“Tôi mơ ước có một ngày kia, trên những ngọn đồi cháy đỏ bang Georgia, con cái của những người nô lệ và của chủ nô xưa có thể ngồi bên nhau như những người anh em”
Martin Luther King Jr, 1963
Đến năm 1960, nước Mỹ đã sắp sửa chứng kiến sự thay đổi xã hội lớn lao. Xã hội Mỹ luôn là một xã hội cởi mở và linh hoạt hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, xã hội Mỹ cho đến thời điểm đó vẫn do người da trắng thống trị. Trong những năm 1960, các nhóm dân cư trước kia không có tiếng nói hoặc bị coi là thuộc tầng lớp dưới đã trở nên mạnh mẽ hơn và đã đạt được thành công trong việc đòi quyền dân sự ở các phong trào như: phong trào của người Mỹ gốc Phi, của người da đỏ, phụ nữ, con cái của các dân tộc da trắng mới nhập cư và người châu Mỹ La-tinh. Phần lớn sự ủng hộ mà họ nhận được đến từ tầng lớp thanh niên đông đảo hơn bao giờ hết, một tầng lớp thanh niên được tiếp cận với hệ thống các trường cao đẳng và đại học đang phát triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Thường đua theo những lối sống phản văn hóa và các hệ tư tưởng chính trị cấp tiến, nhiều con cái của thế hệ Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã nổi lên như những người vận động cho một nước Mỹ mới mà đặc trưng của nó là sự đa văn hóa và đa sắc tộc – một xã hội mà trước đây, ông cha họ thấy khó có thể chấp nhận được.
PHONG TRÀO ĐÒI QUYỀN CÔNG DÂN TỪ 1960 ĐẾN 1980
Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi đã đạt được đỉnh cao vào thập niên 1960. Sau những thắng lợi liên tiếp vào thập niên 1950, người Mỹ gốc Phi càng cam kết mạnh mẽ hơn đối với hình thức đấu tranh trực tiếp không dùng bạo lực. Các tổ chức như Hội nghị Quyền lãnh đạo Thiên Chúa giáo miền Nam (SCLC) đã tạo ra tầng lớp tăng lữ người Mỹ gốc Phi và ủy ban Phối hợp Ôn hòa Sinh viên (SNCC) gồm các nhà hoạt động trẻ tuổi là những tổ chức đấu tranh cho cải cách thông qua đối kháng hòa bình.
Năm 1960, các học sinh trung học người Mỹ gốc Phi ngồi tại quầy ăn phân biệt sắc tộc tại trường Woolworth, bang Bắc Carolina và cự tuyệt không chịu dời đi. Cuộc biểu tình của họ đã thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và khởi xướng cho các cuộc biểu tình tương tự khắp các bang miền Nam. Vào năm sau, những người biểu tình đòi quyền công dân đã tổ chức các cuộc diễu hành đòi tự do bằng xe buýt, người da đen và da trắng đều lên những chiếc xe buýt tiến về miền Nam, đi tới những bến xe vẫn còn giữ nguyên thói phân biệt chủng tộc. Ở đó những cuộc biểu tình này có thể thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin và khiến tình hình phải dần dần thay đổi.
Các đại biểu cũng tổ chức những cuộc họp quan trọng mà sự kiện lớn nhất là Cuộc tuần hành Washington năm 1963. Đã có hơn 200.000 người tập trung tại thủ đô nước Mỹ để biểu thị cam kết của họ về quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Cao trào của một ngày tràn ngập tiếng hát và những bài phát biểu hùng hồn đã đến cùng với bài phát biểu của Martin Luther King Jr., người đã xuất hiện với tư cách là người phát ngôn tiêu biểu cho quyền công dân. “Tôi mơ ước có một ngày trên những ngọn đồi cháy đỏ xứ Georgia, con cái của những nô lệ và những chủ nô xưa có thể ngồi bên nhau bên chiếc bàn của tình huynh đệ” – Luther King tuyên bố. Mỗi khi ông nói đoạn điệp khúc “Tôi có một ước mơ”, cả đám đông lại hô to hưởng ứng.
Nhưng sự tiến bộ ban đầu đạt được đã không tương xứng với những lời phát biểu hùng hồn của phong trào đòi quyền công dân. Tổng thống Kennedy ban đầu lưỡng lự không gây sức ép với những người da trắng ở miền Nam phải ủng hộ quyền công dân của người da đen vì ông đang cần những lá phiếu của họ cho những vấn đề khác. Tuy nhiên, các sự kiện mà người Mỹ gốc Phi khởi xướng đã buộc ông phải ra tay. Khi James Meredith bị từ chối không được chấp nhận vào học ở trường Đ ại học Mississippi vào năm 1962 vì lý do sắc tộc, Kennedy đã phải đưa quân đội liên bang tới vùng này để duy trì luật pháp. Sau những cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc ở Bermingham, bang Alabama, cảnh sát đã phản ứng bằng bạo lực. Tổng thống đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật mới về quyền công dân, chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở nơi công cộng. Tuy nhiên, ngay cả cuộc Tuần hành Washington cũng không thể khiến Tiểu ban Quốc hội chịu thông qua. Dự luật đó vẫn còn bị ách lại ở Quốc hội khi Tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963.
Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đạt được nhiều thành công hơn. Với kỹ năng đàm phán mà ông đã thường xuyên sử dụng trong những năm ông còn đảm nhận cương vị lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, Johnson đã thuyết phục được Thượng viện hạn chế các chiến thuật ngăn cản việc bỏ phiếu cuối cùng thông qua Đạo luật mang tính bước ngoặt về Quyền Công dân năm 1964. Bộ luật này đã chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại nơi công cộng. Đạo luật về Quyền bầu cử một năm sau đó, năm 1965, đã cho phép Chính phủ Liên bang đăng ký cử tri tại những nơi mà trước kia, các quan chức không cho phép cử tri da đen đăng ký bỏ phiếu. Cho đến năm 1968, một triệu người Mỹ gốc Phi đã được đăng ký bầu cử tại các vùng xa xôi tại miền Nam. Năm 1968, Quốc hội đã thông qua luật cấm phân biệt chủng tộc trong cung cấp nhà ở.
Tuy nhiên, khi được giải phóng, cuộc cách mạng đòi quyền công dân đã khiến các thủ lĩnh phong trào trở nên nôn nóng vì tốc độ thay đổi diễn ra chậm chạp và người Mỹ gốc Phi vẫn chưa được hòa nhập hoàn toàn vào xã hội chính thống của người da trắng. Malcolm X., một nhà hoạt động chính trị có tài hùng biện là người tiên phong kêu gọi loại bỏ việc phân biệt người Mỹ gốc Phi khỏi cộng đồng da trắng. Stokely Carmichael, một người lãnh đạo phong trào sinh viên, cũng có những ảo tưởng như vậy về quan điểm không dùng bạo lực và việc hợp tác giữa các chủng tộc. Anh đã khiến cho câu khẩu hiệu quyền của người da đen trở nên nổi tiếng, và phải đạt được bằng mọi giá, theo như lời của Malcolm X.
Bạo lực đã xuất hiện cùng với những lời kêu gọi hiếu chiến về cải cách. Nhiều cuộc bạo loạn đã bùng nổ ở một số đô thị lớn vào năm 1966 và 1967. Vào mùa xuân năm 1968, Martin Luther King Jr. đã ngã xuống dưới viên đạn của một kẻ ám sát. Một vài tháng sau đó, Thượng nghị sỹ Robert Kennedy, người phát ngôn cho những người bị thiệt thòi, một người phản đối cuộc Chiến tranh Việt Nam, anh trai của vị cố tổng thống bị ám hại, cũng cùng chịu chung số phận. Với nhiều người thì hai vụ ám sát này đã đánh dấu sự cáo chung của thời đại ngây thơ và lý tưởng hóa trong cả phong trào đòi quyền công dân lẫn phong trào phản chiến. Tính hiếu chiến ngày càng tăng của cánh tả kết hợp với những phản ứng thái quá của phái bảo thủ đã tạo ra một sự chia rẽ trong tinh thần dân tộc mà người ta đã phải mất nhiều năm mới hàn gắn được.
Tuy nhiên, đến thời điểm đó, một phong trào đòi quyền công dân với sự ủng hộ của những quyết định của tòa án, sự thông qua các đạo luật của quốc hội, và các qui định của chính quyền liên bang, đã đan cài vào trong từng khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ, và đây là một xu thế không thể đảo ngược. Các vấn đề quan trọng là thực hiện quyền bình đẳng và sự tiếp cận ngang bằng, chứ không phải là tính hợp pháp của sự phân biệt đối xử hay việc tước quyền bầu cử. Những cuộc tranh luận trong thập niên 1970 và những năm sau đó đều liên quan đến những vấn đề như bắt bọn trẻ phải đi xe buýt ra xa khu vực chúng sống chỉ để có được sự cân bằng về chủng tộc ở các ngôi trường trong thành thị, hay về vấn đề sử dụng các biện pháp khẳng định. Một số người coi các chính sách và chương trình này là những biện pháp tích cực nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng về giáo dục và việc làm, còn một số người khác thì lại coi những chính sách đó vẫn là nạn phân biệt chủng tộc, chỉ có điều theo chiều hướng ngược lại mà thôi.
Tòa án cũng có cách giải quyết vấn đề riêng của mình, thông qua các phán quyết thường không nhất quán. Đồng thời, việc người Mỹ gốc Phi dần dần có mặt trong tầng lớp trung lưu Mỹ và tại các khu ngoại ô yên tĩnh vốn trước đó chỉ thuộc về người da trắng đã lặng lẽ phản ánh một sự thay đổi sâu sắc về nhân khẩu học trong xã hội Mỹ.
PHONG TRÀO PHỤ NỮ
Trong hai thập niên 1950 và 1960, càng ngày càng có nhiều phụ nữ có gia đình tham gia lực lượng lao động, nhưng vào năm 1963, một phụ nữ đi làm chỉ có mức lương trung bình bằng 63% mức lương của một lao động nam giới tương đương. Vào năm đó, tác giả Betty Friedan đã xuất bản cuốn Điều huyền bí của phái nữ, một tác phẩm phê phán gây chấn động, chỉ trích những mô thức sống của tầng lớp trung lưu, mà bà cho là lối sống đó đã khiến cho nhiều phụ nữ cảm thấy không hài lòng. Chỉ ra rằng phụ nữ thường không có cách nào khác để bày tỏ suy nghĩ tình cảm của mình ngoài việc lấy chồng và đẻ con, Friedan đã khuyến khích độc giả tìm kiếm những vai trò và những trách nhiệm mới, và tìm ra bản sắc nghề nghiệp và bản sắc cá nhân, hơn là buông xuôi theo một xã hội do nam giới ngự trị.
Phong trào phụ nữ vào những thập niên 1960 và 1970 đã lấy cảm hứng từ phong trào đòi quyền công dân. Phong trào này chủ yếu bao gồm các thành viên của giai cấp trung lưu, do vậy, đã tiếp nhận phần nào tinh thần nổi loạn của thanh niên thuộc tầng cấp trung lưu trong thập niên 1960.
Các luật về cải cách cũng thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội. Trong cuộc tranh luận về dự luật Quyền Công dân năm 1964, phái đối lập hy vọng sẽ làm phá sản hoàn toàn dự luật này bằng cách đề xuất một Điều bổ sung sửa đổi nhằm cấm sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính và chủng tộc. Lúc đầu, điều luật bổ sung này đã được thông qua, sau đó, chính Đạo luật Quyền Công dân đã được thông qua và đem lại cho phụ nữ một công cụ pháp lý giá trị.
Năm 1966, 28 phụ nữ đi làm, trong đó có bà Betty Friedan, đã thành lập Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW) để hành động nhằm đưa phụ nữ Mỹ hòa nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội chính yếu của nước Mỹ ngày nay. Mặc dù NOW và các tổ chức phụ nữ tương tự tự hào rằng ngày nay mình đã có một số lượng thành viên đông đảo, ta có thể nói rằng những tổ chức này đã có ảnh hưởng lớn nhất vào đầu thập niên 1970, thời mà nhà báo Gloria Steinem và một số phụ nữ khác đã lập ra tạp chí Ms. Họ cũng thúc đẩy sự ra đời của các nhóm chống bình đẳng nghề nghiệp cho phụ nữ, thường cũng do phụ nữ đứng đầu, bao gồm người vận động chính trị nổi tiếng nhất là Phyllis Schlafly. Các nhóm này ủng hộ vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình và phản đối Điều bổ sung sửa đổi hiến pháp được đề xuất mang tên Quyền bình đẳng.
Được Quốc hội thông qua năm 1972, Điều bổ sung sửa đổi đó đã tuyên bố rằng Quyền bình đẳng theo luật định sẽ không bị Hoa Kỳ hay bất kỳ bang nào trên đất nước Hoa Kỳ phủ nhận vì lý do giới tính. Trong vài năm sau đó, 35 bang trong số 38 bang đã phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi này. Các tòa án cũng ra tay để mở rộng quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1973, trong vụ Roe kiện Wade, Tòa án Tối cao đã thừa nhận phụ nữ có quyền phá thai trong những tháng đầu mang thai. Đây là một trong những thắng lợi quan trọng đối với phong trào phụ nữ, nhưng Roe cũng đã tạo ra một phong trào phản đối việc phá thai của phụ nữ.
Tuy nhiên, vào thời kỳ giữa và cuối thập niên 1970, phong trào phụ nữ dường như đã bị ngưng trệ. Phong trào đã không làm cho những lời kêu gọi của mình đến được với những tầng lớp xã hội khác, ngoài tầng lớp trung lưu. Những chia rẽ và bất đồng đã bắt đầu xuất hiện giữa các phái ôn hòa và cấp tiến. Phái bảo thủ đối lập đã tổ chức một chiến dịch phản đối Điều bổ sung sửa đổi Các quyền bình đẳng trong Hiến pháp, và Điều bổ sung sửa đổi này đã bị hủy bỏ năm 1982 vì không có đủ sự tán thành của 38 bang, một điều kiện cần thiết để được Quốc hội phê chuẩn.
PHONG TRÀO CỦA NGƯỜI MỸ LA-TINH
ở nước Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, người Mỹ gốc Mexico và Puerto Rico cũng phải đương đầu với nạn phân biệt chủng tộc. Những người mới di cư đến từ Cuba, Puerto Rico, Mexico và Trung Mỹ thường không có chuyên môn nghề nghiệp và không nói được tiếng Anh, cũng bị phân biệt đối xử. Một số lao động nói tiếng Tây Ban Nha làm việc ở nông trại và đôi khi bị bóc lột tàn tệ; những người khác thì đổ về các đô thị, và ở đó, cũng giống như những nhóm dân nhập cư trước kia, họ phải đối mặt với những khó khăn khi mưu cầu một cuộc sống dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, những người Chicanos, tức là người Mỹ gốc Mexico, được huy động vào các tổ chức như Hiệp hội Quốc gia người Mỹ gốc Mexico, cũng chưa có ý phản kháng cho mãi đến thập niên 1960. Với hy vọng chương trình chống nghèo đói của Lyndon Johnson sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho họ, người Chicanos đã vô cùng thất vọng khi thấy rằng, giới quan chức đã không đáp ứng được những yêu cầu của các nhóm dân cư thấp cổ bé họng trong xã hội. Đặc biệt, tấm gương về phong trào hoạt động của người da đen đã cho người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha một bài học về tầm quan trọng của sức ép chính trị trong một xã hội đa sắc tộc.
Đạo luật về Quan hệ Lao động Xã hội Quốc gia năm 1935 đã không cho nông dân được quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhưng Cesar Chavez, người sáng lập Tổ chức Công nhân trong nông nghiệp mà chủ yếu thành viên là những người nói tiếng Tây Ban Nha, đã chứng tỏ rằng hành động đấu tranh trực tiếp là cách tốt nhất để giành được sự công nhận của giới chủ đối với công đoàn của mình. Các chủ trang trại nho ở California đã phải đồng ý thương lượng với công đoàn của anh sau khi Chavez kêu gọi người tiêu dùng trên toàn quốc tẩy chay nho. Những cuộc tẩy chay tương tự đối với rau diếp và các sản phẩm khác cũng đã thành công. Tuy các chủ nông trại đã tìm cách cản trở hoạt động của tổ chức của Chavez, nhưng cơ sở hợp pháp đã được xác lập, cho phép nông dân nhập cư có quyền đòi hỏi những khoản lương cao hơn và các điều kiện lao động tốt hơn thông qua các tổ chức đại diện cho họ.
