Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Điều Bí Mật Của Chồng

Chương 8: Đã rét vì tuyết lại giá vì sương

Tác giả: Anh Tử

Sáng thứ Bảy hôm ấy, Điền Ca đưa Ni Ni đi tập múa, rồi hai mẹ con đến nhà bà ngoại ăn cơm trưa. Buổi chiều cô hẹn Chu Lệ Sảnh đi dạo.

Lần trước Lệ Sảnh đến tìm thì cô không có thời gian để nghe tâm sự. Bây giờ, cô lại rắp tâm mang buồn phiền đến giải tỏa với bạn. Ở tuổi cô, rất khó tìm được một người bạn để nhỏ to tâm sự, bộc bạch nỗi lòng, bởi có ai là không phải lo một đống chuyện nhà cửa chồng con cơ chứ. Nhưng Lệ Sảnh thì khác, cô nàng này độc thân một thời gian dài nên Điền Ca thoải mái trút bầu tâm sự; hiện tại, Lệ Sảnh đã lấy chồng, cuộc sống không còn vô ưu vô lo như trước, nhưng dù sao vẫn chưa vướng bận con cái.

Hằng ngày, Điền Ca và Lệ Sảnh đều có mặt ở bệnh viện, nhưng do không cùng phòng, nên hễ rảnh rang một chút là người này lại tranh thủ chạy đi tìm người kia nói chuyện tào lao một hồi để xả stress. Có lẽ, đây là một cách giải tỏa áp lực cuộc sống đơn giản và hiệu quả của phụ nữ. Trước đây, Lý Dương thường hay trêu vợ: “Hai em không phải là dân đồng tính đấy chứ?”. Còn Điền Ca thì liền đáp trả chồng ngay tắp lự: “Anh với Ngụy Xuân Phong mới là đồng tính ấy.”

Điền Ca và Lệ Sảnh hẹn ở quán café nằm ở tầng một trung tâm mua sắm Lệ Đạt.

– Gần đây cậu thế nào? Đã ký hợp đồng mua nhà chưa? – Vừa nhìn thấy bạn, Chu Lệ Sảnh ân cần hỏi thăm.

– Đang tức điên cả người đây! – Điền Ca nói thẳng suy nghĩ trong lòng.

Lệ Sảnh đã quá quen với câu cửa miệng “đang tức điên” của cô bạn thân. Mỗi lần Điền Ca nói câu đấy thì có nghĩa là tình hình chiến sự giữa hai vợ chồng cô đang rất căng thẳng.

– Lại làm sao rồi?

– Cãi nhau vì chuyện nhà ở. Anh ấy không cho mình mua nhà vào thời điểm này, bảo là mạo hiểm, phải chờ thêm một thời gian nữa.

– Thế thì cứ chờ đi, đằng nào cũng là nơi mình sống cả đời, chậm một chút có sao đâu.

– Đôi khi tớ chỉ muốn bỏ nhà đi thôi.

– Cậu đừng tiêu cực thế, – Chu Lệ Sảnh nói. – Cãi vã nhau vốn dĩ đã đủ bực mình rồi, giờ bỏ đi chẳng phải là càng to chuyện hơn sao? Định ra khách sạn sao? Xin can! Vừa mất tiền vừa chuốc bực vào thân. Đến nhà người thân? Chỉ càng làm mọi chuyện rối thêm thôi. Lang thang ngoài phố? Nhỡ gặp kẻ xấu thì sao! Cậu cho rằng rời khỏi nhà là đòn trừng phạt dành cho chồng ư? Đó là hình phạt cho bản thân cậu thì có. Tỉ dụ mình là cậu thì nếu cãi nhau thì người bỏ đi phải là anh ta, mình ở nhà chả sướng hơn à! Cứ kiên cường chống chọi cho đến khi chồng bỏ nhà ra đi, thì lần sau anh ta mới sáng mắt ra được, ha ha…

– Cậu đã thử chưa?

– Bọn mình lấy nhau được mấy ngày hả? Chưa tới mức ấy đâu. Nhưng sau này nếu gặp cảnh ngộ này thì chắc chắn mình không làm khổ bản thân giống cậu đâu.

