Mùa hè năm 2004 tôi mang thai đứa con đầu. Lúc đó, tôi đang phụ trách nhóm bán hàng trực tuyến và vận hành tại Google. Tôi đã gia nhập công ty được ba năm rưỡi, từ khi nó chỉ là một công ty mới thành lập vô danh với vài trăm nhân viên làm việc trong một tòa nhà cũ kỹ. Em bé trong bụng tôi được ba tháng thì Google cũng lớn mạnh thành một công ty có hàng ngàn nhân viên và dọn vào một khu văn phòng phức hợp.
Giai đoạn mang thai của tôi cũng không mấy nhẹ nhàng. Chứng ốm nghén thường gặp trong ba tháng đầu vẫn tiếp diễn với tôi suốt chín tháng liền. Tôi tăng gần 16 ký, chân thì phù nề tăng thêm hai số, to như hai tảng thịt mà tôi chỉ có thể nhìn thấy nếu gác chân lên bàn. Một kỹ sự “đặc biệt nhạy cảm” tại Google đã tuyên bố đặt tên cho một dự án là “Dự án cá voi” để tôn vinh tôi.
Một lần, sau khi buổi sáng mệt mỏi ngồi trong nhà vệ sinh, tôi phải chạy vội đến văn phòng tham dự một cuộc họp với khách hàng. Google đang lớn lên từng ngày khiến chỗ đậu xe trở thành vấn đề, và tôi chỉ tìm được một chỗ đậu xe nằm khá xa. Tôi hối hả băng qua bãi đậu xe, nói vậy chứ thực tế là tôi chỉ ráng lết nhanh hơn so với tốc độ rùa bò bình thường của một bà bầu. Nhưng như thế cũng đủ làm cho cơn ốm nghén thêm nặng nề, và tôi phải cầu nguyện trong cuộc họp này không có gì khác ngoài bài trình bày được phát ra từ miệng tôi. Tối đó, tôi kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Dave, chồng tôi, cho biết tại Yahoo, nơi anh đang làm việc, người ta chỉ định chỗ đậu xe dành riêng cho các bà mẹ mang thai ngay trước cổng vào văn phòng.
Ngày hôm sau, tôi hùng hổ xông vào – hay đúng hơn là ì ạch lê vào – tìm gặp hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin trong phòng làm việc, thực tế chỉ là một căn phòng lớn có đồ chơi và các thiết bị công nghệ nằm lăn lóc trên sàn. Sergey đang ngồi trong góc tập Yoga. Tôi lên tiếng rằng công ty cần có chỗ đậu xe ưu tiên cho bà mẹ mang thai, càng sớm càng tốt. Anh ngẩng đầu lên nhìn tôi và đồng ý ngay lập tức, còn nói thêm rằng tại sao anh không nghĩ đến sớm hơn.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn ái ngại là mình không nhận ra nhu cầu của bà mẹ mang thai cần có chỗ đậu xe ưu tiên cho đến khi chính bản thân mình mang thai. Tôi là một trong những phụ nữ giữ chức vụ cao tại Google, đáng lý ra tôi phải có trách nhiệm suy nghĩ về những vấn đề như thế này. Nhưng cũng như với Sergey, nó chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Những phụ nữ mang thai khác đã phải chịu đựng trong im lặng, không dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi. Cũng có thể họ thiếu tự tin hay không có thẩm quyền để giải quyết vấn đề. Một phụ nữ mang thai nắm giữ vị trí cao – cho dù người phụ nữ này có hình dạng như cá voi đi nữa – cũng góp phần tạo ra nhiều thay đổi.
Hiện nay, tại Mỹ, Châu Âu, và nhiều nơi khác trên thế giới, đời sống của phụ nữ đã được cải thiện rất nhiều. Chúng ta đứng trên đôi vai của những phụ nữ đi trước, họ đã đấu tranh cho những quyền mà chúng ta nghiễm nhiên cho rằng mình được hưởng. Năm 1947, Anita Summers, mẹ của Larry Sumers, người đỡ đầu cho tôi, được tuyển dụng vào Công ty Standard Oil. Khi bà nhận lời đi làm, sếp của bà nói, “Tôi thật mừng là cô nhận lời. Tôi nghĩ rằng mình được lợi khi trả tiền ít hơn cho bộ não tương đương.” Phản ứng của bà là cảm thấy thật vinh hạnh. Đây là lời khen tặng thật xứng đáng khi người ta đánh giá bà có bộ não tương đương nam giới. Bà không bao giờ nghĩ rằng mình phải đòi hỏi được trả lương tương xứng.
