Hai gia đình Joad và Wilson hợp lại làm một và tiếp tục trườn về phía Tây: El Reno và Bridgeport, Clinton, Elk City, Sayre và Texola. Biên giới đây rồi, và Oklahoma dã ở lại phía sau. Ngày hôm nay trên chiếc xe nối đuôi nhau trườn lên, lên mãi, qua vùng Alanreed, Groom và Yarnell, đến buổi chiều họ đi qua Amarillo. Chặng đường quá dài nên mờ tối thì họ cắm trại nghỉ. Al cũng mệt mỏi, người đầy bụi và nóng bức. Nóng quá nên bà Nội quằn quại vật vã khi họ dừng lại thì bà yếu lả hẳn.Đêm đó, Al nhổ trộm một cọc rào làm một cái buộc vắt ngang ở hai đầu xe. Đêm đó họ chẳng ăn gì ngoài bánh qui nguội, cứng còn lại từ bữa sáng. Họ để nguyên cả quần áo vật mình xuống đệm và ngủ liền. Vợ chồng Wilson lại còn không dựng lều nữa.
Gia đình Joad và Wilson đã chạy trốn qua vùng Cán Xoong, một miền đất xám mấp mô mà do những trận lụt từ xa xưa đã đào thành những thung lũng và khứa thành những nếp nhăn nheo, như những vết sẹo. Họ chạy trốn khỏi Oklahoma và qua bang Texas. Những con rùa đất bò trong cát bụi, mặt trời quét tia nắng xuống mặt đất. Đến chiều tối, khí nóng đã ra khỏi bầu trời nhưng mặt đất vẫn còn bốc lên nhưng làn hơi nóng hầm hập.
Hai gia đình đã chạy trốn được hai ngày nhưng sang ngày thứ ba, họ thấy xứ này to lớn quá, cho nên họ thu xếp một cách sinh hoạt mới, con đường cái trở thành nhà và sự hoạt động trở thành phương tiện biểu đạt. Dần dà ngày một ngày hai, họ thích ứng với sinh hoạt mới. Trước tiên Ruthie và Winfield, rồi Al, rồi Connie và Rosasharn và cuối cùng là những người nhiều tuổi. Đất đai nhấp nhô như đợt sóng ngầm to lớn và đứng im bất động. Wildorade và Vega và Bosie và Glenrio. Đây là hết ranh giới bang Texas. New Mexico với núi non trùng điệp. Xa xa, núi sừng sững, đỉnh cao chọc trời. Các bánh xe hơi ken két, các động cơ nóng ran ran, và hơi nước phụt ra xung quanh các nắp máy phát điện. Xe trườn bò tới sông Pecos và cắt ngang qua Santa Rosa. Và họ còn chạy thêm hai mươi dặm nữa.
Al lái chiếc xe du lịch, Mẹ ngồi bên cạnh hắn, Rosasharn bên cạnh Mẹ. Phía trước họ, chiếc xe tải chạy ì ạch. Không khí nóng hâm hấp như làn sóng cuốn tràn ngập miền quê làm núi đồi rung động. Gập cong người trên ghế, Al cầm lái một cách uể oải, bàn tay thoải một cách máy móc vào thanh ngang của tay lái, chiếc mũ xám chóp nhọn kéo lệch xuống một bên tai che lấp mất một mắt nom ngang ngược lạ thường, và thỉnh thoảng hắn quay lại khạc nhổ ra ngoài cửa xe.
Ngồi bên cạnh con, Mẹ khoanh tay lên bụng, thu hình lại như để chống chọi với cơn mệt mỏi. Bà ngồi mềm người lại để mặc cho đầu và mình đu đưa theo đà xe lúc la lúc lắc. Bố chớp chớp đôi mắt để nom cho rõ dãy núi phía trước. Chân bấm chặt lấy sàn xe, khuỷu tay phải thò ra ngoài cửa xe, Rosasharn cứng người lại mỗi lần xe lắc lư. Khuôn mặt tròn trĩnh của cô đanh lại mỗi khi xe lắc mạnh, đầu cô lắc lư dữ dội vì các cơ bắp ở cổ căng ra. Cô gắng hết sức cong người như một chiếc bình cứng ngắc để giữ cho bào thai khỏi bị xóc. Cô quay đầu về phía mẹ.
– Mẹ ơi! – cô nói – mắt bà sáng lên và bà chú ý nhìn về phía cô con gái. Đôi mắt của bà lướt qua khuôn mặt đầy đặn, mệt mỏi, căng thẳng của cô và bà mỉm cười.
– Mẹ ạ, – người thiếu phụ trẻ nói, – lúc tới nơi nhà ta chỉ có việc hái quả cây và sống ở thôn quê, phải không?
Mẹ mỉm cười, điểm chút giễu cợt:
– Thì nào đã tới đâu, con. Sẽ ra sao, chúng ta biết sao được. Chờ xem.
– Connie với con, chúng con không thích sống ở nhà quê nữa. Chúng con đã trù định tất thảy phải làm gì rồi.
Khuôn mặt bà mẹ sầm lại trong một thoáng ưu phiền.
– Các con sẽ không ở với bố mẹ…với gia đình hay sao?
– Chuyện đó chúng con đã nghĩ kỹ rồi, mẹ ạ. Chúng con muốn ở thành phố – Rồi giọng cô sôi nổi – Connie kiếm việc làm ở một cửa hiệu, hoặc có thể ở một xưởng máy. Anh ấy sẽ học thêm ở nhà, có lẽ là vô tuyến điện, để trở thành một kỹ thuật gia, rồi sau này, có lẽ có một cửa hàng riêng. Rồi hễ muốn là chúng con đi xinê. Connie còn nói sẽ mời một ông bác sĩ tới nhà khi nào con sinh cháu bé, anh ấy lại nói nếu có phương tiện, có lẽ con vào nhà hộ sinh. Rồi chúng con sẽ có một chiếc xe hơi, nhỏ thôi. Rồi buổi tối khi anh ấy học xong, ôi chà…dễ chịu biết mấy. Anh ấy đã xé một tờ trong các sách Truyện tình miền Tây, anh ấy sẽ gửi thư bảo người ta gửi cho bài học hàm thụ chả là cái đó có mất gì đâu. Trên phiếu có ghi như vậy, con đã nhìn thấy. Và mẹ tính xem… Khi đã theo lớp đó – học vô tuyến ấy mà, người ta sẽ kiếm cho một chỗ làm, một nghề sạch sẽ, có tương lai. Rồi chúng con sẽ ở thành phố, thỉnh thoảng đi xinê. Và rồi, mẹ biết không, con sẽ có một bàn là điện, cháu bé sẽ có toàn quần áo mới. Toàn quần áo mới, Counie nói thế, trắng tinh và… như Mẹ đã thấy trong các quyển mẫu hàng, những đồ nho nhỏ xinh xắn, làm cho trẻ con. Cố nhiên buổi đầu, lúc Connie còn phải học ở nhà, có thể không dễ dàng gì, nhưng lúc con sinh cháu thì có lẽ anh ấy đã học xong, chúng con sẽ có một căn nhà riêng, nhỏ bé thôi. Chúng con chẳng muốn cái gì kỳ lạ đâu, chỉ muốn những gì xinh xắn cho cháu bé thôi. – Khuôn mặt cô rạng rỡ hồ hởi – Và con đã nghĩ…thế này, có lẽ cả nhà ta cũng sẽ ở thành phố, và khi Connie có cửa hiệu rồi, Al có thể làm việc giúp anh ấy.
Mẹ vẫn không thôi quan sát sát nét mặt dào dạt háo hức. Bà đã nhìn thấy cái lâu đài trong ảo tưởng lớn dần nên bà để tâm trí theo dõi.
Al cười khẩy:
– Tôi, tôi làm việc cho Counie? Tại sao Connie lại không đến làm việc cho tôi? Anh ấy tưởng mình là thằng khốn 1 duy nhất có thể học tập ban đêm sao?
Mẹ hình như đột nhiên nhận ra rằng tất cả điều đó chỉ là một giấc mơ. Một lần nữa bà quay đầu lại nhìn thẳng phía trước mặt, ngồi lại một cách thoải mái, nhưng nụ cười kín đáo vẫn còn nấn ná xung quanh mắt bà.
– Mẹ không biết hôm nay bà Nội có thấy khỏe không, – mẹ nói.
Cúi xuống tay lái, Al trở nên chăm chú. Động cơ phát ra một tiếng kèn kẹt. Hắn tăng tốc độ, tiếng động tăng lên. Hắn cho nổ máy chầm chậm, lắng tai nghe nữa. Tiếng kèn kẹt lại tăng thêm, biến thành một thứ búa đập chan chát. Al bóp còi inh ỏi và lái xe tạt sang lề đường. Phía trước, chiếc xe tải dừng lại rồi từ từ lùi. Ba chiếc xe hơi phóng vụt qua, đi về phía Tây, cái nào cũng bóp còi inh ỏi, và người tài xế ở xe sau cùng thò đầu ra hét:
– Muốn chết hay sao mà dừng lại kiểu đó, hả?
Tom lùi xe lại, bám chặt lề đường. Anh nhảy xuống và lại gần chiếc xe du lịch. Sau xe cam-nhông chở nặng, mấy cái đầu ngoái nhìn lại. Al cho nổ máy chầm chậm, lắng nghe động cơ chạy không, Tom hỏi:
– Có chuyện gì, hở Al?
Al rồ máy:
– Anh nghe xem. Tiếng động cơ lạch cạch bây giờ lại mạnh thêm.
Tom nghe ngóng:
– Cho chạy không xem sao, – anh mở nắp xe chúc đầu vào trong, – Giờ rồ máy đi xem.
Anh nghe ngóng chốc lát rồi đậy nắp lại, – Đúng, tao chắc là mày có lý Al ạ.
– Hả? – Al hỏi – Cuxinê biên?
– Đâu như thế.
– Nhưng em cho đủ cách mà nhớt vẫn không xuống được. Biên bây giờ khô cứng như cái vồ…Chó thật 2. Thôi chả có cách gì khác trừ phi tháo nó ra.
– Thế này, tao cho xe tiến lên tìm một chỗ đất bằng để đỗ lại, mày cũng cho chạy từ từ, đừng làm cho cổ cacte.
Wilson hỏi:
– Có hỏng nặng không?
– Nặng. – Tom nói. rồi anh quay về chiếc cam-nhông và tiến tên từ từ.
Al phân trần:
– Con không hiểu tại sao lại có thể cháy biên. Con có để nó thiếu dầu đâu.
Al biết, chỉ có hắn là đáng bị chê trách. Hắn nhận thức ra sự thất bại của mình.
Mẹ nói:
– Không phải lỗi tại con. Phải làm những gì, thì con đã làm rồi. – Mẹ hơi rụt rè hỏi – Hỏng ghê lắm à?
– Tệ thật, kể cũng khó mà kiếm được, phải tìm được một chiếc biên khác, hoặc phải chữa lại Cuxinê. – Hắn thở dài não nuột, – May mà có anh Tom ở đây. Con chưa bao giờ sửa chữa Cuxinê. Lạy Chúa, con mong là anh Tom biết.
Một tấm biển quảng cáo rộng lớn màu hồng sừng sững ở lề đường phía trước mặt, chiếu xuống một bóng mát vừa dài vừa thuôn thuôn. Tom cho chiếc xe cam-nhông chạy thẳng xuống mương, vượt qua và dừng xe ở bóng râm. Anh bước xuống, đợi Al đi tới.
– Đi nhẹ, hê, – anh kêu to – rất nhẹ kẻo không thì lại đánh gãy thêm một chiếc lò xo nữa.
Al đỏ mặt tía tai. Hắn hãm bớt máy.
– Mẹ kiếp, – hắn gào lên – có phải tôi đã làm cháy Cuxinê đâu. Anh nói “thêm”, “thêm” là thế nào? Ý anh là tôi làm hỏng cả lò xo nữa sao?
Tom cười nhe răng, anh nói:
– Giữ cho xe thăng bằng đi, tao chả muốn nói gì hết. Cho xe xuống rãnh đi, từ từ thôi.
Vừa càu nhàu, Al vừa thận trọng lái chiếc xe xuống mương rồi vượt qua sang bờ bên kia.
– Anh đừng có làm cho những người khác hiểu lầm rằng em đã làm cháy Cuxinê.
Bây giờ máy nổ rất to. Al đậu xe vào chỗ bóng râm và tắt máy.
Tom mở nắp máy xe và chống nó lên.
– Chưa thể làm gì được, phải chờ cho nó nguội lại cái đã.
Cả gia đình xuống xe và chụm lại xung quang chiếc xe du lịch.
Bố hỏi:
– Hỏng thế nào? – Rồi ông ngồi xổm xuống đất.
Tom quay lại phía Al:
– Mày đã chữa máy này bao giờ chưa? – Anh hỏi.
– Chưa, chưa bao giờ. Dĩ nhiên em biết tháo Cacte.
