Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chùm Nho Phẫn Nộ

Chương 26

Tác giả: John Steinbeck

Ở trại Weedpatch, vào một buổi chiều, ánh lửa hoàng hôn đốt cháy đỏ rực các bờ mây dài kẻ dọc treo lơ lửng phía trên mặt trời. Gia đình Joad còn ngồi nán lại sau bữa ăn tối. Mẹ vẫn do dự chưa bắt đầu rửa chén đĩa.

Ta phải làm cái gì đó thôi. – Mẹ nói và chỉ vào Winfield – nhìn xem đây, ban đêm nó cứ giật mình và trăn trở, nước da nó xấu lắm nhìn xem.

– Toàn bánh tráng, – Mẹ nói – Đã được một tháng nay. Tom chỉ làm thuê được năm ngày, vẻn vẹn năm ngày. Còn các ông, các ông vẫn cứ chạy ngược chạy xuôi rạc cả người, hết ngày nọ sang ngày kia, nhưng việc làm, không vẫn hoàn không.

– Chúng ta không còn tiền nữa. Các ông không dám nói ra. Các ông sợ không dám nói ra. Tối tối ăn xong, các ông lại bỏ đi tha thẩn. Các ông không chịu nói ra. Thế không được. Phải nói ra. Rosasharn sắp đến ngày ở cữ và các ông nhìn sắc mặt nó mà xem. Phải quyết định làm cái gì đi. Vậy chưa tìm ra được cách gì đó thì tôi chẳng muốn ai đứng lên, hãy ngồi lại đã. Chúng ta còn mỡ đủ ăn một ngày, bột hai ngày, với mười củ khoai tây. Ai ở đâu cứ ngồi đấy, vắt óc nghĩ xem sao! Họ vẫn mắt dán xuống đất. Bố lấy con dao nhíp cạo cạo móng tay. Chú John búng búng một cái mảnh gỗ trên cái thùng chú ngồi. Tom trề môi dưới kéo nó xuống để hở cả răng. Rồi anh buông tay, nói:

– Mẹ ạ, vẫn tìm đấy. Từ ngày không thể nào cứ phí hoài xăng, thì toàn đi bộ. Đã dừng lại trước mọi cổng, trước mọi nhà, ngay dù đã biết là sẽ chẳng tìm được gì. Mãi rồi cũng thấy chán ngán, khổ tâm vì phải tìm kiếm một cái gì đó mà mình biết là không có.

Mẹ nói giọng dữ tợn:

– Con không có quyền chán nản. Gia đình ta đang xuống dốc. Con không có quyền buông xuôi.

Bố ngắm nghía cái móng tay cắt xén:

– Phải đi thôi, – Ông nói. – Kể ra thì cũng chả muốn dời đi. Ở đây dễ chịu, toàn những người tử tế. Đi thì sợ lại rơi vào một trong các ngoại ô Hooverville. Thôi, nếu bất đắc dĩ mà phải đi, thì cứ đi. Cốt nhất làm sao có ăn.

Al xen vào:

– Con đã cố gắng đổ đầy một thùng xăng để trên xe. Con không cho bất cứ ai đụng tới. Tom mỉm cười:

– Thằng Al nhà ta, nom hùng hùng hổ hổ, nhưng nó sáng ý ra phết.

– Đã thế thì suy nghĩ đi, – mẹ nói – Tôi không muốn đứng đây mà nhìn cả nhà chết đói. Mỡ ăn chỉ còn vừa vặn cho một ngày. Tất tật có thế. Rosasharn chẳng mấy lúc sẽ ở cữ, và phải nuôi nó. Các người hãy nghĩ xem!

– Ở đây có nước nóng và các nhà vệ sinh. – Bố nói.

– Những thứ đó không ăn được.

Tom nói:

– Hôm nay có một thằng cha đi tìm người để đưa đến Marysville hái quả.

– Vậy thì, còn đợi gì mà không đi Marysville? – Mẹ hỏi.

– Con cũng không biết sao. – Tom nói – Xem ra chuyện này chả có gì đúng đắn. Hắn ta có vẻ lo lắng thế nào ấy, không muốn nói rõ định trả bao nhiêu. Hắn nói hắn không biết đích xác.

Mẹ quyết định.

– Chúng ta đi Marysville. Hắn trả bao nhiêu mẹ cũng chả cần. Đi Marysville.

– Xa lắm Mẹ ạ – Chúng ta không có tiền mua xăng. Không thể đến nơi được. Mẹ bảo chúng con phải suy nghĩ. Thì đầu óc con có thảnh thơi lấy được một phút đâu. Chú John nói:

– Có người mách với tôi là sắp đến lúc hái bông rồi, ở trên miền bắc, phía Tulare. Theo y thì chẳng xa lắm.

– Đã thế thì Tulare, mà xoắn lên. Ở đây dễ chịu, ai cũng tử tế, nhưng nhất định tôi không ở đây thêm nữa.

Mẹ xách xô đi lấy nước nóng ở nhà tắm rửa.

– Mẹ dạo này đâm ra khó tính quá – Tom nói – Gần đây con thấy Mẹ giận dữ cáu kỉnh thế nào ấy. Cứ là sôi sục lên.

Bố nói, có vẻ khuây khoả.

– Dẫu sao thì tình hình thế nào, bà ấy cũng đã nói trắng ra. Bao nhiêu đêm, tao cứ thao thức suy nghĩ nát óc. Bây giờ, ít ra ta cũng có thể nói thẳng ra; chả phải úp mở gì.

Mẹ trở về với xô nước nóng bốc hơi.

– Thế nào? – Mẹ nói – Bố con đã nghĩ được gì chưa? – Đang bàn tính vấn đề, – Tom nói – Tại sao chúng ta không đi lên miền Bắc, ở đấy sắp đến mùa bông? Chúng ta đã lặn lội khắp xứ này rồi, đã biết là ở đây chẳng có gì – thế vậy, giá ta thu xếp hành lý và đi lên miền Bắc, có hơn không? Như thế, lúc mùa hái bông mềm mại trong bàn tay, con thích thích là.

– Al ạ, bình xăng có đầy không?

– Gần đầy. Còn thiếu chừng ba đốt ngón tay.

– Như thế thì chắc là đi được tới trên kia.

Mẹ đang rửa một chiếc đĩa, bèn hỏi:

– Thế sao?

Tom nói:

– Mẹ thắng rồi, mẹ ơi. Con thiết nghĩ ta nên dời đi. Thế nào hở bố?

– Ờ, tao nghĩ là chúng ta phải đi. – Bố nói. Mẹ liếc nhìn ông.

– Bao giờ?

– Ờ, chả cần phải đợi. Chi bằng sáng mai.

– Sáng mai là phải đi. Chúng ta còn lại những gì, tôi đã nói rồi đấy.

– Này, mẹ nó ạ, đừng tưởng là tôi không muốn đi đâu nhé. Đã mười lăm ngày nay, tôi nào có được ăn no, hay ít ra, ăn cái gì đó để cầm hơi.

Mẹ nhúng chén đĩa vào nước, nói:

– Sáng mai chúng ta đi.

Bố khịt khịt mũi, nói giọng mỉa mai:

– Hình như chuyện đời đổi thay. Ngày trước, đàn ông quyết định. Xem ra ngày nay đàn bà giành hết quyền ăn nói. Thiết nghĩ đã đến lúc tôi phải đi kiếm một chiếc gậy.

Mẹ vừa đang đặt chiếc đĩa còn ướt ròng ròng lên một cái hòm cho ráo nước. Bà vừa cắm cúi vào công việc vừa mỉm cười.

– Việc ông cứ đi mà tìm gậy, bố nó. Lúc nào nhà ta có cái ăn và cái góc nào đó để ở. Lúc đó, ông có thể dùng gậy, giữ cho da thịt lành lặn. Còn bây giờ, việc ông ông chưa làm, đầu óc để không, đôi tay để không. Nếu làm được thế, ông có thể dùng gậy, và ông sẽ thấy đàn bà chúng tôi không dám ho he, len lén một phép. Nhưng giờ đây, ông có gậy mặc ông, ông không đụng tới tôi được đâu, ông sẽ phải đánh nhau với tôi, vì tôi cũng có cái gậy sẵn sàng để hầu ông.

Bố cười gượng gạo:

– Trước mặt con cái. Mẹ mày ăn nói như thế mà nghe được à?

– Ông hãy xoay xở sao cho chúng có cái gì nhét vào bụng chúng trước khi bàn đến chuyện tốt xấu đối với chúng. Bố phẫn nộ bỏ đi, chú John đi theo.

Đôi bàn tay Mẹ hối hả trong nước nhưng mắt vẫn nhìn theo hai người, và bà kiêu hãnh nói với Tom:

– Không có chuyện gì đâu. Bố con đâu có chịu thua. Trái ý bố, bố vẫn còn có thể nện cho Mẹ một cái tát bốp.

– Mẹ cố tình chọc tức bố hay sao? – Tom vừa hỏi vừa cười.

– Cố nhiên rồi. Con hiểu không, một người đàn ông có thể tự làm khổ mình rồi bực bội cáu gắt cho tới một ngày nào đó y lăn ra mà chết, không còn đủ tinh thần mà chống chọi nữa. Nhưng, nếu người ta kích thích y, khiến y nổi đoá, thì thế nào? Y sẽ bật dậy ngay. Con xem. Bố chả nói gì, nhưng lúc này ông ấy đang giận tím ruột. Mẹ nói không sai, sẽ thấy thôi. Bây giờ thì bố vững vàng rồi.

Al đứng lên.

– Con đi dạo một tí, ở dãy lều kia thôi.

– Tốt hơn là mày nên xem cho chắc, xe đã sẵn sàng chưa. – Tom khuyên.

– Sẵn sàng rồi.

– Nếu có trục trặc thì coi chừng đấy, tao sẽ để mặc cho Mẹ nói chuyện với mày.

– Sẵn sàng rồi, em đã bảo mà. – Và nó khoái trá bỏ đi dọc các dãy lều.

Tom thở dài:

– Con đã thấy mệt mỏi lắm rồi. Mẹ ạ. Sao mẹ cũng không làm cho con phải tức giận lên?

– Con có ý có tứ hơn. Tom ạ. Mẹ chả cần phải chọc cho con giận. Nếu Mẹ có chỗ nương tựa, thì chính là con đấy. Những người khác. Mẹ cảm thấy có phần nào xa lạ. Còn con, ít ra, con cũng không chịu bỏ cuộc.

Tất cả mọi trách nhiệm đổ lên vai Tom. Anh nói: – Con không thích như vậy. Con muốn làm sao cũng có thể đi nhởn nhơ như thằng Al. Và con cũng muốn có thể căm giận như Bố, uống say mèm như chú John.

Mẹ lắc đầu:

– Không thể được đâu. Tom ạ. – Mẹ biết chứ, Mẹ biết thế thuở con còn bé tí. Con sinh ra không phải để như họ. Có những kẻ chỉ biết đến bản thân họ, ngoài ra chẳng biết gì khác. Cứ nhìn thằng Al mà xem, nó chỉ là một thằng chỉ biết bám lấy bọn con gái. Nhưng con, con, chưa bao giờ thế Tom ạ.

– Có chứ Mẹ! Con vẫn còn như thế.

– Không hề. Những gì con làm đâu phải chỉ vì con. Mẹ hiểu ra điều đó chính khi họ bắt bỏ tù con. Cái đó đã rõ quá rồi. – Thôi, thôi. Mẹ ơi, cái đó không đúng đâu. Mẹ chỉ tượng tượng ra thế thôi.

Mẹ đặt dao, nĩa lên chồng đĩa.

– Có thể lắm, Có thể là Mẹ tưởng tượng ra thế. Rosasharn này, hãy lau khô chén đĩa và xếp dọn đi.

Người thiếu phụ nặng nhọc đứng lên, cái bụng to nhô ra phía trước. Cô nặng nề đi lại gần cái hòm và cầm lấy một chiếc đĩa sạch.

Tom nói: – Bụng cô ấy cứ căng lên thế kia thì rồi cô ấy chả có thể mở to mắt được.

– Con có thôi đi không, sao cứ đùa em nó thế! – Mẹ nói – Rosasharn nó ngoan lắm. Đi đi, chào từ biệt bà con, những ai đó tùy ý con.

– O.k – Tom nói – Con sẽ đi hỏi xem phải đi bao nhiêu đường đất.

Mẹ nói với người thiếu phụ:

– Anh nói đùa tếu đấy thôi. Chứ chẳng có ý gì làm cho con phải buồn đâu. Ruthie và Winfield đi đâu rồi?

– Chúng đã lỉnh đi, theo sau Bố. Con thấy.

– Thôi mặc kệ chúng.

Rosasharn đi lại một cách nặng nề. Bà mẹ dõi mắt trông chừng.

– Con thấy có khoẻ không? Nom mặt con hơi sút đấy.

– Con không có sữa, người ta bảo con đáng lẽ phải uống sữa.

– Mẹ biết. Nhà không có sữa, biết sao được?

Rosashanl nói giọng rầu rầu:

– Nếu Connie không bỏ đi, chắc giờ đây, chúng con đã có một căn nhà, anh ấy chắc đang học tập. Đáng lẽ con đã có sữa đủ dùng. Được thế, thì đứa bé mới xinh. Giờ thì chắc nó không xinh được nữa. Lẽ ra con đã có sữa ăn.

Cô thò tay vào túi tạp dề rút ra cái gì đó và bỏ vào miệng.

– Con nhai cái gì đấy?

– Không.

– Thế cái gì lúng búng trong miệng ấy?

– Chỉ có một mẩu phấn thôi. Con đã kiếm được một cục to.

– Nhưng này, ăn thế có khác gì ăn đất!

– Con thèm ăn như thế quá! Mẹ im lặng một lát. Bà duỗi chân, kéo căng vạt áo, và bà nói:

– Mẹ biết là tại sao rồi. Hồi có nghén, mẹ đã ăn than. Một cục to. Bà Nội bảo là không được ăn bậy bạ như vậy. Đừng nói chuyện ngốc nghếch về đứa bé. Thậm chí con không được phép nghĩ đến.

– Con không có chồng! Con không có sữa!

– Con mà khoẻ mạnh thì dễ chừng mẹ đã đánh cho con mấy cái tát.

Bà đứng lên và đi vào lều. Chốc sau bà trở lại, đứng trước mặt con gái và chìa bàn tay xoè rộng:

– Nhìn đấy! Những đôi khuyên tai bằng vàng lóng lánh trong lòng bàn tay của bà. Của con đấy! Đôi mắt của người thiếu phụ rực sáng trong giây lát rồi cô quay mặt đi.

– Con chưa xỏ lỗ tai.

– Ô, chóng thôi mà, mẹ sẽ xỏ tai cho.

Mẹ lại quay vào lều rồi lại ra ngay, với một chiếc hộp giấy bồi. Thoắt một cái, bà xỏ chỉ vào kim chắp đôi lại và thắt một dây nút. Bà lại xỏ chỉ một chiếc kim khác và cũng làm tương tự. Bà tìm được một mảnh nút chai nhỏ.

– Ôi! Đau lắm! Đau lắm! Con chả đâu.

Mẹ tiến về phía con gái, đặt miếng nút chai sát dái tai rồi đẩy kim xuyên qua thịt.

Thiếu phụ tỏ ra một cử chỉ nôn nóng.

– Ái đau, đau lắm

– Thế này thì đau gì?

– Ôi! Đau chứ, đau lắm.

– Thôi sang tai kia.

Bà lại để miếng nút chai theo như cũ và xuyên tai kia.

– Đau quá, mẹ à.

– Suỵt, xong rồi.

Rosasharn nhìn bà bằng đôi mắt tròn xoe. Mẹ cắt chỉ để rút kim ra và thắt một cái nút chỉ qua dái tai, bà nói:

– Bây giờ mỗi ngày phải kéo thêm một nút độ mười lăm ngày sau là con đeo hoa tai được. Bây giờ là của con đây. Con giữ lấy.

Rosasharn khẽ sờ tai và nhìn những giọt máu nhỏ xíu trên ngón tay.

– Không đau Mẹ nhỉ! Chỉ hơi rát thôi.

– Lẽ ra phải xâu tai cho con đã lâu rồi. – Mẹ nói.

Bà nhìn thẳng vào khuôn mặt con gái và mỉm cười với vẻ đắc thắng.

– Bây giờ, con hãy rửa bát đĩa gấp lên. Đứa bé của con sẽ rất xinh. Suýt nữa mẹ để con sinh đẻ mà không xuyên tai cho con. Nhưng thôi giờ thì con chả còn phải sợ gì nữa.

– Làm thế này, hay lắm hở mẹ?

– Hay đứt đi chứ – Mẹ nói – Còn phải hỏi!

Al ung dung bước dọc lối đi hẹp, tiến về phía bục khiêu vũ. Đến trước một cái lều nom có vẻ ngăn nắp, hắn huýt sáo khe khẽ, rồi lại bước đi.

Đến đầu bãi, hắn ngồi xuống cỏ. Ở phía tây, các đám mây đã mất đi các đường viền đỏ và bắt đầu tối mờ dần ở giữa. Al gãi gãi bắp vế và ngắm nhìn bầu trời buổi hoàng hôn.

Chỉ một lát sau, một cô gái tóc vàng hoe xinh xắn, mảnh dẻ, bước lại gần, cô ta lẳng lặng ngồi xuống chỗ gần Al, Al đưa tay lần ôm ngang thắt lưng của cô và ngón tay hắn lần mò khắp người cô.

– Thôi. – Cô nói – Anh đừng cù em nữa.

– Sáng mai nhà anh đi.

Cô ta ngửng đôi mắt, thảng thốt:

– Mai? Đâu thế?

– Lên miền Bắc – Hắn trả lời.

– Nhưng, chúng mình sắp cưới nhau, không à?

– Cố nhiên, chờ ít lâu nữa thôi.

– Thế mà anh lại nói sắp sửa! – Cô kêu lên giận dữ.

– Thì sắp sửa hay ít lâu, cũng như nhau thôi.

– Anh đã hứa.

Hắn lại đưa ngón tay lần mò xa hơn.

– Thôi đi – cô kêu to – Anh nói chúng ta sẽ cưới nhau.

– Thì chính thế mà lại.

– Chính thế, nhưng bây giờ anh lại bỏ đi.

Al hỏi:

– Em làm sao thế? Có bầu rồi à?

– Không, em chưa có bầu.

Al cười:

– Thế ra, anh nhọc công vô ích sao, hả?

Cô ta vênh cằm lên, đứng bật dậy:

– Al Joad, đừng có động đến tôi. Tôi không muốn nom thấy cái mặt anh nữa.

– Ồ, thôi mà. Chuyện gì mà phải thế.

– Anh tưởng anh muốn gì được nấy, hả?

– Đừng nóng giận.

– Anh tưởng em buộc phải ra đây với anh phải không? Vậy là nhầm. Em có ối dịp.

– Ồ? Đừng nóng lên thế.

– Không, ông ơi, ông đi đi. Bất thình lình, Al nhảy lên, chộp lấy mắt cá chân cô ta, ngoéo chân cô ta ngã ngửa, nhưng hắn lại vội túm lấy cô và lấy tay úp lấy miệng cô. Cô cố gắng cắn gan bàn tay hắn, nhưng hắn khum tay lại, còn với cánh tay, hắn dằn cô xuống đất.

Trong chốc lát, cô ta nằm im và sau đó cả hai đứa nô đùa lăn lóc trong cỏ khô. Al nói:

– Chẳng mấy chốc nữa, bọn anh sẽ trở về. Tiền rủng rỉnh đầy túi. Chúng mình sẽ đi Hooverville xem xinê.

Cô nằm ngửa, Al cúi xuống mặt cô. Và trong đôi mắt cô, hắn thấy lấp lánh ngôi sao hôm và một bóng mây đen.

– Chúng ta sẽ đi tàu hoả. – Al nói.

– Theo anh thì bao lâu nữa?

– Ôi! Dễ chừng một tháng – Hắn trả lời.

Trời tối dần. Ngồi xổm dựa vào bờ hè của trụ sở. Bố và chú John bàn luận với các người cha gia đình khác. Họ dò xét màn đêm và dò xét tương lai. Viên quản trị người nhỏ bé, quấn áo trắng tinh tươm sơn gấu ngồi chống khuỷu tay vào lan can. Nét mặt ông mệt mỏi, cau lại.

Huston ngược mắt nhìn ông ta:

– Ông anh ạ, đi chợp mắt một chút thì tốt hơn.

– Đúng, như thế thì tốt hơn. Đêm qua ở trại ba, có trẻ sơ sinh ra đời. Tôi đang sắp sửa trở thành một bà đỡ đẻ mát tay đấy.

– Đàn ông phải biết thế! – Huston nói – Đàn ông có vợ phải biết chuyện đó.

Bố nói:

– Sáng mai chúng tôi lên đường.

– Thế hả! Phía nào vậy?

– Thế này, chúng tôi nghĩ là nên đi về mạn Bắc thêm một tí, thì tốt hơn. Cố gắng tới đúng vụ bông. Ở đây, chúng tôi không tìm được việc làm. Hết cả thực phẩm rồi.

– Bác biết trên đó có việc làm chưa?

– Chưa, nhưng điều chắc là ở đây không có.

– Muộn một chút sẽ có, – Huston nói – Chúng ta hãy cố cầm cự cho tới lúc đó.

– Phải ra đi, chúng tôi buồn tiếc lắm, – Bố nói – Anh em ở đây tốt với chúng tôi đến thế. Ở đây có buồng vệ sinh, có tất tật, nhưng cần phải có ăn. Chúng tôi còn một thùng xăng đầy. Mong kiếm được ít tiền trên đường trường. Ở đây, ngày nào cũng tắm một lần. Chưa hề sạch sẽ như thế. Kể cũng ngộ, hồi trước, mỗi tuần tôi chỉ tắm có một lần, ấy thế mà không thấy hôi hám. Nhưng bây giờ nếu một ngày không tắm được một lần, thì tôi cảm thấy hôi hám. Tôi tự hỏi, không biết có phải tại mình tắm luôn chăng?

– Có lẽ trước đây bác không để ý đấy thôi. – người quản trị nói.

– Có lẽ thế, ước gì có thể ở lại đây.

Người quản trị nhỏ bé đưa tay ôm lấy thái dương:

– Tôi nghĩ là đêm nay lại sẽ có thêm một cháu bé.

