Trách nhiệm hình sự và Luật hình sự
Luật hình sự thu hút sự quan tâm của chúng ta theo cách không giống với bất cứ ngành luật nào khác. Những tội ác tày trời, những câu chuyện mùi mẫn và những bức ảnh trần tục luôn chiếm vị trí trên trang nhất các báo cũng luôn được công luận quan tâm. Hình sự cũng là chủ đề chính trị nóng hổi có tác động tức thời tới các vấn đề cá nhân con người. Tuy nhiên, trong luật, các vấn đề được quy định phức tạp hơn nhiều so với vẻ ban đầu của chúng. Mục đích của chương này là đem đến cho bạn cách nhìn khác, rộng hơn, về trách nhiệm hình sự.
Luật hình sự là gì?
Luật hình sự có thể hiểu là luật trừng phạt những kẻ xấu. Để định nghĩa chính xác, chúng ta cần hiểu rõ sự khác biệt giữa luật hình sự và các ngành luật khác cũng điều chỉnh vấn đề tương tự, và cả sự khác biệt giữa bản thân nội dung và quy trình áp dụng của luật hình.
Giả sử có 3 thiếu niên (tạm gọi là Tom, Dick và Harry) rủ nhau đi gây rối tại một khu mua sắm, người thì trộm đồ ở một số gian hàng, người thì viết lung tung lên tường, người thì đâm bổ vào các khách hàng khác một cách thô lỗ để trêu trọc họ. Câu hỏi là: liệu chúng đã phạm tội chưa? Hãy thử nghĩ xem: tại sao hành vi của những thiếu niên này lại bị coi là phạm tội, và làm sao để chúng ta khắc họa được những hành vi đó?
Trộm đồ trong cửa hiệu rõ ràng là phạm tội. Theo luật tiểu bang, ăn cắp thường được quy định là hành vi lấy đi một thứ không phải của mình. Tom, Dick và Harry có thể bị truy tố vì tội này. Nói tới truy tố, chúng ta muốn nói tới một cán bộ có thẩm quyền của bang (thường là Chưởng lý hạt) khởi tố vụ việc ra tòa để tòa án xem xét và buộc tội những người này đã phạm tội hình sự và trừng trị họ về hành vi đó, cụ thể là họ sẽ bị phạt tiền hoặc tống giam.
Tuy nhiên, truy tố hình sự không phải là cách làm duy nhất trong trường hợp này. Trước tiên, chủ cửa hiệu (bị gây rối) có thể khởi kiện dân sự đối với các hành vi này vì nó cũng cấu thành nghĩa vụ bồi thường theo quy định của luật pháp về nghĩa vụ bồi thường ngoài hợp đồng chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong vụ kiện dân sự này, chủ cửa hiệu sẽ được nhận từ bị can tiền bồi thường thiệt hại – chứ không phải tiền phạt – để bù đắp cho những thiệt hại về tài sản mà mình phải chịu. Thứ hai, nếu Tom chưa tròn 14 tuổi, Chưởng lý hạt có thể tiến hành thủ tục truy tố trẻ vị thành niên để xử lý thiếu niên này. Truy tố trẻ vị thành niên không phải là tố tụng hình sự vì mục đích của nó không phải là để trừng phạt người phạm tội mà là để cải tạo hành vi của người đó; ngay cả khi người phạm tội được gửi tới trường giáo dưỡng thì biện pháp đó cũng không bị coi là chế tài hình sự. Thứ ba, nếu phát hiện ra Dick bị bệnh tâm thần và điều đó khiến cậu ta không thể kiểm soát được hành vi của mình khi tấn công các khách hàng tại khu mua sắm, thì người thân của cậu hoặc chính Chưởng lý hạt có thể đưa Dick vào một cơ sở điều trị tâm thần. Thông qua việc này, vấn đề không phải là Dick đã phạm tội hay chưa mà là liệu cậu ta có gây nguy hiểm cho chính bản thân hoặc cho người khác không. Trong trường hợp này, ngay cả khi Dick bị tước đi sự tự do trái với mong muốn, cậu ta cũng không bị coi là có tội. Tất cả những biện pháp trên đều không mang tính hình sự bởi chỉ có luật hình sự – và luôn luôn phải là Luật hình sự mới có thể xác định được tội danh là gì, trách nhiệm hình sự ra sao và chế tài hình sự hợp pháp nào sẽ được áp dụng theo một thủ tục tố tụng chính thức do Nhà nước tiến hành.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trên đường tới khu mua sắm, Harry bị lĩnh một phiếu phạt do chạy xe quá tốc độ? Liệu đó có phải là một tội danh không? Rõ ràng, lái xe quá tốc độ là một vi phạm, và vì nó, Harry có thể bị truy tố và phải nhận một hình phạt công khai (phiếu phạt tiền). Song, chúng ta thường phân biệt những hành vi phạm luật tương đối nhỏ, chẳng hạn chạy xe quá tốc độ, với những vi phạm nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như lái xe khi say rượu. Rõ ràng, lái xe khi say rượu bị coi là một tội.
Tiếp nữa, giả sử Harry bị truy tố vì tội hành hung người khác. Lý do là cậu ta đã đâm bổ vào Jill người quản lý cửa hàng và làm cô này ngã xuống sàn. Tại phiên xét xử, Jill đã ra làm chứng trước tòa và khai rằng: mặc dù cô không biết Harry là ai song cô không quá bận tâm về việc mình bị Harry đẩy ngã xuống sàn, cô không bị đau lắm và cho rằng thiếu niên mới lớn cũng có thể vui đùa tí chút. Liệu lời khai này của Jill có giúp Harry thoát tội? Không, cậu ta vẫn có thể bị kết tội. Hành động của Harry giống như tất cả các hành vi phạm tội khác. Cơ sở để kết luận đó là hành vi phạm tội không những chỉ dựa vào việc đó là hành vi sai trái và ảnh hưởng tới một cá nhân, mà còn vì hành vi đó vi phạm các chuẩn mực chung về sự đúng đắn. Nhà nước đã quy định thế nào là một hành vi sai trái, và nhiệm vụ của Nhà nước là phải trừng phạt người có hành vi sai trái ngay cả khi người bị hại không quan tâm tới điều này.
Đến đây, hãy giả sử Chưởng lý hạt quyết định truy tố Tom về tội trộm đồ mặc dù cậu ta mới 14 tuổi (ở hầu hết các bang, công tố viên có quyền quyết định như vậy). Tại phiên tòa xét xử, băng ghi hình tại cửa hiệu cho thấy Tom không cố tình lấy chiếc máy iPod theo như cáo buộc, mà thực tế sau khi cậu lao vào quầy hàng, chiếc iPod tự nhiên rơi vào chiếc túi cậu mang theo và cậu không biết gì về điều đó. Trong trường hợp này, Tom có thể được tha bổng – tức là tòa sẽ quyết định cậu không có tội. Tại sao vậy? Hầu như trong mọi vụ việc, luật hình sự đều yêu cầu về yếu tố lỗi: người phạm tội phải thực hiện hành vi một cách có chủ ý hoặc chí ít cũng phải là quá cẩu thả (chẳng hạn như gây tai nạn trong tình trạng say rượu). Một trong những đặc điểm rất khác biệt của luật hình sự là nó thể hiện khái niệm đáng bị xử lý. Một người đã thực hiện một hành vi sai trái, và hành vi đó đáng bị lên án về mặt đạo đức thì khi đó một chế tài hình sự mới được áp dụng. Để bị kết án, người đó phải thực hiện một hành vi tồi tệ, và người đó phải có ý đồ xấu trong đầu khi thực hiện hành vi này.
Đặt tất cả các giả thiết trên lại với nhau, chúng ta có thể thấy việc xác định một cách có hệ thống phạm vi điều chỉnh của luật hình sự khó hơn nhiều so với quan niệm ban đầu. Những vi phạm hình sự sẽ bị Nhà nước truy tố, song ngoài truy tố, chính phủ còn áp dụng nhiều biện pháp xử lý khác nữa. Mọi hành vi vi phạm thường phải chịu hậu quả pháp lý là bị trừng phạt, song các thủ tục tố tụng dân sự, xử lý các vi phạm nhỏ, tố tụng hành chính đều có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đó và không phải mọi hình phạt áp dụng trong các vụ án hình sự đều bất lợi đối với bên bị trừng phạt.
Vì thế, cốt lõi của Luật hình sự là trừng phạt và lên án về đạo đức dựa trên yếu tố đáng bị xử lý. Phạm tội là hành vi sai trái đáng bị trừng phạt bởi nó vi phạm các chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. Có thể đây chưa phải là một định nghĩa hoàn hảo song nó đã thể hiện được bản chất giúp phân biệt Luật hình sự và các ngành luật khác.
Các giả thiết trên cũng gợi ra những vấn đề cần xem xét trong một vụ án hình sự. Thứ nhất, bị can đã thực hiện hành vi bị pháp luật cấm hay chưa? Trộm cắp là tội danh khi một người lấy đi một tài sản không phải của mình. Để kết luận Tom đã phạm tội trộm đồ tại cửa hiệu, công tố viên phải chứng minh Tom đã thực hiện hành vi đó. Nếu Tom chưa ra khỏi cửa hàng với món đồ đó hoặc nếu cậu ta đã trả tiền cho món đồ này, cậu không thể bị coi là đã thực hiện hành vi mà pháp luật cấm. Thứ hai, bị can có thực hiện hành vi đó với ý đồ phạm tội trong đầu không? Hành vi trộm đồ không chỉ đòi hỏi việc thực hiện hành vi lấy đồ của người khác mà người thực hiện hành vi phải ý thức được rằng đồ vật mà mình lấy thuộc về người khác. Nếu Tom biết chiếc sọt đặt cạnh cửa ra vào có để những chiếc đĩa CD miễn phí, thì việc cậu lấy một chiếc đĩa ra khỏi cửa và không trả tiền không thể bị coi là hành vi trộm đồ. Vấn đề thứ ba, nếu bị can thực hiện một hành vi bị cấm, với ý đồ phạm tội, thì người này có lý do gì để biện hộ cho hành vi đó? Bệnh tâm thần của Dick có thể là một trong các lý do gỡ tội. Thứ tư, nếu bị can chưa thực hiện hành bị cấm với ý đồ phạm tội, liệu người này có thể vẫn bị truy cứu không? Giả sử cả Tom, Dick và Harry thỏa thuận đi gây rối bằng cách trộm đồ trong cửa hiệu, nhưng thực tế Harry không lấy bất cứ thứ gì, thì liệu có thể truy cứu Harry về tội đồng lõa không?
Giữa luật hình sự nội dung (là vấn đề được bàn tới trong Chương này) và luật tố tụng hình sự (là luật về thủ tục được quy định trong Chương 9 của cuốn sách này) có một sự khác biệt cơ bản khác. Luật nội dung quy định các nguyên tắc chung của trách nhiệm hình sự và định nghĩa thế nào là hành vi phạm tội, nó giúp trả lời các câu hỏi chẳng hạn như: Sự khác biệt giữa tội giết người và tội ngộ sát là gì? Khi nào một người bị coi là tâm thần và không phải chịu trách nhiệm hình sự? Trong khi đó, luật tố tụng bàn về quy trình điều tra và xét xử hành vi phạm tội: Khi nào cảnh sát đọc cho nghi phạm nghe về quyền tố tụng (vụ Miranda) của mình? Thế nào là một phiên xét xử công bằng?
