Sáng Thứ Bảy, có một đám đông chen chúc ở các bồn giặt quần áo. Phụ nữ giặt áo dài bằng vải trúc bâu màu hồng, hoặc vải bông in hoa, rồi họ treo phơi ngoài nắng, lấy tay vuốt vuốt chiếc áo được phẳng phiu. Ngay từ lúc xế trưa, cả trại đã nhộn nhịp hẳn lên, ai cũng náo nức như lên cơn sốt. Cơn sốt lây sang bọn trẻ con cho nên chúng tỏ ra ầm ĩ hơn thường ngày. Xế chiều, người ta bắt tay vào việc tắm rửa cho lũ trẻ. Mỗi lần một đứa bé bị túm gáy bị lôi đi tắm rửa, tiếng huyên náo ầm ĩ lắng bớt dần ở trên sân chơi. Trước năm giờ chiều, tất cả lũ trẻ đã được kỳ cọ sạch tinh tươm và được nghe những lời răn đe trừng phạt nếu chúng còn để vấy bẩn, bởi vậy chúng đành đi lang thang quanh quẩn, người cứng đơ trong bộ quần áo sạch sẽ và nom khốn khổ vì cứ phải để tâm giữ gìn.
Trên cái bục rộng lớn dùng làm nơi khiêu vũ ngoài trời, một uỷ ban đang chộn rộn tới tấp.
Tất cả những mẩu dây điện mà có thể mò ra, đã được trưng dụng. Người ta đã bới trong đống rác thành phố, đã lục lọi tất cả các hộp dụng cụ để tìm cho ra một mẩu dây ngắn ngủn. Và giờ đây, dây điện đã được chắp nối, được chăng lên phía trên sàn nhảy với những cổ chai dùng làm vật cách. Tối hôm nay. Lần đầu tiên sàn nhảy được ánh đèn chiếu sáng. Sáu giờ chiều, đàn ông đi làm về hoặc đi tìm việc làm trở về, và thêm một làn sóng người mới lại đổ dồn về phía các phòng tắm. Bảy giờ tối mọi nhà đã ăn xong, đàn ông mặc quần áo đẹp nhất – quần áo lao động mới giặt tinh tươm, áo sơ mi xanh sạch bóng, đôi khi lại có những bộ đồ đen luôn luôn hợp thời. Các cô gái đã sẵn sàng với những áo dài in hoa, sạch sẽ, phẳng phiu, tóc tết thành bím sau lưng vắt thắt băng. Các bà mẹ thì lo lắng giám sát gia đình và rửa chén đĩa. Trên bục, ban nhạc đang diễn tập, giữa hai hàng rào trẻ con vây quanh. Ai nấy đều náo nức, bồn chồn.
Năm thành viên trong ủy ban Trung ương đang họp dưới lều của chủ tịch Erza Huston. Người cao lớn gầy gò, da sạm nắng gió mắt bé nhỏ và sắc, Erza Huston đang nói với ủy ban mà mỗi thành viên đại diện cho mỗi Trạm Vệ Sinh. Ông nói:
– Chả biết là may hay rủi, vừa có tin báo là họ sẽ cố phá cuộc khiêu vũ của chúng ta.
Đại biểu của Trại ba, một người to béo lên tiếng.
– Theo tôi thì cứ cho chúng một trận đòn nên thân, cho chúng sáng mắt ra.
– Không được, – Huston nói – Chính là chúng đang muốn như thế. Nhất thiết, không được. Nếu chúng tạo được một vụ loạn đả, lúc đó chúng có thể gọi cảnh sát can thiệp, lấy cớ là chúng ta không giữ được trật tự. Chúng đã giở cái đòn đó ra rồi. Ở các nơi khác.
Ông quay về phía đại biểu của Trại 2, một thanh niên da nâu, mắt buồn bã:
– Anh đã tập họp các thanh niên để canh gác xung quanh hàng rào và trông coi không cho ai len lách vào trại chưa?
Anh thanh niên ưu tú khẽ gật đầu xác nhận:
– Rồi! Mười hai đứa. Tôi đã dặn tụi nó là không được đánh họ. Chỉ đẩy họ ra ngoài thôi.
Huston nói:
– Anh có thể đi tìm Willie Eaton được không?
– Anh ta là chủ tịch ủy ban Khánh tiết, phải không?
– Được.
– Tốt. Bảo với anh ta tôi muốn nói chuyện cần.
Anh thanh niên đi và sau đó một lát, anh quay về đi kèm theo một người Texas gân guốc. Willie Eaton cằm dài và mảnh, tóc màu tro, dáng người lêu nghêu, cẳng tay cẳng chân dài ngoẵng, mắt xám trong, đầy ánh nắng của vùng Cán Xoong 1.
Anh đứng thẳng người dưới lều, nhe răng cười, hai bàn tay xoay xoay quanh cổ tay một cách nôn nóng.
Huston nói:
– Anh đã được tin báo về tối nay chưa?
Willie cười hở cả lợi.
– Rồi.
– Anh đã chuẩn bị gì đề đối phó chưa?
– Đã.
– Nói chúng tôi nghe xem.
Willie cười thoả mãn:
– Nói thế này. Theo thường lệ, ủy ban Khánh tiết có năm người. Tôi lấy thêm hai mươi người, toàn những tay lực lưỡng. Vừa khiêu vũ, họ vừa phải mở mắt căng tai đề phòng. Hễ có dấu hiệu gì khả nghi, bàn bạc hay tranh cãi nhau, họ phải xúm quanh lại bám sát. Cứ như là vô tình. Làm như thể đi ra ngoài và luôn thể lùa bọn khả nghi ra.
– Bảo họ là đừng đánh đập ai.
Willi vui vẻ cười cùng cục:
– Tôi đã dặn rồi.
– Thì dặn, nhưng nói sao cho họ hiểu.
– Ồ! Họ hiểu chứ. Tôi cắt năm người ở cổng sắt để giám sát tất cả những ai vào trại trở lại, cố dò cho ra chúng trước khi chúng ra tay.
Huston đứng lên, đôi mắt xám nghiêm nghị:
– Cẩn thận đấy, Willie ạ, tôi báo cho anh biết thế. Không, chúng tôi không muốn bọn kia bị xúc phạm. Có lẽ sẽ có cảnh sát ở trước cổng. Nếu các anh kích động người của họ, họ sẽ tóm các anh liền.
– Chuyện đó đã được dự liệu rồi, – Willie nói – Bọn tôi sẽ dẫn bọn khả nghi ra lối sau, tắt qua đồng. Tôi đã cắt người đứng sẵn ở đây trông chừng sao cho chúng đã đi là đi luôn, không quay lại nữa.
