“Tôi luôn tin tưởng rằng một sự sắp đặt thánh thần nào đó của tạo hóa đã khiến cho châu lục rộng lớn nằm giữa hai đại dương này được tìm thấy bởi những người có một tình yêu cháy bỏng đối với tự do và một lòng dũng cảm đặc biệt”
Thống đốc bang California, Ronald Reagan, 1974
MỘT XÃ HỘI TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ
Bước sang thập niên 1980, sự thay đổi trong cấu trúc xã hội Mỹ vốn đã được bắt đầu từ nhiều năm, thậm chí từ nhiều thập niên trước đây, đã trở nên rõ ràng. Cơ cấu dân cư và những ngành nghề, những kỹ năng quan trọng nhất trong xã hội Mỹ đã có những đổi thay căn bản.
Sự thống trị của ngành dịch vụ trong nền kinh tế đã trở nên không thể phủ nhận. Cho đến giữa những năm 1980, có 3/4 số công nhân viên làm việc trong khu vực dịch vụ. Họ là các nhân viên bán lẻ, nhân viên văn phòng, giáo viên, thầy thuốc và các viên chức chính phủ.
Sự xuất hiện và sử dụng máy vi tính ngày càng tăng đã đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động trong ngành dịch vụ. Kỷ nguyên tin học đã đến, với phần cứng và phần mềm có khả năng tích hợp các dữ liệu khổng lồ mà trước đây người ta khó có thể hình dung khi xuất hiện mới ra về những khuynh hướng kinh tế và xã hội. Chính phủ liên bang đã đầu tư đáng kể vào công nghệ máy tính trong hai thập niên 1950 và 1960 cho các chương trình quân sự và vũ trụ của mình.
Năm 1976, hai doanh nhân trẻ tuổi ở California, làm việc tại một xưởng sửa chữa ôtô, đã lắp đặt chiếc máy tính đầu tiên dùng cho gia đình được chào bán rất rộng rãi, đặt tên cho loại máy này là Apple, và thổi bùng lên một cuộc cách mạng. Cho tới đầu thập niên 1980, hàng triệu máy vi tính đã xâm nhập vào các doanh nghiệp và các gia đình Mỹ, và vào năm 1982, tạp chí Time đã trao danh hiệu Cỗ máy của năm của mình cho chiếc máy tính.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp nặng của nước Mỹ đã suy thoái. Ngành công nghiệp ôtô Mỹ chao đảo dưới sự canh tranh của các công ty chế tạo ôtô có hiệu quả rất cao của Nhật Bản. Cho tới năm 1980, các công ty Nhật Bản đã sản xuất ra một phần năm các loại phương tiện được bán trên thị trường Mỹ. Các nhà sản xuất xe hơi Mỹ đã phải vất vả cạnh tranh với một số thành công nhất định để sánh được mức độ hiệu quả về giá thành và tiêu chuẩn kỹ thuật của các đối thủ Nhật Bản, nhưng địa vị thống trị thị trường xe hơi trước kia của họ thì đã mãi mãi không còn nữa. Những công ty thép khổng lồ xưa kia cũng bị thu hẹp và trở nên khá mờ nhạt khi các nhà sản xuất thép nước ngoài đã áp dụng các công nghệ mới một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Người tiêu dùng là những người được hưởng lợi từ các cuộc cạnh tranh khốc liệt này trong các ngành công nghiệp chế tạo, song cuộc đấu tranh vất vả nhằm giảm chi phí ấy cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn công nhân lao động giản đơn mãi mãi bị mất việc làm. Một số người đã chuyển sang làm việc trong các ngành dịch vụ, còn một số người khác thì đành chịu cảnh thất nghiệp.
Các cơ cấu dân cư cũng thay đổi mạnh mẽ. Sau khi cuộc bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh chấm dứt (từ 1946 đến 1964), thì tỷ lệ tăng dân số đã giảm và cư dân trở nên già hơn. Cấu trúc hộ gia đình cũng biến đổi. Năm 1980, tỷ lệ các hộ gia đình đã suy giảm; 1/4 của các nhóm gia đình được xếp loại là những hộ không phải là gia đình, trong đó, có hai hay nhiều hơn hai người không có quan hệ ruột thịt sống chung với nhau.
Những người mới nhập cư đã làm thay đổi tính chất xã hội của nước Mỹ theo những cách khác. Cải cách năm 1965 về chính sách nhập cư đã không còn đặt trọng tâm vào những người nhập cư từ Tây Âu nữa, và làm tăng số người nhập cư từ châu Á và châu Mỹ La-tinh. Năm 1980, 808.000 người nhập cư đã tới Mỹ, con số cao nhất trong vòng 60 năm, khi nước Mỹ một lần nữa lại trở thành nơi cư ngụ cho tất cả mọi người từ khắp nơi trên thế giới.
Các nhóm dân cư mới này đã trở thành các thành viên tham gia tích cực trong cuộc chiến tranh đòi được có những cơ hội bình đẳng. Những người đồng tính luyến ái sử dụng chiến thuật và đường lối của phong trào tranh đấu đòi quyền công dân, tự cho mình là những người bị kỳ thị đang đấu tranh đòi được công nhận những quyền căn bản. Năm 1975, ủy ban Công tác Dân sự Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh cấm tuyển dụng những người đồng tính luyến ái, và nhiều bang đã ban hành luật chống kỳ thị.
Sau đó, vào năm 1981, người ta đã phát hiện ra bệnh AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch). Lây nhiễm qua đường tình dục hay đường truyền máu, căn bệnh này đã tác động nặng nề đến những người đồng tính luyến ái và những người tiêm chích ma túy, mặc dù những người dân bình thường cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Cho tới năm 1992, đã có hơn 220.000 người Mỹ bị chết vì bệnh AIDS. Bệnh dịch AIDS không chỉ giới hạn trong nước Mỹ, và nỗ lực chữa trị căn bệnh này hiện nay đã có sự tham gia của các dược sỹ và các nhà nghiên cứu y học trên khắp thế giới.
CHỦ NGHĨA BẢO THỦ VÀ VIỆC LÊN NẮM QUYỀN CỦA RONALD REAGAN
Đối với nhiều người Mỹ, những xu hướng kinh tế, xã hội và chính trị của hai thập niên vừa qua – tội ác và phân biệt chủng tộc tại nhiều trung tâm đô thị, các thách thức đối với những giá trị truyền thống, và sự trì trệ về kinh tế và nạn lạm phát dưới thời Carter – đã gây ra tâm trạng thất vọng của dân chúng. Nó cũng làm cho dân chúng càng thêm hoài nghi đối với chính phủ và khả năng của chính phủ trong việc giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề xã hội và chính trị của đất nước.
Những người thuộc phái bảo thủ lâu nay vốn đã bị gạt ra ngoài bộ máy quyền lực quốc gia nay lại có vị thế chính trị thuận lợi trong bối cảnh mới. Nhiều người Mỹ đã mau chóng lĩnh hội quan điểm về một chính phủ hạn chế, về một nền quốc phòng vững mạnh và về việc bảo vệ các giá trị truyền thống.
Sự bùng phát của chủ nghĩa bảo thủ có nhiều lý do. Một nhóm người đông đảo gồm các tín đồ Công giáo chính thống đã đặc biệt lo ngại về sự gia tăng tội ác và các quan điểm trái đạo đức về tình dục. Họ mong muốn đưa tôn giáo trở lại vị trí trung tâm trong đời sống người Mỹ. Một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất về chính trị, vào đầu những năm 1980, có tên là Đa số Đạo đức do Jerry Falwell – một Bộ trưởng theo đạo Thiên Chúa lãnh đạo. Một nhóm khác do Reverend Pat Robertson lãnh đạo đã xây dựng nên một tổ chức lấy tên là Liên minh Công giáo. Cho tới những năm 1990, tổ chức này vẫn là một lực lượng có ảnh hưởng lớn trong Đảng Cộng hòa. Sử dụng truyền hình để phổ biến rộng rãi thông điệp của họ, Falwell, Robertson và những người như họ đã lôi kéo được đông đảo người ủng hộ.
Một vấn đề khác mang sắc thái quá khích của những người bảo thủ là một vấn đề tình cảm – vấn đề phá thai. Phản đối quyết định của Tòa án Tối cao năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade, trong đó Tòa án đã ủng hộ quyền phá thai trong những tháng đầu mang thai của phụ nữ, những người bảo thủ đã tập hợp được một lực lượng lớn các tổ chức và cá nhân. Trong đó không chỉ bao gồm đông đảo các tín đồ Công giáo La mã, mà còn có những người ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ và những người thuộc phái chính thống tôn giáo, phần lớn những người này đều coi việc phá thai dưới bất cứ hoàn cảnh nào đều tương đương với hành vi giết người. Những cuộc biểu tình ủng hộ quyền lựa chọn của người mẹ và quyền được sống của thai nhi (có nghĩa là ủng hộ chuyện phá thai hay phản đối chuyện phá thai) đã trở thành tâm điểm trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ.
Ngay trong Đảng Cộng hòa, phe bảo thủ một lần nữa lại giành được vị trí thắng thế. Trong một thời gian ngắn, họ đã giành được quyền kiểm soát đa số trong Đảng Cộng hòa vào năm 1964 với ứng cử viên tổng thống của đảng là Barry Goldwater, sau đó đã không còn được người ta chú ý nữa. Tuy nhiên, cho tới năm 1980, với thất bại của chủ nghĩa tự do dưới thời Carter, phe Tân Hữu lại có thể tìm được vị trí thống trị của mình.
Nhờ sử dụng các kỹ thuật thư tín trực tiếp và sức mạnh của các phương tiện truyền thông để truyền đi các thông điệp và thực hiện việc gây quỹ dựa trên sáng kiến của những người theo chủ nghĩa bảo thủ như nhà kinh tế Milton Friedman, nhà báo William F. Buckley và George Will và các cơ quan nghiên cứu như Quỹ Di sản, cánh Tân Hữu đã giữ một vai trò quan trọng trong việc định ra đường lối của những năm 1980.
Cánh Cựu Hữu ủng hộ quan điểm hạn chế can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Quan điểm này được củng cố hơn nữa khi một nhóm Tân Hữu gồm những nhà chính trị theo chủ nghĩa bảo thủ tự do ngờ vực vai trò của chính phủ nói chung và phản đối sự can thiệp của nhà nước vào hành vi cá nhân. Nhưng cánh Tân Hữu cũng bao gồm cả một bè phái mạnh hơn, gồm những người theo trường phái Phúc Âm, muốn dùng quyền lực của nhà nước nhằm củng cố cho quan điểm của mình. Họ ủng hộ những biện pháp chống tội phạm, ủng hộ quan điểm xây dựng một nền quốc phòng hùng mạnh, ủng hộ một điều khoản trong hiến pháp cho phép được cầu kinh tại các trường công và phản đối việc phụ nữ phá thai.
Nhân vật đã tập trung được tất cả những xu hướng khác biệt này lại với nhau là Ronald Reagan. Reagan sinh ra ở bang Illinios, là diễn viên điện ảnh Hollywood và diễn viên truyền hình trước khi chuyển sang hoạt động chính trị. Lúc đầu, ông đã giành được uy tín chính trị nhờ một bài diễn văn được phát trên truyền hình toàn quốc vào năm 1964 có nội dung ủng hộ Barry Goldwater. Năm 1966, Reagan thắng cử chức thống đốc bang California và giữ vị trí này tới năm 1975. Ông đã suýt thắng cử với số phiếu sít sao để được đề cử là đại biểu của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào năm 1976 trước khi được chính thức đề cử năm 1980 và tiếp tục thắng cử tổng thống trong cuộc tranh đua với tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter.
Tinh thần lạc quan không hề nao núng của Tổng thống Reagan cùng khả năng biết ca tụng những thành tựu và những cảm hứng của dân chúng Mỹ đã không hề thuyên giảm trong suốt hai nhiệm kỳ ông làm tổng thống. Đối với nhiều người Mỹ, Reagan là một vị tổng thống đã đem lại sự bình yên và ổn định. Khi đứng trước micrô và ống kính của máy quay trong các buổi truyền hình, Reagan được mệnh danh là Người có kỹ năng giao tiếp xuất chúng.
Nhắc lại một câu nói có từ thế kỷ XVII của lãnh tụ John Winthrop, Reagan tuyên bố với toàn thể nước Mỹ rằng Hoa Kỳ là thành phố ánh sáng trên ngọn đồi, là đất nước được Chúa ban cho sứ mệnh phải bảo vệ thế giới chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.
Reagan tin rằng, chính quyền đã can thiệp quá sâu vào đời sống của người dân Mỹ. Ông muốn cắt giảm những chương trình mà ông cho rằng nước Mỹ không cần đến và ông thấy rằng những chương trình đó là lãng phí, gian trá và lạm dụng. Reagan thúc đẩy chương trình phi điều tiết vốn đã được Jimmy Carter khởi xướng trước đó. Reagan cũng cố gắng xóa bỏ nhiều quy định gây ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng, đến chỗ làm việc và môi trường. Theo ông, những quy định này đều không hiệu quả, gây đắt đỏ và ngăn cản tăng trưởng kinh tế.
