Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Biết Người

Phần II – Chương 2

Tác giả: Philippe Girardet

I. TƯ TƯỞNG VÀ CHÚ Ý

Sự diễn tiến của một chu kỳ tâm lý gồm có ba tác động tinh thần: tri giác, truy tưởng và ước lượng.

Việc tri giác, dù là do đột nhiên mà có hoặc dù nhờ moi móc trong ký ức mà ra, luôn luôn đưa đến kết quả này: một cảm tưởng hoặc một ảnh tượng.

Truy tưởng là dùng trí tưởng tượng để kết hợp những ảnh tượng, những cảm tưởng ấy; là moi móc trong mớ kỷ niệm để rút lấy những ký ức nào đó có vẻ thích hợp với biến cố rồi hòa trộn tất cả lại để tạo thành một bức tranh mới, nhất định, rõ rệt.

Ước lượng là tác động tinh thần hệ trọng hơn cả, bởi nó vận dụng một bẩm chất cốt yếu: óc phán đoán. Ước lượng là việc đối chiếu các biến cố đã đặng truy tưởng với cá tính tập thành của mình, với sự giáo dục, học vấn, với những tư tưởng, với những thị hiếu của mình. Cá tính thiên nhiên đã có ra tuồng trong những tác động trước.

Cái chu kỳ sẽ đi đến một kết quả: hoặc là một ý tưởng trên địa hạt tri thức, hoặc là một quyết định trên địa hạt cảm tính.

Những ý tưởng, những quyết định chúng ta đều chịu ảnh hưởng này. Vì lẽ đó, dùng phép nội quan để xét mình chỉ đem lại những kết quả không hay cho lắm.

Trong khi tri giác, truy tưởng hoặc ước lượng chúng ta đã dùng đến ba bẩm chất thuộc về tri thức: trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán tuy nhiên trong thực tế, những công việc ấy không phải nhất thiết dành riêng cho một trong ba bẩm chất đó. Thí dụ trong việc trí tưởng tượng chọn lựa những ký ức thì óc phán đoán cũng có xen vào ít nhiều. Trong việc hồi tưởng cũng thế.

Guồng máy của chú ý:

Đến đây chúng ta đã có thể hiểu qua guồng máy của một hiện tượng mà người ta gọi là chú ý.

Chú ý không đặng kể là một yếu tố cấu thành cá tính, nó chỉ là một trong những cách biểu lộ của cá tính. Trong ngôn ngữ thường, người ta diễn đạt rất đúng, không ai nói “người ấy có sự chú ý” mà người ta nói “người ấy biết hoặc không biết chú ý”. Chú ý là một lối biểu lộ có tính cách “động” nó không phải là một đức tính “tĩnh”, nó bị chỉ định bởi những yếu tố của cá tính.

Có thể định nghĩa chú ý như thế này: đó là sự áp dụng của óc phán đoán, sự hiện hữu hóa của óc phán đoán. Mà khi áp dụng óc phán đoán tất người ta phải vận dụng đến cái hiện tượng tương quan là chú ý.

Người ta không thể chú ý thật kỹ đến hai việc cùng trong một lúc. Đôi khi người ta ngờ rằng có thể chú ý hai hoặc nhiều việc trong một lúc nhưng thực ra chỉ là sự đánh đu rất nhanh của sức chú ý từ việc này sang việc khác.

Trong khi nói chuyện với một người, chúng ta chú ý đến lời lẽ người ấy thốt ra. Tuy nhiên trong lúc ấy chúng ta có thể nghe lóm câu chuyện của một người khác nói, ở trường hợp này sức chú ý chúng ta đu đưa thật nhanh từ người này sang người khác. Hiện tượng này có thể sánh với việc người ta đánh nhiều điện tín cùng trong một lúc trên một luồng điện. Thực ra những phát điện của những điện tín ấy không bị chồng lên nhau, nó chỉ nối tiếp nhau, mỗi người đánh điện tín sử dụng luồng điện trong một khoảnh khắc thật ngắn.

Cũng vì thế, chúng ta có thể vừa làm một công việc nào đó lại vừa tiếp chuyện, nhưng ở trường hợp này chúng ta chỉ chú ý đến lời nói, còn về công việc làm thì chúng ta làm một cách tự động, chúng ta đặng điều khiển bởi những loạt chu kỳ tự động.

Tri thức càng này nở người ta càng dễ chú ý đến nhiều việc trong một lúc vì ở những đầu óc thật thông minh các chu kỳ tâm lý diễn ra nhanh chóng. Người ta thường nhắc lại việc hoàng đế Nã Phá Luân có thể cùng trong một lúc đọc hai não thư cho hai viên thư ký viết.

