Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bồ Câu Không Đưa Thư

Chương 2

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Đúng như Xuyến dự đoán, ngày hôm sau chẳng có gì lạ xảy ra. Vừa ngồi vào chỗ, Thục hồi hộp thò tay vào ngăn bàn nhưng chẳng có tờ giấy nào trong đó.
Cúc Hương chắp hai tay:
– Mô Phật! Thế là trời yên bể lặng! Con Xuyến tài thật!
Xuyến ngó Thục:
– Cục kẹo còn không?
– Không.
Xuyến gật gù:
– Thằng bé này ngoan thật! Cho gì lấy đó!
Thục liếc Xuyến, không hiểu bạn mình khen thật hay khen xỏ. Tự nhiên Thục thấy tội nghiệp anh chàng Phong Khê nọ. Khi đọc lá thư độc địa của Xuyến, chắc anh ta ngượng lắm. Và chắc có cho kẹo, anh ta cũng chẳng bao giờ dám làm quen với đám nữ yêu này nữa. Nghĩ tới đó, bỗng nhiên Thục bật cười: Xuyến chẳng đã cho kẹo anh ta là gì?
Thấy Thục tự nhiên phá lên cười, Xuyến tò mò:
– Mày cười cái gì vậy?
– Chẳng có gì hết! Tự nhiên tao tức cười vậy thôi!
Xuyến nguýt Thục:
– Tự nhiên mà cười! Đồ con gái vô duyên!
Thục chưa kịp phân trần, Cúc Hương đã chen vào, giọng thủng thỉnh:
– Con Thục muốn cười cứ việc cười, nhưng ngày mai đừng có quên nghĩa vụ của mình!
Thục trố mắt:
– Nghĩa vụ gì?
Cúc Hương thản nhiên:
– Dẫn tao và con Xuyến đi ăn chè đậu đỏ bánh lọt.
Thục nhăn mặt:
– Nghĩa vụ gì kỳ vậy?
– Chẳng có kỳ gì hết! – Cúc Hương nhún vai – Không có tụi tao, làm sao mày tai qua nạn khỏi được! Thằng Phong Khê sẽ bám mày tới già!
Thấy Thục cứ tròn mắt ngẩn ngơ, Xuyến vọt miệng bồi thêm:
Nếu mày không chịu, tụi tao nhắn tên Phong Khê đó viết thư “tỏ tình” tiếp à!
Lời hăm he của Xuyến khiến Thục giật bắn người. Nó vội vã gật đầu:
– Được, được! Tao chịu!
Thái độ hốt hoảng của thục khiến Xuyến và Cúc Hương nhìn nhau cười khúc khích. Nhưng Thục chưa kịp thực hiện “nghĩa vụ” của mình thì biến cố đã xảy ra.
Đầu giờ chiều hôm sau, Xuyến vừa ôm cặp tới cửa lớp đã thấy Thục ngồi sẵn đằng bàn, trước mặt nó là một trái ổi to tướng nom thật “quyến rũ”.
Xuyến vừa bước lại vừa liếc trái ổi, miệng bô bô:
– Trái ổi này trông ngon mắt thật, nhưng chỉ có thể dùng “tráng miệng” thôi, không thay thế đậu đỏ bánh lọt được đâu à nghen!
Thục cắn môi:
– Trái ổi này đâu phải của tao!
Xuyến ngạc nhiên:
– Không phải của mày chứ của ai?
Thục không đáp. Nó chìa tờ giấy đang cầm trong tay cho Xuyến.
Vừa liếc nhìn qua, Xuyến đã nhận ngay ra những chữ in hoa quen thuộc, liền sửng sốt buột miệng:
– Ủa! Lại là hắn!
Đúng lúc đó, Cúc Hương bước vào. Thấy Xuyến cầm tờ giấy trên tay, Cúc Hương hỏi liền:
– Gì vậy mày? Bản tự kiểm hả?
