Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn

Chương 11: Học Từ Nghịch Cảnh

Tác giả: Napoleon Hill

H: THẤT BẠI CÓ MANG LẠI LỢI ÍCH CHO CON NGƯỜI HAY KHÔNG?

Đ: Có. Trên thực tế, học từ nghịch cảnh chính là nguyên tắc thứ ba trong bảy nguyên tắc mà ta đã nói đến. Nhưng có rất ít người biết rằng mọi nghịch cảnh đều mang trong nó một hạt mầm lợi ích tương đương. Thậm chí số người biết được sự khác nhau giữa thất bại tạm thời và thất bại còn ít hơn. Nếu phần lớn mọi người biết được điều này, ta sẽ bị tước đoạt mất một trong những vũ khí mạnh nhất để kiểm soát con người.

H: Nhưng ta hiểu rằng ngươi nói rằng thất bại là một trong những đồng minh tốt nhất của ngươi. Từ lời thú tội của ngươi, ta có ấn tượng rằng thất bại khiến con người mất đi tham vọng và ngừng cố gắng, sau đó ngươi sẽ dễ dàng chiếm đoạt họ mà họ không hề phản kháng lại.

Đ: Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Ngay khi họ ngừng cố gắng, ta sẽ chiếm đoạt được họ. Nếu họ biết được sự khác biệt giữa thất bại tạm thời và thất bại, họ sẽ không bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Nếu họ biết rằng mọi hình thức thất bại và tất cả mọi sai lầm đều mang trong chúng hạt mầm của những cơ hội ở tương lai, họ sẽ tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi. Thành công thường nằm ngay sát thời điểm khi một người ngừng cố gắng.

H: Đó là tất cả những gì một người có thể học từ nghịch cảnh, thất bại và sai lầm hay sao?

Đ: Không, đó là những gì tối thiểu mà một người có thể học được. Ta ghét phải nói với ngươi điều này nhưng sai lầm thường là điều may mắn bởi nó phá vỡ sự kìm kẹp của nhịp điệu thôi miên và giải phóng cho tâm trí có được một khởi đầu mới.

H: Chúng ta đi đúng hướng rồi đấy. Cuối cùng thì ngươi cũng thú nhận rằng thậm chí quy luật nhịp điệu thôi miên của tự nhiên cũng có thể và thường bị chính tự nhiên bãi bỏ. Đúng không?

Đ: Không, ngươi nói về điều đó như vậy là không hề chính xác. Tự nhiên không bao giờ đảo ngược bất cứ quy luật nào. Tự nhiên không lấy đi quyền tự do tư duy của con người qua nhịp điệu thôi miên. Mỗi người đánh mất quyền tự do của mình bởi họ đã lạm dụng quy luật này. Nếu một người nhảy từ trên cây xuống và bị chết bởi va chạm bất ngờ giữa cơ thể và mặt đất bởi Luật Hấp dẫn, ngươi không thể nói rằng tự nhiên đã giết hại anh ta, đúng không? Ngươi sẽ nói rằng anh ta chết bởi anh ta đã sao lãng việc kết nối bản thân mình theo đúng cách với Luật Hấp dẫn mà thôi.

H: Ta bắt đầu hiểu rồi đấy. Nhịp điệu thôi miên có cả ứng dụng tích cực lẫn tiêu cực. Nó có thể khiến một người bình thường trở thành nô lệ khi bị mất quyền tự do tư duy, hoặc nó cũng có thể giúp một người vươn tới đỉnh cao của thành công, tùy thuộc vào cách mỗi cá nhân gắn kết bản thân mình với quy luật này như thế nào mà thôi. Có đúng không?

Đ: Giờ thì ngươi đã nói đúng rồi đấy.

H: Thế còn thất bại thì sao? Chẳng ai cố ý thất bại cùng những mục đích được suy tính từ trước cả. Không ai đi khuyến khích những thất bại tạm thời đến với mình cả. Đó là những tình huống mà con người thường không thể nào kiểm soát nổi. Vậy thì làm sao có thể nói rằng tư nhiên không tước đoạt quyền tự do tư duy của một người khi thất bại hủy hoại tham vọng, sức mạnh ý chí và sự tự tin cần thiết để có một khởi đầu mới của anh ta?

Đ: Thất bại là một tình huống do con người tạo ra. Nó không bao giờ là thật cho đến khi con người chấp nhận nó là thất bại hoàn toàn. Nói theo cách khác, thất bại là một trạng thái của tâm trí, do đó, nó là thứ mà con người có thể kiểm soát được cho đến khi anh ta từ chối sử dụng đặc quyền này. Tự nhiên không ép con người thất bại. Nhưng tự nhiên áp đặt quy luật nhịp điệu thôi miên của mình lên mọi tâm trí và khiến mọi suy nghĩ chiếm ưu thế trong những tâm trí đó trở nên cố định.

