Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bồ Câu Không Đưa Thư

Chương 9

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Vừa bước vào lớp, Thục đã đảo mắt nhìn quanh. Nhưng nó chẳng thấy Hoàng Hòa đâu.
Lúc đầu, Thục cứ đinh ninh là anh đi trễ. Nhưng đến khi tiếng chuông vào học vang lên, Hoàng Hòa vẫn bặt vô âm tín, Thục mới hay là anh nghỉ học. Nó vội vàng quay sang Xuyến:
– Bữa nay Hoàng Hòa đâu có đến lớp…
– Lạ thật! – Xuyến tặc lưỡi – Hắn có bao giờ nghỉ học thình lình như vậy đâu! Nhưng không sao, mai trả lời cũng còn kịp! Mai mới thứ sáu mà!
Cúc Hương bĩu môi:
– Thật tao chưa thấy ai yếu bóng vía như tên này! Mới đưa thư hôm qua, bữa nay đã lẩn như chạch rồi! Gan thỏ đế mà bày đặt tỏ tình!
Xuyến thủng thỉnh:
– Có thể là hắn bịnh.
– Bịnh đâu mà lẹ vậy! – Cúc Hương nhếch mép.
– Ừ, lẹ lắm! – Xuyến vẫn điềm nhiên – Trái tim lần đầu tiên biết yêu rất dễ bị hỏng hóc bất tử. Hệt như đồng hồ bị vô nước vậy. Có thể bây giờ hắn đang nằm rên hừ hừ ở nhà!
Thục không biết Xuyến đang pha trò. Tưởng tượng ra cảnh Hoàng Hòa đang ốm liệt giường vì… yêu mình, tự dưng Thục bỗng đâm lo. Đến khi thấy Cúc Hương che miệng cười khúc khích, Thục mới thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.
Nhưng các cô gái đoán trật lất. Thực ra Hoàng Hòa nghỉ học không phải vì ốm hay vì mắc cỡ. Anh không đến lớp bởi vì một lý do hoàn toàn khác.
Hoàng Hòa sợ phải gặp Thục. Anh sợ Thục từ chối lời mời của anh. Bữa nay đến thứ bảy nếu mình không đến lớp, Thục sẽ chẳng có dịp nào gặp mình để từ chối. Và dĩ nhiên một người hiền hậu như Thục sẽ không nỡ lòng nào để mình đứng đợi “suốt đêm” trước cổng nhà hát Hòa Bình. Chắc chắn Thục sẽ đến. Hoàng Hòa nghĩ vậy và anh quyết định từ nay cho đến ngày hẹn sẽ không ló mặt đến trường. Những ngày cuối cùng của năm học, chẳng ai buồn ngó ngàng đến bài vở. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sắp tới cũng chẳng khiến bầu không khí học tập trong những ngày này sôi động hơn là bao. Học sinh đến lớp chỉ để tán gẫu, viết lưu bút và nôn nao bàn bạc về những tiết mục văn nghệ lẫn tiết mục ăn uống trong ngày liên hoan bế giảng. Vì vậy, sự vắng mặt đột xuất của anh chàng lớp trưởng chẳng khiến ai để ý, trừ bọn Thục.
Nhưng ba cô gái cũng chẳng có nhiều thì giờ để tìm hiểu cặn kẽ về lý do vắng mặt của Hoàng Hòa. Bởi, cũng trong buổi chiều hôm đó, tay Phong Khê nghịch ngợm kia lại bí mật đặt vào ngăn bàn của Thục ba thỏi kẹo bạc hà kèm theo một lá thư. Vẫn giọng thơ quen thuộc:
Những ngày vui vẻ qua mau
Chúng mình sắp đã xa nhau mất rồi
Bạn ơi, bạn có bồi hồi
Chia tay có nhớ đến người hôm nay?
Lần này, giọng thơ của Phong Khê có vẻ buồn buồn. Cúc Hương ngó Xuyến:
– Hắn tính giở trò gì vậy?
– Con nhãi này tính chơi đòn tâm lý. Hắn muốn làm cho tụi mình mủi lòng.
– Nhưng để làm gì?
– Chẳng để làm gì cả! – Xuyến hừ giọng – Đó là trò chơi ưa thích của hắn. Nhưng lần này hắn hố to. Hắn chưa biết tụi mình đã khám phá ra hắn là một… nữ tặc, chứ cóc phải anh chàng nào hết!
Thục nhìn mấy thỏi kẹo trên tay Cúc Hương, nhíu mày:
– Nhưng tại sao cô ta lại gửi bánh kẹo cho tụi mình? Làm vậy chỉ có tốn tiền chứ ích lợi gì!