– Được, như thế có vẻ ổn rồi, – Huston nói một cách lo lắng – nhưng nhớ đừng để xảy ra chuyện gì Willie ạ. Anh là người chịu trách nhiệm. Nhất là đừng đánh bọn đó. Đừng dùng gậy, dùng dao, hay bất cứ thứ gì đại loại thế.
– Không, không, chúng tôi không đánh đấm gì đâu! Nhưng Huston vẫn nghi ngại.
– Mong sao tôi vẫn có thể trông cậy vào anh.
– Nếu buộc phải đả, thì cứ đả, nhưng nhằm vào chỗ khó đổ máu ấy.
– Thưa ông, vâng.
– Anh có tin vào những người mà anh đã chọn không?
– Tin, thưa ông.
– Được rồi. Nếu có chuyện gì trục trặc, thì đến gặp tôi, ở bên phải bục ấy. Willie chào có vẻ chế giễu và đi ra. Huston nói:
– Ôi! Chả biết sẽ ra sao. Quí hồ mấy tay thanh niên của Willie đừng hạ thủ một người nào. Nhưng mẹ kiếp, cái bọn cảnh sát chết tiệt kia, sao chúng lại muốn phá rối trong trại chúng ta, mà làm gì nhỉ? Tại sao chúng không để cho chúng ta yên?
Anh thanh niên buồn bã của Trại 2 nói:
– Tôi đã ở trong trại của Công ty Nông nghiệp và Chăn nuôi. Nhung nhúc những bọn cớm. Tôi thề là cứ mười người dân thì có một thằng. Và một vòi nước cho hai trăm con người.
Người to béo nói:
– Lạy chúa, mày nói cho ai nghe, hở Jeremy?
– Mẹ kiếp, tao đã ở trại đó rồi. Một lô một lốc những lán bề dài ba mươi làm bộ, bề rộng mười lăm. Tất thảy chỉ có mười hố xí, mà cha mẹ ơi, mùi hôi thối bay ra đến một dặm. Chính một thằng cảnh sát đã nói với tao thế: “Những quân bẩn thỉu trong trại chính phủ ấy mà, khi bắt đầu cho chúng nước nóng thì sau đó không có chúng cứ đòi cho có được nước nóng. Cho chúng những cầu tiêu có xối nước thì sau đó, không có không được”. Hắn nói: “Cứ dành cho cái bọn Okies khốn khiếp này những thứ đó, thì rồi về sau cứ muốn có cho được “. Hắn nói:
“Trong các trại của chính phủ, bọn Đỏ tổ chức hội họp, quần tam tụ ngũ. Đứa nào đứa nấy, chỉ tìm cách làm sao ghi tên vào Cứu tế”. Hắn nói thế đấy.
Huston hỏi:
– Thế không có ai đấm vỡ mồm nó ra ư?
– Không, có một gã nhỏ con hỏi: “Cứu tế nghĩa là thế nào?”
– Là cứu tế chứ còn gì – Gã cảnh sát đáp – Cứu tế, nghĩa là những người đóng thuế như bọn tao phải dốc tiền, là cái quân Okies đốn mạt như các người rút tiền ra.
– Chúng tôi nạp thuế Nhà nước, thuế xăng, thuế thuốc lá – người nhỏ con nói.
Và y nói thêm:
– Những chủ trại nhận được của chính phủ cứ một cây bông là bốn xu, đấy có phải là cứu tế không? Lại nữa. Những công ty hàng hải và Hỏa xa lãnh tiền trợ cấp, đấy có phải là cứu tế không?
– Cái đó là những chuyện phải làm, – cảnh sát nói.
– Được rồi, – người nhỏ con nói – nhưng chúng tôi không ở đây, thì ma nào hái những trái cây chết tiệt của các ông, hở?
Con người to béo liếc nhìn vòng quanh đám thính giả.
– Thế viên cảnh sát trả lời ra sao? – Huston hỏi.
– Ấy, hắn nổi dóa và nói: “Cái bọn đỏ khốn kiếp nhà các ngươi, lúc nào cũng muốn khuấy động phá rối. Hãy theo ta”. Thế là hắn xách nách anh ta đi, giáng cho anh ta sáu mươi ngày tù vì tội du đãng.
– Chúng làm thế nào được, vì anh ta có công ăn việc làm kia mà? – Timothy Wallace ngạc nhiên.
Con người to béo cười:
– Ông thì còn lạ cái nỗi gì! Y nói – Ông cũng biết chán ra rồi. Ông cũng biết khi cảnh sát muốn kiếm chuyện với ai thì người đó dễ là du đãng lắm.
– Nếu chỉ chúng ghét cay ghét độc cái trại này.
– Cớm không có quyền đặt chân vào đây. Đây là nước Hoa Kỳ chứ đâu phải Bang Califomia?
Huston thở dài:
– Uớc gì có thể ở lại đây nhưng cũng sắp phải dọn đi thôi. Tôi thích nơi này. Mọi người đều hòa thuận với nhau, nhưng, lạy Chúa, cớ sao họ không thể để chúng ta sống yên ổn, chả hơn là lúc nào cũng làm chúng ta khổ cực và bắt chúng ta bỏ nhà pha? Tôi xin thề trước Chúa, rồi có ngày họ buộc chúng ta phải đánh nhau với họ nếu không thôi làm khổ chúng ta.
Rồi ông trấn tĩnh lại:
– Bằng bất cứ giá nào, ta phải giữ cho được êm thấm, – ông nói tiếp như tự nhắc nhở mình – uỷ ban không được quyền để mất bình tĩnh.
Con người to béo ở Trại 3 nói:
– Ai đó mà cứ đinh ninh rằng uỷ ban chúng ta đều tốt đẹp 2 thì cứ đến thử xem. Sáng nay, ở trại chúng tôi xảy ra vụ đánh lộn giữa đàn bà với nhau. Bắt đầu thì họ lời qua tiếng lại bằng đủ những câu chửi bới tục tĩu, rồi sau thì ném lên đầu nhau những thứ rác rưởi. Ủy ban Phụ nữ bất lực, họ tìm đến tôi. Họ muốn đưa việc này ra trước uỷ ban chúng ta. Tôi nói rằng chuyện giữa đàn bà với nhau thì uỷ ban Phụ nữ phải giải quyết lấy. Ủy ban Trung ương đâu có mất thì giờ với những cuộc giao tranh bằng củ cải.
