Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn

Chương 10: Kỷ Luật Tự Giác

Tác giả: Napoleon Hill

H: MỘT NGƯỜI CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ trước khi có khả năng sống với mục tiêu xác định tại mọi thời điểm?

Đ: Người đó phải làm chủ được bản thân mình. Đó là nguyên tắc thứ hai trong bảy nguyên tắc mà ta đã nói đến. Người không làm chủ được bản thân mình sẽ không bao giờ làm chủ được người khác. Thiếu tự chủ bản thân chính là dạng nguy hiểm nhất của sự thiếu quyết đoán.

“Người không làm chủ được bản thân mình sẽ không bao giờ làm chủ được người khác.”

Điều này mới đúng làm sao. Hãy nghĩ đến các vị thủ lĩnh chính trị của chúng ta đã đánh mất vẻ lịch sự của mình chỉ vì họ không thể kiểm soát hành vi của chính mình được. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng và để họ kiểm soát mình được?

H: Một người nên bắt đầu từ đâu nếu muốn kiểm soát được bản thân mình?

Đ: Hãy bắt đầu bằng cách làm chủ ba ham muốn ảnh hưởng lớn nhất đến việc một người có kỷ luật tự giác hay không. Ba ham muốn đó là (1) ham muốn đồ ăn thức uống, (2) ham muốn tình dục, (3) ham muốn được thể hiện các quan điểm thiếu chặt chẽ.

H: Con người cần kiểm soát ham muốn nào khác nữa không?

Đ: Có, rất nhiều là đằng khác nhưng trước hết là phải chế ngự được ba ham muốn trên đã. Khi một người đã làm chủ được ba ham muốn này rồi, anh ta sẽ phát triển kỷ luật tự giác đủ để chế ngự các ham muốn ít quan trọng hơn một cách dễ dàng.

H: Nhưng đó là những ham muốn bản năng của con người. Nếu muốn trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc thì chúng ta phải thỏa mãn ba ham muốn ấy.

Đ: Rõ ràng đó là những ham muốn thuộc về bản năng của con người rồi, nhưng chúng cũng đồng thời rất nguy hiểm vì những người không làm chủ được bản thân mình sẽ lún sâu vào những ham muốn đó. Sự tự chủ sẽ dự tính kiểm soát đủ những ham muốn ấy để giúp một người cho chúng “ăn” cái gì chúng cần và ngăn không cho chúng “ăn” những thứ không cần thiết.

H: Quan điểm của ngươi vừa thú vị lại vừa mang tính chất giáo dục đấy. Hãy miêu tả thật chi tiết để ta có thể hiểu được con người thỏa mãn quá nhiều ham muốn của mình như thế nào và trong những trường hợp nào?

Đ: Hãy lấy ham muốn đồ ăn thức uống làm ví dụ. Kỷ luật tự giác của đa số mọi người yếu đến mức họ sẽ lấp đầy bụng mình với những hợp chất thức ăn giàu dinh dưỡng và hợp khẩu vị nhưng lại khiến các cơ quan tiêu hóa và bài tiết phải hoạt động quá tải.

Chúng tràn vào bụng của con người những hợp chất thức ăn khiến cơ thể chỉ có một cách giải quyết duy nhất là biến đổi chúng thành những chất độc chết người.

Những chất độc đó khiến hệ thống bài tiết của cơ thể tắc nghẽn và ứ lại cho đến khi nó khiến quá trình bài tiết chất thải chậm lại. Sau khi cả hệ thống bài tiết ngừng hoạt động hoàn toàn, nạn nhân sẽ mắc chứng “táo bón”.

Khi ấy cũng là lúc anh ta sẵn sàng nhập viện. Sự tự nhiễm độc hay hệ thống bài tiết bị nhiễm độc sẽ chiếm quyền kiểm soát não bộ và cuộn nó lại để dễ bề điều khiển.

Sau đó mọi hoạt động của nạn nhân sẽ trở nên chậm chạp, tinh thần cũng dễ cáu kỉnh và nhặng xị. Nếu anh ta được nhìn thật kỹ và ngửi thấy mùi tệ hài của hệ bài tiết của mình, anh ta sẽ xấu hổ đến mức không dám tự nhìn mặt mình nữa.

