Phần III – Chương 1
NHỮNG ÁP DỤNG CỦA TÂM LÝ HỌC
BẠN BÈ VÀ GIA ĐÌNH
Chúng ta có thể áp dụng tâm lý học trong nhiều địa hạt. Con người là một con vật có óc hợp quần. Trong đời sống, chúng ta luôn luôn có dịp chung đụng với người khác, những giờ khắc mà chúng ta phải sống cô lập, lẻ loi rất hiếm.
Lẽ đương nhiên không phải đối với bất luận người nào chúng ta cũng cần quan tâm, chú ý đến họ. Chúng ta chỉ lưu tâm, chỉ tò mò muốn biết đến những người nào có liên hệ đến chúng ta hoặc có một cái gì đáng cho chúng ta quan tâm và không đến nỗi lạt lẽo, vô vị, hoặc quá tầm thường. Xét ra đó cũng là một sai lầm vì đối với người biết quan sát thì bất luận một người nào cũng có thể giúp họ biết thêm một điều gì đó, lẽ dĩ nhiên đây là nói về phương diện tâm lý.
Nhưng luôn luôn chúng ta có ích lợi mà khảo xét để biết qua những nét chính về tâm tính và tâm trí của những người mà đời sống bắt buộc chúng ta phải gần gũi, hoặc của những người mà do một thiện cảm thiên nhiên khiến chúng ta muốn gần gũi họ và do đó họ đặng lọt vào đời tư chúng ta.
Bè bạn:
Kết thân với một người tức là chọn lọc và nói một cách khác, có lẽ hơi ích kỷ là hy vọng rằng giao thiệp ấy đem lại cho mình những điều hay hoặc điều lợi nào đó.
Phải nhận rằng ít có tình bè bạn nào đặng thuần túy, nghĩa là không có một sự tính toán về lợi lộc. Phân tách đa số tình bè bạn, chúng ta thấy nó đặng kết thành một phần bởi thiện cảm (do bẩm chất cảm xúc tính), một phần do lòng vị tha (bẩm chất lòng nhân) và một phần là một tình cảm ích kỷ (do bẩm chất tham muốn). Chúng ta yêu người bạn vì họ cũng có, mà cũng vì những thú vui họ mang đến cho chúng ta bởi sự có mặt của họ, bởi những câu chuyện duyên dáng mà họ làm quà, bởi cái trí xảo của họ mà chúng ta biết thưởng thức; nói tóm lại, bởi những gì họ mang đến cho chúng ta về mặt tinh thần. Đó là chúng tôi không nói đến những tình bạn đặt cơ sở trên lòng ích kỷ thuần túy, vì mong đoạt những lợi lộc về vật chất hoặc định gây thế lực.
Những bất ngờ chua cay mà bạn bè đem đến cho chúng ta thường do chúng ta thiếu óc tính xác. Chúng ta nên đấm ngực và tự vấn mình trước. Đáng lý, trước khi kết thân với một người, chúng ta phải quan sát tâm lý của họ để phân tách cá tính của họ. Phương sách hay hơn hết để tránh những bất ngờ là tìm xem bạn bè có thể mang đến cho mình những gì?
Biết rõ những bạn bè:
Một người nhiều tham muốn nhưng kém lòng nhân rất có thể là một người bạn bãi bôi, khả ái nếu họ có khá nhiều trí tuệ và cảm xúc tính. Nhưng nếu một ngày kia, chúng ta có dịp cần nhờ họ về tiền bạc thì đừng mong, vì họ chỉ có thể mang đến cho chúng ta những lời khuyên.
Một người bạn suy nhược (kém hoạt động tính) vị tha và đa cảm có thể hiến cho chúng ta một tình thường nồng nàn, săn đón chúng ta từ việc nhỏ. Nhưng khi chúng ta trải qua một cơn giông tố, họ chỉ biết khóc, chỉ biết thông cảm nỗi khổ của chúng ta mà không giúp ích chúng ta về mặt tinh thần nào. Trái lại, một người bạn nhiều hoạt động tính thường rất điềm nhiên (ít cảm xúc) và nếu họ đặng thêm nhiều lòng nhân họ có thể làm cho chúng ta “lên tinh thần” rất nhiều trong những lúc chúng ta phải vượt ải qua truông.
Một người bạn ích kỷ có óc hợp đoàn có thể giúp ích chúng ta khi họ xét ra cái hảo ý ấy có thể mở rộng đường giao thiệp hoặc đề cao sự quan trọng của họ về mặt xã hội. Nhưng họ sẽ “tốp” lại ngay khi họ thấy bản thân họ bị thiệt phần nào. Đó là một người bạn mà chúng ta chỉ nên nhờ vả một vài việc nào đó thôi.
Một người tốt bụng (nhiều lòng nhân) nhưng óc phán đoán kém, có thể là một người bạn khả ái đáng giao thiệp, miễn họ có ít nhiều trí tưởng tượng, biết cảm xúc và tỏ ra bất vụ lợi. Nhưng đừng quá trông mong vào họ, vì họ rất dễ bị người khác ảnh hưởng và trở lại phản bội chúng ta, mặc dù họ không có ác ý. Họ sẽ “bỏ rơi” chúng ta dễ dàng.
Một người nhiều hoạt động, nhiều óc hợp đoàn, đầu óc minh mẫn (giàu trí tuệ) dù kém lòng nhân cũng đang cho chúng ta giao thiệp, miễn là chúng ta chỉ xem họ như một người bạn vui tính, hoạt bát. Chúng ta chỉ nên trao gửi họ những gì mà… chúng ta kể như đã mất. Óc hợp đoàn phát triển quá mạnh khiến họ khoác lác, nói nhiều. Họ thuộc hạng người có thể hy sinh một người bạn để thốt cho kỳ được một câu nói đề cao óc tinh khôn của họ.
