Bạn có thể hiểu về pháp luật
Luật pháp có sức hút mãnh liệt đối với người Mỹ. Tại sao như vậy? Luật có tầm quan trọng, thử thách trí tuệ, và đôi khi thái quá. Hãy xem xét một số vụ kiện từng được đưa tin trên trang nhất:
• Stella Liebeck, bảy mươi chín tuổi, mua một tách cà phê với giá bốn mươi chín cent [xu Mỹ] ở một nhà hàng ăn nhanh McDonald’s tại Albuquerque, bang New Mexico. Khi kẹp tách cà phê giữa hai đùi, mở nắp nhựa đậy bên trên để cho thêm kem và đường vào, bà làm đổ tách cà phê và bị bỏng. Liebeck phải nằm viện bảy ngày để điều trị vết bỏng, bao gồm việc cấy ghép da và vì vậy bà khởi kiện hãng McDonald’s, cho rằng vì cà phê quá nóng. Tòa án ra phán quyết hãng McDonald’s phải bồi thường 160.000 đô-la cho thương tích của bà và phạt hãng 2,7 triệu đô-la, tương đương hai ngày doanh thu của hãng (Tòa án sơ thẩm sau đó giảm mức bồi thường xuống 480.000 đô-la). Đây có phải là một ví dụ về sự thái quá của cơ chế bồi thường thiệt hại do lỗi bất cẩn được áp dụng một cách điên rồ, hay là một phán quyết công bằng cho nạn nhân bị tổn hại bởi người sai phạm? Hãy đọc Chương 5.
• Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, chính quyền Tổng thống George W. Bush quy định rằng tổng thống có thẩm quyền như tổng tư lệnh tối cao trong việc định danh các công dân nước ngoài và công dân Mỹ là “những chiến binh thù địch” và giam giữ họ vô thời hạn trong căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo, Cuba, và ở bất cứ chỗ nào khác mà không cần đến phán quyết của tòa án. Tòa án Tối cao đã cho phép các tòa án có quyền xem xét việc giam giữ này và công dân không thể bị giam giữ vô thời hạn nếu không được xét xử theo đúng trình tự tố tụng luật định. Tại sao Tòa án Tối cao đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, và bằng cách nào mà thẩm phán biết được hàm nghĩa của Hiến pháp đối với các vụ việc giống như vụ việc này? Hãy đọc Chương 2.
• Marc Bragg mua bán đất và các tài sản ảo khác trong Second Life, một trò chơi nhập vai trực tuyến đang rất thịnh hành. Khi anh khai thác một khoảng trống trong mật mã của trò chơi để mua một miếng đất với mức giá thương lượng, Linden Research, nhà sản xuất Second Life, đã phong tỏa tài khoản, cướp mất của anh một khu bất động sản ảo có trị giá từ 4.0006.000 đô-la tiền thật. Bragg kiện Linden; Linden đã biện hộ, cho rằng bất động sản đó thuộc quyền sở hữu trong Second Life và phải tuân thủ các điều khoản về dịch vụ của trò chơi là trao cho Linden quyền kiểm soát hoàn toàn bất động sản đó. Có phải pháp luật đã vay mượn các ý tưởng về sở hữu bất động sản từ thời Trung cổ và áp dụng các ý tưởng đó vào mạng Internet ở thế kỷ XXI? Nếu thế giới ảo là một cộng đồng với những chuẩn mực và quy tắc riêng, liệu nó cũng có hệ thống pháp luật riêng, hay có hệ thống pháp luật nào hiện tại ít nhất công nhận những chuẩn mực và quy tắc ràng buộc trong các tòa án ở thế giới ảo? Hãy đọc Chương 7.
• Paul Hill, mục sư và là một người chống nạo phá thai cực đoan, đã bắn chết tiến sỹ John Bayard Britton, một bác sỹ từng thực hiện những ca nạo phá thai cùng với vệ sỹ của ông này. Giây phút sau khi bị bắt, Hill đã nói với cảnh sát, “Tôi biết rằng hôm nay nhiều sinh linh vô tội sẽ không bị giết chết ở phòng khám đó nữa”. Vì nạo phá thai là hợp pháp nên vị thẩm phán tại phiên xét xử Hill đã từ chối chấp nhận lập luận của ông ta, rằng việc giết người này được biện hộ bằng mục đích nhằm ngăn chặn việc giết chết những đứa trẻ chưa ra đời. Hill bị kết án tù chung thân. Đó có phải là cách biện hộ cho tội giết người mà tên sát nhân đã hành động để ngăn chặn một tội lỗi lớn hơn? Hãy đọc Chương 8.