Tom nói:
– Tốt, phải tháo cacte, rút biên ra, rồi lại phải tìm cho được một biên khác thay thế. Sau đó lại phải giũa, phải chèn, phải lắp vào cho khớp, mất đứt cả một ngày. Phải lộn lại chỗ cũ, Santa Rosa, để tìm cái thay thế. Alburquerque thì còn xa hơn, cách những bảy mươi lăm dặm… Ôi! Lạy Chúa, mai là chủ nhật rồi! Chủ nhật thì chả hi vọng kiếm được gì đâu…
Mọi người im lặng. Ruthie lại gần, liếc nhìn vào phía dưới nắp xe để ngỏ, mong thấy cái biên bị gãy. Tom bình tĩnh nói tiếp:
– Ngày mai là chủ nhật. Thứ hai ta sẽ kiếm đồ thay, và chắc chắn là không xong được trước ngày thứ ba. Ta không có dụng cụ cần thiết nên khó làm hơn, sẽ vất vả lắm đây.
Bóng một con chim ó lướt trên mặt đất và cả gia đình ngước mắt lên nhìn con chim đen đang bay lượn trên bầu trời.
Bố nói:
– Điều tôi sợ nhất là hết tiền, không thể tới nơi được, không những chúng ta phải ở đây ăn không ngồi rồi mà lại còn phải mua xăng mua nhớt. Nếu hết tiền, chúng ta chẳng biết phải giải quyết sao đây.
Wilson nói:
– Xem như lỗi tại tôi. Cái xe cà tàng thổ tả này chỉ gây cho tôi bao nhiêu phiền toái. Các bác, các anh chị thật tử tế với chúng tôi. Bây giờ thì xin các bác thu xếp hành lý các bác và tiếp tục lên đường. Sairy và tôi sẽ ở lại đây. Chúng tôi sẽ tìm cách xoay sở. Chúng tôi thật không thể làm phiền các bác thêm được nữa.
Bố chậm rãi nói:
– Chúng tôi không làm thế được. Chúng ta đã gần như là chỗ bà con họ hàng rồi. Ông Nội đã mất trong lều của ông bà.
Sairy nói giọng mệt mỏi:
– Chúng tôi chỉ gây phiền hà cho các bác… chỉ gây phiền…
Tom thong thả cuốn một điếu thuốc, ngắm nghía rồi chậm rãi châm lửa hút. Anh cất chiếc mũ đã bị hỏng và lấy nó lau trán. Anh nói:
– Tôi có ý kiến. Có lẽ nói ra thì chẳng ai ưng, nhưng là thế này. Càng chóng đến California thì càng mau có tiền. Đấy…Đấy…chiếc xe hơi này cũng nhanh gấp đôi chiếc cam-nhông. Bởi thế, ý kiến tôi là thế này: ta lấy một phần hành lý chở trên cam-nhông bỏ sang xe hơi, rồi đi tất, trừ tôi và ông mục sư Casy, tôi sẽ ở lại đây sửa chữa chiếc xe hơi, xong rồi sẽ phóng suốt ngày đêm và sẽ đuổi kịp. Ngược bằng không gặp nhau trên đường cái thì dẫu sao mọi người cũng đã tới nơi và có việc làm rồi, mà nếu chiếc xe cam-nhông có bị trục trặc thì đơn giản thôi, cứ đỗ lại bên đường, chờ chúng tôi tới. Như vậy chả thiệt hại gì, còn nếu đến nơi được thì sẽ có việc làm, mọi cái đơn giản hơn. Casy có thể giúp tôi sửa chữa cái xe cà tàng này, chúng tôi sẽ tới nơi gọn nhẹ như ru.
Cả gia đình tụ họp, suy nghĩ. Chú John ngồi xổm bên cạnh Bố.
Al nói:
– Anh có cần giúp một tay để chữa cái biên này không?
– Chính mày vừa nói mày chưa hề sửa chữa bao giờ kia mà?
– Đúng thế, – Al nói – Cần nhất là phải có một cái lưng to khỏe. Rất có thể là mục sư không muốn ở lại.
– Ồ, bất cứ ai cũng xong, – Tom nói – tao chẳng cần.
Bố đưa ngón tay trỏ gãi gãi mặt đất. – Theo tao thì Tom nói có lý, – Ông nói – Cả nhà ở lại đây thì chả đi đến đâu. Từ giờ đến tối, chúng ta có thể đi được từ năm mươi đến một trăm dặm.
Mẹ đâm lo:
– Thế họ làm thế nào gặp chúng ta?
– Cứ đi trên cùng một con đường. – Tom nói – Vẫn quốc lộ 66, không thay đổi. Cho tới một chỗ gọi là Bakersfield. Con thấy trên bản đồ có ghi thế. Xe cam-nhông cứ việc đi thẳng tới đó.
– Được rồi, nhưng lúc đã tới Califomia rồi phải đi sang những đường khác thì sao?
– Mẹ đừng lo, Tom nói để mẹ yên tâm. – Chúng con sẽ tìm thấy cả nhà. California chứ đâu phải là cả trái đất.
– Nhìn bản đồ, xem ra là một xứ rộng lớn lắm – Mẹ nói.
Bố kêu gọi một ý kiến:
– Chú John, chú có thấy gì không đồng ý không?
– Không, – John nói. – Ông Wilson, xe là xe của ông. Ông có điều gì không ưng nếu cháu nó đem đi sửa chữa và đánh xe tới sau?
– Tôi thấy không có gì là không ưng. Gia đình ta đã giúp chúng tôi bao nhiêu là việc. Không vì lý do gì mà tôi lại không giúp đỡ cháu nó.
– Nếu chúng tôi không đuổi kịp, thì ai nấy cứ làm việc đi để dành lại chút đỉnh – Tom nói – Giả dụ tất cả chúng ta ở lại đây. Ở đây không có nước, mà chiếc xe đây lại không nhúc nhích được. Nhưng giả dụ nhà ta và hai bác đi tất, rồi tìm được công ăn việc làm. Lúc đó sẽ có tiền, tậu được một căn nhà để ở, thế thì tốt quá đi chứ. Casy, ông thấy được không? Ông có ưng ở lại với tôi, giúp tôi một tay không?
– Tôi muốn làm cái gì hay nhất cho nhà ta, – Casy nói – Nhà ta đã cho tôi ăn ở, đã cho tôi đi cùng. Cậu mà muốn bất cứ gì, tôi sẽ làm.
– Thế này, nếu ông ở lại, – Tom nói – ông sẽ phải nằm ngửa ra chịu cho xăng nhớt rơi đầy mặt.
– Càng hay.
Bố nói:
– Thế vậy, nếu chỉ còn có cách đó thì chẳng thà lên đường ngay đi thôi. Ta có thể đi thêm trăm dặm trước khi dừng lại nghỉ.
Mẹ bỗng bước lên đứng ngay phía trước ông.
-Tôi, tôi không đi đâu hết.
– Bà không đi đâu hết! Nói thế là thế nào? Bà phải đi. Bà phải săn sóc trông coi gia đình.
Bố sửng sốt trước sự nổi loạn này. Mẹ lại gần chiếc xe du lịch và lục tìm một cái gì đó ở dưới ghế phía sau. Bà lôi ra một cái chuôi kích rồi thong thả đu đưa trong tay.
– Tôi không đi, – bà nói.
– Bà phải đi, bà nghe chưa? Đã quyết định thế rồi.
Bây giờ thì miệng bà bặm lại. Bà nói lầu bầu: “Muốn cho tôi đi, chỉ có cách là ông cứ đánh tôi xem – một lần nữa, bà lại nhẹ nhàng lúc lắc chuôi kích – Rồi ông sẽ phải xấu hổ với tôi, Bố nó ạ. Tôi không chịu để ông đánh đâu, tôi chẳng khóc lóc, chẳng lạy van gì hết. Tôi sẽ nhảy bổ vào ông. Và đã lấy gì làm chắc là ông có thể đánh nổi tôi. Mà cứ giả dụ ông làm được như vậy thì, thề có Chúa, tôi chờ lúc ông ngoảnh lưng lại, ông ngồi xuống, tôi sẽ tống cả cái xô vào ông. Thề có đức Jesus chí thánh, tôi sẽ làm thế”
Bố chưng hửng, nhìn đám người đứng xung quanh.
– Xấc xược đến thế là cùng, – Bố nói, – Tôi chưa hề thấy bà ta xấc xược đến thế.
Ruthie cười khúc khích. Trong tay bà Mẹ, chiếc kích vẫn vung vẩy, hăm dọa.
– Làm thử coi, – Mẹ nói. – Ông đã quyết rồi mà. Lại đây đánh tôi xem nào. Thử xem. Nhưng đừng hòng tôi đi. Mà giả có đi ông đừng hòng ăn ngon ngủ yên với tôi. Tôi cứ đợi, cứ đợi hễ ông vừa nhắm mắt là tôi sẽ phang thanh củi vào đầu ông.
– Đồ bướng bỉnh, chả khác gì con ngựa cái mất nết, – Bố làu bàu – Mà bà ấy còn trẻ nhỏ gì cho cam.
Ai nấy đứng theo dõi cuộc khởi loạn. Họ theo dõi Bố, chờ đợi ông nổi cơn thịnh nộ. Họ theo dõi đôi bàn tay của ông, đợi chứng kiến ông nắm chặt quả đấm. Vậy mà cơn giận của Bố không dâng lên, đôi tay vẫn cứ đung đưa cạnh sườn. Và một lát sau, cả nhóm hiểu rằng Mẹ đã thắng thế. Mà Mẹ cũng biết thế.
Tom nói: – Mẹ à, Mẹ sao vậy? Tại sao Mẹ lại làm như vậy? Sao bỗng dưng Mẹ lại sinh chuyện? Bây giờ Mẹ lại chống lại cả nhà ư?
Khuôn mặt bà mẹ dịu lại, nhưng mắt nom vẫn còn dữ tợn, bà nói:
– Mày thu xếp như vậy mà chẳng chịu suy nghĩ cặn kẽ. Chúng ta còn lại gì trên đời này. Chả còn gì, trừ chúng ta với nhau. Chỉ trừ gia đình chúng ta với nhau. Vừa cất chân ra đi, ông Nội đã phải nằm dưới ba tấc đất. Thế mà giờ đây mày còn muốn gia đình nhà ta ly tán sao?
Tom kêu lên:
– Nhưng bọn con sẽ đuổi kịp kia mà, Mẹ? Không lâu gì đâu.
Bà vung vẩy cái kích:
– Thế cứ giả dụ rằng các người đi qua chỗ nhà cắm trại – mà không trông thấy. Cứ giả dụ các người đến trước, thì biết đâu mà nhắn gửi cho các người một chữ, các người biết đâu mà lần? Con đường chúng ta đi gian nan vất vả. Bà Nội đang ốm. Bà ở trên kia kìa, trên xe tải kia, cũng sắp sẵn khăn gói ra đi rồi. Bà kiệt sức rồi. Con đường phía trước chúng ta còn gian truân đầy cay đắng…
Chú John nói:
– Nhưng làm thế, chúng ta có thể kiếm được ít tiền. Có thể dành dụm tí chút chờ họ đến.
Tất cả mọi người lại dồn con mắt vào bà. Bà là quyền uy. Bà nắm lấy quyền điều khiển. Bà nói:
– Kiếm được đồng tiền thì được tích sự gì? Gia đình đoàn tụ, chúng ta chỉ còn lại có thế. Khác gì đàn bò vẫn ở với nhau lúc bầy sói lảng vảng xung quanh. Khi cả nhà chúng ta ai cũng ở đây, mọi người còn sống, thì tôi chẳng sợ chi hết, nhưng tôi không muốn thấy cảnh chia ly. Ông bà Wilson ở với chúng ta, ông mục sư cũng ở với chúng ta. Họ có ra đi thì tôi chẳng có quyền giữ, nhưng nếu người nhà tôi mà muốn đi để chia lìa nhau thì sẽ thấy thôi, tôi sẽ như một con mèo rừng với cái đồ này trong tay.
Bà nói giọng lạnh lùng, dứt khoát.
Tom lên tiếng để làm nguội lại.
– Mẹ ạ, không thể cắm trại tất tật ở đây được. Nước không có. Ngay cả bóng râm cũng không. Bà Nội cần bóng mát.
– Đúng quá – Mẹ nói – Chúng ta sẽ đi. Chúng ta sẽ dừng lại ngay chỗ nào có nước và bóng râm. Rồi…cam-nhông sẽ lộn lại đón mày và đưa mày tới thành phố để tìm đồ thay thế và lại đưa mày trở về. Mẹ không muốn mày đi dưới trời nắng chang chang như thế này, và mẹ cũng không muốn mày có một mình vì ngộ nhỡ mày bị bắt thì có ai trong gia đình để cứu giúp?
