Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bích huyết kiếm

Hồi 10 – Yêu nhau lắm cắn nhau đau

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Thừa Chí vội hỏi:

– Việc thứ hai là gì? Xin bác nói luôn đi!

Ôn Nghi nói:

– Tướng công, hai người⬦ hai người⬦

Lấy tay chỉ vào Thanh Thanh, Ôn Nghi đã hết hơi không nói tiếp được nữa, mắt nhắm nghiền, đầu gục xuống, chết liền. Thừa Chí để tay lại gần mũi bà ta thì không thấy thở nữa. Thanh Thanh nằm phục bên cạnh xác mẹ, khóc lóc, rồi vì đau đớn và bị cảm xúc quá nhiều, nàng chết giấc liền. Sợ hãi vô cùng, Thừa Chí vội kêu:

– Chú Thanh, chú Thanh!

Hoàng Chân nói:

– Nàng đau đớn quá nên ngất đi đấy thôi. Không sao đâu!

Rồi phun khói vào mũi Thanh Thanh. Chỉ thấy hắt hơi mấy cái nàng tỉnh lại dần dần, hai mắt lơ láo như người mất hồn vía.

Thừa Chí liền hỏi:

– Chú Thanh, chú đã đỡ chưa?

Nàng không trả lời. Hoàng Chân và Tiểu Tuệ không biết rõ sự quan hệ giữa Thừa Chí và mẹ con nàng ra sao, đều cảm thấy lạ lùng. Mọi người đều nghĩ thầm: “Mẹ con nàng hình như là người của phái Thạch Lương nhưng tại sao họ lại bị người nhà mưu hại như thế?”

Vì không hiểu rõ nông nổi, nên không ai dám thêm ý kiến. Thừa Chí ứa lệ nói:

– Chú Thanh! Chú phải đi với chúng tôi! Không thể ở đây được đâu!

Thanh Thanh vẫn ngơ ngác, chỉ gật đầu chớ không nói năng gì cả. ẵm xác Ôn Nghi lên, Thừa Chí dẫn đầu đi ra, còn Hoàng Chân, Thanh Thanh, Tiểu Tuệ, Hy Mẫn thì theo sau.

Bọn Minh Đạt thấy anh em Thừa Chí tự do thao túng, xử trí mọi việc và tự tiện đem cháu gái mình đi, đều tức giận vô cùng. Nhưng trận đấu hôm qua, đã khiến ai nấy đều kinh hồn, không dám bước ra ngăn cản nữa.

Hoàng Chân dặn bảo Hy Mẫn:

– Một trăm lạng bạc này, con đem tặng người chủ nhà đã cho bọn ta ngủ trọ, và bảo họ phải dọn nhà đi ngay tức thì.

Hy Mẫn không hiểu tại sao liền hỏi:

– Tại sao lại bắt người ta phải dọn nhà đi?

– Với chúng ta, phái Thạch Lương bất đắc dĩ phải chịu nhịn. Tất nhiên họ sẽ “giận cá chém thớt.” Thế nào cũng đi kiếm người cho chúng ta ở trọ để hành hạ cho đỡ tức.

Hy Mẫn gật đầu:

– Sư phụ nghĩ chu đáo lắm!

Nói xong, chàng chạy như bay đi liền.

Bốn người chờ tới khi Hy Mẫn quay trở lại mới vòng theo con đường nhỏ, rời khỏi Thạch Lương. Đi được ba mươi dặm, thấy trên sườn núi có một ngôi miếu đã đổ nát, trên đầu cổng có ba chữ lớn “Linh Quan Miếu” nhưng trông rất lờ mờ không rõ.

Hoàng Chân lên tiếng:

– Hãy vào trong miếu nghỉ ngơi đã!

Bước vào căn miếu đó, thấy mạng nhện và cát bụi phủ đầy, đồ đạc mục nát gần hết, cả năm người vào giữa điện ngồi nghỉ. Hoàng Chân nói:

– Di thể của bà này bây giờ tính toán sao? Chôn cất ngay đây, hay là vào thành kiếm phu đòn để khâm liệm?

Thừa Chí cau mày, không nói năng gì cả. Hoàng Chân lại nói tiếp:

– Hay là vào thành mua chiếc quan tài khâm liệm cho bà ta? Quan phủ sẽ tra hỏi tại sao bà ta mất? Chúng ta tuy không sợ, nhưng dù sao cũng vẫn thấy phiền phức lắm.

Ý nghĩa lời nói của ông ta là nên chôn cất ngay tại đó. Thanh Thanh khóc lóc, rồi nói:

– Không được! Má em đã nói muốn được chôn cạnh mộ ba em kia mà!

Hoàng Chân hỏi:

– Di thể của lịnh tôn chôn cất ở đâu?

Thanh Thanh không trả lời được liền đưa mắt nhìn Thừa Chí. Thừa Chí hiểu ý đáp ngay:

– Chôn ở trên núi Hoa Sơn của chúng ta!

Nghe thấy chàng nói, bốn người đều ngạc nhiên, Thừa Chí lại nói tiếp:

– Phụ thân của nàng là Hạ lão tiền bối, xưa kia vẫn lừng danh là giang hồ quái kiệt Kim Xà Lang Quân đấy!

Tuổi Hoàng Chân cũng xấp xỉ tuổi Hạ Tuyết Nghi. Lúc ông bước chân vào giang hồ, oai danh của Kim Xà Lang Quân đã chấn động khắp chốn võ lâm rồi, nên khi nghe thấy Thừa Chí nhắc đến tên Kim Xà Lang Quân, Hoàng Chân ngồi trầm ngâm giây lát, rồi nói:

– Tôi có một ý kiến, cô nương nghe rồi đừng trách cứ tôi nhé?

Thấy Hoàng Chân là người có tuổi, Thanh Thanh đáp:

– Xin bác cứ dạy!

Hoàng Chân chỉ vào Thừa Chí:

– Chú ấy là sư đệ của tôi. Cô gọi tôi là bác, tôi đâu dám nhận. Thôi từ nay cô cứ gọi là đại ca đi!

Hy Mẫn trợn mắt nhìn Thanh Thanh trong bụng nghĩ thầm: “Như vậy ta phải gọi con nhãi ranh này là cô kia à?”

Thanh Thanh đưa mắt nhìn Thừa Chí như thầm hỏi ý kiến, rồi đổi luôn giọng xưng hô ngay:

– Hoàng đại ca đã dạy bảo, tiểu muội xin nghe theo!

Hy Mẫn giựt mình, tự bảo thầm: “Nguy to! Nguy to! Con nhỏ này thật thà quá đổi, đã gọi ngay thầy ta là Hoàng đại ca rồi!”

Thật quả lúc đó Hoàng Chân đâu có ngờ rằng trong đầu óc tên học trò ngốc ấy lại nghĩ lắm chuyện quá tự ái như thế? Ông ta liền nói với Thanh Thanh:

– Nếu ý định lệnh đường truyền lại, muốn được hợp táng với lệnh tôn, thì chúng ta cũng phải hoàn thành đúng như tâm nguyện của bà mới được. Nhưng ta tạm gác bỏ vấn đề khó khăn về sự chuyển vận linh cữu, từ đây tới Hoa Sơn xa xôi hàng nghìn dặm, không nói tới vội. Hãy nói tới vấn đề, dù linh cữu đã tới chân núi Hoa Sơn rồi, cũng không sao khiêng nổi lên trên đỉnh núi kia mà!

Thanh Thanh hỏi:

– Vậy biết làm sao được bây giờ?

Thừa Chí nói:

– Núi Hoa Sơn hiểm trở khó lên lắm, người nào hơi kém võ công là không thể lên được tới đỉnh. Còn vấn đề chuyển vận linh cữu thì không có cách gì làm nổi.

Hoàng Chân nói:

– Ngoài ra, còn có một cách là đem hài cốt của lệnh tôn xuống dưới hợp táng với lệnh đường. Nhưng di hài của lệnh tôn đã an táng bao nhiêu lâu rồi, nay bỗng dưng lại động chạm tới tôi e không tiện.

Thấy lời nói đó hợp tình hợp lý lắm, Thanh Thanh lo quá khóc lóc và hỏi:

– Vậy biết làm thế nào bây giờ?

Hoàng Chân nói:

– Theo ý tôi thì bây giờ chỉ có cách hỏa thiêu di thể của lệnh đường, rồi đưa đống tro hài cốt lên trên đỉnh núi an táng, là thuận tiện và hoàn hảo hơn cả.

Tuy không muốn làm như thế, nhưng Thanh Thanh cũng không nghĩ ra được cách nào khác tốt hơn, đàng phải ngậm lệ gật đầu. Thế là mọi người đi nhặt củi và cỏ khô, hỏa thiêu di hài của Ôn Nghi. Từ thuở lọt lòng mẹ, rồi từ bé đến lớn, Thanh Thanh hoàn toàn sống trong một đại gia đình luôn chỉ độc có những tình cảm lạnh lùng và vô tình bao vây xung quanh. Ngoài người mẹ ra không có một người nào thật tâm thương yêu nàng cả. Suốt ngày, chỉ bị người ta nhạo báng, chế diễu, và khinh khi, vì vậy nàng mới có những tánh nết quái dị như thế. Bây giờ trông thấy người mà nàng yêu mến nhứt đời dần dần tiêu tan trong đống lửa hồng, nàng mới quá thương cảm mà phục xuống đất khóc lóc thảm thiết. Mọi người biết không thể nào khuyên can và an ủi nổi, đành để cho nàng khóc lóc cho thật đã đời, như thế mới có thể làm tan hoặc vơi bớt đi một phần nào những sự tấm tức, nhớ thương trong lòng.

Vào trong miếu đổ nát, kiếm được một cái hũ sành, chờ cho đống lửa tắt hẳn, Thừa Chí nhặt hài cốt bỏ vào, đoạn vái hai vái, miệng lẩm nhẩm khấn:

– Xin bác cứ yên tâm, thế nào cháu cũng đưa tro hài cốt này lên trên đỉnh núi Hoa Sơn an táng, cháu quyết không phụ lời phó thác của bác!

Thấy mọi việc đã xong xuôi, Hoàng Châu bảo Thừa Chí rằng:

– Chúng ta phải đem số vàng này đến trấn Cửu Giang tỉnh Giang Tây. Sấm Vương đã phái rất nhiều anh em liên lạc khắp các tỉnh Giang Tô, Triết Giang, Giang Tây, Hà Nam, để chờ đợi lúc Trung Nguyên khởi sự là phía Nam cũng khởi nghĩa hưởng ứng. Viên sư đệ cướp lại được số vàng này, thật là công của sư đệ lớn lắm!