Reagan cũng đồng ý với quan điểm của nhiều nhà chính trị bảo thủ cho rằng luật pháp cần phải được áp dụng một cách hà khắc để ngăn ngừa tội phạm. Ngay sau khi trở thành tổng thống, ông đã phải đối mặt với một cuộc đình công trên toàn quốc của những nhân viên kiểm soát không lưu Mỹ. Mặc dù hành động này đã bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng trước đó, những cuộc đình công như vậy thường vẫn được cho qua. Khi những nhân viên kiểm soát không lưu từ chối không chịu quay lại làm việc, tổng thống đã ra lệnh sa thải tất cả những người trong số họ. Vài năm sau đó, hệ thống này đã được thiết lập lại với những nhân viên mới.
NỀN KINH TẾ NHỮNG NĂM 1980
Chương trình đối nội của Tổng thống Reagan bắt nguồn từ quan điểm cho rằng đất nước sẽ thịnh vượng hơn nếu sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân được cởi trói. Lý thuyết kinh tế học chỉ đạo quan điểm này là lý thuyết trọng cung. Lý thuyết này cho rằng việc cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ sẽ khiến đầu tư kinh doanh tăng lên và do đó, là con đường ngắn nhất dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện chủ trương này, chính quyền Reagan cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ làm tăng đầu tư xây dựng cơ bản và lợi nhuận của các doanh nghiệp, do đó, một mức thuế thấp hơn đánh vào những khoản thu nhập doanh nghiệp lớn này sẽ giúp cho thu nhập của chính phủ cũng tăng lên.
Mặc dù số đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện là rất ít, còn Hạ viện thì do Đảng Dân chủ kiểm soát, song Tổng thống Reagan đã thành công trong năm cầm quyền đầu tiên của mình do những chương trình kinh tế mà ông đã đề ra, bao gồm việc cắt giảm thuế 25% theo từng giai đoạn trong hơn ba năm cho các cá nhân. Chính quyền cũng đã gia tăng chi phí quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội Mỹ và nhằm đối phó với mối đe dọa mà nước Mỹ cảm thấy đang ngày càng tăng từ phía Liên Xô.
Dưới thời Paul Volcker, việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất một cách chóng mặt đã làm trầm trọng hơn nạn lạm phát vốn đã bắt đầu từ cuối những năm 1970. Suy thoái đã chạm đáy vào năm 1982, với mức lãi suất chính lên tới gần 20% và kinh tế thì suy giảm nghiêm trọng. Trong năm đó, tổng sản phẩm quốc nội (GNP) thực tế đã giảm 2%; tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần đến mức 10% và gần 1/3 các nhà máy công nghiệp Mỹ rơi vào tình trạng trì trệ. Suốt miền Trung Tây, các công ty lớn như General Electric và International Harvester đều phải sa thải công nhân. Giá dầu mỏ lên cao khủng khiếp cũng góp phần khiến kinh tế suy thoái. Các đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Đức và Nhật Bản đã chiếm được thị phần lớn hơn trong thương mại quốc tế, và người Mỹ đã tiêu dùng nhiều hơn những hàng hóa được sản xuất từ nước ngoài.
Nông dân cũng phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Vào những năm 1970, nông dân Mỹ đã từng trợ giúp cho ấn Độ, Trung Quốc, Liên Xô và các nước khác đang bị mùa màng thất bát và phải vay nặng lãi để mua đất đai và phát triển sản xuất. Nhưng sự tăng giá của dầu mỏ đã đẩy chi phí lên cao và sự suy sụp bất ngờ của kinh tế thế giới năm 1980 đã làm giảm nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp. Sản lượng trong nông nghiệp giảm mạnh vì sản xuất chỉ tập trung vào tay một số nhỏ chủ trại có quy mô lớn. Tầng lớp nông dân nhỏ đã phải đối mặt với những khó khăn lớn để tồn tại.
Ngân sách quân sự gia tăng – cộng với việc cắt giảm thuế và chi tiêu của chính phủ cho y tế tăng lên – đã khiến cho chi tiêu của chính phủ vượt quá xa những khoản thu hàng năm của chính phủ. Một số nhà phân tích cho rằng các khoản thâm hụt này là do chiến lược quản lý có chủ ý nhằm ngăn chặn những khoản chi phí quốc nội ngày càng gia tăng của phe Dân chủ. Tuy nhiên cả phái Dân chủ lẫn phái Cộng hòa trong Quốc hội đều từ chối cắt giảm các khoản chi phí này. Từ 74 tỷ đô-la năm 1980, mức thâm hụt đã tăng lên 221 tỷ đô-la năm 1986 trước khi quay trở lại mức 150 tỷ đô-la năm 1987.
Nhưng cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc vào đầu những năm 1980 đã kiềm chế thành công nạn lạm phát phi mã bắt đầu dưới thời Carter. Hơn nữa, giá dầu mỏ lại bắt đầu giảm mạnh khiến Reagan càng vững tin hơn khi quyết định xóa bỏ kiểm soát giá cả và trợ cấp khí đốt. Vào mùa thu năm 1984, nền kinh tế đã hồi phục khiến Reagan yên tâm triển khai chiến dịch vận động tái tranh cử của mình với khẩu hiệu Bình minh lại đến trên đất Mỹ. Ông đã đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ là cựu Thượng nghị sỹ và Phó Tổng thống Walter Mondale với số phiếu áp đảo.
Hoa Kỳ đã bước vào một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Các khoản chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng lên do nhà nước cắt giảm thuế. Thị trường chứng khoán tăng trưởng vì nó phản ánh một không khí tiêu dùng lạc quan. Trong suốt năm năm sau khi kinh tế được phục hồi, tổng sản phẩm quốc dân đã tăng 4,2% một năm. Tỷ lệ lạm phát hàng năm duy trì ở mức từ 3-5% trong những năm từ 1983 đến 1987, ngoại trừ năm 1986, tỷ lệ này đã giảm tới dưới 2% – đạt mức thấp nhất trong suốt những thập niên vừa qua. Tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng bền vững trong suốt những năm 1980. Từ năm 1982 đến năm 1987, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 13 triệu việc làm mới.
Kiên định trong cam kết của mình về việc cắt giảm thuế, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Reagan đã ký ban hành một biện pháp cải cách thuế có quy mô rộng rãi nhất trên toàn liên bang kể từ 75 năm nay. Với sự ủng hộ rộng rãi của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, chính sách thuế mới này đã cắt giảm thuế thu nhập, đơn giản hóa các mức thuế và khắc phục được những lỗ hổng trong quản lý thuế.
Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng đáng kể này là do các khoản thâm hụt chi tiêu. Hơn nữa, các khoản nợ quốc gia đã tăng lên gấp ba và còn xa mới được ổn định nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh. Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các ngành dịch vụ kỹ năng cao và các ngành kỹ thuật. Nhiều gia đình nghèo và tầng lớp trung lưu không phát đạt được nhiều như vậy. Đồng thời, mặc dù lớn tiếng kêu gọi tự do thương mại, nhưng chính quyền Reagan đã gây áp lực với Nhật Bản để buộc quốc gia này chấp nhận một hạn ngạch tự nguyện đối với việc xuất khẩu mặt hàng ôtô sang thị trường Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ lại một lần nữa bị chao đảo ngày 19/10/1987 – “Ngày thứ Hai đen tối” trong lịch sử thị trường chứng khoán – khi thị trường này sụt giá tới 22,6% chỉ trong một ngày. Nguyên nhân của sự đổ vỡ này là do các khoản thâm hụt thương mại quốc tế lớn của Hoa Kỳ, các khoản thâm hụt trong ngân sách liên bang, các khoản nợ lớn của tư nhân và doanh nghiệp, và các kỹ thuật buôn bán chứng khoán được máy tính hóa cho phép bán chứng khoán và các hợp đồng tương lai ngay lập tức. Tuy nhiên, mặc dù sự đổ vỡ này gợi lại những ký Đức về năm 1929, nhưng thực ra nó chỉ là một sự kiện tạm thời và có rất ít ảnh hưởng. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,2% vào tháng 6/1988 – mức thấp nhất trong 14 năm qua.
CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO
Trong chính sách đối ngoại, Reagan luôn cố gắng để nước Mỹ đóng vai trò quyết định trong các công việc quốc tế. Lần đầu tiên, ông đã tiến hành thử nghiệm vai trò này ở khu vực Trung Mỹ. Hoa Kỳ đã trợ giúp kinh tế và huấn luyện quân sự cho El Salvador khi các du kích nổi loạn đe dọa lật đổ chính phủ nước này. Hoa Kỳ cũng tích cực ủng hộ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ nhưng những nỗ lực này chỉ thành công phần nào. Sự trợ giúp của Hoa Kỳ đã giúp El Salvador ổn định chính phủ, nhưng mức độ bạo lực ở đất nước này vẫn không suy giảm. Cuối cùng, một hiệp định hòa bình cũng đã được ký kết vào đầu năm 1992.
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Nicaragua gây ra nhiều tranh luận hơn. Năm 1979, những người cách mạng tự xưng là các chiến sỹ Sandinista đã lật đổ chế độ Somoza cánh hữu và thành lập một chế độ thân Cuba và Liên Xô. Mọi nỗ lực chấn chỉnh tại khu vực này đều đã thất bại, do đó, chính quyền Mỹ đã chuyển sang ủng hộ lực lượng kháng chiến chống lại Sandinista hay còn gọi là lực lượng Contras.
Tiếp theo một cuộc tranh luận chính trị căng thẳng về chính sách ngoại giao này, Quốc hội đã chấm dứt toàn bộ trợ giúp quân sự cho lực lượng Contras vào tháng 10/1984. Nhưng sau đó, dưới áp lực của chính phủ, Quốc hội đã thay đổi quyết định vào mùa thu năm 1986 và thông qua một khoản trợ giúp quân sự trị giá 100 triệu đô-la cho lực lượng này. Tuy nhiên, thất bại trên chiến trường, những lời chỉ trích vi phạm nhân quyền và việc khám phá ra rằng các khoản tiền có được do bí mật bán vũ khí cho Iran đã được chuyển sang cho lực lượng Contras đã làm suy giảm sự ủng hộ về chính trị trong Quốc hội đối với việc tiếp tục các khoản trợ giúp quân sự này.
Sau này, chính quyền của Tổng thống George H. W. Bush, người kế nhiệm Reagan năm 1989 đã bãi bỏ bất kỳ sự ủng hộ nào nhằm giúp đỡ quân sự cho lực lượng Contras. Chính phủ Bush cũng gây áp lực để tiến hành tuyển cử tự do và ủng hộ liên minh chính trị đối lập. Liên minh này đã thắng cử với một kết quả bất ngờ gây nhiều sửng sốt, đánh bại những người Sandinista vào tháng 2/1990.
Chính quyền của Tổng thống Reagan đã may mắn hơn khi được chứng kiến sự trở lại của nền dân chủ tại các quốc gia còn lại ở châu Mỹ La-tinh, từ Guatemala tới Argentina. Sự xuất hiện của các chính phủ được bầu lên một cách dân chủ không chỉ hạn chế ở châu Mỹ La-tinh; ở châu Á, chiến dịch chính quyền của nhân dân ở Corazon Aquino đã lật đổ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos và các cuộc bầu cử ở Hàn Quốc đã chấm dứt chế độ quân phiệt đã tồn tại hàng mấy chục năm ở nước này.
Trái lại, Nam Phi vẫn tỏ ra không chịu thỏa hiệp trước những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm khuyến khích sự chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai qua một chính sách gây nhiều tranh cãi về “một sự can thiệp có tính xây dựng” và thông qua một nền ngoại giao lặng lẽ cùng với sự ủng hộ cải cách của dân chúng. Vào năm 1986, thất vọng vì không có bất kỳ sự tiến bộ nào, Quốc hội Mỹ đã gạt bỏ quyền phủ quyết của Reagan và đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nam Phi. Tháng 2/1990, Tổng thống Nam Phi F.W de Klert đã công bố trả tự do cho Nelson Mandela và bắt đầu dần dần chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai.
Mặc dù luôn bày tỏ thẳng thắn tinh thần chống cộng, nhưng chính quyền Reagan đã rất hạn chế sử dụng trực tiếp các lực lượng quân sự. Ngày 25/10/1983, các lực lượng quân đội Mỹ đã đổ bộ lên đảo Grenada thuộc vùng biển Caribê sau lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp của các nước láng giềng. Hành động này diễn ra sau vụ ám sát Thủ tướng Grenada thuộc cánh tả do những thành viên trong chính đảng thân Mác-xít của chính ông tiến hành. Sau một thời gian ngắn giao chiến, các toán quân Mỹ đã bắt giữ hàng trăm chiến binh Cuba, xây dựng lực lượng và ngăn chặn trợ giúp vũ khí từ Liên Xô. Tháng 12/1983, những đơn vị chiến đấu cuối cùng của quân đội Mỹ đã rời Grenada, và đất nước này đã tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ một năm sau đó.
Tuy nhiên, ở Trung Đông, tình hình tỏ ra khó khăn hơn nhiều. Sự xuất hiện các lực lượng quân đội Mỹ ở Li-băng nơi Hoa Kỳ đang cố gắng giúp đỡ một chính phủ thân phương Tây nhưng lại tỏ ra yếu đuối và ôn hòa, đã có một kết cục bi thảm khi 241 lính thủy đánh bộ Mỹ đã chết trong một cuộc đánh bom khủng bố tháng 10/1983. Tháng 4/1986, các máy bay thuộc lực lượng hải quân và không quân Mỹ đã tiêu diệt các mục tiêu ở Tripoli và Benghazi của Libi nhằm trả đũa các cuộc tấn công của Libi.