Sức chú ý đến nhiều việc trong một lúc cũng có thể nảy nở ở những người chỉ sử dụng óc phán đoán trong một vài chu kỳ tâm lý nào đó. Viên thủ quân một đội banh lúc nào cũng ghé mắt đến sự đi lại của tất cả những cầu thủ trong đội banh mình. Sức chú ý và đu đưa một cách hết sức nhanh từ cầu thủ này sang cầu thủ khác. Những tay nhào lộn, đi dây, làm trò ảo thuật do nghề nghiệp rèn tập cũng quen chú ý một cách rất linh hoạt.

Những điều kiện để chú ý:

Những người biết chú ý giỏi thường là những người biết phán đoán một cách giản dị, nhanh chóng, vì phạm vi của chú ý là ở sự ước lượng. Một người có thể nhìn thấy và phán đoán nhiều việc trong một lúc tất phải có nhiều khả năng trí thức tốt. Người có trí nhớ dai thường chú ý rất giỏi. Trường hợp một vài tay danh kỳ có thể cùng trong một lúc đánh nhiều ván cờ với nhiều đối thủ.

Có thể rèn tập sức chú ý, vì một phần lớn nó tùy thuộc cá tính tập thành, nhưng một vài bẩm chất thiên nhiên phát triển thái quá có thể làm trở ngại sự rèn tập sức chú ý. Một đầu óc thông minh có thể đãng trí nếu họ bị kích thích mạnh hoặc quá xúc động. Người tinh thần suy nhược, thiếu bẩm chất tham muốn không biết ham thích gì cả cũng có thể đãng trí. Như chúng ta thấy, những bẩm chất thuộc tinh thần rất quan trọng trong guồng máy tinh thần chúng ta.

Chú ý và cá tính thiên nhiên:

Chú ý có nhiều cấp bậc mà ngôn ngữ thông thường đã biết phân biệt: thấy và nhìn thấy; nghe và lắng nghe. Chúng ta thấy toàn diện của sân khấu nhưng chúng ta nhìn thấy những diễn viên. Đó là hai cấp bậc khác nhau của sức chú ý.

Chú ý không cần thiết trong những công việc làm do sự tự động tính, điều đó không lạ, vì như chúng ta đã biết, trong những chu kỳ tự động óc phán đoán không cần tham dự. Một nhạc sĩ chơi dương cầm chỉ cần quan tâm đến điệu nhạc mà không phải chú ý đến những ngón tay của họ. người lái ô tô chỉ chú ý đến những khúc khuỷu của con đường mà không cần chú ý đến tay lái.

Cá tính tập thành ảnh hưởng rất lớn đến sức chú ý vì lẽ, chúng ta tự nhiên biết chú ý ngay đến những biến cố nó phù hợp với thói quen và thị hiếu, với xu hướng chúng ta.

Một người thích sưu tầm tem rảo bước theo một dãy cửa hàng có thể không chú ý đến cửa hàng nào cả, nhưng khi đi ngang một hiệu tem, sức chú ý của họ tự nhiên khiến họ dừng chân lại trước cửa hàng ấy.

Nhà bác  học trong phòng thí nghiệm cũng như ở ngoài đời có thể lơ đãng với tất cả những gì không dính dáng đến công việc khảo cứu, tìm tòi của họ.

Bọn đàn ông chúng ta thường ít quan tâm đến áo quần, đến cách phục sức của các bà, song các bà thì chú ý đến từng cái đinh khuy, cái vạt áo của chị em bạn.

Một người chơi sách bước vào nhà ai tự nhiên hướng mắt đến cái tủ sách trước nhất v.v…

Một người yêu súc vật đang rảo bước ngoài đàng cách lơ đãng nhưng gặp con chó hay con mèo đi ngang tự nhiên họ bước lại để xoa đầu vuốt ve con chó.

Trong việc văn hóa, chúng ta thường thấy rõ sự lợi ích của chú ý. Có biết chú ý, chúng ta mới đặng cái tính tò mò, ham hiểu, muốn hiểu biết mọi vấn đề. Xem thế chúng ta thấy rằng có thể rèn tập sức chú ý, nhưng rất hiếm người chịu khó gia công rèn tập để phát triển sức chú ý, ngoài trừ những điều gì họ ham thích.

Người ta đã thí nghiệm và nhận thấy chỉ có một số rất ít người cùng ở một đường, có thể kể nằm lòng tất cả những cửa hiệu trên con đường ấy.