Luật hình sự thường được chia thành 2 phần: các nguyên tắc chung về trách nhiệm hình sự và định nghĩa các tội danh cụ thể. Các nguyên tắc chung về trách nhiệm hình sự bao trùm toàn bộ các định nghĩa tội danh. Thứ nhất, nếu luật hình sự cấm một số loại hành vi sai trái thì khái niệm “hành vi” ở đây được hiểu như thế nào? Quy định về các tội danh cụ thể thường đi kèm với việc cấm thực hiện một số hành vi cụ thể (chẳng hạn như lấy đồ của người khác). Song một hành vi phạm tội phải bao gồm các yếu tố cụ thể nào? Thứ hai, vì các hành vi phạm tội chỉ có thể bị trừng phạt khi hành vi đó đi kèm với trạng thái ý thức đáng bị trừng phạt; vậy làm thế nào để xác định được trạng thái ý thức dẫn tới trách nhiệm hình sự? Luật sẽ định nghĩa một loạt các trạng thái ý thức có liên quan, và tòa án sẽ áp dụng các định nghĩa đó khi diễn giải các quy định của luật hình sự. Thứ ba, khi nào hành vi của một người có thể được bào chữa hoặc biện minh để không bị coi là hành vi phạm tội? Một hành vi phạm tội có thể được coi là chính đáng nếu hành vi đó được thực hiện để tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn. Tự vệ có thể là một trong những lý do bào chữa. Tương tự, một hành vi có thể được biện minh nếu người thực hiện hành vi có lý do để không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chẳng hạn, người bị tâm thần hoặc có vấn đề thần kinh mặc dù cố tình giết người song mức độ đáng bị xử lý trong trường hợp này vẫn chưa đủ để hành vi này bị coi là tội. Thứ tư, khi nào một người phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà mới chỉ ở giai đoạn phạm tội ban đầu hoặc quá mức của một tội phạm nhưng lại không có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm? Có thể một người có ý định phạm tội nhưng phạm tội chưa đạt, người này sẽ phải chịu trách nhiệm về ý định phạm tội đó, nhưng khoảng cách giữa mức độ phạm tội chưa đạt và tội danh được quy định trong luật là gì? Hoặc một nhóm tội phạm cùng âm mưu cướp ngân hàng và một trong số họ bắn chết người bảo vệ trong quá trình phạm tội, thì liệu cả nhóm có phải chịu trách nhiệm về tội giết người không?
Việc xác định rõ các hành vi phạm tội cụ thể chủ yếu là nhằm xác định những hành vi phạm tội cụ thể nào phải đi kèm với trạng thái ý thức gì như là các yếu tố cấu thành tội phạm. Giả dụ như sự khác biệt giữa giết người, cố sát và ngộ sát?
Trước đây, quy định các nguyên tắc chung của luật hình sự và xác định các tội danh vốn thuộc thẩm quyền của tòa án. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX, các cơ quan lập pháp bắt đầu xây dựng các bộ pháp điển toàn diện về luật hình sự. Vào thập niên 50 và 60, Viện Luật Hoa Kỳ một tổ chức tư nhân của các luật sư, thẩm phán và giáo sư, đã soạn thảo một Bộ Luật Hình sự mẫu được coi là kim chỉ nam cho hoạt động xây dựng luật hình sự của các tiểu bang. Nỗ lực này đã rất thành công, khoảng ba phần tư số bang ở Mỹ đã xây dựng các bộ luật của mình dựa trên Bộ Luật Hình sự mẫu này. Tất nhiên, quy định của mỗi tiểu bang có những điểm khác biệt nhất định và các cơ quan lập pháp thường xuyên phải viết lại và sửa đổi luật để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong đời sống, song phải nói rằng Bộ Luật Hình sự mẫu vẫn là điểm khởi đầu hữu ích cho các cuộc thảo luận về luật hình sự của các tiểu bang.
Các phần tiếp theo sẽ bàn về các nguyên tắc chung của trách nhiệm hình sự và định nghĩa về một số tội danh quan trọng nhất và cũng thú vị nhất. Song trước khi đi vào chi tiết, chúng ta nên tìm hiểu vấn đề cơ bản nhất trong mọi vấn đề: Vì sao chúng ta lại cần luật hình sự?
Vì sao chúng ta cần luật hình sự?
Câu trả lời rất hiển nhiên. Chúng ta cần luật hình sự để trừng phạt những kẻ phạm tội và phòng ngừa tội phạm. Song khi xem xét cùng với những vấn đề pháp lý được trình bày trong cuốn sách này, chúng ta thấy vấn đề không đơn giản chỉ như vậy.
Mục đích đầu tiên của luật hình sự là quy định rõ những hành vi nào xã hội coi là sai trái. Giết người hàng xóm, đốt nhà người ta hoặc ăn cắp máy cắt cỏ của họ, tất cả đều là hành vi sai trái. Các hành vi bị coi là phạm tội thường là (mặc dù không phải lúc nào cũng vậy) những hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng nhất cho người khác. Giết người và đốt nhà có thể là hành vi gây hại nghiêm trọng. Song, ăn trộm máy cắt cỏ của người khác chỉ là một hành động mang tính tệ nạn xã hội, không tệ bằng sản xuất máy cắt cỏ không có đủ bộ phận an toàn cần thiết, vốn chỉ bị coi là một hành vi dân sự sai trái. Sự khác biệt giữa các tội phạm hình sự và những hành vi vi phạm nói chung thể hiện ở chỗ tội phạm hình sự là những hành vi đặc biệt đáng bị xã hội lên án. Nói thế không có nghĩa là chỉ có hành vi phạm tội mới đáng bị lên án. Mọi hành động sai trái đều đáng bị lên án song theo các cách khác nhau chẳng hạn có thể bằng cách áp đặt các nghĩa vụ dân sự ngoài hợp đồng hoặc có thể chỉ đơn giản là bị xã hội chê trách.
Đối với một hành vi tội phạm, chỉ lên án không thôi thì chưa đủ. Mức độ sai trái của hành vi đó nghiêm trọng đến nỗi, người phạm tội không những chỉ phải bồi thường thiệt hại hoặc bị bêu xấu tại cộng đồng mà người đó phải bị trừng phạt. Vì thế, khi đặt câu hỏi “Vì sao chúng ta cần tới luật hình sự”, thực chất điều chúng ta cần trả lời là “Tại sao chúng ta cần phải có các hình phạt”. Câu trả lời này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với luật hình sự; vì khi biết tại sao phải trừng phạt, chúng ta sẽ biết mình phải trừng phạt ai, trừng phạt như thế nào và ở mức độ nào.
Các lý luận gia về luật hình đưa ra hai quan điểm giải thích cho lý do phải trừng phạt những kẻ phạm tội. Đó là quan điểm vị lợi và quan điểm trừng trị. Những người theo quan điểm vị lợi cho rằng luật hình sự là cần thiết vì việc trừng phạt tội phạm sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Còn những người theo quan điểm trừng trị coi vai trò chủ yếu của luật hình sự là trừng trị, nói một cách khác, tội phạm phải bị trừng phạt bởi chúng đáng bị như vậy.
Thuyết vị lợi dựa trên ý tưởng xã hội phải được tổ chức để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho số lượng nhiều nhất các thành viên trong xã hội. Những người theo chủ nghĩa vị lợi cho rằng, luật hình sự mang lại điều tốt đẹp cho xã hội chủ yếu là bởi nó có tác dụng phòng ngừa tội phạm. Việc trừng trị những kẻ phạm tội có thể giúp ngăn ngừa tội phạm bằng nhiều cách khác nhau. Việc bỏ tù tội phạm sẽ ngăn không cho người này tiếp tục phạm tội, hành quyết phạm nhân có tác dụng không cho hắn có cơ hội tái phạm. (Biện pháp này thường được gọi là biện pháp kiềm chế hay làm mất năng lực). Đây gọi là tính răn đe cá thể (tính răn đe cụ thể) vì quan niệm cho rằng một người khi đã bị trừng phạt về một tội, thì khả năng người đó phạm một tội khác là rất ít. Còn theo lý giải về tác dụng răn đe xã hội, ý đồ hành động của con người sẽ mất đi khi họ biết mình có thể bị trừng phạt. Khi đưa tội phạm vào sống trong một môi trường được quản lý nghiêm ngặt, ở đó, họ có thể được điều trị, tư vấn và giáo dục; điều này có thể giúp họ tránh xa cuộc đời tội phạm hoặc cải tạo họ. Khi người dân hiểu biết về những hình phạt sẽ được áp dụng, nhận thức của họ về tầm quan trọng của những tiêu chuẩn hành vi mà luật hình sự quy định sẽ được củng cố thông qua hành vi tố giác tội phạm.
Hãy bắt đầu từ việc cải tạo. Hình phạt có thể phòng ngừa tội phạm bằng cách thay đổi chính những người phạm tội. Khi một người đã bị kết án, người đó sẽ được tư vấn, điều trị tâm lý, được giáo dục, học hỏi những tấm gương đạo đức, ngay cả khi ở trong tù và trong thời gian thử thách sau khi ra tù, để có thể thay đổi cuộc đời họ từ phạm tội sang một cuộc sống biết tuân thủ pháp luật. Ý tưởng về sự cải tạo là hết sức quan trọng và đây có thể nói là ý tưởng chi phối luật hình sự trong suốt thế kỷ XX. Với việc đặt ra mục tiêu cải tạo, luật hình sự và hình phạt tập trung vào người phạm tội chứ không phải vào hành vi phạm tội. Các thẩm phán đã rất cố gắng cá thể hóa việc xét xử để đáp ứng mục tiêu cải tạo từng đối tượng tội phạm. Các nhà tù đã tổ chức rất nhiều hoạt động học tập và cải tạo; và việc một số tù nhân được ra tù trước thời hạn chứng tỏ họ đã thay đổi. Tất nhiên, nhà tù không bao giờ là những cơ sở giáo dục theo đúng nghĩa, vì thế, không thể có đủ các nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu cải tạo; tuy nhiên, bản thân tinh thần này của hệ thống pháp luật hình sự đã có ý nghĩa quan trọng.
Trong những năm gần đây, mục tiêu cải tạo của luật hình sự đã không còn như trước, bởi có những ý kiến chỉ trích rằng chúng ta chưa hiểu biện pháp nào thực sự có tác dụng. Một loạt những nghiên cứu được công bố vào những năm 1970 cho thấy tất cả những nỗ lực cải tạo hầu như không có tác dụng đối với tỉ lệ tái phạm hay xu hướng tái phạm. Một số chương trình cải tạo tội phạm có thể có tác dụng trong một số trường hợp cụ thể nhưng lại không có căn cứ rõ ràng; vì vậy, việc xây dựng một hệ thống hình phạt trên cơ sở cải tạo về mặt ý tưởng là tốt, song về mặt lý trí thì không hay. Căn cứ vào tình hình tội phạm thực tế cùng với quan ngại ngày càng tăng của xã hội về sự cần thiết phải mạnh tay hơn với tội phạm, mục tiêu cải tạo của luật hình sự ngày càng trở nên mờ nhạt.
Biện pháp làm mất năng lực dân sự có tác động rõ rệt đối với tình hình tội phạm: nếu chúng ta bỏ tù những kẻ phạm tội, chúng sẽ không còn cơ hội phạm tội nữa và vì thế tội phạm sẽ giảm. Biện pháp này dựa trên giả định rằng một số tội phạm có xu hướng tiếp tục phạm tội. Chúng ta không thể cải tạo những kẻ thường xuyên tái phạm này mà chỉ có thể ngăn không cho chúng phạm tội bằng cách loại bỏ những đối tượng này ra khỏi xã hội, ít nhất là trong một thời gian nhất định.
Biện pháp làm mất năng lực dân sự cũng làm phát sinh vấn đề thực tế giống với biện pháp cải tạo. Chúng ta sẽ thấy không công bằng nếu bỏ tù tất cả các tội phạm chỉ vì một vài người trong số đó có thể tiếp tục phạm tội, vì thế việc áp dụng biện pháp làm mất năng lực dân sự đòi hỏi khả năng tiên liệu tội phạm nào có khả năng tái phạm. Đã có thời điểm luật pháp cố gắng cá thể hóa các hoạt động xét xử, chẳng hạn khi kết án, một thẩm phán thường xem xét các đặc điểm về lai lịch, trình độ văn hóa, hoàn cảnh xã hội thậm chí cả yếu tố tâm lý của tội phạm để tìm hiểu khả năng tiếp tục phạm tội của người này và để đưa ra phán quyết phù hợp. Chỉ mới gần đây, việc dự đoán khả năng phạm tội trong tương lai mới được thực hiện một cách có hệ thống trên quy mô lớn, trong đó, chú trọng tới tính chất của tội phạm và các yếu tố khách quan trong lai lịch của người phạm tội. Song với biện pháp cải tạo, có vẻ như điều này cũng nằm ngoài tầm kiểm soát. Bằng chứng cho thấy chúng ta chưa có đủ điều kiện để dự đoán về hành vi trong tương lai, và thực tế là, khả năng phạm tội trong tương lai thường có xu hướng bị dự đoán quá mức. Kết quả là có những người phải ở tù quá lâu mặc dù họ không có khả năng tiếp tục phạm tội.
