H: TA THƯỜNG BĂN KHOĂN KHÔNG HIỂU TẠI SAO kẻ thù của ngươi – thế lực mà con người chúng ta vẫn gọi là Chúa trời – không tiêu diệt ngươi? Ngươi có thể giải thích cho ta biết lý do tại sao không?
Đ: Vì ta và hắn mạnh như nhau. Ta có quyền lực thế nào thì hắn cũng có quyền lực thế ấy. Đó là điều ta vẫn luôn cố gắng để lừa gạt ngươi. Sức mạnh lớn nhất của vũ trụ có thể phục vụ cho những mục đích tích cực qua thứ ngươi vẫn gọi là Chúa trời, hoặc phục vụ cho những mục đích tiêu cực qua thứ ngươi vẫn gọi là Quỷ dữ. Và còn một điều quan trọng hơn, bất cứ con người bình thường nào cũng có thể sử dụng nó hiệu quả như Chúa trời hay Quỷ dữ.
H: Ngươi vừa đưa ra một tuyên bố có ảnh hưởng rất sâu rộng đấy. Ngươi có thể chứng minh tuyên bố của mình không?
Đ: Tất nhiên là có, nhưng sẽ tốt hơn nếu ngươi tự chứng minh nó. Những lời nói của Quỷ dữ không có mấy giá trị với bọn người phàm tục. Những lời của Chúa trời cũng vậy. Các ngươi sợ Quỷ dữ và từ chối tin tưởng Chúa trời, do đó các ngươi chỉ có một con đường duy nhất giúp các ngươi có được lợi ích từ sức mạnh của vũ trụ, đó là tin tưởng vào và biết sử dụng chính sức mạnh tư duy của mình. Đó là con đường trực tiếp dẫn tới nhà kho chung của Trí tuệ Vô hạn. Không có con đường nào khác dành cho con người nữa.
H: Tại sao con người chúng ta không tìm thấy con đường đến với Trí tuệ Vô hạn sớm hơn?
Đ: Bởi ta đã ngăn chặn và khiến các ngươi chệch hướng khỏi con đường đi của mình bằng cách gieo vào tâm trí của các ngươi những suy nghĩ hủy hoại sức mạnh để sử dụng trí tuệ của mình một cách tích cực. Ta khiến các ngươi thích sử dụng Sức mạnh của Trí tuệ Vô hạn để đạt được những mục tiêu tiêu cực qua lòng tham, tính hám lợi, thói dâm ô, sự ghen ghét và đố kỵ. Hãy nhớ rằng, tâm trí các ngươi thu hút những gì các ngươi tập trung vào. Để khiến ngươi tránh xa khỏi kẻ thù của ta, ta chỉ cần nuôi ngươi bằng những suy nghĩ có ích cho sự nghiệp của ta.
H: Nếu ta hiểu đúng những gì ngươi đang nói thì ngươi đang thú nhận rằng tất cả mọi người không cần phải sợ Quỷ dữ và cũng không cần phải lo lắng làm sao để lấy được lòng của Chúa trời?
Đ: Hoàn toàn chính xác. Lời thú nhận này có thể khiến sức mạnh của ta bị giảm sút nhưng ta sẽ hài lòng khi biết rằng nó cũng khiến quá trình kẻ thù của ta đưa con người đến thẳng với nguồn gốc của mọi sức mạnh bị chậm lại.
Ở đây và tại vài điểm khác trong suốt cuộc đối thoại, rõ ràng Napoleon Hill đã bắt đầu nói về thần học. Sử dụng Con Quỷ làm nền và để những lời nói thốt ra từ miệng của biểu tượng về cái xấu, Napoleon Hill đã đưa ra suy nghĩ và cảm xúc của mình về Chúa trời – Trí tuệ Vô hạn – như nguồn sức mạnh cuối cùng cho toàn bộ triết lý thành công của ông.
