Tôi đứng sau Rachel trong khu vực ăn uống của sân bay JFK, New York, nhìn kỹ xem nàng có dấu hiệu suy sụp tinh thần nào không. Nàng bận váy màu xanh da trời, một món trong số quần áo mới được mua ở New Jersey, nhưng trang phục không che giấu nổi nước da tái và đôi mắt trũng sâu. Việc bắn Geli Bauer khiến nàng cực kỳ hoảng loạn, và mặc dầu các bản tin cho biết “sĩ quan liên bang” bị bắn ở ga Liên Hiệp còn sống, Rachel vẫn run rẩy trong suốt quãng đường chạy xe đến New York.
Tôi lẽ ra không nên để nàng tự mình rời khỏi Washington. Sau khi bỏ lại chiếc Toyota cách ga Liên Hiệp năm khối nhà, tôi chặn một taxi và bảo nó chở chúng tôi quay trở lại, qua sông Potomac đến Alexandria, Virginia, rồi tới một trung tâm mua bán cao cấp. Tại đó tôi gọi đến số lúc trước đã chỉ dẫn tôi đến gặp Mary Venable ở tiệm cà phê. Tôi nói với người phụ nữ nghe điện rằng bác sĩ Rachel Weiss hiện đang bị đe dọa tính mạng và rất cần được giúp đỡ. Bốn lăm phút sau, một người phụ nữ đi xe Camry xanh đến đón, đưa chúng tôi trở lại Washington, tới một khu nhà riêng ở phía Nam.
Ngôi nhà này là nơi ẩn náu do một nhóm nữ quyền cai quản, chuyên cung cấp giấy tờ tùy thân cho những phụ nữ bị ngược đãi, chạy trốn cùng con nhỏ. Chúng tôi được đưa vào một phòng ngủ ở phía sau căn nhà an toàn, đợi một lúc thì Mary Venable đến. Bà ta hỏi Rachel rõ lâu – hình như bà không tin tôi – rồi bố trí một chiếc xe để hôm sau chúng tôi có thể tự lái đến New York. Bà bảo chúng tôi để xe ở chỗ đậu dài ngày trong sân bay JFK, rồi sẽ có một người “chị em” của họ ở New York đến lấy đi.
Trong phòng ngủ có ti vi, và vụ chạm súng ở ga Liên Hiệp xuất hiện trên tất cả các bản tin. Việc tạm thời đóng cửa nhà ga cũng gây phản ứng ồn áo không kém vụ nổ súng. Những bản tin đầu suy luận rằng nhà ga có nguy cơ bị đánh bom nên buộc phải sơ tán mọi người khỏi ga, nhưng theo những bản tin mới, câu chuyện đã thay đổi. Các nguồn tin của cảnh sát thủ đô rò rỉ thông tin về một vụ mưu ám sát tổng thống đã bị theo dấu đến nhà ga. Tên tôi không được tiết lộ, nhưng phát thanh viên nói rằng người phụ nữ đã bắn cảnh sát ở nhà ga, lúc đầu được cho là con tin, nhưng bây giờ bị xem là đồng phạm của tôi.
Chúng tôi chợp mắt một chút, đến sáng hôm sau, tên và ảnh tôi xuất hiện trên tờ Washington Post. Trong bài viết, một người phát ngôn của Sở Mật vụ đặc tả tôi như một bác sĩ theo chủ nghĩa lý tưởng đã trở nên cáu kỉnh sau nhiều năm quá đau buồn vì mất mát gia đình. Bị những hoang tưởng nghi kỵ thôi thúc, tôi đã đe dọa tính mạng tổng thống, và sự xuất hiện của tôi ở Washington với một khẩu súng chứng tỏ tôi nguy hiểm như thế nào. Đồng phạm nữ vẫn còn “chưa rõ danh tính,” nhưng nhiều nhân chứng đã thấy cô ta bắn gục cảnh sát liên bang. Điều làm tôi sợ nhất là bình luận kết thúc bài báo của McCaskell, chánh văn phòng phủ tổng thống, hiện đang ở Trung Quốc.