Thanh Thanh nói:

– Quả thật tiểu muội không biết số vàng này lại quan trọng như vậy! Nếu không có hai vị đại ca ra cướp lại, có phải đã làm lỡ hết đại sự Sấm Vương rồi không?

Thôi Hy Mẫn nói:

– Quý hồ cô biết được là may mắn lắm rồi!

Không bao giờ chịu thua ai bằng lời nói nào cả, Thanh Thanh trả đũa ngay:

– Nếu Hoàng đại ca không thân chinh hộ tống số vàng này em e rằng dọc đường còn xảy ra nhiều chuyện nữa đấy!

Lời nói đó ám chỉ Hy Mẫn và Tiểu Tuệ đã bất lực, hộ tống không nổi số vàng này, nên mới để cho nàng cướp được. Hy Mẫn định trả lời chỉ trích lại, nhưng Hoàng Chân đã ra lệnh ngầm bằng mắt, cấm không cho hắn được nói nữa. Một lát sau, Hoàng Chân nói với Thừa Chí và Thanh Thanh:

– Viên sư đệ và Ôn cô nương không bận việc gì, cùng đi cả với chúng tôi tới Cửu Giang cho vui?

Thừa Chí đáp:

– Tiểu đệ muốn lên Nam Kinh chào sư phụ, xem sư phụ có sai bảo gì không? Và cũng nhân tiện đi thăm Thôi thúc thúc một thể.

– Sư phụ và chú Thôi Sơn đã trở về Thiểm Tây rồi. Lúc này quân vụ khẩn cấp lắm.

Việc Sấm Vương đại tấn công, chỉ nội nay mai là phát động rồi.

Thừa Chí giựt mình nghĩ thầm: “Đó là thời cơ thuận tiện để trả thù cho cha ta đây!”

Mắt đỏ ngầu, chàng nói:

– Nếu vậy, tiểu đệ phải về ngay Thiểm Tây yết kiến sư phụ, không đi Cửu Giang nữa. Đại ca nghĩ sao?

Chàng rất tôn trọng sư huynh nên việc gì cũng phải hỏi qua ý kiến sư huynh trước.

Hoàng Chân nói:

– Sấm Vương đại cử tấn công, cần dùng rất nhiều nhân tài. Tài ba lỗi lạc như sư đệ, nếu ra phò tá Sấm Vương thì còn gì tốt bằng. Sau này, vì dân diệt trừ gian tặc, chú sẽ phải vất vả nhiều!

– Xin đại sư huynh dạy bảo cho!

– Chú lễ phép quá. Thôi chúng ta hãy tạm biệt nhau tại nơi đây!

Hoàng Chân nói xong, quay đầu đi luôn, Hy Mẫn cũng chào bái biệt sư thúc. Tiểu Tuệ nói với Thừa Chí:

– Thừa Chí đại ca! Chúc anh lên đường mạnh giỏi!

Thừa Chí gật đầu, nói:

– Tôi xin gửi lời hỏi thăm thím An. Chúc cô thượng lộ bình an!

– Má em vẫn nhắc nhở tới anh luôn. Nếu biết anh trở nên vạm vỡ và tài hoa thế này, má em thế nào cũng vui sướng khôn xiết tả. Thôi, em đi đây!

Vái chào Thừa Chí xong, Tiểu Tuệ vội vàng đuổi theo Hoàng Chân và Hy Mẫn, cùng đi về phía Nam. Vừa đi, nàng vừa quay đầu lại vẫy tay chào, Thừa Chí cũng giơ tay chào lại, cho tới khi khuất bóng ba người mới thôi.

Thanh Thanh “hừ” một tiếng rồi nói:

– Sao anh không đuổi theo vẫy tay chào nữa đi?

Thừa Chí đứng ngẩn người giây lát, không hiểu ý nghĩa lời nói móc của nàng.

Thanh Thanh lại nói:

– Sao anh không theo cô ta đi? Mà cứ vẩn vơ luyến tiếc mãi không dứt thế này?

Thừa Chí lúc này mới hay, vì lẽ đó mà nàng tức giận, liền vừa cười vừa nói:

– Hồi nhỏ tôi ngộ nạn, được má cô ta cứu giúp. Tôi và cô ta quen biết nhau từ hồi còn nhỏ và cũng vui chơi một nơi, vẫn quý mến nhau như anh em một nhà.

Thanh Thanh càng tức giận thêm, cầm một hòn đá, cứ đập bừa vào thềm đá, đom đóm lửa bật tung lên. Một lát sau, nàng liền nói kháy rằng:

– Thế mới gọi là “Thanh mai trúc mã”, quen biết nhau từ tuổi còn thơ chứ gì?

Cảm thấy tính nết cô nọ bướng bỉnh, không thể dùng lý lẽ khuyên can nổi, Thừa Chí chỉ có cách làm thinh.

Thanh Thanh giận dữ nói:

– Tại sao anh với cô ta chuyện trò tươi cười như thế? Mà với em thì cứ lỳ lỳ chẳng nói chẳng rằng!

– Tôi vẫn vui vẻ trò chuyện đấy chớ!

– Phải, má người ta tốt lắm, lúc anh còn nhỏ đã cứu anh, thương anh. Còn tôi thì không có má như người ta!

Nói tới đó, Thanh Thanh lại để cho giọt lệ tuôn rơi. Thừa Chí vội khuyên giải rằng:

– Thôi, cô đừng nên giở cái tánh tiểu thơ ra nữa. Chúng ta cần phải bàn định xem sau này chúng ta phải làm những gì.

Mặt đang nhợt nhạt, bỗng dưng đỏ liền, Thanh Thanh nói:

– Còn bàn định cái gì nữa? Anh thì đuổi theo em Tiểu Tuệ. Còn tôi, kẻ đau khổ này, sẽ đi phiêu bạt nơi chân trời góc biển.

Thừa Chí không biết trả lời ra sao, trong lòng suy tính, bây giờ làm thế nào mà xếp đặt cho cô bé trẻ tuổi này được yên ổn? Quả thật là nan giải! Thấy chàng khôngnói năng gì cả, Thanh Thanh đứng dậy, bưng luôn cái chĩn đựng tro hài cốt của mẹ, quay đầu đi thẳng. Thừa Chí vội hỏi:

– Em đi đâu thế?

Thanh Thanh nói:

– Anh để mặc tôi!

Nàng cứ theo phương Bắc mà đi. Bất đắc dĩ, Thừa Chí đành phải theo sau. Suốt dọc đường, nàng không nói năng nửa lời, Thừa Chí có ý gợi chuyện, nàng vẫn làm thinh như thường.

Khi tới trấn Kim Hoa, Thanh Thanh mua mũ và quần áo, cải trang đàn ông. Biết nàng ra đi vội vàng, bên người tất không sẵn tiền, nhân lúc nàng đi phố, Thừa Chí nhét hai thoi vàng vào trong bọc áo của nàng. Khi trở về, nàng lại đem vàng sang trả chớ không chịu lấy. Đêm hôm đó, nàng làm đạo chích trộm được năm trăm lạng bạc tại một nhà phú hộ nọ. Sáng hôm sau, vụ án đó đã đồn khắp thành Kim Hoa.

Thừa Chí biết nàng đã ra tay hành động, chỉ có chau mày lắc đầu, chớ không dám trách móc nàng nửa lời. Dù là người có võ công thượng thặng thật, nhưng đối phó với một cô gái khó tánh như vậy, Thừa Chí cũng phải bó tay chịu hàng.

Muốn dùng lời lẽ êm dịu để van lơn nàng, thì chàng không muốn mất sĩ diện như thế! Còn bỏ mặc nàng, không đếm xỉa tới nữa, Thừa Chí không đành nhẫn tâm để cho một thiếu nữ cô đơn phải đi lang bạt giang hồ. Nghĩ lui nghĩ tới, chàng không biết làm thế nào cho phải.

Hôm đó, hai người rời khỏi thành Kim Hoa, đang đi về Thành Nghĩa. Ôn Thanh Thanh hậm hực đi trước, Thừa Chí vẫn lẽo đẽo theo sau. Bỗng mây đen kéo tới, hai người đều biết trời sắp mưa to, vội rảo cẳng đi cho mau. Nhưng mới đi được năm dặm, mưa đổ xuống như thác nước. Thừa Chí tánh cẩn thận, lúc nào cũng đem theo chiếc dù.

Còn Thanh Thanh ngại cầm dù phiền phức, nên không đem theo đành phải giở khinh công ra chạy. Bực nhứt hai bên đường không có đình miếu gì cả. Thấy nàng dùng khinh công phóng chạy, Thừa Chí cũng phải rảo cẳng đuổi theo. Khi tới cạnh nàng, liền đưa dù cho nàng dùng nhưng nàng đẩy dù ra không cầm.

Thừa Chí nói:

– Chú Thanh, chúng ta là anh em kết nghĩa, đã thề sống chết có nhau, họa phúc cùng chịu, tại sao bây giờ chú lại giận anh như thế?

Thấy chàng nói như vậy, Thanh Thanh bớt giận trả lời:

– Anh muốn tôi không giận, phải nghe theo tôi một điều này.

– Chú cứ nói đi, mười điều anh cũng xin theo.

– Từ nay trở đi, anh không được gặp mặt An cô nương và má cô ta nữa. Nếu anh nhận lời, em xin lỗi anh ngay.

Nói xong, nàng nhếch mép cười liền. Thừa Chí khó xử quá, chàng nghĩ thầm: “Mẹ con nàng Tiểu Tuệ có ơn với mình, sau này thế nào ta cũng kiếm cách báo đền. Nay vô duyên, vô cớ tránh mặt không gặp người ta, như thế sao được.”

Chàng là người thật thà trung thành, không thể lừa dối nàng mà cứ nhận bừa đi cho được êm chuyện. Vì vậy, chàng phân vân không biết trả lời thế nào cho phải. Thấy thế, Thanh Thanh giở mặt liền:

– Tôi biết mà, có khi nào anh nỡ bỏ em Tiểu Tuệ của anh!

Nói xong, nàng lại quay đầu chạy thẳng. Thừa Chí vội gọi:

– Chú Thanh, chú Thanh!

Thanh Thanh cứ cắm đầu chạy, không chịu đứng lại. Chạy được một quãng, thấy bên đường có cái đình nghỉ mát, nàng chạy thẳng vào. Thừa Chí cũng chạy theo vào.

Trời nóng nực, nàng lại mặc áo đơn rất mỏng, nay bị nước mưa ướt đẫm, áo quần dính sát vào người, trông rất khó coi, nàng xấu hổ quá, gục đầu xuống lan can đình vừa khóc vừa kêu gào:

– Anh cứ bắt nạt tôi! Anh cứ bắt nạt tôi!

Thừa Chí nghĩ: “Lạ thật! Mình có bắt nạt nàng hồi nào đâu?”

