Chơi Với Các Từ Và Bản Giao Hưởng Của Từ
Thốt ra một từ cũng giống như chơi một nốt nhạc trên phím đàn của trí tưởng tượng vậy.
— Ludwig Wittgenstein
Trời, những người Pháp đó! Họ có một từ khác nhau cho tất cả mọi thứ.
— Steve Martin
Nhìn bề ngoài, từ ngữ có vẻ đơn giản. Chúng ta chỉ về phía một con vật nhiều lông và đặt tên cho nó. “Dog” (con chó). Và một từ mới xuất hiện.
Đây mới chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Trong chương trước, chúng ta đã học cách nghe được các âm của một ngoại ngữ, nhưng chưa học được cách nghe thấy âm nhạc của nó. Và chúng ta cần phải làm được thế, bởi vì chúng ta đang nhắm tới sự thành thạo. Chúng ta muốn nói trôi chảy mà không cần bận tâm về ngữ pháp hay phiên dịch, và chìa khóa để đạt được năng lực này nằm bên dưới bề mặt của mỗi từ. Ở đó, nếu học được cách lắng nghe, chúng ta sẽ nghe thấy một bản giao hưởng khẽ khàng.
Trong chương này, bạn sẽ tìm thấy các công cụ cần để nghe được bản giao hưởng. Những công cụ này sẽ dạy cho bạn những gì mà người Pháp nghĩ đến khi họ hình dung về déjeuner (bữa trưa), và cung cấp những công cụ cần thiết nhất về ngữ pháp để nói về déjeuner khi bạn sẵn sàng. Chúng ta sẽ cùng bàn về việc những từ nào nên học trước và làm thế nào để học được chúng một cách dễ dàng. Bạn sẽ học cách bỏ qua việc phiên dịch và suy nghĩ trực tiếp bằng ngoại ngữ ngay từ đầu.
Vậy có gì ẩn bên dưới bề mặt của các từ ngữ?
Mỗi từ trong não bộ của bạn chứa đựng bên trong mọi liên kết thần kinh (neural pattern) từng kết nối với nó. Từ “dog” của bạn có chứa một phần nhỏ của mọi con chó mà bạn đã từng nhìn thấy, nghe thấy hay đọc về chúng. Nó được hình thành bởi hàng nghìn trải nghiệm mà bạn và tôi chưa bao giờ cùng chia sẻ, ấy vậy chúng ta vẫn có thể nói chuyện về “dog” và bộ não của chúng ta vẫn sẽ sáng lên gần như theo cùng một cách giống nhau.
Từ ngữ, xét cho cùng, thực ra chính là bộ não dùng chung của tất cả chúng ta. Trong cùng một nhóm, chúng ta chỉ vào các sự vật và nói ra từ tương ứng, cho đến khi trí óc và não bộ điều chỉnh khớp với nhau – một dàn nhạc khổng lồ của rất nhiều tâm trí đến độ những người chơi vĩ cầm ở Los Angeles không thể nào nghe được những người chơi vĩ cầm ở Pennsylvania, nhưng chúng vẫn có thể hòa âm hoàn hảo với nhau. Thật không thể tin nổi, đó chỉ là một từ!
Và các hợp âm mà chúng ta chơi cũng không hề đơn giản; chúng chứa hàng nghìn các nốt nhạc, kết nối giữa âm thanh, cách viết, ý nghĩa và ngữ pháp. Ngữ pháp cung cấp các nốt thấp nhất: Bạn và tôi sẽ không bao giờ nói về “an dog” hay “dog”, như khi nói về “an elephant” hay “beer”. Đây là ngữ pháp của từ “a dog”, và nó rung lên trong đầu chúng ta − một âm nhói cao, kéo dài, vang lên từ phía dàn vi-ô-lông-xen.
Các âm và các quy tắc chính tả cũng đang được chơi, tất nhiên rồi. Chúng có lẽ đến từ dàn sáo gỗ, và nói với chúng ta rằng hãy viết “d-o- g-s” và nói “dawgz”, mà chẳng cần mất tới một giây suy nghĩ.
Ý nghĩa của từ ngữ đóng vai trò như giai điệu của bản giao hưởng, và nó cũng không phải là một bài hát ngắn, đơn giản; đó là một tập hợp chói tai của hình ảnh, các câu chuyện và cả những từ có liên quan khác. Tôi có thể trỏ đến một quả bóng nhỏ đầy lông xù và nói “dog”, và bạn sẽ đồng ý. “Yes,” bạn sẽ nói. “That is a dog” Sau đó, tôi có thể trỏ đến một con giống Great Dane khổng lồ và nói “dog”, và bạn vẫn sẽ đồng ý. Tôi thậm chí có thể nói những câu như “In a remarkable display of dogged determination, he won the race” và bạn vẫn sẽ hiểu, ngay cả trong trường hợp không có con “dog” nào thực tế trong câu chuyện của chúng ta cả.
Ngoài khoảng 20 định nghĩa về dog, còn có vô số những từ ngữ anh em khác của nó. Khi từ “dog” đi vào não bộ của bạn, 1.000 những từ anh em sẽ sẵn sàng, và 10.000 từ không có liên quan sẽ rút lui về phía sau. Một con “dog” sẽ “bark” (sủa), nhưng nó sẽ không “yell” (kêu la) hay “shout” (hét lên). Bạn có thể “pursue someone doggedly” (theo đuổi ai đó một cách kiên trì), nhưng bạn thường không “doggedly eat a sandwich” (kiên trì ăn một chiếc bánh sandwich), ngay cả khi đó là một chiếc bánh sandwich rất lớn. Các từ ngữ tự động đi cùng nhau, và theo bản năng, bạn ngay lập tức biết được những từ nào kết hợp được với nhau và những từ nào thì không.
Tất cả những mảnh ghép này – các mẩu ngữ pháp, phát âm, cách viết, ý nghĩa và các từ ngữ có liên quan – được chứa trong một bản giao hưởng khổng lồ có tên “dog”. Và ngay khi tôi nói với bạn rằng sobaka là từ tiếng Nga cho “dog”, thì toàn bộ bản giao hưởng này sẽ sụp đổ thành một tiếng tù và solo lạc âm.
Những con chó không thân thiện
Bạn có thể nói lưu loát vì những từ ngữ của bạn khớp với nhau một cách tự động. Khi nghĩ đến “dog”(con chó), bạn ngay lập tức truy cập được vào hàng nghìn từ khác có thể xuất hiện tiếp trong câu chuyện của mình. Con “dog” của bạn có thể sẽ “yip”, có thể sẽ “bark”, hoặc có thể sẽ cứu cậu bé Timmy ra khỏi giếng. Bạn có rất nhiều lớp bản năng đã được gắn vào từ “dog”, và bạn mất đi những bản năng này ngay tức khắc khi dịch từ đó sang một ngôn ngữ khác.
Tại sao? Bởi vì việc phiên dịch đã lột hết âm nhạc ra khỏi các từ ngữ.
Bản giao hưởng “dog” của chúng ta chỉ tồn tại trong tiếng Anh, không ai khác có thể nghe thấy nó. Khi còn học tiếng Nga ở trường, chúng tôi đã xem một bộ phim mà nhân vật chính say rượu, để quên khẩu súng ngắn của mình, và bị mấy con “sobaka” ăn thịt. Nghiêm túc đấy. Trong tiếng Anh, “dogs are man’s best friend” – chó là người bạn trung thành của con người. Trong tiếng Nga, sobaka để lại những chiếc giày ống trống rỗng, đầy dấu răng.
Tôi đã nói với bạn rằng sobaka là từ tiếng Nga chỉ “dog” (con chó), nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Kể cả khi một con Chihuahua và một con giống Great Dane lớn đều là các loại “sobaka”, chúng ta vẫn còn thiếu đi những phần còn lại của dàn nhạc. Đâu rồi những ngữ pháp, phát âm, hay cách viết? Đâu rồi những ý nghĩa khác của từ này? Bạn sẽ không bao giờ nghe về “displays of sobaka-ed determination”. Đâu rồi những từ ngữ anh em có thể khiến sobaka trở nên sống động trong tâm trí bạn?
Hãy học cách lắng nghe bản giao hưởng trong các từ mới của chúng ta. Bởi một khi nghe thấy nó, bạn sẽ không bao giờ muốn nghe bản dịch của nó – cái người chơi tù và lạc tông vô duyên phá dàn nhạc kia – lần nào nữa.
ĐIỂM BẮT ĐẦU: CHÚNG TA KHÔNG NÓI NHIỀU VỀ NHỮNG QUẢ MƠ
Một số người rất giỏi ăn nói, và một số người khác… À, ừm, không giỏi ăn nói.