Tố giác tội phạm cũng có thể làm giảm tình hình phạm tội bởi nó góp phần củng cố nhận thức của người dân về cái sai của những hành vi phạm tội. Việc tuyên bố một hành vi là có tội, việc trừng phạt người phạm tội có tác dụng lớn hơn nhiều so với một bài thuyết giảng về đạo đức; nó góp phần củng cố xu hướng tuân thủ luật pháp của người dân. Hầu như ai cũng muốn làm điều đúng đắn, và sự hiểu biết về những hình phạt góp phần củng cố nhận thức của người dân về sự đúng đắn là gì. Hầu như ai cũng muốn được đối xử công bằng, nhưng nếu họ biết có những người vi phạm luật mà không hề hấn gì thì bản thân họ cũng sẽ có xu hướng phạm luật. Đây là phương thức phòng ngừa tội phạm gián tiếp của quy trình hình sự.
Cải tạo, làm mất năng lực dân sự và tố giác đều nhận được những ý kiến ủng hộ, tuy nhiên mục đích cơ bản mang tính thiết thực của luật hình sự là tính răn đe. Tính răn đe giả định rằng con người hành động có lý trí biết cân nhắc cái “được” và cái “mất” trong mỗi hành động mình làm. Nếu xã hội muốn ngăn chặn những hành vi nào đó của con người, thì điều duy nhất mà xã hội phải làm là bắt một người phải chịu nhiều cái “mất” nếu thực hiện hành vi đó. Nếu ăn trộm được quy định là một tội danh có thể bị bỏ tù, người dân sẽ không dám ăn trộm. Đối với một hành vi có mức độ sai trái nghiêm trọng hơn, chúng ta sẽ tăng hình phạt để tăng thêm mức răn đe – ăn trộm có thể bị phạt tù 5 năm, ăn cướp có thể bị phạt tù 10 năm và giết người có thể sẽ bị tử hình.
Tính răn đe được thể hiện bằng nguy cơ trừng phạt. Tuy nhiên một số người không hiểu được thông điệp đó. Họ vẫn đi cướp nhà băng dù biết về nguy cơ này, khi đó những trải nghiệm thực tế trong nhà tù sẽ có tác dụng răn đe với họ. Nếu ngay cả việc bỏ tù cũng không có tác dụng đối với người này, thì việc gia tăng hình phạt, bỏ tù lần thứ hai sẽ giúp ngăn ngừa hành vi ăn cướp lần thứ ba. Đây là lôgic của nguyên tắc “bất quá tam” trong luật, nếu một người phạm 3 tội nghiêm trọng thì người đó sẽ bị tù chung thân. Đây là tác dụng răn đe cụ thể đối với những tội phạm có nguy cơ tái phạm.
Với tư cách là nền tảng của luật hình sự, tính răn đe tạo ra ý thức trực giác. Khi người mẹ cảnh cáo “nếu các con không thôi đánh nhau, mẹ sẽ bắt các con đứa nào về phòng đứa ấy”, chỉ cần dọa như vậy song bọn trẻ vẫn không dám đánh nhau tiếp. Mặc dù thế giới rộng lớn phức tạp hơn thế, song nguyên tắc này dường như vẫn có tác dụng: khả năng bị trừng phạt có tác dụng răn đe rõ rệt. Song tác dụng răn đe đó lại phụ thuộc vào một số yếu tố. Thứ nhất, mặc dù nhìn chung pháp luật hình sự nhằm ngăn ngừa tội phạm, song trong vấn đề này lựa chọn dành cho các nhà làm luật còn ít hơn cả việc lựa chọn có hay không nên có luật hình sự. Thay vào đó, các lựa chọn đó là liệu có nên hình sự hóa một hành vi cụ thể hay không, trừng phạt nghiêm khắc tới mức độ nào, và cần đầu tư bao nhiêu cho việc thực thi luật. Và sau đó, kết quả lựa chọn là các tội danh được xác định và biện pháp trừng phạt được áp dụng phải được thông tin một cách có hiệu quả tới các đối tượng có khả năng phạm tội. Yếu tố thứ hai, có một số tội phạm và tội danh rất khó ngăn ngừa: người bị bệnh tâm thần, thần kinh không ổn định, người hành động trong lúc giận giữ, những tội nhân luôn cho rằng mình có thể trốn tù và thành viên băng đảng những người hầu như không còn cơ hội nào khác hoặc cho rằng bị bắt và bị trừng phạt là một phần của cuộc đời họ. Họ là những đối tượng không thể răn đe. Thứ ba, khả năng trừng phạt và mức độ trừng phạt cũng là các yếu tố ảnh hưởng tới tác dụng răn đe của các chế tài hình sự. Nếu mại dâm là một tội được quy định trong luật hình sự, nhưng cảnh sát chỉ coi đây là vi phạm tầm thường và không bao giờ bắt gái mại dâm; hoặc nếu có bắt thì rồi sau đó các thẩm phán sẽ thường phạt tiền với giá trị không đáng kể, thì luật pháp hầu như sẽ chẳng có tác dụng.
Các vấn đề liên quan tới tính răn đe nói trên là các vấn đề mang tính thực tế cái gì có tác dụng và cái gì không. Còn có cả vấn đề đạo đức đối với tác dụng răn đe, vốn là lý do ta cần tới luật hình sự, là tâm điểm của phương pháp tiếp cận vị lợi. Mục đích chung của luật hình sự là để giảm bớt tội phạm, và để đạt được mục đích đó, luật răn đe để các hành vi phạm tội không xảy ra. Song tính răn đe cũng phải phù hợp với quan niệm không vị lợi của chúng ta về công lý. Giả sử chúng ta e ngại rằng các lái xe hiện nay chưa quan tâm tới người đi bộ. Quốc hội có thể sẽ phản ứng bằng cách ban hành một đạo luật yêu cầu lái xe phải nhường đường cho người đi bộ. (Nhiều tiểu bang có luật này). Song nếu thực sự muốn răn đe để các lái xe không bất cẩn nữa, chúng ta có thể áp dụng hình phạt tù với thời hạn 20 năm đối với những người không tuân thủ quy định này. Tất nhiên làm vậy là cực đoan. Mong muốn răn đe/ngăn chặn của chúng ta bị kiểm soát bởi khái niệm về sự tương xứng.
Theo giả thiết trên, ngay cả khi tác dụng răn đe là lý lẽ vị lợi quan trọng nhất biện minh cho sự tồn tại của luật hình, song đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Có một yếu tố quan trọng khác ngày càng được ủng hộ nhiều hơn trong vài thập niên trở lại đây là tác dụng trừng phạt. Những người ủng hộ cách tiếp cận này cho rằng sự trừng phạt thông qua luật hình sự không phải là trả thù mà là công lý. Khi một hành động sai trái xảy ra, sự sai trái đó phải bị trừng phạt. Lấy giả thuyết nổi tiếng của một triết gia là Immanuel Kant làm ví dụ. Giả sử xã hội là một hòn đảo đang chuẩn bị giải tán và toàn bộ người dân trên đó sắp chuyển tới sống ở những nơi khác. Vào đêm trước ngày di chuyển đó, có người phạm tội giết người và người này vẫn phải bị trừng phạt. Ở đây, không có lý lẽ vị lợi nào có thể bào chữa cho việc trừng phạt, bởi ngày hôm sau người dân trên đảo sẽ không còn nhìn thấy nhau nữa và việc trừng phạt sẽ không có tác dụng ngăn ngừa các hành vi phạm tội trong tương lai. Song, công lý (hay sự công bằng) đòi hỏi xã hội phải sửa sai bằng cách trừng phạt kẻ giết người.
Học thuyết về sự trừng phạt đòi hỏi ta phải nhận thức được đâu là hành động sai trái. Trong nhiều trường hợp, chúng ta hoàn toàn tự tin vào điều này: cố tình giết người khi không có lý do bào chữa hay biện minh luôn luôn là việc làm sai trái. Trừng phạt cũng đòi hỏi ta phải phân loại cấp độ sai trái để tội phạm bị trừng phạt theo mức độ nghiêm trọng của nó, và điều này phức tạp hơn nhiều. Hành vi nào xấu hơn đốt nhà hay ăn trộm có vũ khí, mại dâm hay lái xe khi say rượu?
Ở đây có sự giao thoa giữa lý thuyết vị lợi và lý thuyết trừng phạt. Răn đe là cơ sở để xử lý hình sự các hành vi phạm tội nhằm ngăn ngừa tội phạm, song các quy tắc trừng phạt đòi hòi sự răn đe đó phải công bằng. Việc bỏ tù một lái xe trong thời gian dài vì người này không nhường đường cho người đi bộ có thể có tính răn đe và nhờ đó có thể hạn chế được tình trạng lái xe ẩu; song theo các nguyên tắc của thuyết trừng phạt thì hình phạt đó là không công bằng vì nó không tương xứng với thiệt hại cần ngăn ngừa. Tương tự, tác dụng ngăn ngừa tội phạm sẽ rõ ràng nếu một hình phạt được áp dụng không chỉ với người phạm tội mà đối với mọi thành viên trong gia đình của người này, song điều đó sẽ vi phạm nguyên tắc cơ bản của sự trừng phạt. Trách nhiệm hình sự sẽ chỉ áp dụng nếu một người phạm luật, nếu chưa phạm luật không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó. Sự đối trọng giữa nguyên tắc trừng phạt và răn đe có tác dụng tăng cường thái độ thượng tôn pháp luật và hành xử theo quy định của pháp luật; một đạo luật được xem là công bằng sẽ được tuân thủ nhiều hơn một đạo luật bất công.
Hành vi phạm tội là gì?
Mỗi một tội danh hình sự đều đòi hỏi phải có hai yếu tố cấu thành tiên quyết đó là hành vi phạm tội (thường được nhắc tới bằng một thuật ngữ Latinh là actus reus) và ý định phạm tội (mens rea) đi kèm. Yêu cầu về hành vi phạm tội có thể dễ dàng hiểu được và chỉ gây tranh cãi trong một số vụ việc, tuy nhiên chính nó làm cho mục đích của luật hình sự được thể hiện một cách thú vị. Yêu cầu này gồm hai phần, hành vi dùng để chỉ hành động có tính chủ ý của bị can, còn phạm tội dùng để chỉ những thiệt hại phát sinh từ hành vi đó.
Hành vi chỉ đơn giản là một cử động của một phần cơ thể, chẳng hạn dùng tay kéo cò súng hoặc rút chiếc ví ra khỏi túi của người bị hại. Ở đây, chúng ta không quan tâm tới hậu quả của hành vi này, là việc người bị hại có thể chết hoặc trị giá của chiếc ví bị lấy đi, điều chúng ta quan tâm là hành vi của bị can. Thế là đủ, vì hành vi đã xảy ra và bị can đã chủ ý thực hiện hành vi đó. Yếu tố chủ ý có ý nghĩa quan trọng. Giả sử John Doe đang lặng lẽ gọt một quả táo thì bỗng lên cơn động kinh. Trong lúc lên cơn, một cơn co cơ bất ngờ đã khiến cho tay cầm dao của John giật mạnh và chém vào cổ của Jane Roe lúc đó đang ngồi cạnh John. Hoặc một đêm Doe ra khỏi giường, đi lại vô thức trong cơn mộng du, nhặt con dao và cứa cổ vợ mình. Vậy trong cả hai trường hợp trên, Doe có bị coi là đã thực hiện một hành vi phạm tội hay không? Theo luật thì không, bởi ý thức của Doe lúc tỉnh táo không chỉ đạo anh ta thực hiện hành vi đó.