Chúng ta càng phải biết ơn cuộc đời này nhiều hơn khi tự so sánh với những phụ nữ khác trên thế giới. Vẫn còn nhiều quốc gia từ chối công nhận quyền cơ bản của phụ nữ. Trên toàn thế giới, có khoảng 4,4 triệu bé gái và phụ nữ bị giam cầm trong ngành công nghiệp tình dục. Tại các quốc gia như Afghanistan và Sudan, các bé gái thường không được đi học hay đọc rất ít, người vợ bị xem là tài sản của người chồng, và phụ nữ bị cưỡng hiếp bị ném ra khỏi nhà vì làm ô nhục gia đình. Một số nạn nhân của cưỡng hiếp còn bị cho vào tù vì “vi phạm đạo lý”. Chúng ta đang đi trước hàng thế kỷ so với cách đối xử không thể chấp nhận được tại các quốc gia này.
Nhưng biết rằng tình hình có thể tệ hơn không có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng cải thiện nó. Khi phụ nữ tuần hành trên đường đòi quyền bầu cử, họ nghĩ đến một thế giới trong đó nam nữ thực sự bình quyền. Một thế kỷ sau, chúng ta vẫn còn đang nheo mắt tìm cách đưa triển vọng này hiện ra rõ hơn.
Sự thật thẳng thừng là đàn ông vẫn đang lãnh đạo thế giới. Điều này có nghĩa là khi đưa ra quyết định có tác động đến chúng ta nhiều nhất, tiếng nói của phụ nữ không được trân trọng. Trong số 195 quốc gia độc lập trên thế giới, chỉ có 17 nước do phụ nữ lãnh đạo. Phụ nữ chỉ nắm giữ khoảng 20% số ghế trong quốc hội trên toàn thế giới. Tháng 11/2012, trong cuộc bầu cử tại Mỹ, lần đầu tiên phụ nữ chiếm được nhiều ghế trong quốc hội, nâng tổng số lên thành 18%. Tại Việt Nam, có khoảng 24% số ghế trong Quốc hội do phụ nữ nắm giữ. Tại quốc hội Châu Âu, một phần ba số ghế do phụ nữ nắm giữ. Các con số này cho thấy không có nơi nào đạt gần đến 50%.
Tỉ lệ phụ nữ nắm giữ vai trò lãnh đạo trong các doanh nghiệp còn thấp hơn. Chỉ có 4% số tổng giám đốc các công ty trong danh sách Fortune 500 là phụ nữ. Tại Mỹ, phụ nữ giữ khoảng 14% các vị trí điều hành và 17% các vị trí trong hội đồng quản trị, những con số hầu như không nhúc nhích trong một thập niên qua. Khoảng cách càng rộng hơn đối với phụ nữ da màu, vốn chỉ chiếm 4% các chức vụ cao cấp trong doanh nghiệp, 3% vị trí trong hội đồng quản lý, và 5% ghế quốc hội”. Trên khắp Châu Âu, phụ nữ nắm giữa 14% vị trí trong hội đồng quản trị. Tại Việt Nam, khoảng 5,23% các công ty trên sàn chứng khoán tp Hồ Chí Minh (HOSE) và sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) do phụ nữ nắm quyền tổng giám đốc, và đây là tỉ lệ cao nhất trên thế giới.
