Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dấu Chân Của Chúa

Chương 14

Tác giả: Greg Iles

Tôi sắp lái xe ra khỏi khu nhà thì nhận ra mình đã mắc sai lầm. Con đường xa lộ rộng mênh mông tưởng là lối thoát nhưng không phải. Tôi biết Geli Bauer quá rõ. Đánh mạnh tay lái sang trái, tôi quay đầu xe ở giữa phố Hickory, rồi ngoặt lên Elm.

“Sao anh lại quay lại?” Rachel đang ngồi bệt dưới sàn xe phía ghế khách hỏi.

“Cô đã đi săn thỏ bao giờ chưa?”

Cô chớp mắt bối rối. “Thỏ à. Tôi là người New York cơ mà.”

Một phụ nữ đi xe đạp leo núi ngang qua chúng tôi đưa tay vẫy, đứa bé con ngồi ghế gắn trên chắn bùn sau. Trong cảnh ngộ hiện thời của chúng tôi, hình ảnh này giống như siêu thực.

“Khi con thỏ chạy thoát thân, nó chạy nhanh như chớp theo một đường dích dắc. Nhưng nó luôn chạy vòng về nơi xuất phát. Đấy là một chiến lược chạy trốn tuyệt hảo. Tất nhiên, người săn thỏ biết điều đó. Chính vì thế họ dùng chó săn. Lũ chó rượt đuổi thỏ trong khi người thợ săn đứng đó chờ bắn thỏ khi nó quay vòng trở về.”

Nét mặt Rachel lộ vẻ khó chịu. “Thật là dã man.”

“Nhờ thế mới có thực phẩm mà ăn. Vấn đề là, bọn đuổi bắt tưởng chúng ta chạy trốn như người. Nhưng chúng ta lại học bài học của thỏ.”

“Làm thế thì chúng ta được gì?”

“Đầu tiên là vì một chiếc xe. Chiếc xe này chỉ chạy được không quá tám cây. Xe cô cũng thế.”

“Vậy ta có thể lấy xe của ai?”

“Cô cứ ngồi cho vững đi đã.”

Phố Elm bao quanh khu nhà tôi. Khi đến cổng phía Đông của phố Oak – phố này song song với Willow – tôi quẹo trái. Trong khi lái xe, tôi quan sát giữa các ngôi nhà để kịp thoáng thấy dãy mái nhà phố tôi. Khi nhìn thấy nhà mình, tôi quan sát các bãi cỏ phía trước. Phía trên phố Oak một trăm mét, tôi thấy thứ mình muốn tìm. Một tấm biển BÁN NHÀ màu xanh trắng. Ngôi nhà cần bán có lối vào cong dài nhưng không xe nào đậu cả. Rẽ vào lối vào nhà, tôi lanh lẹ đánh tay lái khỏi đường xi măng rồi chạy lại đậu sau một bụi hoàng dương rậm rạp.

“Theo tôi,” tôi vừa ra khỏi xe vừa nói.

Rachel đứng lên khỏi sàn xe, mở cửa. Mặt cô tái xanh, tay run lẩy bẩy. Có lẽ phát súng ở nhà tôi đã làm cô bị sốc. Nó cũng làm cho cả tôi lo lắng. Trước đây tôi đã từng giết người. Tôi đã tiêm cho anh tôi ma túy và kali, rồi nhìn thấy tia ý thức cuối cùng tắt ngấm trong cặp mắt. Nhưng bắn vỡ óc một người là chuyện hoàn toàn khác. Và khi Geli Bauer biết tôi đã giết một trong những thủ hạ của ả, ả sẽ săn lùng tôi cùng trời cuối đất để trả thù.

Tôi bước lại gần Rachel, kéo cô lại và ôm cô như trước đây tôi đã từng ôm vợ con tôi. “Chúng ta sẽ ổn thôi,” tôi nói mà không tin tưởng lắm. Mùi tóc cô thật gần gũi. Vợ tôi cũng thường dùng loại dầu gội này. Tôi gạt kỷ niệm ra khỏi trí óc. “Nhưng chúng ta phải chạy trốn. Cô hiểu không?”

Cô gật đầu trên ngực tôi. Tôi vuốt tóc cô, vẫn còn bàng hoàng trước những gì đã xảy ra với mình. Cách đây ba mươi phút, tôi tưởng cơn ác mộng này đã qua đi. Evan McCaskell sẽ gọi lại, và tổng thống sẽ kiểm soát được Trinity. Bây giờ thì hy vọng đã tan thành mây khói.

“Chúng ta phải đi bộ một chút,” tôi nói, “rồi sau đó sẽ mượn xe. Sẽ không có ai ngăn cản chúng ta. Trông chúng ta sẽ giống người bán hàng khi tôi cầm chiếc hộp của Fielding. Cô có làm nổi không?”

Cô gật đầu.

Tôi lấy chiếc hộp của Fielding trong xe ra rồi đi bộ dọc phố Oak, Rachel đi bên cạnh. “Nơi sân sau kia có một hàng rào chạy sau những lô đất bên phố tôi. Cô sẽ thấy nó ngay thôi. Chúng ta phải đi tắt qua đó để sang phố tôi. Khi nào đến tôi sẽ bảo.”

Chạy trên vỉa hè, chúng tôi mau chóng vượt qua hàng trăm mét để đến chỗ có thể trông thấy mái nhà tôi. Tôi dắt tay cô chạy qua thêm hai bãi cỏ rồi nói, “Đây rồi. Lối đi tắt giữa các ngôi nhà.”

Có một hàng rào riêng bằng gỗ bịt giữa hai ngôi nhà tôi đã chọn.

“Nếu cổng khóa, chúng ta sẽ trèo vào,” tôi nói.

“Nếu có người ở sân sau?”

“Cứ để tôi xử lý.”

Cổng mở ra dễ dàng. Sân sau có mấy món dụng cụ sân chơi bằng nhựa, một chiếc máy xén cỏ, nhưng không có người. Tôi đặt tay lên thắt lưng Rachel dẫn cô vượt qua sân. Hàng rào sau không có cổng nên tôi cúi người, đan tay để cô trèo qua, rồi tự mình nhảy bật qua rào xuống đất bên cạnh cô.