Yêu cầu về hành vi chủ ý liên quan gì tới việc thực hiện mục đích của luật hình sự? Đôi khi, người ta lý luận rằng chúng ta không thể ngăn ngừa được những hành vi vô thức, nên trừng phạt những hành vi đó không có ích gì; nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự không thể ngăn một bệnh nhân động kinh lên cơn co giật. Song điều này không hoàn toàn đúng. Chúng ta không thể ngăn một người bị mộng du đi lại trong giấc ngủ, nhưng chúng ta có thể hạn chế người đó lâm vào những tình huống có thể gây nguy hiểm cho người khác khi bị mộng du; chẳng hạn nguy cơ bị truy tố có thể sẽ buộc những người bị bệnh này khóa chặt cửa phòng, không để các vật sắc nhọn trong tầm với hoặc thậm chí phải đi điều trị bệnh. Một lý do quan trọng nữa của việc đặt ra yêu cầu về yếu tố chủ ý có liên quan tới học thuyết về sự trừng phạt. Biện pháp trừng phạt hình sự là cần thiết bởi tội phạm đã làm điều sai trái từ góc độ đạo đức. Chỉ khi tội phạm đã quyết định thực hiện hành động đó, tức là đã hành động một cách có ý thức, thì việc anh ta bị trừng phạt là hoàn toàn công bằng.
Vấn đề liên quan tới yếu tố tự nguyện cũng phát sinh trong một số vụ việc khác phổ biến hơn chứ không chỉ liên quan tới mộng du. Chẳng hạn nhiều luật áp dụng hình phạt đối với cả việc chiếm hữu đơn thuần ma túy và các dụng cụ ăn cắp. Ngay cả khi luật không quy định rõ, thì điều này được hiểu là chủ ý chiếm hữu hoặc duy trì sự chiếm hữu. Nếu ai đó thả một gói hê-rô-in vào túi quần của bạn và cảnh sát ngay lập tức phát hiện ra, thì bạn không phạm tội tàng trữ ma túy trái phép vì bạn không chủ ý chiếm hữu số ma túy đó. Việc chính phủ có thể truy tố bất cứ hành vi chiếm hữu nào là điều rất có ích, mặc dù việc chứng minh một hành vi chiếm hữu thường dễ dàng hơn chứng minh hành vi sử dụng hay mua bán. Nếu bạn có ma túy và có cơ sở hợp lý để suy luận rằng bạn đã chủ ý có chỗ ma túy này hoặc biết là mình đã có chỗ ma túy này trong một thời gian đủ dài để vứt nó đi, thì việc trừng phạt bạn về hành vi sở hữu này là hoàn toàn có lý.
Ngay cả khi bị can chỉ mới chủ ý thực hiện một số chứ không phải tất cả các bước của quá trình phạm tội, thì trong trường hợp này, tiêu chí chủ ý được coi là đã được đáp ứng. Giả sử, sau một ngày dài đi đường, một lái xe tải vô cùng mệt mỏi song vẫn tiếp tục lái nên ngủ gật và đâm phải một người đi đường. Vậy người lái xe có phạm tội giết người không? Mặc dù đâm người trong trường hợp này không phải là một hành động chủ ý, song việc tiếp tục lái xe trong tình trạng mệt mỏi là hành động chủ ý, vì thế, yêu cầu về hành vi trong trường hợp này đã được thỏa mãn. Vấn đề tiếp theo là mức độ giết người. Người lái xe lý luận rằng mình chỉ chịu tội giết người do sơ ý (ngộ sát) vì không phải anh ta cố ý đâm vào người bị hại, ngay cả khi ban đầu anh ta không để ý lái xe cẩn thận.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ghi nhận trong Hiến pháp học thuyết về sự chủ ý trong hai vụ án của thập niên 60, Robinson kiện Bang California (1962) và Powell kiện Bang Texas (1968). California đã ban hành một đạo luật coi nghiện ma túy là một tội, song trong vụ Robinson Tòa đã kết luận rằng đạo luật này đã vi phạm điều khoản cấm áp dụng các hình phạt tàn bạo và bất thường trong Tu Chính án thứ 8 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo quy định của Hiến pháp, một tiểu bang không được trừng phạt một người chỉ vì tình trạng nghiên ngập của người đó. Nghiện là một căn bệnh và việc phải chịu căn bệnh đó không thể bị coi là hành vi chủ ý. Tuy nhiên, vụ Powell lại đưa ra giới hạn cho nguyên tắc này. Leroy Powell bị kết tội say xỉn nơi công cộng và người này đã viện dẫn tới bệnh nghiện rượu và coi đó như lý lẽ biện hộ cho hành động của mình. Trường hợp này khác, đó là kết luận của Tòa án. Powell bị trừng phạt không phải vì tình trạng nghiện rượu mà vì anh ta đã thực hiện hành động say rượu tại nơi công cộng. Mặc dù Powell là người nghiện rượu, song lẽ ra anh ta đã có thể thực hiện các biện pháp để kiểm soát hành vi của mình phát sinh từ căn bệnh đó.
Nếu luật pháp yêu cầu phải có yếu tố hành vi, vậy thì việc không thực hiện một hành vi nào đó có thỏa mãn điều kiện này không? Trong một vụ việc nổi tiếng xảy ra ở Thành phố New York năm 1964, Kitty Genovese, một cô gái trẻ bị tấn công và bị giết hại dã man trong vòng nửa giờ khi 38 cư dân sống trong các căn hộ xung quanh đó chỉ lắng nghe và quan sát sự việc từ cửa sổ nhà mình. Không một ai trong số họ đến giúp hoặc chí ít cũng gọi cảnh sát đến. Vậy có thể truy cứu bất cứ ai trong số họ về hành vi không giúp đỡ? Câu trả lời của luật là không. Từ trước tới nay trong những tình huống như vậy, người ta thường đưa ra hai lý do. Lý do thứ nhất mang tính thực tế. Rất khó để chứng minh những người này đã góp phần gì vào cái chết của cô gái trẻ. Lý do thứ hai mang tính nguyên tắc là dựa trên quyền được để mặc một mình và chính phủ không thể làm gì. Nhà nước có thể trừng phạt bạn vì bạn làm điều xấu, song Nhà nước không thể áp dụng các hình phạt của luật hình sự đối với một người chỉ vì người đó dứt khoát không làm điều tốt.
Mặc dù từ trước tới nay, các lý do được đưa ra để phản đối việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp không hành động vẫn được chấp nhận, song không phải lúc nào cũng vậy, ít nhất là trong những trường hợp cực kỳ đặc biệt khi mà tác hại rất rõ ràng và những vấn đề liên quan tới ranh giới là không thể không vượt qua. Một người bơi giỏi có thể cứu một đứa trẻ đang bị chìm một cách dễ dàng hoặc không gặp phải rủi ro nào. Thông thường, Chính phủ sẽ quy định nghĩa vụ phải hành động. Nếu bạn phải đóng thuế cho bản thân, thì việc yêu cầu bạn thực hiện một hành vi đơn giản có tính nghĩa cử của con người có phải là một điều quá nhiều?
Nguyên tắc không truy cứu trách nhiệm vì không hành động cũng có những ngoại lệ nhất định. Nổi bật nhất là một số đạo luật quy định nghĩa vụ phải hành động. Việc không đóng thuế hoặc không dừng lại tại hiện trường của một vụ tai nạn giao thông mà bạn có liên quan có thể được coi là việc không hành động, và việc không hành động đó bị coi là một tội danh. Tương tự, con người trong những mối quan hệ nhất định của mình phải thực hiện các nghĩa vụ của mối quan hệ đó. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ không được phép để con mình chết đói, và nếu bị truy tố vì tội bỏ bê con cái thì không ai có quyền bào chữa cho mình bằng cách nói rằng tất cả những gì tôi đã làm chỉ là không hành động.
Phần “reus“ (phạm tội) trong khái niệm “actus reus“ (hành vi phạm tội) yêu cầu về tính chất tội phạm của một hành vi. Với từ này, yêu cầu về một hành vi phạm tội đã được mở rộng, không chỉ dừng ở một hành vi và yếu tố chủ ý mà phải bao gồm cả thiệt hại. Luật không yêu cầu trừng phạt mọi hành vi mà chỉ trừng phạt những hành vi phạm tội vì chúng vừa sai trái lại vừa gây thiệt hại cho xã hội. Trong một số trường hợp, thiệt hại đó có tính tức thì và hiển nhiên, chẳng hạn trong một vụ giết người, thiệt hại ở đây là cái chết của một con người. Có những trường hợp, thiệt hại chỉ mang tính tiềm năng. Lái xe trong tình trạng say rượu có thể không làm ai bị thương trong lần đầu tiên, song khả năng gây thiệt hại của những lái xe như vậy lớn đến nỗi, việc trừng phạt những hành vi kiểu này là hoàn toàn hợp lý và công bằng ngay cả trước khi thiệt hại xảy ra.
Một người phải muốn phạm tội thì mới bị coi là có tội?
Một câu châm ngôn cổ nói rằng: “Một hành vi không làm cho một người có tội trừ phi tâm của họ có tội”. Để bị coi là phạm tội, một người phải thực hiện một hành vi bị pháp luật cấm và phải thực hiện hành vi đó với một trạng thái ý thức nhất định.
Giả sử, một nhóm thợ săn vào rừng săn hươu ngay trong ngày đầu tiên của mùa săn. Thợ săn I (chẳng hạn tên là Cain) chuẩn bị bắn một con hươu thì anh ta nhìn thấy kẻ thù không đội trời chung của mình, Nạn nhân I, cũng đang đi săn. Cain chuyển tầm ngắm từ con hươu sang Nạn nhân I, bắn và giết chết người này. Trong khi đó, Thợ săn II (Abel) ngắm và bắn một con hươu song bị trượt và viên đạn người này bắn trượt con hươu nhưng lại trúng và giết Nạn nhân II lúc đó đang đi dạo trong rừng nhưng Abel không nhìn thấy. Định nghĩa kinh điển về tội giết người là hành vi “giết người trái phép với ác ý dự tính trước“. Cain và Abel có phạm tội giết người không?
Cain đã thực hiện hành vi bị cấm – là giết người trái phép. (Đây là hành vi trái phép bởi anh ta không phải cảnh sát cũng không phải quân nhân đang tại ngũ). Điều kiện liên quan tới trạng thái ý thức, mens rea, khi thực hiện hành vi tội phạm cũng được thỏa mãn vì Cain hành động với “ác ý dự tính trước“. Nói tới tội giết người, “ác ý dự tính trước” không đòi hỏi việc giết người phải được lên kế hoạch mà chỉ cần có ý định đó, và rõ ràng Cain muốn giết kẻ thù của mình. Cần lưu ý rằng, yêu cầu về trạng thái ý thức chỉ là yêu cầu về ý định chứ không phải động cơ. Cain đã có động cơ giết người bị hại, bởi người đó là kẻ thù của Cain; song, ngay cả khi Cain không biết nạn nhân, chỉ tự nhiên thích bắn chết người này hoặc ngay cả khi anh ta có động cơ tốt để giết người này thì anh ta vẫn bị coi là đã phạm tội giết người. Đó là lý do tại sao cái chết không đau đớn cũng có thể bị trừng phạt như tội giết người.
Vậy còn Abel, người không hề biết về sự tồn tại của nạn nhân, thì sao? Anh ta cũng đã thực hiện hành vi bị cấm là giết người trái phép, song anh ta thiếu một trạng thái ý thức mà pháp luật yêu cầu và anh ta không làm điều đó “với ác ý dự tính trước“. Mặc dù, yêu cầu về sự ác ý chỉ áp dụng với tội giết người, song đối với hầu hết các tội danh khác, luật đều yêu cầu về trạng thái ý thức đi kèm với hành vi phạm tội.
