Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cách Học Ngoại Ngữ Nhanh Và Không Bao Giờ Quên

Chương 3

Tác giả: Gabriel Wyner
Thể loại: Học Ngoại Ngữ

Chơi Với Các Âm

Ngữ điệu là linh hồn của ngôn ngữ, thổi cảm xúc vào ngôn ngữ và khiến ngôn ngữ thật hơn.

— Jean-Jacques Rousseau, Émile

Giờ chúng tôi là những hiệp sĩ nói: “Ekki ekki ekki FIKANG! Zoop boing brn zroyen!”

— Những hiệp sĩ mà cho tới gần đó vẫn còn nói: “Ni!”, trong phim Monty Python và chiếc chén thánh

Chúng ta đã dành hai chương để trò chuyện về phương pháp học và nhớ, nhưng phải công nhận rằng chúng ta nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Bạn vẫn chưa học được từ nào có ích nhưng khoan mở sách ngữ pháp vội. Chúng ta hãy dấn thân vào lãnh địa của âm thanh trước. Chúng ta sẽ bàn đến rất nhiều lý do tại sao nên làm thế, nhưng lý do quan trọng nhất là: Chừng nào bạn còn không chắc về cách phát âm ngoại ngữ của mình, bạn sẽ còn mắc kẹt với việc học hai thứ ngôn ngữ thay vì một.

Trong một thế giới lý tưởng, ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói luôn song hành. Chúng thoải mái chia sẻ các từ ngữ với nhau, giúp nhau vượt khó. Bạn xuất hiện, nhập hội với chúng và trở thành bộ ba chí cốt. Ngôn ngữ viết giới thiệu cho bạn vài cuốn sách hay, bạn dùng bữa tối tại nhà ngôn ngữ nói, và các bạn hết sức vui vẻ bên nhau. Vui quá đi chứ? Hai thứ ngôn ngữ đó có thêm một người bạn mới, và bạn càng ngày càng hiểu rõ chúng với tốc độ chóng mặt, bởi bạn có thể tán gẫu về những gì vừa đọc, và đọc thêm những thứ nghe được trong những cuộc tán gẫu.

Tất cả những điều này sẽ đi tong nếu bạn không bắt đầu với việc học phát âm, bởi khi đó chúng ta sẽ bị kẹt với một núi từ ngữ không hoàn chỉnh.

Chúng ta gặp một từ ngữ không hoàn chỉnh khi chúng ta nghĩ nó phát âm kiểu này, nhưng thực tế nó lại phát âm theo kiểu khác. Những từ ngữ như thế này không thể được chia sẻ qua lại giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, kết quả là chúng phá vỡ “hội bạn bè” mới lập.

Bạn có lẽ đã từng gặp những từ ngữ không hoàn chỉnh trong tiếng Anh. Tôi chắc chắn đã từng gặp chúng; ví dụ, tôi đã từng tin chắc từ scheme trong tiếng Anh được phát âm là “sheem”. Tôi đã đọc về những từ như màu sheems, kim tự tháp sheems. Không may thay, sheem có một người bạn tên là skeam. Skeam có vẻ khá giống cả về ngữ nghĩa và cách dùng với sheem, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cả hai từ này xuất hiện cùng một chỗ, nên chưa bao giờ biết được khi nào thì nên dùng từ nào. Tôi tránh dùng cả hai từ nhiều nhất có thể. Tôi chỉ phát hiện ra danh tính thật của skeam khi lên đại học. Vào một ngày, khi quyết định gõ vào Google cả hai từ này để xác định sự khác biệt giữa chúng, tôi khám phá ra rằng hai từ kia thực chất là một từ và một lỗi phát âm.

Hai từ scheme của tôi sống “trong một khe đá hẹp” thuộc biên giới giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết của tôi. Khe đá này, may mắn thay, rất nhỏ. Tôi rất ít khi hụt chân rơi xuống đó và bị lúng túng, bởi “scheme” không phải là một từ thường gặp. Nhưng hãy thử dành một giây tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ ngôn ngữ bạn học cứ điểm xuyết toàn những scheme, skeam và sheem dường như luôn lẩn khuất đâu đó. Bạn sẽ không thể chắc chắn về ngữ nghĩa và cách dùng chính xác của bất cứ từ nào trong số chúng, và kết quả là bạn gặp khó khăn khi cố sử dụng và nhớ chúng.

MỘT MẸO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG NGÀY QUÊN KHÔNG HỌC

Khi phải đối mặt với một các chương trình truyền hình đến mức đống thẻ flash card do một vài ngày bỏ bê , hãy tiếp tục học thêm với cường độ hai hoặc ba từ mới mỗi ngày. Nó sẽ làm mọi thứ hấp dẫn hơn một chút và không làm tăng gánh nặng về thời gian.

Trong tiếng mẹ đẻ của mình, bạn ít khi rơi vào hố bẫy của những từ ngữ không hoàn chỉnh. Bạn bị bao vây bởi rất nhiều cuộc nói chuyện, sách, phim và gần như chắc chắn sẽ sửa được hết mọi lỗi phát âm dù ngớ ngẩn nhất. Với một ngoại ngữ, bạn không may mắn như vậy.

Ở cuối khóa học “đắm mình” bằng tiếng Pháp, tôi ngồi trong một phòng học với bảy học sinh tiếng Pháp trình độ cao khác, cùng bàn luận về triết học. Trước đó không lâu, chúng tôi đã được đọc vở kịch Huis Clos (Kín cửa) của Sartre, và đang so sánh tư tưởng của Sartre và của Descartes. Đó có lẽ là cuộc nói chuyện hàn lâm nhất của tôi, và lại bằng tiếng Pháp. Một đồng môn của tôi giơ tay và chỉ ra rằng vẫn còn một triết gia khác chúng tôi nên bàn đến.

Tên của ông triết gia thứ ba đó là Dess-CART-eez.

Cô ấy đã rơi vào chiếc bẫy của một từ ngữ không hoàn chỉnh, nhưng lần này, thứ ngoại ngữ cô ấy chọn học đầy rẫy những từ như vậy. Tiếng Pháp vốn khét tiếng với hệ thống chính tả kỳ lạ. Đại đa số các phụ âm cuối trong tiếng Pháp bị bỏ đi: beaux được phát âm là “bo”, và vous được phát âm là “vu”. Những điểm lạ như thế xuất hiện ở hầu hết mọi ngôn ngữ: Trong tiếng Anh, những câu như: “I’m going to go” dần được thay thế bằng “I’m gonna go,” rồi dần dần sẽ trở thành “I gonn’ go”. Những thay đổi kiểu này diễn ra ở ngôn ngữ nói nhanh hơn ở ngôn ngữ viết, do đó mỗi ngôn ngữ cuối cùng đều sẽ bị chia thành hai nửa. Tiếng Pháp cũng vậy, hai ngôn ngữ: Ngôn ngữ viết của những Descartes và ngôn ngữ nói với những Dekart.

Trong thế giới lý tưởng mà chúng ta vừa bàn đến, bạn và hai thứ ngôn ngữ kia sẽ lớn lên cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Khi bạn đọc một cuốn sách, các từ ngữ mới và những mẩu quy tắc ngữ pháp mới sẽ tìm được đường đi vào những cuộc nói chuyện của bạn. Trong những cuộc nói chuyện đó, bạn sẽ nghe được những từ mới khác, và những từ đó sẽ tìm được đường đi vào những gì bạn viết. Mỗi lần bạn gặp một ngôn ngữ đầu vào mới, nó sẽ giúp phát triển mức hiểu và sự thành thạo trên mọi phương diện của ngoại ngữ bạn học.

Quy trình này chỉ có thể diễn ra nếu bạn kết nối thành công những từ bạn đọc với những từ bạn nghe thấy. Người bạn đồng môn của tôi đã đọc về từ “Dess-CART-eez” trong sách, và cô ấy đã nghe thấy từ Dekart trong những cuộc nói chuyện. Bởi chưa thuần thục quy tắc “bỏ phụ âm cuối” của tiếng Pháp, cô ấy đã phải rất vất vả mới nhớ được cặp từ chưa hoàn chỉnh về hai ông triết gia có tên na ná nhau, quan điểm rất giống nhau, và nghề nghiệp cũng giống nhau này. Cuối buổi thảo luận, cô ấy đã nhận ra lỗi của bản thân, nhưng còn hàng trăm hàng nghìn từ mà chúng tôi chưa bàn đến thì sao? Liệu có những từ ngữ chưa hoàn chỉnh nào vẫn còn đang lẩn khuất trong bóng tối với những phụ âm cuối bị câm, chỉ đợi cơ hội để làm chúng ta lúng túng khó hiểu?

Ở giai đoạn đầu, càng thuần thục kỹ năng phát âm, bạn càng tốn ít thời gian truy đuổi những từ ngữ chưa hoàn chỉnh về sau. Nếu có thể hình thành “cảm giác bản năng” về việc từ nào phát âm đúng và từ nào phát âm có vẻ sai, thì mọi từ mới sẽ dần dần tự tìm đường đi vào tai và miệng bạn, và mọi từ ngữ bạn nghe sẽ nuôi dưỡng khả năng đọc hiểu của bạn. Bạn sẽ hiểu được nhiều hơn, học nhanh hơn, và tiết kiệm được thời gian đáng ra phải dành để truy đuổi những từ ngữ chưa hoàn chỉnh. Trong khi làm vậy, bạn cũng sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn, tạo được ấn tượng tốt hơn với người bản ngữ, và tự tin giao tiếp hơn.

MẸO NHỎ TIẾNG PHÁP

Nếu bạn gặp phải một từ tiếng Pháp có vẻ “không đúng lắm” khi đi du lịch, bạn có thể mặc định rằng mọi phụ âm cuối đều là âm câm, chỉ trừ các phụ âm có trong từ tiếng Anh “careful” (c, r, f, và l là các âm thường xuyên được phát âm).