Tiến bộ cũng chậm chạp trong lĩnh vực lương thưởng. Năm 1970, phụ nữ Mỹ nhận được 59 xu so với một đô là mà nam giới nhận được với công việc tương đương. Đến năm 2010, phụ nữ đã phản đối, đấu tranh, làm mọi cách để nâng con số này lên thành 77 xu. Nhà hoạt động xã hội Marlo Thomas đã châm biếm trong Ngày trả lương bình đẳng 2011, “Bốn mươi năm và mười tám xu. Một chục trứng đã tăng giá bằng cả chục lần số tiền này”. Tại Châu Âu, phụ nữ trung bình nhận được ít hơn 16% so với đồng nghiệp nam ngang hàng. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, khoảng cách lương do giới tại Việt Nam đã ngày càng rộng hơn trong vài thập niên gần đây. Tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động là 72%, nhưng họ có thu nhập ít hơn 20-30% so với nam giới.
Tôi đã chứng kiến những sự kiện đáng buồn này từ hàng ghế đầu. Tôi tốt nghiệp đại học năm 1991 và tốt nghiệp trường kinh doanh năm 1995. Trong những công việc căn bản sau khi tốt nghiệp, đồng nghiệp của tôi thường cân bằng có cả nam lẫn nữ. Tôi nhận thấy lãnh đạo cấp cao thường hầu như chỉ toàn là nam, nhưng tôi nghĩ đó là do hệ quả của một quá khứ phân biệt đối xử với phụ nữ. Cách so sánh ẩn dụ về tấm trần bằng kính đã bị phá vỡ trong hầu hết các ngành kinh doanh, và tôi tin rằng chỉ còn là vấn đề thời gian đến khi thế hệ của tôi sẽ xâm chiếm giành lấy vai trò lãnh đạo. Nhưng cứ mỗi năm trôi qua, số đồng nghiệp là nữ ngày càng giảm. Rất thường xuyên, tôi trở thành người phụ nữ duy nhất trong phòng.
Là người phụ nữ duy nhất tôi gặp phải nhiều tình huống khó xử nhưng cũng mở mắt cho tôi rất nhiều. Hai năm sau khi gia nhập Facebook trong vai trò Giám đốc hoạt động, người giữ chức vụ Giám đốc tài chính đột ngột rời công ty, và tôi phải nhảy vào hoàn tất công việc kêu gọi đầu tư. Tôi khởi đầu sự nghiệp của mình từ mảng vận hành, chứ không phải là tài chính, nên quy trình kêu gọi đầu tư đối với tôi khá mới mẻ và cũng có chút đáng sợ. Tôi cùng nhóm làm việc bay đến New York để trình bầy trước các công ty quỹ tư nhân. Cuộc họp đầu tiên diễn ra trong một phòng họp giống như bạn thường thấy trên phim ảnh, đầy đủ đến tận chi tiết toàn cảnh Mahattan. Tôi trình bầy thông tin chung về công ty và trả lời các câu hỏi. Nhìn chung cũng ổn. Sau đó mọi người đề nghị giải lao ít phút. Tôi quay sang vị Phó Tổng Giám đốc cấp cao và hỏi thăm nhà vệ sinh dành cho nữ. Ông nhìn tôi trâng trâng. Câu hỏi của tôi đã đặt ông vào một tình thế khó xử. Tôi hỏi, “Ông làm ở đây bao lâu rồi?” Và ông trả lời, “Một năm.” “Tôi là người phụ nữ duy nhất từng đặt chân vào văn phòng này để trình bày trong suốt một năm qua hay sao?” “Tôi nghĩ thế,” ông nói thêm, “hay cũng có thể cô là người duy nhất có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh.”
Tôi đã gia nhập lực lượng lao động được hơn hai thập niên, nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức được rằng cuộc cách mạng đã chựng lại rồi. Lời hứa đạt bình đẳng chưa phải là bình đẳng.
Một thế giới thật sự bình đẳng là nơi phụ nữ nắm quyền tại một nửa số quốc gia trên thế giới, tại một nửa số công ty trên thế giới, và nam giới phải lo vun vén cho một nửa số gia đình trên thế giới. Tôi tin rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn. Các định luật kinh tế và những nghiên cứu về đa dạng cho thấy nếu chung ta phát huy được hết nguồn nhân lực và tài lực, tổng hiệu năng sẽ được cải thiện. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng tuyên bố một cách tự hào rằng một trong những lý do giúp ông thành công rực rỡ là ông chỉ phải cạnh tranh với một nửa thế giới. Những vị Warren Bufett trong thế hệ của tôi vẫn còn đang tận hưởng lợi thế này. Khi càng có nhiều người tham gia vào cuộc đua, càng có nhiều kỷ lục bị phá vỡ. Và thành tựu khi đó không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho tất cả chúng ta.