Tom mím chặt môi rồi tặc lưỡi, ngao ngán, anh xòe tay rồi buông thõng xuống. Anh nói:
– Này Bố, nếu Bố đánh mẹ phía này, còn con thì đánh mẹ phía kia, rồi nếu cả nhà đè chồng chất lên mẹ, rồi từ trên cao bà Nội cũng nhảy xuống đè lên cả đống thì dễ chừng có thể trị được mẹ đấy. Nhưng ít ra cũng phải có hai hay ba người bị giết vì cái thanh sắt kia. Nhưng nếu Bố không thích bị bươu đầu thì con có ý kiến, ta chịu thua trắng đi. Trời, một người đã quyết thì có thể đánh bại một đống người khác. Thôi Mẹ, Bố chịu thua rồi, Mẹ hãy bỏ chiếc thanh sắt này đi kẻo lại có người bị thương.
Mẹ nhìn thanh sắt với vẻ ngạc nhiên. Tay bà run run. Bà để rơi vũ khí xuống đất và Tom, với điệu bộ thận trọng quá đáng, nhặt nó lên bỏ lại vào trong xe. Anh nói:
– Bố ạ, thế là Bố phải chịu thua rồi. Al, mày hãy chở cả nhà đi tới đâu đó thì cắm trại, rồi mày đánh xe cam-nhông lại đây. Ông mục sư với tao sẽ tháo cacte ra. Sau đó, nếu còn thời gian cả hai chúng tao sẽ phóng tới Santa Rosa và cố xoay cho dược một biên. Dễ chừng có thể kiếm được, vì mới là chiều thứ bảy. Thôi, giờ thì lẹ lên để chúng ta còn có thể đi. Khoan, đợi tao lấy lắc-lê và chiếc kìm còn để ở trong.
Anh vươn cánh tay thò xuống phía dưới mui xe sờ sờ chiếc cacte giây đầy mỡ.
– Ờ phải rồi, đưa tao một cái bi-đông, hay cái xô cũ kia cũng được, để tao hứng lấy dầu. Không thể chảy phí.
Al trao cho anh chiếc xô, Tom đặt nó dưới chiếc xe du lịch và lấy kìm tháo nắm hộp dầu. Khi anh lấy ngón tay vặn nắp, dầu nhờn đen chảy theo cánh tay, rồi giòng nước đen lặng lẽ chảy vào xô. Xô vừa đầy được một nửa thì Al đã thu xếp xong xuôi cho mọi người ngồi trên cam nhông.
Mặt mũi dính đầy dầu mỡ, Tom nhìn qua bánh xe.
– Về mau nhé, – Anh nói.
Và anh tháo êcu ở chiếc cacte trong lúc chiếc cam-nhông từ từ vượt qua rãnh lên đường cái và ì ạch đi. Tom vặn mỗi êcu một vòng, và lần lượt nới hết ra như vậy để giữ gìn các miếng đệm. Mục sư quỳ gần các bánh xe.
– Tôi có thể làm gì được?
– Lúc này thì chưa. Khi nào dầu ra hết và nới lỏng tháo xong các êcu, ông có thể giúp tôi tháo cacte.
Anh bò sâu hơn vào gầm xe, lấy lắc lê nới lỏng các êcu rồi lấy ngón tay vặn lỏng ra nhưng vẫn để êcu mắc vào ở mỗi đầu đinh ốc để cacte khỏi rơi.
– Đất dưới xe còn nóng, Tom nói – Này ông Casy, mấy ngày nay sao ông im lặng gớm thế. Lạy Chúa, tôi còn nhớ, cái lần đầu tiên tôi gặp ông, lúc đó cứ nửa giờ một hay gần gần thế ông đều thuyết một bài. Thế mà đã hai ngày rồi, ông nói chưa quá mười tiếng. Có chuyện gì vậy? Nguội 3 rồi sao?
Casy đã nằm bẹp xuống và nhìn dưới gầm xe, cái cằm lởm chởm mấy sợi râu lưa thưa tì trên mu bàn tay. Ông đã kéo chiếc mũ ra sau để che.
– Lúc còn làm mục sư tôi đã nói chán rồi nên bây giờ thì có thể nhịn nói đến hết đời.
– Phải, nhưng hồi đó ông nói những điều có ý vị lắm.
– Chính thế mới đáng lo, – Casy nói – Hồi đó tôi đâu có biết, lúc chạy lăng xăng thuyết giáo hết đông sang tây thì chính tôi lại đuổi gái tệ hơn con mèo hoang. Nếu tôi không thuyết giáo nữa, dễ chừng tôi phải lấy vợ. Tom à, cậu biết tại sao chứ? Da thịt người ta nó cứ dâm dật, nóng hừng hực.
– Tôi cũng vậy. Này nhé, cái hôm tôi được ra khỏi Mac Alester ấy mà, người tôi như bốc lửa 4. Tôi háo hức lao theo một con gà mái tơ – thật ra thì một con điếm – như đuổi một con thỏ. Tôi sẽ không nói ông rõ rồi sau đấy thế nào. Cũng không thể nói cho ai biết được.
Casy bật cười:
– Tôi biết kết cục thế nào rồi. Có một hôm tôi đi vào sa mạc để ăn chay, lúc trở về thì cũng xảy ra cái chuyện chết tiệt như vậy.
– Chết tiệt thật đấy! 5 – Tom nói. – Dù sao tôi cũng hà tiện được một món tiền, mà con mèo đó chả có gì phải phàn nàn. Nó tưởng tôi điên. Lẽ ra tôi phải trả tiền, nhưng tôi chi có năm đôla. Nó nói nó chả muốn lấy tiền của tôi. Mà này, ông chui xuống gầm xe đi, bám vào đâu đó chỗ cacte. Ta sẽ tháo dần dần, ông tháo êcu này, tôi tháo chiếc ở đầu kia, rồi nó sẽ rời ra dễ thôi. Chú ý đến cái doăng. Ông xem, tháo liền cả một khối. Những loại Dodge cũ này chỉ có bốn xi-lanh. Có lần tôi đã tháo một chiếc. Giờ thì..cho nó rơi…đỡ cẩn thận. Nắm lấy phần trên. Kéo về cái doăng này…chỗ còn dính ấy…nhẹ tay… xong”.
Chiếc cacte nhờn mỡ nằm dưới đất giữa hai người, và một ít dầu còn lại ở dưới đáy. Tom sục tay vào một cái nồi điếu ở phía trước và kéo ra những mảng kim khí trắng.
– Nó đây rồi, – anh nói.
Anh lăn trở mảnh kim khí trong tay:
– Cái trục đã tháo rồi. Ông ra sau lấy chiếc tay quay, rồi cứ quay tới lúc tôi bảo ngừng.
Casy đứng lên, lấy maniven, lắp vào và hỏi:
– Sẵn sàng chưa?
– Quay đi..cẩn thận, nhè nhẹ tay…mạnh hơn một tí, mạnh nữa lên…Tuyệt.
Casy quỳ xuống và lại nhìn dưới gầm xe. Tom đập đập cái biên vào trục.
– Đây rồi.
– Theo cậu thì hư là do cái gì vậy? – Casy hỏi.
– Ấy lạy Chúa, tôi không biết. Chiếc xe cà tàng này đã chạy ba mươi năm. Đồng hồ chỉ sáu mươi ngàn dặm. Có nghĩa là trăm sáu mươi ngàn dặm, vì có Trời biết người ta quay lại số đồng hồ bao nhiêu lần. Máy nóng…ai đó đã để dầu xuống quá thấp nên cháy cacte. Anh tháo những chốt sắt và tra lắc-lê vào êcu của cuxinê. Anh vặn mạnh, lắc lê trượt, một vệt cắt hiện ra ở mu bàn tay. Tom liếc mắt nhìn…máu đều đều chảy ra gặp nhớt và nhỏ giọt vào cacte.
– Tệ quá, – Casy nói – Hay cậu để tôi thay thế, cậu băng lại tay cái đã, được không?
– Cần gì? Chưa bao giờ tôi sửa chữa xe mà không bị đứt tay. Đứt thì đã đứt rồi, tôi chả phải lo nữa – Anh lại tra lắc-lê, – Giá có được một lắc-lê cong thì hay.
Nói rồi anh lấy gan bàn tay đập đập vào lắc-lê để cho các êcu long dần. Anh tháo ra, bỏ vào cacte cùng các chốt sắt. Anh tháo êcu của cuxinê và lôi pittông ra, đặt cả pittông, cả biên vào cacte. Anh nói:
– Xong rồi, lạy Chúa.
Anh vặn vẹo bò ra khỏi gầm xe, mang theo cacte. Anh lấy một mảnh bao tải chùi tay và xem xét vệt cứa.
– Đồ khỉ gió, máu chảy vô thiên lủng. Nhưng thôi, có thể cầm máu được.
Anh đái xuống đất, ngào lấy một nắm bùn rồi đắp lên vết thương, máu còn chảy trong chốc lát rồi ngừng. Anh nói:
– Cầm máu thì nhất trần đời là nó.
– Mạng nhện cũng tốt, – Casy nói, – Một nhúm thôi.
– Tôi biết, nhưng tìm đâu ra mạng nhện, còn nước đái thì bao giờ chả có.
Tom ngồi bậc lên xuống và xem xét cái cuxinê bị cháy.
– Giờ nếu có tìm được một Dodge 25 với một cái biên cũ và mấy cái chèn thì ổn, có lẽ sửa chữa được. Thằng Al chắc đi xa lắm rồi.
Bóng tấm biển quảng cáo bây giờ đã dài sáu mươi bộ. Bóng chiều đang ngã dài. Ngồi trên bậc lên xuống, Casy nhìn về phía Tây.
– Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ vào vùng núi – Ông nói và, sau một lúc im lặng – Tom ạ!
– Gì thế?
– Tom ạ, tôi đã quan sát các xe hơi chạy trên đường cái, những cái bị chúng ta vượt và những cái vượt chúng ta. Tôi theo dõi kỹ.
– Theo dõi cái gì?
– Tom ạ, có hàng trăm, hàng trăm gia đình như chúng ta đang đi về miền Tây, tao đã quan sát. Không có chiếc nào đi về Đông. Hàng trăm, hàng trăm, cậu có để ý không?
– Có, tôi có để ý.
– Thế này…đúng…đúng như người ta chạy trốn giặc, như cả xứ đang di chuyển.
– Đúng. Cả nước đang di chuyển. Chúng ta cũng đang di chuyển.
– Vậy thì..giả dụ rằng tất cả bọn người đó, tất cả bàn dân thiên hạ…giả dụ người ta không tìm được việc làm ở kia, thì sao?
– Trời ơi là trời! Làm thế nào mà tôi biết được? Tôi chỉ biết đặt chân này trước chân kia. Trong bốn năm trời ở Mac tôi chỉ làm thế, ở xà lim ra, trở vào xà lim, vào nhà ăn, ra khỏi nhà ăn. Lạy Chúa, tôi đã nghĩ khi được tha thì không phải như thế này nữa. Ở đó, tôi chả suy nghĩ đến gì hết, nếu không thì đâm ra lẩn thẩn, còn bây giờ tôi cũng không thể suy nghĩ đến gì hết, – Anh quay về phía Casy, – Kia, một cái biên cháy. Ta đâu có biết là nó sẽ như thế này, cho nên ta cứ ung dung, chả lo mảy may. Bây giờ nó đã hỏng, thì chúng ta chữa lại. Thế đấy, lạy Chúa, mọi chuyện đều như thế cả. Chả tội gì mà lo phiền, ông thấy miếng kim khí trắng kia chứ? Thấy rõ chứ? Thì đấy nó là vật duy nhất trên đời mà đầu óc tôi đang nghĩ tới. Tôi tự hỏi, không biết thằng Al nó đang ở đâu.
Casy nói:
– Đúng, nhưng nghe tôi đây, Tom…ờ mà để làm quái gì nhỉ? Cái đó khó nói bỏ đời!
Tom cạy miếng bùn đắp ở tay vứt xuống đất. Mép vết thương còn dính bùn. Nhìn ông mục sư, anh nói:
– Ông đang định diễn thuyết, vậy thì xin tự nhiên cho. Tôi thích nghe diễn thuyết. Thỉnh thoảng dạo trước, lão giám ngục cũng diễn thuyết cho bọn tôi nghe. Cái đó chả hại gì cho ai nhưng nhờ đó mà ông ta lại ra vẻ quan trọng. Ông định thuyết gì vậy?
Casy gãi phía lưng các ngón tay sần sùi.
– Có những sự việc đang diễn ra và có những con người làm nên những sự việc. Những người đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia, họ không nghĩ họ đi tới đâu, như cậu nói ấy mà…nhưng cái đó không ngăn trở họ đặt chân về cùng một hướng. Và nếu cậu lắng tai, cậu sẽ nghe như có cái gì đó đang cựa quậy, như cái gì đó đang bò, như tiếng sột soạt và cả…một sự lo lắng nữa. Có những sự việc diễn ra mà thậm chí những kẻ đang làm cũng không biết đến…chưa biết đến. Chắc có điều gì sẽ xảy ra, khi tất cả mọi người kia đi về phía Tây…xa nhà cửa bị bỏ hoang phế. Sắp xảy ra cái gì đó sẽ làm thay đổi cả xứ này.