—Steve Martin
Bạn không thể học được thứ âm nhạc trong những từ ngữ của mình cho đến khi bạn biết phải học từ nào. Làm thế nào ta có thể biết nên bắt đầu từ đâu?
Không phải tất cả các từ sinh ra đều bình đẳng, chúng ta sử dụng một số từ thường xuyên hơn nhiều so với các từ khác. Tiếng Anh có ít nhất 250.000 từ. Nhưng nếu chỉ biết 100 từ thông dụng nhất trong tiếng Anh, bạn vẫn có thể nhận ra một nửa của mọi thứ đọc được. Chúng ta có rất nhiều lợi thế khi biết những từ thông dụng.
Để công bằng, cũng phải nói rằng phần nhiều trong số các từ này là “từ chức năng” – những từ lấp chỗ trống quen thuộc như be và of, in và on – và chúng cư xử khác nhau trong mỗi ngôn ngữ, vậy nên bạn không thể bắt đầu với việc học chúng. Bạn sẽ cần một vài danh từ trước khi có thể gắn những từ như “in” hay “on” vào chúng. Kể cả khi bạn tạm bỏ qua các từ chức năng, bạn vẫn có thể tìm thấy một nhóm từ hữu dụng, đơn giản, có thể dùng hằng ngày.
Những từ này là một nơi tuyệt vời để bắt đầu học một ngoại ngữ, bởi bạn sẽ thấy chúng ở khắp nơi. Chúng sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, bởi bạn không lãng phí thời gian của mình với những từ hiếm. 79% khả năng bạn sẽ nói về mẹ mình nhiều hơn cháu gái. Vậy sao không học từ “mẹ” trước và“cháu gái” sau?
Sách ngữ pháp và các lớp học ngoại ngữ không làm theo nguyên tắc này, một phần vì sẽ dễ dàng hơn khi lên kế hoạch bài học xung quanh các chủ đề như “gia đình” và “hoa quả”. Kết quả là bạn sẽ tìm thấy “cháu gái” và “mẹ” ở chính xác cùng một nơi trong sách ngữ pháp của mình, bất kể sự khác nhau về tần suất sử dụng của chúng. Ở lớp học ngoại ngữ, bạn được học từ quả mơ, quả đào; trong khi sẽ có ích hơn nhiều nếu dành thời gian đó học về các từ máy tính xách tay, y học và năng lượng. Đây là những từ về cuộc sống của chúng ta. Tại sao lại không học chúng trước?
Xin được giới thiệu: Danh sách các từ xếp theo tần suất sử dụng. Các nhà nghiên cứu đã lấy một khối lượng văn bản khổng lồ – hàng triệu từ ngữ từ các kịch bản truyền hình, tiểu thuyết, báo chí, Internet, chương trình tin tức, các nghiên cứu học thuật và tạp chí – và nạp tất cả chúng vào máy tính. Máy tính đếm số lượng các từ và nhả ra vàng: Các từ trong một ngôn ngữ, được xếp theo thứ tự quan trọng.
Đây là một công cụ phi thường. Với chỉ 1.000 từ, bạn sẽ nhận ra được gần 75% những gì bạn đọc. Với 2.000 từ, bạn sẽ đạt 80%. Như bạn dự đoán, hiệu năng của nó cũng sẽ giảm dần sau một thời gian, nhưng những danh sách từ xếp theo tần suất sử dụng này cũng cung cấp một nền tảng đáng kinh ngạc cho ngôn ngữ của bạn.
Trong thực tế, chúng cũng rất kỳ lạ. Bạn có khả năng để nói chuyện về những chủ đề phức tạp trước khi nói được những chủ đề “đơn giản” như vẫn thấy trong sách giáo khoa. Tôi đã có mặt tại một khóa học “đắm mình” bằng tiếng Nga với 1.000 từ thông dụng nhất trong đầu. Trong bài thi đầu vào, tôi phải viết bài tiểu luận cho hai câu hỏi:
Câu hỏi 1: “Bạn có một bữa tiệc. Bạn sẽ mua gì? Hãy tạo một danh sách mua sắm.”
Câu hỏi 2: “Liệu mức lương của một giáo viên có nên được tính theo thành tích học tập của học sinh?”
Với câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên, tôi khá xấu hổ. Tôi không có từ vựng phù hợp cho một danh sách mua sắm. Tôi đã viết cái gì đó như kiểu: “Tôi sẽ mua thịt! Rất nhiều thịt. Thịt gà, thịt bò và thịt lợn! Thơm ngon! Tất cả các loại thịt. Và… bia! Rượu vodka! Ngoài ra, nhiều chai rượu! Ồ phải, ngoài ra, chúng ta sẽ có bánh mì với pho mát!”
Với câu trả lời cho câu hỏi thứ hai, tôi viết một tràng bốn trang dài về chính sách của chính phủ ở Mỹ và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đến dư luận. Họ xếp tôi vào lớp trình độ cao. Trong vòng một vài tuần, tôi đã “nhặt” đủ lượng từ vựng còn thiếu. Danh sách mua sắm của tôi giờ đã dài hơn đáng kể rồi.
Những danh sách từ xếp theo tần suất sử dụng không phải là “giải pháp kết thúc” cho việc học từ vựng – sẽ tới lúc bạn có thể muốn nói chuyện về cô cháu gái của mình và tình yêu của cô bé với những quả mơ – nhưng chúng là nơi lý tưởng để bắt đầu.
Chúng ta đã đề cập tới các vấn đề cơ bản của phát âm, và bạn có thể học được rất nhiều những từ ngữ xa lạ mà không cần dùng đến một chút tiếng Anh nào; những chú chó ở Nga có thể không thân thiện, nhưng trông vẫn giống các chú chó ở bất cứ nơi nào khác. Như vậy, bạn có thể học những từ này chỉ bằng hình minh họa mà không chuyển ngữ.
Vậy chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào?
Nhóm từ thông dụng nhất không giống nhau ở mọi ngôn ngữ; bạn sẽ không cần tới từ “Đảng Cộng hòa” để học tiếng Nga, và “hợp tác xã nông nghiệp” kiểu Liên Xô sẽ không xuất hiện trong tiếng Tây Ban Nha nhiều lắm. Mỗi ngôn ngữ có một danh sách từ theo tần suất sử dụng riêng (từ điển xếp theo tần suất của Routledge là tốt nhất), và những danh sách đó rất thú vị, thú vị bởi cả những từ mà chúng bao gồm và những từ ngoài lề.
Thật không may, danh sách này có thể khá rườm rà. Ít nhất là trong giai đoạn đầu, bạn sẽ cần tìm kiếm những từ giàu hình ảnh, dễ hình dung – những từ như “xe buýt” và “người mẹ”. Bạn sẽ tìm thấy chúng trong danh sách từ xếp theo tần suất sử dụng, nhưng bạn cũng sẽ phải dẹp qua hàng trăm từ chức năng như the, và hàng trăm từ trừu tượng như society (xã hội). Điều này có thể khá tẻ nhạt, đó là lý do tại sao tôi sẽ bày cho bạn một lối tắt để “lách” qua chuyện này.
Dù có sự khác nhau giữa các ngôn ngữ, nhưng có một số sự trùng lặp nhất định trong các từ thường gặp nhất của mọi ngôn ngữ. Chúng ta sẽ sử dụng sự trùng lặp này để tiết kiệm thời gian. Trong Phụ lục 5, bạn sẽ tìm thấy một danh sách 625 từ (bằng tiếng Anh). Những từ này rất thiết thực, dễ hình dung, và dễ dịch – những từ như dog, school, car và city. Tôi sẽ chỉ cho bạn làm thế nào để biến chúng thành các thẻ học, và đưa chúng vào hệ thống nhắc lại cách quãng của bạn với hình ảnh minh họa (mà không cần dịch).
Bởi trên những thẻ học không có bất kỳ từ nào bằng tiếng mẹ đẻ của bạn, bạn sẽ học cách nhìn thấy một con chó và ngay lập tức nghĩ về các từ tương ứng trong ngoại ngữ bạn. Không có bước phiên dịch đáng ghét nào cản đường, và điều đó sẽ cho bạn những phần thưởng đáng kể. Đầu tiên, bạn sẽ củng cố được nền tảng phát âm đã xây dựng trong các chương trước. Với mỗi từ học được, bạn sẽ ngày càng trở nên quen thuộc hơn với các âm và cách viết chính tả của nó. Kết quả là bạn sẽ thấy ngày càng dễ nhớ từ hơn.
Thứ hai, bạn cũng sẽ quen với việc kết nối âm thanh với hình ảnh và khái niệm. Bạn đang học cách tiếp thu từ mới, giống như khi còn bé. Khi đó, bạn hỏi cha mẹ: “Cái gì kia ạ?”,“Một con chồn hôi”,“Ồ”. Và một khi đã hỏi, bạn sẽ không bao giờ quên.