Làm thế nào bạn có thể làm điều này một cách nhanh chóng? Nếu bạn dành hai tháng chỉ để học quy tắc chính tả và quy tắc phát âm của một từ, bạn sẽ ngán tận cổ. Bạn cần một con đường xẻ ngang qua lãnh địa phát âm, một thứ có thể nhanh chóng dạy bạn những điều cơ bản, sau đó củng cố chúng và phát triển phản xạ phát âm khi bạn còn đang bận rộn học những phần khác của ngoại ngữ. Trong chương này, tôi sẽ chia nhỏ từng phần phân tích riêng về ba thử thách bạn sẽ gặp phải: luyện tai, luyện miệng và luyện mắt. Chúng ta sẽ bàn đến điểm khác nhau giữa chúng, những phương pháp đánh bại chúng, và những phần thưởng bạn có khi thành công.

LUYỆN TAI VÀ THIẾT LẬP LẠI NÃO BỘ

Trên bờ biển Bắc, một nhân viên bảo vệ bờ biển người Đức đang trực bên bộ đàm.

“*Kshht* Mayday! Mayday! Hello, can you hear us? We are sinking!”

“Ja, hallo! Zis is ze German coastguard!”

“We are sinking! We are sinking!”

“OK. Vat are you sinkink about?”

— quảng cáo Berlitz

Trong giới học ngôn ngữ, mọi em bé đều là thần đồng. Chúng có năng lực siêu nhân trong việc nghe được sự khác biệt giữa mọi âm trong tất cả ngôn ngữ, và có rất-rất nhiều âm chứ chẳng hề ít ỏi. Các ngôn ngữ trên thế giới chứa khoảng 800 âm vị (600 phụ âm và 200 nguyên âm). Hầu hết mỗi ngôn ngữ chỉ chọn khoảng 40 trong số đó để hình thành từ ngữ, mặc dù vậy độ đa dạng vẫn lớn – có một ngôn ngữ rất gọn gàng là Rotokas ở Papua New Guinea chỉ với 11 âm vị, trong khi ngôn ngữ Taa, được nói ở Botswana, lại dùng đến 112 âm vị (cộng thêm bốn thanh điệu nữa!)

Một số âm vị này hoàn toàn xa lạ với một người nói tiếng Anh, nhưng hầu hết chỉ là những biến thể nhỏ của các âm thanh quen thuộc. Có ít nhất tám âm “t” trong các ngôn ngữ, và những người nói tiếng Anh hiếm khi nghe được sự khác biệt giữa bất cứ âm nào trong số chúng. Hai âm t khác nhau sẽ cho bạn sự khác biệt giữa “my cat Stan” (con mèo Stan của tôi) và “my cat’s tan” (làn da rám nắng của con mèo của tôi). May mắn là chẳng có salon nhuộm da rám nắng cho mèo nên sự khác biệt này không gây nhầm lẫn trong tiếng Anh. Nhưng nếu đang học tiếng Hàn, bạn sẽ thấy rằng âm t trong tan và âm t trong Stan được viết ra thành hai chữ cái khác hẳn nhau, và được dùng để cấu tạo nên hai từ khác hẳn nhau.

Bạn không thể dễ dàng nghe được sự khác biệt giữa 10 âm t kia bởi đã được học cách bỏ qua chúng. Khi còn nằm nôi, bạn có thể nghe được tất cả những âm đó. Điều này khiến thế giới của bạn hỗn loạn vô cùng. Bạn bị bao vây bởi hàng tá người lớn liên tục nói suốt ngày, mỗi người lại có một cách nhả hơi khác nhau. Tai bạn ù đi với âm thanh của hàng trăm nguyên âm và phụ âm khác nhau, và bạn ở giữa đống hỗn loạn này, cố gắng tìm kiếm một trật tự nào đó.

Bạn bắt đầu tìm ra trật tự này trong khoảng từ sáu tháng đến một năm tuổi. Các nghiên cứu của người Mỹ và người Nhật đã cung cấp cho chúng ta những số liệu đáng tin cậy. Dùng các máy quét não, các nhà nghiên cứu có thể xác định được liệu một người có thể nghe thấy sự khác biệt giữa hai âm hay không. Một người Mỹ trưởng thành khi nghe một đoạn băng đều đều “rock… rock… rock… rock… lock”, hoạt động trong não của anh ta sẽ thay đổi đột ngột khi từ “lock” phá vỡ sự đều đều; nhưng não một người Nhật trưởng thành sẽ không thể hiện sự thay đổi nào cả. Tuy nhiên, một em bé người Nhật lại không gặp vấn đề khi phân biệt hai âm này, khả năng này sẽ biến mất dần khi em bé bước vào giai đoạn sáu đến mười hai tháng tuổi.

BA ÂM “T” TRONG TIẾNG HÀN

Tiếng Hàn Quốc có ba phụ âm dễ bị nhầm với t: E như trong tan, CC như trong Stan, và C, một thứ nghe như hợp thể giữa âm t và âm d.

Có điều gì xảy ra ở ngã rẽ quan trọng này vậy? Bộ não của em bé đang thu thập số liệu thống kê. Có một đường ranh giới rất mảnh phân biệt giữa hai ký tự “r” -“l”, và một phụ âm có thể rơi vào bất kỳ đâu trên đường ranh giới đó. Một em bé người Mỹ thông thường sẽ được nghe hàng trăm phụ âm, mỗi phụ âm chỉ hơi khác nhau một chút, và thường sẽ rơi vào hai đống lớn ở hai bên đường kẻ này: Một bên là các âm phần lớn nghe giống r và một bên là các âm phần lớn là nghe giống l. Nếu bạn ghi âm lại một ngày điển hình của em bé người Mỹ, và sau đó đếm lại số lượng những âm trên, bạn sẽ thấy thứ này:

Chúng ta hay hình dung r và l như hai âm riêng biệt, nhưng thực ra không phải vậy. Mỗi phụ âm này là một nhóm các âm nghe gần giống nhau. Chúng ta tạo ra những nhóm này dựa vào môi trường âm thanh xung quanh khi ta lớn lên. Bởi không nghe thấy nhiều âm nằm ở giữa r và l, chúng ta quyết định (một cách hợp lý) rằng tất cả người lớn cứ nói liên hồi kia chỉ đang sử dụng các biến thể của hai phụ âm mà thôi, thay vì hàng trăm phụ âm khác nhau. Một em bé người Nhật Bản cũng có thể nghe rất nhiều âm, nhưng phần lớn đều rơi vào chính giữa trục r – l:

Họ (một cách rất hợp lý) nhóm tất cả các âm này thành một phụ âm duy nhất nằm giữa r và l. Phụ âm này – âm r trong tiếng Nhật – không hẳn giống r, và cũng không hẳn giống l. Nếu nghe kỹ, bạn sẽ thấy bộ não đã quen với tiếng Anh của mình không biết làm gì với âm này. Nó sẽ đi qua bộ lọc và bị xếp vào một trong hai nhóm phụ âm, hoặc r hoặc l, một cách gần như ngẫu nhiên. Khi bạn nghe một người nói tiếng Anh bằng giọng Nhật đặc sệt, hãy nhớ điều này: Không phải họ đang nói nhịu l thành r. Họ thực ra đang nói một phụ âm mà bạn không thể nghe được.

Nghe được những thứ không thể nghe: Phép màu của những Cặp từ tối thiểu

Hãy cùng trở lại với đối tượng người Nhật trưởng thành của chúng ta, đang nằm trong máy quét não và lắng nghe những đoạn băng đều đặn “rock… rock… rock… rock…” Như chúng ta đã bàn đến, anh ta sẽ không thể hiện bất cứ phản ứng thần kinh nào nếu chúng ta lén cho một từ “lock” vào giữa đoạn băng. Đó là một tin xấu kinh khủng cho việc học ngoại ngữ. Không phải anh ấy hiểu nhầm thứ được nghe mà thực sự không thể nghe thấy sự khác biệt giữa hai âm. Với bộ não của anh ấy, hai từ rock và lock có khi chỉ là một. Khi học tiếng Anh, anh ta phải chiến đấu với chính não bộ của mình. Cơ may nào để anh ta chiến thắng?

Những nghiên cứu hứa hẹn nhất về lĩnh vực này đến từ một tập hợp các nghiên cứu được thực hiện ở Đại học Stanford và Carnegie Mellon. Các nhà nghiên cứu đã tập hợp một nhóm người Nhật trưởng thành, cho họ chút tiền, tai nghe, máy tính và yêu cầu họ ngồi yên trong một căn phòng để nghe bản ghi âm của hai từ rock và lock. Những người Nhật sẽ phải ấn vào nút có chữ rock khi nghe thấy rock và ấn vào nút có chữ lock khi nghe thấy lock. Cũng dễ hiểu khi kết quả của họ tệ khủng khiếp. Ngay cả sau khi đã tập luyện, kết quả vẫn rất tệ hại.

ÂM “R” KHÓ HỌC TRONG TIẾNG NHẬT

Âm r của tiếng Nhật (có thể được tìm thấy trong các từ như origami, rāmen và tempura) trong thực tế nghe như một sự kết hợp giữa r, l và d; với r nhiều hơn một chút so. Nó là một phụ âm cực khó với người Mỹ. Tôi đã dành nửa tiếng tập bắt chước lại băng ghi âm từ rāmen, để chuẩn bị cho một bài video dạy phát âm của tôi, và vẫn không thể nghe được hay phát âm chuẩn cái từ đáng ghét này. May mắn thay, người Nhật không bao giờ hiểu nhầm khi tôi gọi thêm biru (bia). Làm sao họ nhầm được chứ? Không có thứ gì gọi là bilu trong tiếng Nhật cả.