Tom nói:
– Tôi, tôi vẫn cứ tiếp tục đặt chân nọ trước bàn chân kia.
– Đúng thế, nhưng khi gặp một hàng rào chắn ngang trước mặt mày nhất định phải vượt qua nó.
– Tôi sẽ vượt qua rào chắn khi có rào chắn phải vượt qua.
Casy thở dài:
– Tốt nhất là nên làm như vậy. Tôi phải chấp nhận thôi. Nhưng rào chắn ngang thì có năm bảy loại. Có những người như tôi đây, họ vượt qua đầu bờ rào ngay khi bờ rào chưa hiện ra, không thể nào dừng được.
– Có phải Al đến kia không? Tom hỏi.
– Hình như thế.
Tom đứng lên, lấy mảnh vải bọc cái tay đòn và hai mảnh biên.
– Tôi muốn chắc chắn mua được cái giống như hệt, – anh nói.
Chiếc cam-nhông đậu bên lề đường và Al cúi mình qua cửa xe.
Tom nói:
– Mày đi lâu khiếp. Cách đây bao xa?
Al thở dài:
– Anh đã tháo biên ra chưa?
– Rồi, – Tom nói – Kim khí gãy ra từng mảng.
– Dẫu sao cũng không phải lỗi tại em – Al nói.
– Đâu phải. Mày để gia đình ở đâu?
– Đến là loạn cả lên. Bà Nội đã bắt đầu gào um lên, rồi đến Rosasharn cũng gào. Chị ấy rúc đầu vào nệm để gào cho khỏe. Còn bà Nội sau đó chỉ rống lên như chó sủa trăng. Theo ý em thì Nội đã lẫn mất rồi. In như đứa sơ sinh. Bà không nói với ai và hình như cũng không nhận ra ai. Bà nói như nói chuyện với ông Nội.
– Mày để cả nhà ở đâu? – Tom gặng hỏi.
– Thế này, đến một cái trại có bóng mát có nước, muốn ở lại, mỗi ngày phải trả nửa đôla. Nhưng ai cũng mệt mỏi, kiệt quệ, mà khốn khổ quá nên đành phải chịu. Mẹ nói phải thế vì bà Nội đã mệt lả kiệt sức. Ta đã dựng lều nhà Wilson lên, còn chúng ta cũng lấy bạt để làm lều. Em ngờ là bà Nội quẫn rồi.
Tom nhìn về phía mặt trời lặn.
– Ông Casy ạ, phải có người ở lại với chiếc xe này không thì có gì trong đó, chúng lấy trộm hết. Ông thấy có được không?
– Hẳn rồi. Tôi sẽ ở lại.
Al lấy trên ghế xe một cái túi giấy.
– Tôi đem bánh và thịt đến đây. Mẹ làm đấy. Hơn nữa, có cả một bình nước.
– Bà Mẹ không quên bất cứ ai, – Casy nói.
Tom lên cạnh Al, nói với Casy:
– Nghe này. Chừng nào xong là chúng tôi về ngay. Nhưng cũng không biết phải mất bao lâu.
– Tôi đợi mà.
– Tốt. Ông đừng có diễn thuyết cho mình ông nghe đấy nhé. Nào Al, tiến lên.
Chiếc xe cam-nhông bắt đầu lên đường trong buổi chiều tà.
– Lão ta thật tốt bụng – Tom nói, – Lúc nào cũng nghiền ngẫm đủ mọi chuyện.
– Thì lạ quái gì…Em nghĩ anh mà là mục sư thì anh cũng làm như thế thôi. Phải trả năm mươi xu chỉ để được cắm trại dưới bóng mát, Bố như phát điên. Ông già không thể nào chịu đựng được. Ông chửi thề um lên. Ông nói chắc chắn sắp tới ông sẽ bán không khí đựng trong bi đông. Nhưng Mẹ bảo là cần phải có bóng mát và nước cho bà Nội.
Chiếc xe cam-nhông chạy rầm rầm trên đường cái giờ đây không phải chở nặng nữa, nó càng đung đưa lúc lắc sành sạch. Các tấm khung giường, các nồi niêu xoong chảo kêu lạch cạch. Al cho xe chạy sáu mươi cây số, máy nổ rầm rầm nặng nề, làn khói xanh nhạt của dầu bị đốt lọt qua các kẽ sàn xe.
– Đừng cho chạy nhanh quá, – Tom nói. – Kẻo không lại cháy tất, đến cả cái nắp trục bánh xe. Bà Nội làm sao?
– Em chả biết. Anh cũng nhớ là hai ngày nay bà cứ như trên trời rơi xuống thế nào ấy, bà chẳng nói với bất cứ ai. Ấy thế mà bây giờ bà lại gào la và nói chuyện, em nói không sai đâu, có điều bà nói chuyện với ông Nội. Bà rầy la ông khiến người ta phát sợ lên. In như Ông đang ngồi đấy, cười nhạo vào mặt bà như xưa ông từng làm, anh biết đấy, hồi đó ông vừa mân mê khắp người vừa cười ngạo. In như bà đang thấy ông ngồi trước mặt. Thế là bà rầy la ông. Mà này, Bố gửi em hai mươi đôla cho anh đây. Bố không biết anh cần bao nhiêu. Có bao giờ anh thấy Mẹ vặc lại như hôm nay không?
– Tao không nhớ có lần nào như thế. Chắc chắn tao đã chọn đúng lúc để được ra tù. Lúc đó tao hình dung sẽ sống cuộc đời êm ả, ngủ dậy muộn, về nhà thì được cho ăn no chén đẫy. Tao có ý định sẽ đi khiêu vũ, cưa gái…ấy thế mà tao chẳng có thì giờ để làm như vậy.
Al nói:
– Mà quên. Mẹ dặn em nói với anh đủ thứ chuyện. Mẹ dặn nói với anh đừng uống rượu, đừng cãi nhau hay đánh nhau với bất cứ ai. Vì mẹ nói mẹ sợ người ta lại bắt anh, giải anh về Mac Alester.
– Mẹ đã có bao nhiêu chuyện để lo rồi, tao không làm cho mẹ phải lo thêm nữa.
– Nhưng ta có thể làm một vại bia, phải không? Em thèm uống bia quá.
– Tao không biết, – Tom nói – Bố mà biết chúng mình đem tiền sài bia thì Bố mắng cho thấy tổ.
– Anh Tom này. Em có sáu đôla. Ta có thể xài hai ba lít và cười đùa một mẻ cho hả. Chẳng ai biết em có sáu đôla. Lạy Chúa, anh em mình có thể cười đùa một quắn ra trò.
– Mày giữ lấy tiền. Lúc nào tới California ta lấy tiền đó nô giỡn một tí. Có lẽ là khi ta có công ăn việc làm…- Anh xoay người trên ghế – tao không tin rằng mày là đứa sa đà. Ngược lại, tao cho là mày ngăn người ta không được thế!
– Ôi mẹ kiếp, ở đây em chẳng quen ai. Nếu em cứ còn phải lang bạt kỳ hồ thế này, chắc em phải quyết định lấy vợ mất. Khi nào tới được California, em sẽ ăn chơi cho thỏa thích.
– Hy vọng thế.
– Người ta nói, anh không tin tưởng gì cả?
– Đúng, tao chả tin gì sất.
– Khi anh giết cái gã kia…anh có…sau này….anh có nghĩ tới chuyện đó không? Anh có lo lắng không?
– Không.
– Sao, anh không bao giờ nghĩ tới?
– Ờ có chứ. Tao lấy làm khó chịu vì đã giết nó.
– Anh không ăn năn à?
– Không. Tao đã chịu hạn tù, hạn tù của tao.
– Có, có…tệ mạt lắm không, ở đấy ấy mà?
Tom nói một cách nóng nảy:
– Nghe đây, Al. Tao đã chịu hạn tù. Nay thế là xong. Tao không thể mãi mãi nghĩ tới nghĩ lui chuyện đó. Kìa, có con sông trước mặt, và thành phố. Ta cố kiếm cho được một cái biên, còn mọi chuyện khác, vất mẹ nó đi.
– Mẹ quý anh ghê lắm, – Al nói – Khi anh đi khỏi, mẹ buồn phiền lắm. Chỉ âm thầm chịu đựng một mình. Hình như mẹ khóc thầm. Nhưng cả nhà vẫn biết mẹ đang nghĩ gì.
Tom kéo sụp chiếc cát két xuống tận mắt.
– Nghe tao, Al. Giá ta nói chuyện khác thì hơn. Tao biết…tao biết… Nhưng tao không thích nghe. Tao chỉ thích đơn giản, đặt chân nọ trước chân kia.
Al im lặng, có vẻ bị xúc phạm.
Một lát sau, hắn nói:
– Là nói để anh biết thế thôi…
Tom nhìn em còn Al thì bướng bỉnh cứ dán mắt ra phía trước. Chiếc xe chở nhẹ chạy lắc lư ầm ầm.
Tom nhếch môi cười khẽ.
– Tao biết, Al ạ. Có lẽ cái nhà pha đã khiến tao hơi tàng tàng. Có lẽ một ngày nào đó, tao kể mày nghe. Tao biết lắm, mày ngứa ngáy muốn biết. Kể cũng hay, là xét theo một mặt nào đó. Nhưng tao có ý nghĩ kể cũng ngộ, buồn cười, là tốt nhất nên quên nó đi một thời gian. Sau này có thể không như thế nữa. Vào lúc này hễ tao bắt đầu nghĩ đến đó là tao thấy như lộn ruột, cảm thấy buồn nôn. Al ạ, mày nghe đây, tao nói mày nghe cái này: nhà lao cũng đại loại như một phương tiện khiến cho một thằng người bị hâm dần dần. Mày hiểu chứ? Và cái thằng người đó trở nên hâm thật, người ta trông thấy họ, người ta nghe họ nói chẳng mấy chốc, người ta cũng chẳng biết mình có hâm hâm hay không. Ban đầu khi nghe họ gào la, người ta tự hỏi có phải chính mình đang gào la hay không…mà đôi khi lại đúng thế thật.
Al nói:
– Ồ em sẽ không nói đến nữa, Tom ạ.
– Ba mươi ngày thì được. Trăm tám mươi ngày cũng được đi, nhưng quá một năm thì tao chẳng biết thế nào. Trong chuyện này có cái gì như không giống bất cứ gì với thế giới loài người. Cái gì gàn bát sách, gàn bát sách với nghĩa đem con người ta mà giam giữ. Ờ thôi, tao cóc cần. Tao không muốn nói đến tất cả chuyện đó nữa. Mày hãy nhìn mặt trời đang lấp lánh trên cửa sổ kia.
Chiếc cam-nhông đến nơi có nhiều trạm xăng và kia, ở mé tay phải, có một nghĩa địa xe hơi… một bãi đất rộng nửa mẫu có dây thép gai bao quanh, phía trước có một nhà kho mái lợp tôn lượn sóng cùng những chiếc lốp cũ xếp thành từng chồng cạnh cửa, có đề giá tiền. Sau nhà kho có một cái lều dựng bằng các mảnh vụn, ván vụn, sắt vụn. Các kính chắn gió cửa xe hơi gắn vào các vách, thay cho cửa sổ. Trên bãi cỏ um tùm ngổn ngang những xe hơi bị thải bỏ – những ô tô với máy phát điện cong veo, thủng, những chiếc ô tô hư hỏng nằm vật nghiêng với những trục không có bánh. Máy han rỉ nằm trơ dưới đất và tựa vào lều là một đống sắt vụn, những cái chắn xe, thành xe, bánh xe, trục xe, bao trùm lên tất thảy là một bầu không khí mủn nát, ẩm mốc, han rỉ; sắt cong queo, máy động cơ cháy dở, một đống xác xe hư.
Al lái xe cam nhông vào trong đám sân loang lổ dầu mỡ, tận tới trước lán. Tom xuống xe, nhìn qua khe cửa tối lờ mờ.
– Chả thấy ai cả. – Anh nói, rồi gọi to, – Có ai đấy không? Lạy Chúa, tao mong họ có một Dodge.
Có tiếng cánh cửa đánh sầm phía sau lán. Một bóng ma người, một con người hiện ra nơi tranh tối tranh sáng. Da mặt mỏng, bẩn thỉu, nhớt dầu bám chặt trên những cơ đầy gân, y hỏng một con mắt. Y chớp mắt và khi con mắt sáng cử động thì các cơ rung rung khiến hốc mắt kia cũng rung. Quần và áo sơ mi dày cộm và bóng loáng dầu mỡ. Đôi bàn tay nứt nẻ lằn ngang dọc những vết đứt. Môi dưới trề xuống nặng nề, cáu kỉnh.
