TÂM TRÍ
Giữa tâm trí và tâm tính không có một sự khác biệt quá rõ rệt như chúng ta có thể tưởng khi nhìn qua bảng kê trước đây.
Thực ra giữa tâm trí và tâm tính luôn luôn có một sự phản ứng đối lại nhau. Tâm tính tô vẽ thêm cho tâm trí và ngược lại tâm trí cũng ảnh hưởng đến tâm tính.
Ba yếu tố cơ bản của trí tuệ: trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán khi phối hợp với nhau và sau khi đã bị ảnh hưởng của cá tính tập thành gồm có những ký ức, ý kiến, tín ngưỡng v.v… sẽ tạo nên nhiều thứ tâm trí. Chúng ta có thể nói: mỗi người đều có một tâm trí riêng biệt. Sau đây chúng ta sẽ thử xét về ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc tinh thần.
Những người có tài nhớ giỏi:
Người có nhiều trí nhớ sẽ biết ghi và giữ lại những ký ức một cách dễ dàng. Như vậy, trí nhớ là một món đồ dùng rất tiện lợi cho sự áp dụng những quan năng khác.
Người có nhiều trí nhớ không hẳn là người thông minh. Có những người vô học có thể học và nhớ làu làu những bài thật dài mà họ không hiểu gì cả, có khi là những bài bằng ngoại ngữ. Người ta kể lại có người đọc qua một mạch hằng chục trang trong quyển niên giám điện thoại và có thể đọc nằm lòng lại không sót một chữ. (Nên chú ý: những người “làm tính bằng trí” giỏi không hẳn là người có nhiều trí nhớ. Phép tính nhanh bằng trí cốt ở thuật “nhồi trộn” những con số và thấu rõ những tính chất riêng của những con số ấy).
Trái lại, một trí nhớ thật tốt cũng có thể sống chung với một số quan năng thượng đẳng. Nguyên tổng thống Pháp, ông R. Poincaré chẳng hạn có một trí nhớ kỳ diệu, ông có thể đọc những bài diễn văn thật dài không cần nhìn vào bài mà vẫn không bỏ sót một chữ nào.
Ông Louis Loucheur, nhà kỹ nghệ và nhà chính trị Pháp vón là một khối óc thông minh và cũng là một người có tài nhớ dai.
Như chúng ta thấy, trí nhớ là một quan năng hoàn toàn riêng biệt với những quan năng khác và những quan năng này không ảnh hưởng gì đến nó. Đó là một quan năng thụ động, một dụng cụ.
Trừ những trường hợp thuộc về bệnh lý, không ai là người không có trí nhớ, chỉ có người kém trí nhớ. Ở một phần sau chúng ta sẽ thấy, bằng cách nào giáo dục có thể bồi bổ sự suy kém trí nhớ và quan niệm chúng tôi về sự huấn luyện trí nhớ ra sao.
Những người giàu tưởng tượng:
Trí tưởng tượng có nhiều thứ, nhiều loại khác nhau. Tất cả những sáng tạo trong địa hạt nghệ thuật, khoa học, kỹ nghệ, đều đòi hỏi một trí tưởng tượng khá dồi dào. Đó là một trong những điều kiện cần thiết của việc sáng tác, nhưng đó không phải là tất cả.
Trong sinh hoạt hàng ngày, những tay thợ may sáng chế những kiểu quần áo, những chuyên viên trang trí nhà cửa, những nhà tiểu công nghệ, những nhà vẽ quảng cáo v.v… đều là những người giàu tưởng tượng.
Những người giàu óc tưởng tượng luôn luôn hướng về tương lai, ít khi nhìn về dĩ vãng. (Người La Mã thời xưa đặt tương lai ở bên phải và dĩ vãng ở bên trái. Cũng nên để ý, những vận hành trong tạo vật đều hướng về bên phải: vỏ ốc, đọt cây đều cuốn về bên phải. Kim đồng hồ cũng quay từ bên trái sang phải).
