Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn

Chương 12: Môi Trường, Thời Gian, Sự Hòa Hợp Và Cẩn Trọng

Tác giả: Napoleon Hill

H: GIỜ TA ĐÃ HIỂU HƠN về những tiềm năng của nghịch cảnh và thất bại. Giờ ngươi hãy tiếp tục miêu tả về các nguyên tắc tiếp theo trong bảy nguyên tắc dẫn đến thành công đi. Nguyên tắc tiếp theo của ngươi là gì?

Đ: Nguyên tắc tiếp theo chính là ảnh hưởng của môi trường.

H: Hãy tiếp tục và miêu tả nguyên tắc hoạt động của ảnh hưởng môi trường như một nhân tố quyết định số phận của con người?

Đ: Môi trường bao gồm tất cả những nguồn lực vật chất, tinh thần và trí tuệ có tác động và ảnh hưởng đến con người.

H: Giữa ảnh hưởng của môi trường và nhịp điệu thôi miên có sự gắn kết nào không?

Đ: Nhịp điệu thôi miên củng cố và khiến thói quen tư duy của con người trở nên cố định. Thói quen tư duy lại được kích thích bởi ảnh hưởng của môi trường. Nói cách khác, nguyên liệu dùng để “nuôi” tư duy của một người đến từ chính môi trường của người đó. Nhịp điệu thôi miên lại khiến thói quen tư duy trở nên cố định.

H: Phần quan trọng nhất của môi trường của một người là gì – phần có tính chất quyết định, hơn tất cả mọi phần khác, một người sẽ sử dụng tâm trí mình theo cách tiêu cực hay tích cực?

Đ: Phần quan trọng nhất của môi trường của một người được tạo ra bởi sự giao tiếp của anh ta với những người khác. Tất cả mọi người đều tiếp thu và kế tục, có ý thức hoặc không có ý thức, thói quen tư duy của những người anh ta hay giao tiếp cùng.

H: Ý ngươi là việc liên tục giao tiếp với một người có thói quen tư duy tiêu cực sẽ khiến bản thân mình hình thành nên thói quen tư duy tiêu cực?

Đ: Đúng vậy, quy luật nhịp điệu thôi miên buộc mọi con người hình thành nên thói quen tư duy hài hòa với những ảnh hưởng chiếm ưu thế trong môi trường của người đó, đặc biệt là phần môi trường được tạo ra do sự tiếp xúc của bản thân người đó với những tâm trí khác.

H: Tức là việc chọn bạn bè, đối tác hay cộng sự rất quan trọng và chúng ta phải vô cùng lưu tâm đến vấn đề đó, đúng không?

Đ: Đúng vậy, việc chọn những người có mối giao thiệp gần gũi với con người cũng quan trọng như việc chọn đồ ăn cho cơ thể mình vậy và phải đặt mục tiêu là luôn kết giao với những người mà tư duy chiếm ưu thế trong họ là tư duy tích cực, thân thiện và hòa hợp.

H: Loại bạn bè/cộng sự nào có ảnh hưởng lớn nhất đến một người?

Đ: Người bạn đời ở nhà và cộng sự trong công việc. Sau đó là đến bạn bè thân thiết và những người quen thân. Những người tình cờ quen biết và những người lạ thì có ít ảnh hưởng đến con người nhất.

“Nguyên liệu dùng để ‘nuôi’ tư duy đến từ chính môi trường của người đó. Nhịp điệu thôi miên lại khiến thói quen tư duy trở nên cố định.”

****

Có bao giờ bạn cảm thấy thái độ hay tâm trạng của bạn trở nên tiêu cực chỉ vì có sự hiện diện của ai đó tiêu cực hay không? Đó là vợ, con hay đối tác làm ăn của bạn? Napoleon Hill gợi ý rằng bạn nên xen những suy nghĩ tích cực, thân thiện và hòa hợp không chỉ để chống lại những tư duy tích cực mà còn để tác động khiến bản thân mình trở nên tích cực hơn. Nếu đó là đối tác làm ăn của bạn, hãy cân nhắc xem đó có phải là mối quan hệ mà bạn muốn giữ… hoặc quyết định cách xa hẳn sự tiêu cực của đối tác đó.

H: Tại sao người bạn đời lại có ảnh hưởng lớn đến tâm trí người còn lại như vậy?

Đ: Bởi mối quan hệ hôn nhân khiến con người chịu ảnh hưởng của những sức mạnh tinh thần lớn đến mức chúng sẽ trở thành những sức mạnh thống trị trong tâm trí con người.

H: Con người phải sử dụng ảnh hưởng của môi trường như thế nào mới có thể phá vỡ sự kìm kẹp của nhịp điệu thôi miên?

Đ: Tất cả những ảnh hưởng được thiết lập qua thói quen tư duy đều trở nên cố định thông qua quy luật của nhịp điệu thôi miên. Một người có thể thay đổi những ảnh hưởng của môi trường của chính mình để những ảnh hưởng chiếm ưu thế trở nên hoặc tiêu cực hoặc tích cực và quy luật của nhịp điệu thôi miên sẽ khiến chúng trở nên cố định, trừ phi chúng được thay đổi nhờ thói quen tư duy của con người.

H: Nói về sự thật này theo một cách khác nghĩa là một người có thể tự đặt bản thân mình vào bất cứ ảnh hưởng môi trường nào mà mình mong muốn, dù là tích cực hay tiêu cực và quy luật của nhịp điệu thôi miên sẽ khiến ảnh hưởng đó trở nên cố định khi nó nắm được tầm quan trọng của thói quen tư duy. Đó có phải là cách quy luật này hoạt động hay không?