“Bác sĩ Tennant thật sự đã có dịp gặp tổng thống tại Phòng Bầu dục,” McCaskell nói. “Tổng thống khâm phục cuốn sách của ông ta về Y đức. Tổng thống lấy làm tiếc vì vị bác sĩ nổi danh này có vẻ bị suy sụp tâm thần, và mong rằng bác sĩ Tennant sẽ được điều trị trước khi có thể xảy ra bi kịch nào đó.”
Tôi lo Mary Venable có thể đọc bài báo này và báo cảnh sát bắt tôi, nhưng một giờ sau bà đem đến cho chúng tôi hai hộ chiếu mới, hai giấy phép lái xe của bang Virginia và chìa khóa của chiếc xe “đi mượn”. Bà đã đọc bài báo, nhưng lòng tin của bà vào Rachel mạnh hơn những bản tin trên truyền thông. Không chút chậm trễ, chúng tôi đã bon bon trên con đường I-95 hướng về New York.
Khi biết tên và ảnh của mình đã phát tán khắp nơi trong nước, tôi càng quyết tâm rời khỏi nước Mỹ. Bọn NSA nghĩ tôi đang trù tính để gặp tổng thống tại Washington ngày mai, nên chẳng hề nghĩ tôi lại rời khỏi đất nước. Đi qua cửa khẩu sân bay JFK là mạo hiểm, nhưng còn an toàn hơn ở lại trong nước lúc này.
Rachel hầu như không nói gì trong chặng đầu chạy xe, và những lời tôi nói dường như không lọt tai nàng. Khi đến New Jersey, nàng đã hoạt bát trở lại và đi vào khu mua bán với một danh sách dài kích cỡ quần áo cùng trang phục cho chuyến đi của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ dừng lại để đổ xăng, và tôi cũng không ra khỏi xe. Khi đến gần New York, Rachel gọi cho Adam Stern và kể cho anh câu chuyện tôi bịa ra để giải thích lý do anh chàng bác sĩ phải làm trung gian đặt phòng cho chúng tôi.
Vì dịp lễ Phục sinh đông khách đi, Stern buộc phải đặt vé bay đêm của hãng El Al, điều này làm tôi lo lắng không ít. Tôi đội chiếc mũ Yankee đi vào sân bay JFK, thầm cầu nguyện “người đàn ông da trắng cao mét tám” như tôi không quá khác thường để mọi người chú ý. Tại quầy vé El Al, mọi việc diễn ra suôn sẻ không ngờ, nhưng tôi ngại nhất là chuyện ăn nói. Sợ nhất những cuộc phỏng vấn an ninh không chính thức. Theo Stern, có lúc trước khi lên máy bay EI AI, một số sĩ quan an ninh mặc thường phục bỗng dưng đến bắt chuyện với anh để đánh hơi về các ý định của anh. Sẽ không có cách nào thoát khỏi chuyện này nếu Rachel không đứng ra nói.
“Món thịt gà xào súp lơ xanh kia trông ngon đấy chứ,” tôi nói, tay chỉ một quầy ăn Tàu.
“Tuyệt,” Rachel đờ đẫn nói.
Tôi nắm vai nàng. “Em không sao chứ?”
Nàng không đáp.
Tôi bước lên trước và gọi hai đĩa thịt gà xào súp lơ xanh. Khi tôi trả tiền, tôi nghe một giọng đàn ông nói sau lưng.
“Xin chào. Chúng tôi xếp hàng cùng với ông bà ở quầy vé El Al. Các vị đi nghỉ trước lễ Phục sinh phải không ạ?”
“À… không,” Rachel trả lời.
Tôi liếc ra sau và thấy hai gã da đen tầm thước đứng sau chúng tôi. Bọn họ có đôi mắt láo liên và nụ cười cởi mở. Trông như hai anh em.
“Vậy chắc là thăm gia đình?” gã thứ hai hỏi, trên cổ gã đeo dây chuyền vàng.
“Không,” Rachel lúng túng nói. “Chúng tôi có chuyện riêng. Vấn đề sức khỏe ấy mà.”
Những cái nhìn băn khoăn. “Ồ, xin lỗi đã tò mò.”
Họ đang tìm kiếm bọn khủng bố, tôi tự nhủ, không phải tìm người mưu sát tổng thống. Tôi quay lại gật đầu với hai gã.