Người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha cũng đã trở nên tích cực hơn về mặt chính trị. Năm 1961, Henry B.Gonzalez đã thắng cử vào Quốc hội ở bang Texas. Ba năm sau đó, Elizo (“Kika”) de la Garza, một người Texas khác đã tiếp bước ông, cùng với Joseph Montoya bang New Mexico trúng cử vào Thượng viện. Sau này, cả Gonzalez và De la Garza đều lên tới chức Chủ tịch ủy ban Thượng viện. Vào hai thập niên 1970 và 1980, nhịp độ hoạt động chính trị của người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha đã gia tăng. Nhiều người đã được bổ nhiệm vào nội các của Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush.
PHONG TRÀO CỦA NGƯỜI MỸ DA ĐỎ BẢN ĐỊA
Vào thập niên 1950, thổ dân da đỏ đã đấu tranh chống lại các chính sách của chính phủ yêu cầu họ phải di dời khỏi các vùng đất vốn dành riêng cho người da đỏ và dồn họ vào sống ở các đô thị nơi họ có thể bị đồng hóa về mọi mặt trong đời sống xã hội của nước Mỹ. Người Mỹ da đỏ bản địa bị đẩy khỏi nơi chôn rau cắt rốn đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với đời sống thành thị. Năm 1961, khi chính sách này bị đình chỉ, ủy ban Quyền công dân của Hoa Kỳ đã ghi nhận rằng, đối với người Mỹ da đỏ, sự nghèo nàn và tình trạng bị tước đoạt là phổ biến.
Vào các thập niên 1960 và 1970, quan sát thấy sự phát triển của phong trào dân tộc trong thế giới thứ ba và sự tiến bộ của phong trào đòi quyền công dân tại chính nước Mỹ, thổ dân da đỏ đã trở nên ngày càng kiên quyết trong việc đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của họ. Một thế hệ lãnh tụ mới đã tới tòa án để bảo vệ những vùng đất đai còn sót lại của bộ lạc hay đòi lại số đất đai đã bị tước đoạt một cách phi pháp trước đây. Họ đã đấu tranh và chỉ ra những vi phạm trong hiệp ước tại hết bang này đến bang khác, và vào năm 1967, đã giành được thắng lợi đầu tiên trong nhiều thắng lợi của mình. Từ đó, họ được đảm bảo đất đai và nguồn nước vốn bị lạm dụng bấy lâu nay. Phong trào người Mỹ da đỏ (AIM) thành lập năm 1968 đã góp phần phân phối các khoản tiền của chính phủ tới các tổ chức do người da đỏ lãnh đạo và trợ giúp cho những người da đỏ bị bỏ rơi và bị coi rẻ tại các đô thị.
Những vụ đối kháng trở nên phổ biến hơn. Năm 1969, một đoàn gồm 78 thổ dân da đỏ đã đổ bộ chiếm đảo Alcatraz tại vịnh San Francisco và chiếm giữ đảo này cho tới khi các quan chức Liên bang chuyển họ ra khỏi đảo năm 1971. Năm 1973, một nhóm người Mỹ da đỏ đã đánh chiếm làng Wounded Knee ở bang Nam Dakota nơi binh lính đã tàn sát các bộ lạc Sioux vào cuối thế kỷ XIX. Những người bạo động hy vọng thu hút sự chú ý của chính phủ về điều kiện sống bần cùng tại các vùng đất dành riêng cho người bản địa xung quanh các thành phố nơi nạn nghiện rượu lan tràn. Sự kiện này đã chấm dứt sau khi một người da đỏ bị giết và một người khác bị thương. Chính phủ đã đồng ý xem xét lại các quyền lợi của người da đỏ đã được quy định trong Hiệp ước.
Song, những hoạt động chính trị tích cực của người da đỏ đã mang lại kết quả. Những người Mỹ khác đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu của thổ dân da đỏ. Các quan chức chính phủ đã đáp lại đòi hỏi của họ bằng các biện pháp tích cực, trong đó có Điều luật Hỗ trợ Giáo dục năm 1975 và Điều luật Nhà ở và Đạo luật Quyền tự quyết cho thổ dân da đỏ năm 1996. Thượng nghị sỹ thổ dân da đỏ đầu tiên, Ben Nighthorse Campbell bang Colorado, đã được bầu vào Thượng viện năm 1992.
PHONG TRÀO VĂN HÓA ĐỐI KHÁNG
Sự kích động đòi cơ hội bình đẳng đã làm bùng lên những biến động đột ngột khác. Đặc biệt, thanh niên đã phản đối lối sống của tầng lớp trung lưu mà cha mẹ họ đã tạo ra vào các thập niên sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Một số người đã tham gia vào các hoạt động chính trị cấp tiến; nhiều người khác đã chấp nhận những chuẩn mực mới về trang phục và hành vi tình dục.
Những dấu hiệu rõ rệt của phong trào văn hóa đối nghịch đã lan tỏa khắp xã hội Mỹ cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Tóc để dài hơn và mốt để râu trở nên phổ biến. Quần Jean xanh và áo phông đã thế chỗ cho quần tây, áo vét và cà vạt. Việc sử dụng các loại ma túy bất hợp pháp gia tăng. Nhạc Rock and Roll đã phát triển, trở nên hết sức phổ biến và biến thể thành nhiều thể loại âm nhạc khác. Beatles, Rolling Stones cùng những ban nhạc nước Anh khác đã dấy lên một làn sóng say mê trên nước Mỹ. Nhạc Hard Rock trở nên thịnh hành, những ca khúc có lời ca đậm tính chính trị xã hội, như những ca khúc của ca sỹ kiêm nhạc sỹ Bob Dylan được phổ biến khắp nơi. Phong trào văn hóa đối nghịch đạt được cao điểm cực thịnh vào khoảng tháng 8/1969 tại Woodstock, một đại hội tại liên hoan âm nhạc kéo dài ba ngày ở vùng nông thôn bang New York với nửa triệu người tham dự. ại hội liên hoan vốn được huyền thoại hóa trong phim ảnh và băng đĩa thời kỳ này đã được mệnh danh là thế hệ Woodstock.
Một sự thể hiện tương tự về tính nhạy cảm của giới trẻ là sự ra đời của phái Cánh tả mới, một nhóm thanh niên cấp tiến, tuổi còn đang là sinh viên cao đẳng, đại học. Những kẻ cánh tả mới này, với những đối tác gần gũi ở Tây Âu, thường là con cái của những người thuộc thế hệ cấp tiến trước đây. Tuy nhiên, họ bác bỏ hệ tư tưởng Mác-xít. Thay vào đó, họ coi các sinh viên đại học như họ là tầng lớp bị áp bức, những người có những quan điểm đặc biệt về cuộc đấu tranh của những nhóm người bị áp bức khác trong xã hội Mỹ.
Những người thuộc phái cánh tả mới tham gia các phong trào đòi quyền công dân và đấu tranh chống nghèo đói. Thành công lớn nhất của họ – một sự kiện mà họ đã kêu gọi được sự ủng hộ rộng rãi – là cuộc đấu tranh phản đối Chiến tranh Việt Nam, một vấn đề mà những thanh niên thời thực hiện chế độ quan dịch của họ rất quan tâm. Cuối thập niên 1970, nhóm sinh viên Cánh tả mới đã giải thể, nhưng nhiều nhà hoạt động của tổ chức này vẫn tiếp tục con đường của họ trong đời sống chính trị xã hội Mỹ.
CHỦ NGHĨA MÔI TRƯỜNG
ĐÃ bùng lên phong trào đòi quyền công dân, phong trào văn hóa đối nghịch, và phái Cánh tả mới cũng kích thích sự ra đời của phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường vào giữa thập niên 1960. Nhiều người đã được giác ngộ sau khi cuốn sách “Mùa xuân im lặng” của Rachel Carson được xuất bản năm 1962. Cuốn sách này đã cáo buộc rằng các loại thuốc trừ sâu hóa học, đặc biệt là DDT – làm nguyên nhân gây bệnh ung thư và một số căn bệnh nguy hiểm khác. Mối lo ngại của dân chúng về môi trường đã tiếp tục tăng lên trong suốt thập niên 1960 và nhiều người đã nhận thức được về các chất gây ô nhiễm xung quanh họ như: khí thải ôtô, chất thải công nghiệp, các vụ tràn dầu, đều là mối đe dọa đối với sức khoẻ của họ và cảnh quan môi trường xung quanh. Vào ngày 22/4/1970, lần đầu tiên, các trường học và các cộng đồng dân cư trên toàn nước Mỹ đã kỷ niệm Ngày Trái Đất. Các cuộc hội thảo đã giúp người Mỹ hiểu được mối hiểm họa to lớn của ô nhiễm môi trường.
Mặc dù không mấy ai phản đối ô nhiễm là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng các giải pháp đề xuất đều tốn kém và chưa tiện lợi. Nhiều người tin rằng những giải pháp này sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và từ đó khiến mức sống của người Mỹ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vào năm 1970, Quốc hội đã sửa đổi Điều luật Không khí Sạch năm 1967 nhằm xây dựng những tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc về chất lượng không khí. Quốc hội cũng thông qua Đạo luật Cải thiện Chất lượng Nước, buộc những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm dọn sạch những vết dầu loang ngoài khơi. Cũng vào năm 1970, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã được thành lập và hoạt động như một cơ quan liên bang độc lập kiểm soát các hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường. Trong suốt ba thập niên sau này, nhờ có luật pháp quy định mà quyền lực của EPA ngày càng được tăng cường, và tổ chức này đã trở thành một trong những cơ quan chính phủ tích cực nhất, chuyên ban hành những quy định về chất lượng không khí và chất lượng nước.
KENNEDY VÀ SỰ TÁI NỔI LÊN CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO CÙNG VỚI VAI TRÒ LỚN CỦA CHÍNH PHỦ
Đến năm 1960, Chính phủ trở thành một lực lượng đầy quyền lực trong đời sống dân chúng. Trong cuộc Đ ại suy thoái những năm 1930, các cơ quan hành pháp mới đã được thành lập để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống thường ngày của người dân. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, số lượng người làm việc cho Chính phủ Liên bang đã tăng từ một triệu người lên 3, 8 triệu người, sau đó giữ ở mức ổn định là 2,5 triệu người trong những năm 1950. Chi tiêu của Liên bang là 3.100 triệu đô-la năm 1929, tăng lên 75.000 triệu đô-la năm 1953 và lên tới 150.000 triệu đô la trong những năm 1960.
Đa số người Mỹ đều chấp nhận vai trò ngày càng lớn của Chính phủ, mặc dù lại bất đồng ý kiến trong việc xem xét xem phạm vi quyền lực của chính phủ sẽ được tiếp tục mở rộng đến mức nào trong tương lai. Nhìn chung, phái Dân chủ muốn Chính phủ đảm bảo được tăng trưởng và ổn định. Họ muốn tăng cường hơn nữa các hình thức phúc lợi liên bang về giáo dục, y tế và an sinh. Những người theo Đảng Cộng hòa thì đồng tình với mức trách nhiệm cao của Chính phủ, đồng thời hy vọng hạn chế chi tiêu và khuyến khích các sáng kiến cá nhân. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 đã phản ánh rất rõ nét sự phân chia tương đối cân bằng giữa hai khuynh hướng trên trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ.
John F. Kennedy, người chiến thắng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, 43 tuổi, là người đắc cử tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ cho tới thời điểm đó. Trên truyền hình, trong một loạt các cuộc tranh luận với đối thủ của mình là Richard Nixon, ông đã tỏ ra là người có năng lực, có tài biện thuyết, năng nổ và đầy nhiệt huyết. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã trình bày rất sôi nổi về kế hoạch chuyển mình của nước Mỹ trong thập niên mới, cho một ranh giới mới đang tồn tại cho dù chúng ta có tìm kiếm nó hay không. Trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình, ông đã kết luận bằng một lời kêu gọi đầy thuyết phục: “Bạn đừng hỏi đất nước đã làm được gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn sẽ có thể làm được gì cho đất nước. Trong suốt thời gian ngắn ngủi trên cương vị tổng thống, sự kết hợp đặc biệt giữa sức hút, trí thông minh và phong thái của Kennedy – những điều này còn ấn tượng hơn nhiều so với chương trình lập pháp của ông – đã khiến ông giữ được sự nổi tiếng và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới những thế hệ chính khách kế tiếp.
Kennedy mong muốn tăng cường phúc lợi kinh tế cho tất cả công dân Mỹ, tuy nhiên, thắng lợi quá sít sao trong cuộc tranh cử đã hạn chế quyền lực của ông. Tuy Đảng Dân chủ đã kiểm soát cả hai Viện của Quốc hội, nhưng phe bảo thủ miền Nam thuộc Đảng Dân chủ lại thường về cánh với Đảng Cộng hòa trong các vấn đề liên quan đến mức độ can thiệp của Chính phủ vào đời sống kinh tế. Họ phản đối các kế hoạch tăng trợ cấp liên bang cho giáo dục, cung cấp bảo hiểm y tế cho người già và thành lập một Bộ mới – Bộ Vấn đề Đô thị. Vì thế, bất chấp tài hùng biện của ông, các chính sách của Kennedy thường bị hạn chế và bị ngăn cản.
Một ưu tiên lớn của Kennedy là tìm cách chấm dứt suy thoái, một xu thế đang diễn ra khi ông lên nhậm chức, và phục hồi tăng trưởng. Nhưng vào năm 1962, khi ông thành công trong việc hạn chế sự tăng giá quá mức trong ngành công nghiệp chế tạo thép, theo nhìn nhận của Chính phủ, thì Kennedy không còn chiếm được lòng tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp nữa. Tuy ông đã thành công trong những mục tiêu trước mắt, nhưng ông lại mất dần những nguồn ủng hộ quan trọng. Khi được cố vấn kinh tế của mình thuyết phục là việc cắt giảm mạnh các khoản thuế sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, Kennedy đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật về giảm thuế. Tuy nhiên, phái đối lập bảo thủ trong Quốc hội đã dập tắt mọi hy vọng của ông về việc dự luật sẽ được thông qua, vì hầu hết các nghị sỹ trong Quốc hội đều cho rằng một đạo luật như vậy sẽ chỉ làm cho ngân sách bị thâm hụt trầm trọng thêm.
Các cải cách lập pháp của chính quyền Kennedy còn nghèo nàn hơn. Tổng thống đã có một số hành động thiện ý đối với lãnh tụ của các phong trào đòi quyền công dân nhưng không đạt được những mục tiêu của phong trào này cho tới khi Martin Luther King Jr. buộc ông phải ra tay năm 1963. Giống như Truman, Kennedy không thể thuyết phục được Quốc hội thông qua các khoản trợ cấp liên bang cho giáo dục công, chương trình chăm sóc y tế cho người già. Ông chỉ đạt được thành công khiêm tốn trong việc đòi tăng mức lương tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, ông đã đảm bảo được việc cấp vốn cho chương trình nghiên cứu vũ trụ và đã lập ra các Tổ chức Hòa bình đưa người Mỹ ra nước ngoài để trợ giúp cho các nước đang phát triển và đáp ứng những nhu cầu của họ.
KENNEDY VÀ CHIẾN TRANH LẠNH
Tổng thống Kennedy nhậm chức đã cam kết sẽ tiếp tục cuộc Chiến tranh Lạnh một cách mạnh mẽ, nhưng ông cũng hy vọng sẽ có sự thỏa hiệp và đã chần chừ trong việc tăng cường sức mạnh và quyền lực của nước Mỹ trên trường quốc tế. Trong một năm rưỡi đầu tiên nhậm chức, ông đã từ chối không cho nước Mỹ can thiệp sau khi cuộc tấn công của những người Cuba lưu vong do CIA chỉ đạo vào Vịnh Con lợn thất bại, ông cũng đã để cho quốc gia Đông Nam Á – nước Lào rơi vào tay kiểm soát của Cộng sản và đã ngầm đồng ý với việc dựng lên Bức tường Berlin. Các quyết định của Kennedy đều củng cố một cảm nhận về sự thỏa hiệp mà Tổng Bí thư Liên Xô, Nikita Khrushchev đã tạo ra trong cuộc gặp cá nhân duy nhất giữa hai người, một cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6/1961 tại Vienna.
Chính trong bối cảnh này mà Kennedy đã gặp phải sự kiện nghiêm trọng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.
Mùa thu năm 1962, Chính quyền Mỹ biết được rằng Liên Xô đang bí mật bố trí các dàn tên lửa hạt nhân trên đất Cuba. Sau khi cân nhắc các lựa chọn khác nhau, ông quyết định kiểm dịch để ngăn chặn không cho tàu chiến Xô-viết tiếp tục vận chuyển thêm tên lửa tới Cuba. Đồng thời, ông đã công khai yêu cầu Liên Xô rút bỏ mọi loại tên lửa và vũ khí hạt nhân và cảnh báo rằng hành động quá khích của Liên Xô trên hòn đảo Cuba có thể sẽ dẫn đến một cuộc tấn công trả đũa Liên bang Xô-viết. Sau vài ngày căng thẳng, khi mà thế giới đã đứng kề miệng vực thảm họa chiến tranh hạt nhân, Liên Xô đã đồng ý rút lui cùng với dàn tên lửa của họ. Những người phê phán đã buộc tội ông là đã đánh liều với thảm họa hạt nhân trong khi chính sách ngoại giao hòa bình vẫn có thể là thích hợp. Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba lần đầu tiên đã khiến Kennedy trở thành một nhà lãnh đạo nổi tiếng của phương Tây dân chủ.