Phép màu xuất hiện đây: Một nhóm tình nguyện viên người Nhật khác cũng được đặt vào tình huống tương tự, chỉ khác là lần này màn hình máy tính của họ cung cấp phản hồi đúng-sai ngay tức khắc sau mỗi lần họ bấm nút. Với mỗi lần đoán đúng, họ sẽ thấy một dấu tích màu xanh. Với mỗi lần đoán sai, họ sẽ thấy một chữ X màu đỏ. Đột nhiên, họ bắt đầu học được. Sau ba lần tập, mỗi lần 20 phút, họ đã thiết lập thành công não bộ của mình. Trong những lần quét não sau đó, tín hiệu não đã thay đổi rất rõ ràng mỗi lần làm bài kiểm tra “rock… rock… rock… lock…” Họ đã biết cách nghe được những thứ không thể nghe.

Chúng ta có thể lấy kết quả nghiên cứu này và sử dụng chúng cho mục đích riêng. Rock và lock là những thành viên điển hình của một nhóm từ đặc biệt được gọi là cặp từ tối thiểu (minimal pairs). Đây là những cặp từ chỉ khác nhau ở một âm duy nhất, và mọi ngôn ngữ đều có vô vàn những cặp từ như thế. Tôi đã từng là dạy cho không ít người Áo học tiếng Anh về sự khác biệt giữa các cặp từ tối thiểu như thinking và sinking, SUS-pect và sus-PECT, niece và knees. Những cặp từ này là cốt lõi của việc nghe ngoại ngữ, và việc luyện tập chúng với phản hồi tức khắc là cách tốt nhất để luyện tai và thiết lập lại não cho chúng ta.

Bạn sẽ có thể tìm thấy những cặp từ tối thiểu quan trọng nhất trong ngoại ngữ ở chương đầu của rất nhiều cuốn sách ngữ pháp, loại có đĩa CD đi kèm (và chắc chắn trong tất cả các sách dạy phát âm), và tôi cũng tự đặt ra nhiệm vụ cung cấp các bài kiểm tra cặp từ tối thiểu trên trang web của mình với càng nhiều ngôn ngữ càng tốt (Fluent- Forever.com/chapter3). Những bài kiểm tra tối giản này – nó phát một đoạn băng ghi âm (“lock”) và hỏi từ mà bạn vừa nghe thấy (“rock” hay “lock”?) – lại cực kỳ hiệu quả. Ròng rã mười ngày, mỗi ngày 20 phút, tôi đã dùng chúng để học những âm (khó học đến phát ốm) của tiếng Hungary. Chúng rất thú vị, bạn có thể cảm thấy tai bạn đang thay đổi với mỗi lần lặp lại.

Lợi ích của việc luyện tập: Nhận diện quy luật và Vi phạm quy luật

Nếu luyện cặp từ tối thiểu vào thời gian đầu học ngoại ngữ, bạn sẽ học nhanh hơn nhiều. Bạn sẽ dễ nhớ từ mới hơn, bởi chúng không còn lạ lẫm nữa. Bạn đồng thời cũng sẽ hiểu được người bản xứ tốt hơn, bởi bạn đã nghe được những gì họ nói. Thay vì lãng phí thời gian sửa lại thói quen phát âm sai, bạn sẽ có thể dành thời gian học ngoại ngữ với tốc độ không ngờ.

Làm thế nào để việc luyện tai phát huy tất cả những lợi ích này? Bạn đã tự cho mình khả năng nhận diện các âm riêng biệt, nhưng đó chưa phải là tất cả. Bởi tập trung vào các âm đó, nên bạn sẽ nhận biết được những thay đổi rất nhỏ khi nối chúng lại với nhau. Điều này cho bạn hai siêu năng lực: Bạn có thể nghe được các quy tắc phát âm, và nghe được khi nào các quy tắc đó bị vi phạm.

Quy tắc phát âm là thứ kết nối chính tả với phát âm, và kết nối giữa việc phát âm âm này với việc phát âm âm khác. Chúng cho bạn biết các âm nào có thể được kết hợp với nhau (“sticks” là một tập hợp âm được chấp nhận trong tiếng Anh) và các âm nào thì không kết hợp với nhau được (“svickz” không kết hợp được với nhau). Các ngôn ngữ đều chứa những quy tắc phát âm phức tạp, và chúng ta rất giỏi trong việc nhận diện nếu có thể nghe ra chúng. Bạn có thể quan sát thấy điều này ở những đứa trẻ. Có một thí nghiệm ngôn ngữ rất hay mà các nhà nghiên cứu thích thực hiện trên những đứa trẻ 5 tuổi. Họ cho chúng xem bức hình một con chim kỳ lạ và khẳng định: “This is a wug!”

Sau đó, họ cho bọn trẻ xem bức tranh có hai con chim như vậy và nói: “Now there are two of them! There are two…” và bọn trẻ vui vẻ reo lên: “Wugz!”

Tất cả những điều này nghe có vẻ bình thường, nhưng hãy nhớ rằng những đứa trẻ này đang thực hiện một tác vụ phức tạp đến phi thường. Bằng cách nào đó, ở sâu bên trong những cái đầu non nớt đó, bọn trẻ đã biết rằng dạng số nhiều trong tiếng Anh của một từ hoàn toàn mới được đọc là “z”, trong khi dạng số nhiều của một từ mới khác, ví dụ như heef, lại đọc là “s” (và dạng số nhiều của từ tass đọc là “iz”). Những quy tắc này không thể coi thường, và chúng khác nhau ở mọi ngôn ngữ (những đứa trẻ người Đức sẽ nói “Vaks”, thay vì “wugz”). Nếu tai bạn nhạy cảm với mỗi âm mới trong một ngôn ngữ, bạn sẽ nhận ra được khi có một quy tắc phát âm kỳ lạ xảy ra, và mỗi lần nhận ra, bạn sẽ tiến gần hơn tới mức sử dụng thành thạo nó.

Siêu năng lực thứ hai cho phép bạn nhận ra khi nào các từ ngữ vi phạm quy tắc. Trong tiếng Anh, chúng ta có rất nhiều quy tắc phát âm: Một chữ k luôn được đọc là k (như trong kick), trừ những khi không phải thế (“knife”). Điều thú vị ở những quy tắc và ngoại lệ đó là ngay cả khi chúng phức tạp đến phát điên như ở tiếng Anh (và may mắn cho bạn, chúng luôn dễ hơn trong các ngôn ngữ khác), chúng không bao giờ tạo ra các âm mới. Không có từ nào trong tiếng Anh không dùng lại khoảng 41 đến 42 âm vị. Và điều đó đúng với tất cả mọi ngôn ngữ.

Nếu có thể nghe thấy tất cả các âm trong ngoại ngữ, bạn có thể sẽ ngạc nhiên trước cách viết đúng chính tả của một từ, nhưng không bao giờ ngạc nhiên trước cách phát âm của từ đó. Điều này giúp bạn học nhanh hơn bởi vì trí nhớ của bạn không cần phải nỗ lực để nhớ những âm khó diễn đạt. Nếu một từ như mjöður chỉ là tập hợp của sáu âm quen thuộc, vậy thì nó không hẳn là một từ hoàn toàn lạ lẫm nữa, và sẽ không khó nhớ hơn một từ khác thường nhưng dễ hiểu khác, ví dụ cái tên Lakira.

Do vậy, bạn sẽ dễ dàng nhớ phát âm của từ mới một cách chính xác, và điều này cho phép bạn nhận ra khi một người bản xứ phát âm. Bùm! – Bạn vừa tự cho khả năng nghe hiểu của mình một cú hích cực lớn ngay từ khi bắt đầu. Khi có khả năng nghe hiểu tốt, bạn sẽ học được nhiều từ vựng và ngữ pháp hơn mỗi lần bạn nghe ai đó dùng ngoại ngữ. Bùm! – Bạn vừa mới hích cả từ vựng và kiến thức ngữ pháp của mình. Bạn thu được tất cả những điều này chỉ với chi phí vài giờ luyện cặp từ tối thiểu. Bây giờ nếu bạn có thể học cách phát âm được các âm đó thì quá sức tuyệt vời.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Não bộ của bạn được thiết lập sẵn để bỏ qua sự khác biệt giữa những âm nghe có vẻ lạ lẫm. Để thiết lập lại nó, hãy nghe băng ghi âm các cặp từ tối thiểu trong ngoại ngữ của bạn – những cặp từ gần giống hệt nhau, chỉ khác nhau ở một âm, như niece và knees – và thử tự kiểm tra lại, đến khi nào não bộ của bạn thích ứng với những âm mới này.

• Bằng việc luyện tập, bạn sẽ dễ dàng nhận ra từ mới khi giao tiếp, và bạn sẽ dễ ghi nhớ các từ mới đó hơn.

LUYỆN MIỆNG VÀ GIÀNH LẤY CÔ GÁI1 CỦA BẠN

1. Hoặc chàng trai của bạn.

Không ai quan tâm bạn biết nhiều đến đâu, cho đến khi họ biết bạn quan tâm nhiều đến đâu.

—Theodore Roosevelt

Gần đây tôi được hỏi rằng: “Nếu tôi có bốn giờ trước khi gặp cô siêu mẫu người Campuchia, làm cách nào để chuẩn bị cho cuộc hẹn hò hiệu quả nhất?” Đây là câu trả lời của tôi: Học cách nói một câu – bất kỳ một câu nào – cho thật tốt. Hãy xem YouTube hoặc Wikipedia vài giờ đồng hồ, nhìn những bức tranh mô tả khẩu hình, và bắt chước lại các bản ghi âm cho đến khi có thể nói y như một người bản xứ trong vòng ba giây. Điều đó sẽ làm cô ấy vô cùng kinh ngạc.

Ngữ điệu chính xác có tác dụng rất mạnh, vì nó thể hiện sự đồng cảm cao nhất. Nó kết nối bạn với nền văn hóa của một người khác theo cách mà ngôn từ đơn thuần không thể làm nổi, bởi bạn đã gồng mình thay đổi cả cơ thể cũng như tâm trí để khớp với nền văn hóa ấy. Bất cứ ai cũng có thể học “bông-dua” chỉ trong vài giây. Nhưng mất thời gian để học cách phát âm “bonjour”, điều khiển từng cơ bắp, từng nếp gấp, thậm chí bề mặt họng và môi của bạn khớp với cách phát âm của người bản xứ – là một biểu hiện không thể nhầm lẫn, không thể chối bỏ và không thể cưỡng lại được của sự quan tâm.

