Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dấn Thân

Chương 8: Bạn Đời Phải Thật Sự Là Bạn Đời

Tác giả: Sheryl Sandberg

:

Làm mẹ là một trải nghiệm thật tuyệt vời đối với tôi. Nhưng sinh nở thì không. Sau chín tháng liên tục ốm nghén, tôi chỉ mong nó trôi qua nhanh chóng. Nhưng cậu con trai tôi thì không chịu. Khi đến ngày dự sinh, bác sĩ phụ sản theo dõi cho tôi quyết định phải can thiệp. Cha mẹ, em gái, và Dave cùng có mặt với tôi tại bệnh viện. Người ta nói nuôi một đứa trẻ tốn cả làng, còn trong trường hợp của tôi, sinh một đứa trẻ, tốn cả làng. Tôi cứ đau, đau, đau mãi. Những người theo ủng hộ tôi từ chỗ hào hứng chuyển sang mệt mỏi. Có lúc, tôi cần được giúp để vượt qua cơn đau thắt nhưng chẳng ai thèm quan tâm vì mọi người đều đang tụ tập ở góc phòng để cùng xem hình của gia đình với bác sĩ. Trong nhà tôi vẫn thường đùa với nhau là chúng tôi không có khiếu tập trung. Đau đẻ cũng không ngoại lệ.

Sau ba giờ rưỡi đau đớn, con trai tôi mới chịu chào đời; bé nặng 4,2 kg. Cái đầu không thôi đã chiếm một nửa cân nặng. Em gái tôi là bác sĩ nhi khoa và đã từng theo dõi hàng trăm ca sinh nở. Mãi sau này cô mới thú nhận trường hợp của tôi là một trong những ca khó nhất. Mọi đau đớn đều xứng đáng khi con trai tôi được bác sĩ tuyên bố khỏe mạnh và những cơn ốm nghén cũng biến mất trong vòng một giờ. Những gì tồi tệ nhất đã qua.

Sáng hôm sau, tôi bước chân xuống giường, bước đi một bước, và ngã quỵ xuống sàn. Trong cơn đau đẻ tôi đã đạp mạnh chân và làm bong gân. Tôi phải mang nạng suốt một tuần. Không thể đứng dậy gây thêm khó khăn cho tôi trong việc đảm nhiệm vai trò làm mẹ, nhưng đồng thời cũng mang đến cho tôi một lợi thế bất ngờ: Dave trở thành người chăm sóc chính cho em bé. Dave phải thức dậy khi em bé khóc, mang em bé đến tận nơi để tôi cho bú, thay tã, và ru cho con ngủ. Thường thì bà mẹ trở thành chuyên gia chăm sóc trẻ ngay lập tức. Còn với tôi, Dave phải dạy cho tôi cách thay tã khi con tôi được tám ngày tuổi. Nếu Dave và tôi lập kế hoạch cho việc này, hẳn chúng tôi phải là thiên tài. Nhưng chúng tôi không có kế hoạch và cũng chẳng phải thiên tài.

Thực tế, đáng lẽ chúng tôi phải biết chuẩn bị nhiều hơn. Khi tôi mang thai được sáu tháng, một nghiên cứu sinh tiến sĩ phỏng vấn tôi qua điện thoại cho luận án về đề tài các cặp vợ chồng cùng đi làm. Cô mở màn bằng câu hỏi, “Làm sao cô làm được hết?” Tôi trả lời, “Tôi đâu đã làm được. Tôi còn chưa có con,” và đề nghị cô nên tìm phỏng vấn người nào đã có con rồi. Cô ấy nói, “Cô chỉ còn vài tháng nữa là sinh con, chắc cô và chồng hẳn đã phải tính đến việc ai đón con trong trường hợp con bị bệnh đột xuất tại trường? Ai sẽ là người lo thu xếp chăm nuôi trẻ” Và còn nhiều nữa. Tôi không thể trả lời được bất cứ câu hỏi này. Đến cuối cuộc phỏng vấn, tôi đã bắt đầu hoảng, thật sự thấy rối loạn vì Dave và tôi chưa chuẩn bị gì cho những trách nhiệm này. Ngay khi Dave bước chân vào nhà tối hôm đó, tôi thốt lên ngay, “Ối trời ơi! Chúng ta chỉ còn vài tháng nữa là có con, vậy mà chúng ta chưa bàn bạc gì cả!” Dave nhìn tôi như thể tôi đang bị điên. “Cái gì?” “Thì chúng ta chẳng luôn bàn bạc chuyện có con là gì.”

Khi mổ xẻ sự khác biệt, Dave và tôi phát hiện ra chúng tôi nói với nhau rất nhiều về cách làm này nọ, nhưng đa phần chỉ là mơ hồ. Như vậy Dave cũng đúng là chúng tôi bàn rất nhiều về chuyện là cha làm mẹ, và tôi cũng đúng vì các bàn bạc này chẳng có tính thực tế. Một phần là vì chúng tôi thiếu kinh nghiệm nên không biết phải đi vào chi tiết đề mục nào. Chúng tôi chẳng biết thực tế sẽ ập đến như thế nào.

Tôi cũng cho rằng chúng tôi có khuynh hướng chối bỏ sự thay đổi khủng khiếp đang tiến đến rất gần trong cuộc đời chúng tôi. Dave và tôi thậm chí còn không làm việc chung trong một thành phố khi tôi mang thai (mặc dù phải nói cho rõ, chúng tôi có ở cùng một chỗ khi tôi đậu thai). Dave đã thành lập công ty Launch Media tại L.A. và mới bán lại cho Yahoo trước đó vài năm. Văn phòng chính của Yahoo đặt tại Bắc California, nơi tôi sống và làm việc còn nhóm của Dave vẫn trụ tại Los Angeles để sống và làm việc. Khi chúng tôi bắt đầu quen nhau, chúng tôi quyết định sẽ chọn Bay Area làm nơi sinh sống, vì thế Dave phải đi làm xa nhà, thường là từ thứ Hai đến thứ Năm thì ở Nam California và cuối tuần thì bay về nhà với tôi. Chúng tôi vẫn duy trì nhịp sống này ngay cả sau khi đã kết hôn.

