Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dấn Thân

Chương 2: Ngồi Vào Bàn

Tác giả: Sheryl Sandberg

Cách đây vài năm, tôi chủ trì một cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner tại Facebook. Chúng tôi mời 15 nhà lãnh đạo các công ty tại Thung lũng Silicon đến ăn sáng và thảo luận về nền kinh tế. Bộ trưởng tài chính Geithner đến cùng với bốn nhân viên, hai người cấp cao và hai người cấp thấp hơn, và chúng tôi cùng ngồi trong căn phòng họp đẹp đẽ duy nhất ở đây. Sau những trao đổi xã giao, tôi mời những người tham gia tự lấy thức ăn tại quầy buffet và tìm chỗ ngồi. Khách của tôi, đa phần là nam giới, lấy đĩa chọn thức ăn và ngồi vào bàn hội nghị lớn. Nhóm của bộ trưởng Geithner, đều là phụ nữ, lấy thức ăn sau cùng và ngồi vào những chiếc ghế đặt hai bên tường. Tôi ra hiệu cho họ vào ngồi cùng bàn, dùng tay ngoắc họ vào để họ thấy thoải mái. Họ lưỡng lự và vẫn ngồi yên không đổi vị trí.

Bốn phụ nữ này hoàn toàn có quyền tham gia cuộc họp, nhưng do cách chọn vị trí ngồi, họ giống như người quan sát hơn là người tham dự. Tôi biết mình phải lên tiếng. Vì thế sau cuộc họp, tôi kéo họ ra một góc để trao đổi. Tôi chỉ cho họ thấy đáng lẽ họ phải ngồi và bàn mà không cần được mời, nhất là khi đã chính thức được mời, họ nên gia nhập. Ban đầu, họ có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau họ cũng đồng ý với tôi.

Đây là một giây phút mang tính bước ngoặt đối với tôi. Giây phút tôi chứng kiến rào cản bên trong có thể làm thay đổi hành vi của người phụ nữ. Giây phút tôi nhận ra bên cạnh những rào càn thể chế, phụ nữ còn phải chống chọi với bản thân.

Khi tôi đăng đàn diễn thuyết tại TED Talk về chủ đề phụ nữ cũng có thể thành công trong công việc, tôi kể lại câu chuyện này để minh họa việc phụ nữ tự cản trở bản thân, chấp nhận chọn làm người đứng ngoài quan sát. Và mặc dù tôi rất thất vọng khi chứng kiến phụ nữ đưa ra quyết định như vậy. tôi hoàn toàn thấu hiểu sự bất an đã kéo họ dạt ra ngoài rìa và giữ chặt họ trên những chiếc ghế bên tường.

Khi còn là sinh viên năm cuối, tôi được hướng dẫn gia nhập hội Phi Beta Kappa. Vào lúc đó, Harvard và Radcliffe có hội riêng, nên nghi lễ kết nạp của tôi chỉ dành riêng cho phụ nữ. Diễn giả chính, Tiến sĩ Peggy McIntosh đến từ Trung tâm Wellesley dành cho phụ nữ, đã nói chuyện về chủ đề “Mạo danh”. Bà giải thích rằng nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, cảm thấy mình không phải là mình khi được khen ngợi kết quả công việc. Thay vì cảm thấy xứng đáng, họ lại cảm thấy mình không xứng đáng và tội lỗi, như thể sự khen ngợi này là một sai lầm. Mặc dù là người thành đạt, thậm chí là chuyên gia trong ngành, phụ nữ vẫn không thể rũ bỏ cảm giác rằng chẳng chóng thì chầy người ta cũng sẽ khám phá ra con người thật của họ – người mạo danh với kỹ năng và năng lực hạn chế.