Công bằng mà nói, ngữ điệu tốt đôi khi cũng có thể khiến bạn gặp chút rắc rối. Vài năm trước, tôi tới Nhật Bản và học được một vài câu tiếng Nhật đơn giản. Tôi nhớ mình đã tiến tới trước mặt một cô gái và hỏi thăm cửa hàng tạp hóa gần nhất. Đôi mắt cô ấy mở to hết cỡ, ngạc nhiên hết sức bởi ông Tây da trắng cao kều này có thể nói chuyện với mình bằng tiếng Nhật khá tốt. Và sau đó, cô ấy bắn ra một tràng tiếng Nhật. Tôi nhăn mặt, giơ tay lên và lắp bắp bằng tiếng Nhật: “Tiếng Nhật! Tôi! Không! Một ít thôi! Một ít ít thôi!” Cô ấy ngừng lại, mỉm cười, và chỉ về sang trái. Nhìn chung, tôi nghĩ việc luyện tập để có một ngữ điệu tốt vẫn rất đáng, dù nó có thể khiến người khác nghĩ bạn giỏi hơn thực tế.

Tình huống còn lại – có một giọng nước ngoài nặng – sẽ khiến bạn gặp rắc rối hơn nhiều. Paris đặc biệt có tiếng xấu về điều này, người ta cho rằng một câu “bông-dua” sẽ làm hỏng bữa ăn của bạn ở bất cứ nhà hàng nào.[1] Nhưng bạn cũng có thể thấy điều này ở bất cứ đâu. Những người với giọng nước ngoài nặng thường xuyên bị coi là kém ngoại ngữ hơn so với thực tế.

[1]. Tiếng xấu này ngày nay có thể không công bằng lắm. Tôi chưa từng nghe ai kể rằng gần đây họ đã tới Paris và chứng kiến bất cứ hành vi bất lịch sự nào.

Mặc dù không công bằng, nhưng nó cũng dễ hiểu. Sẽ có cảm giác không thoải mái khi bạn nói chuyện với ai đó mà không chắc người kia đang nói cái gì, hoặc có hiểu bạn không. Để cố giảm nhẹ sự thiếu thoải mái này, có thể bạn sẽ bắt đầu nói to hơn, dùng những từ đơn giản hơn, chuyển sang ngôn ngữ của họ (nếu có thể), hoặc tránh nói chuyện với người đó. Cha tôi – một cách khó hiểu – luôn bắt đầu nói bằng giọng Tây Ban Nha nặng trịch mỗi lần gọi đồ ăn từ tiệm cơm Tàu: “I LIKE-A CHEEKON FRY RICE-O PLEASE-O.” Chúng ta đều có chút khó chịu khi cảm thấy người khác không hiểu mình.

Điều này có thể phá hỏng hành trình học ngoại ngữ của bạn. Giờ đây bạn đang nói ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới (tiếng Anh). Nếu bạn cố nói tiếng Pháp và những người Pháp lại thích trả lời bạn bằng tiếng Anh, thì bạn sẽ chẳng thu chút kết quả nào.

LUYỆN MIỆNG

Hãy cùng tìm hiểu xem làm thế nào để có được ngữ điệu tốt. Tôi thường nghe, chúng ta không thể có được ngữ điệu hoàn hảo như người bản xứ khi đã qua tuổi 12. Điều này không đúng – các ca sĩ và diễn viên làm được điều đó. Chúng tôi chỉ cần quan tâm nhiều đến phát âm – bởi sẽ không ai mở hầu bao cho một ca sĩ người Mỹ hát tiếng Đức dở tệ – vậy nên chúng tôi bỏ thời gian và luyện thật chuẩn: Chúng tôi bắt đầu từ sớm, và rèn khả năng nhận thức điều gì đang diễn ra trong miệng mỗi lần nói.

Một nửa thành công của việc có được ngữ điệu tốt chẳng qua là vấn đề xác định đúng thời điểm. Các ca sĩ học phát âm đầu tiên, và do đó không phải bỏ ra hàng năm trời chiến đấu với những thói quen phát âm sai. Chúng tôi học cách nhại lại chính xác như một con vẹt trước khi hiểu nghĩa, để diễn tự tin trên sân khấu. Bạn cũng nên làm thế. Nếu đợi đến sau này mới luyện tập ngữ điệu, thì khi đó bạn đã phá hủy từng từ trong vốn từ vựng của mình hàng trăm (hoặc hàng nghìn lần) rồi. Đó là khi những sự hiểu lầm, như việc “chỉ có những đứa trẻ từ 12 tuổi trở xuống mới học được ngữ điệu chuẩn” xuất hiện, vì rất khó đảo ngược thói quen phát âm sai. Thay vào đó, khi luyện tập ngữ điệu từ sớm, bạn thường sẽ phát âm tất cả từ mới chính xác. Với mỗi từ mới được học, bạn sẽ dần củng cố các thói quen phát âm đúng, và những thói quen đó sẽ theo bạn tới hết đời.

Nếu từng học một ngoại ngữ, có những thói quen xấu đã ăn sâu trong não bạn. Con đường của bạn sẽ dài hơn, nhưng vẫn còn hy vọng. Tin xấu là: Các thói quen xấu sẽ không biến mất; chúng đã bị khắc vĩnh viễn vào một khe đá nào đó trong não bạn. Chúng ta sẽ xây dựng các thói quen mới ở những khe đá kế bên. Một khi bạn đã luyện tai và miệng đến độ có thể tạo ra các âm đúng, công việc của bạn sẽ là học từ mới bằng ngữ điệu của mình. Dần dần, bạn sẽ thấy có hai giọng nói trong đầu mình – một giọng cũ, chất lượng thấp và một giọng mới, hay tuyệt vời. Khi bạn cứ liên tục và chủ ý chọn dùng giọng mới với các từ mới, bạn sẽ củng cố các thói quen tốt của mình cho đến khi chúng trở nên quen thuộc hơn thói quen xấu. Một vài “bông-dua” thỉnh thoảng vẫn lọt qua, nhưng nhìn chung bạn sẽ có ngữ điệu chuẩn và đủ sức chinh phục trái tim cô siêu mẫu người Campuchia kia.

Vậy làm thế nào học được cách phát âm những âm mới? Tại sao các diễn viên và ca sĩ biết được những điều người khác không biết? Mọi thứ thực ra không phức tạp đến thế. Chúng tôi chỉ đơn giản biết rằng những âm mình phát ra được tạo nên bởi chuyển động của các cơ trong khoang miệng. Chúng tôi dần hình thành nhận thức về chuyển động của lưỡi và miệng, đồng thời kết hợp chúng theo vài cách mới. Ví dụ, khi bạn nói “oo”, như trong từ “Boo!”, môi bạn tạo thành một vòng tròn. Nếu bạn giữ môi ở tư thế vòng tròn đó khi bạn cố nói “ee”, như trong “see”, bạn sẽ tạo ra một âm nghe hơi kỳ lạ. Đây chính là một nguyên âm mới, và bạn có thể tìm thấy nó ở cuối những từ tiếng Pháp như fondue. Nếu luyện tập một chút, bạn sẽ có thể đóng vai một kẻ huênh hoang tại các bữa tiệc. (“Xin lỗi, bạn đã ăn gì cơ? Fawn-Dew? Chắc ý bạn là Fondue? Ồ, giờ thì tôi hiểu rồi!”).

Để làm chủ miệng mình, bạn sẽ cần thông tin. Bạn cần phải biết miệng mình đang làm gì mỗi lần nói. Thông tin này có thể sẽ khó tiếp cận, bởi nó bị giấu trong một đống thuật ngữ ngành ngôn ngữ học khó nhằn. Những thứ như âm xát vô thanh không dễ gây hứng thú cho lắm, do đó hầu hết mọi người buộc phải dựa vào thứ miêu tả tệ hại, rối rắm như: “Nó kiểu giống như ‘ch’, như khi một người Scotland nói ‘Loch’, chỉ khác là nó ở sâu hơn trong họng, như kiểu đang súc miệng ấy, sâu hơn nữa.” Tôi đã làm một loạt video trên YouTube để giúp bạn có được thông tin cần thiết về phát âm (Fluent-Forever.com/chapter3). Hãy xem chúng. Chúng sẽ ngốn của bạn 35 phút, và sau đó, bạn sẽ hiểu được miệng của mình đã làm những điều đó như thế nào.

Trong các video đó, tôi nói về một công cụ cực kỳ giá trị có tên Bảng ký hiệu phiên âm quốc tế – International Phonetic Alphabet (IPA). Dĩ nhiên, nó được tạo ra, bởi người Pháp, những người cần tìm ra cách để đối phó với việc bốn trong số năm chữ cái của từ haies (bụi cây) là âm câm (từ này được phát âm là “eh”). Bảng ký hiệu phiên âm đó làm được hai điều tuyệt vời: nó biến các ngôn ngữ thành những âm dễ đọc, và cho bạn biết chính xác làm thế nào để tạo ra mỗi âm đó.

Trong tiếng Anh, có 10 cách để ghi âm “oo” trong từ too. Trong bảng IPA, chỉ có duy nhất một cách, luôn luôn là: u.

Những cách ghi âm ngớ ngẩn của tiếng Anh: food, dude, fl u, fl ew, fruit, blue, to, shoe, move, tomb, group, through.

Những cách ghi âm tuyệt vời của IPA: fud, dud, fl u, fl u, fɹut, blu, tu, ∫u, muv, tum, grup,Ɵru.

