Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cách Học Ngoại Ngữ Nhanh Và Không Bao Giờ Quên

Phụ Lục 3

Tác giả: Gabriel Wyner
Thể loại: Học Ngoại Ngữ

Các Tài Liệu Về Hệ Thống Nhắc Lại Cách Quảng

Hệ thống nhắc lại cách quãng phiên bản máy tính: Anki

Bạn sẽ tìm thấy các đường dẫn để tải về và hướng dẫn cài đặt phần mềm Anki tại Ankisrs.net.

Một khi đã cài đặt xong Anki, bạn sẽ cần phải học cách sử dụng nó. Để khiến công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn, hãy tham khảo loạt video hướng dẫn và bài mẫu của tôi tại: Fluent-Forever.com/chapter2.

Tự làm thẻ thủ công: Chiếc hộp Leitner

Nếu thích giấy hơn là ánh sáng xanh lạnh của màn hình điện thoại thông minh, bạn có thể tự làm một hệ thống nhắc lại cách quãng bằng tay. Nó sẽ ngốn của bạn nhiều thời gian hơn so với việc sử dụng một hệ thống trên máy tính, nhưng bạn sẽ học được rất nhiều điều trong khi làm thẻ.

Hãy nhớ rằng rất nhiều trong số các tài liệu trực tuyến tôi đề cập tới sẽ đều hữu dụng như nhau cho dù bạn có đang sử dụng thẻ trên máy tính hay thẻ thật bằng giấy. Quá trình sao chép/dán của bạn chỉ đơn giản là khác nhau: Nó mất nhiều thời gian hơn, linh hoạt hơn, và có thể trông ngô nghê hơn một chút nếu bạn không có khiếu nghệ thuật. Nếu tìm thấy một câu ví dụ tuyệt vời trên Google Hình ảnh với một hình ảnh trông có vẻ không hữu dụng cho lắm (Google Hình ảnh có thể cung cấp câu ví dụ cho mọi từ, nếu bạn hỏi đúng cách), bạn sẽ có lợi hơn so với một người làm thẻ bằng cách sử dụng hệ thống trên máy tính. Nếu đang cố gắng để làm 300 thẻ trong một buổi tối, hoặc làm một loạt các cặp thẻ đọc hiểu/phát âm, bạn sẽ phải nỗ lực hơn nhiều so với những người có thể cắt-và-dán với chỉ một vài tổ hợp phím.

HAI MẶT CỦA GOOGLE HÌNH ẢNH

Google Hình ảnh từng cung cấp những dòng chú thích cho mọi hình ảnh, nhưng vào năm 2010, một phiên bản hào nhoáng mới được giới thiệu, và nó tạo ra những bức tường khổng lồ đầy hình ảnh mà không có lấy một chữ nào. Nếu lăn chuột xuống tận phía dưới của bất kỳ trang tìm kiếm hình ảnh, bạn sẽ tìm thấy liên kết “Chuyển sang phiên bản cơ bản”. Nhấp chuột vào nó, lưu cái liên kết đó lại, và giờ đây, bạn đã có được quyền truy cập vào cuốn sách minh họa lớn nhất trong lịch sử của nhân loại. Hãy thưởng thức đi!

Do bạn sẽ sử dụng một hộp thẻ thật thay vì một chương trình máy tính, các khoảng thời gian chờ sẽ không giống nhau đối với mỗi thẻ. Khoảng thời gian chờ của một số thẻ sẽ dao động từ hai đến bốn tháng. Điều này thực ra cũng không quan trọng lắm; nếu bạn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ một thẻ nào đó, nó thường sẽ trở lại thường xuyên, đủ để ghi sâu vào bộ nhớ dài hạn của bạn, và nếu không gặp khó khăn gì, thì tuyệt vời, bạn đã nhớ được nó. Dưới đây là những gì bạn cần:

