Mới mười hai giờ trưa, lớp học đã đông nghẹt người. Những dây kim tuyến nhiều màu vắt lơ lửng ngang trần phòng khiến lớp học rực rỡ hẳn lên. Từng tốp học sinh chia nhau làm nốt những công việc cuối cùng dưới sự “chỉ đạo” của Hoàng Hòa. Tốp lau sàn. Tốp khuân bàn ghế. Tốp dượt văn nghệ. Buổi liên hoan cuối năm chưa bắt đầu mà không khí đã nhộn nhịp, huyên náo như hội chợ tết.
Xuyến, Thục và Cúc Hương được phân công trang hoàng bức vách cuối lớp. Những bông hoa giấy đã được cắt sẵn. Cúc Hương đứng dưới đất bôi hồ. Thục và Xuyến leo lên ghế kiễng chân dán.
– Tiếc quá hén, Xuyến? – Cúc Hương đột ngột lên tiếng.
– Chuyện gì vậy?
– Chuyện Phán củi ấy mà! – Cúc Hương chép miệng – Hắn bỏ về làm bữa nay tụi mình mất vui.
– Ừ.
Xuyến đáp, cố làm ra vẻ hờ hững. Nó không muốn nhắc tới Phán củi, sợ Thục buồn, dù nó không hiểu tại sao Thục lại buồn vì sự ra đi của Phán đến như thế. Chia tay với một người bạn tốt như Phán, nó cũng buồn. Nhưng nó đâu có “mít ướt” như Thục.
Cúc Hương không hiểu ý Xuyến, nó tiếp tục oang oang:
– Phán củi kể ra cũng chơi được đấy chứ?
Xuyến lại “ừ” chiếu lệ.
Cúc Hương lại xuýt xoa:
– Nếu biết sự thể như vậy, ngay từ đầu năm tụi mình “gả” con Thục cho Phán củi quách, khỏi Phong Khê Phong Khiếc lôi thôi.
Cúc Hương định ngoác miệng nói tiếp thì Xuyến bỗng “suỵt” khẽ. Từ giữa lớp, Hoàng Hòa đang chậm rãi tiến về phía ba cô gái.
Xuyến và Thục vội vàng nhảy xuống khỏi ghế. Cúc Hương rít qua kẽ răng:
– Chuột lại dẫn xác vào miệng mèo. Lần này mày để tao “trị” hắn cho, Xuyến!
Cúc Hương nói vừa dứt câu thì Hoàng Hòa cũng vừa trờ tới. Nó liền quay ngoắt người lại, giọng lạnh như… cà rem ở trong thùng:
– Đi đâu vậy?
– Tui cần gặp các bạn một chút!
– Hay lắm! – Cúc Hương hừ mũi – Tụi này cũng đang cần gặp bạn đây!
Rồi không để cho Hoàng Hòa kịp nói thêm tiếng nào, Cúc Hương “độp” luôn:
– Bạn thuộc dòng dõi “con ma nhà họ Hứa” phải không?
– Cúc Hương nói gì vậy? – Hoàng Hòa bất giác thối lui một bước.
Cúc Hương sấn tới:
– Nếu không, tại sao hẹn gặp với tụi này, cuối cùng bạn lại “xù”?
– Tui hẹn gặp các bạn hồi nào? – Hoàng Hòa ngơ ngác.
Cúc Hương hất mặt:
– Vậy chứ chiều hôm kia ai chạy ngang hồ Con Rùa?
Hoàng Hòa nhíu mày:
– Chiều hôm kia hả? Ừ, ừ… tui có chạy ngang qua đó…
– Bạn chạy ngang đó chi vậy? – Xuyến vọt hỏi.
Hoàng Hòa bứt tai:
– Thì tui có công chuyện phải đi ngang đó chứ chi! Sao các bạn hỏi gì kỳ cục vậy?
Xuyến khẽ đưa mắt hội ý với Cúc Hương rồi quay nhìn Hoàng Hòa, gằn từng tiếng:
– Nếu vậy thì ai viết giấy cho tụi này hẹn sẽ đến hồ Con Rùa gặp mặt?