– Ông làm thế đúng quá, – Huston tán thành.
Bây giờ đã nhá nhem tối, bóng đêm càng dày đặc thì cuộc diễn tập của ban nhạc giây nho nhỏ càng vang to hơn. Điện đã bật sáng và hai người đi kiểm soát lại đường dây dẫn tới sàn khiêu vũ.
Trẻ con đứng dày đặc trước các nhạc công. Một thanh niên chơi ghita, hát bài “Xa quê hương”, tay chốc chốc bấm phím đàn đệm cho bài hát. Đến điệp khúc thứ hai, thì ba khẩu cầm và một vĩ cầm hoạ theo. Người người từ các lều đổ ra, lũ lượt kéo về phía chiếc bục, đàn ông mặc vải bông chéo, phụ nữ mặc vải bông kẻ. Lúc đã tới gần, họ bèn đứng lại. Lặng lẽ chờ đợi. Khuôn mặt bóng loáng và háo hức trong ánh đèn điện. Lặng lẽ chờ đợi.
Một hàng rào cao bằng dây thép bao quanh trại, và dọc theo bờ rào này, cứ cách từng quãng hai mươi mét, có một người ngồi dưới cỏ để canh gác.
Xe hơi của các khách mời đang tới: những chủ trại nhỏ cùng gia đình, những người di tản từ các trại khác tới. Và khi đi qua cổng rào mỗi người đều nói tên họ người ở trại đã mời mình. Giàn nhạc dây chơi một điệu vũ quay mà chơi thật ầm ĩ vì bây giờ họ không phải diễn tập gì nữa.
Những người Sùng Chúa, ngồi trước lều để mắt theo dõi với vẻ mặt đanh và khinh khỉnh. Họ không lên tiếng, họ rình mò tội lỗi, và vẻ mặt của họ cũng tỏ rõ họ lên án tất cả các trò mà họ coi là lố lăng đó.
Ở nhà Joad, Ruthie và Winfield đã nuốt chửng bữa ăn tối và vội vàng đi nghe nhạc. Mẹ gọi chúng lại nâng cằm chúng lên, xem xét lỗ mũi, kéo vạch tai để nhìn vào trong, và bắt chúng ra Trạm Vệ Sinh để rửa tay một lần nữa. Chúng lách đi sau dẫy nhà, không vào trạm vệ sinh, và lủi về phía cái bục rồi mất hút trong đám trẻ con chen chúc quanh các nhạc công.
Al ăn xong bữa ăn và dành một nửa tiếng để cạo mặt với chiếc dao của Tom. Al mặc một bộ comlê bó sát người và một chiếc sơ mi kẻ sọc. Hắn vào buồng tắm, kỳ cọ cẩn thận và chải ngược tóc ra sau. Và lợi dụng lúc trong phòng rửa mặt vắng người, hắn đứng trước gương cười duyên, xoay xoay người để nhìn nghiêng hình dáng của mình trong khi miệng vẫn cười tủm tỉm. Hắn đeo băng đỏ vào và mặc chiếc vettông bó sát. Rồi hắn lấy một mảnh giấy vệ sinh lau đôi giày màu vàng. Một người về chậm bước vào phòng tắm. Al vội đi ra, hướng về bục nhảy, vẻ dương dương tự phụ, mắt hau háu rình các cô gái. Ở gần bục, hắn thấy một cô gái xinh đẹp, tóc vàng ngồi trước một cái lều. Hắn rẽ về phía đó, cởi khuy áo vét để phô chiếc sơ mi.
– Tối nay cô em có nhảy không?
Cô gái quay mặt đi, không đáp.
– Ồ, chả nhẽ một anh con trai lại không nói với cô em được một lời hay sao? Em có muốn chúng ta nhảy một bài với nhau không? Và hắn nói một cách lửng lơ:
– Anh biết nhảy van.
Cô gái ngước đôi mắt lên một cách bẽn lẽn:
– Thì có khó gì, ai mà chả biết nhảy van.
– Đâu có như anh được. – Al nói. Nghe tiếng nhạc nổi lên. Al lấy một chân gõ nhịp. – Nào ta đi nào.
Một bà béo phị thò đầu ra khỏi lều và cau có nhìn Al.
– Thôi anh nhóc kia – bà nói đanh đá. – Con gái tôi nói cho anh biết, nó sắp cưới và chồng chưa cưới của nó sắp đến đón nó bây giờ.
Al liếc nhìn cô gái một cách trâng tráo và vừa đi vừa nhảy nhót theo nhịp đàn, vai nhún nhảy, tay đung đưa theo điệu van. Cô gái chăm chú nhìn theo.
Bố đặt đĩa xuống và đứng lên: – Chú có tới không, chú John?
Và như để phân bua với Mẹ, bố nói:
– Chúng ta đi gặp thiên hạ, hỏi xem có việc làm không.
Thế là chú John đi theo Bố tới nhà ông quản trị.
Tom lấy mẩu bánh cạo cạo trong đĩa ragu, anh nuốt mẩu bánh và trao chiếc đĩa cho mẹ. Mẹ nhúng nó vào trong nước nóng, rửa sạch rồi đưa cho Rosasharn lau đi.
– Con có đi khiêu vũ không? – Mẹ nói.
– Có chứ – Tom đáp – Họ đã cử con vào một ban. Chúng con có nhiệm vụ đón khách.
– Đã vào uỷ ban rồi kia à? Theo mẹ thì sở dĩ thế vì con đã có việc làm.
Rosasharn quay lại để xếp chén đĩa. Tom trỏ cô và nói – Ôi! Lạy Chúa, cô ấy to béo chưa kìa! Rosasharn đỏ mặt, vội cầm lấy một chiếc đĩa Mẹ trao cho.
– Cái đó đã hẳn. – Mẹ nói – Mà cô ấy lại đẹp ra, – Tom lại nói.
Người thiếu phụ đỏ dừ mặt và cúi đầu xuống.
– Thôi đi anh!
– Hẳn rồi, – Mẹ nói – Gái một con trông mòn con mắt 3.
Tom bật cười.
– Nếu cô ấy cứ phình lên mãi như vậy thì dễ chúng ta phải có xe cút kít mới chở xuể.
– Đã bảo thôi đi mà – Rosasharn nói.
Nói xong, cô lẩn vào trong lều để khỏi ai nhòm ngó.
Mẹ cười nhẹ nhàng, bảo Tom:
– Con không nên chế nhạo em.
– Cô ấy thích thế.
– Mẹ biết, nhưng cũng làm cho nó phiền lòng. Vả lại nó cứ buồn rầu về việc thằng Connie.