• Một loạt thẻ trắng (ít nhất là một vài nghìn thẻ)

• Một hộp đựng thẻ

• Tám ngăn đựng thẻ khác nhau, có nhãn “Mới”, “Cấp độ 1”, “Cấp độ 2”, và cứ thế cho đến “Cấp độ 7”

• Một tờ lịch

• Một bộ bút và/hoặc bút chì đáng tin cậy (màu sắc có thể giúp làm cho hình ảnh đáng nhớ hơn)

Hộp đựng thẻ của bạn trông sẽ như thế này:

Các quy tắc của trò chơi

Chiếc hộp Leitner của bạn là một trò chơi. Bạn giành chiến thắng trong trò chơi khi bạn đưa được tất cả các thẻ mới qua cấp độ 7. Để làm được điều này, bạn sẽ cần phải nhớ lại thành công mỗi thẻ của mình bảy lần liên tiếp, với khoảng chờ giữa mỗi lần ôn lại tăng dần. Nếu thắng, bạn có thể yên tâm rằng bạn sẽ nhớ mỗi thẻ hơn một năm.

Làm thế nào để bạn đi được từ cấp độ 1 lên đến cấp độ 2? Mỗi khi ôn lại một thẻ, bạn sẽ nhìn vào mặt trước của thẻ và tự hỏi mình rằng: “Mình có nhớ phần nội dung ở mặt sau của tấm thẻ này không?” Tùy thuộc vào loại thẻ (từ vựng, ngữ pháp, phát âm), câu hỏi này có thể có nhiều phần: “Mình có nhớ cách phát âm đúng của từ này không? Mình có nhớ những từ đi cùng với hình ảnh này không? Mình có nhớ đúng cách viết chính tả của các từ đi cùng với hình ảnh này không?” Trong phần Phòng trưng bày, mỗi khi giới thiệu một loại thẻ mới, tôi cũng đã bàn về các câu hỏi có liên quan đến loại thẻ đó.

Nếu câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là “Có, tôi nhớ!”, vậy thì bạn hãy di chuyển thẻ đó lên cấp độ tiếp theo (ví dụ, thẻ đang ở cấp độ 2 sẽ được di chuyển lên cấp độ 3). Nếu bạn trả lời “Không, tôi quên mất một điều gì đó rồi”, vậy thì hãy di chuyển thẻ đó trở lại cấp độ 1.

Làm thế nào để biết khi nào cần ôn lại thẻ và cần phải ôn lại thẻ nào? Trò chơi chiếc hộp Leitner được thiết kế để chơi hằng ngày. Mỗi ngày, bạn sẽ tiến hành các bước sau đây:

• Bước 1: Di chuyển 15-30 thẻ mới vào cấp độ 1.

• Bước 2: Ôn lại các thẻ của bạn theo Lịch trình Trò chơi.

Lịch trình Trò chơi là một lịch trình lặp lại tuần hoàn theo chu kỳ 64 ngày. Nó nói cho bạn biết cần phải ôn lại các thẻ trong ngăn 1/2/3/4/5/6/7 với mức độ thường xuyên như thế nào. Đại loại, bạn sẽ ôn lại cấp độ 1 sau một ngày, cấp độ 2 sau hai ngày, cấp độ 3 sau bốn ngày, cứ thế mãi cho đến cấp độ 7, ở cấp độ đó bạn sẽ ôn lại sau 64 ngày. Vì không có 64 ngày trong một tháng, chúng ta sẽ cần phải thêm một chu kỳ 64 ngày vào cuốn lịch, như thế này:

Một khi đã làm như vậy, bạn chỉ cần xem lịch để xác định xem mình đang ở đâu trong chu kỳ 64 ngày của Lịch trình Trò chơi.