Mỗi một ký tự IPA không chỉ là một âm, mà còn là chuỗi hướng dẫn về cách tạo ra các âm đó. Điều này cực kỳ hữu dụng. Khi bắt đầu học tiếng Hungary, tôi đã tìm kiếm các âm của nó trên Wikipedia. Tiếng Hungary có vài âm lạ, trong đó có , đơn giản mà nói thì nó là âm j trong từ jar của tiếng Anh, nếu bạn giữ phần đầu lưỡi chạm vào phía dưới của răng. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với người Hungary về điều này, và chưa ai từng chỉ cho tôi biết phải đặt lưỡi mình ở vị trí kỳ lạ đó. Các ký tự của bảng IPA tự chúng đánh vần ra giúp tôi, và chúng cũng có thể làm điều đó giúp bạn nữa.

Có hai rào cản trên đường đến đó: Bảng IPA thường chứa những biệt ngữ khó nhằn, và sử dụng những ký hiệu trông rất kỳ lạ. Tôi không thể bỏ được các ký hiệu kỳ lạ – tiếng Anh dùng 26 chữ cái để viết 42 âm, một bảng ký hiệu phiên âm cần phải có thêm các ký hiệu khác – nhưng tôi có thể chỉ cho bạn cách để lách qua đám biệt ngữ. Nhìn chung, bạn chỉ cần ba mảng thông tin để tạo nên bất cứ một âm nào: Bạn cần biết phải làm gì với lưỡi, môi và dây thanh âm của mình, và không có quá nhiều lựa chọn đâu. Dây thanh âm của bạn chỉ có thể rung lên hoặc là không. Chỉ có thế – đó là sự khác biệt duy nhất giữa “ssss” và “zzzz”. Khi phát âm các nguyên âm, môi bạn về cơ bản hoặc tròn lại như âm “oo”, hoặc không. Chỉ có thế. Phần còn lại của bảng IPA tập trung vào vị trí và hành động của lưỡi.

Trong Phụ lục 4, tôi cung cấp cho bạn một bảng giải mã IPA. Bất cứ khi nào gặp phải một âm lạ không hiểu nổi, bạn có thể mở trang Wikipedia về ngoại ngữ đang học (ví dụ, “IPA cho tiếng Tây Ban Nha” hoặc “IPA cho tiếng Swahili”) và so sánh nó với bảng giải mã của tôi. Bảng đó sẽ cho bạn biết phải làm gì với lưỡi, môi và dây thanh âm của mình. Bạn có thể sử dụng bảng này như một thiết bị giải mã vạn năng với khả năng phiên dịch những từ như mjöður thành một chuỗi vị trí của lưỡi, môi và dây thanh âm. Khi kết hợp với đôi tai mới luyện, bạn sẽ dễ dàng bắt chước lại các âm mới trong ngoại ngữ.

BACK-CHAINING — PHƯƠNG PHÁP CHUỖI NGƯỢC: LÀM THẾ NÀO ĐƯA NHỮNG TỪ KHÓ ĐỌC VÀO MIỆNG BẠN?

Vậy là bạn đã chăm chỉ học từng âm một, bạn mở tung cuốn sách giáo khoa, và đụng ngay phải một từ tiếng Đức như: “Höchstgeschwindigkeitsbegrenzung” (giới hạn tốc độ). Giờ sao đây? Mỗi âm này không đặc biệt khó, nhưng giờ làm thế nào để khiến lưỡi của bạn nhảy qua được quá nhiều vòng liên tục thế này?

Hãy đi ngược lại. Hãy đọc phần cuối của từ đó trước, sau đó thêm dần từng chữ cái cho đến khi hết cả từ. Hãy cùng thử với từ “co rúm” trong tiếng Nga (như kiểu “Tôi co rúm cả người lại mỗi lần thấy từ này”), vzdrognu. Không hiểu làm thế nào mà từ này ghép được bốn phụ âm liên tiếp lại với nhau trước khi có thể đến được nguyên âm đầu tiên. Chúng ta sẽ đi ngược lại. Bạn có thể sẽ gặp khó khăn lớn với việc cố nói vzdrognu, nhưng bạn có thể nói “nu”. Giờ bạn có thể thêm một chữ nữa vào trước nó và thử tập nói “gnu”. Khi điều đó đã trở nên thoải mái, hãy tiếp tục làm vậy, mỗi lần một chữ cái:

o… gnu… ognu r… ognu… rognu d… rognu… drognu

z… drognu… zdrognu (cái này hơi khó – hãy bắt chước tiếng con ong – “zzzzz” – và sau đó nói “drognu”. Zdrognu!) v… zdrognu… vzdrognu (cũng tương tự: “v.v..zzzzzz-drognu.” Giờ hãy thử nói 10 lần thật nhanh xem nào.)

Đây được gọi là phương pháp “back-chaining”, phương pháp chuỗi ngược, và là mẹo truyền đời của giới ca sĩ, để tạo nên những điều kỳ diệu bằng chiếc lưỡi của mình. Bạn đang dùng ký ức của cơ để lừa cho lưỡi làm được thứ nó không thể làm trước đó. Trong khi lưỡi không thể làm được tám chuyển động mới cùng một lúc, nó có thể tạo nên sự kết hợp mới của hai âm quen thuộc. Nếu chia những từ mới dài và khó thành những cụm nhỏ, dễ đọc, bạn sẽ thấy lưỡi mình lập được những kỳ tích chuyển động.

MẸO LƯỠI

Phương pháp chuỗi ngược này, tình cờ, chính là cách — ăn gian — trong trò “câu đố uốn lưỡi” (dạng câu đố bắt bạn phải nói đúng hoặc nhanh các cụm từ khó phát âm). Bạn có thể dùng cách này để kết hợp các từ với nhau, cũng giống như cách bạn có thể dùng nó để nối các chữ cái. Nếu muốn một thử thách thực sự, hãy thử câu đố uốn lưỡi kinh điển này trong tiếng Séc: Strcˇprst skrz krk (câu này, cũng rất hợp lý, có nghĩa là “Hãy thọc ngón tay vào sâu trong cổ họng của bạn.”)

Bạn sẽ tự hỏi tại sao chúng ta lại phải đi ngược thế. Xét cho cùng, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu với “v” và tiến tới “vz”, “vzd”, “vzdr” và cứ thế. Đúng là bạn có thể làm thế, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, cách đó không hiệu quả bằng. Với việc đi ngược từ cuối lên, bạn đang luyện lại phần cuối của từ mỗi lần thêm vào một chữ mới. Điều này khiến việc hoàn thành từ đó chính xác và tự động một cách dễ dàng. Vì thế, bạn chỉ cần tập trung một chút vào phần đầu tiên (H…), sau đó để lưỡi mình ở chế độ tự động với phần còn lại của từ (…öchstgeschwindigkeitsbegrenzung!) Bằng cách làm cho phần cuối của một từ trở nên dễ dàng và quen thuộc, bạn sẽ không bao giờ bị lạc đường tới đó.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Tạo ấn tượng tốt là việc quan trọng, và ngữ điệu là thứ tạo ấn tượng đầu tiên với mọi ngôn ngữ. Ngữ điệu tốt có thể tạo nên sự khác biệt giữa cuộc nói chuyện bắt đầu bằng tiếng Pháp và kết thúc bằng tiếng mẹ đẻ, với cuộc nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Pháp.

• Hãy cải thiện ngữ điệu bằng cách học những nguyên liệu cơ bản — vị trí của lưỡi, môi và dây thanh âm — đối với mỗi âm mới bạn cần phát âm. Bạn có thể tìm những thông tin đó trong Bảng Ký hiệu phiên âm quốc tế.

• Nếu bạn gặp phải cụm âm khó đọc, hãy lần ngược lại từng chữ từ cuối lên cho đến khi lưỡi bạn có thể phát âm tự động.

LUYỆN MẮT THẤY ĐƯỢC NHỮNG QUY LUẬT

I have a spelling checker,

It came with my PC.

It plane lee marks four my revue

Miss steaks aye can knot sea.

Eye ran this poem threw it,

Your sure reel glad two no.

Its vary polished in it’s weigh.

My checker tolled me sew…

(Đoạn thơ trên sử dụng các từ đồng nghĩa trong tiếng Anh. Nếu chỉ nghe mà không nhìn vào chữ, bạn có thể viết ra đoạn thơ chuẩn vô cùng dễ hiểu. Hãy thử xem!)

— Jerrold H. Zar, Candidate for a Pullet Surprise (trích)

Bạn đã biết cách luyện tai để có thể nghe âm mới, và luyện miệng để phát âm. Nhưng làm thế nào bạn biết chính xác âm cần nói ra là âm nào? Bằng cách nào đó, bạn phải kết nối được hệ thống chính tả trong ngoại ngữ với miệng và tai mình.

Giờ hãy đợi một chút. Nếu bạn chỉ muốn học nói thì sao? Trẻ con học ngoại ngữ chẳng bao giờ cần phải học đọc trước. Vậy sao người lớn lại không thể làm thế?

Chúng ta có thể, chỉ là cách đó tốn thời gian và tiền bạc. Trẻ con học nói bằng cách nghe và nhìn những người lớn nói ngôn ngữ đó trong hàng nghìn hàng nghìn giờ. Người ta vô tình làm điều đó miễn phí cho lũ trẻ, nhưng thường cố tình ép bạn mở hầu bao.

Trong khi đó, ngôn ngữ dưới dạng chữ viết lại vô cùng nhiều và miễn phí. Kể cả nếu không bao giờ có ý định đọc một cuốn sách bằng tiếng Pháp, bạn vẫn có thể kiếm được hàng nghìn ví dụ với hình ảnh minh họa từ Google Hình ảnh cho mỗi từ trong ngoại ngữ bạn học. Đây là một nguồn tài liệu quá lớn, không nên bỏ qua. Vấn đề với tài liệu chữ viết là nguy cơ gặp phải những từ ngữ chưa hoàn chỉnh – những từ như Dekart và Descartes – và đây là vấn đề mà chúng ta phải khắc phục.