Sau một vòng đi dạo, Lệ Sảnh mua được một đôi xăng-đan và hai cái áo váy, trong khi Điền Ca thì hai tay trống trơn, nhưng cô không chạnh lòng, bởi cô đã sớm quen rồi. Lệ Sảnh sống một mình nhiều năm, tiêu xài phóng khoáng, đồng tiền kiếm được chỉ để hưởng thụ, chứ không phải chắt bóp như Điền Ca, có gì ngon có gì đẹp đều nghĩ đến chồng con trước tiên. Nhiều lúc Điền Ca thấy Lệ Sảnh rất đáng thương, hơn ba mươi tuổi đầu rồi mà vẫn chưa được hưởng hạnh phúc làm mẹ, thôi thì tiêu xài hoang phí một chút cũng chẳng sao, coi như bù đắp phần nào thiệt thòi bản thân vậy. Cũng có lúc, nhìn bạn mua này mua nọ, Điền Ca cũng thấy ghen tỵ, nhưng rồi cô lại nghĩ, Lệ Sảnh tiêu sạch tiền vào một đống sản phẩm mà chả biết có dùng được hay không, hoặc có khi dùng chưa được bao lâu lại bỏ xó thôi, còn mình thì lại tiết kiệm được một khoản kha khá, thế là cô bình tâm trở lại.

Khi đã thấm mệt, hai người ngồi nghỉ chân ở hiệu trà trên tầng hai, một ấm trà ở đây chỉ 15 tệ, rất phải chăng. Mặc dù, khung cảnh xung quanh khá đơn điệu nhưng đối với hai người phụ nữ đã lập gia đình, điều đó không có gì quan trọng.

– Dạo này cậu sống thế nào? Trông mặt mũi rạng rỡ thế kia, thật làm người ta thèm muốn quá! – Điền Ca hỏi thăm tình hình của bạn.

– Cũng ổn, anh ấy rất tốt với mình, cậu cũng từng như thế mà.

– Cậu đi thế này, còn anh ấy thì sao? Cuối tuần chồng cậu không ở nhà à?

– Anh ấy về Tế Nam đón mẹ lên đây.

– Mẹ anh ấy tới ở lâu dài hả?

– Anh ấy tính như vậy. Bà cụ là mẹ kế, hồi xưa bà phải làm lụng cực khổ, nào là rang hạt dưa bán, nào là trông thang máy để tạo điều kiện cho anh ấy được đến trường và ra nước ngoài học. Chồng mình còn nói, sở dĩ anh ấy về nước một phần là để tiện chăm sóc bà. Cả đời bà vất vả, góa bụa từ khi còn trẻ, bản thân lại không sinh được con, nên về già phải trông cậy vào anh ấy thôi. Cậu nói, mình có thể ngăn cản ông xã tận hiếu không? Như thế thật thất đức. Mà nói thực, mình cũng ủng hộ anh ấy báo hiếu thật tốt.

– Cậu thật hiếu thảo.

– Nên chứ, hiếu kính với người già là điều nên làm mà, không phải vợ chồng cậu cũng rất hiếu thảo đấy thôi.

– Đúng là mình hiếu thảo với mẹ đẻ, nhưng không dám nhận là hiếu thảo với mẹ chồng. Quả thực, Lý Dương rất hiếu thảo, giá mà anh ấy không quá hiếu thảo thì bây giờ chúng mình cũng không đến nỗi thê thảm, không mua nổi nhà thế này. – Điền Ca cười gượng. Chuyện đã qua không nên nhắc lại, hễ đả động tới là cô lại rớt nước mắt chua xót. Hơn nữa, thường ngày cô không giữ mồm giữ miệng, bao nhiêu chuyện xấu trong nhà, Lệ Sảnh đều biết tỏng, nhắc lại chỉ nhàm tai.

Đang nói chuyện, điện thoại của Chu Lệ Sảnh bỗng đổ chuông. Khi cô nghe máy, nét mặt bừng sáng, giọng nói cũng trở nên điệu đà. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhất định là chồng gọi tới.

Khoảng năm sáu giờ tối, Lý Dương xách thức ăn về, Điền Ca và Ni Ni đã ở nhà rồi.

Ni Ni đang ngồi chơi đồ hàng, còn Điền Ca thì xắn tay áo lau sàn nhà. Nghe tiếng bước chân của anh, cô thẳng lưng, ngó đầu nhìn ra. Tâm trạng của cô đã trở lại bình thường, ánh mắt không còn vẻ thù ghét, cứ như chưa có chuyện gì xảy ra vậy.

Vợ mình thật tốt bụng, Lý Dương nghĩ thầm. Ưu điểm lớn nhất của cô là không hề biết để bụng, thỉnh thoảng nổi giận, cáu kỉnh một tí rồi thôi, sau đó lại giống như sóng xô bờ cát, nhẹ nhàng xóa đi những dấu vết buồn phiền. Bất kể có chuyện gì, cô cũng chỉ giận dữ trong vòng mười hai tiếng đồng hồ.

– Về rồi à? – Cô nói.

– Về rồi.

– Cả ngày hôm nay ở cơ quan à?

– Không ở cơ quan thì biết ở đâu? Tăng ca mà.

– Thứ Bảy thì tăng ca cái gì?

– Công việc cơ quan có lúc nào làm hết đâu.