Im lặng lúc này thật bất tiện, nhưng Rachel bỗng rướn thẳng người và linh hoạt hẳn lên. “Tôi nghĩ chẳng có gì phải giấu,” nàng nói. “Bác sĩ phụ sản của tôi giới thiệu tôi đến đó. Tôi vừa được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Nhưng anh ấy có người bạn ở bệnh viện Hadassah, Jerusalem. Có một cuộc thử nghiệm lâm sàng để cấy tế bào T của chính bệnh nhân và đưa nó vào để diệt các khối u. Bác sĩ của tôi là một người bạn cũ. Anh ấy bố trí mọi thứ cho chuyến đi của chúng tôi, ơn trời. Máy bay, khách sạn, tất tật.” Nàng đặt tay lên tim. “Tôi xin lỗi đã nói nhiều quá. Tôi chỉ có một tia hy vọng, và tôi thấy dễ chịu khi nói về nó.”
“Hoàn toàn đúng,” gã đàn ông đeo dây chuyền nói. “Và tôi tin bà sẽ khỏi bệnh. Bác sĩ ở Hadassah là những bác sĩ giỏi nhất thế giới.”
“Cuộc thử nghiệm có vẻ đầy hứa hẹn,” tôi xen vào, không muốn tỏ ra lúng túng. “Nhà nghiên cứu hàng đầu đã từng được đào tạo ở Sloan-Kettering.”
“Ông nói như thể chính ông cũng là bác sĩ,” gã thấp hơn nói, chút nghi hoặc trong tôi rằng bọn này là an ninh của El AI lúc này tan biến nốt. Bỗng nhiên tôi nghĩ về số tiền mặt 16.000 đô còn nằm trong túi bao tử giấu trong quần áo.
“Thưa ông, món ăn đây ạ,” một nhân viên chạy bàn người Hoa ngắt lời.
“Cám ơn,” tôi nói, liếc về phía đĩa thức ăn. “Vâng, tôi là bác sĩ nội khoa.”
“Ông có biết về chứng viêm khớp không?” gã thấp bé hỏi. “Họ bảo tôi bị bênh viêm khớp vảy nến. Ông có biết bệnh này không?”
Có trả lời hắn không? tôi thầm nghĩ. Cư xử một cách kiêu kỳ? “Phải, có năm loại. Một số loại tương đối nhẹ, có loại gây biến dạng.”
“Loại nào tệ nhất?”
“Loại viêm khớp biến dạng.”
Gã kia sung sướng cười toác miệng. “Không phải của tôi. Tôi chỉ bị ở gần các đốt ngón tay.”
“Có khả năng là viêm khớp liên đốt ngón tay.” Tôi cầm tay gã lên xem xét móng tay, thấy có những vết lõm khá rõ. “Có thể là nặng hơn nhiều.”
Gã rút tay về. “Được rồi, được rồi. Ừm, chúc ông ngon miệng.”
“Chúc ông bà gặp may ở Hadassah,” gã đeo dây chuyền nói. “Ông bà đã đến đúng nơi để điều trị đấy.”
Tôi đặt cả hai đĩa lên khay và bưng sang một chiếc bàn trống. Rachel theo sau tôi, trông nàng có vẻ choáng váng. Tôi liếc lại phía quầy ăn và thấy hai gã kia bỏ đi mà không gọi món gì.
“Em xử trí tuyệt lắm,” tôi khẽ nói. “Xứng cỡ giải thưởng Oscar.”
“Bản năng sinh tồn,” nàng nói và ngồi xuống ghế. “Ai cũng có cái bản năng ấy trong người. Anh đã nói với em thế ở Bắc Carolina, và em không tin anh. Giờ thì em rõ hơn rồi.”
Tôi cầm nĩa lên. “Em đừng day dứt về chuyện đó, không ích gì.”
“Bọn này chắc đã nói chuyện với Adam. Em linh cảm thế.”
“Không còn nghi ngờ gì nữa. Anh ấy chắc cũng kể cho chúng nghe cùng một câu chuyện. Nếu chúng ta lên được máy bay mà không bị bắt, anh sẽ gửi cho anh chàng này một két champagne.”
Rachel nhắm mắt. “Liệu có được không anh?”
“Được chứ. Chỉ cần bên nhau nửa giờ nữa thôi.”