Xuyến lườm Cúc Hương:
– Tự kiểm là mày tự kiểm đó! Đây là “đơn xin làm quen” của thằng nhãi hôm nọ!
Cúc Hương há hốc miệng:
– Phong Khê?
Xuyến hừ mũi:
– Ngoài thằng giặc đó ra, còn ai vào đây nữa!
– Trời ơi, bộ tên này điếc không sợ súng chắc?
Xuyến tặc lưỡi:
– Hắn chưa thấy quan tài chưa đổ lệ! Tao sẽ có cách làm cho hắn cạch tới già!
Cúc Hương không quan tâm đến lời dọa dẫm của Xuyến. Nó tò mò nhìn tờ giấy:
– Hắn viết gì trong đó vậy?
– Tao đã xem đâu!
Nói xong, cả hai chụm đầu vào tờ giấy.
Thư viết:
“Bạn thân mến,
Mình thật lòng muốn làm quen với bạn chứ không có ý trêu bạn như bạn nghĩ đâu! Mình cũng không phải là “bé”. So về tuổi tác, có lẽ mình lớn hơn bạn một, hai tuổi. Nhưng vì hồi nhỏ, mình nghỉ học một, hai năm nên hiện nay mình học kém bạn một lớp. Mình đã nhận được cây kẹo của bạn. Mình để dành chứ không ăn. Và gửi tặng bạn món quà nho nhỏ gọi là đáp lễ. Dù sao mình cũng gửi đến bạn lòng cảm ơn và thán phục.
Ký tên: Phong Khê.”
Đọc xong lá thư, Cúc Hương hỏi ngay:
– Hắn gửi tặng món quà gì đâu?
Xuyến chỉ trái ổi trước mặt Thục:
– Kia kìa!
Cúc Hương chộp lấy trái ổi, săm soi rồi buột miệng:
– Chậc, tên này cũng biết điều đấy chứ!
Xuyến bĩu môi:
– Biết “mua chuộc” thì có!
Thục nãy giờ ngồi yên không nói gì. Nó biết hễ mình mở miệng, thế nào cũng bị hai bạn trêu chọc nên một mực giả ngây giả điếc. Nhưng bây giờ nghe Xuyến xỉa xói anh bạn “khuất mặt khuất mày” kia, nó không nén nổi, liền lên tiếng:
– Mình tặng người ta thì người ta tặng lại chứ “mua chuộc” gì!
– Á, à, con Thục này ghê thật! – Xuyến kêu lên – Chưa gì mà nó đã bênh “người ta” chằm chặp rồi!
– Tao chẳng bênh ai hết! – Thục khịt mũi – Tao thấy cái gì đúng thì tao nói, vậy thôi!
Xuyến liếc Cúc Hương:
– Con Thục nói vậy mà không phải vậy à nghen!
Cúc Hương nãy giờ không để ý đến cuộc đấu khẩu giữa Xuyến và Thục. Nó mãi nghĩ ngợi đến nội dung của lá thư vừa đọc. Lời lẽ bình tĩnh và nhún nhường của lá thư khiến Cúc Hương đâm ra có thiện cảm với đối phương. Nếu là mình, Cúc Hương nhủ thầm, mình sẽ tìm những từ ngữ thật cay độc để “phản công” lại giọng điệu trịch thượng trong lá thư Xuyến viết. Hoặc ít ra, mình cũng làm lơ, không thèm dây dưa với “tổ kiến lửa” này nữa. Vậy mà anh chàng Phong Khê kia lại chẳng tỏ vẻ gì giận hờn hay tức tối. Anh cứ tỉnh bơ đòi… làm quen tiếp. Lại còn gửi tặng một trái ổi to thật to nữa.
Thấy Cúc Hương cứ đứng ngây người, chẳng chịu lên tiếng phụ họa với mình, Xuyến khẻ huých khuỷu tay vào hông bạn:
– Làm gì mà thẫn thờ vậy mày? Hay là mày cũng “kết mô-đen” tay Phong Khê này rồi?