– Anh về thật đúng lúc, mau mau nấu cơm đi. Hôm nay, hai mẹ con em lang thang bên ngoài cả ngày, đói bụng lắm rồi. – Điền Ca làm lành.

– Thế không ăn chút gì lót dạ à?

– Lệ Sảnh mời đi ăn tối, nhưng em từ chối. Thứ nhất, em phải đi đón Ni Ni; thứ hai, có đi thì phải có lại, em làm gì có tiền để mời cô ấy chứ? Tốt nhất là không ai nợ ai; còn thứ ba, ăn hàng ăn quán có ngon lành gì, về nhà ăn cơm của chồng còn ngon hơn. – Điền Ca quay sang Lý Dương cười nhẹ.

– Chờ nhé, anh nấu cơm phục vụ hai mẹ con ngay đây! – Lý Dương phấn chấn tinh thần, quên sạch những mệt mỏi do công việc mang lại.

Từ lúc gặp Trần Tích Tích nói chuyện, lòng Lý Dương nặng trĩu. Giây phút này, nụ cười của Điền Ca như ánh sáng mặt trời chiếu rọi lòng anh. Anh chợt nhớ đến sự gắt gỏng của mình sáng nay mà không khỏi day dứt. Suy cho cùng, lỗi không phải ở Điền Ca. Anh cáu giận vì cô quyết định giao tiền đặt cọc mà không báo cho anh một tiếng, nhưng ngẫm cho cùng, mọi việc cô làm cũng chỉ là vì gia đình này.

Rửa tay xong, Lý Dương mang tạp dề, chui ngay vào bếp. Nỗi day dứt như động lực thúc đẩy anh nấu bữa tối tỉ mẩn hơn. Đối với rau xanh, dù xào suông hay làm món trộn, anh đều ngâm nước muối rồi mới chần qua nước sôi. Làm như thế, rau xanh sẽ bị mất vitamin nhưng chí ít cũng loại bỏ được 80% dư lượng thuốc trừ sâu. Phụ nữ và trẻ em là hai cành hoa mỏng manh yếu đuối, nhất định phải che chở cẩn thận.

Ăn tối xong, Lý Dương không thể tiếp tục lảng tránh vấn đề được nữa. Sự đã rồi, hoặc tiến hoặc lui, thế nào cũng phải đưa ra giải pháp.

Anh chưa kịp mở miệng thì cô đã bắt đầu vào đề. Tuy hôm nay cô vẫn đưa con gái đi học vẽ, học múa… như thường ngày, nhưng kỳ thực, từ khi giao tiền đặt cọc, Điền Ca như ngồi trên đống lửa.

– Hôm nay em đã hẹn với bên môi giới và chủ nhà, nội trong ngày mai anh phải đến khu chung cư Nguyệt Quang Sơn Sắc để xem nhà, nếu anh không có ý kiến gì thì vài ngày tới giao thủ phó.

– Em thực sự ưng căn hộ đó ư?

– Vâng!

– Căn hộ đó cũng tạm ổn à?

– Không phải là tạm ổn mà là rất rất ổn.

– Thế thì được rồi, anh không cần xem nữa.

– Không được, chuyện lớn như thế, anh phải đi xem chứ.

– Nếu anh đi xem rồi nói không ưng thì em có thể rút lui không? Chẳng phải là làm mất hứng của bà xã sao?

– Không được, anh phải đi xem, em tin anh nhất định sẽ rất thích. Anh gật đầu thì em mới vững dạ, bằng không em cứ thấp thỏm như làm chuyện có lỗi ấy.

– Vậy em cho anh mấy ngày. Ngày mai anh phải tăng ca, dạo này cơ quan rất nhiều việc, chuyện nhà ở cứ tạm thời tạm gác lại đã, đừng nhắc tới nữa, mệt mỏi lắm. Mai Ni Ni được nghỉ, em đưa con đi công viên chơi, hoa anh đào nhanh tàn lắm, hai mẹ con tranh thủ chụp mấy tấm ảnh đi nhé.

Vì Điền Ca hạ quyết tâm như thế, nên giờ Lý Dương chỉ muốn kéo dài thời gian để nghĩ cách xoay tiền.

– Còn chuyện gì quan trọng hơn chuyện nhà ở chứ? Anh đừng gây áp lực cho em, bây giờ, em có lòng dạ nào mà đi dạo công viên? Đợi lo xong chuyện nhà ở rồi đi dạo cũng chưa muộn.

– Sao em không chờ được hai ngày nữa chứ? Mua bán không nên hấp tấp.

