kiểm tra xem, các ông đã viết gì?”

Lập tức có cái gì đó bắt đầu làm việc, một thiết bị âm thanh nào đó gắn trong tường đã bật mở đúng lúc miệng mụ phát ra những lời đó: bọn Cấp tính bắt đầu căng lên. Miệng họ mở ra nhất loạt. Cái nhìn như xoáy của mụ dừng lại trên đứa gần nhất cạnh tường.

Hắn động đậy đôi môi. “Tôi đã cướp tiền ở trạm tiếp liệu.”

Mụ ta nhìn sang đứa tiếp theo.

“Tôi đã định kéo em gái vào giường.”

Cái nhìn của mụ lại lướt tới đứa thứ ba, đứa nào cũng giật nảy lên như tấm bia trong phòng tập bắn súng.

“Tôi… một lần… đã định kéo em trai vào giường.”

“Khi lên sáu, tôi đã giết một con mèo. Lạy Chúa, hãy tha lỗi cho tôi, tôi đã lấy hòn đá đập chết nó và đổ lỗi cho hàng xóm.”

“Tôi nói định là nói dối đấy. Tôi thực sự đã kéo em gái…”

“Và tôi cũng thế! Và tôi cũng thế!”

“Tôi nữa! Tôi nữa!”

Thế này thì mụ ta có nằm mơ cũng chả thấy. Tất cả hét lên, cố gắng át cả giọng người khác; quay nghiêng quay ngửa, cả bọn họ không còn giữ gìn gì nữa, tuôn ra những điều mà sau đó không còn mặt mũi nào để nhìn vào mắt nhau. Mụ Y tá Trưởng, sau mỗi lời xưng tội lại gật đầu một cái và nói: được, được…

Lúc đó lão Pete đứng dậy. “Tôi mệt lắm rồi!” Lão hét lên bằng giọng oang oang, giận dữ, tôi chưa nghe thấy bao giờ.

Tất cả ngừng bặt. Bọn chúng, không hiểu sao, có vẻ ngượng ngập. Dường như lão đã nói lên điều gì đó đúng đắn, quan trọng và đáng lưu tâm – còn tất cả những la thét trẻ con của chúng trở nên vô nghĩa. Mụ Y tá Trưởng nổi điên lên. Mụ giận dữ quay lại phía ông lão, nụ cười biến mất công việc vừa mới vào nề nếp.

“Có ai trông chừng ngài Bancini bất hạnh hộ cái nào!” mụ nói.

Có mấy người đứng dậy. Họ muốn an ủi lão, vỗ vỗ vào vai lão. Nhưng lão không muốn im. “Mệt! Mệt!” Lão tiếp tục.

Cuối cùng mụ y tá đành sai một gã hộ lý lôi lão ra khỏi phòng. Mụ ta quên rằng bọn hộ lý không có chút quyền gì đối với những người như lão Pete.