Khoảng trống giữa hàng rào và tường bao chỉ rộng chưa đầy một mét. Tôi trườn qua một lỗ hổng phía dưới bụi cây, rồi đứng lên sau cái nhà kho mà trước đây tôi đã giấu chiếc hộp của Fielding. Rachel đi theo, nắm chặt tay tôi và nhao người đi. Tôi không biết chủ nhà kho này làm gì kiếm sống, nhưng tôi đoán anh ta buôn bán gì đó, vì anh ta ít khi ở nhà.

Bên trong nhà kho mờ tối, sặc mùi chuột chết và mùi dầu máy. Hàng loạt dụng cụ treo vào các móc trên bảng. Tôi tìm một chiếc xà beng giống chiếc trên gác xép nhà tôi, nhưng không thấy cái nào. Quỳ xuống, tôi xem xét gầm giá đựng đồ. Ở đó chủ nhà xếp gọn ghẽ các đồ đi câu. Không có cái gì đủ nặng để dùng vào việc của tôi.

“Tôi khó thở quá,” Rachel kêu lên.

“Đấy là tại cái mùi. Cô ra ngoài đi.”

Khi cô ra rồi, tôi thấy một chiếc búa tạ dựa trong góc. Tôi cầm nó lên đi ra ngoài. Rachel đang cúi gập người, hai tay ôm gối.

“Cái đấy để làm gì vậy?” cô hỏi.

“Lại đây.”

Tôi xách búa phi ra cửa sau, vung lên theo đường vòng cung bổ mạnh vào chiếc khóa. Cửa toác ra một lỗ. Vứt búa xuống, tôi chui vào ngôi nhà tối om. Rachel theo sau. Tôi không nghe thấy tiếng chuông báo động, nhưng có thể có loại báo động không kêu. Đường dây dẫn thẳng đến dịch vụ an ninh.

“Tôi cần tìm nhà bếp,” tôi bảo cô.

“Lối này. Tôi ngửi thấy mùi tỏi, và mùi nước rửa chén.”

“Tìm móc treo tường. Tôi cần tìm chìa khóa xe.”

“Anh bật đèn lên thì dễ tìm hơn.”

Tôi bấm một công tắc ở tường và bếp tràn ngập ánh sáng. Đó là một gian trưng bày: đầy những thiết bị Viking chuyên nghiệp bằng thép không rỉ. Trong khi Rachel tìm móc treo tường, tôi mở ngăn kéo ra. Cái thì chứa giẻ rửa bát, cái thì gần như đầy ắp phiếu mua hàng giảm giá, điều này có vẻ kỳ cục. Người có tiền mua thiết bị Viking thì chẳng cần cắt phiếu mua hàng ra làm gì.

“Chìa khóa!” Rachel kêu lên, nắm được cái gì đó trên nóc quầy.

Tôi cầm lấy chìa khóa và xem xét. “Cái này là chìa khóa xe cắt cỏ. Tìm tiếp đi.”

Ngăn kéo tiếp theo chứa một hộp đinh, vít, keo dán, kẹp giấy. Không có chìa khóa.

“Tại sao anh chọn nhà này?” cô hỏi.

“Người chủ nhà độc thân và không bao giờ có nhà, nhưng tôi biết anh ta có hai xe.”

“Thấy rồi!” Cô lấy ra một chiếc chìa khóa đen vuông từ một cái móc dưới ngăn tủ. “Chìa khóa xe Audi.”

“Đúng rồi.”

Giống như ở nhà tôi, tôi phải đi qua phòng giặt đồ để ra ga ra. Chắc hai nhà cùng một kiến trúc sư thiết kế.

“Sao cô biết chìa khóa xe Audi?”

“Chồng cũ của tôi có một cái.”

Tôi mở cửa ra ga ra và thấy một chiếc A8 màu ánh bạc nằm đó như lời đáp cho ước nguyện của mình. Chiếc xe thứ hai của anh chàng này là Honda Accord. Có lẽ anh ta đã vác chiếc Accord ra sân bay cho những chuyến đi xa có mang theo ô tô, và để dành chiếc Audi oách xà lách này để đi lại trên đường.

“Người nào đã có chiếc xe tám mươi ngàn đô chắc phải có hệ thống bảo vệ nhà,” Rachel nói qua vai tôi.

“Cảnh sát chắc đang trên đường đến đây. Chìa khóa đâu?”

Cô thảy chiếc chìa khóa vào lòng bàn tay tôi như một y tá chuyền dao mổ cho bác sĩ giải phẫu, và hai mươi giây sau, để cửa ga ra tự sập xuống sau lưng, chúng tôi đã bon bon trên phố Willow. Tôi nhìn ngược xuôi đường phố Willow, chú ý để không vòng quá xa về bên phải trong khi vẫn để mắt nhìn về phía nhà tôi. Không có ai. Ngay cả một người làm vườn.

“Chúng ta lấy cắp chiếc xe này thì được gì nếu cảnh sát đến theo tín hiệu báo động của chủ nó?” Rachel hỏi.

“Cảnh sát sẽ không biết bị mất thứ gì. Họ không biết có chiếc xe này ở đó. Họ sẽ phải lần theo dấu vết chủ nhà, mà bây giờ có lẽ đang đi công tác ở tận phương nào có trời mới biết.”

Tôi lái ngoặt hai lần thật nhanh và lao lên đường Kinsdale, nhắm thẳng hướng Đông về phía xa lộ liên bang 40. Đường khá đông xe cộ, làm tôi mừng rỡ.

“Chúng ta đi đâu bây giờ?”

Tôi nhoài ra ghế sau lấy từ trong hộp ra phong thư dán kín của Fielding, ném lên đùi cô. Tôi chỉ dòng chữ, Đêm thứ Bảy, tôi với Lu Li sẽ chạy xe ra chỗ nhà xanh.

“Chỗ nhà xanh?”

Dùng đầu gối để cầm lái, tôi lục tìm trong ngăn đựng đồ thì thấy một chiếc bút bi. Tôi rút thư ra khỏi bao và viết Nags Head/Bãi Ngoài bên dưới hình vẽ Thỏ Trắng ngộ nghĩnh của Fielding.