Với mỗi ngôn ngữ, thử thách này lại khác nhau, bởi mỗi ngôn ngữ có một mức độ tương hợp không giống nhau giữa chính tả và cách phát âm của âm đó. Tiếng Anh là một trong những kẻ “phạm luật” kinh khủng nhất khi nói đến cách viết – nhưng nó cũng vận hành theo một bộ quy tắc ổn định; đó là lý do tại sao bạn có thể dự đoán được cách phát âm của những từ hoàn toàn mới như: ghight, phime và moughtation. Kể cả trong tiếng Trung Quốc, thứ tiếng mà mỗi chữ đại diện cho cả một từ thay vì cho cách phát âm, bạn vẫn sẽ thấy những chữ này thường chứa gợi ý về cách phát âm, một tính năng cho phép người Trung Quốc bản xứ (và những người học tiếng Trung Quốc ở trình độ cao) có thể dự đoán được cách phát âm của những chữ mới. Mỗi ngôn ngữ đều có quy luật riêng, và công việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu nắm được những quy luật đó.

Công việc này có thể dễ như ăn bánh nếu chúng ta biết mình đang làm gì. Chúng ta rất giỏi nắm bắt quy luật – kể cả một đứa bé năm tuổi (ở một nước nói tiếng Anh) cũng biết rằng dogs phát âm là dogz và cats đọc là cats. Điều kiện tiên quyết để học quy luật mới là: Phải nhận ra nó khi nó xuất hiện.

Chúng ta có thể nhận ra các quy luật bằng nhiều cách – ví dụ, nghe bản ghi âm của mọi từ mới – nhưng cách tốt nhất là dùng bảng ký hiệu phiên âm. Nói vậy không có nghĩa là các bản ghi âm không giúp ích được gì. Tôi nghĩ chúng là nguồn học liệu tuyệt vời (và thậm chí còn cần thiết nữa)! Chỉ có điều, đôi khi chúng ta cần phải biết rằng mình đang nghe cái gì, thì mới thực sự nghe được. Chúng ta đã được thấy một bảng ký hiệu phiên âm tốt – bảng IPA – nhưng sử dụng bảng nào không quan trọng bằng việc thông tin mà nó truyền tải là gì. Bạn có thể dùng luôn cả những bảng phiên âm kiểu “bông-dua”, miễn là bạn biết chính xác âm đó đọc lên thế nào từ miệng của một người Pháp.1 Chúng ta cần tìm cách thấy được những gì chúng ta đang nghe và, cũng quan trọng không kém, thấy được những gì chúng ta chưa nghe ra.

1. Nhưng thôi, nói nghiêm túc đấy, đừng dùng những phiên âm kiểu “bông-dua”.

NHỮNG GỢI Ý PHÁT ÂM TRONG TIẾNG TRUNG QUỐC

Hơn 80% các từ trong tiếng Trung Quốc có chứa những gợi ý về phát âm. Ví dụ, chữ — mù — (gột rửa) có chứa một chữ nhỏ là từ chỉ cái cây — — cũng được phát âm là “mù”. Khi bạn đã phát triển cảm giác với những chữ tiếng Trung, bạn có thể đoán được phát âm của một chữ mới một cách tương đối đúng — bạn có thể đoán ra được “pang” khi phát âm chuẩn của nó là “bang”. Các chữ trong tiếng Trung Quốc cũng có thể gợi ý ra cả nghĩa của nó: — mù (gỗ/cây), — sēn (rừng). Nó là một hệ thống chữ viết rất gọn gàng.

Đôi mắt chúng ta là một nguồn thu ngôn ngữ đầu vào (input) cực mạnh. Nếu không cẩn thận, chúng có thể đánh lừa đôi tai rơi vào trạng thái thiếu tập trung, ngăn chúng ta học quy luật cần thiết. Tôi từng giới thiệu cho một người bạn bộ thẻ học tiếng Pháp trên máy tính của tôi. Nó có hình ảnh một con mèo với chữ “chat” bên dưới và một bản ghi âm.

“Shah,” đoạn băng phát lên (âm cuối t là âm câm).

“Shot,” bạn tôi lặp lại.

“Không, là ‘shah’,” tôi sửa.

“Ồ, được thôi,” anh ấy trả lời. “Shaht.”

Tôi gặp phải vấn đề này rất nhiều lần với các học sinh học tiếng Anh. Cực kỳ khó để giúp một học sinh nói được từ “lissen” khi cậu ta nhìn thấy từ được viết ra là “listen”. Vấn đề này biến mất ngay khi tôi dạy học sinh bảng ký hiệu phiên âm. Không ai phát âm âm t trong từ “listen” khi họ đọc thấy /lisn/.

Khi học một ngoại ngữ, tôi thường sử dụng kết hợp cả các đoạn băng ghi âm và bảng ký hiệu phiên âm, ít nhất cho đến khi anh chàng nói tiếng Pháp trong đầu tôi bắt đầu nói được một cách có vẻ rất Pháp. Sau đó, tôi sẽ dừng việc sử dụng các đoạn ghi âm và chỉ dựa vào bảng ký hiệu phiên âm. Nếu ngoại ngữ mà tôi học rất dễ phát âm, tôi sẽ bỏ luôn cả bảng ký hiệu phiên âm khi thấy đủ tự tin với khả năng phát âm của mình.

Bạn có cần phải học một bảng ký hiệu phiên âm mới không? Không nhất thiết, đặc biệt là khi ngoại ngữ bạn học có những quy tắc đơn giản và chặt chẽ cho cách viết chính tả của các từ, ví dụ như tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Hungary. Khi đó, bạn có thể chỉ dựa vào các đoạn băng ghi âm. Nhưng kể cả với những ngoại ngữ này, bảng ký hiệu phiên âm vẫn có thể khiến công việc của bạn đơn giản hơn theo hai cách: Nó giúp bạn nhìn thấy và nghe được bất cứ khi nào một quy luật phát âm mới xuất hiện – khi bạn đọc thấy wugs nhưng sẽ phát âm là “wugz” – và nó cho bạn thêm một cách để nhìn vào cùng một thông tin. Bởi bản chất trí nhớ rất kỳ lạ, điều này sẽ giúp công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn. Bằng cách học nhiều hơn, bạn sẽ phải làm việc ít hơn.

Nhiều hơn lại ít hơn: Nghịch lý của việc học

Nhìn bề ngoài, bạn có quá nhiều việc để làm. Bạn đang xây dựng các kết nối giữa tai, miệng, cách viết của các từ, và một bảng ký hiệu phiên âm. Tôi đã hứa với bạn một phương pháp đơn giản, nhanh chóng, và đã cung cấp cho bạn một loạt các thứ mới để học. Thay vì “rue”, phát âm là “rew” (đường phố), tôi lại cho bạn thứ này:

r

Cách viết trong tiếng Pháp: Chỉ là “r”

Biểu tượng trong IPA: Chữ R viết ngược:

Vị trí của lưỡi (Phụ lục 4): phần cuối của lưỡi chạm lưỡi gà (uvula), lùi xa hơn một chút so với “k”.

Loại phụ âm (Phụ lục 4): Âm rung (Trill). Để lưỡi gà (uvula) của bạn đập lên và xuống vào lưỡi bạn thật nhanh.

Dây thanh âm (Phụ lục 4): Rung

ue

Biểu tượng trong IPA: “y”

Vị trí của lưỡi (Phụ lục 4): lưỡi cao và lên trên, như “ee”

Môi (Phụ lục 4): thành một vòng tròn, như “oo”

Chúng ta thậm chí còn chưa tới được đoạn “đường phố” nữa. Cái quái gì vậy?

Tôi đang cố tình làm thế, và đây là lý do: Càng học nhiều về một thứ gì đó, bạn càng dễ làm chủ, và về lâu dài sẽ càng phải tốn ít thời gian hơn cho nó. Nếu bạn đang cố biến các âm “lạ” trong ngoại ngữ trở nên quen thuộc, vậy thì con đường ngắn nhất, dễ nhất là học nhiều hết mức có thể về những âm đó.

Hiện tượng này xuất hiện ở mọi môn học. Khi còn nhỏ, tôi rất thích môn toán. Nó rất gọn gàng, bởi mọi thứ đều kết nối với nhau. Bạn tập nhớ rằng 3×4 là 12, và rồi bạn học rằng 4×3 cũng là 12, và cuối cùng nhận ra rằng có thể hoán đổi thứ tự của hai số bất kỳ mà bạn đang nhân. Bạn thấy rằng 3×4 và 4×3 là ví dụ của một thứ lớn hơn rất nhiều – một thứ quy luật trừu tượng, bay lơ lửng trên các con số, có tên phép nhân – và mọi ví dụ mới đều giúp bạn gói ghém thêm các quy luật trôi lơ lửng đó vào đầu mình. Quy luật đó thay đổi và trở nên tinh tế hơn qua từng điều nho nhỏ bạn học được. Sớm thôi, bạn bắt đầu nhận ra mối liên kết giữa phép nhân và phép chia, giữa phép nhân và phép lũy thừa, và giữa phép nhân và phân số. Dần dần, quy luật khổng lồ trôi nổi về phép nhân của bạn trở thành một phần của quy luật trôi nổi còn lớn hơn nữa – vũ trụ toán học.

Miễn là tôi có thể kết nối mọi điều mới tôi học với vũ trụ này, tôi còn thấy dễ dàng học toán. Tôi cũng nhận ra rằng bạn cùng lớp, những người gặp khó khăn với toán, không phải đang chật vật chỉ với môn toán; họ còn chật vật với các kết nối. Họ đang cố nhớ những đẳng thức, nhưng chưa ai chỉ cho họ thấy cách các đẳng thức đó kết nối với tất cả những thứ còn lại họ đã học như thế nào. Và thế là họ đi tong.

Ở một điểm nào đó trên hành trình, sự kết nối của vũ trụ toán học đã bị phá vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, và họ đang cố học từng mảnh độc lập này – một cách học cực kỳ khó. Ai có thể nhớ được công thức tính thể tích lăng trụ lục giác cơ chứ? Làm sao bạn có thể khiến mình quan tâm đủ nhiều để thực sự nhớ?

Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn có thể thấy cách chúng liên quan đến nhau – cách phép nhân kết nối với diện tích của hình chữ nhật, cách diện tích của các hình chữ nhật kết nối với các hình tam giác và hình thang, và cách thể tích của một khối lăng trụ có kết nối ngược lại với phép nhân. Tôi không cần phải học thuộc lòng các công thức; chúng chỉ là những ví dụ của một thứ lớn hơn rất, rất nhiều.

Toán có thể khó học bởi cùng một lý do với việc học ngoại ngữ. Đến một điểm nào đó trên hành trình, bạn bỏ lỡ mất một kết nối, và nếu không ai đi ngược lại, cầm lấy tay bạn, và chỉ ra kết nối đó, thì đột nhiên bạn sẽ bị kẹt mãi mãi với việc học thuộc lòng những công thức khó hiểu.

Chúng ta biết lý do dẫn đến điều này vì đã bàn đến bản chất của trí nhớ. Mỗi lần kết nối hai ký ức, chúng ta củng cố cả hai ký ức đó – các nơ-ron nào được kích hoạt cùng với nhau sẽ kết nối lại với nhau. Nếu bạn học được rằng chữ “è” trong từ mère (mẹ) của tiếng Pháp được đọc là “eh”, vậy là bạn đã tạo ra được một kết nối. Nếu sau đó bạn học được rằng chữ ai trong lait (sữa) cũng được đọc là “eh”, vậy là bạn đã tạo ra được ba kết nối: “eh” kết nối với lait, “eh” kết nối với mère, và lait kết nối với mère. Ba kết nối này sẽ dễ nhớ hơn rất nhiều kết nối đầu tiên è = “eh” của bạn. Bằng cách gắn thêm nhiều mảng, học ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn. Bạn đang học nhanh hơn, có nghĩa là ít việc hơn về lâu dài.

Tất nhiên, vẫn có những giới hạn. Có một nghệ thuật trong việc xây dựng các ký ức là sự cân bằng. Bạn có thể dành nhiều ngày ròng học những thông tin vặt vãnh về “eh”, nhưng không chắc nó giúp bạn học được tiếng Pháp. Mặt khác, nếu bạn bỏ qua nó, và tôi chỉ đơn giản bảo bạn hãy học một núi từ tiếng Pháp, bạn sẽ quay trở lại lớp học toán, ngồi học thuộc lòng những công thức. Làm thế nào để xác định được khi nào thì nhiều hơn là ít hơn, và khi nào thì nhiều hơn đơn giản là nhiều hơn?

Chìa khóa quan trọng ở đây là sự liên quan. Nếu bạn thấy một thứ có vẻ hữu dụng, vậy thì nó đáng học. Nếu không, nó không đáng học. Trong Phụ lục 4, tôi có cung cấp cho bạn một bảng giải mã cho toàn bộ bảng IPA, nhưng nếu cuốn sách dạy ngoại ngữ ưa thích của bạn không dùng đến các biểu tượng IPA, vậy thì đừng ghi nhớ các biểu tượng IPA làm gì (chỉ dùng chúng để tham khảo thôi).1 Nếu bạn đã biết cách phát âm “ee” rồi (và bạn chắc chắn đã biết rồi, nếu đã đọc đến đây), vậy thì bạn không cần phải lo lắng đến vị trí lưỡi của mình nữa. Mặt khác, nếu một âm nghe có vẻ lạ và khó, vậy thì hãy say sưa với nó. Học tất cả mọi thứ. Hãy học cách viết, cách nói trong miệng, mối liên quan của nó với các âm khác bạn đã biết. Hãy xem cuốn sách dạy ngoại ngữ hoặc cuốn từ điển của bạn để biết chúng được ký âm như thế nào. Hãy tìm vài từ ví dụ có chứa âm đó. Hãy làm bất cứ thứ gì có thể, bạn càng làm nhiều, công việc sẽ càng ít đi. Đó là một phép màu.

1. Công bằng mà nói, bảng giải mã của tôi vẫn còn thiếu một vài âm trong IPA, nhưng có lẽ bạn cũng sẽ không cần mấy âm click chỉ thấy trong vài thứ tiếng ở châu Phi đâu.

NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ

• Mỗi một ngôn ngữ đều chứa các quy luật kết nối giữa cách viết chính tả và cách phát âm. Nếu bạn có thể thuần thục các quy luật đó và làm cho chúng trở nên tự động, bạn sẽ tự tiết kiệm được rất nhiều công sức.

• Cách đơn giản nhất để thuần thục các quy luật đó là dùng hệ thống nhắc lại cách quãng của bạn. Hãy tạo các thẻ học để ghi nhớ mọi quy tắc trong cách viết mà bạn cần.

• Hãy tiếp cận những âm mới và những quy luật phức tạp ở càng nhiều góc độ càng tốt — từ cách viết đến cách phát âm, thậm chí đến từng vị trí của miệng cho mỗi âm. Bạn đang lợi dụng một đặc điểm kỳ lạ của việc học: Càng học được nhiều mảnh nhỏ, bạn càng tốn ít công sức để học chúng.

HÃY LÀM ĐIỀU NÀY NGAY: HỌC HỆ THỐNG PHÁT ÂM TRONG NGOẠI NGỮ CỦA BẠN

Không cần thiết phải tốn nhiều thời gian mới học được hệ thống phát âm của một ngôn ngữ. Nếu bạn đang bắt đầu học một ngoại ngữ, tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn, bạn có thể nghe vài bản ghi âm, nhìn vào vài từ ví dụ của mỗi cách viết khác nhau, và sau đó học sang từ vựng. Nếu bạn đang học tiếng Ả Rập, thì bạn có thêm một chút việc nữa để làm.

Nhưng “làm việc” là một từ quá mạnh. Tôi nhận thấy “làm việc” với các âm thanh rất vui và thú vị, và tôi không tin rằng tôi thấy thế chỉ vì tôi là ca sĩ. Ngược lại có vẻ đúng hơn. Âm thanh là cách kết nối suy nghĩ với cơ thể mình. Chúng ta thấy một con đại bàng trên bầu trời, chúng ta quay sang một người bạn, lưỡi chúng ta đẩy lên cao, môi chúng ta bật mở, và dây thanh âm của chúng ta làm việc. “Đại bàng!” Để diễn đạt lại câu của Rousseau theo một cách khác, khi học được một ngữ điệu, chúng ta đang thu lấy linh hồn của ngôn ngữ. Đây không phải là làm việc, đây là sự sẻ chia, đồng cảm.

Hãy cùng bắt đầu nào. Ở phía cuối cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy một phần có tên Phòng trưng bày. Ở đó, bạn sẽ học được cách làm các thẻ học phát âm, nhưng việc bạn dùng chúng như thế nào (và liệu bạn có dùng chúng hay không) phụ thuộc vào việc bạn chọn con đường nào.

Có hai con đường cơ bản để đi qua phần phát âm: Con đường cơ bản và con đường không chính thống. Con đường cơ bản dùng đến những tài liệu học tập đã được xuất bản: hoặc sách ngữ pháp với đĩa CD hoặc một bộ sách/CD đặc biệt được dành riêng cho việc luyện phát âm. Nếu cuốn sách ngữ pháp của bạn đi kèm với các bản ghi âm, rất có thể nó cũng sẽ chứa một loạt các bài giảng phát âm rải rác trong khắp cuốn sách. Hãy lờ đi tất cả các phần từ vựng và ngữ pháp trong đó và bắt đầu ngay vào phần phát âm. Ở đó, hãy nghe và bắt chước lại các đoạn băng, sau đó chuyển sang bài phát âm tiếp theo cho đến hoàn tất. Nếu cuốn sách ngữ pháp của bạn chỉ có chữ và không có đĩa CD, hãy cân nhắc đến việc mua một cuốn chuyên dạy phát âm với đĩa CD đi kèm, và luyện tập hết từ đầu đến cuối. Nếu bạn cần sự trợ giúp để nhớ một âm hoặc một cách viết đặc biệt nào đó, bạn có thể chọn và lấy bất cứ thẻ học nào từ Phòng trưng bày.

Con đường không chính thống sử dụng các công cụ chúng ta đã bàn đến – các bài kiểm tra cặp từ tối thiểu để luyện tai, dùng bảng IPA để luyện miệng, và hệ thống nhắc lại cách quãng để đưa chúng vào đầu – đồng thời xây dựng một bộ công cụ luyện phát âm từ chúng. Những bộ công cụ luyện tập này kiểm tra khả năng nghe cho đến khi bạn có thể nghe được những âm của ngoại ngữ đang học, kết nối được những âm đó với các quy tắc chính tả, và sau đó nhập hết các thông tin này vào đầu bạn thông qua hệ thống nhắc lại cách quãng.

Tôi đã giúp công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn bằng cách làm hết các việc vất vả và tẻ nhạt; tôi đang cấp tập tạo các bộ công cụ luyện phát âm cho nhiều ngôn ngữ nhất. Nếu trong những việc tôi làm, có thứ phù hợp với ngoại ngữ bạn đang học, hãy kiếm nó về ngay. Những bộ công cụ này rẻ hơn sách hướng dẫn phát âm, và có thể làm tốt hơn (và nhanh hơn) con đường cơ bản. Nếu dùng chúng, bạn sẽ không cần làm bất cứ thẻ học nào lúc này; chỉ cần tải chúng xuống, cài đặt, và chỉ trong vài tuần, bạn sẽ làm chủ được việc phát âm.

Nếu tôi chưa làm được bộ công cụ luyện phát âm cho ngoại ngữ bạn chọn học (hoặc nếu bạn thích tự làm mọi thứ một mình), vậy thì hãy chuyển ngay tới Phòng trưng bày đầu tiên. Ở đó tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm một bộ công cụ luyện phát âm của riêng mình trong chỉ vài giờ. Bạn sẽ sử dụng kết hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau.