Sau khi em bé chào đời, Dave phải bay đi bay về nhiều lần trong tuần. Thật may mắn là anh có thể đi làm kiểu này, nhưng đây vẫn không phải là giải pháp tốt nhất. Mặc dù anh đã cố gắng đến mệt mỏi để có mặt bên cạnh tôi và con, thật sự anh vẫn phải vắng mặt rất nhiều. Tôi là người luôn bên cạnh em bé, nên phần lớn công việc chăm sóc đều do một tay tôi đảm trách. Sự phân chia nhiệm vụ trở nên bất cân xứng và ảnh hưởng không tốt đến cuộc hôn nhân. Chúng tôi thuê người giữ trẻ, nhưng cô ấy cũng không giải quyết hết các vấn đề; sự chia sẻ tình cảm và cùng nhau trải qua cuộc sống với bạn đời không thể mua được bằng tiền. Chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, chúng tôi đã trở thành một gia đình truyền thống với những vai trò khác biệt rõ rệt về giới.

Chúng tôi không phải là trường hợp cá biệt. Ba thập niên qua, phụ nữ đã đạt được nhiều tiến bộ trong công việc hơn là trong gia đình. Theo phân tích gần đây nhất, khi vợ và chồng tại Mỹ đều đi làm chính thức, người mẹ phải đảm đương công việc chăm sóc con cái nhiều hơn 40% và việc nhà nhiều hơn 30% so với người chồng. Khảo sát năm 2009 cho thấy chỉ có 9% người trong trường hợp cả hai vợ chồng cùng đi làm cho biết họ chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái, và kiếm tiền một cách ngang nhau. Trên khắp thế giới, phụ nữ phải làm việc nhà và chăm con nhiều hơn nam giới. Khi nam giới nhận thêm trách nhiệm trong nhà, sự gia tăng này diễn ra rất chậm chạp, và còn lâu mới bình đẳng. (Có lẽ cũng ngạc nhiên khi các cặp vợ chồng đồng giới chia sẻ việc nhà công bằng hơn nhiều).

Chính sách nhà nước cũng công nhận sự thiên lệch về giới này. Văn phòng Thống kê Mỹ xem người mẹ là “phụ huynh chỉ định”, ngay cả khi cha lẫn mẹ đều có mặt ở nhà. Khi người mẹ chăm sóc con cái nó được gọi là “nuôi con”, nhưng khi người cha chăm sóc con cái, chính phủ gọi đó là “sự sắp xếp chăm nuôi.” Chính sách tại Việt Nam cũng củng cố cách ứng xử rằng người mẹ là người chịu trách nhiệm chính chăm sóc con cái. Tôi thậm chí còn nghe nhiều anh chàng lên tiếng rằng họ phải về sớm để “trông em” đối với chính con mình. Trong khi đó, tôi chưa bao giờ nghe phụ nữ gọi việc chăm con là “trông em.” Tôi có một người bạn tổ chức các hoạt động xây dựng nhóm cho công ty trong đó đề nghị mọi người liệt kê thú tiêu khiển của họ. Một nửa số nam giới trong nhóm ghi “con cái” là thú tiêu khiển. Thú tiêu khiển ư? Đối với người mẹ con cái không phải là thú tiêu khiển. May ra đi tắm được xem là thú tiêu khiển.

Hai người bạn của tôi, Katie và Scott Mitic đã đảo lộn hình ảnh này. Katie và Scott đều là những doanh nhân làm việc chính thức tại Thung lũng Silicon. Khoảng một năm trước, Scott chuyển sang làm việc ở vùng phía Đông. Anh vừa mới bắt đầu cuộc họp buổi sáng thì điện thoại reo. Các đồng nghiệp chỉ nghe được cuộc trao đổi từ một phía. “Bánh mì Sandwich, cà rốt cắt thanh, táo cắt miếng, pretzel, và bánh quy,” Scott nói. Anh kết thúc cuộc điện thoại, mỉm cười giải thích rằng vợ anh hỏi phải chuẩn bị bữa trưa cho mấy đứa con như thế nào. Ai cũng cười. Vài tháng sau, Scott lại quay lại vùng phía đông để làm việc với cùng nhóm đồng nghiệp trên. Họ đang ngồi trên taxi vào buổi sáng thì điện thoại Scott reo. Nhóm đồng nghiệp thật không thể tin được khi nghe anh kiên nhẫn lặp lại danh sách những thứ phải chuẩn bị cho bữa trưa của bọn trẻ: “Bánh mì sandwich, cà rốt cắt thanh, táo cắt miếng, pretzel, và bánh quy.”

Câu chuyện của Scott khi anh kể ra vừa dễ thương vừa buồn cười. Nhưng cũng câu chuyện này mà đổi ngôi thì chẳng có gì lạ. Thực tế là thế đối với nhiều cặp vợ chồng. Scott và Katie làm đảo lộn kỳ vọng về sự phân chia công việc trong gia đình. Câu chuyện này cũng có thêm phần phụ lục. Scott đi công tác lần thứ ba và phát hiện Katie quên hẳn việc phải chuẩn bị bữa trưa cho bọn trẻ. Cô chợt nhớ ra lỗi lầm của mình vào khoảng giữa buổi sáng và chữa cháy bằng cách gọi người ta giao pizza đến căng tin trường. Bọn trẻ hết sức hào hứng, ngược lại với cha của chúng. Giờ đây khi nào phải đi công tác, anh sẽ chuẩn bị sẵn túi đựng đồ ăn trưa và ghi dặn dò chi tiết để lại cho vợ.

Xét từ khía cạnh tiến hóa, cũng hợp lý khi trong hai người có một người hiểu rõ hơn phải bỏ gì trong túi đồ ăn trưa. Phụ nữ cho con bú có thể nói chính là bữa trưa đầu tiên của trẻ. Nhưng ngay cả khi bậc làm mẹ được trời sinh cho tính chăm sóc, người cha cũng làm tốt không kém nếu có kiến thức và nỗ lực. Nếu phụ nữ muốn thành công hơn nữa trong nghề nghiệp và nam giới muốn hạnh phúc hơn trong gia đình, người ta thường đặt câu hỏi về lối suy nghĩ này. Như Gloria Stenem từng nhận xét, “Vấn đề không phải ở khía cạnh sinh học, đó là vấn đề nhận thức.”