“Sao anh không thể nói to lên với tôi?”

Tôi viết nguệch ngoạc, Có thể bọn chúng đang nghe trộm.

Cô giật lấy bút và viết, BẰNG CÁCH NÀO? CHÚNG TA CHỈ VỪA MỚI LẤY TRỘM CHIẾC XE NÀY THÔI MÀ!

“Tin tôi đi,” tôi thì thầm. “Điều đó có thể đấy.”

Cô lắc đầu, rồi viết, Có gì ở Nags Head? Chứng cớ à?

Hình ảnh chiếc đồng hồ bỏ túi của Fielding lóe lên trong óc tôi. Tôi lấy lại bút và viết, Tôi hy vọng thế.

Cô viết, Di động trong túi tôi. Thử gọi cho tổng thống xem?

Tôi lấy bút viết, Chuyện đó lúc này không đơn giản.

“Sao không?”

Không có cách nào viết hết những điều cần nói. Tôi kéo cô sát lại và thì thầm vào tai. “Khi bọn chúng nghe McCaskell nhắn, chúng biết rằng có thể thủ tiêu tôi và nói với tổng thống bất kỳ điều gì chúng dựng lên để giải thích cái chết của tôi. Cả của cô nữa.”

“Bịa chuyện thế nào mà giải thích được điều đó?”

“Dễ thôi. Lúc này tổng thống hay rằng chứng hoang tưởng của tôi đã phát triển thành loạn óc. Ravi Nara sẽ viết một bản chẩn đoán chính thức. Y sẽ nói tôi đã trở nên hoang tưởng đến mức nguy hiểm, rằng tôi tin Fielding bị giết trong khi rõ ràng ông chết vì nguyên nhân tự nhiên. Hồ sơ bệnh án của tôi ở phòng khám của cô nói tôi bị hoang tưởng, thậm chí có thể là tâm thần phân liệt. Chúng sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho luận điểm của Nara.” Tôi dời mắt khỏi đường và nhìn cô. “Cô có thấy thủ đoạn nham hiểm không?”

Cô quay đi.

“Không phải là một bức tranh sáng sủa, đúng không?”

“Không. Nhưng anh phải gạt bỏ nó ra khỏi đầu trong ít phút. Anh đang lái xe trên đường. Nếu anh cứ nhất nhất đòi lái xe thì anh cần phải bình tĩnh lại.”

“Nhưng đó không phải chuyện tôi bận tâm lúc này.”

“Vậy chuyện gì?”

Chọn cách trả lời trung thực, tôi sẽ phải chịu rắc rối, nhưng tôi không muốn giấu kín thêm nữa. “Tôi đã trông thấy.”

“Thấy gì?”

“Thấy kẻ định giết cô.”

“Tất nhiên là anh trông thấy. Thì anh phải nhìn thấy mới bắn được hắn chứ.”

Tôi lao xe lên dốc I-40, tăng tốc rồi chạy lẫn vào dòng xe cộ lên phía RTP và Raleigh. “Tôi không định nói thế. Tôi thấy hắn đi bộ trên phố. Phố Willow. Trước cả khi hắn đến nhà. Hắn bước thẳng đến cửa trước.”

“Anh muốn nói gì?”

“Tôi mơ thấy chuyện đó, Rachel.”

Cô nhìn tôi trừng trừng. Trước đây cô chưa từng có mặt bên tôi khi tôi rơi vào trạng thái hoang tưởng. “Anh đã nhìn thấy hắn như thế nào? Giống như những hoang tưởng về Jesus ư? Hay như trong xi nê? Thế nào?”

“Tôi nhìn thấy mọi chuyện theo cách mà cô thấy những gì một tên tội phạm hay một con quái vật nhìn, trong các phim hạng B. Tôi trông thấy nó qua mắt hắn.”

Cô ngả người ra ghế. “Anh hãy nói cho tôi biết chính xác là anh thấy những gì.”

“Những ngôi nhà trên phố tôi. Đôi chân tôi đang cuốc bộ. Một con chó chạy lon ton bên cạnh. Tôi nghĩ mình đang mơ về bản thân. Nhưng khi tôi về đến nhà và thò tay vào túi lấy chìa khóa thì… tôi rút ra một chiếc móc mở khóa.”

“Tiếp tục đi.”

“Tôi mở khóa rồi đi vào bên trong. Tôi nghe thấy tiếng cô trong bếp, và sau đó tôi rút ra một khẩu súng.”

Rachel nhìn chăm chăm qua kính xe, nhưng rõ ràng tâm trí cô đang ở tận đẩu đâu. “Điều đó chẳng có nghĩa gì cả,” cuối cùng cô nói. “Những giấc mơ về kẻ lạ đột nhập vào nhà hay phòng ngủ hầu như phổ biến với các bệnh nhân của chứng ngủ rũ. Ngay cả khi anh không bị bệnh ngủ rũ, thì đó cũng có thể là một giấc mơ điển hình, một biến dạng của hiện thực do những nỗi lo lắng gây ra.”

“Không. Giờ giấc ăn khớp rất hoàn hảo. Tôi thấy mối nguy trong mơ, và khi tôi tỉnh dậy, thì mối nguy đang còn đó trong thực tế. Đúng y như tôi đã trông thấy nó.”

Cô bóp vai tôi. “Anh hãy nghe tôi. Anh đã quen với tiếng động trong nhà mình. Anh lại vừa bị căng thẳng. Anh bỗng nghe thấy một âm thanh lạ, âm thanh gợi ngay cho anh nỗi sợ bị trộm đột nhập. Cửa trước mở ra. Cửa sổ nâng lên. Một tấm ván kêu răng rắc. Phản ứng với những kích thích ấy, trí não của anh tạo ra một giấc mơ về cuộc đột nhập. Điều đó đủ làm anh hoảng sợ để tỉnh dậy. Giấc mơ của anh là một phản ứng với những kích thích bên ngoài, chứ không có gì khác.”