Xét về yếu tố lỗi từ góc độ mục đích của luật hình sự. Yêu cầu một người phải có “ý thức tội lỗi” thì mới bị coi là tội phạm không nhất thiết là vì các mục đích vị lợi, trong đó, răn đe là tác dụng quan trọng nhất. Một số ý kiến cho rằng, luật pháp không thể và không cần phải răn đe những người không có ý định làm gì sai trái; chẳng hạn, chúng ta không cần phải ngăn Abel không được gây ra những hậu quả mà bản thân anh ta không hề muốn gây ra. Song điều đó không hoàn toàn đúng. Nếu Abel không có ý định bắn người bị hại thì chắc chắn anh đã bất cẩn khi làm điều đó. Và nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể khuyến cáo mọi người cẩn trọng hơn. Hơn nữa, việc truy cứu Abel có tác dụng ngăn ngừa tình trạng phạm tội nói chung bởi càng nhiều người bị truy tố về tội này, số vụ giết người có thể xảy ra sẽ càng ít đi.
Song, việc trừng phạt Abel khi anh ta không có ý định làm bất cứ điều gì sai trái có vẻ như không công bằng. Tiền án hình sự là một điều nghiêm trọng bởi sự kỳ thị gắn với việc một người bị coi là tội phạm và tiếp đó là có thể bị trừng phạt nặng nề. Chúng tôi muốn bàn về sự kỳ thị và biện pháp trừng phạt đó trong những tình huống mà kẻ phạm tội đã hành động một cách sai trái về đạo đức. Ngay cả khi việc trừng phạt người vô tội có tác dụng ngăn ngừa tội phạm, thì sự ngăn ngừa đó cũng bị hạn chế bởi thuyết trừng phạt; ngay cả khi chúng ta trừng phạt người có tội vì các lý do vị lợi cũng như trừng phạt, thì việc trừng phạt người vô tội bị cấm.
Cain cố tình giết nạn nhân của mình còn Abel hoàn toàn vô tội bởi anh ta không biết rằng nạn nhân của mình đang có mặt tại đó, song nhiều khi việc xác định trạng thái ý thức của một người để xác định xem người đó có phạm tội hay không là một việc phức tạp hơn nhiều. Từ trước tới nay, các tội danh này thường được định nghĩa cùng với các từ mô tả trạng thái ý thức như: có ác ý dự tính trước, có ý định, chủ ý, có ác tâm, bất cẩn và các từ khác. Nhiều cơ quan xét xử đã tiếp bước Bộ Luật Hình sự mẫu khi cố gắng làm rõ tình trạng lộn xộn này bằng cách giới hạn trạng thái ý thức này ở 4 mức độ là chủ tâm (đôi khi còn được gọi là cố tình), cố ý, chủ quan và bất cẩn. Chúng ta sẽ nghiên cứu một số giả thiết để tìm hiểu sự khác biệt giữa các mức độ này.
Một người chủ tâm hành động khi “ý thức của người này tham gia vào hành vi với tính chất đó hoặc tạo ra kết quả đó“. Cain đã chủ tâm giết nạn nhân của mình bởi đó là điều anh ta muốn khi bắn súng. Giả sử Cain nhìn thấy kẻ thù của mình đang đứng cùng với một nhóm người khác và dùng một khẩu súng tự động xả súng vào cả nhóm và giết chết những người khác. Vậy là Cain đã chủ tâm giết kẻ thù của mình nhưng anh cũng cố ý giết những người khác. Hành động cố ý có nghĩa là Cain “gần như chắc chắn” rằng hành động của mình sẽ dẫn tới một kết quả bị cấm, hoặc anh ta ý thức được về tính chất hay hậu quả của hành vi mà mình thực hiện. Trong trường hợp này, không phải “ý thức” của Cain mách bảo anh ta giết người, vì Cain là người có khả năng trí tuệ và anh ta biết khi xả súng vào nhóm người này, sẽ có người bị chết. Ranh giới giữa chủ tâm và cố ý không rõ ràng, song nó cho phép cơ quan lập pháp xác định rõ các tội danh để áp dụng những hình phạt nặng hơn đối với những người có ý muốn thực hiện hành vi phạm tội so với những người chỉ biết những tác hại hình sự có thể phát sinh từ hành vi của mình.
Quay trở lại ví dụ giả định trên, Abel đang đi săn tại một khu vực rất nổi tiếng trong rừng. Anh ta đã quan sát rất kỹ xung quanh nhưng vẫn không nhìn thấy nạn nhân của mình đang ở gần con hươu. Giả sử, anh ta nhìn thấy nạn nhân của mình ở gần con hươu, biết là mình bắn súng không giỏi nhưng anh ta vẫn nổ súng, thì trong trường hợp này anh ta đã hành động chủ quan. Người hành động chủ quan là người “chủ ý xem thường một mối nguy đáng kể và vô lý”. Abel biết mình có thể bắn trúng nạn nhân chứ không phải con hươu; biết như vậy nhưng anh ta vẫn chủ quan phớt lờ mối nguy này vì anh ta không chắc chắn là mình sẽ bắn trúng nạn nhân. Trong trường hợp này, Abel không thể bị coi là cố tình làm như vậy. Ở đây, mối nguy của việc làm này rất đáng kể bởi Abel biết mình bắn không giỏi, và vô lý, bởi chẳng có lý do thuyết phục nào có thể đưa ra để giải thích tại sao Abel không đợi mà phải bắn ngay.
Giả thiết cuối cùng là Abel không nhìn thấy nạn nhân đứng gần con hươu vì anh ta đi săn ở khoảng rừng thưa, và mặc dù, lẽ ra anh ta phải biết ở đó có thể còn có các thợ săn khác, nhưng anh ta lại không quan sát xung quanh trước khi bắn. Không thể coi là anh ta chủ quan, bởi anh ta không chủ ý xem thường một mối nguy đáng kể và vô lý là sẽ bắn phải người khác. Song, lẽ ra anh ta phải biết về mối nguy này, vì thế trong trường hợp này anh ta đã hành động bất cẩn.
Bốn mức độ nói trên được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp căn cứ vào mức độ thiệt hại có thể ngăn ngừa cho xã hội và mức độ sai trái về đạo đức của hành vi. Xét từ góc độ vị lợi, việc ngăn ngừa và trừng phạt những kẻ chủ tâm và cố ý giết người quan trọng hơn nhiều so với việc ngăn ngừa và trừng phạt những kẻ giết người do chủ quan, và những kẻ giết người do chủ quan thì đáng bị trừng phạt hơn những kẻ giết người do bất cẩn. Còn từ góc độ trừng phạt, người chủ tâm và cố ý giết người đáng bị lên án về đạo đức hơn so với những người làm như vậy do chủ quan hoặc bất cẩn. Việc phân biệt những trạng thái ý thức này giúp chúng ta xác định được hành vi nào vô đạo đức hơn và đáng bị trừng phạt nặng hơn.
Trở lại với Abel trong ví dụ ban đầu. Anh này thậm chí còn không hề hành động bất cẩn, hầu hết mọi người sẽ nói Abel không phạm tội vì anh ta không định làm gì sai trái. Giả sử khi lái xe đến khu rừng này để đi săn, Abel bị chặn lại vì lái xe quá tốc độ. Anh lái xe với tốc độ 80 dặm/giờ trong khi đoạn đường đó chỉ cho phép lái xe với tốc độ 65 dặm/giờ. Abel ra tòa để phản đối việc phạt tiền này với mình với lý do đồng hồ đo tốc độ trên xe của anh ta bị hỏng vì thế nó chỉ báo tốc độ là 15 dặm/giờ. Quá thấp. Liệu Abel có thể biện hộ cho mình rằng trong trường hợp này không đủ yếu tố cấu thành tội lái xe quá tốc độ do không có yếu tố liên quan tới trạng thái ý thức của anh ta, vì anh ta không hành động chủ tâm, cố ý, chủ quan và bất cẩn?
Đây là vấn đề diễn giải luật. Trạng thái ý thức mà cơ quan lập pháp yêu cầu khi ban hành luật an toàn giao thông là gì? Nói chung, chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn nếu tòa án không yêu cầu chứng minh về một trong bốn trạng thái ý thức nói trên và coi đó là cơ sở kết luận tội lái xe quá tốc độ, so với các tội danh khác chẳng hạn như giết người. Mặc dù, đứng từ góc độ trừng phạt, Abel có thể chưa làm điều gì sai trái khi anh ta không nhận thấy đồng hồ đo tốc độ của mình bị hỏng, song từ góc độ vị lợi, việc trừng phạt anh ta về hành động đó là hoàn toàn có lý. Công tố viên không thể chứng minh được, trong mỗi một trường hợp, rằng người vi phạm giao thông biết mình đang lái xe quá tốc độ, rằng đồng hồ đo tốc độ của xe vẫn hoạt động, rằng người đó biết hoặc lẽ ra phải biết đồng hồ bị hỏng. Vì thế, chúng ta có thể thấy Abel phải chịu trách nhiệm tuyệt đối, hoặc chịu trách nhiệm mà không có lỗi, chỉ vì nó liên quan tới một vi phạm nhỏ chứ không phải một tội nghiêm trọng.
Nói tới trách nhiệm hình sự tuyệt đối phải kể đến trách nhiệm liên đới, tức là trường hợp một người phải chịu trách nhiệm về một tội danh do người khác thực hiện. Chủ một cửa hàng thường xuyên phải liên đới chịu trách nhiệm về những hành vi mà nhân viên của họ thực hiện trong phạm vi công việc. Nếu một nhân viên dán nhầm tem sản phẩm, bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, thải chất thải độc hại thì cả nhân viên đó và người sử dụng lao động anh ta đều phải chịu trách nhiệm hình sự. (Lưu ý rằng việc người sử dụng lao động gián tiếp chịu trách nhiệm không làm giảm nghĩa vụ chính của người lao động. Theo luật, cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải chịu trách nhiệm, song trên thực tế người sử dụng lao động thường là người duy nhất bị truy tố). Tương tự, chủ xe thường là người phải thanh toán các khoản tiền phạt do đỗ xe sai quy định cho dù cô ta có phải là người đỗ chiếc xe vào thời điểm phạt hay không. So sánh với tránh nhiệm tuyệt đối, trách nhiệm liên đới thường được áp dụng đối với các vi phạm tương đối nhỏ về quản lý chứ không phải với các tội nghiêm trọng.
Một công ty có phải chịu trách nhiệm về một tội ác không? Trong giai đoạn đầu của hệ thống thông luật, câu trả lời là không. Công ty vốn được coi là một thực thể không có các thuộc tính của con người nên không thể có ý định phạm tội và cũng không thể trừng phạt. Theo thời gian, tòa án nhận ra rằng trách nhiệm hình sự của công ty là một dạng đặc biệt của trách nhiệm liên đới. Trong một công ty lớn, thẩm quyền rất phân tán, vì thế đối với một số tội danh, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm đối với bản thân công ty chứ không phải bất cứ cá nhân cán bộ hay nhân viên nào. Vả lại, sẽ là không công bằng nếu bắt cá nhân một người phải chịu trách nhiệm về một hành vi trong đó có rất nhiều người khác tham gia. Việc quy định trách nhiệm hình sự cho công ty khiến cho ban lãnh đạo cao nhất của công ty có lý do để kiểm soát các hành động của nhân viên cấp dưới, và, bằng việc nêu đích danh tên công ty đó, nó sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của công ty nếu cán bộ của công ty này có hành vi phạm tội.