Hệ thống cống rãnh ở các thành phố chẳng phải là chốn dễ chịu gì khi chúng quá tải và bị tắc, nhưng chúng vẫn còn sạch sẽ thơm tho chán khi so với đường ruột của con người khi chúng quá tải và bị tắc nghẽn. Bên cạnh việc ăn uống là nhu cầu cần thiết và mang lại niềm vui cho con người thì đây là chuyện chẳng hay ho gì nhưng sự thật là thế vì việc ăn uống vô độ và những hợp chất thức ăn lệch lạc là những tội ác tạo nên hiện tượng tự nhiễm độc.

Những người có chế độ ăn thông minh và giữ bộ máy bài tiết của mình sạch sẽ gây trở ngại cho ta bởi một bộ máy bài tiết sạch sẽ thường đi liền với một cơ thể khỏe mạnh và một bộ não hoạt động hiệu quả.

Hãy thử tưởng tượng xem – nếu trí tưởng tượng của ngươi có thể đi xa đến thế – một người có thể sống với mục tiêu xác định cùng hệ thống bài tiết chứa đủ chất độc để giết hàng trăm người nếu nó được tiêm trực tiếp vào dòng máu trong cơ thể của họ hay không.

Tại đây, một lần nữa Napoleon Hill lại đi xa trước thời đại của mình. Cuối cùng thì khoa học cũng theo kịp ông – và thậm chí còn vượt trội hơn những hiểu biết của ông về các quá trình sinh học và chúng liên kết với sức khỏe về mặt tinh thần và cảm xúc của con người như thế nào.

H: Và tất cả những rắc rối này là kết quả của việc thiếu kiểm soát với ham mê đồ ăn thức uống của cơ thể?

Đ: Chà, chính xác hơn thì ngươi nên nói rằng chế độ ăn uống không đúng chính là nguyên nhân gây ra phần lớn các loại bệnh tật của cơ thể và gần như là tất cả các bệnh đau đầu nữa.

Nếu ngươi muốn ta đưa ra bằng chứng về điều này, hãy thử chọn ra 100 người mắc bệnh đau đầu và làm sạch hoàn toàn hệ thống bài tiết của họ bằng cách rửa ruột, ngươi sẽ thấy rằng không dưới 95 người trong số họ sẽ không còn bị đau đầu nữa chỉ sau vài phút khi ruột của họ được làm sạch.

H: Từ những gì ngươi nói về đường ruột, ta trở nên có ấn tượng rằng việc làm chủ ham mê ăn uống của cơ thể cũng đồng nghĩa với việc làm chủ thói quen bỏ mặc việc giữ cho ruột của mình được sạch sẽ?

Đ: Đúng vậy. Việc bài tiết các chất thải của cơ thể và những phần thức ăn không được tiêu hóa cũng quan trọng như việc phải ăn vừa đủ lượng cần thiết và ăn những hợp chất thức ăn tốt cho cơ thể.

H: Ta chưa bao giờ nghĩ rằng hiện tượng tự nhiễm độc là một trong những công cụ giúp ngươi kiểm soát con người và ta hoàn toàn sốc khi biết rằng có bao nhiêu người đã là nạn nhân của kẻ địch xảo quyệt này. Ta muốn nghe ngươi nói về hai ham muốn còn lại nữa.

Đ: Chà, hãy nói về ham muốn tình dục trước. Giờ đây, có một sức mạnh mà nhờ nó, ta có thể chế ngự cả kẻ yếu lẫn kẻ mạnh, người già hay người trẻ tuổi, người ngu dốt cũng như người khôn ngoan. Trên thực tế, ta chế ngự được tất cả những người bỏ mặc việc làm chủ ham muốn tình dục.

H: Một người có thể làm chủ cảm xúc về tình dục bằng cách nào?

Đ: Một người có thể làm được điều đó bằng cách chuyển hóa cảm xúc ấy thành một dạng hành động nào đó hơn là đi quan hệ tình dục. Tình dục là một trong những sức mạnh lớn nhất có khả năng thúc đẩy con người. Chính vì thế mà nó cũng là một trong những sức mạnh nguy hiểm nhất. Nếu con người có thể kiểm soát ham muốn tình dục của mình và biến nó thành động lực trong công việc – có nghĩa là nếu họ dành một nửa thời gian phí phạm cho việc theo đuổi tình dục để làm việc, họ sẽ không bao giờ biết đến nghèo đói.