Nói cách khác, khi con người chấp nhận bất cứ tình huống nào là thất bại hoàn toàn, quy luật nhịp điệu thôi miên sẽ tiếp quản những tư duy thất bại đó và khiến nó trở nên cố định. Chính quy luật này cũng sẵn sàng tiếp quản và khiến tư duy thành công trở nên cố định.

“Thất bại là một trạng thái của tâm trí, do đó, nó là thứ mà con người có thể kiểm soát được cho đến khi anh ta từ chối sử dụng đặc quyền này.”

***

Điều này có thể là sự thật hay sao? Có phải Napoleon Hill đã thuyết phục bạn rằng “thất bại là một tình huống do con người tạo ra”? Tôi tin rằng ông đã đưa ra một tình huống thuyết phục. Nếu tôi nhìn kỹ lại cuộc đời mình – những thành công và thất bại của cá nhân tôi trong công việc, những sai lầm và sơ suất – tôi còn có thể nói ai là người chịu trách nhiệm về những thứ đó ngoài bản thân tôi ra? Liệu khi bạn tự kiểm kê lại cuộc đời mình, kết quả của bạn có khác tôi chăng? Napoleon Hill đã giúp tôi có cái nhìn khác về giá trị của thất bại so với những gì tôi từng nghĩ trong quá khứ…

H: Vậy thì thất bại có vai trò gì trong việc giúp một người phá vỡ sự kìm kẹp của nhịp điệu thôi miên sau khi tâm trí của người đó đã bị quy luật ấy trói chặt?

Đ: Thất bại tạo ra một cao trào mà từ đó, một người sẽ có đặc quyền xóa sạch nỗi sợ hãi khỏi tâm trí mình và có một khởi đầu mới theo một hướng khác. Rõ ràng là thất bại chứng minh rằng có gì đó không ổn với mục tiêu hay kế hoạch tìm kiếm mục tiêu của một người. Thất bại là đường cùng của con đường thói quen mà một người đã đi theo, và khi đã tới đó, người đó sẽ buộc phải rời con đường ấy và tiếp tục đi con đường khác, do đó cũng sẽ tạo ra một nhịp điệu mới.

Nhưng thất bại còn làm được nhiều điều hơn thế. Nó cho con người cơ hội được thử thách bản thân mình xem sức mạnh ý chí của mình tới đâu. Thất bại cũng bắt con người phải tìm hiểu về rất nhiều sự thật mà nếu không có nó thì con người sẽ không bao giờ phát hiện ra. Thất bại cũng thường khiến con người hiểu về sức mạnh của kỷ luật tự giác mà nếu không có nó thì không ai có thể quay lại một khi đã trở thành nạn nhân của nhịp điệu thôi miên.

Hãy nghiên cứu về cuộc đời của tất cả những người đã đạt được những thành công nổi bật trong bất cứ lĩnh vực nào và quan sát và học hỏi xem thành công của họ thường có tỉ lệ chính xác với những trải nghiệm thất bại trước khi thành công.

“Thất bại tạo ra một cao trào mà từ đó, một người sẽ có đặc quyền xóa sạch nỗi sợ hãi khỏi tâm trí mình và có một khởi đầu mới theo một hướng khác.”

H: Đó là tất cả những gì ngươi có thể nói về lợi ích của thất bại?

Đ: Không, ta vừa mới chỉ bắt đầu thôi. Nếu ngươi muốn thấy ý nghĩa thật sự của nghịch cảnh, sai lầm, thất bại và tất cả những trải nghiệm khác có thể phá vỡ được thói quen của con người và buộc anh ta phải hình thành những thói quen mới, hãy xem tự nhiên làm công việc của mình như thế nào. Tự nhiên dùng bệnh tật để phá vỡ nhịp điệu thôi miên của cơ thể khi các tế bào và cơ quan gắn kết với nhau không đúng cách. Tự nhiên dùng suy thoái kinh tế để phá vỡ nhịp điệu của phần lớn các tư tưởng khi đa số mọi người gắn kết không đúng cách – thông qua các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị. Và tự nhiên dùng thất bại để phá vỡ nhịp điệu của tư tưởng tiêu cực khi một người gắn kết không đúng cách với bản thân trong chính tâm trí của mình.