Tôi có nhớ đến tấm ván kêu răng rắc. Nhưng tôi đã tỉnh khi nghe thấy tiếng động đó. “Tôi trông thấy khẩu súng của hắn trong mơ”, tôi bướng bỉnh nói. “Đó là một khẩu tự động. Có giảm thanh.” Tôi vỗ vỗ vào khẩu súng đeo bên thắt lưng. “Giống như khẩu này.”

“Trùng hợp thôi.”

“Trước đây tôi chưa bao giờ trông thấy một khẩu súng giảm thanh.”

“Tất nhiên anh đã từng thấy rồi. Anh đã nhìn thấy chúng hàng trăm lần trong phim.”

Tôi nghĩ ngợi về điều này. “Đúng. Nhưng còn một chuyện nữa.”

“Chuyện gì?”

“Đây không phải lần đầu tiên tôi mơ như thế. Tức là trong mơ tôi là một người khác, một người trong hiện tại. Tôi đã mơ như thế vào cái ngày Fielding chết.”

“Anh tả nó cho tôi nghe.”

Một xe tuần cảnh Durham chạy qua chúng tôi trên làn Tây. Tim tôi thót lại, nhưng chiếc xe không chạy chậm lại hay nháy đèn.

“Hôm qua khi tôi đang thu băng video – ngay trước lúc cô đến – tôi mơ thấy mình là Fielding ngay trước và trong lúc ông ấy chết. Điều đó thực đến mức tôi cảm thấy mình đang chết thật sự. Tôi không nhìn được… không thở được. Khi tôi ra mở cửa cho cô, tôi còn không biết đi đường nào.”

“Nhưng Fielding đã chết vào buổi sáng hôm ấy.”

“Vậy thì sao?”

Cô giơ tay lên như để nhấn mạnh một sự việc đã rõ ràng. “Anh không thấy ư? Giấc mơ Fielding của anh không báo trước điều gì. Nó chẳng qua là một phản ứng của nỗi đau. Anh còn mơ thấy những giấc mơ nào như vậy nữa?”

Tôi nhìn lại đoạn đường phía sau. Chúng tôi đã đến Công viên Tam giác Nghiên cứu. Con đường I-40 chạy qua đó. Cách đây chưa đầy hai cây số Geli Bauer đang chỉ huy cuộc săn đuổi tôi.

“David, anh còn mơ thấy những giấc mơ nào như vậy nữa?”

“Bây giờ chưa phải lúc bàn chuyện đó.”

“Có lúc nào tốt hơn sao? Tại sao anh bỏ ba buổi hẹn khám với tôi?”

Tôi lắc đầu. “Cô đã nghĩ là tôi điên.”

“Đó không phải thuật ngữ y học.”

“Dù sao nó cũng mô tả đúng thực trạng.”

Cô thở dài và nhìn trảng cỏ xanh mướt bên đường phía cô qua cửa kính.

“Đó là Trinity,” tôi nói. “Phía trên kia kìa.”

Phòng thí nghiệm nằm xa đường quá nên quá nhỏ nhìn không rõ.

“Có logo Argus Optical,” cô nói.

“Đó là cái vỏ.”

“À, coi nào… anh giấu tôi những hoang tưởng của anh thì có lợi gì nào? Anh nghĩ anh đang bảo vệ cái phần nào trong con người anh?”

“Chúng ta sẽ nói chuyện đó sau.” Tôi thấy rõ cô không chịu thôi. “Tôi cần thuốc, Rachel. Tôi không thể chịu nổi năm lần choáng ngất một ngày khi chúng ta còn đang chạy như thế này.”

“Anh đang dùng thuốc gì vậy? Modafinil à?”

Modafinil là một loại thuốc tiêu chuẩn điều trị chứng ngũ rũ.

“Đôi khi. Thường thì tôi dùng methamphetamin.”

“David, chúng ta đã nói về tác dụng ngoại ý của amphetamin. Chúng có thể làm các hoang tưởng của anh trầm trọng lên đó.”

“Đó là thứ duy nhất giúp tôi tỉnh táo. Ravi Nara thường cho tôi uống Dexedrine cơ.”

Cô thở dài. “Tôi sẽ kê cho anh một ít thuốc Adderall.”

“Đơn thuốc không thành vấn đề. Tôi có thể tự kê được. Vấn đề là chúng biết tôi cần thuốc. Chúng sẽ canh tất cả các hiệu thuốc”.

“Họ không thể nào bao quát hết các tiệm thuốc ở khu Tam giác này được.”

“Chúng là NSA, Rachel ạ, và chúng biết tôi cần thuốc. Đó là những kẻ đã ghi âm câu chuyện phiếm trong buồng lái giữa các phi công Nga, những người đã bắn rơi máy bay Triều Tiên trên đảo Sakhalin năm 1983. Đã hai mươi năm qua rồi, và đó là tai nạn ngẫu nhiên. Bọn chúng đang ráo riết truy tìm chúng ta. Cô đã đọc cuốn 1984 1 chưa?”

“Tôi đọc từ hai mươi năm trước.”

“Khi nói NSA là tôi nghĩ đến Anh Cả 2 . NSA là thứ tương tự nhất mà chúng ta có ở nước Mỹ này.”

“Nhưng anh vẫn cần thuốc.”

“Chắc cô có quen ai đó.”

“Tôi có thể kiếm được thuốc trong quầy thuốc bệnh viện.”

“Bọn chúng đang canh chừng ta ở đó.”

“Hừ, chó chết thật.”

Tôi hầu như chưa bao giờ nghe thấy cô văng tục. Có lẽ chỉ khi nào cô bận jean xanh. Có lẽ cô cố giữ vẻ nghiêm trang khi mặc váy lụa với áo bờ lu.

“Tôi biết một bác sĩ ở Bắc Durham, cô ấy sẽ cho chúng ta một ít,” cô nói.

Chúng tôi đã qua Durham lâu rồi và đang thẳng tới Raleigh. Hiểu biết của tôi về Geli Bauer khiến tôi miễn cưỡng nấn ná ở vùng này lâu hơn cần thiết. Hơn nữa, thật là nghịch lý, có gì đó trong tôi không muốn các giấc mơ chấm dứt. Giấc mơ trước đã cứu mạng chúng tôi, và mặc dầu tôi chưa bao giờ thú nhận với Rachel, tôi cảm thấy bằng cách nào đó những giấc mơ – tuy có thể đáng sợ – đã cung cấp thông tin về cảnh ngộ khốn khó của chúng tôi, những thông tin mà tôi không thể có được nhờ cách nào khác.