Tom hỏi:
– Ông là chủ ở đây ư?
Con mắt độc nhãn long lên.
– Tôi làm việc cho ông chủ, – y nói giọng sưng sỉa – Các anh muốn gì?
– Anh có Dodge 25 không? Chúng tôi đang cần một biên.
– Tôi không biết. Giá có lão chủ ở đây, lão có thể bảo cho các anh biết…nhưng lão không có ở đây. Lão về nhà rồi.
– Chúng tôi có thể tự tìm lấy được không?
Người ấy lấy tay xì mũi và chùi vào ống quần.
– Các anh là người miền này ư?
– Chúng tôi từ miền Đông tới và đi về miền Tây.
– Thôi thì tìm đi. Nếu các anh thích thì cứ đốt mẹ cái nơi này đi, tôi cóc cần.
– Xem ra thì anh không mến ông chủ anh lắm phải không?
Người đàn ông lê chân lại gần, con mắt lành sáng rực, y nói:
– Tôi ghét lão, – Y nói khẽ – tôi ghét cái thằng con nhà điếm ấy, lão đã về rồi. Về nhà lão – tiếng y thốt ra, nặng nề – Lão có một cách gây chuyện, gây sự với mọi người ta, cắn xé người ta. Ôi, cái lão con nhà khốn nạn. Lão có một đứa con gái mười chín tuổi, xinh. Lão nói với tôi: “Mày không thích lấy nó sao?” Lão nói thẳng vào mặt tôi. Còn chiều nay, lão nói:”Có khiêu vũ đấy, mày có thích dự không?”. Với tôi đây, phải, với tôi đây mà lão dám nói thế, – Nước mắt y ứa ra và chảy quanh cái hốc mắt đỏ hỏn. – Có ngày, lạy Chúa…có ngày rồi tôi sẽ giấu một cái lắc-lê trong túi. Khi lão nói với tôi những chuyện như thế, lão bao giờ cũng nhìn vào mắt tôi. Rồi tôi, tôi sẽ dùng lắc lê, tôi giật cái đầu lão cho lìa ra khỏi cổ, giật từng miếng, từng miếng một.- Y thở hổn hển vì giận dữ. – Từng miếng rồi lại từng miếng một, kỳ cho nó lìa khỏi cổ.
Mặt trời lặn sau dãy núi. Al nhìn những chiếc xe hơi bỏ đi.
– Kia kìa, anh Tom, nhìn kia kìa. Cái kia nom giống một cái 25 hay 26.
Tom quay về phía người chột.
– Chúng tôi xem chút thì có gì phiền không?
– Ồ không, lạy Chúa, các anh thích cái chết tiệt gì thì cứ lấy.
Đi qua đống xe hơi cũ, họ tiến về một chiếc xe hòm han rỉ nằm chết trên bốn bánh bẹp dí.
– Đúng là một cái 25, – Al kêu lên. Có thể tháo cacte ra không?
Tom quì xuống nhìn dưới gầm xe, rồi bảo em:
– Bị tháo rồi. Một biên bị lấy mất rồi. Còn một chiếc xem ra cũng đi đứt, – Anh luồn xuống gầm, – mày đi lấy cái kích và quay lên, Al ạ, – Anh đạp cái biên vào khoang, – Hình như nó chỉ bị cáu ghét.
Al quay kích thong thả.
– Quay đi, nhè nhẹ với.
Anh nhặt một miếng gỗ dưới đất và cạo cạo lớp mỡ bám ngoài cuxinê và các êcu của cuxinê.
– Có lỏng nhiều không?
– Ít thôi nhưng không tồi lắm đâu.
– Có mòn lắm không?
– Có thể xiết lại dược. Còn đủ tất cả êcu.
– Ừ…xuôi đấy. Quay đi, nhẹ tay thôi. Hạ dần dần…thế! Lại chiếc cam nhông của ta, tìm lấy các đồ nghề.
Người chột nói:
– Tôi sẽ kiếm cho các anh một hộp đồ nghề.
Nói rồi, y bước đi lệch xệch giữa đám xe hơi rỉ. Một lát, y trở lại với một hộp sắt tây đựng các đồ nghề. Tom moi ra một chiếc lê tròn và trao cho Al.
– Tháo ra. Đừng để mất nêm, đừng đánh rơi êcu, chú ý các chốt sắt. Gấp lên. Sắp tối rồi.
Ai bò xuống gầm xe.
– Phải có riêng một cái lê tròn. Lắc-lê thường chả làm ăn gì được đâu.
– Cầm hộ một tay thì gọi to lên, – Tom nói.
Anh chột đứng cạnh họ như anh vô công rồi nghề. Y bèn nói:
– Các cậu muốn tớ giúp một tay không? Các cậu có biết cái lão con nhà điếm đó hắn làm gì không? Hắn diện quần trắng, dẫn xác đến bảo tớ thế này: “Nào xuống du thuyền của tao, ta làm một vòng, đi”. Mẹ kiếp, có ngày rồi tớ sẽ tống cho nó một quả! – Y thở hổn hển – Từ dạo tớ hỏng một con mắt, tớ chưa bao giờ được gần đàn bà. ấy thế mà lão tới nói với tớ những chuyện như vậy đấy.
Những giọt nước mắt chảy xuống thành rãnh trong ghét bẩn bao quanh cái mũi của y.
Tom sốt ruột, nói:
– Thế sao cậu không cuốn xéo đi? Ở đây làm đếch gì có lính gác mà sợ chúng giữ lại?
– Ồ, nói thì dễ thôi. Tìm được công ăn việc làm đâu có dễ…nhất là đối với một thằng chột.
Tom quay về phía y:
– Bây giờ thì nghe đây, anh bạn. Sao lại để cái con mắt trợn trạo thế kia! Cậu bẩn thỉu hôi hám bỏ mẹ. Cậu muốn sao đã được vậy, chả trách ai được. Cậu thích thế mà. Có trách là trách lấy cậu ấy. Dĩ nhiên con mắt có lồ lộ vậy, cậu làm sao có đàn bà được. Hãy đắp cái gì lên đó, rửa mặt rửa mũi đi. Sẽ không cần phải đánh ai bằng lắc lê cả.
– Thì như tớ đã nói mà, đời một thằng chột thật gay, – Y nói.- Hắn không thể nhìn sự vật như những kẻ khác. Hắn không thể nhìn mà biết được vật này vật nọ cách xa bao nhiêu. Cái gì cũng cứ như lẹp bép.
Tom nói:
– Cậu ngốc khổ ngốc sở. Này, tớ có biết một con điếm cụt chân. Dễ chừng cậu tưởng nó lén lút vội vàng câu khách với băm lăm xu sao? Không hề! Lạy Chúa, nó bắt trả nửa đôla phụ thu. Nó nói thế này: “Ông đã dược ngủ với đàn bà cụt một chân mấy lần rồi? Chưa hề, phải không? O.K, thế thì em đem đến cho ông một cái gì đặc biệt, nên phải chi thêm nửa đôla”. Mà mẹ kiếp, người ta phải trả đúng như thế, và lắm thằng còn cho là gặp may. Nó nói là thần tài thần lộc. Và tớ biết một thằng gù…hồi tớ ở đâu đó ấy. Hắn kiếm ăn bằng cách để cho người ta gãi gãi xoa xoa vào cái bướu của hắn để cầu phúc. Còn cậu, lạy Chúa, cậu chỉ thiếu có một mắt.
Gã kia nói lúng búng:
– Thấy người ta xa lánh mình, mình cũng tủi thân.
– Hãy dán vào đấy một miếng băng, mẹ kiếp! Đằng này, cậu cứ phơi ra trước thiên hạ như con bò cái khoe cái lỗ đít của nó. Rồi cứ thế mà đành ca với thán. Cậu có xấu xí gì cho cam. Sắm lấy một chiếc quần trắng. Tớ cuộc đấy, cậu cứ nốc cho say vào rồi cứ nằm trên giường mà khóc lóc chứ gì? Có cần đỡ một tay không, Al?
– Không cần. Em tháo lỏng cuxinê. Em chỉ thử hạ pittông xuống chút ít thôi.
– Đừng có đánh vào tay đấy.
Người chột nói khe khẽ:
– Cậu có chắc…có đứa con gái nào thích mình không?
– Ồ, hẳn chứ lỵ. Cứ nói phứt đi là từ khi cậu mất một mắt thì cậu thêm cường dương ghê.
– Các cậu đi đâu thế?
– California. Gia đình đi tất. Tới đó tìm công ăn việc làm.
– Này, cậu có nghĩ là một thằng như tớ có thể kiếm được công ăn việc làm không? Nếu mắt dán băng đen?
– Sao lại không? Cậu chẳng què cụt gì.
– Vậy thì,…các cậu có thể đưa tớ đi cùng không?
– Ôi! Không. Chúng tớ nhét vào nhau như cá hộp đến nỗi không cựa quậy được. Cậu hãy xoay xở cách khác. Chắp vá lại một chiếc xe cũ rồi cứ một mình mà phới thôi.
– Lạy Chúa, có lẽ tớ sẽ làm thế.
Nghe có tiếng kim khí lách cách.
– Xong rồi, – Al nói.
– Tốt, vậy đưa tao xem thử. Đem nó ra đây.
Al đến trao cho anh cái biên, pittông và nửa dưới chiếc cuxinê. Tom lau bề mặt biên và nhìn dọc một bên.
– Xem ra O.K đấy, – anh nói – Lạy Chúa, giá như có đèn thì đêm nay có thể lắp xong.
– Anh Tom này, Al nói – Em vừa nghĩ điều này. Chúng mình chả có dây để giữ các secmăng. Như thế khó mà giữ cho các secmăng ở nguyên chỗ nhất là phía dưới.
– Có thằng cha nó nói với tao hãy lấy đồng nhỏ quấn ngoài secmăng.
– Đúng, nhưng sau đó làm sao gỡ dây ra được?
– Không phải gỡ. Nó chảy ra mà chẳng hư hại gì.
– Có dây đồng thì có lẽ tốt hơn. – Đồng không khỏe, -Tom nói, rồi ngoảnh sang phía người chột. – Cậu có dây thau thật nhỏ không?
– Tớ không biết. Tớ ngờ là có một cuộn ở đâu đó. Cậu có biết có thể tìm ở đâu một mảnh băng dính mắt cho người chột không?
– Tớ không biết. Cậu hãy xem có thể tìm được giây thau ở đâu đó không?
Dưới cái kho mái lợp tôn, họ đào bới trong các hòm mãi tới lúc tìm được cuộn dây. Tom để cái biên vào cái êto và cẩn thận quấn sợi dây thau quanh những secmăng của pittông, nhét nó ăn sâu vào khe, và chỗ nào mà sợi dây bị cong, anh lấy búa đập bẹp ra, rồi anh quay pittông, vừa quay vừa gõ gõ xung quanh sợi dây cho tới khi nó lọt hẳn vào khe. Anh đưa ngón tay lần để biết chắc là các secmăng và sợi dây đã khít vào gờ pittông. Trong kho chứa, trời bắt đầu tối. Người chột mắt mang tới một cái đèn pin, soi thẳng vào chỗ họ đang làm việc.
– Tốt quá, – Tom nói – Này, chiếc đèn này cậu lấy bao nhiêu?
– Ờ, nó chả tốt lắm đâu. Trong có một pin mới mười lăm xu. Tớ đề lại cho cậu chừng… thôi vậy, ba mươi lăm xu.
– O.K. Còn cái biên và pittông này, trả cậu bao nhiêu?
Anh chột đưa khớp ngón tay gãi trán, và một vạch bụi bong ra.
– Ồ, tớ cũng chẳng biết. Giá lão chủ ở đây, lão ta sẽ đến nhìn vào trong cuốn sách in giá các thứ, lão sẽ biết cái giá bao nhiêu, và trong khi các cậu đang làm việc, lão tính toán có thể đòi ngần này, ngần kia, tùy theo chỗ cậu cần đến mức nào, với lại có bao nhiêu tiền trong túi. Rồi thì giả dụ trong sách ghi tám đôla…lão sẽ đòi năm đôla. Và nếu cậu cự nự lão sẽ để lại cho cậu ba đôla. Cậu nói tất cả tùy nơi tớ, nhưng mà lạy Chúa, lão là con nhà điếm. Lão tính toán theo chỗ cậu cần đến như thế nào. Tớ đã thấy lão bán một bộ bánh xe răng cưa đắt hơn cả giá chiếc xe lão mua.
– Được rồi, nhưng tớ phải trả cậu bao nhiêu?
– Có lẽ đến một đôla.
– Được rồi, tớ trả thêm hai lăm xu cho cái lắc lê tròn này. Có nó dễ làm gấp đôi. – Anh chìa tiền cho y – Cám ơn, nhớ dán băng che cái mắt tai ác kia.
Tom và Al lại bước lên xe: Trời tối đen, Al rồ máy, bật đèn pha.