Tôi cho rằng đây là bài diễn văn hay nhất tôi từng nghe. Tôi ngồi chồm người về phía trước, gật đầu liên tục. Carrie Weber, cô bạn cùng phòng thông minh và chắc chắn không mạo danh, cũng thể hiện tương tự. Cuối cùng đã có người nói lên chính xác ý nghĩ của tôi. Mỗi lần tôi được gọi lên trước lớp, tôi luôn tin rằng mình sắp tự làm xấu hổ mình. Mỗi bài thi tôi lại tin chắc là kết quả sẽ rất tệ Và mỗi lần tôi không làm mình phải xấu hổ – hay thậm chí ngược lại là xuất sắc – tôi lại tin rằng tôi đã đánh lừa được mọi người thêm một lần nữa. Nhưng rồi sẽ có ngày, trò hề sẽ kết thúc.

Tại buổi tiệc chung sau lễ kết nạp – một buổi tiệc dành cho người lập dị, nên tôi hòa nhập dễ dàng – tôi kể với một người bạn nam về bài diễn văn tuyệt vời của Tiến sĩ McIntosh, giải thích về cảm giác chúng ta đều cảm thấy giả tạo. Anh chàng nhìn tôi, vẻ bối rối, và hỏi,”Thế thì có gì thú vị đâu?” Carrie và tôi sau này nói đùa với nhau rằng bài diễn văn của hội nam có thể là “Làm thế nào để sống sót trong một thế giới mà không phải ai cũng thông minh như bạn.”

Hiện tượng tự nghi hoặc khả năng của mình thậm chí còn có tên riêng – hội chứng mạo danh (imposter syndrome). Cả hai giới nam và nữ đều có thể mắc phải hội chứng mạo danh, nhưng phụ nữ thường bị nặng hơn và tạo ra giới hạn cho mình. Ngay cả nhà văn kiêm diễn viên Tina Fey rất thành công cũng thừa nhận cảm giác này. Cô từng giải thích với một tờ báo của Anh, “Cái hay của hội chứng mạo danh này là bạn dao động giữa một cực là ích kỷ thái quá và cực kia là cảm giác. “Tôi là kẻ mạo danh! Chúa ơi, họ đã tìm ra tôi! Tôi là kẻ mạo danh!” Thế nên bạn phải cố gắng tận hưởng giai đoạn cưc kỳ ích kỷ và tìm cách trôi tuột qua giai đoạn mạo danh. Thành thật mà nói, tôi nhận thấy hầu hết mọi người ai cũng làl kẻ mạo danh, nên tôi cũng không vì thế mà cảm thấy tồi tệ.”

Đối với phụ nữ, cảm thấy mình là người mạo danh chỉ là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn. Chúng ta liên tục tự đánh giá thấp bản thân. Nhiều nghiên cứu trong nhiều ngành khác nhau cho thấy phụ nữ thường đánh giá kết quả của mình thấp hơn bản chất thực tế, trong khi nam giới lại đánh giá cao hơn. Đánh giá của sinh viên thực tập giải phẫu cho thấy khi được yêu cầu tự đánh giá bản thân, các sinh viên nữ thường cho điểm thấp hơn các sinh viên nam mặc dù đánh giá từ người hướng dẫn cho thấy sinh viên nữ làm tốt hơn sinh viên nam. Một khảo sát vời hàng ngàn ứng viên tiềm năng trong hoạt động chính trị cho thấy mặc dù có thành tích như nhau, các ứng viên nam thường tự tin hơn đến 60% cho rằng họ “hoàn toàn đủ năng lực” để ứng cử vào chức vụ chính trị. Một nghiên cứu gần một ngàn sinh viên luật tại Harvard nhận thấy trong hầu hết các nhóm kỹ năng cần thiết để thực hành nghề luật, phụ nữ cho điểm họ thấp hơn nam. Tệ hơn, khi phụ nữ tự đánh giá trước mặt người khác hay trong những lĩnh vực thuộc nam giới, sự hạ thấp của họ lại càng thể hiện rõ.