Hãy quan sát thật kỹ và ngươi sẽ nhận thấy rằng mọi nơi trong vũ trụ này đều có một quy luật tự nhiên hoạt động khiến mọi vật chất, năng lượng và sức mạnh của tư duy thay đổi mãi mãi. Thứ duy nhất tồn tại vĩnh viễn trong vũ trụ này chính là sự thay đổi. Nhờ sự thay đổi vĩnh viễn và không thể thay đổi được này mà mọi nguyên tử của vật chất và mọi đơn vị năng lượng đều có cơ hội để gắn kết bản thân nó với mọi đơn vị vật chất và năng lượng khác theo đúng cách, và mọi con người đều có cơ hội và quyền gắn kết bản thân mình với tất cả những người khác theo đúng cách dù người đó từng phạm bao nhiêu sai lầm, thất bại bao nhiêu lần hay anh ta đã bị đánh bại theo cách nào đi chăng nữa.

Khi một thất bại lớn bất thình lình đến với một quốc gia, chẳng hạn như cuộc suy thoái kinh tế vào năm 1929, tình huống đó hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phá vỡ thói quen và mang đến những cơ hội mới cho con người.

Cái hay của việc bây giờ mới xuất bản cuốn sách này, trong thời kỳ kinh tế rối loạn như hiện nay là một lần nữa, tự nhiên lại phá vỡ thói quen của con người và giới thiệu những cơ hội mới với họ.

H: Những điều ngươi nói khiến ta ngạc nhiên đấy. Có phải ta nên hiểu rằng nhịp điệu thôi miên có tác động tới cách mọi người gắn kết với người khác hay không?

Đ: Cái thứ khó hiểu và trừu tượng được gọi là tính cách ấy chính là biểu hiện của quy luật nhịp điệu thôi miên, do đó, khi nói về tính cách của một người, sẽ đúng hơn nếu nói rằng các thói quen tư duy của anh ta được kết tinh lại thành tính cách tích cực hay tiêu cực thông qua nhịp điệu thôi miên. Một người tốt hay xấu tùy thuộc vào sự liên kết giữa tư duy và hành động của anh ta qua nhịp điệu thôi miên. Một người bị đói nghèo vây hãm hay trở nên giàu có là do nhịp điệu thôi miên đã khiến mục đích, kế hoạch và khao khát của anh ta, hay sự thiếu hụt chính những thứ đó của anh ta trở thành cố định và có thật.

H: Đó là tất cả những gì ngươi có thể nói về sự liên kết giữa nhịp điệu thôi miên và các mối quan hệ của con người?

Đ: Không, ta chỉ vừa mới bắt đầu thôi. Hãy nhớ rằng khi ta nói tức là ta đang nói tới ảnh hưởng của nhịp điệu thôi miên trong sự liên kết với tất cả các mối quan hệ của con người. Những người thành công trong công việc hoàn toàn là do cách kết nối bản thân họ tới các đồng sự và tới cả những người khác không liên quan gì tới công việc của họ nữa.

Những người chuyên nghiệp thành công phần lớn là do thái độ mà họ kết nối bản thân mình với các khách hàng. Đối với người luật sư, anh ta cần hiểu con người và các quy luật của tự nhiên hơn là hiểu về luật pháp. Và một bác sĩ sẽ thất bại trước khi anh ta kịp bắt đầu nếu anh ta không biết cách kết nối với các bệnh nhân cũng như khiến họ có niềm tin vào bản thân mình.

Một cuộc hôn nhân thành công hay thất bại hoàn toàn là do cách mỗi bên kết nối bản thân mình với người còn lại. Một mối quan hệ đúng đắn trong hôn nhân khởi đầu với một động cơ đúng đắn cho cuộc hôn nhân đó. Hầu hết các cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc bởi các bên tham gia hoặc không hiểu, hoặc không cố gắng để hiểu được quy luật nhịp điệu thôi miên mà qua đó, sự hoạt động của mọi từ họ nói, mọi hành động họ tham gia vào và mọi động cơ thúc đẩy họ đối xử với người khác được thu thập lại và kết thành một cái mạng nhện khiến họ mắc vào sự đau khổ hay cho họ đôi cánh tự do giúp họ bay vút lên trên mọi bất hạnh.

Mọi mối quan hệ mới được tạo dựng giữa con người thường trở thành tình bạn và sau đó có thể trở thành sự hòa hợp về tâm hồn (đôi khi còn được gọi với tên gọi tình yêu) hoặc gieo một tế bào ngờ vực và hoài nghi – sẽ sinh sôi và phát triển thành cuộc nổi loạn mở, tùy theo cách mà mỗi người trong mối quan hệ đó gắn kết bản thân mình với những người khác như thế nào.

Nhịp điệu thôi miên lựa chọn những động cơ, mục tiêu, mục đích và cảm xúc chiếm ưu thế của những tâm trí có giao tiếp với nhau và kết tinh lại thành những mức độ tin tưởng hay sợ hãi, yêu thương hay thù hận khác nhau. Sau khi khuôn mẫu đó đã được định hình thành hình dạng nhất định, theo thời gian, nó ép buộc những tâm trí mà nó giao tiếp cùng và từ đó trở thành một phần của nó.