Chúng ta sử dụng nhận thức để giải quyết yếu tố sinh học trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, tích trữ mỡ là cần thiết để sinh tồn khi thực phẩm khan hiếm, vì thế chúng ta thèm ăn và sẵn sàng ăn khi có thức ăn. Nhưng thời nay thứ gì cũng ê hề, chúng ta không còn cần phải dự trữ năng lượng, nên thay vì buông xuôi chấp nhận theo đòi hỏi của cơ thể, chúng ta tập thể dục và hạn chế lượng calorie đưa vào. Chúng ta sử dụng ý chí để vượt qua bản năng, hay ít nhất cũng là cố gắng vượt qua. Vì thế nếu chuyện “mẹ cái gì cũng biết” bắt nguồn từ khía cạnh sinh học, nó cũng không hẳn là không có ngoại lệ. Chỉ cần một bà mẹ có ý chí và một ông bố có ý chí. Đúng, phải có người nhớ chuẩn bị bữa trưa, nhưng như trong trường hợp của Katie, người đó không nhất thiết phải là mẹ.

Phụ nữ phải được trao quyền trong công việc, và tương tự nam giới cũng phải được trao quyền trong nhà. Tôi nhận thấy nhiều phụ nữ không muốn đức ông chồng nhúng tay vào việc nhà và tỏ ra rất gay gắt hay chỉ trích. Các nhà khoa học xã hội gọi hiện tượng này là “bản năng giữ nhà của người mẹ,” một cách nói bóng bẩy hơn so với “Ôi giời ơi, làm thế mà cũng gọi là làm! Tránh xa một bên để người ta làm cho rồi.” Trong việc chăm sóc con cái, bậc làm cha phải học hỏi từ người mẹ. Do đó, người mẹ có quyền rất lớn trong việc khuyến khích hay ngăn cản sự tham gia chăm sóc của ông bố. Nếu người mẹ đóng vai trò người giữ cửa và không muốn chia sẻ bớt trách nhiệm, hay tệ hơn, chỉ trích những nỗ lực của người cha, anh chàng sẽ ngày ngày ít nhúng tay vào.

Khi một phụ nữ đã lập gia đình hỏi tôi lời khuyên làm thế nào cho ông chồng chia sẻ công việc chăm sóc con cái, tôi bảo cô ấy cứ để anh ta muốn mặc tã cho con thế nào cũng được. Nếu nửa đêm anh ta thức giấc để thay tã cho con mà không đợi vợ kêu, cô vợ nên cứ cười vui vẻ ngay cả khi anh ta mặc tã lên đầu đứa bé.

Dần dần rồi anh ta cũng rút ra được kinh nghiệm và làm tốt hơn. Nhưng nếu anh ta bị buộc phải làm đúng theo ý cô vợ, chẳng mấy chốc anh ta sẽ rút lui cho cô vợ tự làm.

Người nào muốn có bạn đời thật sự thì phải đối xử với người kia như một người bạn ngang hàng, một người đối tác ngang cơ. Và nếu đây chưa phải là lý do, thì nên nhớ một khảo sát cho thấy người vợ nào chọn thái độ càm ràm sẽ phải làm việc nhà nhiều hơn năm giờ mỗi tuần so với người vợ biết cách chia sẻ công việc.

Một hiện tượng khác cũng phổ biến và không có lợi là khi phụ nữ chỉ định hay phân chia công việc cho người bạn đời. Cô ấy đang giao bớt việc, đó cũng là một bước tiến lớn. Nhưng chia sẻ trách nhiệm phải thực sự là chia sẻ trách nhiệm. Mỗi người trong mối quan hệ này phải chịu trách nhiệm cho những công việc cụ thể và nếu không khéo anh ta có suy nghĩ mình đang làm giúp chứ không phải làm nhiệm vụ của mình.

Nhưng cũng như bất cứ lời khuyên nào, để cho người bạn đời chịu trách nhiệm và xắn tay làm theo cách của mình là một việc nói dễ làm hơn. Em trai tôi, David và cô vợ Amy cũng hiểu được sự căng thẳng này khi hai người làm cha mẹ lần đầu. “Có nhiều lúc tôi dỗ con dễ hơn,” Amy nói. “Thật bứt rứt khi thấy con mình khóc ngất mà ông chồng không có vú đang cố gắng hết sức một cách ngọng nghịu dỗ dành con. David rất kiên trì đề nghị thay vì giao con cho tôi khi em bé khóc, hãy để cho anh ấy dỗ con cho dù có phải mất nhiều thời gian hơn. Ban đầu rất khó, nhưng điều này thật có lợi về sau khi con gái tôi hiểu rằng Cha cũng chăm con giỏi không kém gì Mẹ.”

Tôi thật sự tin rằng quyết định sự nghiệp quan trọng nhất của phụ nữ là có nên tìm người bạn đời không, và người đó là ai. Tôi chưa từng gặp một phụ nữ trong vị trí lãnh đạo mà lại không được người bạn đời hoàn toàn – tôi nhấn mạnh là hoàn toàn – ủng hộ sự nghiệp của vợ. Không có ngoại lệ. Và ngược lại với suy nghĩ thường gặp rằng chỉ có phụ nữ độc thân mới leo lên được chức vụ cao, đa số những phụ nữ thành đạt trong kinh doanh đều có gia đình. Trong số 28 phụ nữ đã từng giữ chức CEO tại công ty trong danh sách Fortune 500, 26 người đã lập gia đình, một người đã ly dị, và chỉ có một người chưa từng kết hôn. Nhiều người trong số này đã nói họ “không thể thành công nếu không được sự hỗ trợ từ người chồng trong việc chăm sóc con cái, chia sẻ công việc nhà, và sẵn sàng dọn nhà theo vợ.”