H: Nói cách khác, nếu ngươi không thể kiểm soát con người thông qua các vật hối lộ tiêu cực hay nỗi sợ hãi, rồi ngươi lại muốn đảo lộn tất cả và chỉ đường cho con người đến với Chúa trời? Ngươi có tình cờ hoạt động trong lĩnh vực chính trị không vậy? Những kỹ xảo ngươi dùng quen khủng khiếp.
Đ: Ta có hoạt động trong lĩnh vực chính trị không ư? Nếu ta không hoạt động chính trị thì ngươi nghĩ ai là người đã gây ra cuộc suy thoái và đẩy mọi người vào chiến tranh? Chắc chắn là ngươi không cho rằng đó là do kẻ thù của ta rồi. Như ta đã nói với ngươi, ta có đồng minh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống để giúp ta kết nối với mọi mối quan hệ của con người.
H: Tại sao ngươi không chiếm luôn các nhà thờ và công khai sử dụng chúng cho mục đích của ngươi đi?
Đ: Ngươi nghĩ rằng ta là tên ngốc sao? Ai sẽ giúp ta duy trì nỗi sợ Quỷ dữ nếu ta chinh phục các nhà thờ? Ai sẽ giúp ta làm vật ngụy trang để thu hút sự chú ý của mọi người khi ta điều khiển tâm trí của họ nếu ta không có vài “đại lý” mà thông qua họ, ta có thể gieo rắc hạt mầm của nỗi sợ hãi và nghi ngờ? Trò xảo quyệt nhất của ta là sử dụng các đồng minh của chính kẻ thù của ta để giữ nỗi sợ hãi địa ngục luôn ở trong tâm trí của con người. Chỉ cần con người còn sợ điều gì đó, ta sẽ nắm bắt được họ.
H: Ta bắt đầu hiểu âm mưu của ngươi rồi. Ngươi lợi dụng các nhà thờ để gieo rắc hạt mầm sợ hãi, bất an và mơ hồ trong tâm trí con người. Các trạng thái tinh thần tiêu cực này khiến con người hình thành thói quen buông thả. Qua nhịp điệu thôi miên, thói quen này kết tinh vĩnh viễn, sau đó nạn nhân sẽ không thể tự cứu bản thân mình, có đúng không? Do đó, cần phải để ý và lưu tâm tới nhịp điệu thôi miên?
Đ: Có thể nói rõ hơn về điều này rằng nhịp điệu thôi miên cần được nghiên cứu, tìm hiểu và tự nguyện áp dụng để đạt được các mục tiêu xác định như mong muốn.
H: Nếu sức mạnh của nhịp điệu thôi miên không được áp dụng một cách tự nguyện để đạt được các mục tiêu xác định thì nó có thể trở thành một mối hiểm họa lớn không?
Đ: Có, vì nó tự động vận hành. Nếu nó không được áp dụng có ý thức để đạt được một mục tiêu mong muốn, nó có thể và nó sẽ vận hành để đạt được những mục tiêu không mong đợi.
Chẳng hạn như, hãy lấy một minh họa đơn giản về khí hậu. Mọi người đều thấy và đều hiểu rằng tự nhiên bắt mọi cá thể sống và mọi yếu tố vật chất phải tự điều chỉnh mình phù hợp với khí hậu của nó. Ở các vùng nhiệt đới, tự nhiên tạo ra những cây cối tự sinh ra quả và tự sinh sản. Tự nhiên bắt cây cối phải điều chỉnh để thích nghi với ánh mặt trời nóng như thiêu như đốt ở đó, bắt chúng phải sinh ra những chiếc lá phù hợp để bảo vệ chống lại ánh nắng mặt trời. Nhưng chính những cái cây ấy lại không thể sống được nếu bị chuyển đến những vùng giá rét nơi có điều kiện khí hậu tự nhiên hoàn toàn khác biệt.