Giả sử một bị can lập luận rằng anh ta đã sai lầm về tình trạng vấn đề và phủ nhận yếu tố ý thức phạm tội. Thông thường, luật sư sẽ chia sai lầm thành hai loại: sai lầm về luật pháp và sai lầm về sự kiện. Đối với sai lầm về luật pháp, có thể tóm tắt quy tắc áp dụng bằng câu châm ngôn nổi tiếng: “Không hiểu biết pháp luật không phải là lý do bào chữa”. Nếu chủ một quán bar cho lắp một chiếc máy chơi bài poker video vì cho rằng đó là một game video thông thường, song thực tế đây là một thiết bị đánh bạc trái phép, thì trong trường hợp này, anh ta vẫn bị coi là phạm luật. Từ góc độ trừng phạt, anh ta chưa làm gì sai trái; anh ta không biết rằng hành vi của mình là sai trái, vì thế không đáng bị trừng phạt. Song, nếu để người này dùng lý do ‘không hiểu biết về pháp luật’ làm lý lẽ bào chữa cho hành động của mình, thì nó sẽ “vẽ đường” cho các các vi phạm sai trái phức tạp hơn thế, và nếu thế, người dân sẽ không còn nhu cầu tìm hiểu về các hành vi trái phép nữa. Chính vì thế, thông thường, việc không biết một hành động là phạm tội không được coi là lý do bào chữa. Trước đây, ngay cả khi trước khi lắp máy, chủ quán bar đã hỏi ý kiến của Chưởng lý hạt về việc liệu có được lắp máy poker không và nếu đã được tư vấn sai là có, thì sau này người phải chịu trách nhiệm vẫn là chủ quán bar. Bộ Luật Hình sự mẫu đã tách hẳn khỏi quan điểm này để bảo vệ người dân trong trường hợp họ tin tưởng một cách hợp lý vào ý kiến tư vấn của các công chức có trách nhiệm.
Giả sử sai lầm ở đây không phải là tính hợp pháp của bản thân hành vi mà là tính hợp pháp của các sự kiện dẫn tới kết luận là hành vi trái phép. Khi sai lầm này dẫn tới việc bị can không có trạng thái ý thức cần thiết để vi phạm một trong các yếu tố cấu thành tội phạm, thì bị can chưa phạm tội. Nếu Abel đang đi săn và bắn chết một người mặc áo khoác nâu vì tưởng nhầm rằng người đó là con hươu, Abel không bị coi là chủ tâm giết người vì anh ta không định giết một con người. Ở đây, mặc dù sự “tưởng” của Abel là vô lý, song anh ta không phạm một tội mà tội đó đòi hỏi phải có yếu tố ý định hoặc hiểu biết; vấn đề duy nhất ở đây là tình trạng ý thức chủ quan của anh ta. Tuy nhiên, anh này có thể bất cẩn khi nghĩ rằng người đó là con hươu và trong trường hợp này anh ta có thể bị kết tội giết người do bất cẩn. Và tính hợp lý trong việc “tưởng” của Abel rất liên quan tới việc xác định trạng thái ý thức của anh ta. Nếu Abel khai rằng anh ta tưởng nạn nhân là con hươu bởi người này mặc chiếc áo khoác màu da cam, thì chắc chắn bồi thẩm đoàn sẽ nghi ngờ về lời khai của anh ta, nhất là sau đó nạn nhân được phát hiện là kẻ thù không đội trời chung của Abel.
Khi nào có thể dùng lý do tự vệ để biện hộ?
Khi một người bị đưa ra xét xử vì một tội ác, cơ quan công tố sẽ là bên đầu tiên trình bày về vụ án từ góc độ của mình. Khi cơ quan công tố trình bày về vụ án, bị can có cơ hội tạo ra các lỗ hổng trong phần trình bày đó của bên công tố bằng cách kiểm tra chéo các nhân chứng của bên này. Bị can cũng có cơ hội trình bày câu chuyện từ góc độ của mình. Nói tóm lại, công tố nói rằng “Chính anh đã làm chuyện đó”. Còn bị can có thể trả lời theo hai cách: bằng cách nói rằng “Không!” hoặc “Đúng, nhưng..”..
Câu trả lời “Không” của bị can với bên công tố có nghĩa là bị can không thực hiện tội danh bị cáo buộc. Còn câu trả lời “Đúng, nhưng” thì lại khác. Thay vì bác bỏ cáo buộc của bên công tố, câu trả lời này cung cấp thêm một số tình tiết mới để gỡ tội cho bị can. Luật hình sự đã công nhận hai loại lý do bào chữa “Đúng, nhưng”, hoặc các lý do mà chúng ta không muốn trừng phạt một người vì đã hội tụ hai yếu tố của một tội danh: lý do biện minh và lý do bào chữa.
Luật hình sự quy định về các hành vi phạm tội bởi đó là những hành vi sai trái xét từ góc độ đạo đức và tác hại đối với xã hội. Song đôi khi, phạm tội không có vẻ là trái đạo lý bởi trong những hoàn cảnh đặc biệt, một hành động có thể bị coi là tội phạm lại là hành vi mà chúng ta sẵn sàng tha thứ hoặc thậm chí khuyến khích. Khi hoàn cảnh đó xảy ra, chúng ta nói rằng có lý do để biện minh cho hành động của bị can và bị can không phạm tội. Thông thường, sự biện minh đều liên quan tới việc phải lựa chọn một trong hai điều xấu, và khi một người chọn cái ít xấu hơn thì người đó không đáng bị trừng phạt vì sự lựa chọn này. Các lý do biện minh bao gồm tự vệ, hành động theo thẩm quyền chính thức và các tình tiết khác liên quan tới sự lựa chọn các điều sai trái.
Ở những thời điểm khác, một hành vi phạm tội là không thể biện minh, song có những điều liên quan tới vụ án khiến chúng ta cảm thấy không dễ dàng khi truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều mà can phạm làm quả là không đúng, song đã có những tình tiết đặc biệt xảy ra khiến người này không thể làm cách khác tốt hơn. Trong những trường hợp đó, can phạm có lý do bào chữa. Các lý do bào chữa bao gồm: mắc bệnh tâm thần, say xỉn hoặc bị ép buộc.
Hãy nghiên cứu hai trường hợp để hiểu thêm về các tình huống có thể dùng “tự vệ” để biện minh cho hành động: vụ án Bernhard Goetz nổi tiếng và vấn đề hội chứng phụ nữ bị bạo hành.
Bernhard Goetz là nhân vật chính của một trong những vụ án “tự vệ” nổi tiếng nhất. Vào một buổi chiều thứ bảy trước Giáng sinh, bốn thanh niên là Darryl Cabey, Troy Canty, James Ramseur và Barry AlIen lên tàu điện ngầm ở Thành phố New York. Bốn thanh niên này không phải con nhà tử tế; Ramseur và Cabey mang tuốc-nơ-vít theo người và dùng chúng để cậy các hộp đựng tiền xu trong các máy video game. Goetz lên tàu ở ga Phố 14. Nhân vật này cũng không phải tay vừa, vì ông ta mang theo người một khẩu súng lục cỡ 0,38 đã nạp đạn đựng trong bao súng ở thắt lưng mặc dù chưa có giấy phép dùng súng. Goetz đã mang súng trái phép từ 3 năm trước đó kể từ ngày ông ta bị thương trong một vụ bị cướp. Trước đó hai lần, ông ta chỉ dùng súng uy hiếp mà đã ngăn chặn thành công những kẻ định tấn công ông.
Canty và Allen tiến lại gần Goetz và nói “Cho xin 5 đô-la”. Cả Canty cũng như những người khác đều không giơ súng. Goetz nói, chỉ cần nhìn kiểu cười của Canty, ông ”biết“ hội này “định chơi tôi“. (Trích từ nội dung thú tội sau này của Goetz). Goetz biết không ai trong số thanh niên này có súng, nhưng kinh nghiệm từ lần bị cướp trước đây khiến ông ta sợ “bị thương”. Khi Canty hỏi xin tiền một lần nữa, Goetz đứng dậy, lôi súng ra và “lia súng” từ trái sang phải. Ông bảo “muốn giết chúng, làm chúng đau đớn, bắt chúng phải chịu đựng càng nhiều càng tốt”. Ông ta nhắm vào giữa ngực từng người và bắn. Darryl Cabey giả vờ không quen biết những người trong hội, đứng im bám vào tay vịn trên tầu, nhưng Goetz vẫn bắn cậu ta. Sau khi bắn, Goetz còn kiểm tra tình trạng của từng người một. Sau khi thấy Cabey có vẻ chưa bị thương nặng, Goetz nói “[Mày] có vẻ ổn nhỉ, phát nữa đây” và bắn thêm phát nữa làm gãy cột sống của Cabey. Khi thú tội, Goetz còn bổ sung thêm rằng nếu gã “tự chủ” tốt hơn, gã sẽ “ bắn vào trán của Cabey” và nếu không bị hết đạn, gã “sẽ tiếp tục bắn nữa, bắn nữa và bắn nữa”.
Goetz bị cáo buộc các tội danh âm mưu giết người, hành hung, liều lĩnh gây nguy hiểm và tàng trữ vũ khí trái phép và lý lẽ bào chữa của người này là “tự vệ” (Vụ kiện Goetz, 1986). Đầu tiên, thử xem xét một số tình tiết giả định. Giả sử, đầu tiên một thanh niên trong số họ rút súng trong túi quần ra, chĩa vào Goetz và quát “Tôi sẽ cho nổ tung đầu ông”. Goetz phản ứng nhanh bằng cách rút khẩu súng lục của mình, bắn và giết chết kẻ tấn công. Hành vi của Goetz đã hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm: ông ta đã cố tình giết một người khác. Tuy nhiên, với giả thiết này, có thể nói hành động của Goetz là biện minh được bởi rõ ràng ông ta làm như vậy là để tự vệ. Việc trao cho người dân quyền tự bảo vệ là việc làm có ý nghĩa bởi nó góp phần hạn chế tình trạng đi tàu điện ngầm bị tấn công. Đứng từ góc độ đạo đức, điều đó cũng có vẻ đúng đắn. Goetz có quyền đối với sự an toàn cá nhân của mình và khi quyền đó bị đe dọa, ông ta phải được phép bảo vệ nó. Trong trường hợp này, ông ta sắp bị đe dọa và mối đe dọa đó là nghiêm trọng, và ông ta không có sự lựa chọn hợp lý nào khác, hoặc là tự vệ hoặc là chết. Nếu nguy cơ xảy ra thiệt hại không quá nghiêm trọng (“Đưa tiền đây nếu không tôi sẽ nhổ vào giầy ông”) hoặc không mang tính tức thì (“Lần sau mà còn nhìn thấy ông trên tầu, tôi sẽ giết ông”), thì việc sử dụng vũ khí gây chết người của Goetz là hành vi không thể biện minh.
Tuy nhiên, các tình tiết trong vụ án Goetz phức tạp hơn nhiều. Đầu tiên là chuẩn mực áp dụng để đánh giá lý lẽ “tự vệ” mà Goetz sử dụng. Để “tự vệ”, Goetz phải tin rằng bốn thanh niên này sẽ tấn công mình ngay lập tức và cần phải bắn để ngăn cản điều này xảy ra. Liệu vấn đề đặt ra là niềm tin đó của Goetz hay liệu niềm tin đó có hợp lý hay không? Phải chăng, chỉ riêng ý nghĩ của Goetz về việc mình sẽ bị tấn công và cách phòng ngừa tốt nhất là nổ súng đã đủ chưa hay chúng ta còn phải thẩm định xem “niềm tin” đó có hợp lý không bằng cách giả định rằng liệu một người bình thường có nghĩ như vậy không? Nếu không, phản ứng thái quá của Goetz sẽ không thể được biện minh bởi lý lẽ “tự vệ”.
Bộ Luật Hình sự mẫu áp dụng các nguyên tắc chung của mình về trạng thái ý thức để tập trung vào vấn đề niềm tin chủ quan của người thực hiện hành vi. Nếu Goetz tin rằng mình có lý do chính đáng, và ông không chủ ý giết bốn mạng người trái phép, thì ông ta không bị coi là mắc tội chủ ý giết người. Nếu sự tin tưởng này là vô lý, ông ta có thể bị coi là phạm tội ngộ sát hoặc giết người do bất cẩn, yếu tố “ý định” – vốn là đòi hỏi đối với hầu hết các tội giết người nghiêm trọng nhất không tồn tại trong trường hợp này. Niềm tin về sự cần thiết phải tự vệ, cho dù niềm tin đó là vô lý, cũng làm cho yếu tố lỗi của Goetz giảm nhẹ.