Pete là bệnh nhân Kinh niên suốt cuộc đời mình. Mặc dù mới vào viện năm quá năm mươi, lão luôn luôn là bệnh nhân Kinh niên từ lúc đẻ ra. Trên đầu lão có hai vết lõm lớn, một bên này, một bên kia, cân xứng – tay bác sĩ đỡ đẻ nào đó chắc đã dùng phoóc-xếp cặp sọ lão để lôi ra. Trước đó, hẳn Pete đã kịp liếc ra ngoài thấy các thứ máy móc trong nhà hộ sinh và khi hiểu rằng mình sẽ ra với cuộc đời thế nào, lão vội vàng túm lấy bất cứ chỗ nào túm được để nằm lại.Taybác sĩ vội đưa phoóc-xếp vào, kẹp ngang đầu lão, lôi ra và nghĩ rằng tất cả đều bình thường. Chỉ có điều đầu của Pete còn ướt nguyên, nhễu nhão như đất sét, thành ra hai vết lõm do phoóc-xếp thế là cứ hằn lại mãi mãi. Còn chính lão thì cứ điên điên ngây ngây, lão phải hết sức cố gắng tập trung toàn bộ trí tuệ của mình mới có thể làm được một việc mà đứa bé sáu tuổi dễ dàng làm được bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên trong cái dở lại có cái hay, vì ngớ ngẩn nên lão không bị rơi vào nanh vuốt của Liên hợp. Bọn họ không thể nhào nặn được lão, đành giao cho lão một việc ngớ ngẩn trên đường sắt. Lão chỉ cần ngồi trong túp nhà bằng ván nơi thâm sơn cùng cốc xa lắc xa lơ ở chỗ bẻ ghi và vẫy theo các đoàn tàu ngọn đèn dỏ nếu đường tàu rẽ vào một phía, ngọn đèn xanh nếu rẽ vào phía kia và ngọn đèn vàng nếu đường sắt có tàu khác đang chạy. Lão làm việc đó với toàn bộ sức lực của mình, với sự gan góc không ai có thể lay chuyển được, một mình ở chốn khuất nẻo đó. Và không ai lắp đặt được cho lão một bộ máy điều chỉnh nào.

Chính vì thế nên bọn hộ lý da đen không thể chỉ huy lão được. Nhưng tên hộ lý đã không nghĩ tới điều đó và bản thân mụ Y tá Trưởng cũng không nghĩ tới khi sai đưa Pete ra khỏi phòng. Tên hộ lý tiến thẳng tới Pete và nắm lấy tay lão giật về phía cửa như người ta giật dây cương kéo ngựa trên đường cày. “Ồ với ọt gì Pete! Nào, đi ngủ. Chỉ được cái phá rối.”

Pete đẩy tay hắn ra. “Tôi mệt lắm rồi!” lão cảnh cáo.

“Nào đi, bố già, cứ làm ầm ĩ lên. Đi mà nằm vào giường ngoan ngoãn đi.”

“Mệt!”

“Thì mới bảo vào giường mà ngủ…”

Tên hộ lý lại giật tay lão, và Pete không còn lắc đầu nữa. Lão đứng thẳng lên, chắc chắn, đôi mắt đột nhiên bừng sáng. Bình thường mắt lão ti hí và đùng đục như bị rót sữa vào, còn bây giờ bỗng nhiên trở nên sáng trưng như đèn ống. Và bàn tay bên cánh tay đang bị tên hộ lý nắm chặt bắt đầu phồng lên. Nhân viên bệnh viện và phần lớn bệnh nhân đang mải nói chuyện với nhau, không để ý gì đến lão cùng bài ca muôn thuở của lão “mệt lắm rồi”, đều nghĩ rồi người ta sẽ bắt lão câm mồm như vẫn thường làm và cuộc họp sẽ lại tiếp tục. Họ không thấy lão đang nắm tay vào rồi lại mở tay ra và nắm đấm mỗi lúc một lớn lên, lớn lên ngay trước mắt. Chỉ mình tôi nhìn thấy. Tôi nhìn thấy nó phồng lên rồi nắm lại trước mắt mình, nở ra trở nên phẳng lì, rắn chắc. Đúng là một quả cầu han gỉ bằng gang treo trên dây xích. Tôi nhìn lão và chờ đợi, còn tên hộ lý lúc đó lại giật tay lão về phía cửa.

“Bố già, tôi nói có nghe…”

Hắn chợt nhìn thấy nắm đấm. Hắn toan lùi lại và bảo “Ngoan nào, Pete,” nhưng đã muộn. Quả cầu gang lớn vọt lên khỏi đầu gối Pete. Tên hộ lý bắn ra bẹp gí và dính luôn vào giường, sau đó tuột xuống sàn như thể tường bị bôi mỡ. Tôi nghe tiếng bóng đèn vỡ loảng xoảng trong tường và một mảng vữa có hình của hắn vỡ vụn.

Bình luận