Ở những vùng khí hậu lạnh hơn, tự nhiên cũng tạo ra những loài cây cối thích nghi để tồn tại và tự sinh sản, nhưng chúng cũng không thể sống sót nếu được trồng ở những vùng khí hậu nhiệt đới. Theo cùng cách đó, tự nhiên bao bọc các loài động vật, cho những con vật ở các vùng khí hậu khác nhau một lớp phủ ngoài thích hợp với sự thoải mái và sống sót ở từng vùng khí hậu.
Cũng theo cách tương tự, tự nhiên thúc ép tâm trí của con người dưới ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài của họ, hoàn cảnh này còn mạnh hơn cả chính những suy nghĩ của riêng cá nhân đó. Trẻ em bị bắt phải làm theo những khuôn mẫu của mọi ảnh hưởng của những người xung quanh chúng cho đến khi suy nghĩ của chúng mạnh hơn những ảnh hưởng đó.
Tự nhiên đã gây dựng một nhịp điệu nhất định cho mọi hoàn cảnh, và mọi thứ bên trong phạm vi nhịp điệu đó bị bắt ép phải thích nghi với nó. Chỉ có con người là có sức mạnh để thiết lập nên nhịp điệu suy nghĩ riêng của mình miễn sao anh ta thực hiện đặc quyền đó trước khi nhịp điệu thôi miên bắt anh ta chịu ảnh hưởng từ môi trường của mình.
Mọi ngôi nhà, mọi nơi làm việc, mọi thành phố và làng mạc, mọi con đường và mọi trung tâm cộng đồng đều có nhịp điệu riêng rõ ràng của nó. Nếu ngươi muốn biết điểm khác biệt trong nhịp điệu của các con đường, hãy thử đi dạo ở đại lộ số 5 New York rồi sau đó xuống một con đường ở khu ổ chuột xem! Theo thời gian, mọi nhịp điệu đều trở nên cố định.
H: Liệu mỗi cá nhân có nhịp điệu suy nghĩ riêng của mình không?
Đ: Có chứ. Và đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa các cá nhân. Người nghĩ về sức mạnh, thành công, giàu sang sẽ tạo nên một nhịp điệu thu hút những thứ đáng mơ ước đó. Còn người chỉ nghĩ về đau khổ, thất bại, sai lầm, hủy hoại và nghèo đói sẽ thu hút những ảnh hưởng không mong muốn đó. Điều này giải thích tại sao thành công và thất bại đều là kết quả của thói quen. Thói quen tạo nên nhịp điệu suy nghĩ của một người và nhịp điệu đó thu hút những mục tiêu trong những suy nghĩ vượt trội của người đó.
H: Nhịp điệu thôi miên là thứ giống như một thỏi nam châm thu hút những thứ giống nó. Có đúng như vậy không?
Đ: Đúng vậy. Đó là lý do tại sao những người nghèo xơ nghèo xác thường hay tự tập hợp với nhau thành một cộng đồng. Điều đó giải thích cho câu thành ngữ “Đồng bệnh tương liên”[33]. Nó cũng giải thích tại sao những người bắt đầu thành công trong bất cứ công việc nào sẽ nhận thấy thành công ấy ngày càng được nhân rộng trong khi mình không cần bỏ ra nhiều nỗ lực.
Tất cả những người thành công đều sử dụng nhịp điệu thôi miên, hoặc có ý thức hoặc hoàn toàn vô thức, bằng cách kỳ vọng và đòi hỏi thành công. Đòi hỏi đó trở thành một thói quen, nhịp điệu thôi miên tiếp quản thói quen ấy và luật hấp dẫn đồng điệu biến nó trở thành vật tương đương trong thực tế.
H: Nói theo cách khác, nếu ta biết mình muốn gì trong cuộc sống, ta đòi hỏi phải có được nó và hậu thuẫn cho đòi hỏi đó bằng việc sẵn sàng trả bất cứ cái giá nào cho điều ta muốn và từ chối mọi phương án thay thế, quy luật nhịp điệu thôi miên sẽ tiếp quản mong ước của ta và sẽ giúp ta – qua các phương tiện tự nhiên và hợp lý – biến nó thành những điều tương đương trong thực tế. Có đúng vậy không?