“Chúng ta không thể quay lại,” tôi nói.

“Ngộ nhỡ anh bị choáng khi đang lái?”

“Cô đã thấy nó xảy ra như thế nào khi ở nhà tôi. Nó không xảy ra tức khắc đâu.”

“Nhưng khi đó anh không lái xe.”

“Tôi luôn được báo trước vài phút. Tôi sẽ dừng lại ngay khi cảm thấy không ổn.”

Rachel khó chịu ra mặt. Như thể muốn trút bực bội, cô gác một chân lên bảng điều khiển, tháo dây giày, rồi cột chặt lại. Xong cô làm thế với chân kia. Dường như cái thủ tục bắt buộc ấy làm cô bình tĩnh lại.

Tôi chạy lên đường 440 vòng quanh Raleigh rồi nhập vào đường U.S. 64, đi hết đường này là đến Đại Tây Dương. Con đường cao tốc mang đặc trưng miền Nam: hai dải đường xi măng rộng chạy xuyên rừng thông và rừng cây gỗ cứng. Chắc khoảng hai tiếng nữa mới đến chỗ đất thoải xuống phía Bãi Ngoài. Giá như Fielding không chết, có lẽ hôm nay ông sẽ đi trên con đường này, con đường ông đã đi trước đây, đến địa điểm mà vợ tôi và tôi đã đến thăm mười hai năm trước. Những ý nghĩ như thế cho tôi thấy sự mơ hồ không cần thiết của những từ ngữ như không-thời gian. Một người học vấn trung bình nghe một từ như thế sẽ tưởng anh ta không bao giờ hiểu được nó. Nhưng điều này hết sức đơn giản. Bất kỳ một nơi chốn nào anh nhìn thấy đều liên hệ đến một thời gian nhất định. Ngôi nhà nhỏ ở Nags Head mà Fielding cùng vợ hưởng tuần trăng mật có vẻ như là nơi vợ chồng tôi từng ở, nhưng thực tế lại không phải. Trong khuôn khổ không-thời gian, nó hoàn toàn khác. Ngôi trường anh đến thăm hai mươi năm sau khi tốt nghiệp, sân bóng anh từng chơi, con đường nhỏ anh từng chạy trên đó – không có cái gì như cũ. Nếu nó vẫn như cũ, anh sẽ đụng phải các thế hệ chạy trên đó trước hoặc sau anh. Người yêu mà anh hôn không phải là chính nàng sáu mươi giây trước đó. Trong một phút ấy, một triệu tế bào da đã chết và được thay mới. Những lát cắt cực nhỏ của không-thời gian ngăn cách ý nghĩ và hành động. Sự sống và cái chết.

“Tôi không muốn làm sự việc trở nên xấu hơn,” Rachel nói, “nhưng vì anh không thể gọi cho tổng thống nữa, đúng ra anh có thể làm gì? Chúng ta có thể đi đâu?”

“Tôi đang hy vọng một cái gì đó trong ngôi nhà nhỏ ấy sẽ cho tôi một đầu mối. Ngay bây giờ tôi chỉ cố gắng bảo toàn mạng sống của chúng ta.”

“Sao anh không đơn giản là công khai nó. Chạy đến Atlanta và nói tất cả với CNN?”

“Bởi vì NSA chỉ cần bảo rằng chúng ta nói dối. Tôi có thể chứng minh điều gì vào lúc này?”

Rachel khoanh tay. “Anh thử nói tôi xem. Chẳng lẽ một người đoạt giải Nobel như Ravi Nara có thể gian dối che giấu tất cả chuyện này?”

“Y sẽ không do dự đâu. An ninh quốc gia là sự hợp lý hóa tốt nhất cho mọi lời nói dối. Còn về tòa nhà Trinity, lúc này chắc nó trống trơn rồi. “

“Lu Li Fielding có thể ủng hộ anh.”

“Lu Li đã biến mất rồi.”

Sắc mặt Rachel trở nên nhợt nhạt.

“Đừng nghĩ chuyện xấu nhất. Bà ấy đã có kế hoạch chạy trốn, nhưng tôi không biết bà ấy đã thực hiện chưa.”

“David, anh chưa nói hết với tôi những gì anh biết.”

“Về Lu Li ấy à?”

“Về Trinity.”

Cô nói đúng. “Thôi được, vài tuần trước đây, Fielding biết rõ rằng việc treo dự án chỉ là mưu mẹo để làm sao lãng hai chúng tôi. Ông ấy nghĩ dự án Trinity thật sự vẫn được tiếp tục ở một nơi nào khác, có thể đã từ khá lâu rồi.”

“Họ còn có thể tiến hành ở chỗ nào khác nữa?”

“Fielding cá là ở các phòng thí nghiệm R&D ở Trung tâm Siêu máy tính Godin tại California. Godin đã nhiều lần bay đến đó bằng chuyên cơ riêng. Nara cũng đi cùng ông ta vài bận.”

“Điều đó không chứng minh được gì. Với tất cả những gì anh biết, thì có thể họ đang chơi golf ở bãi biển Pebble cũng nên.”

“Các cha đó không chơi golf đâu. Bọn họ làm việc. Bọn họ sẽ bán linh hồn để đổi lấy những gì họ muốn. Khi nào cô nghĩ đến Peter Godin, hãy nghĩ đó là Faust.”

“Bọn họ muốn gì?”

“Nhiều thứ khác nhau. John Skow hồi đó sắp bị NSA sa thải thì được Godin yêu cầu quản lý Dự án Trinity. Việc đó đã cứu vãn sự nghiệp của gã.”

“Tại sao Godin cần một người như gã?”