Bạn yêu cầu một người nam giải thích về thành công của mình, anh chàng sẽ quy về phẩm chất và kỹ năng của cá nhân. Yêu cầu một người nữ với cùng câu hỏi, và cô nàng sẽ gán cho thành công là nhờ vào các yếu tố bên ngoài, khăng khăng cho rằng mình làm tốt là nhờ “làm việc cật lực”, hay “ăn may”, hay”được nhiều người giúp đỡ.” Nam giới và phụ nữ cũng khác nhau khi phải giải thích thất bại. Khi người nam thất bại, anh chàng chỉ ngay vào những yếu tố như “không học hết mình” hay “không quan tâm đến vấn đề”. Khi phụ nữ thất bại, cô nàng thường tin rằng do bản thân mình thiếu năng lực. Và trong trường hợp một người nam và người nữ cũng nhận được phản hồi tiêu cực, thái độ tự tin và tự trọng của người nữ sẽ giảm sút với mực độ đáng kể hơn. Việc tiếp thu thất bại và nuôi dưỡng sự bất ổn làm tổn hại đến kết quả trong tương lại, vì thế lối suy nghĩ này dễn đến những hệ quả nghiêm trọng về sau.

Và không chỉ phụ nữ mới tự dằn vặt mình. Đồng nghiệp và giới truyền thông cũng rất nhanh chóng gán cho thành công của phụ nữ là nhờ vào các yếu tố bên ngoài. Khi Facebook nộp đơn bán cổ phần lần đầu, tờ The New York Times cho đăng một bài báo nhẹ nhàng nhắc nhở tôi – và mọi người – rằng tôi “may mắn” và “được sự trợ giúp của nhiều người đỡ đầu uy tín,” Nhiều nhà báo và trang blog lên tiếng phản đối tiêu chuẩn nước đôi này, chỉ ra rằng tờ báo này hiếm khi gán yếu tố may mắn cho thành công của nam giới. Nhưng tờ Times không hề nói lên điều gì mà tôi chưa từng tự nhủ bản thân hàng ngàn lần. Trong mọi giai đoạn sự nghiệp, tôi đều gán thành công của mình nhờ vào may mắn, chăm chỉ, và được sự giúp đỡ của người khác.

Mối bất an của tôi, cũng như đa phần những bất an khác, bắt đầu từ trung hoc. Tôi theo học một trường công khá lớn tại Miami – bạn cứ tưởng tượng như trong phim Fast times at Ridgemont High – chỉ quan tâm đến ngăn chặn đánh nhau ngoài hành lang và không cho ma túy tuồn vào nhà vệ sinh nữ là kiến thức. Khi tôi được nhận vào Harvard, nhiều bạn học cấp ba hỏi tôi tại sao tôi luôn theo học ở một trường toàn những người lập dị. Sau đó họ chợt im bặt, nhớ lại người đối diện của họ là ai, và lặng lẽ bước đi mà không chờ câu trả lời, biết rằng tự họ đã có câu trả lời.

Năm đầu tiên đại học là cả một cú sốc lớn đối với tôi. Học kỳ đầu tiên, tôi chọn một môn học gọi là “Khái niệm Anh hùng trong nền văn minh Hy Lạp”, được sinh viên gọi tếu thành Anh hùng cho Anh hùng rơm. Tôi không có thiết tha cháy bỏng tìm hiểu thần thoại Hy lạp nhưng môn này là môn dễ nhất để thỏa mãn điều kiện các môn văn chương. Vị giáo sư bắt đầu bài giảng đầu tiên với câu hỏi anh chị nào đã đọc qua các quyển sách này. Tôi thì thào với người bạn ngồi bên cạnh, “Sách gì vậy?” “Iliad và Odyssey, chứ còn gì nữa,” cô bạn trả lời. Hầu hết các cánh tay đều giơ lên. Trừ tay tôi. Vị giáo sư lại hỏi tiếp,”Ai đã đọc nguyên tác?””Nguyên tác gì?” Tôi hỏi cô bạn. “Tiếng hy lạp cổ,” cô trả lời. Khoảng hơn một phần ba lớp giơ tay. Có vẻ như đã rõ tôi chính là một trong những anh hùng rơm.