Cũng không có gì ngạc nhiên, khi ngược lại, thiếu sự hỗ trợ từ bạn đời có thể tác động xấu đến nghề nghiệp. Một khảo sát năm 2007 với những phụ nữ có chuyên môn đã rời bỏ nghề nghiệp, 60% cho rằng chính đức ông chồng là yếu tố chủ chốt trong quyết định của họ. Những phụ nữ này liệt kê cụ thể lý do họ nghỉ việc là do các ông chồng không giúp họ chăm sóc con cái và thu vén các công việc nội trợ khác cũng như việc họ cho rằng người vợ phải là người hy sinh công việc. Vậy nên cũng không ngạc nhiên khi tại một hội thảo, một câu hỏi đặt ra là nam giới có thể làm gì để giúp phụ nữ tiến lên đến vị trí lãnh đạo, giáo sư Rosabeth Moss Kanter tại trường Kinh doanh Harvard đã trả lời, “Giặt ủi.” Những công việc như giặt ủi, đi chợ, dọn dẹp, nấu ăn, nhàm chán nhưng lại không thể trốn tránh. Đa phần, đây là việc của phụ nữ.

Tháng 1/2012, tôi nhận được một bức thư từ Ruth Chang, một bác sĩ có hai con nhỏ đã được nghe bài diễn thuyết của tôi tại TEDTalk, Cô được mời vào một công việc mới, quản lý 75 bác sĩ tại mảng trung tâm y tế. Suy nghĩ đầu tiên của cô là từ chối vì lo rằng cô không thể đảm nhiệm trọng trách lớn hơn trong khi vẫn phải chăm sóc gia đình. Nhưng sau đó cô suy nghĩ lại, và lúc đó, bác sĩ Chang kể với tôi, “Tôi nghe giọng cô lên tiếng, “Ngồi vào bàn” và tôi biết mình phải thừa nhận lời đề nghị này. Thế là tối hôm đó, tôi nói với chồng mình rằng tôi sẽ nhận công việc mới…và bàn giao cho anh danh sách đi mua sắm ở siêu thị.” Chia sẻ gánh nặng những việc không tên có thể tạo nên khác biệt lớn.

Sự nghiệp và hôn nhân của tôi đan xen vào nhau rất chặt chẽ. Trong năm đầu tiên Dave và tôi làm cha mẹ, chúng tôi nhận thấy rõ việc cân bằng giữa hai công việc, hai thành phố không phải là công thức để xây dựng gia đình hạnh phúc. Chúng tôi cần phải thay đổi. Nhưng thay đổi cái gì? Tôi yêu công việc của mình tại Google và Dave cũng rất gắn kết với nhóm của mình tại L.A. Chúng tôi tiếp tục vật lộn đi làm xa nhà thêm một năm nữa. Lúc này, Dave đã sẵn sàng từ bỏ Yahoo. Anh chỉ tập trung kiếm việc trong khu vực San Francisco, một hy sinh rất lớn, vì những gì anh quan tâm cũng như mối quan hệ của anh đều nằm ở L.A. Cuối cùng anh trở thành CEO cho Survey Monkey và chuyển trụ sở công ty từ Portland đến vùng Bay Area.

Mặc dù cùng làm việc trong một thành phố, chúng tôi vẫn mất thời gian thu xếp phối hợp lịch làm việc của hai người. Dave và tôi thật sự may mắn và có đủ khả năng chi trả cho dịch vụ giữ trẻ, chúng tôi vẫn phải đối mặt với những quyết định khó khăn và đau đớn khi phảy hy sinh thời gian cho công việc và phân chia người chịu trách nhiệm trám vào chỗ trống. Chúng tôi ngồi lại với nhau vào mỗi đầu tuần để chia việc xem ai là người đưa con đi học mỗi ngày. Cả hai chúng tôi đều cố gắng về nhà ăn tối càng thường xuyên càng tốt. (Bữa ăn tối là lúc chúng tôi ngồi lại để chia sẻ với nhau những việc tốt xấu diễn ra trong ngày; tôi không muốn là người sáo rỗng, nhưng tôi phải nói rằng tôi luôn cố gắng có mặt ở nhà vào bữa tối.) Nếu một trong hai người có lịch làm việc phải đi xa, người kia phải luôn thu xếp để ở nhà. Vào cuối tuần, tôi cố gắng dành hết cho con cái (mặc dù tôi cũng len lén gửi email từ phòng tắm của sân tập đá banh gần nhà).

Cũng như mọi cuộc hôn nhân khác, chúng tôi phải liên tục đầu tư cho nó. Dave và tôi cũng có nhiều lúc không suôn sẻ trên con đường đạt đến phân chia 50-50. Sau rất nhiều nỗ lực cũng như tranh luận, chúng tôi là bạn đời không chỉ trong những việc chúng tôi làm, mà còn là bạn đời trong trách nhiệm. Mỗi người trong chúng tôi đều cố gắng làm trọn vẹn những gì cần làm. Sự phân chia những việc không tên trong nhà của chúng tôi cũng không phải mới lạ gì. Dave trả tiền các hóa đơn, thu chi tài chính, hỗ trợ kỹ thuật. Tôi lên lịch các hoạt động các bọn trẻ, đảm bảo tủ lạnh luôn có đủ thức ăn, thu xếp các bữa tiệc sinh nhât. Đôi khi tôi cũng thấy quan ngại trước sự phân chia truyền thống này. Liệu tôi có đang làm sống mãi những định kiến khi tôi cũng tuân theo quy luật? Nhưng thật sự tôi thà làm người lập kế hoạch cho buổi tiệc sinh nhật hơn là trả tiền bảo hiểm, trong khi Dave lại hoàn toàn ngược lại, và sự phân chia này thật phù hợp với chúng tôi. Sự cân bằng mỏng manh này phải liên tục được duy trì bằng giao tiếp, chân thành, và tha thứ. Chúng tôi không bao giờ đạt được tỉ lệ 50-50- công bằng đến hoàn hảo là một trạng thái khó định nghĩa mà nếu có cũng khó duy trì – và chúng tôi cho phép con lắc dao động qua lại một chút giữa hai bên.: : Trong những năm sắp tới, sự cân bằng này sẽ ngày càng khó. Các con tôi còn nhỏ và đi ngủ sớm, nên tôi có thời gian buổi tối để làm việc hay đôi khi xem những chương trình TV mà Dave gọi là vô bổ. Khi bọn trẻ lớn lên, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh. Nhiều bạn bè bảo với tôi rằng trẻ trong độ tuổi thiếu niên đòi hỏi niều thời gian hơn từ cha mẹ. Mỗi gian đoạn đều có những thách thức riêng. Tôi may mắn có Dave cùng đi tìm câu trả lời. Anh là người bạn đời tuyệt vời hơn cả tưởng tượng – mặc dù anh không hẳn đúng khi bảo chương trình TV tôi xem là vô bổ.