Bây giờ, bạn sẽ có công cụ để tự tìm kiếm những thông tin này. Hơn nữa, nhờ hệ thống nhắc lại cách quãng, bạn sẽ học từ mới nhanh hơn so với một đứa trẻ, và biết được nhiều chữ ngay từ đầu.
Thứ ba, bạn sẽ thường xuyên học được các tiền tố và hậu tố quan trọng mà không cần phải cố gắng – như -er trong teacher, hoặc -tion trong station ở tiếng Anh – điều này sẽ làm cho các từ mới trong tương lai với cùng các tiền tố và hậu tố đó trở nên dễ nhớ hơn.
Cuối cùng, khi học đến ngữ pháp và từ vựng trừu tượng, bạn đã biết hầu hết các từ mà bạn cần. Điều này khiến phần còn lại của ngoại ngữ dễ học hơn nhiều. Thật dễ dàng để nói một câu như “My dog chased a cat up a tree” (Con chó của tôi đuổi theo một con mèo lên một cái cây) khi bạn đã biết con chó, con mèo, đuổi theo và cái cây. Bạn sẽ biết các nhân vật, hành động trong câu chuyện của mình, và ngữ pháp đơn giản sẽ cho bạn biết ai đang đuổi theo ai.
NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ
• Bạn sẽ sử dụng một số từ thường xuyên hơn nhiều những từ khác. Hãy học những từ đó trước.
• Trong Phụ lục 5, tôi cung cấp cho bạn một danh sách 625 từ đơn giản, thông dụng. Những từ này dễ hình dung, và do đó bạn có thể học chúng bằng hình ảnh thay vì các bản dịch. Điều này sẽ cung cấp cho bạn nền tảng cần thiết để dễ dàng học các từ trừu tượng và ngữ pháp trong hai chương tiếp theo.
TRÒ CHƠI VỚI TỪ NGỮ
Chúng ta không bao giờ thực sự sống, hoàn toàn là chính mình, hoặc mê mải với bất cứ điều gì hơn lúc chúng ta đang chơi.
— Charles Schaefer
Chúng ta có hai mục tiêu trong chương này: nghe được âm nhạc trong từ ngữ và ghi nhớ chúng. Trong Chương 2, chúng ta đã nói chuyện về các bộ lọc trong não bộ và làm thế nào chúng cứu chúng ta khỏi tình trạng quá tải thông tin. Để học từ vựng hiệu quả, chúng ta sẽ cần phải vượt qua các bộ lọc, bằng cách tạo ra những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ với từ mới.
HÃY SỬ DỤNG NHỮNG CUỐN TỪ ĐIỂN NHỎ
Những cuốn như Lonely Planet Phrasebook và phần chú giải từ mới ở cuối các sách ngữ pháp là những nguồn tài liệu lớn, bởi chúng chỉ chứa các từ cơ bản nhất. Một cuốn từ điển lớn có thể cung cấp cho bạn 10 từ đồng nghĩa cho từ “ngôi nhà”. Bạn chỉ cần một từ như thế ngay lúc này, và bạn sẽ tìm thấy nó dễ dàng trong các phần chú giải từ vựng hoặc một cuốn phrase book.
Bạn có thể thực hiện được những mục tiêu này thông qua một loạt các trò chơi nhỏ khi học từ mới. Trò chơi đầu tiên sẽ cho bạn thấy những từ mới thực sự có ý nghĩa gì, và trò chơi thứ hai sẽ kết nối các ý nghĩa đó với cuộc sống của chính bạn. Ở đây, “vui” là quan trọng nhất. Nếu bạn cảm thấy chán, các bộ lọc trong não sẽ được bật, và khối công sức học từ mới quý báu của bạn sẽ bị rò rỉ. Vì vậy, hãy dành ra một lúc để vui chơi, việc đó sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Để tạo ra một ký ức sâu sắc, đa cảm giác với một từ, bạn sẽ cần phải kết hợp nhiều thành phần: cách viết chính tả, cách phát âm, ý nghĩa và kết nối cá nhân.
Chúng ta đã bàn về chính tả và phát âm trong các chương trước, và bạn sẽ củng cố thêm các kiến thức đó với mỗi từ mới học được. Bạn có thể tìm kiếm cách viết chính tả của mỗi từ trong từ điển hoặc phần chú giải từ mới ở cuối sách ngữ pháp, và bạn sẽ có thấy cả thông tin phát âm, sau đó bổ sung cho nó bằng các bản ghi âm tại Forvo.com.
Tiếp đến là ý nghĩa của các từ.
Trò chơi 1 – Phát hiện điểm khác biệt: Tìm nghĩa qua Google Hình ảnh
Trong phần đầu của chương này, chúng ta đã bàn về những hạn chế của việc phiên dịch – nó lột bỏ hết âm nhạc ra khỏi các từ ngữ. Chúng ta sẽ đưa âm nhạc trở lại bằng cách chơi với cuốn sách minh họa lớn nhất thế giới: Google Hình ảnh.
Google Hình ảnh là công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google. Bạn có thể đã sử dụng nó rồi. Bạn hãy vào images.google.com, gõ “smiling man with an iguana” (người đàn ông cười với con kỳ đà), và poof, bạn có 200.000 hình ảnh của những con kỳ đà và những người đàn ông. Nếu cố thêm chút nữa, bạn có thể lấy những hình ảnh này, lôi một cuốn từ điển ra, và làm thẻ học cho la iguana (kỳ đà), el hombre (người đàn ông) và sonreír (cười). Đây là cách sử dụng thời gian tốt, nhưng chưa hẳn thú vị. Bạn có thể làm tốt hơn, bằng cách tìm kiếm các từ bằng ngoại ngữ.
Ẩn bên dưới lớp vỏ ngoài đầy màu sắc của Google Hình ảnh là một kho báu: mỗi hình ảnh đi kèm với một chú thích, và các chú thích đó có trong 130 ngôn ngữ. Bạn có thể tìm kiếm những từ ít được biết đến – ví dụ, từ aiguillage (cần gạt đường sắt) – và nhận được 160.000 ví dụ của từ đó trong ngữ cảnh, cùng với nhiều hình ảnh thiết bị chuyển mạch đường sắt hơn việc bạn biết phải làm gì với chúng. Đây là nguồn vô hạn những câu chuyện minh họa hiệu quả về tất cả các từ bạn cần phải học.1
1. Google thỉnh thoảng tắt một số dịch vụ của mình (trong thực tế, 35% các dịch vụ của Google dần biến mất, vì các lý do khác nhau, từ thiếu lợi nhuận cho đến thiếu người sử dụng). Nếu điều này xảy ra với Google Images Basic Version, tôi sẽ đăng một số lựa chọn thay thế tại www.fl uent-forever.com/GoogleImages.
Những hình ảnh này đến từ các trang web viết bằng ngoại ngữ bạn đang học, và vì vậy chúng có thể cho bạn biết chính xác một từ được sử dụng như thế nào. Từ tiếng Nga devushka có nghĩa là “cô gái”. Cũng đơn giản đấy. Nhưng Google Hình ảnh sẽ kể cho bạn một câu chuyện nhiều sắc thái hơn (và lạ hơn nữa). Gần như mọi devushka trên Google Hình ảnh đều là pha ảnh cận cảnh bộ ngực của một cô gái 18 tuổi trong bộ bikini. Bạn nhìn vào điều này và nghĩ rằng “Hừm!” Chính cái “Hừm!” này là thứ mà chúng ta đang tìm. Đó là thời điểm bạn nhận ra rằng các từ tiếng Nga không phải là phiên bản nghe buồn cười hơn so với tiếng Anh; mà là các từ tiếng Nga và các từ tiếng Nga “mặc ít quần áo hơn bạn tưởng” (đặc biệt khi khí hậu ở đó lạnh đến thế!)
DÙNG GOOGLE HÌNH ẢNH NHƯ MỘT CUỐN SÁCH TRANH
Để tìm các câu chuyện trong Google Hình ảnh, hãy tìm kiếm một từ và cuộn mãi xuống phía dưới cùng của trang. Ở đó bạn sẽ thấy nút “Chuyển đến phiên bản cơ bản” (Switch to Basic Version). Mỗi hình ảnh giờ sẽ hiển thị lên bên cạnh chú thích tương ứng của nó.