Nhìn nhận lại, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Xô-Mỹ. Cả hai bên đều nhìn thấy sự cần thiết phải giảm bớt căng thẳng có thể dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp. Một năm sau đó, Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh đã ký một văn kiện quan trọng – Hiệp ước Cấm thử Vũ khí hạt nhân Cục bộ nhằm cấm mọi hình thức thử vũ khí hạt nhân trên không.
Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), vốn là thuộc địa của Pháp từ trước Chiến tranh Thế giới Thứ hai, vẫn là một chiến trường khác của Chiến tranh Lạnh. Nỗ lực của nước Pháp nhằm tái lập ách thống trị đã vấp phải sự phản kháng của Hồ Chí Minh, một người Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ phong trào Việt Minh trong cuộc chiến tranh du kích chống lại ách cai trị của thực dân Pháp.
Cả Truman và Eisenhower đều muốn duy trì sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với nước Pháp nhằm thực thi chính sách ngăn chặn ảnh hưởng của Chủ nghĩa Cộng sản ở châu Âu nên đã cung cấp cho nước Pháp nhiều trợ giúp về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham chiến của Pháp ở Việt Nam. Song Pháp đã thất bại hoàn toàn vào tháng 5/1954 tại Điện Biên Phủ. Tại hội nghị quốc tế Geneva, Lào và Campuchia được trao quyền độc lập. Việt Nam bị chia cắt làm hai miền, Hồ Chí Minh là lãnh tụ ở miền Bắc và Ngô Đình Diệm – một phần tử chống cộng theo đạo Cơ đốc trong một đất nước mà đông đảo dân chúng là tín đồ Phật giáo – đứng đầu chính phủ ở miền Nam. Các cuộc bầu cử dự định sẽ được tổ chức hai năm sau đó để thống nhất đất nước. Do bị thuyết phục rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam có thể dẫn tới sự thất bại của Myanmar, Thái Lan và Indonesia nên Eisenhower đã ủng hộ Ngô Đình Diệm từ chối tiến hành tổng tuyển cử vào năm 1956 và đã biến miền Nam Việt Nam thành một chính quyền tay sai cho Mỹ.
Kennedy đã tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm và đưa một số cố vấn quân sự tới miền Nam Việt Nam, nhưng cuộc chiến tranh du kích giữa miền Bắc và miền Nam vẫn tiếp diễn. Diệm mất uy tín trước công chúng và tình hình quân sự ngày càng trở nên xấu đi. Cuối năm 1963, Kennedy đã bí mật ủng hộ một cuộc đảo chính tại miền Nam Việt Nam, nhưng trước sự ngỡ ngàng của Tổng thống Mỹ, Diệm và người em đầy quyền lực của ông Ngô Đình Nhu – đã bị giết. Vào chính thời điểm bước ngoặt này, nhiệm kỳ tổng thống của Kennedy cũng chấm dứt ba tuần sau đó.
CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VŨ TRỤ
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Eisenhower, chinh phục vũ trụ đã trở thành một đấu trường khác cho cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Liên Xô. Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik, từ đó chứng tỏ rằng họ có thể chế tạo những quả tên lửa mạnh hơn so với Mỹ. Tới năm 1958, Hoa Kỳ đã phóng vệ tinh đầu tiên, Explorer 1. Nhưng ba tháng sau khi Kennedy nhậm chức tổng thống, Liên Xô đã đưa được con người đầu tiên lên quỹ đạo. Kennedy đã đáp lại bằng việc giao cho Hoa Kỳ sứ mệnh đưa được con người lên mặt trăng và cũng như trở về trái đất trước khi thập niên này chấm dứt. Với dự án Mercury năm 1962, John Glenn đã trở thành nhà du hành vũ trụ Mỹ đầu tiên bay lên quỹ đạo trái đất.
Sau cái chết của Kennedy, Tổng thống mới Lyndon Johnson đã ra sức ủng hộ các chương trình không gian. Vào giữa những năm 1960, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã chế tạo con tàu vũ trụ với hai phi công – con tàu Gemini. Gemini đã đạt được một số kỷ lục đầu tiên, trong đó có chuyến bay tám ngày vào vũ trụ tháng 8/1965 – chuyến bay vũ trụ dài ngày nhất tính tới thời điểm đó – và vào tháng 11/1966, Gemini đã tiến hành thành công vụ trở về khí quyển trái đất được điều khiển tự động lần đầu tiên. Gemini cũng thực hiện thành công vụ nối kết hai tàu vũ trụ đang bay do con người thực hiện lần đầu tiên, và thực hiện những cuộc dạo chơi ngoài không gian đầu tiên của người Mỹ.
Con tàu vũ trụ dành cho ba phi công mang tên Apollo đã đạt được mục tiêu do Kennedy đề ra và chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng Mỹ đã vượt Liên Xô trong việc chinh phục vũ trụ. Ngày 20/7/1969, với hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên toàn thế giới đang xem chương trình truyền hình trực tiếp, Neil A. Armstrong đã trở thành người đầu tiên bước chân lên mặt trăng.
Những chuyến bay khác của Apollo vẫn được tiếp tục sau đó, nhưng nhiều người Mỹ đã bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của những chuyến bay vào vũ trụ của con người. Vào đầu thập niên 1970, vì những ưu tiên khác đang trở nên cấp bách hơn, nên Hoa Kỳ đã cắt giảm chi phí cho Chương trình không gian. Một số chuyến bay của Apollo đã bị hủy bỏ; và chỉ có một trong hai trạm không gian Skylab theo đề xuất trước đó được xây dựng mà thôi.
CÁI CHẾT CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG
John Kennedy đã giành được uy tín trên thế giới sau khi giải quyết thành công cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, đồng thời, ông cũng giành được sự ủng hộ từ đông đảo quần chúng trong nước Mỹ. Nhiều người tin rằng ông sẽ tái đắc cử một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964. Nhưng ngày 22/11/1963, ông đã bị ám sát trên chiếc xe mui trần trong chuyến đi thăm thành phố Dallas, bang Texas. Cái chết của ông, được truyền hình trực tiếp, là một sự kiện đau thương đối với dân chúng Mỹ, giống như cái chết của Tổng thống Roosevelt 18 năm về trước.
Khi nhìn lại, người ta thấy rõ rằng tiếng vang của Kennedy là bắt nguồn từ phong cách và những lý tưởng được nói một cách đầy hùng biện của ông hơn là từ việc thực thi chính sách. Ông đã có một chương trình nghị sự đầy tham vọng, nhưng cho đến khi ông chết, vẫn còn rất nhiều chương trình ông đề xuất bị ách lại ở Quốc hội. Chính nhờ năng lực chính trị và những thành công về lập pháp của người kế nhiệm ông đã khiến Kennedy được ví như một động lực thúc đẩy các cải cách tiến bộ.
LYNDON JOHNSON VÀ MỘT XÃ HỘI VĨ ĐẠI
Lyndon Johnson, một người Texas, đã từng là thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện trước khi làm Phó Tổng thống của Kennedy, là một chính khách lão luyện. Ông đã được rèn luyện tại Quốc hội nơi ông phát triển được tài năng kiệt xuất trong việc xử lý các tình huống để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Ông có thể bào chữa, biện hộ, thuyết phục hay đe dọa khi cần thiết để đạt được các mục tiêu của mình. Tư tưởng tự do của ông có thể còn sâu sắc hơn người tiền nhiệm Kennedy. Với tư cách là Tổng thống, ông mong muốn được sử dụng quyền lực của mình để loại trừ nghèo đói và mang cuộc sống thịnh vượng tới cho tất cả mọi người.
Johnson đã nhậm chức với quyết tâm sẽ đảm bảo cho chương trình lập pháp của Kennedy được Quốc hội thông qua. Những ưu tiên đầu tiên của vị Tổng thống mới là các dự luật của người tiền nhiệm về giảm thuế và đảm bảo quyền công dân. Sử dụng những kỹ năng thuyết phục và kêu gọi sự tôn trọng của các nhà lập pháp đối với vị tổng thống đã bị sát hại, Johnson đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua cả hai dự luật ngay trong năm đầu tiên sau khi nhậm chức. Việc giảm thuế đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Còn Đạo luật Quyền Công dân năm 1964 là một đạo luật có tầm nhìn xa nhất trong lĩnh vực này kể từ thời kỳ tái thiết.
Johnson cũng bắt đầu triển khai các chương trình khác. Đến mùa xuân năm 1964, ông bắt đầu nói đến Xã hội vĩ đại để mô tả chương trình cải cách kinh tế xã hội của mình. Mùa hè năm đó, Quốc hội đã thông qua chương trình Việc làm Liên bang cho các thanh niên nghèo không có việc làm. Đây là bước đi đầu tiên của cuộc chiến “Chống đói nghèo”. Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm đó, ông đã thắng phiếu áp đảo trước đối thủ Đảng Cộng hòa bảo thủ Bary Goldwater. Đ áng chú ý là cuộc bầu cử tổng thống năm 1964 đã mang lại cho những người thuộc Đảng Dân chủ tự do sự kiểm soát Quốc hội vững chắc lần đầu tiên kể từ năm 1938. Điều đó khiến họ có thể thông qua các đạo luật mà không e ngại sự bất hợp tác của hai phe đối lập là Đ Đảng Cộng hòa và các đại biểu bảo thủ của Đảng Dân chủ miền Nam.
Cuộc chiến chống đói nghèo đã trở thành nhiệm vụ trung tâm của Chương trình Xã hội vĩ đại. Cơ quan Cơ hội Kinh tế, được thành lập năm 1964, đã giúp cho người nghèo được đào tạo và đã thiết lập các cơ quan hành động cộng đồng khác nhau, với tư tưởng dân chủ để người nghèo có được tiếng nói của mình trong các chương trình về nhà cửa, sức khoẻ và giáo dục.
Tiếp theo là các chương trình chăm sóc y tế. Dưới sự lãnh đạo của Johnson, Quốc hội đã ban hành Luật Chăm sóc y tế, một chương trình bảo hiểm y tế cho người già, và Luật Trợ cấp y tế, một chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo.
Johnson cũng thành công trong nỗ lực cung cấp nhiều trợ giúp liên bang hơn nữa cho các trường tiểu học và trung học cơ sở, vốn theo truyền thống, là hệ thống thuộc chức năng của các bang và các địa phương. Biện pháp hỗ trợ là cấp tiền cho các bang, dựa vào số lượng trẻ em sinh ra trong các gia đình có thu nhập thấp. Các quỹ này cũng có thể được sử dụng để giúp đỡ học sinh trong các trường công cũng như các trường tư.
Tin rằng nước Mỹ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng đô thị mà biểu hiện rõ nét là các khu nội thị đang thu hẹp dần, những người kiến tạo nên Chương trình Xã hội vĩ đại đã đưa ra một Đạo luật mới về Nhà ở, và đã cung cấp các khoản hỗ trợ tiền thuê nhà cho người nghèo. Đồng thời, họ cũng đã lập ra Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị.
Các đạo luật khác cũng được ban hành và có ảnh hưởng rất lớn đến muôn mặt đời sống của người Mỹ. Trợ giúp Liên bang còn được cấp cho các nghệ sỹ và các giáo viên trung học và tiểu học nhằm hỗ trợ cho công việc khó khăn của họ. Tháng 9/1966, Johnson đã ký hai Đạo luật về giao thông. Đạo luật thứ nhất cấp quỹ cho chính quyền các bang và địa phương nhằm xây dựng các chương trình an toàn giao thông. Đạo luật thứ hai xác lập các tiêu chuẩn liên bang về độ an toàn của săm lốp và của các loại xe ôtô. Chương trình thứ hai này phản ánh nỗ lực của một luật sư trẻ cấp tiến – Ralf Nader. Trong cuốn sách ấn hành năm 1965 của mình, Nguy hiểm ở mọi tốc độ, những hiểm họa tiềm tàng của ôtô Mỹ, Nader đã chỉ trích rằng các nhà sản xuất đã hy sinh những tiêu chuẩn an toàn để đạt những mục đích về kiểu dáng ôtô, và cáo buộc rằng những lỗi trong thiết kế và chế tạo đã góp phần gây ra tai nạn trên xa lộ.
Năm 1965, Quốc hội đã bãi bỏ đạo luật phân biệt đối xử năm 1924 quy định hạn ngạch nhập cư tuỳ thuộc vào quốc tịch gốc của họ. Động thái này đã gây ra một làn sóng nhập cư mới, chủ yếu từ Nam Á, Đông Á và châu Mỹ La-tinh.
Chương trình Xã hội vĩ đại quả là một thời kỳ bùng phát các hoạt động lập pháp kể từ thời Chính sách kinh tế mới. Nhưng sự ủng hộ cho chính quyền của Johnson đã bắt đầu yếu đi vào đầu năm 1966. Một số chương trình của Johnson không được thực thi đúng theo những mong đợi của dân chúng; nhiều chương trình được cấp tiền không đủ. Cuộc khủng hoảng đô thị có chiều hướng xấu đi. Tuy vậy, dù là nhờ vào những khoản chi tiêu công trong Chương trình Xã hội vĩ đại hay nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nghèo đói đã giảm bớt, dù chỉ là giảm đôi chút, dưới thời của Tổng thống Johnson.
CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Sự không hài lòng với Chương trình Xã hội vĩ đại lại càng trùng hợp với những thất vọng trong Chiến tranh Việt Nam. Hàng loạt các nhà lãnh đạo quyền lực ở miền Nam Việt Nam cũng tỏ ra chẳng hơn Diệm là bao trong việc vận động quần chúng. Các lực lượng Việt Cộng, được miền Bắc Việt Nam trợ lực, đã giành được ưu thế tại khu vực nông thôn.
Quyết tâm ngăn chặn những bước tiến của cộng sản ở miền Nam Việt Nam, Johnson đã biến cuộc chiến tranh ở Việt Nam trở thành cuộc chiến của chính ông. Sau khi lấy cớ một cuộc tấn công của hải quân Bắc Việt Nam vào hai tàu trục hạm của Mỹ, ngày 7/8/1964, Johnson đã thuyết phục được Quốc hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống thi hành tất cả các biện pháp cần thiết để đẩy lui bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào chống lại các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và ngăn ngừa một cuộc xâm lược tiếp theo. Sau khi tái đắc cử tháng 11/1964, ông đã lao vào tiến hành chính sách leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Từ 25.000 binh sỹ vào đầu năm 1965, con số binh lính – bao gồm cả lính tình nguyện và lính quân địch – đã tăng tới 500.000 người vào đầu năm 1968. Một chiến dịch ném bom ồ ạt đã tàn phá nặng nề cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam.
Sau khi chứng kiến những trận đánh rùng rợn được trình chiếu trên truyền hình với những bình luận đầy tính phê phán, người Mỹ bắt đầu phản đối việc nước Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh này. Một số người cho rằng cuộc chiến này là vô đạo đức, một số khác thì tỏ ra hoang mang khi chiến dịch quân sự ồ ạt dường như không hiệu quả. Sự phản đối chiến tranh ngày càng rộng khắp trong dân chúng Mỹ, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên và sự bất mãn của dân chúng ngày càng tăng đã buộc Johnson phải bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình.
CUỘC BẦU CỬ NĂM 1968
Năm 1968, nước Mỹ lâm vào tình trạng hỗn loạn do Chiến tranh Việt Nam và những cuộc nổi loạn ở thành thị phản ánh sự bất mãn của người Mỹ gốc Phi. Vào ngày 31/3/1968, Tổng thống tuyên bố không có ý định tranh cử cho nhiệm kỳ mới. Một tuần sau đó, Martin Luther King Jr. đã bị bắn chết tại Memphis, Tennessee. Em trai của John Kennedy, Robert, người đã tổ chức một cuộc diễu hành chống chiến tranh và là người được đề cử đại diện cho Đảng Dân chủ cũng bị ám sát sau đó vào tháng 6.