Đ: Đúng vậy. Hãy thật cẩn trọng trong mọi sức mạnh truyền cảm hứng cho tư duy, đó cũng chính là những sức mạnh tạo nên môi trường và quyết định bản chất của số phận mỗi người.

H: Loại người nào kiểm soát được ảnh hưởng của môi trường?

Đ: Những người không buông thả. Tất cả những người là nạn nhân của thói quen buông thả để mất quyền lựa chọn môi trường của chính mình. Họ trở thành nạn nhân của mỗi ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường của mình.

H: Những người buông thả không có con đường nào khác sao? Không có phương pháp nào giúp họ đặt mình dưới tác động của môi trường tích cực sao?

Đ: Có đấy, có một lối thoát cho những người buông thả. Họ có thể ngừng buông thả, làm chủ tâm trí mình và lựa chọn môi trường thúc đẩy tư duy tích cực. Họ có thể làm được những điều đó thông qua mục tiêu xác định.

H: Đó là tất cả những gì phải làm để loại bỏ thói quen buông thả sao? Thói quen đó có phải là một trạng thái của tâm trí hay không?

Đ: Buông thả chẳng là gì khác ngoài một trạng thái tiêu cực của tâm trí, một trạng thái dễ thấy bởi sự vô mục đích của nó.

H: Một người nên tuân theo những quy trình hiệu quả nào để thiết lập nên một môi trường có lợi nhất cho việc phát triển và duy trì thói quen tư duy tích cực?

Đ: Môi trường hiệu quả nhất trong tất cả các loại môi trường được tạo ra bởi một liên minh thân thiện bao gồm một nhóm những người tự buộc bản thân mình phải giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu xác định nào đó. Kiểu liên minh này được biết đến với tên gọi Nhóm Trí tuệ Ưu tú. Thông qua hoạt động của nó, một người có thể cộng tác với các cá nhân được tuyển chọn kỹ càng mà mỗi người trong họ lại có thể mang đến cho liên minh này một hiểu biết, trải nghiệm, kiến thức, kế hoạch hoặc ý tưởng nào đó phù hợp với nhu cầu của người đó để thực hiện mục tiêu xác định của mình.

Những người đứng đầu thành công nhất trong mọi lĩnh vực của cuộc sống bản thân họ thường sử dụng ảnh hưởng môi trường theo yêu cầu. Không ai có thể đạt được những thành tựu nổi bật mà không có sự hợp tác với người khác cả. Nói theo cách khác thì những người thành công phải kiểm soát được môi trường của họ, từ đó đảm bảo rằng họ có thể chống lại được ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường.

H: Thế còn những người có trách nhiệm với họ hàng khiến họ không thể tránh được ảnh hưởng tiêu cực của môi trường thì sao?

Đ: Không có bất cứ người nào có trách nhiệm – dù ở bất cứ mức độ nào – khiến họ mất đi quyền xây dựng thói quen tư duy của mình trong môi trường tích cực cả. Mặt khác, mọi con người đều có trách nhiệm tự rũ bỏ mọi ảnh hường của môi trường – dù là xa nhất – có xu hướng phát triển tư duy tiêu cực.

H: Không phải triết lý đó quá nhẫn tâm hay sao?

Đ: Chỉ những kẻ mạnh mới có thể sống sót được. Mà không ai có thể trở nên mạnh mẽ mà chưa rũ bỏ mọi ảnh hưởng giúp phát triển thói quen tư duy tiêu cực được. Thói quen tư duy tiêu cực khiến con người mất đi quyền tự quyết, không cần biết ai hay cái gì đã tạo nên những thói quen đó. Con người có thể kiểm soát được thói quen tư duy tích cực và khiến nó phục vụ cho mục tiêu và mục đích của mình. Còn thói quen tư duy tiêu cực sẽ kiểm soát con người và tước đoạt mất quyền tự quyết của người đó.

H: Từ những gì ngươi nói, ta có thể rút ra kết luận rằng những người kiểm soát được ảnh hưởng của môi trường bên ngoài nơi thói quen tư duy của họ được xây dựng tự làm chủ được số phận của chính mình còn tất cả những người khác đều bị số phận chế ngự. Điều đó có đúng không?

Đ: Hoàn toàn chính xác.

H: Điều gì thiết lập nên thói quen tư duy của một người?

Đ: Mọi thói quen được thiết lập bởi những mong muốn hoặc động cơ cố hữu hay có được sau một quá trình. Điều đó có nghĩa là thói quen được bắt đầu như kết quả của một dạng mong muốn xác định nào đó.

H: Điều gì xảy ra trong não bộ của con người khi một người đang hình thành thói quen tư duy?

Đ: Mong muốn là năng lượng thúc đẩy có tổ chức còn được biết đến với tên gọi là tư duy. Mong muốn khi được trộn lẫn với cảm xúc sẽ thu hút những tế bào não vào những nơi chúng được lưu trữ và chuẩn bị để quy luật nhịp điệu thôi miên có thể tiếp quản và điều khiển. Khi bất cứ suy nghĩ nào xuất hiện trong não bộ hay được sinh ra ở đó và được trộn lẫn với cảm xúc mong muốn, quy luật nhịp điệu thôi miên sẽ ngay lập tức bắt đầu chuyển nó thành những bản sao vật chất tương đương. Những suy nghĩ chiếm ưu thế – những suy nghĩ được quy luật nhịp điệu thôi miên kích hoạt trước tiên – là những suy nghĩ được trộn lẫn với những mong muốn lớn nhất và những cảm xúc mãnh liệt nhất. Thói quen tư duy được thiết lập bằng cách lặp đi lặp lại những suy nghĩ giống nhau.