Tìm được người bạn đời tuyệt vời như Dave là trường hợp rất hiếm. Mặc dù chúng ta kỳ vọng phụ nữ phải chăm chút gia đình, chúng ta không đặt kỳ vọng này đối với nam giới. Em trai tôi, David, từng kể với tôi về một đồng nghiệp hay khoe khoang về những buổi chiều chơi đá banh khi cậu ấy mới có con. Phải khen cho David, thay vì gật gật và cười cười, anh lên tiếng rằng anh không nghĩ việc này có gì hay và thú vị. Quan điểm này phải được nói lên thẳng thừng và lặp lại liên tục trên sân cỏ, trong văn phòng, và trong gia đình.

Cậu em trai tôi may mắn có được một tấm gương sáng là cha tôi, một người cha rất quan tâm đến con cái. Không khác gì nam giới thời đó, cha tôi không làm nhiều việc nhà, nhưng cũng khác với nam giới thời đó, ông không ngại thay tã hay tắm rửa cho con. Ông luôn có mặt ở nhà để ăn tối, do công việc bác sĩ nhãn khoa không đòi hỏi phải đi công tác và cũng chỉ hiếm khi gặp trường hợp khẩn cấp. Ông là huấn luyện viên cho đội thể thao của em trai và em gái tôi (và hẳn ông cũng rất muốn làm huấn luyện viên cho đội của tôi nếu như mà tôi có chút xíu năng khiếu nào trong lĩnh vực này). Ông thường xuyên giúp tôi làm bài tập về nhà và là cổ động viên nhiệt tình nhất khi tôi tham gia các cuộc thi hùng biện.

Nghiên cứu trên khắp thế giới đã kết luận rằng trẻ em phát triển tốt hơn khi gần gũi cha mẹ. Nghiên cứu trong hơn bốn mươi năm qua liên tục nhận thấy khi so sánh với trẻ em không gần gũi cha, trẻ có cha quan tâm và thương yêu phát triển tốt hơn về tâm lý và khả năng nhận thức. Ngay cả khi người cha chỉ làm những việc căn bản trong chăm nuôi trẻ, trẻ cũng đạt trình độ học vấn và kinh tế cao hơn, tỉ lệ vi phạm luật lệ cũng thấp hơn. Những trẻ em này cũng phát triển cảm xúc tốt hơn và giao tiếp xã hội tốt hơn. Những kết quả này đúng với trẻ em từ các thành phần kinh tế khác nhau, và không xét đến vai trò của người mẹ.

Chúng ta cần phải khuyến khích nam giới đóng vai trò lớn hơn trong gia đình. Đáng tiếc là tại Mỹ, vai trò giới tính truyền thống không chỉ được củng cố ở cấp độ cá nhân, mà còn thể hiện trên các chính sách tuyển dụng. Tôi tự hào rằng ngay cả trước khi tôi gia nhập, Facebook đã có chính sách nghỉ phép thai sản cho cả người mẹ lẫn cha. Nhưng đa số các công ty Mỹ đều dành nhiều thời gian nghỉ hơn cho phụ nữ so với nam giới trong trường hợp thai sản, và nam giới cũng ít khi xin nghỉ phép dài hạn vì lý do gia đình. Tại Mỹ, chỉ có năm tiểu bang hỗ trợ bảo hiểm xã hội khi phải ở nhà chăm nuôi trẻ sơ sinh. Trong số này có ba tiểu bang chỉ hỗ trợ cho người mẹ và được xem như trợ cấp thai sản. Chỉ có hai tiểu bang trợ cấp nghỉ việc vì lý do gia đình cho cả người cha. Nhìn chung, người cha không nghỉ nhiều để lo cho con mới sinh; một khảo sát các ông bố đang đi làm cho thấy đa số chỉ xin nghỉ ít hơn một tuần khi người vợ hạ sinh, không thể nào dựa vào đây làm cơ sở xây dựng kế hoạch chia sẻ công việc một cách công bằng. Mặc dù đa số các nước EU đều có quy định nghỉ phép được hưởng lương cho cả người cha lẫn mẹ, đa số dành thời gian nghỉ phép nhiều hơn cho người mẹ. Đa số các nước đều có chế độ nghỉ phép hưởng lương cho cả cha lẫn mẹ, trong đó đa số người mẹ được hưởng nhiều ngày phép hơn người cha. Tại Việt Nam, người mẹ được hưởng 6 tháng nghỉ hộ sản, trong khi người cha không được luật pháp quy định ngày phép nào.

Khi các chương trình trợ cấp hỗ trợ cả cha lẫn mẹ hay cho phép họ được làm việc ít giờ hơn, cả nam lẫn nữ đều lo ngại nếu họ áp dụng theo đúng quy định, họ sẽ bị đánh giá là không chăm lo cho công việc. Và họ lo ngại cũng đúng. Nhân viên nào hưởng đúng chế độ thường sẽ bị trừng phạt thông qua nhiều hình thức khác nhau như giảm lương, không được cân nhắc thăng chức, hay bị gạt ra để ngoài lề. Cả nam lẫn nữ đều phải trả giá nếu đặt gia đình lên trên, nhưng nam giới sẽ phải trả giá đắt hơn. Khi nhân viên nam xin nghỉ phép hay về sớm để lo cho con bị bệnh, họ sẽ phải đối mặt với hậu quẩ xấu như bị chọc ghẹo hay bị đánh giá thấp trong công việc và làm giảm cơ hội được tăng lương tăng chức.