– Trên đời này, không trò chơi nào không tốn tiền! – Xuyến lên giọng triết gia – Chơi brickgame, đánh tennis, đi khiêu vũ, hát karaoke… đều phải dốc túi ra. Hắn cũng vậy thôi. Muốn giải trí bằng cách lừa lọc sự ngây thơ, cả tin của tụi mình, hắn phải bỏ tiền ra. Nếu không có mấy thỏi kẹo ngụy trang, làm sao con nhãi đó bắt mày ngồi đâu cũng phải mơ mơ màng màng đến anh chàng Alain Delon buổi sáng như trong thời gian vừa qua!
Bị Xuyến “khều nhẹ” một cái, Thục đã thấy nóng ran cả mặt mày. Thoạt đầu, Thục vùng vằng định cự lại, nhưng rồi thấy những điều Xuyến nói không phải là không đúng, nó đành im lặng ngượng ngùng quay mặt đi chỗ khác, trong lòng giận ba con nhỏ lớp buổi sáng kinh khủng. Một đứa tên Hoa, một đứa tên Thảo, một đứa tên Trang, Thục không rõ đứa nào bày ra trò quỷ quái này nhưng chắc chắn thủ phạm không thể là ai khác ngoài ba đứa này. Ta mà biết được nhà ngươi là ai, nhà ngươi sẽ nát xương với ta! Thục bực tức nhủ thầm và ngay sau đó, nó bỗng phì cười vì ý nghĩ hung hăng khác hẳn bản tính thường ngày của mình.
Cúc Hương không ở trong tâm trạng như Thục. Nó huơ huơ mấy thỏi kẹo, hỏi Xuyến:
– Nhưng “nói túm lại”, tụi mình vẫn được quyền “xực” những thứ này như “ngày xưa thơ dại” chứ?
– Mày thì lúc nào cũng vậy! – Xuyến lườm Cúc Hương – Hình như trong tự điển, mày chỉ biết có mỗi từ “xực”?
Cúc Hương không thèm cãi nhau với Xuyến. Nó đang bận bóc lớp giấy bọc ngoài thỏi kẹo. Thấy vậy, Xuyến thở dài, nói thêm:
– “Xực” thì “xực”! Nhưng “xực” xong, phải trả lời cho hắn đấy!
Đang định thảy viên kẹo vô miệng, nghe Xuyến nói vậy, Cúc Hương bỗng… ngừng tay. Nó giương mắt ếch:
– Trả lời cho ai?
– Cho con nhãi Phong Khê chứ cho ai!
– Trả lời hắn làm gì nữa! – Cúc Hương kêu lên – Ngày mai tụi mình sẽ tìm đến “sào huyệt” của hắn kia mà!
Xuyến tủm tỉm:
– Chính vì vậy mà tụi mình cần phải trả lời. Đừng làm một điều gì bất thường để cho hắn phải nghi ngờ. Trước đây, tụi mình đã không hồi âm hắn một lần rồi, lần này không nên phớt lờ.
Hiểu ra những điều ngoắt ngoéo, mắt Cúc Hương sáng lên:
– Tức là làm ra vẻ tụi mình không biết gì hết?
– Ừ, không biết gì hết.
– Tụi mình là những kẻ… ngu đần?
Xuyến hơi nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu, dễ dãi:
– Ừ, ngu đần.
– Ngu như bò?
Tới đây thì Xuyến hết chịu nổi. Nó gạt phắt:
– Thôi đi, mày đừng có nhân cơ hội này mà pha trò lếu láo! Đi kiếm Phán củi không lo, cứ lo đứng đó nói bậy!
Bị Xuyến nạt, Cúc Hương nhe răng cười hì hì và co giò chạy mất. Lát sau, Cúc Hương xuất hiện với “nhà thơ nông dân” lẽo đẽo sau lưng.
Vừa thấy mặt Phán củi, Xuyến đã vồn vã reo lên:
– A, lâu ngày quá hén? Bạn lúc này như thế nào? How are you? Vẫn I m fine, thank you chứ hả?
Miện Xuyến trơn như bôi mỡ. Nó vừa hỏi vừa trả lời thay luôn. Phán nghe tai mình lùng bùng. Anh tưởng như mình đang dự tiết thực tập tiếng Anh.
Xuyến vẫn niềm nở:
– Dạo này bạn vẫn còn làm thơ đăng báo Mực Tím đấy chứ?
Cú “đá giò lái” của Xuyến làm Phán giật thót. Anh ngượng nghịu:
– Đâu có.
Xuyến cười:
– Sao vậy? Sao lúc này bạn không làm thơ nữa?