Xuyến cố làm mặt “ngầu” nhưng bụng vẫn đinh ninh Hoàng Hòa sẽ tiếp tục chối quanh. Không ngờ Xuyến vừa hỏi xong, Hoàng Hòa bỗng sáng mắt lên:
– À, hóa ra anh chàng Phong Khê hẹn với các bạn phải không?
Cúc Hương “xì” một tiếng:
– Chứ còn ai vô đây nữa! Bạn viết giấy cho tụi này chẳng lẽ bạn không biết!
– Trời đất, đến bây giờ mà các bạn vẫn nghĩ tui là Phong Khê hả?
Vừa nói, Hoàng Hòa vừa thò tay vào túi áo lôi ra một phong thư chìa trước mặt Xuyến:
– Các bạn đọc lá thư này đi! Thư gửi cho mấy bạn đó!
Xuyến trố mắt:
– Thư của ai vậy?
– Thì của anh chàng Phong Khê chứ của ai!
Cả ba cô gái lập tức chụm đầu lại. Xuyến nhanh nhẹn bóc phong bì. Một tờ giấy đặc chữ rơi ra.
Sáu con mắt mở lớn, dán vào những nét chữ in quen thuộc:
Mến gửi Xuyến, Thục, Cúc Hương,
Mình đã gửi lời xin lỗi Hoàng Hòa về những oan ức mà anh ta phải chịu trong thời gian qua. Bây giờ đến lượt mình xin lỗi các bạn về những gì đã xảy ra, mặc dù mình không phải là một người thất hứa “tồi tệ” như các bạn đã từng lên án. Buổi hẹn ở quán kem Dạ Lan, mình đã đến, mình đã ở bên cạnh các bạn suốt buổi chiều hôm ấy. Chỉ có điều các bạn không “biết” đó thôi. Bây giờ, khi đã biết mình là ai rồi, hẳn các bạn không đến nỗi ngạc nhiên tại sao trước đây mình viết thư làm quen với Thục, lại dưới một cái tên khác. Bài thơ của mình đăng trên báo Mực Tím dạo nọ thực ra đã tố cáo tình cảm của mình rồi. Nhưng là một người quê mùa, cục mịch (không phải tự nhiên mà bạn bè trong lớp gọi mình là “Phán củi"
, mình không đủ can đảm “làm quen” với Thục, cả trò chuyện lẫn thư từ. Người ta thường bảo chim bồ câu là nhịp cầu nối giữa hai người “không ghét” nhau. Nó sẽ mang thư của người con trai đến với người con gái cùng những lời chúc tốt lành. Nhưng mình không dám. Mình không phải là Roméo. Mình chỉ là Phán củi. Đối với mình, được “trò chuyện” với Thục (và cả với các bạn) qua những mẩu giấy đặt trong ngăn bàn đã là một niềm mơ ước…
Tiết lộ bất ngờ của Phán khiến ba cô gái đờ người vì sửng sốt. Không ai có thể tưởng tượng Phong Khê chính là Phán củi. Riêng Thục, những bộc bạch của anh khiến nó bàng hoàng ngơ ngẩn. Nó không ngờ anh phải “làm quen” với nó một cách “gian nan” như vậy. Mà nó thì có bao giờ trêu chọc gì anh đâu. Chỉ có Cúc Hương thỉnh thoảng cao hứng ngâm ngợi “tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa”. Nhưng đó là Cúc Hương, chứ đâu phải Thục.
– Ai đưa bạn lá thư này? – Xuyến hỏi Hoàng Hòa, giọng chưa hết kinh ngạc.
– Em gái tui.
Cúc Hương không kềm được thắc mắc:
– Sao Phán củi lại quen với em gái bạn? Hai bên biết nhau lâu rồi phải không?
– Em gái tui lâu nay vẫn học thêm lớp chuyên toán do một nhóm sinh viên phụ trách. Phán củi dạy ở đó! – Hoàng Hòa tặc lưỡi.
– Sao có chuyện kù cục vậy?