Sự mơ mộng và đời sống trầm tư mặc cảm đòi hỏi nhiều óc tưởng tượng. Sự tiên liệu những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày cũng cần đến óc tưởng tượng. Những thương gia, kỹ nghệ gia, và nói chung, những tay chỉ huy luôn luôn cần đến óc tưởng tượng để xếp đặt chương trình hành động. Muốn làm việc ít ra chúng ta phải biết rõ những gì chúng ta sắp làm. Càng ở địa vị cao, sự tiên liệu này càng phải nhắm thật xa. Việc đặt để lời lẽ một bản hợp đồng mới xét qua có thể cho là một công việc không thơ mộng chút nào, nhưng thực ra nó cũng đòi hỏi ít nhiều óc tưởng tượng, vì muốn đặt để một bản hợp đồng cho khéo cần phải tiên liệu những hậu quả của nó trong tương lai.
Người kém trí tưởng tượng chỉ sống trong hiện tại. Ít khi họ nghĩ đến ngày mai. Không bao giờ họ biết thảo ra kế hoạch hay chương trình. Phần đông họ ít thích về mỹ thuật và chỉ hướng về những công cuộc có tính thực tiễn. Họ chỉ quan tâm đến những gì họ thấy. Những gì ở ngoài phạm vi của họ, trên trình độ hiểu biết của họ, họ kể như không thể có. Đó là những người thực tế, sống là xà ở mặt đất, những đầu óc hẹp hòi. Vì không biết tiên liệu bằng cách suy luận nên trong đời sống của họ gặp lắm thất vọng.
Những người biết suy nghĩ:
Óc phán đoán, đức tính chủ yếu của tâm trí, cũng đổi thay tùy người. Nó không ăn chịu với học vấn, giáo dục. Có những người học cao nhưng suy luận, phán đoán sai và có những người quê mùa, văn hóa kém lại biết suy luận rất đúng.
Ở đây, chúng ta nên đề phòng một sự lầm lạc rất thường thấy. Những người học cao có thể “mở mắt”, lừa phỉnh chúng ta bằng cách phô bày tri thức của họ. Sự hiểu rộng của họ có thể làm cho chúng ta lầm tưởng rằng họ có những ý kiến tân kỳ, những tư kiến.
Muốn đánh giá họ cho đúng, phải đặt họ ở những tình thế mới mẻ mà mớ trí thức của họ sẽ không giúp ích gì họ được. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy họ lý luận lạc đề và thực ra họ chỉ biết nhai lại những phán đoán, những tư tưởng của người khác.
Óc phán đoán là nền tảng của óc phê bình. Thiếu nó, chúng ta không thể có những ý kiến riêng về người và sự vật.
Muốn đo lường bẩm chất này ở một người, chúng ta phải lưu tâm đến những bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính của họ. Người ta há chẳng thường nói: “Anh này thông minh lắm, nhưng hắn xử sự như một thằng ngốc”. Đó là óc phán đoán đã bị đam mê làm mờ ám, mê đánh bạc, mê gái, mê đạo, mê chính trị v.v… Cũng nên nói rõ, họ chỉ bị tối mắt về những điểm gì có dính dáng đến đam mê ấy, còn ngoài ra họ vẫn sáng suốt, vẫn biết suy luận đúng đắn.
Thỉnh thoảng người ta thấy, và đó cũng là đầu đề nhiều tiểu thuyết hoặc phim ảnh,có những bậc đại nhân, đầu óc sáng suốt lại trở thành những mòn đồ chơi trong tay một người đàn bà mà trình độ kém.
Một đam mê về chính trị có thể làm cho một số người phán đoán sai, mặc dầu về văn chương hoặc mỹ thuật họ vẫn là những tay phê bình lỗi lạc. Trường hợp của Léon Daudet chẳng hạn. Khi một người đứng ra “chống đối” với một điều gì đó một cách đam mê thì họ không còn đủ tinh thần khách quan để nhận xét.
Tính hà tiện cũng có thể làm cho một người rất khôn ngoan lại có những hành động ngu xuẩn. Một tay keo kiệt khôn ngoan, học rộng và có giáo dục nhưng trong đời sống hàng ngày lại có thể tỏ ra bất lịch sự, thô lỗ, khi đụng tới một việc gì có dính dáng đến tiền nong dù là một số tiền mọn.
Nói tóm lại óc phán đoán là một khả năng giúp chúng ta nhận định một cách đứng đắn những phối hợp của tri thức tưởng tượng mà vật liệu là do trí nhớ cung cấp.Vì thế óc phán đoán là yếu tố rất quan trọng trong cá tính. Chính nó giúp chúng ta đánh giá những sự trạng tâm lý.