– Thì rồi cô ấy sẽ quên nó đi, và thế là hay, thằng ấy thì chắc lúc này nó đang học tập để trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.
– Đừng có trêu chọc em, – Mẹ nói – Em nó đang gặp khó khăn đấy.
Willie Eaton đi lại gần, nhe răng cười và nói:
– Anh là Tom Joad?
– Vâng.
– Tôi là chủ tịch uỷ ban Khánh tiết. Chúng tôi sắp có việc phải nhờ đến anh. Có người đã nói với tôi về anh.
– Đồng ý. Xin vui lòng, – Tom nói – Đây là mẹ tôi.
– Bà khoẻ không? Xin chào bà.
– Xin chào anh.
Willie nói:
– Thoạt đầu, tôi sẽ cắt anh canh gác ở cổng rồi sau đó trong buổi khiêu vũ. Phải cố gắng dò cho ta bọn ngáo ộp khi chúng dẫn xác tới. Tôi cử thêm một người đến với anh. Sau đó anh chỉ việc khiêu vũ nhưng phải để mắt trông chừng.
– Vâng. Cái đó tôi làm được.
– Không có chuyện gì lôi thôi chứ? – Mẹ lo lắng hỏi.
– Thưa bà, không đâu. Không có chuyện lôi thôi đâu.
– Không có chuyện gì đâu, Mẹ ạ. – Tom xác nhận – Thế là, đồng ý. Tôi đi ngay. Con đi mẹ ạ, Mẹ ra xem khiêu vũ nhé.
Hai anh thanh niên đi về phía cổng. Mẹ chồng chén đĩa trên mặt hòm.
– Con đi ra thôi, – bà nói to, rồi nói tiếp không nghe tiếng đáp lại – Rosasharn, con ra đi chứ! Người thiếu phụ ra khỏi lều và lại rửa chén đĩa.
– Tom chỉ đùa giỡn cho vui thôi.
– Con biết. Con chẳng bực mình nhưng con không thích người ta nhìn con.
– Con cấm làm sao được. Muốn nhìn thì người ta cứ nhìn. Có điều, nhìn thấy một đứa con gái có chửa sau khi ăn hỏi đàng hoàng thì ai cũng mừng. Có thể nói là họ hài lòng thích thú. Con có ra xem khiêu vũ không.
– Con định đi nhưng để xem sao đã, con muốn giá có Connie ở đây. – Cô nói to hơn – Mẹ ạ, con muốn có anh ấy ở đây, con khó mà chịu đựng nổi.
Bà mẹ chăm chú nhìn con.
– Cái đó thì mẹ biết rồi. Nhưng con nghe đây, Rosasharn, con đừng bôi nhọ gia đình.
– Con có ý định như thế đâu, Mẹ.
– Thế thì cô đừng làm cho gia đình phải xấu hổ. Nhà ta đã có bao nhiêu nỗi lo lắng rồi, không nhẽ lại phải gánh thêm sự sỉ nhục nữa.
Môi cô run run.
– Con, con không đi xem khiêu vũ đâu. Không thể. Mẹ ơi, Mẹ giúp con với.
Cô ngồi vùi đầu vào đôi cánh tay.
Mẹ chùi tay với chiếc khăn làm bếp, ngồi xổm xuống trước mặt con gái, rồi đặt hai tay lên đầu tóc con:
– Con là đứa con ngoan. Xưa nay bao giờ con cũng là đứa con gái ngoan. Mẹ sẽ để ý săn sóc đến con. Con đừng mua não chuốc sầu vào mình.
Rồi tiếng mẹ dạt dào mối quan tâm.
– Con có biết hai Mẹ con ta sẽ làm gì không con? Mẹ con ta sẽ đi đến chỗ khiêu vũ, ngồi xem họ khiêu vũ. Và nếu có ai đó đến mời con nhảy…thì thế này, Mẹ sẽ nói là con không đủ sức, con thấy không được khoẻ. Như vậy con sẽ nghe được nhạc và mọi thứ đại loại thế, con ạ.
Rosasharn ngẩng đầu lên.
– Mẹ đừng để con nhảy nhé.
– Không, mẹ không để con nhảy đâu.
– Và mẹ không để ai đụng tới con chứ?
– Không.
Người thiếu phụ trẻ thở dài, nói với giọng thất vọng:
– Con không biết rồi đây con sẽ làm gì. Mẹ ạ. Thật là con không biết. Con không biết.
Mẹ vỗ vỗ đầu gối con.
– Con này. – Mẹ nói – Nhìn mẹ nào! Mẹ sẽ nói con hay. Chẳng mấy chốc con sẽ thấy khá hơn.
Chóng thôi mà. Con cứ tin mẹ. Còn bây giờ, ta đi rửa ráy sạch sẽ mặc áo đẹp vào, và đến ngồi xem khiêu vũ.
Mẹ kéo Rosasharn vào phòng tắm rửa.
Bố và chú John ngồi xổm cùng với một nhóm đàn ông bên cạnh hàng hiên văn phòng, Bố nói:
– Suýt nữa thì chúng tôi tìm được việc làm, chỉ chậm hai phút thôi. Họ vừa thuê hai người mất rồi. Thế này, chuyện mới ngộ làm sao chứ! Ở đây có một tay chủ quèn, ý bảo tôi: “chúng tôi vừa nhận hai người, tiền công hăm lăm xu. Nhưng chúng tôi có thể còn lấy thêm nhiều người, cứ lấy công hăm lăm xu. Vậy các người, hãy về trại và báo cho họ muốn làm thì cứ hăm lăm xu một giờ…ai muốn đến cứ đến”.
Đám đông cựa quậy một cách nóng nảy. Một người có đôi vai rộng, khuôn mặt hoàn toàn bị bóng chiếc mũ đen che lấp, vỗ tay đánh đét vào đầu gối: – Mẹ kiếp! Tôi biết tỏng ra rồi, – ông nói to – Chúng ta sẽ tìm ra ối người, những người đang chết đói ấy mà. Với hai lăm xu thì không thể nuôi sống gia đình nhưng khi đã đói thì thế nào cũng nhận tất. Chúng ra sức bắt chẹt mình. Chúng phân phát việc làm theo kiểu đấu thầu, chả phiền toái gì. Lạy Chúa! Rồi có một ngày chúng bắt bọn ta trả tiền để có việc làm! – Khéo không chừng chúng tôi lại phải nhận vậy.