Mặc dù vậy, luật pháp New York lại quy định khác, nó đòi hỏi niềm tin đó phải hợp lý. Nếu chuẩn mực áp dụng là chuẩn mực hoàn toàn mang tính chủ quan, thì bất cứ người nào liều lĩnh hoặc nóng nẩy đều có thể dùng lý lẽ “tự vệ” để biện hộ cho hành vi của mình trong khi một người bình thường sẽ không làm như vậy. Với quan điểm này, luật hình sự muốn hạn chế những hành động vội vàng, thiếu suy nghĩ của mọi người, vì thế luật áp dụng một chuẩn mực giống nhau cho tất cả mọi người, đó là chuẩn mực của một người bình thường. Với quan điểm đó, tòa án ủng hộ phán quyết buộc Goetz tội cố gắng giết người.
Nếu chúng ta đòi hỏi một người, khi tự vệ, phải hành động như một người bình thường, thì đặc điểm của một người bình thường là gì? Thường, chúng ta sẽ xem xét một số đặc điểm thể chất, chứ không phải tinh thần, của người thực hiện hành vi. Nếu một người bình thường có thể trạng yếu đuối tin rằng mình phải sử dụng vũ khí để chống lại kẻ tấn công khỏe hơn mình thì sự tin tưởng đó được coi là hợp lý, song không phải lúc nào một người nhút nhát cũng có thể lấy lý do “tự vệ” để bào chữa cho những hành động không dễ chịu của mình.
Trong vụ của Goetz, tính hợp lý là vấn để nổi bật nhất. Việc trước đây Goetz đã từng bị tấn công có ý nghĩa gì không? Việc Goetz da trắng còn 4 thanh niên kia là người da đen và việc hầu hết những người da trắng trong thành phố cho rằng tất cả các thiếu niên da mầu tuổi choai choai và mặt trông hơi hung tợn đều có thể là hội chuyên gây rối có ý nghĩa gì không? Bồi thẩm đoàn hiển nhiên đã nghĩ như vậy bởi họ đã phủ quyết mọi cáo buộc với Goetz trừ tội tàng trữ vũ khí trái phép – điều không thể phủ nhận trên thực tế. Có lẽ bồi thẩm đoàn cho rằng, tất cả những yếu tố được khái quát hóa nói trên chứng tỏ niềm tin của Goetz là có thể hiểu được và thậm chí còn rất điển hình. Song sự điển hình này có hợp lý không? Nếu nhiều người e sợ tội phạm, thì luật hình sự nên đi theo những niềm tin đó hay nên định hình chúng? Nếu việc người da trắng đi tàu điện ngầm sợ các thanh niên choai choai da đen, luật có nên quy định rằng việc hành động trên sự sợ hãi đó là tiêu biểu?
Lấy ví dụ về một vụ việc khác liên quan, trong đó “tự vệ” được sử dụng làm lý lẽ bào chữa. Vụ việc này liên quan tới hội chứng phụ nữ bị bạo hành. Hãy xem xét cuộc hôn nhân đầy bi kịch giữa Gladys và Ernest Kelly, được mô tả trong Vụ kiện Kelly (I984): Ngày đầu tiên sau khi cưới, Ernest đã say rượu và đánh đập Gladys.
Sau đó vài năm là quãng thời gian khá êm ả xen kẽ với những buổi Ernest thường xuyên uống say và về nhà đánh đập Gladys, thi thoảng lại dọa giết cô và chặt chân chặt tay cô nếu cô cố bỏ anh ta. Một buổi chiều, Gladys mang theo con gái là Annette đến gặp Ernest tại nhà một người bạn. Cô ta xin Ernest tiền để mua thức ăn; anh ta bảo cô đợi tới khi họ về nhà. Sau khi rời khỏi nhà người bạn, Ernest, trong tình trạng say rượu, cáu gắt nói với vợ: “Cô đến đây làm cái quái gì vậy?”. Anh ta giật váy vợ, cả hai ngã xuống, và anh ta ghè vào cổ Gladys, đấm vào mặt cô và đánh vào chân cô. Một vài người đi đường đã tách họ ra đúng lúc Gladys cảm thấy mình như sắp ngất xỉu. Vì sợ con gái là Annette bị lạc trong đám đông đứng xem xung quanh, Gladys đi tìm con. Bỗng nhiên cô nhìn thấy Ernest xông vào cô với đôi tay giơ cao. Nghĩ rằng chồng mình có vũ khí và lo sợ anh ta sẽ giết mình, Gladys lấy chiếc kéo trong chiếc xắc tay để định dọa anh ta và đuổi anh ta đi; nhưng thay vào đó cô ta lại đâm chồng mình và giết chết người này.
Ít nhất, trên đây là câu chuyện theo lời kể của Gladys. Còn phiên bản của bên công tố lại khác. Trong câu chuyện của bên công tố, Gladys là người bắt đầu cuộc ẩu đả; sau khi người qua đường tách họ ra, cô ta nói rằng sẽ giết Ernest, đuổi theo anh ta, đâm anh ta để thực hiện lời đe dọa của mình.
Để làm cho câu chuyện của mình có lỹ lẽ hơn và để bác lại lập luận của bên công tố, Gladys đã muốn tòa trưng cầu ý kiến giám định của một chuyên gia tâm lý về hội chứng phụ nữ bị bạo hành. Các chuyên gia tâm lý đã có hẳn một hồ sơ về những mối quan hệ có tính ngược đãi, trong đó tình trạng ngược đãi về thân thể và tình cảm leo thang theo thời gian xen kẽ với những giai đoạn ăn năn của người chồng. Những phụ nữ bị ngược đãi ngày càng tự ti và tin tưởng rằng chồng họ có thể ngược đãi thậm chí giết chính họ, vì thế họ không hy vọng vào việc phản kháng hoặc chạy trốn. Vấn đề trong vụ án này của Gladys là mối liên hệ giữa lời khai của chuyên gia tâm lý về hội chứng phụ nữ bị bạo hành với lý lẽ “tự vệ” mà cô này dùng để biện minh cho hành động của mình.
Để chấp nhận lý lẽ “tự vệ” mà bị can đưa ra, phải kiểm tra xem bị can có tin vào sự cần thiết phải sử dụng vũ khí khi bị tấn công không, và niềm tin đó có hợp lý không. Thoạt đầu, lời khai của một chuyên gia tâm lý về hội chứng phụ nữ bị bạo hành có thể có tác dụng xác nhận trạng thái tinh thần của Gladys khi tấn công chồng mình. Song, khi cầm kéo đâm chồng, liệu Gladys có thực sự tin rằng Ernest sẽ giết cô ta không? Lịch sử của cuộc hôn nhân bị ngược đãi của Gladys, cảm xúc của cô cũng như kiến thức về phản ứng của những người phụ nữ trong hoàn cảnh đó có thể khiến cho câu chuyện của Gladys có vẻ đáng tin. Nó cũng giúp trả lời cho câu hỏi mà bồi thẩm đoàn có thể đặt ra: tại sao bị ngược đãi như vậy mà Gladys không bỏ Ernest? Bồi thẩm đoàn có thể xem xét tính chính xác trong câu chuyện của cô và lời khai của chuyên gia tâm lý liên quan tới hội chứng phụ nữ bị bạo hành để giải thích tại sao những người phụ nữ này lại cảm thấy bất lực, không thể từ bỏ mối quan hệ đó. Hiện nay, tòa án ở hầu hết các nước đều cho phép sử dụng lời khai chuyên gia về hội chứng phụ nữ bị bạo hành theo cách này ít nhất là để khẳng định mức độ tin cậy của cái gọi là “niềm tin” của bị can.
Việc chứng minh tính hợp lý của niềm tin có vẻ gây tranh cãi nhiều hơn. Cần áp dụng chuẩn mực nào: một người bình thường hay một phụ nữ bị bạo hành tiêu biểu? Tòa án thường rất ngại đi quá xa trong việc cá thể hóa chuẩn mực tự vệ; chúng ta có thể xem xét thể trạng yếu đuối của bị can, chứ không thể đánh giá sự sợ hãi của người này. Liệu việc xem xét toàn bộ thời kỳ hôn nhân đau khổ của bị can cũng như những ảnh hưởng về tâm lý mà nó tạo ra, có phải là đi quá xa không? Làm như vậy tiềm ẩn một nguy cơ, bởi chứng cứ về sự ngược đãi có thể khiến cho bồi thẩm đoàn nhầm hướng, chỉ tập trung xem xét vấn đề người chồng có phải là người xấu, phải trả giá cho những gì anh ta làm, trong khi điều mà bồi thẩm đoàn cần quyết định là liệu niềm tin của bị can khi tự vệ có hợp lý hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đặt một người bình thường vào hoàn cảnh của bị can để đánh giá về mức độ sai trái trong hành động của người này, thì tại sao chúng ta lại không xem xét về quãng thời gian mà người đó bị ngược đãi?
Tự vệ cũng có thể được sử dụng khi phải đối mặt với tình huống sắp bị tấn công hoặc sắp bị đe dọa. Trong một số vụ án liên quan tới những phụ nữ là nạn nhân của tình trạng ngược đãi đã đặt ra câu hỏi, có nên nới lỏng yêu cầu này. Chẳng hạn, Judy Norman thường xuyên bị ngược đãi trong thời gian 25 năm kết hôn với John Norman. Anh này thường xuyên tát và đấm đá vợ, dí thuốc lá và cà phê nóng làm bỏng vợ và ném cả vỏ chai bia vào cô ta. Bản thân John không có việc làm nhưng gã lại bắt vợ đi làm mại dâm, đánh đập nếu Judy từ chối và chế nhạo cô trước mặt gia đình và bạn bè. Anh ta sẵn sàng hạ nhục vợ mình bằng cách bắt cô ăn thức ăn của chó và bắt ngủ trên sàn nhà. Mỗi lần say, John lại hành hạ vợ; còn trong những lúc không say xỉn, anh ta sẵn sàng bày tỏ sự hối hận thậm chí còn tìm tới bác sĩ trị liệu.
Một lần, John đánh đập Judy tệ đến nỗi cô phải gọi cảnh sát. Khi cảnh sát tới nơi, cô ta từ chối khiếu nại vì sợ chồng sẽ giết mình. Một giờ sau, cô ta tự tử; khi xe cứu thương đến, John yêu cầu họ để cho cô ấy chết nhưng cảnh sát đã đẩy anh ta ra. Một ngày sau khi ra viện, Judy đến một trung tâm sức khỏe tâm thần để bàn về việc tố cáo và bắt John phải thừa nhận. Khi cô đe dọa John, gã nói gã có thể “nhìn thấy họ đến” và sẽ cắt cổ vợ trước khi họ bắt hắn. Đêm đó, khi đi ngủ, John gọi vợ là chó và bắt cô ngủ trên sàn nhà. Khi gã ngủ, cô đến nhà mẹ đẻ, quay lại với khẩu súng lục và bắn 3 phát vào đầu John giết chết khi gã đang ngủ. Khi được hỏi về lý do giết chồng, Judy nói:
“Vì tôi sợ anh ta và tôi biết rằng khi ngủ dậy, mọi chuyện sẽ lại xảy ra như cũ, tôi sợ nhất là khi anh ta đưa tôi tới chỗ đỗ xe tải đêm đó, mọi sự chưa bao giờ tồi tệ như vậy. Tôi không thể chịu được nữa. Tôi chẳng có cách nào khác, ngay cả đi tù cũng được. Chẳng gì có thể tồi tệ hơn được nữa”.
Khi được hỏi liệu Judy có tin vào lời đe dọa của chồng về việc giết cô ta hay không, Judy nói: “Có. Tôi tin anh ta, anh ta chắc chắn sẽ giết tôi khi có cơ hội. Nếu anh ta biết mình không phải vào tù, chắc chắn anh ta đã làm rồi”.
Trường hợp “tự vệ” của Judy Norman không giống với bình thường. Cô không giết chồng trong tình huống nguy hiểm sắp xảy ra bởi chồng cô đang ngủ. Lẽ ra, cô ta có thể ra khỏi nhà, đến nhà bạn, đồn cảnh sát hoặc tìm một chỗ trú chân. Vậy cô ta có thể dùng hội chứng phụ nữ bị bạo hành làm lý do biện minh cho hành động này hay không?