Sự ngu ngốc, đần độn là những chướng ngại khó vượt, là những vết xấu đã ăn sâu, không thể chữa dù những bẩm chất khác có tốt chăng nữa. Trong thương trường thà gặp một tên điếm khôn ngoan hơn là một thằng ngốc. Vì ít ra đố với tên bợm bãi kia chúng ta còn thu thập được một bài học còn đối với thằng ngốc thì chúng ta chịu…
Về sự huấn luyện những bẩm chất thuộc tinh thần:
Bằng cách nào chúng ta có thể dung hòa sự bất biến của cá tính thiên nhiên với việc giáo dục, việc huấn luyện những bẩm chất thuộc tinh thần như trí nhớ, trí tưởng tượng, óc phán đoán?
Nếu cho rằng có thể rèn luyện những bẩm chất ấy thì làm sao có thể nói rằng cá tính thiên nhiên bất di bất dịch?
Sự mâu thuẫn ấy chỉ có ở mặt ngoài. Thực ra sự giáo dục không cải biến hẳn những khả năng thiên nhiên của chúng ta, nhưng nó có thể dạy cho chúng ta cách sử dụng những khả năng ấy một cách hay hơn, khéo hơn, có lợi hơn.
Có thể phân biệt nhiều loại trí nhớ nó tùy thuộc vào những giác quan chúng ta.
Trước hết có thứ trí nhớ thuộc thị giác. Những sự vật chúng ta đã trông thấy sẽ in vào trí nhớ chúng ta, hoặc nhiều hoặc ít và trong những sự vật này có cái lại dễ in vào trí nhớ chúng ta hơn những cái khác.
Thí dụ, có người nhớ giỏi về những đoạn văn, những tranh ảnh. Người khác lại giỏi nhớ về những cảnh vật, những đường xá, những thành thị, đó là trí nhớ địa lý Lại có người khác lại nhớ mặt người rất tài. Người có thể nhớ giỏi những đoạn văn song hay quên mặt người hoặc địa thế những con đường.
Kế đó là trí nhớ thuộc thính giác. Loại trí nhớ này cũng có nhiều thứ. Có người nhớ rõ tên người hoặc tên thành phố, người khác lại có tài nhớ những nốt nhạc: trí nhớ âm nhạc. Có người đọc thơ thì nhớ ngay mà đọc văn xuôi thì nhớ kém hơn.
Sau hết, có những loại trí nhớ thuộc khứu giác, vị giác và xúc giác, song những loại trí nhớ này không phát triển bao nhiêu. Mặc dầu người ta cũng được thấy một vài nhà chuyên môn thử rượu nho, chỉ nếm qua cốc rượu có thể biết rượu ấy thuộc vùng nào sản xuất năm nào hoặc một nhà bán len chỉ sờ vào những sợi chỉ len có thể đoán biết thứ len ấy thuộc hạng nào, cũng có những nhà hóa học chuyên môn chế nước hoa có thể nhận biết mùi gì do chất gì chế ra v.v…
Có thể so sánh trí nhớ với lớp nhựa của kính ảnh hoặc một tập ảnh dán những kính ảnh hoặc phim ảnh gồm có nhiều trang. Cái gì bất biến là cái mực độ ăn ảnh của những kính ảnh hay phim ảnh đó.
Những phim ảnh này bị tác dụng bởi những quang tuyến tế nhị nó xuyên qua những ngũ quan chúng ta, ở trong trường hợp này, những ngũ quan ấy có thể sánh với những ống kính của máy ảnh. Các thứ ống kính ấy: mắt, mũi, tai v.v… có thể tốt hoặc xấu, đó là do bẩm sinh chúng ta không thể sửa đổi nó.
Và chúng ta cũng biết rằng việc ảnh ăn vào phim tùy thuộc vào ba yếu tốt: sức nhạy của kính ảnh, sức sáng của ống kính, sự chiếu sáng của đề mục chúng ta định chụp và cái thời gian chúng ta để ánh sáng lọt vào ống kính.
Xét qua thí dụ trên đây, chúng ta đã hiểu rõ guồng máy của trí nhớ và vai trò của giáo dục, của học vấn.
Người có nhiều trí nhớ về thính giác là người được có một thứ “ống kính tai” rất nhạy, một thứ ống kính đã được sửa chữa, trong đó rất có thể họ chỉ có một “ống kính mắt” rất tầm thường. Sức nhạy của trí nhớ vẫn ở một mực độ song những tri giác do lỗ tai đem vào sẽ ấn tượng sâu và mạnh hơn những tri giác do đôi mắt thu thập.