Đức tính quý nhất của các nhà trinh thám là sức chú ý rất linh động của họ. Vì nghề nghiệp họ phải tập chú ý đến mọi việc, mọi chi tiết nhỏ nhặt mà người thường không lưu ý đến nên họ có thể gỡ ra manh mối nhiều vụ án ly kỳ.

Sau hết, một đam mê có thể làm cho chúng ta chú ý một cách rất tỉ mỉ đến những gì có dính dáng hoặc xa hoặc gần cái đối tượng mà chúng ta mê say, nhất là tính ghen tuông. Một người đàn bà ghen, hoặc giả chỉ “yêu” thôi, cũng thường để ý, quan tâm đến tất cả những việc nhỏ nhặt có dính dáng đến “người yêu”, những việc mà thời thường họ chẳng bao giờ lưu ý đến.

II. Ý THỨC VÀ VÔ THỨC  

Tự điển Littré định nghĩa ý thức: là một sự nhận thức về chính mình là một thể cách của cảm giác tính tổng quát nó giúp chúng ta biết nhận xét, phán đoán về những kinh nghiệm của chính mình.

Bằng cách nào chúng ta tạo cho mình những tri thức tổng quát? Bằng cách áp dụng óc phán đoán vào một việc, bằng cách chú ý đến nó rồi ghi tạc nó vào trí nhớ.

Một sự trạng đặng xem là có ý thức khi:

1. Nó được chúng ta chú ý đến.

2. Nó được lưu lại trong ký ức chúng ta.

Tất cả những sự trạng có ý thức này hợp thành cái ý thức hiểu theo nghĩa rộng.

Cái lương tâm mà thường những sách luân lý hay đề cập đến là một trường hợp riêng của cái ý thức tổng quát nói trên. Cái lương tâm, tức là cái “ý thức đặc biệt” này hạn định trong phạm vi những sự trạng có dính dáng đến những huấn lệnh của giáo dục, của luân lý hoặc tôn giáo. Cái “tiếng nói của lương tâm” không phải như người ta tưởng, là một bẩm chất riêng biệt của cá tính chúng ta, là một vị quan tòa độc lập có nhiệm vụ khiển trách những hành động không hay của chúng ta và khen lao những việc thiện của chúng ta. Nếu thế thì trên đời này làm gì lại có bao nhiêu người suốt đời không biết hối hận gì? Vị quan tòa độc lập này phải có trong tất cả mọi người. Không, cái mà người ta cho rằng là “tiếng nói của lương tâm” thực ra chỉ là sự truy tưởng những huấn điều mà luân lý, tôn giáo, giáo dục đã uốn nắn chúng ta và nó đã ăn sâu vào cá tính tập thành chúng ta để trở thành một phần trong toàn bộ cá tính. Nhận xét này rất đúng, vì ở những người thiếu giáo dục, những người sơ khai và ở những trẻ con làm gì có “tiếng nói của lương tâm” ấy?

Chú ý giúp chúng ta nhận thức những sự trạng và trí nhớ ghi lại những sự trạng đã được ý thức ấy.

Như vậy, chúng ta có thể phân biệt hai loại sự trạng có ý thức: những sự trạng mà chúng ta tri giác và những sự trạng từ trong trí nhớ chúng ta phát hiện trở lại. Một sự trạng bị xóa nhòa trong ký ức không còn là một sự trạng ý thức nữa. Hiện tôi đang uống cốc nước, đó là một sự trạng ý thức. Tôi nhớ rằng hôm qua tôi có uống nước, đó là sự trạng ý thức từ trong trí  nhớ tôi phát hiện trở lại.

Tóm lại, trí nhớ là tổng hợp những gì chúng ta đã tri thức, đã thu thập nhờ biết chú ý và những tri thức ấy đã thâm nhập vào cá tính tập thành chúng ta dưới hình thức ký ức.

Ý thức không đặng tự trị:

Như chúng ta thấy, ý thức không phải là một giác quan đặc biệt thuộc bên trong chúng ta, cũng không phải là một quan năng riêng biệt giúp chúng ta nhận biết những sự trạng tâm lý cũng như thị quan giúp chúng ta nhận biết hình dáng của sự vật hoặc thính quan giúp chúng ta nghe được những âm thanh. Nhiều triết gia, nhất là các triết gia thuộc phái “E-cốt” (Ecossais) và sau đó những triết gia thuộc phái “Chiết trung” (Eclectiques) chủ trương rằng ý thức ở ngoài vòng các sự trạng tâm lý. Phần nhiều các triết gia thuộc phái duy tâm cho rằng ý thức là linh hồn và xem nó như một thực thể riêng biệt.

