Mặt trời đã nhô cao, ánh sáng tràn ngập căn phòng xua tan mọi nỗi khủng khiếp trong đêm.
Tôi rung chuông. Janet xuất hiện.
– Cô ngủ có ngon không, cô Ellen? – Janet ân cần hỏi.
– Tôi ngủ không được ngon lắm, – tôi lắc đầu trả lời.
– Thưa cô, hẳn là vì cái gường mới mà thôi – cô nói trong lúc đi tới đổ nước nóng vào chậu và mang lại cho tôi.
Tôi đi xuống phòng dưới sau khi vệ sinh và trang điểm buổi sáng xong. Gwennol và Jennifry đã ngồi trước bàn ăn. Chúng tôi chào nhau, họ hỏi thăm tôi ngủ có ngon không.
– Cô hãy tới tủ lấy bữa ăn sáng đi, – chị Jennifry nói – có thịt ngướng, trứng chiên với bầu dục băm nhỏ đấy, món ăn lạ miệng hẳn sẽ làm cô thích.
Tôi đi tới tủ, lấy ra đĩa thức ăn mà chị đã chỉ rồi ngồi xuống bàn ăn.
Chúng tôi đang nói chuyện về thời tiết thì Jago tới. Anh ta nhìn tôi dò hỏi, tôi ngủ có được ngon hay không? Có được chăm sóc tốt hay không? Một lát sau, anh hẹn tôi khoảng một giờ nữa sẽ cùng anh đi thăm đảo. Tôi đồng ý.
– Gwennol và tôi sẽ đưa Ellen đi, nếu như cậu bận, – chị Jennifry nói.
– Thực tế, ngày hôm nay tôi không bận việc gì, – Jago đáp – chị cứ yên tâm, tôi đã quyết định vậy rồi.
– Cậu sẽ đưa cô Ellen cưỡi con ngựa nào? – Gwennol hỏi.
– Ellen sẽ tự biết lựa chọn cho mình một con ngựa tốt, – anh nói – ồ, con Daveth, tôi đã phải ngạc nhiên khi bắt đầu dạy nó.
– Đó là một con ngựa dũng mãnh, – Gwennol nói.
– Có lẽ nó xứng đáng là con ngựa tốt đấy, – Jago nhìn tôi chăm chú, biểu lộ gợi ý cho tôi lựa chọn con Daveth mà anh đã thuần phục nó.
Sau bữa ăn sáng, tôi thay váy áo bằng trang phục cưỡi ngựa. bộ kỵ sỹ màu xám nhạt, với cái mũ có cái ngù lông xám ở trên chóp y như mũ của các hiệp sỹ.
Jago nhìn tôi ưng ý, khi tôi đi tới sân ngựa, – Anh nói – thật quyến rũ! Cô đã làm chúng tôi phải ngạc nhiên.
Tôi cười và nói – đây là trang phục cưỡi ngựa quen thuộc. Tôi nghĩ, nó không có gì quan trọng.
– Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô trong bộ trang phục này! Chúng ta thỏa thuận, từ nay sẽ không nói gì về nó nữa nhé… Nhưng mọi người trên đảo sẽ bị bất ngờ khi tôi giới thiệu cô với họ… Tôi sẽ đưa cô leo lên đỉnh núi cao, từ đó có thể nhìn khắp xung quanh đảo, có thể nhìn ra tận biển cách xa hàng cây số, nếu như trời quang đãng. Cô sẽ thích thú tận hưởng, nằm nghỉ trên thảm cỏ bằng phẳng ở trên đấy. Sau đó chúng ta sẽ đi vào khu phố, nơi mà chúng tôi chưa biết đặt tên nó như thế nào?
Jago cưỡi con ngựa trắng bờm đen, phải thừa nhận trông nó rất dũng mãnh, cân xứng với anh. Tôi cưỡi con Daveth, đúng như Gwennol đã nhận xét nó rất láu lỉnh, nhưng hoàn toàn có thể khống chế được. Jago liếc nhìn tôi ung dung cưỡi con Daveth một cách thoải mái, và hoàn toàn hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Chúng tôi dừng lại, đứng trên mỏm đồi phóng tầm mắt ra xa. Một phong cảnh thiên nhiên hoành tráng! Lâu đài Kellaway sừng sững oai nghiêm với những tường đá xám kiên cố bao bọc, với những tháp canh cao nhọn hoắt chi chít lỗ châu mai… Kellaway vừa hiên ngang, vừa thách thức, sẵn sàng đánh thắng bất kỳ một kẻ thù nào tới xâm lăng. Một lâu đài trên đảo thật ấn tượng.
Ngay gần đó Đảo Đá Xanh như mọc lên từ dưới biển, trông thật rực rỡ.
Jago chăm chú nhìn tôi, nói – Đảo Đá Xanh đó! Nó là hòn đảo tí hon thuộc Kellaway… nó rất gần, chúng ta có thể lội sang được.
– Thật thú vị!
– Chính ông của cô đã bán nó đi. Ông đã bị khánh kiệt vì cờ bạc, đó là một sự thật. Tôi nghĩ gia đình rất tiếc, tìm mọi cách để giữ nó, nhưng không được.
– Kia, có một ngôi nhà lớn trên đó phải không?
– Đúng. Đó là ngôi nhà Đá Xanh. Nó được xây dựng bởi cụ bà Gwennol mà tôi đã kể cho cô nghe.
– Bây giờ có ai đang sống ở đó?
Có một họa sỹ, ông ta đã thừa hưởng từ người mua Đá Xanh. Tôi nghĩ, ông ta là cháu của người đó thì phải.
– Ông ta sông có một mình?
– Hoàn toàn đơn độc. Ông ta luôn đi đây đi đó, dường như không có một chút thời gian rảnh nào, tôi tin là vậy.
– Ông ta là một họa sỹ nổi tiếng?