Tuy vậy, chàng vẫn chịu đựng không cãi lại, cởi áo dài ra, phủ lên trên người nàng. Nhờ chiếc dù, áo chàng không bị ướt. Nghĩ đến cái chết bi đát của mẹ nàng, nàng lại càng khóc lớn hơn trước. Thừa Chí cuống quít cả lên, không biết làm thế nào cho phải. Một lát sau, mưa tạnh dần, Thanh Thanh vẫn khóc không dứt. Nàng đưa mắt nhìn trộm thì Thừa Chí đang nhìn mình, vội quay đầu tiếp tục khóc như trước. Thừa Chí đành liều không nói gì nữa, và nghĩ thầm: “Thử xem cô có bao nhiêu nước mắt nào?”

Hai người đang cầm cự không ai chịu đấu dịu trước, bỗng có tiếng chân ở phía Bắc đi tới. Một thanh niên nhà nông đỡ một thiếu phụ đi vào trong đình. Thiếu phụ đó đang đau ốm, rên rỉ luôn mồm.

Nông dân nọ hình như là chồng nàng, ra vẻ rất thương vợ, cứ an ủi luôn mồm. Thấy có người lạ vào, Thanh Thanh vội nín ngay.

Thừa Chí sực nghĩ ra một kế: “Ta thử cách này xem.”

Một lát sau, đôi vợ chồng nhà nông đỡ nhau đi ra khỏi đình. Thanh Thanh thấy mưa đã tạnh hẳn, đang định sửa soạn đi, Thừa Chí bỗng kêu:

– Ối chà! ối chà!

Thanh Thanh giựt mình sợ hãi, quay đầu lại, trông thấy chàng đang ôm bụng ngồi xụm xuống, vộ chạy lại xem. Nhờ nội công tinh xảo, Thừa Chí chỉ vận hơi một cái là đầu trán mồ hôi chảy ra như tắm. Thanh Thanh sợ quá, vội hỏi:

– Làm sao thế? Anh đau bụng đấy à?

Thừa Chí nghĩ thầm: “Đã giả bộ thì phải giả bộ tới cùng.”

Nghĩ đoạn, chàng vận lại hơi làm bế tắc các yếu huyệt lại, Thanh Thanh sờ tay chàng thấy lạnh như sắt đá càng hoảng sợ thêm.

Thấy Thừa Chí bỗng đau nặng, Thanh Thanh sợ hãi quá, vội hỏi:

– Anh làm sao thế? Đau ở đâu?

Thừa Chí chỉ rên ầm ĩ chớ không chịu trả lời nàng. Lo sợ quá, Thanh Thanh lại khóc.

Thừa Chí nói:

– Chú Thanh ơi! Bịnh của tôi không khỏi được đâu. Chú để mặc tôi. Chú cứ lên đường một mình đi!

– Sao bỗng tự dưng anh lại đau thế này!

Thừa Chí làm ra bộ yếu hơi yếu sức trả lời:

– Từ thuở nhỏ, tôi có chứng bịnh là⬦ không thể nào chịu nổi sự tức tối được⬦ nếu ai làm tôi bực mình, lo nghĩ một cái, là đau tim đau bụng liền⬦ ối trời ơi! Đau quá!

chết mất thôi!

Lúc này, không còn để ý tới “nam nữ thọ thọ bất thân” nữa, Thanh Thanh ôm choàng lấy chàng, xoa ngực xoa bụng luôn tay. Bị nàng ôm như vậy, Thừa Chí ngượng quá, đành phải để yên, chớ không dám kháng cự, Thanh Thanh vừa khóc vừa nói:

– Thừa Chí đại ca ơi! Do em mà nên cả. Xin anh đừng giận em nữa!

Thừa Chí nghĩ: “Nếu ta không tiếp tục giả bộ, nàng sẽ cho ta là người không đứng đắn, mượn thế cầu lợi.”

Đã cỡi trên lưng hổ, chàng đàng phải cúi đầu rên rỉ:

– Có lẽ tôi chết mất! Chú chôn cất tôi xong, làm ơn báo tin cho đại sư huynh tôi hay!

Càng giả dạng, càng làm như thật, chàng cứ phải cố nhịn cho khỏi phì cười.

Thanh Thanh vẫn khóc:

– Anh không thể chết được! Anh có biết đâu, em giả bộ hờn giận để chọc tức anh đấy chớ! Sự thật, lòng em⬦ lòng em vẫn yêu anh. Nếu anh chết, em cũng không thể nào sống được nữa!

Thừa Chí kinh hãi nghĩ thầm: “Thế ra, nàng đã yêu ta!”

Đây là lần đầu tiên mà chàng được hiểu thế nào là hương vị của ái tình, nên trong lòng chàng có một cảm giác lạ lùng là vui mừng và cũng là xấu hổ. Vì vậy, chàng cứ ngây người ra, không nói nửa lời. Tưởng chàng sắp chết đến nơi thật, nàng càng ôm chặt lấy chàng, miệng thì kêu gọi:

– Đại ca! Đại ca đừng chết!

Ngửi thấy hơi thở của nàng thơm của hoa lan, chàng buông nhũn người tựa vào lòng nàng, ngây ngất như kẻ mất hết hồn vía. Nhưng chàng giựt mình tỉnh ngộ ngay, tự bảo thầm: “Thù cha chưa trả, không thể nào nghĩ tới tình yêu được. Vả lạ, ta là đại trượng phu quanh minh chánh đại, không nên lừa gạt một thiếu nữa yếu đuối như thế!”

Lúc ấy, Thanh Thanh lại gọi:

– Em tức giận giả dối đấy, anh đừng có cho là thật.

Thừa Chí cả cười rồi nói:

– Tôi cũng ốm đau giả dối đấy, em đừng có cho là thật!

Thanh Thanh ngẩn người giây lát bỗng đứng dậy, tát luôn một cái. Bị đánh mạnh quá, mắt Thừa Chí hoa lên, chỉ trông thấy những tia lửa. Thanh Thanh ôm mặt, cúi đầu đi liền. Thừa Chí ngơ ngác không hiểu tại sao, nghĩ thầm: “Vừa rồi, nàng nói yêu ta lắm, nếu ta chết nàng cũng không thể sống! Sao bỗng dưng nàng giở mặt đánh ta như vậy?”

Chàng không hiểu thấu tâm sự của nàng, cứ đi theo sau. Tát chàng một cái, cơn giận đã dịu bớt hẳn, nàng cảm thấy khoái vô cùng. Trông thấy má bên trái của chàng đỏ gay và hiện rõ vết năm ngón tay của mình, Thanh Thanh rất ân hận nhưng cũng khoái chí nữa. Nghĩ tới đã vô ý thổ lộ hết tâm sự với chàng, nàng cảm thấy vừa xấu hổvừa khó chịu. Chiều tối hôm đó, đi tới Nghĩa Ô, nàng vào trọ một khách điếm, rồi ra ăn cơm. Thừa Chí cũng ngồi vào bàn ăn đó, Thanh Thanh mỉm cười:

– Cứ mặc đây đi, theo sát người ta thế này thật đáng ghét quá!

Thừa Chí sờ má rồi nói:

– Bụng tôi đau là đau giả hiệu, còn cái má này mới đau thật sự.

Thanh Thanh khoái chí cười ồ, thế là hai người lại hòa hảo như trước. Cơm xong, trò chuyện phiếm một lúc, rồi ai về phòng người nấy ngủ. Thấy chàng đối xử với mình hòa nhã và có lễ độ như vậy, Thanh Thanh mừng thầm.

Sáng ngày hôm sau, vừa ngủ dậy, Thừa Chí nói:

– Chú Thanh, việc thứ nhứt chúng ta phải làm là đưa hài cốt bác gái lên núi Hoa Sơn an táng.

– Vâng, nhưng tại sao anh tìm ra được di cốt của ba em thế?

– Chuyện này để khi đi đường, tôi nói cho mà nghe.

Hai người đi về phía Bắc, Thừa Chí đem chuyện con đười ươi (khỉ đột) làm thế nào tìm thấy hang núi, rồi chàng vào trong hang, trông thấy xương cốt, đào thấy hộp sắt và họa đồ, vân vân, kể cả cho nàng nghe.

Thừa Chí vừa kể tiếp tới chuyện Trương Xuân Cửu và tên hòa thượng, Thanh Thanh liền rùn mình sợ hãi nói:

– Tên Trương Xuân Cửu là đồ đệ của ông Tư em, tánh rất gian ác. Còn tên hòa thượng đó có phải giữa mặt có cái thẹo không?

– Phải chính y đấy.

– Tên y là Ngộ Ân, đồ đệ của ông Hai em. Từ khi ba em mất tích, các ông em phái mười mấy đệ tử đắc lực đi tìm kiếm khắp mọi nơi. Cứ cách ba năm, chúng phải về báo cáo một lần. Hai tên ấy độc ác, gian xảo khôn tả. Chúng chết như vậy thật là đáng lắm!⬦ Ba em mất rồi mà còn dùng kế giết được kẻ địch, thật là tài ba quá!

– Sau khi họ biết tôi có chút liên quan với bác trai, thế nào chúng cũng sẽ lùng kiếm tôi thật ráo riết.

– Nhưng họ có đủ tài hạ nổi anh đâu mà anh phải lo ngại? Nếu ba em còn sống, trông thấy anh đánh họ tơi bời như vậy, thế nào cũng mừng lắm⬦ Ừ, phải đấy, má em đã trông thấy, thể nào cũng kể lại cho ba em hay⬦ anh đưa cho em xem bút tích của ba em!

Thừa Chí đưa bức họa đồ cho nàng xem, rồi nói:

– Đây là vật của ba chú để lại, tôi trao trả cho chú mới phải.

Trông thấy bút tích của Kim Xà Lang Quân, Thanh Thanh vừa đau lòng, vừa vui mừng. Từ đó, hễ đến nơi nào nghỉ chân là nàng lấy bức họa đồ ra xem và vuốt ve. Một hôm, đi tới Tùng Giang, Thanh Thanh bỗng hỏi:

– Đến Nam Kinh, chúng ta hãy đi đào bảo vật trước nhé?

Thừa Chí ngạc nhiên:

– Bảo vật nào?

Thanh Thanh nói:

– Bức họa đồ của ba em chẳng nói rõ: “Trọng bảo chi đồ” là gì? Ba em còn dặn, người nào tìm kiếm được vật báu phải tặng lại cho má em mười vạn lạng vàng. Như vậy, những bảo vật chôn giấu kia tất phải quý giá lắm?

Ngẫm nghĩ giây lát, Thừa Chí đáp:

– Tuy vậy nhưng chúng ta hãy nên làm việc chánh đáng của ta trước đã!