Các nguồn tài liệu

CHUYẾN THAM QUAN NHANH NHỮNG CÔNG CỤ LUYỆN PHÁT ÂM (ĐƯỜNG DẪN CÓ TẠI FLUENT-FOREVER.COM)

Tài liệu về phát âm là một mớ lộn xộn. Một số cuốn sách bắt đầu với một chương chi tiết dành trọn cho bảng chữ cái, hệ thống chữ viết, và phát âm, với CD chứa đầy cách phát âm của từng âm vị, các cặp từ tối thiểu, các từ ngữ ví dụ, và cả các câu ví dụ. Lại có những cuốn khác chỉ cung cấp cho bạn một câu tóm tắt chung chung (“Một số nguyên âm trong tiếng Pháp là âm mũi”). Đây là những thứ bạn có thể dễ dàng tìm thấy:

Nguồn tài liệu miễn phí:

Công cụ quan trọng! – Forvo.com (cung cấp miễn phí các bản ghi âm từ). Trước nhất, hãy làm quen với Forvo.com. Cung cấp các bản ghi âm của hơn 2 triệu từ trong 300 ngôn ngữ khác nhau do người bản xứ đọc, miễn phí. Một khi bạn đã bắt đầu làm thẻ học, Forvo sẽ trở thành người bạn thân mới của bạn. Nếu bạn đang sử dụng Anki, hãy đưa các bản ghi âm từ Forvo vào thẻ học. Nếu bạn đang sử dụng một chiếc hộp Leitner, hãy ôn lại danh sách từ cần học ít nhất một tuần một lần, đọc to các từ mới nhất lên, sau đó bật các bản ghi âm của các từ đó trên Forvo, và nếu âm bạn đọc không giống băng, hãy làm lại cho đến khi nào giống thì thôi. Một khi đã liên tục phát âm chính xác, bạn có thể dừng việc kiểm tra lại với Forvo kiểu này, nhưng cho đến lúc đó, hãy sử dụng nó thường xuyên. Không có lý do gì để thuần thục một ngoại ngữ với khả năng phát âm tồi, bởi sẽ không ai nói nó cùng với bạn đâu.

Rhinospike.com (cung cấp miễn phí bản ghi âm cho các ví dụ): Rhinospike là một trang web tiện dụng để tìm các đoạn băng do người bản xứ đọc. Bạn gửi lên một đoạn chữ viết, ai đó sẽ đọc và ghi âm cho bạn, thường trong khoảng 24 tới 48 giờ. Nếu sách dạy ngoại ngữ của bạn có một danh sách các cặp từ tối thiểu nhưng không đi kèm với bản ghi âm, bạn có thể kiếm ai đó trên Rhinospike để ghi âm giúp. Đây cũng là nơi tuyệt vời để kiếm bản ghi âm những câu đầy đủ với ngữ điệu chuẩn, vậy nên nếu sách dạy ngoại ngữ của bạn có các câu ví dụ, hãy tải chúng lên Rhinospike.

MỘT GỢI Ý CHO TRANG RHINOSPIKE

Yêu cầu cho bản ghi âm bạn cần sẽ được đáp ứng nhanh hơn nếu bạn đọc và ghi âm lại thứ gì đó bằng tiếng Anh cho một ai đó khác. Đây là cách trang này khuyến khích mọi người ghi âm.

Công cụ quan trọng! – Loạt video dạy phát âm của tôi trên YouTube (Fluent- Forever.com/chapter3): Hãy xem chúng. Chúng hướng dẫn bạn tham quan một vòng tất cả những điều cần biết về miệng bạn và bảng IPA. Chúng khiến việc phát âm trở nên dễ hiểu, và cung cấp cho bạn một trong những công cụ phát âm mạnh mẽ nhất, bảng IPA.

Công cụ quan trọng! – Bảng IPA của Wikipedia cho tiếng Tây Ban Nha, Pháp, v.v.. là công cụ tôi đã từng nhắc. Bạn có thể sao chép tất cả những từ ví dụ của nó cho mỗi âm, và kết hợp với Phụ lục 4 để được hướng dẫn các vị trí miệng giúp đọc lên bất cứ âm lạ nào trong ngoại ngữ của bạn.

Từ điển trực tuyến (Wiktionary.org): Wiktionary đang trở thành nguồn tài liệu tuyệt vời cho rất nhiều ngôn ngữ, với phần ghi chú phát âm bằng ký hiệu IPA cho rất nhiều từ.

Từ điển trực tuyến (các từ điển khác): Mỗi ngôn ngữ đều có một vài từ điển trực tuyến, và một số có chất lượng rất tốt. Trên trang web của tôi có ghi lại đường dẫn đến những từ điển trực tuyến tốt nhất. Các từ điển số hóa kèm thông tin phát âm là thứ rất tiện dụng nếu bạn đang sử dụng Anki; bạn có thể gõ từ vào ô tìm kiếm, sao chép thông tin phát âm, và tích hợp vào thẻ học.

YouTube chứa những nguồn tài liệu lẫn lộn và không phải lúc nào cũng có chất lượng tốt, nhưng tôi thấy nó đặc biệt hữu dụng cho những câu hỏi như “Làm thế nào để uốn lưỡi cho âm r của tiếng Tây Ban Nha?” Bạn không phải lúc nào cũng được lắng nghe từ các chuyên gia, nhưng vẫn sẽ được nghe lời khuyên tốt của những người bản xứ.

Viện Nghiệp vụ Ngoại giao Hoa Kỳ (fsi-language-courses.org) cung cấp sách dạy 41 ngoại ngữ, tất cả đều miễn phí và mở (không vi phạm bản quyền nếu tải về), hầu như tất cả đều có đi kèm với các tệp MP3, và khoảng một nửa trong số các sách này bắt đầu với phần dạy chi tiết về phát âm, đủ cả các cặp từ tối thiểu, quy tắc cách viết chính tả của các âm và bài tập. Những sách này đã cũ và một vài cuốn cực kỳ chán, nhưng rất nhiều cuốn có các bản ghi âm cực tốt. Nếu cố gắng không buồn ngủ thì bạn sẽ có tất cả những thông tin cần thiết.

Nguồn tài liệu trả phí:

Các bộ công cụ luyện phát âm của tôi (Fluent-Forever.com/chapter3) cung cấp cho bạn các bài kiểm tra cặp từ tối thiểu, quy tắc đánh vần, các từ ví dụ, đầy đủ từ vựng để khắc sâu âm thanh và quy tắc chính tả của các âm. Chúng chạy trên Anki, và trong suốt quá trình sử dụng, bạn cũng sẽ hiểu cách dùng Anki như thế nào (và bạn sẽ sẵn sàng tự làm thẻ học cho mình).

Italki.com giúp bạn liên lạc với những người bản xứ sẵn sàng nói chuyện cùng, hoặc giúp bạn tập nói chỉ với một khoản phí rất nhỏ, hoặc để đổi lại việc bạn nói tiếng Anh với họ trong một khoảng thời gian tương tự. Bạn có thể dành một tiếng ôn lại các từ đã học với họ và nhờ họ sửa lại cách phát âm, điều có thể giúp ích rất nhiều cho việc học của bạn.

Một cuốn sách hướng dẫn phát âm tốt sẽ đi kèm với đĩa CD, cung cấp sơ đồ vị trí của lưỡi và miệng, đồng thời giúp bạn từng bước vượt qua hệ thống phát âm. Những cuốn tốt nhất luôn đi kèm với các bài kiểm tra cặp từ tối thiểu. Nếu ngoại ngữ của bạn không có chúng thì quả là đáng tiếc.

Một bộ sách kèm đĩa CD cực tốt bắt đầu với cuốn hướng dẫn phát âm và cung cấp mọi thứ bạn cần.

Một cuốn từ điển tốt sẽ hướng dẫn bạn bảng ký hiệu phiên âm, thậm chí có thể bắt đầu với việc hướng dẫn quy tắc chính tả. Nếu bạn mua một cuốn từ điển giấy với thông tin phát âm từng từ rõ ràng, thì bạn có thể dễ dàng lấy ra ví dụ khi làm thẻ học.

Với những người ở trình độ trung cấp

Một số người học ở trình độ trung cấp rất may mắn. Họ được học với những giáo viên luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các thói quen phát âm chuẩn, và do đó tự tạo dựng được nền móng vững chắc. Họ dễ dàng nghe ra các âm khác nhau của ngoại ngữ, phát âm của họ tốt, và họ đã phát triển được cảm giác trực giác về mối liên hệ giữa cách phát âm và chính tả. Những người khác thì không được may mắn thế.

Bạn cần tự đánh giá trung thực năng lực bản thân. Sau đó, bạn có thể chọn lấy công cụ cần thiết. Nếu bạn gặp khó khăn với việc phân biệt giữa các âm gần giống nhau trong ngoại ngữ (ví dụ, sự khác biệt giữa roux và rue trong tiếng Pháp), vậy thì bạn nên sử dụng các bài kiểm tra cặp từ tối thiểu. Hãy dùng một trong các bộ công cụ luyện phát âm của tôi, chúng được làm ra để dành cho những lúc như thế này.

Nếu bạn đã có thể nghe thấy các âm, nhưng vẫn gặp khó khăn với việc phát âm, vậy hãy ghé qua Phụ lục 4, hoặc kiếm một gia sư trên italki.com để được kèm thêm phần phát âm cho đến khi phát triển được cảm giác trong miệng cho từng âm.

Nếu bạn không thể nhớ được cách viết chính tả nào đi với âm nào, hãy sử dụng thẻ học có trong Phòng trưng bày đầu tiên.

Bất cứ nỗ lực nào bạn bỏ ra lúc này đều sẽ đẩy nhanh tốc độ cho toàn bộ phần còn lại của hành trình. Nó đồng thời cũng đảm bảo rằng những người bản xứ sẽ thực sự nói với bạn, thay vì chuyển sang tiếng Anh ngay khi họ có thể.

Bình luận