Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dấn Thân

Chương 7: Đừng Tử Bỏ Trước Khi Chính Thức Rút Lui

Tác giả: Sheryl Sandberg

Cách đây vài năm, một phụ nữ trẻ tại Facebook đến tìm tôi và hỏi xin phép nói chuyện riêng với tôi. Chúng tôi vào phòng họp, và cô bắt đầu đưa ra rất nhiều câu hỏi về cân bằng công việc và gia đình. Các câu hỏi bật ra ngày càng nhanh, và tôi bắt đầu cảm nhận được sự cấp bách toát ra từ cô. Tôi ra hiệu ngừng lại và hỏi cô phải chăng sắp có em bé. Cô bảo không, cô chỉ lên kế hoạch trước. Tôi hỏi phải chăng cô và bạn đời đang cân nhắc có em bé. Cô bảo cô chưa có chồng, và rồi khẽ cười nói thêm, “Thật ra, tôi còn chưa có bạn trai.”

Tôi thấy có vẻ như cô đang nhảy trước quá xa, nhưng tôi hiểu lý do. Từ khi còn nhỏ, các em gái đã được nhồi nhét thông điệp rằng chúng phải chọn lựa giữa thành công trong công việc hay là một bà mẹ tốt. Đến khi vào đại học, phụ nữ đã bắt đầu nghĩ đến những đánh đổi giữa mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp. Khi được hỏi phải chọn giữa hôn nhân và công việc, các nữ sinh viên thường chọn hôn nhân nhiều gấp hai lần so với các sinh viên nam. Và mối lo này xuất hiện từ rất sớm. Peggy Orenstein, tác giả quyển sách Cinderella Ate My Daughter, kể câu chuyện cô gái năm tuổi đi học về lòng buồn bã kể với mẹ rằng cô và cậu bé cô đang yêu đều muốn trở thành phi hành gia. Khi mẹ cô hỏi vậy thì có gì mà buồn, cô bé trả lời , “Khi cả hai chúng con bay vào vũ trụ, ai ở nhà chăm sóc em bé?” Mới năm tuổi mà cô bé đã tính đến khía cạnh thách thức nhất của việc du hành vào vũ trụ là phải an tâm gửi con cho người khác chăm sóc.

Như tôi đã đề cập, tôi đồng tình với việc chuẩn bị có suy tính. Đi đâu tôi cũng mang theo một quyển sổ nhỏ ghi chép những việc cần làm – một quyển sổ với một cây bút thật sự. (Trong thời đại công nghệ thông tin, cái này giống như đi đâu cũng mang tấm bảng ghi bằng đá và cái đồ đẽo đá). Nhưng trong vấn đề kết hợp nghề nghiệp và gia đình, lập kế hoạch quá xa có thể làm cho cánh cửa đóng lại thay vì mở ra. Tôi đã chứng kiến việc này xảy ra nhiều lần. Phụ nữ hiếm khi đưa ra một quyết định lớn là từ bỏ công việc. Thay vào đó, họ đưa ra những quyết định nhỏ dọc đường, chịu nhường bước và hy sinh từng chút một khi họ tin rằng nó sẽ giúp được cho gia đình. Trong tất cả những rào cản do phụ nữ tự gây ra, vấn đề phổ biến nhất là khi họ đã từ bỏ trước khi họ thật sự rút lui.