Tại Hội nghị quốc gia của Đảng Dân chủ tại Chicago, bang Illinois, những người phản đối chiến tranh đã đụng độ với cảnh sát trên đường phố. Phó Tổng thống Hubert Humphrey, người được bổ nhiệm là đại diện cho Đảng Dân chủ, đã từng là người hùng trong các chiến dịch đòi quyền tự do, nay lại bị coi là đồ đệ trung thành của Johnson. Phái đối lập da trắng chống lại việc thực thi quyền công dân vào thập niên 1960 và sự ra ứng cử của Đảng thứ ba của Thống đốc bang Alabama là George Wallace (người đã thắng cử ở bang quê hương ông và ở các bang Mississippi, Arkansas, Louisiana và Georgia), người đã cạnh tranh với ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Richard Nixon thuộc Đảng Cộng hòa đã thắng cử sát nút với kế hoạch đưa Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc chiến tranh và thiết lập lại luật pháp và trật tự trong nước Mỹ.
NIXON, VIỆT NAM VÀ CHIẾN TRANH LẠNH
Quyết tâm đạt được hòa bình trong danh dự, Nixon đã dần dần rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời tăng mạnh viện trợ vũ khí phương tiện để miền Nam Việt Nam có thể tiếp tục cuộc chiến. Ông cũng ra lệnh tiến hành một loạt các cuộc tấn công dữ dội, mà cuộc tấn công quan trọng nhất là xâm lược Campuchia vào năm 1970 nhằm cắt đứt các tuyến đường cung cấp của miền Bắc tới miền Nam Việt Nam chạy qua Campuchia. Hành động này đã làm dấy lên những cuộc phản đối và biểu tình mới. Sinh viên ở nhiều trường đại học đã biểu tình trên đường phố. Tại Kent State, bang Ohio, các đơn vị vệ binh quốc gia được gọi tới để duy trì trật tự đã làm chết bốn sinh viên.
Tuy nhiên, cho đến mùa thu năm 1972, số binh sỹ Mỹ có mặt tại Việt Nam đã rút xuống còn dưới 50.000 người, và lệnh quân dịch vốn đã gây ra sự bất bình to lớn tại các khu sinh viên, đã không còn hiệu lực. Cuối cùng, vào năm 1973, lệnh ngừng bắn do Henrry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia của Chính quyền Nixon, tiến hành đàm phán thay mặt Hoa Kỳ đã được ký kết. Tuy các đơn vị quân đội Mỹ đã rút đi, song chiến tranh vẫn còn kéo dài cho tới mùa xuân năm 1975, khi Quốc hội Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ cho miền Nam Việt Nam, và Bắc Việt Nam đã giành được quyền kiểm soát trên toàn bộ đất nước.
Cuộc Chiến tranh Việt Nam đã để lại một nước Việt Nam bị tàn phá với hàng triệu người chết và tàn tật. Cuộc chiến cũng để lại đằng sau một nước Mỹ đau thương. Hoa Kỳ đã tiêu phí hơn 150 tỷ đô-la vào một nỗ lực vô ích với cái giá là 58.000 sinh mạng người Mỹ. Cuộc chiến tranh này cũng chấm dứt sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại của Chiến tranh Lạnh và khiến nhiều người Mỹ lo ngại về những hành động khác nữa của dân tộc họ tại nước ngoài.
Khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền Nixon đã tiến hành các bước đi lịch sử để thắt chặt quan hệ với các cường quốc cộng sản quan trọng. Bước đi ngoạn mục nhất là việc thiết lập quan hệ cởi mở với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong suốt hai mươi năm, kể từ khi Mao Trạch Đông giành chiến thắng, Hoa Kỳ đã biện thuyết rằng Chính phủ Quốc dân Đảng ở Đài Loan mới là đại diện cho Trung Quốc. Vào những năm 1971 và 1972, Nixon đã làm dịu đi lập trường của Mỹ, giảm nhẹ những hạn chế mậu dịch và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Bắc Kinh. Tuyên bố Thượng Hải được ký kết trong chuyến thăm này là mốc ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc: nước Mỹ công nhận chỉ có một nước Trung Hoa, Đài Loan chỉ là một phần của Trung Quốc và những tranh luận hòa bình của Trung Quốc cũng là mối quan tâm của Hoa Kỳ.
Với Liên Xô, Nixon đã thành công như đối với Trung Quốc trong việc theo đuổi chính sách mà ông và Ngoại trưởng Henry Kissinger gọi là sự hòa dịu. Nixon đã có một vài cuộc gặp gỡ thân mật với nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev trong đó họ thỏa thuận hạn chế kho dự trữ tên lửa, hợp tác thám hiểm không gian và giảm nhẹ những hạn chế về mậu dịch. Những cuộc đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT) đã đạt được thành công vào năm 1972 bằng Hiệp định Kiểm soát Vũ khí, hạn chế việc tăng cường các kho vũ khí hạt nhân và hạn chế hệ thống chống tên lửa đạn đạo.
NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI CỦA NIXON
Vốn là Phó Tổng thống dưới thời Eisenhower trước cuộc chạy đua giành ghế tổng thống bất thành năm 1960, Nixon được coi là một trong những nhà chính trị tài ba của nước Mỹ. Tuy ông đồng ý với tư tưởng Cộng hòa về trách nhiệm tài khóa, nhưng ông cũng chấp nhận vai trò ngày càng lớn của Chính phủ, và ủng hộ cơ sở nền tảng của một nhà nước an sinh. Chỉ đơn giản là ông muốn quản lý các chương trình của Chính phủ một cách tốt hơn. Về nguyên tắc, ông không phản đối phong trào đòi quyền công dân của người Mỹ gốc Phi, mà chỉ lo lắng về tính quan liêu của phong trào quyền công dân của liên bang. Tuy nhiên, Chính quyền Nixon đã kiên quyết thực thi các phán quyết của tòa án về việc chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở trường học, mặc dù điều đó khiến Nixon không được các cử tri da trắng ở miền Nam ủng hộ.
Có lẽ vấn đề đối nội nghiêm trọng nhất mà Nixon phải đối phó là tình trạng kinh tế của nước Mỹ. Ông vừa phải thừa hưởng sự trì trệ về kinh tế của thời Johnson do cuộc chiến Việt Nam gây ra, vừa phải giải quyết tình trạng lạm phát trầm trọng vốn là một sản phẩm của cuộc chiến. Trong vấn đề thứ nhất, ông đã trở thành vị tổng thống Cộng hòa đầu tiên coi thâm hụt chi tiêu chính phủ là động lực khôi phục kinh tế. Trong vấn đề thứ hai, ông đã cho thi hành các biện pháp kiểm soát giá – lương vào năm 1971. Ngay lập tức, các quyết định này của ông đã ổn định được nền kinh tế và tạo thuận lợi cho việc tái đắc cử của Nixon trong cuộc bầu cử năm 1972. Ông đã chiến thắng áp đảo đối thủ chủ trương hòa bình – Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ – George McGoven.
Mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Nixon. Ông đã phải đối mặt từ rất sớm với những lời cáo buộc rằng ủy ban vận động tái tranh cử của ông đã dính líu đến vụ đột nhập vào tòa nhà Watergate – trụ sở của ủy ban Dân chủ Quốc gia và ông đã che đậy, giấu giếm sự dính líu của mình. Những công tố viên đặc biệt và một ủy ban Quốc hội đã điều tra và kết luận về sự dính líu của Nixon trong vụ việc này khiến ông phải sớm từ chức năm 1974.
Nhiều sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của Nixon đã xảy ra và làm xói mòn các chính sách kinh tế của ông. Năm 1973, chiến tranh giữa Israel, Ai Cập và Syria đã thúc đẩy Arập Xêút ban hành lệnh cấm vận các tàu chở dầu đến Hoa Kỳ – đồng minh của Israel. Những nước thành viên khác của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng giá dầu lên gấp bốn lần. Người Mỹ phải đương đầu với cả sự thiếu hụt dầu mỏ lẫn sự tăng giá dầu lên nhanh chóng. Thậm chí khi cấm vận chấm dứt vào năm sau, giá dầu mỏ vẫn cao và ảnh hưởng tới mọi khu vực trong nền kinh tế Mỹ. Năm 1974, lạm phát lên tới 12% và dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn. Giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có từ năm 1948 đã kết thúc.
Những lời hoa mỹ mà Nixon dùng để nói về sự cần thiết phải có pháp luật và trật tự để ngăn chặn tình hình tỉ lệ tội phạm ngày càng tăng, việc sử dụng ma túy trở nên phổ biến và những quan điểm dễ dãi về tình dục đã thuyết phục được nhiều người Mỹ. Nhưng mối quan ngại này không đủ để lu mờ được những quan ngại do quản lý kinh tế thất bại và đặc biệt là sau vụ Watergate. Tìm mọi cách để củng cố và mở rộng khu vực cử tri chính trị của mình, Nixon đã công kích dữ dội những người biểu tình, tấn công báo chí vì tội đưa tin xuyên tạc và cố sức bịt miệng các đối thủ. Nhưng trái lại, ông đã gây ra những ấn tượng xấu trong lòng dân chúng và nhiều người Mỹ, thông qua truyền hình, đã có cảm giác rằng ông là một người không ổn định. Thêm vào những rắc rối của Nixon, vị Phó Tổng thống Spiro Angnew lại có các hành vi chống lại giới truyền thông và những người theo phái tự do, đã bị buộc phải từ chức năm 1973 khi ông không phản đối lời buộc tội đã có hành vi trốn thuế.
Có thể Nixon không tham gia trực tiếp vào vụ Watergate nhưng dù sao ông cũng đã tìm cách che giấu vụ việc và do đó, đã nói dối công chúng Mỹ về các vấn đề liên quan đến vụ việc này. Đương nhiên là sự ủng hộ của dân chúng dành cho Nixon đã suy giảm. Vào ngày 27/7/1974, ủy ban Tư pháp của Hạ viện đã bỏ phiếu buộc tội Nixon. Đứng trước nguy cơ chắc chắn bị miễn nhiệm, ông đã từ chức ngày 9/8/1974.
THỜI GIAN LÀM TỔNG THỐNG TẠM QUYỀN CỦA FORD
Phó Tổng thống của Nixon, Gerald Ford (được bổ nhiệm thay thế Angnew), một con người khiêm tốn đã dành toàn bộ cuộc đời hoạt động xã hội của mình để làm việc trong Quốc hội, đã trở thành Tổng thống kế nhiệm Nixon. Ưu tiên lớn nhất của ông là phục hồi lòng tin của dân chúng vào chính phủ. Tuy nhiên, do cảm thấy cần phải có một động thái để tránh cho Nixon bị buộc tội trong tương lai, ông đã có quyết định tha thứ cho người tiền nhiệm của mình. Đối với ông, có thể động thái này là cần thiết nhưng quyết định đó lại không được dân chúng ủng hộ.
Trong chính sách đối nội, Ford tiếp tục đường lối mà Nixon đã xác lập. Nhưng các vấn đề kinh tế vẫn trong tình trạng nguy kịch vì lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Lúc đầu, Ford cố gắng trấn an công chúng như Herbert Hoover đã từng làm năm 1929. Khi thấy điều này không có tác dụng, ông liền ban hành các biện pháp kiềm chế lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 8%. Việc cắt giảm thuế kết hợp với những khoản trợ cấp thất nghiệp cao hơn tuy có khiến tình hình khả quan hơn nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém.
Về chính sách đối ngoại, Ford đã áp dụng chính sách ôn hòa do Nixon khởi xướng. Có lẽ động thái quan trọng nhất của ông trong chính sách đối ngoại là Hiệp ước Hensinki năm 1975, trong đó Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đã thừa nhận thế bá chủ của Liên Xô ở Đông Âu để đổi lại cam kết nhân quyền của Liên Xô. Hiệp ước này không có những ảnh hưởng đáng ghi nhận ngay lập tức, nhưng về dài hạn, nó sẽ khiến cho việc duy trì của đế chế Xô-viết trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, các quốc gia phương Tây đã sử dụng thành công những cuộc họp rà soát lại Hiệp ước Helsinki được tổ chức định kỳ nhằm kêu gọi sự chú ý của dư luận tới những hành vi có thể lạm dụng và vi phạm quyền con người của các chế độ cộng sản thuộc khối Đông Âu.
NHỮNG NĂM THÁNG CẦM QUYỀN CỦA CARTER
Jimmy Carter, cựu thống đốc thuộc phe dân chủ bang Georgia đã thắng cử tổng thống năm 1976. Khi tự khắc họa chân dung mình trong cuộc vận động tranh cử như một người đứng ngoài đời sống chính trị của Washington, ông đã hứa hẹn một cách tiếp cận mới mẻ trong việc cai trị đất nước, nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý ở tầm quốc gia nên nhiệm kỳ tổng thống của ông đã gặp khó khăn ngay từ buổi đầu. Vốn được đào tạo để trở thành một sỹ quan hải quân và một kỹ sư, nên ông thường tỏ ra là một nhà kỹ trị, trong khi người Mỹ lại muốn có một người lãnh đạo có tầm nhìn hơn để đưa họ vượt qua thời buổi khó khăn, phức tạp này.
Trước các khó khăn kinh tế, đầu tiên, Carter thực thi chính sách chi tiêu thâm hụt. Lạm phát lên tới 10% mỗi năm khi Cục Dự trữ Liên bang – cơ quan chịu trách nhiệm về hoạch định chính sách tiền tệ – tăng lượng cung tiền để khắc phục các khoản thâm hụt ngân sách. Carter phản ứng lại bằng việc cắt giảm ngân sách để nhịp độ lạm phát chậm lại, nhưng những cắt giảm đó lại ảnh hưởng tới các chương trình xã hội vốn là mấu chốt trong chính sách của Đảng Dân chủ. Giữa năm 1979, sự chán nản trong giới tài chính đã buộc Carter phải bổ nhiệm Paul Volcker giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang. Volcker là một người sắt đá kiên quyết chống lại nạn lạm phát bằng cách tăng lãi suất để kiểm soát sự tăng giá, đã gây nên những hậu quả bất lợi cho nền kinh tế.
Carter cũng phải đối mặt với các chỉ trích khác do ông không thể thuyết phục Quốc hội thông qua một chính sách năng lượng có hiệu quả. Ông đã đề xuất một chương trình bao quát toàn diện nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nước ngoài. Phái đối lập đã phản đối chương trình này tại Quốc hội.
Mặc dầu Carter tự coi mình là người theo chủ nghĩa dân túy, nhưng những ưu tiên về chính trị của ông chưa bao giờ thực sự rõ ràng. Ông tán thành vai trò bảo trợ của chính phủ, nhưng sau đó lại bắt đầu tiến hành thuyết phi điều tiết – tức là bãi bỏ sự kiểm soát của chính phủ trong đời sống kinh tế. Ông lý luận rằng các hạn chế trong đường lối chính trị của thế kỷ trước đã hạn chế cạnh tranh và làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng. Ông tỏ ý tán thưởng việc bãi bỏ kiểm soát trong các ngành công nghiệp dầu mỏ, hàng không, đường sắt và vận chuyển hàng hóa.
Các nỗ lực chính trị của Carter đã không giành được sự ủng hộ của cả dân chúng lẫn Quốc hội. Cho tới cuối nhiệm kỳ của mình, ông đã bị 77% người Mỹ không tán thành và dân chúng lại bắt đầu lại trông mong vào Đảng Cộng hòa.
Thành công lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Carter là vai trò trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Ai Cập dưới thời Tổng thống Anwar al-Sadat và Israel dưới thời Thủ tướng Menachem Begin. Đóng vai trò vừa là người tham dự vừa là trung gian hòa giải, Carter đã thuyết phục hai nhà lãnh đạo kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm giữa hai quốc gia này. Hai nhà lãnh đạo này đã đến Hoa Kỳ để ký Hiệp ước Hòa bình tại Nhà Trắng vào tháng 3/1979.
Sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài và đầy cảm xúc, Carter đã thuyết phục được Thượng viện phê chuẩn Hiệp ước sẽ trao trả Kênh đào Panama cho nước Cộng hòa Panama vào năm 2000. Ông cũng đã đi thêm một bước so với đường lối của Nixon bằng việc chính thức công nhận quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vấn đề đối ngoại khó khăn nhất mà Carter phải đối mặt là vấn đề Iran. Sau cuộc cách mạng Hồi Giáo chính thống do thủ lĩnh hồi giáo dòng Shiite là Giáo chủ Ruhollah Khomeini lãnh đạo, thì chính phủ tham nhũng nhưng thân thiện trước kia đã bị thay thế. Carter đã chấp nhận để vua Ba-tư bị phế truất tới Hoa Kỳ chữa bệnh. Những binh sỹ nổi giận người Iran, được Chính phủ Hồi giáo ủng hộ, đã chiếm sứ quán Mỹ ở Teheran và bắt giữ 53 con tin người Mỹ trong hơn một năm. Cuộc khủng hoảng con tin kéo dài đã làm u ám năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống và khiến Carter không còn cơ may tái đắc cử.