Lúc này, trong lòng chàng chỉ muốn gặp sư phụ xong là đi báo thù cho cha ngay.

Thanh Thanh nói:

– Bây giờ đã có sẵn họa đồ, chúng ta đi kiếm ngay số châu báu kia, em thiết tưởng chả mất bao nhiêu thời giờ của chúng ta đâu!

– Chúng ta lấy được châu báu, vàng bạc bây giờ để làm gì? Chú Thanh, tôi khuyên chú nên thay đổi hẳn tâm tính, đừng nên tham vọng vào những của báu ấy!

Tiếp theo đó, chàng còn khuyên Thanh Thanh một hồi nữa. Nàng bực mình, bĩu môi, phồng mồm, hờn giận và không ăn cơm chiều.

Thanh Thanh nói:

– Đại ca! Em mới lấy có hai nghìn lạng vàng của Sấm Vương mà họ đã lo sợ đến nỗi phải nhờ đại sư huynh của anh thân chinh đi lấy lại! Tại sao Sấm Vương lại keo kiệt đến thế?

– Sấm Vương có phải là người keo kiệt như chú tưởng đâu! Anh đã được gặp ông ta rồi. Là người rất khinh tài trọng nghĩa, ông ta chỉ lo giải trừ đau khổ cho dân chúng.

Còn riêng ông ta thì rất tiết kiệm. Đó mới thật là đại anh hùng, đại hào kiệt. Số vàng hai nghìn lạng đó, ông ta đang cần dùng tới, tất nhiên không khi nào chịu để cho mất đi một cách dễ dãi như thế!

Thanh Thanh nói:

– Anh nói rất phải. Nếu chúng ta dưng cho ông ta hai vạn lạng vàng, hoặc là hai trăm vạn lạng vàng, hai nghìn vạn lạng vàng. Anh bảo như thế có nên không?

Một lời cảnh tỉnh Thừa Chí, chàng mừng quá, quên cả phép tắc, nắm chặt lấy hai tay Thanh Thanh:

– Chú Thanh, tôi thật u mê quá. May là có chú nhắc nhở cho, thật cám ơn chú quá!

Thanh Thanh rút tay lại, trả lời:

– Em không dám! Sau này chỉ mong anh ít chửi bới là em được mãn nguyện lắm rồi!

Thừa Chí vội cười nịnh:

– Nếu chúng ta đào được số vàng bạc châu báu đó, đem đến cho Sấm Vương thì không khác gì chúng ta đã ban ân huệ cho dân chúng.

Hai người ngồi bên bờ đường, giở họa đồ ra xem cho kỹ, thấy trong họa đồ có vẻ một khuyên đỏ, bên cạnh có chú thích: “Ngụy Quốc Công Phủ” bốn chữ.

Thừa Chí nói:

– Bảo tàng ở dưới đất một căn phòng hoang trong phủ Ngụy Quốc Công, đào xuống khá sâu, mở tấm phản bằng sắt lên, thấy mười chiếc hòm bằng sắt rất lớn. Đó là những hòm vàng bạc châu báu đấy⬦

– Bây giờ, chúng ta tới Nam Kinh, kiếm được Ngụy Quốc Đồng phủ là lấy được kho tàng đó ngay.

– Ngụy Quốc Công là phong hiệu của Đại tướng quân Từ sử. Ông ta là vị đại thần có công nhứt với bổn triều. Vậy thì phủ của ông ta phải to lớn lắm. Dù vào được trong phủ, chúng ta đào lấy kho tàng kếch sù ấy, cũng không phải là chuyện dễ.

– Bây giờ chúng ta cứ đoán suông, tính hão mãi cũng vô cùng. Chi bằng hãy tới Nam Kinh trước, rồi tùy cơ ứng biến sau.

Mấy ngày sau, hai người đã đi tới thành Nam Kinh. Nơi đây thành phố lớn nhứt nước Trung Hoa, và cũng là chỗ khai cốt kiến lập thủ đô của Minh Thái Tổ. Ngoài thành lại có các lăng tẩm của các vua chúa triều nhà Minh. Lúc này, tuy gặp thời loạn, Nam Kinh vẫn phồn hoa vô cùng. Hai người giả dạng nhân đến Nam Kinh thăm bạn, vào nghỉ chân trong một khách điếm.

Thừa Chí gọi phổ ky vào, hỏi thăm đường lối đi Ngụy Quốc Công phủ. Phổ ky ngơ ngác trả lời là, Nam Kinh không có phủ Ngụy Quốc Công.

Thanh Thanh nổi giận, mắng chửi liền:

– Ngụy Quốc Công là đệ nhất đại công thần của bốn triều, sao lại không có Quốc Công phủ?

Phổ ky trả lời:

– Nếu là có thì mời tướng công cứ đi tìm kiếm, tiểu nhân quả thật không hay biết.

Thấy phổ ky cãi bướng, Thanh Thanh giơ tay định đánh. Thừa Chí vội cản lại.

Phổ ky lẩm bẩm đi ra liền.

Tìm kiếm bảy, tám ngày liền, hai người vẫn chưa tìm thấy Quốc Công phủ. Nóng lòng báo thù, Thừa Chí định tạm gác sang một bên không tìm kiếm nữa. Nhưng Thanh Thanh cứ cương quyết không chịu. Hai người lại dò hỏi thêm năm, sáu ngày, ai ai cũng nói con cháu của Tứ đại tướng quân hiện được lập phong Vương tước, giữ binh quyền thành Nam Kinh, Vương phủ của Vương tước đang ở mới xây dựng mấy năm, chớ không ai biết Ngụy Quốc Công là gì cả, Thanh Thanh liền đề nghị nên vào Vương phủ dò thám xem.

Thừa Chí cực lực phản đối và giải thích rằng: Vương phủ đó mới xây, bảo rằng nhứt định không có ở trong đó. Mà dù kho tàng có ở trong đó đi nữa, sức hai người làm sao lấy nổi số châu báu lớn lao ấy? Lỡ để cho Vương tước biết tin, cho người đào lấy, có phải là mất chỗ kho tàng ấy không? Thấy chàng nói có lý, Thanh Thanh đành phải nghe theo.

Hôm đó, hai người mướn chiếc thuyền đi chơi sông Tần Hoài cho đỡ buồn.

Thừa Chí nói:

– Chúng ta tìm kiếm thêm một ngày nữa. Nếu không thấy là chúng ta phải bỏ đi đấy nhé!

– Không! Phải kiếm thêm ba ngày nữa cơ!

Lúc ấy, trên mặt sông tiếng đàn ca hát nổi lên khắp nơi, Thanh Thanh cao hứng uống vài chén rượu, hai má đỏ bừng, dưới ánh sáng đèn trông nàng càng xinh đẹp thêm.

Thừa Chí cười nói:

– Thôi được, tôi bằng lòng ba ngày vậy!

Thấy thuyền bên cạnh đang có tiếng ca hát véo von, Thanh Thanh cao hứng vì hơi rượu đã bốc, vừa cười vừa nói với Thừa Chí:

– Đại ca, chúng ta cũng gọi hai cô đào đến ca hát cho vui nhé?

Là người quân tử, thấy Thanh Thanh đề nghị gọi kỹ nữ hầu rượu, Thừa Chí mặt đỏ bừng, trả lời:

– Chú uống say rồi phải không? Sao bỗng dưng lại muốn bậy bạ như thế?

Các phu thuyền chỉ mong khách du ngoạn gọi kỹ nữ hầu rượu và ca hát để được kiếm thêm tiền hoa hồng, liền lên tiếng:

– Các tướng công đến sông Tần Hoài chơi đều kêu gọi các cô hầu rượu. Nếu tướng công quen biết cô nào, xin cho biết để cháu đi mời?

Thừa Chí vội xua tay lia lịa:

– Không, không gọi đâu!

Thanh Thanh hỏi:

– Trên sông này có những cô nào nổi tiếng nhứt?

Phu thuyền đáp:

– Thưa tướng công, ở sông Tần Hoài này có bốn cô là: Điền Ngọc Kính, Liễu Như Thị, Đổng Tiểu Uyển và Lý Hương Quân là nổi danh nhứt. Cô nào cũng giỏi thơ phú, viết chữ đẹp, đều được nổi tiếng là nữ tú tài!

Thanh Thanh nghĩ ngợi giây phút rồi mới nói:

– Bác mời hộ tôi hai cô Liễu Như Thị và Đổng Tiểu Uyển.

Phu thuyền rụt đầu, thè lưỡi đáp:

– Có lẽ tướng công lần đầu tiên đến thành Kim Linh này chắc?

Thanh Thanh hỏi:

– Mới đến thì sao?

– Những cô nổi danh ấy chỉ kết giao với vương tôn công tử và nho sĩ thôi, chớ những nhà buôn muốn gặp mặt các cô ấy dù có cho người gánh núi vàng núi bạc đi thỉnh, chưa chắc đã mời được các cô ấy tới.

Thanh Thanh nổi giận:

– Thân làm kỹ nữ mà họ cũng làm bộ làm phách đến thế à?

Phu thuyền lại nói:

– Sông Tần Hoài này còn nhiều cô khác cũng đẹp, cũng tài ba, để cháu mời hai cô tới hầu hai vị tướng công nhé?

Thừa Chí nói:

– Hôm nay chúng tôi có việc bận sắp phải đi ngay. Mai mốt chúng tôi trở lại du ngoạn, sẽ nhờ bác thỉnh giúp hộ các cô ấy.

Thanh Thanh cười nói:

– Em còn muốn ở lại chơi thêm lát nữa.

Nói đoạn, nàng quay lại dặn bảo phu thuyền rằng:

– Bác cứ đi thỉnh hộ tôi!

Người phu thuyền chỉ mong được khách dặn bảo như vậy. Y liền cất cao giọng gọi vài tiếng. Một lát sau, một chiết thuyền hoa ở bên bờ chèo tới. Hai kỹ nữ vào hạnh có nhan sắc bắc cầu bước sang cúi đầu vái chào Thừa Chí và Thanh Thanh. Tỏ vẻ ngượng ngịu, Thừa Chí vội đứng dậy đáp lễ lại. Thấy chàng có vẻ quê mùa cục mịch như vậy, Thanh Thanh buồn cười quá, nhưng cứ phải cố nhịn. Hai kỹ nữ đó chỉ là hạng tầm thường, một nàng thổi sáo và một nàng ca một bản tiểu khúc, có thế thôi.

Cảm thấy khó nghe, Thanh Thanh cứ cau mày lắc đầu. Thừa Chí khẽ oán trách:

– Chú càng quấy rầy, càng không ra cái thể thống gì?

Thanh Thanh vừa cười vừa khẩn khoản:

– Mắng chửi như thế đã đủ chưa? Để em thổi một bản tiêu anh nghe nhé?