Xét riêng về trí nhớ thuộc thị giác chẳng hạn, sở dĩ một bài văn có thể ăn sâu vào trí nhớ hơn một gương mặt là do phẩm chất của “ống kính mắt” có thể để những “tri giác bài văn” lọt vào trí nhớ hơn những “tri giác gương mặt”. (Có thể so sánh hiện tượng này với sự khác nhau của tác dụng những màu sắc đối với kính ảnh. Có những màu không ăn vào chất nhựa gélaitino-bromure của kính ảnh thường. Nhưng có thể sánh một trí nhớ tốt với phim ảnh ăn nhiều màu).
Giáo dục có thể can thiệp vào việc rọi sáng những đề mục, nguồn gốc của tri giác, và vào việc để ánh sáng lọt vào ống kính. Khi chúng ta chú ý vào những đề mục ấy, chúng ta kéo dài cái thời gian để ánh sáng lọt vào ống kính và cũng rọi cho những đề mục ấy được thêm sáng tỏ. Nó tập chúng ta nhận xét về đề mục ấy lâu dài hơn, nó cũng giúp chúng ta nhận biết để mục ấy rõ hơn và do đó nó giúp trí nhớ chúng ta ghi lại những tri giác ấy, để những tri giác khỏi chóng phai.
Vì thế, chúng tôi nói rằng người ta không thể luyện tập để làm tăng trí nhớ, nhưng người ta có thể tập sử dụng trí nhớ một cách khéo hơn, đắc lực hơn.
Người thường so sánh trí tưởng tượng với tấm bảng gắn màu của các họa sĩ. Có người được có một tấm bảng gắn màu thật to, gồm đủ những màu sắc khác nhau, người khác chỉ có một tấm bảng vừa phải, lại có người chỉ được một hộp đựng màu nhỏ như các em học sinh.
Hạng người trước có đủ phương tiện để tạo nên những bức tranh một cách dễ dàng. Họ không cần phải trộn màu vì họ đã sẵn có đủ màu sắc. Hạng giữa vẫn còn nhiều phương tiện nhưng ít ra họ phải biết pha trộn màu. Hạng sau cùng chỉ có thể tạo nên những bức tranh xấu xí vì họ thiếu cả những màu sắc căn bản.
Đối với hạng sau này giáo dục có thể dạy cho họ cách dùng một ít màu cốt yếu mà họ có để vẽ nên những bức tranh khả dĩ xem được. Ở đây cũng thể, giáo dục không biến đổi hẳn những miếng màu trên bảng gắn màu của họ sĩ, nó chỉ có thể chỉ cho họa sĩ biết cách sử dụng một cách hay hơn những miếng màu mà họ đã có.
Có thể sánh óc phán đoán với chiếc đồng hồ. Người biết lẽ phải là người được có một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ chạy thật đúng, hoặc nếu có xê xích thì cũng sai chạy trong một vài sao (giây). Người khác chỉ nhận được chiếc đồng hồ hạng thường có thể chạy sai cả năm mười phút trong một năm. Một người thứ ba nhận được một chiếc đồng hồ “ngủ gật” đi sớm hoặc đi muộn cả chục phút trong một ngày. Lại còn một anh khác nữa vớ phải chiếc đồng hồ “trời đánh” chỉ những giờ phút “theo ý riêng của nó” không giống ai cả…
Sự giáo dục có ảnh hưởng là ở chỗ nó có thể tính và đoán biết chiếc đồng hồ ấy chạy nhanh hay chậm. Đối với người mà có óc phán đoán chưa mất hẳn, sự giáo dục có thể nhắc nhở cho họ biết nên đề phòng lối suy luận của họ và nên kiểm tra nó. Người có giáo hóa nhờ vậy được có một “phương trình” riêng của họ và họ căn cứ vào đó để sửa đổi những phán đoán tiên khởi.
Và cái thí dụ này rất đúng, bởi giáo dục không sao cải biến anh khờ, cái anh chàng được có chiếc đồng hồ “trời đánh” lúc chạy chậm lúc thì chạy nhanh. Giáo dục không thể tạo cho chàng ta một “phương trình” riêng. Vì thế một người khờ dù có học thức bao giờ cũng vẫn là người khờ.