Nhưng luật không chỉ là về những vụ kiện như việc tổng thống định danh những chiến binh thù địch, hay hài hước như vụ của Lorena Bobbitt. Luật thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta bằng nhiều cách. Những nhà phê bình cho rằng những năm gần đây chúng ta trở nên khó chịu vì sự “ngộ chữ” quá nhiều đạo luật và quá nhiều luật sư – nhưng luật đã thâm nhập khắp xã hội Mỹ ngay từ đầu. Thậm chí trước khi những người Hành hương đổ bộ đến Massachusetts, họ đã soạn thảo Hiệp ước Mayflower, một văn kiện pháp lý chi phối việc định cư của họ ở thế giới mới. Vào thời thuộc địa, các quy định pháp luật về kinh tế, ứng xử nơi công cộng và đạo đức xã hội ít nhất vẫn được áp dụng rộng rãi giống như ngày nay. Những tật xấu của con người như thông dâm, nghiện rượu và ăn không ngồi rồi bị phạt thường xuyên – đúng pháp luật, và luật quy định chặt chẽ các công việc liên quan đến kinh tế, quy định kích cỡ của ổ bánh mỳ, thời gian và địa điểm bán hàng hóa. Một vụ kiện tụng thông thường tạo cơ hội để tập hợp dân chúng, các luật sư trình bày lập luận còn dân chúng thì đưa ra nhiều lời bình luận. Ngày nay, pháp luật ảnh hưởng đến mỗi cá nhân chúng ta khi chúng ta thuê căn hộ hoặc nhà riêng, cưới hỏi, lái xe, vay mượn tiền, mua bán hàng hóa, quan hệ với các tổ chức, đến trường học hoặc làm việc, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe; và ảnh hưởng đến toàn thể chúng ta nói chung khi chính phủ đánh thuế, quy định về sóng vô tuyến và không gian ảo, khống chế tội phạm và kiểm soát ô nhiễm.
Đối với tất cả những người quan tâm đến luật, để phần lớn mọi người hiểu sâu sắc về nội dung của luật quả là khó. Luật có phạm vi rộng và phức tạp đến nỗi không ai, kể cả những luật sư uyên bác nhất, có thể hiểu được tất cả. Hơn nữa, các luật sư và học giả về luật cũng luôn nỗ lực làm cho pháp luật có thể tiếp cận với dân thường. Nhưng có một sự đối lập: những nhà chuyên môn pháp lý, giống như các thầy truyền giáo của một tôn giáo nào đó ít phổ biến, lại cố gắng giữ kín để luật có vẻ luôn bí ẩn và không thể tiếp cận được.
Nhưng bất kỳ ai cũng có thể hiểu một đôi điều về luật. Đó là mục đích của cuốn sách Law 101. Cuốn sách giải thích những cơ sở pháp lý – các quy tắc, nguyên tắc, lập luận mà luật sư và thẩm phán sử dụng. Không phải toàn bộ các đạo luật đều được đề cập ở đây; có quá nhiều đạo luật để mọi người có thể biết chứ không phải chỉ một vài đạo luật xuất hiện đây đó. Đó là lý do vì sao các luật sư đều phải chuyên môn hóa để có thể hiểu biết sâu sắc các đạo luật, chẳng hạn về sự bất cẩn trong việc hành nghề y ở New Jersey hoặc luật thuế liên bang liên quan đến các công ty… Nhưng tất cả các luật sư đều có hiểu biết ít nhiều về một số vấn đề căn bản khi chúng được đề cập trong những môn học và các khái niệm cơ bản, vì họ đã học qua trường luật.