Nói xong, nàng mượn chiếc sáo của nàng kỹ nữ, lấy khăn tay thấm rượu, lau chùi sạch sẽ miệng ống sáo, rồi mới kề miệng thổi. Quả thật âm điệu khác hẳn với nàng kia.

Khi còn ở Thạch Lương, Thừa Chí đã được thưởng thức tiếng thổi ấy rồi. Còn hai nàng kỹ nữ kia, nghe thấy nàng thổi hay quá, đều ngẩn người ra nghe.

Trong lúc mọi người đang nghe Thanh Thanh thổi sáo, không để ý tới một chiếc hoa thuyền lớn vừa chèo đến sát bên, rồi bên có tiếng cười ha hả và tiếng nói thật lớn vọng sang:

– Thổi hay quá! Hay quá!

Vừa dứt lời khen, đã có ba người nhảy sang. Thấy có người đến quấy nhiễu, Thanh Thanh liền nổi giận, để ống tiêu xuống, liếc mắt nhìn thấy người đi đầu cầm quạt phe phẩy, mặc tơ gấm vóc, trạc độ ba mươi tuổi, mày rậm mắt nâu, mặt ngang phè phè. Hai người theo sau là gia đinh, tay cầm đèn lồng, trên đề ba chữ: “Tổng Đốc phủ”

Thừa Chí vội đứng dậy chắp tay chào nghênh đón. Hai nàng kỹ nữ đã quỳ xuống và lạy. Thanh Thanh vẫn cứ ngồi yên như trước. Vừa cười vừa bước vào trong khoang thuyền, người đi đầu lên tiếng nói:

– Tôi sang quấy phá thế này thật không phải!

Nói xong, y bệ vệ ngồi xuống, Thừa Chí hỏi:

– Xin Ngài cho biết quý tánh đại danh?

Người nọ chưa trả lời, một kỹ nữ đã vội vã giới thiệu:

– Thưa tướng công, Mã công tử là công tử Tổng Đốc phủ Phụng Dương đấy ạ!

Mã công tử không thèm hỏi lại tên họ của Thừa Chí, chỉ lim dim đôi mắt, nhìn tròng trọc vào mặt Thanh Thanh, rồi vừa cười vừa nói:

– Cậu ở đâu vào thế? Thổi tiêu hay đến thế là cùng! Sao không lại đây hầu hạ đại gia! Hà! Hà! Hà!

Thấy y cho mình là hạng dọn bát, Thanh Thanh cau mày định giở mặt thì Thừa Chí đưa mắt ra hiệu, bảo nàng hãy nên chịu đựng, rồi nói:

– Chú ấy là em tôi. Chúng tôi đến Nam Kinh này thăm bạn.

Mã công tử hỏi:

– Thăm bạn nào? Hôm nay gặp gỡ nơi đây làm bạn với tôi, cam đoan hai người khỏi phải lo ăn lo mặc.

Tuy trong lòng căm giận vô cùng, nhưng Thừa Chí vẫn cố nén không để lộ ra mặt, liền hỏi:

– Mã Sĩ Anh đại nhân với các hạ là thế nào?

Mã công tử đắc chí đáp:

– Ông ta là chú tôi.

Lúc ấy bên thuyền lại có một người nữa bước sang. Người đó, đầu chồn mắt chuột, để hai cái ria nhỏ, cúi đầu chào xong, liền cười nói với Mã công tử:

– Thưa công tử, chú em này thổi tiêu hay lắm phải không?

Nhìn thấy dáng điệu của y, Thừa Chí đoán ngay người đó là quân sư của họ Mã.

Mã công tử nói:

– Cảnh Đình, anh lại đây nói cho họ hiểu đi.

Người đó, họ Dương tên Cảnh Đình, liền nói với Thừa Chí và Thanh Thanh rằng:

– Mã công tử chúng tôi đây là cháu ruột của Phụng Dương, Tổng đốc Mã đại nhân, là người rất hào phóng, hay kết bạn bè! Mã đại nhân thương yêu công tử, coi như con đẻ vậy. Chú em nên đến Phủ ở với Mã công tử, tôi cam đoan, chú muốn gì được nấy.

Thấy họ ăn nói một cách vô lễ như vậy, Thừa Chí sợ Thanh Thanh nổi giận. Ngờ đau, Thanh Thanh lại hớn hở tươi cười đáp:

– Còn gì tốt hơn thế nữa? Vậy chúng ta lên bờ đi ngay đi.

Như là được vật báu tự trên trời rơi xuống, Mã công tử liền giơ tay ra kéo, Thanh Thanh rụt tay lại, vừa cười vừa đẩy một kỹ nữ vào lòng y. Thừa Chí ngạc nhiên quá, chỉ làm thinh chứ không dám nói năng gì. Thanh Thanh đứng dậy nói với Mã công tử rằng:

– Còn hai cô nàng và phu thuyền đây, đệ muốn tặng cho mỗi người năm lạng bạc⬦

Mã công tử đáp:

– Vấn đề này để tôi phụ trách. Các người, ngày mai đến phòng chi thu trong Phủ lãnh tiền nhé?

Thanh Thanh nhếch mép cười nói:

– Thưởng cho họ ngay bây giờ có hơn không?

Mã công tử gật đầu, ra lịnh cho gia đinh lấy mười lăm lạng bạc để lên trên mặt bàn. Phu thuyền và hai kỹ nữ chắp tay vái cảm tạ. Mã công tủ cứ đăm đăm nhìn thẳng vào mặt Thanh Thanh. Một lát sau, thuyền đã ghé vào bờ.

Dương Cảnh Đình nói:

– Để tôi đi gọi người đem kiệu tới.

Thanh Thanh bỗng la lớn:

– Ối chà! Tôi còng một thứ rất cần còn để quên ở nơi trọ, phải đi lấy ngay!

Mã công tử nói:

– Chú trọ ở đâu? Để tôi cho gia đinh đi lấy cho?

Thanh Thanh nói:

– Tôi ở nhờ chùa Pháp Hoa, tận ngoài cửa thành Kim Xuyên. Thứ đó không thể nhờ ai đi lấy được.

Dương Cảnh Đình rỉ tai Mã công tử:

– Phải theo dõi nó! Công tử đừng để cho thằng nhỏ này lẻn trốn mất.

Mã công tử gật đầu:

– Phải đấy!

Y quay lại nói với Thanh Thanh rằng:

– Để tôi cùng đi với chú em cho vui nhé!

Nói đoạn, y giơ tay ra quàng vai. Thanh Thanh tránh sang một bên, nàng vẫn tươi cười nói:

– Không, tôi không cần công tử đi với!

Thấy nàng õng ẹo làm nũng, Mã công tử mất cả hồn vía, liền nói với Cảnh Đình rằng:

– Cảnh Đình này, nếu để cho chú em mặc quần áo đàn bà, có lẽ các thiếu nữ thành Kim Xuyên này không ai đẹp bằng.

Thanh Thanh gọi Thừa Chí:

– Thôi chúng ta đi thôi.

Nói đoạn, nàng khoác tay Thừa Chí đi thẳng về phía đằng trước. Công tử đưa mắt ra hiệu và cả bốn người đi theo sau. Y rảo bước đi lên ngang hàng với Thanh Thanh để trò chuyện. Những câu được câu chăng, Thanh Thanh chỉ trả lời lấy lệ để y khỏi bực mình.

Mục đích của Thanh Thanh và Thừa Chí tìm Quốc Công phủ. Mười mấy ngày qua, hai người đã đi khắp nội ngoại thành của thành Nam Kinh này rồi, nên cả haicũng thuộc hết các đường lối phố xá. Thấy Thanh Thanh cứ đi về phía đất hoang vắng người, Thừa Chí biết rằng nàng cố ý hạ sát mấy tên đi theo kia, liền nghĩ: “Tuy tên Mã công tử vô hạnh thật, nhưng tội chưa đến nỗi phải chết. Sư phụ thường nói rằng: ⬘Người học võ, không nên lạm sát những kẻ vô tội!⬙ Điều đó cũng là luật cấm của môn phái Hoa Sơn ta. Như vậy, sao lại không ngăn cản,” nghĩ đoạn chàng ngừng bước nói:

– Chú Thanh, chúng ta đi về đi!

Thanh Thanh cười nói:

– Muốn về thì anh cứ về trước!

Mã công tử cả mừng vội lên tiếng rằng:

– Phải đấy. Anh về trước đi!

Thừa Chí lắc đầu thở dài, miệng lẩm bẩm nói:

– Tên này chết đến nơi mà không tỉnh ngộ!

Vừa đi vừa nói chuyện phím, đi tới một bãi tha ma, Mã công tử đã mệt thở hổn hển, hai chân mỏi nhừ, vội hỏi:

– Sắp đến chưa?

Thanh Thanh cười một tiếng thật dài, rồi đáp:

– Tới nơi rồi!

Mã công tử ngơ ngác bụng nghĩ thầm: “Đến bãi tha ma này để làm gì?”

Thấy khác ý, tên Cảnh Đình tỉnh ngộ ngay.

Nhưng y tin vào bọn y có những bốn người và hai tên gia đinh đi theo đó lại vạm vỡ, giỏi võ, thì dù hai thư sinh yếu ớt kia có giở trò gì cũng không sợ, vừa nghĩ vừa nói:

– Chú em đừng đi đâu xa nữa. Chúng ta trở về Phủ của công tử ăn nhậu có hơn không?

Thanh Thanh cười khinh hai tiếng, Thừa Chí vội đáp:

– Đi về ngay đi! Các ông đừng có nói nhiều nữa!

Ý của chàng là, chỉ con đường sáng cho họ đi nhưng bốn tên túi áo cá cơm ấy làm sao hiểu nổi? Mã công tử còn giả vờ để cầu lợi, mà nói rằng:

– Tôi mỏi mệt quá, chú em làm ơn lại đây đỡ tôi một tí!

Vừa nói y vừa đi tới sát cạnh, đưa tay quàng lên vai Thanh Thanh. Thấy ánh sáng lập lòe một cái, Thừa Chí kêu to thầm: “Nguy to,” rồi tiến lên ngăn cản, nhưng đã muộn rồi! Đầu của Mã công tử đã lăn lóc dưới mặt đất, máu tươi ở cổ phun ra như vòi nước. Dương Cảnh Đình và hai tên gai đinh sợ quá, đều ngẩn người như pho tượng gỗ.

Thanh Thanh lại tiến lên cho mỗi tên một kiếm, thế là cả ba tên cùng chết một lúc.

Thấy nàng đã trót giết một tên rồi, không giết nốt mấy tên kia chắc có hậu họa, Thừa Chí đành để yên cho nàng hành động không cản trở nữa. Lau chùi máu dính trên lưỡi kiếm xong, Thanh Thanh khoái trí cười ha hả.