– Chẳng lâu la gì nữa, chúng tôi cung sắp có một cháu. Chỉ ước gì nó sinh ở đây.

Tom, Willie và anh người lai Jules ngồi trên bờ bục nhảy và đu đưa cẳng.

– Tớ có một túi thuốc Bull Durham – Jules nói – Cậu có muốn cuốn một điếu không?

– Còn phải hỏi, – Tom nói – từ đời tám hoánh nào, mình chưa được hút một điếu.

Anh cẩn thận cuốn điếu thuốc nâu nâu, cố sao cho đỡ rơi vãi.

– Này, thấy cậu ra đi, bọn mình buồn lắm, – Willie nói.- Các cậu đều là những người tốt bụng.

Tom châm thuốc.

– Lạy chúa, mình không ngớt nghĩ đến tất cả điều đó. Chỉ là muốn có nơi ăn chốn ở nào đó cho ổn định. Jules lấy lại gói Durham.

– Không thể cứ thế này mãi được, – anh nói – Mình có một cháu bé gái. Mình nghĩ, một khi đã ăn ở tại đây, mình có thể gửi nó đến trường. Nhưng khốn nỗi, không có cách nào ở đâu lâu một chút tại một chỗ nữa. Phải luôn luôn chực sẵn để đi, có bò lê bò càng cũng phải đi tiếp.

– Mình hy vọng sao cho đừng rơi vào một khu Hooverville của chúng, – Tom nói – ở đây, mình đã khiếp vía thật sự.

– Bọn cảnh sát quấy nhiễu các cậu à?

– Mình sợ có ngày phải giết chết một thằng mất thôi, – Tom nói – Mình không ở đây lâu, nhưng lúc nào cũng sôi me lên. Đã có một thằng cảnh sát bắt đi một người bạn của mình chỉ vì anh ta cãi lại. Lúc nào mình cũng thấy nóng tiết, đến ngạt thở.

– Đã tham gia bãi công bao giờ chưa? – Willie hỏi.

– Chưa.

– Thế thì mình đã suy nghĩ nhiều về điều đó. Cớ sao cái bọn cảnh sát khốn nạn kia lại tới đây cũng như khắp bất cứ nơi đâu, để mà làm rối tùng phèo lên? Cậu tưởng cái ông nhỏ bé ở văn phòng chặn đứng được chúng, hay sao? Không đời nào.

– Vậy thì là tại sao? – Jules hỏi.

– Tớ nói cậu nghe. Chính vì bọn ta đồng tâm sát cánh với nhau. Một tay cảnh sát không thể động tới ai ở đây, bởi vì sẽ động đến cả trại. Hắn không dám làm thế. Chỉ cần kêu lên một tiếng, và ngay tức thì có hai trăm người nhảy bổ vào hắn. Chính vừa mới đây có một tay tổ chức Nghiệp đoàn đi qua đây đã nói như thế. Y nói chúng ta có thể làm việc đó bất cứ ở đâu. Chỉ cần sát cánh nhau. Chúng không dại gì mà kiếm chuyện với hai trăm con người. Chúng chỉ dám động đến một người đơn độc thôi.

– Cứ cho là vậy, – Jules nói – Nhưng giả dụ là cậu dựng lên một Nghiệp đoàn như cậu nói. Cậu cần phải có thủ lĩnh. Thế vậy, chúng túm lấy các thủ lĩnh của cậu, và rồi Nghiệp đoàn của cậu sẽ như thế nào?

– Ấy – Willie nói – Muốn sao thì cũng phải nghĩ ra cách nào chứ. Tớ ở đây được một năm, công xá cứ giảm hạ mãi. Hiện lúc này, với tiền công của tớ một người không nuôi sống nổi gia đình mà càng ngày thêm tồi tệ. Chỉ ngồi đây, mà gặm móng tay và chờ chết đói, thế là không ổn. Tớ không biết nên làm thế nào. Một gã có một đôi ngựa kéo xe buộc phải cho chúng ăn tuy chưa làm việc gì, gã cũng không kêu ca gì hết. Nhưng với những con người làm công cho gã, gã đếch cần biết họ sống chết thế nào. Mẹ kiếp, ngựa lại quí hơn người. Thật tớ chẳng hiểu ra sao.

– Sự đời đến cái mức tớ chẳng muốn nghĩ đến nữa, – Jules nói – ấy thế mà cứ buộc phải nghĩ tới. Con bé gái tớ kia, các cậu biết đấy, nó kháu khỉnh lắm: Tuần trước, anh em đã cho nó một giải thưởng, vì nó kháu khỉnh. Thế đấy, rồi nó sẽ ra sao? Chẳng mấy chốc chỉ còn như que củi. Tớ không chịu đựng được thế. Nó xinh xinh là.

– Có ngày nào đó, tớ sẽ phải bung ra mất. – Như thế nào? – Willie hỏi – Cậu sẽ làm gì? Ăn cắp rồi đi tù chắc? Hay cậu giết một ai đó để rồi sẽ đung đưa đầu dây thừng?

– Chả biết, cứ nghĩ đến là muốn phát điên lên. Đầu óc cứ như bị búa nện.

– Có một điều là mình phải thiếu mặt ở các tối khiêu vũ – Tom nói – Cừ thật. Chưa bao giờ có những cuộc khiêu vũ đẹp đến thế. Thôi, mình về đi ngủ. Tạm biệt các cậu. Ta sẽ lại gặp nhau, ở đâu đó… Anh xiết chặt tay họ.

– Nhất định là gặp – Jules nói.

– Thôi tạm biệt! Tom đi xa trong bóng đêm.

Trong lều tối tăm của nhà Joad, Ruthie và Winfield nằm dài trên nệm, bên cạnh bà mẹ Ruthie thì thầm:

– Mẹ ơi!

– Gì vậy? Con chưa ngủ ư?

– Mẹ ơi, đi đến chỗ mới, có trò chơi cầu không?

– Mẹ biết đâu đấy. Ngủ đi. Mai đi sớm.

– Con muốn ở lại đây, ít ra cũng chắc chắn là có trò chơi cầu.

– Suỵt!

– Mẹ ơi, hồi hôm, thằng Winfield có đánh một thằng bé.

– Thật là không tốt.

– Con biết thế, con đã bảo với nó, nhưng nó đã đấm vào mũi thằng bé, rồi, eo ôi! Mũi thằng bé đái ra máu!

– Không được ăn nói như thế. Nói thế là bậy bạ.

Winfield trở mình dưới tấm chăn. – Thằng ấy nó nói nhà ta là quân Okies, – nó nói với giọng bất bình – Nó bảo nó chẳng phải là giống Okies, vì nó từ Oregon tới. Bảo chúng ta là giống Okies bẩn thỉu. Con đã thụi cho nó mấy cái.

– Suỵt! lẽ ra con không được làm thế. Ai chửi nấy nghe 1 can gì đến mình.

– Được rồi nó có giỏi cứ nói lại xem – Winfleld nói một cách dữ tợn.

– Suỵt! Ngủ đi.

Ruthie nói:

– Chà! Mẹ mà trông thấy máu nó chảy ròng ròng nhé. Be bét hết quần áo nhé! Mẹ thò một bàn tay ra và béo cho nó một cái vào má. Con bé sững sờ một lát rồi khóc thút thít.

Bố và chú John ngồi ở buồng vệ sinh, mỗi người trong một cầu tiêu liền nhau.

– Chi bằng tận hưởng một lần cuối. Dẫu sao thì kể ra cũng khoái. Chú nhớ đấy chứ, lần đầu tiên khi xối nước, bọn trẻ nhà ta chúng chết khiếp.

– Mới đầu tôi cũng chả thoải mái hơn gì chúng, chú John thú nhận. – Chú cẩn thận tụt quần xuống quá đầu gối, nói tiếp – Tôi lại đâm ra xấu xa rồi. Tôi cảm thấy tội lỗi bắt đầu day dứt tôi.

– Chú không thể phạm tội lỗi được, chú chả có lấy một đồng xu sứt. Chú cứ ngồi cho vững. Một tội lỗi đáng giá hai đôla, mà tất cả nhà ta chả có lấy hai đôla.

– Đành thế rồi, nhưng tôi có những ý nghĩ tội lỗi.

– Chú có thể phạm tội bằng ý nghĩ, cái đó chẳng mất gì.

– Thì như vậy cũng là xấu.

– Nhưng thế lợi càng kinh tế hơn.

– Bác đừng đùa với tội lỗi.

– Tôi có đùa đâu. Chú cứ việc tha hồ phạm tội trong ý nghĩ. Bao giờ cũng vậy, hễ gặp tình cảnh bí bét là chú lại thấy chú mắc tội lỗi.

– Tôi biết thế. Bao giờ tôi cũng thế, nhưng chưa bao tôi kể lại một phần tư các chuyện đã làm.

– Vậy thì chú cứ giữ kín, mình biết mình hay.

– Chính những cái cầu tiêu tiện nghi này khiến tôi có những ý nghĩ tội lỗi.

– Vậy thì ra ngoài bụi bờ mà bĩnh. Thôi kéo quần lên, rồi về đi ngủ.

Bố xóc dây đeo chiếc quần yếm lên, ông kéo cái xối nước cuốn xoáy trong hố tiêu.

Trời hãy còn tối nhưng Mẹ đã thúc mọi người dậy. Các ngọn đèn thức rọi ánh sáng yếu ớt qua các cửa để ngỏ của Trạm. Những tiếng ngáy hoà vào nhau vẳng ra từ các lều giăng hàng ở bên bờ lối đi. Mẹ nói:

– Nào, dậy đi để lên đường. Sắp sáng rồi.

Bà nâng chụp đèn, thắp lên.

– Nào, ai ấy nhanh lên.

Một tiếng lục đục vặn vẹo chậm rãi trên nền lều. Gối và chăn bị hất tung ra, những con mắt ngái ngủ nhấp nháy trong ánh đèn. Mẹ mặc thêm chiếc áo dài ra ngoài chiếc áo lót mẹ mặc khi đi ngủ.

– Không có cà phê, – bà nói – Còn mấy chiếc bánh tráng, sẽ ăn dọc đường. Đứng lên, dọn đồ lên xe. Nào, nhanh lên. Đừng làm ồn ào, để hàng xóm người ta ngủ.

Phải một lúc sau ai nấy mới tỉnh hẳn. Bà mẹ đe hai đứa bé:

– Bây giờ thì chúng mày không được chạy đi đâu cả.

Cả nhà bận quần áo đã xong. Đàn ông dỡ chiếc bạt vào thành xe.

– Xong rồi đấy, Mẹ ạ – Tom nói – Đi được rồi.

Mẹ chìa cho họ một đĩa bánh tráng nguội.

– Đây, mỗi người một chiếc. Tất cả chỉ còn ngần ấy.

Ruthie và Winfield chụp lấy bánh tráng rồi lao lên trên nóc đồ đạc. Chúng chúi xuống dưới tấm chăn và ngủ lại, tay cầm chiếc bánh nguội và cứng.

Tom luồn vào chỗ tay lái, mở khoá công tắc. Máy rồ một tí rồi ngừng bặt. Anh kêu lên:

– Al ơi, mày đã để hở bình điện mất rồi.

Al vặc lại:

– Em biết làm thế quái nào được, hở? Em không có xăng, đành phải để nó bị khô.

Đột nhiên, Tom cười phá lên.

– Được rồi, mày làm thế quái gì, tao không biết, nhưng lỗi không phải tại mày. Giờ thì mày hãy chịu khó quay maniven.

– Em đã nói rồi, lỗi không phải tại em.

Tom bước xuống, tìm chiếc maniven dưới ghế ngồi:

– Lỗi là tại tao đây.

– Trao em tay quay.

Al cầm lấy tay quay.

– Cho máy nổ chầm chậm nếu không em sẽ gãy tay.

Tom điều chỉnh ga. Tom rồ máy chạy thật nhanh rồi hãm tốc độ.

Mẹ trèo vào ngồi bên cạnh anh.

– Chúng ta đã đánh thức cả trại dậy.

– Họ sẽ ngủ lại mà.

Al bước lên ở phía bên kia. Hắn nói:

– Bố với chú John ở trên cao, muốn ngủ lại cứ ngủ.

Tom đánh xe tới cổng chính. Người canh đêm ra khỏi phòng giấy và chiếu đèn pin về chiếc xe.

– Đợi một chút đã,- Có chuyện gì vậy? – Các anh đi thật à?

– Vâng.

– Thế thì phải gạch tên trong sổ.

– Các anh có biết các anh đi đâu không?

– Ôi, về mạn bắc thử xem sao.

– Chúc may mắn.

– Cũng xin chúc bác may mắn. Tạm biệt.

Chiếc xe thận trọng tránh cái sống lừa và lên đường cái. Tom đi lại con đường mà trước đây đã đi, vượt qua Weedpayth theo hướng Tây cho tới đường 99, và từ đó đi về hướng bắc theo con đường cái tới Bakersfield. Lúc đó tới các khu ngoại ô thành phố thì trời sáng.

Tom nói:

– Chỗ nào cũng có tiệm ăn. Chỗ nào cũng có quán cà phê. Nhìn vào quán kia kìa, mở suốt đêm. Tao dám cuộc là họ có đến mười bình cà phê trong đó mà nóng sôi nhé!

– Thôi, thôi, đừng nói nữa, – Al nói.

Tom nhìn về phía thằng em, nhăn răng cười:

– Này, tao thấy chỉ nhoáng một cái mày đã cưa được con bạn gái.

– Thì sao?

– Mẹ ạ, sáng nay nó cáu kỉnh đấy. Đừng đụng vào nó.

– Có ngày rồi tôi sẽ đi một mình – Al cáu kỉnh nói. Không đi với gia đình thì dễ xoay xở hơn.

Tom nói:

– Chín tháng nữa thì mày có gia đình riêng. Tao thấy mà.

– Anh hâm rồi, – Al nói – Em sẽ tìm được chỗ làm ở xưởng chữa xe, em sẽ ăn tiệm.

– Và chín tháng nữa, mày có vợ với một nhóc.

– À, em bảo là không.

– Al ạ, mày ranh ma lắm. Sẽ có ngày, có đứa nó phang cho vỡ sọ.

– Đứa nào?

– Bao giờ chẳng có những đứa chúng làm thế?

– Anh tưởng thế vì anh…

– Mày có im đi không, Al! – Mẹ cắt ngang:

– Chính con đã nói trước. – Tom nói – Con muốn chọc cho nó nổi khùng. Không có ác ý gì đâu Al ạ. Tao không biết là mày phải lòng con bé đến thế.

– Chả phải lòng con bé nào cả.

– Hay! Thế thì mày không phải lòng, tao không dám nói khác.

Chiếc xe tới địa đầu thành phố. Tom nói:

– Nhìn xem cái quán ăn lưu động kia. Có đến hàng trăm.

Mẹ nói: – Tom này! Mẹ để dành được một đô la đấy.

Nếu con thèm cà phê đến thế, con cứ việc uống.

– Không đâu Mẹ ạ. Con đùa tếu thôi.

– Con cứ uống, nếu thèm không nhịn được.

– Con không muốn uống đâu. – Đã thế thì đừng chuyện cà phê cà pháo nữa. – Al nói…

Tom im lặng một lát.

– Con có cảm tưởng lúc nào cũng như con kiến leo cành cụt 2. Kia, con đường chúng ta đi tới hôm nào đấy kia. – Mẹ mong sao không gặp phải chuyện như thế nữa. Mẹ nói – Cái đêm tồi tệ quá!

– Con cũng không thú gì cái đêm đó.

Mặt trời đang lên ở phía phải họ, cái bóng lù lù của chiếc xe chạy bên cạnh họ, bay là là trên các cọc bờ dậu bên đường. Xe phóng nhanh khi đi qua trước Hooverville đã được dựng lại.

– Nhìn kìa, – Tom nói. – Lại có những người khác đến ở. Xem ra không có vẻ gì thay đổi.

Al bây giờ mới hết sưng sỉa.

– Có một thằng cha nói ở đó có những người đã cháy đồ đạc đến hai mươi lần. Hắn nói là họ chỉ chạy nấp vào các bụi rậm, sau đó lại mò về dựng một lều khác với lau sậy. Như lũ chuột cống. Có những kẻ đã quá quen nên cũng chả buồn giận dữ nữa. Họ cam chịu chuyện đó như cam chịu thời tiết xấu vậy.

– Hẳn rồi, với tao đêm đó cũng như đêm thời tiết xấu. – Tom nói.

Xe tiến lên trên con đường rộng lớn. Những tia nắng ấm đầu tiên khiến họ run rẩy.

– Buổi sáng, trời đã bắt đầu se lạnh. – Tom nói – Mùa đông sắp tới. Quí hồ nhặt nhạnh được ít tiền trước khi đông tới. Nằm dưới lều chả vui thú gì rét mướt.

Mẹ thở dài, rồi ngẩng đầu lên, bà nói:

– Tom ạ. Mùa đông này, ta phải có một căn nhà. Nhất thiết phải cho có. Con Ruthie khoẻ mạnh, thằng Winfield ọp ẹp lắm. Chúng ta phải có một căn nhà phòng khi mùa mưa bắt đầu. Hình như ở xứ này, đã mưa là mưa xối xả.

– Ta sẽ có nhà. Mẹ ạ, Mẹ cứ an tâm. Mẹ sẽ có nhà.

– Mẹ chỉ mong muốn một mái nhà và một sàn gỗ. Để bọn nhỏ không phải ngủ dưới đất.

– Ta sẽ có, Mẹ ạ.

– Có điều là nhiều lúc, mẹ phát hoảng. Đúng là mẹ mất tinh thần.

– Chưa bao giờ con thấy mẹ mất tinh thần.

– Có đôi khi, ban đêm.

Nghe một tiếng xì chói tai ở phía đầu xe. Tom bám chặt vào tay lái, dấn mạnh bàn hãm trên sàn xe. Chiếc xe lắc lư một chút và dừng lại. Tom thở dài một cái.

– Ôi! Thế mới chết.

Anh ngả người ra lưng ghế. Al nhảy ra khỏi xe chạy tới xem bánh xe phía trước.

– Một cái đinh to tướng! – Al nói

– Có còn miếng vá lốp không?

– Không, Al đáp – Em dùng hết rồi. Có các thứ, có nhựa vá, nhưng không có vá lốp.

Tom quay lại nhìn mẹ một cách ngao ngán.

– Nhẽ ra Mẹ không nên nói đến đồng đô la đó, – anh nói – Ta sẽ cố xoay xở để sửa chữa cách này hay cách khác.

Đến lượt mình, anh xuống xe và đến xem chiếc lốp trước.

Al chỉ một chiếc đinh to tòi ra khỏi chiếc lốp bẹp dí.

– Nó đấy! Dễ chừng cả xứ này chỉ có một cái đinh, nhưng nhất thiết chúng lại phải đâm vào xe nhà ta.

– Hỏng có nặng không? – Mẹ lo lắng hỏi.

– Không, không nặng nhưng phải chữa lại.

Cả nhà từ trên đống đồ đạc, leo xuống:

– Nổ lốp ư?

Rồi mọi người im lặng khi nhìn chiếc bánh bị nổ.

Tom khẽ ẩy Mẹ nhớm lên và lôi dưới ghế ra hộp đồ chữa. Anh gỡ cuộn cao su, túm lấy ống nhựa và bóp nhẹ nhàng.

– Gần hết sạch – anh nói – Hy vọng ta cũng đủ. Làm đi thôi. Al. Chèn bánh sau lại, đặt kích dưới bánh trước.

Tom và Al làm việc với nhau rất ăn ý. Hai anh em lấy đá chèn bánh sau, đặt kích dưới trục trước và tháo bánh xe thủng. Họ gỡ lốp khỏi vành bánh, tìm thấy lỗ thủng, nhúng một chiếc giẻ vào bình xăng và hùi kỹ xung quanh lỗ thủng. Tiếp đó, trong lúc thằng em căng xăm quanh đầu gối, thì Tom lấy lưỡi dao cắt ống nhựa rồi phết một lớp keo mỏng trên miếng cao su để vá.

– Bây giờ, đợi cho nhựa se lại, còn tao cắt. Anh tỉ mẩn cắt một miếng ở mảnh cao su màu xanh và cố cắt thật tròn. Al căng chắc ruột xe còn Tom kéo, khéo léo dán miếng vá.

– Được rồi! Giờ mày đặt trên bậc xe cho tao gõ.

Anh lấy một chiếc búa, cẩn thận trên miếng vá, rồi kéo căng ruột xe để chắc chắn là cái mép dính khít.

– Thế là xong! Chắc lắm. Cho xăm vào lốp, ta bơm lại. Mẹ ạ, con nghĩ rằng Mẹ có thể giữ nguyên đồng đôla của mẹ.

Al nói:

– Em muốn sao có một chiếc lốp phòng hờ. Phải có một cái, Tom ạ. Một bánh lắp sẵn bơm sẵn. Như vậy, đêm tối cũng sửa chữa được.

– Khi nào có tiền mua một chiếc lốp thay thế, chúng ta sẽ dùng tiền đó mua cà phê và mỡ. – Tom nói.

Trời hãy còn sớm, những chiếc ô tô còn ít ỏi đi qua, kêu vù vù, và mặt trời trở nên ấm áp, lấp lánh. Cơn gió hiu hiu rì rào từ tây nam thổi qua, một lần sương mù màu xám ngọc trai che khuất các ngọn núi ở hai bên thung lũng. Tom đang mải miết bơm xe thì một chiếc xe roadster từ phía bắc đi tới, đậu lại phía bên kia đường; một người đàn ông mặt rám nắng, mặc bộ complê thành thị màu xám xanh, từ xe bước ra và đi qua đường. Y để đầu trần. Y mỉm cười để lộ hàm răng trắng, nổi bật trên nước da nâu. Y đeo một chiếc nhẫn cưới to ở ngón giữa tay trái, và một quả cầu nhỏ bằng vàng đeo lủng lẳng ở dây đồng hồ và vắt ngang trước áo gilê.

– Xin chào.- Y nói giọng ân cần.

Tom ngừng bơm xe và ngước mắt lên:

– Chào!

Người đàn ông xọc ngón tay vào đám tóc ngắn, xoắn và lốm đốm hoa râm:

– Các ông tìm việc làm chăng?

– Đúng là thế, thưa ông.

– Các ông có biết hái đào không?