H: Những động cơ hay mong muốn thúc đẩy cơ bản truyền cảm hứng cho tư duy hành động nhất là gì?

Đ: Có mười động cơ phổ biến nhất giúp truyền cảm hứng đến tư duy hành động của con người là:

• Ham muốn tình dục và tình yêu

• Ham muốn đồ ăn thức uống

• Ham muốn được thể hiện bản thân về cả thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần.

• Ham muốn được bất tử

• Ham muốn có quyền lực trên những người khác

• Ham muốn giàu có vật chất

• Ham muốn hiểu biết

• Ham muốn noi gương người khác

• Ham muốn xuất sắc hơn người

• Bảy nỗi sợ hãi cơ bản

Đó là những động cơ chiếm ưu thế giúp truyền cảm hứng đến phần lớn những nỗ lực của con người.

H: Thế còn những ham muốn tiêu cực như lòng tham, sự đố kỵ, ghen tức hay giận dữ thì sao? Chúng không thường được thể hiện hơn bất cứ ham muốn tích cực nào sao?

Đ: Tất cả những ham muốn tiêu cực chẳng là gì hơn sự thất bại của những ham muốn tích cực. Chúng được kích thích dưới những biểu hiện của thất bại, sai lầm hay thờ ơ của con người để bản thân họ có thể thích ứng được với những quy luật của tự nhiên theo cách tích cực.

H: Đó đúng là một thành kiến mới về chủ đề tư duy tiêu cực đấy. Nếu ta hiểu đúng những gì ngươi vừa nói, mọi suy nghĩ tiêu cực được kích thích khi con người bỏ mặc hoặc thất bại trong việc thích ứng một cách hòa hợp với các quy luật của tự nhiên. Có đúng vậy hay không?

Đ: Hoàn toàn chính xác. Tự nhiên sẽ không khoan nhượng cho bất cứ thói lười nhác hay sự vô nghĩa nào. Mọi khoảng trống phải và được lấp đầy bởi cái gì đó.

Mọi thứ đang tồn tại – dưới dạng vật chất hay tinh thần – phải và luôn không ngừng chuyển động. Não bộ của con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nó được tạo nên để nhận, sắp xếp, chuyên môn hóa và thể hiện sức mạnh của tư duy. Khi một người không sử dụng bộ não để thể hiện tư duy tích cực và sáng tạo, tự nhiên sẽ lấp đầy sự lười nhác đó bằng cách buộc bộ não phải hoạt động với tư duy tiêu cực.

Não bộ không thể rơi vào trạng thái lười nhác. Khi đã hiểu được nguyên tắc này, bạn sẽ có một hiểu biết mới và vô cùng quan trọng về phần mà ảnh hưởng của môi trường chiếm được trong cuộc sống của con người.

Bạn cũng đồng thời hiểu rõ hơn về cách quy luật nhịp điệu thôi miên được vận hành như thế nào – nó là quy luật giữ mọi vật và mọi con người không ngừng chuyển động thông qua các nguyên tắc được thể hiện một cách tích cực hoặc tiêu cực.

“Tự nhiên sẽ không khoan nhượng cho bất cứ thói lười nhác hay sự vô nghĩa nào. Mọi khoảng trống phải và được lấp đầy bởi cái gì đó… Khi một người không sử dụng bộ não để thể hiện tư duy tích cực và sáng tạo, tự nhiên sẽ lấp đầy sự lười nhác đó bằng cách buộc bộ não phải hoạt động với tư duy tiêu cực.”

***

Khi nghĩ về những đứa trẻ có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi thấy điều đó đặc biệt đúng đắn. Don Green – Giám đốc điều hành của Quỹ Napoleon Hill nhớ lại: “Khi còn trẻ, chúng ta không ngừng bận rộn với lời răn rằng lười nhác là phân xưởng của Quỷ dữ.” Bạn có nghĩ rằng đó đúng là một phép so sánh thú vị không?

Tự nhiên không quan tâm đến những vấn đề đạo đức như vậy. Tự nhiên không quan tâm đến đúng hay sai. Tự nhiên không quan tâm đến công bằng và bất công. Tự nhiên chỉ quan tâm đến việc buộc mọi thứ phải hoạt động theo bản chất của nó.

H: Đó quả là một cách giải thích mang tính chất khai sáng về các phạm vi hoạt động của tự nhiên. Ta có thể nhờ ai chứng thực cho tuyên bố của ngươi đây?

Đ: Ngươi hãy nhờ các nhà khoa học, các nhà triết học và tất cả những người biết tư duy. Cuối cùng, hãy nhờ chính tự nhiên chứng thực qua những biểu hiện thực tế của nó.

Tự nhiên không biết đến khái niệm về vật chất không hoạt động. Mọi nguyên tử của vật chất đều không ngừng hoạt động. Mọi năng lượng cũng không ngừng vận động. Không có chỗ trống nào ở bất cứ nơi đâu ngừng hoạt động cả. Thời gian và không gian, theo nghĩa đen, có những biểu hiện về chuyển động nhanh đến mức con người không thể đo đếm được.