Bố nói – Nhà tôi chẳng có việc làm. Nói thật với các bác, tôi đã sẵn sàng để nhận, nhưng trông thấy cái bọn đó làm bộ làm tịch, chúng tôi thấy ớn.
– Cứ nghĩ đến cái đó là phát điên lên được! – Mũ đen nói -Tôi làm cho một người, mà sao nhỉ? Y không thể nào thuê hái hết trái cây được. Có gì đâu, tiền thuê hái trái cây bây giờ lại nhiều hơn tiền bán trái cây, cho nên y loay hoay chẳng biết xoay xở làm sao.
– Theo ý tôi. – Bố nói nửa chừng.
Cả đám người im lặng chờ đợi.
– Là thế này. – Tôi tự nhủ thế này, giả dụ như một cha nào đó có một mẫu đất riêng, một mẫu thôi. Tôi chẳng hạn. Lúc đó bà vợ có thể trồng trọt vớ vẩn gì đó và nuôi một hai con lợn với đàn gà. Cánh đàn ông sẽ đi làm, sau đó về nhà nghỉ. Lũ trẻ sẽ đến trường học, có thể thế lắm chứ. Chưa từng thấy ở đâu có trường học như thế này.
– Trong các trường học đó, con cái chúng ta có sung sướng nỗi gì – Mũ đen nói.
– Sao không? Tôi thấy những trường đó khá xinh đẹp mà! – Thế này nhé. Một đứa bé quần áo rách như xơ mướp chân không giày dép. Bên cạnh đó, bọn trẻ khác có giày có tất, bận quần áo đẹp, lại gọi thằng bé là giống Okie. Thằng con tôi cũng đã tới trường. Ngày nào nó cũng đánh nhau.. Mà hễ đánh là đánh ra trò. Mà cái thằng quỉ sứ, nó lại cứng cỏi ra phết. Nên chi, nó buộc phải đánh nhau hàng ngày. Về nhà thì quần áo rách tươm, chảy máu mồm máu mũi. Lại nữa, về nhà mẹ nó lại cho một trận đòn. Nhưng tôi cản được. Tội nghiệp thằng bé! Cơn cớ gì mà ai cũng nhè vào nó mà đánh! Nó làm gì tụi chúng đâu, lạy Chúa, trừ ra mấy đứa khốn kiếp có quần áo đẹp là nó dằn ngửa ra mà nện. Thật chả biết thế nào.
– Thế vậy tôi làm thế nào được đây? – Bố hỏi – Nhà tôi hết tiền. Một thằng con tôi quả là đã kiếm được việc, vài ba ngày, nhưng nó đâu có nuôi nổi cả nhà. Tôi sẽ tới đấy chịu lấy hăm lăm xu vậy thôi. Biết làm thế nào khác được.
Mũ đen ngẩng đầu lên, ánh sáng chiếu rõ một cái cằm râu xồm xoàm, một cái cổ gân guốc dưới đám tóc dài loã xoã.
– Phải đấy, – Y nói chua chát – Cứ đi đi. Tôi là người hăm lăm xu. Bác tới chiếm chỗ của tôi với hai chục xu. Sau này thì bụng tôi lép kẹp, tôi chiếm lại chỗ làm đó đổi lấy mười lăm xu. Cứ đi đi. Cứ làm đi.
– Lạy Chúa! Nhưng tôi biết làm thế quái nào bây giờ? – Bố nói – Dẫu sao thì tôi không thể chết đói để bác vẫn lĩnh hăm lăm xu.
Mũ đen lại cúi đầu xuống và cằm của y lại lẫn vào bóng tối.
– Tôi không biết sao, – Y nói – Đúng là tôi không biết sao. Phải làm mười hai tiếng một ngày, ăn không đủ no, thế đã khá cơ cực rồi, thêm vào đó lại còn vắt óc ra mà suy tính. Thằng bé nhà tôi thiếu ăn. Tôi không thể lúc nào cũng cứ suy nghĩ được. Rồi sẽ phát điên lên mất! Bứt rứt khó chịu, vòng người lặng lẽ lắc lư đôi cẳng.
Ở cổng ra vào, Tom kiểm soát những người đến dự buổi khiêu vũ. Một đèn pha soi sáng khuôn mặt khách mời. Willie Eaton nói: – Trông chừng đấy. Tớ cho Jules Vileta đến với cậu. Nó có dòng máu da đen, nửa Cherokec, tốt bụng. Hãy tinh mắt phát hiện cho được những đứa tình nghi.
– Ok – Tom đáp Anh chăm chú nhìn các tá điền đi vào cùng với cả gia đình, con gái có bím tóc dài, con trai ăn mặc chải chuốt để khiêu vũ. Jules đi tới đứng bên anh.
– Tớ đứng với cậu – Y nói.
Tom nhìn kỹ cái mũi khoằm, gò má cao dưới làn da nâu và cái cằm hơi lẹm.
– Họ nói cậu lai da đen. Mà da đen chính cống chứ còn lai gì! – Không. Chỉ một nửa thôi. Mình thích là da đen nguyên vẹn kia. Ít ra cũng có vùng đất dành riêng cho da đen. Một số da đen chính cống có khá nhiều ruộng đất.
– Cậu nhìn hộ tớ những người kia kìa. – Tom nói.
Khách mới ùn ùn kéo vào cổng – là những tá điền nhỏ cùng với gia đình, những người di tản ở các trại lân cận. Trẻ con thì cố giằng khỏi tay bố mẹ để được đi tự do, cha mẹ trầm tình cố níu giữ chúng lại.
– Những buổi khiêu vũ như thế này mới thật ngộ nghĩnh. – Jules nói – Người trong trại chúng ta chả có quái gì, nhưng chỉ cứ là mời được bạn bè thân thuộc tới khiêu vũ, thế cũng đủ mở mày mở mặt với thiên hạ, khiến họ thêm hãnh diện.
Và người ta kính trọng họ chính nhờ vào những buổi khiêu vũ này. Có một tay điền chủ nhỏ chỗ tôi vẫn làm thuê, có một lần đã tới khiêu vũ ở đây. Tôi đã mời y, và y tới. Y nói đây là cuộc khiêu vũ đúng đắn, khuôn phép nhất trong quận mà người ta có thể dẫn vợ và con gái tới được.
– Ê! Trông kìa.
Ba thanh niên có vẻ là ba công nhân mặc quần xanh đi qua cổng. Họ đi cạnh nhau. Người gác cổng hỏi, họ đáp lại rồi đi qua.
– Chú ý theo dõi chúng, – Jules nói, rồi anh tới gặp người gác, hỏi, – Ai đã mời ba thằng cha đó?