Một tình huống kinh điển diễn ra như sau. Một phụ nữ thành công và tham vọng đang tiến trên con đường sự nghiệp đầy thử thách, không nghĩ nhiều đến việc có con. Đến một lúc nào đó, vấn đề con cái trở thành suy nghĩ đầu tiên, và theo thông lệ cô tìm người bạn đời. Phụ nữ cân nhắc công sức làm việc của mình và lập luận rằng nếu muốn có con cô sẽ phải giảm cường độ làm việc. Một trợ lý luật sư có thể không muốn cố gắng đạt vị trí phó giám đốc vì cô nghĩ mình sẽ có gia đình sau này. Một giáo viên sẽ bỏ qua cơ hội đảm nhận trách nhiệm phát triển chương trình học cho trường của mình. Một nhân viên bán hàng chọn khu vực phục vụ nhỏ hơn hay không đăng ký nhận vai trò quản lý. Mặc dù không nhận ra, nhưng phụ nữ đã từ bỏ không tìm kiếm các cơ hội mới. Nếu cơ hội đến với cô ấy, cô ấy nhiều khả năng sẽ chối bỏ hay ngập ngừng nói “đồng ý” khiến người ta chuyển dự án cho người khác. Vấn đề là ngay cả khi cô ấy ngay lập tức có thai, cô vẫn còn chín tháng nữa mới phải chăm sóc cho đứa bé. Do phụ nữ đã bắt đầu chuẩn bị tinh thần rất sớm trước khi họ quyết định mang thai, họ đánh mất nhiều năm từ lúc tính toán đến lúc thật sự mang thai, chưa kể thời gian mang thai đến sinh. Trong trường hợp của cô nhân viên Facebook trên, khoảng thời gian đó có khi cả chục năm.

Đến khi đứa bé chào đời, người mẹ đã đứng ở một vị trí hoàn toàn khác trong sự nghiệp nếu so với trường hợp cô không lùi lại. Trước kia, cô là người làm việc tốt nhất, cạnh tranh với các đồng nghiệp về mặt trách nhiệm, cơ hội, tiền lương. Nhưng do không tìm kiếm cơ hội thử thách bản thân trong những năm chờ đợi làm mẹ, cô đã bị tụt lại phía sau. Khi cô quay lại làm việc sau khi sinh con, cô sẽ cảm thấy không được cống hiến trọn vẹn, không được đoái hoài, hay không được công nhận. Cô có thể tự hỏi tại sao mình phải làm việc dưới quyền một người khác (thường là nam) có ít kinh nghiệm hơn cô. Hay cô tự hỏi tại sao cô không được nhận dự án mới đầy thú vị hay được giao cho văn phòng cạnh cửa sổ. Lúc này, cô có thể sẽ hạn chế tối đa tham vọng của mình vì cô không tin rằng mình còn cơ hội cạnh tranh giành vị trí lãnh đạo. Và nếu tình trạng tài chính cho phép cô rời bỏ công việc, nhiều khả năng cô sẽ làm thế.

Một người càng vui với vị trí của mình, người đó càng ít có khả năng từ bỏ. Vì thế điều buồn cười – mặc dù với tôi đó là thảm họa – là phụ nữ cuối cùng từ bỏ công việc chính vì những điều họ đã làm để sống còn với công việc. Có ý tốt nhưng họ lại rơi vào một công việc thiếu cảm hứng, thiếu trọn vẹn. Khi họ có con, chọn lựa của họ – nếu có – là làm mẹ làm nội trợ hay quay lại nhận một vị trí không có chút thú vị.

Joanna Strober, đồng tác giả quyển sách Getting 50/50, cho rằng cô quyết định quay lại làm việc sau khi làm mẹ chính là nhờ bản chất công việc đầy thách thức. “Khi tôi mới bắt đầu đi làm, có rất nhiều câu chuyện kinh hoàng về các lãnh đạo nữ phải bỏ bê con cái hay không bao giờ có mặt ở nhà,” cô nói. “Mọi người trong văn phòng đều kể về một nữ lãnh đạo có cô con gái nói với mẹ rằng khi lớn lên cô chỉ muốn làm khách hàng vì chỉ có như thế thì mới được sự quan tâm của bà mẹ. Tôi nghe những câu chuyện này và thấy chẳng còn lòng dạ nào nên tôi đã từ bỏ trước khi tôi thật sự bước chân vào con dường dẫn đến chức phó tổng giám đốc. Tuy nhiên, năm năm sau tôi được làm một việc mà tôi yêu thích, tôi thấy mình muốn quay lại làm việc chỉ sau vài tuần nghỉ hộ sản. Tôi nhận thấy nữ lãnh đạo không hề đáng sợ. Cũng như tôi, họ rất yêu con mình. Và cũng như tôi, họ cũng yêu công việc nữa.”