H: Trời ơi, theo những gì ngươi nói thì ai cũng phải rút ra một kết luận rằng nguồn gốc của những kiến thức đáng tin cậy, bất ngờ làm sao, lại có hạn.

Đ: Nguồn gốc của những kiến thức đã được phát triển thì có hạn. Não bộ của mỗi người trưởng thành là một cánh cửa tiềm năng dẫn đến những kiến thức có khắp trong vũ trụ này. Trong cơ cấu của mọi bộ não của những người trưởng thành bình thường đều có cơ hội giao tiếp trực tiếp với Trí tuệ Vô hạn – nơi tồn tại tất cả những kiến thức đang và có thể có.

H: Những gì ngươi nói khiến ta tin rằng con người có thể trở thành tất cả những thứ họ quy là do Chúa tạo ra. Đó có phải là ý ngươi không?

Đ: Thông qua quy luật tiến hóa, bộ não của con người đang được hoàn thiện để có thể tùy ý giao tiếp với Tri tuệ Vô hạn. Sự hoàn hảo đó sẽ đến thông qua sự phát triển có tổ chức của não bộ, nhờ sự thích ứng của nó với các quy luật của tự nhiên. Thời gian chính là nhân tố mang đến sự hoàn hảo.

H: Nguyên nhân của việc tái diễn những sự kiện như bùng phát dịch bệnh, suy thoái kinh tế, chiến tranh hay làn sóng tội phạm là gì?

Đ: Nguyên nhân của tất cả những dịch bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều người theo cách giống nhau là do quy luật của nhịp điệu thôi miên mà qua đó, tự nhiên sẽ củng cố những suy nghĩ giống nhau về bản chất và khiến những suy nghĩ đó được thể hiện qua những ảnh hưởng lớn.

H: Có nghĩa là cuộc Đại suy thoái diễn ra là do có rất nhiều người đã bị tác động đến việc giải phóng những suy nghĩ về nỗi sợ hãi. Điều đó có đúng hay không?

Đ: Hoàn toàn chính xác. Hàng triệu người đang nỗ lực để đạt được điều gì đó mà chẳng để làm gì bằng việc mạo hiểm với cổ phiếu. Khi họ bỗng nhiên nhận ra rằng mình chẳng đạt được gì cả, họ trở nên sợ hãi, họ liền chạy đến ngân hàng để rút hết số dư trong tài khoản của mình và sự hoảng loạn bắt đầu. Thông qua tư duy lớn của hàng triệu tâm trí, tất cả đều dưới dạng nỗi sợ nghèo đói, cuộc suy thoái đã kéo dài qua nhiều năm.

Sự rối loạn về kinh tế hiện đang diễn ra ở Mỹ và khắp thế giới cũng xảy ra theo cùng cách như vậy. Hàng triệu người cũng cố gắng đạt được điều gì đó mà chẳng để làm gì qua thị trường bất động sản (thỏa thuận không-hạ-giá, nợ dưới chuẩn và bong bóng giá trị) cũng như thị trường tài chính. Khi mọi thứ bắt đầu sụp đổ, họ trở nên sợ hãi và một lần nữa lại trở nên hoảng loạn. Bằng cách thay đổi từ tư duy sợ hãi của hàng triệu người sang tập trung vào những nguyên tắc tài chính hiệu quả cơ bản, chúng ta có thể khiến nền kinh tế trở nên ổn định hay không? Triết lý của Napoleon Hill có thể dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Lựa chọn tùy thuộc vào chính chúng ta mà thôi.

H: Từ những gì ngươi nói, ta có thể rút ra kết luận rằng tự nhiên đã củng cố những suy nghĩ chiếm ưu thế của con người và thể hiện những suy nghĩ đó dưới dạng những tác động lớn, chẳng hạn như suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh doanh, vân vân… Điều đó có đúng không?

Đ: Ngươi nói đúng rồi đấy.

H: Giờ chúng ta hãy nói đến nguyên tắc tiếp theo trong bảy nguyên tắc dẫn đến thành công. Hãy tiêu tục miêu tả về nó đi.

Đ: Nguyên tắc tiếp theo là thời gian, chiều thứ tư.

H: Giữa thời gian và quy luật nhịp điệu thôi miên có mối liên hệ gì với nhau không?

Đ: Thời gian chính là quy luật nhịp điệu thôi miên. Khoảng thời gian cần thiết để khiến thói quen tư duy trở nên cố định phụ thuộc vào mục tiêu và bản chất của tư duy.

H: Nhưng ta nhớ ngươi từng nói rằng thứ duy nhất tồn tại vĩnh viễn chính là sự thay đổi. Nếu điều đó là sự thật thì tức là thời gian cũng không ngừng thay đổi, sắp xếp và kết hợp lại mọi thứ, trong đó bao gồm cả thói quen tư duy của con người. Vậy thì làm sao quy luật nhịp điệu thôi miên có thể khiến thói quen tư duy của con người trở nên cố định được?

Đ: Thời gian chia mọi thói quen tư duy thành hai loại: tư duy tích cực và tư duy tiêu cực. Tất nhiên là tư duy của một người không ngừng thay đổi và được kếp hợp lại để phù hợp với những mong muốn của người đó, nhưng tư duy không thể thay đổi từ tiêu cực thành tích cực hay ngược lại trừ phi cá nhân đó tự nguyện nỗ lực để thay đổi.