Người cha nếu muốn nghỉ việc hẳn để dành toàn bộ thời gian cho con cái có thể phải đối mặt với áp lực xã hội tiêu cực. Hiện tại, người cha chỉ chiếm chưa đến 4% số phụ huynh dành toàn bộ thời gian cho gia đình tại Mỹ, và nhiều người cho biết họ cảm thấy rất trơ trọi. Bạn tôi, Peter Noone đã có vài năm ở nhà làm cha và nhận thấy mặc dù người ta tuyên bố họ hoàn toàn trân trọng chọn lựa của anh, anh cảm thấy không được chào đón ngay trong khu nhà của mình. Khi anh xuất hiện trong sân chơi của trẻ hay trong các lớp có tên gọi không mấy tế nhị “mẹ và con”, người ta nhìn anh một cách ngờ vực. Sự kết nối thân thiện dễ dàng giữa các bà mẹ không thể áp dụng trong trường hợp của anh. Rất nhiều lần, anh được nhắc nhở mình là ngoại lệ.

Các kỳ vọng giới vẫn thể hiện trong thực tế. Quan điểm cho rằng người mẹ lo cho gia đình nhiều hơn công việc đang làm hại phụ nữ vì nhà tuyển dụng cho rằng họ sẽ không thể hy sinh cho công việc, hướng ngược lại cũng đúng với nam giới, khi người ta kỳ vọng họ đặt sự nghiệp lên hàng đầu. Chúng ta đánh giá nam giới dựa trên sự thành công trong nghề nghiệp và gửi đến họ một thông điệp rõ ràng rằng chỉ cần thành công trong sự nghiệp thôi cũng đã đủ được trân trọng và được phép cảm thấy viên mãn. Quan điểm này khiến cho một anh chàng trưởng thành huênh hoang trên sân bóng đá rằng anh ta để cho cô vợ mới sinh và đứa con mới chào đời trong bệnh viện để đi đá bóng.

Vấn đề giới càng trầm trọng hơn khi thành công của người đàn ông không chỉ được đánh giá trên chính thành công đó, mà thường được đem so sánh với thành công của người vợ. Hình ảnh cặp vợ chồng hạnh phúc vẫn là người chồng thành công hơn người vợ trong sự nghiệp. Nếu hình ảnh ngược lại, nó bị xem là một rào cản trong hôn nhân. Người ta thường kéo tôi ra một bên để chia sẻ cảm thông. “Dave sao rồi? Anh ấy cảm thấy thế nào, với chuyện mà chị biết rồi đấy, (hạ giọng) thành công của chị?” Dave thậm chí còn tự tin hơn cả tôi, và xét trên thành công nghề nghiệp của riêng anh, những nhận xét kiểu này không thấm thấu vào người anh được. Nam giới sẽ ngày càng phải làm quen với hiện tượng này vị tại Mỹ hiện tại gần 30% người vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng, và kiểu gia đình có hai vợ chồng cùng đi làm là kiểu phổ biến nhất tại các nước OECD. Tại Nga, phụ nữ cũng giữ 50% vị trí chủ chốt trong gia đình. Những con số này ngày càng tăng, và tôi hy vọng những lời thì thầm kia sẽ chấm dứt.

Dave và tôi có thể cười cợt về khả năng cái tôi của anh thật mong manh, nhưng đối với nhiều phụ nữ khác, vấn đề này không phải chuyện đùa. Phụ nữ đã có quá đủ rào cản trong sự nghiệp. Nếu giờ đây họ còn phải lo ngại mình sẽ làm phiền lòng người chồng với thành công của mình, thì làm sao chúng ta có hy vọng được sống trong một thế giới bình đẳng?

Khi tìm bạn đời, lời khuyên của tôi dành cho phụ nữ là cứ làm quen với tất cả mọi loại người: những chàng trai có tiếng xấu, những chàng lạnh lùng, những chàng kiểu gia đình, những chàng điên rồ. Nhưng đừng cưới họ. Những thứ giúp họ gợi cảm không phải là yếu tố của một ông chồng tốt. Khi bạn muốn đặt nền tảng gia đình, hãy tìm một người thật sự là bạn đời ngang hàng. Một người muốn phụ nữ phải thông minh, nói lên suy nghĩ của mình và có tham vọng. Một người biết trân trọng sự công bằng và hy vọng, hay tốt hơn, muốn chia sẻ phần việc của mình trong nhà. Những người này vẫn tồn tại, và bạn hãy tin tôi, theo thời gian, chính những điều này mới là gợi cảm. (Nếu bạn không tin tôi, hãy đọc quyển sách tuyệt vời Porn for Women. Có hình một anh chàng đang lau nhà bếp và nói, “Tôi muốn làm mấy thứ này trước khi nàng đề nghị.” Một anh chàng khác thức dậy lúc nửa đêm, tự hỏi, “Phải em bé khóc không? Để anh qua xem.”)

Kristina Salen, lãnh đạo tập đoàn truyền thông và đầu tư Internet của Fidelity, kể với tôi rằng khi cô còn hẹn hò, cô muốn biết bạn trai mình có ủng hộ công việc của cô hay không, nên cô đã làm một phép thử. Cô cho anh chàng leo cây vào phút chót, nói rằng mình bận việc và quan sát phản ứng của anh chàng. Nếu anh chàng thông cảm và dời lại ngày khác cô sẽ tiếp tục hẹn hò. Khi Kristina muốn đưa mối quan hệ lên một mức cao hơn, cô lại thử một lần nữa. Khi cô đang làm việc cho các thị trường mới nổi vào cuối thập niên 1990, cô sẽ mời anh chàng đến thăm cô vào cuối tuần…tại Sao Paulo. Đây là một cách tuyệt vời để xem anh chàng có sẵn sàng thu xếp vì cô hay không. Những phép thử này cũng hiệu quả. Cô đã tìm được Bạch mã hoàng tử và họ đã sống hạnh phúc với nhau trong mười bốn năm. Daniel, chồng cô, không chỉ hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp của vợ, anh còn là người chăm sóc chính cho hai đứa con.