“Tôi nghĩ Godin có dự tính gì đó với Skow. Hình như ông ta đã cam kết với gã từ lâu và biết rằng Skow sẽ giữ im lặng tất cả những gì gã được nghe kể. Làm việc cho NSA thì không giàu. Nhưng là nhà cung cấp máy tính Trinity cho cơ quan này thì có thể đặt gã vào ghế giám đốc. Và sau đó, gã có thể là vô giá đối với một tập đoàn tư nhân. Skow sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hiện thực hóa Trinity.”

“Còn Ravi Nara?”

“Nara đòi một triệu đô la một năm cho vị trí này. Khoản nào chính phủ không trả được, Godin trả bằng tiền mặt. Ngoài ra, những gì Nara đóng góp cho Trinity sẽ cho y một cơ hội Nobel nữa. Tất nhiên là chung với Godin và Jutta Klein. Lẽ ra Fielding là người xứng đáng nhất, nhưng ủy ban Nobel không truy tặng. Ngoài nguồn tài chính nghiên cứu vô tận suốt đời, tên tuổi Nara còn được lưu trong các sách lịch sử…”

“Thế còn cái bà Jutta Klein đó?”

“Klein là người thẳng thắn. Bà ấy là một phụ nữ Đức lớn tuổi, và đã chung giải Nobel với hai người Đức khác từ năm 1994. Bà ấy được chuyển nhượng từ Siemens cho Trinity. Đó là cách hình thành của nhiều công ty. Godin muốn có những người giỏi nhất thế giới, ông ta đã mượn họ từ phòng R&D của các hãng máy tính mạnh nhất. Sun Micro. Silicon Graphics. Để đổi lại, những công ty này sẽ nhận được giấy phép sử dụng một số bộ phận thuộc công nghệ Trinity sau khi nó được công khai. Nếu nó được công khai.”

“Nếu Jutta Klein trung thực,” Rachel nói, “có thể bà ấy sẽ giúp được chúng ta.”

“Có muốn bà ấy cũng không giúp được. Bọn chúng sẽ khiến bà ấy phải im lặng.”

Rachel thở dài thất vọng. “Thế còn Godin? Ông ta muốn gì?”

“Godin muốn làm Chúa.”

“Cái gì?”

Tôi lạng nhẹ sang làn trái để vượt một nhà xe lưu động. “Godin không thèm để ý Trinity có sinh lợi nhuận hay không. Ông ta là tỷ phú. Ông ta đã bảy mươi hai tuổi rồi, và trở thành sao từ khi mới bốn mươi. Bởi vậy hãy quên đi chuyện trở thành cha đẻ của trí thông minh nhân tạo hay những gì tương tự thế. Ông ta muốn trở thành người đầu tiên – hay người duy nhất – mà trí tuệ được nạp vào chiếc máy tính Trinity.”

Rachel hất một lọn tóc đen ra khỏi mắt. “Ông ta là người thế nào? Một kẻ ích kỷ cùng cực chăng?”

“Ông ta không đơn giản thế. Godin là một bộ óc sáng chói, là người hiểu rõ những khiếm khuyết của thế giới này. Ông ta giống những người mà ta biết ở trường đại học, những kẻ nghĩ rằng Atlas Shrugged 3 là câu trả lời cho mọi vấn đề của thế giới, chỉ có điều ông ta là một thiên tài. Và ông ta đã có những đóng góp chủ chốt cho khoa học. Cho đến nay, nước Mỹ thật sự là một nơi tốt đẹp chính vì Godin đã sống ở đó. Siêu máy tính của ông ta đóng vai trò quan trọng vào thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Lạnh.”

“Có vẻ như anh ngưỡng mộ ông ta.”

“Ông ta dễ được ngưỡng mộ. Nhưng tôi cũng sợ ông ta nữa. Ông ta gần như vắt kiệt sức mình để chế ra chiếc máy tính mạnh nhất thế giới, nhưng ông ta không quan tâm một điều là ông ta không hiểu nó vận hành thế nào khi cuối cùng nó đi vào hoạt động. Godin dựng nên Trinity để tự mình sử dụng nó. Và tôi không biết có gì nguy hiểm hơn là một con người mạnh mẽ bị ám ảnh bởi việc tái tạo thế giới theo hình ảnh của riêng mình.”

Khi tôi với tay ra để chỉnh tốc độ tự động của chiếc Audi, tôi thấy mắt mình bắt đầu mờ đi. Một cơn mệt mỏi tràn qua tôi, và những lời cuối cùng của Rachel trượt khỏi đầu tôi. Mắt tôi nhìn rõ trở lại, nhưng tiếng vo vo chói tai quen thuộc lại bắt đầu. Tôi đạp phanh và tấp vô lề đường.

“Sao thế?” Rachel hỏi.

“Cô phải lái thôi, tôi sắp xỉu rồi.”

Cô ngồi dậy. “OK.”

Tôi xuống xe và vòng sang phía cô. Rachel trèo qua bảng điều khiển và trườn vào sau tay lái. Trước khi ngồi vào chỗ, tôi ngó trước ngó sau con đường. Xe cộ trên đường đông vừa phải, nhưng đều đặn, và không có người lái nào để ý đến tôi.

Cô quan sát tôi kỹ lưỡng. “Anh không sao chứ, David?”

“Hơi run.”

Cô với tay thắt dây an toàn cho tôi. “Vẫn chứng đó hả?”

“Ừ.” Tiếng ong ong chói tai đã xuống đến răng hàm.

“Anh nhắm mắt lại. Tôi lái đây.”

“Cứ nhắm hướng Đông. Chúng ta sắp đến nơi rồi.” – Tôi giơ ba ngón tay lên – “tiếng nữa”. Trong ngăn đựng găng tay có tấm bản đồ Carolinas. Tôi tìm đường cao tốc 64 và chỉ đến Plymouth, gần nơi sông Roanoke chảy vào eo Albermarle. “Nếu đến đấy mà tôi không tỉnh thì đánh thức tôi dậy.”

Rachel sang số và tăng tốc dọc lề đường. Khi đến tám mươi, cô chạy xe vào làn đường và nhấn ga.

“Anh thấy khó chịu hơn phải không?” cô hỏi.

Tôi trả lời trong đầu, không sao đâu, nhưng một bộ phận của não nhận ra rằng môi tôi không chuyển động. Tôi sắp xỉu. Lòng bàn tay tôi ngứa ran, mặt cảm thấy nóng bừng. Rachel đặt tay lên trán tôi.