– Một người tên là Jackson, Ở Trại Bốn.
Jules trở lại nói với Tom.
– Tớ ngờ là chính chúng nó đấy.
– Làm sao cậu biết?
– Tớ không biết sao. Thoáng nghĩ như vậy, nom chúng có vẻ sợ sệt. Cậu đi theo chúng, nói với Willie để ý chúng cẩn thận, và lên gặp Jackson ở Trại Bốn hỏi cho rõ thế nào. Thể nào Jackson cũng phải thấy mặt chúng và cho biết chúng có phải là những tay đứng đắn không. Tớ ở lại đây.
Tom đi theo ba gã thanh niên. Chúng tiến về phía bục nhảy và bình tĩnh đứng ở hàng đầu. Tom bắt gặp Willie gần dàn nhạc, và ra hiệu cho ông ta.
– Có chuyện gì vậy? – Willie điềm tĩnh hỏi.
– Ba thằng kia.- ông thấy không? Kia kìa!
– Ờ… ờ…
– Chúng nói là có người tên là Jackson ở Trại Bốn mời chúng.
Willie nghển cổ, tìm thấy Huston và gọi Huston tới gặp họ.
– Ba gã ngồi kia kìa. – Willie nói – Phải đến tìm Jackson ở Trại bốn hỏi xem y có mời chúng không.
Huston quay gót đi, và một lát sau, trở về với một thanh niên gầy gò, vùng Kansas.
– Jackson đây.
– Này Jackson, anh thấy ba anh thanh niên kia chứ?
– Thấy.
– Anh mời họ đấy à?
– Không.
– Anh đã trông thấy mặt họ bao giờ chưa? Jackson quan sát chúng một cách chăm chú.
– Hẳn là thấy rồi, tôi với họ làm thuê ở nhà Gregoric.
– Thế thì họ biết tên anh?
– Hẳn rồi, tôi làm việc ngay bên cạnh họ.
– Được rồi. – Huston nói – Nhất là không nên đến gần họ. Nếu họ cư xử đứng đắn thì chúng ta không đuổi họ ra đâu. Cám ơn, Jackson.
– Giỏi lắm – Ông nói với Tom – Tôi ngờ đúng là chúng rồi.
– Chính Jules đã dò ra chúng.
– Tom nói – Cái thằng Jules cừ thật. Mà cũng chẳng có gì lạ. Dòng máu da đen của hắn đã đánh hơi ra chúng. Thôi tôi sẽ chỉ chúng cho các anh em khác biết.
Một chú bé trạc mười lăm tuổi chạy qua đám đông và thở hổn hển, đứng lại nói.
– Ông Huston ạ, hắn nói – cháu đã làm đúng như ông dặn, có một xe hơi chở sáu người đã dừng lại ở đường kia, dưới cây khuynh diệp. Mới lại một chiếc khác chở bốn người đỗ ở chỗ đường ngang, cháu đã vờ xin họ lửa. Họ có súng ngắn, cháu thấy. Đôi mắt Huston ánh lên vẻ nghiêm khắc dữ tợn.
– Willie ạ, anh có chắc là đã bố trí đâu vào đấy rồi chứ?
Willie cười nhăn nhở, khoái trá:
– Ông Huston ạ, ông có thể yên trí. Không có chuyện lôi thôi đâu.
– Được, đừng có đánh họ. Cẩn thận. Mà nếu có cách nào đó, cứ êm thấm, lịch sự. Tôi muốn gặp bọn chúng. Đưa chúng vào lều tôi.
– Để tôi đi xem nên thế nào, – Willie.nói.
Theo quy định buổi khiêu vũ thật sự chưa bắt đầu nhưng Willie đã bước lên bục. – Vào chỗ chuẩn bị nhảy Quađri – ông thét to.
Tiếng nhạc ngừng bặt, con trai, con gái thanh niên, thanh nữ từ các phía ùa đến, hòa lẫn vào nhau cho tới lúc dàn thành tám hình vuông trên bục rộng, rồi họ háo hức, chờ đợi. Các cô gái chìa tay ra phía trước, ngón tay ngoe nguẩy, còn bọn con trai, náo nức không yên lấy chân gõ nhịp.
Người già cả, ngồi yên khắp xung quanh sàn nhảy, mỉm cười hổn hển, ngăn không cho lũ trẻ chen lấn vào đám người khiêu vũ. Và ở đằng xa, những người Sùng kính Chúa, vẻ mặt khắc nghiệt, thù nghịch quan sát sự tội lỗi.
Mẹ và Rosasharn, ngồi xem trên một chiếc ghế dài. Mỗi lần có một chàng trai đến mời cô nhảy, bà lại nói:
– Không, em nó không được khoẻ.
Còn Rosasharn thì đỏ mặt và đôi mắt long lanh.
Người xướng lệnh tiến ra chính giữa bục và giơ cánh tay lên. – Sẵn sàng chưa? Cử nhạc lên! Ban nhạc cử bản nhạc Quađri “Cuộc khiêu vũ của đàn gà con”. Tiếng nhạc dâng lên dồn dập, và trong sáng – tiếng ò e của vĩ cầm, tiếng giọng mũi và nhọn sắc của khẩu cầm, tiếng dây trầm của đàn gita bùm bùm điểm nhịp. Người xuống lệnh loan báo các tiết mục, các ô vuông chuyển động rồi bắt đầu nhún nhảy, bước lên trước, lùi ra sau.
– Xoay vũ nữ, nào! – Người xướng lệnh lại hô.
Và bị cuốn theo đà mê loạn, ông ta cũng khẽ đập chân cũng khệnh khạng bước lui bước tới, vạch đường đi qua các hình ô vuông.
– Xoay vũ nữ đi, hấp la! Tay nắm tay, tiến lên, lên.
Tiếng nhạc lúc bổng lúc trầm, và những gót giày thanh thoát gõ trên bục gỗ, bục gỗ vang vang như mặt trống.
– Một vòng sang phải – một vòng sang trái! Tách nhau ra nào! – Tách nhau ra, nào! Tách nhau ra – Lưng tựa lưng, nào! – Người xướng lệnh ngân nga cái giọng đều đều rung vang.
Chính vào lúc này, tóc tai các cô gái mà đã được chải chuốt, đang sổ tung. Chính lúc này mồ hôi chảy nhỏ giọt trên trán đám thanh niên. Chính lúc này mà các tài ba biểu diễn điệu nhảy đập đập chân. Những người già ngồi xung quanh bục, bị nhịp đập lôi cuốn cũng khẽ dẫm chân, khẽ khẽ vỗ tay đánh nhịp, và mỉm cười với nhau khi các ánh mắt giao nhau, đều lắc lư tỏ dấu tán thưởng.