H: Có phải ngươi đang ám chỉ rằng giữa nghèo đói và tình dục tồn tại mối quan hệ nào đó không?

Đ: Đúng vậy, khi tình dục không nằm trong tầm kiểm soát. Nếu cứ để nó vận hành theo ý mình, tình dục sẽ nhanh chóng dẫn con người đến thói quen buông thả.

H: Liệu có mối quan hệ nào giữa tình dục và khả năng lãnh đạo hay không?

Đ: Có chứ, mọi nhà lãnh đạo vĩ đại đều có ham muốn tình dục rất lớn, nhưng họ tuân theo thói quen kiểm soát những ham muốn tình dục của mình và biến chúng thành động lực trong công việc.

H: Liệu thói quen quá ham muốn tình dục có nguy hiểm như thói quen sử dụng ma túy hay rượu không?

Đ: Các thói quen này chẳng có gì khác biệt cả. Qua thói quen buông thả, tất cả đều dẫn đến kiểm soát nhịp điệu thôi miên.

H: Tại sao cả thế giới lại coi tình dục là chuyện tầm thường?

Đ: Bởi mọi người đã lạm dụng cảm xúc về tình dục và khiến nó trở nên tầm thường. Bản thân chuyện tình dục không hề tầm thường. Chính người thờ ơ hoặc từ chối kiểm soát và điều khiển nó mới là người tầm thường.

H: Qua những lời ngươi nói, có phải ý ngươi là một người không nên có ham muốn tình dục, đúng không?

Đ: Không phải vậy, ý ta là tình dục – giống như mọi sức mạnh khác của con người – nên được hiểu, làm chủ và khiến nó phục vụ cho con người. Giống như ham muốn về đồ ăn, ham muốn tình dục cũng thuộc về bản năng của con người. Ham muốn ấy không thể bị dập tắt, cũng giống như không ai có thể hoàn toàn khiến nước trên dòng sông ngừng chảy vậy. Nếu cảm xúc về tình dục bị dập tắt khỏi bản năng của con người, nó sẽ chạy trốn sang một hình thức khác ít mong muốn hơn, chẳng hạn như nếu xây đập chặn một con sông lại, nó sẽ chọc thủng và chảy tràn khắp cái đập đó. Người có kỷ luật tự giác sẽ hiểu về cảm xúc tình dục, trân trọng nó, học cách kiểm soát nó và biến nó thành những hành động tích cực hơn.

H: Vậy việc quá ham muốn tình dục có những tác hại gì?

Đ: Tác hại lớn nhất của ham muốn tình dục là nó làm suy yếu nguồn động lực lớn nhất của con người và lãng phí năng lượng sáng tạo của con người mà không có những bù đắp tương xứng.

Nó làm hao mòn nguồn năng lượng cần thiết để duy trì sức khỏe cho cơ thể. Tình dục là một trong những sức mạnh có khả năng chữa bệnh hữu hiệu nhất của tự nhiên.

Nó làm tổn hại nguồn năng lượng lôi cuốn – nguồn gốc sinh ra tính cách hấp dẫn và dễ chịu của con người.

Nó khiến ánh mắt của con người không còn tia sáng lấp lánh nữa và khiến giọng nói của con người có mùi bất hòa.

Nó hủy hoại lòng nhiệt tình, đánh bại tham vọng và tất yếu sẽ dẫn con người đến thói quen buông thả trong mọi vấn đề của cuộc sống.

H: Ta muốn ngươi trả lời câu hỏi của ta theo cách khác – hãy nói cho ta biết rằng nếu con người làm chủ và biến đổi được cảm xúc về tình dục thì nó sẽ giúp họ đạt được những ích lợi gì?

Đ: Nếu kiểm soát được ham muốn tình dục, con người sẽ có sức mạnh hấp dẫn người khác. Đó là nhân tố quan trọng nhất của một tính cách hài hòa.

Nó khiến giọng nói của con người trở nên hay hơn và giúp con người thể hiện được những cảm xúc mình muốn biểu hiện qua giọng nói.