– Chúng tôi chưa hái bao giờ. – Bố nói.

Tom vội nói xen vào.

– Gì chúng tôi cũng biết làm. Có gì chúng tôi hái nấy. Người kia mân mê quả bóng vàng:

– Đã thế thì các ông sẽ có việc làm hàng loạt cách đây độ bốn mươi dặm, về mạn bắc.

– Chúng tôi chỉ ao ước có thế, – Tom nói – Ông chỉ cần cho chúng tôi biết đi tới đó bằng đường nào rồi nhoáng cái chúng tôi tới ngay.

– Thế này nhé, các ông cứ theo hướng bắc đi thẳng tới Pixley cách đây khoảng ba lăm ba sáu dặm, sau đó rẽ về phía đông, khoảng sáu dặm nữa. Bất cứ ai cũng nói cho các ông biết trại Hooper. Ở đó công việc có đầy, muốn bao nhiêu cũng có.

– Chúng tôi sẽ đi.

– Ông có biết những ai khác cần việc làm không?

– Biết lắm. Ở trại Weedpayth, có đống người đang tìm việc làm.

– Tôi sẽ tới đó. Chúng tôi cần nhiều người. Cẩn thận đừng lầm đường, tới Pixley, rẽ bên phải rồi đi thẳng theo hướng đông, tới trại Hooper.

– Đống ý, Tom nói – Rất cám ơn ông. Chúng tôi đang cần việc làm, cần ghê gớm.

– Tốt lắm. Các ông đi nhanh lên, càng nhanh càng tốt. Y lại sang đường, lên xe Roadster mui trần và phóng thẳng theo hướng nam. Tom lại bắt đầu vật vã với chiếc bơm – Mỗi người hai mươi nhát, – anh nói.- Một, hai, ba, bốn.

Đến nhát hai mươi, Al thay anh, rồi đến Bố và chú John. Chiếc bánh xe căng tròn dần, cứng lên. Chiếc bơm chuyển lần lượt qua ba vòng tay.

– Hạ kích xuống, để thử xem. – Tom nói.

Al rút kích ra, chiếc xe hạ xuống, ngay ngắn.

– Quá đủ rồi, – hắn nói, – Dễ chừng hơi căng quá.

Họ vứt dụng cụ vào xe. – Đi thôi! – Tom nói – Cuối cùng, thế là có việc làm.

Mẹ lại lên ngồi giữa hai anh em. Lần này thì Al cầm lái.

– Đi từ từ thôi, Al ạ. Đừng làm nóng máy.

Họ đeo đuổi hành trình qua những cánh đồng rực nắng ban mai. Sương mù đã tan và các đỉnh núi màu xám nhạt in rõ nét trên nền trời. Những con chim bồ câu rừng đậu trên các bờ dậu, bay vụt lên lúc xe đi qua. Al vô tình tăng tốc độ.

– Chầm chậm với, – Tom dặn – Mày mà thúc nó chạy nhanh, nó tung ra đấy. Phải đi được tới đó. Có thể chúng ta bắt đầu làm ngay ngày hôm nay cũng nên.

Mẹ nói sôi nổi.

– Với bốn người làm việc, dễ chừng họ sẽ ủng hộ tiền trước cho mẹ. Cái cần trước nhất, là cà phê, mày thèm khát khá lâu, sau đó là bột, mỡ và thịt nữa. Còn thịt quay, tốt nhất chưa nên vội. Sau hẵng hay, dễ dành đó, thứ bảy chẳng hạn. Mà xà phòng nữa. Phải có xà phòng. Mẹ tự nhủ, không biết chúng ta sẽ ở đâu.

Bà đã bốc:

– Lại sữa nữa. Mẹ sẽ mua sữa. Phải có sữa cho Rosasharn. Chính cái bà y tá đã nói thế.

Một con rắn đang duỗi mình trên mặt đường âm ấm. Al khuỳnh tay lái, nghiến bẹp con rắn rồi lại chạy thẳng.

– Rắn bắt chuột, – Tom nói – Lẽ ra mày không được nghiến nát nó.

– Em ghét chúng, – Al vui vẻ nói – Ghét tất. Thấy chúng là ruột gan cứ cồn cào.

Mặt trời lên dần, sự giao thông càng thêm tấp nập, các người lái buôn trên những chiếc xe con hai chỗ ngồi, trưng ra ở cửa xe nhãn hiệu hãng của họ; các xe chở xăng sơn đỏ và trắng lôi kéo theo sau cả một chuỗi dây xích kêu lách cách, các xe tải đồ sộ cửa vuông của những hãng thực phẩm bán buôn, đi giao hàng. Con đường cái lớn đi qua một miền trù phú. Những vườn cây nặng trĩu lá đầu mùa, những vườn nho với những dây tua dài và xanh phủ thảm lên mặt đất giữa các luống cây, những thửa ô vuông trồng dưa và những cánh đồng ngũ cốc. Những ngôi nhà màu trắng trên cây cỏ xanh um, ẩn mình sau những bụi hồng leo.

Ở phía trước xe, Mẹ Tom, và Al tràn ngập niềm vui. Mẹ nói:

– Đã lâu lắm rồi, bây giờ mẹ mới thấy sung sướng như thế này. Nếu ta hái được rõ nhiều đào, dễ chừng ta có thể có một căn nhà, thậm trí trả tiền thuê trong vài tháng. Nhất định phải có nhà.

– Con sẽ dành dụm tiền rồi con sẽ ra thành thị kiếm một chỗ làm ở một xưởng sửa chữa xe hơi. Con sẽ thuê một căn buồng và ăn ở tiệm. Và tối nào con cũng đi xem xi nê. Cái đó không đắt lắm. Phim cao bồi.

Bàn tay hắn xiết chặt tay lái. Bình phát nhiệt sôi sùng sục và khạc hơi.

– Mày đã đổ đầy nước chưa?

– Rồi. Nhưng em ngờ gió thổi phía sau lưng nên bình nhiệt nó mới nóng thế.

– Trời đẹp ghê, – Tom nói – Hồi ở Mac – Alester vừa làm việc con vừa nghĩ lan man đến những gì mà một ngày nào đó con sẽ làm. Con thấy mình sẽ cứ thế mà lái thẳng và không dừng lại bất cứ đâu. Chuyện đó có vẻ xa lắm rồi, con có cảm tưởng là đã bao nhiêu năm. Có một thằng cai tù, nó hành con đến khổ sở. Con đã quyết thanh toán nó cho xong. Chắc vì thế mà thấy bọn cảnh sát, con như nổi điên. Hình như thằng nào cũng có khuôn mặt như nó. Con nhớ, nó thường hay đỏ dừ mặt. Giống con lợn. Người ta nói nó có một thằng em, ở miền tây, những gã được tạm tha, nó gửi tới cho em nó và thằng này bắt họ làm việc không công. Nếu họ bới thối ra, họ bị tống trở lại nhà pha vì đã sai lời hứa. Người ta kể lại như vậy đấy.

– Con đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. – Mẹ van nài – Các con sẽ thấy, Mẹ dự trữ đủ cái ăn, tha hồ bột và mỡ.

– Tốt nhất là cứ cho ý nghĩ như thế bật ra. Cứ cố nhịn nhét nó, đầu óc lại càng như bị búa nện. Trong nhà pha còn có một thằng gàn bát sách. Con chưa bao giờ nói cho cả nhà nghe về y. Đầu y như đầu con rối. Chả làm hại ai. Bao giờ y cũng nói đến chuyện vượt ngục. Ai cũng gọi y là Con Rối.

Tom cười lặng lẽ.

– Con đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa. – Mẹ nài nỉ.

– Cứ kể đi, – Al nói – kể đi.

– Bây giờ có kể thì cũng chẳng hại gì, Mẹ ạ – Tom nói – Lúc nào y cũng tính chuyện vượt ngục, vạch kế hoạch này kế hoạch nọ. Nhưng y không kín miệng được nên chỉ phút chốc là người ta biết được mưu mô của y, kể cả tay giám đốc. Người ta cứ để y vượt ngục rồi sau đó bắt y trở lại nhà pha. Một ngày nọ, y vạch ra kế hoạch như thường lệ có cả sơ đồ và tất tật. Dĩ nhiên, y đem phô hết với người này người khác, nhưng người ta cứ tảng lờ. Thế rồi y núp đi một nơi, ai cũng vẫn cứ tảng lờ. Chẳng biết y kiếm đâu ra một dây thừng. Y bèn leo tường. Có sáu thằng lính gác đã chờ đợi y ở bên kia bờ tường với một cái bao tải to. Anh chàng Con Rối ta cứ bình tĩnh nắm dây tuột xuống và rơi tõm vào túi. Bọn lính thắt miệng túi lại và kênh y trở về. Anh em được một mẻ cười vỡ bụng.

Nhưng sau đó thì nghị lực con Rối suy sụp. Y khóc suốt ngày và trông bộ mặt thật thiểu não. Cuối cùng thì y lăn ra ốm, vì tinh thần mất hết. Y lấy một chiếc kim băng xuyên qua mạch máu ở cổ tay, máu túa ra lênh láng và y chết, chả là đã mất hết tinh thần, nói cho cùng y chả làm hại ai. Trong nhà tù có đủ hạng người tàng tàng.

– Đừng nói chuyện đó nữa, – Mẹ nói – Mẹ biết bà mẹ của Pretty Bay Floyd. Hắn không phải là thằng con trai hư hỏng. Chỉ tại người ta đẩy nó vào đường cùng, có thế thôi.

Mặt trời đã đứng bóng, bóng chiếc xe tải mảnh dần và rồi ẩn náu dưới bánh xe, Al nói:

– Chắc kia là Pixley, trên kia kìa. Em đã trông thấy một dấu hiệu chỉ đường.

Họ vào thị trấn nhỏ bé, đi theo một con đường hẹp hơn về phía Đông. Vườn cây nối tiếp vườn cây và chẳng khác gì họ đang đi dưới một cái thuyền lật úp.

– Con hy vọng dễ tìm đến nơi.

– Người đàn ông kia nói là trại Hooper. – Mẹ nhắc nhở – Nói là bất cứ ai cũng biết họ. Quí hồ gần đây có một cửa hàng. Với bốn người làm. Có lẽ họ sẽ cho Mẹ mua chịu. Giá được mua chịu, Mẹ sẽ sửa soạn cho bố con một cái gì thật ngon để ăn tối. Có thể là một món thịt hầm.

– Với cà phê nữa, – Tom nói – Và có lẽ cả một gói thuốc Durham. Bao lâu rồi, con chưa được một hơi thuốc.

Phía xa đường bị tắc nghẽn, và một dãy xe môtô sơn trắng đỗ dài bên lề đường.

– Chắc xảy ra tai nạn. – Tom nói:

Lúc tới gần họ thấy một người thuộc đội cảnh sát Bang, đi ủng và đội mũ rộng vành. Y đang đi lởn vởn quanh chiếc xe sau cùng. Y giơ tay, Al dừng xe lại; y uể oải tựa vào cửa xe.

– Các anh đi đâu? – Y hỏi.

Al trả lời:

– Có người bảo chúng tôi là ở đây có thuê người hái đào.

– Thế ra các anh muốn có việc làm ư?

– Đúng thế – Tom nói.

– O.k. Đợi đấy một phút.

Y nhìn lề đường và kêu to:

– Thêm một xe nữa. Cả thảy sáu xe đã sẵn sàng.

Tốt nhất là cho cái mẻ này qua đi.

Tom gọi:

– Hê! Có chuyện chi vậy?

Viên tuần tra đủng đỉnh trở lại:

– Trên kia có lộn xộn tí chút. Đừng sốt ruột. Các anh qua được thôi. Chỉ việc theo sau đoàn xe này.

Có tiếng mô tô chuyển động, inh ỏi như tiếng pháo. Đoàn xe hơi rồ máy, xe nhà Joad đi cuối cùng. Hai tay lái mô tô đi trước đoàn xe, hai tay khác đi sau.

Tom hỏi, giọng lộ vẻ lo lắng:

– Chẳng biết có chuyện gì.

– Đường bị chắn chăng? – Al hỏi.

– Cần gì phải bốn cảnh sát để áp tải chúng ta. Tao không thích như vậy.

Phía trước họ, các xe mô tô tăng tốc. Đoàn xe cũ kỹ rậm rịch đi theo. Al phải thúc xe bám sát để khỏi bị cách quãng. Tom nói:

– Tất cả bọn họ cũng thuộc cánh như chúng ta. Tao chả thú gì chuyện này.

Bất thình lình, viên cảnh sát dẫn đầu vòng tay lái và đi vào một cổng lớn rải đá sỏi. Những chiếc xe cũ bám theo sau. Các mô tô rống to hơn. Tom thấy cả một dãy người đang trong con mương bên lề đường. Anh thấy họ há mồm ra như để gào thét, nắm tay họ giơ lên và khuôn mặt đầy giận dữ. Một bà to béo chạy đổ xô tới mấy chiếc xe, nhưng một chiếc mô tô gào rống chặn đường bà ta lại. Một rào chắn lưới sắt cao mở ra. Sáu chiếc xe cũ đi vào trong cổng và rào chắn khép lại. Cả bốn chiếc mô tô quay lại phóng hết tốc lực. Và lúc tiếng môtô đã tắt rồi, lúc giờ người ta nghe tiếng kêu thét của những người đứng trong mương. Có hai người đã đứng cạnh con đường rải sỏi, tay súng lăm lăm.

Một trong hai người kêu to:

– Nào, đi đi. Còn chờ đợi cái quái gì nữa! Cả sáu chiếc xe lại lăn bánh, rẽ vào một chỗ ngoặt và đột nhiên đến trước một cổng của một trại Đào. Tại đấy có mười căn nhà hộp vuông bé nhỏ, mái bằng, có một cửa sổ và một cửa ra vào, tất cả tạo nên một hình tứ giác. Ở đầu trại có một bể nước, và ở bên kia có một hiệu tạp hoá nhỏ. Có hai người cầm súng, phù hiệu sao của cảnh sát găm trên sơmi, đứng gác ở đầu mỗi dãy nhà vuông. Sáu xe hơi dừng lại. Hai viên kế toán đi từ xe nọ đến xe kia:

– Các anh muốn có việc làm?

Tom đáp:

– Cố nhiên. Nhưng tất cả cái chuyện này là thế nào?

– Cái đó không việc gì đến anh. Anh muốn làm việc không?

– Hẳn là muốn.

– Tên anh?

– Joad.

– Bao nhiêu đàn ông?

– Bốn.

– Đàn bà?

– Hai

– Trẻ con – Hai

– Ai cũng có thể làm việc được chứ?

– Ồ. Tôi cũng có thế.

– Tốt. Hãy tìm nhà 63. Công hái mỗi thùng năm xu. Không lấy quả thâm dập. Thôi, tới đó đi. Bắt tay ngay vào việc.

Mấy chiếc xe lại chuyển bánh. Trên cửa mỗi hộp vuông đỏ có ghi số.

– Sáu mươi, – Tom nói – Sáu mươi kia kìa. Chắc ở đấy rồi. Kìa, sáu mốt, Sáu hai. Đây rồi.

Al cho xe đậu sát cửa căn nhà. Cả gia đình xuống xe và trố mắt nhìn sửng sốt. Hai tay cảnh sát bước lại gần. Chúng đi từ xe này đến xe khác, sói mói nhìn tận mặt tất thảy mọi người.

– Tên anh?

– Joad, – Tom đáp với giọng bực bội – Này chuyện gì mà lôi thôi thế?

Một trong hai viên cảnh sát giở ra một tờ danh sách dài.

– Không phải chúng nó. Cậu đã trông thấy bọn này ở đâu chưa? Nhìn số xe không phải. Bọn này không có. Xem ra bọn này O.k đây.

– Bây giờ tất cả các người, hãy nghe đây. Bọn ta không gây phiền hà gì cho các người. Việc mình làm, đừng có nhúng vào những việc không phải của mình. Thế thì, mọi việc sẽ suôn sẻ.

Nói xong họ quay ngoắt lại và đi xa. Tới đầu con đường bụi bặm, mỗi người ngồi lên một cái hòm và từ đó họ có thể kiểm soát suốt dọc con đường cái. Tom nhìn theo họ.

– Chắc chắn chúng muốn ta cảm thấy thoải mái như ở nhà vậy. Mẹ mở cửa căn nhà và bước vào. Sàn nhà đầy những vết mỡ. Trong căn phòng độc nhất này, có một bếp lò bằng tôn rỉ, ngoài ra không có gì. Bếp lò kê trên bốn viên gạch, và ống khói han rỉ chui qua trần nhà. Không khí trong nhà nồng nặc mùi hôi và mỡ. Rosasharn tới đứng bên cạnh Mẹ.

– Chúng ta ở đây ư?

Mẹ đứng yên một lát, không đáp.

– Thì cố nhiên rồi – Cuối cùng bà nói – Không đến nỗi tồi tệ quá đâu, nếu chịu khó dội rửa cho kỹ. Phải lau chùi cho kỹ.

– Con thích ở lều hơn.

– Có sàn gỗ, – Mẹ dè dặt nói – Khi trời mưa, nước không thấm vào được.

Mẹ ngoảnh ra phía cửa, nói:

– Thôi, dỡ đồ đạc xuống được rồi đấy.

Lặng lẽ mấy người đàn ông dỡ đồ trên xe xuống. Tự nhiên một sự sợ hãi thế nào đó xâm chiếm họ.

Cái hình tứ giác rộng lớn gần những căn nhà hộp, chìm trong im lặng. Một người phụ nữ đi qua ngoài đường nhưng không nhìn họ. Bà ta bước đi, đầu cúi gằm, gấu chiếc áo trúc bâu cáu ghét rách xơ nom như đuôi cờ.

Một tấm màn buốt lạnh vô hình sa xuống chụp lấy Ruthie và Winfield. Không hối hả chạy đi xem xét khắp trại, lần này chúng đứng sát chiếc xe bên cạnh ngôi nhà. Mặt buồn thiu, chúng nhìn lối đi bụi bặm từ đầu này tới đầu kia. Winfield tìm thấy một đoạn dây thép gói hàng, và cứ cố gập đi gập lại đến nỗi nó gẫy đôi ra. Với mẩu ngắn hơn, nó làm một tay quay rồi nó cứ cầm lấy mà quay quay tít. Tom và Bố đang khênh các đệm vào nhà thì một người thư ký đi đến. Y mặc quần kaki, một chiếc sơ mi xanh và thắt một chiếc cà vạt đen. Y đeo kính gọng bạc cặp vào mũi, và sau mắt kính dày, đôi mắt kém, đỏ hoe, với đôi con ngươi bất động khiến người ta nghĩ đến những đôi mắt lim dim của bò tót. Y nghển cổ ra phía trước để nhìn Tom. Y nói:

– Tôi tới dây ghi tên. Các ông có bao nhiêu người làm việc?

Tom đáp:

– Bốn đàn ông. Công việc có vất vả không?

– Hái đào. Từng quả một. Công mỗi hòm là năm xu.

– Bọn nhỏ có giúp một tay cũng không có gì trở ngại chứ?

– Chắc chắn là không, miễn là chúng để ý cẩn thận.

Mẹ đứng ngay trước cửa.

– Lúc nào thu xếp xong chỗ ăn ở, Mẹ sẽ đến giúp một tay. Ông ạ, chúng tôi không có gì ăn. Vậy chúng tôi có được lĩnh tiền công ngay không?

– Thế này, không có tiền ngay. Nhưng có thể mua chịu ở cửa hàng theo số tiền công bà lĩnh được – Thôi, ta gấp lên, – Tom nói – Tôi muốn có bánh và thịt để nhồi chặt dạ dày tối nay. Thưa ông, làm ở đâu?

– Chính tôi cũng đang đi tới đấy. Theo tôi.

Tom, Bố, Al và chú John bước theo y dọc theo luống đi bụi bặm, và chẳng mấy chốc đã ở trong vườn giữa đám cây đào. Những chiếc lá hẹp bắt đầu nhuốm vàng nhạt. Trên cành cây, các trái đào nom như các quả cầu nhỏ màu đỏ và vàng rực.

Giữa các thân cây, chồng đống những hòm rỗng. Những người hái quả chạy vội hết chỗ này đến chỗ nọ, hái đào bỏ đầy các hòm rồi mang đến trạm kiểm soát. Tại đây, trong khi từng chồng từng chồng các hòm đầy quả chờ đợi các xe chuyên chở, các nhân viên ghi những con số bên cạnh tên các công nhân.

– Thêm bốn người nữa đây, – người dẫn đường báo cho một trong các nhân viên biết.

– O.k. Đã hái quả bao giờ chưa?

– Chưa bao giờ.

– Vậy thì phải hái cẩn thận, không lấy quả thâm tím, quả rụng. Các quả thâm không được tính. Thùng kia kìa.

Tom nắm lấy một thùng mười lăm lít và xem xét – Đây có nhiều lỗ thủng.

– Cố nhiên, – gã nhân viên cận thị nói – Như vậy họ khỏi ăn cắp đem về dùng.

– Tốt.

– Bắt dầu từ dẫy kia. Thôi, đi làm đi. Cả bốn người nhà Joad lấy thùng và đi vào vườn cây.

– Quả là họ không để mất thì giờ. – Tom nói.

– Mẹ kiếp! – Al nói – Tôi thích làm trong một xưởng chữa xe hơi hơn. Bố đang ngoan ngoãn đi theo mấy chú cháu đột nhiên quay lại nhìn Al: – Mày có thôi đi không, Al? Suốt buổi cứ lải nhải chỉ chuyện đó, rồi ca cẩm, rồi càu nhàu. Hãy làm việc đi. Tao còn có thể đánh cho mày một trận đấy, đừng tưởng là nhớn rồi đâu.

Al giận đỏ bừng mặt. Hắn toan vặc lại Bố nhưng Tom lại gần hắn nói một cách trầm tĩnh:

– Thôi, đi đi, Al. Đừng quên, đây là bánh và thịt đấy. Tối nay, phải có bánh và thịt. Họ hái và vất vào thùng. Tom lao vào việc.

Một thùng, hai thùng. Anh đổ quả vào hòm. “Ba thùng, vị chi được một đồng kền”. Anh bưng chiếc hòm và vội vã mang đến trạm kiểm soát.

– Cái này đủ một đồng kền rồi – anh nói với người tính công.