Mẹ ghé tai Rosasharn:
– Nói thì con không tin, chứ xưa kia Bố con lúc còn trẻ, ông ấy là tay nhảy giỏi nhất, mẹ chưa từng thấy – Bà mỉm cười nói tiếp – Nhìn người ta khiêu vũ mẹ nhớ lại thời thuở trước.
Và trên khuôn mặt các khán giả, những nụ cười cũng đượm nét xa xưa.
– Cách đây hai mươi năm, về phía Musgokee tôi biết một người mù chơi vĩ cầm.
– Có lần tôi thấy một thanh niên nhảy một cái đập gót bốn lần.
– Ở trên kia, vùng Dalita, có những người Thụy Điển. Bác có biết nhiều lúc họ làm gì không? Họ rắc hạt tiêu lên sàn. Hạt tiêu bốc lên dưới váy các cô gái khiến các cô đâm ra nhí nha nhí nhảnh đến dễ thương là. Họ nhún nhảy như con búp bê cái tơ động đực. Bọn người Thụy Điển thỉnh thoảng họ chơi thế đấy.
Cách xa đấy một quãng những người Sùng Kính Chúa trông coi giữ gìn con cái ngang bướng của họ. Họ nói:
– Chúng mày hãy nhìn tội lỗi phơi bày như thế nào. Bốn người đó rồi sẽ xuống thẳng hỏa ngục, cưỡi trên que cời lửa mà xuống. Thật là một sự hổ nhục cho những con chiên của Chúa buộc phải trông thấy cảnh tượng đó.
Lũ con của họ lặng lẽ bứt rứt.
– Thêm một vòng nữa rồi tạm nghỉ – người xướng lệch gào to.
Các cô gái nóng bức, đỏ dừ. Trong khi nhảy họ há mồm, nét mặt nghiêm trang trịnh trọng. Và bọn con trai, hất tóc ra sau, nghênh ngang, nhún mũi chân, đánh gót kịch kịch. Các ô vuông tiến lên, lùi gót, giao nhau tứ phía, quay tròn, và nhạc thêm cuồng nhiệt.
Rồi đột nhiên tất cả ngừng bặt. Các cặp nhảy đứng im phắt, hổn hển. Thế là lũ trẻ con, giằng khỏi những bàn tay níu giữ, nhảy lên choán sàn nhảy, đuổi bắt nhau loạn xạ chạy thình thịch, giật cướp mũ nhau, kéo tóc nhau. Người nhảy ngồi xuống, lấy tay quạt gió. Các nhạc công đứng lên duỗi chân duỗi tay cho khỏi bị tê, rồi lại ngồi xuống. Còn các tay chơi ghi ta vẫn tiếp tục bấm nhẹ trên dây đàn.
Tiếng của Willie bỗng lại vang lên: – Đôi bạn nhảy? Sửa soạn nhảy một Quađri. Nếu còn hơi.
Các người nhảy lại đứng lên, và những tài tử mới nhào đi tìm bạn nhảy. Tom đứng gần ba thanh niên. Anh thấy chúng rạch đường đi qua bục nhảy và tiến về phía một trong những ô vuông đang hình thành. Anh đưa tay ra hiệu cho Willie, Willie nói cái gì đó với tay chơi vĩ cầm. Anh này đưa mã vĩ lướt ken két trên dây. Hai mươi anh con trai từ từ lững thững đi ngang qua bục nhảy. Ba gã kia vừa tới ô vuông, một tay trong bọn nói:
– Tớ mời cô kia.
Một thanh niên bé nhỏ, tóc hoe, ngạc nhiên ngước mắt lên.
– Cô ta nhảy với tớ.
– Này, cái thằng khốn khiếp! Xa xa, trong bóng đêm, một tiếng còi rít lên xé tai. Nhưng chưa gì, cả ba gã thanh niên đã bị vây kín, bị những bàn tay thép giữ chặt. Và từ từ, từ từ bức tường sống đi ra khỏi bục nhảy.
Willie gào lên:
– Phát đi! Nhạc bùng lên, người xướng lệnh ngân nga báo hiệu hình nhảy, và các bàn chân nện thình thịch trên bục. Một chiếc xe du lịch đỗ lại trước cổng. Người lái nói:
– Mở ra? Hình như chỗ các anh định dấy loạn?
Người gác đứng nguyên ở vị trí:
– Chỗ tôi làm gì có dấy loạn. Nghe âm nhạc kia kìa. Ông là ai vậy?
– Cảnh sát.
– Ông có lệnh khám xét không?
– Đã có dấy loạn thì chả cần tờ lệnh.
– Vậy thì, ở đây không có dấy loạn. Những người ngồi trên xe lắng nghe, nhưng chỉ nghe tiếng nhạc và tiếng người xướng lệnh. Thế là chiếc xe rồ máy, chạy từ từ và đến đậu tại một con đường ngang gần đấy.
Ở giữa khối người đang chuyển động, ba gã thanh niên không tài nào cựa quậy hoặc kêu được một tiếng, miệng mỗi đứa bị một bàn tay bít lại còn cổ tay bị xiết giật cánh khuỷu, lúc họ đi tới chỗ tối nhóm người giãn ra.
Tom nói:
– Thế này mới gọi là ra tay! Anh giữ rịt lấy cổ tay của nạn nhân ở phía sau. Willie chạy ra khỏi bục và đến gặp họ – Tuyệt quá! – Anh nói – giờ thì sáu người cũng đủ. Huston muốn thấy mặt quân này.
Huston đích thân từ trong bóng tối hiện ra:
– Chính bọn này à?
– Đúng. – Jules nói. – Chúng đã dẫn xác đến. Đã tìm cách bắt đầu gây chuyện, nhưng không đủ thì giờ múa máy.
– Xem mặt mũi chúng ra sao nào?
Ba tù nhân bị xoay ngoắt lại, đứng trước mặt ông ta. Chúng cúi đầu. Huston chiếu đèn pin, soi cái mặt tiu nghỉu của từng đứa một.
Ông hỏi:
– Tại sao các anh lại làm ăn thế?
Không có trả lời.
– Lạy chúa! Ai xui các anh làm như vậy?
– Lạ chưa, chúng tôi chả làm gì sất! Chúng tôi chỉ muốn khiêu vũ thôi.
– Nói láo! – Jules nói – Chúng mày định đấm thằng bé ngoài kia.