Tự nhiên đã khiến những nhân tố chiếm ưu thế trong mọi mối quan hệ của con người trở nên cố định theo cách thầm lặng này. Trong mọi mối quan hệ của con người, các động cơ và hành động xấu của các cá nhân có tiếp xúc với nhau được hợp nhất dưới một hình thức nhất định và kết tinh một cách tinh vi thành những đặc điểm quan trọng nhất của con người và chúng được biết đến với tên gọi là tính cách. Cũng theo cách đó, những động cơ và hành động tích cực cũng được hợp nhất và áp đặt lên mỗi người. Do đó, ngươi thấy đấy, không chỉ hành động của con người mà thậm chí đến suy nghĩ nhỏ nhất của con người cũng có thể quyết định bản chất của mọi mối quan hệ của con người.

H: Ngươi lại bắt đầu đi xa vấn đề rồi đấy. Chúng ta hãy quay lại bờ đi, để ta có thể đi theo ngươi mà không sợ vượt ra khỏi mực nước an toàn. Hãy tiếp tục và cho ta biết vấn đề về các mối quan hệ của con người này thực sự hoạt động như thế nào trong các hoạt động của một thế giới đầy rẫy những vấn đề như thế giới của chúng ta hiện nay?

Đ: Ngươi cũng khéo nghĩ ra ý tưởng đó đấy. Nhưng hãy để ta giúp ngươi hiểu được những nguyên tắc mà ta đang nói về trước khi ta có thể cho ngươi thấy cách áp dụng nó vào những hoạt động của cuộc sống thường ngày.

Ta muốn chắc chắn rằng ngươi hiểu được quy luật về nhịp điệu thôi miên là thứ không ai có thể kiểm soát, tác động hay né tránh được cả. Nhưng mọi người có thể kết nối bản thân mình với quy luật này để được hưởng lợi từ cách vận hành cố định của nó. Mối quan hệ hòa hợp với quy luật này bao gồm việc mỗi người phải hoàn toàn thay đổi thói quen của mình, từ đó họ có thể hình dung ra những tình huống và những thứ mà người đó muốn và sẵn sàng chấp nhận.

Không ai có thể thay đổi được quy luật của nhịp điệu thôi miên cũng như không ai có thể thay đổi được Luật Hấp dẫn, nhưng mọi người có thể thay đổi chính bản thân mình. Do đó, hãy nhớ rằng trong mọi cuộc thảo luận về chủ đề này thì mọi mối quan hệ của con người được tạo thành và duy trì bởi các thói quen của những cá nhân có liên quan.

“Không ai có thể thay đổi được quy luật của nhịp điệu thôi miên cũng như không ai có thể thay đổi được Luật Hấp dẫn, nhưng mọi người có thể thay đổi chính bản thân mình.”

***

Bạn có bao giờ cố gắng để thay đổi một ai đó và rồi thất vọng khi nhận ra rằng bạn không thể kiểm soát được chuyện đó và chính vì lẽ đó mà bạn không thể làm được chuyện đó chưa?

Quy luật về nhịp điệu thôi miên chỉ đóng vai trò củng cố cho những nhân tố thiết lập nên những mối quan hệ của con người nhưng nó không tạo ra những nhân tố ấy. Trước khi chúng ta thảo luận thêm về các mối quan hệ của con người, ta muốn ngươi hiểu thật rõ về tiềm thức.

Thuật ngữ “tiềm thức” tượng trưng cho một cơ quan của cơ thể mang tính giả thuyết và không thật sự tồn tại. Tâm trí của con người bao gồm năng lượng của vạn vật (đôi khi còn được gọi với cái tên Trí tuệ Vô hạn) giúp mỗi người nhận, chiếm đoạt và sắp xếp các dạng ý nghĩ xác định thông qua mạng lưới các bộ phận phức tạp được biết đến với tên gọi là não bộ.

Các dạng ý nghĩ này là mô hình của rất nhiều tác nhân kích thích đến được với não bộ qua năm giác quan phổ biến của con người và cả giác quan thứ sáu – giác quan ít được biết đến hơn – nữa. Khi bất cứ loại tác nhân kích thích nào đến với não bộ và mang theo những ý nghĩ đã định hình, nó sẽ được phân loại và lưu trữ trong một nhóm các tế bào của não bộ được gọi là nhóm trí nhớ.

Tất cả những ý nghĩ có bản chất giống nhau được lưu trữ cùng nhau để việc sinh ra một ý nghĩ sẽ dễ dàng dẫn đến mọi cộng sự của nó. Hệ thống này rất giống với các tủ hồ sơ nơi công sở hiện tại và nó được vận hành theo cách giống hệt như vậy.