– Với tình hình hiện nay, anh không nhanh chân thì sẽ có người khác hớt tay trên. Anh đã nhất quyết không chịu đi thì em không ép nữa, anh đưa thẻ ngân hàng đây cho em, ngày mai em đi rút tiền. Chỉ cần chủ nhà đồng ý sang tên là ký hợp đồng luôn, ký sớm ngày nào hay ngày ấy, tránh để đêm dài lắm mộng.

– Nghe anh, đừng ký vội, em cho anh thời gian đi.

– Em cho anh thời gian nhưng người ta có cho em thời gian không? Ngộ nhỡ ngay ngày mai chủ nhà tăng giá, thế chẳng phải là mất oan thêm mấy chục vạn tệ nữa không. Hoặc là bị người khác tranh mất nhà thì công sức mấy ngày qua của em coi như công cốc. Lý Dương, không phải là em oán trách anh, nhưng nếu lại tuột mất cơ hội lần này thì có lẽ cả đời chúng mình cũng không mua được nhà đâu.

Điền Ca nói hết tâm can, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Lời cô nói đều là sự thực. Năm nào, hai vợ chồng cô cũng muốn mua nhà mới, nhưng vì giá cả tăng cao nên họ đành phải gác lại giấc mơ đó… Ai mà ngờ được, cuộc sống lại khó đến thế.

Hồi năm 2006, thiếu chút nữa là hai người đã gom đủ thủ phó, nhưng bố Lý Dương đột nhiên phát bệnh nên phải nằm viện, chi phí phẫu thuật lên đến 3 vạn tệ. Bố mẹ anh không có tiền để dành, anh cả Lý Dương chỉ làm ăn buôn bán nhỏ trong thị trấn, ngày kiếm được ngày không, lại còn phải nuôi vợ con, đừng nói ba vạn tệ, cho dù bảo anh bỏ ra hai ba nghìn tệ, chị dâu cũng xót đay đảy, lấy đâu ra tiền cơ chứ. Lý Dương không thể thoái thác trách nhiệm, gánh trọn chi phí phẫu thuật của bố. Năm 2008, vừa tích góp được mấy vạn tệ thì nhà Lý Dương lại xảy ra hai việc lớn. Một là việc Lý Khu – em gái Lý Dương đỗ nghiên cứu sinh, cần một khoản tiền học phí, thế là Lý Dương chuyển gấp 1 vạn tệ vào tài khoản của em gái, để cô tiếp tục sự nghiệp học hành. Hai là, mấy ngày hôm sau, mẹ Lý Dương đang đi trên đường thì bị một chiếc xe máy tông phải, người gây ra tai nạn là một cậu thanh niên trẻ tuổi. Anh cả Lý Dương đến tìm cậu ta mấy lần, nhưng ngặt nỗi, nhà cậu ta chỉ có bốn bức tường trống huơ trống hoác, bố mẹ cậu ta thì tuyên bố thẳng thừng: “Đòi tiền thì không có, đòi người thì chẳng biết nó đã biến đi đâu. Các người đi mà bảo nó bồi thường, chúng tôi không liên quan.” Lần đó, chi phí điều trị cho cái chân gãy của mẹ lên đến hơn 1 vạn tệ lại đè lên đầu Lý Dương. Anh có thể trơ mắt nhìn mẹ què chân sao? Lúc đầu, gia đình anh còn hi vọng tìm ra cậu thanh niên để bắt bồi thường ít tiền, ai ngờ ba tháng sau, anh cả biết được cậu ta đang trốn ở nhà, nhưng khi đến nơi thì cậu ta đã chết rồi, người nhà đang làm tang ma. Hóa ra trong vụ tai nạn, cậu ta cũng bị thương nhưng vì nhà nghèo, không có tiền vào viện, lại còn thêm nỗi lo bồi thường nên bố mẹ đưa cậu ta đến nhà người thân lánh mặt. Sau đó cậu ta đổ bệnh, nằm bẹp ba tháng, cuối cùng xuất huyết nội tạng mà chết. Nghe tin, Lý Dương nghẹn đắng lòng, không phải do tiếc tiền mà anh thực sự không thể hiểu nổi tại sao xã hội phát triển như thế mà vẫn có những người nghèo bần cùng đến mức đấy.

Yên ấm chưa được một năm, mùa xuân năm 2009, con trai của anh cả Lý Dương mắc bệnh lạ, tiểu tiện rả rích suốt ngày đêm, kê đơn bốc thuốc hơn đủ kiểu mà vẫn không tìm ra được nguyên nhân. Thằng bé mới chín tuổi, hằng ngày đến trường với cái quần ướt nhẹp, có khi nó đòi đóng bỉm cho đỡ xấu hổ nhưng vì giá cả đắt đỏ nên chị dâu xót ruột, đành phải hong đi hong lại trên bếp than cho khô rồi bắt thằng bé mặc vào. Vợ chồng anh chị muốn đưa con đến một bệnh viện lớn ở Trịnh Châu chữa trị nhưng lần nữa mãi vì chưa có đủ tiền. Một hôm, thằng bé đi học về, nấp sau cánh cửa khóc nức nở: “Con không muốn sống nữa, không muốn sống nữa.” Lý Dương biết chuyện, anh lập tức gửi về quê 1 vạn tệ và gọi điện bắt anh cả đưa con đến Trịnh Châu làm phẫu thuật ngay lập tức.