Có rất nhiều lý do mạnh mẽ khiến bạn từ bỏ công việc. Làm mẹ là một chọn lựa tuyệt vời, và cần thiết, đối với nhiều người. Không phải mọi bậc phụ huynh đều cần, muốn, hay nên chọn đi làm bên ngoài. Ngoài ra, chúng ra cũng không kiểm soát được hết những tác nhân có ảnh hưởng đến mình, kể cả tình trạng sức khỏe của con cái. Thêm vào đó, nhiều người còn mừng được thoát khỏi cảnh chạy đua. Không ai có quyền đánh giá những quyết định cá nhân này. Tôi hoàn toàn ủng hộ bậc làm cha làm mẹ dành trọn thời gian của mình để nuôi dạy thế hệ kế tiếp. Đây là một công việc quan trọng, đòi hỏi nhiều trọng trách và cũng mang lại nhiều niềm vui.

Lập luận của tôi chỉ là rút lui khi cần thiết hay khi đứa bé chào đời, không phải trước đó, càng không phải nhiều năm trước đó. Tháng năm chuẩn bị có con không phải là lúc rút lui, mà là lúc quan trọng để tiến tới.

Cách đây vài năm, tôi tìm một nhân viên tại Facebook để quản lý một dự án mới quan trọng. Thoạt đầu cô ấy cảm thấy rất tự hào nhưng sau đó tỏ ra ngập ngừng thấy rõ. Cô bảo rằng không muốn nhận thêm trách nhiệm. Rõ ràng là có chuyện không ổn, nên tôi nhẹ nhàng hỏi thêm “Cô sợ không dám nhận trách nhiệm này là vì cô đang cân nhắc có con phải không?” Nếu là trước đó vài năm, tôi đã rất sợ không dám đưa ra câu hỏi như vậy. Các nhà quản lý không được tính đến kế hoạch có con khi cân nhắc tuyển người hay ra các quyét định nhân sự. Nhắc đến chủ đề này trong công sở sẽ làm nhiều luật sư đau tim. Nhưng sau khi chứng kiến nhiều phụ nữ tài năng bỏ qua cơ hội vì những ký do không nói ra, tôi bắt đầu đối mặt với vấn đề một cách trực diện. Tôi luôn cho người ta cơ hội không cần trả lời, nhưng tính đến nay, mọi phụ nữ tôi hỏi đều tỏ ra biết ơn vì có dịp thảo luận về chủ đề này. Tôi cũng nói rõ với họ rằng tôi hỏi chỉ vì một lý do duy nhất: đảm bảo rằng họ không tự hạn chế mình một cách không cần thiết.

Năm 2009, chúng tôi tuyển dụng Priti Choksi vào nhóm phát triển kinh doanh tại Facebook. Sau khi chúng tôi đề nghị, cô quay lại để hỏi rõ một số vấn đề liên quan đến công việc. Cô không nhắc gì đến thời gian làm việc, nhưng cô đang trong độ tuổi lập gia đình và có con. Vì thế khi chúng tôi sắp kết thúc thảo luận, tôi nói thẳng. “Nếu cô nghĩ cô không muốn nhận công iệc này vì cô sắp có con, tôi rất muốn được thảo luận với cô.” Tôi nghĩ nếu cô không muốn thảo luận, cô sẽ đứng lên ra về. Nhưng thay vào đó, cô quay lại, ngồi xuống, và nói, “Tôi nghĩ chúng ta nên thảo luận.” Tôi giải thích rằng mặc dù có vẻ đi ngược trực giác, thời điểm nhận công việc mới là ngay trước khi có con. Nếu cô muốn yên phận, cô sẽ nghĩ công việc không đáng phải hy sinh. Priti chấp nhận lời mời của chúng tôi. Lúc cô bắt đầu tại Facebook, cô đang mang thai. Tám tháng sau, cô sinh con, nghỉ hộ sản bốn tháng, và quay lại với công việc yêu thích của mình. Sau này cô nói với tôi là nếu tôi không mở lời về chuyện này, hẳn cô đã từ chối.