Phán ấp úng:
– À, dạo này tui… bận.
Xuyến nheo mắt:
– Vậy nếu tụi này nhờ bạn làm thơ, bạn có “bận” không?
Phán gãi đầu:
– Làm chứ! Làm bài thơ ngắn ngắn đâu có tốn thời gian bao nhiêu!
Chỉ đợi có vậy, Xuyến nhanh chóng chìa bài thơ của Phong Khê ra:
– Hắn mới gửi thơ cho tụi này nữa nè! Bây giờ bạn làm giùm bài thơ trả lời đi!
Phán lướt mắt qua bài thơ của Phong Khê, hắng giọng hỏi:
– Trả lời sao?
– Trả lời là chia tay với hắn, tụi mình cũng buồn lắm! Buồn đứt ruột đi lận!
– Vậy thôi?
– Ừ, vậy thôi.
Thoạt đầu, Xuyến định nói cho Phán biết Phong Khê là một đứa con gái. Nhưng sau một thoáng ngần ngừ, Xuyến quyết định giấu nhẹm. Trước đây, khi Phán làm bài thơ “Cô em hiền thục”, Xuyến đã lên án anh không tiếc lời. Nó đã hùng hồn tuyên bố chỉ có anh chàng Phong Khê mới xứng đáng lọt vào mắt xanh của nhỏ Thục. Nếu bây giờ vỡ lẽ ra Phong Khê là một con nhóc, chắc chắn Phán sẽ cười vào mũi bọn Xuyến ba ngày ba đêm chưa hết. Mình cứ chơi cái tình vờ, Xuyến nhủ bụng, với anh chàng nông dân này, Phong Khê là trai hay gái cũng chẳng liên quan gì! Vì vậy, khi Cúc Hương chép xong bài thơ do Phán sáng tác, Xuyến nhìn Phán cười cười:
– Cảm ơn bạn nghen! Khi nào anh chành Phong Khê “quấy rầy” tụi này, hy vọng bạn sẽ tiếp tục giúp đỡ!
Lời lẽ của Xuyến làm Phán ngạc nhiên:
– Sao bữa nay tự dưng Xuyến lại khách sáo, lịch sự dữ vậy?
Đang cười cười, Xuyến bỗng trừng mắt:
– Bạn nói vậy là có ý chê tui thường ngày bất lịch sự chứ gì!
Phán hoảng hồn:
– Đâu có! Ý tui đâu phải vậy!
Rồi khôg đợi cho Xuyến vặn vẹo tiếp, Phán vội vã đánh bài chuồn:
– Thôi, tui lại đằng này chút nghen!
Vừa nói, Phán vừa hấp tấp bỏ đi khiến Cúc Hương ôm bụng cười ngặt nghẽo:
– Hắn yếu bóng vía như vậy, mày còn “nhát ma” hắn làm chi!
Thục có vẻ không hài lòng:
– Con Xuyến này chỉ giỏi tài “lấy oán trả ơn”!
– Á, à, cô nương này bữa nay “loạn” quá ta! Dám “kết án” cả “chị” mày! – Xuyến lừ mắt nhìn Thục – Hay là thấy Phong Khê hiện nguyên hình là “yêu nữ”, mày tính chuyển hướng sang Phán củi?
– Mày đừng có đặt điều! – Thục đỏ mặt – Tại tao thấy mày “hù” Phán củi chết khiếp, tao nói vậy thôi!
– Mày ngốc quá! – Xuyến khịt mũi – Tao đâu có muốn “hù” Phán củi làm chi. Nhưng nếu để hắn rề rà ở đây, rủi tụi mình vô ý nói ra chuyện Phong Khê, hắn nghe được thì quê cả đám. Lúc đó tụi mình chỉ có nước đào hang xuống đất ở với… giun!
Lý lẽ Xuyến đưa ra hợp lý đến mức Thục chẳng biết trách móc vào đâu nữa. Nó chỉ biết ngấm ngầm thở dài tội nghiệp cho anh chàng Phán củi lúc nào cũng gặp toàn chuyện xui xẻo.
Sáng hôm sau, y theo kế hoạch, khoảng mười một giờ, ba cô gái đã có mặt trước cổng trường.
Trong khi chờ đợi, cả ba chui vào một quán nước chếch bên kia đường ngồi tán dóc. Sau khi ngồi thu mình sau tấm vách lửng chắn ngang chiếc bàn thấp, Xuyến đưa mắt sang Cúc Hương:
– Mày nhớ mặt ba con nhỏ đó không?
– Sao lại không nhớ! Chỉ cầu trời cho bữa nay đừng đứa nào nghỉ học.