Người này nhìn vào hòm, lấy ra một vài quả và xem xét.

– Để riêng hòm này ra, chả ăn thua gì, – y nói. Tôi đã bảo là đừng làm dập nó kia mà. Các anh cứ thế mà trút ào vào hòm chứ gì? Thế đấy. Hỏng hết cả rồi. Ai lại tính hòm này. Hãy hái cẩn thận, xếp vào nhẹ nhàng, không thế thì các anh làm việc không công đấy.

– Nhưng, làm thế quái nào…

– Ê! Bình tĩnh với. Trước khi bắt đầu, tôi đã báo trước rồi mà.

Tom cúi mặt xuống, vẻ cau có.

– Được.

– O.K…

Anh vội vã đi tìm những người nhà:

– Có thể đổ hết các quả đã hái, – anh nói – Họ không nhận đâu. Cũng hư hỏng như quả tôi vừa đem đi.

– Thế đấy, thật là khốn nạn! – Al bắt đầu lên tiếng.

– Phải hái nhẹ tay! Đặt quả vào thùng chứ không phải cứ ném bừa vào.

Họ lại bắt đầu và lần này họ xếp nhẹ nhàng hơn, cho nên các hòm chậm đầy hơn.

– Con nghĩ phải tìm ra cách làm khác, – Tom nói – Nếu Ruthie Winfleld và Rosasharn xếp quả vào hòm còn ta cứ việc hái, thì… cách ấy hay hơn.

Anh mang hòm thứ hai đến đế kiểm tra.

– Hòm này có đáng giá một đồng kền không? Người kiểm soát xem xét các trái cây, thọc tay xuống tận đáy.

– Được rồi.

Y ghi công cho nhà Joad.

– Phải làm nhẹ nhàng, tất cả chỉ có thế.

Tom vội vã trở lại.

– Đã được một đồng kền, – anh kêu to – Đã được một đồng kền. Tôi chỉ cần làm thế hai mươi lần là có một đô la. Họ làm việc liên tục suốt cả buổi chiều, Sau đó thì Rosasharn và Winfield tới.

– Chúng mày làm việc đi.- Bố nói – Chỉ việc đặt đào vào hòm, mà phải cẩn thận. Nhìn xem, thế này này, mỗi lần một quả.

Hai đứa bé ngồi xổm xuống, nhặt những quả từ cái thùng phụ, và những chiếc thùng gióng hàng trước mặt chúng. Tom mang những hòm đầy đến chỗ kiểm tra.

– Bẩy rồi, – anh nói – Đây là tám. Được bốn mươi xu. Bốn mươi xu, được một miếng thịt xinh xẻo! Chiều càng xế, Ruthie định lủi đi.

– Con mệt lắm, – nó mếu máo – Con muốn nghỉ.

– Mày ở đâu cứ ở đấy, – Bố nói.

Chú John hái chậm. Tom đầy hai thùng thì chú mới được một. Chú cứ chậm rãi, đều đặn. Đến nửa chiều, mẹ vừa đi tới vừa lê bước.

– Đáng lý tôi ra đây sớm hơn, nhưng con Rosasharn đói lả đi, đột nhiên xỉu đi, – Mẹ quay lại tụi trẻ con – thế đấy, chúng mày đã ăn đào phải không? Liệu đấy, có nổ ruột thì chớ kêu.

Cái thân hình ngắn và mập của bà hoạt động nhanh nhẹn. Chẳng mấy chốc, bà bỏ chiếc thùng và sửa lại tạp dề. Đến chiều tối, họ đã hái đầy hai mươi hòm.

Tom đặt chiếc thùng thứ hai mươi xuống đất.

– Một đôla, – anh nói – Chúng tôi làm việc tới bao giờ?

– Tới tận tối, còn nom thấy rõ còn hái.

– Nhưng có thể mua chịu các thứ ngay được không? Mẹ phải đi mua cái gì đó để ăn.

– Được chứ. Tôi sẽ phát cho anh một cái bông một đôla.

Y viết cái gì đó trên một mảnh giấy rồi chìa cho Tom. Tom trao cho Mẹ.

– Đây, Mẹ, Mẹ có thể đến tiệm lấy một đôla các thứ cần.

Mẹ đặt cái xô xuống đất và đứng thẳng lên vừa vươn vai vặn vẹo cho giãn gân cốt.

– Lần đầu thấy mỏi rũ cả lưng, phải không?

– Hẳn rồi. Rồi sẽ quen nhanh mà. Mẹ chạy kiếm thức ăn đi. – Bố con thích gì?

– Thịt – Tom nói – Thịt, bánh và một bình cà phê ngọt, nhất là phải có một miếng thịt rõ to.

Ruthie bắt đầu gào:

– Mẹ ơi, chúng con mệt rồi.

– Thôi, thà đi về với tao. Ở chỉ quấy rối.

– Chưa mó tay vào thì chúng đã kêu mệt rồi. – Bố nói – Chỉ thích lêu lổng như thỏ rừng. Tôi mà không kèm cặp một chút thì rồi chẳng ra gì đâu.

Mẹ đi với bước đi nặng nề. Ruthie và Winfield rụt rè đi theo sau.

– Ngày nào cũng phải làm à? Winfield hỏi.

Mẹ dừng lại đợi chúng. Bà nắm tay thằng bé lôi đi.

– Không vất vả đâu. – Mẹ nói – Tốt cho chúng mày thôi. Vả lại ít ra, chúng mày cũng giúp đỡ được gia đình. Nhà ta mà ai cũng làm việc thì chẳng mấy chốc ta sẽ có nhà đẹp. Ai cũng phải làm chứ! – Nhưng con mệt mệt là.

– Mẹ biết. Mẹ cũng mệt chứ không à? Ai cũng mệt rã rời. Muốn quên mệt, nên nghĩ đến chuyện khác. Nghĩ tới lúc con sẽ đi học.

– Con không muốn đi học đâu. Ruthie cũng vậy, cái tụi trẻ con đi học ấy mà, con thấy chúng rồi, mẹ ạ. Cái bọn oắt con thò lò mũi xanh. Chúng gọi ta là loại Okies, con thấy chúng rồi. Con không đi học đâu. Mẹ cúi mắt thương hại nhìn mái tóc vàng rơm của con, rồi nói như cầu khẩn:

– Lúc này đây, con đừng làm cho nhà ta phải lo lắng con ạ. Lúc nào ta khá hơn, lúc đó con có thể bướng bỉnh được, bây giờ thì không. Chưa thế mà chúng ta cũng đã quá buồn phiền rồi.

– Con đã ăn sáu quả đào, – Ruthie nói.

– Thế thì con sẽ ỉa chảy. Mà gần nhà ta không có hố tiêu đâu nhé. Mẹ bảo cho biết đấy.

Cửa hàng của công ty là một căn nhà lớn mái tôn lượn sóng. Không có tủ kính để trưng hàng. Mẹ mở cánh cửa lưới sắt bước vào, một con người nhỏ bé đứng phía sau quầy. Đầu y hói nhẵn, nước da xanh xao. Bộ lông mày rậm sắc nâu uốn hình cung ở xa trên mặt nên khuôn mặt y có vẻ ngơ ngác sợ sệt. Mũi y dài và mỏng, khoằm như mỏ chim và có những túm lông thò ra ngoài lỗ mũi.

Y mặc sơ mi xanh, măng sét đen. Y đang tì khuỷu tay vào quầy thì Mẹ bước vào.

– Chào ông. – bà nói.

Y nhìn bà với vẻ tò mò. Đôi lông mày, hình cung lại dướn cao thêm một chút.

– Xin chào bà.

– Tôi có đây cái phiếu một đôla.

– Thế thì bà có thể lấy một đôla thực phẩm. Y nói và cười khe khẽ. – Đúng vậy. Một đôla thực phẩm.

Tay y chỉ các món hàng.

– Trông kia kìa, bất cứ thứ gì.

Y kéo tay áo lên một cách trang nhã.

– Tôi muốn mua một ít thịt.

– Ở đây có đủ thứ. Có thịt băm có được không? Một cân hai mươi xu.

– Có đắt quá không ạ? Lần trước, tôi chỉ mua với mười lăm xu.

– Đúng vậy, – Y cười kín đáo – quả là đắt nhưng mặt khác, lại không đắt. Muốn ra thành phố mua một cân thịt băm, phải mất đứt một bi đông xăng. Thế vậy, bà thấy đấy, xét cho cùng thì chả đắt, chả là bà không phải phí xăng.

Mẹ đáp một cách lạnh lùng.

– Đem được thịt về đây, không mất đến một bi đông xăng.

Y càng cười thú vị.

– Bà xem xét vấn đề theo mặt xấu. Chúng tôi đây đâu có phải là người mua. Chúng tôi là kẻ bán, bà ạ. Nếu chúng tôi là người mua, lúc đó sự tình lại khác.

Mẹ đặt hai ngón tay lên môi, nhíu lông mày có vẻ suy nghĩ rất lung.

– Xem ra thịt này toàn gân với mỡ.

– Tôi không bảo đảm là thịt này nấu không dừ. Tôi không nói là thịt này dành cho tôi ăn, riêng tôi đây nhưng còn bao nhiêu chuyện mà tôi không muốn làm.

Bà nhìn y một lúc với vẻ dữ tợn. Nhưng bà ghìm được và hỏi một cách điềm tĩnh.

– Ông không có thứ thịt nào rẻ hơn à.

– Xương để nấu xúp, – y đáp – Mười xu một cân.

– Nhưng chỉ xương là xương.

– Thưa bà, vâng, rặt xương: nấu xúp, thì ngon. Chỉ rặt xương.

– Ông có thịt bò hầm không?

– Ồ, có chứ. Hai mươi lăm xu một cân.

– Đáng lẽ tôi phải nhịn mua thịt. – Mẹ nói – Nhưng họ đều muốn ăn thịt. Họ đã nói là họ muốn có thịt.

– Ai cũng muốn ăn thịt.

Ai nấy đều cần ăn thịt. Món thịt băm này lợi hơn. Mỡ làm nước sốt ngon. Không dở chút nào đâu. Mà không phí đi chút nào. Không phải vất xương.

– Còn bao nhiêu… bao nhiêu… thịt quay?

– Ồ, cái đó thì thưa bà, bà chơi ngông rồi. Các thứ đó, dành cho ngày lễ Nôel. Ba mươi lăm xu một cân. Đã thế thì nếu có, tôi đã bán ngay cho bà gà tây với giá hời.

Mẹ thở dài:

– Cho tôi một cân thịt băm.

– Có ngay, thưa bà.

Y lấy một xẻng gỗ nhỏ xúc món thịt màu hồng gói vào trong giấy dầu, và hỏi:

– Bà lấy gì nữa?

– Có bánh mì?

– Đây bánh mỳ ngon, mười lăm xu.

– Nhưng chiếc bánh này chỉ mười hai xu.

– Rất chi đồng ý. Bà hãy ra phố mua thì có bánh mười hai xu. Một bình xăng. Bà cần gì nữa, khoai tây chứ?

– Phải, khoai tây.

– Năm xu một cân.

Bà Mẹ, nhích lên, vẻ doạ nạt.

– Này, ông nói thách như thế, đủ rồi đấy? Tôi biết ở phố khoai giá bao nhiêu rồi.

Cái gã nhỏ bé đó bặm chặt miệng rồi văng ra.

– Thế thì bà ra phố mà mua.

Mẹ nhìn những đốt ngón tay của y:

– Tôi hỏi ông, – bà nói khe khe, – Cửa tiệm này của ông sao?

– Không, tôi làm thuê, thế thôi.

– Ông có chuyện gì, để đùa cợt sao? Ông làm thế có ích gì cho ông không?

Bà Mẹ nhìn đôi bàn tay bóng loáng, nhăn nheo của y còn y vẫn nín thinh.

– Cửa hiệu này của ai vậy?

– Công ty Trại Hooper, thưa bà.

– Chính họ quy định giá ư?

– Vâng, thưa bà.

Bà Mẹ ngước mắt, khẽ mỉm cười.

– Tất cả những ai tới đây đều hỏi giống như tôi và ai nấy cũng đều nổi giận, nhỉ?

Ý lưỡng lự giây phút:

– Thưa bà, vâng.

– Và chính vì vậy mà các ông đùa dai?

– Bà định nói gì thế?

– Ông thấy xấu hổ, phải không? Rồi đành phải bông đùa một chút, chứ gì?

Tiếng nói của bà dịu dàng. Người bán hàng nhìn bà như bị thôi miên. Y không đáp lại.

– Sự tình là thế, – cuối cùng bà Mẹ nói – Bốn mươi xu thịt, mười lăm xu bánh, hai lăm xu khoai tây Vị chi là tám mươi, cà phê thì sao?

– Hai mươi xu, Giá rẻ nhất đấy, thưa bà.

– Chẵn một đô la. Chúng tôi bảy người làm lụng suốt ngày và ăn tối chỉ có thế! Bà nhìn bàn tay y một cách chăm chú.

– Ông gói cả lại cho tôi. – Bà nói nhanh.

– Thưa bà, vâng. rất cám ơn.

Y bỏ khoai tây vào một túi giấy rồi gập miệng túi lại cẩn thận. Y liếc nhìn trộm bà Mẹ, rồi lại chúi đầu vào công việc. Bà quan sát y, miệng khẽ mỉm cười, bà hỏi:

– Ông làm thế nào mà xin được chỗ làm này?

– Phải ăn chứ. Y nói. Rồi với một vẻ hung hăng. – Dẫu sao thì một con người cũng phải có quyền ăn uống chứ!

– Con người thuộc loại nào? – Mẹ hỏi.

Y đặt cả bốn gói thức ăn lên quầy rồi nói:

– Thịt, khoai tây, bánh, cà phê. Một đôla chẵn.

Bà chìa chiếc phiếu cho y và quan sát y trong khi y ghi tên và món tiền nợ vào sổ.

– Xong! – Y nói – bây giờ chúng ta xong nợ.

Mẹ cầm các gói thực phẩm lên.

– Mà này, – bà nói – tôi không có đường uống cà phê. Thằng con tôi, thằng Tom, hẳn muốn uống với đường. Này ông! họ làm việc ở đằng kia. Ông bán chịu cho tôi đi, lát nữa tôi mang phiếu đến.

Người đàn ông nhỏ bé ngoảnh mặt đi, cố ngoảnh thật xa không nhìn bà Mẹ. Y như nói thầm:

– Không thế được, bà ạ. Nội quy định như vậy, tôi không bán được như vậy. Sẽ chuốc lấy những sự phiền phức. Tôi có thể bị bắt giam.

– Nhưng vì họ đang làm trong vườn cây. Họ sẽ lĩnh được hơn mười xu kia mà. Cho tôi mười xu đường. Thằng Tom con tôi nó muốn uống cà phê có đường. Nó vừa nói với tôi như thế.

– Không thể được, bà ạ. Nội qui cấm. Không có phiếu, không có hàng hóa. Ông giám đốc cứ nhắc đi nhắc lại với tôi như thế. Không, không được. Không thể được, tôi bảo mà. Tôi sẽ bị bắt. Không thoát được. Tôi sẽ bị bắt. Không thể được.

– Bị bắt vì mười xu?

– Ít hơn thế kia cũng bị bà ạ.

Y nhìn Mẹ với vẻ cầu xin. Và đột nhiên, nỗi hoảng sợ biến mất khỏi khuôn mặt y. Y lấy ở túi áo mười xu, ném vào máy tính tiền mặt.

– Xong – y nói, giọng khuây khoả.

Y rút lên ở phía dưới quầy một cái túi nhỏ, lấy xẻng xúc một ít đường, cầm chiếc túi và bỏ thêm vào đó một ít đường.

– Đây – Y nói – Bây giờ thì đúng quy tắc. Bà hãy mang phiếu đến, tôi sẽ thu lại mười xu của tôi.

Mẹ quan sát y với vẻ tò mò. Bàn tay bà như mò mẫm thò ra cầm cái gói đường nhỏ đặt lên chồng gói thức ăn cồng kềnh bà ôm trong cánh tay.

– Rất cảm ơn ông, – bà nói một cách điềm tĩnh.

Bà đi ra cửa và tới đó, bà ngoảnh lại:

– Tôi đã học được điều hay. Ngày nào cũng học được. Là thế này, khi người ta bị túng thiếu hoặc gặp sự phiền muộn hay bị xúc phạm – thì chỉ nên đến với người nghèo khổ. Họ là những người duy nhất sẵn lòng giúp mình. Chỉ có họ mà thôi.

Cánh cửa lưới sắt khép lại phía sau bà. Người đàn ông bé nhỏ đứng tì khuỷu tay vào quầy hàng, đưa đôi mắt lạ lùng nhìn chằm chằm một lúc vào cánh cửa. Một con mèo lông nâu đốm vàng nhẩy lên quầy và đến uể oải cọ cọ vào cánh tay y. Con người bé nhỏ đó kéo nó lại sát má. Con mèo bèn lên tiếng gù gù một cách khoái trá, cái mũi đuôi nhọn đu đưa nhịp nhàng.

Tom, Al. Bố và chú John đi men vườn đào vào lúc tối mịt. Bước chân của họ nặng nề dẫm trên con đường đất.

– Đâu có tưởng được! Chỉ có việc giơ tay ra với và giật quả đào xuống mà cũng mỏi dừ gãy cả xương sống, – Bố nói.

– Hai ba ngày nữa sẽ quen thôi, – Tom nói – Bố ạ, ăn tối xong con thèm ra ngoài một chút, xem cớ sao có cái chuyện nhắng nhít om sòm ở cổng trại. Con cứ thắc mắc mãi. Bố có đi với con không?

– Không – Bố đáp – Tao thèm được yên tĩnh một lát để rồi lãm việc chứ không suy nghĩ gì hết. Tao có cảm tưởng là đã lâu lắm rồi, tao không ngớt vò đầu nát óc, mệt chết đi được. Thôi, tao ngồi một lát rồi đi nằm.

– Còn mày thì sao, Al?

Al ngoảnh mặt đi.

– Trước tiên em muốn đi dạo một vòng, xem ở đây nó thế nào.

– Ồ, chú John thì chắc chắn là không đi. Tao nghĩ là tao phải đi một mình, tao tò mò không biết sự thể thế nào.

– Tao thì có tò mò đến chết đi được tao cũng không đi. – Bố nói – Khi phải trông thấy một đống cảnh sát ở đây.

– Có thể là ban đêm chúng không ở đây nữa. – Tom, nói.

– Thôi tao chả đi xem làm gì. Mà tao cũng khuyên mày đừng nói với Mẹ mày đi đâu, nếu không bà ấy sẽ lo đến phát cuồng lên.

Tom quay về phía thằng em:

– Mày không thích đến xem à?

– Em chỉ thèm dạo một vòng trong trại, chỉ là xem nó như thế nào thôi – Al đáp

– Mày đi lùng gái hả?

– Anh chỉ dính vào những việc riêng của em thôi. – Al nói gắt.

– Còn tao, thế nào tao cũng đi – Tom nói.

Họ ra khỏi vườn đào, đi vào con đường nhỏ hẹp ngăn cách các dãy nhà đỏ. Ánh sáng vàng yếu ớt của các ngọn đèn dầu hoả chiếu qua các cánh cửa hé mở, những cái bóng đen đi đi lại lại trong các ánh sáng mờ mờ. Ở đầu con đường hẹp vẫn còn người lính gác đang ngồi ở đó, súng tựa vào đầu gối.

Tom đi ngang qua người lính thì anh dừng lại.

– Ông cho hỏi, ở đây có chỗ nào tắm rửa được không?

Người lính chăm chú nhìn anh trong ánh mờ mờ. Cuối cùng y đáp:

– Có trông thấy cái bể nước trên kia không?

– Có – Vậy ở đây có một vòi nước.

– Không có nước nóng?

– Này, cậu tưởng đang ở đâu vậy? ở nhà J.P.Morgan chắc?

– Không – Tom nói – Ai lại tưởng thế. Xin chào ông.

Tên lính gác càu nhàu, khinh bỉ:

– Nước nóng! Mẹ kiếp! Sao hắn không hỏi bồn tắm cho rồi.

Phẫn nộ, y nhìn bóng nhóm người nhà Joad đi xa dần. Một tên lính gác thứ hai hiện ra phía sau căn nhà cuối cùng.

– Có gì thế. Mack?

– Lại những cái giống chó chết Okies khốn kiếp.

– Hắn hỏi tớ: “Không có nước nóng sao?” Tên lính gác thứ hai hạ báng súng chấm đất.

– Chính là cái bọn ở trại của chính phủ, – hắn nói – tớ cuộc là cái thằng kia đã ở trại chính phủ. Chưa đốt hết các trại ấy đi thì chưa ăn ngon ngủ yên được. Sắp tới phải có đệm sạch sẽ cho chúng đây.

Mack hỏi:

– Ở cổng chính, tình hình thế nào? Cậu có nghe tin gì không?

– Thế này, chúng gào la suốt ngày, cảnh sát địa phương đã giữ được trật tự. Không biết tụi nào xúi giục cái bọn chó đẻ đó. Nghe nói hình như có một thằng con nhà điếm, người cao gầy, đã khuấy động hô hào bọn chúng. Có ai đó nói với tao là đêm nay, họ sẽ thộp cổ thằng đó, tự khắc mọi việc sẽ đâu vào đấy.

– Nếu dàn xếp dễ dàng như vậy thì chúng ta không còn việc làm nữa.

– Bao giờ lại chả có, cậu đừng lo. Bọn Okies khốn nạn! Lúc nào cũng phải trông chừng chúng.

– Nếu tình hình đâm ra quá yên tĩnh, phải khuấy động chúng lên một tí chút, chứ! – Tớ nghĩ là khi họ hạ tiền công thì tình hình lại rối ren.

– Cậu nói thế! Thôi, cậu chả phải lo về chuyện có việc làm hay không cũng như chả phải lo chuyện Công ty Hooper khiến chúng phải cụt vòi.

Ở nhà Joad, lửa bếp đang reo. Những miếng thịt băm nhỏ đang reo lèo xèo trong chảo, khoai tây đang sôi sùng sục. Căn nhà đầy khói, ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn xách chiếu đen lên tường những bóng dày nặng nề. Mẹ đang liền tay quanh bếp lửa, còn Rosasharn ngồi trên giường, cái bụng nặng nề tựa vào đầu gối:

– Bây giờ con có thấy khá hơn không? – Mẹ hỏi

– Chính con thấy nôn nao vì mùi thức ăn. Ấy thế mà con lại thấy đói.