Hơn tất cả mọi thứ khác, nó khiến những khao khát của con người có thêm sức mạnh của động lực.

Nó giúp hệ thần kinh được nạp đầy năng lượng cần thiết để thực hiện công việc duy trì cơ thể.

Nó khiến trí tưởng tượng của con người sắc bén hơn, đồng thời cho phép một người sáng tạo ra những ý tưởng hữu dụng.

Nó giúp hoạt động thân thể lẫn trí óc của con người nhanh nhẹn và rõ ràng hơn.

Nó giúp con người kiên trì và bền bỉ theo đuổi mục tiêu lớn trong cuộc đời mình.

Nó là liều thuốc giải độc tốt nhất cho mọi nỗi sợ hãi.

Nó giúp con người miễn dịch khỏi sự nản lòng.

Nó giúp con người làm chủ sự lười biếng và do dự.

Nó giúp con người bền bỉ cả về thể xác lẫn tinh thần khi đối mặt với kẻ thù hay thất bại.

Nó giúp con người có những phẩm chất đấu tranh cần thiết trong mọi hoàn cảnh cần đến sự tự vệ.

Nói ngắn gọn, nó giúp làm nên những người chiến thắng chứ không phải những kẻ bỏ cuộc giữa chừng!

H: Đó có phải là tất cả những lợi thế mà ngươi tuyên bố rằng một người sẽ có nếu kiểm soát được năng lượng tình dục hay không?

Đ: Không, đó mới chỉ là một trong những lợi ích quan trọng nhất mà nó mang lại. Có thể một số người sẽ tin rằng ưu điểm lớn nhất của tình dục là nó là biện pháp tự nhiên duy trì sự tồn tại của mọi sinh vật. Chỉ riêng điều đó thôi cũng có thể xóa bỏ mọi ý nghĩ rằng tình dục là chuyện tầm thường.

H: Từ những gì ngươi nói, ta có thể suy ra là cảm xúc về tình dục là một thói quen tốt chứ không phải là một sai lầm.

Đ: Nếu được kiểm soát và hướng đến việc đạt được những mục tiêu mong muốn thì tình dục là một thói quen tốt. Nhưng nếu bị bỏ mặc và để nó dẫn đến những hành vi dâm ô thì rõ ràng nó là một sai lầm.

H: Vậy tại sao các bậc cha mẹ và các trường công lại không dạy bọn trẻ về những sự thật này?

Đ: Sở dĩ có chuyện đó là do mọi người hiểu hoàn toàn sai lệch về bản chất của tình dục. Nếu muốn duy trì sức khỏe của mình, một người cần hiểu và biết cách sử dụng đúng đắn cảm xúc về tình dục, chuyện đó cũng cần thiết như việc phải giữ cho hệ thống bài tiết của cơ thể thật sạch sẽ vậy. Cả hai chủ đề đó cần được dạy trong mọi trường công và mọi ngôi nhà – nơi có sự xuất hiện của bọn trẻ.

H: Liệu phần lớn phụ huynh học sinh có cần những chỉ dẫn về việc sử dụng đúng chức năng và công dụng của tình dục trước khi họ có thể dạy con mình một cách khéo léo không?

Đ: Có chứ, các thầy cô giáo ở các trường công cũng cần có những chỉ dẫn đó.

H: Điểm quan trọng tương tự trong những kiến thức chính xác cần biết về chủ đề tình dục là gì?

Đ: Đó là điều tiếp theo trong danh sách. Còn một điều rất quan trọng với con người nữa. Đó chính là tư duy đúng đắn.

“Còn một điều rất quan trọng với con người nữa. Đó chính là tư duy đúng đắn.”

H: Có phải ta nên hiểu rằng ngươi đang nói là hiểu biết về chức năng thật sự của tình dục và khả năng tư duy đúng đắn là hai thứ quan trọng nhất đối với con người, có đúng hay không?