– Tôi không hiểu biết gì về hội họa… Tôi chỉ biết tên ông ta là James Manton. Cô biết về hội họa chứ?
– Biết nói thế nào nhỉ… tôi cũng không hiểu về hội họa nhiều lắm. Nhưng mẹ tôi là một họa sỹ. Tôi nhớ, bà thường vẽ tranh vào một tập phác thảo, đôi khi vẽ ra một tập giấy nháp dỗ dành tôi ngồi chơi để bà làm việc. Có lẽ, vào dịp nào đó tôi sẽ sang thăm ông James Manton.
– Ông ta không giao thiệp với Đảo Kellaway. Cha của cô và ông ta không thích nhau. Hãy nhìn, đất liền kìa! Cô có nhìn thấy không?
– Thật thân thiết biết bao, – tôi nói.
– Thân thiết ư? – Anh chau mày, buồn bã nhắc lại lời tôi.
– Nó thân thiết vì nó an ủi những người sống trên đảo, không cho người ta cảm giác xa cách với đại lục, – tôi giải thích.
– Nhưng nó lại làm cho cô buồn phiền… khi cảm nhận về sự xa cách đó?
– Không phải vậy, tôi chỉ có một cảm nhận: Hòn đảo này thật xinh đẹp, vậy mà không xa đất liền là bao.
– Lúc bình yên cô nhìn chúng đẹp như vậy đấy, nhưng khi thời tiết xấu… cô sẽ khám phá ra biển dự tợn, điên cuồng khủng khiếp ra sao.
– Đúng thế, nhưng thời tiết luôn thay đổi, sự tồi tệ cũng không phải là mãi mãi.
Anh im lặng, gật đầu.
Chúng tôi phóng ngựa vượt qua một thảm cỏ xanh rì… đi ra biển.
Jago chỉ cho tôi thấy một cái cọc chôn trên bãi cát, – anh nói – cái cột này dùng để theo dõi mực nước biển, nó đã có cách đây bốn trăm năm, từ thời mà Chúa Đảo Kellaway thường xử các tội phạm ở đây bằng cách trói họ lại chờ thủy triều dâng lên từ từ dìm chết họ. Trong lúc chờ chết, tội phạm được ăn hai ổ bánh mì và uống một bình nước.
– Sao độc ác thế!
– Sự hành quyết của thời trung cổ là vậy.
– Tôi hy vọng bây giờ anh không áp dụng kiểu đó nữa, – tôi nói với giọng khôi hài.
– Tôi không làm vậy, tôi chỉ cần làm tốt công việc xét xử, nhưng… hãy nhìn kìa! Đó là cái cũi dìm chết tội nhân. Đôi khi người ta phải dìm chết người vợ lắm điều của người bạn xấu số, hay một kẻ đáng khả nghi xuống biển…
– Bây giờ mà anh còn xét xử kiểu thế ư?
Anh nhún vai, nói – những phong tục cũ ở đây còn nặng nề hơn trong đất liền nhiều… Hãy tới xa phía kia, cô sẽ gặp một số người. Tôi muốn cho họ biết cô là khách quý của tôi.
Chúng tôi đi tới một chòm thôn được bao bọc bởi những cánh đồng phì nhiêu xanh tốt. Một người đàn ông đang đánh xe bò tiến lại gần chúng tôi. Anh đưa tay vuốt tóc trên trán, kính cẩn – chào ông Jago.
– Chào anh, – Jago đáp lại – đây là co Ellen Kellaway, người được tôi bảo hộ.
– Xin chào cô, – người đánh xe bò cúi chào.
– Vẫn khỏe chứ Jim? – Jago hỏi.
– Cám ơn ông chủ, tôi luôn khỏe – Xin chào ông, chúc ông vui vẻ.
Anh ta tiếp tục đánh xe bò cho xe đi.
– Người dân ở đây là thế đấy, – Jago nói – họ là người làm thuê của chúng ta. Chúng ta làm chủ tất cả đất đai trên đảo Kellaway đến nay đã được sáu trăm năm.
Ở trung tâm chòm thôn có một cửa hàng. Từ cửa sổ vào đến trong quầy giăng đầy hàng hóa: nào vải vóc, kim chỉ… nào các đồ kim khí, dầu mỡ… kể cả bánh kẹo, tổng hợp đủ các thứ. Tôi tự nhủ sẽ tới thăm cửa hàng lâu hơn vào một dịp sớm nhất.
Chúng tôi đi ngang qua một ngôi nhà gỗ có đông người tụ họp vui vẻ.
– Cô có biết, ở đây người ta làm lễ gì không? – anh nói – lễ rửa tội đấy. Gia đình này mới sinh được một bé gái. Họ sẽ rất buồn, nếu thấy chúng ta đi ngang qua mà không vào chúc mừng. Chúng ta phải xuống ngựa vào đây một lát.
Anh ra lệnh: – Cậu bé! Hãy giữ ngựa! – Như có phép lạ, ngay lập tức có một cậu bé xuất hiện và thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng.
– Ôi, ông chủ đấy ư, – một người phụ nữ chạy ra mừng rỡ kêu lên.
Đám đông ồn ào quay lại chào hỏi, tránh đường cho chúng tôi vào nhà. Căn phòng của họ so với Jago giống như căn phòng dành cho búp bê tí hon, khiến anh lúc nào cũng phải cúi khom người cho khỏi bị đụng đồ vật.
– Thật vinh hạnh cho chúng tôi – ông chủ nhà xúc động nói.
– Nào con bé đâu nào? – Jago lên tiếng hỏi.
– Cháu còn nằm trong nôi, thưa ông Jago.Thật là quý hóa, nếu ông cầu Chúa ban phước lành cho cháu bé.
Anh làm dấu cầu nguyện cho cháu bé, và tôi cũng làm theo.
– Xin mời ông chủ một ly rượu, chúc phước cho cháu.
– Tôi rất vui lòng, – Jago nói.