Suy nghĩ được con người pha trộn thêm nhiều cảm xúc (hay tình cảm) nhất là những nhân tố chiếm ưu thế của não bộ vì chúng luôn ở gần với “bề mặt” nhất – có thể nói rằng chúng nằm trên đỉnh của tủ hồ sơ – đó chính là nơi chúng tự nguyện trở thành các hành động, khoảnh khắc một cá nhân lơ là việc thực hiện kỷ luật tự giác. Những suy nghĩ chứa chan tình cảm có sức mạnh lớn đến nỗi chúng thường khiến một người lao vào hành động và sa đà vào những việc mà lý trí chưa chấp nhận hoặc đồng ý. Những lần bùng nổ cảm xúc đó thường phá hủy sự hài hòa trong tất cả các mối quan hệ của con người. Não bộ thường kết hợp các cảm xúc này lại với nhau mạnh đến nỗi chúng hoàn toàn loại bỏ được quyền kiểm soát của lý trí. Trong tất cả những trường hợp như thế, các mối quan hệ của con người thường có khuynh hướng trở nên thiếu hòa hợp.

Khi giác quan thứ sáu được vận hành, não bộ của con người có thể tiếp xúc với tủ hồ sơ của những não bộ khác và tùy ý kiểm tra xem bất cứ suy nghĩ nào đang ở trong tủ. Điều kiện có thể khiến con người có thể tiếp xúc và kiểm tra tủ hồ sơ trong bộ não của người khác chính là sự hòa hợp, nhưng có thể ngươi sẽ hiểu hơn về điều đó nếu ta nói rằng não bộ khi được điều chỉnh giống với tỷ lệ chuyển động của suy nghĩ có thể dễ dàng và nhanh chóng sử dụng đặc quyền thâm nhập và kiểm tra tủ hồ sơ ý nghĩ của người khác.

Nhờ giác quan thứ sáu, ngoài việc nhận các suy nghĩ được sắp xếp từ tủ hồ sơ của những bộ não khác, một người còn có thể tiếp xúc và nhận được thông tin từ nhà kho của vũ trụ được biết đến với tên gọi Trí tuệ Vô hạn.

Tất cả những thông tin đến với não bộ của con người thông qua giác quan thứ sáu đến từ những nguồn không dễ gì lần ra hay tách biệt được, do đó, mọi người thường tin những thông tin như thế này bắt nguồn từ tiềm thức của con người. Giác quan thứ sáu là cơ quan trong não bộ có thể giúp con người nhận được mọi thông tin, mọi hiểu biết, mọi tư tưởng không đến được qua một hay nhiều hơn các giác quan trong năm giác quan còn lại.

Giờ thì ngươi đã hiểu tâm trí của con người được vận hành như thế nào, ngươi sẽ dễ dàng hiểu tại sao và bằng cách nào con người lại trở nên đau khổ bởi các mối quan hệ không hòa hợp. Ngươi cũng sẽ hiểu tại sao các mối quan hệ có thể mang đến cho con người sự giàu có tột đỉnh về cả vật chất lẫn tinh thần.

Hơn nữa, ngươi sẽ hiểu tại sao con người không bao giờ có được hạnh phúc nếu không hiểu và áp dụng đúng nguyên tắc về các mối quan hệ của con người. Ngươi cũng sẽ hiểu được rằng không có người nào tự tồn tại được cả, rằng chỉ có thể đạt được sự hoàn chỉnh của tâm trí khi mục tiêu và hành động giữa hai tâm trí hoặc nhiều hơn hòa hợp với nhau. Ngươi sẽ hiểu rằng tại sao mọi con người lại lựa chọn trở thành người bảo vệ cho anh em của mình, cả trên lý thuyết lẫn thực tế.

H: Có thể những điều ngươi nói là đúng, nhưng ta vẫn phải yêu cầu ngươi đừng dẫn dắt ta đến những tư tưởng quá sâu xa. Chúng ta hãy quay trở lại nơi nào gần với bờ biển hơn, nơi ta có thể vẫy vùng trong làn nước đã quen thuộc với mình. Chúng ta sẽ đi đến những vùng nước sâu hơn sau khi chúng ta học bơi tốt hơn. Chúng ta đã bắt đầu với việc thảo luận về chủ đề làm sao để có thể học hỏi từ nghịch cảnh, nhưng dường như chúng ta đã đi lạc đường mất rồi.

Đ: Chúng ta chỉ đi đường vòng chứ không lạc đường đâu. Ta không bao giờ lạc đường cả. Chúng ta cần đi đường vòng như vậy để ngươi có được sự chuẩn bị kỹ càng giúp ngươi hiểu được phần quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc phỏng vấn này.

