Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Biết Người

Phần III – Chương 2

Tác giả: Philippe Girardet

HÔN NHÂN VÀ HỢP ĐOÀN

Việc chọn một người bạn đời lẽ cố nhiên là quan trọng hơn việc chọ một người bạn hoặc một tên gia bộc. Tâm lý học sẽ vạch cho chúng ta biết những điều kiện để thực hiện sự hòa diệu trong gia đình.

Và sự hợp đoàn:

Trước hết nên nhận xét điều này, trong những công việc hợp tác làm ăn, tốt hơn những người hùn hạp đừng có những “phương trình cá tính” giống nhau. Hai người định cùng nhau chung sức, góp tài hoặc chung vốn để thành công trong một công cuộc, không có ích lợi gì mà giống tính nết nhau. Họ chỉ cần biết thỏa thuận với nhau.

Một người hoạt động, nhiều cao vọng, đầu óc tinh nhanh và giàu tưởng tượng rất có thể hợp tác với một người có óc kỷ hà, trầm tĩnh, biết tự tôn và phán đoán rất chín chắn. Trong sự hợp tác ấy, người trước sẽ đóng góp những sơ kiến bao quát, cái tinh thần tháo vác, những kế hoạch táo bạo. Người sau đóng vai trò phê bình, làm cái thắng siết bớt lại, và lọc đãi qua cái óc phán đoán vừa trầm tĩnh vừa chắc chắn của họ, những lý hội của người kia.

Trong mỗi xí nghiệp chúng ta thấy có một phần “động” (sản xuất, bán hàng, quảng cáo, liên lạc với bên ngoài) và một phần “tĩnh” (quản đốc, kế toán, tài chính). Hai phần ấy tương xứng với hai thứ tâm tính nói trên.

Hai người cùng hiếu động hoặc hai người cùng suy nhược cả mà hợp tác nhau sẽ không làm nên trò gì. Ít có người đặng điều hòa hoàn toàn và mỗi người trong chúng ta đều có ít nhiều tật xấu. Một sự hợp tác hợp lý phải là một đảm bảo đối với những khuyết điểm của một cá tính. Nếu phải hợp tác với một người đồng cá tính với mình thà là chúng ta hành động riêng một mình còn hơn. (Các chính khách cũng nên biết qua những định luật tâm lý, nhất là khi họ có dịp thành lập nội các chính phủ. Để ra ngoài khả năng chuyên môn của các ông bộ trưởng, chúng ta có thể quan niệm rằng trong một nội các chính phủ, mỗi bộ phải đặng điều khiển bởi một ông bộ trưởng có những đức tính tâm lý đặc biệt. Ông bộ trưởng tài chính không nên có cá tính giống ông bộ trưởng ngoại giao hoặc giống ông bộ trưởng quốc phòng).

Hôn nhân:

Hôn nhân cũng là một lối hợp đoàn trong đó có thêm yếu tố tính dục. Tốt hơn tính dục của đôi vợ chồng phải cùng một “điện lực” ngang nhau, có cùng ở trên một “luồng sóng điện” họ mới dễ hòa hợp, nhưng đó không phải là điều kiện tất yếu.

Sự hòa diệu của xác thịt, sự tương ứng với nhau về mặt thể chất hẳn đã là một nền tảng khá vững chắc cho việc hôn nhân. Nhưng đó không phải là một đảm bảo cho sự trường tồn của hôn nhân. Tình yêu nhục dục giữa hai người không phải là một hình “hy-pê-bol” hướng thẳng lên tận mây xanh. Nó vượt lên tuyệt đỉnh rồi sẽ chìm dần dần xuống thấp.

Nhưng trong việc hôn nhân, một khi sợi dây xích thắng của xác thịt đã bị đứt, còn có sự tương ứng của trí thức, còn có đời sống chung, còn sự kết hợp những quyền lợi, còn những con cái và những yếu tố này cũng rất quan trọng để có thể thành những sợi dây ràng chặt hai người cùng chung một số phận.

Cũng có những đàn bà có thể yêu người đàn ông mà họ xem rẻ. Lại cũng có những đàn ông có thể say đắm người đàn bà chỉ có vỏ ngoài còn đầu óc thì rỗng tuếch, mặc dù nếu đó là một người đàn ông thông minh hắn sẽ luôn luôn buột miệng nói với người yêu cái câu mà một thi sĩ đã thốt: “Hẳn là một người đẹp, rồi im miệng”.