Những khoảnh khắc “Hừm!” này được ghim chặt trong não bạn bởi chúng thú vị. Dù cho bạn có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu trước các sắc thái tình dục hơi quá trong từ devushka, nhưng chắc chắn bạn sẽ nhớ chúng. Khi tìm kiếm một từ bằng Google Hình ảnh, bạn đang chơi trò “Phát hiện điểm khác biệt” giữa những gì bạn mong đợi để xem và những gì bạn thực sự thấy. Trò chơi này rất vui; Internet chứa đầy những hình ảnh vui nhộn, kỳ lạ trong tất cả các ngôn ngữ. “Bà ngoại” trong tiếng Đức sẽ thế nào? “Cái bánh” trong tiếng Hindi là gì? Hãy dành 10 đến 20 giây để chơi (và sau đó chuyển sang từ khác – trước khi bạn bị cuốn vào nó hàng tiếng đồng hồ!)
Bạn sẽ lưu trữ ký ức trong trò chơi này vào thẻ học. Mỗi khi gặp một khoảnh khắc “Hừm!”, bạn đã trải qua một trải nghiệm đa cảm giác phong phú với từ mới. Bạn sẽ muốn thẻ học đưa bạn trở lại được những trải nghiệm này. Bạn sẽ chọn một hoặc hai hình ảnh đặc biệt gợi nhớ – có lẽ một trong những người bà bạn thấy rất Đức – và bạn sẽ đặt chúng vào thẻ học. Nếu đang vẽ tay, thì bạn có thể vẽ ra bất cứ thứ gì bạn muốn để nhắc mình nhớ lại. Tôi ngờ rằng bạn sẽ chọn vẽ mấy cô devushka mặc bikini.
Trò chơi 2 – Trò chơi trí nhớ: Kích thích ý nghĩa thông qua kết nối cá nhân
Hình ảnh tự thân chúng đã rất mạnh mẽ. Ở một nơi nào đó trong đầu, bạn lưu trữ tất cả các hình ảnh đã từng nhìn thấy. Trong quá trình tìm kiếm hình ảnh của mình, bạn tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ, độc đáo cho mỗi từ, và thẻ học đóng vai trò như những thứ gợi nhớ trò chơi “Phát hiện điểm khác biệt” của riêng bạn. Bởi bạn tự chọn (hoặc vẽ) hình ảnh, bạn sẽ có thể phân biệt giữa các từ có hình ảnh dễ dàng trùng lặp với nhau như “girl” (cô gái), “woman” (phụ nữ), “daughter” (con gái), “mother” (mẹ), “granddaughter” (cháu gái) và “grandmother” (bà ngoại).
Bạn có thể khiến những ký ức về từ mới trở nên rõ ràng hơn nữa bằng cách thêm vào một kết nối cá nhân. Tên grand-mère (bà ngoại) của bạn là gì? Con chat (mèo) nào bạn nghĩ đến đầu tiên? Bạn đang tìm kiếm bất kỳ ký ức nào có thể kết nối với từ mới. Nếu có thể tìm thấy một ký ức nào như thế, bạn đã nhớ từ mới của mình hơn 50%. Kể cả nếu bạn không thể tìm được ký ức cá nhân nào để kết nối với từ mới, bản thân quá trình tìm kiếm ký ức thôi cũng kích thích bạn dễ nhớ từ hơn. Tôi đã cố gắng tìm thấy một kết nối cá nhân với con số harminckettő (32) trong tiếng Hungary. Tôi không thể. Đó là một con số tồi tệ nhất trên đời. Tôi không nghĩ rằng mình đã từng nói “32” trong tiếng Anh. Bây giờ, bất cứ khi nào tôi nhìn thấy harminckettő, suy nghĩ đầu tiên của tôi là “Ồ, đó là 32, con số tồi tệ nhất trên đời.” Nhiệm vụ hoàn thành.
Để chơi trò chơi trí nhớ, bạn hãy dành một vài giây tìm kiếm bất kỳ ký ức nào xuất hiện trong đầu về từ mới đang học. Nó có thể là con mèo thời thơ ấu, hoặc cái áo T-shirt của một người bạn. Cố gắng giữ từ mới đó trong đầu, chứ đừng nhớ bản dịch của nó. Bạn sẽ tạo ra một số câu lai hai thứ tiếng là lạ như “Lần gần đây nhất, tôi nhìn thấy grand-mère (bà ngoại) của tôi là vào cuối tuần trước.” Đừng lo lắng về việc sai ngữ pháp tiếng Pháp; không ai có thể nghe thấy bạn lúc này. Khi làm thẻ học, bạn sẽ viết ra một lời nhắc nhở nho nhỏ về ký ức này − thành phố bạn đã ở cuối tuần trước, tên của một người bạn mà bạn đã quen, v.v..
Sau đó, khi xem lại thẻ học, bạn sẽ chơi lại cùng một trò chơi như trước. Bạn sẽ thấy bức hình một con mèo, dò trong trí nhớ để tìm bất cứ thứ gì có kết nối với nó, và nếu thấy bối rối, bạn có thể tìm thấy một lời nhắc nhở hữu ích ở mặt sau thẻ học. Những kết nối này không phải là mục tiêu chính của bạn – bạn muốn nhìn thấy một con mèo và nghĩ ngay đến chat – nhưng chúng có thể khiến cho công việc của bạn dễ dàng hơn, bằng cách kết nối chat và grand-mère tới cuộc sống của bạn, chúng sẽ dễ nhớ hơn nhiều.
NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ
• Bạn có thể ghi nhớ từ mới bằng hai cách:
+ Tìm hiểu câu chuyện của chúng.
+ Kết nối những câu chuyện đó với cuộc sống của chính bạn.
• Khi bạn tạo các thẻ học, hãy sử dụng công cụ kể chuyện hay nhất từng được phát minh: Google Hình ảnh.
• Sau đó, hãy dành một chút thời gian để tìm ra một kết nối giữa mỗi từ và trải nghiệm sống của riêng bạn.
GIỐNG CỦA MỘT CỦ CẢI
Tôi không muốn nói chuyện ngữ pháp. Tôi muốn nói chuyện như một quý cô trong một cửa hàng hoa.
— Eliza Doolittle nói với Henry Higgins (Pygmalion, George Bernard Shaw)
Đến lúc này, bạn đang làm khá tốt. Bạn đã dùng cách viết và cách phát âm của một từ và kết nối nó với cơ man hình ảnh. Bạn đã chơi trò “Phát hiện điểm khác biệt”, và lựa chọn được một hoặc hai hình ảnh yêu thích; bạn cũng đã chơi trò chơi “Trí nhớ” và kết nối từ với trải nghiệm cá nhân. Bạn đã tạo nên một ký ức đa cảm giác cho từ mới của mình, và bạn có một hoặc hai thẻ học để nhắc bản thân nhớ lại về tất cả những trải nghiệm này vào đúng thời điểm khi bạn cần nó. Dàn nhạc nhỏ tuyệt vời của bạn đang bắt đầu chơi.
Bạn đã xong chưa? Có lẽ. Bạn vẫn đang thiếu dàn vi-ô-lông-xen – ngữ pháp, nhưng bạn có lẽ cũng chưa cần đến nó bây giờ. Việc bạn cần một chút ngữ pháp bây giờ hoặc để sau tùy thuộc vào ngoại ngữ nào bạn đang học. Tôi sẽ giải thích sau.
Trong tiếng Anh1, chúng ta đối xử bình đẳng với hầu hết các danh từ. Chúng ta có thể lấy một câu – “Tôi đã mua một con chó” – và tráo đổi một danh từ khác vào – “Tôi đã mua một con mèo” – mà không cần phải thay đổi ngữ pháp. Thật không may, điều này lại không thể thực hiện được trong nhiều ngôn ngữ. Những con mèo của một số ngôn ngữ có thể rơi vào một nhóm ngữ pháp khác với nhóm của những con chó. Đây từng là trường hợp của tiếng Anh; 1.000 năm trước đây, chúng ta nói chuyện về án docga (một con chó) và ánu catte (một con mèo), sẽ khốn khổ nếu bạn quên mất chữ u trong ánu. Theo thời gian, chúng ta trở nên cẩu thả dần với ngữ pháp của mình, và quên đi sự khác nhau về ngữ pháp giữa chó và mèo, nhưng nhiều ngôn ngữ khác thì không. Trong các ngôn ngữ này, bạn cần phải ghi nhớ nhóm ngữ pháp của mỗi danh từ để xây dựng câu. Đây chính là giống từ ngữ pháp, và là một nỗi phiền không để đâu cho hết.
1. Cũng như tiếng Việt. (DG)
Tiếng Anh hiện đại vẫn chứa những loại điên rồ tương tự. “Tại sao, ôi tại sao,” các học sinh tiếng Anh của tôi ca thán, “chúng ta lại không thể nói “buy a milk” (mua một sữa)?”
Tôi biết điều này. “Bởi vì ‘milk’ là danh từ không đếm được.” Tôi trả lời. “Bạn có thể sẽ muốn ‘a gallon of milk’ (một ga-lông sữa) hoặc ‘a cup of milk’ (một cốc sữa), ‘a drop of milk’ (một giọt sữa) hoặc ‘a swimming pool of milk’ (một bể đầy sữa).”