Vài tuần sau, vị giáo sư môn triết học chính trị yêu cầu chúng tôi làm một bài luận dài năm trang. Tôi hoảng hốt. Năm trang! Tôi đã từng viết một bài luận dài năm trang khi còn học phổ thông, nhưng đó là một dự án kéo dài cả năm. Làm sao có thể viết năm trang chỉ trong một tuần? Tôi thức suốt nhiều đêm, hì hục làm bài, và nếu chỉ tính dựa trên công sức bỏ ra, tôi ít nhất cũng phải được điểm A cho nỗ lực. Tôi nhận được điểm C. Tại Harvard gần như không thể nào đạt điểm C nếu bạn có nộp bài. tôi không nói quá đâu – điểm C chẳng khác gì điểm liệt. Tôi tìm gặp tổng giám thị khu học trọ, cũng là người làm việc tại văn phòng nhập học. Bà cho biết tôi được nhận vào Harvard nhờ tính cách, chứ không phải nhờ năng lực học tập. Thật an ủi.

Tôi quyết tâm, học tập chăm chỉ hơn, và đến cuối học kỳ, tôi đã học được cách viết bài luận dài năm trang. Nhưng cho dù tôi có đạt điểm cao thế nào, tôi vẫn luôn cảm thấy sẽ có lúc bị phát hiện là tôi không biết cái gì cả. Phải đến khi nghe được bài diễn văn tại buổi kết nạp Phi Beta Kappa thì tôi mới thật sự hiểu: vấn đề thực sự không phải là tôi cảm thấy mình như người giả mạo, mà rằng một điều tôi cảm nhận sâu sắc đến thế lại hoàn toàn sai.

Tôi đáng lẽ phải hiểu được rằng tình trạng nghi ngờ bản thân này rất phổ biến trong giới nữ từ kinh nghiệm sống với em trai tôi. David nhỏ hơn tôi hai tuổi và là một trong những người tôi tôn trọng và thương yêu nhất thế giới. Ở nhà, chàng chia sẻ công việc chăm sóc con nhỏ với vợ mình một cách sòng phẳng 50 – 50; trong công việc, chàng là một bác sĩ thần kinh khoa nhi luôn phải đối mặt với những quyết định sống chết rất đau lòng. Mặc dù được nuôi dạy như nhau, David luôn là người tự tin hơn. Một lần, khi còn học trung học, cả hai chúng tôi đều bị xù hẹn tối thứ bảy từ buổi chiều. Suốt cả buổi chiều hôm đó tôi lầm bầm đi quanh nhà, tự hỏi tôi làm gì sai. David chỉ cười dẹp qua lời từ chối và tuyên bố ,”Cô bé ấy đã bỏ qua một cơ hội tuyệt vời,” rồi đi chơi bóng rổ với bạn. Cũng may, tôi còn một cô em gái, thông minh và nhạy cảm trước tuổi để an ủi tôi.

Vài năm sau, David học chung đại học với tôi. Tôi là sinh viên năm tư thì anh chàng còn ở năm hai, chúng tôi cùng đăng ký học lớp lịch sử văn minh Châu Âu. Cô bạn Carrie cùng phòng cũng học lớp này, và giúp tôi rất nhiều vì cô học chuyên ngành văn chương so sánh. Carrie đi học đầy đủ và đọc hết mươi quyển sách theo yêu cầu khóa học – bằng nguyên tác (lúc này thì tôi đã biết nguyên tác là gì). Tôi đi học tương đối đầy đủ và đọc hết các sách – bằng tiếng Anh. David đi học được hai buổi, đọc được một quyển sách và xăm xăm lên phòng chúng tôi để được kèm cặp cho kỳ thi cuối khóa. Chúng tôi cùng đi thi, cặm cụi viết suốt ba giờ đồng hồ trong những quyển sổ màu xanh. Khi bước ra khỏi phòng thi, chúng tôi hỏi nhau xem có làm bài được không. Tôi rất bực mình. Tôi đã quên liên kết cái tôi của Freud với quan niệm ý chí của Schopenhauer. Carrier cũng lo lắng và thừa nhận cô đã không giải thích cặn kẽ sự phân biệt của Kant về cái cao cả và cái đẹp. Chúng tôi quay sang em trai tôi. Chàng ta làm bài thế nào? “Em được đầu sổ,” chàng ta nói. “Đầu sổ là sao?” chúng tôi hỏi. “Ừ,” chàng nói, “là điểm A đó.”