ở Vịnh Ba Tư, sự đổ vỡ trước đây trong quan hệ Mỹ – Iran và cuộc chiến tranh Iran – Irắc đã gây dựng tiền đề cho các hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực. Lúc đầu, Hoa Kỳ đáp lại yêu cầu từ phía Cô-oét muốn bảo vệ đội tàu chở dầu của mình, song cuối cùng, với các chiến hạm của Hải quân Mỹ đến từ Tây Âu, Hoa Kỳ đã chiếm giữ các con đường hàng hải sống còn của các đoàn tàu chở dầu và tàu thuyền của các nước trung lập khác đi lại trên vùng Vịnh.
Cuối năm 1986, người Mỹ đã phát hiện ra chính quyền đã bí mật bán vũ khí cho Iran nhằm mục đích hàn gắn lại quan hệ ngoại giao với chính quyền Hồi giáo cực đoan và nhằm giải phóng cho các con tin Mỹ bị bắt giữ tại Li-băng do các tổ chức tôn giáo mà Iran kiểm soát. Các cuộc điều tra này cũng kết luận rằng số tiền có được từ bán vũ khí đã được cấp cho lực lượng Contras ở Nicaragoa trong thời gian Quốc hội đã ra sắc lệnh cấm mọi trợ giúp quân sự cho lực lượng này.
Những phiên điều trần sau đó về lực lượng Contras của Iran trước ủy ban hỗn hợp của Thượng viện và Hạ viện đã điều tra về khả năng vi phạm pháp luật và về vấn đề lớn hơn là xác định những lợi ích quốc tế trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Trung Đông và Trung Mỹ. Trên nghĩa rộng thì những phiên điều trần này chính là một cuộc tranh luận tại Quốc hội liên quan đến những bí mật của chính phủ và về quyền hạn của tổng thống so với quyền hạn của quốc hội trong việc tiến hành các hoạt động ngoại giao. Không giống như vụ tai tiếng Watergate 14 năm trước đây, ủy ban này thấy rằng không có cơ sở nào để buộc tội tổng thống và không có kết luận cụ thể gì về các vấn đề gây tranh cãi kéo dài này.
QUAN HỆ XÔ-MỸ
Trong mối quan hệ với Liên Xô, chính sách mà Tổng thống Regan đã tuyên bố là một chính sách hòa bình thông qua sức mạnh. Ông đã tuyên bố rõ ràng thái độ đối nghịch của mình đối với quốc gia này. Hai sự kiện đã sớm xảy ra làm quan hệ Xô-Mỹ thêm phần căng thẳng: đó là sự kiện Phong trào lao động Đoàn kết ở Ba Lan tháng 12/1981 và việc tên lửa của Liên Xô đã khiến 269 người chết trong chuyến bay dân sự số 007 của hãng hàng không Hàn Quốc ngày 1/9/1983. Hoa Kỳ cũng đã lên án việc Xô-viết tham gia vào lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục trợ giúp quân sự đã có từ thời Carter cho quân kháng chiến Mujahedeen ở Afghanistan.
Trong nhiệm kỳ đầu của Reagan, Chính phủ của ông đã chi những khoản tiền lớn chưa từng có cho việc tăng cường lực lượng vũ trang, bao gồm việc chuyển các tên lửa hạt nhân tầm trung đến châu Âu để đối phó lại việc Liên Xô triển khai các tên lửa tương tự. Vào ngày 23/3/1983, trong một cuộc tranh luận chính sách nảy lửa nhất trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, Reagan đã công bố chương trình nghiên cứu về Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) nhằm tìm ra các công nghệ tiên tiến như tia laser và các đầu đạn tên lửa năng lượng cao để phòng ngự chống lại các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mặc dù nhiều nhà khoa học đã tỏ ý nghi ngờ tính khả thi về mặt công nghệ của SDI và các nhà kinh tế đã chỉ ra các khoản chi phí vô cùng lớn, song chính phủ vẫn tiếp tục triển khai dự án này.
Sau khi tái đắc cử năm 1984, Reagan đã giảm nhẹ lập trường cứng rắn của mình về kiểm soát vũ khí. Matx-cơ -va cũng đã tỏ ra sẵn sàng thỏa hiệp, một phần vì nền kinh tế Liên Xô đã dành một phần lớn hơn nhiều trong tổng sản phẩm quốc dân cho quân sự so với tỉ lệ chi quân sự của Mỹ. Nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, sợ rằng nếu tiếp tục tăng tỉ lệ chi cho quân sự này thêm nữa thì kế hoạch tự do hóa nền kinh tế Liên Xô sẽ bị ảnh hưởng.
Tháng 11/1985, Reagan và Gorbachev đã đồng ý trên nguyên tắc về việc giảm 50% vũ khí hạt nhân quốc phòng chiến lược và tiến tới một hiệp định tạm thời về các loại vũ khí hạt nhân tầm trung. Tháng 12/1987, Tổng thống Reagan và Tổng Bí thư Gorbachev đã ký Hiệp ước về Vũ khí hạt nhân Tầm trung (INF), chuẩn bị cho việc phá hủy toàn bộ loại vũ khí tầm trung này. Sau đó, đối với Hoa Kỳ, Liên Xô đã không còn là một đối thủ đáng sợ nữa. Reagan có thể được khen ngợi vì đã giúp cho Chiến tranh Lạnh nguội đi đáng kể, nhưng khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, gần như không ai có thể nhận ra được Liên bang Xô-viết đã trở nên lung lay đến mức nào.
NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG CỦA GEORGE H.W. BUSH
Tổng thống Reagan trở nên đặc biệt được lòng dân vào thời gian cuối nhiệm kỳ thứ hai, nhưng theo các quy định của Hiến pháp Mỹ thì ông không thể ra tranh cử một lần nữa vào năm 1988. ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, Phó Tổng thống George Herbert Walker Bush đã được bầu làm Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ.
Bush đã vận động tranh cử bằng việc hứa với các cử tri là sẽ tiếp tục duy trì sự thịnh vượng mà Reagan đã mang lại cho nước Mỹ. Đồng thời, ông cũng chứng minh rằng khả năng chuyên môn của ông có thể hỗ trợ một nền quốc phòng mạnh mẽ một cách đáng tin cậy hơn ứng cử viên Michal Dukakis của Đảng Dân chủ. Ông cũng hứa hẹn sẽ phấn đấu cho một nước Mỹ tốt đẹp và lịch lãm hơn. Dukakis, Thống đốc bang Massachuset, đã tuyên bố rằng những người Mỹ kém may mắn hơn đang bị tổn thương về kinh tế và chính phủ cần phải giúp đỡ những người này bằng cách kiểm soát tốt các món nợ của Liên bang và các chi phí cho quốc phòng. Tuy nhiên dân chúng bị thuyết phục bởi thông điệp kinh tế của Bush: không có các sắc thuế mới. Trong kết quả bỏ phiếu, Bush đã thắng cử với tỷ lệ phiếu bầu là 54% so với 46% phiếu phổ thông.
Trong năm đầu tiên trên cương vị tổng thống, Bush đã tiếp tục chương trình tài khóa bảo thủ, theo đuổi các chính sách mà chính phủ của Reagan đã tiến hành về thuế, về chi tiêu và về các khoản nợ. Nhưng vị tổng thống mới đã sớm nhận thấy rằng ông bị mắc kẹt giữa các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và luật giảm thâm hụt. Cắt giảm chi tiêu dường như là cần thiết và Bush chỉ có rất ít cơ hội để đề xuất những khoản chi ngân sách mới.
Chính quyền Bush đã thông qua các sáng kiến chính sách về các vấn đề mà không yêu cầu các khoản chi lớn từ ngân sách. Do đó, vào tháng 11/1990, Bush đã ký một dự luật đưa ra những tiêu chuẩn liên bang về khói bụi đô thị, khí thải ôtô, nhiễm độc không khí và mưa axít, nhưng phần lớn các chi phí là do những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm phải chi trả. Ông cũng đã phê chuẩn luật yêu cầu sự tiếp cận cho những người tàn tật, nhưng các chi phí để cải tạo chỗ ở và chỗ làm việc cho phù hợp với việc đi lại bằng xe lăn không được lấy từ ngân sách liên bang. Tổng thống cũng bắt đầu triển khai chiến dịch khuyến khích tinh thần tự nguyện mà ông ca tụng là “một ngàn điểm sáng”.
NGÂN SÁCH VÀ CÁC KHOẢN THÂM HỤT
Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính quyền Bush nhằm kiểm soát được các khoản thâm hụt ngân sách lại gặp rất nhiều khó khăn. Một căn nguyên của khó khăn đó là cuộc khủng hoảng về tiết kiệm và cho vay. Các ngân hàng tiết kiệm – trước kia được quản lý rất chặt chẽ với lãi suất tiết kiệm thấp đối với dân thường – nay được phi điều tiết, cho phép các ngân hàng có thể cạnh tranh khốc liệt hơn nhờ trả lãi suất cao hơn nhưng cũng khiến rủi ro của các khoản vay trở nên lớn hơn. Việc nâng mức bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ đã làm giảm cầu của người tiêu dùng đối với các tổ chức tiền gửi có uy tín. Gian lận, quản lý tồi, cùng những xu hướng sa sút trong kinh tế đã dẫn tới những trường hợp không có khả năng trả nợ và phá sản trong những tổ chức tiết kiệm này (tổ chức tiết kiệm là một thuật ngữ chung để chỉ những tổ chúc hướng về người tiêu dùng như những hiệp hội tiết kiệm và cho vay, hay các ngân hàng tiết kiệm). Cho đến năm 1993, tổng phí tổn của việc bán và đóng cửa những tổ chức tiết kiệm bị phá sản là một con số khiến người ta phải choáng váng: gần 525 tỷ đô-la.
Tháng 1/1990, Tổng thống Bush đã đệ trình bản đề xuất ngân sách của ông lên Quốc hội. Phe Dân chủ cho rằng những kế hoạch về ngân sách của chính phủ là quá lạc quan, rằng việc đáp ứng những yêu cầu trong luật giảm thâm hụt sẽ đòi hỏi phải tăng thuế và cắt giảm mạnh các chi phí cho quốc phòng. Tháng 6 năm đó, sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài, Tổng thống Bush đã đồng ý tăng thuế. Đồng thời, vào năm 1991, sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế, những chi phí phát sinh từ việc cứu trợ các hoạt động kinh doanh tiết kiệm và cho vay, những khoản chi phí về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng trong các chương trình chăm sóc và trợ giúp y tế đã vô hiệu hóa những biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách và gây ra một khoản thâm hụt không kém phần nghiêm trọng so với khoản thâm hụt vào năm trước.
KẾT THÚC CHIẾN TRANH LẠNH
Khi Bush trở thành Tổng thống, Liên bang Xô-viết đã đang đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ. Các nỗ lực của Gorbachev nhằm mở cửa nền kinh tế Liên Xô tỏ ra lúng túng. Năm 1989, các chính quyền cộng sản ở Đông Âu lần lượt đổ vỡ, sau đó thì người ta thấy rõ là Liên Xô sẽ không đưa quân đến để giúp đỡ họ khôi phục chính quyền. Vào giữa năm 1991, những người kiên định đã thử làm một cuộc đảo chính, nhưng đã bị Boris Yeltsin, Tổng thống Nga, làm cho thất bại. Vào cuối năm đó, Yeltsin, lúc đó đã rất có thế lực, đã buộc Liên bang Xô-viết phải giải tán.
Chính quyền Bush là người trung gian cho việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, hợp tác chặt chẽ với Gorbachev và Yeltsin. Đồng thời nước Mỹ cũng chủ trì các cuộc thương thuyết để thống nhất Đông Đức và Tây Đức (tháng 9/1990), đạt được thỏa thuận về cắt giảm vũ khí ở châu Âu (tháng 11/1990), và cắt giảm hàng loạt các kho vũ khí nguyên tử (tháng 7/1991). Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, Hoa Kỳ và Liên bang Nga mới thành lập đã thỏa thuận sẽ hủy bỏ tất cả các loại tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân trong thời gian 10 năm.
Việc hủy bỏ các vũ khí hạt nhân và sự lo ngại hiện hữu hơn bao giờ hết về sự phổ biến vũ khí hạt nhân giờ đây đã thực sự xóa bỏ nguy cơ về xung đột nguyên tử giữa Washington và Matx-cơ -va.
CHIẾN TRANH VÙNG VỊNH
Sự hoan hỷ do Chiến tranh Lạnh kết thúc đã bị lu mờ đáng kể bởi sự kiện Irắc xâm lược đất nước Cô-oét nhỏ bé ngày 2/8/1990. Irắc, dưới thời Saddam Hussein và Iran dưới chế độ Hồi giáo cực đoan mới nổi lên thành hai cường quốc quân sự và dầu mỏ tại khu vực Vùng Vịnh Ba Tư. Hai quốc gia này đã có mắc mớ với Hoa Kỳ trong những năm 1980. So với Iran thì Irắc ít đối địch với Mỹ hơn và đã nhận được một số trợ giúp từ chính quyền Reagan và Chính quyền Bush. Việc Irắc chiếm đóng Cô-oét và hiểm họa mà Irắc đặt ra đối với ảrập Xêút chỉ trong chốc lát đã làm thay đổi mọi tính toán ngoại giao của Hoa Kỳ.