Thế đấy, mỗi lần ở quê xảy ra chuyện, Lý Dương đều phải gửi tiền về trợ giúp. Có lúc anh báo cáo với vợ: “Bà xã không gật đầu, anh nào dám tự ý sử dụng tiền trong nhà chứ”. Nhưng cũng có khi anh lại tiền trảm hậu tấu: “Gặp phải chuyện như thế, anh bàn bạc với em trước, rồi mới giúp đỡ gia đình, thế chẳng phải là bôi nhọ danh dự của em ư? Nếu em là anh, em có thể bỏ mặc không?”. Lần nào thấy Lý Dương mang số tiền hai vợ chồng è cổ tích góp từng đồng chi viện cho gia đình, Điền Ca đều khóc, nhưng cô biết nước mắt chẳng có tác dụng gì, cô không thể ngăn cản việc làm của anh nên cũng đành miễn cưỡng nói: “Cứu người quan trọng hơn, anh mau gửi đi…”. Đúng vậy, cô làm sao có thể để mẹ chồng mang tật ở chân, để cháu trai vì mặc cảm mà không muốn sống nữa. Điền Ca chỉ có thể tự nhủ: Đây chính là số mệnh của mi, mi lấy người như thế thì phải chấp nhận số mệnh thôi.

Cuối năm ngoái, Lý Dương và Điền Ca từng hai lần tìm được căn hộ như ý, nếu lúc đó hai người cố gắng vay mượn mỗi chỗ một tí, thì cũng đã mua được nhà rồi. Tháng trước, Điền Ca thích một căn hộ second-hand, nhưng do hai vợ chồng không biết chớp thời cơ nên ngôi nhà đã được đổi chủ. Đã thế chỉ sau một tháng, giá nhà tăng 15%. Tiền lương, tiền thưởng, tiền tăng ca cả năm trời của hai vợ chồng, cộng lại không đắp đủ tiền tăng giá.

Lý Dương nhớ Điền Ca ngày xưa thích chưng diện, thích làm đẹp là thế, vậy mà từ khi làm vợ anh, cô quanh năm suốt tháng mặc đồ cũ, nhiều lúc muốn mua cái quần cái áo cũng phải đắn đo nửa ngày. Anh xót xa ôm cô vào lòng, rủ rỉ:

– Cưng à, đều tại anh không tốt, làm em phải chịu cực khổ. Em cho rằng anh thích ở gác xép sao? Hay tại anh không muốn để vợ con được sống sung sướng? Em nói đúng, chúng mình sống khổ sở như thế này, hoàn toàn là lỗi của anh. Anh không có bản lĩnh, anh là đồ bỏ đi, anh có lỗi với em và con…

Nước mắt Điền Ca lã chã rơi, cô đưa tay bịt miệng anh.

– Đừng nói như vậy, chuyện qua rồi không nên nhắc lại nữa. Sau cuộc sống vợ chồng mình sẽ tốt đẹp hơn, dù sao thì vợ chồng mình cũng nên chung sức chung lòng mua căn hộ này nhé!

– Ừ, chung sức chung lòng, không ai được thay lòng đổi dạ. – Lý Dương khẽ vỗ lưng Điền Ca, – Anh hiểu rồi, anh không trách em đâu, anh chỉ giận mình thôi. Ngày hôm qua thực sự là anh rất bận, có khi nào anh nói dối em đâu? Chỉ cần em hài lòng với căn hộ đó thì anh thế nào cũng được, dù sao em cũng giao tiền đặt cọc rồi còn gì. Thôi, không khóc nữa, mau đi rửa mặt đi, đừng để Ni Ni trông thấy, xấu hổ lắm…

Lý Dương kéo Điền Ca vào phòng tắm, vặn nước ấm, cầm khăn mặt lau cho cô rồi đưa cô về phòng ngủ nằm nghỉ, còn mình thì quay lại phòng tắm bưng nửa chậu nước, đặt xuống sàn phòng ngủ, sau đó anh phơi một chiếc khăn ướt lên đầu giường. Mặc dù, bây giờ đang là mùa mưa nhưng có lẽ là do dãy Phù Sơn chặn đứng hơi ẩm từ biển thổi vào nên không khí trong phòng hơi khô hanh. Ni Ni còn nhỏ nhưng sức khỏe khá tốt nên không có gì đáng lo, chỉ có Điền Ca là thường bị khô miệng sau khi ngủ dậy, nên Lý Dương phải dùng phương pháp đơn giản này để tăng độ ẩm cho căn phòng.