Caroline O’Connor, cũng như nhiều phụ nữ khác, tin rằng một ngày nào đó cô sẽ phải chọn lựa giữa nghề nghiệp và gia đình. Ngày đó đến sớm hơn dự định. Caroline mới vừa hoàn tất chương trình tại Học viện Thiết kế của ĐH Standford thì nhận được cơ hội mở công ty mới cùng lúc biết tin mình mang thai. Phản xạ tự nhiên của cô cho rằng mình không thể làm được cả hai. Nhưng rồi cô quyết định xét lại. “Tôi bắt đầu suy nghĩ về tình huống của mình như thể tôi suy nghĩ tìm lời giải cho một thách thức thiết kế,” O’Connor viết. “Thay vì chấp nhận rằng xây dựng thành công một công ty mới và có con là hai điều không thể song hành, tôi đặt nó thành một đề bài và sử dụng các công cụ mà tôi đã thiết lập khi còn là nhà thiết kế để tìm câu trả lời. O’Connor thu thập dữ liệu từ hàng chục bà mẹ về kinh nghiệm và cách xử lý của họ. Cô thử nghiệm cảm giác thiếu ngủ bằng cách nhận giữ trẻ ca đêm. Cô kết luận rằng nếu có hỗ trợ từ chồng và bạn bè, cô có thể làm tốt cả hai. O’Connor giờ đây tự nhận mình là “một phụ huynh yêu công việc,” một cụm từ thay thế cho “bà mẹ đi làm.”

Cuộc sống có nhiều điểm khác nhau, nên tôi không bao giờ khuyên mọi phụ nữ đều phải tiến tới bất kể tình huống. Bản thân tôi cũng có lúc chọn rút lui. Màu hè năm 2006, một công ty nhỏ thành lập là Linkedin đang tìm CEO mới, và Reid Hoffman, nhà sáng lập Linkedin, đã tìm đến tôi. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời sau năm năm làm việc tại Google tôi đã sẵn sàng đón nhận thách thức mới. Nhưng thời điểm thật không phù hợp. Tôi đã ba mươi bảy tuổi và muốn có đứa con thứ hai. Tôi nói sự thật với Reid: đáng tiếc, tôi không thể nhận vì tôi không nghĩ mình có thể cùng lúc làm tốt hai việc là mang thai và công việc mới. Anh phản ứng rất tử tế và ủng hộ. Anh cố gắng thuyết phục tôi, thậm chí đề nghị sẽ cùng làm việc toàn thời gian tại công ty để giúp tôi trong giai đoạn đó, nhưng tôi vẫn không nhìn thấy lối ra.

Đối với nhiều phụ nữ, giai đoạn mang thai không làm chậm bước chân của họ, thay vào đó nó giúp họ tập trung hơn và đưa ra một hạn định nhất định mà họ phải hướng đến. Cô bạn thân từ bé của tôi, Elise Scheck, vui vẻ nhớ lại thời gian mang thai, cho biết cô chưa bao giờ thấy mình làm được nhiều thứ như vậy. Cô không chỉ làm việc bình thường như một luật sư tòa án mà còn vun vén nhà cửa, xếp đặt hình chụp kỷ niệm năm năm ngày cưới vào các album hình. Những người khác như tôi giai đoạn mang thai rất khó khăn, khiến tôi không thể làm việc tốt như bình thường. Tôi cố gắng việt email trong khi ngồi nôn trong nhà vệ sinh, nhưng thật khó mà làm được nhiều việc cùng lúc trong tình cảnh ấy. tôi đã từng trải nghiệm khi mang thai lần đầu, nên tôi hiểu tình thế của mình. Tôi từ chối đề nghị của Reid và chọn mang thai – và lúc nào cũng chực nôn – sau đó vài tháng.

Tất cả những nuối tiếc phải bỏ qua công việc này hoàn toàn tan biến khi con gái tôi được bảy tháng tuổi thì Mark đề nghị tôi cơ hội gia nhập Facebook. Thời điểm cũng không phải là lý tưởng. Như nhiều người đã cảnh bảo, và tôi cũng sớm phát hiện ra sự thật, chăm sóc hai con không chỉ là một con nhân hai lần việc. Tôi không dám tìm thêm thách thức mà chỉ đơn thuần làm sao cho qua ngày. Tuy nhiên, Dave và tôi nhận thấy nếu đợi đến khi thời điểm thuận tiện, thì cơ hội không còn nữa. Quyết định nhận công việc này hoàn toàn là quyết định cá nhân, vốn bản chất của nó là vậy. Và cũng có lúc trong sáu tháng đầu tiên tại Facebook tôi tự hỏi mình có chọn lựa đúng đắn không. Kết thúc năm thứ nhất, tôi biết mình đã làm đúng… cho bản thân.