Tổng thống Bush đã lên án mạnh mẽ hành động của Irắc và yêu cầu Irắc lập tức rút quân vô điều kiện. Đồng thời, ông cũng gửi ngay một lực lượng quân đội đông đảo đến Trung Đông. Tổng thống cũng đã tập hợp một trong những khối đồng minh quân sự và chính trị đặc biệt nhất trong lịch sử hiện đại bao gồm các lực lượng quân sự từ châu Á, châu Âu, châu Phi và từ chính các nước Trung Đông.
Trong nhiều ngày và nhiều tuần sau khi xảy ra cuộc xâm lược, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua 12 nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Irắc và áp đặt những biện pháp trừng phạt quy mô lớn về kinh tế đối với quốc gia này. Vào ngày 29/11, Hội đồng Bảo an đã phê chuẩn việc quân đội các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sử dụng lực lượng vũ trang nếu Irắc không rút quân khỏi Cô-oét trước ngày 15/1/1991. Liên bang Xô-viết của Gorbachev – một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho Irắc – đã không làm gì để bảo vệ vị khách hàng cũ của mình.
Bush cũng phải đối đầu với các vấn đề lớn liên quan đến hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho cơ quan lập pháp quyền được tuyên chiến. Tuy nhiên, vào nửa sau thế kỷ XX, Hoa Kỳ đã dính líu vào Việt Nam và Triều Tiên mà không tuyên bố chính thức chiến tranh và chỉ được sự đồng ý rất mơ hồ từ cơ quan lập pháp là Quốc hội. Vào ngày 12/1/1991, ba ngày trước khi đến hạn rút quân cuối cùng mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra, Quốc hội đã cho phép Tổng thống Bush có được thẩm quyền mà ông đã vận động – thẩm quyền tiến hành chiến tranh rõ ràng và mạnh mẽ nhất được trao cho một vị tổng thống trong suốt gần nửa thế kỷ.
Liên quân Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Italia, ảrập Xêút, Cô-oét và các quốc gia khác đã thành công trong việc giải phóng Cô-oét bằng một chiến dịch không kích phá hủy do Hoa Kỳ chỉ huy kéo dài hơn một tháng. Tiếp theo chiến dịch này là một cuộc tấn công ồ ạt vào Cô-oét và Irắc bằng các lực lượng thiết giáp và bộ binh đổ bộ bằng đường không. Với tốc độ, tính cơ động và hỏa lực vượt trội của mình, liên quân đã áp đảo lực lượng quân đội Irắc trong một chiến dịch tấn công trên bộ kéo dài chỉ trong vòng 100 giờ.
Tuy nhiên, chiến thắng vẫn chưa trọn vẹn và liên quân vẫn chưa thấy hài lòng. Nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ kêu gọi lực lượng liên quân đánh đuổi Irắc ra khỏi lãnh thổ Cô-oét. Song Saddam Hussein vẫn cầm quyền và đàn áp tàn bạo người Kurd ở miền Bắc và người Shiite ở miền Nam, cả hai dân tộc này đều được Hoa Kỳ trợ giúp trong cuộc khởi nghĩa của họ. Hàng trăm giếng dầu bị quân Irắc chủ tâm đốt cháy đã cháy cho đến tận tháng 11 mới được dập tắt hết. Chính quyền Saddam cũng toan tính cản trở các thanh tra của Liên Hợp Quốc đến Irắc theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an để xác định vị trí và phá hủy các loại vũ khí giết người hàng loạt của Irắc, bao gồm cả các thiết bị hạt nhân hiện đại hơn người ta nghĩ trước đó và những kho vũ khí hóa học khổng lồ.
Chiến tranh Vùng Vịnh đã khiến Hoa Kỳ có thể thuyết phục được các quốc gia ảrập, Israel và đoàn đại biểu Palestin bắt đầu các cuộc thương lượng trực tiếp nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp và có quan hệ đan xen lẫn nhau để cuối cùng có thể tiến tới một nền hòa bình lâu dài trong khu vực. Các cuộc hội đàm đã bắt đầu ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 30/10/1991. Các cuộc đàm phán bí mật ở Na Uy đã dẫn tới một Thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestin được ký tại Nhà Trắng ngày 13/9/1993.
PANAMA VÀ HIỆP ĐỊNH MẬU DỊCH TỰ DO BẮC MỸ (NAFTA)
Tổng thống cũng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hai đảng tại Quốc hội cho việc tạm chiếm đóng Panama ngày 20/12/1989, nhằm phế truất nhà độc tài – Tướng Manuel Antonio Noriega. Trong những năm 1980, tệ nghiện hút côcain đã làm lan truyền các bệnh dịch, do vậy Tổng thống Bush đã tuyên bố triển khai cuộc chiến chống ma tuý và coi đây là trung tâm của chương trình quốc nội của mình. Hơn nữa, Noriega, một nhà độc tài đặc biệt khét tiếng, đã công khai tuyên bố thái độ chống Mỹ của mình. Sau khi tị nạn ở Sứ quán Vatican, Noriega đã tự nộp mình cho chính quyền Hoa Kỳ và sau đó ông đã bị tòa án Liên bang Mỹ xét xử và kết án ở Miami, bang Florida với tội danh buôn lậu ma túy và tiền giả.
Trong lĩnh vực kinh tế, Chính quyền Bush đã đàm phán Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada. Hiệp định này sẽ được phê chuẩn sau một cuộc tranh luận dữ dội trong năm đầu tiên của Chính quyền Clinton.
CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐỘC LẬP VÀ ĐẢNG THỨ BA
Hoa Kỳ là một quốc gia có hệ thống hai đảng phái. Trên thực tế, quả là như vậy: hoặc là người của Đảng Dân chủ hoặc là người của Đảng Cộng hòa cai quản Nhà Trắng suốt từ năm 1852 đến nay. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, ở nước Mỹ đã nảy sinh đảng thứ ba và các đảng nhỏ. Chẳng hạn, 58 đảng đã có số phiếu bầu ít nhất là bằng tổng số phiếu bầu cử của một bang trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992. Trong số các đảng này có những đảng ít tiếng tăm như Đảng Apathy, Đảng Looking back, Đảng New Mexico, Đảng các công dân độc lập Tish và Đảng những người đóng thuế Vermont.
Các đảng thứ ba được tổ chức xung quanh một lĩnh vực đơn lẻ hay một hệ thống các lĩnh vực. Các đảng này có khuynh hướng hoạt động tiến bộ khi họ có được một vị lãnh đạo có tài. Vì việc tranh cử tổng thống là nằm ngoài tầm với nên phần lớn các đảng này đều cố gắng xây dựng một diễn đàn để tuyên truyền về mối quan tâm chính trị và xã hội của mình.
Theodore Roosevelt – cựu Tổng thống Mỹ, ứng cử viên thành công nhất của đảng thứ ba trong thế kỷ XX là người của Đảng Cộng hòa. Đảng Tiến bộ hay ĐảngHươu đực của ông đã giành được 27,4% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 1912. Cánh tiến bộ của Đảng Cộng hòa, do mất tin tưởng với Tổng thống William Howard Taft, người mà Roosevelt đã cất công chọn lựa cẩn thận làm người kế nhiệm, đã thuyết phục Roosevelt cố gắng có được sự đề cử của đảng vào năm 1912. Ông đã làm được điều đó khi đánh bại Taft ở một loạt các vấn đề chủ chốt nhất. Tuy nhiên Taft là người quản lý bộ máy của đảng nên ông đã giành được quyền đề cử.
Những người ủng hộ Roosevelt khi đó liền từ bỏ Đảng Cộng hòa và thành lập Đảng Tiến bộ. Bằng việc tuyên bố mình khoẻ như Nai sừng (từ đó sinh ra tên dân gian của đảng này), Roosevelt đã vận động tranh cử theo một cương lĩnh nhằm điều chỉnh các doanh nghiệp lớn, ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ, đánh thuế thu nhập luỹ tiến, kênh đào Panama và bảo vệ môi trường. Nỗ lực của ông đã đủ để đánh bại Taft. Tuy vậy, bằng việc chia sẻ phiếu bầu cho Đảng Cộng hòa, chính ông lại giúp cho ứng cử viên Woodrow Wilson của Đảng Dân chủ thắng cử.
Phái xã hội
Đảng Xã hội đã đạt đỉnh cao vào năm 1912 sau khi đã đạt 6% số phiếu bầu phổ thông. ứng cử viên cao tuổi Eugene Debs giành được hơn 900.000 phiếu bầu vào năm đó, sau khi ông tuyên truyền ủng hộ quyền sở hữu tập thể trong các ngành giao thông và thông tin liên lạc, rút ngắn giờ làm và thực thi những dự án về việc làm. Bị bỏ tù do xúi giục nổi loạn vào thời Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Debs đã vận động tranh cử ngay trong xà lim vào năm 1920.
Robert LaFollette
Một đảng viên khác của Đảng Tiến bộ – Thượng nghị sỹ Robert LaFollette đã giành được 16,6% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 1924. Vốn là một người bảo vệ tích cực cho công nhân công nghiệp và nông dân, cũng là một người hăng hái chống lại tầng lớp chủ doanh nghiệp lớn, LaFollette là người đầu tiên đề xướng cho việc phục hồi phong trào của Đảng Tiến bộ sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Được nông dân và công nhân bỏ phiếu ủng hộ, cũng như được phe xã hội và những người còn lại của Đảng Hươu đực của Roosevelt tiếp sức, La Follette đã vận động tranh cử theo cương lĩnh có mục tiêu là quốc hữu hóa các công ty xe lửa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Ông cũng ủng hộ mạnh mẽ việc tăng thuế đánh vào tầng lớp giàu có và ủng hộ quyền được đàm phán tập thể với giới chủ. Ông chỉ giành được số phiếu thuyết phục ở bang Wisconsin nơi quê hương ông mà thôi.
Henry Wallace
Đảng Tiến bộ lại tái lập vào năm 1948 bằng việc đề cử Henry Wallace, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phó Tổng thống dưới thời Franklin Roosevelt. Cương lĩnh năm 1948 của Wallace nhằm chống Chiến tranh Lạnh, Kế hoạch Marshall và giới chủ kinh doanh lớn. Ông cũng mở chiến dịch đấu tranh nhằm chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc chống lại người da đen và phụ nữ, ông ủng hộ một mức lương tối thiểu và kêu gọi bãi bỏ ủy ban của Hạ viện chịu trách nhiệm về các hoạt động của những người không phải là người Mỹ. Thất bại của ông trong việc từ chối công nhận Đảng Cộng sản Mỹ là đảng ủng hộ ông, đã làm xói mòn uy tín của ông. Ông đã đạt được hơn 2,4% số phiếu bầu phổ thông.
Đảng Dân chủ phân lập miền Nam
Giống như Đảng Tiến bộ, Đảng Các quyền bang hay Đảng Dân chủ phân lập miền Nam do Thống đốc bang Nam Carolina, Strom Thurmond lãnh đạo, mới nổi lên từ năm 1948. Sự đối lập của họ không phải bắt nguồn từ các chính sách về Chiến tranh Lạnh của Truman, mà do lập trường của ông về các quyền công dân. Tuy đảng này được xác định bằng các quyền của bang, song mục tiêu chính yếu của đảng là tiếp tục phân biệt chủng tộc và thi hành Luật Jim Crow là một đạo luật duy trì sự phân biệt này.
George Wallace
Những biến động có căn nguyên chủng tộc và xã hội vào những năm 1960 đã khiến cho George Wallace, một thống đốc bang miền Nam khác thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc, được cả nước Mỹ chú ý. Wallace đã thu hút được một lớp người ủng hộ mình thông qua những cuộc tấn công mang tính chất phân biệt màu da chống lại các quyền công dân, chống những người tự do và Chính phủ Liên bang. Bằng việc thành lập Đảng Độc lập Mỹ năm 1968, ông đã tiến hành cuộc vận động tranh cử của mình từ Montgomery, bang Alabama và giành được 13,5% tổng số phiếu bầu trên toàn nước Mỹ.
H. Ross Perot
Bất cứ đảng thứ ba nào cũng đều cố gắng tìm kiếm lợi ích cho mình từ sự không bằng lòng của dân chúng đối với hai đảng quan trọng nhất và với Chính phủ Liên bang. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ, ít có lần nào mà tình cảm bất mãn ấy lại mạnh mẽ như trong cuộc bầu cử năm 1992. Một doanh nhân giàu có ở bang Texas, Perot đã truyền đi một thông điệp kinh tế về trách nhiệm thuế khóa và tài chính tới đông đảo người dân Mỹ. Do đả kích kịch liệt giới lãnh đạo đất nước và biết đơn giản hóa thông điệp về kinh tế của mình thành một công thức dễ hiểu nên Perot không gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Tổ chức vận động tranh cử của ông mang tên Đoàn kết thì đứng vững, chủ yếu bao gồm các tình nguyện viên và được cấp vốn từ tài sản riêng của ông. Nhiều người đã khâm phục sản nghiệp giàu có của ông và ngưỡng mộ sự thành công trong kinh doanh của Perot cũng như sự tự do hành động và các khoản tiền đặc biệt hào phóng dành cho quỹ vận động tranh cử. Perot đã rút khỏi cuộc chạy đua tranh cử vào tháng 7. Bằng việc tái tham gia cuộc chạy đua một tháng trước ngày bầu cử, ông đã giành được 19 triệu phiếu bầu, một con số lớn nhất mà một ứng cử viên đảng thứ ba đã giành được từ trước đến nay và chỉ đứng thứ hai sau tỷ lệ phiếu bầu của Roosevelt năm 1912 nếu xét về phần trăm trên tổng số phiếu.