Đ: Đó là điều ta muốn ngươi hiểu. Trước tiên, tư duy đúng đắn xuất hiện vì nó là giải pháp cho mọi vấn đề của con người, là câu trả lời cho mọi lời cầu nguyện, là nguồn gốc của mọi sự giàu có và sở hữu vật chất của con người. Khả năng tư duy đúng đắn được trợ giúp bởi cảm xúc về tình dục được kiểm soát và định hướng đúng đắn bởi cảm xúc về tình dục chính là nguồn năng lượng giúp con người tư duy. Nó bắt đầu với những người có khao khát tự quyết đủ để sẵn sàng trả giá. Không ai có thể hoàn toàn tự do về mặt tinh thần, trí óc, cơ thể hay kinh tế mà không học được nghệ thuật tư duy đúng đắn. Không ai có thể học được cách tư duy đúng đắn mà không bao gồm – như một phần kiến thức cần thiết – thông tin để kiểm soát cảm xúc về tình dục thông qua việc chuyển hóa nó.

H: Rất nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng giữa khả năng tư duy và cảm xúc về tình dục có mối quan hệ rất gần gũi. Giờ thì hãy nói cho ta biết về ham muốn thứ ba đi và xem nó có liên quan như thế nào đến kỷ luật tự giác.

Đ: Thói quen thể hiện những quan điểm thiếu chặt chẽ là một trong những thói quen hủy hoại con người hữu hiệu nhất. Khả năng hủy hoại của nó bao gồm xu hướng khiến con người phỏng đoán thay vì tìm kiếm các dữ kiện khi hình thành nên quan điểm, sáng tạo ra các ý tưởng hay sắp xếp kế hoạch.

Thói quen này cũng tạo nên một tâm trí không vững vàng khiến con người người luôn nhảy từ việc này sang việc khác nhưng chẳng bao giờ hoàn thành bất cứ công việc nào.

Và tất nhiên, cẩu thả trong việc thể hiện quan điểm cũng dẫn đến thói quen buông thả. Và khoảng cách từ đó đến khi bị giới hạn bởi nhịp điệu thôi miên – thứ sẽ chặn đứng tư duy đúng đắn – chỉ còn vài bước chân ngắn ngủi mà thôi.

“Thói quen thể hiện những quan điểm thiếu chặt chẽ là một trong những thói quen hủy hoại con người hữu hiệu nhất.”

H: Còn những bất lợi nào khi tự do thể hiện quan điểm của mình nữa không?

Đ: Những người nói quá nhiều sẽ cho cả thế giới biết về mục tiêu và kế hoạch của mình – điều này sẽ khiến người khác có cơ hội lợi dụng ý tưởng của anh ta.

Những người khôn ngoan giữ kế hoạch cho riêng mình và kiềm chế không thể hiện những quan điểm không mời mà đến. Điều đó sẽ ngăn cản những người khác chiếm đoạt ý tưởng của họ và người khác cũng sẽ khó lòng quấy rầy kế hoạch của họ được.

H: Tại sao có rất nhiều người lại sa đà vào việc thể hiện những quan điểm không mời mà đến?

Đ: Thói quen đó là một cách thể hiện sự ích kỷ và lòng tự phụ của con người. Con người bẩm sinh đã có ham muốn thể hiện bản thân. Động cơ ẩn sau thói quen đó chính là để thu hút sự chú ý của người khác và gây ấn tượng tốt đẹp với họ. Trên thực tế, nó thường có tác dụng ngược. Khi nhà diễn thuyết không mời mà đến thu hút được sự chú ý của người khác thì đó thường là những ấn tượng chẳng mấy dễ chịu.

H: Đúng thế, thói quen đó còn có những bất lợi nào khác nữa?

Đ: Những người chỉ chăm chăm nói hiếm khi có cơ hội học hỏi bằng cách lắng nghe người khác.

H: Nhưng không phải một nhà diễn thuyết có sức hút thường có cơ hội thu hút sự chú ý của người khác nhờ sức mạnh khả năng hùng biện của mình đó sao?

Đ: Đúng vậy, một nhà hùng biện lôi cuốn có một tài sản vô cùng giá trị trong khả năng gây ấn tượng với mọi người bởi tài diễn thuyết của mình, nhưng anh ta không thể tận dụng tối đa tài sản ấy nếu anh ta diễn thuyết trước những người không mong muốn điều đó.