“Anh sốt rồi. Chuyện này có thường xảy ra không?”

Tôi cố trả lời, nhưng tôi cảm thấy giống như hồi tôi còn là đứa bé trong bể bơi ở Oak Ridge, cố gắng nói chuyện dưới nước với bạn. Chúng tôi cố gào to nhất, nhưng không thể làm cho bạn hiểu mình. Bàn tay Rachel dường như đang chảy tan vào trán tôi. Dù sao nó cũng làm tôi thấy dễ chịu. Tôi muốn nhìn vào gương xem có thật tay cô đang tan chảy hay không, nhưng tôi không thể nào nhúc nhích. Một người phụ nữ đang gọi tên tôi từ nơi nào rất xa. Trước khi tôi có thể trả lời, một con sóng xanh sâu thẳm cồn lên, vỡ oà ra trong tôi và tôi lịm đi, lăn nhào vào bóng tối.

Tôi ngồi ngoài trời giữa vòng người đang tựa lưng vào tường mà ngủ. Ở giữa là đống than hồng cháy rực. Bầu trời đầy sao sáng. Một người đàn ông khoác áo choàng tên là Peter ngồi cạnh tôi. Ông ta có vẻ rất bồn chồn.

“Tại sao ngài lại muốn làm thế?” ông ta thầm thì. “Nếu ngài bỏ đi, ngài sẽ chịu muôn nỗi nhục nhã. Cho dù dân chúng có nghe ngài, thì bọn tăng lữ và bô lão cũng sẽ ruồng bỏ ngài. Còn bọn La Mã nữa? Tôi sợ chúng sẽ giết ngài.”

Dù ông ta không nêu tên địa điểm, song tôi biết ông ta đang nói về Jerusalem. “Cút đi,” tôi bảo ông ta. “Ngươi chỉ đáng bằng con chó. Cái thân ngươi, bữa cơm tiếp theo của ngươi, đời ngươi.”

Ông ta tóm cánh tay tôi mà lắc. “Ngài không đuổi tôi đi dễ dàng thế được đâu! Tôi đã chiêm bao thấy rõ. Nếu ngài đi, ngài sẽ bị hành hình.”

“Kẻ nào cố giữ mạng mình sẽ mất mạng 4 ,” tôi trả lời.

Peter lắc đầu, đôi mắt ta ông đầy bối rối.

Cảnh trí bỗng thay đổi. Tôi đang ở trên một ngọn núi cao nhìn xuống một cánh đồng. Quanh tôi có nhiều người ngồi.

“Khi các ngươi xuống thành phố”, tôi hỏi, “các ngươi sẽ bảo ta là ai?”

“Chúng tôi nói ngài là một người đã được rửa tội.”

Tôi lắc đầu. “Đừng nói thế. Hãy nói thật lòng những gì các ngươi nhìn thấy. Không hơn.”

“Vâng, thưa Chúa,” một người đàn ông tên John trả lời, mắt ông ta to nâu như mắt đàn bà. Ông ta nhìn Peter rồi thận trọng nói với tôi. “Người ta bảo tôi là ngài muốn đến Jerusalem.”

“Đúng.”

John lắc đầu. “Nếu ngài làm thế, bọn tăng lữ sẽ không biết phải làm gì với ngài. Chúng sẽ sợ ngài, và chúng sẽ khép ngài vào tội chết.”

“Ly rượu đã đến tay ta. Ta phải uống.”

Lũ người lặng im. Khi ngắm nhìn cánh đồng phía dưới, nỗi sợ réo sôi trong ổ bụng tôi. Biết món quà của cuộc sống này, của thân thể này, và rồi dứt bỏ nó đi…

Tôi choàng dậy tóm lấy bảng đồng hồ, đập ngay vào mắt là đuôi chiếc máy kéo phía trước. Rachel nắm đầu gối tôi.

“Ổn rồi, David ạ! Tôi đây.”

Tay tôi run lên, nỗi sợ từ giấc mơ vẫn còn nguyên. “Chúng ta đi bao lâu rồi?”

“Một tiếng hai mươi phút. Chúng ta vừa qua khỏi Plymouth.”

“Tôi đã dặn cô gọi tôi dậy cơ mà!”

“Nhưng anh ngủ quá say, tôi ghét làm chuyện đó.”

“Cô có thấy gì khả nghi không?”

“Cách đây nửa tiếng ta đi qua một đồn cảnh sát, và mấy cảnh sát Plymouth, nhưng không ai nhìn chúng ta đến hai lần. Tôi nghĩ chúng ta ổn.”

Rachel trông không có vẻ gì là ổn. Và ngay khi đạt được mục tiêu cấp kì là chạy trốn, thì sự điềm tĩnh của cô sẽ lung lay. Tôi cũng không khác. Phản ứng của tôi về vụ giết tên sát thủ của Geli Bauer bị mờ đi bởi cơn thác lũ hóa chất thần kinh phát ra để cứu sống tôi. Những hình ảnh từ giấc mơ của tôi trở lại lấp loáng ánh sáng và màu sắc, nhưng nỗi sợ nhạt đi, sau đó tôi lại cảm thấy khuây khỏa khá lạ lùng. Sau nhiều tháng trong tình trạng mập mờ và bí ẩn, cuối cùng thì những giấc mơ đã có một địa điểm rõ rệt. Jerusalem. Về mặt logic thì chẳng có nghĩa gì cả. Tôi chưa bao giờ tới Israel, và tôi chỉ biết về nó qua những xung đột đẫm máu mà tôi thường thấy trên các bản tin tối từ nhiều thập kỷ nay. Nhưng đến giờ thì logic đã đưa tôi tới đâu?

“David?” Rachel ướm hỏi. “Có lẽ chúng ta có thể nấp lại một lát ở…”

Tôi vội lấy tay bịt miệng cô. “Đừng. Xin lỗi, nhưng tôi đã cảnh báo cô rồi.”

Cô gật đầu, và tôi bỏ tay ra. “Nếu đúng là NSA mạnh đến thế,” cô thầm thì, “thì anh thu băng video trong phòng riêng như thế nào mà họ không nghe trộm được?”