Lịch trình trò chơi chiếc hộp Leitner

(Bạn có thể in ra một bản copy từ Fluent-Forever.com/appendix3)

Khi chơi với chiếc hộp Leitner vào ngày 5 tháng 5 (ngày thứ 1), tôi sẽ làm theo hai bước chính của trò chơi. Trước tiên, tôi sẽ di chuyển 15-30 thẻ mới vào Cấp độ 1, và sau đó tôi sẽ tham khảo Lịch trình Trò chơi. Lịch trình nói với tôi rằng tôi nên:

• Bắt đầu với Cấp độ 2.

• Sau đó, tiếp tục với Cấp độ 1.

Nhưng tôi không có bất kỳ thẻ nào trong Cấp độ 2, tôi chỉ bắt đầu thôi mà. Vì vậy, tôi bỏ qua và tiếp tục với Cấp độ 1.

Cấp độ 1 khá đơn giản trong ngày hôm nay. Tôi xem lại 15-30 thẻ của mình. Mỗi lần nhớ, tôi di chuyển nó vào Cấp độ 2. Mỗi lần quên, tôi chuyển nó về lại đống thẻ trong Cấp độ 1. Với đủ số lần lặp đi lặp lại, tôi sẽ dần dần di chuyển hết tất cả các thẻ từ Cấp độ 1 lên đến Cấp độ 2. Một khi đã làm xong việc đó, phần việc ôn tập thẻ của tôi trong ngày hôm nay cũng đã xong.

Ngày 6 tháng 5 (ngày thứ 2) cũng được tiến hành theo cách tương tự. Tôi phải xem lại các Cấp độ 3 và 1, nhưng một lần nữa, Cấp độ 3 cũng vẫn còn trống rỗng, và Cấp độ 1 chỉ có 15-30 thẻ mới của tôi trong ngày. Đến cuối ngày, tôi có 30 đến 60 thẻ chờ đợi ở cấp độ 2.

Bây giờ, mọi thứ mới trở nên thú vị. Vào ngày 7 tháng 5 (ngày thứ 3), tôi phải xem lại các thẻ ở Cấp độ 2 và 1. Vì vậy, tôi lôi 30-60 thẻ ở Cấp độ 2 ra. Tôi xem lại tất cả các thẻ một lần. Mỗi lần, nhớ được một thẻ, tôi sẽ chuyển thẻ đó lên đến Cấp độ 3. Mỗi lần quên một thẻ, tôi sẽ chuyển thẻ đó xuống Cấp độ 1.

Tiếp theo, tôi sẽ xem lại các thẻ của mình ở Cấp độ 1, mà bây giờ là một hỗn hợp của 15-30 thẻ mới tôi mới làm trong ngày, cùng với các thẻ cũ tôi vừa chuyển xuống từ Cấp độ 2 do vẫn còn quên. Mỗi lần nhớ được một thẻ, tôi sẽ di chuyển nó lên Cấp độ 2. Mỗi lần quên, tôi sẽ lại chuyển nó về ngăn Cấp độ 1. Giống như tôi đã làm trong 2 ngày trước đó, tôi sẽ tiếp tục đi hết đống thẻ cho đến khi tất cả các thẻ Cấp độ 1 của tôi đã được di chuyển hết vào Cấp độ 2. Sau đó, tôi sẽ tự thưởng cho mình một ly martini và tạm nghỉ cho đến ngày mai.

Một tấm thẻ chiến thắng

Hãy theo dõi sự tiến bộ của một tấm thẻ chiến thắng thông qua Lịch trình Trò chơi. Ngày 5 tháng 5 (ngày 1: cấp độ 2, 1), một trong những tấm thẻ mới của tôi trông như thế này (“Macska là từ tiếng Hungary cho mèo”):

Tôi sẽ thấy nó khi ôn lại Cấp độ 1, và vì đã dành rất nhiều thời gian nói về mèo ở Chương 2, tôi không gặp khó khăn gì khi phải ghi nhớ xem macska có nghĩa là gì. Tôi ngay lập tức chuyển thẻ này lên Cấp độ 2, hoàn thành việc ôn tập những thẻ còn lại của mình, rồi cất chiếc hộp Leitner đi.