Một chiếc bánh lớn ngay lập tức được cắt ra, Jago và tôi đều được mời một lát bánh với một ly rượu, chúng làm má tôi thêm ửng hồng.
– Chúc cho bé gái xinh đẹp mau ăn chóng lớn, – Jago nói và ực một hơi cạn ly rượu.
– Mong cho con gái tôi mau lớn để trở thành người giúp việc cho ông chủ, – cha mẹ cô gái nói.
– Cầu chúc ông được như ý, – Jago nói.
Chúng tôi lên ngựa, phóng ra khỏi khu phố. Tạm biệt ngôi nhà, nơi bé gái được nuôi nấng với nhiều hy vọng chờ đợi và nhẫn nại…
– Ở đây cô sẽ nhìn thấy nhiều ngôi nhà tương tự như thế, – Jago nói. Những ngôi nhà xây dựng cho cuộc sống của vợ chồng, cho con cái, ông bà… tất cả các thành viên trong gia đình. Những ngôi nhà gỗ dùng cho gia đình anh ta sinh sống, nếu đi khỏi phải trả lại cho chủ đất. Điều kiện dựng nhà ở đây cũng giống như dựng Lều Gỗ Đêm Trăng của đất liền, nó chỉ được dựng trong một đêm chứ không được lâu hơn, duy nhất một điều kiện: – khởi công vào lúc tối và hoàn thành vào lúc bình minh.
– Dựng một ngôi nhà gỗ bất kỳ nào cũng vậy sao?
– Nếu vật liệu đã được chuẩn bị đầy đủ, họ sẵn sàng bắt tay vào làm bốn bức tường và cái nóc. Đó là tất cả những gì mà họ cần phải làm. Cô thích ngôi nhà màu gì?
– Ồ, màu vàng nhạt.
– Đó là màu nghệ, một màu thật tao nhã… Đừng có nói những điều mà cô không thích đấy nhé.
Buổi sáng nay, tôi biết được thêm nhiều điều về hòn đảo. Đó là một cộng đồng của những nông dân cần cù chất phác, mà còn là cộng đồng của những ngư dân chài lưới dũng cảm mộc mạc. Xung quanh đảo có nhiều vịnh nhỏ để neo đậu thuyền, ra khơi đánh Cassie, tôm. Chúng tôi dừng lại trước một nhóm dân chài đang vá lưới. Tất cả đều kính cẩn chào hỏi Jago. Tất nhiên sự sùng kính đó làm cho anh khá hài lòng.
Jago còn kể về các chợ phiên trên đảo mỗi tháng có một lần. Ngày đó, các thương nhân trên đất liền đổ xô tới ồn ào náo nhiệt. Đó cũng là ngày thời tiết đẹp, các cửa hàng ở trên đảo được cung cấp hàng hóa đầy ắp, dự trữ bán cho đến tận phiên chợ sau. Hàng hóa bán trong phiên chợ đều là loại tốt. Ngày có chợ phiên là một ngyaf đáng được mọi người quan tâm, mong đợi nhiều nhất ở trên đảo.
Anh kể về những phong tục kỳ lạ của người dân đảo, anh nói – người dân đảo không thích đánh được mẻ Cassie vào lúc bình minh ở gần bờ. Họ cho rắng Thần Tí Hon nổi giận quở trách họ. Vị Thần Tí Hon là một vị thần có sức mạnh đặc biệt mà người Piskies rất nể sợ.
Anh kể sang những mê tín của họ, anh nói – khi con người đứng trước những mạo hiểm trong cuộc sống thì họ thường trở nên mê tín. Người dân biển không bao giờ muốn gặp thỏ rừng, hoặc bất kỳ một con thú hoang dã nào trước khi ra khơi, điều ấy rất đen đủi. Nếu họ gặp một vị linh mục trong lúc chuẩn bị chèo thuyền ra khơi họ cũng cho thuyến quay lại.
– Sao lại mê tín vậy? – tôi ngạc nhiên hỏi.
Jago giải thích: – Có thể, một người nào đó gặp một vị linh mục trên đường xuống thuyến nhưng không chịu quay trở lại. Một lát sau rủi ro xuất hiện, anh ta nhận ra điều kiêng kỵ là cần thiết. Vậy là sự mê tín ra đời, chúng từ từ ăn sâu, bám rễ vào trong cuộc sống… Ngày xưa, trên đảo cũng là một nơi để con người trốn tránh luật pháp. Rất nhiều người sống ngoài vòng pháp luật… họ trở thành thần dân của đảo, sống theo tập tục của đảo. Đảo của chúng ta có tập tục riêng, đấy cũng là niềm tự hào của chúng ta.
– Tập tục ấy không dễ gì bị phá bỏ.
– Đúng vậy, nếu là phụ nữ cô ta phải có bổn phận cưới chồng và sau đó suốt đời mang họ Kellaway.
– Thật thú vị, sáng nay tôi đã biết thêm được nhiều điều mới mẻ, – tôi nói – sự hiểu biết về thực tế của tôi còn quá ít ỏi, còn có rất nhiều điều phải học hỏi trong cuộc sống, có lẽ tôi phải học, học nhiều hơn nữa…
Anh quay lại đưa tay dặt lên vai tôi, nhìn tôi tha thiết, anh nói – tôi muốn cô ở lại đây, Ellen. Tôi không có thể nói hết sự mong muốn của tôi lại mãnh liệt như thế nào. Khi lần đầu tiên tôi gặp cô ở London, con quỷ trong tôi đã xui khiến tôi lừa dối cô, không phải để bắt cóc cô, chỉ để tìm hiểu xem gia đình mà cô sắp dấn thân vào có xứng đáng hay không. Tôi không thể kể hết, tôi đã phải kìm hãm con quỷ đang lồng lộn trong tôi, hòng chống lại tôi như thế nào đâu.
– Tôi vẫn không hiểu, tại sao anh muốn đi tới đó? Tại sao anh không nói cho tôi biết anh là ai?