– Con ra ngồi trước cửa. Vả lại. Mẹ cũng cần cái hòm gỗ này để chẻ làm củi đun.

Mấy người đàn ông bước vào.

– Lạy Chúa! Có thịt, – Tom kêu lên. – Và cà phê. Ngửi thơm ơi là thơm. Mẹ kiếp, đói quá. Con đã ăn một đống đào, nhưng chả mùi gì. Rửa ráy ở đâu được hở Mẹ.

– Đi ra bể nước, tắm rửa ở đấy. Mẹ vừa bảo Ruthie và Winfield ra đấy.

Cánh đàn ông lại đi ra.

– Nào, đi đi, Rosasharn. – Mẹ bảo – Ngồi trước cửa hoặc ngồi hẳn lên giường, để mẹ chẻ cái hòm.

Người vợ trẻ phải chống tay đứng lên. Cô nặng nề bước tới chiếc đệm gần nhất và ngồi lên đó.

Winfield và Ruthie lặng lẽ trở về, cố gắng đứng trong bóng tối để không ai có thể nom thấy rõ chúng.

Mẹ quay về phía hai đứa trẻ.

– Hai đứa kia, tao đoán là chúng mày thích gặp may nhờ đèn tù mù phải không?

Mẹ túm lấy Winfield và mân mê tóc nó.

– Dẫu sao thì cũng có ướt người. Nhưng tao cuộc rằng chúng mày chẳng sạch sẽ gì.

– Không có xà phòng, – Winfield càu nhàu.

– Đúng là không có. Hôm nay Mẹ không thể nào mua được. Nhưng có thể ngày mai sẽ có.

Bà trở lại bên bếp lò, dọn các đĩa ra và bắt đầu múc xúp. Mỗi suất hai miếng thịt băm nhỏ và một củ khoai tây to. Và mỗi người được ba nhát bánh.

Lúc đã phân phát thịt xong, bà rưới thêm ít mỡ vào một đĩa ăn. Đàn ông trở về, mặt mũi ướt át, tóc ướt bóng láng. Tom kêu to:

– A! Để nó đấy cho con.

Mỗi người bưng lấy đĩa. Họ ăn ngấu nghiến lặng lẽ rồi lấy một miếng bánh chùi sạch đĩa. Hai đứa trẻ lủi qua một góc phòng, đặt đĩa xuống sàn quì xuống trước thức ăn, chẳng khác gì những con chó con trước đĩa bột.

Tom nuốt miếng bánh cuối cùng.

– Còn nữa không. Mẹ?

– Không. Chỉ có thế. Tiền công được một đôla thì chỉ mua được một đôla.

– Mua ở kia à?

– Ở đây họ tính đắt hơn. Khi nào có thể được thì ra phố mua.

Con ăn chưa thoả.

– Vậy thì, ngày mai, con làm một ngày tròn. Tối mai, ta sẽ có ăn đầy đủ hơn.

Al lấy tay áo chùi miệng.

Con đi dạo một vòng – Hắn nói.

– Đợi tao, tao đi với.

Tom đi theo hắn ra ngoài. Trong bóng tối Tom nhích lại gần em. – Thật tình mày không muốn đi với tao ư?

– Không. Em đi dạo một vòng, em bảo rồi.

– Thôi, tuỳ mày. – Tom nói.

Tom tách ra và bước xuống con đường hẹp. Khói từ trong nhà toả ra quyện xuống đất, các ngọn đèn lồng hất ánh sáng ra đường qua các cửa sổ và cửa lớn để ngỏ. Ngồi trên ngưỡng cửa, nhiều người nhìn vào đêm tối. Tom thấy họ ngoảnh đầu lại lúc anh đi vào và cảm thấy họ đưa mắt theo dõi anh.

Đến đầu đường, anh rẽ theo một con đường lớn bụi bặm ngang qua cánh đồng đầy những gốc rạ bong đen của các đống cỏ nhỏ hiện rõ dưới ánh sao đêm. Mảnh trăng lưỡi liềm nằm thấp nơi chân trời về phía đông, và lòng sông. Ngân trải dài ra trên nền trời trong vắt. Tiếng chân bước của Tom khe khẽ động trên bụi bặm của con đường mòn và đôi giầy của anh để lại những vệt mờ mờ trên rơm rạ: Anh thọc tay vào túi quần và lững thững anh đi về phía cổng chính. Con đường mòn men theo một bờ đường dốc. Tom nghe tiếng nước thì thầm trong cỏ dưới mương. Anh leo lên bờ dốc, nhìn xoáy vào nước đen ngòm và nom thấy ánh sao sáng in dài dưới nước. Con đường cái bây giờ đã ở trước mặt anh, nó hiện rõ trong ánh sáng những đèn pha xe hơi xồng xộc chạy vụt qua. Tom lại tiếp tục bước, nom thấy trước mắt hàng rào giây thép dưới ánh sao.

Một bóng người động đậy ở bờ đường rồi có tiếng nói:

– Ê kìa! Ai đấy?

Tom dừng lại và đứng yên.

– Anh là ai?

Một người đàn ông đứng lên và bước lại gần.

Tom nom thấy tay y cầm khẩu súng ngắn, rồi một ánh đèn pin đánh thẳng vào mặt anh.

– Anh định đi đâu như thế kia?

– Tôi đi dạo một chút. Có luật cấm ư?

– Tốt nhất là anh đi dạo ở phía kia thì hơn.

Tom hỏi:

– Tôi không thể đi ra ngoài được sao?

– Tối nay thì không. Anh có muốn trở lại ngay hay là để tôi phải huýt còi người tiếp viện đến bắt anh?

– Ồ! phải, quái quỷ thật! đi hay về, tôi cũng cóc cần. Nhưng nếu đã có chuyện rắc rối như vậy thì đành thôi vậy. Tôi trở về là cái chắc.

Cái bóng đen có vẻ khoan khoái. Đèn tắt.

– Anh biết đấy, chính là có lợi cho anh tôi mới bảo anh đi về mạn kia. Không thế thì anh sẽ bị cái bọn bãi công chết tiệt ấy bắt mất.

– Bọn bãi công nào?

– Bọn đỏ mạt kiếp ấy mà.

– A! Tôi biết đâu là có bọn đó.

– Khi tới đây anh có thấy chúng không? Không ư?

– Nghĩa là tôi thấy một toán đông, nhưng cảnh sát nhiều quá nên chẳng biết ra làm sao. Tôi tưởng có tai nạn gì đó.

– Thôi, tốt hơn là anh về đi.

– Xong thôi. Càng hay cho tôi.

Anh quay ngoắt lại và đi theo lối cũ. Được một quãng anh dừng lại nghe ngóng. Từ cái mương tưới tiêu vọng lại tiếng gọi líu lo của con gấu trúc; phía xa một con chó bị xích đang gào rú giận dữ. Tom ngồi xuống bên bờ đường và căng tai nghe. Anh nghe tiếng cười to nhưng cố nén của một tay ăn sương và tiếng lướt êm của một con vật đang bò trong rạ. Anh dò xét chân trời ở cả hai hướng, và chỉ thấy hai mảng tối ở cả hai phía, không có gì có thể làm lộ hình bóng của anh.

Anh bèn đứng lên, chậm rãi băng qua đường mòn và đi sâu vào cánh đồng rạ, người gập đôi, anh tiến lên, đầu cúi thấp ngang những đụn cỏ rơm nhỏ. Anh di chuyển chậm, thỉnh thoảng dừng lại để lắng nghe. Cuối cùng, anh tới được bờ rào gồm năm hàng dây thép gai thật căng. Anh nằm ngửa mặt lên áp sát bờ rào, chui đầu qua phía dưới sợi dây thép thấp nhất, rồi vừa đưa hai tay nâng nó lên vừa khuỳnh hai bàn chân chúi người luồn qua. Anh sắp đứng lên thì có một nhóm người đi ở bên bờ đường. Tom đợi cho họ đi xa rồi mới đứng lên để theo họ. Anh thăm dò phía bên đường để tìm các lều. Vài chiếc xe hơi chạy qua. Một con suối sát ngang cánh đồng và con đường cái chạy qua suối trên một chiếc cầu xi măng. Tom nhìn qua bên thành cầu. Trong đáy lòng trũng, anh nom thấy một cái lều trong đó có ánh ngọn đèn lồng. Anh quan sát chiếc lều một lát và thấy bóng những người bên trong in trên nền vải lều. Tom leo qua một bờ rào và đi xuống lòng trũng, qua những bụi bờ và những cây liễu thấp lùn. Dưới lòng trũng bên cạnh một con suối nhỏ, anh phát hiện ra một con đường mòn. Một người đàn ông ngồi trên một cái hòm trước cửa lều.

– Xin chào.

– Ai đấy?

– Ồ, thế này, tôi chỉ đi qua, thế thôi.

– Anh quen biết ai ở đấy?

– Không, tôi đã nói là tôi chỉ đi qua.

Một cái đầu ló ra khỏi lều rồi nghe tiếng hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Casy. – Tom kêu lên – Casy! Lạy Chúa! ông làm gì ở đây?

– Ủa, lạy Chúa? Tưởng ai hóa ra Tom Joad đây mà! Vào đi Tom. Vào đi.

– Ông biết anh ta à? – Người đàn ông ở trước lều nói.

– Biết anh ta không ư? Lạy chúa, biết chứ. Biết hắn từ bao năm nay. Tôi cùng hắn đi về miền tây.

– Vào đi Tom.

Ông ta túm lấy vai Tom và kéo anh ta vào lều. Phía trong có ba người ngồi dưới đất. Một ngọn đèn đặt chính giữa lều. Họ ngước mắt nhìn, đầy vẻ nghi kỵ. Một người trong bọn, gương mặt u sầu và cau có chìa tay ra.

– Rất mừng được gặp anh. Thế ra Casy quen biết anh hay sao? Chính là cái anh chàng mà ông đã nói chuyện với bọn tôi, phải không?

– Thì đúng rồi. Đúng hắn, lại còn phải hỏi. Gia đình ta ở đâu? Mày làm gì ở đây?

– Thế này, – Tom nói – Nhà tôi nghe nói là ở đây có việc làm. Thế là cả nhà lên đường. Tới nơi rồi, chúng tôi bị một toán cảnh sát lôi vào trại, và suốt cả buổi chiều chúng tôi cứ việc hái đào. Tôi trông thấy một toán đông những kẻ gào la. Chả ai chịu nói cho tôi biết tại sao có chuyện đó. Thế là tôi lần mò tới đây xem binh tình. Nhưng ông Casy cớ sao ông lại trôi dạt tới đây?

Ông mục sư cúi về phía trước, ánh đèn vàng soi rõ cái trán cao và tái xanh của ông.

– Nhà tù ấy mà, quả là chốn kẻ cùng ngộ. Như mày thấy đấy, tao lúc nào cũng đuổi theo sự cô đơn, cũng như Jesus, tao đi vào sa mạc tìm kiếm cái gì đó. Đôi khi suýt tìm ra. Nhưng chính ở trong tù tao mới tìm ra thực sự.

Đôi mắt ông linh hoạt, vui tươi.

– Cái xà lim cũ kỹ, to lớn kia, lúc nào cũng đầy những người. Kẻ thì mới đến, kẻ được tha, và cố nhiên, tao chuyện trò với tất cả bọn họ.

– Cái đó thì đã hẳn, – Tom nói – ông thì có bao giờ là không trò chuyện. Ngay cả khi ở dưới giá treo cổ, ông cũng dành cả một ngày để tán chuyện với gã đao phủ. Về cái khoản tán chuyện, có ai lại bằng ông Casy.

Những người trong lều bật cười. Một người bé quắt lại, da mặt nhăn nheo như một quả táo héo, vỗ đánh đét một cái lên đầu gối.

– Nói chuyện luôn mồm, – y nói – Thiên hạ thích nghe ông ta, cái đó thì khỏi nói.

– Hồi xưa, ông ấy là mục sư. – Tom nói – Ông ấy đã nói với các bác chưa?

– Dĩ nhiên là rồi.

Casy cười hở cả lợi.

– Như tao đã nói với mày lúc nãy, lúc ở tù tao đi sâu vào các sự việc. Một vài kẻ trong lều kia là những tay say rượu, nhưng phần lớn họ ở đấy vì họ đã trộm cắp, mà hầu như lúc nào cũng ăn cắp những thứ cần thiết nhất, những thứ mà họ không có cách nào kiếm được. Mày hiểu chứ?

– Không, – Tom nói

– Thế này nhé, mày phải biết, đó là những kẻ tốt bụng, Điều khiến họ xấu xa, đơn giản là họ có những nhu cầu. Chính tao bắt đầu nắm được điều đó. Chính cái đói nghèo là nguyên nhân gây nên mọi sự rắc rối. Tao còn chưa sáng tỏ được toàn bộ vấn đề. Chỉ biết có một hôm, người ta cho chúng tao ăn đậu chua. Một gã bắt đầu la ó, chả kết quả gì. Gã gào rống như một thằng bị quỷ ám. Một đứa giải tù dẫn xác đến, liếc mắt nhìn một cái rồi bỏ đi. Thế là, một gã khác bắt đầu gào. Tiếp đó, tất cả đều gào la. Đồng loạt om sòm tưởng chừng cả nhà tù đang dập dềnh dâng lên hạ xuống. Lạy Chúa! Lúc đó thì mới có chuyện. Bọn chúng hộc tốc kéo tới và đem thứ khác để cho bọn tao ăn. Thứ khác nhé. Hiểu chưa?

– Không hiểu, – Tom nói.

Casy chống tay lên cằm: – Có lẽ tao không thể nói cho mày hiểu được. Có lẽ tự mày mày sẽ suy ra. Chiếc mũ catket của mày đâu rồi?

– Tôi không mang theo.

– Em gái mày thế nào?

– Nó ấy à? Ồ, cô a như con bò cái. Tôi cuộc là nó sẽ đẻ sinh đôi. Chẳng mấy chốc nữa sẽ vỡ bầu. Nhưng hiện lúc này, nó cứ phải lấy hai tay đỡlấy bụng. Ông vẫn chưa nói tôi biết có chuyện gì ở đây? Người đàn ông da nhăn nheo nói:

– Đình công. Ở đây đang đình công.

– Ồ!Năm xu một thùng, chả nhiều nhặn gì, nhưng vẫn có cái để ăn.

– Năm xu? – Người đó kêu lên – Năm xu? Chúng trả các cậu năm xu?- Thì đúng như tôi nói, cả nhà tôi kiếm được một đôla tươi:

Một sự lim lặng nặng nề đè mạnh lên lều, Casy nhìn chăm chú vào bóng đêm qua cửa lều…

– Tom này,- Casy nói – Bọn tao tới đây kiếm công ăn việc làm. Chúng đã nói sẽ trả chúng tao năm xu. Mày xem, người kéo đến lũ lượt. Tới nơi rồi, chúng bảo chúng sẽ chỉ trả hai xu rưỡi. Riêng một người cũng chả nuôi được mình với tiền công đó huống hồ còn tụi trẻ con. Bọn tao trả lời không nhận. Thế là chúng tống bọn tao đi. Và tất cả bè lũ cảnh sát xông vào bọn tao. Bây giờ chúng trả mày năm xu. Khi nào chúng bẻ gẫy cuộc bãi công của bọn tao, mày tưởng chúng vẫn tiếp tục trả công năm xu sao?

– Tôi không biết. – Tom nói – Hiện giờ họ trả năm xu.

– Tom ạ, mày nghĩ xem. Bọn tao muốn cắm trại chung với nhau, nhưng chúng đã xua đuổi bọn tao như xua lợn. Xua tan tác. Nhiều anh em bị đánh nhừ tử, bị xua đuổi như lợn. Rồi cũng bị rượt đuổi như bầy lợn. Bọn tao không trụ được lâu nữa. Có những người hai ngày nay chẳng có gì ăn. Tối nay mày trở về đằng kia à?

– Đúng, tôi có ý định thế.

– Thế này, kể cho họ biết, những gì đã xảy ra. Nói với họ là họ đang làm cho chúng tao chết đói và họ làm thiệt đến chính họ. Vì rằng, lúc nào bọn cảnh sát quét sạch bọn tao xong, công xá sẽ tụt xuống hai xu rưỡi. Chắc như đinh đóng cột.

– Tôi sẽ nói cho họ biết, – Tom hứa – Tôi chẳng biết xoay sở ra làm sao nữa. Chưa bao giờ thấy súng ngắn, súng trường nhiều đến thế. Thậm chí tôi không biết chúng có cho phép người nọ chuyện trò với người kia không. Với lại khó gần anh em. Họ cứ cắm đầu mà đi qua, mình có chào họ, họ cũng chả buồn trả lời nữa.

– Hãy cố nói với họ. Tom ạ. Ngay lúc bọn tao không còn ở đây nữa, họ chỉ nhận được hai xu rưỡi nữa thôi. Mày biết hai xu rưỡi là thế nào không, một tấn quả đào hái và đem bán để lấy một đô la.

Ông gục đầu:

– Không, ta không thể chấp nhận cái đó. Không có thể tự nuôi sống với giá đó, không thể có ăn với giá đó.

– Tôi cố báo cho những người khác.

– Mẹ mày khoẻ không?

– Khỏe. Lúc ở trại Chính phủ. Bà ấy thích lắm. Có vòi tắm nước nóng.

– Ờ, ờ… tao có nghe nói.

– Ở đó rất dễ chịu, có điều, không có cách nào tìm ra việc làm. Thế là phải ra đi.

– Tao có ý định vào một cái trại như vậy, – Casy nói, – Để xem sao, có ai đó nói với tao là không có cảnh sát.

– Không có. Dân trại tự đảm đương lấy việc cảnh sát.

Casy ngước nhìn anh với đôi mắt kích động.

– Và không có những điều phiền toái chứ? Không có những vụ ẩu đả, trộm cắp, say bét nhè?

– Không, – Tom nói.

– Nhưng nếu kẻ nào đó giở trò xấu xa thì sao? Họ làm thế nào?

– Người ta đuổi ra khỏi trại.

– Nhưng không có nhiều chứ?

– Ôi! Không nhiều đâu, – Tom đáp – Chúng tôi đã ở đấy một tháng. Chỉ thấy có một người bị đuổi. Đôi mắt Casy lấp lánh, linh hoạt. Ông quay về phía mấy người bạn.

– Các cậu thấy chưa? – ông kêu lên – Tôi đã bảo với các cậu thế nào? Bọn cảnh sát chỉ gây rối ren hơn là ngăn chặn. Tom nói, mày hãy tới gặp những người ở chỗ mày. Cố gắng lôi kéo họ về phía bọn tao, rủ họ đình công. Cái đó, có thể bốn mươi tám tiếng là xong. Đào đã chín rồi. Hãy nói với họ.

– Họ sẽ từ chối, – Tom nói – Họ lĩnh năm xu và chả cần đếm xỉa đến cái gì khác.

– Nhưng ngay khi họ thôi không còn là những tay phá bãi công, họ vẫn có thể tìm được việc mới năm xu. Tôi không tin là họ nuốt được chuyện đó. Họ đang lĩnh được năm xu. Họ chỉ quan tâm đến chuyện đó thôi, ông ơi! – Nhưng dầu sao cũng cứ nói với họ.

– Tôi biết là bố sẽ không nghe. – Tom nói – Tôi biết tính ông ta. Ông ta sẽ trả lời tôi là cái đó chẳng mắc mớ gì đến ông.

– Đúng – Casy thừa nhận với vẻ đau khổ. – Tao tin là mày có lý. Ông ấy mà chưa bị đánh vào đầu thì ông ấy vẫn trơ ì.

– Ở nhà tôi chả còn gì ăn. Tối nay có thịt. Chả mùi gì, nhưng cũng gọi là có. Ông nghĩ bố sẽ nhả miếng thịt ra để làm vui lòng kẻ khác sao? Còn Rosasharn cần sữa. Ông tin là mẹ sẽ chịu để cho đứa bé sơ sinh thiếu thốn chỉ vì một toán người đang hò hét om sòm trước rào chắn ư?

Casy buồn bã nói:

– Giá như họ có thể mở mắt ra mà xem. Giá như họ hiểu được cách duy nhất để bảo vệ miếng bít tết của họ là… Ôi! Nhiều lúc tao thấy ngán quá. Ngán ghê gớm. Tao có biết một thằng. Bị bắt lúc tao còn ở tù, vì đã cố thành lập một nghiệp đoàn. Y đã dựng nó lên được. Thế rồi bọn giữ trật tự thuê nhào tới. Mày có biết cái gì xảy ra sau đó không? Những người mà y muốn giúp đỡ, muốn tổ chức lại đã tống cổ y ra ngoài. Chúng chả muốn dính dáng gì với y, sợ bị liên lụy. “Cút đi!” Chúng nói. “Mày chỉ gây chuyện nguy hiểm cho chúng tao”. Tinh thần y suy sụp. Nhưng y nói: “Nếu hiểu ra mọi nhẽ, thì cũng chẳng đến nỗi nào? Hãy xem Cách mạng Pháp. Những người đã phát động nó đều bị chặt cổ. Sự ra đời bao giờ cũng là thế.

Cũng tự nhiên như mưa rơi. Thoạt tiên, không phải vì thích thú mà người ta làm như vậy. Người ta làm là vì phải làm. Nó nằm trong bản thân anh.

Chẳng hạn, Washington, ông ta đã chiến đấu vì Cách mạng và sau đó cái bọn khốn kiếp đã quay lại chống ông. Lincoln cũng như vậy. Cũng chính bọn đó đã là ó đòi giết ông ta. Cũng là kẻ tự nhiên như mưa rơi.

– Tôi thấy chuyện đó chả có gì là ngộ, – Tom nói.

– Không, ngộ là thế nào. Cái gã kia ấy mà, y nói với tao: “Dẫu sao cũng là làm hết sức mình”.

Lại nói: “Điều duy nhất phải thấy, là, mỗi lần thực sự tiến lên được một bước, thì có thể lại lùi một phân, nhưng chỉ đến vậy thôi. Cái đó thì dễ chứng minh và chứng tỏ là đúng, rằng rút cuộc. Chả có gì bị hao phí, mặc dầu nhiều khi ta nghĩ ngược lại”.