Một vài thứ “đầu óc”:
Một người có nhiều trí nhớ nhưng thiếu óc tưởng tượng chỉ có thể làm những công việc có tính cách biên tập, sưu tầm, tham bác. Đó là một người thừa hành hơn là chỉ huy. Họ co thể tuân theo những chỉ thị để thừa hành, nhưng không có sự sáng kiến, họ không biết sự sáng tạo dù ở địa hạt nào. Chúng ta có thể viết:
Nhà biên khảo hoặc nhà kỹ thuật = trí nhớ dai + óc tưởng tượng kém.
Giá trị của một chuyên viên là ở óc phán đoán của họ.
Một người bị kích thích mạnh hoặc giàu tưởng tượng sẽ có một trí óc rất tinh nhanh nhưng nếu óc phán đoán kém họ sẽ thiếu phần sâu sắc.
Trí óc tinh nhanh = kích thích + tưởng tượng dồi dào.
Óc phán đoán kém hợp với một trí tưởng tượng nghèo nàn sẽ sinh ra một thứ trí thức đần độn, hẹp hòi.
Những người mà ba bẩm chất tinh thần: trí nhớ, trí tượng tượng và óc phán đoán được nảy nở, phát triển điều hòa họ rất sâu sắc, minh mẫn, lanh lợi. Nếu những bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính của họ lại cũng tốt nữa thì họ sẽ là những người thượng đẳng, trách việc.
Tâm tính có ảnh hưởng đến tâm trí như chúng ta sẽ thấy ở những thí dụ sau đây:
Một người có trí óc điều hòa những có nhiều hoạt động tính và đa cảm xúc sẽ thành một người bồn chồn, nóng này.
Nếu hoạt động tính của họ ở một mực độ thật cao, đầu óc họ sẽ đầy nhiệt huyết, luôn luôn hâm hở những công việc thuộc tri thức.
Một người thông minh nhưng suy nhược thì trí óc sẽ chậm chạp. Họ suy nghĩ và làm việc hơi chậm nhưng việc làm của họ rất tốt và bền bỉ.
Một người thông minh được có một hoạt động tính khá sẽ thành một đầu óc nhanh lẹ hiểu mau mà làm cũng nhanh.
Nhưng nếu trong cái cá tính trên đây óc phán đoán kém, chúng ta sẽ thấy một thứ đầu có ẩu tả, hay làm xằng, làm bậy, thiếu suy nghĩ và óc phán đoán càng kém bao nhiêu thì tật xấu này càng lớn bấy nhiêu.
Trí óc sơ thiển là do óc phán đoán khuyết kém hợp với trí nhớ tệ.
Một người thông minh, hoạt động, nhiều tham vọng thường hướng về việc kinh doanh, và họ sẽ dễ thành công trên đường đời, nhất là khi óc phán đoán họ lại rất tốt.
Có thể phân tích guồng máy tâm lý của người quen sống trong ảo tưởng, trong mộng ảo, luôn luôn toan tính những công cuộc không thể thực hiện.
Trí tưởng tượng quá sung mãn sẽ cung cấp cho họ những vật liệu để họ xây đắp những trù định ngông cuồng. Họat động tính không ngớt thúc đẩy họ thực hiện, nhưng vì thiếu phán đoán nên họ không còn biết nhận định một cách đứng đắn những hy vọng rất là mong manh để có thể thành tựu trong những công cuộc ấy. Và lúc bấy giờ họ sẽ “nhắm mắt làm liều”.
Người ảo tưởng = Trí tưởng tượng quá sung mãn + Hoạt động tính mạnh + Óc phán đoán kém.
Óc ngoan cố là do bẩm chất tham muốn khá mạnh hợp với óc phán đoán kém. Lòng tham muốn kích thích những tham vọng song óc phán đoán không thể phân biệt để nhận biết những ước vọng, những tham vọng ấy có hợp lẽ chăng. Và người ta đâm ra cố lỳ, bướng bỉnh, ngoan cố. Những hạng người “đầu bò”, “cứng cổ như lừa” đều là những người kém óc phán đoán.
Có thể vạch cái chương trình của óc nghịch thượng như sau đây:
Một vài đức tính tinh thần hợp với nhiều óc hợp đoàn. Bởi bẩm chất này tiến đến một mực độ quá cao nên người ta hay khoác lác, dối giả, đó là nói về địa hạt tinh thần. Xét kỹ ra, sự nghịch thượng chỉ là một ý kiến kỳ quặc, phi lý nhưng được tình bảy một cách khéo.