Ngay cả sau khi tìm được người xứng đáng, không phải lúc nào họ cũng xuất hiện một cách hoàn hảo. Tôi học được từ mẹ tôi phải cẩn thận khi định nghĩa vai trò của từng người khi mới bắt đầu mối quan hệ. Mặc dù mẹ tôi đảm trách đa phần công việc nhà, cha tôi luôn quét dọn sàn nhà sau bữa ăn tối. Mẹ tôi không cần phải thuyết phục ông làm việc này; đây là công việc của ông ngay từ ngày đầu tiên. Khi mới quen nhau, phụ nữ thường có khuynh hướng thể hiện khía cạnh “phụ nữ truyền thống” bằng cách xung phong nấu ăn và làm việc lặt vặt. Và thế là chúng ta quay lại năm 1955 lúc nào không hay. Nếu mối quan hệ bắt đầu một cách thiên lệch, thì sự lệch lạc này sẽ càng rõ hơn khi có con. Thay vào đó, ngay từ khi mới tạo mối quan hệ, hãy thiết lập sự phân chia lao động, giống như mẩu đối thoại của Nora Ephron trong bộ phim When Harry met Sally:

Harry: Khi cô chở ai đó đến sân bay, rõ ràng mối quan hệ đã bắt đầu. Đó là lý do vì sao tôi chưa bao giờ đưa ai đến sân bay lúc mới quen: Sally: Sao vậy?

Harry: Bởi vì sau này nếu không muốn quen nữa và không chở người ta đến sân bay nữa thì tôi không muốn có người nói với tôi, “Sao anh không bao giờ chở tôi đến sân bay nữa?”

Nếu bạn muốn có mối quan hệ 50 – 50. hãy thiết lập ngay từ đầu. Cách đây vài năm, Mark Zuckerberg và bạn gái, giờ đã là vợ, Priscilla Chan, đóng góp để cải thiện hệ thống giáo dục công tại Newark, New Jersey và cần có người điều hành quỹ này. Tôi giới thiệu với họ Jen Holleran, một người có kiến thức và kinh nghiệm về cải tổ trường học. Cô ấy cũng chăm cặp song sinh mới mười bốn tháng và phải giảm hai phần ba thời gian làm việc từ khi sinh con. Andy, chồng cô, là bác sĩ nhi khoa cũng có giúp chăm con khi nào anh ở nhà. Nhưng một khi Jen đã giảm bớt việc bên ngoài, cô trở thành người làm hết mọi việc nhà, từ việc lặt vặt, trả tiền hóa đơn, nấu nướng, lập kế hoạch này nọ. Khi Mark và Priscilla mời cô về làm, Jen không chắc mình muốn đảo lộn trật tự trong nhà nếu chấp nhận một công việc chính thức và những chuyến công tác thường xuyên. Tôi thuyết phục cô hãy xây dựng mối quan hệ theo đúng ý mình càng sớm càng tốt. Jen nhớ đến đề xuất của tôi, “nếu bạn muốn có mối quan hệ ngang hàng, bạn nên bắt đầu từ bây giờ.”

Jen và Andy cùng thảo luận về cơ hội này và quyết định cô sẽ nhận lời vì cô sẽ mang đến tác động lớn. Vậy ai sẽ phải lấp vào chỗ trống? Chính là Andy. Anh sắp xếp lại công việc để có thể có mặt ở nhà với các con vào buổi sáng và buổi tối, và nhiều hơn nếu Jen phải đi công tác. Anh cũng chịu trách nhiệm trả tiền hóa đơn và tranh thủ đi siêu thị mua sắm. Anh cũng phụ nấu ăn và dọn dẹp nhiều hơn, nắm rõ chi tiết kế hoạch, và vui vẻ đóng vài trò phụ huynh số một, cần gọi là có mặt, trong nửa tuần. Khoảng một năm rưỡi sau khi áp dụng mô hình mới này, Andy nói với tôi rằng anh rất thích thời gian được chơi với hai cậu con trai và vui với vai trò ngày càng lớn của mình trong cuộc đời của chúng. Jen yêu công việc và rất vui vì giờ đây cô và chồng có một cuộc hôn nhân bình đẳng hơn. “Thời gian của tôi cũng có giá trị không kém của anh ấy,” cô nói. “Nhờ vậy, chúng tôi thấy hạnh phúc hơn.”

Nghiên cứu cũng đồng thuận với quan sát của Jen rằng sự bình đẳng giữa hai người bạn đời sẽ dẫn đến mối quan hệ tốt đẹp hơn. Khi người chồng làm việc nhà nhiều hơn, người vợ ít cảm thấy trầm cảm hơn, sự mâu thuẫn trong hôn nhân giảm bớt, và sự hài lòng tăng lên. Khi phụ nữ tham gia vào công việc bên ngoài gia đình và đóng góp vào nghĩa vụ kiếm tiền, các cặp vợ chồng có nhiều khả năng sống chung lâu dài hơn. Thực tế, khả năng ly dị giảm đi một nửa khi người vợ kiếm được một nửa thu nhập và người chồng làm một nửa việc nhà. Đối với nam giới, tham gia chăm nuôi con sẽ giúp họ phát triển tính kiên nhẫn, thông cảm, linh hoạt, những tính chất rất có lợi cho mối quan hệ. Đối với phụ nữ, kiếm tiền giúp họ phát triển khả năng ra quyết định trong nhà, bảo vệ họ trong trường hợp ly dị, và cũng góp phần tạo sự an tâm trong những năm về sau, vì phụ nữ thường sống lâu hơn chồng. Ngoài ra, một điều mà nhiều cặp đôi rất trân trọng, là những cặp vợ chồng chia sẻ trách nhiệm gia đình có đời sống tình dục lành mạnh hơn. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng cách tốt nhất để nam giới lấy điểm với vợ có thể phải là rửa chén.

Tôi cũng cho rằng khi người mẹ phải từ bỏ công việc để ở nhà, thời gian trong ngày của họ phải được công nhận là công việc thực thụ – vì bản chất của nó là thế. Chăm nuôi con cái là một công việc căng thẳng và khó khăn nếu là một việc có lương. Thật không công bằng khi người mẹ phải thức khuya trong khi người cha sau giờ làm việc bên ngoài lại có cơ hội thư giãn. Khi người cha ở nhà, họ phải nhận lấy một nửa công việc chăm con vì việc nhà. Ngoài ra, người cha đi làm được tiếp xúc với người khác cả ngày, trong khi người mẹ ở nhà rất thèm được trò chuyện vào buổi tối. Tôi biết một phụ nữ đã từ bỏ công việc luật sư để ở nhà làm mẹ và luôn đòi hỏi chồng mình, một người viết kịch bản truyền hình, khi về nhà, phải luôn hỏi cô, “Hôm nay thế nào? trước khi được phép kể chuyện của mình.