Giờ chúng ta đã sẵn sàng quay trở lại với chủ đề về nghịch cảnh. Bởi vì phần lớn nghịch cảnh đều nảy sinh từ những mối quan hệ không hài hòa giữa con người với nhau, có lẽ chúng ta phải hiểu con người cần trở nên gắn kết với nhau theo đúng cách như thế nào.

Một cách tự nhiên, vấn đề nảy ra ở đây là thế nào là một mối quan hệ đúng đắn giữa con người với nhau? Câu trả lời ở đây là mối quan hệ đúng đắn là mối quan hệ mang đến tất cả những ai gắn kết với nó, hay bị ảnh hưởng bởi nó một lợi ích nào đó.

“Mối quan hệ đúng đắn là mối quan hệ mang đến tất cả những ai gắn kết với nó, hay bị ảnh hưởng bởi nó một lợi ích nào đó.”

***

Hãy dành chút thời gian để kiểm kê lại các mối quan hệ của bạn, tại nhà, tại nơi làm việc hay bạn chơi cùng. Hãy liệt kê ra những mối quan hệ có vẻ như đang cần phải cải thiện và giữ chúng trong tâm trí bạn khi bạn đọc tiếp cuốn sách này.

H: Vậy thì thế nào là mối quan hệ không đúng đắn?

Đ: Bất cứ mối quan hệ nào gây tổn hại đến người khác hay mang lại đau khổ và bất hạnh cho bất cứ người nào.

H: Làm sao để thay đổi những mối quan hệ không đúng đắn đó?

Đ: Ngươi có thể làm được điều đó bằng cách thay đổi tâm trí của người tạo ra mối quan hệ không đúng đắn đó hoặc đối tượng của mối quan hệ. Có một vài tâm trí có khả năng hòa hợp bẩm sinh trong khi cũng có những tâm trí sinh ra đã dễ va chạm với người khác. Để duy trì những mối quan hệ tốt đẹp của con người, tâm trí phải hình thành sự hòa hợp tự nhiên đó, ngoài việc có những mối quan tâm chung như một phương tiện giúp chúng trở nên hòa hợp với nhau.

Khi ngươi nói đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp – những người đã thành công bởi “họ biết cách chọn người”, ngươi có thể nói chính xác hơn là họ thành công bởi họ biết cách kết hợp các tâm trí hài hòa với nhau một cách tự nhiên. Biết cách chọn đúng người cho bất cứ mục tiêu xác định nào trong cuộc đời được dựa trên khả năng nhận ra những tuýp người mà tâm trí của họ hòa hợp với nhau một cách tự nhiên.

Hãy nhớ định nghĩa của Napoleon Hill về Trí tuệ Ưu tú: “sự kết hợp hài hòa giữa hai hay nhiều trí tuệ hướng tới một mục tiêu xác định.”

H: Nếu có thể, ngươi hãy tập trung vào nghịch cảnh. Nếu nghịch cảnh còn mang lại lợi ích nào nữa, hãy kể tên chúng ra đi.

Đ: Nghịch cảnh làm giảm sự kiêu căng và ích kỷ của con người. Nó khiến con người bớt ích kỷ bằng cách chứng minh rằng không ai có thể thành công nếu không có sự hợp tác với người khác.

Nghịch cảnh buộc con người thử thách sức mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần của mình, do đó nó sẽ khiến con người phải đối mặt với những yếu điểm của mình và cơ hội để khắc phục chúng.

Nghịch cảnh buộc con người phải tìm kiếm các con đường và phương tiện khác nhau để đến với những mục tiêu xác định thông qua việc suy ngẫm và những tư tưởng nội tâm của mình. Điều này thường dẫn đến việc khám phá và sử dụng giác quan thứ sáu và nhờ đó, con người có thể giao tiếp với Trí tuệ Vô hạn.

Nghịch cảnh buộc một người nhận ra được sự cần thiết của trí tuệ chỉ có ở những nguồn bên ngoài tâm trí của một người.

Nghịch cảnh phá vỡ những thói quen tư duy cũ và cho con người cơ hội hình thành nên những thói quen mới, do đó, nó có thể giúp phá vỡ được sự kìm kẹp của nhịp điệu thôi miên và thay đổi cách nó vận hành, hướng nó đến những mục đích tích cực thay vì những mục đích tiêu cực.

H: Lợi ích lớn nhất mà con người nhận được thông qua nghịch cảnh là gì?

Đ: Lợi ích lớn nhất của nghịch cảnh là nó có thể, và thường là như vậy, bắt một người thay đổi thói quen tư duy của mình, do đó nó cũng có thể phá vỡ và điều chỉnh lại sức mạnh của nhịp điệu thôi miên.