Thục ngơ ngác:
– Sao vậy?
– Mày lúc nào cũng trăng với sao! – Cúc Hương nguýt Thục – Rủi hôm nay có một đứa nghỉ học, mà đứa đó lại chính là tên Phong Khê, có phải công tụi mình sẽ hóa thành công cốc hay không?
– Ừ hén! – Thục vỡ lẽ. Nó mỉm cười ngượng nghịu và chép miệng băn khoăn – Chẳng hiểu tụi nó có đoán ra được tí gì về kế hoạch của tụi mình không!
– Còn khuya tụi nó mới “đánh hơi” ra! – Xuyến nhún vai – Hơn nữa hôm qua mình đã hồi âm cho tụi nó một lá thư còn mùi mẫn lâm ly gấp mấy lần tuồng “Tô Ánh Nguyệt”, có tài thánh tụi nó cũng đừng hòng….
Hồi chuông “reng reng” báo giờ tan học đột ngột vang lên bên kia đường cắt ngang lời diễn thuyết hùng hồn của Xuyến. Ba cô gái lập tức quay đầu nhìn về phía cổng trường.
Trong thoáng mắt, từng đám học trò lũ lượt nối nhau tuôn ra cổng. Xuyến dán mắt vào từng chiếc áo dài trắng, hồi hộp hỏi Cúc Hương:
– Tụi nó ra chưa?
– Chưa. Chờ một chút.
Đang nói, Cúc Hương bỗng reo lên:
– Kìa. Tụi nó kìa!
– Đâu? – Xuyến và Thục cùng hỏi giật.
– Đó! Ba con nhỏ đang quẹo trái đó! Hoa là con nhỏ tóc tém. Nhỏ Trang tóc dài. Còn đứa mang kiếng cận là nhỏ Thảo.
Xuyến tròn mắt nhìn theo tay chỉ của Cúc Hương. Ba con nhỏ vừa đi vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại cười lên rúc rích, không hay đang lọt vào tầm mai phục của bọn Xuyến. Đang nhìn, Xuyến bỗng chớp chớp mắt. Tự nhiên nó cảm thấy nét mặt của nhỏ Hoa trông quen quen. Nhưng dù moi óc, Xuyến vẫn không nhớ mình đã gặp con nhỏ này trong trường hợp nào. Nó quay sang Thục và Cúc Hương, giục:
– Bám theo đi!
Ba cô gái nhanh nhẹn rời khỏi chỗ nấp, lẫn vào đám học trò lố nhố trên lề đường, đuổi theo ba “con mồi”.
Thục thận trọng len lỏi giữa đám đông. Nó đi sau Xuyến và Cúc Hương nhưng vẫn trông rõ mồn một ba cô gái đang đi tà tà phía trước. Càng quan sát “đối thủ”, Thục càng không thể tin “anh chàng” Phong Khê tinh quái kia lại là một trong ba cô gái hồn nhiên đang dung dăng dung dẻ trước mặt mình.
Tiếng Xuyến thình lình vang lên cắt ngang những nghĩ ngợi vẩn vơ trong đầu Thục:
– Tụi nó rẽ rồi, bọn mình tách ra đi! – Rồi không đợi Cúc Hương và Thục có ý kiến, Xuyến phân công luôn – Con Cúc Hương bám theo nhỏ Trang, con Thục theo nhỏ Thảo. Còn nhỏ Hoa để tao “phụ trách”.
Vừa dứt câu, Xuyến óng nảy vọt người đi ngay. Gương mặt “trông quen quen” của nhỏ Hoa ám ảnh Xuyến nãy giờ khiến Xuyến sốt ruột muốn làm cho ra lẽ. Phong Khê chắc hẳn là con nhãi này, Xuyến thấp thỏm nhủ bụng và mặc dù nôn nóng, nó vẫn đủ tỉnh táo luồn lách giữa các thùng thuốc lá, các xe nước mía và vô số những vật chắn dọc đường.
Đến khi nhỏ Hoa ôm cặp chui tọt vào căn nhà có cánh cổng màu xanh thì Xuyến chợt đâm ra lúng túng. Quanh chỗ Xuyến đứng, không có một vị trí nào có thể ẩn nấp được. Gần đó có một quán cà phê, nhưng chẳng lẽ Xuyến lại một mình vô đó ngồi.
Đang lớ ngớ dòm quanh quất, Xuyến bỗng giật nảy mình và vội vã bước lùi vào phía sau cột điện. Từ trong nhà nhỏ Hoa, một bóng người Xuyến không thể nào ngờ tới đang thong thả dắt xe ra…

Bình luận