Thời gian trừng phạt con người vì tất cả những tư duy tiêu cực và ban thưởng cho họ vì tất cả những tư duy tích cực, dựa theo bản chất và mục đích của những tư duy đó. Nếu những tư duy chiếm ưu thế của con người là tiêu cực, thời gian sẽ trừng phạt người đó bằng cách xây dựng thói quen tư duy tiêu cực trong tâm trí người đó và sau đó khiến thói quen này trở nên cố định mọi giây phút nó tồn tại. Giống như vậy, thời gian cũng khiến những tư duy tích cực trở nên cố định. Tất nhiên là cụm từ “cố định” chỉ liên quan đến cuộc sống cá nhân của người đó. Theo ý nghĩa chặt chẽ của cụm từ này thì chẳng có gì là cố định cả. Thời gian khiến thói quen suy nghĩ trở thành bất cứ cái gì có thể gọi là cố định trong suốt cuộc đời của người đó.

H: Giờ ta đã hiểu rõ hơn về nguyên tắc thời gian hoạt động như thế nào. Sự kết nối giữa thời gian và số phận của con người còn những đặc điểm nào cần chú ý nữa không?

Đ: Thời gian là tác động gia vị của tự nhiên mà qua đó, trải nghiệm của con người có thể trở nên chín muồi và trở thành sự khôn ngoan. Con người sinh ra không sẵn có sự khôn ngoan nhưng con người được sinh ra với khả năng tư duy và nhờ thời gian, họ có thể tư duy và trở nên khôn ngoan.

“Con người sinh ra không sẵn có sự khôn ngoan nhưng con người được sinh ra với khả năng tư duy và nhờ thời gian, họ có thể tư duy và trở nên khôn ngoan.”

***

Tôi nhận thấy đây chính là một trong những câu nói sâu sắc nhất trong toàn bộ cuốn sách này. Bằng việc sử dụng khả năng tư duy và phân tích những trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống, chúng ta có thể đạt được sự khôn ngoan. Liệu mọi thứ có thực sự đơn giản như vậy chăng?

H: Liệu tuổi trẻ có có được sự khôn ngoan không?

Đ: Chỉ trong những vấn đề rất sơ đẳng thôi. Sự khôn ngoan chỉ đến qua một khoảng thời gian nhất định. Nó không thể được thừa kế và cũng không thể được truyền từ người này sang người khác nếu không trải qua một khoảng thời gian nhất định.

H: Vậy một khoảng thời gian nào đó có buộc một người có được sự khôn ngoan hay không?

Đ: Không hề! Sự khôn ngoan chỉ đến với những người không buông thả – những người hình thành được thói quen tư duy tích cực như một sức mạnh chiếm ưu thế trong cuộc sống của mình. Những người buông thả và những người có suy nghĩ tiêu cực chiếm ưu thế sẽ không bao giờ có được sự khôn ngoan, trừ sự khôn ngoan ở một cấp độ vô cùng sơ đẳng.

H: Từ những gì ngươi nói, ta có thể suy ra rằng thời gian là bạn của những người biết huấn luyện tâm trí của mình tuân theo thói quen tư duy tích cực và là kẻ thù của những người buông thả theo thói quen tư duy tiêu cực. Điều đó có đúng hay không?

Đ: Hoàn toàn chính xác. Tất cả mọi người có thể được phân chia thành hai loại là những người buông thả và những người không buông thả. Những người buông thả luôn phó mặc cho những người không buông thả định đoạt mọi thứ và thời gian sẽ khiến mối quan hệ này trở nên cố định.

H: Có phải ý ngươi là nếu cả cuộc đời ta sống trong buông thả, không hề có bất cứ mục đích hay mục tiêu xác định nào thì có thể ta sẽ trở thành nô lệ cho những người không buông thả và thời gian sẽ chỉ giúp họ ngày một và cuối cùng sẽ hoàn toàn kiểm soát được ta, đúng không?

Đ: Chính xác là như thế.

“Sự khôn ngoan chỉ đến với những người không buông thả – những người hình thành được thói quen tư duy tích cực như một sức mạnh chiếm ưu thế trong cuộc sống của mình.”

***

Một lần nữa, tôi buộc phải nghĩ về bọn trẻ. Với quá nhiều những thứ tiêu cực quanh chúng ta do nạn khủng bố và xung đột kinh tế gây ra, điều gì sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến bọn trẻ? Chúng ta phải bao bọc chúng trong những trải nghiệm tích cực để khiến tâm trí chúng sản sinh ra những tư duy tích cực.

H: Sự khôn ngoan là gì?

Đ: Khôn ngoan là khả năng gắn kết bản thân với các quy luật của tự nhiên để khiến chúng phục vụ cho ngươi và là khả năng liên kết bản thân với những người khác để khiến họ sẽ sẵn sàng hợp tác một cách hòa hợp với ngươi để khiến cuộc sống sẽ mang đến cho ngươi mọi thứ ngươi yêu cầu.

H: Vậy tức là những kiến thức tích lũy được không phải là sự khôn ngoan hay sao?

Đ: Trời ạ, không! Nếu kiến thức là sự khôn ngoan thì những thành tựu khoa học sẽ không bị biến đổi thành những công cụ hủy diệt như vậy rồi.

H: Cần phải làm gì để biến kiến thức thành sự khôn ngoan?

Đ: Thời gian cộng với khao khát có được sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan không bao tự đến với người nào cả. Con người phải đạt được nó, nếu có chút nào đó, bằng cách tư duy tích cực và thông qua sự nỗ lực tự nguyện.