Vào ngày thứ 2 (cấp độ 3, 1), tôi không thấy macska nữa, vì tôi không ôn lại các thẻ Cấp độ 2 vào ngày hôm đó. Thay vào đó, tôi sẽ thấy macska một lần nữa vào ngày thứ ba (cấp độ 2, 1), lúc này tôi vẫn còn nhớ nó, và vì vậy tôi đặt nó vào Cấp độ 3.

Ba ngày trôi qua trước khi tôi lại nhìn thấy nó một lần nữa, vào ngày thứ 6 (cấp độ 3, 1). Lúc này tôi đã ôn lại macska đến hai lần rồi, và vì thế bộ nhớ của tôi về đang dần trở nên mạnh hơn, mặc dù tôi vẫn đang chờ đợi những khoảng chờ càng lúc càng dài hơn giữa những lần ôn tập. Tôi nhớ được nó và đặt nó lên đến Cấp độ 4.

Bây giờ, tôi chờ đợi cả tuần. Vào ngày thứ 13 (cấp độ 4, 2, 1), macska hiện lên lần thứ tư. Một vài ngày trước, tôi đã học từ matrac (nệm), và kết quả là tôi có một số khó khăn khi phải cố nhớ xem macska là một con vật hay một thứ đồ đạc. Sau một vài giây không chắc chắn đầy khổ sở, tôi cũng nhớ ra. Tôi chuyển tấm thẻ đó lên đến cấp độ 5.

Chúng ta đang gần đến giai đoạn cuối của trò chơi với từ macska. Tôi chờ đợi hơn hai tuần trước khi nhìn thấy nó một lần nữa vào ngày thứ 28 (Cấp độ 5, 1). Sau khi chinh phục sự lẫn lộn macska/matrac, tôi không gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nữa, và tôi di chuyển macska đến Cấp độ 6.

Cấp độ 6 đến vào ngày thứ 59 (cấp độ 5, 1), một tháng kể từ khi tôi nhìn thấy nó lần trước. Khi nhớ và chuyển được nó lên Cấp độ 7, tôi gần như có thể nếm được vinh quang với từ đó. Giờ tôi có một nhiệm vụ ghê gớm: Lần duy nhất tôi thấy Cấp độ 7 là vào ngày 56 (cấp 7, 1). Tôi sẽ phải chờ cho chu kỳ lặp lại – hai tháng – trước khi nhìn thấy lại cái thẻ đó một lần nữa. Khi nó trở lại, tôi có thể mất tất cả. Nếu tôi không thể nhớ nổi nó, macska sẽ rơi tuột trở xuống Cấp độ 1, và tôi sẽ cần phải lặp lại chu kỳ từ đầu. Nếu nhớ nó, tôi sẽ giành chiến thắng, và macska sẽ được “nghỉ hưu”, sống nốt những ngày còn lại của nó trong sự thoải mái nơi bộ nhớ dài hạn của tôi.

Nếu tôi bỏ lỡ mất không ôn tập một hoặc hai ngày thì sao?

Hãy làm hết phần việc ôn tập của bạn từ những ngày bị lỡ, và hãy đảm bảo rằng bạn bắt đầu với thẻ ở cấp độ cao nhất trước. Nếu bỏ lỡ ngày thứ 57 (cấp độ 2, 1) và ngày thứ 58 (cấp độ 3, 1), vậy thì vào ngày thứ 59 (cấp độ 6, 2, 1), bạn nên ôn lại Cấp độ 6, sau đó Cấp độ 3, Cấp độ 2, rồi đến Cấp độ 1. Bạn có thể ngừng học thẻ mới trong ngày hôm đó để bù đắp cho thời gian bỏ ra ôn tập bù những ngày trước.

Bình luận