2

Sáng Chủ nhật, Lý Dương chạy hai vòng xung quanh khu, mồ hôi chảy nhễ nhại, nhưng anh vẫn thấy khoan khoái, dễ chịu hẳn.

Trong khu có mấy quán bán đồ ăn sáng, họ vừa mới vớt quẩy ra khỏi chảo dầu, mùi thơm hấp dẫn lan tỏa nương theo gió, xông vào mũi Lý Dương. Hai mẹ con Điền Ca thường không ăn bánh quẩy, bởi lẽ Điền Ca cho rằng, quẩy được rán bằng dầu bẩn, không tốt cho sức khỏe. Ni Ni cũng thích quẩy lắm nhưng mẹ không cho nên cũng không dám ăn. Ngược lại, Lý Dương lại rất khoái món này. Trong kí ức của anh, quẩy là món ngon ít gặp, không phải dịp lễ tết thì khó mà được ăn chúng. Cho nên, hễ ngửi thấy mùi quẩy, nhất là vào một buổi sáng thoáng đãng như thế này, anh không thể cưỡng lại được ý muốn ăn ngay vài miếng.

Hai mẹ con Điền Ca không chịu được mùi dầu chiên nên Lý Dương ngồi một mình trên ghế đá, tay cầm một cái quẩy, thong thả đưa vào miệng, những kỉ niệm ngọt ngào thời thơ ấu lại ùa về trong anh. Lý Dương thoáng thấy bóng dáng của lão Dương quét dọn vệ sinh trong khu, một tay lão cầm cán hót rác, tay kia cầm chổi rơm, vừa đi vừa vun rác lại thành đống. Anh đang nghĩ bụng, lão Dương thật chịu khó, mới sớm ra đã cặm cụi làm việc rồi. Không ngờ lão quay sang phía anh, cười nhẹ:

– Chào anh!

– Bác Dương…

– Ơi! – Lão Dương quay đầu lại, cười híp mắt nhìn Lý Dương với vẻ ngờ ngợ, – Gọi tôi à?

– Vâng, chúc bác buổi sáng tốt lành. – Lý Dương mỉm cười.

Dạo trước lão Dương bị thoát vị đĩa đệm, lưng còng xuống chẳng thể đứng thẳng được. Ấy thế mà, lão vẫn cầm cây hốt rác và chổi rơm, tập tễnh quét dọn vệ sinh từng hành lang, chẳng chịu ngơi nghỉ lấy một ngày. Thường thì, hai vợ chồng lão mỗi người một nơi. Vợ lão ở quê, còn một mình lão sống trong căn phòng mười mét vuông dưới tầng hầm đầy ắp phế liệu, không có cửa sổ, quanh năm ngai ngái mùi nấm mốc ẩm ướt. Vậy mà, lúc nào anh cũng thấy lão Dương cười ha hả, cứ như chưa từng nếm trải mùi vị buồn khổ trong đời. Bất giác, Lý Dương nghĩ đến mấy tay sếp bự như Trương Quý Tam. Họ ở nhà lầu, đi xe hơi, mặc quần áo hàng hiệu, ngày ngày được đón rước đi dự tiệc, uống rượu Mao Đài như nước lọc, ăn hải sâm đến chán ngấy, song động một tí là cau có bực tức. Từ sáng đến tối, một năm bốn mùa, luôn âu sầu vì chưa giải quyết xong công việc.

Lý Dương rất muốn hỏi lão Dương, cái lưng của bác thế nào rồi? Vẫn ổn chứ? Nhưng lại thôi, anh và lão có quan hệ gì chứ, nếu cái lưng của lão vẫn còn đau, liệu anh có đưa lão vào viện chữa trị không? A! Đúng rồi, chuyện ấy thì Điền Ca có thể giúp đỡ, cô sẽ lén siêu âm cho lão, như vậy sẽ bớt được chút tiền viện phí. Thế nhưng Lý Dương vẫn im thin thít, lặng lẽ nhìn dáng người thấp bé và gầy yếu của lão Dương khuất dần sau tòa nhà.

Sữa đậu nành tươi là cho Ni Ni, bánh mì mới ra lò là của Điền Ca, Lý Dương xách đồ ăn sáng đến cửa nhà, rồi cẩn thận dùng khăn tay lau sạch vết dầu mỡ trên miệng. Anh không muốn vợ con phát hiện ra mình vừa ăn quẩy.