Sự chào đời của đứa con ngày lập tức làm thay đổi định nghĩa của chúng ta về bản thân. Phụ nữ trở thành mẹ. Nam giới trở thành cha. Vợ chồng giờ thành cha mẹ. Các ưu tiên của chúng ta hoàn toàn thay đổi. Làm cha mẹ có thể là trải nghiệm xứng đáng nhất, nhưng cũng khó khăn nhất và khiêm nhường nhất. Nếu ai đó tìm ra cách đúng đắn để nuôi dậy con cái, hẳn tất cả mọi người đều sẽ làm theo. Tiếc thay, không có chuyện đó.

Một trong những câu hỏi trước mắt mà các bậc phụ huynh phải đối mặt là ai sẽ là người chủ yếu chăm sóc cho bé. Theo lịch sử đó là người mẹ. Cho con bú khiến chọn lựa này hợp lý hợp tình. Nhưng với sự phát minh của máy vắt sữa đã làm thay đổi phương trình. Tại Google, tôi thường khóa của phòng và vắt sữa mẹ trong khi gọi điện thoại bàn công việc. Người ta thường hỏi, “Tiếng gì thế?” Và tôi trả lời, “Có tiếng gì đâu.” Nếu họ vẫn cứ khăng khăng là họ nghe thấy tiếng bíp bíp rất lớn trong điện thoại, tôi sẽ nói, “À, có chiếc xe cứu hỏa đậu bên kia đường.” Tôi nghĩ mình trả lời thế là rất khôn khéo, nhưng rồi tôi nhận ra đôi khi tôi gọi cho đồng nghiệp trong cùng tòa nhà và họ biết chẳng có chiếc xe cứu hỏa nào hết. Lộ hết rồi.

Mặc dù các biện pháp hiện đại là giảm bớt tác động sinh học, phụ nữ vẫn là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc con cái. Kết quả là làm cha mẹ khiến cơ hội gia nhập lực lượng lao động của phụ nữ giảm, nhưng không tác động đến nam giới. Tại Mỹ, tỉ lệ đi làm rớt xuống còn 54% đối với các bà mẹ có con dưới ba tuổi và tăng lại 75% đối với các bà mẹ có con từ sáu đến 14 tuổi. Tại các nước trong khối OECD, tỉ lệ đó là 52% và 73%.

Phụ nữ có khuynh hướng rời bỏ công việc cao thường tập trung tại hai đầu trên chiếc cân thu nhập, lập gia đình với các ông kiếm tiền ít nhất hay nhiều nhất. Năm 2006, chỉ có 20% số phụ nữ có chồng mang về thu nhập trong khoảng giữa (nằm ở mức phần trăm từ 25 đến 75) là không đi làm tại Mỹ. Ngược lại, con số tăng đến 52% số phụ nữ có thu nhập từ chồng nằm ở nhóm dưới và 40% số phụ nữ có thu nhập từ chồng nằm ở top 5 là không đi làm. Rõ ràng, lý do họ ở nhà cũng rất khác nhau. Phụ nữ đã kết hôn với người chồng kiếm được ít tiền rất khó tìm được việc nào đủ sức chi trả chi phí chăm sóc con, vốn ngày càng tăng. Trong hơn một thập niên qua, chi phí chăm nuôi con đã tăng gấp hai lần thu nhập trung bình của gia đình có con nhỏ. Chi phí cho hai trẻ (một sơ sinh và bốn tuổi) gửi tại nhà trẻ còn cao hơn tiền thuê nhà tại mọi tiểu bang trên nước Mỹ. Các nước Châu Âu thường cung cấp miễn phí hay hỗ trợ một phần chi phí giữ trẻ so với nước Mỹ, nhưng tại đa số các nước Châu Âu, tiền giữ trẻ vẫn rất tốn kém, đặc biệt là đối với trẻ dưới năm tuổi.