– Đó là một ý thích của tôi bất chợt nảy ra, trong lúc cô đang mải mê lao vào viễn cảnh của một hôn lễ… Sau này, khi nó đổ vỡ, tôi nhận thấy thời cơ đã tới. Tôi muốn cô được tự do, đó chính là điều mà cô mong ước. Thật khó giải thích nổi tất cả, nhưng dù thế nào thì việc cô tới đây cũng là một niềm hạnh phúc lớn của tôi.
Tôi xúc động, nghe anh chân tình bộc bạch. Anh là một người đàn ông thật quyến rũ, mặc dù trước đó anh đã từng làm cho tôi ngờ vực anh là một con người ranh mãnh xảo trá…
Dường như anh cố nén cảm xúc đang dào dạt, anh thốt lên – chà,… thật đáng tiếc, đã tới lúc chúng ta phải quay trở về. Còn có biết bao nhiêu điều tôi muốn chỉ cho cô. Nhưng với cô, ngày hôm nay như vậy là đủ. Gwennol sẽ chỉ cho cô xem tiếp, nhưng cô đừng có chú ý nhiều tới chuyện ma quỷ đấy.
– Lại còn chuyện ma quỷ nữa ư?
– Sáu trăm năm nữa, cũng không hết chuyện ma quỷ. Hầu như chúng chui lên từ những noi tăm tối. Cách đây một hai thế kỷ, người ta đã cố moi nó ra từ đống văn hóa truyền khẩu, với những luật lệ, tập tục cổ hủ lâu đời trên đảo. Tôi đã hiểu nó như vậy đấy, cô thấy thế nào? Có lẽ, cô bắt đầu cảm thấy đảo của chúng ta là một thế giới thu nhỏ, một vương quốc tí hon, phải không, cô Ellen?
– Tất nhiên, tôi đã nhìn thấy anh tự hào về nó như thế nào, hiển nhiên anh cũng được sùng kính tương xứng.
– Ôi, tất cả không phải dễ dàng như vậy đâu, – anh cười, nói – có thể hiểu, tôi đã nắm được và bắt nó làm cho chúng tôi trở nên thịnh vượng. Mùa màng thắng lợi lớn, cô sẽ cho rằng đó là nhờ bàn tay của Chúa. Nhưng thật ra, đó là nhờ bàn tay cầm lái của khéo léo của Jago Kellaway. Tôi đã đưa kỹ thuật trồng trọt mới vào, tôi đã tìm ra thị trường tiêu thụ chúng. Nhiều người có thể làm tốt việc này ở trên đảo với sự nhìn xa trông rộng. Cha của cô và tôi không nhìn sự việc bằng con mắt của người khác.
– Ôi, vậy sao…? – tôi thốt lên thán phục, chờ đợi anh nói tiếp về cha tôi.
– Cha của cô, ông bị ốm một thời gian dài trước khi chết. Sau đó ông ra đi ngay trên tay tôi.
– Và mọi cái đã được anh bắt tay vào làm lại từ ngày đó? – Tôi bùi ngùi hỏi.
– Người dân trên đảo sẽ kể cho cô nghe về điều đó… Đấy! bây giờ cô lại buồn rầu rồi. Thôi, không nhắc về quá khứ nữa. Ellen cô hãy quên nó đi.
Anh mỉm cười nhìn tôi, dường như anh đã nhìn thấy tôi mẫn cảm xúc động như thế nào…
Tôi cùng anh cưỡi ngựa trở về lâu đài, kết thúc một buổi sáng thú vị.
Xế trưa, Chúng tôi ngồi ăn cùng với chị Jennifry. Gwennol vắng mặt, cô đã đi vào đất liền, chị Jennifry giải thích – nó thường chèo thuyền đi chơi, trong những ngày biển lặng như hôm nay. Chị hỏi tôi, ngày hôm nay đi chơi những đâu, có vui không. Chị rất hài lòng khi nghe tôi kể lại, khiến tôi nhận ra hình ảnh của chị trong gương đêm hôm trước chỉ là do tôi tưởng tượng.
Jago cáo từ vì mắc bận công việc. Chị Jennifry đi nghỉ trưa. Tôi xin phép đi dạo xung quanh lâu đài một mình. Tôi sẽ vui hơn với những điều mới lạ do chính tôi khám phá ra.
Khoảng hai rưỡi chiều, mặt trời hắt ánh sáng khuấy động làm mặt nước lóng lánh như vẩy cá. Tôi đi tới cái sân nhỏ nằm giữa tháp canh và cái cổng vòm. Cổng vòm được đặt trên hai bậc thềm đá đã mòn vẹt, bởi hàng nghìn bước chân đặt lên qua nhiều thế kỷ. Sự mòn vẹt của những bậc đá trong lâu đài hằn in bao dấu vết của con người Kellaway mà tôi còn chưa hề biết tới… Không bao lâu, tôi đã lọt vào cái sân nhỏ khác, trong lúc còn ngờ ngợ tôi đã nghe thấy tiếng gù của chim bồ câu, ngay lập tức tôi nhận ra cái sân mà tôi vừa thăm chiều qua.
Tôi đã nhìn thấy ông chủ của chim bồ câu. Ông là một người nhỏ bé, với mái tóc dài bạc trắng rất đẹp; mắt của ông xanh xám ẩn hiện dưới hàng lông mi và lông mày thưa thớt, khiến ông có vẻ hơi kỳ quặc.
Đột nhiên ông quay lại nhìn tôi. Tôi giật mình ngạc nhiên, thì ra ông còn rất trẻ… “ông” chỉ là một cậu bé.
Cậu đang vung tay ném bắp cho chim ăn, cậu dừng lại ngạc nhiên nhìn tôi, bỗng có một con bồ câu sà xuống đậu lên vai cậu. Trên mặt cậu thoáng hiện sự em thẹn, cậu định quay vào cửa, nơi xuất hiện cái bóng bí mật chiều hôm qua, mà bây giờ tôi đã đoán ra đó chính là cậu.