Trường luật dường như cũng hấp dẫn công chúng giống như chính luật pháp vậy. Những cuốn sách và bộ phim, từ The Paper Chase cho đến Legally Blonde, đã cung cấp thêm một nguồn tư liệu nghiên cứu truyền thống ở năm thứ nhất của trường luật như là một sự trải nghiệm nhằm kích thích trí tuệ, nhưng đồng thời cũng đầy khó khăn, thậm chí vô nhân đạo. Vì năm thứ nhất ở trường luật, các sinh viên ngành luật trên thế giới được đào tạo cơ bản gần giống nhau, nên cuốn sách này tập trung vào những kiến thức cốt lõi mà các sinh viên luật cần biết, đồng thời cũng hữu ích và thú vị đối với những sinh viên không học trường luật.
Chương trình giảng dạy năm thứ nhất tại phần lớn các trường luật ở Mỹ dường như giống nhau. Chương trình đó bao gồm một số chủ đề cơ bản, sẽ được khám phá trong cuốn sách này. Luật hiến pháp liên quan đến cơ cấu bộ máy của chính phủ (Chương 2) và những tự do cá nhân được chính phủ bảo vệ (Chương 3). Thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến quá trình giải quyết những tranh chấp (Chương 4). Luật bồi thường thiệt hại do lỗi bất cẩn gây ra những thương tích cá nhân (Chương 5). Luật hợp đồng là luật về các thỏa thuận tư nhân (Chương 6). Luật sở hữu chi phối mối quan hệ giữa mọi người về quyền sở hữu các tài sản (Chương 7). Luật hình sự xác định hành vi tội phạm, qua đó nhà nước có thể tước đi cuộc sống hoặc quyền tự do của một người (Chương 8). Thủ tục tố tụng hình sự mô tả quá trình xử lý tội phạm và quyền của các bị cáo (Chương 9).
Hầu hết các trường luật đều có các khóa học về luật hiến pháp, luật hợp đồng và các luật khác. Các khóa học này được dạy ở các trường khác nhau nhưng giống nhau đáng kể về tài liệu được sử dụng và các chủ đề được đề cập. Tất cả trường luật ở các bang New Jersey, Iowa và California đều dạy những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia, thường cùng sử dụng những quan điểm tư pháp và các đạo luật nhất định. Nếu bạn học trường luật, sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy trong phần lớn năm thứ nhất đại học, bạn đã được làm quen với các khái niệm trong sách. Tuy nhiên, mỗi khóa học được các giáo sư khác nhau giảng dạy và mỗi giáo sư có cách nhìn nhận khác nhau. Một vài khác biệt về quan điểm là không đáng kể, nhưng đôi khi sự khác biệt này rất lớn. Một giáo sư có thể là một nhà chính trị theo đường lối tự do, nhưng giáo sư khác lại là nhà chính trị theo chủ nghĩa bảo thủ. Người này thích dùng phân tích kinh tế như là một chìa khóa để tìm hiểu luật, trong khi người khác lại áp dụng cách tiếp cận luật tự nhiên. Mỗi khác biệt về cách nhìn nhận như vậy, và nhiều sự khác biệt khác xảy ra, dẫn đến sự hiểu biết rất khác nhau về định nghĩa luật là gì. Vì vậy, về nguyên tắc, trong khi tất cả các sinh viên luật và luật sư đều có kiến thức căn bản về cùng một đạo luật, thì họ lại hiểu theo những cách khác nhau.
Cuốn sách này cũng có một cách nhìn nhận riêng, điều đó là tất yếu. Những cách nhìn nhận trong cuốn sách này được những học giả có hiểu biết nhất về luật đưa ra. Một số nhận định được công nhận rộng rãi, nhưng một số khác vẫn còn gây tranh cãi. Cách nhìn nhận trong sách có thể được tập hợp trong một số nhận định về luật được trình bày dưới đây.
Luật không phải nằm trong những cuốn sách luật. Sách là một trong những thứ đầu tiên được nhớ tới khi chúng ta nghĩ về luật: hầu hết những cuốn sách ấy dày cộp và quá nặng khiến chúng ta không thể cầm lên dễ dàng, những bộ sách viết về các án lệ được bọc da đã phủ đầy bụi; các thư viện pháp luật thì xếp đầy dãy này đến dãy khác các văn bản pháp luật và các quan điểm của tòa án. Trong khi các cuốn sách cho chúng ta biết nhiều về luật, thì bản thân chúng không phải là luật. Thay vào đó, luật nằm ở quy tắc ứng xử, chứ không phải trên những trang giấy in; luật tồn tại thông qua sự tương tác của các thẩm phán, luật sư và dân thường.