Phụ nữ kết hôn với những người kiếm được nhiều tiền rời bỏ công việc vì nhiều lý do khác nhau, nhưng một yếu tố quan trọng là số giờ làm việc của người chồng. Khi người chồng phải làm việc từ năm mươi giờ trở lên trong một tuần, tỉ lệ các bà mẹ thường bỏ việc cao hơn 44% so với các bà mẹ có chồng làm việc ít giờ hơn. Nhiều bà mẹ này có trình độ học vấn rất cao. Một khảo sát năm 2007 của cựu học sinh Trường Kinh doanh Harvard cho thấy tỉ lệ làm việc của nam giới chưa bao giờ xuống thấp hơn 91%, trong khi đó chỉ có 81% phụ nữ tốt nghiệp trong những năm đầu thập niên 2000 và 49% phụ nữ tốt nghiệp trong đầu thập niên 1990 là còn làm việc toàn thời gian. Đối với cựu sinh viên ĐH Yale đạt đến 40 tuổi trở lên vào năm 2000, chỉ có 56% phụ nữ là vẫn còn đi làm so với 90% nam giới. Sự ra đi của những phụ nữ có trình độ này là yếu tố quan trọng góp phần tạo ra khoảng cách lãnh đạo giữa nam và nữ.

Dự đoán phản ứng của cá nhân khi trở thành phụ huynh không phải là điều dễ, tuy nhiên, dự đoán phản ứng của xã hội lại khá đơn giản. Khi cặp vợ chồng tuyên bố sẽ có con, mọi người đều nói, “Chúc mừng!” với người chồng và “Chúc mừng! Bạn tính đi làm như thế nào?” với người vợ. Xã hội vẫn giả định việc nuôi dạy con là trách niệm của người mẹ. Trong suốt ba mươi năm, quan điểm này vẫn không có gì thay đổi. Khảo sát tại ĐH Princeton đối với khóa sinh viên tốt nghiệp năm 1975 cho thấy 54% phụ nữ tiên đoán sẽ có mâu thuẫn giữa công việc và gia đình, so với con số 26% ở nam giới. Cũng khảo sát này khi lặp lại tại ĐH Princeton đối với khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2006 cho thấy 62% phụ nữ tiên đoán mâu thuẫn so với 33% ở nam giới. Ba thập niên ngăn cách giữa hai cuộc khảo sát, nhưng con số phụ nữ lo lắng về mâu thuẫn này vẫn cao gấp hai lần nam giới. Ngay cả trong năm 2006, 46% số nam giới tiên đoán có mâu thuẫn này kỳ vọng người vợ sẽ bước chân khỏi công việc để nuôi dậy con cái. Chỉ có 5% phụ nữ tin rằng chồng mình sẽ thay đổi nghề nghiệp vì con.

Lựa chọn cá nhân vì vậy không phải lúc nào cũng do cá nhân quyết định. Chúng ta đều bị tác động bởi quan niệm xã hội, áp lực của bạn bè, và kỳ vọng của gia đình. Ngoài ra, phụ nữ nếu muốn rút lui khỏi công việc không chỉ được chấp thuận nhanh chóng mà còn được khuyến khích từ khắp mọi phía.

Tưởng tượng sự nghiệp như một cuộc đua marathon – một nỗ lực kéo dài, lao lực, nhưng rất xứng đáng. Tưởng tượng trong một cuộc đua marathon mà cả nam lẫn nữ đều xuất phát như nhau, khỏe mạnh, tập luyện đầy đủ. Phát súng lệnh nổ ra. Nam và nữ chạy song song nhau. Các vận động viên nam thường xuyên được động viên: “Anh tốt lắm! Chạy tốt lắm!” Còn các vận động viên nữ được nghe một thông điệp hoàn toàn khác. “Bạn biết là bạn không cần phải làm khổ mình như vậy!” đám đông hò hét. Hay “Khởi đầu tốt lắm – nhưng bạn không muốn chạy đến đích làm gì.” Đoạn đường chạy càng xa, các tiếng hò reo càng lớn dành cho nam giới. “Cố lên! Anh làm được mà!” Nhưng phụ nữ chỉ nghe được những tiếng nói nghi ngờ về nỗ lực của họ. Giọng nói bên ngoài, và thường xuyên là cả giọng nói bên trong bản thân họ, lặp đi lặp lại câu hỏi về quyết định chạy đua của họ. Giọng nói ngày càng gay gắt và thù địch. Khi phụ nữ phải vất vả chịu đựng sự mệt mỏi trong cuộc đua, những người quan sát lại gào thét, “Tại sao bạn lại chạy đua khi con cái ở nhà đang cần bạn?”