Mối quan hệ bạn đời thực thụ trong gia đình không chỉ có lợi cho cặp vợ chồng, nó còn là nền tảng cho thế hệ sau. Công sở đã thay đổi rất nhiều so với gia đình cũng là nhờ chúng ta bước chân vào đó khi đã trưởng thành, và mỗi thế hệ được thừa hưởng một môi trường mới. Nhưng gia đình vẫn còn mang dấu ấn tuổi thơ rất nhiều. Thế hệ của tôi lớn lên chứng kiến các bà mẹ phải chăm sóc con cái và làm việc nhà trong khi người cha ra ngoài kiếm tiền. Chúng ta dễ dàng bị vướng vào trong lối suy nghĩ này. Cũng không ngạc nhiên khi người nam có mẹ đi làm khi họ còn nhỏ thường chịu làm việc nhà nhiều hơn. Chúng ta càng cắt đứt vòng ảnh hưởng càng sớm, chúng ta đạt được bình đẳng càng nhanh.

Một trong những lý do Dave thật sự là người bạn đời bình đẳng là nhờ anh lớn lên trong một gia đình có người cha là ngoại lệ. Thật buồn khi Mel, cha của Dave, đã qua đời trước khi tôi có dịp gặp ông, nhưng rõ ràng ông là một người đi trước thời đại. Mẹ của Mel cũng chung sức với chồng điều hành cửa hàng tiện dụng của gia đình, vì thế Mel chấp nhận phụ nữ là người ngang hàng, một điều không bình thường vào thời của ông. Khi còn độc thân, ông quan tâm đến các phong trào phụ nữ và đã đọc quyển The Feminine Mystique của Betty Friendan. Ông là người đã giới thiệu vợ mình (tức là mẹ của Dave) đến với phong trào này vào thập niên 1960. Ông khuyến khích Paula thành lập và lãnh đạo Pacer, một tổ chức phi lợi nhuận toàn quốc giúp trẻ em khuyết tật. Mel là một giáo sư luật và dạy học buổi tối. Vì ông muốn là gia đình phải có ít nhất một bữa cơm chung, ông quyết định duy trì bữa ăn sáng và tự tay chuẩn bị bữa sáng, không bao giờ thiếu món cam vắt tươi ngon.

Sự chia sẻ trách nhiệm bình đẳng giữa cha mẹ sẽ là hình mẫu cho thế hệ kế tiếp. Tôi đã từng nghe nhiều phụ nữ nói rằng họ ước gì chồng mình sẽ giúp nhiều hơn trong việc chăm sóc con cái, nhưng đằng nào cũng chỉ còn vài năm nữa thì con họ sẽ đi học, nên cũng không đáng đấu tranh thay đổi thế trận. Theo thiển ý của tôi, cuộc đấu tranh bao giờ cũng đáng để thay đổi một trạng thái không mong muốn. Tôi cũng lo lắng rằng những phụ nữ này sẽ đối mặt tình trạng tương tự khi họ phải chăm sóc cho cha mẹ về già. Phụ nữ không chỉ chăm sóc cho cha mẹ của mình, mà còn phải lo cho cả cha mẹ chồng. Đây là một gánh nặng cần được chia sẻ. Và con cái cần được chứng kiến sự chia sẻ này để tiếp tục trong thế hệ của chúng.

Năm 2012, Gloria Steinen thực hiện một cuộc phỏng vấn tại nhà với Oprah Winfrey. Gloria nhắc lại rằng tiến bộ cho phụ nữ trong gia đình đang đi chậm hơn so với trong văn phòng, và giải thích, “Giờ đây chúng ta biết rằng phụ nữ cũng có thể làm được những gì nam giới làm được, nhưng chúng ta lại không biết nam giới có làm được những gì phụ nữ làm được không.” Tôi tin rằng họ làm được và chúng ta nên cho họ cơ hội chứng tỏ mình.

Cuộc cách mạng này chỉ diễn ra trong từng nhà. Tin tốt lành là nam giới thuộc thế hệ trẻ sau này tỏ ra mong muốn được làm người bạn đời bình đẳng nhiều hơn so với những thế hệ trước. Một khảo sát đề nghị những người tham gia đánh giá tầm quan trọng của các tính chất công việc nhận thấy nam giới trong độ tuổi bốn mươi thường chọn “công việc thử thách đối với tôi” là yếu tố quan trọng, trong khi nam giới trong độ tuổi hai mươi và ba mươi thường chọn một công việc “có thời gian dành cho gia đình.” Nếu xu hướng này vẫn không đổi khi nhóm tuổi này già đi, đây có thể là dấu hiệu của một sự chuyển biến tích cực.

Những người đàn ông bản lĩnh, nhạy cảm, tuyệt vời ở mọi độ tuổi vẫn còn tồn tại ngoài kia. Khi phụ nữ ngày càng đánh giá cao sự tử tế và hỗ trợ từ bạn trai, nam giới sẽ còn thể hiện nó nhiều hơn. Kristina Salen, cô bạn đã làm phép thử để loại bớt các anh chàng đeo đuổi kể với tôi rằng con trai cô nhất quyết khi lớn lên sẽ chăm sóc con cái “giống như Cha.” Cô và chồng rất vui khi nghe con nói như vậy. Con trai cần có những tấm gương tương tự và có quyền chọn lựa tương tự. Phụ nữ ngày càng dấn thân trong công việc, thì nam giới cũng phải ngày càng dấn thân trong gia đìn. Chúng ta cần khuyết khích nam giới phải thể hiện tham vọng bản lĩnh ngay trong nhà.

Chúng ta cần có thêm nhiều nam giới ngồi vào bàn… mà là bàn ăn trong bếp.

 

Bình luận
2880
× sticky