– Y nói huyên thuyên, – Tom nói – Nói để mà nói thôi. Hãy xem thằng Al nhà tôi, chẳng hạn. Hắn đã đi cưa gái. Chuyện khác, hắn đếch cần. Vài ba ngày tới, hắn lại mò được một đứa. Đầu óc hắn chỉ có thế, chỉ nghĩ cái đó suốt ngày, rồi đến đêm lại đi mò. Bước tiến lên, bước lùi xuống hay bước sang bên, ông nghĩ xem, cái đó có nghĩa lý gì với hắn.

– Cố nhiên. – Casy nói. – Cố nhiên rồi. Đơn giản là hắn làm cái phải làm. Chúng ta ai chả thế.

Người đàn ông ngồi phía ngoài vén rộng tấm cửa lều ra. Y nói:

– Mẹ kiếp, tao không thích thế.

Casy quay mắt về phía y:

– Có chuyện gì vậy?

– Không biết. Có cái gì đó làm tôi bứt rứt khó chịu. Tôi thấy cáu kỉnh hơn con mèo vào đêm giông tố.

– Nhưng nào, cái gì mới được chứ?

– Không biết. Tôi có cảm tưởng nghe một tiếng gì đó tôi bèn lắng tai, nhưng chẳng có gì.

– Anh hay hoảng hốt bồn chồn, chứ gì đâu! Người nhỏ bé, da nhăn nheo nói.

Y đứng lên và đi ra. Giây lát sau, y thò đầu vào trong lều.

– Đằng kia có đám mây to đang kéo tới. Chắc chắn có cơn giông. Anh thấy khó chịu vì thế thôi… động trời 3 mà! Rồi y đột nhiên lặn mất. Hai người đàn ông đứng lên và đi ra.

Casy nói khe khẽ:

– Họ thì lúc nào cũng thấy ngứa ngáy khó chịu.

– Bọn cảnh sát đã lớn tiếng la lối sẽ nện chúng tao một trận nên thân rồi tống khứ bọn tao ra khỏi vùng này. Chúng cho tao là kẻ cầm đầu, do bọn tao nói nhiều.

Khuôn mặt nhăn nheo lại hiện ra.

– Casy, tắt đèn đi rồi ra xem. Có chuyện gì đấy.

Casy vội vặn đèn xuống. Lửa đèn bé dần, chìm sâu xuống và tắt đi với tiếng lèo xèo. Casy mò mẫm luồn ra. Tom đi theo ông.

– Có chuyện gì vậy? – Casy hỏi trong một tiếng thì thầm.

– Tôi không biết. Lắng nghe xem.

Tiếng ếch nhái ồm ộp hòa vào cành hoa lặng xen với những tiếng dế ran ran, inh ỏi. Nhưng qua các bức tường, tiếng động này, thấm lọc những tiếng động khác, tiếng chân bước rón rén trên đường cái, tiếng các cục đất lăn từ trên đầu bờ đường xuống, những tiếng sột soạt khe khẽ trong cỏ mọc hai bên dòng suối.

– Thật ra thì khó mà nói là đã nghe tiếng gì.

Dễ nhầm lắm. Tức cả cái mình.

Casy nói cho họ yên tâm:

– Chúng ta cũng bực tức. Không thể nói rõ là… Mày có nghe gì không, Tom?

– Có, tôi có nghe, – Tom đáp – Tôi có nghe tiếng. Tôi tin có nhiều người từ bốn phía đi tới. Tốt nhất là chuồn đi.

Người nhỏ bé da nhăn nheo lầm rầm:

– Dưới vòm cầu, phía kia. Phải bó lều lại thôi.

– Thôi đi, – Casy nói.

Họ đi theo bờ suối, cố không gây tiếng động.

Phía trước họ, vòm cầu sâu hoắm như một cái hang. Casy cúi mình và chui vào. Tom theo sau.

Chân họ bước trong nước. Họ đi như vậy được quãng mười mét, hơi thở của họ dội vào vòm gầm cầu. Tới phía bên kia họ đứng thẳng dậy.

Một tiếng gọi nổi lên gay gắt:

– Chúng kia rồi.

Hai chùm đèn pin chiếu thẳng vào họ, bao bọc lấy họ, khiến họ loá mắt.

– Không được động đậy.

Từ trong bóng đêm, có tiếng người vẳng ra:

– Đúng hắn. Cái thằng cao lớn chó chết kia. Không trật được.

Casy nhìn thẳng vào ánh sáng chói mắt. Ông thở khó khăn. Ông nói:

– Các bạn ơi, hãy nghe tôi. Các bạn không nhận ra các bạn đang làm gì. Các bạn giúp người ta làm cho trẻ con chết đói.

– Câm mõm lại, thằng đỏ bẩn thiu kia.

Một người mập và lùn tiến lại trong vùng ánh sáng. Tay hắn cầm một chiếc cuốc mới tinh.

Casy tiếp tục:

– Các bạn không nhận ra việc mình đang làm.

Gã đàn ông vạm vỡ bèn vung cán cuốc giáng xuống, Casy định né tránh. Chiếc gậy to phang đúng sọ ông. Casy đổ nghiêng xuống trong bóng đêm.

– Lạy chúa! Tao tin là mày đã giết chết hắn rồi George ơi!

– Soi đến xem. – George nói – Đáng đời nhà hắn, cái thằng chó đẻ.

Chùm ánh sáng hạ thấp xuống, tìm tòi trên đất và soi đúng vào cái sọ vỡ toác của Casy.

Tom cúi mắt nhìn ông mục sư. Ánh đèn pin soi sáng phía dưới khúc cẳng của thằng cha béo lùn và cái cán cuốc trắng. Tom lặng lẽ lồm chồm tới, thoắt một cái giật phăng cán cuốc. Lần thứ nhất, anh biết ra là mình đã đánh trượt và chỉ giáng xuống vai, nhưng lần thứ hai chiếc gậy của anh đã đập trúng một cái đầu, và khi cái hình thù đồ sộ sụp nhào xuống. Anh nện thêm ba nhát vào cái đầu đó. Những ánh lửa nhảy múa, hoảng loạn.

Những tiếng gọi í ới vang lên, rồi nghe tiếng chân chạy hối hả dẫm rậm rịch trong các bờ bụi. Tom đang đứng nấn ná bên cái thân hình nằm sóng soài thì đột nhiên bị đánh vào đầu một cú đánh hú hoạ. Anh cảm thấy như bị điện giật. Lát sau đó, anh chạy dọc con suối, người cúi gập đôi. Anh nghe ở phía sau những tiếng bì bõm trong nước.

Bất ngờ, anh nhảy tránh ra và bỏ qua các bụi cây, rúc sâu vào một lùm cây rồi ngồi im bất động.

Tiếng bước chân bước lại gần, ánh đèn lướt trên mặt suối. Cố hết sức len lách, vặn vẹo, anh thoát ra khỏi bụi, trèo lên đầu bờ suối đi vào một vườn cây ăn quả. Từ đó, anh vẫn nghe tiếng gọi, kêu la của bọn truy đổi đang tìm kiếm anh ở lòng suối.

Anh cúi thấp người, chạy qua cánh đồng, đất cục tuột lặn dưới chân anh. Anh thấy ở phía trước những bụi cây rậm đánh mốc cho cánh đồng dọc theo con mương. Anh luồn qua bờ, bò ra, leo lách qua các cây gai và dây leo. Anh nằm yên, thở hổn hển và đưa bàn tay xoa lên mặt và mũi tê buốt.

Mũi anh bị dập và một tia máu chảy xuống cằm.

Anh nằm úp sấp duỗi dài cho tới khi tỉnh hẳn.

Rồi anh chậm rãi lê dần xuống bờ suối. Tới đó, anh nhúng mặt vào nước mát, xé một mảnh chiếc áo sơ mi xanh, nhúng nó vào nước rồi ấp vào mũi, vào đôi má rách toạc. Nước lạnh buốt châm chích và đốt da thịt. Đám mây đen trôi trên bầu trời, tạo nên một mảnh xanh xám trên nền trời sao. Đêm trở lại lặng lẽ.

Tom đi trong nước và cảm thấy đất lún dưới chân. Bằng hai sải tay, anh bơi qua con mương rồi ì ạch leo lên bờ bên kia. Quần áo anh dính vào da thịt. Anh cử động và gây nên tiếng lội bì bõm, nước trong giày bắn ra ục ục. Anh bèn ngồi xuống, tháo giày dốc nước ra. Tiếp đó anh vắt ống quần, cởi áo ngoài vắt cho hết nước. Dọc theo con dường cái, anh nhận thấy những chùm đèn pin sục sạo các hố, các rãnh. Anh đi giày vào và thận trọng đi qua ruộng rạ. Giày anh hết òng ọc. Do bản năng dẫn đường anh vượt qua cánh đồng và cuối cùng tới con đường mòn. Thận trọng từng tí một, anh lại gần dãy nhà vuông. Thình lình một người gác nghe tiếng động, kêu to: – Ai đi đấy?

Tom nằm vội xuống đất, người cứng ngắc bất động, chùm ánh sáng lướt thướt qua phía trên người anh. Anh lặng lẽ bò tới lều của gia đình.

Cửa kêu kèn kẹt trên bản lề.

Tiếng của Mẹ điềm tĩnh, rắn rỏi và hoàn toàn tỉnh táo, hỏi:

– Cái gì thế?

– Con đây, – Tom đáp.

– Tốt nhất là con ngủ đi. Thằng Al chưa về.

– Chắc hắn đã tìm được con bạn gái.

– Thôi ngủ đi. – Mẹ nói khẽ – Kia, nằm phía dưới cửa sổ kia.

Anh nhìn được chỗ nằm, cởi hết áo dính bết vào da thịt rồi vừa luồn vào chăn vừa run lẩy bẩy, mặt bị thương đã hết tê buốt, nhưng đầu anh đau như búa bổ.

Một tiếng sau Al mới trở về. Hắn đi mò mẫm và dẫm lên quần áo ướt của Tom.

– Suyt! – Tom khẽ nói.

Al thì thầm:

– Anh không ngủ à? Anh ướt hết cả rồi, sao thế?

– Suỵt – Tom nói – Sáng mai tao sẽ nói chuyện.

Bố trở lưng và cả căn nhà tràn ngập tiếng ngáy tiếng khò khè và tiếng nấc của ông.

– Anh lạnh cứng ra, – Al nói.

– Suỵt, ngủ đi.

Cái khung vuông nhỏ của cửa sổ in hình xám bên bóng tối trong gian nhà.

Tom không tài nào ngủ được. Các đường gắn trên khuôn mặt bị thương thức tỉnh và đau nhói, đầu gò má đau ê ẩm, cái mũi bị đánh dập sưng phồng lên và giật khiến toàn thân rung chuyển.

Anh ngắm nghía nhìn ô vuông cửa sổ, thấy các ngôi sao lướt qua và biến dần. Thỉnh thoảng anh nghe tiếng chân của tên lính gác.

Cuối cũng gà gáy ở nơi xa, cửa sổ sáng dần, Tom đưa đầu ngón tay mân mê khuôn mặt bị sưng, và cử chỉ của anh khiến Al càu nhàu trong giấc ngủ.

Rồi mãi sau, rạng đông tới. Trong các căn nhà đứng chen vào nhau, có tiếng người nào đó chẻ củi, khua xoong chảo.

Trong ánh xám nhờ nhờ. Mẹ đột nhiên ngồi dậy.

Tom nhận thấy khuôn mặt ngái ngủ của Mẹ. Một lúc lâu, Mẹ ngồi nguyên nhìn qua cửa sổ. Rồi mẹ hất chăn ra, tay lần mò tìm áo dài. Vẫn ngồi như vậy bà trùm áo lên đầu và để nó tuột xuống người.

Rồi bà đứng lên cho nó rơi xuống tận cửa sổ và ngó ra ngoài, rồi chằm chằm nhìn ánh ban ngày đang sáng dần, các ngón tay khéo léo của Mẹ gỡ tóc ra vuốt vuốt và tết lại thành bím. Rồi mẹ khoanh tay trước bụng, đứng im trong một lúc.

Khuôn mặt của Mẹ nổi rõ trong ánh sáng ở cửa sổ. Mẹ quay lại rón rén đi giữa các tấm nệm và nhìn thấy chiếc đèn, Mẹ thắp lên.

Bố trở mình mấy lượt, đôi mắt hấp háy nhìn mẹ.

– Bố nó, có còn tiền không?

– Hử? Còn, một mảnh giấy ghi sáu mươi xu.

– Vậy thì đứng lên, đi mua bột và mỡ. Chạy nhanh lên.

Bố ngáp:

– Thì cứ gọi người ta mở. Cả nhà phải có cái gì bỏ vào bụng chứ! Còn phải đi làm.

Bố xóc lại chiếc quần yếm, mặc thêm chiếc áo vét sắc hung ra ngoài, vừa lê bước đi, vừa vặn vẹo vừa ngáp.

Bọn trẻ con thức giấc, từ dưới tấm chăn, đôi mắt mở thao láo như lũ chuột nhắt. Một thứ ánh sáng tái nhợt bây giờ tràn ngập căn buồng, thứ ánh sáng nhờ nhờ trước khi mặt trời lên. Mẹ liếc nhìn các tấm nệm. Chú John đã thức dậy, còn Al ngủ li bì. Mẹ đưa mắt nhìn Tom. Bà nhìn con chằm chằm rồi bước nhanh lại chỗ con. Mặt anh sưng vù, máu bầm tím trên cằm và môi. Mép vết thương xé rách má cũng sưng lên và căng ra.

Mẹ thì thầm:

– Tom ạ, có chuyện gì vậy?

– Suỵt! Đừng nói to thế. Con dính líu tới một cuộc ẩu đả

– Tom!

– Không phải lỗi tại con. Mẹ ạ.

Mẹ quì xuống bên cạnh con:

– Chuyện lôi thôi lắm à?

Phải lâu lắm anh mới đáp:

– Ờ, Chuyện lôi thôi. Con không thể đi làm được.

– Con phải ẩn nấp đi.

Hai đứa bé bò tới, háo hức tò mò.

– Anh ấy bị chuyện gì thế, Mẹ?

– Suỵt! mẹ nói – Đi rửa ráy đi.

– Không có xà phòng.

– Thế thì, không có xà phòng cũng rửa.

– Anh Tom bị gì thế?

– Chúng mày có im mồm đi không? Mà không được hở chuyện với ai.

Chúng lùi lại và ngồi xổm xuống sát tường phía đối diện, biết rằng chẳng ai để ý đến chúng.

Mẹ hỏi:

– Nghiêm trọng lắm ư?

– Con bị dập mũi.

– Không, là Mẹ muốn hỏi. Chuyện của con ấy mà?

– Ờ, nghiêm trọng! Al mở mắt nhìn Tom:

– Thế nào vậy. Lạy chúa! Anh đã rúc vào đâu vậy?

– Hắn làm sao thế? – Chú John hỏi. Bố trở về, kéo lê đôi giày nặng trịch trên sàn nhà.

– Tiệm mở cửa rồi.

Ông đặt một túi bột bé tẹo và gói mỡ xuống đất gần bếp lò.

– Chuyện gì vậy – ông hỏi.

Tom chống một khuỷu tay nhổm lên trong mấy giây rồi lại nằm xuống.

– Lạy chúa! Mệt làm sao! Con sẽ kể cho cả nhà nghe một thể. Để ai nấy cũng biết. Nhưng còn bọn nhỏ?

Mẹ nhìn hai đứa bé đang đứng sát tường và cố thu mình lại. – Chúng mày đi rửa mặt đi.

– Thôi – Tom quyết định – cứ để chúng nghe.

Con muốn chúng phải biết. Nếu không chúng lại đi khao chuyện huyên thuyên.

– Mẹ kiếp, những chuyện gì vậy? – Bố hỏi.

– Con sẽ nói. Tối qua, con muốn đi xem tại sao mà có chuyện la lối om sòm ở cổng vào. Và không ngờ lại gặp đúng Casy.

– Ông mục sư ấy à?

– Đúng, bố ạ, ông mục sư. Có điều, chính ông ta cầm đầu cuộc bãi công. Bọn chúng đến để thanh toán ông ta. – Bọn nào? – Bố hỏi. – Con không biết. Cái bọn thuộc loại đã chặn chúng ta trên đường cái và bắt chúng ta quay lui, đêm hôm nào đó. Chúng cầm cán quốc.

Anh nghỉ lấy hơi.

– Chúng đã giết ông ta. Đập vỡ sọ. Con có mặt ở đấy, con nổi điên. Thế rồi con giật lấy cái cán quốc.

Trong khi nói như vậy, anh thấy lại cái cảnh tượng hãi hùng, bóng đêm, chùm đèn pin. – Con đã đập ngã một đứa.

Mẹ nín thở. Bố co rúm người lại, hỏi khẽ:

– Mày giết chết hắn à?

– Con không biết, lúc đó con như điên. Con cố đập chết nó.

Mẹ hỏi: – Người ta có trông thấy con không?

– Con không biết. Con nghĩ là có. Họ chĩa đèn pin vào chúng con.

Mẹ nhìn một lúc vào mặt Tom.

– Bố nó, – bà nói khẽ – Chẻ củi, để tôi nấu ăn.

Phải đi làm, Ruthie và Winfleld, mẹ bảo đây.

– Nếu có ai hỏi dò gì. Tom bị ốm, hiểu chưa? Nếu chúng mày nói hở ra điều gì đó, người ta lại bắt anh bỏ tù lại. Chúng mày hiểu chưa?

– Hiểu rồi, mẹ ạ.

– Chú John, để ý chúng. Nhất là đừng để chúng nói với bất cứ ai.

Mẹ nhóm lửa, còn Bố thì phá những chiếc hòm đã đựng thức ăn. Mẹ ngào bột, và bắc nước sôi pha cà phê. Gỗ mỏng bắt lửa nhanh và ngọn lửa reo trong bếp lò.

Bố đã chẻ xong tất cả cái hộp rồi lại gần Tom:

– Casy, ông ta là người tốt bụng. Làm sao ông ta lại dây dưa vào những chuyện đó?

Tom trả lời uể oải.

– Họ tới đây làm với công năm xu một thùng.

– Thì họ cũng trả cho chúng ta như vậy.

– Đúng rồi, nhưng vô tình chúng ta là những kẻ phá bãi công. Với họ, chúng chỉ trả hai xu rưỡi.

– Tiền công như vậy thì sống làm sao được?

– Con biết lắm, – Tom nói một cách chán nản – Chính vì thế mà họ đã bãi công của họ. Hôm nay có thể là chúng trả cho chúng ta hai xu rưỡi.

– Bọn khốn kiếp!

– Đúng thế, Bố ạ. Giờ thì bố đã hiểu ra chứ?

– Casy, ông ấy vẫn là một con người tốt bụng. Chuyện thối nát. Cứ thấy ông ta nằm kia, sóng soài, đầu bị đập vỡ, máu trào ra khắp mọi chỗ… Con… lạy Chúa! Anh lấy hai tay che mắt lại.

– Đã vậy chúng ta biết làm gì bây giờ? – Chú John hỏi.

Al đã đứng lên:

– Thế này, về phần tôi, tôi biết tôi phải làm gì. Lạy Chúa, tôi sẽ đi khỏi đây.

– Không được, Al ạ – Tom nói – Nhà cần đến mày, chính tao mới phải đi. Tao là mối nguy cho cả nhà. Lúc nào đứng dậy được là tao phải đi.

Mẹ xăng xở trước bếp lò. Bà hơi quay đầu lại để nghe. Bà cho mỡ vào chảo, và khi mỡ sôi lèo lèo, bà đổ những thìa bột vào. Tom lại nói:

– Mày phải ở lại, Al ạ. Mày phải trông coi chiếc xe.

– Ồ, em không thích thế.

– Kệ thôi, Al? Đây là gia đình của mày. Mày phải giúp đỡ. Tao, tao chỉ có thể làm liên luỵ đến gia đình.

Al càu nhàu, giận dữ.

– Lẽ ra thì tôi đã bỏ đi từ lâu, tìm một chỗ làm trong xưởng sửa xe.

– Có lẽ sau này hãy hay.

Cái nhìn của Tom hướng về cái đệm Rosasharn nằm. Cô ta mở to đôi mắt.

– Cô đừng lo phiền. – Anh nói – Đừng lo phiền. Ngày hôm nay, sẽ mua sữa cho cô.

Cô thong thả chớp mắt, không đáp.

Bố nói:

– Dẫu sao cũng phải biết rõ ràng, Tom ạ. Mày tin là mày đã giết cái gã đó rồi sao?

– Con không biết. Vì tối đêm. Vả lại có đứa nào đã đánh con. Con không biết. Nhưng con hy vọng… Hy vọng là đã giết được thằng chó chết ấy!

– Tom – Mẹ kêu lên – Đừng ăn nói như vậy.

Từ ngoài đường, có tiếng xe hơi từ từ tiến vào.

Bố lại gần cửa sổ, nhìn ra ngoài.

– Có một toán đông những người mới tới.

– Vậy là chúng đã thanh toán gọn cuộc đình công – Tom nói – Con nghĩ chúng đã bắt đầu trả công hai xu rưỡi.

– Nhưng người ta đâu có thể vừa chạy vừa làm được, với lại, làm thế cũng chả có ăn.

– Con biết lắm, – Tom nói – Đành ăn đào rụng để cầm hơi cho qua ngày.

Mẹ trở bánh và quấy cà phê.

– Nghe này, – bà nói – Hôm nay Mẹ sẽ mua bột ngô. Mẹ sẽ nấu cháo ngô. Và khi nào có tiền mua xăng, là chúng ta đi ngay. Chúng ta đã rơi vào một xó bẩn thỉu. Mà Mẹ sẽ không để thằng Tom đi một mình. Đừng hòng.

– Mẹ ơi, Mẹ không thể làm thế được. Con đã nói con mà còn ở đây thì cả nhà nguy.

Mẹ nghiến chặt răng, vẻ cương quyết.

– Chúng ta phải làm thế, không còn cách nào khác. Thôi ai nấy hãy lại ăn đi, rồi đi làm. Rửa ráy xong tôi sẽ đến sau. Phải nhặt nhanh cho được một ít tiền.

Họ ăn thứ bột rắn nóng bỏng, vừa ăn vừa phải hà hơi. Rồi họ lại uống cà phê, rồi rót đầy một tách nữa và uống cạn.