– Đừng có mà vu oan giá họa! – Cúc Hương giãy nãy – Phong Khê là “người ta” của con Thục, mắc mớ gì đến tao.
Chỉ đợi có vậy, Xuyến quay sang Thục, nháy mắt trêu:
– Mày nghe rõ chưa? Đâu phải chỉ mình tao đi xa-bô trong bụng mày! Con Cúc Hương cũng biết tỏng ruột gan mày chứ bộ!
– Tụi mày chỉ giỏi nói bậy!
Thục phản ứng một cách yếu ớt. Biết không tài nào cãi lại hai cái mệng trơn như thoa mỡ của Xuyến và Cúc Hương, Thục chỉ nói được một câu rồi im bặt.
Xuyến cười hì hì, vẻ khoái chí. Nó giở giọng eo éo nhại bức thư:
– Mình đã nhận được cây kẹo của bạn. Mình để dành chứ không ăn. Mình để dành trong trái tim mình ấy!
Trong khi Thục đỏ mặt tía tai thì Cúc Hương hắng giọng nói:
– “Vụ án” trái tim để từ từ tính! Bây giờ tụi mình phải giải quyết “vụ án” trái ổi trước đã.
Xuyến lườm Cúc Hương:
– Mày lúc nào cũng ăn với uống! Tên mày đổi thành Ốc Hương coi bộ hợp “khẩu vị” hơn!
Cúc Hương khoát tay, giọng tỉnh rụi:
– Nếu mày muốn, ngày mai tao dẫn hai đứa đi ăn ốc hương liền! Còn bây giờ trái ổi này tính sao đây?
– Có gì đâu mà tính! Thì đem ra mỗi đứa cắn một miếng. Cắn đến khi nào không còn gì để cắn nữa thì thôi!
Cúc Hương lắc đầu nguầy nguậy:
– Không được! Cách đó không được!
– Sao không được?
– Miệng mày như cống Bà Xếp. Mày cắn một miếng bằng tụi tao cắn ba năm, ai “đua” cho lại mày!
Xuyến phì cười:
– Thật tao chưa thấy ai ham nói xấu bạn bè như mày! Trong vụ này, công tao lớn nhất. Nếu không có lá thư và cây kẹo của tao thì làm gì có trái ổi “chiến lợi phẩm” này. Tao hưởng phần nhiều là đúng rồi!
– Không được! – Cúc Hương kịch liệt phản đối – Công lớn nhất phải thuộc về con Thục. Trái ổi này tên Phong Khê tặng cho nó chứ đâu phải tặng cho mày!
– Mày ngốc quá! Tên Phong Khê tặng cho nó là tặng trái tim. Còn trái ổi là tặng cho bạn nó, tức là tụi mình. Con Thục hưởng phần tinh thần, còn tụi mình hưởng phần vật chất! Tóm lại, đứa nào cũng có phần!
Nghe Xuyến “phân chia tài sản” trắng trợn và tùy tiện như vậy, Thục vừa xấu hổ lại vừa buồn cười. Nó làm mặt nghiêm:
– Mày khôn vừa vừa thôi nghe Xuyến! Tao nhường cái phần tinh thần cho mày đó! Đưa trái ổi đây!
Lúc này Xuyến đã cầm trái ổi trên tay Cúc Hương. Nó giấu trái ổi ra sau lưng:
– Đâu có đưa cho mày được! Nếu mày không chịu thì để tao kiếm trọng tài phân xử. Xem thử tao nói đúng hay không đúng.
– Nè, nè…
Thục hoảng hốt kêu lên. Chuyện Phong Khê bỏ thư trong ngăn bàn, nó không muốn cho “người ngoài” biết. Bây giờ nghe Xuyến đòi “mời”trọng tài, nó điếng người.
Nhưng Xuyến phớt lờ vẻ cầu khẩn của Thục. Nó đảo mắt nhìn quanh và hí hửng reo lên:
– Trọng tài kia rồi!