Chiếc 747 chật ních người dù là chuyến bay đêm, nhưng chúng tôi được biệt lập khỏi những người gần nhất bởi hai ghế trống và lối đi giữa, nên cũng có được đôi chút riêng tư. Tôi ngồi bên cửa sổ với chiếc mũ Yankee sùm sụp, cẩn trọng không chạm mắt ai khi lấy hai chiếc chăn và cùng kéo đến tận cổ.
Chúng tôi đã ngồi ở cổng tưởng chừng đến hai giờ, nhưng theo đồng hồ tôi, thật ra chỉ mới bốn mươi phút. Trong khi hành khách xung quanh chuyện trò sôi nổi về chuyến thăm Đất Thánh sắp tới, Rachel và tôi giả vờ ngủ, nắm chặt tay nhau dưới lớp chăn. Cuối cùng chiếc El Al cũng chạy chầm chậm trên đường băng rồi lao rầm rầm vào bầu trời đêm.
“Ơn trời,” nàng thì thầm khi bánh xe cất lên khỏi nền bê tông.
Trong vòng mười một giờ nữa chúng tôi sẽ phải qua kiểm tra an ninh ở Tel Aviv, nhưng lên được máy bay là thắng được nửa trận chiến rồi, và tôi muốn tập trung vào thắng lợi nhỏ nhoi này. “Em ổn chứ?”
Nàng mở mắt ra, đôi mắt chỉ cách mắt tôi cái lưỡi trai của chiếc mũ Yankees. Tôi thấy trong ấy những cảm xúc mà tôi không hiểu nổi.
“Em cần hỏi anh vài điều, David.” Nàng nói như một bác sĩ tâm thần mà tôi đã biết trước khi hai đứa ái ân. “Chúng ta đang tới Jerusalem, và em muốn đi đến tận cùng câu hỏi tại sao. Em muốn anh xử sự như trong một buổi làm việc.”
“Không. Nếu em hỏi anh một số điều, anh có thể hỏi em một số điều khác. Và em phải trả lời thật. Đó là quan hệ giữa chúng ta bây giờ.”
Nàng ngần ngừ một chút rồi gật đầu. “Thế là sòng phẳng. Anh từng nói với em anh là người vô thần. Anh bảo mẹ anh tin tưởng vào một cái gì cao hơn loài người, nhưng không tin vào tôn giáo có tổ chức. Thế còn cha anh. Ông có bao giờ tuyên bố là vô thần không?”
“Không. Cha anh chỉ không tin vào cái quan niệm thông thường về Chúa thôi. Một vị Chúa dành hết quan tâm cho loài người. Cha là nhà vật lý. Họ vốn là những kẻ đầy hoài nghi.”
“Ông ấy có tin tưởng vào một thực thể siêu việt nào không?”
Cha tôi không phải típ người luôn luôn suy nghĩ ở “tầm vũ trụ”, nhưng có đôi khi – trong các cuộc cắm trại trên núi dưới bầu trời đầy sao – cha nói cho anh em chúng tôi biết niềm tin thực sự của ông.
“Cha anh có một quan niệm rất giản đơn về bản thể của sự vật. Đơn giản nhưng sâu sắc. Ông không nhìn con người tách rời khỏi vụ trụ, mà chỉ là một bộ phận của nó. Ông thường bảo, ‘con người là một vũ trụ có ý thức về bản thân mình’.”
“Hình như em đã nghe câu này ở đâu rồi thì phải?”
“Có thể. Anh cũng từng nghe những bậc thầy của phong trào New Age như Deepak Chopra 1 nói điều này. Nhưng cha anh đã nói cách đây hai mươi lăm năm.”
“Anh nghĩ ông muốn nói gì?”
“Chính là cái mà ông đã nói. Ông luôn luôn nhắc nhở bọn anh rằng mọi nguyên tử trong cơ thể chúng ta có lúc từng là một bộ phận của một vì sao xa xăm đã nổ tung. Ông nói về tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp diễn ra như thế nào và trí thông minh của con người là biểu hiện cao nhất của tiến hóa ra sao. Anh còn nhớ cha anh đã bảo anh bộ não một con ếch còn phức tạp hơn một vì sao nhiều. Ông coi ý thức con người là nơ ron thần kinh đầu tiên của vũ trụ có sự sống và ý thức. Một tia lửa lóe lên trong bóng tối, chờ đợi bùng lên thành ngọn lửa.”