H: Vậy chúng ta có thể tin cậy tất cả những người có kiến thức chứ?

Đ: Chẳng bao giờ có thể tin cậy được những người có kiến thức đồ sộ mà không có sự khôn ngoan cả.

H: Độ tuổi mà phần lớn những người có được sự khôn ngoan bắt đầu có được nó là khi nào?

Đ: Phần lớn mọi người chỉ có được sự khôn ngoan sau khi bước qua độ tuổi 40. Trước thời gian này, phần lớn mọi người đều quá bận rộn để thu thập kiến thức và sắp xếp nó thành những kế hoạch giúp họ tìm kiếm sự khôn ngoan.

H: Những tình huống nào trong cuộc sống dễ khiến con người có được sự khôn ngoan nhất?

Đ: Nghịch cảnh và sai lầm. Đó là ngôn ngữ chung của tự nhiên để truyền đạt sự khôn ngoan đến những người đã sẵn sàng đón nhận nó.

H: Liệu nghịch cảnh và thất bại có luôn mang đến cho con người sự khôn ngoan hay không?

Đ: Không, điều đó chỉ đúng với những người sẵn sàng cho nó và tự nguyện kiếm tìm nó mà thôi.

H: Điều gì quyết định xem một người đã sẵn sàng để đón nhận sự khôn ngoan hay chưa?

Đ: Thời gian và bản chất thói quen tư duy của người đó.

H: Liệu những kiến thức vừa mới có được có giống với những kiến thức đã vượt qua được sự thử thách của thời gian hay không?

Đ: Không, kiến thức được kiểm chứng qua một khoảng thời gian luôn tốt hơn kiến thức vừa mới có được. Thời gian mang đến cho kiến thức sự xác định về cả số lượng lẫn chất lượng và sự đáng tin cậy nữa. Một người không bao giờ có thể chắc chắn về kiến thức chưa được qua kiểm chứng.

H: Kiến thức đáng tin cậy là gì?

Đ: Đó là kiến thức hài hòa với quy luật tự nhiên, nghĩa là nó được dựa trên tư duy tích cực.

H: Thời gian có thay đổi và điều chỉnh các giá trị của kiến thức hay không?

Đ: Có, thời gian thay đổi và điều chỉnh tất cả mọi giá trị. Những kiến thức đúng của ngày hôm nay có thể trở nên vô dụng và chẳng để làm gì vào ngày mai do thời gian đã sắp xếp lại các dữ kiện và giá trị. Thời gian thay đổi mọi mối quan hệ của con người, có thể trở nên tốt hơn hoặc xấu đi, tùy thuộc vào phương thức mà con người gắn kết bản thân họ với những người khác.

Trong lĩnh vực tư duy, có một thời gian phù hợp để gieo hạt mầm tư duy và cũng có một thời gian phù hợp để thu hoạch những tư duy đó, cũng giống như khi gieo bất cứ hạt của một loại cây nào vào một thời điểm và thu hoạch nó vào một thời điểm khác trên Trái đất vậy. Nếu không tính toán chính xác được khoảng thời gian từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch, tự nhiên sẽ thay đổi hoặc chiếm giữ thành quả của việc gieo hạt đó.

H: Giờ thì hãy tiếp tục và miêu tả về hai nguyên tắc cuối cùng trong bảy nguyên tắc dẫn đến thành công đi.

Đ: Nguyên tắc tiếp theo chính là sự hài hòa.

Nhờ tự nhiên, con người có thể tìm thấy bằng chứng rằng mọi quy luật của tự nhiên đều chuyển động theo thứ tự thông qua quy luật về sự hài hòa. Thông qua hoạt động của quy luật này, tự nhiên buộc mọi thứ trong phạm vi của một môi trường cho trước gắn kết một cách hòa hợp với nhau. Khi hiểu được sự thật này, bạn sẽ có một tầm nhìn mới và thú vị hơn về sức mạnh của môi trường. Bạn sẽ hiểu tại sao việc giao thiệp với những tâm trí tiêu cực sẽ giáng một đòn chí mạng xuống những người đang tìm kiếm sự tự quyết.

H: Ý ngươi là tự nhiên tự nguyện buộc mọi người phải hòa hợp với nhau dưới tác động môi trường của họ?

Đ: Đúng vậy, chính là thế. Quy luật về nhịp điệu thôi miên sẽ buộc mỗi sinh vật sống đều chịu ảnh hưởng của tác động chiếm ưu thế trong môi trường nó tồn tại.

H: Nếu tự nhiên buộc con người chịu tác động của môi trường mà họ sống thì khi con người nhận thấy bản thân mình đang rơi vào môi trường nghèo đói và thất bại nhưng họ có mong muốn thoát ra khỏi đó, họ sẽ có những phương tiện nào để làm được điều đó?

Đ: Hoặc họ phải thay đổi môi trường của mình hoặc họ sẽ mãi nghèo đói như thế. Tự nhiên không cho bất kỳ ai thoát ra khỏi ảnh hưởng môi trường của nó cả.

Tuy nhiên, với sự khôn ngoan bất tận của mình, tự nhiên cho mỗi con người bình thường quyền được thiết lập môi trường vật chất, tinh thần và trí tuệ của riêng mình, nhưng một khi đã thiết lập nó thì con người phải trở thành một phần của nó. Đó là nguyên tắc hoạt động không thể thay đổi của quy luật về sự hài hòa.