Chàng ta nói đúng. Chàng nhận được điểm A. Thực tế, tất cả chúng tôi đều được điểm A trong kỳ thi này. Em trai tôi không phải quá tự tin. Chỉ là Carrie và tôi đều không đủ tự tin.

Những kinh nghiệm này dạy tôi rằng tôi phải điều chỉnh không chỉ về kiến thức mà cả tinh thần. Theo thời gian tôi học được rằng không dễ gì loại bỏ ý nghĩ tự ti, nhưng tôi biết cách làm biến dạng nó. Tôi sẽ không bao giờ đạt được sự tự tin nhẹ nhàng như em trai mình, nhưng tôi có thể đối mặt với ý nghĩ rằng tôi lúc nào cũng thẳng tiến đến thất bại. Khi tôi cảm thấy mình không đủ khả năng làm một việc nào đó, tôi lại nhắc nhở bản thân rằng mình không hề thua kém trong bất cứ kỳ thi nào hồi đại học. Không một lần nào. Tôi học được cách ủi thẳng các biến dạng.

Chúng ta đều biết nhiều người cực kỳ tự tin mặc dù chẳng có gì để tự tin. Chúng ta cũng biết người ta có thể làm được hơn rất nhiều nếu họ tin vào bản thân. Cũng như nhiều thứ khác thiếu tự tin có thể biết lời tiên đoán thành hiện thực. Tôi không biết phải thuyết phục người khác như thế nào để họ tin rằng mình là người giỏi nhất trong công việc, hay thậm chí là thuyết phục bản thân tôi. Đến hôm nay, tôi vẫn nói đùa ước gì mỗi ngày tôi có vài giờ cảm thấy đầy tự tin như em trai mình. Cái cảm giác đó hẳn thật sung sướng, như thể mỗi ngày đều được con A to tướng.

Khi nào không cảm thấy đủ tự tin, tôi lại áp dụng một chiến thuật tôi đã học được và đôi khi cũng hữu ích là giả tạo. Tôi phát hiện công dụng của nó khi tôi làm huấn luyện viên aerobics trong thập niên 1980 (khi mà người ta vẫn mặc áo nịt màu bạc, mang legging, cột miếng băng đô sáng bóng, thật phù hợp với mái tóc xù của tôi). Chịu ảnh hưởng của Jane Fonda, aerobics cũng có nghĩa là phải cười liên tục trong suốt một giờ. Có nhiều ngày, nụ cười đến một cách tự nhiên. Có nhiều ngày, tôi cảm thấy hết sức chán nản và phải giả tạo. Nhưng sau suốt một giờ phải cười gượng gạo, tôi thường cảm thấy vui hơn.

Nhiều người trong chúng ta cũng đã từng trải qua tình cảnh nổi giận với ai đó nhưng vẫn cứ phải giả tạo mọi thứ đều bình thường trước mặt mọi người. Chồng tôi, Dave, và tôi cũng có nhiều lúc cơm không lành, nhưng khi chúng tôi bắt đầu nổi máu tấn công nhau, thì đến lúc phải ghé thăm nhà bạn ăn tối. Chúng tôi phải mang bộ mặt với nụ cười “mọi thứ thật tuyệt vời,” và thật tuyệt, sau vài giờ, mọi thứ diễn ra đúng như thế.

Nghiên cứu cũng ủng hộ chiến lược “giả thành thiệt” này. Một nghiên cứu nhận thấy khi người ta thể hiện một tư thế quyền lực (ví dụ, chiếm đóng không gian bằng cách xoãi tay chân) chỉ sau hai phút, mức độ hormone trội (testosterone) tăng lên và tỉ lệ hormoe trầm cảm (cortisol) giảm xuống. Kết quả là, họ cảm thấy quyền lực hơn, muốn nắm quyền, và chấp nhận rủi ro cao hơn. Chỉ một chút thay đổi đơn giản trong tư thế đã dẫn đến thay đổi lớn về thái độ.