Chẳng hạn, hãy xem xét một trong những luật mà chúng ta thường gặp nhất: luật về giới hạn tốc độ. Giới hạn tốc độ trên đường cao tốc giữa các tiểu bang được quy định theo luật là bao nhiêu? Một người chỉ đọc những cuốn sách luật có thể nghĩ đến câu trả lời là 65 dặm/giờ, nhưng thực tế không hẳn vậy. Nếu bạn lái xe với tốc độ 65 dặm/giờ ở New Jersey Turnpike, xe tải gần như sẽ húc vào bạn, nháy đèn để bạn đi sang làn đường dành cho tốc độ chậm hơn. Giới hạn tốc độ theo quy tắc ứng xử của lái xe cao hơn nhiều so với 65 dặm/giờ. Và các nhân viên thực thi pháp luật cũng làm theo cách tương tự như vậy. Cảnh sát, cho phép các lái xe mức gia giảm tốc độ 3 5 dặm/giờ, không bao giờ đưa giấy phạt với trường hợp chạy quá tốc độ ở mức 66 dặm/giờ, vì nếu họ làm như vậy, thẩm phán sẽ cười họ quá cứng nhắc. Trên thực tế, tòa án không muốn lãng phí thời gian để giải quyết vụ việc một người vi phạm tốc độ quá 1 hoặc 2 dặm/giờ, và thêm nữa, hệ thống ra đa của cảnh sát thường cũng không có khả năng xác định thực sự chính xác sự thay đổi tốc độ ở mức nhỏ như vậy. Vậy luật quy định lái xe có thể lái với tốc độ là bao nhiêu? Ở đây, thực tế có vài điều khác biệt so với những quy định trong các cuốn sách luật.
Để hiểu luật, bạn phải xem xét các sự kiện khi chúng xảy ra trên thế giới. Chúng ta có thể khái quát hóa những sự kiện này để lập ra những lý thuyết và khái niệm kiểm chứng sự hiểu biết của chúng ta về luật, nhưng tiêu chuẩn luôn là thực tiễn chứ không phải là khái niệm. Có một phương pháp để thực hiện công việc này trong các trường luật là tập trung vào những tình huống thực tế riêng lẻ làm phát sinh kiện tụng và những kết luận của tòa án khi giải quyết tình huống, được gọi là những vụ việc. Mỗi vụ việc đều bắt đầu với một sự kiện thực tế, chẳng hạn như việc mua một chiếc máy vi tính Gateway của Hill, hoặc việc giam giữ các chiến binh thù địch của Tổng thống Bush, và trở thành một phương tiện tư duy đối với nhiều sự kiện có liên quan qua đó cho phép chúng ta lật đi lật lại giữa tình huống thực tế cụ thể và nguyên tắc luật chung. Cuốn sách này được viết theo kiểu đó và sử dụng nhiều vụ việc thú vị để tìm hiểu các nguyên tắc luật.
Luật không phải là một điều bí mật. Đừng duy trì khái niệm sai lầm rằng luật nằm trong những trang sách và ý kiến sai lầm tương tự rằng luật là một điều bí mật, hoặc ít nhất là khó tiếp cận với dân thường. Để hiểu và áp dụng luật ở mức độ cao hơn, chặt chẽ theo đúng nghĩa của luật đòi hỏi luật sư phải có kiến thức chuyên môn, nhưng để hiểu nội dung cơ bản của luật thì không cần đến mức ấy. Luật phản ánh cuộc sống. Các nguyên tắc và vấn đề đề cập trong luật không khác biệt so với những điều chúng ta trải nghiệm về khía cạnh khác của cuộc sống. Ví dụ, luật hợp đồng đề cập đến cách thức con người đưa ra, diễn giải, thực hiện và không thực hiện các cam kết dưới hình thức thương mại hoặc phi thương mại. Một số người không phải luật sư có thể đưa ra lập luận khách quan về hình thức hợp đồng hoặc Quy chế Phòng chống Gian lận (bạn có thể lập luận sau khi đọc Chương 6), nhưng họ phải suy ngẫm rất nhiều về các hợp đồng và cam kết. Nếu bạn đan chéo các ngón tay khi bạn đưa ra một lời hứa, điều này có nghĩa là lời hứa đó không đáng quan tâm? Bạn hứa đưa con đi xem phim, nhưng bạn chắc chắn sẽ không thực hiện được nếu có một cuộc họp hoặc công việc quan trọng diễn ra cùng thời gian đó? Thế nếu bạn cảm thấy không chỉ như vậy thì sao? Nếu chiếc ti vi bạn mới mua bị hỏng, liệu bạn có thể trả lại cửa hàng? Và còn nhiều vấn đề nữa.