Thừa Chí nói:

– Những quân vô lại này, chú chỉ nên cho chúng một bài học thôi! Hà tất phải giết như thế! Kể chú cũng tàn nhẫn thật!

Thanh Thanh trợn tròn đôi mắt rồi đáp:

– Em không chịu nổi những hành vi bẩn thỉu ấy.

Thừa Chí nghĩ: “Mã công tử vẫn ỷ thế hoành hành. Chắc y cũng hãm hại nhiều người lương thiện rồi. Y có bị giết chết như vậy cũng không oan uổng gì!”

Nghĩ xong, chàng nghiêm mặt nói:

– Những quân khốn nạn này, chú có giết cũng không sao. Nhưng từ nay chú đừng giết bừa như thế này, mà lỡ giết phải một người lương thiện, tình giao hảo của chúng ta sẽ đoạn tuyệt ngay lúc đó.

Thanh Thanh thè lưỡi, lắc đầu, rồi nói:

– Vâng, từ nay em không dám thế nữa!

Hai người đá mấy các xác vào trong bụi lau xong, đang định trở về khách điếm. Thừa Chí bỗng lôi tay áo Thanh Thanh một cái. Cả hai người vội lui vào phía sau một ngôi mộ ẩn núp. Tiếng động của chân người ở xa đưa đến, rồi phía Đông và phía Tây đều có người đi tới. Thừa Chí và Thanh Thanh trông thấy mỗi bên đều có mười mấy người, tay xách đèn lồng. Khi đến gần nhau, người bên phía Đông vỗ tay ba cái, còn người bên phía Tây chỉ có hai cái thôi. Cả hai bên đều im hơi lặng tiếng, rồi ngồi quây tròn trước ngôi mộ, cách chỗ ẩn núp của Thanh Thanh và Thừa Chí độ mười mấy trượng. Vì vậy bọn họ nói những gì, Thừa Chí và Thanh Thanh không sao nghe được.

Lòng hiếu kỳ xúi giục, Thanh Thanh định bò lại gần bọn người ấy, Thừa Chí vội kéo tay nàng và khẽ nói:

– Hãy chờ một lát đã.

– Sao vậy?

Thừa Chí xua tay ra hiệu, bảo nàng đừng lên tiếng.

Thanh Thanh chờ đợi lâu quá, nóng lòng. Lại trải qua một thời gian khá lâu, một trận gió lạnh thổi tới, bốn bề cỏ khô kêu rào rào, những cành cây rụng ở cạnh ngôi mộ đều bay múa. Thừa Chí nâng cánh tay phải của Thanh Thanh giở khinh công ra, không cần nhún nhảy, hai chân tựa như không chạm mặt đất, chỉ một hơi đã chạy được mười mấy trượng, đến phục ở sau một ngôi mộ lớn gần bọn người kia.

Hành động của chàng rất nhẹ nhàng nên bọn kia không hay biết gì cả. Thấy Thừa Chí khom lưng, tay phải nâng cả người mình lên mà chân đi vẫn nhẹ nhàng không có tiếng động, khinh công của chàng đã tới chốn tuyệt bực, Thanh Thanh trong lòng mến phục vô cùng. Hai người vừa phục xuống, Thừa Chí đã vội rụt tay lại, tựa như xa lánh rắn độc, rít độc vậy.

Thanh Thanh nghĩ thầm: “Chàng quả thật là quân tử nhưng phải cái hơi hủ lậu một chút!”

Lúc ấy, chỉ nghe tiếng khàn khàn của một người nói:

– Các vị đại ca bên quý phái không quản ngại đường sá xa xôi tới đây ra tay trợ giúp, chúng tôi thật cảm ơn vô cùng!

Lại nghe một người khác nói:

– Sư phụ chúng tôi mang bịnh đã hơn tháng nay không đi lại được, nên phải nhờ sư thúc chúng tôi là Truy Phong Kiếm Vạn Phương dẫn chúng tôi, mười hai đệ tử tới đây để Mẫn lão sư sai khiến.

Tiếng người nói giọng khàn khàn đáp:

– Lần này được sư Long gia Từ giúp đao tương trợ, anh em chúng tôi thật cảm ơn vô cùng. Vạn sư huynh Truy Phong Kiếm tiếng tăm lừng lẫy khắp trời Nam, bây giờ ông ta thân hành đến đất Nam Kinh này, tất phải mã đáo thành công. Chúng tôi vừa thấy Vạn sư huynh giá lâm, trong lòng đã yên trí ngay.

Một người giọng thỏ thẻ lên tiếng rằng:

– Các bạn quá khen như vậy, tôi chỉ sợ phái Điểm Thương chúng tôi không giúp được gì cho họ Mẫn lão sư thôi!

Thừa Chí giựt mình, sực nghĩ: “Lúc nhàn rỗi, sư phục chàng đàm luận thiên hạ kiếm pháp, có nói bốn đường kiếm phái lớn của thời bấy giờ là: Võ Đang, Côn Lôn, Hoa Sơn, và Điểm Thương, phái nào cũng có đường kiếm bí hiểm lạ thường, và có nhân tài xuất chúng. Tên họ Vạn, biệt hiệu là Truy Phong Kiếm đây, lại là tay cao thủ của phái Điểm Thương. Nay y không quản đường sá xa xôi đến tận Nam Kinh này, không biết mưu đồ đại sự gì? Ta phải nghe rõ biết bí mật của y mới được.”

Sau lại nghe hai người khen ngợi lẫn nhau, khách sáo vài câu. Đằng xa lại có tiếng vỗ tay, bên này có người cũng vỗ tay hưởng ứng. Một lát sau, trước sau có thêm ba nhóm người tới. Nghe họ hàn huyên, Thừa Chí mới hay những nhóm người đó là:

Nhóm thứ nhứt là các sư Thiếu Lâm Tự tỉnh Phúc Kiến do Thập Lực đại sư hướng dẫn; nhóm thứ hai là giặc bể ở ven bờ tỉnh Triết Giang và tỉnh Phúc Kiến, do bẩy mươi hai đảo Liên Minh, có ba anh em kết nghĩa, nổi danh là Trường Bạch tam anh: anh cả Sử Bình Quang, anh hai Sử Bính Vân, và em ba Lý Cương Càng. Càng nghe Thừa Chí càng ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Những người tới tụ họp thế? Sao lại nghe người họ Mẫn cảm ơn luôn miệng, và cũng hiển nhiên các người kia là do y mời tới.”

Thanh Thanh cũng cảm thấy hành tung của bọn người này rất lừng danh, định lên tiếng hỏi Thừa Chí. Nhưng những người đó đều là võ lâm cao thủ, chỉ hơi có chút tiếng động là họ nghe nay, nên Thanh Thanh đành phải im hơi lặng tiếng.

Lúc ấy lại nghe người họ Mẫn cất cao giọng nói:

– Tôi Mẫn Tử Hoa đây⬦

Thừa Chí lại ngẩn người ra nghĩ thầm: “Cái tên Mẫn Từ Hoa này nghe quen lắm. Chắc là sư phụ đã nói cho ta nghe nhưng không nhớ ra y là hạng người gì.”

Người họ Mẫn nói tiếp:

– Hôm nay được quý vị sư huynh sư đệ không quản ngại nghìn non muôn nước tới đây tương trợ, xin nhận một vái của đệ!

Mọi người đồng thanh đáp:

– Mẫn nhị ca chớ nên vái quỳ như thế! Chúng tôi đâu dám nhận!

ồn ào một lúc, Mẫn Tử Hoa lại nói:

– Trong mấy ngày nay, Trương Tâm Nhứt sư huynh phái Côn Lôn, mấy vị đạo trưởng phái Nga Mi và mấy vị sư huynh phái Hoa Sơn cũng sẽ tới cả.

Có người lên tiếng hỏi:

– Phái Hoa Sơn cũng có người tới ư? Thế thì hay lắm! Chẳng hay là môn hạ của ai thế?

Thừa Chí nghĩ thầm: “Ngươi hỏi vừa lúc quá! Ta cũng muốn hỏi vài câu về tin này!”

Mẫn Tử Hoa đáp rằng:

– Mấy vị sư huynh ấy là môn hạ của Bàn Thạch Sơ Nông.

Thừa Chí nghĩ: “Đó là môn hạ của nhị sư huynh.”

Người nọ lại hỏi:

– Mẫn nhị ca quen biết vợ chồng Quy Thân Thụ thì may mắn lắm rồi. Có vợ chồng ông ta đỡ đầu cho, chúng ta không còn sợ tên gian tặc họ Tiêu nữa?

Mẫn Tử Hoa nói:

– Đệ đâu có hân hạnh được kết bạn với vợ chồng ông ta! Đệ chỉ quen thân với đại đồ đệ của ông ta là Mai Kiếm Hoa thôi.

Lại một người khác nói:

ra là đại đệ tử của thần quyền vô địch Quy tân Thọ .

Mẫn Tử Hoa đáp:

– Vâng, chính anh ta đó!

Nghe tới đây, Thừa Chí nhẹ hẳn người, nghĩ thầm: “Nếu có người đồng môn mình tham gia thì việc này tất phải là chánh đáng. Ta hãy tạm giấu mặt chờ có dịp thích đáng, hãy ra tay giúp họ đôi chút.”

Lại nghe Mẫn Tử Hoa nói:

– Năm nọ gia huynh bị người ta giết hại một cách bi đát. Đệ đã điều tra mười mấy năm liền mà không biết ai là kẻ thù. Bây giờ, nay nhờ có các anh em họ Sử phái Trường Bạch đây cho hay đệ mới rõ kẻ giết gia huynh là tên gian tặc họ Tiêu. Thù này không trả được, đến thề không làm người!

Bỗng nghe “keng” một tiếng, chắc là tiếng động của y dùng khí giới chém bia đá lập thề. Lại có một người khác nói:

– Thiết bối Kim Ngao Tiêu Công Lễ cũng là một tay hảo hán hữu danh ở giang hồ không ngờ y lại có hành vi hèn hạ đến thế? Không hiểu các anh họ Sử hay tin đó từ đâu?

Lời nói của người đó có vẻ hoài nghi. Không chờ anh em họ Sử giải thích, Mẫn Tử Hoa đã vội đỡ lời:

– Các anh em họ Sử đây đã kể rõ tình hình gia huynh bị gian tặc giết ở tỉnh Sơn Đông, sau đệ được hay. Có đủ bằng cớ hẳn hoi xin Thập Lực đại sư đừng có đa nghi.

Một người khác nói:

– Tiêu Công Lễ lập cơ sở ở Kim Linh đã mấy chục năm rồi. Thế lực của y rất hùng mạnh. Phen này anh em mình ra tay, cần phải cẩn thận lắm mới được?