“Tôi mơ ước có một ngày kia, trên những ngọn đồi cháy đỏ bang Georgia, con cái của những người nô lệ và của chủ nô xưa có thể ngồi bên nhau như những người anh em”
Martin Luther King Jr, 1963
Đến năm 1960, nước Mỹ đã sắp sửa chứng kiến sự thay đổi xã hội lớn lao. Xã hội Mỹ luôn là một xã hội cởi mở và linh hoạt hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, xã hội Mỹ cho đến thời điểm đó vẫn do người da trắng thống trị. Trong những năm 1960, các nhóm dân cư trước kia không có tiếng nói hoặc bị coi là thuộc tầng lớp dưới đã trở nên mạnh mẽ hơn và đã đạt được thành công trong việc đòi quyền dân sự ở các phong trào như: phong trào của người Mỹ gốc Phi, của người da đỏ, phụ nữ, con cái của các dân tộc da trắng mới nhập cư và người châu Mỹ La-tinh. Phần lớn sự ủng hộ mà họ nhận được đến từ tầng lớp thanh niên đông đảo hơn bao giờ hết, một tầng lớp thanh niên được tiếp cận với hệ thống các trường cao đẳng và đại học đang phát triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Thường đua theo những lối sống phản văn hóa và các hệ tư tưởng chính trị cấp tiến, nhiều con cái của thế hệ Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã nổi lên như những người vận động cho một nước Mỹ mới mà đặc trưng của nó là sự đa văn hóa và đa sắc tộc – một xã hội mà trước đây, ông cha họ thấy khó có thể chấp nhận được.
PHONG TRÀO ĐÒI QUYỀN CÔNG DÂN TỪ 1960 ĐẾN 1980
Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi đã đạt được đỉnh cao vào thập niên 1960. Sau những thắng lợi liên tiếp vào thập niên 1950, người Mỹ gốc Phi càng cam kết mạnh mẽ hơn đối với hình thức đấu tranh trực tiếp không dùng bạo lực. Các tổ chức như Hội nghị Quyền lãnh đạo Thiên Chúa giáo miền Nam (SCLC) đã tạo ra tầng lớp tăng lữ người Mỹ gốc Phi và ủy ban Phối hợp Ôn hòa Sinh viên (SNCC) gồm các nhà hoạt động trẻ tuổi là những tổ chức đấu tranh cho cải cách thông qua đối kháng hòa bình.
Năm 1960, các học sinh trung học người Mỹ gốc Phi ngồi tại quầy ăn phân biệt sắc tộc tại trường Woolworth, bang Bắc Carolina và cự tuyệt không chịu dời đi. Cuộc biểu tình của họ đã thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và khởi xướng cho các cuộc biểu tình tương tự khắp các bang miền Nam. Vào năm sau, những người biểu tình đòi quyền công dân đã tổ chức các cuộc diễu hành đòi tự do bằng xe buýt, người da đen và da trắng đều lên những chiếc xe buýt tiến về miền Nam, đi tới những bến xe vẫn còn giữ nguyên thói phân biệt chủng tộc. Ở đó những cuộc biểu tình này có thể thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin và khiến tình hình phải dần dần thay đổi.
Các đại biểu cũng tổ chức những cuộc họp quan trọng mà sự kiện lớn nhất là Cuộc tuần hành Washington năm 1963. Đã có hơn 200.000 người tập trung tại thủ đô nước Mỹ để biểu thị cam kết của họ về quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Cao trào của một ngày tràn ngập tiếng hát và những bài phát biểu hùng hồn đã đến cùng với bài phát biểu của Martin Luther King Jr., người đã xuất hiện với tư cách là người phát ngôn tiêu biểu cho quyền công dân. “Tôi mơ ước có một ngày trên những ngọn đồi cháy đỏ xứ Georgia, con cái của những nô lệ và những chủ nô xưa có thể ngồi bên nhau bên chiếc bàn của tình huynh đệ” – Luther King tuyên bố. Mỗi khi ông nói đoạn điệp khúc “Tôi có một ước mơ”, cả đám đông lại hô to hưởng ứng.
Nhưng sự tiến bộ ban đầu đạt được đã không tương xứng với những lời phát biểu hùng hồn của phong trào đòi quyền công dân. Tổng thống Kennedy ban đầu lưỡng lự không gây sức ép với những người da trắng ở miền Nam phải ủng hộ quyền công dân của người da đen vì ông đang cần những lá phiếu của họ cho những vấn đề khác. Tuy nhiên, các sự kiện mà người Mỹ gốc Phi khởi xướng đã buộc ông phải ra tay. Khi James Meredith bị từ chối không được chấp nhận vào học ở trường Đ ại học Mississippi vào năm 1962 vì lý do sắc tộc, Kennedy đã phải đưa quân đội liên bang tới vùng này để duy trì luật pháp. Sau những cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc ở Bermingham, bang Alabama, cảnh sát đã phản ứng bằng bạo lực. Tổng thống đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật mới về quyền công dân, chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở nơi công cộng. Tuy nhiên, ngay cả cuộc Tuần hành Washington cũng không thể khiến Tiểu ban Quốc hội chịu thông qua. Dự luật đó vẫn còn bị ách lại ở Quốc hội khi Tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963.
Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đạt được nhiều thành công hơn. Với kỹ năng đàm phán mà ông đã thường xuyên sử dụng trong những năm ông còn đảm nhận cương vị lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, Johnson đã thuyết phục được Thượng viện hạn chế các chiến thuật ngăn cản việc bỏ phiếu cuối cùng thông qua Đạo luật mang tính bước ngoặt về Quyền Công dân năm 1964. Bộ luật này đã chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại nơi công cộng. Đạo luật về Quyền bầu cử một năm sau đó, năm 1965, đã cho phép Chính phủ Liên bang đăng ký cử tri tại những nơi mà trước kia, các quan chức không cho phép cử tri da đen đăng ký bỏ phiếu. Cho đến năm 1968, một triệu người Mỹ gốc Phi đã được đăng ký bầu cử tại các vùng xa xôi tại miền Nam. Năm 1968, Quốc hội đã thông qua luật cấm phân biệt chủng tộc trong cung cấp nhà ở.
Tuy nhiên, khi được giải phóng, cuộc cách mạng đòi quyền công dân đã khiến các thủ lĩnh phong trào trở nên nôn nóng vì tốc độ thay đổi diễn ra chậm chạp và người Mỹ gốc Phi vẫn chưa được hòa nhập hoàn toàn vào xã hội chính thống của người da trắng. Malcolm X., một nhà hoạt động chính trị có tài hùng biện là người tiên phong kêu gọi loại bỏ việc phân biệt người Mỹ gốc Phi khỏi cộng đồng da trắng. Stokely Carmichael, một người lãnh đạo phong trào sinh viên, cũng có những ảo tưởng như vậy về quan điểm không dùng bạo lực và việc hợp tác giữa các chủng tộc. Anh đã khiến cho câu khẩu hiệu quyền của người da đen trở nên nổi tiếng, và phải đạt được bằng mọi giá, theo như lời của Malcolm X.
Bạo lực đã xuất hiện cùng với những lời kêu gọi hiếu chiến về cải cách. Nhiều cuộc bạo loạn đã bùng nổ ở một số đô thị lớn vào năm 1966 và 1967. Vào mùa xuân năm 1968, Martin Luther King Jr. đã ngã xuống dưới viên đạn của một kẻ ám sát. Một vài tháng sau đó, Thượng nghị sỹ Robert Kennedy, người phát ngôn cho những người bị thiệt thòi, một người phản đối cuộc Chiến tranh Việt Nam, anh trai của vị cố tổng thống bị ám hại, cũng cùng chịu chung số phận. Với nhiều người thì hai vụ ám sát này đã đánh dấu sự cáo chung của thời đại ngây thơ và lý tưởng hóa trong cả phong trào đòi quyền công dân lẫn phong trào phản chiến. Tính hiếu chiến ngày càng tăng của cánh tả kết hợp với những phản ứng thái quá của phái bảo thủ đã tạo ra một sự chia rẽ trong tinh thần dân tộc mà người ta đã phải mất nhiều năm mới hàn gắn được.
Tuy nhiên, đến thời điểm đó, một phong trào đòi quyền công dân với sự ủng hộ của những quyết định của tòa án, sự thông qua các đạo luật của quốc hội, và các qui định của chính quyền liên bang, đã đan cài vào trong từng khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ, và đây là một xu thế không thể đảo ngược. Các vấn đề quan trọng là thực hiện quyền bình đẳng và sự tiếp cận ngang bằng, chứ không phải là tính hợp pháp của sự phân biệt đối xử hay việc tước quyền bầu cử. Những cuộc tranh luận trong thập niên 1970 và những năm sau đó đều liên quan đến những vấn đề như bắt bọn trẻ phải đi xe buýt ra xa khu vực chúng sống chỉ để có được sự cân bằng về chủng tộc ở các ngôi trường trong thành thị, hay về vấn đề sử dụng các biện pháp khẳng định. Một số người coi các chính sách và chương trình này là những biện pháp tích cực nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng về giáo dục và việc làm, còn một số người khác thì lại coi những chính sách đó vẫn là nạn phân biệt chủng tộc, chỉ có điều theo chiều hướng ngược lại mà thôi.
Tòa án cũng có cách giải quyết vấn đề riêng của mình, thông qua các phán quyết thường không nhất quán. Đồng thời, việc người Mỹ gốc Phi dần dần có mặt trong tầng lớp trung lưu Mỹ và tại các khu ngoại ô yên tĩnh vốn trước đó chỉ thuộc về người da trắng đã lặng lẽ phản ánh một sự thay đổi sâu sắc về nhân khẩu học trong xã hội Mỹ.
PHONG TRÀO PHỤ NỮ
Trong hai thập niên 1950 và 1960, càng ngày càng có nhiều phụ nữ có gia đình tham gia lực lượng lao động, nhưng vào năm 1963, một phụ nữ đi làm chỉ có mức lương trung bình bằng 63% mức lương của một lao động nam giới tương đương. Vào năm đó, tác giả Betty Friedan đã xuất bản cuốn Điều huyền bí của phái nữ, một tác phẩm phê phán gây chấn động, chỉ trích những mô thức sống của tầng lớp trung lưu, mà bà cho là lối sống đó đã khiến cho nhiều phụ nữ cảm thấy không hài lòng. Chỉ ra rằng phụ nữ thường không có cách nào khác để bày tỏ suy nghĩ tình cảm của mình ngoài việc lấy chồng và đẻ con, Friedan đã khuyến khích độc giả tìm kiếm những vai trò và những trách nhiệm mới, và tìm ra bản sắc nghề nghiệp và bản sắc cá nhân, hơn là buông xuôi theo một xã hội do nam giới ngự trị.
Phong trào phụ nữ vào những thập niên 1960 và 1970 đã lấy cảm hứng từ phong trào đòi quyền công dân. Phong trào này chủ yếu bao gồm các thành viên của giai cấp trung lưu, do vậy, đã tiếp nhận phần nào tinh thần nổi loạn của thanh niên thuộc tầng cấp trung lưu trong thập niên 1960.
Các luật về cải cách cũng thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội. Trong cuộc tranh luận về dự luật Quyền Công dân năm 1964, phái đối lập hy vọng sẽ làm phá sản hoàn toàn dự luật này bằng cách đề xuất một Điều bổ sung sửa đổi nhằm cấm sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính và chủng tộc. Lúc đầu, điều luật bổ sung này đã được thông qua, sau đó, chính Đạo luật Quyền Công dân đã được thông qua và đem lại cho phụ nữ một công cụ pháp lý giá trị.
Năm 1966, 28 phụ nữ đi làm, trong đó có bà Betty Friedan, đã thành lập Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW) để hành động nhằm đưa phụ nữ Mỹ hòa nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội chính yếu của nước Mỹ ngày nay. Mặc dù NOW và các tổ chức phụ nữ tương tự tự hào rằng ngày nay mình đã có một số lượng thành viên đông đảo, ta có thể nói rằng những tổ chức này đã có ảnh hưởng lớn nhất vào đầu thập niên 1970, thời mà nhà báo Gloria Steinem và một số phụ nữ khác đã lập ra tạp chí Ms. Họ cũng thúc đẩy sự ra đời của các nhóm chống bình đẳng nghề nghiệp cho phụ nữ, thường cũng do phụ nữ đứng đầu, bao gồm người vận động chính trị nổi tiếng nhất là Phyllis Schlafly. Các nhóm này ủng hộ vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình và phản đối Điều bổ sung sửa đổi hiến pháp được đề xuất mang tên Quyền bình đẳng.
Được Quốc hội thông qua năm 1972, Điều bổ sung sửa đổi đó đã tuyên bố rằng Quyền bình đẳng theo luật định sẽ không bị Hoa Kỳ hay bất kỳ bang nào trên đất nước Hoa Kỳ phủ nhận vì lý do giới tính. Trong vài năm sau đó, 35 bang trong số 38 bang đã phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi này. Các tòa án cũng ra tay để mở rộng quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1973, trong vụ Roe kiện Wade, Tòa án Tối cao đã thừa nhận phụ nữ có quyền phá thai trong những tháng đầu mang thai. Đây là một trong những thắng lợi quan trọng đối với phong trào phụ nữ, nhưng Roe cũng đã tạo ra một phong trào phản đối việc phá thai của phụ nữ.
Tuy nhiên, vào thời kỳ giữa và cuối thập niên 1970, phong trào phụ nữ dường như đã bị ngưng trệ. Phong trào đã không làm cho những lời kêu gọi của mình đến được với những tầng lớp xã hội khác, ngoài tầng lớp trung lưu. Những chia rẽ và bất đồng đã bắt đầu xuất hiện giữa các phái ôn hòa và cấp tiến. Phái bảo thủ đối lập đã tổ chức một chiến dịch phản đối Điều bổ sung sửa đổi Các quyền bình đẳng trong Hiến pháp, và Điều bổ sung sửa đổi này đã bị hủy bỏ năm 1982 vì không có đủ sự tán thành của 38 bang, một điều kiện cần thiết để được Quốc hội phê chuẩn.
PHONG TRÀO CỦA NGƯỜI MỸ LA-TINH
ở nước Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, người Mỹ gốc Mexico và Puerto Rico cũng phải đương đầu với nạn phân biệt chủng tộc. Những người mới di cư đến từ Cuba, Puerto Rico, Mexico và Trung Mỹ thường không có chuyên môn nghề nghiệp và không nói được tiếng Anh, cũng bị phân biệt đối xử. Một số lao động nói tiếng Tây Ban Nha làm việc ở nông trại và đôi khi bị bóc lột tàn tệ; những người khác thì đổ về các đô thị, và ở đó, cũng giống như những nhóm dân nhập cư trước kia, họ phải đối mặt với những khó khăn khi mưu cầu một cuộc sống dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, những người Chicanos, tức là người Mỹ gốc Mexico, được huy động vào các tổ chức như Hiệp hội Quốc gia người Mỹ gốc Mexico, cũng chưa có ý phản kháng cho mãi đến thập niên 1960. Với hy vọng chương trình chống nghèo đói của Lyndon Johnson sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho họ, người Chicanos đã vô cùng thất vọng khi thấy rằng, giới quan chức đã không đáp ứng được những yêu cầu của các nhóm dân cư thấp cổ bé họng trong xã hội. Đặc biệt, tấm gương về phong trào hoạt động của người da đen đã cho người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha một bài học về tầm quan trọng của sức ép chính trị trong một xã hội đa sắc tộc.
Đạo luật về Quan hệ Lao động Xã hội Quốc gia năm 1935 đã không cho nông dân được quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhưng Cesar Chavez, người sáng lập Tổ chức Công nhân trong nông nghiệp mà chủ yếu thành viên là những người nói tiếng Tây Ban Nha, đã chứng tỏ rằng hành động đấu tranh trực tiếp là cách tốt nhất để giành được sự công nhận của giới chủ đối với công đoàn của mình. Các chủ trang trại nho ở California đã phải đồng ý thương lượng với công đoàn của anh sau khi Chavez kêu gọi người tiêu dùng trên toàn quốc tẩy chay nho. Những cuộc tẩy chay tương tự đối với rau diếp và các sản phẩm khác cũng đã thành công. Tuy các chủ nông trại đã tìm cách cản trở hoạt động của tổ chức của Chavez, nhưng cơ sở hợp pháp đã được xác lập, cho phép nông dân nhập cư có quyền đòi hỏi những khoản lương cao hơn và các điều kiện lao động tốt hơn thông qua các tổ chức đại diện cho họ.