“Thế nhưng tại sao chúng ta không thể nói với nhau ‘an information’ (một thông tin)?” Họ đáp lại. “Bạn có thể có ‘một thông tin’ để nói mà”.
Điều này đúng. Người Đức thường xuyên nói về “một thông tin” hoặc “những thông tin” mà không gây ra sự nhầm lẫn nào. Tôi thử giải thích bằng hình ảnh: “Trong tiếng Anh, ‘information’ (thông tin) có tính… ẩn dụ. Chúng ta hình dung về thông tin giống như một đại dương lớn, chúng ta lấy ra một chút và nói về nó.”
“Vậy còn từ ‘luggage’ (hành lý)? Tại sao lại không thể nói ‘a luggage’ (một hành lý) trong tiếng Anh? Chẳng lẽ hành lý cũng có tính ẩn dụ hay sao?”
Thực ra, các học sinh của tôi đang hỏi là: “Tại sao ngữ pháp lại không có tí logic nào vậy?”
Và câu trả lời rất sáng tỏ: Ngữ pháp là tấm gương phản chiếu chính chúng ta. Nó là lịch sử sống về mong muốn “hợp lý hóa” các từ ngữ của chúng ta. Trong tiếng Anh, chúng ta hiện đang chuyển dần từ sneaked sang snuck. Với nhiều đôi tai, snuck dường như “nghe hay hơn”, nhưng đó không phải là lý do chúng ta làm thế. Chúng ta làm thế bởi nó làm cho hai động từ bất hợp lý – stuck và struck – dường như trở nên bớt bất hợp lý hơn. Chúng ta cũng đã làm điều này với từ “catched” hàng trăm năm trước1, đưa nó vào cùng một nhóm với taught, bought và thought, và có lẽ chúng ta rồi cũng sẽ biến dragged thành drug trước khi thế kỷ tiếp theo kết thúc. Chúng ta thích có những nhóm từ tuân theo các quy tắc, kể cả khi những quy tắc đó – trong trường hợp này là động từ bất quy tắc – không thực sự hợp logic chút nào.
1. Biến nó thành “caught”. (DG)
NGOẠI NGỮ MỚI BẠN ĐANG HỌC CÓ SỬ DỤNG GIỐNG NGỮ PHÁP KHÔNG?
Có thể lắm. Giống là một phần nổi bật của ngôn ngữ Proto-Indo- European (hệ tiền hệ Ấn – Âu), ngôn ngữ được nói vào thiên niên kỷ thứ IV trước Công Nguyên của một bộ lạc sống du mục ở phía Tây Nam nước Nga. Từ ngôn ngữ của họ đã sinh ra hầu hết các ngôn ngữ ở châu Âu, châu Mỹ, Nga và tiểu lục địa Ấn Độ. Có ba tỷ người nói tiếng mẹ đẻ là các ngôn ngữ trong họ ngôn ngữ Proto-Indo-European, vì vậy rất có thể bạn đang học một trong các thứ tiếng này, và do đó cần phải tìm hiểu về giống từ. Nếu bạn không chắc chắn, hãy kiểm tra ở đây: TinyURL.com/wikigender.
Và vì vậy, cũng không ngạc nhiên khi chúng ta tạo ra các nhóm rất bất hợp lý cho các danh từ “không đếm được” (luggage) và “đếm được” (bags), hoặc như người Đức có các nhóm từ “giống cái” (củ cải), “giống đực” (pho mát), và “không mang giống” (thiếu nữ). Đây là hai mặt của một vấn đề; chúng ta chỉ đơn giản thích lập ra các nhóm, dù có hợp logic hay không.
Sớm hay muộn, bạn sẽ gặp phải những nhóm từ bất hợp lý như thế. Nếu đang học một ngôn ngữ thuộc nhóm Giéc-manh, Rôman, Slav, Semit, hoặc Ấn Độ, thì bạn sẽ cần phải đối phó với “món” giống từ này ngay từ bây giờ. Mỗi một từ sẽ có một giống, và các giống từ này không tuân theo logic nào. Trích từ tác phẩm của Mark Twain:
Gretchen: Wilhelm, củ cải đâu rồi?
Wilhelm: Cô ấy đã vào nhà bếp.
Gretchen: Thiếu nữ người Anh tài hoa và xinh đẹp đâu rồi?
Wilhelm: Nó đi xem opera rồi.
— Mark Twain, The Awful German Language
Thật không may, trong bất kỳ ngôn ngữ nào có giống từ, bạn sẽ phải biết giống của một từ trước khi bạn có thể làm bất cứ điều gì với nó, đó là lý do cuốn sách ngữ pháp sẽ bắt đầu với một tràng dài về giống từ trong suốt chương đầu tiên hoặc chương thứ hai. Cuốn sách sẽ nói với bạn rằng “chỉ cần ghi nhớ”, hoặc cung cấp cho bạn một loạt quy tắc với một danh sách dài các trường hợp ngoại lệ mà bạn cũng “chỉ cần ghi nhớ”. Cuốn sách đã đúng. Bạn cần phải ghi nhớ. Nhưng có một cách dễ dàng để làm điều này, và tôi sẽ chỉ cho bạn trong trò chơi tiếp theo của chúng ta.
Nếu ngoại ngữ bạn học không có giống từ – nếu bạn đang học một trong số các ngôn ngữ thuộc nhóm Đông Á, Philippines hoặc Thổ Nhĩ Kỳ – vậy thì ít nhất lúc này bạn có thể dễ thở hơn một chút. Nhưng đừng lo lắng, bạn sẽ sớm tìm thấy cách nhớ của mình cho các trò chơi ghi nhớ.
TRÒ CHƠI 3 − MẸO NHỚ BẰNG HÌNH ẢNH: LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHỚ ĐƯỢC NHỮNG QUY TẮC NGỮ PHÁP PHI LOGIC.
Nói tiếp về giống từ trong tiếng Đức: Một cái cây là giống đực, chồi của nó là giống cái, còn lá của nó là không mang giống; ngựa không có giống từ, con chó là giống đực, mèo là giống cái; miệng, cổ, ngực, khuỷu tay, ngón tay, móng tay, chân và cơ thể của một người là giống đực, còn đầu của người đó hoặc là giống đực, hoặc là không mang giống tùy theo từ đã chọn để biểu đạt, chứ không phải theo giới tính của người mang cái đầu đó – bởi vì trong tiếng Đức, tất cả phụ nữ đều hoặc có một cái đầu nam, hoặc một cái đầu không mang giống; mũi, môi, vai, ngực, bàn tay và ngón chân của một người là giống cái; và tóc, tai, mắt, cằm, cẳng chân, đầu gối, tim và lương tâm của người đó không mang giống. Người phát minh ra cái ngôn ngữ này có lẽ chắc chẳng biết gì về lương tâm mà chỉ nghe người khác kể lại.
— Mark Twain, The Awful German Language
Chào mừng bạn tới với trò chơi nhớ mẹo bằng hình ảnh. Trong vài trang tiếp theo, bạn sẽ phải ghi nhớ giống của 12 danh từ phiền phức từ đoạn văn của ông Mark Twain. Bạn sẽ làm điều đó một cách nhanh chóng, bạn sẽ làm điều đó một cách dễ dàng, và bạn thậm chí sẽ tìm thấy niềm vui khi làm như thế. Cùng bắt đầu nào!
Cây – giống đực, Chồi – giống cái, Lá – không mang giống, Ngựa – không mang giống, Chó – giống đực, mèo – giống cái, Miệng – giống đực, Cổ – giống đực, Bàn tay – giống cái, Mũi – giống cái, Đầu gối – không mang giống, và Tim – không mang giống.
Bạn có thể ghi nhớ bằng cách học nhiều lần, nhưng sẽ không nhớ được lâu hơn một vài phút. Thay vì thế, chúng ta sẽ thử một cách thú vị hơn chút (và có hiệu quả lâu dài hơn). Hãy tưởng tượng tất cả các danh từ giống đực bỗng dưng nổ tung. Cái cây của bạn? Bùm! Những mảnh vụn gỗ bay khắp mọi nơi. Một nhành cây bị ghim chặt vào sau tường nhà. Hãy làm cho những hình ảnh của bạn sống động hết mức bạn có thể.
Những danh từ giống cái có thể bắt lửa và bùng cháy. Mũi phun lửa ra khắp mọi nơi như một con rồng, con mèo thì đang đốt phòng ngủ của bạn. Hãy cảm nhận sức nóng của mỗi hình ảnh, càng có nhiều giác quan tham gia vào càng tốt.