Mẫn Tử Hoa nói:

– Cũng vì lẽ đó đệ tự biết mình thế cô sức yếu, cho nên mới dám táo gan thỉnh quý vị bạn hữu giáng lâm. Ngày mai đúng giờ dậu, đệ sửa soạn vài mâm rượu nhạt, cơm rau tại tệ xá ở hẻm Tạ Gia phía Nam Thành để tẩy trần và tiết phong quý vị. Mời quý vị thế nào cũng giáng lâm cho.

Mọi người đều lên tiếng cảm tạ và nói:

– Chúng tôi với huynh cũng như anh em trong nhà, hạ tất huynh phải làm khách như vậy!

Mẫn Tử Hoa nói:

– Được các bạn quá độ đến rất nhiều thế nào kẻ địch cũng phải biết chuyện. Vậy ngày mai quý vị tới, lúc vào cửa gặp các chú em tiếp đãi, xin giơ ba ngón tay làm hiệu và khẽ nói câu: “Giang hồ nghĩa khí, rút dao tương trợ!” Làm như vậy để tránh kẻ địch trà trộn lẻn vào phá rối.

Mọi người đều tán thành ý kiến đó, và còn đề nghị lúc giao chiến cũng dùng ba ngón tay làm hiệu, để phân biệt mình và địch. Trước khi giải tán, họ còn bàn tới chuyện phái người đến nhà tên Tiêu Công Lễ dọ thám. Xong đâu đấy, họ mới rút lui dần.

Chờ các người đi xa rồi, Thừa Chí và Thanh Thanh mới nằm lăn ra bãi cỏ nghĩ ngợi.

Vì ngồi xổm lâu quá, Thanh Thanh tê cả hai chân. Giây lát sau, nàng nói:

– Đại ca, ngày mai chúng ta đến nhà người họ Mẫn xem đi!

Thừa Chí đáp:

– Chỉ xem không thì được, nhưng thể nào chú cũng phải nghe lời tôi, cấm không được phá quấy.

– Em có phá quấy bao giờ đâu?

Buổi trưa ngày hôm sau, Mã công tử bị ám sát đã làm sôi nổi cả thành phố Nam Kinh. Suốt ngày ẩn núp ở trong khách điếm, cho tới chiều tối, Thừa Chí và Thanh Thanh mới thay quần áo lững thững đi tới hẻm Tạ Gia. Thấy một tòa nhà lớn, cửa sơn son trên treo đôi đèn lồng, khách đang vào tấp nập. Đi tới cửa, Thừa Chí và Thanh Thanh đều giơ ba ngón tay phải ra, miệng cũng nói:

– Giang hồ nghĩa khí rút dao tương trợ.

Một người mặc áo dài chắp tay vái chào và bảo một tên đạ hán đứng đó, dẫn hai người vào trong phòng khách. Rót nước mời hai người uống, đại hán nọ hỏi tên tuổi, Thừa Chí và Thanh Thanh liền bịa đặt, một người họ Trinh và một người họ Văn.

Đại hán nọ nói:

– Chúng tôi được nghe đại danh ở giang hồ đã lâu, chúng tôi rất lấy làm hâm mộ!

Thanh Thanh bụng cười thầm, và nghĩ thầm rằng: “Đại danh này, ngay chúng ta mới nghe lần đầu mà ngươi dám nói là nghe lâu rồi!”

Khách càng đông, đại hán nọ thấy hai người trẻ tuổi như vậy, chắc là đệ tử của phái nào theo sư phụ đến cũng nên.

Vì vậy, y cũng không trọng vọng lắm, chỉ nói câu “xin lỗi,” rồi đi tiếp người khác liền.

Một lát sau, chủ nhân mời khách vào bàn. Thừa Chí và Thanh Thanh được đặt ngồi ở bàn bên cạnh. Khách bàn này đều đệ tử của các môn phái nên người đại diện cũng là đồ đệ thứ năm của Mẫn Tử Hoa. Vì vậy không ai để ý đến hai người.

Sau ba tuần rượu, Mẫn Tử Hoa đến các mâm mời rượu. Khi y mới tới bàn Thừa Chí, để ý nhìn kỹ, chàng thấy Mẫn Tử Hoa trạc độ bốn mươi tám, chín tuổi, tay nổi gân xanh.

Cử chỉ và bước đi của y đều tỏ ra là người võ nghệ khá cao, hai mắt y sưng húp, chắc y thương xót người anh, ngày đêm khóc lóc nhiều quá mà nên. Thừa Chí nghĩ thầm: “Người này trọng tình thủ túc đến thế kể cũng đáng kính thật! Chắc kẻ thù thế lực mạnh lắm, y mới phải mời đến nhiều hảo thủ thế này!”

Mẫn Tử Hoa vái chào mọi người ba lạy và cảm ơn luôn miệng trước, rồi mới mời rượu sau.

Khách cùng bàn Thừa Chí đều là hậu bối, nên ai nấy đứng cả dậy đáp lễ.

Lúc ấy, bỗng có một tên đệ tử hấp tấp chạy tới cạnh Tử Hoa, rỉ vào tai nói vài lời.

Tử Hoa hớn hở, đưa ly rượu cho người đệ đó, rồi vội vàng bước ra ngoài cửa.

Giây phút sau, Mẫn Tử Hoa tỏ vẻ rất lễ phép dẫn ba người đi vào, và mời họ ngồi lên mâm trên nhứt. Thấy ba người đó khệnh khạng ra vẻ ta đây, Thừa Chí chắc họ không phải là những người tầm thường. Người đi trước ăn mặc lối nho sinh, lưng đeo thanh trường kiếm, hai mắt hơi nhìn ngược lên, ngạo nghễ vô cùng. Người thứ hai là một tráng hán trạc độ ba mươi tuổi. Người thứ ba là một thiếu nữa hai mươi hai, ba tuổi, mặt rất xinh đẹp, nhưng có vẻ lạnh lùng.

Mẫn Tử Hoa lớn tiếng đáp:

– Mai đại ca kịp thời đến giúp cho, đệ thật cảm tạ vô cùng!

Người nho sinh cười nói:

– Việc của Mẫn nhị ca, lẽ nào chúng tôi không đến giúp?

Thừa Chí nghĩ: “Thế ra người này là Mai Kiếm Hòa, đệ tử của nhị sư huynh Quy Thân Thụ đây! Sao y lại ngạo nghễ đến thế?”

Lại nghe Mai Kiếm Hòa nói:

– Việc giang hồ này, sư phụ tôi, cụ ta không khi nào chịu nhúng tay vào đâu. Nhưng đệ đã nhiễu sự, mời thêm hộ Nhị ca, hai người giúp sức. Đây là tam sư đệ tôi Lưu Bội Sinh và cô này là Ngũ sư muội tôi, Tôn Trọng Quân.

Mẫn Tử Hoa đáp:

– Đệ ngưỡng một oai danh của Thần Quyền Thái Bảo và Tôn nữ hiệp đã lâu. Ngày hôm nay được hai phái đến giúp, đệ hân hạnh vô cùng.

Sở dĩ Tử Hoa không dám nhắc tới biệt hiệu của Tôn Trọng Quân, vì biệt hiệu đó người ta tặng cho dùng, Phi Thiên Ma Nữ. Nàng được sư mẫu cưng, võ nghệ cao cường mà ta rất độc ác, nên ai nấy đều e sợ nàng.

Tử Hoa giới thiệu ba người với Thập Lực đại sư, Trường Bạch tam anh, Bích Hải Trường Kinh và Truy Phong Kiếm Vạn Phương và các người xong, y mới mời sư huynh muột vào bàn ăn uống.

Mọi người đang cao hứng chén tạc chén thù thì một tên đệ tử của Tử Hoa cầm hai cái thiếp đại hồng bước vào, đưa cho sư phụ coi. Biến sắc mặt, cười gằn mấy tiếng, Tử Hoa nói:

– Lão già họ Tiêu thần thông quảng đại thật! Chúng ta chưa kiếm, mà y đã đến thăm anh em mình trước. Mai đại ca, các anh chị vừa tới mà y đã hay tin rồi.

Cầm hai tấm thiếp lên xem, Mai Kiếm Hòa thấy tấm trên viết “Hậu học giáo đệ Tiêu Công Lễ bách bái”, một tấm nữa đề: “Giữa ngọ ngày mai, xin mời chư huynh: Mẫn Tử Hoa, Thập Lực đại sư, Trường Bạch tam anh,⬦ tới tệ xá Tiêu trạch xơi chén rượu nhạt.” Trong đó có cả tên ba anh em Mai Kiếm Hòa nữa.

Mai Kiếm Hòa nói:

– Thế này thì lão già họ Tiêu kể cũng cứng đấy. Nhưng cũng phải cho y biết chúng ta không phải là tay vừa!

Tử Hoa nói:

– Mời người bạn đưa thiếp tới vào đây!

Đệ tử nọ vâng lời đi liền. Mọi người đều ngừng chén, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa.

Một phút sau, đệ tử nọ dẫn một người trạc độ ba mươi tuổi, mặc áo dài, thủng thẳng bước vào. Tới trước mặt Tử Hoa, vái chào, người nọ nói:

– Sư phụ cháu hay tin các vị tiền bối đến cả Nam Kinh nên cho cháu tới mời quý vị trưa mai sang xơi chén rượu nhạt.

Mai Kiếm Hòa cười nhạt nói:

– Lão già họ Tiêu đã thiết yến Hồng Môn đấy!

Nói xong, chàng quay lại nói với người tới mời kia rằng:

– Nầy! Tên anh là gì?

Lời nói của chàng rất vô lễ nhưng người nọ vẫn cung kính đáp:

– Tên họ đệ tử là La Lập Như.

Kiếm Hòa quát lớn:

– Tiêu Công Lễ mời chúng ta sang, định giở mưu kế gì? Anh có biết không?

La Lập Như đáp:

– Dạ gia sư hay tin quý vị tiền bối đều giá lâm thành Nam Kinh này, trong lòng rất ngưỡng mộ, nên mới viết thiếp này sau cháu sang mời chớ không có mưu kế gì khác.

– Anh khéo ăn nói lắm! Ta hãy hỏi anh điều này, năm nọ khi Tiêu Công Lễ giết hại đại huynh của Mẫn lão sư đây, anh có mặt tại đó không?

– Câu chuyện này có nhiều uẩn khúc lắm. Cũng vì vậy, gia sư cháu mới mời quý vị ngày mai sang xơi chén rượu nhạt. Trước là tỏ tình ngưỡng mộ quý vị của gia sư và chúng cháu. Sau là giải thích và tạ tội cùng Mẫn nhị gia đây.

Mai Kiếm Hòa lại quát lớn:

– Giết chết người rồi giải thích và tạ tội là xong hay sao?