Rachel trông có vẻ đăm chiêu “Thật là một ý tưởng đẹp đẽ. Không hẳn là một quan điểm tôn giáo, mà là một cách nhìn đầy hy vọng.”
“Và lại thực tế nữa. Nếu chúng ta là những vũ trụ có ý thức về bản thân mình, thì chúng ta có nghĩa vụ tinh thần phải sống còn. Để giữ gìn lấy món quà ý thức. Và để làm được thế, ta phải sống trong hòa bình. Từ đó có thể rút ra bao điều về những bộ luật khả thi, đạo đức, và mọi thứ.”
Rachel ngẫm nghĩ. “Anh có đồng ý với cha anh về quan điểm vũ trụ này không?”
“Anh đồng ý cho đến mấy tuần gần đây. Những ảo ảnh của anh không còn hoàn toàn phù hợp với nó nữa.”
Nàng đặt tay lên đầu gối tôi. “Chúng ta không biết chúng trùng hợp với cái gì, đúng không? Em cũng không nghĩ rằng quan điểm của cha anh loại trừ sự tồn tại của một đấng sáng thế. Anh vẫn còn lo mình sẽ chết nếu không đến được Jerusalem trước khi anh mơ thấy cảnh đóng đinh trên thánh giá à?”
Mối hiểm nguy trước mắt là bị cảnh sát bắt đã làm tôi xao nhãng nỗi lo này. “Anh vẫn còn cảm thấy nguy cấp, nhưng không giống như trước. Việc chúng ta đang trên đường đến đó khiến áp lực ấy dịu đi đôi chút.”
“Nếu anh đã mơ thấy cảnh đóng đinh trên thánh giá thì anh không nên lo lắng về điều đó. Một giấc mơ không thể giết được ai.”
Tôi thì không chắc lắm. “Chúng ta nói về em một chút nhé. Em nói em tin Chúa. Chính xác là em tin cái gì?”
“Em không thấy điều đó có liên can gì đến việc chúng ta đang làm.”
“Anh nghĩ cả hai chúng ta lên máy bay này vì cùng một lý do. Và anh nghĩ việc em tin cái gì có ý nghĩa quan trọng đấy.”
Mặt nàng buồn khôn tả. “Em đến với Chúa khá muộn. Hồi nhỏ em không bao giờ đi nhà thờ hay đến Giáo đường Do Thái.”
“Sao lại không?”
“Cha em quay lưng lại với Chúa khi ông mới bảy tuổi.”
“Sao còn nhỏ thế mà đã…?”
“Cha em bước sang tuổi thứ bảy trong một trại tập trung.”
Có gì trong tôi bỗng lạnh buốt.
Cái nhìn của nàng trở nên mơ màng như đang hướng về quá khứ. “Cha em tận mắt chứng kiến ông nội em bị giết. Đấy không phải chuyện bình thường, dù cho ở trại tập trung. Lúc ấy quân Đồng minh đang đến gần, bọn cảnh vệ Đức Quốc xã liền thủ tiêu tù nhân. Một thằng lính gác nghĩ ra một trò chơi với tiểu đội chuyên làm việc vặt của hắn. Hắn giết mỗi ngày một người. Hắn muốn để cho những người tù đói khát giết lẫn nhau và ai chịu giết sẽ được tha. Tất nhiên ông nội em từ chối. Ông vốn là nhà giải phẫu ở Berlin. Ông đã từng gặp Freud, đã trao đổi thư từ với Jung.”
Trí óc tôi quay cuồng khi lý do lựa chọn sự nghiệp của Rachel hiện rõ.
“Thằng lính gác đánh ông em đến chết trước mắt cậu bé là cha em. Từ đó cha em quyết định rằng một vị Chúa đã để cho cảnh ấy xảy ra đáng bị nguyền rủa chứ không đáng được cầu nguyện.”
Tôi muốn nói gì đó, nhưng lời nói lúc này phỏng có nghĩa gì?
“Cha em là một trong những người may mắn được nhập cư vào Mỹ. Ông được một người bà con xa ở Brooklyn bảo lãnh.” Rachel cười buồn. “Ông Milton, chú của cha em là thợ khóa. Việc cha em không chịu cầu nguyện khiến ông nổi giận, nhưng ông biết cha đã chịu đựng quá nhiều. Khi đến tuổi thành niên, cha em đổi tên thành White, chuyển đến Queens, và thôi gặp gỡ gia đình, dù vẫn gửi tiền cho họ. Ông kết hôn với một người ngoài Do Thái không theo đạo, và cha mẹ em nuôi dạy em trong một ngôi nhà không có ai theo đạo.”