Trên đây chỉ là ví dụ về những vấn đề mà tất cả chúng ta gặp hàng ngày. Luật tạo nên một diễn đàn khác để thảo luận những vấn đề này và khai thác các nguyên tắc cũng như những ý kiến cơ bản hoàn toàn có thể tiếp cận được với những người không phải là luật sư.
Không có câu trả lời nào là đơn giản. Luật phản ánh cuộc sống trong khi cuộc sống lại phức tạp. Vì vậy, những vấn đề về luật không thể giải quyết được một cách đơn giản.
Cuộc sống phức tạp theo hai cách. Trước tiên, mọi thứ thường rối tung lên, vì vậy thật khó xác định vấn đề pháp lý và tìm ra một cách giải quyết phù hợp. Hãy lại suy nghĩ về vấn đề giới hạn tốc độ. Trong trường hợp này, nếu chúng ta định ra một quy tắc rõ ràng, “lái xe nhanh hơn giới hạn tốc độ là vi phạm” thì chắc chắn chúng ta sẽ không có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như “bố mẹ vội vã đưa đứa con đang trong tình trạng nguy kịch đến bệnh viện có thể vượt quá giới hạn tốc độ”. Nếu chúng ta định ra một quy tắc không rõ ràng “lái xe với tốc độ hợp lý trong các tình huống” chúng ta sẽ tạo ra tranh cãi trong mọi trường hợp về cách áp dụng quy tắc.
Thứ hai, cuộc sống phức tạp bởi vì chúng ta thường xung đột trong suy nghĩ về một vấn đề. Chúng ta muốn có các quy tắc rõ ràng để bảo đảm tính thống nhất, công bằng và có thể tiên đoán được. Nhưng chúng ta cũng muốn có chỗ cho tính hợp tình hợp lý đối với các vụ kiện riêng rẽ mà việc áp dụng một quy tắc sẽ dẫn đến một kết quả không công bằng, nhằm giảm nhẹ mức độ nghiêm khắc của quy tắc đối với một bên cụ thể.
Các chính trị gia muốn chúng ta nghĩ rằng luôn có những câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi pháp lý phức tạp. Vài năm qua, chúng ta đã quen với các vấn đề chính trị nghe có vẻ nhức nhối, và tư tưởng đơn giản hóa đã khẳng định rằng toàn bộ các vấn đề của chúng ta có thể được giải quyết bằng cách giảm việc kiện tụng phù phiếm, nghiêm khắc với tội phạm, làm cho mọi người có trách nhiệm với hành động của mình, hoặc gắn liền với một vài khẩu hiệu khác. Từ cách nhìn nhận được sử dụng trong cuốn sách này thì nó không chỉ đơn thuần như vậy.
Luật là một chủ đề tranh luận có tính mâu thuẫn chính trị. Những vấn đề phức tạp giải quyết theo luật và những cách giải quyết đầy mâu thuẫn của chúng ta đối với các vấn đề đó là những nội dung gây tranh cãi chính trị. Đây không phải là vấn đề chính trị theo nghĩa bầu cử giữa Đảng Cộng hòa Đảng Dân chủ, mà là một cuộc đấu tranh về các tài nguyên xã hội và giá trị xã hội tương tự như vậy. Sự bất lợi trong các phán quyết pháp lý là các kiểu câu hỏi cơ bản nhất mà bất kỳ xã hội nào cũng phải đưa ra: Ai được cái gì? Ai sống và ai chết? Điều nào đúng và điều nào sai? Ai cũng có thể nhận thấy điều này trong các vấn đề hiến pháp như tranh cãi về nạo phá thai, nhưng lại được áp dụng với tất cả các vấn đề pháp lý khác. Liệu các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh có phải chịu trách nhiệm đối với những chứng bệnh liên quan đến béo phì vì họ đã quảng cáo và bán những khẩu phần thức ăn chứa quá nhiều chất béo? Chúng ta phải hiểu tất cả các phán quyết ở đây giống như là vấn đề chính trị theo nghĩa rộng.