H: Ví dụ như trong một công ty thì ai sẽ là người thiết lập nên tác động chiếm ưu thế để quyết định nhịp điệu của môi trường?

Đ: Cá nhân hoặc các cá nhân tư duy và hành động với mục tiêu xác định.

H: Chỉ đơn giản vậy thôi sao?

Đ: Đúng vậy, mục tiêu xác định chính là khởi điểm mà một người có thể thiết lập nên môi trường của chính mình.

H: Dường như ta không thể nghe theo những gì ngươi nói được. Cả thế giới này đang tan vỡ vì chiến tranh, suy thoái kinh tế và những dạng xung đột khác tượng trưng cho mọi thứ, trừ sự hòa hợp. Tự nhiên dường như không thể bắt ép con người hòa hợp với nhau được. Ngươi lý giải thế nào về mâu thuẫn này?

Cũng như thời kỳ của Napoleon Hill, thế giới chúng ta đang sống ngày nay cũng có rất ít sự hòa hợp. Khi nghĩ về nền kinh tế hiện nay, các thảm họa thiên nhiên, những xung đột trong quân đội, con người bị tàn phá bởi bệnh tật và nghèo đói thì liệu có thể tồn tại sự hòa hợp không? Napoleon Hill sẽ trả lời rằng, có, thậm chí với những điều kiện khủng khiếp ở thời kỳ của ông. Dù tôi và bạn không thể kiểm soát được sự hòa hợp trong thế giới của chúng ta, chúng ta vẫn có thể tạo ra sự hòa hợp trong chính ngôi nhà của mình.

Đ: Chẳng có gì là mâu thuẫn ở đây cả. Như ngươi nói, những tác động chiếm ưu thế của thế giới là tiêu cực. Rất đúng, tự nhiên buộc con người phải hòa hợp với những tác động chiếm ưu thế của môi trường thế giới xung quanh.

Sự hài hòa có thể được biểu hiện dưới dạng tích cực hoặc tiêu cực. Chẳng hạn như một nhóm tù nhân có thể – và họ thường như thế – tư duy và hành động tiêu cực nhưng tự coi đó là ảnh hưởng chiếm ưu thế của nhà tù lên mọi cá nhân ở trong nó. Một nhóm những người nghèo khổ sống trong nhà tế bần có thể chống lại lẫn nhau và rõ ràng là đi ngược lại với mọi hình thức của sự hòa hợp, nhưng tự nhiên mỗi người trong họ đều trở thành một phần của ảnh hưởng chiếm ưu thế của ngôi nhà mà họ sống chung.

Sự hòa hợp, theo ý nghĩa được dùng ở đây, có nghĩa là tự nhiên liên kết mọi thứ trong cả vũ trụ với những thứ khác có bản chất tương tự. Những tác động tiêu cực bị buộc phải tiếp xúc với nhau, không cần biết chúng có thể ở đâu. Còn những tác động tích cực thì rõ ràng cũng phải tiếp xúc với nhau.

H: Ta bắt đầu hiểu tại sao các nhà lãnh đạo thành công trong giới kinh doanh lại cẩn thận trong việc chọn lựa đối tác làm ăn đến vậy. Những người thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào đều thường thiết lập môi trường của chính họ bằng cách bao quanh họ những người có tư duy và hành động thành công. Ý ngươi là như vậy đúng không?

Đ: Chính xác là như vậy. Hãy nhận thấy và học hỏi một điều rằng tất cả những người thành công đều phải có mối quan hệ hòa hợp với các đối tác làm ăn của họ. Một đặc điểm nữa của những người thành công là họ thường có mục tiêu xác định và yêu cầu các đối tác của mình cũng phải có mục tiêu xác định. Khi đã hiểu được hai điều này, ngươi sẽ hiểu khác biệt lớn nhất giữa Henry Ford và một công nhân làm việc theo ngày là gì.

Vậy có nghĩa là nguyên tắc về sự hòa hợp sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta khi xung quanh chúng ta là những người thành công. Hãy nghĩ đến những người bạn làm việc cùng. Họ đang hỗ trợ cho bạn… hay kéo bạn thụt lùi lại?

H: Giờ hãy nói cho ta biết về nguyên tắc cuối cùng đi.

Đ: Nguyên tắc cuối cùng là cẩn trọng.

Sau thói quen buông thả, đặc điểm nguy hiểm nhất của con người chính là sự thiếu cẩn trọng.

Con người buông thả vào đủ các tình huống nguy hiểm bởi họ đã không lên kế hoạch cho từng bước đi cần có một cách cẩn trọng. Những người buông thả luôn hành động thiếu cẩn trọng. Anh ta luôn hành động trước và suy nghĩ sau, nếu có chút nào đó. Anh ta không chọn lựa bạn bè. Anh ta cứ thế buông thả và để mọi người trói buộc mình theo cách của họ. Anh ta cũng chẳng chọn nghề nghiệp nào. Anh ta buông thả suốt thời đi học và sẽ vui vẻ làm bất cứ công việc gì cho anh ta cơm ăn và áo mặc. Anh ta mời mọi người lừa gạt mình trong nghề nghiệp bằng cách không quan tâm đến việc biết những luật lệ về công việc đó. Anh ta mời gọi bệnh tật vì anh ta bỏ bê những nguyên tắc giúp anh ta duy trì sức khỏe. Anh ta mời gọi nghèo đói bởi anh ta không quan tâm đến việc bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng từ môi trường của những người nghèo xơ xác. Anh ta mời gọi thất bại tại mỗi bước chân anh ta đi bởi anh ta không cẩn trọng quan sát xem điều gì đã khiến những người khác thất bại. Anh ta mời gọi nỗi sợ hãi đến bởi anh ta thiếu cẩn trọng trong việc xem xét các nguyên nhân của nỗi sợ hãi. Anh ta thất bại trong hôn nhân bởi anh ta không cẩn trọng trong việc lựa chọn bạn đời và anh ta vẫn thiếu cẩn trọng trong các biện pháp gắn kết bản thân mình với cô ta sau khi đã chia tay. Anh ta đánh mất bạn bè hoặc khiến họ trở thành kẻ thù của mình bởi thiếu sự cẩn trọng trong việc giữ quan hệ với họ một cách đúng đắn.