Tôi kinh ngạc ngồi nghe. Ta gặp một khuôn mặt trên đường phố Mỹ, hay trong công sở, mà chẳng hề ngờ có một thiên sử thi bi thảm ẩn nấp đằng sau nó.
“Vì thế em luôn cảm thấy như người ngoài cuộc. Tất cả các bạn em đều đi nhà thờ, hoặc đến giáo đường Do Thái. Em thấy tò mò. Khi em mười bảy tuổi, em tìm ra ông Milton. Ông ấy nói cho em biết mọi chuyện. Sau đó… em gia nhập đạo.”
Nhiều bí mật nho nhỏ về tính cách của Rachel bỗng trở nên có nghĩa: việc nàng ăn mặc khắc khổ, giữ khoảng cách trong công việc, việc nàng ghê tởm bạo lực…
“Vấn đề là,” nàng tiếp tục, “em nghĩ em trở thành tín đồ Do Thái giáo bởi những nhận biết về cảm xúc và chính trị chứ không phải vì khao khát thực hiện ý muốn của Chúa.”
“Thế không có gì là sai.”
“Tất nhiên là có đấy. Nếu anh hỏi em thật sự suy nghĩ gì về Chúa, thì không có gì liên quan đến Torah hay Talmud_ 1 . Nó chỉ liên quan đến những gì em nhìn thấy trong cuộc đời mình.”
“Em thật sự đã nghĩ gì?”
Nàng đan tay lại trên đùi. “Em tin rằng sáng tạo có nghĩa là tạo ra những gì trước đấy chưa từng có. Nếu Chúa là hoàn hảo, thì cách duy nhất Người có thể thật sự sáng tạo là tạo ra một cái gì đó tách rời khỏi Người. Vậy theo định nghĩa thì cái mà Người sáng tạo ra phải không hoàn thiện. Anh thấy không? Nếu nó hoàn hảo, nó sẽ là Chúa.”
“Đúng.”
“Em tin rằng đối với con người, để khác với Chúa, chúng ta phải có khả năng lựa chọn. Tự do ý chí, đúng không? Và nếu những lựa chọn xấu không dẫn đến nỗi đau thật sự thì ý chí tự do không có ý nghĩa gì hết. Đó là lý do vì sao cái ác tồn tại trong thế giới của chúng ta. Em không biết tôn giáo còn bổ sung thêm gì nữa, nhưng dù là gì, thì đó vẫn là điều em tin.”
“Đó là cách giải thích phù hợp cho cái thế giới như ta nhìn thấy. Nhưng nó chưa nói gì về bí mật trung tâm. Tại sao Chúa lại cảm thấy bắt buộc phải tạo ra một cái gì đó?”
“Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ biết được.”
“Chúng ta có thể. Mặt trời sẽ nổ tung trong khoảng năm tỷ năm nữa. Ngay cả trong trường hợp vũ trụ sụp đổ từ bên trong – Big Scrunch – thì sự kiện sớm nhất có thể xảy ra cũng là hai mươi tỷ năm sau. Nếu chúng ta không tự hủy hoại mình, thì chúng ta còn khối thời giờ để trả lời câu hỏi đó. Có thể là mọi câu hỏi.”
Nàng mỉm cười. “Anh và em sẽ không bao giờ biết được.”
Nhìn sâu vào đôi mắt màu sẫm của nàng, tôi nhận ra mình đã hiểu nàng quá ít. “Em không hề cổ hủ như em ra vẻ. Anh ước gì em có dịp nói chuyện với Fielding.”
“Ông ấy tin tưởng gì vào Chúa?”
“Fielding luôn trăn trở với vấn đề cái ác. Ông ấy được nuôi dạy như một tín đồ Cơ Đốc, nhưng ông bảo cả Cơ Đốc giáo lẫn Do Thái giáo đều không bao giờ đối đầu trực diện với cái ác.”
“Ông ấy muốn nói gì?”