“Tôi luôn tin tưởng rằng một sự sắp đặt thánh thần nào đó của tạo hóa đã khiến cho châu lục rộng lớn nằm giữa hai đại dương này được tìm thấy bởi những người có một tình yêu cháy bỏng đối với tự do và một lòng dũng cảm đặc biệt”
Thống đốc bang California, Ronald Reagan, 1974
MỘT XÃ HỘI TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ
Bước sang thập niên 1980, sự thay đổi trong cấu trúc xã hội Mỹ vốn đã được bắt đầu từ nhiều năm, thậm chí từ nhiều thập niên trước đây, đã trở nên rõ ràng. Cơ cấu dân cư và những ngành nghề, những kỹ năng quan trọng nhất trong xã hội Mỹ đã có những đổi thay căn bản.
Sự thống trị của ngành dịch vụ trong nền kinh tế đã trở nên không thể phủ nhận. Cho đến giữa những năm 1980, có 3/4 số công nhân viên làm việc trong khu vực dịch vụ. Họ là các nhân viên bán lẻ, nhân viên văn phòng, giáo viên, thầy thuốc và các viên chức chính phủ.
Sự xuất hiện và sử dụng máy vi tính ngày càng tăng đã đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động trong ngành dịch vụ. Kỷ nguyên tin học đã đến, với phần cứng và phần mềm có khả năng tích hợp các dữ liệu khổng lồ mà trước đây người ta khó có thể hình dung khi xuất hiện mới ra về những khuynh hướng kinh tế và xã hội. Chính phủ liên bang đã đầu tư đáng kể vào công nghệ máy tính trong hai thập niên 1950 và 1960 cho các chương trình quân sự và vũ trụ của mình.
Năm 1976, hai doanh nhân trẻ tuổi ở California, làm việc tại một xưởng sửa chữa ôtô, đã lắp đặt chiếc máy tính đầu tiên dùng cho gia đình được chào bán rất rộng rãi, đặt tên cho loại máy này là Apple, và thổi bùng lên một cuộc cách mạng. Cho tới đầu thập niên 1980, hàng triệu máy vi tính đã xâm nhập vào các doanh nghiệp và các gia đình Mỹ, và vào năm 1982, tạp chí Time đã trao danh hiệu Cỗ máy của năm của mình cho chiếc máy tính.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp nặng của nước Mỹ đã suy thoái. Ngành công nghiệp ôtô Mỹ chao đảo dưới sự canh tranh của các công ty chế tạo ôtô có hiệu quả rất cao của Nhật Bản. Cho tới năm 1980, các công ty Nhật Bản đã sản xuất ra một phần năm các loại phương tiện được bán trên thị trường Mỹ. Các nhà sản xuất xe hơi Mỹ đã phải vất vả cạnh tranh với một số thành công nhất định để sánh được mức độ hiệu quả về giá thành và tiêu chuẩn kỹ thuật của các đối thủ Nhật Bản, nhưng địa vị thống trị thị trường xe hơi trước kia của họ thì đã mãi mãi không còn nữa. Những công ty thép khổng lồ xưa kia cũng bị thu hẹp và trở nên khá mờ nhạt khi các nhà sản xuất thép nước ngoài đã áp dụng các công nghệ mới một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Người tiêu dùng là những người được hưởng lợi từ các cuộc cạnh tranh khốc liệt này trong các ngành công nghiệp chế tạo, song cuộc đấu tranh vất vả nhằm giảm chi phí ấy cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn công nhân lao động giản đơn mãi mãi bị mất việc làm. Một số người đã chuyển sang làm việc trong các ngành dịch vụ, còn một số người khác thì đành chịu cảnh thất nghiệp.
Các cơ cấu dân cư cũng thay đổi mạnh mẽ. Sau khi cuộc bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh chấm dứt (từ 1946 đến 1964), thì tỷ lệ tăng dân số đã giảm và cư dân trở nên già hơn. Cấu trúc hộ gia đình cũng biến đổi. Năm 1980, tỷ lệ các hộ gia đình đã suy giảm; 1/4 của các nhóm gia đình được xếp loại là những hộ không phải là gia đình, trong đó, có hai hay nhiều hơn hai người không có quan hệ ruột thịt sống chung với nhau.
Những người mới nhập cư đã làm thay đổi tính chất xã hội của nước Mỹ theo những cách khác. Cải cách năm 1965 về chính sách nhập cư đã không còn đặt trọng tâm vào những người nhập cư từ Tây Âu nữa, và làm tăng số người nhập cư từ châu Á và châu Mỹ La-tinh. Năm 1980, 808.000 người nhập cư đã tới Mỹ, con số cao nhất trong vòng 60 năm, khi nước Mỹ một lần nữa lại trở thành nơi cư ngụ cho tất cả mọi người từ khắp nơi trên thế giới.
Các nhóm dân cư mới này đã trở thành các thành viên tham gia tích cực trong cuộc chiến tranh đòi được có những cơ hội bình đẳng. Những người đồng tính luyến ái sử dụng chiến thuật và đường lối của phong trào tranh đấu đòi quyền công dân, tự cho mình là những người bị kỳ thị đang đấu tranh đòi được công nhận những quyền căn bản. Năm 1975, ủy ban Công tác Dân sự Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh cấm tuyển dụng những người đồng tính luyến ái, và nhiều bang đã ban hành luật chống kỳ thị.
Sau đó, vào năm 1981, người ta đã phát hiện ra bệnh AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch). Lây nhiễm qua đường tình dục hay đường truyền máu, căn bệnh này đã tác động nặng nề đến những người đồng tính luyến ái và những người tiêm chích ma túy, mặc dù những người dân bình thường cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Cho tới năm 1992, đã có hơn 220.000 người Mỹ bị chết vì bệnh AIDS. Bệnh dịch AIDS không chỉ giới hạn trong nước Mỹ, và nỗ lực chữa trị căn bệnh này hiện nay đã có sự tham gia của các dược sỹ và các nhà nghiên cứu y học trên khắp thế giới.
CHỦ NGHĨA BẢO THỦ VÀ VIỆC LÊN NẮM QUYỀN CỦA RONALD REAGAN
Đối với nhiều người Mỹ, những xu hướng kinh tế, xã hội và chính trị của hai thập niên vừa qua – tội ác và phân biệt chủng tộc tại nhiều trung tâm đô thị, các thách thức đối với những giá trị truyền thống, và sự trì trệ về kinh tế và nạn lạm phát dưới thời Carter – đã gây ra tâm trạng thất vọng của dân chúng. Nó cũng làm cho dân chúng càng thêm hoài nghi đối với chính phủ và khả năng của chính phủ trong việc giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề xã hội và chính trị của đất nước.
Những người thuộc phái bảo thủ lâu nay vốn đã bị gạt ra ngoài bộ máy quyền lực quốc gia nay lại có vị thế chính trị thuận lợi trong bối cảnh mới. Nhiều người Mỹ đã mau chóng lĩnh hội quan điểm về một chính phủ hạn chế, về một nền quốc phòng vững mạnh và về việc bảo vệ các giá trị truyền thống.
Sự bùng phát của chủ nghĩa bảo thủ có nhiều lý do. Một nhóm người đông đảo gồm các tín đồ Công giáo chính thống đã đặc biệt lo ngại về sự gia tăng tội ác và các quan điểm trái đạo đức về tình dục. Họ mong muốn đưa tôn giáo trở lại vị trí trung tâm trong đời sống người Mỹ. Một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất về chính trị, vào đầu những năm 1980, có tên là Đa số Đạo đức do Jerry Falwell – một Bộ trưởng theo đạo Thiên Chúa lãnh đạo. Một nhóm khác do Reverend Pat Robertson lãnh đạo đã xây dựng nên một tổ chức lấy tên là Liên minh Công giáo. Cho tới những năm 1990, tổ chức này vẫn là một lực lượng có ảnh hưởng lớn trong Đảng Cộng hòa. Sử dụng truyền hình để phổ biến rộng rãi thông điệp của họ, Falwell, Robertson và những người như họ đã lôi kéo được đông đảo người ủng hộ.
Một vấn đề khác mang sắc thái quá khích của những người bảo thủ là một vấn đề tình cảm – vấn đề phá thai. Phản đối quyết định của Tòa án Tối cao năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade, trong đó Tòa án đã ủng hộ quyền phá thai trong những tháng đầu mang thai của phụ nữ, những người bảo thủ đã tập hợp được một lực lượng lớn các tổ chức và cá nhân. Trong đó không chỉ bao gồm đông đảo các tín đồ Công giáo La mã, mà còn có những người ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ và những người thuộc phái chính thống tôn giáo, phần lớn những người này đều coi việc phá thai dưới bất cứ hoàn cảnh nào đều tương đương với hành vi giết người. Những cuộc biểu tình ủng hộ quyền lựa chọn của người mẹ và quyền được sống của thai nhi (có nghĩa là ủng hộ chuyện phá thai hay phản đối chuyện phá thai) đã trở thành tâm điểm trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ.
Ngay trong Đảng Cộng hòa, phe bảo thủ một lần nữa lại giành được vị trí thắng thế. Trong một thời gian ngắn, họ đã giành được quyền kiểm soát đa số trong Đảng Cộng hòa vào năm 1964 với ứng cử viên tổng thống của đảng là Barry Goldwater, sau đó đã không còn được người ta chú ý nữa. Tuy nhiên, cho tới năm 1980, với thất bại của chủ nghĩa tự do dưới thời Carter, phe Tân Hữu lại có thể tìm được vị trí thống trị của mình.
Nhờ sử dụng các kỹ thuật thư tín trực tiếp và sức mạnh của các phương tiện truyền thông để truyền đi các thông điệp và thực hiện việc gây quỹ dựa trên sáng kiến của những người theo chủ nghĩa bảo thủ như nhà kinh tế Milton Friedman, nhà báo William F. Buckley và George Will và các cơ quan nghiên cứu như Quỹ Di sản, cánh Tân Hữu đã giữ một vai trò quan trọng trong việc định ra đường lối của những năm 1980.
Cánh Cựu Hữu ủng hộ quan điểm hạn chế can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Quan điểm này được củng cố hơn nữa khi một nhóm Tân Hữu gồm những nhà chính trị theo chủ nghĩa bảo thủ tự do ngờ vực vai trò của chính phủ nói chung và phản đối sự can thiệp của nhà nước vào hành vi cá nhân. Nhưng cánh Tân Hữu cũng bao gồm cả một bè phái mạnh hơn, gồm những người theo trường phái Phúc Âm, muốn dùng quyền lực của nhà nước nhằm củng cố cho quan điểm của mình. Họ ủng hộ những biện pháp chống tội phạm, ủng hộ quan điểm xây dựng một nền quốc phòng hùng mạnh, ủng hộ một điều khoản trong hiến pháp cho phép được cầu kinh tại các trường công và phản đối việc phụ nữ phá thai.
Nhân vật đã tập trung được tất cả những xu hướng khác biệt này lại với nhau là Ronald Reagan. Reagan sinh ra ở bang Illinios, là diễn viên điện ảnh Hollywood và diễn viên truyền hình trước khi chuyển sang hoạt động chính trị. Lúc đầu, ông đã giành được uy tín chính trị nhờ một bài diễn văn được phát trên truyền hình toàn quốc vào năm 1964 có nội dung ủng hộ Barry Goldwater. Năm 1966, Reagan thắng cử chức thống đốc bang California và giữ vị trí này tới năm 1975. Ông đã suýt thắng cử với số phiếu sít sao để được đề cử là đại biểu của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào năm 1976 trước khi được chính thức đề cử năm 1980 và tiếp tục thắng cử tổng thống trong cuộc tranh đua với tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter.
Tinh thần lạc quan không hề nao núng của Tổng thống Reagan cùng khả năng biết ca tụng những thành tựu và những cảm hứng của dân chúng Mỹ đã không hề thuyên giảm trong suốt hai nhiệm kỳ ông làm tổng thống. Đối với nhiều người Mỹ, Reagan là một vị tổng thống đã đem lại sự bình yên và ổn định. Khi đứng trước micrô và ống kính của máy quay trong các buổi truyền hình, Reagan được mệnh danh là Người có kỹ năng giao tiếp xuất chúng.
Nhắc lại một câu nói có từ thế kỷ XVII của lãnh tụ John Winthrop, Reagan tuyên bố với toàn thể nước Mỹ rằng Hoa Kỳ là thành phố ánh sáng trên ngọn đồi, là đất nước được Chúa ban cho sứ mệnh phải bảo vệ thế giới chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.
Reagan tin rằng, chính quyền đã can thiệp quá sâu vào đời sống của người dân Mỹ. Ông muốn cắt giảm những chương trình mà ông cho rằng nước Mỹ không cần đến và ông thấy rằng những chương trình đó là lãng phí, gian trá và lạm dụng. Reagan thúc đẩy chương trình phi điều tiết vốn đã được Jimmy Carter khởi xướng trước đó. Reagan cũng cố gắng xóa bỏ nhiều quy định gây ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng, đến chỗ làm việc và môi trường. Theo ông, những quy định này đều không hiệu quả, gây đắt đỏ và ngăn cản tăng trưởng kinh tế.