Chú John nhìn đĩa và lắc đầu.

– Tôi nghĩ là ăn thế này chả bõ bèn gì. Chính cơ sự này là do tội lỗi của tôi.

Bố kêu lên: – Ôi, Thôi thôi! Không phải là lúc đem tội lỗi ra mà hành chúng tôi. Thôi đi. Phải chịu thôi. Nào bọn nhóc, đi giúp một tay. Mẹ mày có lý. Phải thoát khỏi nơi đây.

Họ đi rồi, bà bưng lại cho Tom một đĩa ăn và một tách cà phê.

– Con cũng nên ăn một chút gì.

– Không, mẹ ạ, con không thể nuốt được. Đau quá nên không nhai được.

– Con cố lên một tý.

– Không, con không ăn được, Mẹ ạ.

Mẹ ngồi xuống bên mép nệm, và nói:

– Mẹ muốn con kể cho Mẹ nghe tất tật. Để mẹ biết rõ và tìm cách lo liệu. Casy đã làm gì vậy? Sao họ lại giết ông ta?

– Đơn giản là ông ta chỉ đứng ở đấy, chúng chĩa tất cả đèn pin vào ông ta.

– Ông ta đã nói gì? Con có nhớ ông ta nói gì không?

Dĩ nhiên là con có nhớ. Ông ta nói: “Các anh không có quyền làm cho thiên hạ chết đói. Thế là có cái thằng cha gọi ông là thằng đỏ khốn kiếp.

Casy bèn đáp lại: “Các ông không hiểu rõ các ông đang làm gì?”. Thế là thằng ấy đã phang vỡ sọ ông.

Mẹ cúi mặt xuống, vặn tay một cách bực tức.

– Ông ta đã nói: “Các anh không hiểu rõ các anh đang làm gì?” phải vậy không?

– Vâng.

– Tiếc là Bà Nội không có đấy để nghe ông nói.

– Mẹ, chính con cũng không hiểu rõ con đang làm gì. Cũng như không để ý sao lại hít thở. Thậm chí con cũng không biết trước là con sẽ làm như thế

– Thôi mọi sự đã rồi, con ạ. Mẹ những mong con không làm thế. Mẹ những mong con không tới chỗ đó. Nhưng con đã làm những gì con phải làm. Mẹ không thấy con có lỗi gì.

Mẹ lại chỗ bếp lò nhúng một mảnh vải vào nước đun sôi để rửa bát đĩa.

– Đây. Con đắp lên mặt.

Anh ắp mảnh vải nóng lên mũi, lên má và nhăn mặt.

– Mẹ ạ, tối nay con đi! Con không muốn vì con mà cả nhà phải đi.

– Tom! – Mẹ kêu lên giận dữ – Mẹ còn nhiều điều phải học. Nhưng Mẹ biết rõ một điều là con có đi thì cũng chẳng ổn thoả gì cho nhà ta. Tinh thần cả nhà ta sẽ bị đánh gục.

Rồi bà nói: – Đã có một thời nhà ta có ruộng có đất, con ạ. Hồi đó có một cái gì ràng buộc chúng ta với nhau: người già mất đi, lớp trẻ thay thế, và tất cả nhà chỉ là một. Gia đình là thế. Điều đó có vẻ nguyên vẹn 4 rõ ràng. Nhưng bây giờ thì không rõ ràng nữa. Mẹ thấy như mớ bòng bong. Chẳng còn gì để soi đường cho chúng ta đi. Xem thằng Al thì rõ, nó không ngừng cãi bướng và khóc lóc đòi hắn đi đường hắn. Chú John thì đành nhắm mắt đưa chân. Bố thì mất cương vị. Chỗ nào cũng rạn vỡ, Tom ạ. Không còn gia đình nữa. Còn Rosasharn… Mẹ nhìn xung quanh và đôi mắt Mẹ bắt gặp đôi mắt thao láo của con gái.

– Nó sắp sửa có con, nhưng vẫn không có gia đình nữa. Mẹ không biết sao nữa. Mẹ đã cố gắng hết sức để cho gia đình khỏi tan nát.

Thằng Winfield, nó sẽ ra làm sao nếu cứ như thế này? Nó sẽ trở thành hoang dại, như con thú rừng. Ruthie cũng vậy thôi. Vì chúng chẳng có cái gì để bấu víu. Đừng bỏ đi, con ạ. Hãy ở lại giúp đỡ Bố Mẹ.

– O.K, – anh nói mệt mỏi – O.K. Tuy vậy con vẫn nghĩ là không nên. Con biết.

Mẹ rửa mấy chiếc đĩa sắt tây trong chậu rửa bát và lau khô.

– Cả đêm qua con không ngủ?

– Không.

– Vậy, ngủ đi. Mẹ thấy quần áo con ướt hết. Để Mẹ đem hong ở gần bếp lò cho khô.

Mẹ đã xong công việc.

– Bây giờ Mẹ đi hái đào với cả nhà. Rosasharn này, có ai đó tới, bảo là Tom ốm, hiểu chưa? Đừng để bất cứ ai vào. Con hiểu chứ?

Rosasharn gật đầu.

– Đến trưa, Bố Mẹ sẽ về. Ngủ đi, Tom. Có thể tối nay chúng ta đi được.

Mẹ bước nhanh lại gần Tom.

– Con không lợi dụng lúc Mẹ vắng nhà để bỏ đi chứ?

– Không đâu Mẹ ạ.

– Chắc chứ? Con không bỏ đi chứ?

– Không, Mẹ ạ. Mẹ về vẫn thấy con.

– Tốt. Nhớ nhắc với Rosasharn.

Bà ra đi, khép chặt cửa lại.

Tom nằm duỗi dài không cựa quậy.

Và rồi như có một đợt sóng kéo tới, nâng anh lên tới tận sự vô thức, từ từ cuốn anh trở lại, rồi lại dâng anh lên.

– Này, Tom! – Hả, gì thế? – Anh giật mình thức dậy và nhìn Rosasharn. Một mối hận thù dữ tợn nhóm lên trong đôi mắt người thiếu phụ. – Cô muốn gì?

– Anh đã giết người nào đó, phải không?

– Đừng. Đừng nói to thế! Cô muốn cho ai nấy đều biết, hay sao?

– Cái đó can gì đến tôi? – Cô kêu lên – Cái bà kia, bà ấy đã nói với tôi. Nói là tội lỗi sẽ mang tai hoạ đến cho tôi. Bà ta đã báo cho tôi biết. Bây giờ làm sao tôi có thể có một đứa con xinh đẹp được. Connie đã bỏ đi, tôi không được ăn đủ. Mà tôi cũng không có sữa uống.

Rồi cô ta tiếp tục nói, giọng như cuồng loạn.

– Thế mà bây giờ, anh lại giết người. Làm sao con tôi có thế sinh bình thường được? Tôi biết rồi nó sẽ tàn tật, tàn tật. Mà nào tôi có dự định những trò khiêu vũ tệ mạt đó! Tom đứng lên:

– Suỵt? Cô làm người ta kéo đến bây giờ.

– Tôi cóc cần. Con tôi sẽ tàn tật. Tôi không nhảy những điệu bẩn thỉu.

Anh lại gần cô em:

– Cô bình tĩnh lại đi.

– Đừng động đến tôi. Hơn nữa, đâu có phải người đầu tiên bị anh giết. – Mặt cô đó phừng phừng và cô nói lắp bắp -Tôi không muốn trông thấy anh nữa! Cô vùi đầu dưới chân. Tom nghe tiếng cô rên rỉ khóc nức nở. Anh cắn môi, nhìn nền nhà. Rồi anh đi lại phía giường người cha. Khẩu súng để ở mép nệm, một khẩu Winchester 38, tự động, dài và nặng. Tom cầm lên, lấy cò cho thật chắc chắn là có được một viên đạn trong nòng súng. Anh để nấc hãm cò và trở về đệm nằm. Anh đặt khẩu súng lên sàn, bên cạnh anh, báng súng sát tầm tay, nòng súng chúc xuống phía dưới. Tiếng của Rosasharn chỉ còn là một tiếng thì thầm bị những tiếng rên rỉ ngắt quãng.

Tom lại nằm xuống và trùm chăn, kéo nó lên phủ cái má sưng vù và chỉ chừa một khe nhỏ để thở. Anh thở dài:

– Trên trời là trời ơi!

Ở bên ngoài, nhiều xe hơi đi qua và có tiếng người nói vọng tới anh.

– Bao nhiêu đàn ông?

– Ôi! Khổ chưa! Ba. Công bao nhiêu?

– Đến trại hăm lăm. Số đề trên cửa ấy.

– Vâng, thưa ông. Các ông trả công bao nnhiêu?

– Hai xu rưỡi.

– Lạy Chúa! Tiền công như vậy thì chúng tôi làm sao đủ ăn được một bữa?

– Chúng tôi trả như thế đó. Các ông không ưng thì sắp sửa có hai trăm người từ mạn Nam lên, họ sẽ vui lòng nhận ngay.

– Nhưng… Mẹ kiếp… dẫu sao thì…

– Nhanh lên! Nhanh lên! Hoặc nhận hoặc bỏ. Tôi không có thì giờ để bàn cãi. Nhưng…

– Nghe này, có phải giá cả do tôi định đâu. Tôi, tôi chỉ ghi tên, thế thôi. Nếu các người ưng thuận, càng hay. Nếu không, cứ tự tiện quay gót rồi tếch thẳng.

– Ông nói hai xu rưỡi?

– Đúng, hai xu rưỡi.

Tom nằm ngủ chập chờn. Có tiếng đi len lén khiến anh thức giấc. Tay anh lần mò khẩu súng, ngón tay để sẵn lên cò. Anh lật mền khỏi mặt và thấy Rosasharn đứng cạnh nệm anh.

– Cô muốn gì đây? – Anh hỏi

– Anh ngủ đi – Cô nói – Cứ ngủ kỹ, em canh cửa cho. Em không để ai vào đâu, anh yên chí.

Đến tối mờ, Mẹ trở về. Mẹ dừng lại trên ngưỡng cửa, gõ nhẹ và nói: “Mẹ đây” để Tom khỏi lo.

Mẹ mở cửa bước vào, tay cầm một cái túi. Tom tỉnh hẳn và ngồi dậy. Vết thương của anh đã khô và co lại, da đã giãn và bóng loáng. Mắt trái hầu như nhắm tịt. – Mẹ đi vắng có ai vào đây không? – Mẹ hỏi.

– Không – anh đáp – Chẳng có ai. Con biết chúng đã hạ tiền công.

– Tự đâu con biết?

– Con nghe người ta kháo chuyện ngoài kia.

Rosasharn ngước mắt rầu rầu nhìn Mẹ.

Tom chĩa ngón tay cái, chỉ về phía cô:

– Nó làm ầm ĩ như quỷ sứ ấy, Mẹ ạ. Nó nghĩ nó phải chịu trách nhiệm với tất cả, mọi nỗi cơ cực của nhà ta đều đồ dồn lên đầu nó. Nếu tại con nên nó mới đến nông nỗi đó, thì tốt hơn hết là con nên cuốn xéo.

Mẹ quay về phía Rosasharn:

– Con đã làm gì thế? Người thiếu phụ nói một cách phẫn uất:

– Với bao nhiêu chuyện như vậy, làm sao con tôi đẻ ra xinh xắn được?

– Suỵt! – Mẹ nói – Im đi, nào. Mẹ biết rõ nguồn cơn của con, Mẹ biết lỗi không phải tại con, nhưng con hãy giữ miệng.

Mẹ lại quay về phía Tom:

– Con đừng bận tâm đến nó nữa, Tom ạ. Cực nhọc lắm, Mẹ biết, Mẹ nhớ là tại sao. Khi người ta sắp sửa có con, thì cái gì cũng động đến mình, cái gì như cũng chống lại mình, ai nói gì người ta xem như bị chửi rủa. Con đừng để ý. Nó không thể nào khác được. Chính nó mang thai nên mới thế.

– Con không muốn vì con mà nó phải khổ sở.

– Suỵt? Đừng nói gì nữa.

Mẹ đặt cái túi trên bếp lò lạnh tanh.

– Chúng ta chẳng kiếm được mấy nỗi nên chả bõ nói. Chúng ta sẽ đi khỏi đây. Mẹ hứa với con như thế. Tom này, xem có thể kiếm được tí củi không.

– Ờ, thôi, con không thể ra được. Này, chỉ còn cái hòm này, chẻ nó ra. Mẹ đã dặn mấy người khi về nhớ lượm ít mẩu củi. Mẹ sẽ nấu cháo, ăn với một ít đường.

Tom đứng lên, lấy gót chân dẫm vỡ chiếc hòm.

Mẹ nhen lửa cẩn thận ở một bên tấm lưới, cố giữ lửa trong một bếp, ấm nước đặt thẳng trên lửa, bắt đầu reo ngay.

– Ở đây thế nào hở Mẹ? – Tom hỏi.

Mẹ xúc một chén ngô đầy trong túi.

– Đúng ra Mẹ không muốn nói đến. Thế này nhé. Hôm nay. Mẹ cứ mải nghĩ đến là hồi trước người ta hay kể chuyện tếu, lúc nào cũng có một ai đó nói một câu đùa khiến ai cũng bật cười. Tom ạ, xót lắm con ạ. Không ai còn đùa tếu nữa. Mà có kể một chuyện tếu thì bao giờ cũng chua xót, châm chọc, không buồn cười nữa. Hôm nay có một gã nói thế này: “Cuộc khủng hoảng đã chấm dứt. Tôi thấy một con thỏ chạy qua nhưng chẳng ai săn đuổi. Một gã khác nói: “Đâu phải tại khủng hoảng khủng khiếc gì, chính chỉ vì người ta không thể tự tiện săn đuổi lũ thỏ. Người ta bắt chúng để vắt sữa, và sau đó thả cho chúng chạy. Con thỏ mà cậu thấy chắc chắn không còn sữa nữa”.

– Con biết Mẹ muốn nói gì rồi. Thật ra chẳng buồn cười như cái lần chú John cải đạo cho một người thổ dân, chú đã dẫn hắn về nhà, gã Thổ dân đã ăn sạch ngoét một thùng đậu đầy và sau khi đã tớp hết chai whisky của chú John. Hắn lại trở về với đạo cũ.

– Tom này, con lấy miếng giẻ nhúng vào nước lạnh rồi đắp lên mặt đi.

Bóng tối dày đặc. Mẹ thắp đèn, treo nó lên một chiếc đinh. Bà thổi to lửa và từ từ đổ bột ngô vào – Nghe có tiếng chân vội và rậm rịch ở phía ngoài. Cánh cửa bị đẩy bất ngờ, đập thình thịnh vào tường. Ruthie đâm bổ vào.

– Mẹ ơi, – nó kêu to – Mẹ! Winfield bị đau bụng.

– Ở đâu? Nói tao nghe, nhanh lên.

Ruthie thở hổn hển – Nó trắng nhợt ra rồi ngã nhào xuống. Nó ăn bao nhiêu là đào nên đau bụng suốt ngày. Đùng một cái nó ngã nhào. Trắng bệch ra.

– Dẫn tao đi! – Mẹ nói – Rosasharn trông nồi cháo.

Mẹ đi ra cùng Ruthie và nặng nhọc chạy theo sau con gái. Trong bóng tối thấy có ba người đàn ông đi tới phía bà, người ở giữa bế Winfleld. Mẹ chạy vội lại chỗ họ.

– Con tôi đấy, – Mẹ kêu lên – Trao nó cho tôi.

– Để tôi bế giúp cháu về cho bà.

– Thôi, xin trao cho tôi.

Bà ẵm nó trong tay và quay gót, nhưng đột nhiên bà chợt nhớ ra.

– Rất cảm ơn các ông. – Mẹ nói với ba người.

– Không có gì thưa bà. Thằng bé nhà bà yếu lắm. Chắc bị giun sán.

Mẹ vội vã trở về. Winfield mềm nhũn, nằm lả trong đôi cánh tay Mẹ. Mẹ ẵm nó vào nhà, đặt nó nằm xuống nệm.

– Nói Mẹ nghe. Đầu đuôi ra sao? – Mẹ hỏi.

Nó mở đôi mắt ngơ ngác, lắc đầu rồi lại nhắm lại. Ruthie nói: – Con đã nói với mẹ rồi mà. Suốt ngày nó đau bụng. Cứ chốc chốc lại đi ỉa. Ăn nhiều đào mà.

Mẹ đặt tay lên trán thằng bé.

– Nó không sốt. Nhưng nước da xấu lắm.

Tom lại gần, cầm đèn soi sáng.

– Con biết thế nào rồi. – anh nói – Nó đói. Mất sức. Phải cho nó ăn một hộp sữa, bắt nó ăn. Lấy sữa hòa với cháo.

– Winfield, – Mẹ nói – con thấy thế nào, nói Mẹ nghe.

– Con thấy chóng mặt, cứ thấy quay cuồng.

– Chị chưa hề thấy ai đau bụng như thế. – Ruthie nói ra vẻ quan trọng.

Bố, Chú John, và Al trở về, tay ôm những khúc củi và cỏ. Họ buông củi xuống cạnh bếp lò.

– Lại còn chuyện gì nữa vậy? – Bố hỏi

– Winfield đấy. Nó cần ăn sữa.

– Khốn khổ đến thế này! Cả nhà ai cũng cần thứ này thứ nọ cả.

– Hôm nay chúng ta làm được bao nhiêu? – Mẹ hỏi.

– Một đôla bốn mươi xu.

– Tốt! Hãy đi kiếm một hộp sữa cho Winfield.

– Thằng ấy bây giờ cũng cần phải ốm hay sao?

– Cần hay chẳng cần thì nó cũng ốm rồi. Đi nhanh lên.

Bố vừa đi ra, miệng vừa càu nhàu.

– Cháo nhừ chưa? – Mẹ hỏi.

– Rồi.

Rosasharn khuấy nhanh tay như để chứng minh điều đó.

Al nhăn mặt.

– Lạy Chúa! Cháo ư. Mẹ? Làm việc đến tận tối đêm mà chỉ ăn có thế thôi ư?

– Al ạ, con cũng biết là nhà ta phải đi nơi khác, phải hết sức dành tiền mua xăng. Con cũng biết đấy thôi.

– Nhưng Mẹ ơi, phải có thịt mới có thể làm việc được.

– Al hãy bình tĩnh, ngồi yên nào, – Mẹ nói.

– Trước hết phải lo đến cái thiết yếu và giải quyết ngay trước đã. Vậy con có biết là việc gì không?

Tom hỏi:

– Có phải chuyện về con không?

– Khi nào ăn xong sẽ nói chuyện sau. Al ạ, còn đủ xăng để đi một quãng đường dài không?

– Gần một phần tư bình.

– Con muốn biết Mẹ định nói gì vừa rồi. Mẹ ạ. – Tom nói.

– Khoan đã, lát nữa hẵng hay. Con có khuấy cháo đi không nào. Đợi tí để Mẹ hãm cà phê. Ta có thể cho đường vào cháo hoặc vào cà phê. Không có đủ đường để bỏ vào cả hai đâu.

Bố trở về với một hộp sữa to.

– Mười một xu, – Bố nói một cách chán ngán.

– Đưa tôi.

Mẹ cầm lấy hộp, chọc thủng, cho thứ nước đặc sánh vào một cái chén rồi đưa cho Tom.

– Con bưng đến cho Winfield.

Tom quì xuống cạnh tấm nệm:

– Này, em uống đi.

– Em không uống dược. Em nôn mất. Mặc em.

Tom đứng lên.

– Lúc này nó không nuốt được đâu, Mẹ ạ. Hãy đợi tí chút đã.

Mẹ cầm lấy chén và đặt lên bậu cửa sổ.

– Đừng có ai đụng tới – Mẹ dặn – Dành cho Winfield.

– Con không có sữa ăn – Rosasharn phản đối – Đáng lẽ phải cho con.

– Mẹ biết lắm, nhưng trong lúc này, con đang đứng vững được. Em bé nó ốm. Cháo đã đặc chưa?

– Đặc. Khó lòng mà quấy được.

– Được, ta ăn thôi. Đường kia, gần như mỗi người một thìa. Cho đường vào cháo hoặc vào cà phê, tùy.

– Giá có ít muối hoặc hạt tiêu rắc vào cháo thì hay.

– Cứ cho muối vào, nếu con muốn, nhưng hạt tiêu phải nhịn vậy. Không còn chiếc hòm nào nữa. Cả nhà ngồi ăn trên nệm. Họ múc cháo ăn, rồi múc nữa, cho nên trong xoong gần như sạch ngoẻn.

– Còn tí để dành cho Winfield.

Winfield ngồi lên uống sữa và đột nhiên nó thấy đói như cào. Nó kẹp cái xoong vào giữa đôi cẳng, ăn nốt những gì còn lại và cạo cháy ở đấy, ở thành xoong. Mẹ đổ nốt chỗ sữa đặc còn thừa vào một cái chén và lén trao cho Rosasharn để uống vụng trộm trong một xó. Mẹ rót cà phê nóng vào các chén và lần lượt đưa cho mọi người.

– Thế nào. Mẹ định nói chuyện gì vậy? – Tom hỏi – Con đang muốn nghe đây.

Bố nói với vẻ bứt rứt:

– Tôi không muốn để Ruthie và Winfield nghe được chuyện này. Không thể bảo chúng ra ngoài được ư?

– Không – Mẹ nói – Chúng phải biết cư xử như người lớn, tuy rằng chúng còn là trẻ con. Không thể nào khác được, Ruthie này, Winfield và mày, hai đứa bay không bao giờ được bép xép những gì chúng mày sắp nghe, không thế thì vì chúng mày mà nhà ta sẽ tan hoang.

– Chúng con sẽ chẳng nói gì hết – Ruthie nói chắc nịch – Chúng con là người lớn rồi.

– Đã thế thì cứ lặng câm – Ai nấy đã đặt tách cà phê xuống đất. Ngọn đèn nom tựa như một cánh bướm nặng nề, chiếu những bóng vàng nhạt buồn thảm lên tường.

– Thôi, Mẹ kể đi – Tom giục.

Mẹ nói.

– Bố mày kể đi.