Tôi không có ý đề nghị mọi người chuyển từ trạng thái tự tin sang khoe khoang khoác lác. Những người như vậy không ai thích cả, dù nam hay nữ. Nhưng cảm thấy tự tin – hay giả vờ cảm thấy tự tin – là cần thiết để tiếp cận cơ hội. Nói ra thì sáo rỗng, nhưng cơ hội không được dâng tặng, người ta phải giành giật lấy nó. Trong suốt sáu năm rưỡi làm việc tại Google, tôi đã tuyển dụng hơn bốn ngàn nhân viên. Tôi không biết rõ từng người một, tôi chỉ nắm rõ khoảng một trăm người đứng đầu. Điều tôi nhận thấy là đa phần, nam giới nắm bắt cơ hội nhanh nhạy hơn phụ nữ. Khi chúng tôi thông báo khai trương văn phòng mới hay khởi động dự án mới, cánh đàn ông nhảy vào đập cửa để giải thích với tôi tại sao họ xứng đáng quản lý dự án này. Nam giới cũng thường theo đuổi cơ hội ngay cả khi nó chưa được công bố. Họ thiếu kiên nhẫn đối với sự phát triển của mình và tin rằng họ có năng lực làm được nhiều hơn. Và họ thường đúng – cũng như em trai tôi. Phụ nữ, ngược lại, rất cẩn trọng khi phải thay đổi vị trí hay tìm đến những thử thách mới. Tôi thấy mình thường phải thuyết phục họ nhận nhiệm vụ trong những lĩnh vực mới. Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp trò chuyện với phụ nữ và nhận được câu trả lời là, “Tôi không chắc mình làm tốt việc đó.” Hay là, “Nghe hay quá, nhưng trước giờ tôi chưa bao giờ làm việc gì tương tự.” Hay là, “Tôi còn rất nhiều điều phải học trong công việc hiện tại.” Tôi hiếm khi hay gần như không bao giờ, nghe những câu này từ miệng nam giới.

Thế giới đang chuyển động rất nhanh, nên việc nắm bắt cơ hội lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà quản lý không có nhiều thời gian để xem xét tất cả hồ sơ xin việc, lại càng không có thời gian để thuyết phục những người kín đáo nộp đơn. Và càng ngày càng không xuất hiện một cách rõ rệt, mà thay vào đó, nó chỉ đến khi người ta bắt tay vào làm một điều gì đó. Và rồi điều gì đó này trở thành công việc chính của họ.

Khi mới gia nhập Facebook, tôi và cả nhóm tìm câu trả lời cho câu hỏi quan trọng là làm thế nào để phát triển kinh doanh tốt nhất. Cuộc tranh luận ngày càng căn thẳng, ai cũng hăng hái bảo vệ quan điểm của mình. Chúng tôi kết thúc một tuần làm việc mà không tìm ra được tiếng nói chung. Dan Rose, trưởng nhóm thương lượng của chúng tôi, dành hai ngày cuối tuần thu thập số liệu thị trường để giúp chúng tôi định hướng cuộc tranh luận theo hướng phân tích. Nỗ lực này đã phá vỡ thế bế tắc. Sau đó tôi mở rộng vùng trách nhiệm của Dan bao gồm cả phần tiếp thị sản phẩm. Sự chủ động của anh đã được đền bù. Thật khó hình dung một người làm lãnh đạo nếu người đó chỉ ngồi im ặng chờ nhận lệnh.

Padmasree Warrior, giám đốc kỹ thuật của Cisco, từng được hỏi trên trang The Huffington Post là, “Bài học quan trọng nhất mà ông đã rút ra được từ một sai lầm trong quá khứ?” và ông trả lời, “Tôi nói không với rất nhiều cơ hội khi tôi mới bắt đầu đi làm vì tôi nghĩ, ‘Cái này không liên quan đến bằng cấp của mình’ hay ‘Mình chả biết gì về lĩnh vực này.’ Giờ đây nghĩ lại, ở một mức độ nào đó, khả năng học tập nhanh chóng để đóng góp nhanh chóng là yếu tố then chốt. Một điều mà tôi thường nói với mọi người là không bao giờ có sự phù hợp tuyệt đối khi bạn tìm một cơ hội lớn. Bạn phải nắm bắt cơ hội và biến nó sao cho vừa với bạn, thay vì ngồi đợi theo hướng ngược lại. Khả năng học tập là khả năng quan trọng nhất của người lãnh đạo.”