Sở dĩ có sự lầm lẫn như thế vì mọi phát hiện của trí thức dù là phát hiện đơn giản nhất cũng đòi hỏi sức chú ý tức là có dùng đến óc phán đoán. Trong tất cả những sinh hoạt của tư tưởng, óc phán đoán đều có dự phần không ít thì nhiều.

Trí nhớ ghi lại những điều tôi đã tư tưởng mà cũng không ghi lại bằng cách nào và do quá trình nào tôi đã tư tưởng. Xem thế, cái ý thức tư tưởng không phải là một cái gì vượt trên đời sống tinh thần chúng ta, nó liên thuộc một cách chặt chẽ với sinh hoạt tâm lý chúng ta.

Vì vậy, ý thức tức là biết rõ tất cả những gì hợp thành cá tính tập thành chúng ta và tức là cũng biết rõ điều mình tri thức.

Sở dĩ những triết gia trên mắc phải ảo tưởng ấy là do khi chúng ta tư tưởng việc tư tưởng và việc chúng ta ý thức về tư tưởng ấy đồng diễn ra cùng trong một lúc. Vì thế người ta rất dễ ngỡ rằng đó là hai hiện tượng do quan năng khác nhau.

Sự thật, hai hiện tượng ấy đã không cùng diễn ra trong một lúc, nó chỉ nối tiếp nhau, nhưng nó diễn ra một cách quá nhanh cho nên chúng ta không nhận thấy sự tiếp diễn ấy. Việc phân biệt hai hiện tượng tinh thần có lẽ cũng bị lệ thuộc bởi những định luật tương tự với những định luật chỉ huy việc tiếp diễn những hình ảnh rọi sáng. Trong một khoảng thời gian nào đó, những hình ảnh ấy chồng lên nhau, ghép làm một.

Những cấp bậc của ý thức:

Cũng như sức chú ý, ý thức chúng ta có nhiều cấp bậc. Điều ấy cũng không lạ vì ý thức đặng có là do sức chú ý chúng ta đặt để vào những sự trạng.

Lẽ đương nhiên, chúng ta sẽ ý thức rõ rệt nhất và những sự trạng đặng chúng ta chú ý nhiều nhất. Những sự trạng ấy sẽ tồn tại lâu dài trong ý thức chúng ta. Những sự trạng mà chúng ta chỉ chú ý một cách qua loa sẽ chóng bị phai mờ.

Sự lãng quên tức là những ký ức bị phai mờ có thể can thiệp vào để thay đổi ý thức. Những ký ức in vào trí nhớ chúng ta song cũng như việc in ảnh, những chiếc ảnh nào mà thợ chụp ảnh đã in với chất thuốc pha không đúng sức sẽ chóng phai màu để rồi lu mờ hẳn đi.

Người ta nhận thấy hiện tượng này: một ông lão có thể nhớ rõ những ký ức thời thơ ấu nhưng lại không nhớ rõ những việc mới xảy ra. Những sự trạng đã đặng in vào trí nhớ ông ta trong tuổi thơ ấu đặng khắc sâu vì nó có tính cách mới lạ và do đó ông ta chú ý đến nó nhiều.

Cũng nên để ý điểm này: một ý ức càng đặng gợi ra thường, nó càng dễ phục hồi. Việc hồi tưởng có ảnh hưởng đến ký ức như thứ thuốc làm cho kính ảnh thêm rõ.

Do sự vận dụng của lãng quên và sự chú ý nên toàn khối của ý thức luôn luôn tiến hóa, mỗi ngày mỗi khác.

Vô thức:

Vô thức là một danh từ người ta thường lạm dụng. Lắm triết gia hoặc triết gia giả hiệu cho rằng vô thức là một thế giới diệu kỳ, chất chứa nhiều nguồn lực lạ lùng nó điều khiển chúng ta mà chúng ta không dè.

Điều mà không ai chối cãi là vô thức chiếm một phần quan trọng trong đời sống chúng ta, nhưng vô thức là gì? Lẽ dĩ nhiên nó là tất cả những gì mà chúng ta không ý thức đến, nhưng tuy thế nó vẫn có ảnh hưởng đến chúng ta.

Sau khi biết rõ những gì hợp thành cá tính con người, như chúng ta đã phân tách, chúng ta sẽ hiểu dễ dàng chỉ có thể ba loại vô thức:

1) Toàn thân cảm giác: Chúng tôi đã giải thích toàn thân cảm giác là gì và cũng đã chứng tỏ những cảm giác bên trong con người do toàn thân cảm giác gây ra dù có ảnh hưởng đến guồng máy tâm lý nhưng vẫn ở ngoài vòng ý thức thuộc địa hạt vô thức.