Tôi vội kêu lên – xin dừng lại, tôi tới để xem bồ câu thôi mà.
Nhưng cậu vẫn bước đi về phía cửa.
– Nếu cậu mà bỏ đi thì chim bồ câu cũng bay đi hết, – tôi năn nỉ – hãy để cho tôi được nhìn chúng ăn. Tôi thích được nhìn thấy chúng đậu trên vai cậu.
Sau khi cân nhắc, cậu quay lại.
Một linh cảm chợt lóe lên, tôi nói – cậu là Slack phải không? Tôi đã gặp mẹ của cậu ở nhà nghỉ.
Cậu mỉm cười hồi lâu rồi mới gật đầu.
– Tôi là Ellen Kellaway, – tôi tự giới thiệu.
– Cô thích chim bồ câu? – cậu hỏi.
– Tôi không biết nhiều về chúng, nhưng tôi đã được nghe nhiều về chim bồ câu đưa thư… thật tuyệt.
– Ồ, chim bồ câu đưa thư đây này, – cậu tự hào nói.
– Giống như có phép màu, chúng biết được tất cả những noi mà chúng phải bay tới, phải không?
Một nụ cười thoáng xuất hiện trên miệng, cậu nói, – phải tập cho chúng chứ. – Cậu nói và bốc một nắm bắp trên tay vung lên rải khắp sân. Một vài con chim từ trên chuồng sà xuống, mổ ăn lách chách, tỏ ra rất hài lòng.
– Tôi tin là chúng hiểu cậu, – tôi nói.
– Dĩ nhiên.
– Cậu đã nuôi chúng từ bao giờ?
– Từ ngày tôi bắt đầu tới đây, – cậu xòe cả năm ngón tay, có lẽ cậu nuôi chúng đã được năm năm.
– Tôi đã nhìn thấy cậu từ chiều hôm trước, – tôi nói và chỉ vào trước cửa.
– Tôi cũng nhìn thấy cô, – cậu đáp lại bằng một nụ cười ngượng ngịu.
– Tôi gọi cậu, nhưng cậu giả vờ không nghe thấy, phải không?
Cậu gật gật đầu, tỏ ý cậu muốn đùa tôi mà thôi.
– Bây giờ tôi có thể vào trong đó xem bồ câu được không?
– Cô muốn vào xem ư?
– Ôi, dĩ nhiên. Tôi rất thích vào xem cậu chăm sóc chúng như thế nào.
Cậu mở cửa, chúng tôi bước xuống ba bậc đá đi vào trong một cái buồng nhỏ, nơi để các bao bắp và nước uống dự trữ.
– Đó là nhà kho của bồ câu, cậu nói – nhưng bây giờ tôi phải hoàn thành việc cho chúng ăn đã.
Chúng tôi quay trở lại trước sân. Cậu dang rộng cánh tay, ngay lập tức có hai con bồ câu sà xuống đậu vào, – Cô bạn đáng thương của ta – cậu thầm thì – cô đến gặp Slack, phải không?
Tôi cũng bốc một nắm bắp ném rải ra trên sân. Mắt vẫn mải mê ngắm nhìn con chim đậu trên cánh tay, miệng nói, – cô thích chim bồ câu lắm phải không? “Cô ấy” cũng thích chim bồ câu như cô.
– “Cô ấy” là ai? – tôi hỏi.
– “Cô ấy”… – cậu bối rối, nói… “Cô ấy” đã đi xa mất rồi.
Dường như, cậu bối rối bởi ký ức bỗng bị xáo trộn, hoàn toàn quên lãng sự hiện diện của tôi ở đó. Cậu lặng lẽ cho chim ăn. Có lẽ, câu hỏi của tôi đã chạm vào phần sâu kín nhất trong lòng cậu mà cậu không thể nói ra. Tôi đành phải dừng cuộc dạo chơi ngay ở đây.
Ngày hôm sau, Gwennol đưa tôi đi thăm xung quanh Lâu đài.
Cô nói – chúng ta bắt đầu từ ngục tối, đây là noi rùng rợn ghê lắm…
Chúng tôi đi vào một cửa hầm và đi xuống các bậc thang đá xoắn ốc có tay vịn bằng dây chão. Gwennol cảnh báo cho tôi biết phải bước đi thật cẩn thận.
– Cái cầu thang này rất phản trắc. Cách đây vài năm, có một người hầu gái bất ngờ ngã xuống gầm cầu, phải mất một ngày một đêm mới tìm thấy. Thật đáng thương, cô ta gần như mất trí khi họ tìm thấy cô. Có lẽ, đây là một bằng chứng của ma. Cô cho rằng con ma đã kéo chân cô ngã xuống, không ai có cách gì thuyết phục để cô hết sợ hãi.
Chúng tôi đã xuống tới một cái sân rộng hình tròn, có tường vây quanh mà nền của nó rải đầy sỏi đá, được chia ra làm nhiều ngăn, đó chính là các xà lim. Có khoảng mười tám xà lim. Tôi mở cửa đi vào… xà lim giống như một cái cũi, kẻ phạm tôi bị nhốt vào khó mà đứng bình thường được vì bị gắn chặt vào tường bằng xiềng xích nặng nề. Tôi rùng mình… có lẽ kẻ bị giam sẽ hoàn toàn tuyệt vọng khi có ý định chạy trốn. Các bức tường xung quanh ẩm thấp bốc mùi khó chịu. Không chịu nổi lâu hơn nữa, tôi vội bước ra, đóng cửa lại. Tôi mở cửa một xà lim khác, có lẽ nó cũng tương tự như xà lim trước. Tôi tiếp tục khám phá, mới phát hiện ra chúng không hoàn toàn giống nhau, bởi một số xà lim còn được thêm một cái cửa sổ nhỏ lắp kính và chấn song bảo vệ, nhưng nó rất nhỏ và gắn rất cao trên tường. Một số xà lim khác còn có những bức vẽ nghuệch ngoạc khắc sâu vào tường đá: một cái giá treo cổ, hoặc là mặt một con quỷ đang nhe răng cười. Phải chăng, ngục tối chính là noi đày ải làm con người đau đớn đến tuyệt vọng…, khiến tôi phải thốt lên: – Đúng là địa ngục trần gian!