-Tạm biệt, – Tom kêu to. – Dễ chừng chúng ta sẽ gặp nhau ở California cũng nên.
Họ vòng lên đường cái và phóng lộn lại về chỗ Casy. Người chột nhìn họ xa dần, rồi đi qua nhà kho, y vòng ra phía sau vào lều của y. Ở đây, tối như mực. Y lần mò tới chiếc đệm trải dưới đất rồi nằm xuống khóc rưng rức, và trên đường cái những chiếc xe chạy ầm ầm chỉ làm vững mạnh thêm những bước tường thành của sự cô quạnh bao quanh y.
Tom nói:
– Giá mày bảo tao là sẽ tìm ra các thứ này và tối nay trở về ngay, chắc tao đã nói mày là thằng dở hơi.
– Sẽ sửa chữa được thôi, – Al nói – có điều chính anh mới phải làm nhiều. Vì em sợ có thể em lỡ xiết các cuxinê quá chặt để lại bị cháy nữa, hoặc xiết không đủ chặt để nó lại long ra.
– Tao sẽ lắp vào cho, – Tom nói – Mà nếu nó cháy, cứ việc cho nó cháy. Chả mất mát gì.
Al nhìn vào bóng đêm. Hai ngọn đèn pha không chọc thủng được màn đêm, nhưng phía trước họ, đôi mắt của một con mèo săn đêm lóe sáng xanh lè trong chùm ánh sáng.
– Vừa rồi anh mắng thằng cha đó dữ quá, – Al nói – Chắc anh lại dạy bảo phải nó đặt bàn chân ở đâu chứ gì.
– Thì mẹ kiếp, hắn đòi thế kia mà! Hắn cứ làm ra bộ ta đây hay lắm vì chỉ có một mắt, mà trăm sự đổ tại con mắt chột. Một thằng lười, một thằng bẩn thỉu con nhà điếm. Nếu hắn chẳng biết thiên hạ cũng khôn chán chả dễ gì mủi lòng thì chắc hắn bỏ được thói xấu đó.
Al nói – Anh Tom, cái cuxinê bị cháy là tại em phải không?
Tom im lặng một chốc.
– Al này, tao buộc phải mắng mày một chặp. Mày cứ tự dày vò mình chỉ vì sợ người ta chê trách điều gì. Tao biết tại sao mày bị day dứt. Một chàng trai nóng như lửa, sục sôi lúc nào cũng muốn chơi trội. Nhưng, lạy Chúa, đừng nên bao giờ cũng xù lông lên khi chả bị ai gây sự. Cứ thẳng đường mà tiến, đừng sợ.
Al không đáp lại. Hắn nhìn thẳng phía trước, chiếc cam-nhông lắc lư. Một con mèo nhảy vọt lên lòng đường, Al ngoẹo tay lái để nghiến nó nhưng trượt và con mèo nhảy vào bãi cỏ. Al nói:
– Suýt nữa thì trúng con mèo. Anh Tom này, anh có nghe thằng Connie nói chuyện muốn học ban đêm chưa? Em nghĩ là em cũng rất có thể học đêm. Học vô tuyến, truyền hình hoặc động cơ Diesel. Bước đầu như thế là tốt.
– Có thể thế, – Tom nói – nhưng trước hết phải hỏi xem giá tiền các bài học là bao nhiêu đã. Rồi sau đó, phải biết có chắc học được không? Ở Mac Alester; tao có biết những đứa học hàm thụ. Nhưng tao chưa từng thấy đứa nào học đến nơi. Học thấy mệt, bỏ luôn.
– Trời! Quên mua cái gì để ăn, – Al kêu lên.
– Ôi dào, Mẹ đã gửi cho chúng ta quá đủ rồi, ông mục sư không thể ăn hết được. Thế nào chả còn thừa. Tao tự hỏi không biết đến bao giờ mới tới được California đây.
– Lạy Chúa, em chẳng biết được. Nhưng cũng ráng sức thôi. Họ im bặt, màn tối buông xuống, các ngôi sao hiện ra, trắng và trong như pha lê.
Casy đang ngồi ở ghế sau Dodge bèn đứng lên và bước tới bên lề đường khi chiếc xe cam-nhông lại gần.
– Tôi không ngờ các cậu về được sớm thế.
Tom nhặt các đồ phụ tùng gói trong miếng vải.
– Bọn tôi gặp may, – anh nói. – Còn đem về cả một chiếc đèn pin nữa. Tôi sẽ bắt tay sửa chữa ngay.
– Cậu quên bữa ăn rồi sao? – Casy nói.
– Khi nào xong, chén luôn. Al này, mày cho xe sát hơn vào lề đường và cầm đèn hộ tao.
Anh đi thẳng tới chiếc Dodge, nằm ngửa xuống và luồn vào gầm xe. Al bò mẹp, chiếu đèn pin.
– Ấy, đừng chiếu vào mắt tao. Thế, giơ cao lên một chút.
Tom tra pittông vào ống xylanh, vừa vặn vừa quay. Sợi dây thau hơi khít vào thành xylanh. Bằng một động tác đột ngột, anh đẩy mạnh nó qua các secmăng.
– Cũng may mà không chặt quá, – anh nói – nếu không, nó bị nghẹt. Tao tin thế là ổn rồi.
– Hy vọng là sợi dây thau không làm tắc nghẽn các secmăng.
– Chính vì thế nên tao mới lấy búa đập dẹt nó. Nó không bung ra được. Theo tao thì nó có thể sẽ chảy ra và có lẽ sẽ phủ màng xylanh một lớp thau mỏng.
– Anh không nghĩ là nó làm xây sát lòng xylanh sao?
Tom cười phá lên:
– Lạy Chúa, màng xylanh có thể chịu đựng được. Chưa gì nó đã hút dầu như lỗ chuột đấy. Thêm chút nữa cũng chả hề hấn gì.
Anh lồng cái biên lên trên đầu trục và thử nửa dưới.
– Cần phải có chèn, – anh nói, rồi gọi – Casy!
– Có tôi.
– Bây giờ tôi lắp cuxinê. Khi nào tôi bảo, ông hãy quay kích, nhè nhẹ thôi.
Anh xiết êcu.
– Quay đi, nhè nhẹ! – Trong khi cái cán khoan quay thì anh lắp cuxinê – Thử quay nữa đi, Casy – Và anh ấn biên – Còn hơi lỏng. Nếu tôi nới nêm ra một ít, liệu không biết có quá chặt không. Để tôi thử xem.
Anh lại tháo êcu và lấy ra hai miếng nêm khác.
– Bây giờ ông thử xem, Casy.
– Có vẻ trôi đấy. – Al nói.
Tom hỏi:
– Quay thế có nặng không, ông Casy?
– Không tôi chẳng thấy gì cả, nhẹ tênh.
– Vậy có lẽ là khít rồi đấy. Ít ra tôi cũng mong là thế. Không có dụng cụ thì không thể giũa được kim khí. Có cái lắc-lê tròn này công việc đỡ cực.
Al nói:
– Lão chủ kho sẽ phát điên lên khi lão tìm không thấy chiếc lắc lê.
– Do hắn bóp nặn mới có, – Tom nói. – Chúng ta chả đánh cắp nó.
Anh ấn từ từ các chốt sắt và bẻ cong xoắn các đầu mút lại.
– Tao cho là được rồi đấy. Ông Casy, ông cầm đèn soi, để Al và tôi nâng cacte lên.
Casy quỳ xuống cầm lấy đèn pin. Ông rọi đèn thẳng vào những bàn tay đang lắp doăng và chỉnh bù lông cacte cho khớp với các lỗ. Hai anh em hì hục dưới sức nặng của cacte. Họ lắp đinh bù lông ở hai đầu, rồi lắp những cái khác, và khi tất cả các bù lông đã ở đúng nguyên chỗ, Tom từ từ xiết chặt đến khi cái cacte đã thật chỉnh. Sau đó anh xiết hết các êcu.
– Tôi tin như thế này là ổn, – Tom nói.
Anh vặn nút dầu, xem xét cẩn thận chiếc cacte rồi cầm lấy đèn, anh soát lại mặt đất.
– Thôi, để cho nó uống ít dầu. Họ bò ra rồi lại rót xô dầu vào cacte. Tom soát lại các miếng doăng để xem có lỗ rò không.
– O.K rồi, Al ạ. Rồ máy coi.
Al bước lên xe dận máy. Động cơ nổ ầm ầm. Khói đen thoát ra từ ống thông hơi.
– Chậm lại, – Tom hét lên. – Nó sẽ ngốn hết dầu cho đến khi giây thau bật mẹ nó ra.
Tiếng nổ giảm đi. Và trong khi động cơ đang quay, anh lại cẩn thận nghe ngóng.
– Cho mạnh lên một ít rồi cứ để thế – Anh lại lắng nghe – O.K! Al, tắt máy đi! Xong rồi đấy, tin là thế. Nào, giờ thì bánh và thịt đâu?
– Thợ máy như anh giỏi thật đấy! – Al nói.
– Chớ sao! Tao đã làm ở xưởng một năm. Phải gượng nhẹ với nó trong hai trăm dặm, để nó có thời gian lấy trớn.
Họ chùi tay đầy dầu mỡ vào các đám cỏ, sau đó mới sát tay vào ống quần. Như bọn người sắp chết đói, họ xông tới ăn miếng thịt lợn luộc và uống nước ừng ực.
– Em đói quắt ruột, – Al nói.
– Bây giờ ta làm gì, hay trở về trại chăng?
– Tao chẳng biết. – Tom nói. – Có lẽ chúng bắt ta phải trả thêm nửa đôla. Ta đến bàn với gia đình một chút… nói là mọi việc đã ổn. Nếu chúng muốn bắt chúng ta trả tiền thật… thì ta lại dông luôn. Cả nhà chắc nóng lòng muốn biết tình hình. Lạy Chúa, tao rất bằng lòng là mẹ đã chặn chúng ta lại chiều hôm nay. Al à, rọi đèn xem có quên gì không. Cầm lấy cái lê này. Có thể còn cần đến nó.
Al bấm đèn pin soi xuống mặt đất.
– Không thấy gì cả.
– Tốt. Để tao lái cho. Mày lái cam-nhông.
Tom rồ máy. Ông mục sư leo lên chiếc xe du lịch. Tom cho xe đi từ từ qua cái mương nhỏ, giữ số một. Tom nói:
– Với những loại xe Dodge, có thể kéo theo cả một cái nhà mà vẫn giữ số một. Chạy chậm, dĩ nhiên rồi. Càng hay cho chúng ta… tao muốn cho cuxinê lấy trớn dầu.
Chiếc Dodge tiến lên từ từ trên đường cái. Những chiếc đèn pha mười hai vôn chiếu ra trên mặt đường nhựa một vũng ánh sáng hẹp, vàng nhờ nhờ, Casy quay về phía Tom:
– Anh em các cậu chữa được xe thì ngộ thật đấy. Các cậu mới xem qua là đã đâu vào đấy. Tôi thì chịu, không thể sửa chữa xe hơi được. Ngay cả bây giờ đã trông thấy các cậu làm hẳn hoi mà tôi vẫn chịu.
– Phải tập dần dần từ lúc còn nhóc con, – Tom nói – Biết chưa phải là đã đủ. Phải hơn thế kia. Ngày nay bọn nhóc có thể tháo tanh bành một chiếc xe mà chẳng cần phải suy nghĩ nhiều.
Một con thỏ lọt vào trong vùng ánh sáng, nó nhảy những bước dài ở phía trước xe, cứ mỗi bước nhảy thì đôi tai rộng lại đập đập. Chốc chốc nó cố nhảy tránh ra khỏi đường, nhưng bức tường bóng đêm lù lù lại ném nó ra. Phía xa xa, đèn pha lấp loáng đánh thẳng vào mắt họ. Con thỏ ngập ngừng, loạng choạng quay trở lại và lao thẳng vào ánh đèn mờ mờ của chiếc Dodge. Chiếc xe khẽ rung rung khi con thỏ luồn dưới các bánh xe. Chiếc xe hơi đi ngược chiều phóng nhanh tới và vút qua họ.
– Chắc chắn con thỏ bị nghiền nát rồi.
Tom nói:
– Có những kẻ thích dằn lên nó. Tao, mỗi khi làm thế, tao thấy hơi run run. Chiếc xe cà tàng này xem ra chạy ngon đấy. Giờ thì các secmăng chắc phải trơn dầu rồi. Khói không mù mịt như lúc nãy.
– Các cậu chữa cừ lắm – Casy nói.