Không một phẩm chất riêng biệt nào lại hữu ích với nhân cách của một con người hơn khả năng nói với cảm xúc, sức mạnh và sự thuyết phục nhưng người nói không thể áp đặt những người khác nếu không được mời. Có một câu nói cổ xưa rằng không gì đáng giá hơn chi phí thật của nó. Điều này đúng với việc tự do thể hiện những quan điểm không được chờ đón cũng như với những thứ vật chất khác.

H: Thế còn những người tình nguyện thể hiện quan điểm của mình bằng cách viết chúng ra thì sao? Có phải họ cũng là những người thiếu kỷ luật tự giác hay không?

Đ: Một trong những thảm họa tồi tệ nhất trên Trái đất này là người viết những lá thư không được chào đón đến những người nổi tiếng. Các quan chức, ngôi sao điện ảnh, những doanh nhân thành đạt hay tác giả của những cuốn sách bán chạy và những người hay được nhắc tên trên báo chí liên tục bị quấy rầy bởi những người viết thư để bày tỏ quan điểm của họ về mọi vấn đề.

H: Nhưng hành động viết những lá thư không được chào đón là một cách vô hại để tìm niềm vui trong việc tự thể hiện bản thân mình, có đúng không? Thói quen này có thể có những tác hại gì?

Hãy dành chút thời gian để nhớ rằng khi Napoleon Hill viết bản thảo này thì việc viết thư là cách duy nhất để giao tiếp ở dạng viết. Khi đọc, bạn hãy nghĩ đến việc những tư tưởng của ông sẽ được áp dụng như thế nào trong thế giới blog và mạng xã hội ngày nay.

Đ: Thói quen rất dễ được lan truyền. Mọi thói quen đều kéo theo cả đống anh em họ hàng của nó. Thói quen làm bất cứ điều gì vô ích sẽ dẫn tới việc hình thành những thói quen vô ích khác, đặc biệt là thói quen buông thả.

Nhưng đó không phải là tất cả những hiểm họa liên quan đến thói quen sa đà vào chuyện thể hiện những quan điểm không được chào đón này. Thói quen này tạo ra kẻ thù và đặt vào tay chúng những vũ khí nguy hiểm mà nhờ đó, chúng có thể gây những tổn hại nghiêm trọng đến những người sa đà vào thói quen ấy. Những tên trộm và kẻ cướp sẵn sàng trả giá cao cho tên tuổi và địa chỉ của những người hay viết những lá thư không được chào đón, chúng biết rằng người viết những lá thư này dễ trở thành nạn nhân của tất cả các âm mưu khiến họ mất tiền. Chúng cho những người như thế là “những kẻ gàn dở”. Nếu bạn muốn biết những người viết những lá thư không được chào đón ngốc nghếch như thế nào, hãy đọc mục “những kẻ gàn dở” trên bất kỳ tờ báo nào – mục mà các báo thường cho in những ý kiến tự do của độc giả – và bản thân bạn sẽ thấy những người viết những lá thư đó khiến người khác khó chịu và gây thù chuốc oán với người khác như thế nào.

H: Tâu Bệ hạ, ta không hề biết rằng con người lại gặp nhiều khó khăn đến thế khi đưa ra những quan điểm không được chào đón, nhưng giờ ngươi đã nhắc ta nhớ lại chủ đề mà ta nhớ là ta đã viết thư cho tổng biên tập của một tạp chí nổi tiếng một lá thư chỉ trích không hề được chào đón và điều đó đã giúp ta có được một ví trí tốt trong đám nhân viên của ông với mức lương vô cùng béo bở.

Đ: Đó đúng là một ví dụ tuyệt vời. Vị trí thích hợp để bắt đầu kỷ luật tự giác chính là nơi bạn đang đứng. Bạn sẽ bắt đầu bằng cách nhìn nhận sự thật rằng chẳng có gì mãi mãi tốt hay xấu trong cả vũ trụ này trừ quyền năng của quy luật tự nhiên. Không có bất cứ ai ở bất cứ đâu khắp vũ trụ này với sức mạnh yếu ớt nhất có thể tác động đến con người ngăn cản tự nhiên hay thậm chí chính bản thân con người.