Gwennol gật đầu, nói – hãy tưởng tượng… cô là một người tù bị giam cầm ở đây. Cô kêu cứu, nhưng vô vọng, bởi chẳng có một ai nghe thấy… không có một sự quan tâm nào hết.
– Hầu như, đấy là sự đau đớn đã đến tột cùng, sự quằn quại đến mất hết lý trí, và hy vọng đã trở thành vô vọng của con người…?
– Thật khủng khiếp! Thật ghê rợn! – Cô thốt lên – nhưng dù sao cũng không thể thiếu được nó. Ngục tối là một phần quan trọng của lâu đài. Thôi, chúng ta xem như vậy là đủ rồi…
Chúng tôi quay trở ra, bước lên cầu thang ra khỏi ngục tối. Chúng tôi đi thăm tiếp các phòng khác… trèo lên cả tháp canh có thể quan sát rõ xung quanh Lâu đài. Chúng tôi đi qua phòng tranh, xuống một cầu thang dẫn vào nhà bếp. Noi đây có lò nướng bánh, lò mổ, tủ đựng bơ, tử đựng rượu vang… Cô giới thiệu tôi với những người hầu làm bếp, người thì búi lại tóc lên cao, người thì đưa tay vuốt tóc… sửa lại trang phục trước khi nhún người chào, tất cả đều đưa mắt ý tứ nhìn tôi.
Có một căn phòng nhỏ thông với đại sảnh, nó đặc biệt làm tôi phải chú ý, bởi Gwennol đột nhiên nói – tôi nghe kể… mẹ cô rất thích căn phòng này. Tên của bà là Frances phải không? Một số người hầu quen miệng gọi căn phòng này là phòng Frances.
Tôi theo sau Gwennol, bước xuống một bậc đá đi vào trong phòng. Cô ta chễm chệ ngồi trên một cái ghế bành, nói – bà đã vẽ tranh ở đây, tuy không thể sử dụng căn phòng này như một xưởng vẽ, vì nó không đủ ánh sáng. Từ ngày bà ra đi, không còn có ai sử dụng căn phòng này nữa.
Tôi bâng khuâng đi dạo xung quanh căn phòng, nơi mẹ tôi đã từng ngồi vẽ. Đúng là căn phòng quá nhỏ… thật sự thiếu ánh sáng, bởi nó chỉ có một ô cửa sổ nhỏ lắp thể kính có thể mở ra được. Đồ đạc chỉ có một bộ xa-lông đặt ngay bên cạnh cửa sổ, và một cái đi-văng nhỏ… nhẽ ra nên đặt chúng ở phòng khách thì thích hợp hơn.
– Tôi ngạc nhiên biết bao, nếu ở đây có một cái gì đó của bà còn để lại, – tôi nói.
– Cô hãy tìm trong tủ xem.
Tôi mở tủ… cánh cửa kẹt rít lên, lộ ra một cái giá vẽ và vài cuộn giấy nằm lăn lóc ở trong.
– Đúng là đồ của bà rồi, – tôi kêu lên. Trong lúc cầm các cuộn giấy lên, tôi nhìn thấy một tập phác thảo nằm dưới đáy tủ, ngoài bìa có dòng cữ Frances Kellaway. Chúng như hút lấy hồn tôi… tôi xúc động tay run run lập xem các tấm tranh kẹp trong đó. Gwennol đứng lên, ngắm nhìn qua vai tôi… các bức vẽ phác thảo lâu đài Kellaway với nhiều góc độ khác. Gwennol nói – bà đúng là họa sỹ.
– Tôi muốn giữ tập phác thảo này, – tôi xúc động nói.
– Tất nhiên rồi, sao lại không cơ chứ? – Gwennol thản nhiên tán thành.
– Tôi thật cảm động. Đây là một chút kỷ niệm của mẹ mà tôi được biết. Còn cha tôi, tôi không nhớ một chút nào cả. Hẳn cô phải biết về ông.
– Không có một ai biết nhiều về ông. Tôi cũng chỉ biết một ít mà thôi. Tôi không nghĩ là ông thích trẻ nhỏ. Ông bị ốm liệt giường trong một thời gian dài, nằm bất động trong phòng riêng. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy ông trên xe lăn cùng với người hầu tâm phúc đẩy phía sau, chăm sóc ông. Cậu Jago hy sinh bỏ dở mọi công việc để giúp đỡ ông, cũng tận tụy như một người hầu…
– Thật may mắn, cô đã đưa tôi tới đây và kể lại một số điều về cha tôi. Thật ra, tôi sẽ không ở đây nếu không phải vì ông. Tôi rất muốn biết về ông.
– Có một điều an ủi, cậu Jago sẽ kể cho cô nghe về ông nhiều hơn… và cả ông Fenwick nữa.
– Ông Fenwick ở đâu?
– Rất tiếc ông ta đã bỏ đi xa sau khi cha cô chết. Tôi nghĩ ông đang sống ở một nơi nào đó trong đất liền.
– Cô có biết cụ thể ở đâu không?
Cô lắc đầu, dường như câu hỏi đó làm cho cô trở nên buồn bã. Cô muốn thay đổi đề tài, cô nói – tôi sẽ ngạc nhiên hơn, nếu dưới đi-văng còn có một cái gì khác nữa. Cô hãy lật nó lên thử xem.
Chúng tôi cùng lật đệm đi-văng lên, cô giữ, tôi nhìn vào. Không có một cái gì ngoài tấm thảm đệm cuộn tròn ở trong.