Reagan cũng đồng ý với quan điểm của nhiều nhà chính trị bảo thủ cho rằng luật pháp cần phải được áp dụng một cách hà khắc để ngăn ngừa tội phạm. Ngay sau khi trở thành tổng thống, ông đã phải đối mặt với một cuộc đình công trên toàn quốc của những nhân viên kiểm soát không lưu Mỹ. Mặc dù hành động này đã bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng trước đó, những cuộc đình công như vậy thường vẫn được cho qua. Khi những nhân viên kiểm soát không lưu từ chối không chịu quay lại làm việc, tổng thống đã ra lệnh sa thải tất cả những người trong số họ. Vài năm sau đó, hệ thống này đã được thiết lập lại với những nhân viên mới.
NỀN KINH TẾ NHỮNG NĂM 1980
Chương trình đối nội của Tổng thống Reagan bắt nguồn từ quan điểm cho rằng đất nước sẽ thịnh vượng hơn nếu sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân được cởi trói. Lý thuyết kinh tế học chỉ đạo quan điểm này là lý thuyết trọng cung. Lý thuyết này cho rằng việc cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ sẽ khiến đầu tư kinh doanh tăng lên và do đó, là con đường ngắn nhất dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện chủ trương này, chính quyền Reagan cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ làm tăng đầu tư xây dựng cơ bản và lợi nhuận của các doanh nghiệp, do đó, một mức thuế thấp hơn đánh vào những khoản thu nhập doanh nghiệp lớn này sẽ giúp cho thu nhập của chính phủ cũng tăng lên.
Mặc dù số đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện là rất ít, còn Hạ viện thì do Đảng Dân chủ kiểm soát, song Tổng thống Reagan đã thành công trong năm cầm quyền đầu tiên của mình do những chương trình kinh tế mà ông đã đề ra, bao gồm việc cắt giảm thuế 25% theo từng giai đoạn trong hơn ba năm cho các cá nhân. Chính quyền cũng đã gia tăng chi phí quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội Mỹ và nhằm đối phó với mối đe dọa mà nước Mỹ cảm thấy đang ngày càng tăng từ phía Liên Xô.
Dưới thời Paul Volcker, việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất một cách chóng mặt đã làm trầm trọng hơn nạn lạm phát vốn đã bắt đầu từ cuối những năm 1970. Suy thoái đã chạm đáy vào năm 1982, với mức lãi suất chính lên tới gần 20% và kinh tế thì suy giảm nghiêm trọng. Trong năm đó, tổng sản phẩm quốc nội (GNP) thực tế đã giảm 2%; tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần đến mức 10% và gần 1/3 các nhà máy công nghiệp Mỹ rơi vào tình trạng trì trệ. Suốt miền Trung Tây, các công ty lớn như General Electric và International Harvester đều phải sa thải công nhân. Giá dầu mỏ lên cao khủng khiếp cũng góp phần khiến kinh tế suy thoái. Các đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Đức và Nhật Bản đã chiếm được thị phần lớn hơn trong thương mại quốc tế, và người Mỹ đã tiêu dùng nhiều hơn những hàng hóa được sản xuất từ nước ngoài.
Nông dân cũng phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Vào những năm 1970, nông dân Mỹ đã từng trợ giúp cho ấn Độ, Trung Quốc, Liên Xô và các nước khác đang bị mùa màng thất bát và phải vay nặng lãi để mua đất đai và phát triển sản xuất. Nhưng sự tăng giá của dầu mỏ đã đẩy chi phí lên cao và sự suy sụp bất ngờ của kinh tế thế giới năm 1980 đã làm giảm nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp. Sản lượng trong nông nghiệp giảm mạnh vì sản xuất chỉ tập trung vào tay một số nhỏ chủ trại có quy mô lớn. Tầng lớp nông dân nhỏ đã phải đối mặt với những khó khăn lớn để tồn tại.
Ngân sách quân sự gia tăng – cộng với việc cắt giảm thuế và chi tiêu của chính phủ cho y tế tăng lên – đã khiến cho chi tiêu của chính phủ vượt quá xa những khoản thu hàng năm của chính phủ. Một số nhà phân tích cho rằng các khoản thâm hụt này là do chiến lược quản lý có chủ ý nhằm ngăn chặn những khoản chi phí quốc nội ngày càng gia tăng của phe Dân chủ. Tuy nhiên cả phái Dân chủ lẫn phái Cộng hòa trong Quốc hội đều từ chối cắt giảm các khoản chi phí này. Từ 74 tỷ đô-la năm 1980, mức thâm hụt đã tăng lên 221 tỷ đô-la năm 1986 trước khi quay trở lại mức 150 tỷ đô-la năm 1987.
Nhưng cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc vào đầu những năm 1980 đã kiềm chế thành công nạn lạm phát phi mã bắt đầu dưới thời Carter. Hơn nữa, giá dầu mỏ lại bắt đầu giảm mạnh khiến Reagan càng vững tin hơn khi quyết định xóa bỏ kiểm soát giá cả và trợ cấp khí đốt. Vào mùa thu năm 1984, nền kinh tế đã hồi phục khiến Reagan yên tâm triển khai chiến dịch vận động tái tranh cử của mình với khẩu hiệu Bình minh lại đến trên đất Mỹ. Ông đã đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ là cựu Thượng nghị sỹ và Phó Tổng thống Walter Mondale với số phiếu áp đảo.
Hoa Kỳ đã bước vào một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Các khoản chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng lên do nhà nước cắt giảm thuế. Thị trường chứng khoán tăng trưởng vì nó phản ánh một không khí tiêu dùng lạc quan. Trong suốt năm năm sau khi kinh tế được phục hồi, tổng sản phẩm quốc dân đã tăng 4,2% một năm. Tỷ lệ lạm phát hàng năm duy trì ở mức từ 3-5% trong những năm từ 1983 đến 1987, ngoại trừ năm 1986, tỷ lệ này đã giảm tới dưới 2% – đạt mức thấp nhất trong suốt những thập niên vừa qua. Tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng bền vững trong suốt những năm 1980. Từ năm 1982 đến năm 1987, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 13 triệu việc làm mới.
Kiên định trong cam kết của mình về việc cắt giảm thuế, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Reagan đã ký ban hành một biện pháp cải cách thuế có quy mô rộng rãi nhất trên toàn liên bang kể từ 75 năm nay. Với sự ủng hộ rộng rãi của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, chính sách thuế mới này đã cắt giảm thuế thu nhập, đơn giản hóa các mức thuế và khắc phục được những lỗ hổng trong quản lý thuế.
Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng đáng kể này là do các khoản thâm hụt chi tiêu. Hơn nữa, các khoản nợ quốc gia đã tăng lên gấp ba và còn xa mới được ổn định nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh. Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các ngành dịch vụ kỹ năng cao và các ngành kỹ thuật. Nhiều gia đình nghèo và tầng lớp trung lưu không phát đạt được nhiều như vậy. Đồng thời, mặc dù lớn tiếng kêu gọi tự do thương mại, nhưng chính quyền Reagan đã gây áp lực với Nhật Bản để buộc quốc gia này chấp nhận một hạn ngạch tự nguyện đối với việc xuất khẩu mặt hàng ôtô sang thị trường Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ lại một lần nữa bị chao đảo ngày 19/10/1987 – “Ngày thứ Hai đen tối” trong lịch sử thị trường chứng khoán – khi thị trường này sụt giá tới 22,6% chỉ trong một ngày. Nguyên nhân của sự đổ vỡ này là do các khoản thâm hụt thương mại quốc tế lớn của Hoa Kỳ, các khoản thâm hụt trong ngân sách liên bang, các khoản nợ lớn của tư nhân và doanh nghiệp, và các kỹ thuật buôn bán chứng khoán được máy tính hóa cho phép bán chứng khoán và các hợp đồng tương lai ngay lập tức. Tuy nhiên, mặc dù sự đổ vỡ này gợi lại những ký Đức về năm 1929, nhưng thực ra nó chỉ là một sự kiện tạm thời và có rất ít ảnh hưởng. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,2% vào tháng 6/1988 – mức thấp nhất trong 14 năm qua.
CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO
Trong chính sách đối ngoại, Reagan luôn cố gắng để nước Mỹ đóng vai trò quyết định trong các công việc quốc tế. Lần đầu tiên, ông đã tiến hành thử nghiệm vai trò này ở khu vực Trung Mỹ. Hoa Kỳ đã trợ giúp kinh tế và huấn luyện quân sự cho El Salvador khi các du kích nổi loạn đe dọa lật đổ chính phủ nước này. Hoa Kỳ cũng tích cực ủng hộ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ nhưng những nỗ lực này chỉ thành công phần nào. Sự trợ giúp của Hoa Kỳ đã giúp El Salvador ổn định chính phủ, nhưng mức độ bạo lực ở đất nước này vẫn không suy giảm. Cuối cùng, một hiệp định hòa bình cũng đã được ký kết vào đầu năm 1992.
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Nicaragua gây ra nhiều tranh luận hơn. Năm 1979, những người cách mạng tự xưng là các chiến sỹ Sandinista đã lật đổ chế độ Somoza cánh hữu và thành lập một chế độ thân Cuba và Liên Xô. Mọi nỗ lực chấn chỉnh tại khu vực này đều đã thất bại, do đó, chính quyền Mỹ đã chuyển sang ủng hộ lực lượng kháng chiến chống lại Sandinista hay còn gọi là lực lượng Contras.
Tiếp theo một cuộc tranh luận chính trị căng thẳng về chính sách ngoại giao này, Quốc hội đã chấm dứt toàn bộ trợ giúp quân sự cho lực lượng Contras vào tháng 10/1984. Nhưng sau đó, dưới áp lực của chính phủ, Quốc hội đã thay đổi quyết định vào mùa thu năm 1986 và thông qua một khoản trợ giúp quân sự trị giá 100 triệu đô-la cho lực lượng này. Tuy nhiên, thất bại trên chiến trường, những lời chỉ trích vi phạm nhân quyền và việc khám phá ra rằng các khoản tiền có được do bí mật bán vũ khí cho Iran đã được chuyển sang cho lực lượng Contras đã làm suy giảm sự ủng hộ về chính trị trong Quốc hội đối với việc tiếp tục các khoản trợ giúp quân sự này.
Sau này, chính quyền của Tổng thống George H. W. Bush, người kế nhiệm Reagan năm 1989 đã bãi bỏ bất kỳ sự ủng hộ nào nhằm giúp đỡ quân sự cho lực lượng Contras. Chính phủ Bush cũng gây áp lực để tiến hành tuyển cử tự do và ủng hộ liên minh chính trị đối lập. Liên minh này đã thắng cử với một kết quả bất ngờ gây nhiều sửng sốt, đánh bại những người Sandinista vào tháng 2/1990.
Chính quyền của Tổng thống Reagan đã may mắn hơn khi được chứng kiến sự trở lại của nền dân chủ tại các quốc gia còn lại ở châu Mỹ La-tinh, từ Guatemala tới Argentina. Sự xuất hiện của các chính phủ được bầu lên một cách dân chủ không chỉ hạn chế ở châu Mỹ La-tinh; ở châu Á, chiến dịch chính quyền của nhân dân ở Corazon Aquino đã lật đổ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos và các cuộc bầu cử ở Hàn Quốc đã chấm dứt chế độ quân phiệt đã tồn tại hàng mấy chục năm ở nước này.
Trái lại, Nam Phi vẫn tỏ ra không chịu thỏa hiệp trước những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm khuyến khích sự chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai qua một chính sách gây nhiều tranh cãi về “một sự can thiệp có tính xây dựng” và thông qua một nền ngoại giao lặng lẽ cùng với sự ủng hộ cải cách của dân chúng. Vào năm 1986, thất vọng vì không có bất kỳ sự tiến bộ nào, Quốc hội Mỹ đã gạt bỏ quyền phủ quyết của Reagan và đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nam Phi. Tháng 2/1990, Tổng thống Nam Phi F.W de Klert đã công bố trả tự do cho Nelson Mandela và bắt đầu dần dần chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai.
Mặc dù luôn bày tỏ thẳng thắn tinh thần chống cộng, nhưng chính quyền Reagan đã rất hạn chế sử dụng trực tiếp các lực lượng quân sự. Ngày 25/10/1983, các lực lượng quân đội Mỹ đã đổ bộ lên đảo Grenada thuộc vùng biển Caribê sau lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp của các nước láng giềng. Hành động này diễn ra sau vụ ám sát Thủ tướng Grenada thuộc cánh tả do những thành viên trong chính đảng thân Mác-xít của chính ông tiến hành. Sau một thời gian ngắn giao chiến, các toán quân Mỹ đã bắt giữ hàng trăm chiến binh Cuba, xây dựng lực lượng và ngăn chặn trợ giúp vũ khí từ Liên Xô. Tháng 12/1983, những đơn vị chiến đấu cuối cùng của quân đội Mỹ đã rời Grenada, và đất nước này đã tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ một năm sau đó.
Tuy nhiên, ở Trung Đông, tình hình tỏ ra khó khăn hơn nhiều. Sự xuất hiện các lực lượng quân đội Mỹ ở Li-băng nơi Hoa Kỳ đang cố gắng giúp đỡ một chính phủ thân phương Tây nhưng lại tỏ ra yếu đuối và ôn hòa, đã có một kết cục bi thảm khi 241 lính thủy đánh bộ Mỹ đã chết trong một cuộc đánh bom khủng bố tháng 10/1983. Tháng 4/1986, các máy bay thuộc lực lượng hải quân và không quân Mỹ đã tiêu diệt các mục tiêu ở Tripoli và Benghazi của Libi nhằm trả đũa các cuộc tấn công của Libi.