Cả Thục lẫn Cúc Hương lật đật quay người lại. Vừa nhác thấy bóng người Xuyến chỉ, Thục bỗng nghe trống ngực đập thình thịch, trái tim như muốn vọt ra ngoài.
Hóa ra người mà Xuyến chỉ là Hoàng Hòa, lúc này đang đứng chống tay bên bục cửa sổ, quay mặt ra vườn bạch đàn phía sau nên không hay sáu tia la-de đang chiếu vào mình.
Hàng ngày, không hiểu vô tình hay cố ý, Hoàng Hòa thường đưa mắt về phía Thục. Thoạt đầu, chẳng ai để ý. Về sau, Xuyến phát hiện ra, liền bấm Cúc Hương. Từ đó, hễ có dịp là cả hai mở miệng trêu Thục. Bị “cáp đôi” riết, Thục hết dám nói chuyện với Hoàng Hòa luôn. Gặp anh trong lớp học hay ở ngoài đường, bao giờ Thục cũng quay mặt ngó lơ chỗ khác. Vì vậy, bây giờ thấy Xuyến định kêu Hoàng Hòa lại, Thục vội cầm vạt áo Xuyến giật giật:
– Đừng, đừng…
– Đừng cái gì mà đừng!
Xuyến trợn mắt nhìn Thục rồi quay về phía cửa sổ, ngoác miệng kêu thật to:
– Lớp trưởng!
Hoàng Hòa giật mình quay lại. Thấy ba cô gái, anh nhe răng cười:
– Gì vậy Xuyến?
– Lại đây tụi này nhờ chuyện này chút!
Thấy Hoàng Hòa bước lại, Thục lật đật ngó ra sân, bên tai văng vẳng lời dặn dò “thiết tha” của Cúc Hương:
– Bình tĩnh mà run nghen mày!
Hoàng Hòa tới trước mặt Xuyến, vui vẻ:
– Chuyện gì vậy?
Xuyến úp mở:
– Chuyện này “phức tạp” lắm!
– Xuyến lúc nào cũng đùa được!
– Tui nói thiệt mà! Nếu không phức tạp, tui đâu có nhờ tới bạn! Chuyện này trừ lớp trưởng ra, không ai giải quyết nổi!
Hoàng Hòa bán tín bán nghi. Anh liếm môi:
– Chuyện lớp mình hả?
– Ừ! – Xuyến làm ra vẻ ngần ngừ – Đúng ra là chuyện riêng của con Thục!
Nghe nhắc tới Thục, Hoàng Hòa đâm chột dạ. Anh khẽ liếc Thục, giọng phân vân:
– Thục sao?
Xuyến nghiêm giọng:
– Có người viết thư tỏ tình với nó! – Bạn đừng có nghe lời Xuyến! – Thục kêu lên – Nó xạo đó!
Hai ngưòi nói hai đường, Hoàng Hòa không biết thực hư ra sao, liền đưa mắt nhìn Cúc Hương ra ý hỏi.
– Đúng ra là thư làm quen! – Cúc Hương mĩm cười ranh mãnh – Nhưng làm quen hay tỏ tình cũng cùng hệ NTSC, có khác gì đâu!
– NTSC là sao? – Hoàng Hòa ngạc nhiên – Sao lại có NTSC ở đây?
Cúc Hương chun mũi:
– NTSC bạn cũng không biết mà đòi làm lớp trưởng! Hệ này tiếng Việt dịch là “Nhớ Thương Sầu Cảm”! Ví dụ như ngồi trong lớp, mình nhìn hoài về phía một người nào đó tức là mình NTSC người đó!
Dù đang lo ngay ngáy trước trò nghịch phá của lũ bạn, nghe Cúc Hương bốc phét, Thục cũng không khỏi phì cười. Còn Xuyến thì gục mặt xuống bàn, cười run cả hai vai.