Đêm trước khi Leymah Gbowee đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2011 vì đã dẫn dắt phụ nữ đấu tranh góp phần lật đổ nhà độc tài Liberia, bà có mặt tại bữa tiệc sách ở nhà tôi. Chúng tôi ăn mừng xuất bản quyển tự truyện của bà , “Mighty be Our Powers”, nhưng đó là một bữa tiệc buồn. Một vị khách hỏi bà liệu phụ nữ Mỹ có thể làm gì để giúp những người đã trải qua kinh hoàng hay bị cưỡng hiếp tập thể tại những nơi như Liberia. Câu trả lời của bà đơn giản chỉ có năm chữ “Phụ nữ phải nắm quyền”. Leymah và tôi là hai người đến từ hai thế giới hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng tôi có chung một kết luận. Điều kiện dành cho phụ nữ sẽ được cải thiện khi có thêm nhiều phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo, cất lên tiếng nói mạnh mẽ và quyền lực đòi hỏi đáp ứng nhu cầu và giải quyết quan ngại của mình.
Điều này đưa chúng ta đến một câu hỏi khác – bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta gỡ bỏ những rào cản đang ngăn trở phụ nữ không được lên cao hơn? Phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản rõ ràng trong công việc, bị phân biệt đối xử lộ liễu hay tinh vi, bị quấy rối tình dục. Không nhiều nơi làm việc cho phép phụ nữ chọn giờ làm việc linh động, cung cấp dịch vụ giữ trẻ, hay cho phép cho mẹ được nghỉ phép nhiều hơn để vừa theo đuổi sự nghiệp vừa nuôi dậy con cái. Nam giới dễ dàng tìm được người đỡ đầu, một yếu tố rất quan trọng nếu muốn tiến bộ trong sự nghiệp. Ngoài ra, phụ nữ còn phải chứng tỏ mình có giá trị cao hơn nhiều so với nam giới. Và việc này không chỉ diễn ra trong suy nghĩ. Khảo sát năm 2011 của McKinsey ghi nhận nam giới thăng tiến dựa trên tiềm năng, trong khi phụ nữ thăng tiến dựa trên thành tích đã đạt được.
Bên cạnh những rào cản bên ngoài do xã hội dựng lên, phụ nữ còn bị ngăn cản bởi hàng rào bên trong chính bản thân họ. Chúng ta tự giữ chân mình theo cách này hay cách khác, do thiếu tự tin, do không dám giơ tay, và tự kéo mình về phía sau trong khi đáng lẽ phải tiến về phía trước. Chúng ta tiếp thu những thông điệp tiêu cực đến với mình trong cuộc đời – những thông điệp cho rằng chúng ta không nên lớn tiếng, hùng hổ, thể hiện uy quyền hơn nam giới. Chúng ta tự hạ thấp kỳ vọng về khả năng của mình. Chúng ta vẫn tiếp tự giành lấy công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Chúng ta chấp nhận hạ thấp mục tiêu sự nghiệp của mình để nhường chỗ cho người bạn đời và con cái thậm chí còn chưa chào đời. So với các đồng nghiệp nam giới, không nhiều phụ nữ tham vọng đạt đến các chức vụ cao. Đây không phải là danh sách của các phụ nữ khác. Bản thân tôi cũng đã phạm tất cả mọi sai lầm trong danh sách này. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn thế.