Virginia Rometty, Tổng giám đốc nữ đầu tiên của IBM, đã phát biểu trước cử tọa tại Hội nghị thượng đỉnh Người phụ nữ Quyền lực của tạp chí Fortune năm 2011 rằng khi mới khởi nghiệp, bà đã từng được đề nghị làm “một việc lớn.” Bà lo ngại mình không có kinh nghiệm phù hợp và nói với người tuyển dụng rằng bà cần phải suy nghĩ. Đêm đó, khi trao đổi với chồng mình về cơ hội này, ông đã hỏi bà, “Em nghĩ đàn ông có bao giờ trả lời câu hỏi này theo hướng đó không?”

“Điều này đã dạy cho tôi biết phải thật sự tự tin,” Ginni nói. “Ngay cả khi bên trong bạn đang tự hỏi bạn biết gì và không biết gì. Và nhờ thế, theo tôi, sẽ giúp bạn chấp nhận rủi ro.”

Tôi tiếp tục lo ngại không chỉ vấn đề phụ nữ chúng ta không dám tự ứng củ, mà cả việc chúng ta không nhận ra vấn đề để mà điều chỉnh. Và trong “chúng ta” này có cả tôi. Cách đây vài năm, tôi có bài phát biểu về vấn đề giới trước hàng trăm nhân viên tại Facebook. Sau bài phát biểu, tôi trả lời câu hỏi trong khuôn khổ thời gian cho phép. Cuối buổi chiều, tôi quay lại bàn làm việc thì gặp một cô gái trẻ đang ngồi đợi gặp tôi. “Tôi học được một điều,” cô nói. “Điều gì?” Tôi hỏi, cảm thấy vui vì tôi cho rằng cô sẽ kể với tôi sự đồng cảm với những gì tôi phát biểu sáng nay. Nhưng không, cô nói, “Tôi học được việc phải kiên nhẫn giơ cao tay.” Cô giải thích rằng gần cuối cuộc trò chuyện, tôi có nói tôi chỉ trả lời được thêm hai câu hỏi. Tôi trả lời xong hai câu hỏi, nên cô và những phụ nữ khác không giơ tay hỏi thêm. Nhưng một số đồng nghiệp nam vẫn giơ tay. Và do tay vẫn giơ cao, nên tôi lại trả lời thêm vài câu hỏi nữa – toàn đến từ nhân viên nam. Lời nói của cô như hàng tấn gạch đổ xuống người tôi. Mặc dù tôi phát biểu về vấn đề giới, tôi lại hoàn toàn mù quáng trước vấn đề này.

Nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới bình đẳng hơn, chúng ta cần phải thừa nhận rằng phụ nữ ít có khuynh hướng giữ tay giơ cao. Chúng ta cần các tổ chức và cá nhân nhìn nhận và điều chỉnh hành vi này thông qua khuyến khích, thăng tiến, đấu tranh cho phụ nữ. Và phụ nữ cũng phải học cách duy trì điều đó, vì khi họ hạ tay xuống, ngay cả nhà quản lý có ý định tốt nhiều khi cũng không để ý đến họ.

Khi tôi mới bắt đầu làm việc cho Larry Summers, lúc đó là nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới, ông có vợ là một luật sư thuế, Vicki. Ông rất ủng hộ sự nghiệp của Vicki và thường khuyến khích bà “tính tiền như đàn ông.” Quan điểm của ông là nam giới xem bất cứ thời gian nào họ dành để suy nghĩ về vấn đề – ngay cả thời gian trong phòng tắm – cũng phải được tính tiền. Trong khi đó, vợ ông và các cộng sự nữ lại quyết định có những ngày họ không toàn tâm toàn ý và trừ bớt tiền cho chính khoảng thời gian họ ngồi tại bàn làm việc để công bằng cho khách hàng. Luật sư thuộc nhóm nào có giá trị hơn đối với công ty? Để chứng minh, Larry kể câu chuyện về giáo sư nổi tiếng tại Trường luật Harvard khi được tòa đề nghị tách biệt hóa đơn. Vị giáo sư trả lời ràng ông không thể làm được vì ông thường suy nghĩ về hai thứ cùng lúc.