Chỉ có Hoàng Hòa là gượng gạo. Anh biết lời nói đùa vừa rồi của Cúc Hương ngụ ý châm chọc mình. Anh nhìn Xuyến, đánh trống lảng:
– Bạn nào viết thư cho Thục vậy?
Xuyến ngẩng đầu lên, miệng vẫn còn cười:
– Không phải lớp mình! Tụi buổi sáng!
Hoàng Hòa “à” một tiếng, vẻ nhẹ nhõm:
– Vậy thì kệ tụi nó! Đừng trả lời!
Xuyến nhanh nhẩu:
– Nhưng tui thay mặt con Thục trả lời hắn rồi. Hắn liền gửi cho tụi này một trái ổi, Giờ làm sao?
Vừa nói, Xuyến vừa chìa trái ổi ra.
Hoàng Hòa nhún vai:
– Báo cho cô chủ nhiệm biết chứ sao!
– Báo cho cô chủ nhiệm? – Xuyến tròn mắt.
– Ừ.
– Chi vậy?
– Thì để cô biết cô… ngăn ngừa.
– Ngăn ngừa? Tụi này đâu phải con nít mà ngăn ngừa?
Lời ăn nói cà khịa của Xuyến khiến Hoàng Hòa bắt đầu bực mình. Anh nhăn nhó:
– Bạn kêu tui giải quyết, tui giải quyết bạn không chịu nghe thì kêu làm gì!
Xuyến khịt mũi:
– Tui đâu có kêu bạn giải quyết vụ lá thư! Tui nhờ bạn giải quyết vụ trái ổi kìa!
Hoàng Hòa ngơ ngác:
– Trái ổi sao?
Xuyến thủng thỉnh:
– Trái ổi này người ta gửi tặng con Thục nhưng chính là nhờ lá thư hồi âm của tui, bây giờ chia cách sao? Tui với con Thục ai được ăn nhiều hơn?
– Khỏi ăn nữa! – Hoàng Hòa đáp gọn lỏn.
– Sao vậy? – Cả ba cô gái sửng sốt cùng kêu lên.
Hoàng Hòa tặc lưỡi:
– Đem trả quách thì khỏi ăn chứ sao!
Cúc Hương “xì” một tiếng:
– Vô duyên! Người ta nhờ chia, lại xúi đem trả!
Giọng Hoàng Hòa nhuốm vẻ cay cú:
– Không quen biết thì nhận làm gì!
– Không quen cũng cứ nhận! – Cúc Hương nghinh mặt – Trái cây chứ bộ thuốc độc sao mà không nhận!
Trước điệu bộ hùng hổ của Cúc Hương, Hoàng Hòa đâm lúng túng. Anh ấp úng:
– Nhưng mà… nhưng mà…
– Không có “nhưng mà nha mừng” gì hết! – Cúc Hương vung tay – Quanh năm suốt tháng bạn ngắm người ta đến mòn cả da mặt mà bạn có tặng người ta được cái hột ổi nào không! Trong khi anh chàng này chưa hề quen biết mà dám dâng cả một trái ổi to tướng làm “sính lễ”, chứng tỏ hắn NTSC thành thật hơn bạn nhiều!
Cúc Hương “xổ” một tràng khiến Hoàng Hòa đỏ mặt tía tai. Biết không địch lại Xuyến và Cúc Hương, hai cái máy phát sóng “siêu tần số” nổi tiếng từ hồi còn học lớp mười, Hoàng Hòa đành quay lưng bỏ đi sau khi buông một câu chữa thẹn:
– Mấy bạn nói gì đâu không!
– Không dám “gì đâu” đâu!
Cúc Hương dài giọng vói theo khiến Xuyến gập người cười ngặt nghẽo. Tự nhiên Thục cảm thấy bất nhẫn. Nó đập vào tay Cúc Hương:
– Cái con này! Mày nói năng sao chẳng nể người ta lấy một chút xíu!
Cúc Hương bĩu môi:
– Hắn có “để ý” đến tao đâu mà bắt tao nể!