Lập luận của tôi là phải loại bỏ những rào cản bên trong này thì mới có thể thu tóm quyền lực. Người khác thì tranh luận rằng phụ nữ chỉ có thể nắm quyền khi các rào cản thể chế biến mất. Đây rõ ràng là tình huống con gà và quả trứng. Con gà: Phụ nữ sẽ phá vỡ các rào cản bên ngoài khi chúng ta nắm giữ vai trò lãnh đạo. Chúng ta sẽ tiến thẳng vào văn phòng các ông sếp và đòi hỏi những gì chúng ta cần, kể cả chỗ đậu xe ưu tiên khi mang thai. Hay tốt hơn nữa, chúng ta trở thành sếp lớn và đảm bảo tất cả phụ nữ đều được hưởng những gì họ cần. Quả trứng: Chúng ta cần loại bỏ các rào cản bên ngoài để có thể tiến đến vị trí này. Cả hai đều đúng, Do đó, thay vì tranh luận về triết lý xem con gà hay quả trứng có trước, chúng ta hãy cùng thống nhất sẽ đấu tranh theo cả hai hướng. Cả hai hướng đều quan trọng như nhau. Tôi khuyến khích phụ nữ giải quyết vấn đề theo hướng con gà, nhưng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ những người chọn hướng quả trứng.
Rào cản bên trong hiếm khi được thảo luận và thường bị đánh giá không quan trọng. Trong suốt cuộc đời mình, tôi thường xuyên được nghe kể về những bất công trong văn phòng và khó khăn khi phải đảm đương sự nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, tôi hiếm khi nghe kể về những kềm hãm tôi có thể tự gây ra cho mình. Những rào cản bên trong này xứng đáng được quan tâm nhiều hơn, một phần vì chúng ta hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của chúng ta. Chúng ta có thể dẹp ngay những rào cản bên trong con người mình ngay hôm nay. Chúng ta có thể bắt đầu ngay lập tức.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết sách. Tôi không phải là một học giả, hay nhà báo, hay nhà xã hội học. Nhưng tôi quyết định sẽ lên tiếng sau khi trò chuyện với hàng trăm phụ nữ, lắng nghe những nhọc nhằn của họ, chia sẻ những nhọc nhằn của riêng tôi, và nhận thấy những gì chúng tôi đạt được vẫn chưa đủ và có nguy cơ vuột khỏi tay. Chương đầu tiên trong quyển sách này đặt ra những thách thức phức tạp mà phụ nữ phải đối mặt. Các chương tiếp theo chú trọng đến sự điều chỉnh hay thay đổi mà chúng ta có thể tự thực hiện: tăng mức độ tự tin (“Ngồi vào bàn”), yêu cầu bạn đời làm việc nhà nhiều hơn (“Bạn đời phải thật sự là bạn đời”), không tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn không thể đạt được (“Hoang tưởng về những người đa năng”). Tôi không dám tuyên bố mình có giải pháp hoàn hảo đối với vấn đề sâu sắc và phức tạp như thế này. Tôi chỉ trình bày dữ liệu trung thực, nghiên cứu khoa học, quan sát từ bản thân, và những bài học tôi đã tích lũy.
Đây không phải là một quyển hồi ký, mặc dù tôi có đưa vào những câu chuyện về cuộc đời mình. Đây cũng không phải là sách tự hoàn thiện bản thân, mặc dù tôi thật lòng mong muốn nó sẽ giúp ích cho bạn. Đây cũng không phải là quyển sách về quản trị sự nghiệp, mặc dù tôi có đưa ra một số lời khuyên về lĩnh vực này. Đây cũng không phải là một tuyên ngôn nữ quyền – cho dù, nó cũng có hơi hướm của tuyên ngôn nữ quyền, nhưng tôi hy vọng nó sẽ tạo cảm hứng cho cả hai giới nam lẫn nữ.
Dù dưới hình thức nào, tôi viết quyển sách này cho bất cứ phụ nữ nào muốn gia tăng cơ hội đạt vị trí tối cao trong lĩnh vực của mình hay mong muốn theo đuổi hết mình mục tiêu cuộc đời. Bất cứ phụ nữ nào đang ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời hay sự nghiêp, từ người chỉ mới bắt đầu đến người đang tạm nghỉ và muốn tìm cách quay lại. Tôi cũng viết cho một bộ phận nam giới muốn tìm hiểu những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt – những người là đồng nghiệp, vợ, mẹ, hay con gái của họ – để từ đó góp phần xây dựng một thế giới bình đẳng.