Không có bất cứ ai đang sống trên Trái đất này, không có ai từng sống và sẽ sống có quyền hay sức mạnh để tước đoạt những đặc quyền khi sinh ra đã có của con người là khả năng suy nghĩ tự do và độc lập. Đặc quyền này là đặc quyền duy nhất mà bất cứ người nào cũng có thể hoàn toàn kiểm soát nó. Không có bất cứ người trưởng thành nào mất quyền tự do suy nghĩ nhưng phần lớn con người đã mất đi những lợi ích của quyền lợi này bằng cách hoặc không để ý đến nó hoặc nó đã bị cha mẹ, những người giảng dạy về tôn giáo lấy đi trước khi họ đến tuổi nhận thức. Có những sự thật hiển nhiên không hề kém quan trọng bởi chúng lôi kéo sự chú ý của các ngươi đến ta hơn là tới chính kẻ thù của ta.

Napoleon Hill đã phân biệt giữa quyền tự do suy nghĩ của chúng ta với việc thể hiện vô tội vạ những suy nghĩ đó. Bạn sẽ áp dụng nguyên tắc này vào thế giới blog và mạng xã hội ngày nay như thế nào?

H: Vậy con người sẽ dựa vào cái gì trong những lúc khẩn cấp khi họ không biết ai hay nơi nào để cầu xin sự giúp đỡ?

Đ: Hãy để họ dựa vào sức mạnh đáng tin cậy duy nhất mà con người nào cũng có.

H: Và đó là cái gì vậy?

Đ: Chính bản thân họ! Sức mạnh tư duy của chính họ. Sức mạnh duy nhất họ có thể kiểm soát và tin cậy được. Sức mạnh duy nhất không thể bị bóp méo, tô điểm, thay đổi và giả mạo bởi những con người thiếu trung thực khác.

“Sức mạnh đáng tin cậy duy nhất mà con người nào cũng có….

Sức mạnh tư duy của chính họ.

Sức mạnh duy nhất họ có thể kiểm soát và tin cậy được.”

***

Có thể bạn không có khả năng kiểm soát người khác… nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình với họ và với hành động của họ nữa. Đây là việc nói thì dễ mà làm thì rất khó. Chúng ta thường có xu hướng muốn thay đổi những người khác trong khi thứ duy nhất chúng ta có thể thay đổi là chính bản thân mình và cách chúng ta phản ứng với người khác.

H: Mọi thứ ngươi nói có vẻ như rất lô-gic, nhưng tại sao ta lại phải đến gặp ngươi để khám phá ra những sự thật thâm thúy này? Hãy quay trở lại với bảy nguyên tắc đi. Ngươi vừa mới hé lộ đủ thông tin cho thấy rõ ràng về bí quyết để phá vỡ sức mạnh của nhịp điệu thôi miên nằm trong bảy nguyên tắc đó. Ngươi cũng đã cho thấy nguyên tắc quan trọng nhất trong bảy nguyên tắc là kỷ luật tự giác. Giờ thì hãy tiếp tục miêu tả năm nguyên tắc ngươi chưa nhắc đến và cho ta biết chúng đóng vai trò gì trong việc khiến một người có kỷ luật tự giác đi?

Đ: Trước tiên, hãy để ta tổng kết phần thú tội của ta mà chúng ta vừa mới tiết lộ.

Rõ ràng là ta đã nói với ngươi rằng hai dụng cụ hỗ trợ ta hiệu quả nhất chính là thói quen buông thả và nhịp điệu thôi miên. Ta đã cho ngươi thấy rằng buông thả không phải là quy luật tự nhiên mà là thói quen do con người tạo ra và khiến con người phải phục tùng quy luật của nhịp điệu thôi miên.

Bảy nguyên tắc chính là phương tiện có thể giúp con người phá vỡ được nhịp điệu thôi miên và chiếm lại quyền sở hữu tâm trí của mình. Do đó, ngươi thấy đấy, bảy nguyên tắc chính là bảy bước dẫn nạn nhân của nhịp điệu thôi miên thoát khỏi nhà tù do chính họ tự tạo ra và khiến họ bị giới hạn trong đó.

H: Bảy nguyên tắc là những chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của tinh thần tự quyết về kinh tế, và tinh thần. Có đúng thế không?

H: Đúng vậy, đó là một cách nói khác.

 

Bình luận