Trong những cuộc nhân duyên tạm bợ như thế, tâm lý học cũng đành bó tay, khi mà hai người chỉ biết có nhục dục. Nhưng tâm lý học có quyền lên tiếng khi mà hai người nghĩ đến hôn nhân, đến việc lập gia đình. Nó sẽ giúp chúng ta biết óc phán đoán có bị lu mờ vì đam mê chăng, nó sẽ giúp chúng ta cân nhắc những lý lẽ trong khi chọn lựa hoặc giúp chúng ta hiểu rõ lý do của một khước từ.

Những đôi vợ chồng “bổ túc”:

Lẽ dĩ nhiên, thị hiếu và ngay cả thói quen của một đôi vợ chồng mà hai người đều có cái phương trình cá tính như nhau tất đã giống nhau, bởi cách phân phối những bẩm chất thiên nhiên ở hai người cùng như nhau, miễn là những bẩm chất căn bản ấy không có cái nào phát triển quá mức. Khi những bẩm chất ấy đặng phân phối một cách trung bình ở hai người, cuộc hôn nhân có thể tồn tại lâu bền. Đôi vợ chồng ấy sẽ không có một cái gì đặc sắc, có khi hơi tẻ nhạt, nhưng họ sẽ ăn ở với nhau bền vững.

Trái lại hai người có tính hoang phí phối hợp với nhau thì sự nghèo túng chắc chắn sẽ biết tìm đường lần mò đến viếng gia đình của họ. Hai người cùng thuộc hạng đa cảm xúc ăn ở với nhau lẽ tự nhiên “sóng bát thường xáo động”. Hai vợ chồng cùng có tính ghen tuông nếu không gây ra một thảm kịch, không sớm thì muộn cũng sẽ xa nhau sau những cơn cãi vã đầy nước mắt. Hai người kém óc phán đoán không sao có đủ tư cách để lèo lái gia đình và sẽ lầm vấp vì những hành động thiếu suy nghĩ. Hai người quá tham lam sống chung với nhau sẽ bòn xẻn nhau từ chút một. Họ sống một cách bần tiện và làm khổ những người chung quanh không ít.

Vì thế hai người tâm tính giống nhau hẳn không có tính nết nào nổi bật quá rõ. Nhưng cũng may là rất hiếm có hai phương trình cá tính giống nhau như khuôn đúc, thường thì tâm tính con người đều khác nhau.

Nhưng điều kiện để lập thành một gia đình êm thắm:

Cuộc hôn nhân lý tưởng là sự phối hợp giữa hai người mà cá tính có thể “bổ túc” lẫn nhau. Nhưng, cũng nên đề phòng đôi khi người này không đủ điều kiện bù đắp chỗ lệch do sự khuyết kém hoặc sự phát triển quá mức của một bẩm chất ở người kia.

Một người hoạt động tính nhiều, khó mà dung hòa với một người suy nhược, bởi những thị hiếu của họ do bẩm chất họat động tính sinh ra sẽ quá cách biệt nhau.

Một người đàn bà diêm dúa chỉ thích phô trương, thích sống giữa xã hội phồn hoa náo nhiệt, khó mà thích ứng với người đàn ông kém óc hợp đoàn, không thích giao du, thích sống cô độc như một thầy tu.

Một người đàn ông rất thông minh cưới phải một bà vợ đần không sớm thì muộn cũng ruồng bỏ gia đình.

Hai vợ chồng tính tình không giống nhau hẳn cũng có thể hòa hợp nhau, miễn là ở họ không có sự chênh lệch quá rõ rệt ở những bẩm chất cốt yếu, nghĩa là khi lấy một bẩm chất nào đó ra mà xét ở hai người, chúng ta không thấy một sự cách biệt quá rõ rệt về cấp độ. Tuy khác nhau, họ vẫn có thể thỏa hiệp với nhau về những thị hiếu, những khuynh hướng của họ, do bẩm chất cốt yếu ấy nảy sanh sẽ không đến nỗi khác nhau đến mức không còn dung hòa với nhau được. Khi một bẩm chất đặng phân phối một cách khác nhau, nhưng vẫn ở mực trung bình thì sự bù trừ về những ưu điểm và khuyết điểm của hai tính tình càng thêm dễ dàng.