H: Nói cách khác, thất bại luôn là điều may mắn nếu nó buộc một người có được hiểu biết hoặc xây dựng được những thói quen giúp họ đạt được mục tiêu lớn của cuộc đời mình. Có đúng vậy không?

Đ: Đúng vậy, và còn hơn thế nữa! Thất bại là điều may mắn khi nó buộc một người ít dựa dẫm vào những sức mạnh vật chất và tìm đến với nhiều sức mạnh tinh thần hơn.

Rất nhiều người chỉ khám phá ra “cái tôi khác” của mình – được vận hành thông qua sức mạnh của tư duy – sau khi trải qua một tai họa nào đó khiến họ không thể sử dụng cơ thể một cách tự do và thoải mái được nữa. Khi một người không thể sử dụng đôi tay và đôi chân của mình, anh ta sẽ bắt đầu sử dụng bộ não, do đó anh ta sẽ đặt bản thân trên con đường khám phá ra sức mạnh tâm trí của chính mình.

Ở đây, Con Quỷ đã nhắc đến “cái tôi khác” và tiết lộ cho chúng ta biết chúng ta có thể sử dụng sức mạnh tư duy và “cái tôi khác” của mình như thế nào để khám phá ra sức mạnh thật sự và mục tiêu lớn của chúng ta.

H: Con người sẽ có lợi ích gì khi bị tước đoạt những tài sản vật chất – như tiền bạc chẳng hạn?

Đ: Sự mất mát những tài sản vật chất có thể dạy cho con người rất nhiều bài học cần thiết, tuy nhiên, chẳng có gì quan trọng hơn sự thật rằng con người không thể kiểm soát được bất cứ thứ gì và không thể chắc chắn rằng mình có thể mãi sử dụng thứ gì ngoài sức mạnh tư duy của chính bản thân mình.

H: Ta thắc mắc không biết liệu đây có phải là lợi ích lớn nhất mà con người có được thông qua nghịch cảnh hay không?

Đ: Không, lợi ích tiềm năng lớn nhất của bất cứ tình huống nào khiến con người có một khởi đầu mới là nó mang lại cho con người cơ hội phá vỡ sự kìm kẹp của nhịp điệu thôi miên và thiết lập nên một tập hợp những thói quen tư duy mới. Những thói quen mới ấy giúp những người vừa thất bại có một lối thoát. Phần lớn những người thoát ra khỏi sự vận hành tiêu cực của nhịp điệu thôi miên và chuyển sang vận hành tích cực làm được điều đó là bởi một dạng nghịch cảnh nào đó đã ép họ phải thay đổi thói quen tư duy của mình.

H: Liệu nghịch cảnh có thể phá vỡ khả năng độc lập của một người và khiến người đó mất hy vọng hay không?

Đ: Chỉ những người có sức mạnh ý chí rất kém do đã có thói quen buông thả từ lâu mới chịu tác động đó. Nó có tác dụng ngược lại với những người không bị thói quen buông thả làm cho suy yếu dần đi. Những người không buông thả cũng gặp phải những sai lầm và thất bại tạm thời, nhưng phản ứng của họ với mọi dạng nghịch cảnh luôn tích cực. Thay vì từ bỏ, họ sẽ đấu tranh tới cùng và thường giành được thắng lợi.

Cuộc sống không trao tặng cho bất cứ người nào khả năng miễn dịch trước nghịch cảnh, nhưng cuộc sống cho mỗi người sức mạnh tư duy tích cực đủ giúp con người làm chủ tất cả các tình huống bất lợi có thể xảy đến và chuyển chúng thành những tình huống có lợi cho mình. Mỗi cá nhân đều có quyền tận dụng hoặc bỏ mặc đặc quyền tư duy theo cách của mình trong mọi nghịch cảnh. Mỗi cá nhân đều buộc phải hoặc sử dụng sức mạnh tư duy của mình để đạt được những mục tiêu xác định và tích cực, hoặc bỏ mặc không sử dụng, hoặc sử dụng sức mạnh đó để đạt được những mục đích tiêu cực. Không thể có sự thỏa hiệp nào ở đây, không ai có thể từ chối sử dụng tâm trí của mình.

Quy luật về nhịp điệu thôi miên buộc mọi cá nhân phải sử dụng tâm trí mình ở mức độ nào đó, dù là tích cực hay tiêu cực nhưng nó không thể tác động đến việc cá nhân đó sử dụng tâm trí của mình theo cách nào.

“Những người không buông thả cũng gặp phải những sai lầm và thất bại tạm thời, nhưng phản ứng của họ với mọi dạng nghịch cảnh luôn tích cực. Thay vì từ bỏ, họ sẽ đấu tranh tới cùng và thường giành được thắng lợi.”