ở Vịnh Ba Tư, sự đổ vỡ trước đây trong quan hệ Mỹ – Iran và cuộc chiến tranh Iran – Irắc đã gây dựng tiền đề cho các hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực. Lúc đầu, Hoa Kỳ đáp lại yêu cầu từ phía Cô-oét muốn bảo vệ đội tàu chở dầu của mình, song cuối cùng, với các chiến hạm của Hải quân Mỹ đến từ Tây Âu, Hoa Kỳ đã chiếm giữ các con đường hàng hải sống còn của các đoàn tàu chở dầu và tàu thuyền của các nước trung lập khác đi lại trên vùng Vịnh.
Cuối năm 1986, người Mỹ đã phát hiện ra chính quyền đã bí mật bán vũ khí cho Iran nhằm mục đích hàn gắn lại quan hệ ngoại giao với chính quyền Hồi giáo cực đoan và nhằm giải phóng cho các con tin Mỹ bị bắt giữ tại Li-băng do các tổ chức tôn giáo mà Iran kiểm soát. Các cuộc điều tra này cũng kết luận rằng số tiền có được từ bán vũ khí đã được cấp cho lực lượng Contras ở Nicaragoa trong thời gian Quốc hội đã ra sắc lệnh cấm mọi trợ giúp quân sự cho lực lượng này.
Những phiên điều trần sau đó về lực lượng Contras của Iran trước ủy ban hỗn hợp của Thượng viện và Hạ viện đã điều tra về khả năng vi phạm pháp luật và về vấn đề lớn hơn là xác định những lợi ích quốc tế trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Trung Đông và Trung Mỹ. Trên nghĩa rộng thì những phiên điều trần này chính là một cuộc tranh luận tại Quốc hội liên quan đến những bí mật của chính phủ và về quyền hạn của tổng thống so với quyền hạn của quốc hội trong việc tiến hành các hoạt động ngoại giao. Không giống như vụ tai tiếng Watergate 14 năm trước đây, ủy ban này thấy rằng không có cơ sở nào để buộc tội tổng thống và không có kết luận cụ thể gì về các vấn đề gây tranh cãi kéo dài này.
QUAN HỆ XÔ-MỸ
Trong mối quan hệ với Liên Xô, chính sách mà Tổng thống Regan đã tuyên bố là một chính sách hòa bình thông qua sức mạnh. Ông đã tuyên bố rõ ràng thái độ đối nghịch của mình đối với quốc gia này. Hai sự kiện đã sớm xảy ra làm quan hệ Xô-Mỹ thêm phần căng thẳng: đó là sự kiện Phong trào lao động Đoàn kết ở Ba Lan tháng 12/1981 và việc tên lửa của Liên Xô đã khiến 269 người chết trong chuyến bay dân sự số 007 của hãng hàng không Hàn Quốc ngày 1/9/1983. Hoa Kỳ cũng đã lên án việc Xô-viết tham gia vào lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục trợ giúp quân sự đã có từ thời Carter cho quân kháng chiến Mujahedeen ở Afghanistan.
Trong nhiệm kỳ đầu của Reagan, Chính phủ của ông đã chi những khoản tiền lớn chưa từng có cho việc tăng cường lực lượng vũ trang, bao gồm việc chuyển các tên lửa hạt nhân tầm trung đến châu Âu để đối phó lại việc Liên Xô triển khai các tên lửa tương tự. Vào ngày 23/3/1983, trong một cuộc tranh luận chính sách nảy lửa nhất trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của mình, Reagan đã công bố chương trình nghiên cứu về Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) nhằm tìm ra các công nghệ tiên tiến như tia laser và các đầu đạn tên lửa năng lượng cao để phòng ngự chống lại các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mặc dù nhiều nhà khoa học đã tỏ ý nghi ngờ tính khả thi về mặt công nghệ của SDI và các nhà kinh tế đã chỉ ra các khoản chi phí vô cùng lớn, song chính phủ vẫn tiếp tục triển khai dự án này.
Sau khi tái đắc cử năm 1984, Reagan đã giảm nhẹ lập trường cứng rắn của mình về kiểm soát vũ khí. Matx-cơ -va cũng đã tỏ ra sẵn sàng thỏa hiệp, một phần vì nền kinh tế Liên Xô đã dành một phần lớn hơn nhiều trong tổng sản phẩm quốc dân cho quân sự so với tỉ lệ chi quân sự của Mỹ. Nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, sợ rằng nếu tiếp tục tăng tỉ lệ chi cho quân sự này thêm nữa thì kế hoạch tự do hóa nền kinh tế Liên Xô sẽ bị ảnh hưởng.
Tháng 11/1985, Reagan và Gorbachev đã đồng ý trên nguyên tắc về việc giảm 50% vũ khí hạt nhân quốc phòng chiến lược và tiến tới một hiệp định tạm thời về các loại vũ khí hạt nhân tầm trung. Tháng 12/1987, Tổng thống Reagan và Tổng Bí thư Gorbachev đã ký Hiệp ước về Vũ khí hạt nhân Tầm trung (INF), chuẩn bị cho việc phá hủy toàn bộ loại vũ khí tầm trung này. Sau đó, đối với Hoa Kỳ, Liên Xô đã không còn là một đối thủ đáng sợ nữa. Reagan có thể được khen ngợi vì đã giúp cho Chiến tranh Lạnh nguội đi đáng kể, nhưng khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, gần như không ai có thể nhận ra được Liên bang Xô-viết đã trở nên lung lay đến mức nào.
NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG CỦA GEORGE H.W. BUSH
Tổng thống Reagan trở nên đặc biệt được lòng dân vào thời gian cuối nhiệm kỳ thứ hai, nhưng theo các quy định của Hiến pháp Mỹ thì ông không thể ra tranh cử một lần nữa vào năm 1988. ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, Phó Tổng thống George Herbert Walker Bush đã được bầu làm Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ.
Bush đã vận động tranh cử bằng việc hứa với các cử tri là sẽ tiếp tục duy trì sự thịnh vượng mà Reagan đã mang lại cho nước Mỹ. Đồng thời, ông cũng chứng minh rằng khả năng chuyên môn của ông có thể hỗ trợ một nền quốc phòng mạnh mẽ một cách đáng tin cậy hơn ứng cử viên Michal Dukakis của Đảng Dân chủ. Ông cũng hứa hẹn sẽ phấn đấu cho một nước Mỹ tốt đẹp và lịch lãm hơn. Dukakis, Thống đốc bang Massachuset, đã tuyên bố rằng những người Mỹ kém may mắn hơn đang bị tổn thương về kinh tế và chính phủ cần phải giúp đỡ những người này bằng cách kiểm soát tốt các món nợ của Liên bang và các chi phí cho quốc phòng. Tuy nhiên dân chúng bị thuyết phục bởi thông điệp kinh tế của Bush: không có các sắc thuế mới. Trong kết quả bỏ phiếu, Bush đã thắng cử với tỷ lệ phiếu bầu là 54% so với 46% phiếu phổ thông.
Trong năm đầu tiên trên cương vị tổng thống, Bush đã tiếp tục chương trình tài khóa bảo thủ, theo đuổi các chính sách mà chính phủ của Reagan đã tiến hành về thuế, về chi tiêu và về các khoản nợ. Nhưng vị tổng thống mới đã sớm nhận thấy rằng ông bị mắc kẹt giữa các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và luật giảm thâm hụt. Cắt giảm chi tiêu dường như là cần thiết và Bush chỉ có rất ít cơ hội để đề xuất những khoản chi ngân sách mới.
Chính quyền Bush đã thông qua các sáng kiến chính sách về các vấn đề mà không yêu cầu các khoản chi lớn từ ngân sách. Do đó, vào tháng 11/1990, Bush đã ký một dự luật đưa ra những tiêu chuẩn liên bang về khói bụi đô thị, khí thải ôtô, nhiễm độc không khí và mưa axít, nhưng phần lớn các chi phí là do những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm phải chi trả. Ông cũng đã phê chuẩn luật yêu cầu sự tiếp cận cho những người tàn tật, nhưng các chi phí để cải tạo chỗ ở và chỗ làm việc cho phù hợp với việc đi lại bằng xe lăn không được lấy từ ngân sách liên bang. Tổng thống cũng bắt đầu triển khai chiến dịch khuyến khích tinh thần tự nguyện mà ông ca tụng là “một ngàn điểm sáng”.
NGÂN SÁCH VÀ CÁC KHOẢN THÂM HỤT
Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính quyền Bush nhằm kiểm soát được các khoản thâm hụt ngân sách lại gặp rất nhiều khó khăn. Một căn nguyên của khó khăn đó là cuộc khủng hoảng về tiết kiệm và cho vay. Các ngân hàng tiết kiệm – trước kia được quản lý rất chặt chẽ với lãi suất tiết kiệm thấp đối với dân thường – nay được phi điều tiết, cho phép các ngân hàng có thể cạnh tranh khốc liệt hơn nhờ trả lãi suất cao hơn nhưng cũng khiến rủi ro của các khoản vay trở nên lớn hơn. Việc nâng mức bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ đã làm giảm cầu của người tiêu dùng đối với các tổ chức tiền gửi có uy tín. Gian lận, quản lý tồi, cùng những xu hướng sa sút trong kinh tế đã dẫn tới những trường hợp không có khả năng trả nợ và phá sản trong những tổ chức tiết kiệm này (tổ chức tiết kiệm là một thuật ngữ chung để chỉ những tổ chúc hướng về người tiêu dùng như những hiệp hội tiết kiệm và cho vay, hay các ngân hàng tiết kiệm). Cho đến năm 1993, tổng phí tổn của việc bán và đóng cửa những tổ chức tiết kiệm bị phá sản là một con số khiến người ta phải choáng váng: gần 525 tỷ đô-la.
Tháng 1/1990, Tổng thống Bush đã đệ trình bản đề xuất ngân sách của ông lên Quốc hội. Phe Dân chủ cho rằng những kế hoạch về ngân sách của chính phủ là quá lạc quan, rằng việc đáp ứng những yêu cầu trong luật giảm thâm hụt sẽ đòi hỏi phải tăng thuế và cắt giảm mạnh các chi phí cho quốc phòng. Tháng 6 năm đó, sau nhiều cuộc đàm phán kéo dài, Tổng thống Bush đã đồng ý tăng thuế. Đồng thời, vào năm 1991, sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế, những chi phí phát sinh từ việc cứu trợ các hoạt động kinh doanh tiết kiệm và cho vay, những khoản chi phí về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng trong các chương trình chăm sóc và trợ giúp y tế đã vô hiệu hóa những biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách và gây ra một khoản thâm hụt không kém phần nghiêm trọng so với khoản thâm hụt vào năm trước.
KẾT THÚC CHIẾN TRANH LẠNH
Khi Bush trở thành Tổng thống, Liên bang Xô-viết đã đang đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ. Các nỗ lực của Gorbachev nhằm mở cửa nền kinh tế Liên Xô tỏ ra lúng túng. Năm 1989, các chính quyền cộng sản ở Đông Âu lần lượt đổ vỡ, sau đó thì người ta thấy rõ là Liên Xô sẽ không đưa quân đến để giúp đỡ họ khôi phục chính quyền. Vào giữa năm 1991, những người kiên định đã thử làm một cuộc đảo chính, nhưng đã bị Boris Yeltsin, Tổng thống Nga, làm cho thất bại. Vào cuối năm đó, Yeltsin, lúc đó đã rất có thế lực, đã buộc Liên bang Xô-viết phải giải tán.
Chính quyền Bush là người trung gian cho việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, hợp tác chặt chẽ với Gorbachev và Yeltsin. Đồng thời nước Mỹ cũng chủ trì các cuộc thương thuyết để thống nhất Đông Đức và Tây Đức (tháng 9/1990), đạt được thỏa thuận về cắt giảm vũ khí ở châu Âu (tháng 11/1990), và cắt giảm hàng loạt các kho vũ khí nguyên tử (tháng 7/1991). Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, Hoa Kỳ và Liên bang Nga mới thành lập đã thỏa thuận sẽ hủy bỏ tất cả các loại tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân trong thời gian 10 năm.
Việc hủy bỏ các vũ khí hạt nhân và sự lo ngại hiện hữu hơn bao giờ hết về sự phổ biến vũ khí hạt nhân giờ đây đã thực sự xóa bỏ nguy cơ về xung đột nguyên tử giữa Washington và Matx-cơ -va.
CHIẾN TRANH VÙNG VỊNH
Sự hoan hỷ do Chiến tranh Lạnh kết thúc đã bị lu mờ đáng kể bởi sự kiện Irắc xâm lược đất nước Cô-oét nhỏ bé ngày 2/8/1990. Irắc, dưới thời Saddam Hussein và Iran dưới chế độ Hồi giáo cực đoan mới nổi lên thành hai cường quốc quân sự và dầu mỏ tại khu vực Vùng Vịnh Ba Tư. Hai quốc gia này đã có mắc mớ với Hoa Kỳ trong những năm 1980. So với Iran thì Irắc ít đối địch với Mỹ hơn và đã nhận được một số trợ giúp từ chính quyền Reagan và Chính quyền Bush. Việc Irắc chiếm đóng Cô-oét và hiểm họa mà Irắc đặt ra đối với ảrập Xêút chỉ trong chốc lát đã làm thay đổi mọi tính toán ngoại giao của Hoa Kỳ.