Điền Ca đang mặc quần áo và chải đầu cho con gái. Từ khi ba tuổi rưỡi, Ni Ni đã bắt đầu thích làm đẹp, mỗi dịp cuối tuần mà Điền Ca không buộc tóc thắt nơ con bướm cho thì nó nhất định không chịu ra khỏi cửa. Làm đỏm cho con gái xong, Điền Ca vào bếp bưng ra hai món ăn nhẹ: Rau trộn quả ô-liu, và một đĩa trứng rán. Cô còn nấu một nồi cháo đầy dinh dưỡng với gạo tẻ, đỗ đen, kê vàng, gạo nếp, ý dĩ, và khoai lang. Cuối tuần có thời gian, nên cô thường vào bếp nấu nướng phục vụ hai bố con.

Điền Ca múc cháo cho cả nhà, rồi nói với Lý Dương rằng:

– Dì anh vừa gọi điện lên đấy.

– Lúc nào? – Lý Dương phấp phỏng, cái bà dì này cũng thật là, mượn tiền mà còn đuổi tới tận nhà.

– Anh vừa ra khỏi nhà không lâu, tầm hơn sáu giờ thôi.

– Chuyện gì thế? – Lý Dương thừa biết nhưng vẫn cố tình hỏi.

– Con trai dì kết hôn, hỏi mượn anh ít tiền . – Điền Ca nói, – Em đang vo gạo trong bếp thì trên nhà có chuông điện thoại, mới sáng sớm đã gọi, em còn tưởng cơ quan có việc gì khẩn cấp chứ. Vừa nhấc điện thoại lên, thì có một người phụ nữ nói giọng địa phương đặc sệt hỏi “Cô là ai?”. Em đáp, “Cháu là Điền Ca.” Dì hỏi tiếp, “Có Lý Dương ở nhà không?”. Em nói, “Anh ấy vừa mới đi khỏi”. Dì buông một câu “thôi vậy!” rồi cúp máy luôn. Hơn chục phút sau, em đang trộn rau thì dì gọi lại lần nữa. Em nói: “Dì có việc gì thì cứ nói với cháu, cháu sẽ chuyển lời đến Lý Dương”, thế là dì kể đầu đuôi sự tình.

Điền Ca bắc chước giọng Hà Nam nặng trịch, làm Ni Ni cười nghiêng ngả. Lý Dương hơi nhếch miệng cười phụ họa, rồi anh đi rửa tay, ngồi vào bàn.

– Ôi! Giọng quê anh, sao lại khó nghe thế!

– Bây giờ em mới biết à?

– Ngày trước anh nói giọng địa phương, em không thấy khó nghe, nhưng dì nói thì cứ kỳ kỳ thế nào ấy? Mà anh có dì à? Sao em chưa thấy anh nhắc tới bà ấy bao giờ?

– Nhiều năm không liên lạc mà.

– Nhiều năm không liên lạc, thế sao lúc cần mượn tiền lại nhớ tới anh nhỉ? Anh cho dì mượn chưa?

– Anh đâu có tiền cho dì mượn? Đừng bận tâm đến dì.

– Ừm. – Điền Ca thở dài, – Người ta đã mở miệng rồi, con cái kết hôn là chuyện đại sự, hay mình đưa thêm cho dì ít tiền, gọi là quà mừng cưới.

– Không thêm bớt gì cả. Họ hàng ở quê đông lắm, sau này ai có việc gì cũng gọi điện lên, thì biết bao nhiêu cho vừa? Thằng con nhà dì mới 20 tuổi, vội kết hôm làm gì? Lại còn bảo không có tiền làm đám cưới, thế thì đừng cưới nữa, hoãn lại một vài năm không được à?

– Tùy anh thôi, dù sao cũng là họ hàng nhà anh. – Điền Ca nghĩ bụng, vợ chồng mình cũng chưa làm đám cưới đấy, nhưng hồi đó, chúng mình không đi mượn tiền người khác vì da mặt không đủ dày, mồm miệng không đủ rộng.

– Không nói mấy chuyện này nữa, anh phải ăn nhanh rồi đi đây. – Lý Dương bưng bát cháo lên, húp soàn soạt mấy miếng.

– Bố đi đâu thế ạ? – Ni Ni buông thìa xuống, tròn xoe mắt, – Con không ăn nữa, bố lại ra ngoài, con không ăn nữa.

– Ngoan nào, để bố bón cho con nhé. – Lý Dương cầm thìa lên, – Bố phải đi làm kiếm tiền để sau này được ở bên Ni Ni nhiều hơn, con hiểu chưa?

Ăn sáng xong, Lý Dương vào phòng tắm cạo râu, Điền Ca tựa cửa, ngắm khuôn mặt của anh trong gương, tiếp tục câu chuyện tối hôm qua.