Biết Cúc Hương sắp sửa trêu mình, Thục không dám giở giọng trách móc nữa. Nó thò tay cầm trái ổi trên tay Xuyến:
– Cái này giờ tính sao?
– Còn tính sao nữa! – Xuyến trợn mắt – Lớp trưởng mà tính không ra thì tụi mày chỉ còn có cách nghe theo lời đề nghị lúc nãy của tao thôi!
Cúc Hương dòm Xuyến, giọng cảnh giác:
– Mỗi đứa cắn một miếng hả?
Bộ tịch nhớn nhác của Cúc Hương làm Xuyến phì cười:
– Làm gì mày hốt hoảng vậy?
– Cái miệng của mày rộng đến mang tai, ai trông thấy mà chẳng phát hoảng! – Cúc Hương ngừng một chút rồi hắng giọng tiếp – Mỗi đứa cắn một miếng cũng được. Nhưng đợi tao lấy viết tao vẽ lên trái ổi ba vòng tròn, mỗi đứa chỉ “hoạt động” trong phần đất của mình, không được xâm phạm…
– Đây là ổi chứ không phải “đất”! – Xuyến vọt miệng.
– Ừ thì ổi! – Cúc Hương tủm tỉm – Đứa nào để dấu răng đi lạc ra ngoài vùng quy định, coi như bị truất quyền “thi cắn” tiếp…
Cúc Hương nói chưa dứt câu, Thục đã vỗ tay reo:
– Hay lắm, hay lắm! Như vậy cho con Xuyến bỏ cái tật giành ăn!
Xuyến bĩu môi:
– Xì, tao tao thèm vào cái vòng tròn của con Cúc Hương! Tao có cách này hay hơn nhiều, lại khỏi bày đặt vẽ vời lôi thôi!
Thục không nén được tò mò:
– Cách gì vậy?
– Mỗi đứa một trái, khỏi ai giành của ai!
– Mỗi đứa một trái? – Cúc Hương hỏi với giọng châm biếm – Ở đâu ra mà nhiều vậy?
Xuyến thản nhiên:
– Ở chỗ anh chàng Phong Khê chứ đâu!
Trong khi Thục còn đang ngơ ngác thì Cúc Hương cười toe:
– Tao hiểu rồi! Mày định “hạ chiếu” bắt anh chàng ” cống nạp” chứ gì!
Xuyến chớp chớp mắt:
– Ừ, chính vì cái thói “trùm sò” của hắn mà ba đứa mình phải giành giật một trái ổi đến suýt nữa chém nhau. Tao sẽ bảo với hắn như vậy. Và nếu hắn còn hy vọng sờ được ngón chân út của con Thục, hắn phải xoay xở gấp ba trái ổi nộp cho tụi mình. Còn không thì kiếm đường mà xéo, đừng có hòng làm quen làm lạ gì nữa!
Xuyến vừa nói vừa làm điệu bộ khiến Thục che miệng cười khúc khích. Nó tưởng Xuyến chỉ cao hứng nói chơi, nào ngờ Xuyến vừa “phát biểu” xong, liền lật tập xé một cái “rẹt”. Thục la hoảng:
– Bộ mày làm thật hả Xuyến?
– Thật hay không, lát nữa biết liền!
Vừa nói Xuyến vừa đặt tờ giấy lên cuốn tập, hí hoáy viết. Cúc Hương vội vàng xáp lại, mặt nó tươi hơn hớn. Chỉ có Thục là thấp thỏm. Nó bồn chồn nhìn ngòi viết của Xuyến đang bò ngoằn ngoèo trên giấy. Bỗng Thục giật mình đưa tay lên dụi mắt. Nó không tin những gì mình vừa thấy. Xuyến không gọi Phong Khê bằng cái từ “thằng bé” xách mé kia nữa. Rất mực ôn hòa, Xuyến mở đầu lá thư bằng những dòng thân thiện: Gửi bạn Phong Khê…

Bình luận
× sticky