Người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha cũng đã trở nên tích cực hơn về mặt chính trị. Năm 1961, Henry B.Gonzalez đã thắng cử vào Quốc hội ở bang Texas. Ba năm sau đó, Elizo (“Kika”) de la Garza, một người Texas khác đã tiếp bước ông, cùng với Joseph Montoya bang New Mexico trúng cử vào Thượng viện. Sau này, cả Gonzalez và De la Garza đều lên tới chức Chủ tịch ủy ban Thượng viện. Vào hai thập niên 1970 và 1980, nhịp độ hoạt động chính trị của người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha đã gia tăng. Nhiều người đã được bổ nhiệm vào nội các của Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush.
PHONG TRÀO CỦA NGƯỜI MỸ DA ĐỎ BẢN ĐỊA
Vào thập niên 1950, thổ dân da đỏ đã đấu tranh chống lại các chính sách của chính phủ yêu cầu họ phải di dời khỏi các vùng đất vốn dành riêng cho người da đỏ và dồn họ vào sống ở các đô thị nơi họ có thể bị đồng hóa về mọi mặt trong đời sống xã hội của nước Mỹ. Người Mỹ da đỏ bản địa bị đẩy khỏi nơi chôn rau cắt rốn đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với đời sống thành thị. Năm 1961, khi chính sách này bị đình chỉ, ủy ban Quyền công dân của Hoa Kỳ đã ghi nhận rằng, đối với người Mỹ da đỏ, sự nghèo nàn và tình trạng bị tước đoạt là phổ biến.
Vào các thập niên 1960 và 1970, quan sát thấy sự phát triển của phong trào dân tộc trong thế giới thứ ba và sự tiến bộ của phong trào đòi quyền công dân tại chính nước Mỹ, thổ dân da đỏ đã trở nên ngày càng kiên quyết trong việc đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của họ. Một thế hệ lãnh tụ mới đã tới tòa án để bảo vệ những vùng đất đai còn sót lại của bộ lạc hay đòi lại số đất đai đã bị tước đoạt một cách phi pháp trước đây. Họ đã đấu tranh và chỉ ra những vi phạm trong hiệp ước tại hết bang này đến bang khác, và vào năm 1967, đã giành được thắng lợi đầu tiên trong nhiều thắng lợi của mình. Từ đó, họ được đảm bảo đất đai và nguồn nước vốn bị lạm dụng bấy lâu nay. Phong trào người Mỹ da đỏ (AIM) thành lập năm 1968 đã góp phần phân phối các khoản tiền của chính phủ tới các tổ chức do người da đỏ lãnh đạo và trợ giúp cho những người da đỏ bị bỏ rơi và bị coi rẻ tại các đô thị.
Những vụ đối kháng trở nên phổ biến hơn. Năm 1969, một đoàn gồm 78 thổ dân da đỏ đã đổ bộ chiếm đảo Alcatraz tại vịnh San Francisco và chiếm giữ đảo này cho tới khi các quan chức Liên bang chuyển họ ra khỏi đảo năm 1971. Năm 1973, một nhóm người Mỹ da đỏ đã đánh chiếm làng Wounded Knee ở bang Nam Dakota nơi binh lính đã tàn sát các bộ lạc Sioux vào cuối thế kỷ XIX. Những người bạo động hy vọng thu hút sự chú ý của chính phủ về điều kiện sống bần cùng tại các vùng đất dành riêng cho người bản địa xung quanh các thành phố nơi nạn nghiện rượu lan tràn. Sự kiện này đã chấm dứt sau khi một người da đỏ bị giết và một người khác bị thương. Chính phủ đã đồng ý xem xét lại các quyền lợi của người da đỏ đã được quy định trong Hiệp ước.
Song, những hoạt động chính trị tích cực của người da đỏ đã mang lại kết quả. Những người Mỹ khác đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu của thổ dân da đỏ. Các quan chức chính phủ đã đáp lại đòi hỏi của họ bằng các biện pháp tích cực, trong đó có Điều luật Hỗ trợ Giáo dục năm 1975 và Điều luật Nhà ở và Đạo luật Quyền tự quyết cho thổ dân da đỏ năm 1996. Thượng nghị sỹ thổ dân da đỏ đầu tiên, Ben Nighthorse Campbell bang Colorado, đã được bầu vào Thượng viện năm 1992.
PHONG TRÀO VĂN HÓA ĐỐI KHÁNG
Sự kích động đòi cơ hội bình đẳng đã làm bùng lên những biến động đột ngột khác. Đặc biệt, thanh niên đã phản đối lối sống của tầng lớp trung lưu mà cha mẹ họ đã tạo ra vào các thập niên sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Một số người đã tham gia vào các hoạt động chính trị cấp tiến; nhiều người khác đã chấp nhận những chuẩn mực mới về trang phục và hành vi tình dục.
Những dấu hiệu rõ rệt của phong trào văn hóa đối nghịch đã lan tỏa khắp xã hội Mỹ cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Tóc để dài hơn và mốt để râu trở nên phổ biến. Quần Jean xanh và áo phông đã thế chỗ cho quần tây, áo vét và cà vạt. Việc sử dụng các loại ma túy bất hợp pháp gia tăng. Nhạc Rock and Roll đã phát triển, trở nên hết sức phổ biến và biến thể thành nhiều thể loại âm nhạc khác. Beatles, Rolling Stones cùng những ban nhạc nước Anh khác đã dấy lên một làn sóng say mê trên nước Mỹ. Nhạc Hard Rock trở nên thịnh hành, những ca khúc có lời ca đậm tính chính trị xã hội, như những ca khúc của ca sỹ kiêm nhạc sỹ Bob Dylan được phổ biến khắp nơi. Phong trào văn hóa đối nghịch đạt được cao điểm cực thịnh vào khoảng tháng 8/1969 tại Woodstock, một đại hội tại liên hoan âm nhạc kéo dài ba ngày ở vùng nông thôn bang New York với nửa triệu người tham dự. ại hội liên hoan vốn được huyền thoại hóa trong phim ảnh và băng đĩa thời kỳ này đã được mệnh danh là thế hệ Woodstock.
Một sự thể hiện tương tự về tính nhạy cảm của giới trẻ là sự ra đời của phái Cánh tả mới, một nhóm thanh niên cấp tiến, tuổi còn đang là sinh viên cao đẳng, đại học. Những kẻ cánh tả mới này, với những đối tác gần gũi ở Tây Âu, thường là con cái của những người thuộc thế hệ cấp tiến trước đây. Tuy nhiên, họ bác bỏ hệ tư tưởng Mác-xít. Thay vào đó, họ coi các sinh viên đại học như họ là tầng lớp bị áp bức, những người có những quan điểm đặc biệt về cuộc đấu tranh của những nhóm người bị áp bức khác trong xã hội Mỹ.
Những người thuộc phái cánh tả mới tham gia các phong trào đòi quyền công dân và đấu tranh chống nghèo đói. Thành công lớn nhất của họ – một sự kiện mà họ đã kêu gọi được sự ủng hộ rộng rãi – là cuộc đấu tranh phản đối Chiến tranh Việt Nam, một vấn đề mà những thanh niên thời thực hiện chế độ quan dịch của họ rất quan tâm. Cuối thập niên 1970, nhóm sinh viên Cánh tả mới đã giải thể, nhưng nhiều nhà hoạt động của tổ chức này vẫn tiếp tục con đường của họ trong đời sống chính trị xã hội Mỹ.
CHỦ NGHĨA MÔI TRƯỜNG
ĐÃ bùng lên phong trào đòi quyền công dân, phong trào văn hóa đối nghịch, và phái Cánh tả mới cũng kích thích sự ra đời của phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường vào giữa thập niên 1960. Nhiều người đã được giác ngộ sau khi cuốn sách “Mùa xuân im lặng” của Rachel Carson được xuất bản năm 1962. Cuốn sách này đã cáo buộc rằng các loại thuốc trừ sâu hóa học, đặc biệt là DDT – làm nguyên nhân gây bệnh ung thư và một số căn bệnh nguy hiểm khác. Mối lo ngại của dân chúng về môi trường đã tiếp tục tăng lên trong suốt thập niên 1960 và nhiều người đã nhận thức được về các chất gây ô nhiễm xung quanh họ như: khí thải ôtô, chất thải công nghiệp, các vụ tràn dầu, đều là mối đe dọa đối với sức khoẻ của họ và cảnh quan môi trường xung quanh. Vào ngày 22/4/1970, lần đầu tiên, các trường học và các cộng đồng dân cư trên toàn nước Mỹ đã kỷ niệm Ngày Trái Đất. Các cuộc hội thảo đã giúp người Mỹ hiểu được mối hiểm họa to lớn của ô nhiễm môi trường.
Mặc dù không mấy ai phản đối ô nhiễm là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng các giải pháp đề xuất đều tốn kém và chưa tiện lợi. Nhiều người tin rằng những giải pháp này sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và từ đó khiến mức sống của người Mỹ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vào năm 1970, Quốc hội đã sửa đổi Điều luật Không khí Sạch năm 1967 nhằm xây dựng những tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc về chất lượng không khí. Quốc hội cũng thông qua Đạo luật Cải thiện Chất lượng Nước, buộc những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm dọn sạch những vết dầu loang ngoài khơi. Cũng vào năm 1970, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã được thành lập và hoạt động như một cơ quan liên bang độc lập kiểm soát các hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường. Trong suốt ba thập niên sau này, nhờ có luật pháp quy định mà quyền lực của EPA ngày càng được tăng cường, và tổ chức này đã trở thành một trong những cơ quan chính phủ tích cực nhất, chuyên ban hành những quy định về chất lượng không khí và chất lượng nước.
KENNEDY VÀ SỰ TÁI NỔI LÊN CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO CÙNG VỚI VAI TRÒ LỚN CỦA CHÍNH PHỦ
Đến năm 1960, Chính phủ trở thành một lực lượng đầy quyền lực trong đời sống dân chúng. Trong cuộc Đ ại suy thoái những năm 1930, các cơ quan hành pháp mới đã được thành lập để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống thường ngày của người dân. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, số lượng người làm việc cho Chính phủ Liên bang đã tăng từ một triệu người lên 3, 8 triệu người, sau đó giữ ở mức ổn định là 2,5 triệu người trong những năm 1950. Chi tiêu của Liên bang là 3.100 triệu đô-la năm 1929, tăng lên 75.000 triệu đô-la năm 1953 và lên tới 150.000 triệu đô la trong những năm 1960.
Đa số người Mỹ đều chấp nhận vai trò ngày càng lớn của Chính phủ, mặc dù lại bất đồng ý kiến trong việc xem xét xem phạm vi quyền lực của chính phủ sẽ được tiếp tục mở rộng đến mức nào trong tương lai. Nhìn chung, phái Dân chủ muốn Chính phủ đảm bảo được tăng trưởng và ổn định. Họ muốn tăng cường hơn nữa các hình thức phúc lợi liên bang về giáo dục, y tế và an sinh. Những người theo Đảng Cộng hòa thì đồng tình với mức trách nhiệm cao của Chính phủ, đồng thời hy vọng hạn chế chi tiêu và khuyến khích các sáng kiến cá nhân. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 đã phản ánh rất rõ nét sự phân chia tương đối cân bằng giữa hai khuynh hướng trên trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ.
John F. Kennedy, người chiến thắng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, 43 tuổi, là người đắc cử tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ cho tới thời điểm đó. Trên truyền hình, trong một loạt các cuộc tranh luận với đối thủ của mình là Richard Nixon, ông đã tỏ ra là người có năng lực, có tài biện thuyết, năng nổ và đầy nhiệt huyết. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã trình bày rất sôi nổi về kế hoạch chuyển mình của nước Mỹ trong thập niên mới, cho một ranh giới mới đang tồn tại cho dù chúng ta có tìm kiếm nó hay không. Trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình, ông đã kết luận bằng một lời kêu gọi đầy thuyết phục: “Bạn đừng hỏi đất nước đã làm được gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn sẽ có thể làm được gì cho đất nước. Trong suốt thời gian ngắn ngủi trên cương vị tổng thống, sự kết hợp đặc biệt giữa sức hút, trí thông minh và phong thái của Kennedy – những điều này còn ấn tượng hơn nhiều so với chương trình lập pháp của ông – đã khiến ông giữ được sự nổi tiếng và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới những thế hệ chính khách kế tiếp.
Kennedy mong muốn tăng cường phúc lợi kinh tế cho tất cả công dân Mỹ, tuy nhiên, thắng lợi quá sít sao trong cuộc tranh cử đã hạn chế quyền lực của ông. Tuy Đảng Dân chủ đã kiểm soát cả hai Viện của Quốc hội, nhưng phe bảo thủ miền Nam thuộc Đảng Dân chủ lại thường về cánh với Đảng Cộng hòa trong các vấn đề liên quan đến mức độ can thiệp của Chính phủ vào đời sống kinh tế. Họ phản đối các kế hoạch tăng trợ cấp liên bang cho giáo dục, cung cấp bảo hiểm y tế cho người già và thành lập một Bộ mới – Bộ Vấn đề Đô thị. Vì thế, bất chấp tài hùng biện của ông, các chính sách của Kennedy thường bị hạn chế và bị ngăn cản.
Một ưu tiên lớn của Kennedy là tìm cách chấm dứt suy thoái, một xu thế đang diễn ra khi ông lên nhậm chức, và phục hồi tăng trưởng. Nhưng vào năm 1962, khi ông thành công trong việc hạn chế sự tăng giá quá mức trong ngành công nghiệp chế tạo thép, theo nhìn nhận của Chính phủ, thì Kennedy không còn chiếm được lòng tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp nữa. Tuy ông đã thành công trong những mục tiêu trước mắt, nhưng ông lại mất dần những nguồn ủng hộ quan trọng. Khi được cố vấn kinh tế của mình thuyết phục là việc cắt giảm mạnh các khoản thuế sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, Kennedy đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật về giảm thuế. Tuy nhiên, phái đối lập bảo thủ trong Quốc hội đã dập tắt mọi hy vọng của ông về việc dự luật sẽ được thông qua, vì hầu hết các nghị sỹ trong Quốc hội đều cho rằng một đạo luật như vậy sẽ chỉ làm cho ngân sách bị thâm hụt trầm trọng thêm.
Các cải cách lập pháp của chính quyền Kennedy còn nghèo nàn hơn. Tổng thống đã có một số hành động thiện ý đối với lãnh tụ của các phong trào đòi quyền công dân nhưng không đạt được những mục tiêu của phong trào này cho tới khi Martin Luther King Jr. buộc ông phải ra tay năm 1963. Giống như Truman, Kennedy không thể thuyết phục được Quốc hội thông qua các khoản trợ cấp liên bang cho giáo dục công, chương trình chăm sóc y tế cho người già. Ông chỉ đạt được thành công khiêm tốn trong việc đòi tăng mức lương tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, ông đã đảm bảo được việc cấp vốn cho chương trình nghiên cứu vũ trụ và đã lập ra các Tổ chức Hòa bình đưa người Mỹ ra nước ngoài để trợ giúp cho các nước đang phát triển và đáp ứng những nhu cầu của họ.
KENNEDY VÀ CHIẾN TRANH LẠNH
Tổng thống Kennedy nhậm chức đã cam kết sẽ tiếp tục cuộc Chiến tranh Lạnh một cách mạnh mẽ, nhưng ông cũng hy vọng sẽ có sự thỏa hiệp và đã chần chừ trong việc tăng cường sức mạnh và quyền lực của nước Mỹ trên trường quốc tế. Trong một năm rưỡi đầu tiên nhậm chức, ông đã từ chối không cho nước Mỹ can thiệp sau khi cuộc tấn công của những người Cuba lưu vong do CIA chỉ đạo vào Vịnh Con lợn thất bại, ông cũng đã để cho quốc gia Đông Nam Á – nước Lào rơi vào tay kiểm soát của Cộng sản và đã ngầm đồng ý với việc dựng lên Bức tường Berlin. Các quyết định của Kennedy đều củng cố một cảm nhận về sự thỏa hiệp mà Tổng Bí thư Liên Xô, Nikita Khrushchev đã tạo ra trong cuộc gặp cá nhân duy nhất giữa hai người, một cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6/1961 tại Vienna.
Chính trong bối cảnh này mà Kennedy đã gặp phải sự kiện nghiêm trọng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.
Mùa thu năm 1962, Chính quyền Mỹ biết được rằng Liên Xô đang bí mật bố trí các dàn tên lửa hạt nhân trên đất Cuba. Sau khi cân nhắc các lựa chọn khác nhau, ông quyết định kiểm dịch để ngăn chặn không cho tàu chiến Xô-viết tiếp tục vận chuyển thêm tên lửa tới Cuba. Đồng thời, ông đã công khai yêu cầu Liên Xô rút bỏ mọi loại tên lửa và vũ khí hạt nhân và cảnh báo rằng hành động quá khích của Liên Xô trên hòn đảo Cuba có thể sẽ dẫn đến một cuộc tấn công trả đũa Liên bang Xô-viết. Sau vài ngày căng thẳng, khi mà thế giới đã đứng kề miệng vực thảm họa chiến tranh hạt nhân, Liên Xô đã đồng ý rút lui cùng với dàn tên lửa của họ. Những người phê phán đã buộc tội ông là đã đánh liều với thảm họa hạt nhân trong khi chính sách ngoại giao hòa bình vẫn có thể là thích hợp. Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba lần đầu tiên đã khiến Kennedy trở thành một nhà lãnh đạo nổi tiếng của phương Tây dân chủ.