Ngay cả hiện nay, tôi vẫn còn phải luyện tập nhiều mới gọi là tinh thông được nghệ thuật tự tin. Tháng 8/2011, Forbes lần đầu tiên công bố danh sách 100 Phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Tôi cũng hiểu là danh sách này chẳng phải được lập nên bằng một công thức toán học gì và cũng biết các tạp chí thích lập danh sách kiểu này để thu hút sự chú ý của độc giả khiến họ phải nhấp chuột vào từng tên. Tuy vậy, tôi vẫn rất ngạc nhiên – không, đúng hơn là hoảng sợ – khi biết rằng mình được Forbes xếp ở vị trí thứ 5, ngay sau Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Mỹ Hillary CLinton, Tổng thống Braxil Dilma Rousseff, và CEO của Pepsi, Indra Nooyi. Như vậy tôi đứng trên cả Phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama và nữ chính trị gia người Ấn Độ Sonia Gandhi. Thật khiếp. Mẹ tôi gọi điện nói, “Thiệt tình, mẹ cũng nghĩ con là người có quyền lực, nhưng mẹ không nghĩ con quyền lực hơn cả Michelle Obama.” Mẹ nghĩ thế sao?

Thay vì cảm thấy quyền lực, tôi lại xấu hổ và cảm thấy như bị phơi bày. Khi đồng nghiệp trong Facebook gặp tôi ngoài hành lang và ngừng lại chúc mừng, tôi luôn phản đối rằng cái danh sách ấy “thật nực cười.” Khi bạn bè dẫn nguồn trên Facebook, tôi đề nghị họ gỡ xuống. Sau vài ngày, cô trợ lý thân cận của tôi, Camille Hart, gọi tôi vào phòng họp và đóng cửa phòng lại. Chuyện quan trọng đây. Cô cho biết tôi đang ứng xử rất kém trong vụ Forbes này và tôi phải dẹp chuyện tuyên bố với bất cứ người nào nhắc đến sanh sách rằng đây là chuyện nực cười. Tôi đang cho người ta thấy mình không thoải mái và thể hiện sự bất ổn. Thay vào đó, tôi chỉ cần trả lời đơn giản, “Cám ơn.”

Chúng ta đều cần có đồng nghiệp như Camille, đủ trung thực để chỉ ra cách trả lời thiếu tế nhị của tôi. Cô ấy nói đúng. Cho dù danh sách có nực cười đi nữa, tôi không phải là người viết ra và tôi không nhất thiết phải phản ứng tiêu cực. Tôi không cho là nam giới có bao giờ cảm thấy quá tải vì quyền lực mà người ta gán cho họ.

Tôi biết thành công của mình là nhờ tôi làm việc chăm chỉ, được nhiều người giúp đỡ, có mặt đúng lúc ở nơi cần có. Tôi trân tọng biết ơn sâu sắc đến những người dã cho tôi cơ hội và ủng hộ tôi. Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình sống ở mỹ thay vì một nơi nào khác trên thế giới mà phụ nữ vẫn còn chưa được nhận quyền cơ bản. Tôi tin rằng tất cả chúng ta – nam hay nữ- cũng phải nhìn nhận mình may mắn và cám ơn những người đã mang chúng đến cho ta. Không ai tự mình làm được hết.

Nhưng tôi cũng biết là để tiếp tục phát triển và thử thách bản thân, tôi phải tin vào năng lực của mình. Tôi vẫn phải đối mặt những tình huống mà theo tôi là vượt quá khả năng. Tôi vẫn có những lúc cảm thấy mình là người giả mạo. Và đôi khi tôi vẫn bị gạt lại qua một bên trong khi anh chàng ngồi cạnh tôi lại được nhìn thấy. Nhưng giờ đây tôi đã biết hít thở sâu và giữ cho tay giờ cao. Tôi đã học được cách ngồi vào bàn.

 

Bình luận
2880
× sticky