La Lập Như đáp:

– Lúc bấy giờ, hoàn cảnh bắt buộc gia sư phải ra tay đánh. Sau khi đã lỡ tay giết chết Mẫn đại lão sư, gia sư cứ ăn năn hối hận mãi cho tới bây giờ!

Phi Thiên Ma Nữ Tôn Trọng Quân bỗng thét lên một tiếng, rồi quát hỏi:

– Nếu vậy, lúc ấy anh có mặt tại đó phải không?

La Lập Như đáp:

– Cháu tuy không có mặt đó, nhưng gia sư là người chánh phái, quyết không bao giờ giết bừa bãi những người vô tội⬦

Tôn Trọng Quân lại quát lớn:

– Giỏi lắm, anh còn muốn cãi bướng phải không?

Tiếng nói chưa dứt, đã có một người nhảy ra nhanh như chim bay, tay cầm thanh kiếm sáng quắc, tay trái túm lấy ngực Lập Nhu. Sợ hãi quá, Lập Như giơ cánh tay phải ra gạt ngang để hất tay túm ngực của người nọ.

Thừa Chí khẽ nói với Thanh Thanh rằng:

– Nguy to! Cánh tay phải của y thể nào cũng bị gãy!

Thanh Thanh hỏi:

– Tại sao⬦

Thừa Chí chưa kịp trả lời, đã thấy Lập Như thét lên một tiếng thật lớn. Cánh tay phải của y đã bị thanh kiếm của người nọ chém đứt. Mọi người đang ngồi ăn uống đều hoảng sợ đứng cả dậy xem.

Mặt nhợt nhạt như hết máu, Lập Như vẫn cố gượng đứng, không chịu gục xuống.

Rồi dùng tay trái xé vạt áo, y tự quấn lấy bả vai phải, xong xuôi cúi xuống nhặt cánh tay gãy, ung dung đi ra. Thấy y can đảm như vậy, ai nấy đền ngẩn người ra nhìn nhau.

Tôn Trọng Quân lau chùi vết máu dính trên lưỡi kiếm xong, ung dung trở về bàn uống rượu.

Mai Kiếm Hòa nói:

– Người này dữ tợn như thế, chắc sư phụ y còn tàn ác và ngoan cố hơn! Vậy, ngày mai chúng ta có nên đi phó hội bữa tiệc đó không?

Truy Phong Kiếm Vạn Phương nói:

– Thể nào cũng phải đi! Chớ không đi họ sẽ khinh rẽ chúng ta!

Bích Hải Trương Kinh Trịnh Khởi Văn nói:

– Tối hôm nay chúng ta nên phái người đi dò thật hư ra sao trước. Và cũng để biết Tiêu Công Lễ đã mời những ai tới giúp và có lập mưu kế gì hại ngầm chúng ta không?

Mẫn Tử Hoa nói:

– Ý kiến của Trịnh đảo chủ rất phải. Đệ chắc bên chúng thể nào cũng phòng vệ cẩn thận lắm. Nếu đi dò thám, thế nào cũng phải nhờ vả đến mấy vị huynh trưởng mới được.

Vạn Phương nói:

– Tiểu đệ xin đi!

Tử Hoa đứng dậy rót một chén rượu, bưng đến trước mặt Vạn Phương nói:

– Mời Vạn đại ca xơi chén này!

Vạn Phương uống một hơi cạn chén rượu đó.

Tiệc xong, mọi người lần lượt cáo từ ra về. Thừa Chí ra hiệu rồi cùng Thanh Thanh đi theo sau Vạn Phương.

Lúc đó đã canh hai, Vạn Phương trở về khách sạn, thay quần áo xong, ra đi về phía đông. Thừa Chí và Thanh Thanh vẫn cứ đi theo sau. Đến sau một tòa nhà lớn, Vạn Phương nhảy qua tường rào. Thấy thân pháp của Vạn Phương rất nhanh, Thừa Chí nghĩ: “Nhanh như thế mới không phụ cái tên “Truy Phong Kiếm” mà người ta ban cho.”

Nghĩ đoạn chàng cùng Thanh Thanh cùng nhảy vào theo. Tới một căn phòng có ánh đèn lóe, hai người rón rén tới trước cửa sổ, nhìn vào thấy bên trong có ba người đang ngồi trò chuyện. Người ngồi hướng mặt ra phía cửa sổ trạc độ năm mươi tuổi, cau mày lắc đầu, vẻ mặt lo âu. Người đó thở dài một cái, rồi hỏi:

– Lập Như đã đỡ chưa?

Người ngồi phía dưới đáp:

– La sư huynh ngất đi tỉnh lại mấy lần. Bây giờ vết thương mới chảy máu.

Nghe nói, Thừa Chí đoán ra ngay ba người ngồi trong phòng là thầy trò Tiêu Công Lễ. Họ đang nói chuyện về vết thương của La Lập Như.

Lại nghe người thứ ba nói:

– Sư phụ, chắc thế nào bên đối phương cũng cho người đến đây thám thính. Chúng ta có nên phái mấy người đi tuần tiễu khắp nơi xem xét không?

Tiêu công tử thở dài rồi nói:

– Xem xét hay không cũng vậy thôi! Thầy cho đó là số trời cả! Điều cần nhứt là sáng mai các con đưa sư mẫu, sư muội, và tiểu sư đệ tới nhà họ Ngô ở Hồ Châu tị nạn.

Người đồ đệ đó nói:

– Xin sư phụ chớ có nản lòng vội. Chúng ta có những hơn hai nghìn huynh đệ ở thành Nam Kinh này. Sư phụ cho triệu tập tất cả anh em lại, quyết sống mái với chúng một phen, đã chắc đâu bên ta thua chúng nào?

– Vô ích, kẻ địch mới toàn những hảo thủ lừng tiếng giang hồ. Những anh em của bên ta địch sao nổi họ? Chỉ toi mạng thôi!⬦ Sau khi ta có mệnh hệ nào, các con chịu khó phụng dưỡng sư mẫu, dạy bảo sư muội và sư đệ cho tới khi thành người.

Nói xong, hai hàng lệ chảy xuống má. Một tên đồ đệ nói:

– Xin thấy chớ nên nản lòng vội. Võ nghệ của thầy lừng lẫy khắp Giang Nam, dù thầy không thắng được, nhưng con thiết nghĩ chúng chưa chắc đánh bại được thầy một cách dễ như vậy đâu! Hai mươi lăm sư huynh đệ chúng con, trừ La Sư huynh bị thương ra, còn lại hai mươi bốn người. Hợp sức chúng con lại mà còn không địch nổi chúng thì thầy, giao du khắp thiên hạ, thiếu gì bè bạn, mời vài người tới tái đấu với chúng⬦

Công Lễ vội ngắt lời:

– Năm xưa, ta còn trẻ, cũng chỉ vì nóng nảy như các con, bây giờ mới gây nên vụ thảm họa này. Nên ta đã quyết định để cho họ giết chết trả lại món nợ máu này cho nó xong đi.

Thừa Chí và Thanh Thanh ở ngoài cửa sổ nghe thầy trò họ nói bi đát quá, nghĩ thầm: “Hình như Tiêu Công Lễ không phải là hung ác. Dù năm xưa y có làm nhầm việc này, nhưng bây giờ y thành tâm hối cải rồi.”

Lại nghe một người đồ đệ nói:

– Nếu sư phụ không muốn đối địch với chúng, nhân lúc đêm khuya này, lánh mặt đi nơi khác cũng được chớ sao?

Một người khác vội nói:

– Làm như thế không được. Sư phụ một đời oai danh chẳng lẽ lại sợ chúng hay sao?

Tiêu Công Lễ nói:

– Anh danh hay không, điều đó ta không cần. Nhưng lánh mặt cũng không xong đâu! Sáng sớm mai, các con đi hết đi, để mình thấy ở lại đối phó với họ.

Hai người đồ đệ lo sợ quá, cùng nói:

– Xin phép thầy cho chúng con được hầu cạnh thầy.

Công Lễ nổi giận:

– Cái gì? Họa lớn tới nơi, các con còn không nghe lời ta ư?

Hai người đồ đệ không dám nói nữa. Tiêu Công Lễ nói tiếp:

– Các con hãy đi thu xếp hộ sư mẫu đi. Xem chiếc xe ngựa đã đóng xong chưa?

Cả hai cùng vâng lời, nhưng vẫn chưa chịu đi.

Tiêu Công Lễ lại nói:

– Thôi được, các con ra gọi tất cả sư huynh đệ vào đây!

Hai đồ đệ mở cửa đi ra, Thừa Chí và Thanh Thanh vội lùi vào xó tường. Thoáng tấy xó tường bên Tây có hai người phục ở đó. Một người là Vạn Phương, còn người kia mặc quần áo màu đỏ là Phi Thiên Ma Nữ Tôn Trọng Quân.

Giận nàng vừa rồi ra tay quá tàn ác, Thừa Chí định trừng phạt ngầm để cảnh cáo, liền khẽ dặn Thanh Thanh rằng:

– Chú ở yên đây. Đừng động đậy nhé!

Thanh Thanh lắc lư khẽ cười nói:

– Em cứ thích động đậy đấy!

Thừa Chí cười phục mình xuống, thấy Vạn Lương và Trọng Quân đang chăm chú nhìn vào trong phòng, chưa phát giác có người ở cạnh đó. Nhẹ nhàng lướt qua bên ngoài Trọng Quân, Thừa Chí thuận tay rút luôn thanh kiếm mà nàng đang đeo trên lưng ra. Nàng không hay biết tí gì.

Thừa Chí trở lại cạnh Thanh Thanh. Nàng thấy chàng lấy trộm thanh kiếm của một thiếu nữ, tỏ vẻ không vui. Chàng đưa kiếm cho nàng nói:

– Chú hãy giữ lấy!

Lúc này nàng mới tươi cười trở lại. Hai người lại tiếp tục ngó vào trong phòng.

Hơn hai mươi người lần lượt bước vào, người lớn tuổi nhứt đã trên dưới bốn mươi, còn người trẻ tuổi nhứt chỉ độ mười mấy. Hai mươi mấy người đó đều là đồ đệ của Công Lễ. Họ chào xong rồi đứng dậy xếp hàng nghe lời chỉ bảo của thầy. Vẻ mặt ủ rũ sầu não, Công Lễ nói:

– Tới lúc này, ta cũng không còn giấu diếm các con. Hồi còn trẻ ta xuất thân là lục lâm.

Những người đồ đệ đều tỏ vẻ ngạc nhiên, Công Lễ nói tiếp:

– Hiện giờ kẻ thù đã tìm tới nơi, ta cần phải nói rõ nguyên nhân kết thù của ta cho các con nghe.

Chọn tập
Bình luận
× sticky