Nhìn nhận lại, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Xô-Mỹ. Cả hai bên đều nhìn thấy sự cần thiết phải giảm bớt căng thẳng có thể dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp. Một năm sau đó, Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh đã ký một văn kiện quan trọng – Hiệp ước Cấm thử Vũ khí hạt nhân Cục bộ nhằm cấm mọi hình thức thử vũ khí hạt nhân trên không.
Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), vốn là thuộc địa của Pháp từ trước Chiến tranh Thế giới Thứ hai, vẫn là một chiến trường khác của Chiến tranh Lạnh. Nỗ lực của nước Pháp nhằm tái lập ách thống trị đã vấp phải sự phản kháng của Hồ Chí Minh, một người Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ phong trào Việt Minh trong cuộc chiến tranh du kích chống lại ách cai trị của thực dân Pháp.
Cả Truman và Eisenhower đều muốn duy trì sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với nước Pháp nhằm thực thi chính sách ngăn chặn ảnh hưởng của Chủ nghĩa Cộng sản ở châu Âu nên đã cung cấp cho nước Pháp nhiều trợ giúp về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham chiến của Pháp ở Việt Nam. Song Pháp đã thất bại hoàn toàn vào tháng 5/1954 tại Điện Biên Phủ. Tại hội nghị quốc tế Geneva, Lào và Campuchia được trao quyền độc lập. Việt Nam bị chia cắt làm hai miền, Hồ Chí Minh là lãnh tụ ở miền Bắc và Ngô Đình Diệm – một phần tử chống cộng theo đạo Cơ đốc trong một đất nước mà đông đảo dân chúng là tín đồ Phật giáo – đứng đầu chính phủ ở miền Nam. Các cuộc bầu cử dự định sẽ được tổ chức hai năm sau đó để thống nhất đất nước. Do bị thuyết phục rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam có thể dẫn tới sự thất bại của Myanmar, Thái Lan và Indonesia nên Eisenhower đã ủng hộ Ngô Đình Diệm từ chối tiến hành tổng tuyển cử vào năm 1956 và đã biến miền Nam Việt Nam thành một chính quyền tay sai cho Mỹ.
Kennedy đã tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm và đưa một số cố vấn quân sự tới miền Nam Việt Nam, nhưng cuộc chiến tranh du kích giữa miền Bắc và miền Nam vẫn tiếp diễn. Diệm mất uy tín trước công chúng và tình hình quân sự ngày càng trở nên xấu đi. Cuối năm 1963, Kennedy đã bí mật ủng hộ một cuộc đảo chính tại miền Nam Việt Nam, nhưng trước sự ngỡ ngàng của Tổng thống Mỹ, Diệm và người em đầy quyền lực của ông Ngô Đình Nhu – đã bị giết. Vào chính thời điểm bước ngoặt này, nhiệm kỳ tổng thống của Kennedy cũng chấm dứt ba tuần sau đó.
CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VŨ TRỤ
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Eisenhower, chinh phục vũ trụ đã trở thành một đấu trường khác cho cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Liên Xô. Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik, từ đó chứng tỏ rằng họ có thể chế tạo những quả tên lửa mạnh hơn so với Mỹ. Tới năm 1958, Hoa Kỳ đã phóng vệ tinh đầu tiên, Explorer 1. Nhưng ba tháng sau khi Kennedy nhậm chức tổng thống, Liên Xô đã đưa được con người đầu tiên lên quỹ đạo. Kennedy đã đáp lại bằng việc giao cho Hoa Kỳ sứ mệnh đưa được con người lên mặt trăng và cũng như trở về trái đất trước khi thập niên này chấm dứt. Với dự án Mercury năm 1962, John Glenn đã trở thành nhà du hành vũ trụ Mỹ đầu tiên bay lên quỹ đạo trái đất.
Sau cái chết của Kennedy, Tổng thống mới Lyndon Johnson đã ra sức ủng hộ các chương trình không gian. Vào giữa những năm 1960, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã chế tạo con tàu vũ trụ với hai phi công – con tàu Gemini. Gemini đã đạt được một số kỷ lục đầu tiên, trong đó có chuyến bay tám ngày vào vũ trụ tháng 8/1965 – chuyến bay vũ trụ dài ngày nhất tính tới thời điểm đó – và vào tháng 11/1966, Gemini đã tiến hành thành công vụ trở về khí quyển trái đất được điều khiển tự động lần đầu tiên. Gemini cũng thực hiện thành công vụ nối kết hai tàu vũ trụ đang bay do con người thực hiện lần đầu tiên, và thực hiện những cuộc dạo chơi ngoài không gian đầu tiên của người Mỹ.
Con tàu vũ trụ dành cho ba phi công mang tên Apollo đã đạt được mục tiêu do Kennedy đề ra và chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng Mỹ đã vượt Liên Xô trong việc chinh phục vũ trụ. Ngày 20/7/1969, với hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên toàn thế giới đang xem chương trình truyền hình trực tiếp, Neil A. Armstrong đã trở thành người đầu tiên bước chân lên mặt trăng.
Những chuyến bay khác của Apollo vẫn được tiếp tục sau đó, nhưng nhiều người Mỹ đã bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của những chuyến bay vào vũ trụ của con người. Vào đầu thập niên 1970, vì những ưu tiên khác đang trở nên cấp bách hơn, nên Hoa Kỳ đã cắt giảm chi phí cho Chương trình không gian. Một số chuyến bay của Apollo đã bị hủy bỏ; và chỉ có một trong hai trạm không gian Skylab theo đề xuất trước đó được xây dựng mà thôi.
CÁI CHẾT CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG
John Kennedy đã giành được uy tín trên thế giới sau khi giải quyết thành công cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, đồng thời, ông cũng giành được sự ủng hộ từ đông đảo quần chúng trong nước Mỹ. Nhiều người tin rằng ông sẽ tái đắc cử một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964. Nhưng ngày 22/11/1963, ông đã bị ám sát trên chiếc xe mui trần trong chuyến đi thăm thành phố Dallas, bang Texas. Cái chết của ông, được truyền hình trực tiếp, là một sự kiện đau thương đối với dân chúng Mỹ, giống như cái chết của Tổng thống Roosevelt 18 năm về trước.
Khi nhìn lại, người ta thấy rõ rằng tiếng vang của Kennedy là bắt nguồn từ phong cách và những lý tưởng được nói một cách đầy hùng biện của ông hơn là từ việc thực thi chính sách. Ông đã có một chương trình nghị sự đầy tham vọng, nhưng cho đến khi ông chết, vẫn còn rất nhiều chương trình ông đề xuất bị ách lại ở Quốc hội. Chính nhờ năng lực chính trị và những thành công về lập pháp của người kế nhiệm ông đã khiến Kennedy được ví như một động lực thúc đẩy các cải cách tiến bộ.
LYNDON JOHNSON VÀ MỘT XÃ HỘI VĨ ĐẠI
Lyndon Johnson, một người Texas, đã từng là thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện trước khi làm Phó Tổng thống của Kennedy, là một chính khách lão luyện. Ông đã được rèn luyện tại Quốc hội nơi ông phát triển được tài năng kiệt xuất trong việc xử lý các tình huống để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Ông có thể bào chữa, biện hộ, thuyết phục hay đe dọa khi cần thiết để đạt được các mục tiêu của mình. Tư tưởng tự do của ông có thể còn sâu sắc hơn người tiền nhiệm Kennedy. Với tư cách là Tổng thống, ông mong muốn được sử dụng quyền lực của mình để loại trừ nghèo đói và mang cuộc sống thịnh vượng tới cho tất cả mọi người.
Johnson đã nhậm chức với quyết tâm sẽ đảm bảo cho chương trình lập pháp của Kennedy được Quốc hội thông qua. Những ưu tiên đầu tiên của vị Tổng thống mới là các dự luật của người tiền nhiệm về giảm thuế và đảm bảo quyền công dân. Sử dụng những kỹ năng thuyết phục và kêu gọi sự tôn trọng của các nhà lập pháp đối với vị tổng thống đã bị sát hại, Johnson đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua cả hai dự luật ngay trong năm đầu tiên sau khi nhậm chức. Việc giảm thuế đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Còn Đạo luật Quyền Công dân năm 1964 là một đạo luật có tầm nhìn xa nhất trong lĩnh vực này kể từ thời kỳ tái thiết.
Johnson cũng bắt đầu triển khai các chương trình khác. Đến mùa xuân năm 1964, ông bắt đầu nói đến Xã hội vĩ đại để mô tả chương trình cải cách kinh tế xã hội của mình. Mùa hè năm đó, Quốc hội đã thông qua chương trình Việc làm Liên bang cho các thanh niên nghèo không có việc làm. Đây là bước đi đầu tiên của cuộc chiến “Chống đói nghèo”. Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm đó, ông đã thắng phiếu áp đảo trước đối thủ Đảng Cộng hòa bảo thủ Bary Goldwater. Đ áng chú ý là cuộc bầu cử tổng thống năm 1964 đã mang lại cho những người thuộc Đảng Dân chủ tự do sự kiểm soát Quốc hội vững chắc lần đầu tiên kể từ năm 1938. Điều đó khiến họ có thể thông qua các đạo luật mà không e ngại sự bất hợp tác của hai phe đối lập là Đ Đảng Cộng hòa và các đại biểu bảo thủ của Đảng Dân chủ miền Nam.
Cuộc chiến chống đói nghèo đã trở thành nhiệm vụ trung tâm của Chương trình Xã hội vĩ đại. Cơ quan Cơ hội Kinh tế, được thành lập năm 1964, đã giúp cho người nghèo được đào tạo và đã thiết lập các cơ quan hành động cộng đồng khác nhau, với tư tưởng dân chủ để người nghèo có được tiếng nói của mình trong các chương trình về nhà cửa, sức khoẻ và giáo dục.
Tiếp theo là các chương trình chăm sóc y tế. Dưới sự lãnh đạo của Johnson, Quốc hội đã ban hành Luật Chăm sóc y tế, một chương trình bảo hiểm y tế cho người già, và Luật Trợ cấp y tế, một chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo.
Johnson cũng thành công trong nỗ lực cung cấp nhiều trợ giúp liên bang hơn nữa cho các trường tiểu học và trung học cơ sở, vốn theo truyền thống, là hệ thống thuộc chức năng của các bang và các địa phương. Biện pháp hỗ trợ là cấp tiền cho các bang, dựa vào số lượng trẻ em sinh ra trong các gia đình có thu nhập thấp. Các quỹ này cũng có thể được sử dụng để giúp đỡ học sinh trong các trường công cũng như các trường tư.
Tin rằng nước Mỹ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng đô thị mà biểu hiện rõ nét là các khu nội thị đang thu hẹp dần, những người kiến tạo nên Chương trình Xã hội vĩ đại đã đưa ra một Đạo luật mới về Nhà ở, và đã cung cấp các khoản hỗ trợ tiền thuê nhà cho người nghèo. Đồng thời, họ cũng đã lập ra Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị.
Các đạo luật khác cũng được ban hành và có ảnh hưởng rất lớn đến muôn mặt đời sống của người Mỹ. Trợ giúp Liên bang còn được cấp cho các nghệ sỹ và các giáo viên trung học và tiểu học nhằm hỗ trợ cho công việc khó khăn của họ. Tháng 9/1966, Johnson đã ký hai Đạo luật về giao thông. Đạo luật thứ nhất cấp quỹ cho chính quyền các bang và địa phương nhằm xây dựng các chương trình an toàn giao thông. Đạo luật thứ hai xác lập các tiêu chuẩn liên bang về độ an toàn của săm lốp và của các loại xe ôtô. Chương trình thứ hai này phản ánh nỗ lực của một luật sư trẻ cấp tiến – Ralf Nader. Trong cuốn sách ấn hành năm 1965 của mình, Nguy hiểm ở mọi tốc độ, những hiểm họa tiềm tàng của ôtô Mỹ, Nader đã chỉ trích rằng các nhà sản xuất đã hy sinh những tiêu chuẩn an toàn để đạt những mục đích về kiểu dáng ôtô, và cáo buộc rằng những lỗi trong thiết kế và chế tạo đã góp phần gây ra tai nạn trên xa lộ.
Năm 1965, Quốc hội đã bãi bỏ đạo luật phân biệt đối xử năm 1924 quy định hạn ngạch nhập cư tuỳ thuộc vào quốc tịch gốc của họ. Động thái này đã gây ra một làn sóng nhập cư mới, chủ yếu từ Nam Á, Đông Á và châu Mỹ La-tinh.
Chương trình Xã hội vĩ đại quả là một thời kỳ bùng phát các hoạt động lập pháp kể từ thời Chính sách kinh tế mới. Nhưng sự ủng hộ cho chính quyền của Johnson đã bắt đầu yếu đi vào đầu năm 1966. Một số chương trình của Johnson không được thực thi đúng theo những mong đợi của dân chúng; nhiều chương trình được cấp tiền không đủ. Cuộc khủng hoảng đô thị có chiều hướng xấu đi. Tuy vậy, dù là nhờ vào những khoản chi tiêu công trong Chương trình Xã hội vĩ đại hay nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nghèo đói đã giảm bớt, dù chỉ là giảm đôi chút, dưới thời của Tổng thống Johnson.
CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Sự không hài lòng với Chương trình Xã hội vĩ đại lại càng trùng hợp với những thất vọng trong Chiến tranh Việt Nam. Hàng loạt các nhà lãnh đạo quyền lực ở miền Nam Việt Nam cũng tỏ ra chẳng hơn Diệm là bao trong việc vận động quần chúng. Các lực lượng Việt Cộng, được miền Bắc Việt Nam trợ lực, đã giành được ưu thế tại khu vực nông thôn.
Quyết tâm ngăn chặn những bước tiến của cộng sản ở miền Nam Việt Nam, Johnson đã biến cuộc chiến tranh ở Việt Nam trở thành cuộc chiến của chính ông. Sau khi lấy cớ một cuộc tấn công của hải quân Bắc Việt Nam vào hai tàu trục hạm của Mỹ, ngày 7/8/1964, Johnson đã thuyết phục được Quốc hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống thi hành tất cả các biện pháp cần thiết để đẩy lui bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào chống lại các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và ngăn ngừa một cuộc xâm lược tiếp theo. Sau khi tái đắc cử tháng 11/1964, ông đã lao vào tiến hành chính sách leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Từ 25.000 binh sỹ vào đầu năm 1965, con số binh lính – bao gồm cả lính tình nguyện và lính quân địch – đã tăng tới 500.000 người vào đầu năm 1968. Một chiến dịch ném bom ồ ạt đã tàn phá nặng nề cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam.
Sau khi chứng kiến những trận đánh rùng rợn được trình chiếu trên truyền hình với những bình luận đầy tính phê phán, người Mỹ bắt đầu phản đối việc nước Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh này. Một số người cho rằng cuộc chiến này là vô đạo đức, một số khác thì tỏ ra hoang mang khi chiến dịch quân sự ồ ạt dường như không hiệu quả. Sự phản đối chiến tranh ngày càng rộng khắp trong dân chúng Mỹ, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên và sự bất mãn của dân chúng ngày càng tăng đã buộc Johnson phải bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình.
CUỘC BẦU CỬ NĂM 1968
Năm 1968, nước Mỹ lâm vào tình trạng hỗn loạn do Chiến tranh Việt Nam và những cuộc nổi loạn ở thành thị phản ánh sự bất mãn của người Mỹ gốc Phi. Vào ngày 31/3/1968, Tổng thống tuyên bố không có ý định tranh cử cho nhiệm kỳ mới. Một tuần sau đó, Martin Luther King Jr. đã bị bắn chết tại Memphis, Tennessee. Em trai của John Kennedy, Robert, người đã tổ chức một cuộc diễu hành chống chiến tranh và là người được đề cử đại diện cho Đảng Dân chủ cũng bị ám sát sau đó vào tháng 6.