Một căn nhà gỗ bé nhỏ nổi lên giữa đất cắm trại, và dưới hiên nhà, một ngọn đèn dầu kêu xì xì và chiếu ra một vòng ánh sáng trắng rộng hình tròn. Gần ngôi nhà có khoảng sáu chiếc lều với các xe hơi đậu sát bên. Bữa ăn tối đã xong nhưng những đám tro than vẫn còn lấp lánh ở dưới đất gần chỗ cắm trại. Một nhóm đàn ông đã tụ tập trước cửa chỗ treo đèn dầu, những khuôn mặt nom cương nghị và gân guốc trong ánh đèn trắng gắt – phản chiếu bóng đen của những chiếc mũ trên trán, trên mắt họ và khiến cằm mọi người như nhô ra. Họ ngồi trên các bậc cửa, một vài người đứng dưới đất khuỷu tay tì lên nền hiên. Người chủ là một gã gầy cao lêu đêu, ngồi trên chiếc ghế dưới hiên. Y tựa lưng vào tường, ngón tay gõ gõ lên đầu gối. Trong nhà, một ngọn đèn dầu cháy leo lét, ánh sáng mỏng manh bị nhòa đi trong ánh sáng chói lòa xịt xịt của chiếc đèn lồng. Nhóm người bao quanh lão chủ. Tom lái chiếc Dodge vào bên đường rồi dừng lại. Al lái thẳng chiếc cam-nhông qua hàng rào đi vào.
– Tao không cần phải vào – Tom nói.
Anh xuống xe đi qua hàng rào và tiến về phía ánh đèn. Lão chủ để cho hai chân trước của chiếc ghế chấm đất và cúi về phía trước.
– Ông muốn cắm trại ở đây ư?
– Không, – Tom đáp – Gia đình tôi ở đây. Này Bố…
Ngồi ở bậc cửa thứ nhất, Bố nói:
– Tao nghĩ là chúng mày phải mất đến tuần lễ. Chữa xong chưa?
– Thật là may hết chỗ nói, – Tom nói, – Bọn con tìm được một phụ tùng thay thế trước lúc tối. Ngày mai có thể đi thật sớm.
– Chà, thế thì tốt quá, – Bố nói – Mẹ mày đang lo. Bà Nội mày quẩn rồi.
– Con biết, Al đã nói với con. Bà có đỡ phần nào không?
– Ờ! Mãi rồi bà cũng ngủ được. Được thế là may.
Lão chủ nói:
– Nếu anh muốn cắm trại ở dây, anh phải trả nửa đôla. Anh hãy tìm lấy một chỗ rồi đi lấy củi nước. Chả phiền phiếc gì đâu.
– Lạy Chúa, cắm trại để làm gì? – Tom nói.
– Chúng tôi có thể ngủ trong mương bên đường và như thế chả mất gì cả.
– Ông phó quận trưởng sẽ đi tuần. – Lão chủ gõ gõ trên đầu gối – Anh sẽ gặp chuyện lôi thôi. Ở Bang này có luật cấm ngủ ngoài đường. Có luật cấm du đãng.
– Nếu tôi trả nửa đôla, tôi sẽ không phải là du đãng, hả?
-Đúng vậy.
Mắt Tom long lên giận dữ:
– Ông phó quận trưởng phải chăng là anh vợ ông?
Lão chủ ngả người ra phía trước:
– Không. Nhưng cũng chưa phải lúc mà chúng tôi, dân ở đây lại để cho bọn ăn bám vô tích sự, lên lớp.
– Giá ông lấy được của chúng tôi năm mươi xu, thì chắc ông không đến nỗi khó tính thế. Mà thử hỏi, bọn tôi là quân ăn bám từ cái thuở nào? Chúng tôi chả xin gì ông. Tất cả chúng tôi là quân ăn bám, hả? Nhưng muốn sao thì không phải chúng tôi đòi tiền ở ông để có thể được nằm nghỉ dưới đất.
Những người ngồi dưới hiên đều cứng đơ, bất động, im lìm. Khuôn mặt của họ như không hồn. Và dưới bóng những chiếc mũ đôi mắt của họ len lét ngước lên nhìn trộm lão chủ.
Bố làu nhàu:
– Thôi Tom, thôi đi.
– Vâng, con thôi đây.
Vòng người ngồi trên bậc cửa, chống tay vào nền hiên, vẫn im lặng. Đôi mắt của họ lóe lên dưới ánh sáng đèn treo. Khuôn mặt của họ thô cứng dưới ánh sáng khắc nghiệt, và họ im lìm như đá. Chỉ có con mắt của họ là theo dõi hai người đang đôi co và khuôn mặt của họ vẫn bình tĩnh không biểu lộ chút cảm xúc nào. Một con côn trùng tới rơi phịch vào đèn, rồi tự gỡ thoát, và rơi tõm trong bóng tối. Trong một cái lều, một đứa trẻ cất tiếng khóc rên ư ử, có tiếng phụ nữ dịu dàng vỗ về và nghe có tiếng ru cất lên: “Ngủ đi con hởi con hời – Chúa Jesus ở suốt đời bên con – Ngủ đi con ngủ cho ngoan… hà… ơ…ơ”.
Dưới hàng hiên, chiếc đèn treo kêu lèo xèo. Lão chủ gãi gãi qua chiếc áo sơ mi để hở hình chữ V, để lộ một bộ ngực đầy lông trắng xồm xoàm. Cảnh giác, lão để mắt quan sát e sợ có chuyện rắc rối. Lão quan sát những người ngồi vòng tròn, rình mò những biểu hiện thái độ của họ. Nhưng họ vẫn không cựa quậy. Tom im lặng một lúc lâu. Đôi mắt tối sầm của anh từ từ ngước về phía lão chủ.
– Tôi không muốn làm chuyện ầm ĩ lôi thôi, – Anh nói. – Quả là khó chịu khi bị coi là ăn bám. Không phải tôi sợ hãi. – Anh nhẹ giọng. – Tôi sẵn sàng nhảy bổ vào ông hay vào tay phó quận trưởng của ông, lạy Chúa, ngay tức thời, bằng mấy cái nắm tay đây. Nhưng làm thế thì chẳng hay ho gì.
Những người đàn ông cựa quậy, đổi thế ngồi và ngước đôi mắt lấp lánh về cái mồm lão chủ, chờ đôi môi lão động đậy. Lão thấy an tâm. Lão cảm thấy lão đã thắng nhưng chưa thể coi là thắng một cách quyết định để chuyển sang tấn công. Lão hỏi:
– Anh không có nửa đôla sao?
– Có chứ, có. Nhưng tôi sẽ cần đến. Tôi không thể bỏ nó ra chỉ để được ngủ.
– Tôi có nói khác đâu. Nhưng chúng ta phải sống chứ.
– Phải sống, đúng. – Tom nói. – Nhưng có điều tôi mong có cách nào đó để sống được mà không rút mất cuộc sống của kẻ khác!
Đám người lại cựa quậy. Bố nói:
– Sáng sớm ngày mai chúng tôi sẽ đi. Ông biết cho. Chúng tôi đã trả tiền. Cháu đây là con tôi. Liệu hắn có ở lại được không? Chúng tôi đã trả tiền rồi.
– Cứ mỗi xe, năm mươi xu, – lão chủ nói.
– Phải, nhưng hắn không có xe. Hắn để xe ngoài đường.
– Anh ấy đã đến đây bằng xe, – lão chủ nói – Cứ bình tĩnh như vậy, ai nấy đều đỗ xe ngoài đường cái rồi tới đây cắm trại không à?
Tom nói:
– Thôi chúng con đi đây. Sáng sớm mai, bọn con sẽ gặp Bố. Sẽ đợi Bố. Al có thể ở lại, còn chú John có thể đi với con. – Anh nhìn lão chủ – thế thì ông ưng chứ?
Lão chủ vừa quyết định nhanh, vừa nhân nhượng:
– Nếu số người vẫn nguyên như đã trả tiền, thế thì được!
Tom rút gói thuốc ra, nó chỉ còn là một miếng vải nhỏ xam xám mềm nhẽo với một chút thuốc vụn ở đáy. Anh cuốn một điếu thuốc khẳng khiu và vứt gói thuốc đi. Anh nói:
– Chẳng mấy chốc chúng ta lại ra đi.
Bố nói với tất cả mọi người.
– Thật điêu đứng khi phải rứt khỏi nhà khỏi cửa ra đi. Những người như chúng tôi có nhà cửa tử tế. Chúng tôi đâu phải dân du mục. Trước khi máy cày đến xua đuổi chúng tôi, chúng tôi là những người có trại có ấp đàng hoàng.
Một thanh niên người mảnh dẻ, bộ lông mày vàng hoe vì nắng đốt, từ từ quay đầu lại.
– Tá điền chắc? – Anh hỏi.
– Ừ tá điền, nhưng vẫn là chủ.
Người thanh niên lại nhìn thẳng ra phía trước.
– Cũng như chúng tôi thôi, – anh nói.
– Cũng may cho chúng ta là tình trạng này không kéo dài lâu – bố nói – Chúng tôi đi về miền Tây kiếm việc làm, rồi chúng tôi sẽ tậu được một ít đất đai có nước.
Một người đàn ông quần áo rách bươm đứng lên ở hiên. Các mảnh vải ở chiếc áo vét tông đều tả tơi buông xuống. Chiếc quần vải trúc bâu thủng ở đầu gối. Mặt y đen nhẻm bụi cát, mồ hôi nhễ nhại, chảy xuống thành những vạch y quay đầu nhìn người bố.
– Chắc ông có một hũ tiền đầy ắp nhỉ?
– Chúng tôi chả có tiền nong gì cả, – bố nói – Nhưng nhà chúng tôi có nhiều lao động, lại được cái khéo chân, khéo tay. Chúng tôi sẽ kiếm được công xá cao, đem góp lại với nhau. Sẽ xoay xở được thôi.
Trong khi ông nói thì người đàn ông rách rưới nhìn ông, rồi y bật cười, và tiếng cười của y chuyển sang một tiếng cười the thé như tiếng ngựa hí. Ai nấy đều quay đầu về phía y. Rồi tiếng cười không tắt biến thành tiếng ho sặc sụa. Lúc y cố nén được tiếng cười rũ rượi thì hai mắt y đỏ hoe và giàn giụa nước mắt.
– Các ông đi tới đó… Ôi! Lạy Chúa – Y lại cười – ông đi tới đó để lĩnh công xá cao…Ôi! Lạy Chúa – Y ngừng lại và nói một cách ranh mãnh – chắc các ông đến đó hái cam chứ gì? Hay hái đào?
Bố đáp lại một cách đĩnh đạc:
– Chúng tôi gặp gì làm nấy. Thiếu gì việc chúng tôi có thể làm được.
Con người rách rưới cười khẩy, vừa cười vừa thở.
Tom nổi cáu quay lại.
– Trong chuyện này, có cái quái gì là ngộ nghĩnh mà ông cười như vậy, hở?
Người kia im bặt, nhìn các ván hiên nhà một cách ủ rũ.
– Tôi đồ chừng tất thảy các ông đi California?
– Thì tôi đã nói rồi – Bố đáp – ông chẳng phải đoán già đoán non gì hết.
Con người áo quần rách rưới nói:
– Tôi…tôi từ đó về. Tôi đã ở đó.
Những cái đầu quay lại nhìn y. Người ngồi vẫn cứng đơ. Tiếng lèo xèo của chiếc đèn nhỏ dần và chỉ còn là một hơi thở dài, người chủ hạ cẳng ghế trước xuống chấm đất, lão đứng dậy, vặn đèn lên to cho tới khi tiếng lèo xèo lại sắc và to như cũ. Lão trở về ghế và không ngồi ngả người ra sau nữa. Người quần áo rách rưới quay nhìn các khuôn mặt.
– Tôi ở đó quay về để chết đói. Tôi thích chẳng thà chết đói ngay tức thì còn hơn.
Bố nói:
– Ông đang nói cái gì vậy? Tôi có một tờ quảng cáo nói là tiền công cao và cách đây chưa lâu, tôi đọc trong báo thấy nói người ta cần người để hái trái cây.
Người rách rưới quay về phía Bố:
– Ở chỗ quê nhà, ông không có nơi nào để tới nữa sao?
– Không. Người ta đã đuổi chúng tôi. Đã cho máy cày ủi nhà chúng tôi.
– Dẫu sao, ông cũng không thể quay về?
– Không, chắc chắn rồi.
– Đã thế tôi không muốn làm ông phiền muộn.
– Tôi nghĩ rằng ông không làm tôi phiền muộn được. Tôi có tờ quảng cáo nói là người ta cần nhân công. Nếu không phải thế thì vô lý lắm. In quảng cáo thì phải tốn tiền chứ. Không cần nhân công thì họ quảng cáo làm gì.
– Tôi không muốn làm ông phiền muộn.
Bố nổi nóng nói:
– Ông bắt đầu thở ra chuyện ngu ngốc rồi, ông không thắt miệng lại được nữa. Tờ quảng cáo của tôi nói là người ta cần nhân công. Ông thì ông cười nói là không đúng. Vậy thì bên nào nói dối?
Người rách rưới cúi mặt, nhìn sâu vào đôi mắt giận dữ của người bố, y có vẻ như hối tiếc.