Đ: Ngươi vừa miêu tả cách quy luật này vận hành như thế nào rồi đấy.
H: Khoa học đã đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi rằng con người được hình thành bởi di truyền và môi trường. Khi sinh ra, con người là sự kết hợp của mọi đặc điểm sinh học của tổ tiên ngàn đời để lại. Sau khi đến với thế giới này, con người đến lứa tuổi tự nhận thức và từ đó tự định hình tính cách riêng của mình và quy định, nhiều hơn hay ít hơn, những mục tiêu của mình là kết quả của ảnh hưởng môi trường đến những gì mình đang theo đuổi, đặc biệt là những ảnh hưởng kiểm soát mình suốt thời kỳ thơ ấu. Hai sự thật này đã được phơi bày quá rõ đến mức không có chỗ cho bất cứ ai thông minh đặt câu hỏi nghi vấn nữa. Làm sao nhịp điệu thôi miên có thể thay đổi bản chất của một cơ thể là sự kết hợp của hàng ngàn người đi trước – những người đã sống và đã chết trước khi người đó ra đời? Làm sao nhịp điệu thôi miên có thể thay đổi ảnh hưởng của hoàn cảnh của một người nào đó? Những người sinh ra trong đói nghèo và ngu dốt thường có xu hướng là sẽ suốt đời cũng nghèo đói và ngu dốt. Nhịp điệu thôi miên, nếu có thể, sẽ làm được gì về chuyện này?
Đ: Nhịp điệu thôi miên không thể thay đổi bản chất của một cơ thể sinh học mà một người được thừa hưởng từ lúc sinh ra, nhưng nó có thể và nó đã thay đổi, biến đổi, kiểm soát và khiến ảnh hưởng môi trường đến một người trở thành vĩnh cửu.
H: Nếu ta hiểu đúng những gì ngươi nói, một người sẽ bị tự nhiên ép phải đảm nhận và trở thành một phần của môi trường anh ta lựa chọn hoặc môi trường anh ta bị ép phải chấp nhận?
Đ: Điều đó đúng, nhưng có nhiều cách và nhiều phương tiện mà từ đó, một cá nhân có thể kháng cự lại ảnh hưởng của một môi trường mà anh ta không muốn chấp nhận và cũng có một biện pháp thủ tục giúp một người có thể đảo ngược việc áp dụng nhịp điệu thôi miên từ mục tiêu tiêu cực sang tích cực.
H: Ý ngươi là có một biện pháp rõ ràng mà qua đó nhịp điệu thôi miên có thể giúp ích thay vì hủy hoại một người?
Đ: Đúng là ta có ý đó.
H: Hãy nói cho ta biết làm thế nào để đạt được mục tiêu đáng kinh ngạc ấy.
Đ: Để những gì ta miêu tả có tính ứng dụng thực tế, ta sẽ cần phải nói dài vì nó bao gồm bảy nguyên tắc tâm lý mà những người sử dụng nhịp điệu thôi miên cần phải hiểu và áp dụng để giúp họ bắt cuộc sống mang lại cho họ những gì họ mong muốn.
H: Vậy thì hãy chia những miêu tả của ngươi thành bảy phần, mỗi phần sẽ đưa ra những phân tích chi tiết về bảy nguyên tắc đó, với những chỉ dẫn đơn giản để ứng dụng nó vào thực tế.
Tôi luôn bị những tác phẩm của Napoleon Hill mê hoặc. Sau khi xây dựng một tình thế về những bất hạnh sắp xảy đến, giờ ông lại tiết lộ cầu nối sinh mệnh cho bất cứ ai đang tìm kiếm thành công. Đây là một bước ngoặt quan trọng. Khi bạn đọc những phần sau, liệu “bảy nguyên tắc” của ông có thu hút được trí tưởng tượng của bạn, như nó đã làm được với tôi không?