Tại Hội nghị quốc gia của Đảng Dân chủ tại Chicago, bang Illinois, những người phản đối chiến tranh đã đụng độ với cảnh sát trên đường phố. Phó Tổng thống Hubert Humphrey, người được bổ nhiệm là đại diện cho Đảng Dân chủ, đã từng là người hùng trong các chiến dịch đòi quyền tự do, nay lại bị coi là đồ đệ trung thành của Johnson. Phái đối lập da trắng chống lại việc thực thi quyền công dân vào thập niên 1960 và sự ra ứng cử của Đảng thứ ba của Thống đốc bang Alabama là George Wallace (người đã thắng cử ở bang quê hương ông và ở các bang Mississippi, Arkansas, Louisiana và Georgia), người đã cạnh tranh với ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Richard Nixon thuộc Đảng Cộng hòa đã thắng cử sát nút với kế hoạch đưa Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc chiến tranh và thiết lập lại luật pháp và trật tự trong nước Mỹ.
NIXON, VIỆT NAM VÀ CHIẾN TRANH LẠNH
Quyết tâm đạt được hòa bình trong danh dự, Nixon đã dần dần rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời tăng mạnh viện trợ vũ khí phương tiện để miền Nam Việt Nam có thể tiếp tục cuộc chiến. Ông cũng ra lệnh tiến hành một loạt các cuộc tấn công dữ dội, mà cuộc tấn công quan trọng nhất là xâm lược Campuchia vào năm 1970 nhằm cắt đứt các tuyến đường cung cấp của miền Bắc tới miền Nam Việt Nam chạy qua Campuchia. Hành động này đã làm dấy lên những cuộc phản đối và biểu tình mới. Sinh viên ở nhiều trường đại học đã biểu tình trên đường phố. Tại Kent State, bang Ohio, các đơn vị vệ binh quốc gia được gọi tới để duy trì trật tự đã làm chết bốn sinh viên.
Tuy nhiên, cho đến mùa thu năm 1972, số binh sỹ Mỹ có mặt tại Việt Nam đã rút xuống còn dưới 50.000 người, và lệnh quân dịch vốn đã gây ra sự bất bình to lớn tại các khu sinh viên, đã không còn hiệu lực. Cuối cùng, vào năm 1973, lệnh ngừng bắn do Henrry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia của Chính quyền Nixon, tiến hành đàm phán thay mặt Hoa Kỳ đã được ký kết. Tuy các đơn vị quân đội Mỹ đã rút đi, song chiến tranh vẫn còn kéo dài cho tới mùa xuân năm 1975, khi Quốc hội Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ cho miền Nam Việt Nam, và Bắc Việt Nam đã giành được quyền kiểm soát trên toàn bộ đất nước.
Cuộc Chiến tranh Việt Nam đã để lại một nước Việt Nam bị tàn phá với hàng triệu người chết và tàn tật. Cuộc chiến cũng để lại đằng sau một nước Mỹ đau thương. Hoa Kỳ đã tiêu phí hơn 150 tỷ đô-la vào một nỗ lực vô ích với cái giá là 58.000 sinh mạng người Mỹ. Cuộc chiến tranh này cũng chấm dứt sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại của Chiến tranh Lạnh và khiến nhiều người Mỹ lo ngại về những hành động khác nữa của dân tộc họ tại nước ngoài.
Khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền Nixon đã tiến hành các bước đi lịch sử để thắt chặt quan hệ với các cường quốc cộng sản quan trọng. Bước đi ngoạn mục nhất là việc thiết lập quan hệ cởi mở với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong suốt hai mươi năm, kể từ khi Mao Trạch Đông giành chiến thắng, Hoa Kỳ đã biện thuyết rằng Chính phủ Quốc dân Đảng ở Đài Loan mới là đại diện cho Trung Quốc. Vào những năm 1971 và 1972, Nixon đã làm dịu đi lập trường của Mỹ, giảm nhẹ những hạn chế mậu dịch và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Bắc Kinh. Tuyên bố Thượng Hải được ký kết trong chuyến thăm này là mốc ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc: nước Mỹ công nhận chỉ có một nước Trung Hoa, Đài Loan chỉ là một phần của Trung Quốc và những tranh luận hòa bình của Trung Quốc cũng là mối quan tâm của Hoa Kỳ.
Với Liên Xô, Nixon đã thành công như đối với Trung Quốc trong việc theo đuổi chính sách mà ông và Ngoại trưởng Henry Kissinger gọi là sự hòa dịu. Nixon đã có một vài cuộc gặp gỡ thân mật với nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev trong đó họ thỏa thuận hạn chế kho dự trữ tên lửa, hợp tác thám hiểm không gian và giảm nhẹ những hạn chế về mậu dịch. Những cuộc đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT) đã đạt được thành công vào năm 1972 bằng Hiệp định Kiểm soát Vũ khí, hạn chế việc tăng cường các kho vũ khí hạt nhân và hạn chế hệ thống chống tên lửa đạn đạo.
NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI CỦA NIXON
Vốn là Phó Tổng thống dưới thời Eisenhower trước cuộc chạy đua giành ghế tổng thống bất thành năm 1960, Nixon được coi là một trong những nhà chính trị tài ba của nước Mỹ. Tuy ông đồng ý với tư tưởng Cộng hòa về trách nhiệm tài khóa, nhưng ông cũng chấp nhận vai trò ngày càng lớn của Chính phủ, và ủng hộ cơ sở nền tảng của một nhà nước an sinh. Chỉ đơn giản là ông muốn quản lý các chương trình của Chính phủ một cách tốt hơn. Về nguyên tắc, ông không phản đối phong trào đòi quyền công dân của người Mỹ gốc Phi, mà chỉ lo lắng về tính quan liêu của phong trào quyền công dân của liên bang. Tuy nhiên, Chính quyền Nixon đã kiên quyết thực thi các phán quyết của tòa án về việc chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở trường học, mặc dù điều đó khiến Nixon không được các cử tri da trắng ở miền Nam ủng hộ.
Có lẽ vấn đề đối nội nghiêm trọng nhất mà Nixon phải đối phó là tình trạng kinh tế của nước Mỹ. Ông vừa phải thừa hưởng sự trì trệ về kinh tế của thời Johnson do cuộc chiến Việt Nam gây ra, vừa phải giải quyết tình trạng lạm phát trầm trọng vốn là một sản phẩm của cuộc chiến. Trong vấn đề thứ nhất, ông đã trở thành vị tổng thống Cộng hòa đầu tiên coi thâm hụt chi tiêu chính phủ là động lực khôi phục kinh tế. Trong vấn đề thứ hai, ông đã cho thi hành các biện pháp kiểm soát giá – lương vào năm 1971. Ngay lập tức, các quyết định này của ông đã ổn định được nền kinh tế và tạo thuận lợi cho việc tái đắc cử của Nixon trong cuộc bầu cử năm 1972. Ông đã chiến thắng áp đảo đối thủ chủ trương hòa bình – Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ – George McGoven.
Mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Nixon. Ông đã phải đối mặt từ rất sớm với những lời cáo buộc rằng ủy ban vận động tái tranh cử của ông đã dính líu đến vụ đột nhập vào tòa nhà Watergate – trụ sở của ủy ban Dân chủ Quốc gia và ông đã che đậy, giấu giếm sự dính líu của mình. Những công tố viên đặc biệt và một ủy ban Quốc hội đã điều tra và kết luận về sự dính líu của Nixon trong vụ việc này khiến ông phải sớm từ chức năm 1974.
Nhiều sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của Nixon đã xảy ra và làm xói mòn các chính sách kinh tế của ông. Năm 1973, chiến tranh giữa Israel, Ai Cập và Syria đã thúc đẩy Arập Xêút ban hành lệnh cấm vận các tàu chở dầu đến Hoa Kỳ – đồng minh của Israel. Những nước thành viên khác của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng giá dầu lên gấp bốn lần. Người Mỹ phải đương đầu với cả sự thiếu hụt dầu mỏ lẫn sự tăng giá dầu lên nhanh chóng. Thậm chí khi cấm vận chấm dứt vào năm sau, giá dầu mỏ vẫn cao và ảnh hưởng tới mọi khu vực trong nền kinh tế Mỹ. Năm 1974, lạm phát lên tới 12% và dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn. Giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có từ năm 1948 đã kết thúc.
Những lời hoa mỹ mà Nixon dùng để nói về sự cần thiết phải có pháp luật và trật tự để ngăn chặn tình hình tỉ lệ tội phạm ngày càng tăng, việc sử dụng ma túy trở nên phổ biến và những quan điểm dễ dãi về tình dục đã thuyết phục được nhiều người Mỹ. Nhưng mối quan ngại này không đủ để lu mờ được những quan ngại do quản lý kinh tế thất bại và đặc biệt là sau vụ Watergate. Tìm mọi cách để củng cố và mở rộng khu vực cử tri chính trị của mình, Nixon đã công kích dữ dội những người biểu tình, tấn công báo chí vì tội đưa tin xuyên tạc và cố sức bịt miệng các đối thủ. Nhưng trái lại, ông đã gây ra những ấn tượng xấu trong lòng dân chúng và nhiều người Mỹ, thông qua truyền hình, đã có cảm giác rằng ông là một người không ổn định. Thêm vào những rắc rối của Nixon, vị Phó Tổng thống Spiro Angnew lại có các hành vi chống lại giới truyền thông và những người theo phái tự do, đã bị buộc phải từ chức năm 1973 khi ông không phản đối lời buộc tội đã có hành vi trốn thuế.
Có thể Nixon không tham gia trực tiếp vào vụ Watergate nhưng dù sao ông cũng đã tìm cách che giấu vụ việc và do đó, đã nói dối công chúng Mỹ về các vấn đề liên quan đến vụ việc này. Đương nhiên là sự ủng hộ của dân chúng dành cho Nixon đã suy giảm. Vào ngày 27/7/1974, ủy ban Tư pháp của Hạ viện đã bỏ phiếu buộc tội Nixon. Đứng trước nguy cơ chắc chắn bị miễn nhiệm, ông đã từ chức ngày 9/8/1974.
THỜI GIAN LÀM TỔNG THỐNG TẠM QUYỀN CỦA FORD
Phó Tổng thống của Nixon, Gerald Ford (được bổ nhiệm thay thế Angnew), một con người khiêm tốn đã dành toàn bộ cuộc đời hoạt động xã hội của mình để làm việc trong Quốc hội, đã trở thành Tổng thống kế nhiệm Nixon. Ưu tiên lớn nhất của ông là phục hồi lòng tin của dân chúng vào chính phủ. Tuy nhiên, do cảm thấy cần phải có một động thái để tránh cho Nixon bị buộc tội trong tương lai, ông đã có quyết định tha thứ cho người tiền nhiệm của mình. Đối với ông, có thể động thái này là cần thiết nhưng quyết định đó lại không được dân chúng ủng hộ.
Trong chính sách đối nội, Ford tiếp tục đường lối mà Nixon đã xác lập. Nhưng các vấn đề kinh tế vẫn trong tình trạng nguy kịch vì lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Lúc đầu, Ford cố gắng trấn an công chúng như Herbert Hoover đã từng làm năm 1929. Khi thấy điều này không có tác dụng, ông liền ban hành các biện pháp kiềm chế lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 8%. Việc cắt giảm thuế kết hợp với những khoản trợ cấp thất nghiệp cao hơn tuy có khiến tình hình khả quan hơn nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém.
Về chính sách đối ngoại, Ford đã áp dụng chính sách ôn hòa do Nixon khởi xướng. Có lẽ động thái quan trọng nhất của ông trong chính sách đối ngoại là Hiệp ước Hensinki năm 1975, trong đó Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đã thừa nhận thế bá chủ của Liên Xô ở Đông Âu để đổi lại cam kết nhân quyền của Liên Xô. Hiệp ước này không có những ảnh hưởng đáng ghi nhận ngay lập tức, nhưng về dài hạn, nó sẽ khiến cho việc duy trì của đế chế Xô-viết trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, các quốc gia phương Tây đã sử dụng thành công những cuộc họp rà soát lại Hiệp ước Helsinki được tổ chức định kỳ nhằm kêu gọi sự chú ý của dư luận tới những hành vi có thể lạm dụng và vi phạm quyền con người của các chế độ cộng sản thuộc khối Đông Âu.
NHỮNG NĂM THÁNG CẦM QUYỀN CỦA CARTER
Jimmy Carter, cựu thống đốc thuộc phe dân chủ bang Georgia đã thắng cử tổng thống năm 1976. Khi tự khắc họa chân dung mình trong cuộc vận động tranh cử như một người đứng ngoài đời sống chính trị của Washington, ông đã hứa hẹn một cách tiếp cận mới mẻ trong việc cai trị đất nước, nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý ở tầm quốc gia nên nhiệm kỳ tổng thống của ông đã gặp khó khăn ngay từ buổi đầu. Vốn được đào tạo để trở thành một sỹ quan hải quân và một kỹ sư, nên ông thường tỏ ra là một nhà kỹ trị, trong khi người Mỹ lại muốn có một người lãnh đạo có tầm nhìn hơn để đưa họ vượt qua thời buổi khó khăn, phức tạp này.
Trước các khó khăn kinh tế, đầu tiên, Carter thực thi chính sách chi tiêu thâm hụt. Lạm phát lên tới 10% mỗi năm khi Cục Dự trữ Liên bang – cơ quan chịu trách nhiệm về hoạch định chính sách tiền tệ – tăng lượng cung tiền để khắc phục các khoản thâm hụt ngân sách. Carter phản ứng lại bằng việc cắt giảm ngân sách để nhịp độ lạm phát chậm lại, nhưng những cắt giảm đó lại ảnh hưởng tới các chương trình xã hội vốn là mấu chốt trong chính sách của Đảng Dân chủ. Giữa năm 1979, sự chán nản trong giới tài chính đã buộc Carter phải bổ nhiệm Paul Volcker giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang. Volcker là một người sắt đá kiên quyết chống lại nạn lạm phát bằng cách tăng lãi suất để kiểm soát sự tăng giá, đã gây nên những hậu quả bất lợi cho nền kinh tế.
Carter cũng phải đối mặt với các chỉ trích khác do ông không thể thuyết phục Quốc hội thông qua một chính sách năng lượng có hiệu quả. Ông đã đề xuất một chương trình bao quát toàn diện nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nước ngoài. Phái đối lập đã phản đối chương trình này tại Quốc hội.
Mặc dầu Carter tự coi mình là người theo chủ nghĩa dân túy, nhưng những ưu tiên về chính trị của ông chưa bao giờ thực sự rõ ràng. Ông tán thành vai trò bảo trợ của chính phủ, nhưng sau đó lại bắt đầu tiến hành thuyết phi điều tiết – tức là bãi bỏ sự kiểm soát của chính phủ trong đời sống kinh tế. Ông lý luận rằng các hạn chế trong đường lối chính trị của thế kỷ trước đã hạn chế cạnh tranh và làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng. Ông tỏ ý tán thưởng việc bãi bỏ kiểm soát trong các ngành công nghiệp dầu mỏ, hàng không, đường sắt và vận chuyển hàng hóa.
Các nỗ lực chính trị của Carter đã không giành được sự ủng hộ của cả dân chúng lẫn Quốc hội. Cho tới cuối nhiệm kỳ của mình, ông đã bị 77% người Mỹ không tán thành và dân chúng lại bắt đầu lại trông mong vào Đảng Cộng hòa.
Thành công lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Carter là vai trò trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Ai Cập dưới thời Tổng thống Anwar al-Sadat và Israel dưới thời Thủ tướng Menachem Begin. Đóng vai trò vừa là người tham dự vừa là trung gian hòa giải, Carter đã thuyết phục hai nhà lãnh đạo kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm giữa hai quốc gia này. Hai nhà lãnh đạo này đã đến Hoa Kỳ để ký Hiệp ước Hòa bình tại Nhà Trắng vào tháng 3/1979.
Sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài và đầy cảm xúc, Carter đã thuyết phục được Thượng viện phê chuẩn Hiệp ước sẽ trao trả Kênh đào Panama cho nước Cộng hòa Panama vào năm 2000. Ông cũng đã đi thêm một bước so với đường lối của Nixon bằng việc chính thức công nhận quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vấn đề đối ngoại khó khăn nhất mà Carter phải đối mặt là vấn đề Iran. Sau cuộc cách mạng Hồi Giáo chính thống do thủ lĩnh hồi giáo dòng Shiite là Giáo chủ Ruhollah Khomeini lãnh đạo, thì chính phủ tham nhũng nhưng thân thiện trước kia đã bị thay thế. Carter đã chấp nhận để vua Ba-tư bị phế truất tới Hoa Kỳ chữa bệnh. Những binh sỹ nổi giận người Iran, được Chính phủ Hồi giáo ủng hộ, đã chiếm sứ quán Mỹ ở Teheran và bắt giữ 53 con tin người Mỹ trong hơn một năm. Cuộc khủng hoảng con tin kéo dài đã làm u ám năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống và khiến Carter không còn cơ may tái đắc cử.