Từ năm 1997, Debi Hemmeter là một nhà lãnh đạo có tiềm năng tại Sara Lee, tham vọng một ngày nào đó lãnh đạo một tập đoàn lớn như tấm gương của cô là CEO vùng Bắc Mỹ của Pepsi – Cola, Brenda Barnes. Ngay cả sau khi đã có gia đình, Debi vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp một cách hăng say. Nhưng một ngày khi Debi đang đi công tác, cô mở cửa phòng khách sạn và nhìn thấy tờ USA Today với dòng tít giật mình “Sếp Pepsi quyết định đánh đổi công việc lấy gia đình.” Tít nhỏ hơn bên dưới nói thêm: “Cựu chiến binh 2 năm kinh nghiệm đã mệt mỏi.” Vào lúc đó, Debi thấy tham vọng của mình cũng đảo chiều. Debi kể với tôi, “Giống như người phụ nữ phi thường này mà còn không làm được, thử hỏi còn ai làm được? Không lâu sau đó, tôi được mời vào một vị trí cấp cao tại một ngân hàng và tôi từ chối vì con gái tôi mới được một tuổi và tôi không nghĩ mình có thể làm tròn cả hai trách nhiệm. Gần một thập niên sau, tôi nhận một vị trí tương tự và làm tốt, nhưng tôi đã đánh mất đi một thập niên. Tôi thực sự đã cắt và lưu giữ bài báo đó đến tận hôm nay. Nó nhắc tôi về những gì mà tôi không muốn thế hệ kế tiếp phải trải qua.”

Nếu nữ vận động marathon có thể bỏ qua những lời gào thét của đám đông và vượt qua được giai đoạn giữa cuộc đua đầy khó khăn, cô thường sẽ sải chân về đích. Cách đây nhiều năm, tôi gặp một nhân viên ngân hàng đầu tư tại New York có chồng làm trong ngành dịch vụ công. Cô kể với tôi rằng theo thời gian những đồng nghiệp nữ của cô trong ngành ngân hàng đều nghỉ việc, nhưng cô là người kiếm tiền chính trong gia đình, nên cô vẫn phải cố gắng theo đuổi. Có những ngày cô ghen tị với họ và chỉ muốn nghỉ làm, những ngày có quá nhiều việc phải làm và những chuyện đâu đâu phải chịu đựng. Nhưng cô không có chọn lựa. Cuối cùng, cô tìm được một vị trí không có nhiều chuyện đâu đâu và có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Giờ đây khi nhìn lại cô mừng là ngay cả trong những lúc khó khăn, cô vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp. Hiện nay, cô giữ mối quan hệ gắn bó với các con và khi các con đã lớn và rời tổ ấm, cô rất mừng vì mình còn công việc đáng làm.

Mặc dù chuyên gia và chính trị gia, thường là nam giới, cho rằng làm mẹ là công việc quan trọng và khó nhọc nhất, phụ nữ chọn con đường rời bỏ sự nghiệp phải chịu một hình phạt nặng nề. Tại Mỹ, chỉ có 74% phụ nữ có chuyên môn sẽ quay lại làm việc, và chỉ có 40% sẽ quay lại làm việc toàn thời gian. Những người quay lại thường phải chịu mức lương thấp hơn trước rất nhiều. Cùng trình độ và cùng thời gian làm việc, thu nhập trung bình hàng năm của phụ nữ giảm 20% nếu họ quay lại đi làm sau một năm. Thu nhập trung bình giảm 30% sau hai đến ba năm, là khoảng thời gian phụ nữ thường chọn để nghỉ. Hình phạt làm mẹ này có thể thấy ở hầu hết các quốc gia OECD, thời gian nghỉ hộ sản dài dẫn đến chênh lệch mức lương càng lớn giữa các bà mẹ và ông bố cùng đi làm. Trung bình, các bà mẹ làm việc chính thức tại các nước OECD kiếm được ít hơn 22% so với các ông bố. Phụ nữ không có con kiếm được ít hơn 7% so với nam giới không con. Nếu xã hội thật sự xem trọng việc chăm sóc nuôi dậy con, các công ty và tổ chức sẽ tìm cách để giảm sự chênh lệch này và giúp các bậc phụ huynh kết hợp sự nghiệp và trách nhiệm gia đình. Kế hoạch làm việc cứng nhắc, không được nghỉ có hưởng lương để lo cho gia đình, hệ thống chăm nuôi trẻ tốn kém hay không đáng tin cậy là những yếu tố làm cản trở nỗ lực của phụ nữ.