Những danh từ không mang giống nên vỡ tan như thủy tinh. Những mẩu sắc nhọn, nâu đỏ, lấp lánh của con ngựa rơi tan tành trên sàn nhà, cũng như trái tim tan vỡ của bạn vậy. Hãy dành ít phút để tự tưởng tượng những hình ảnh còn lại: một cái miệng và cổ đang nổ tung (giống đực), một bàn tay và một cái chồi cây đang cháy rừng rực (giống cái), một chiếc lá và đầu gối vỡ tan tành (không mang giống).
Không, thật đấy. Hãy quay trở lại và làm điều này đi. Nó sẽ không ngốn của bạn quá một phút đâu. Tôi sẽ đợi.
Để xem có bao nhiêu hình ảnh bạn nhớ được. Để khó hơn, chúng ta thậm chí có thể đảo lộn thứ tự lên nữa: cây, lá, ngựa, chó, mèo, miệng, cổ, bàn tay, mũi, trái tim, đầu gối và chồi lá.
Không quá tệ, đúng không? Tùy thuộc vào sự sống động của hình ảnh, bạn có thể sẽ nhớ tất cả trong số chúng, và nếu bạn quên mất một số từ, bạn rồi sẽ làm tốt hơn sau khi luyện tập. Những hình ảnh nhớ mẹo kiểu này có tác dụng vì những lý do bạn đã có thể đoán ra: Chúng ta thực sự rất giỏi nhớ hình ảnh, đặc biệt là khi những hình ảnh có tính bạo lực, tình dục, hài hước hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của ba cái đó. Dù “giống từ” có thể gợi lên một số hình ảnh – bạn có thể tưởng tượng ra một chú chó đực chẳng hạn – nó thất bại thảm hại đối với những từ khác (một cái đầu gối không mang giống? Chẳng dễ nhớ gì cả). Những động từ sống động còn dễ nhớ hơn nhiều.
Để chơi trò nhớ mẹo bằng hình ảnh với ngoại ngữ, bạn sẽ cần phải nghĩ ra những hình ảnh cho các nhóm ngữ pháp phi logic. Vì lúc này, chúng ta chỉ đang giới hạn trong giống từ của các danh từ, nên bạn sẽ cần hai hoặc ba động từ đặc biệt sống động (những từ kiểu này kết hợp tốt với các danh từ).
Sau này, khi làm thẻ học, bạn có thể sử dụng những hình ảnh nhớ mẹo này khi cần thiết. Nếu một người đàn ông là “giống đực” trong ngoại ngữ đích, có thể bạn không cần đến hình ảnh cho từ đó. Nhưng nếu đang làm thẻ học cho một thiếu nữ (không mang giống), vậy hãy dành một vài giây để “đập vỡ” hình ảnh cô gái. Làm cho hình ảnh của bạn sống động và đa cảm giác hết mức có thể. Nếu làm thế, bạn sẽ dễ dàng nhớ lại giống từ của bất cứ từ nào, và nếu có lúc nào bối rối không nhớ ra, bạn có thể tạo ra một hình ảnh mới ngay lúc đó. Sau khoảng vài trăm từ, bạn sẽ bắt đầu làm điều này tự động với tất cả các từ mới, và kể từ đó giống từ sẽ không còn là vấn đề gì nữa.
Đến khi học được nhiều hơn, bạn sẽ thấy rằng công cụ này có thể có ích ở khắp mọi nơi. Bất cứ lúc nào bạn gặp phải một số nhóm ngữ pháp bất quy tắc khó chịu mà bạn “chỉ cần ghi nhớ”, bạn có thể tạo ra một hình ảnh nhớ mẹo cho nó. Bạn thậm chí có thể tạo các hình ảnh nhớ mẹo cho các quy tắc về chính tả – nếu ch là từ bắt đầu của chat (con mèo), vậy thì con mèo của bạn có thể cưỡi trên mấy con cheval (ngựa). Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về cách sử dụng nâng cao của kỹ thuật nhớ mẹo hình ảnh này trong Chương 5 (tôi sử dụng trò chơi nhớ mẹo này cho đủ mọi loại quy tắc khó chịu: Cách chia động từ, giới từ, phân loại danh từ, các danh từ số nhiều bất quy tắc, v.v..) Cho đến lúc đó, hãy tạo một vài hình ảnh nhớ mẹo và thử dùng chúng. Nó là công cụ thú vị, và giảm bớt gánh nặng cho một trong những phần khó nhất của việc học một ngoại ngữ.
NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ
• Nhiều ngôn ngữ gán các giống từ ngữ pháp vô nghĩa cho các danh từ và đó là rắc rối lớn cho những người học ngoại ngữ.
• Nếu ngôn ngữ của bạn có giống từ ngữ pháp, bạn có thể ghi nhớ chúng một cách dễ dàng nếu gán cho mỗi giống từ một hành động đặc biệt sống động, và sau đó tưởng tượng ra cảnh mỗi danh từ thực hiện hành động đó.
HÃY LÀM ĐIỀU NÀY NGAY: HỌC 625 TỪ MỚI ĐẦU TIÊN, VỚI ĐẦY ĐỦ ÂM NHẠC VÀ MỌI THỨ
Bạn sắp sửa học rất nhiều từ một cách nhanh chóng. Bạn sẽ chơi một số trò chơi, làm một số thẻ học, và trong vòng một đến hai tháng, bạn có thể có một vốn từ vựng là 625 từ. Nhưng bạn sẽ không chỉ có khả năng gọi tên một vài thứ. Bạn sẽ có một nền tảng vững chắc.
Ở giai đoạn này, bạn đang học cách kết nối phát âm và cách viết những từ có ý nghĩa. Đây là một bước tiến vượt hơn hẳn những gì chúng ta vẫn hay làm trong các lớp dạy ngoại ngữ. Bạn đang học cách để kết nối một từ mới – cat – với hình ảnh, cảm xúc, và âm thanh của những con mèo trong ký ức của mình. Thay vì dịch cat thành mèo, bạn đang học cách đưa âm nhạc vào những từ mới của mình. Đây là một sự kỳ công; bạn đang bắt đầu suy nghĩ bằng ngoại ngữ mới, và kỹ năng này sẽ theo bạn cho đến hết phần còn lại của cuộc hành trình.
Bạn sẽ học kỹ năng này qua thẻ học trong hệ thống nhắc lại cách quãng của mình, nhưng những khoảnh khắc quan trọng nhất lại diễn ra vào lúc đầu, khi bạn tạo ra thẻ học. Trong những khoảnh khắc đó, bạn đang lấy từ mới và kết nối chúng với càng nhiều hình ảnh, suy nghĩ và kỷ niệm càng tốt. Bạn đang tạo ra các kết nối căn bản hình thành cơ sở cho ngoại ngữ của mình, và cũng không kém phần quan trọng, bạn đang rất thoải mái (do đó, rất dễ nhớ) trong quá trình học này. Thẻ học chỉ là một món quà lưu niệm trong thực tế của những trải nghiệm. Bạn sẽ chỉ dùng chúng để làm sâu sắc th êm ký ức bạn đã hình thành.
Chúng ta sẽ bàn về những thông tin chi tiết của việc tạo thẻ học trong Phòng trưng bày. Bạn có thể chuyển sang phần đó khi bạn đã sẵn sàng thực sự làm thẻ học cho mình. Ở đây chúng ta sẽ nói về các kết nối đang xây dựng – các âm, hình ảnh, cách viết, ký ức trong mỗi từ – và về việc làm thế nào để xây dựng những kết nối đó càng nhanh càng tốt.
Các kết nối: phát âm, cách viết, ý nghĩa, kết nối cá nhân (và giống của từ)
Chúng ta đã bàn về phát âm và cách viết trong các chương trước. Đây là những phần đặc biệt của một từ, cho phép chúng ta tưởng tượng ra một hình ảnh – con kỳ lân chẳng hạn – và gửi tới người khác. Chúng là nguyên tố cơ bản của mỗi từ, và khi bạn học từ mới, chúng sẽ quen thuộc và dễ nhớ hơn.
Tiếp đến là ý nghĩa. Bạn sẽ muốn khám phá một từ ngữ thực sự có ý nghĩa gì, chứ không phải bản dịch của nó có vẻ có nghĩa gì. Các devushka (cô gái) Nga mặc gì, và những người Pháp ăn gì trong déjeuner (bữa trưa)? Bạn sẽ muốn xây dựng các kết nối mới, có ý nghĩa cho mỗi từ bạn học.
Cuối cùng, bạn sẽ muốn có các kết nối cá nhân. Từ mới có thể không có bản dịch tương đương trong tiếng mẹ đẻ nhưng sẽ tương thích với trải nghiệm nào đó của bạn. Tất cả chúng ta đều đã gặp các devushka và ăn déjeuner. Chúng ta cần phải lấy ra những ký ức này và nhớ lại xem chúng xảy ra khi nào, chúng ta đã cảm thấy thế nào, chúng ta đã nghe, nhìn thấy gì.