Tôi nhoài người ra ghế sau, lấy hộp đồ chơi điện tử tự tạo của Fielding, đặt lên đùi. Tôi lấy từ trong đó ra một chiếc que kim loại dài chừng hai nhăm phân. “Fielding đã chỉ cho tôi thấy những con rệp của chúng nằm đâu. Trong những lỗ nhỏ xíu giữa lớp vữa trát tường.”

“Ông ấy làm gì với những thiết bị này? Anh có nghĩ như thế là hơi đa nghi không?”

“Tôi hiểu tại sao cô lại nghĩ vậy. Cô cần phải biết ông ấy mới được.”

Dù nói thế, trong bụng tôi vẫn thầm nghĩ liệu mình đã thực sự hiểu được ông người Anh kỳ quặc này chưa. Tôi thọc tay vào trong hộp, tìm xem có dấu vết gì của một thông điệp bí mật không. Phần lớn những dụng cụ tự chế này trông giống như đồ chơi của một cậu bé mà cuối tuần nào cũng mải mê trong cửa hàng điện tử RadioShack. Có một cái giống món đồ chơi View-Master của tôi hồi trẻ, một chiếc khung nhựa với ống thị kính và một công tắc ở bên phải. Tôi đưa ống ngắm lên mặt, nhắm vào Rachel và gạt công tắc. Một màn sương màu hổ phách che hết tầm nhìn của tôi, ngoài ra không có gì cả.

“Cái gì vậy?” Rachel hỏi.

“Tôi cũng không rõ nữa.” Tôi quay ống nhòm ra kính chắn gió để nhìn ra ngoài đường.

Tim tôi đóng băng. Một chùm sáng đồng bộ mảnh màu xanh lá cây – tia laser- chiếu vào kính chắn gió phía trước của chiếc Audi theo phương gần như vuông góc với mặt đất. Tôi đã thấy nhiều tia như thế trong các phòng thí nghiệm vật lý của trường Đại học Công nghệ Massachuset. Nơi khác duy nhất tôi có thể thấy chúng là trong phim, trong những cảnh bắn súng laser. Có kẻ đang nhắm tia laser vào chúng tôi từ trên không trung! Tôi muốn kêu lên để báo Rachel, nhưng cổ họng tôi như bị gắn keo. Tôi quờ chân đạp phanh, làm cho chiếc xe phanh kít lại.

Rachel rú lên và cố kiểm soát chiếc xe đang quay đầu. Tôi xoay ống nhòm để tìm tia laser. Nó kia, cách khoảng bốn mươi mét, dõi theo xe tôi như bàn tay của Chúa. Chiếc Audi rùng mình dừng lại bên lề cỏ.

“Anh làm cái trò quỷ gì thế hả?” Rachel thét lên.

Chỗ núp gần chúng tôi nhất là một hàng cây cách lề cỏ chừng năm mươi mét. Một kẻ có vũ khí tự động sẽ dễ dàng đốn gục chúng tôi trước khi chúng tôi chạy đến hàng cây. Tôi gí ống nhòm vào mắt Rachel.

“Có kẻ rình bắn chúng ta! Nấp ngay dưới bảng đồng hồ. Càng xa càng tốt.”

Trong khi cô gập người chui xuống dưới cần tay lái, tôi lại tìm tia laser. Tôi đợi nó di chuyển đến tôi, nhưng nó lại cố định trên kính chắn gió. Tia sáng không xuyên qua kính; nó dừng lại trên bề mặt. Cố suy nghĩ về tia laser, tôi nhận ra rằng nó không nhằm tôi hay Rachel, mà nhằm tấm bảng đồng hồ.

“Nếu chúng muốn bắn chúng ta,” tôi nói ý nghĩ của mình thành lời, “thì chúng đã bắn ngay trước khi tôi lôi được chiếc kính ngắm ra rồi.”

“Sao?”

“Đó không phải là đường ngắm bắn.”

“Anh đang nói về chuyện gì thế?”

Tia laser có thể là vật chỉ điểm ném bom, nhưng ngay cả khi hoảng loạn đi nữa, NSA cũng chưa đến mức thả một quả bom định hướng xuống lề một con đường cao tốc Mỹ. Chúng có quá nhiều phương án khác để lựa chọn. Tôi bỗng hiểu ra. Tia laser là một công cụ theo dõi. Bằng cách chiếu tia laser lên mặt kính chắn gió và đo rung động của kính, kẻ nghe trộm ngồi trên máy bay hay trực thăng có thể nghe hết mọi lời chúng tôi nói bên trong xe.

“Dậy! Dậy lái tiếp!”

Rachel chật vật ngồi lên ghế, cầm lái chạy lên đường lớn. Tia sáng xanh vẫn bám chặt trên mặt kính chắn gió như một vũ khí vệ tinh nhắm từ vũ trụ. Nhặt tấm bản đồ dưới sàn lên, tôi gấp nó lại thành một tam giác nhỏ và gõ gõ ba lần lên một điểm để chỉ rõ chỗ chúng tôi phải đến.

Cô gật đầu.

Sau đó tôi lần ngón tay theo đường cao tốc 64 chạy sang Đông vài cây nữa, đến một con đường làng nhỏ hiện ra ở bên trái. Tại đó tôi viết, Rẽ ở đây.

Khi Rachel gật đầu lần nữa, tôi ghé sát tai cô và nói. “Rẽ vào, dù có chuyện gì xảy ra. Rõ không?”

“Tôi sẽ rẽ. Cái mà anh thấy còn đó không?”

Tôi nhìn qua kính ngắm, rồi siết vai cô. “Còn. Nhanh lên.”

Cô nhấn ga hết tốc lực.

——————————–

1 Tiểu thuyết của George Orwell, nhà văn Anh, xuất bản 1949.

2 Nhân vật độc tài trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell.

3 Tiểu thuyết của nhà văn Mỹ gốc Nga, Ayn Rand, xuất bản năm 1957, viết về cuộc đình công của các doanh nghiệp Mỹ.

4 Trích Kinh Thánh.

Bình luận