Một ông chồng vì kém tham muốn có tính tiêu hoang, nếu đặng một bà vợ có tính tiện tặn sẽ “tốp” bớt ông lại phần nào. Một bà có tính tình diêm dúa, bãi bôi vì có nhiều óc hợp đoàn sẽ bù đắp lại cái tính xẵng của ông, nó làm hại trong việc giao thiệp làm ăn. Một bà vợ hoạt động, vui tính sẽ thúc đẩy một ông chồng bi quan vì thiếu hoạt động tính. Ngược lại một bà vợ vì đa cảm xúc, quá hăng hái, nhiệt thành sẽ nhờ một ông chồng có tính trầm tĩnh, lạnh lùng kềm hãm bớt. Một người chồng có nhiều trí nhớ sẽ giúp ích cho bà vợ có tật lãng trí v.v…

Nhưng đức tính cốt yếu cần phải có ở một người bạn đời là: lòng nhân. Việc dung hòa, bổ túc những tật xấu cho nhau có nghĩa là đôi bên phải biết nhường nhịn, chịu đựng hoặc tha thứ lẫn nhau và như thế đôi bên phải có nhiều thiện chí. Thiếu lòng nhân, khó lòng thực hiện đặng sự dung hòa ấy.

Chỉ có lòng nhân mới có thể giúp chúng ta chịu đựng những thị hiếu, những khuynh hướng của người kia “để làm vui lòng họ” và cũng để buộc họ lại thỉnh thoảng phải chịu đựng tính nết của mình.

Một đôi vợ chồng hòa thuận là một đôi vợ chồng mà hai người đều biết uốn nắn cá tính tập thành của họ cách nào để họ có thể sống chung với nhau, để trong sự chung đụng hẳng ngày họ không gặp phải những va chạm, những điều phật ý, mếch lòng.

Với một óc phán đoán có đôi chút giá trị cũng đủ để điều khiển một gia đình. Trí nhớ và trí tưởng tượng có nhiều hay ít cũng chẳng sao. Nhưng nếu trong hai người mà có một người khuyết kém về bẩm chất lòng nhân thì cũng đủ làm tan rã một gia đình.

Phải vượt suốt đường đời đầy chông gai, nhiều tranh đấu và trong khi hành động lại tránh được điều ác đã là một việc khó thay. Vì thế cũng nên hết sức tránh những kẻ dụng tâm làm hại người hoặc không biết cố gắng để tránh những hành vi phương hại đến người khác.

Ghen tuông là thứ thuốc độc nguy hiểm nhất cho gia đình. Chứng ghen tuông mà biến thành căn bệnh nặng do bẩm chất tham muốn quá mạnh, trí tưởng tượng hơi thái quá, cảm xúc tính quá nhiều mà óc phán đoán bấp bênh. Một người đã ghen như Hoạn Thư dù có đủ “lòng nhân”, bẩm chất sau này cũng không đủ sức để chữa cái tính ghen. Chứng ghen tuông bắt nguồn ở cá tính thiên nhiên. Vì thế khó mà chạy chữa bệnh ghen, cá tính tập thành ít ảnh hưởng đến nó.

Những cô gái không thích lấy người chồng ghen nên chú ý quan sát về óc phán đoán của đức lang quân tương lai. Người biết phán đoán không mấy khi vướng phải thói ghen. Người biết phán đoán chín chắn tức đã biết ước lượng, biết đánh giá những biến cố một cách xứng đáng. Sở dĩ một người đâm ra ghen tuông thường là vì họ phán đoán lầm lạc về những điều gì mà họ đam mê và đó là bởi óc phán đoán của họ khuyết kém.

Như chúng ta thấy, cái “tâm hồn bạn” mà các thi sĩ thường nói đến, xét theo tâm lý học thực ra không phải là cái “bản ngã thứ hai”, một người thứ hai giống như mình. Tâm lý cho chúng ta thấy, những gia đình êm thắm, hòa hợp, xứng đôi thường là những gia đình mà trong đó hai vợ chồng có hai cá tính khác nhau, bổ túc lẫn nhau. Song những đôi vợ chồng ấy cũng đừng quên rằng dù sao sự thăng bằng, sự hòa hợp ấy cũng bấp bênh. Muốn cho gia đình êm thắm mãi, muốn cho cán cân giữ đặng thăng bằng, khỏi nhếch lên trệ xuống, có một phương trình hay hơn cả là giao cho đàn con phận sự chêm giữ cái cán cân ấy.

Nếu hai vợ chồng cãi vã, chửi rủa nhau trước một chiếc nôi, thì thực ra họ chẳng còn chút giá trị nào…

Bình luận