***

Có khi nào bạn muốn từ bỏ… nhưng cuối cùng bạn vẫn tiếp tục hay không? Tôi và đồng tác giả của tôi đã mở rộng khái niệm này trong cuốn Cách mỏ vàng ba bước chân (Three Feet from Gold) với những câu chuyện về lòng kiên trì và không bao giờ từ bỏ của những nhà lãnh đạo hàng đầu hiện nay – những người không bao giờ biết buông thả là gì của thời đại chúng ta.

H: Từ những gì ngươi nói, có phải ta nên hiểu rằng mỗi nghịch cảnh đều là điều may mắn, có đúng không?

Đ: Không, ta không nói như vậy. Ta nói rằng trong mỗi nghịch cảnh luôn có một hạt mầm lợi ích tương đương. Ta không nói rằng lợi ích đó đã được đơm hoa kết trái, nó mới chỉ là hạt mầm thôi. Hạt mầm đó thường bao gồm một dạng kiến thức, một ý tưởng hoặc kế hoạch nào đó, hoặc một cơ hội mà con người sẽ không bao giờ có được nếu nghịch cảnh không buộc họ phải thay đổi thói quen tư duy của mình.

H: Đó có phải là tất cả những lợi ích con người có thể có được thông qua thất bại hay không?

Đ: Không, tự nhiên dùng thất bại như một thứ ngôn ngữ phổ biến để trừng phạt con người vì họ không để ý đến việc điều chỉnh bản thân mình phù hợp với quy luật của tự nhiên mà thôi.

Chẳng hạn như chiến tranh thế giới là do con người tạo ra và nó có khả năng hủy hoại vô cùng lớn. Tự nhiên đã gieo vào tình huống chiến tranh đó một hạt mầm khiển trách tương đương dưới dạng một cuộc suy thoái quy mô trên toàn thế giới. Cuộc suy thoái ấy là tất yếu và chúng ta không thể trốn chạy được nó. Việc nó đến sau cuộc chiến tranh cũng tự nhiên như thể sau đêm sẽ đến ngày và cả hai đều được vận hành bởi cùng một quy luật – quy luật nhịp điệu thôi miên.

H: Có phải ta nên hiểu rằng nhịp điệu thôi miên cũng chính là quy luật mà Ralph Waldo Emerson gọi là quy luật bù trừ hay không?

Đ: Quy luật về nhịp điệu thôi miên chính là quy luật bù trừ. Nó chính là sức mạnh giúp tự nhiên giữ được sự cân bằng âm dương trong khắp vũ trụ này, trong mọi dạng năng lượng, mọi dạng vật chất và trong mọi mối quan hệ của con người.

H: Liệu nhịp điệu thôi miên có vận hành nhanh chóng trong mọi trường hợp hay không? Chẳng hạn như quy luật đó có ngay lập tức giúp một người có được lợi ích khi áp dụng tư duy tích cực hay ngay lập tức gieo rắc tai họa cho người khác với những hậu quả do tư duy tiêu cực gây ra hay không?

Đ: Chắc chắn là quy luật ấy sẽ được vận hành nhưng không phải lúc nào cũng được vận hành ngay lập tức. Cả những lợi ích lẫn thiệt hại mà cá nhân từng người phải chịu bởi quy luật đó còn có thể được thu hoạch bởi những người khác, trước hoặc sau khi họ chết.

Hãy quan sát xem quy luật này được vận hành như thế nào qua việc buộc một thế hệ con người phải chịu ảnh hưởng của cả tội ác lẫn đức hạnh của những thế hệ đi trước. Theo cách mọi quy luật của tự nhiên được vận hành, chiều thứ tư – thời gian là không thể thay đổi được. Trong mọi trường hợp, tự nhiên đều sử dụng độ dài của thời gian trong mối quan hệ nhân quả phụ thuộc vào các tình huống ngay trước đó. Tự nhiên khiến bí ngô phát triển trong vòng ba tháng. Nhưng một cây sồi lại mất đến cả trăm năm mới đạt được kích thước lý tưởng. Tự nhiên khiến trứng gà nở thành gà con trong vòng bốn tuần nhưng với trứng của con người, lại phải mất đến chín tháng mới có thể phát triển thành một cá nhân hoàn chỉnh được.

“Cuộc sống không trao tặng cho bất cứ người nào khả năng miễn dịch trước nghịch cảnh, nhưng cuộc sống cho mỗi người sức mạnh tư duy tích cực đủ giúp con người làm chủ tất cả các tình huống bất lợi có thể xảy đến và chuyển chúng thành những tình huống có lợi cho mình.”

***

Có phải tự nhiên đã tạo ra tình trạng kinh tế hỗn loạn hiện nay để một lần nữa, chúng ta có thể biến những bất lợi của mỗi người thành lợi ích?

Bình luận