Nếu ngoại ngữ của bạn phân loại từ theo giống, bạn cũng sẽ muốn đưa nó vào trong từ mới của mình. Ngay từ đầu, bạn nên phân biệt rõ các danh từ giống đực và giống cái, bạn có thể tạo ra những sự khác biệt đó bằng các hình ảnh nhớ mẹo sống động.
Từng kết nối này sẽ khiến từ mới của bạn dễ nhớ và dễ sử dụng hơn trong tương lai. Bất kỳ thẻ học nào bạn tạo ra cũng sẽ là một lời nhắc nhở nho nhỏ về loạt ký ức đầy màu sắc mà bạn đã tập hợp. Khi bạn xem lại, chúng sẽ đem những mảnh nhỏ ký ức này trở về, và bộ não của bạn sẽ cung cấp phần còn lại, trong một cơn lũ ào ạt đầy màu sắc, cảm giác và âm nhạc. Và sau đó, bạn sẽ chuyển sang học tiếp thẻ tiếp theo.
Đó là một trải nghiệm mạnh mẽ, không thể quên.
CÁC NGUỒN TÀI LIỆU
Các bản dịch (dành cho việc học cách viết): Phụ lục 5 là danh sách 625 từ tiếng Anh thông dụng trong mọi ngôn ngữ khác: chó, xe, thành phố, v.v.. Bạn sẽ muốn tìm bản dịch cho tất cả những từ này. Bạn có thể dùng Google Dịch, nhưng thường sẽ nhận được những bản dịch ngớ ngẩn. Máy dịch thuật tự động thường không tốt, đặc biệt là khi dịch danh sách các từ, thay vì cả câu hoàn chỉnh.
Nếu sử dụng từ điển tiêu chuẩn, bạn có thể tìm thấy quá nhiều kết quả; bạn không cần đến 10 từ đồng nghĩa với “house” (ngôi nhà). Đây là lúc dùng từ điển cụm từ với bản dịch thông dụng. Nếu không có một cuốn như thế, bạn vẫn có kết quả tương tự ở phần chú giải từ mới phía cuối sách ngữ pháp.
Ngoài ra, nếu đang học một ngoại ngữ phổ biến, bạn sẽ có thể tìm thấy một bản dịch chuyên nghiệp cho danh sách 625 từ kia trên trang web của tôi: fl uent-forever.com/Appendix5.
PHÁT ÂM: Bạn sẽ tìm thấy các bản ghi âm tại Forvo.com. Hãy nghe chúng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, khi kết nối giữa âm và cách viết của bạn còn lỏng lẻo. Bạn sẽ nghe dễ hơn nếu có cả phiên âm. Bạn có thể tìm thấy chúng trong phần chú giải từ mới, từ điển, hay Wiktionary.org.
Ý NGHĨA: Hãy gõ từ vào Google Hình ảnh. Bạn có một vài lựa chọn, trong đó lựa chọn đầu tiên dễ sử dụng (và tuyệt vời), còn lựa chọn thứ hai phải mất chút thời gian thiết lập ban đầu (nhưng kết quả rất rất tuyệt. Hãy chọn nó!)
Lựa chọn 1 (Phiên bản cơ bản): Khi truy cập vào images.google. com, bạn tìm thấy các hình ảnh, nhưng không thấy phần tuyệt nhất – các chú thích. Hãy bật chúng lên nào.
• Bước 1: Tìm kiếm một từ (bất kỳ từ nào). Ở đây chúng ta sẽ tìm kiếm từ cheval (con ngựa).
• Bước 2: Cuộn xuống cuối trang.
• Bước 3: Ở đó bạn sẽ thấy nút Switch to Basic Version. Nhấp vào nó.
• Bước 4: Đánh dấu trang này, để không cần phải làm lại các bước từ 1-3 trong lần sau.
Hoặc chỉ cần vào TinyURL.com/basicimage, và đánh dấu trang đó lại. Bạn sẽ thấy một trang web tuyệt vời với 20 hình ảnh và chú thích đầy đủ như thế này:
Lựa chọn 2 (Phiên bản cơ bản + dịch tự động): Những dòng chú thích này rất tuyệt, nhưng đều viết bằng ngoại ngữ, và bạn vẫn chưa nói được ngôn ngữ này. Bây giờ nếu tất cả các dòng chú thích nho nhỏ này được dịch hết sang tiếng mẹ đẻ của bạn thì sao? Bạn có thể dán địa chỉ trang web này vào Google Dịch. Bây giờ, thay vì 20 hình ảnh với chú thích bằng tiếng Pháp, bạn sẽ thấy thứ này:
Các bản dịch không phải lúc nào cũng tuyệt vời, nhưng khi nhìn thấy 20 bản dịch như thế kèm hình ảnh, bạn sẽ hiểu rõ ý nghĩa của mỗi từ. Hẳn không còn nguồn tài liệu nào tốt hơn thế để tìm hiểu các từ. Bạn sẽ thấy hướng dẫn sử dụng trên trang web của tôi về cách thiết lập (cần mất một vài phút để nó có thể hoạt động) tại Fluent-Forever. com/chapter4.
Chúng ta đang vi phạm một trong những quy tắc quan trọng nhất của tôi – không dịch, nhưng không sao; bạn sẽ không nhớ những bản dịch này lâu đâu. Dù cho lần tiếp xúc đầu tiên của bạn với từ cheval có thể bằng tiếng Anh, lần tiếp xúc thứ hai của bạn sẽ không thế nữa. Khi bước từ Google Hình ảnh vào tập thẻ học của mình, bạn sẽ loại bỏ sạch dấu vết của các bản dịch tiếng Anh (và chỉ để lại những hình ảnh mà thôi). Dần dần, bạn sẽ quên hết những câu tiếng Anh ban đầu, và chỉ nhớ những hình ảnh và câu chuyện mà chúng kể về cheval mà thôi. Xuyên suốt cuốn sách này, chúng ta sẽ sử dụng bản dịch bất cứ khi nào có thể nhằm tiết kiệm thời gian mà vẫn không làm ảnh hưởng đến sự lưu loát của bạn. Nếu bạn cần một từ tiếng Pháp cho “giấy nhám”, sẽ không có hại gì khi tra từ điển (từ đó là papier de verre), và nếu lựa chọn việc học tiếng Pháp 100% bao gồm việc lang thang trên Wikipedia tiếng Pháp, hy vọng rằng một ngày nào đó bạn sẽ đụng phải trang Wiki về papier de verre trong lúc lang thang qua các đường dẫn. Để xác định đúng khi nào bản dịch sẽ giúp bạn và khi nào nó sẽ gây ảnh hưởng, bạn có thể sử dụng nguyên tắc này: Nếu bạn sao chép nó vào thẻ học của mình, nó phải là một thứ không được viết bằng tiếng mẹ đẻ. Miễn là bạn làm theo quy tắc đó, bạn sẽ ổn thôi.
Hãy cùng quay trở lại với Google Hình ảnh nào! Thi thoảng, bạn sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm hình ảnh cho một từ. Giả sử bạn đang học từ jolie (đẹp, dễ thương) trong tiếng Pháp. Nếu tìm kiếm trên Google Hình ảnh, bạn sẽ tìm thấy 100.000.000 hình ảnh, nhưng 78.000.000 bức ảnh đầu tiên đều là hình Angelina Jolie. (Hãy mừng là bạn không muốn tìm “a smith” (thợ rèn); Will Smith có đến năm tỷ hình ảnh trên mạng).
Khi gặp phải vấn đề này, bạn có hai lựa chọn. Nếu chắc chắn về nghĩa của từ đang tìm, bạn có thể tìm kiếm hình ảnh phù hợp với từ khóa bằng tiếng Anh. Bạn có thể tìm thấy thứ gì đó với từ khóa “cute” trong một vài giây (hoặc nếu đang tự vẽ hình ảnh, thì tự bạn có thể vẽ ra hình gì đó để minh họa cho “cute”). Nếu không thể biết chắc từ của bạn có nghĩa là gì, vậy hãy bỏ qua nó. Từ mà bạn đang tìm có thể phức tạp và đa nghĩa hơn mức bạn có thể xử lý ngay lúc này, nhưng có rất nhiều cách khác để học nó. Hãy chuyển sang từ tiếp theo.