Quyển sách này cổ vũ phụ nữ thẳng tiến, có tham vọng theo đuổi mục tiêu của mình. Và mặc dù tôi tin rằng gia tăng số lượng phụ nữ nắm giữ quyền lực là một yếu tố thiết yếu để đảm bảo bình đẳng thật sự, tôi không cho rằng chỉ có một định nghĩa duy nhất về thành công hay hạnh phúc. Không phải phụ nữ nào cũng muốn theo đuổi sự nghiệp. Không phải phụ nữ nào cũng muốn con cái. Không phải phụ nữ nào cũng muốn toàn vẹn cả đôi. Tôi không bao giờ hô hào chúng ta phải cùng chung mục đích. Nhiều người không quan tâm đến quyền lực, không phải vì họ không có tham vọng, mà vì họ đang sống cuộc đời đúng như họ mong muốn. Có những đóng góp rất quan trọng cho thế giời này đến từ việc quan tâm chăm sóc cho riêng từng người. Chúng ta mỗi người đều phải tự thiết lập con đường riêng của mình và xác định mục tiêu cuộc đời sao cho phù hợp với cuộc sống, giá trị, và ước mơ của mình.
Tôi cũng hiểu phần lớn phụ nữ vẫn phải vất vả lo cho cuộc sống và chăm sóc gia đình. Quyển sách này có những phần phù hợp hơn với những phụ nữ may mắn có quyền chọn lựa làm bao nhiêu, làm khi nào, và làm ở đâu; và cũng có những phần áp dụng được cho mọi tình huống mà phụ nữ đối mặt mỗi ngày trong công việc, trong cuộc sống, và trong gia đình. Nếu chúng ta thành công trong việc đưa tiếng nói phụ nữ ngày càng nhiều hơn ở các cấp cao hơn, chung ta sẽ mở rộng thêm cơ hội và đối xử bằng cho tất cả mọi người.
Một số người, đặc biệt là phụ nữ trong giới kinh doanh, đã cảnh báo tôi về việc công khai tuyên bố những vấn đề này. Khi tôi vẫn cứ lên tiếng, mặc dù nhiều nhận xét của tôi làm bất bình người trong cả hai giới. Tôi biết một số người tin rằng khi nhấn mạnh rằng phụ nữ có thể tự thay đổi mình – thúc giục họ tiến tới – có vẻ như tôi đang làm đảo lộn trật tự thế giới. Hay tệ hơn, họ kết tội tôi đổ lỗi cho nạn nhân, thay vào đó, tôi tin rằng phụ nữ lãnh đạo chính là chìa khóa giải quyết vấn đề. Một số nhà phê bình cũng chỉ ra rằng đối với tôi việc tiến tới là quá đơn giản, vì tôi có nguồn tài chính sẵn sàng hỗ trợ các nhu cầu của mình. Mục đích của tôi là chia sẻ những lời khuyên hữu ích ngay cả trước khi tôi biết đến Google hay Facebook và áp dụng được cho phụ nữ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Tôi đã từng nghe nhiều chỉ trích như thế trước đây và tôi biết sẽ còn phải nghe chúng – và thêm nhiều chỉ trích khác – trong tương lai. Tôi hy vọng thông điệp của mình sẽ được đánh giá trên chính giá trị của nó. Chúng ta không thể trốn tránh cuộc đối thoại này. Vấn đề vượt quá tất cả chúng ta. Đã đến lúc chúng ta phải khuyến khích thêm nhiều phụ nữ ấp ủ ước mơ và khuyến khích nam giới ủng hộ phụ nữ trong công việc và trong gia đình.
Chúng ta có thể khơi lại cuộc cách mạng bằng cách tiếp thu nền cách mạng. Sự chuyển biến sang một thế giới bình đẳng hơn sẽ đến với từng người. Chúng ta sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu chung là bình đẳng thực sự khi từng phụ nữ dấn thân tiến tới.