Một tính toán sai lầm của nhiều phụ nữ là chọn nghỉ việc khi mới sớm bắt đầu sự nghiệp vì mức lương của họ không đủ chi trả cho chi phí chăm nuôi trẻ. Nuôi trẻ rất tốn kém, và thật đáng buồn nếu vất vả làm việc cũng chỉ đủ để trả tiền chăm trẻ. Nhưng phụ nữ phải tính toán chi phí chăm nuôi trẻ dựa trên mức lương tương lai thay vì mức lương hiện tại. Anna Fieler miêu tả việc làm mẹ ở tuổi ba mươi hai là “lúc xe thật sự chạy trên đường.” Là một ngôi sao tiềm năng trong ngành tiếp thị, Anna lo lắng khoản lương còn lại sau khi đóng thuế chỉ vừa đủ chi trả cho chi phí chăm nuôi trẻ. “Khi người chồng thường kiếm được nhiều tiền hơn vợ, nếu tính toán đầu tư thì đầu tư cho sự nghiệp của chồng là tốt hơn,” cô bảo. Nhưng cô nghĩ đến bao nhiêu thời gian và tiền bạc đã đầu tư cho sự nghiệp của bản thân và nếu từ bỏ thì cũng không hợp lý. Vì thế cô chọn nghe theo con tim và quyết định vẫn đi làm. Nhiều năm sau, thu nhập của cô đã tăng nhiều lần so với khi cô có ý định nghỉ. Một cách thông minh, Anna và nhiều phụ nữ khác đã bắt đầu xem chi phí cho chăm nuôi trẻ là một cách đầu tư cho tương lai của gia đình. Theo thời gian, khoản bù đắp ngày càng tăng. Tính linh hoạt cũng thường tăng, do nhà lãnh đạo cấp cao có quyền kiểm soát thời gian và kế hoạch làm việc của mình.

Còn những ông bố muốn nghỉ việc thì sao? Trong khi chúng ta tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ từ bỏ cuộc chạy đua trong sự nghiệp, chúng ta lại làm khó đàn ông. Phụ nữ cảm thấy mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái, nam giới lại cảm thấy mình có trách nhiệm chính là chu cấp tài chính cho gia đình. Giá trị cá nhân của họ gắn liền với thành công trong nghề nghiệp, và họ thường cảm thấy mình không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải cố gắng về đích trong cuộc đua marathon.

Chọn lựa giao con mình cho người khác chăm nuôi để quay lại đi làm là một quyết định khó khăn. Bất cứ bậc phụ huynh nào đã trải qua, kể cả tôi, đều biết nó làm con tim đau đớn đến nhường nào. Chỉ có một công việc xứng đáng, thách thức, mới có thể bù đắp phần nào. Và ngay cả khi đã quyết định, phụ huynh vẫn có quyền thường xuyên đánh giá lại tình hình.

Những người may mắn có cơ hội được chọn lựa hãy để ngỏ các chọn lựa này. Đừng vừa bước chân vào sự nghiệp mà đã tìm đường thoát. Đừng đặt chân lên bàn đạp thắng. Hãy tăng tốc. Giữ chân trên bàn đạp ga đến khi nào bạn đã có quyết định. Đấy là cách duy nhất để đảm bảo rằng khi thời điểm đến, bạn sẽ ra quyết định thực sự nghiêm túc.

 

Bình luận
2880
× sticky