Tổng thống Bush đã lên án mạnh mẽ hành động của Irắc và yêu cầu Irắc lập tức rút quân vô điều kiện. Đồng thời, ông cũng gửi ngay một lực lượng quân đội đông đảo đến Trung Đông. Tổng thống cũng đã tập hợp một trong những khối đồng minh quân sự và chính trị đặc biệt nhất trong lịch sử hiện đại bao gồm các lực lượng quân sự từ châu Á, châu Âu, châu Phi và từ chính các nước Trung Đông.
Trong nhiều ngày và nhiều tuần sau khi xảy ra cuộc xâm lược, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua 12 nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Irắc và áp đặt những biện pháp trừng phạt quy mô lớn về kinh tế đối với quốc gia này. Vào ngày 29/11, Hội đồng Bảo an đã phê chuẩn việc quân đội các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sử dụng lực lượng vũ trang nếu Irắc không rút quân khỏi Cô-oét trước ngày 15/1/1991. Liên bang Xô-viết của Gorbachev – một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho Irắc – đã không làm gì để bảo vệ vị khách hàng cũ của mình.
Bush cũng phải đối đầu với các vấn đề lớn liên quan đến hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho cơ quan lập pháp quyền được tuyên chiến. Tuy nhiên, vào nửa sau thế kỷ XX, Hoa Kỳ đã dính líu vào Việt Nam và Triều Tiên mà không tuyên bố chính thức chiến tranh và chỉ được sự đồng ý rất mơ hồ từ cơ quan lập pháp là Quốc hội. Vào ngày 12/1/1991, ba ngày trước khi đến hạn rút quân cuối cùng mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra, Quốc hội đã cho phép Tổng thống Bush có được thẩm quyền mà ông đã vận động – thẩm quyền tiến hành chiến tranh rõ ràng và mạnh mẽ nhất được trao cho một vị tổng thống trong suốt gần nửa thế kỷ.
Liên quân Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Italia, ảrập Xêút, Cô-oét và các quốc gia khác đã thành công trong việc giải phóng Cô-oét bằng một chiến dịch không kích phá hủy do Hoa Kỳ chỉ huy kéo dài hơn một tháng. Tiếp theo chiến dịch này là một cuộc tấn công ồ ạt vào Cô-oét và Irắc bằng các lực lượng thiết giáp và bộ binh đổ bộ bằng đường không. Với tốc độ, tính cơ động và hỏa lực vượt trội của mình, liên quân đã áp đảo lực lượng quân đội Irắc trong một chiến dịch tấn công trên bộ kéo dài chỉ trong vòng 100 giờ.
Tuy nhiên, chiến thắng vẫn chưa trọn vẹn và liên quân vẫn chưa thấy hài lòng. Nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ kêu gọi lực lượng liên quân đánh đuổi Irắc ra khỏi lãnh thổ Cô-oét. Song Saddam Hussein vẫn cầm quyền và đàn áp tàn bạo người Kurd ở miền Bắc và người Shiite ở miền Nam, cả hai dân tộc này đều được Hoa Kỳ trợ giúp trong cuộc khởi nghĩa của họ. Hàng trăm giếng dầu bị quân Irắc chủ tâm đốt cháy đã cháy cho đến tận tháng 11 mới được dập tắt hết. Chính quyền Saddam cũng toan tính cản trở các thanh tra của Liên Hợp Quốc đến Irắc theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an để xác định vị trí và phá hủy các loại vũ khí giết người hàng loạt của Irắc, bao gồm cả các thiết bị hạt nhân hiện đại hơn người ta nghĩ trước đó và những kho vũ khí hóa học khổng lồ.
Chiến tranh Vùng Vịnh đã khiến Hoa Kỳ có thể thuyết phục được các quốc gia ảrập, Israel và đoàn đại biểu Palestin bắt đầu các cuộc thương lượng trực tiếp nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp và có quan hệ đan xen lẫn nhau để cuối cùng có thể tiến tới một nền hòa bình lâu dài trong khu vực. Các cuộc hội đàm đã bắt đầu ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 30/10/1991. Các cuộc đàm phán bí mật ở Na Uy đã dẫn tới một Thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestin được ký tại Nhà Trắng ngày 13/9/1993.
PANAMA VÀ HIỆP ĐỊNH MẬU DỊCH TỰ DO BẮC MỸ (NAFTA)
Tổng thống cũng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hai đảng tại Quốc hội cho việc tạm chiếm đóng Panama ngày 20/12/1989, nhằm phế truất nhà độc tài – Tướng Manuel Antonio Noriega. Trong những năm 1980, tệ nghiện hút côcain đã làm lan truyền các bệnh dịch, do vậy Tổng thống Bush đã tuyên bố triển khai cuộc chiến chống ma tuý và coi đây là trung tâm của chương trình quốc nội của mình. Hơn nữa, Noriega, một nhà độc tài đặc biệt khét tiếng, đã công khai tuyên bố thái độ chống Mỹ của mình. Sau khi tị nạn ở Sứ quán Vatican, Noriega đã tự nộp mình cho chính quyền Hoa Kỳ và sau đó ông đã bị tòa án Liên bang Mỹ xét xử và kết án ở Miami, bang Florida với tội danh buôn lậu ma túy và tiền giả.
Trong lĩnh vực kinh tế, Chính quyền Bush đã đàm phán Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada. Hiệp định này sẽ được phê chuẩn sau một cuộc tranh luận dữ dội trong năm đầu tiên của Chính quyền Clinton.
CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐỘC LẬP VÀ ĐẢNG THỨ BA
Hoa Kỳ là một quốc gia có hệ thống hai đảng phái. Trên thực tế, quả là như vậy: hoặc là người của Đảng Dân chủ hoặc là người của Đảng Cộng hòa cai quản Nhà Trắng suốt từ năm 1852 đến nay. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, ở nước Mỹ đã nảy sinh đảng thứ ba và các đảng nhỏ. Chẳng hạn, 58 đảng đã có số phiếu bầu ít nhất là bằng tổng số phiếu bầu cử của một bang trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992. Trong số các đảng này có những đảng ít tiếng tăm như Đảng Apathy, Đảng Looking back, Đảng New Mexico, Đảng các công dân độc lập Tish và Đảng những người đóng thuế Vermont.
Các đảng thứ ba được tổ chức xung quanh một lĩnh vực đơn lẻ hay một hệ thống các lĩnh vực. Các đảng này có khuynh hướng hoạt động tiến bộ khi họ có được một vị lãnh đạo có tài. Vì việc tranh cử tổng thống là nằm ngoài tầm với nên phần lớn các đảng này đều cố gắng xây dựng một diễn đàn để tuyên truyền về mối quan tâm chính trị và xã hội của mình.
Theodore Roosevelt – cựu Tổng thống Mỹ, ứng cử viên thành công nhất của đảng thứ ba trong thế kỷ XX là người của Đảng Cộng hòa. Đảng Tiến bộ hay ĐảngHươu đực của ông đã giành được 27,4% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 1912. Cánh tiến bộ của Đảng Cộng hòa, do mất tin tưởng với Tổng thống William Howard Taft, người mà Roosevelt đã cất công chọn lựa cẩn thận làm người kế nhiệm, đã thuyết phục Roosevelt cố gắng có được sự đề cử của đảng vào năm 1912. Ông đã làm được điều đó khi đánh bại Taft ở một loạt các vấn đề chủ chốt nhất. Tuy nhiên Taft là người quản lý bộ máy của đảng nên ông đã giành được quyền đề cử.
Những người ủng hộ Roosevelt khi đó liền từ bỏ Đảng Cộng hòa và thành lập Đảng Tiến bộ. Bằng việc tuyên bố mình khoẻ như Nai sừng (từ đó sinh ra tên dân gian của đảng này), Roosevelt đã vận động tranh cử theo một cương lĩnh nhằm điều chỉnh các doanh nghiệp lớn, ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ, đánh thuế thu nhập luỹ tiến, kênh đào Panama và bảo vệ môi trường. Nỗ lực của ông đã đủ để đánh bại Taft. Tuy vậy, bằng việc chia sẻ phiếu bầu cho Đảng Cộng hòa, chính ông lại giúp cho ứng cử viên Woodrow Wilson của Đảng Dân chủ thắng cử.
Phái xã hội
Đảng Xã hội đã đạt đỉnh cao vào năm 1912 sau khi đã đạt 6% số phiếu bầu phổ thông. ứng cử viên cao tuổi Eugene Debs giành được hơn 900.000 phiếu bầu vào năm đó, sau khi ông tuyên truyền ủng hộ quyền sở hữu tập thể trong các ngành giao thông và thông tin liên lạc, rút ngắn giờ làm và thực thi những dự án về việc làm. Bị bỏ tù do xúi giục nổi loạn vào thời Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Debs đã vận động tranh cử ngay trong xà lim vào năm 1920.
Robert LaFollette
Một đảng viên khác của Đảng Tiến bộ – Thượng nghị sỹ Robert LaFollette đã giành được 16,6% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 1924. Vốn là một người bảo vệ tích cực cho công nhân công nghiệp và nông dân, cũng là một người hăng hái chống lại tầng lớp chủ doanh nghiệp lớn, LaFollette là người đầu tiên đề xướng cho việc phục hồi phong trào của Đảng Tiến bộ sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Được nông dân và công nhân bỏ phiếu ủng hộ, cũng như được phe xã hội và những người còn lại của Đảng Hươu đực của Roosevelt tiếp sức, La Follette đã vận động tranh cử theo cương lĩnh có mục tiêu là quốc hữu hóa các công ty xe lửa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Ông cũng ủng hộ mạnh mẽ việc tăng thuế đánh vào tầng lớp giàu có và ủng hộ quyền được đàm phán tập thể với giới chủ. Ông chỉ giành được số phiếu thuyết phục ở bang Wisconsin nơi quê hương ông mà thôi.
Henry Wallace
Đảng Tiến bộ lại tái lập vào năm 1948 bằng việc đề cử Henry Wallace, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phó Tổng thống dưới thời Franklin Roosevelt. Cương lĩnh năm 1948 của Wallace nhằm chống Chiến tranh Lạnh, Kế hoạch Marshall và giới chủ kinh doanh lớn. Ông cũng mở chiến dịch đấu tranh nhằm chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc chống lại người da đen và phụ nữ, ông ủng hộ một mức lương tối thiểu và kêu gọi bãi bỏ ủy ban của Hạ viện chịu trách nhiệm về các hoạt động của những người không phải là người Mỹ. Thất bại của ông trong việc từ chối công nhận Đảng Cộng sản Mỹ là đảng ủng hộ ông, đã làm xói mòn uy tín của ông. Ông đã đạt được hơn 2,4% số phiếu bầu phổ thông.
Đảng Dân chủ phân lập miền Nam
Giống như Đảng Tiến bộ, Đảng Các quyền bang hay Đảng Dân chủ phân lập miền Nam do Thống đốc bang Nam Carolina, Strom Thurmond lãnh đạo, mới nổi lên từ năm 1948. Sự đối lập của họ không phải bắt nguồn từ các chính sách về Chiến tranh Lạnh của Truman, mà do lập trường của ông về các quyền công dân. Tuy đảng này được xác định bằng các quyền của bang, song mục tiêu chính yếu của đảng là tiếp tục phân biệt chủng tộc và thi hành Luật Jim Crow là một đạo luật duy trì sự phân biệt này.
George Wallace
Những biến động có căn nguyên chủng tộc và xã hội vào những năm 1960 đã khiến cho George Wallace, một thống đốc bang miền Nam khác thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc, được cả nước Mỹ chú ý. Wallace đã thu hút được một lớp người ủng hộ mình thông qua những cuộc tấn công mang tính chất phân biệt màu da chống lại các quyền công dân, chống những người tự do và Chính phủ Liên bang. Bằng việc thành lập Đảng Độc lập Mỹ năm 1968, ông đã tiến hành cuộc vận động tranh cử của mình từ Montgomery, bang Alabama và giành được 13,5% tổng số phiếu bầu trên toàn nước Mỹ.
H. Ross Perot
Bất cứ đảng thứ ba nào cũng đều cố gắng tìm kiếm lợi ích cho mình từ sự không bằng lòng của dân chúng đối với hai đảng quan trọng nhất và với Chính phủ Liên bang. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ, ít có lần nào mà tình cảm bất mãn ấy lại mạnh mẽ như trong cuộc bầu cử năm 1992. Một doanh nhân giàu có ở bang Texas, Perot đã truyền đi một thông điệp kinh tế về trách nhiệm thuế khóa và tài chính tới đông đảo người dân Mỹ. Do đả kích kịch liệt giới lãnh đạo đất nước và biết đơn giản hóa thông điệp về kinh tế của mình thành một công thức dễ hiểu nên Perot không gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Tổ chức vận động tranh cử của ông mang tên Đoàn kết thì đứng vững, chủ yếu bao gồm các tình nguyện viên và được cấp vốn từ tài sản riêng của ông. Nhiều người đã khâm phục sản nghiệp giàu có của ông và ngưỡng mộ sự thành công trong kinh doanh của Perot cũng như sự tự do hành động và các khoản tiền đặc biệt hào phóng dành cho quỹ vận động tranh cử. Perot đã rút khỏi cuộc chạy đua tranh cử vào tháng 7. Bằng việc tái tham gia cuộc chạy đua một tháng trước ngày bầu cử, ông đã giành được 19 triệu phiếu bầu, một con số lớn nhất mà một ứng cử viên đảng thứ ba đã giành được từ trước đến nay và chỉ đứng thứ hai sau tỷ lệ phiếu bầu của Roosevelt năm 1912 nếu xét về phần trăm trên tổng số phiếu.