“Sau thói quen buông thả, đặc điểm nguy hiểm nhất của con người chính là sự thiếu cẩn trọng.”

H: Có phải tất cả mọi người đều thiếu cẩn trọng hay không?

Đ: Không, chỉ những người có thói quen buông thả mới như vậy thôi. Những người không buông thả luôn cẩn trọng. Anh ta sẽ cân nhắc thật kỹ càng về kế hoạch của mình trước khi bắt đầu thực hiện nó. Anh ta sẽ chú ý đến các yếu điểm của những người cùng cộng tác với mình và lên kế hoạch để khắc phục chúng.

Nếu anh ta nhờ một người đưa thư thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, anh ta sẽ cử một người khác để đảm bảo rằng người đưa thư sẽ không lơ là nhiệm vụ của mình. Và sau đó anh ta sẽ kiểm tra xem cả hai người đó đã thực hiện đúng như mong muốn của anh ta hay chưa. Anh ta không bao giờ hoàn toàn tin tưởng điều gì nếu vẫn còn có cách để đảm bảo cho thành công của anh ấy.

H: Không phải quá cẩn trọng cũng nguy hiểm không kém gì thiếu cẩn trọng hay sao?

Đ: Không có gì là quá cẩn trọng cả. Thứ ngươi gọi là “quá cẩn trọng” chỉ là một biểu hiện của sự sợ hãi thôi. Sợ hãi và cẩn trọng là hai thứ hoàn toàn khác nhau.

H: Mọi người có lầm lẫn giữa sợ hãi với quá cẩn trọng hay không?

Đ: Đúng vậy, thỉnh thoảng chuyện đó có xảy ra nhưng phần lớn mọi người sẽ tự tạo ra cho bản thân mình những mối nguy hiểm vô cùng lớn do hoàn toàn thiếu cẩn trọng hơn là quá cẩn trọng.

H: Con người áp dụng sự cẩn trọng theo cách nào thì sẽ có lợi nhất?

Đ: Trong việc lựa chọn đồng sự và phương pháp gắn kết với người khác. Lý do cho điều này thì đã quá rõ ràng. Các đồng sự đóng vai trò quan trọng nhất trong môi trường của một con người và ảnh hưởng của môi trường lại quyết định một người có hình thành nên thói quen buông thả hay sẽ trở thành một người không buông thả. Những người cẩn trọng trong việc lựa chọn cộng sự không bao giờ cho phép bản thân mình có mối giao thiệp thân cận với bất cứ người nào không mang đến cho anh ta một lợi ích về mặt tinh thần, vật chất hay trí tuệ nào đó, thông qua mối quan hệ đó.

H: Không phải phương pháp lựa chọn cộng sự đó quá ích kỷ hay sao?

Đ: Nó thực tế và nó sẽ giúp con người có được quyền tự quyết. Có được thành công về mặt vật chất và hạnh phúc là mong muốn của mọi con người bình thường.

Không gì đóng góp nhiều hơn cho thành công và hạnh phúc của một người hơn việc chọn bạn bè, đối tác và cộng sự thật kỹ càng. Do đó, cẩn trọng trong việc chọn bạn bè, đối tác và cộng sự trở thành trách nhiệm của tất cả những ai muốn trở nên thành công và hạnh phúc. Những người không buông thả sẽ lựa chọn bạn bè rất cẩn thận và không cho phép bất cứ ai trở thành bạn thân của anh ta mà không đóng góp một ảnh hưởng tích cực hay dành cho một lợi ích nhất định nào đó.

H: Ta chưa bao giờ nghĩ rằng việc lựa chọn bạn bè một cách cẩn trọng lại có mối liên hệ rõ ràng với thành công hay thất bại cả. Có phải tất cả những người thành công đều cẩn trọng trong việc chọn những người cộng tác cùng, dù là trong công việc kinh doanh hay các mối quan hệ xã hội và mang tính chất cá nhân hay không?

Đ: Nếu không chọn lựa cẩn trọng tất cả cộng sự của mình, không ai có thể thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào hết. Mặt khác, thiếu cẩn trọng trong việc đó sẽ khiến con người gần như chắc chắn sẽ thất bại trong mọi việc mình làm.

Bạn đã từng gặp khó khăn khi phải nói “không” với người khác? Chương này sẽ khiến bạn nhận ra rằng cẩn trọng trong việc lựa chọn bạn bè và cộng sự hay đối tác và học cách nói “không” nhiều hơn có thể giúp bạn tiến nhanh hơn trên con đường dẫn đến thành công.

 

Bình luận