– Có gì đâu mà kỳ cục! – Hoàng Hòa nhún vai – Trong nhóm sinh viên có mấy người cùng quê với Phán. Họ rủ anh ta tham gia. Hồi trước họ là bạn học.
– Đúng rồi mày ơi! – Xuyến đập vai Cúc Hương – Hồi trước Phán củi có nói vì lý do gì đó anh ta phải nghỉ học mấy năm, nếu không anh ta đã là sinh viên rồi! Hơn nữa anh ta là “cây toán” của lớp mình, kèm cặp tụi lớp 11 có gì là khó!
Cúc Hương gật gù. Rồi chợt ngẩng phắt lên nhìn Hoàng Hòa, nó nheo mắt:
– Như vậy là nhỏ em quỷ quái của bạn toa rập với Phán củi “qua mặt” bạn dài dài mà bạn cóc biết gì hết phải không?
Hoàng Hòa cười khỏa lấp:
– Nhưng mà tui đã “ký” nó… lủng sọ rồi!
Cúc Hương hừ mũi nhưng chưa kịp “vặn vẹo” Hoàng Hòa thì Xuyến đã kêu lên:
– À, tao biết rồi, tụi mày ơi!
– Gì vậy? – Cúc Hương hỏi giật.
– Tao biết tại sao anh chàng Phong Khê giả danh kia hay dùng từ “thán phục” rồi! – Xuyến vẫn nói như reo.
Cúc Hương quả là một cô gái thông minh. Nó hiểu ngay:
– Thì ra vậy! Anh chàng muốn nói lái chữ “Thục Phán”. Nhưng còn Phong Khê? Tại sao anh ta lại lấy tên là Phong Khê?
– Điều đó quá dễ hiểu! – Xuyến nhướng mày – Phong Khê chính là nơi đóng đô của An Dương Vương Thục Phán!
Cúc Hương bĩu môi:
– Dễ hiểu sao mày không đoán ra ngay từ đầu mà để Hoàng Hòa bị “hành hạ” tơi bời rồi mới nói?
Xuyến cười hì hì:
– Thì tao cũng mới thấy nó dễ hiểu cách đây chừng mấy phút chứ mấy!
Mặc cho hai cô gái cãi nhau, Hoàng Hòa vẫn đứng im, chỉ có đôi mắt ánh lên một niềm vui khó giấu. Cho đến lúc này, anh mới thực sự cảm thấy nhẹ nhõm. Từ nay, anh sẽ không còn bị các cô gái nghi kỵ và tra tấn nữa. Từ nay, anh sẽ… Hoàng Hòa bồi hồi không dám nghĩ tiếp. Mà khẽ đưa mắt nhìn Thục, lúc này đang thẫn thờ như thả tâm trí tận xa xăm.
Không, Thục chẳng nghĩ ngợi gì xa xăm. Thục chỉ hồi tưởng lại những ngày đã qua với bao niềm lưu luyến, một năm học cuối cùng lẫn lộn những buồn vui. Ngày mai, khi bước ra khỏi mùa hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng mình quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi mãi sẽ trống vắng một bóng người lặng thầm đi bên cạnh Thục. Phong Khê rồi sẽ chẳng bao giờ là kinh đô của Thục Phán như anh đã một lần mong ước. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những bạn bè may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài. Bài thơ hôm nào Phán viết chợt trở về trong tâm trí Thục như một nhắc nhớ ngậm ngùi:
Cô em hiền thục
Gặp từ hôm qua
Nhớ từ hôm trước
Thương em nhất nhà…
Nhưng Thục chẳng phải thẫn thờ lâu. Tiếng pháo đã nổ vang báo hiệu buổi liên hoan bắt đầu. Và tiếng Cúc Hương nói với Hoàng Hòa oang oang bên tai, còn lớn hơn cả tiếng pháo:
– Thôi, bỏ qua những chuyện hiểu lầm từ trước đến nay nghen! Lát nữa liên hoan xong, tụi này sẽ mời bạn đi xem vở “Tình nghệ sĩ” ở nhà hát Hòa Bình, chịu không?
10/12/1992
Nguyễn Nhật Ánh