Một lời cảnh báo: Google Hình ảnh có thể gây nghiện; ít nhất là vào lúc này, đừng dành cả ngày cho chỉ một từ. Hãy tự giới hạn tối đa 20 giây cho mỗi từ (có thể nâng lên đến 30 giây, nếu cần, nhưng chỉ thế thôi). Một khi đã “giắt lưng” được vốn ngữ pháp nhất định, bạn có thể đi sâu vào những thứ như thế sau, nhưng ngay lúc này, hãy học lấy một vài từ đã!
KẾT NỐI CÁ NHÂN: Tôi không thể cung cấp các kết nối cá nhân của chính bạn, nhưng có thể khơi gợi các ký ức của bạn. Hãy dùng chúng bất cứ khi nào gặp khó khăn khi tìm kiếm một ký ức tốt cho từ mới. Khi làm thế, hãy tự hỏi mình về từ mới mà bạn đang học, chứ không phải về bản dịch sang tiếng Anh của từ đó. Thay vì hỏi về lần gần đây nhất bạn nhìn thấy mẹ mình, hãy hỏi về lần gần đây nhất bạn nhìn thấy mère của mình. Ngay cả khi các từ đó có phát âm gần giống nhau (timid/timide), bạn vẫn sẽ tạo ra các kết nối hữu dụng hơn khi bạn nghe thấy những từ đó trong đầu bằng giọng điệu ngoại ngữ mới:
Các danh từ cụ thể: Lần gần đây nhất mình nhìn thấy mère (mẹ) của mình là khi nào?
Các danh từ cụ thể: Lần đầu tiên mình gặp một cái moto (xe máy) là khi nào?
Các danh từ trừu tượng: Économie (kinh tế) đã ảnh hưởng đến mình như thế nào?
Các tính từ: Mình có timide (nhút nhát) không? Nếu không, mình có biết ai như thế không?
Các tính từ: Mình có sở hữu thứ gì đó màu rouge (màu đỏ) không? Các động từ: Mình có thích courir (chạy) không? Mình có biết ai đó thích thế không?
Hãy trả lời một trong những câu hỏi như thế, và viết một lời nhắc nhở nhỏ cho chính mình trên mặt sau thẻ học của bạn. Bạn có thể viết tên của cô cháu gái timide, thành phố nơi bạn đầu tiên lái chiếc moto, hoặc một khuôn mặt buồn (Tôi thực sự không thích courir). Những lời nhắc nên ngắn và bí ẩn – chỉ có mỗi chữ “Sally” chẳng hạn – để khi xem lại chúng, bạn sẽ có một lúc ngớ người ra kiểu “Sally?… Ồ phải rồi, Sally có một chiếc váy như thế.”
Bất cứ khi nào có thể, hãy dùng tên người và tên địa điểm − chúng không vi phạm quy tắc “không dùng tiếng mẹ đẻ” của chúng ta − nhưng nếu một hoặc hai từ tiếng Anh lang thang như last Christmas bò vào chẳng hạn, cảnh sát ngôn ngữ có lẽ cũng sẽ không bắt bạn đâu. Chỉ cần đừng biến nó thành một thói quen.
GIỐNG TỪ (NẾU CÓ): Nếu bạn không chắc chắn rằng ngoại ngữ của mình có sử dụng giống từ hay không, hãy kiểm tra Wikipedia: en.wikipedia.org/wiki/List_of_languages_by_type_of_grammatical_ gender. Nếu có, hãy mở sách ngữ pháp ra, tìm ra phần giới thiệu về giống của các từ, và đọc nó. Bạn sẽ biết được có bao nhiêu giống và liệu ngôn ngữ của bạn có quy luật nào cho chúng không (có thể hầu hết các từ giống cái kết thúc bằng âm “a” chẳng hạn).
Bạn cũng sẽ biết được liệu có cách nào để xác định giống của một từ không. Ví dụ, trong tiếng Đức, mỗi từ thường được liệt kê cùng với mạo từ xác định của nó, vậy nên thay vì dog, cat và horse, bạn sẽ luôn thấy the dog, the cat và the horse: der Hund (the dog [giống đực]), die Katze (the cat [giống cái]) và das Pferd (the horse [không mang giống]). Bạn sẽ tìm được giống của mỗi từ trong phần chú giải từ mới, hoặc từ điển.
Hãy tạo một hình ảnh nhớ mẹo cho mỗi giống từ bạn cần. Chúng có thể là bất cứ thứ gì. Tôi thích sử dụng các động từ tương đối “bạo lực” để dễ nhớ giống từ của danh từ; các danh từ của tôi hiếm khi sống sót qua những cú đập vỡ, nổ tung, tan chảy, thiêu cháy hay nứt vỡ. Động từ về tình dục là một lựa chọn kinh điển. Để trích dẫn Joshua Foer trong Moonwalking with Einstein (Phiêu bước cùng Einstein):
Khi tạo ra các hình ảnh, “đầu óc đen tối” sẽ thực sự có ích. Sự tiến hóa đã lập trình bộ não của chúng ta để nó luôn thấy hai điều đặc biệt thú vị, và do đó rất dễ nhớ: Những câu nói đùa và tình dục — và đặc biệt là những câu đùa VỀ tình dục… Thậm chí, các bài viết về trí nhớ từ những thời kỳ khá bảo thủ về tình dục cũng thể hiện điều này. Peter vùng Ravenna, tác giả của cuốn sách dạy về trí nhớ nổi tiếng nhất thế kỷ XV, đã bắt đầu bằng việc xin lỗi trước những người đàn ông trong sạch và ngoan đạo, trước khi tiết lộ “bí mật mà bấy lâu nay tôi vẫn giữ kín: Nếu bạn muốn ghi nhớ một cách nhanh chóng, hãy đưa hình ảnh của những cô trinh nữ xinh đẹp nhất vào những nơi cần nhớ, vì trí nhớ được kích thích một cách kỳ diệu bởi hình ảnh của phụ nữ.”
Nhưng bạn có thể sẽ phát mệt với việc tưởng tượng ra cảnh mọi bông hoa, cái mũi, cái túi mua sắm, hay những quả bóng tennis cứ nhiệt tình… nhảy nhót suốt ngày. Bạn có thể sẽ thích cảnh những bông hoa và cái mũi ôm nhau nhảy lắc lư hơn, còn cái túi mua sắm thì hát chẳng hạn. Bạn muốn chọn thế nào cũng được.
Cũng đừng quên rằng bạn sẽ phải sáng tạo một chút khi học đến các danh từ trừu tượng. Một quả bóng tennis bốc cháy rừng rực có thể sẽ dễ tưởng tượng hơn là một năm bốc cháy rừng rực, nhưng cả hai đều được (và một năm bốc cháy rừng rực vẫn dễ nhớ hơn là một năm giống đực).
Chúng ta đã sẵn sàng. Hãy rẽ sang Phụ lục 5, chuẩn bị sẵn sàng danh sách từ của bạn, và sau đó hãy bắt đầu tạo thẻ học. Bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn cách thiết kế thẻ học trong Phòng trưng bày.
Với những người đã ở trình độ trung cấp
Bạn có thể đã biết nhiều từ trong phần Phụ lục 5. Bạn không cần phải học lại chúng lần nữa, mặc dù nếu ngoại ngữ của bạn có giống (ngữ pháp), bạn có lẽ sẽ muốn học lại bất kỳ từ nào mà bạn không chắc chắn về giống của nó.
Hãy xem qua danh sách 625 từ và tách các từ thành ba loại sau:
• Những từ bạn biết: Bạn có thể ngay lập tức nhớ ra những từ này, bạn biết làm thế nào để phát âm nó, bạn biết giống của nó và bạn không cần phải lãng phí thời gian học lại nó.
• Những từ bạn biết sơ qua: Nếu bạn tra chúng trong từ điển, bạn sẽ nghĩ: “Ồ đúng rồi, nhớ ra rồi!” Có lẽ bạn đã quên chính xác làm thế nào để phát âm chúng, hay không nhớ rõ giống hoặc cách viết của chúng là gì, nhưng chắc chắn chúng có vẻ rất quen.
• Những từ mới: Bạn có thể đã từng học qua chúng vào một thời điểm nào đó trong quá khứ, nhưng trông chúng không có vẻ quen thuộc chút nào.
Hãy bỏ qua tất cả những từ thuộc loại 1. Bạn không cần phải dành nhiều thời gian với chúng nữa. Đối với những từ thuộc loại 2, hãy dùng đến phần Con đường “làm mới” trong Phòng trưng bày.
Nó sẽ giúp bạn nhớ lại những ký ức cũ mà không cần mất quá nhiều thời gian. Đối với những từ thuộc loại 3, hãy làm theo các hướng dẫn trong mục Phòng trưng bày như thể bạn là một người mới bắt đầu học vậy. Bạn sẽ sử dụng mục Con đường bình thường hoặc Con đường chuyên sâu, tùy thuộc vào nhu cầu của bạn và độ khó của ngoại ngữ đích.