Những có óc nghịch thượng lắm khi rất thành thực với họ, vì mãi chú trọng những ý kiến trịch thượng ấy thét rồi họ tin tưởng như thật.
Người có óc hoài nghi là người không tin tưởng gì cả. Đó là một người có nhiều tham muốn nhưng trầm tĩnh và kém lòng nhân. Nếu là người thông minh, sự hoài nghi của họ có tính cách cao thượng nhưng nếu kém thông minh họ chỉ là một người vô tín ngưỡng tầm thường.
Quá thông minh cũng có thể dẫn dắt đến sự hoài nghi. Người hểu biết hết mọi sự không còn tin tưởng ở gì cả.
Một người hiền lành, kém hoạt động và thiếu phán đoán rất dễ bị dẫn dụ. Nhận xét về họ, người ta nói: “Hắn luôn luôn nhận rằng người nào nói câu sau cùng là người có lý”. Óc phán đoán quá kém làm cho họ không còn đủ sức chống trả với những dẫn dụ của người khác và bởi họ hiền lành và nhu nhược nên họ sẽ ngã theo ý kiến của người khác, vì sợ sệt và cũng có khi chỉ vì không muốn làm phật ý ai.
Óc tài tử là một lối sinh hoạt tinh thần làm cho người ta có thể lo lắng, mó tay vào nhiều việc trong một lúc nhưng không bao giờ đam mê việc gì vả chỉ thích rút tỉa những lạc thú trong công việc ấy.
Người nào có óc tài tử biết phán đoán, có ít nhiều tưởng tượng và cũng dễ xúc cảm. Họ ít hoạt động, kém lòng nhân và không thể mê say những vấn đề họ nghiên cứu.
Cái phương trình của óc tài tử có thể viết ra như sau đây:
Óc phán đoán khá + Trí tưởng tượng dồi dào + Chút ít đa cảm + Lòng nhân và hoạt động tính kém.
Người có óc tinh nhuệ là người biết đánh giá sự việc một cách chắc chắn và nhất là đúng với cái phương sắc của nó. Người tinh tế là người mẫn tính, sáng suốt. Họ có nhiều óc phán đoán, trí tưởng tượng dồi dào và cảm xúc tính khá nhiều.
Óc kỷ hà đối lại với óc tinh nhuệ. Người có óc kỷ hà xét đoán sự việc một cách nghiêm khắc, không dài dòng giới thiệu cũng không bình luận. Họ đo lường và cho biết kết quả một cách khô khan. Óc kỷ hà có thể nhanh hay chậm, sôi nổi hay ôn hòa nhưng luôn luôn nó xác đáng. Biết phán đoán là đức tính đầu tiên của một người có óc kỷ hà song họ kém tưởng tượng và cũng ít nhiều cảm xúc.
Trong óc tinh nhuệ có một phần lớn cảm tính dự phần vào, do đó người có óc tinh nhuệ cũng dễ bị nó đánh lạc trong phán đoán, nhưng óc kỷ hà thì không hề lầm lạc. Trái lại, óc kỷ hà bởi bẩm chất vốn không quan tâm đến những hiện tượng thuộc cảm tính, có thể có những quyết định rất đúng đắn, nhưng kết quả lắm khi không hay. Đôi khi người ta có lỗi vì đã có lý hoặc ít ra bởi người ta nói quá rõ ý kiến riêng của mình – dù là ý kiến ấy có giá trị – nếu người ta không chịu hiểu rằng đó chỉ là một chi tiết nhỏ không đáng kể trong toàn khối của vấn đề. Lắm nhà chuyên môn có óc kỷ hà này từng bị nó trác nhiều vố khá đau, khi họ phải điều khiển nhiều nhân viên dưới tay họ.
La tinh có câu phương ngôn: “Khi người ta áp dụng luật pháp quá gắt gao người ta đã phạm nhầm nhiều nỗi bất công”. Ấy thế, luật pháp là cái biểu hiện rất rõ rệt của óc kỷ hà.
Dung hòa được hai khối óc trên đây chúng ta sẽ có thứ óc siêu đẳng. Người có óc siêu đẳng biết phán đoán chín chắn, trí tưởng tượng dồi dào và trí nhớ tốt. Cảm xúc tính sẽ giúp họ biết nhận định một cách tinh nhuệ.