– Hẳn nó dùng để cho Chúa Đảo ngồi, – Gwennol nói và đặt tấm đệm đậy lại như cũ. Cô nhanh nhảu chuyển sang chuyện khác: – Hãy đi tới chỗ cậu Slack đi. Tôi muốn ngày mai cậu ta chuẩn bị thuyền chở tôi vào đất liền. Tôi luôn mong biển lặng để được vào đất liền… Cô có thích đi không? Chúng ta sẽ được cưỡi ngựa đi chơi nữa đấy.
– Thật tuyệt vời, tôi đồng ý.
– Thế thì tốt, dĩ nhiên chúng ta còn phải trông đợi vào thời tiết ngày mai…
– Vậy, Slack sẽ chở chúng ta đi.
– Đúng, cậu ta cũng rất thích những dịp như thế này để được về thăm mẹ.
– Cậu ta là một chàng trai kỳ lạ. Tôi đã phát hiện ra cậu cho chim bồ câu ăn.
– Ôi, vậy là cô đã gặp Slack?… Người ta nói cậu ta bị “mát”, nhưng không phải thế, có một số lĩnh vực cậu ấy rất thông minh. Cậu ta chỉ hơi khác người một chút thôi. Cậu tới làm ở chỗ chúng tôi khi cậu mười một tuổi. Cậu Jago đã chú ý tới cậu. Đàn bồ câu khi ấy đang bị bệnh, theo truyền thuyết… đàn bồ câu mà không còn thì đảo Kellaway cũng biến mất. Cậu Jago tuy không mê tín nhưng cậu tôn trọng niềm tin của tất cả mọi người. Cậu đã phát hiện ra Slack là một người rất am hiểu về chim bồ câu và có khả năng chăm sóc chúng, vậy là Slack được giao nhiệm vụ nuôi chim bồ câu. Đàn chim bồ câu lập tức khỏe mạnh, ngày một sinh sôi nảy nở… Slack thật đáng thương, cậu ta mới chỉ biết đọc biết viết, khi ở đất liền cậu thường hay bỏ nhà đi lêu lổng. Cứ mỗi khi cậu đánh xe đi, mẹ cậu lại lo sợ đến phát ốm. Sau đó cậu way reowr về nhà và thường vào rừng bắt chim. Bây giờ, dĩ nhiên cậu không còn muốn đi lêu lổng như vậy nữa. Đàn bồ câu đã giữ chân cậu lại.
– Khi ở nhà trọ Polcrag, tôi đã được gặp mẹ của cậu và bà đã nói về cậu… ở Đảo Xa.
– Đúng vậy, bà đã trở nên quen thuộc với đảo này vì bà đã từng làm việc ở đây. Cha của bà trông coi nhà trọ. Bây giờ cả hai vợ chồng bà thay ông làm việc đó. Slack sinh ra khi họ chưa làm công việc như bây giờ. Cậu bị sinh non trước hai tháng, rất khác với nhiều đứa trẻ, không kêu khóc la hét…, rất hiền lành, Mẹ của gọi cậu là “Bánh ỉu”. Và sau đó mọi người gọi cậu là Slack. Người ta đã nhầm, khi đánh giá cậu quá thấp. Cậu là một người có tình cảm, có duyên với chim bồ câu…
– Tôi đã nhìn cậu ta chăm sóc chim bồ câu như thế nào. Thật kỳ lạ hình như cậu ta và bồ câu có một sự đồng cảm.
– Không còn phải nghi ngờ gì về khả năng đó của cậu ta… Chúng ta cùng đi tới gặp cậu ta, ngay bây giờ nào.
Chúng tôi đi tới sân nuôi chim bồ câu. Cậu ở trong nhà kho, cậu đang nói chuyện với chim!… Cậu đã nhìn thấy chúng tôi.
– Ôi, mày bị đau ở chân phải không? – cậu thì thầm. – Mày thật đáng thương, đây là cô Gwennol và cô Ellen đấy. Họ không làm hại mày đâu…
– Cậu có thể chữa cho nó khỏi đau được chứ, Slack? – Gwennol hỏi.
– Chắc là được, cô Gwennol. Đó là nghề của tôi mà.
Gwennol nhìn tôi nháy mắt cười, – Tôi muốn, ngày mai cậu đưa chúng tôi vào đất liền. Tất nhiên, nếu biển đẹp như hôm nay.
– Tôi sẽ chuẩn bị thuyền ngay, cô Gwennol.
– Cô Ellen sẽ đi cùng với chúng ta. Gwennol nói.
Cậu gật đầu, trong lúc dồn tất cả tâm trí vào việc chăm sóc con chim bị đau.
– Cậu có nghe không đấy, Slack? – Gwennol hỏi.
– Ôi, tôi luôn nghe đây mà, cô Gwennol. Tôi biết nhiệm vụ của tôi rồi.
– Thật kỳ cục, – khi chúng tôi đã đi xa, Gwennol nói – cậu ta say mê làm việc quên cả nghỉ ngơi cho mà xem.
Vượt qua sân chim bồ câu, chúng tôi quay trở về.
Chiều hôm đó, chúng tôi đi thăm được rất nhiều noi ở xung quanh Lâu đài. Trong bữa ăn tối, tôi kể cho Jago nghe những gì tôi nhìn thấy. Tôi chợt bắt gặp nét mặt phấn khởi tươi rói trên mặt anh.
Màn đêm yên tĩnh buông xuống, tôi mệt mỏi nhưng hài lòng… Tôi thầm hứa, sẽ cố tìm hiểu để biết về gia đình của mình nhiều hơn. Tôi nhớ tới cuộc hẹn đi chơi với Gwennol trong ngày mai, lòng tôi rộn vui vì tôi sẽ lại được nói chuyện với bà Pengelly.
Sau đó, tôi đi tới giường ngủ, chợt nhớ tới tập phác thảo của mẹ, vừa tìm thấy sáng nay… Tôi lật đật lấy nó ra đặt trên bàn, thắp sáng thêm nến nâng niu giở từng tờ ngắm xem.