– Tờ quảng cáo nói đúng. Họ cần nhân công thật đấy.
– Thế thì việc quái gì mà ông lại đùa để làm chúng tôi sốt ruột.
– Bởi vì các ông không biết là họ cần đến thứ nhân công nào.
– Ông nói gì lạ vậy?
Người rách rưới bèn dứt khoát:
– Thế này nhé, ông nói – tờ quảng cáo của ông nói họ cần bao nhiêu người?
– Tám trăm. Mà ở một cái xứ nhỏ bé.
– Tờ quảng cáo màu vàng?
– Với tên cái gã…hắn nói thế này…thế nọ…cai thầu phải không? – Bố tìm trong túi rút ra tờ giấy quảng cáo bị gấp lại. – Đúng vậy. Làm thế nào ông biết?
– Ông xem đây. Chả có nghĩa gì cả. Có một thằng cha cần tám trăm người. Thế là hắn in ra năm ngàn tờ như thế, mà có lẽ hai mươi ngàn người đọc nó. Và do tờ quảng cáo này mà dễ chừng có hai hay ba ngàn người bỏ nhà ra đi… những người đang như mất trí vì bao nỗi phiền muộn.
– Nhưng ông nói thế chả nghĩa lý gì!
– Khoan, cứ đợi thấy được cái gã đã chế ra tờ quảng cáo đã. Rồi ông sẽ gặp hắn hoặc thằng cha làm việc cho hắn. Ông sẽ cắm trại trong một cái mương, ông với năm mươi gia đình khác. Hắn sẽ đến nhìn vào lều ông để xem ông còn chút gì để ăn không. Nếu ông chả còn chút gì nữa, hắn sẽ nói với ông: “Ông muốn làm việc chăng?” ông đáp: “Ôi, chắc chắn thế, thưa ông. Nhất định là tôi rất đội ơn ông nếu may ra nhờ ông mà tôi có việc gì để làm”. Hắn ta sẽ nói: “Tôi có thể thuê mướn ông”. Ông hỏi: “Thế thì lúc nào tôi làm việc được”. Thế là hắn nói cho ông rõ, ông phải đi đến đâu, ông phải tới vào khi nào, rồi hắn bỏ đi. Có lẽ hắn chỉ cần hai trăm người, nhưng hắn lại nói với năm trăm người, họ lại nói với những người khác. Thế là khi ông tới nơi hẹn thì đã có một ngàn người đang chờ chực. Gã kia sẽ bảo ông: “Tôi trả một giờ hai mươi xu” Thế là cứ cho một nửa bỏ đi. Nhưng còn lại năm trăm người đang chết đói nên phải ở lại để kiếm một mẩu bánh. Ông hiểu không, thằng cha đó đã ký hợp đồng cho phép hắn hái đào… hoặc hái bông. Giờ thì ông hiểu rồi chứ? Người đến càng nhiều và càng đói, hắn càng trả công hạ. Và nếu có thể, hắn sẽ mộ một tay nào đó có trẻ con, chả là… Nhưng thôi, lạy Chúa, tôi đã nói rồi mà, tôi không muốn khiến ông phải đâm lo.
Những gương mặt tụm lại thành vòng tròn nhìn y một cách lạnh lùng. Những đôi mắt phân tích lời y nói. Người rách rưới bắt đầu thấy lúng túng.
– Tôi đã bảo là không muốn làm ông đâm lo. Nhưng chính tôi lại đang làm thế. Bây giờ các ông đã lên đường rồi thì phải đi tiếp. Không quay lại được.
Bầu không khí im lặng đè nặng lên hàng hiên. Ánh đèn lèo xèo và một quầng các con thiêu thân bay quay cuồng xung quanh chiếc đèn treo. Con người rách rưới tiếp tục với vẻ băn khoăn.
– Tôi mách cho ông hay phải làm gì khi ông gặp cái thằng cha đã nói là có việc cần người làm. Thế này. Hãy hỏi thẳng ngay là hắn có ý định trả bao nhiêu. Bảo hắn là định trả bao nhiêu thì viết ra giấy. Yêu cầu hắn như thế. Nếu không các ông sẽ bị lừa phỉnh, đó là cái chắc.
Lão chủ ngồi trên ghế, cúi ra phía trước để nom cho rõ con người rách rưới bẩn thỉu kia. Lão gãi gãi vạt lông xám trên ngực và nói một cách lạnh lùng:
– Liệu chừng anh có phải là một trong những kẻ đến gây rối không đấy? Anh có chắc mình không phải là kẻ đi lừa đảo chứ?
– Lạy Chúa, thề là không. – Người rách rưới kêu lên.
– Ngữ ấy thì nhiều nhan nhản – Lão chủ nói – chúng đi phất phơ khắp nơi để gây lộn xộn rối ren. Chúng kích động thiên hạ. Việc gì cũng chọc vào. Ngữ ấy thì thiếu giống. Cái bọn kích động đó, rồi có ngày cũng phải treo cổ chúng lên, ngày đó chẳng lâu đâu. Người ta sẽ tống cổ chúng đi. Ai muốn làm việc O.K. Nếu không muốn, cứ việc cuốn xéo, đừng để người ta phải đuổi cổ. Chúng ta không được để hắn gây rối loạn.
Người rách rưới ưỡn người lên:
– Tôi chỉ muốn nói với các ông sự tình như thế nào. Tôi phải mất một năm mới thấy ra. Tôi phải mất hai đứa con, tôi phải mất một người vợ rồi cuối cùng mới mở mắt ra. Nhưng tôi không thể nói cho các ông hay. Đáng lý ra tôi đã phải biết điều đó. Mà cũng không một ai đã có thể nói với tôi. Tôi không thể nói với các ông chúng nằm đấy như thế nào, hai thằng bé khốn khổ ấy mà, bụng thì trương lên, chỉ còn da bọc xương, run rẩy và kêu i ỉ như hai con chó con, trong khi đó tôi tất tưởi chạy ngược chạy xuôi để cố tìm công ăn việc làm… – y gào lên – Không phải để có tiền, không phải vì công xá! Lạy Chúa, chỉ để kiếm một chén bột, một thìa mỡ. Thế rồi nhân viên điều tra tới, nói với tôi: “Bọn trẻ này chết “vì liệt tim”. Y nói thế rồi y viết như thế trên tờ giấy. Trời ơi! Chúng run, chúng run, bụng chúng phình lên như bong bóng lợn!
Đám người ngồi vòng quanh lặng im, miệng hơi hé ra như nín thở để lắng nghe. Và họ chờ đợi. Người rách rưới đảo mắt nhìn khắp nhóm, rồi quay ngoắt lại, y nhanh chân bước vào bóng tối. Bóng đêm nuốt chửng y, nhưng trước khi y mất hút, vẫn còn nghe vẳng tới, rất lâu tiếng chân bước lê trên đường cái. Một chiếc xe hơi chạy qua và trong ánh đèn pha, họ có thể nom thấy con người rách rưới đi xa dần, đầu cúi gầm, hai tay thọc vào túi chiếc áo vét tông đen rách tơi tả. Mọi người đều thấy bứt rứt. Một người nói:
– A! Muộn rồi. Phải đi ngủ thôi.
Lão chủ lên tiếng:
– Chắc hẳn là một thằng chây lười. Thời buổi này trên đường cái có ối thằng cha như thế.
Nói xong lão im bặt. Và một lần nữa, lão ngã hẳn người ra phía sau, lưng ghế đụng sát tường, và lão lấy tay mân mê cuống họng.
Tom nói:
– Con tới gặp Mẹ một chút, rồi bọn con sẽ đi trước một quãng đường.
Hai cha con và mục sư rời đi. Bố hỏi:
– Cái gã đó, ông có tin là hắn nói sự thật không?
Ông mục sư đáp:
– Hẳn rồi, gã nói đúng sự thực. Sự thực của riêng gã. Gã chẳng bịa đặt gì hết.
– Vậy về phía chúng ta thì sao? – Tom hỏi – Cũng là sự thực đối với chúng ta?
– Tôi không biết – Casy nói.
– Tao không biết – Bố nói.
Họ đi về phía cái lều có cái bạt căng trên một dây thừng. Trong lều tối om và yên lặng. Khi họ tới gần, có một khối đen mờ mờ cựa quậy ở gần cửa ra vào và khi đứng lên thì mang hình người. Bà Mẹ tới gặp họ.
– Cả nhà ngủ rồi, – Mẹ nói, – Cả bà Nội mãi rồi cũng ngủ được, Bà nhận ra Tom – Làm thế nào con tới được đây. Có gặp gì lôi thôi không?
– Chúng con đã sửa xong xe, – Tom nói – Lúc nào muốn đi cũng được Mẹ ạ, Chỉ còn chờ nhà ta thôi.
– Lạy Chúa lòng lành, Mẹ nói – Mẹ đứng ngồi không yên vì mẹ muốn đi ngay. Mẹ muốn đi tới nơi nào xanh um, giàu có. Mẹ muốn đến cho nhanh.
Bố hắng giọng:
– Có một thằng cha vừa mới nói…
Tom nắm lấy cánh tay bố lay mạnh:
– Y chỉ nói vớ vẩn. Y nói có hàng đống người trên đường cái.
Mẹ nhìn họ trong bóng đêm. Trong lều Ruthie ho mấy tiếng rồi lại ngáy đều.
– Tôi đã tắm rửa cho chúng, – bà nói – Lần đầu tiên thấy có đủ nước để tắm rửa cho chúng nên hồn. Tôi đã để xô ở ngoài để các ông cũng có thể tắm rửa. Đi đường, không có cách nào giữ cho sạch sẽ được.
– Mọi người đều ở cả trong lều đấy chứ? – Bố hỏi.
– Tất cả trừ Connie và Rosasharn. Chúng đã đi ngủ ngoài trời. Chúng bảo là trong lều nóng quá không ngủ được.
Bố nhận xét với vẻ không bằng lòng:
– Cái con Rosasharn dạo này đâm dát và nhõng nhẽo rồi.
– Con đầu lòng của nó mà!- Mẹ nói – Connie và nó có khối chuyện để phải lo. Bố mày xưa kia cũng thế nữa là con.
– Chúng con đi trước, – Tom nói – để lợi được một quãng đường. Bố mẹ để ý trông chừng ngộ nhỡ con không trông thấy. Chúng con bao giờ cũng đi mé phải.
– Al ở lại?
– Vâng. Chú John đi với chúng con. Mẹ ngủ ngon nhé.
Họ đi qua cái trại đang ngủ im lìm. Trước một cửa lều, một bếp lửa nhỏ cháy bập bùng và một phụ nữ đang trông nom nồi nấu bữa ăn điểm tâm. Mùi đậu hầm thơm ngào ngạt. Lúc đi qua, Tom nói một cách lễ độ:
– Giá tôi được ăn một đĩa như thế thì hay quá.
Người phụ nữ mỉm cười:
– Đậu chưa chín, nếu không thì tôi rất vui lòng, bà nói, – Sáng rõ xin mời anh lại đây.
– Xin cảm ơn bà, – Tom nói.
Anh đi qua trước hàng hiên cùng với Casy và chú John. Lão chủ vẫn ngồi trên ghế còn ngọn đèn vẫn xì xì và lấp lánh. Lão quay đầu lại lúc ba người đi qua.
– Đèn của ông hết dầu rồi, – Tom nói.
– Dẫu sao cũng đã đến lúc tắt đèn rồi.
– Vậy là vào giờ này, những đống nửa đôla không còn lăn trên đường cái nữa sao?
Hai chân ghế đập mạnh xuống sàn nhà. Lão chủ cáu lên:
– Này, anh đừng có hành tôi nữa. Tôi biết anh rồi. Anh cũng thuộc bọn gây rối đấy nhé.
– Chứ sao, – Tom nói – Tôi là bônsêvit mà.
– Hạng người như anh, mẹ kiếp, cứ là nhan nhản trên đường cái.
Tom cười lởm trong khi họ vượt qua cửa lưới sắt và leo lên chiếc Dodge. Anh nhặt một cục đất ném vào chiếc đèn treo. Cục đất đụng vào nhà đánh bục một tiếng và họ thấy lão chủ nhảy bật dậy và nhìn soi mói trong bóng đêm. Tom rồ máy và cho xe chạy ra đường cái. Anh cẩn thận lắng nghe tiếng động cơ quay, sợ có trục trặc. Lòng đường mờ mờ giăng trải trong ánh sáng yếu ớt của đôi đèn pha.
Chú thích
1. Bản dịch: Đứa con nhà chó đẻ.
2. Nguyên văn: chó đẻ (a bitch menkey).
3. ẩm ướt, ẩm và lạnh (bản Pháp văn dịch: hết gay rồi ư?)
4. Smoking: bốc hơi, bốc khói.
5. Nguyên văn: “Hell it did!”, bản dịch tiếng Pháp dịch: “Không đùa giỡn chứ?” (Sans blague?)