Những điều kiện để tạo thành một tình bạn bền vững:
Chúng ta nên chọn bạn trong số những người có nhiều óc phán đoán và có ít nhiều lòng nhân. Tình bằng hữu không thể thiếu lòng vị tha. Phải biết “cho” để “nhận”, chính chúng ta cũng có lắm tật xấu và thường khi bẩm chất thiên nhiên chúng ta hoặc vì suy kém hoặc vì phát triển thái quá khiến chúng ta đòi hỏi những bạn bè chúng ta quá nhiều, nhiều hơn những gì theo lẽ phải họ có thể cho chúng ta.
Óc phán đoán là đảm bảo chắc chắn nhất của óc vô tư, không thiên vị. Nó giúp cho đôi bạn tránh những xích mích do tính cố lì gây ra, mỗ người đều quá chủ quan, khư khư giữ vững lập trường của mình cho rằng chỉ mình là đúng. Những va chạm thường do lòng tự ái quá cao nhưng ngu xuẩn gây ra. Ngoài ra, nếu vì lẽ gì chúng ta không mấy tin ở những phán đoán của mình, chúng ta có thể nhờ đến người bnạ biết phán đoán, nhưng lời khuyên chín chắn của họ sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều.
Sự khôn ngoan dạy ta nên có một số bạn bè có nhiều đức tính khác nhau, đừng quá trông mong vào họ, cũng đừng đòi hỏi họ quá nhiều, không có tình bằng hữu nào có thể đứng vững trước lòng ích kỷ của một người nhưng về phần chúng ta, nên đối xử với họ như bát nước đầy. Một nhà văn, ông Joubert đã chẳng nói: “Khi tôi nhìn một người bạn chột mắt, tôi chỉ thấy xiên”.
Về cách tuyển chọn những gia đinh:
Bà chủ nhà nếu lỡ chọn một chị bếp không tốt, đó chưa phải là một mối thất vọng đáng kể, nhưng đó cũng là điều hơi đáng phiền vì tiền chợ thì bà phải lôi ra nhiều mà thức ăn không mấy dồi dào. Nếu hiểu biết chút ít về tâm lý, bà có thể tránh bao nhiêu lầm lẫn đáng tiếc. Bây giờ người ta không gọi những gia đinh là những đày tớ mà chỉ gọi là những người giúp việc nhà, nhưng dù sao muốn hầu hạ chủ, “người giúp việc nhà” ấy cũng phải tận tụy, tận tâm. Đã là người trong nhà, dù sao họ cũng phải sống chung với chúng ta hằng ngày, họ cũng đặng lọt vào đời tư chúng ta ít nhiều, không tín cẩn nơi họ chúng ta không thể chấp chứa họ.
Trong việc chọn một tên gia đinh, ngoài những khả năng về nghề nghiệp, điểm đáng cho chúng ta quan tâm nhất là bẩm chất lòng nhân của họ. Đành rằng đức tính liêm chính không hẳn do lòng nhân mà ra, song người ta có lòng nhân thường biết tỏ ra thận trọng, chu đáo và đó là một yếu tố tu chính những bẩm chất khác thí dụ như lòng tham nó khiến cho người ta phải gian xảo.
Theo nguyên tắc ấy, tôi không thích chọn những gia đinh không biết yêu trẻ con, thương loài vật, hoặc tỏ ra khúm núm trước kẻ bề trên mà hách dịch và xử ác với kẻ dưới.
Cũng nên biết đức liêm chính có nhiều cấp bậc, nhiều hình thức vì lẽ đó là một bẩm chất tập thành. Có người giúp việc thấy chủ nhà bỏ quên hằng trăm bạc trên bàn không động lòng tham, nhưng khi chủ nhờ đi mua hàng, họ sẽ ăn bớt một vài chục.
Điều khác, đức liêm chính không phải là một yếu tố bất biến. Nó có thể gia tăng hoặc tiêu diệt vì ảnh hưởng của một đam mê: mê đánh bạc, mê gái chẳng hạn.
Một anh bồi hoặc chị bếp có tính hay trả treo, chủ nói động đến là mặt ủ mày châu hoặc có tính lỳ lợm là dấu hiệu một óc phán đoán kém, nhưng đa cảm lại nhiều tham muốn. Tuy nhiên người có tính lỳ lợm vẫn có thể có lòng nhân.
Nếu biết cách, người ta có thể dùng những người đầu đá ấy, nghĩa là biết hướng tính cố lì của họ vào những việc hữu ích và biết nương lòng tự ái hẹp hòi của họ bằng một vài sự nhượng bộ ở mặt ngoài.
Chúng ta cũng thường đòi hỏi những gia đinh phải biết ăn ở có trật tự. Trật tự là một thói quen do cá tính tập thành mà ra, song nó cũng đặt nền tảng trên những bẩm chất thiên nhiên như: trí nhớ, hoạt động tính và lòng tham muốn. Người không biết ham thích (thiếu bẩm chất tham muốn) hoặc suy nhược (kém hoạt động tính) thường ở bẩn và bừa bãi. Của họ, họ còn không thiết gì, thì làm sao họ biết săn sóc, giữ gìn của người khác.
Tóm lại, chúng ta nên chọn những gia đinh cần cù (có lòng nhân, nhiều hoạt động tính, cảm xúc và tham muốn chỉ cần vừa phải). Trí nhớ cũng đáng cho chúng ta chú ý. Nếu đặng thêm óc phán đoán thì càng quý nhưng cũng hiếm lắm.
Vì thế có câu người ta nói đùa: “Có bao nhiêu ông chủ đặng có những đức tính mà họ đòi hỏi ở một người giúp việc?”.