– Hay anh để lại thẻ ngân hàng cho em rồi hãy đi làm.

– Thủ phó là bao nhiêu? – Lý Dương ngừng tay, bọt xà phòng còn dính đầy trên má.

– 20% của 110 vạn tệ, vị chi là 22 vạn tệ. Trong thẻ của anh có 20 vạn tệ, vàng khoảng hơn 2 vạn tệ, cổ phiếu 3 vạn tệ, trừ thuế của hai loại này thì cơ bản là đủ rồi. Em thấy căn hộ này rất phù hợp với hai vợ chồng mình nên không muốn bỏ lỡ cơ hội. Trên thị trường hiện nay, nguồn nhà second-hand đang cực kỳ hiếm, không dễ tìm được một căn hộ ưng ý đâu. Bây giờ anh đưa thẻ ngân hàng cho em, em đã nói chuyện với chủ nhà rồi, nếu hôm nay chưa ký được hợp đồng, thì em cũng muốn đưa thêm tiền đặt cọc. Mình phải nắm đằng chuôi, đợi ký xong hợp đồng chuyển nhượng, mình đi vay tiền của quỹ đầu tư công cộng, là đủ để sửa sang nhà cửa thôi.

– Nhất định phải giao tiền hôm nay ư?

– Hôm nay không đưa thêm tiền cho chủ nhà thì em không yên tâm. Em sợ ông ta lại nâng giá thêm 10 vạn tệ nữa, thì chúng mình sẽ mất trắng tiền lương trong hai năm tới.

– Anh thấy có gì đó không được bình thường, giá bán càng bị đẩy lên cao thì ta càng không được manh động.

– Chính vì nhiều năm qua mình đều nghĩ như thế nên đến giờ vẫn không có nhà đấy anh. Vợ chồng mình không thể mắc sai lầm lẫn nữa anh à.

Lý Dương thở dài.

– Hiện anh không mang theo thẻ.

– Vậy nó ở đâu?

– Phòng làm việc.

– Chẳng phải anh luôn mang thẻ bên người sao? Để trong phòng làm việc làm gì? Không sợ người ta lấy trộm à?

– Trước đây vẫn mang theo vì trong thẻ có đồng nào đâu. Bây giờ có những 20 vạn tệ trong thẻ, lúc nào cũng mang số tiền lớn như vậy bên người thì liệu có an toàn không? Cất trong két sắt ở phòng làm việc, có bảo vệ trông coi 24/24 giờ, còn chỗ nào an toàn hơn đâu.

Điền Ca nhất định không chịu buông xuôi.

– Thế thì em đi cùng anh đến phòng làm việc, lấy được thẻ rồi, anh làm việc của anh, em làm việc của em.

– Điền Ca, đừng ép anh có được hay không, chỉ cần chậm lại một hai ngày thôi, anh chắc chắn sẽ cho em câu trả lời.

Trên đường đến cơ quan, Lý Dương lại nhận được điện thoại của dì. Trên xe đông người ồn ào nên anh trả lời lát nữa tới công ty sẽ gọi lại cho dì, rồi cúp máy. Lần trước dì gọi đến là hôm nào nhỉ? Lúc đó, anh trả lời là để suy nghĩ thêm, nhưng rồi công việc bề bộn làm anh quên béng đi mất. Đến cơ quan, Lý Dương gọi điẹn cho dì, thuật lại chính xác tình hình tài chính của gia đình. Có điều anh không kể chuyện mất tiền, mà chỉ bảo đang chuẩn bị mua nhà nên hiện không có tiền nhàn rỗi, mong dì thông cảm.

Hiển nhiên là dì không tin.

– Lý Dương, cần gì phải nói thế? Nếu thực sự không được thì thôi, coi như ta chưa nói gì cả.

Dì đã ngoài bốn mươi tuổi nên cũng không dễ gì mở miệng nhờ cháu, lại còn tốn tiền gọi điện cho anh, bây giờ mặc kệ như thế cũng không thỏa đáng. Lý Dương im lặng nửa phút, rồi kiên định nói:

– Dì ơi, thực sự bây giờ cháu không lấy đâu ra tiền cho dì mượn làm đám cưới, nhưng vợ chồng cháu sẽ gửi cho dì 500 tệ tiền mừng cưới, có được không ạ?

– Thế cũng được. – Bà dì đổi giọng ngay lập tức, tỏ ý mừng rỡ. – Cảm ơn hai cháu nhé!

Lý Dương buông điện thoại xuống, mở máy tình, truy cập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến của mình rồi nhấn lệnh chuyển khoản 500 tệ cho dì. Có ai hiểu được anh phải ngậm bồ hòn làm ngọt thế nào không?

Bình luận