Người dạ dày yếu, sau mỗi buổi ăn khí sắc thường buồn bã. Họ có biết gì đâu họ buồn bã? Không, và nếu có ai bảo họ đó là do dạ dày yếu, việc tiêu hóa không tốt nên họ không đặng vui, có lẽ họ sẽ giận là khác.

Một chứng bệnh nội thương tuy không gây ra những cơn đau rõ rệt bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến khí sắc của một người. Bệnh dư ruột giả chứng không lên cơn hành, bệnh ung thư lúc mới phát, bệnh gan suy kém, rất tiêu biểu về điểm này.

Phụ nữ cho chúng ta một thí dụ rõ rệt về ảnh hưởng của toàn thân cảm giác đến guồng máy tâm lý. Lắm đàn bà tính tình bình thường rất dễ thương nhưng trong vài ngày trước khi có kinh họ lại đâm ra cau có. Và người ta cũng nhận thấy rõ là họ không biết gì về trạng thái của họ lúc bấy giờ.

Những người mà tính dục bị “dồn ép” cũng cho chúng ta thấy một thí dụ hay về ảnh hưởng của những cảm giác bên trong đối với thái độ và lối xử sự con người.

2) Cá tính thiên nhiên: Chúng ta đã biết cá tính thiên nhiên không thay đổi và nó tồn tại suốt đời chúng ta. Chúng ta không biết rõ về nó cho lắm, và đó là một thành phần khác của vô thức chúng ta.

Cá tính tập thành vạch cho chúng ta những mục tiêu phải đạt, chỉ cho chúng ta những lý do để hành động, những lý do mà chúng ta tưởng rằng chúng ta có, song thực ra những xung động ấy bắt nguồn từ nơi cá tính thiên nhiên mà chúng ta không có ý thức gì cả.

Một anh khờ không bao giờ nhận thấy anh ta thiếu óc phán đoán. Một người mơ mộng cho rằng mơ tưởng là một việc rất tự nhiên. Người hà tiện không thể hiểu nổi tại sao người ta lại không biết tiện tặn. Người hoạt động không hiểu nổi lý do những hoạt động của họ. Người suy nhược thì thương hại những người hay hoạt động…

Phải nhiều cố gắng, nhiều luyện tập và nhất là phải có óc phán đoán thật sáng suốt mới có thể nhận định đôi chút về cá tính thiên nhiên của mình.

3) Những thị hiếu, những thói quen, những khuynh hướng: Những yếu tố ấy hợp lại thành một phần khác của vô thức. Đó là những gì chúng ta đặng có mà không phải chú ý đến, vì thế nó đã lọt vào tự động tính.

Phần vô thức này đặng kết thành bởi vô số sự trạng mà chúng ta đã từng ý thức, nhưng sau đó vì thói quen chúng ta không còn ý thức nữa.

Thường khi chúng ta thâu trữ những ký ức để rồi chúng sẽ bị lu mờ dần và tản mác trong vô thức. Một ngày nọ, chúng sẽ phát hiện trở lại, nhưng chỉ có ký ức ấy trở lại thôi, còn về điểm: bằng cách nào, ở trường hợp nào chúng đã thâu thập ký ức ấy thì vẫn bị chôn sâu trong cõi vô thức. Có hiểu điểm này mới có thể giải thích tại sao đôi khi đứng trước một cảnh trí hoặc bức tranh chúng ta chợt nhớ lại hoặc nhớ mang máng rằng chúng ta đã từng thấy cảnh trí ấy đâu đây. Cũng có thể giải thích một vài vụ “đánh cắp văn” một cách vô tình. Chúng ta đọc một đoạn văn, đoạn văn ấy in vào trong trí nhớ, nhưng ký ức ấy phai mờ đi, để rồi một ngày kia nó hiện trở lại, song cái ký ức về quyển sách mà chúng ta đã đọc vẫn còn chôn sâu trong cõi vô thức chúng ta mà chúng ta tình thực lại ngờ rằng đoạn văn ấy là do trí óc mình đẻ ra.

Tóm lại, một phần lớn của phần tâm lý tịnh chúng ta thuộc về vô thức, còn phần tâm lý động tức là thái độ và cách xử sự của chúng ta thì thuộc về ý thức.

Chúng ta chỉ có ý thức về những tác động của mình nhưng về cái căn đề của bản chất chúng ta thì chúng ta vẫn mù tịt.

Bình luận
× sticky