Chú John uống hết cà phê. Bố liền lên tiếng:

– Thế này nhé. Như Tom đã nói, chúng đã giảm tiền công. Lại có một lô một lốc những người mới kéo đến, họ sẵn sàng hái đào để lấy một mẩu bánh. Mẹ Kiếp! họ đang chết đói mà. Mình đến định hái một quả thì bị họ cướp trên tay. Rồi xem, vụ hái đào này sắp xong trong nháy mắt thôi. Họ chạy rần rật để giành cho được một cây. Tao đã thấy họ đánh nhau. Một gã thì bảo cây đó của gã, gã kia lại cũng muốn hái ở cây đó. Chúng đã đi tìm những người này ở tận chỗ khỉ ho cò gáy… Tận Ở El Centre. Đang đói dở sống dở chết. Tao nói với tay kiểm tra: Chúng tôi không thể làm việc với tiền công hai xu rưỡi một thùng. Hắn đáp:

“Thế thì ông chỉ việc phới đi là xong. Bọn kia chúng làm được”.

“Khi họ đã ăn no rồi, họ sẽ từ chối không chịu làm tiếp nữa đâu.” Là tao bảo thế. Hắn bèn đáp: “Ấy, đào hái xong và nhập kho đâu đấy mà chúng vẫn chưa ăn đủ no được”.

Bố nín thinh.

– Một ngày công khốn nạn! – Chú John nói – Hình như chúng đang đợi thêm hai trăm người đến vào tối nay.

– Được rồi! Nhưng cái câu chuyện kia là thế nào?

Bố lặng im một chốc nhưng rồi ông nói:

– Tom ạ, tao ngờ rằng mày đã hạ thằng kia.

– Con cũng ngỡ thế. Con không trông rõ được nhưng con cảm thấy thế.

– Thật ra, người ta chỉ bàn đi tán lại chuyện đó thôi. – Chú John xen vào – Chúng đã phái từng tốp cảnh sát có vũ trang đi lùng sục khắp nơi. Có những thằng còn bảo sẽ Lynsê 5 thằng bé, dĩ nhiên nếu chúng bắt được gã đó.

Tom nhìn bọn trẻ đang trố mắt theo dõi. Chúng như không dám nháy mắt, sợ để lọt mất một điều gì quan trọng. Tom nói:

– Nhưng, cái gã ấy chỉ đánh chết thằng kia sau khi chúng đã giết Casy.

Bố cắt ngang:

– Giờ thì chúng đâu có nói thế. Chúng nói là thằng thanh niên ra tay trước.

Tom buông ra một tiếng thở dài.

– A, A!

– Hiện chúng đang kích động cả xứ để chống lại chúng ta. Là tao nghe nói thế, huy động tất cả các bọn phản bội, bọn tam điểm, tất tật. Chúng nói sẽ thẳng tay thanh toán với gã thanh niên đó.

– Chúng có nhận diện được hắn ta không? – Tom hỏi.

– Ô, không rõ lắm. Nhưng theo chúng nói thì gã thanh niên bị đánh trúng. Theo chúng nói thì hắn ta phải bị… Tom nhẹ nhàng đưa tay sờ cái má thâm tím.

Mẹ kêu lên:

– Không đúng, chúng nói láo.

– Mẹ hãy bình tĩnh, – Tom nói – Đúng hay không, chúng cũng phớt lạnh. Cái bọn thối thây ấy mà, chúng đã muốn chống lại chúng ta thì chúng có nói gì cũng đều đúng cả.

Đôi mắt của Mẹ soi mói nhìn qua ánh đèn tù mù, rồi Mẹ nhìn vào mặt Tom, đặc biệt vào đôi môi Tom:

– Con đã hứa. – Mẹ nhắc nhở anh.

– Mẹ ạ, con… cái gã thanh niên kia nên trốn đi thì hơn. Nếu gã có làm điều gì sai, có lẽ gã tự nhủ: “O.K, cứ mặc cho chúng treo cổ mình lên, thế là xong. Mình làm bậy, thì mình phải trả giá”. Mẹ ơi, gã thanh niên đó chả làm gì sai trái. Hắn không cảm thấy có tội, cũng như lúc hắn giết chết một con chồn hôi.

Ruthie xen vào:

– Mẹ ơi, thằng Winfield với con, chúng con biết có chuyện gì rồi. Anh Tom chăng cần phải nói tranh trớ: “Gã thanh niên này nọ” vì có mặt chúng con.

Tom bèn cười:

– Muốn gì thì gã thanh niên đó không thích bị treo cổ, bởi vì nếu phải làm lại, thì hắn bắt tay vào làm lại. Nhưng mặt khác, hắn không muốn làm lụy đến gia đình. Mẹ ạ, con phải đi thôi.

Mẹ lấy tay che miệng và để cho rành rọt hơn bà nói:

– Không thể được. Con không tìm được chỗ để ẩn nấp. Con không tin cậy vào được ai. Ở đây con trông cậy được vào Bố Mẹ. Bố mẹ sẽ có thể giấu con và thu xếp làm sao để con được ăn uống chờ cho mặt con lành lặn.

– Nhưng mà. Mẹ ơi… Bà lại đứng lên: – Con ở lại với gia đình. Gia đình sẽ đưa con đi cùng. Al hãy lùi xe lại sát cửa: Mẹ đã nghĩ ra mưu kế chu tất rồi. Ta sẽ trải một cái nệm ở đây.

Tom sẽ nhanh chóng nằm lên đó, rồi ta sẽ bố trí một cái nệm khác lên trên như kiểu một cái ổ cho hắn nằm trong. Thế rồi chỉ còn việc chất đồ đạc lên trên cùng và khắp xung quanh. Hắn có thể thở được. Hiểu cả chứ. Không khác được. Đừng bàn. Bố phàn nàn:

– Tao có ý kiến là đàn ông trong nhà đến quyền ăn nói cũng chả có nữa. Thế đấy, bà ấy cứ như bị quỉ ám rồi. Chờ đấy, tới ngày có nơi ăn chốn ở đâu đó, tôi sẽ nện cho bà ta một cái tát.

– Được thôi, đến ngày đó, tôi cứ đứng yên cho ông tát. Nhanh lên, Al gấp lên. Trời tối rồi.

Al đi tìm xe. Hắn ngẫm nghĩ thoáng chốc, rồi ngồi vào tay lái lùi đít xe thẳng tới trước cổng, tận sát bậc lên:

Mẹ nói:

– Nào, nhanh lên? Xếp nệm lên! Bố và chú John liệng nó lên qua tấm chắn phía sau.

– Giờ đến chiếc kia.

Họ tung cái thứ hai lên.

– Tom, nhẩy lên, nấp xuống dưới. Nhanh lên.

Tom nhanh chóng leo qua thành sau và nằm bẹp xuống. Anh kéo nệm trái lên sàn và kéo cái kia phủ lên mình. Bố nâng nệm ở chỗ giữa lên rồi gấp khom lại ở hai bên thành, tạo nên một cái vòng ở trên người Tom. Tom vẫn có thể nhìn ra ngoài qua khe hở ở hai bên thành xe. Bố, Al và chú John vội chất đồ đạc vào xe xếp chồng các chăn lên phía trên cái hang của Tom, xoong chảo ở hai bên, và chiếc nệm cuối cùng ở phía đằng sau. Tất cả nồi niêu, xoong chảo, chén đĩa, tất cả quần áo đều chất chồng bừa bãi, vì các hòn đá bị chảy thiêu trong lò. Công việc vừa xong thì một tên lính gác tới, khẩu súng ngoắc ở cánh tay gập lại

– Ở đây có chuyện gì thế? – Hắn hỏi.

– Chúng tôi đi đây, – Bố đáp.

– Đi để làm gì?

– Ờ, người ta đề nghị với chúng tôi một công việc, làm tiền công cao hơn.

– Thế hả? Đâu thế?

– Ở… mạn Weedpatch.

– Để tôi xem mặt các người một tí. – Hắn chiếu ánh đèn pin vào giữa mặt bố, chú John và Al.

– Có một tay nữa đi với các ông không?

Al nói:

– À, ông định nói là cái thằng đi nhờ xe ấy chứ gì? Nhỏ con, mặt trắng toát, phải không?

– Ờ. Chắc là thế. Tôi nhớ ra rồi.

– Thì chúng tôi đã nhặt nó dọc đường, trước khi tới đây. Sáng nay nó đã bỏ đi ngay khi biết là người ta đánh sụt tiền công.

– Anh nói lại xem, nó thế nào?

– Nhỏ bé, xanh dớt.

– Hồi sáng, mặt nó đã bị thâm tím chưa?

– Tôi không để ý – Al nói – Trạm xăng còn mở cửa không?

– Có. Cho đến tám giờ.

– Lên đi, – Al kêu to – Muốn tới Weedpatch trước khi trời sáng rõ, thì xoắn lên. Mẹ lên ngồi phía trước chứ, mẹ?

– Không mẹ ngồi sau. Bố nó, ông xuống ngồi phía sau với tôi. Để Rosasharn ngồi với Al và chú John.

– Bố đưa cho con cái bông kiểm tra. – Al nói – Để con mua xăng và lấy tiền lẻ lại.

Tên lính gác đứng nhìn họ mãi tới khi họ đã cho xe chạy xuống phố rẽ về phía trạm xăng. Al nói:

– Cho tôi hai bình.

– Anh không đi xa ư?

– Không, không xa. Ông có thể trả lại tôi tiền thừa và lấy lại bông, được không?

– Ồ, thiết nghĩ, tôi không làm thế được.

– Nhưng ông xem, – Al nói – Nếu chúng tôi tới kịp tối nay thì chúng tôi có việc làm tốt. Nếu không là đi đứt. Ông thông cảm cho…

– O.K đồng ý. Ký vào bông đi.

Al bước xuống đi vòng ra phía trước xe Hudsson

– Có ngay, – Hắn nói.

Hắn mở nút bình phát điện, đổ đầy nước vào.

– Hai bình phải không?

– Phải, hai bình, – Al đáp.

– Các anh đi về mạn nào thế?

– Mạn Nam. Đã kiếm được việc làm.

– Không đùa đấy chứ? Hiếm lắm, là tôi muốn nói công việc đều đặn thì hiếm lắm.

– Nhà tôi có một người bạn thân ở đây. Công việc đang chờ sẵn. Chào ông.

Chiếc xe rẽ ngoặt, vừa lắc lư vừa đi từ con đường đất ra đường cái. Đèn pha phía trái chiếu ánh sáng yếu ớt run rẩy lên một bên đường, ánh đèn pha bên phải do bị hở công tắc nên sáng rồi lại tắt, nhấp nháy liên hồi. Mỗi lần xe bị xóc thì xoong chảo, bình lọ kêu loảng xoảng rầm rầm trên sàn xe.

Rosasharn khẽ rên rỉ.

– Cháu khó chịu ư? – Chú John hỏi.

– Vâng, cháu khó chịu lắm. Lúc nào cũng thấy khó ở. Cháu muốn ở lại một nơi nào đó ổn hơn và khỏi phải cựa quậy. Cháu muốn trở về nhà, đừng bao giờ đến đây. Giá còn ở nhà thì Connie đã chẳng bao giờ bỏ đi. Anh ấy sẽ học tập và chắc đã được một cái gì rồi.

Xe đến trước cái hàng rào sơn trắng của trại chăn nuôi, một người gác tiến lại bên thành xe và hỏi.

– Anh đi thật à?

– Thật, – Al đáp – Chúng tôi lên mạn Bắc, đã tìm được việc làm. Người gác bấm đèn chiếu vào xe và soi phía dưới bạt. Mẹ và Bố cứ lạnh lùng nhìn xuống, tránh cái ánh sáng chói lòa.

– Được rồi.

Y mở cái chặn. Chiếc xe rẽ phía trái và tiến ra phía đường cao tốc 101, con đường lớn Nam-Bắc.

– Mày có biết mày đang đi đâu không? – Chú John hỏi.

– Không. – Al đáp – Cháu cứ lái, cứ lái và cháu thề là cháu đã chán ngấy rồi.

– Cháu thì chả mấy chốc nữa sẽ sinh! – Rosasharn nói như hăm doạ – Tốt nhất là làm sao để cho cháu có chỗ ở tử tế.

Khí lạnh ban đêm với sương giá đầu mùa châm chích thịt da. Lá khô trên cây bắt đầu lả tả rời bên lề đường. Ngồi trên đống đồ đạc. Mẹ tựa lưng vào thành xe, còn Bố thì ngồi phía bên kia đối diện với mẹ. Mẹ gọi:

– Tom ơi, ổn chứ?

Có tiếng trả lời như ngạt thở vọng lên:

– Hơi chật một chút. Đã ra khỏi trại chưa?

– Hãy thận trọng, – Mẹ dặn – Có khi có thể bị chặn dọc đường.

Tom khe khẽ nâng một mép nệm lên. Trong bóng đen nồi niêu xoong chảo va vào nhau loảng xoảng.

– Con sẽ hạ xuống ngay thôi mà, – anh nói – Hơn nữa có bị tóm cổ ở dưới đó thì cũng chẳng đáng tiếc. Lạy Chúa, trời bắt đầu lạnh rồi nhỉ.

– Trên trời nhiều mây, – bố nói – Thiên hạ họ bảo rằng mùa đông này đến sớm.

– Tại là loại sóc đậu tít trên cao hay loại cỏ có hạt? – Tom hỏi – Chà chà, người ta có thể dự đoán thời tiết theo bất cứ dấu hiệu nào. Con cuộc là có những tay chỉ dựa vào một chiếc quần đùi cũ mà đoán già đoán non về thời tiết.

– Cái đó tao chả biết, – Bố nói – Có điều với tao đây, tao thấy có vẻ như mùa đông sắp tới.

Phải sống nhiều năm trong xứ mới biết được.

– Ta đi về mạn nào vậy?

– Tao không biết. Al đã rẽ phía trái. Có vẻ như trở lại con đường mà ta đã tới đây.

– Con không biết làm thế nào thì hay hơn. Con cho rằng nếu đi theo con đường cái lớn thì sẽ lại rơi đúng vào bọn cảnh sát. Mặt mũi chúng ta như thế này thì chúng nhận ra ngay tức thì. Dễ chừng phải cứ đường nhỏ mà đi, yên ổn hơn.

Mẹ nói:

– Gõ vào thùng xe. Bảo Al dừng lại xe.

Tom đấm vào cabin, chiếc xe dừng lại bên bờ đường. Al xuống xe đi ra phía sau. Ruthie và Winfield đánh liều hé mắt nhìn dưới chân.

– Có chuyện gì vậy? – Al hỏi.

Mẹ đáp:

– Đã đến lúc phải quyết định nên làm gì. Có lẽ phải đi trên những con đường tối, ý kiến của Tom là thế.

– Chính tại mặt tao bị thương. Aicũng nhận ra tao. Tất cả bọn cảnh sát đã biết tin rồi.

– Vậy anh muốn đi về mạn nào? Em có ý kiến nên nghiêng về mạn Bắc. Cho tới giờ ta cứ đi về mạn Nam.

– Ờ, – Tom nói – Nhưng cứ đi trên các đường tối.

Al hỏi:

– Hay là ta dừng lại ngủ một tí? Sáng mai lại đi tiếp.

Mẹ xen vào ngày:

– Khoan đã. Đi xa hơn nữa đã.

– O.K. Al lại lên chỗ cũ và cho xe chạy.

Ruthie và Winfield lại trùm chăn. Mẹ hỏi.

– Winfield khỏe không?

– Chắcc chắn là khoẻ, – Ruthie đáp – Nó ngủ rồi. Mẹ lại tựa lưng vào thành cabin.

– Cứ bị săn đuổi hoài như thế này mình lại thấy buồn cười thế nào ấy. – Mẹ nói – Mẹ nghĩ là mẹ đâm ra hèn hạ mất.

– Ai cũng đâm ra hèn. – Bố nói – Tất tật. Mẹ mày đã thấy cuộc ẩu đả hôm nay đấy. Tâm địa người thay đổi. Ở trại chính phủ, chả ai xấu cả.

Al rẽ tay phải và đi vào một con đường rải đá, ánh đèn pha vàng vọt run rẩy trên sỏi. Cây ăn quả đã biến mất, nhường chỗ cho cây bông. Xe chạy độ hai mươi dặm giữa hai cánh đồng bông, ngoằn ngoèo trên những con đường miền quê. Xe chạy theo một bờ sông rậm rạp, vượt qua một chiếc cầu xi măng rồi lại đi dọc bờ bên kia. Rồi tới đầu bờ một con lạch ánh đèn pha soi rọi một dây những toa chở hàng hóa đã mất hết cả bánh. Một tấm biển to rộng trông ở bờ đường có kê dòng chữ: “Cần thuê người hái bông” Al cho xe chạy chậm lại. Tom nhìn qua các khe hở của thành xe. Lúc họ cách các toa hàng độ một phần trăm dặm. Tom lại đấm vào buồng lái. Al dừng xe bên đường và bước xuống.

– Lại chuyện gì nữa vậy?

– Tắt máy đi, lên đây – Tom nói. Al lại lên chỗ ngồi, đánh xe xuống rãnh, cắt công tắc và tắt pha. Hắn leo qua tấm ván phía sau xe.

– Xong rồi. Tom bò lê giữa đống xoong chảo, quì xuống trước mặt mẹ mà nói:

– Mẹ này, – anh nói – Người ta kiếm người hái bông. Con vừa trông thấy cái biển. Con tự nghĩ làm thế nào con ở gần Bố mẹ mà không làm liên lụy đến nhà ta. Khi nào mặt con đỡ hơn, có thể được nhưng giờ thì không. Bố mẹ có trông thấy cái toa hàng ta vừa đi qua không? Chính thợ hái bông ở đây. Có thể chỗ kia có việc làm. Mẹ thấy thế nào? Nếu làm việc ở đây và ăn ở trong toa hàng.

– Được, nhưng còn con? – Mẹ hỏi

– Mẹ có thấy bờ lạch phủ đầy bụi cây không? Thế này, con có thể nấp trong đó, chả ai nom thấy được con. Tối đến. Mẹ có thể đem thức ăn đến cho con. Con có thấy một ống dẫn nước chếch xuống phía dưới một ít. Có lẽ con có thể ngủ trong đó.

Bố nói:

– Lạy Chúa, ước gì tao có thể nhúng tay tao vào bông, ít ra tao cũng hiểu hái bông là thế nào rồi.

– Ở trong những toa kia có lẽ tốt lắm – Mẹ nói – Được cái khô ráo dễ chịu Tom ạ, con tin là có đủ bụi bờ để nấp chứ.

– Chắc chắn. Mẹ ạ con nhìn kỹ rồi. Con có thể thu xếp một góc nhỏ, kín đáo, lúc nào mặt con lành, con sẽ ra ngoài – Mặt con sẽ đầy sẹo, xấu lắm – mẹ nói – Cần quái gì? Ai mà chẳng có sẹo.

– Có những lần tao đã hái bốn trăm cân, – Bố nói – Dĩ nhiên là bông tốt kia, rất nặng. Nếu cả nhà đều làm, ta có thể kiếm được ít tiền.

– Và chén thịt nữa. – Al nói – Lúc này thì làm gì đây?

– Trở lại đây, ta sẽ ngủ trên xe cho đến sáng mai – Bố nói – Sáng mai ta sẽ đi tìm việc. Trời tối nhưng tao vẫn nom thấy những nang bông trắng.

– Còn Tom, làm gì? – Mẹ hỏi – Mẹ khỏi lo về con. Mẹ ạ, Con sẽ lấy một tấm chăn. Hãy nhìn cho kỹ khi xe quay lại chỗ kia.

Mẹ sẽ thấy một cống dẫn to. Mẹ có thể đem bánh hoặc khoai tây tới đó, hoặc cháo ngô, rồi cứ việc để đấy. Con sẽ tới lấy.

– Được rồi?

– Tao thấy cách đó là hay nhất. – Bố đồng ý.

– Hay nhất, – Tom nhấn mạnh – Hễ mặt con đỡ hơn, con sẽ ra giúp nhà ta hái bông.

– Được rồi, đồng ý – mẹ nói – Nhưng nhất là đừng liều lĩnh. Cố sao đừng để ai trông thấy trong ít lâu.

Tom lại bỏ về phía sau xe.

– Con chỉ lấy chiếc chăn này thôi. Mẹ cố nhận rõ cống dẫn nước.

– Cẩn thận con ạ. – Mẹ cầu khẩn – hãy cẩn thận giữ mình.

– Nhất định rồi. – Tom nói – Con sẽ cẩn thận.

Anh leo qua tấm ván rộng sau xe và đi xuống bờ sông.

– Cả nhà ngủ ngon nhé – Anh nói. Mẹ trông thấy bóng đứa con hòa tan vào đêm tối rồi biến đi trong các bụi rậm ven bờ lạch.

– Lạy Chúa tôi, mong sao mọi sự yên ổn.- Mẹ nói! Al hỏi:

Bố Mẹ có định quay về ngay đằng kia không?

– Ừ – Bố đáp.

– Đi từ từ, – Mẹ nói – Mẹ phải nhận ra chắc chắn cái cống nước anh mày nói. Mắt mẹ phải trông thấy.

Al cho xe chạy giật lùi trên con đường hẹp tận cho tới lúc bánh xe đã quay ngược chiều. Hắn từ từ chạy lại thẳng tới dãy toa tàu. Hai đèn pha soi sáng những chiếc cầu gỗ bằng ván ghép dẫn tới những cánh cửa rộng của toa xe. Cửa tối om. Đêm khuya lặng như tờ, Al tắt đèn pha. Rồi hắn nói với Rosasharn.

– Chị ra phía sau, với chú John, để em ngủ ở đây Chú John giúp cô cháu đã nặng bụng leo qua tấm ván sau xe.

Mẹ thu dọn xoong chảo bình lọ vào một góc nhỏ.

Cả gia đình chét vào nhau sau xe.

Trong một toa xe, một đứa bé bắt đầu khóc, khi chạy tới đánh hơi ầm ì, và chậm rãi lượn quanh xe nhà Joad. Văng vẳng tiếng nước chảy róc rách dưới lòng lạch.

Chú thích

1. Nguyên văn: nó chửi thì cũng chẳng hại gì.

2. Nguyên văn: Lúc nào cũng đặt chân vào một chỗ.

3. Nguyên văn: cổ điển.

4. Nguyên văn: whole. Bản tiếng Pháp dịch “ngớ ngẩn”.

5. Hành hình theo ý quần chúng, không thông qua tòa án.

Bình luận