Tập phác thảo giới thiệu Lâu đài Kellaway mới sinh động làm sao. Không phải nghi ngờ gì vào tài năng của bà… Có thể nhận thấy thài năng của bà trong từng bức vẽ mô tả Kellaway – một Lâu đài bằng đá cổ xưa thật oai nghiêm, khi nhìn vào bức tường đá xám trong cảnh chiều tà. Hòn Đá Xanh nhỏ bé mờ xa gợi tới sự xa cách, nhớ nhung da diết… Và chân dung của những người Kellaway hiện lên mới sống động làm sao. Đây chân dung một bé gái mũm mĩm với con mắt mở to thơ ngây, nhìn cuộc đời mới trong sáng vô tư biết nhường nào; tôi đọc lời ghi chú dưới bức tranh “E. Hai tuổi”. Tôi nhận ra bức chân dung đó chính là tôi khi còn nhỏ – “Ellen lúc lên hai”… Tôi lật tiếp và nhìn thấy hai bức chân dung khác nhau của Jago. Thật có hồn! Bà đã nắm bắt, mô tả thật chính xác! Hai bức chân dung khác nhau nhưng lột tả tính cách chung trong con người Jago. Cả hai bức đều cười, một nụ cười kín đáo sâu sắc, một nụ cười giễu cợt… gây cho người ta một sự ngạc nhiên sửng sốt. Thành công của bức tranh là dùng con mắt để lột tả tính cách, con mắt sáng ngời ẩn dưới hàng mi dài, khôn ngoan nhưng hơi ranh mãnh; đương nhiên là cái môi hơi cong lên như phụ họa dự báo sự bất thường trong cá tính của Jago.
Tôi lim dim mơ màng, suy tư… Mẹ tôi đã suy nghĩ như thế nào khi vẽ chân dung của Jago? Chắc chắn bà đã lột tả một điều: Jago là một con người khó lường. Phải chăng đó là lời cảnh báo: Hãy đề phòng Jago.
Tôi bồn chồn lo lắng bởi anh bắt đầu vui vẻ thân thiết với tôi hơn, và tôi cũng bắt đầu chú ý tới anh nhiều hơn.
Tôi vội quay lại với tập phác thảo, lật ra xem tiếp hai bức chân dung khác của một cô gái. Mẹ tôi có một sự tưởng tượng thật tuyệt vời, hai bức chân dung nhìn có vẻ giống nhau, nhưng lại lột tả hai tính cách khác nhau của một nhân vật. Một bức bà vẽ một cô gái doan trang, tóc tết vắt sang một bên vai đưa ra phía trước, tay ôm quyển kinh thánh trước ngực, mặt ngước lên nhìn thành kính cầu nguyện. Trong bức kia thì trái ngược hoàn toàn, khuôn mặt cô gái hiện ra sau mớ tóc buông xõa bù xù, đôi mắt của cô đờ đẫn hoang dại, vừa đau khổ, vừa bí ẩn sâu xa. Đúng là một bức vẽ về sự khiếp sợ.
Tôi nhìn xuống phía dưới hai bức vẽ, bà viết đôc có một chữ “S”.
Tôi nghi hoặc, đi tới mở tủ đựng đồ. Chữ “S” đã được khẳng định, nó chính là của chủ nhân viết dòng chữ nguệch ngoạc này.
Vậy ai là “S”? – Tôi tự hỏi.
Không trả lời được, tôi ngủ thiếp đi… Khi giật mình tỉnh dậy, tôi tiếp tục lật xem các bức vẽ khác, lâu đài cổ Kellaway đứng sừng sững trên một góc đảo lộng lẫy thanh bình, nó làm cho đầu óc tôi dịu trở lại. Nhưng bức chân dung Jago đã gợi cho tôi nhớ lại cái nhìn ranh mãnh khó hiểu của anh ở biệt thự Finlay Square ngày nào, khiến tôi khó chịu.
Tập phác thảo đã gây cho tôi một chấn động mạnh. Tôi trấn an, đó chỉ là một trong những hình ảnh được gợi lên trong sự tưởng tượng của mẹ tôi trong lúc cao hứng… bà đã vẽ ra khuôn mặt của một người mà bà đã nắm bắt được tính cách lập dị, thay đổi khôn lường.
Tôi không tin đó là hai tư duy cảm xúc đơn thuần.
Tôi lật tiếp một tờ khác. Tôi sửng sốt đến nghẹt thở. Căn phòng ác mộng như đập vào mắt tôi. Tôi tưởng như mình đang mơ… nhưng không phải, nó hiện lên sống động, ngay trong tập phác thảo của mẹ tôi. Vẫn lò sưởi, thảm đỏ, bàn ghế, bức tranh treo trên tường… tất cả những cái đó đều nằm trong cơn ác mộng thường trực của tôi.
Đầu óc tôi choáng váng.
Căn phòng khủng khiếp ấy là có thật. Mẹ tôi đã nhìn thấy nó. Có thể, nó nằm ngay trong lâu đài này… Nhất định tôi sẽ tìm ra nó.
Tập bản thảo như một tài sản quý báu của mẹ dành cho tôi. Nó đã chỉ ra tình cảm, suy nghĩ của mẹ tôi đối với Kellaway… và trùng hợp với tôi đến thế! Hơn nữa những linh cảm của tôi đã được mẹ tôi khẳng định là thật. Tôi không còn phân vân gì nữa, phải hết sức tỉnh táo đề phòng, tiếp tục khám phá con người Jago, con người có tên chữ “S”… và cả căn phòng ác mộng nữa.
Tôi lại nhớ về mảnh vườn của bà ngoại, nơi mẹ tôi và tôi nằm dài trên bãi cỏ cùng với tập phác thảo nằm phơi mình trong nắng vàng nhạt xa xăm…