“Ông ấy nêu lên ba lời tuyên bố: ‘Chúa là toàn năng. Chúa là toàn thiện. Cái ác vẫn tồn tại.’ Người ta có thể liên kết một cách logic hai trong ba tuyên bố trên, nhưng không bao giờ là cả ba.”
Rachel gật đầu vẻ suy tư.
“Fielding nghĩ rằng chỉ các tôn giáo phương Đông mới đúng là Nhất thần giáo, vì chúng thừa nhận rằng cái ác từ Thượng đế mà ra, chứ không đổ tội cho kẻ yếu thế hơn như Satan chẳng hạn.”
“Còn anh? Anh cho rằng cái ác từ đâu mà ra?”
“Từ tim con người.”
“Tim bơm máu, David ạ.”
“Em hiểu anh muốn nói gì mà. Tâm lý. Một cái giếng tăm tối nơi bản năng nguyên thủy hòa trộn với trí thông minh con người. Nơi người ta thấy con người có thể hung bạo đến mức thật khó tưởng tượng ra những mưu ma chước quỷ đằng sau nó. Anh muốn nói, hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với ông em đi.”
Rachel siết chặt cánh tay tôi và nhìn tôi với vẻ khẩn khoản gần như khôn cùng. “Vào cái ngày ông em bị giết, có một khoảnh khắc ông em đã có thể giết thằng lính gác đó. Lúc ấy chỉ có ba tù nhân với một tên lính gác ở mỏ đá vắng vẻ. Chỉ còn một ngày nữa thôi là người Mỹ tới. Nhưng ông đã không làm điều đó.”
“Tại sao không?” tôi hỏi, sững sờ vì cảm xúc mãnh liệt của nàng.
“Em nghĩ ông biết một điều mà chúng ta đã quên.”
“Điều gì?”
“Rằng nếu anh cầm lấy vũ khí của kẻ thù, anh sẽ trở nên giống chúng. Jesus biết điều đó. Gandhi cũng vậy.”
“Ngay cả khi con trai anh đứng đó bên cạnh anh? Cần anh che chở? Anh vẫn phải nhẫn nhịn, và chịu hy sinh ư?”
“Anh không phạm tội giết người,” Rachel kiên quyết nói. “Nếu ông em giết thằng lính gác đó thì đêm ấy ông và cha em đã có thể bị hành hình rồi. Chúng ta không thể biết được tương lai. Đó là lý do khiến việc em làm hôm qua khiến em sốc đến thế. Em đã nhặt khẩu súng của anh và bắn vào đồng loại. Thật sự em đã làm gì khi hành động như thế?”
“Em đã cứu mạng anh. Cả mạng em nữa.”
“Trong một thời gian.”
Tôi siết chặt tay nàng. “Chúng ta còn sống đây, Rachel. Và anh tin mình có việc hệ trọng phải làm trước khi chết.”
“Em biết anh tin điều đó.”
Một anh chàng tiếp viên hàng không bỗng xuất hiện ngay bên chúng tôi trên lối đi giữa. Tôi không muốn ngước nhìn lên, nên ra hiệu cho Rachel quay lại.
“Sao ạ?” Rachel hỏi, giọng ngái ngủ.
“Các vị có muốn ăn tối không ạ?”
Nàng quay lại nhìn tôi, tôi gật đầu. “Có,” nàng nói. “Cám ơn.”
Người tiếp viên liếc xéo tôi một cái rồi bước đi.
Rachel nín thở. “Anh nghĩ gì vậy?”
“Anh không biết. Nghe có vẻ kỳ, nhưng có lẽ hắn muốn kiểm tra xem có thật chúng ta định ngủ qua cả bữa tối không.”
Nàng lắc đầu. “Em không thể.”
“Có, em có thể. Chúng ta ổn rồi.”
“Còn sân bay Tel Aviv thì sao?”
“Chúng ta sẽ qua đó an toàn.”
“Anh làm sao biết được.”
Tôi vuốt nhẹ má nàng và nói với niềm tin tưởng mà tôi không biết là mình có. “Anh biết chắc chắn. Có điều gì đó đang chờ anh ở Jerusalem.”
“Điều gì?”
“Một câu trả lời.”
——————————–
1 Bác sĩ, nhà văn, triết gia người Mỹ gốc Ấn.
2 Kinh sách Do Thái giáo.