– Thưa ông Huston, – Tom xen vào – Chính lúc mấy người anh em kia xông vào, thì nghe một tiếng huýt còi. – Phải, tôi biết! Cảnh sát đã tới trước cổng.
Ông ta quay lại:
– Chúng tôi không làm gì các anh đâu.
– Giờ thì nói tôi biết, ai sai các anh phá đám tối vui của chúng tôi?
Ông chờ đợi một tiếng đáp:
– Các anh đều là những người cùng cảnh với chúng tôi. Làm sao mà các anh lại tới đây? – Ông nói với giọng buồn bã. Các anh là những người như chúng tôi. Chúng tôi biết rõ cả rồi.
– Mẹ kiếp! Người ta phải ăn chứ!
– Thế vậy ai sai các anh đến? Ai thuê tiền các anh đến đây?
– Chúng tôi chưa được trả tiền.
– Và các anh cũng sẽ không được trả nữa đâu. Không có đánh lộn, không có tiền công đánh lộn. Tôi nói thế, có đúng không nào?
Một trong bọn bị bắt, nói:
– Các ông muốn làm gì thì làm. Chúng tôi không chịu nói đâu.
Huston cúi đầu một lát, rồi ông nói khe khẽ.
– Ok, đừng nói gì hết. Nhưng các anh nghe đây. Việc các anh làm vừa nãy chẳng khác thọc dao vào lưng anh em. Chúng tôi cố tìm cách sống yên ổn, giải trí một chút nhưng vẫn giữ trật tự. Các anh đừng đến phá hoại tất tật. Hãy suy nghĩ một chút. Các anh tự mình làm hại mình thôi. Thôi các cậu, dẫn họ ra lối sau, trèo qua hàng rào. Và đừng có đánh đập họ. Họ làm bậy mà họ không biết.
Toán người từ từ chuyển động tới phía bên kia trại. Huston đưa mắt nhìn theo.
Jules nói:
– Chúng cháu đá đít cho mỗi đứa một cái chứ?
– Không, không được! – Willie nói. – Ta đã nói là không làm thế.
– Ôi! Đá khẽ tí chút thôi mà bác, – Jules nài nỉ – Chỉ đánh võng chúng qua đầu bờ rào thôi mà.
– Không là không, – Willie khăng khăng. Rồi nói với những tên kia – các anh nghe đây, lần này chúng tôi châm chước cho các anh. Nhưng các anh hãy nhớ lấy. Nếu vô phúc mà để xảy ra lần nữa, người ta sẽ tẩn cho các anh một trận gẫy xương. Báo cho đồng bọn của các anh biết, Huston có nói các anh đúng là những người cùng cảnh như chúng tôi. Có thể lắm. Nhưng nghĩ đến điều đó, tôi thấy não cả ruột.
Họ đi tới bờ rào. Hai người đứng gác ở đấy đứng lên và lại gần. Willie nói với họ:
– Mấy anh này vội về.
Cả ba đứa leo qua hàng rào và biến đi trong đêm. Cả toán hối hả quay trở lại dự cuộc khiêu vũ. Giàn nhạc đang chơi bài Lão già Dan Tucker, nhạc rên rỉ, te te. Ngồi xổm ở gần văn phòng, đám đàn ông vẫn mải bàn luận, và những nhạc điệu lanh lảnh vẫn vọng tới tai họ. Bố nói:
– Sắp sửa có chuyện thay đổi đây. Tôi không biết đích xác thế nào. Dễ chừng chúng ta không còn ở đây để chứng kiến. Nhưng sắp có thay đổi.
Phảng phất như có cái gì không yên. Người ta thấy bứt rứt quá nên chả biết được là cái gì. Mũ Đen lại ngẩng đầu lên, và ánh sáng chiếu rõ bộ râu tua tủa. Y lượm mấy hòn sỏi nhỏ dưới đất lên lấy ngón tay cái bắn đi như bắn hòn bi.
– Tôi không biết thế nào, nhưng đúng như bác nói, cứ tình hình này thì sắp có gì thay đổi. Có người nói với tôi, chuyện đã xảy ra ở Akrim, ở Chio, ở các công ty Cao su. Họ thuộc người miền núi đến làm vì công sá hạ. Nhưng những thằng cha miền núi đó, chúng bắt đầu ghi tên vào nghiệp đoàn. Lúc đó thì cứ gọi là lung tung phèng! Thế là bọn chủ hiệu, bọn lê dương, chúng tập luyện và kêu om sòm: “Bọn đỏ!”. Chúng định quét sạch nghiệp đoàn ra khỏi A. Kron. Các mục sư đã bắt đầu giảng thuyết về chuyện đó, báo chí thì tru tréo còn các Công ty Cao su thì phân phối cán cuốc với mua lựu đạn hơi. Tưởng chừng mấy thằng cha miền núi là quỉ dữ hiện hình.
Y ngừng lại, tìm thêm mấy hòn sỏi, rồi tiếp tục:
– Chuyện xảy ra vào tháng ba vừa rồi. Thế là một ngày chủ nhật, năm ngàn gã miền núi tổ chức một cuộc bắn thi, ở cổng ra vào thành phố. Năm ngàn. Và họ chỉ vác súng diễu hành qua thành phố. Bắn thi xong họ lại diễn qua thành phố để trở về. Trước sau, họ chỉ làm có thế, nhưng từ đó họ chẳng mảy may bị chuyện lôi thôi. Tất cả những uỷ ban công dân đã trả lại cán cuốc, các chủ tiệm trở về tiệm của mình, chả ai bị nện dùi cui, chả ai bị phết dầu hắc ín trộn lông chim 4, chả ai bị giết.
Im lặng một lúc lâu, rồi Mũ Đen nói tiếp:
– Ở đây, chúng đang bắt đầu trở nên hiểm độc. Hôm trước chúng đã đốt trại và dùng dùi cui đánh khắp lượt. Tôi tự nhủ, chúng ta có súng trong tay, tôi tự nhủ có lẽ chủ nhật nào chúng ta cũng tổ chức thi bắn và họp mặt.
Những người đàn ông ngước mắt nhìn y rồi lại cúi mặt xuống đất, luôn luôn đổi chân đứng một cách bứt rứt.
Chú thích
1. Panhandle: một phần của Te xax, hình cán xoong.
2. Nguyên văn: Chỉ có pho m át và bánh qui ròn. Bản tiếng Pháp dịch: toàn màu hồng.
3. Nguyên bản: Gái 1 con trông bao giờ cũng đẹp hơn.
4. Một hình phạt kiểu Lynchage đối với người da đen.