Con người tạo ra luật. Thông thường, luật dường như là một trật tự tự nhiên của mọi thứ. Luật và các phán quyết pháp lý có thể được hiểu là rất rõ ràng, dựa trên các nguyên tắc pháp lý không thay đổi, gần như không phải sản phẩm hành động của con người. Các luật sư và thẩm phán nói cứ như thể chính luật đang hành động chứ không phải có sự can thiệp của họ: “Luật quy định rằng…” hoặc: “Các án lệ xác định kết quả…”, quả là vô lý. Luật được con người tạo ra và “luật” hoặc “các án lệ” không bao giờ kiểm soát bất kỳ việc gì; chúng ta kiểm soát chúng. Quả thực, toàn bộ quan điểm đó là để cho một nhóm người nhỏ những người có đặc quyền, có quyền lực chính trị, và các nhà chuyên môn pháp lý kiểm soát hệ thống pháp luật trong khi họ lại từ chối trách nhiệm làm việc này. Liệu vấn đề nạo phá thai, trách nhiệm của nhà sản xuất, hoặc khả năng thực thi các hợp đồng bất thành văn, tất cả chúng ta chứ không chỉ các luật sư và thẩm phán phải quyết định những gì chúng ta nghĩ thì mới đem lại một kết quả đúng và hữu ích.
Cuốn sách này tiết lộ bí mật về luật để những người không phải là luật sư có thể hiểu các quy tắc luật và các nguyên tắc, mâu thuẫn đằng sau chúng. Cuốn sách này không nói cho bạn biết cách để tự trở thành luật sư riêng cho mình. Bạn sẽ không biết được cách để nộp đơn ly hôn, trình những khiếu nại nhỏ lên tòa án, hoặc soạn thảo di chúc của bạn. Có những cuốn sách khác truyền tải kiểu tư vấn đó; cuốn sách này đề cập đến những vấn đề quan trọng hơn, dù ít sát thực hơn. Cuốn sách này khai thác những vấn đề lớn và là nền tảng cơ bản của luật, chứ không phải là cơ cấu trình tự các giao dịch cụ thể. Sau này, nếu bạn sử dụng sổ tay hướng dẫn hoặc nhờ luật sư giải quyết một vấn đề pháp lý, bạn sẽ có khả năng phán đoán tốt hơn về sự việc sẽ xảy ra đằng sau các quy tắc và cơ chế. Và có một sự khác biệt quan trọng giữa cuốn sách này và các cuốn sách luật khác mà thường chỉ là các luận thuyết chuyên môn cho luật sư hoặc sách hướng dẫn về soạn thảo di chúc: Cuốn sách này quả là thú vị để đọc. Lemony Snicket – tác giả sách cho thiếu nhi – viết: “Những cuốn sách về luật nổi tiếng là rất dài, rất chán, và rất khó đọc“. Nhưng đó không phải là Law 101. Giống như bản than luật pháp, cuốn sách này chứa nhiều vấn đề rắc rối, thử thách, nhiều mẩu chuyện thú vị, vô số câu hỏi đáng phải suy ngẫm và kích thích trí tuệ.
Mỗi chương được trình bày theo dạng thức hỏi đáp. Các câu hỏi đưa ra hướng dẫn nhằm mở rộng chương và có thể lựa chọn đọc các câu hỏi này bằng cách đi sâu vào các chủ đề liên quan cụ thể. Ở nhiều đoạn, câu hỏi nhiều hơn câu trả lời, và các vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ chưa giải quyết. Các sinh viên luật và hiện bạn đang là một trong số họ thường xuyên trải qua vấn đề này và cảm thấy rất chán nản. Nhưng đó chính là cách thức của luật. Luật không trả lời rõ ràng một số câu hỏi, và một số vấn đề không bao giờ được giải quyết triệt để. Tòa án không thể quyết định được mọi thứ; cứ tạm cho là cách giải quyết duy nhất đối với những vấn đề khó thuộc quyền và trách nhiệm của người có hiểu biết. Sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ ở vị thế tốt hơn để có thể tham gia vào những trình tự pháp lý.