Thông thường, khi một nguy hiểm sắp xảy ra, “tự vệ” có thể là lý lẽ biện minh. Nguyên tắc này bảo vệ cho cả thủ phạm bạo hành lẫn nạn nhân, vì nó khuyến khích nạn nhân chạy trốn, nếu có thể, để cả mình và thủ phạm bạo hành không bị giết một cách không mong muốn. Nếu có thể chạy trốn, nạn nhân phải làm như vậy. Về mặt đạo đức nạn nhân chỉ vô tội khi không thể chạy trốn và giết người để tự vệ trong tình huống khẩn cấp. Mặc dù vậy, với hội chứng phụ nữ bị bạo hành, hành vi của nạn nhân được diễn giải theo cách mới. Ngay cả khi thực tế cho thấy bị can có thể chạt trốn, song vì “tình trạng bất lực” của mình mà nạn nhân đã biết, về mặt tâm lý cô không thể trốn chạy. Nếu yêu cầu người này phải đợi cho tới khi chồng cô ta sắp giết cô ta mới được tự vệ, thì khi đó sẽ là quá muộn, bởi rõ ràng về mặt hình thể, trọng lượng và tâm lý, gã ta đều lấn át vợ. Vì thế, các lựa chọn duy nhất của nạn nhân là: giết chồng trước khi gã có thể hành động, tự tử hoặc đợi đến khi bị chồng giết.
Quan điểm của các tòa về vấn đề này không giống nhau. Trong Vụ kiện Norman (1989), Tòa án Tối cao Bắc Carolina đã đề phòng tình trạng sử dụng “tự vệ” làm lý do gỡ tội. Vì thế, trong bất cứ vụ án nào liên quan tới phụ nữ bị bạo hành, có thể kết hợp lời khai của người vợ liên quan tới nỗi sợ chủ quan bị chồng mình giết hại với lời của một chuyên gia về hội chứng để giải tội cho người vợ. Theo cách nói của tòa, “Trợ giúp giết người sau này có thể trở thành một giải pháp hợp pháp và có thể là giải pháp tốt nhất và có hiệu quả nhất đối với vấn đề này”.
Hành vi phạm tội của một người còn được biện minh trong những trường hợp nào nữa?
Có hai tình huống mà hành động phạm tội của một người có thể được biện minh. Tình huống thứ nhất khá phổ biến. Nếu một cảnh sát xông vào bắt một tên cướp ngân hàng đang chạy trốn, nhân viên cảnh sát có bị coi là phạm tội hành hung? Tất nhiên là không. Việc thực thi các thẩm quyền mà nhà nước giao phó có thể hợp thức hóa bất cứ một hành động nào thông thường vốn bị coi là phạm tội. Giả sử, nhân viên cảnh sát này không tóm được tên cướp và thay vào đó hét lên: “Chặn người đàn ông đó lại!”. Nếu một công dân đứng gần đó, nghe thấy vậy và xông vào chặn tên cướp, người này có bị coi là phạm tội hành hung không? Một lần nữa, câu trả lời lại là không. Hỗ trợ cảnh sát là việc làm được khuyến khích và chắc chắn không phải là hành vi sai trái, vì thế công dân này có lý lẽ để biện minh cho hành động của mình. Thế nếu, một người bình thường chủ động ra tay khi không có mặt cảnh sát thì sao? Trong trường hợp này, rủi ro đối với người đó sẽ cao hơn; ở một số quốc gia ngay cả niềm tin hợp lý cũng không thể biện hộ cho người đó nếu người bị chặn lại thực sự không phạm tội. Giả sử, nếu người đang chạy trốn đó không phải là một tên cướp ngân hàng mà chỉ là khách hàng bình thường, sau khi rút một bao tải tiền ở ngân hàng, vội vàng chạy nhanh vì sợ bị cướp, thì sao? Khi đó, hành động của viên cảnh sát có thể được bảo vệ vì anh ta đã tin tưởng một cách hợp lý rằng người mà mình tấn công là một tên cướp nhà băng, song ở một số quốc gia, hành động của một công dân bình thường sẽ không được bảo vệ. Giả thiết cuối cùng, liệu viên cảnh sát đó có thể bắn tên cướp đang chạy trốn không? Rõ ràng tên cướp đã phạm một tội nghiêm trọng, song điều đó có cho phép việc sử dụng vũ khí gây chết người không? Trước kia, các hành vi sử dụng vũ khí gây chết người của cảnh sát đối với người đang chạy trốn như tình huống nói trên có thể được biện minh, song gần đây, lý do gỡ tội này đã bị hạn chế sử dụng ở hầu hết các bang. Nếu tên tội phạm dùng vũ khí để chống trả cảnh sát, thì cảnh sát có thể sử dụng vũ khí để đáp trả. Mặc dù vậy, nếu tên tội phạm chỉ đơn thuần chạy trốn, và nếu viên cảnh sát tin tưởng một cách hợp lý rằng cần phải bắt một người đang đe dọa tính mạng hoặc có nguy cơ gây sát thương nghiêm trọng, thì trong trường hợp đó, viên cảnh sát có thể dùng súng. Vì thế, cảnh sát có thể bắn một tên cướp ngân hàng có vũ trang, nhưng không được bắn một tên trộm khi hắn đang lừa đảo để nhân viên thu ngân đưa tiền cho hắn.
Tình huống thứ hai ít xảy ra hơn nhưng lại giúp chúng ta hiểu được giới hạn của luật hình sự. Tự vệ và thực thi thẩm quyền hành pháp là hai lý do gỡ tội vì người thực hiện các hành động này chọn hành động gây hại ít hơn. Giết kẻ tấn công mình rõ ràng là không tốt, song điều đó còn tốt hơn để hắn giết mình. Có một nguyên tắc chung gọi là Lựa chọn làm điều ác hay là trạng thái bị bắt buộc (dùng để giải thích cho các loại hành vi khác. Vấn đề này được đặt ra tại một trong các vụ án hình sự nổi tiếng nhất, vụ Regina kiện Dudley và Stephens.
Tháng 7 năm 1884, Dudley, Stephens, Brooks và Parker là bốn người đi trên một chiếc thuyền buồm của Anh, gặp bão và buộc phải rời tàu trên một chiếc thuyền nhỏ không có nước ngọt và thức ăn ngoài 1kg củ cải. Dudley, Stephens và Brooks là dân đi biển; Parker là cậu bé phụ trách buồng lái. Trong 3 ngày họ chỉ có củ cải để ăn. Ngày thứ 4 họ bắt được con rùa nhỏ. Họ không có nước ngọt để uống trừ chỗ nước mưa hứng bằng áo mưa. Đến ngày thứ 18, họ đã phải nhịn đói 7 ngày và không có nước uống 5 ngày. Khi đó Dudley và Stephens đề xuất với Brooks rằng một trong số họ có nghĩa là Parker – phải hy sinh để cứu những người còn lại. Brooks không đồng ý, nhưng ngày hôm sau, Dudley và Stephens, sau khi cầu nguyện xin tha thứ, đã nói với Parker rằng đã đến lúc cậu phải chết và cắt cổ cậu này. Ba người còn lại sống bằng máu và thịt của Parker trong bốn ngày cho đến khi họ được một chiếc tàu thủy cứu trong tình trạng thoi thóp. Khi họ đến cảng, Dudley và Stephens đã bị xét xử vì tội giết Parker. Nếu họ không giết Parker, có lẽ họ đã không sống nổi tới khi được cứu, và Parker có thể thậm chí còn chết trước họ lúc đó bởi cậu là người yếu nhất. Trong bối cảnh bắt buộc này, liệu tội danh giết người của Dudley và Stephens có thể được biện minh?
Tòa án quyết định là không. Thứ nhất, việc duy trì sự sống là quan trọng nhưng không phải tối thượng:
Nói chung, duy trì sự sống là một nhiệm vụ song có lẽ nhiệm vụ cao cả nhất và đơn giản nhất là phải biết hy sinh cuộc sống đó. Chiến tranh đầy rẫy những trường hợp mà nhiệm vụ của một con người là phải hy sinh chứ không phải sống. Trong trường hợp đắm tàu, thuyền trưởng có trách nhiệm đối với các thuyền viên, các thuyền viên có trách nhiệm đối với hành khách, tất cả các nhiệm vụ này tạo nên sự cần thiết về mặt đạo đức cho con người. Sự cần thiết ở đây không phải là cần sống mà cần hy sinh tính mạng của mình vì người khác, đó là điều mà người ta hy vọng, nhất là ở Anh, ai cũng sẽ dũng cảm làm.
Thứ hai, việc hình thành nguyên tắc cần thiết có thể sẽ làm phát sinh hàng loạt các vấn đề:
Không cần phải chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn của việc chấp nhận nguyên tắc về sự cần thiết. Ai là sẽ là người quyết định sự cần thiết? Giá trị của cuộc sống vốn dĩ mang tính tương đối sẽ được đánh giá bằng cách nào? Đó sẽ là giá trị sức khỏe, giá trị tư duy hay là gì? Đơn giản nhất là để cho chính người được hưởng lợi từ giá trị đó quyết định về sự cần thiết để bào chữa cho việc anh ta chủ ý lấy đi cuộc sống của người khác để cứu tính mạng của bản thân mình.
Đây có phải là sự kỳ vọng thái quá đối với Dudley và Stephens? Tòa án cho rằng, không hề thái quá ”Chúng ta thường bị buộc phải xây dựng những chuẩn mực mà bản thân chúng ta không với tới, và đặt ra những quy định mà bản thân ta cũng không thể thực thi”. Vì thế, ngay cả khi không một người bình thường nào có thể cố để không thực hiện hành vi giống như các bị can kia đã làm, song luật pháp vẫn yêu cầu họ phải cố không làm điều đó.
Một số quốc gia lại không đi theo nguyên tắc mà tòa áp dụng trong Vụ Regina kiện Dudley và Stephens, cho phép áp dụng lý lẽ gỡ tội dựa trên sự lựa chọn cái ít xấu hơn “khi thiệt hại tránh được còn lớn hơn cả thiệt hại mà luật pháp nhắm tới khi định nghĩa tội danh bị cáo buộc“ (Bộ Luật Hình sự mẫu), hoặc khi một hành động là cần thiết để “tránh một tổn hại sắp xảy đến cho một người hoặc cho cộng đồng, mà tổn hại đó có ý nghĩa quan trọng tới mức, theo các chuẩn mực đạo đức và hiểu biết thông thường, sự cần thiết và mong muốn ngăn chặn tổn hại này còn lớn hơn cả mong muốn ngăn chặn tổn hại mà luật pháp nhắm tới khi xác định tội danh nói đến“ (Luật New York). Các chuẩn mực này trao thẩm quyền quyết định cuối cùng về sự cần thiết hành động cho tòa án, chứ không phải người thực hiện hành động, và mức nghiêm trọng tương ứng giữa các thiệt hại. Ngay cả khi Dudley và Stephens tin tưởng rằng việc họ ăn thịt Parker là cần thiết và không sai trái, thì sau này tòa hoàn toàn có thể bác bỏ lý lẽ gỡ tội đó, nếu tòa thấy rằng cơ hội họ được cứu kịp thời tương đối lớn hoặc với tư cách là thủy thủ họ có nghĩa vụ lớn hơn.
Trong nhiều trường hợp khác, người phạm tội cũng trình bày lập luận gỡ tội liên quan tới sự lựa chọn điều ít tệ hại hơn. Ngày 29 tháng 7 năm 1994, mục sư và là nhân vật quá khích chuyên phản đối nạo phá thai Paul Hill đã bắn chết bác sĩ John Bayard Britton, một bác sĩ sản khoa, cùng cận vệ của ông này. Sau khi bị bắt, Hill nói với cảnh sát: “Tôi biết một điều là ngày hôm nay sẽ không còn đứa trẻ vô tội nào bị giết tại phòng khám đó nữa”. Hill có được phép dùng lập luận đó để biện minh cho hành vi giết người của mình tại phiên tòa không? Thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử vụ của Hill nói là không; vấn đề không cần phải bàn cãi nữa vì nạo thai đã được coi là hợp pháp. Hill bị buộc tội và kết án tử hình bằng tiêm thuốc độc, song vẫn ngoan cố tới thời điểm cuối cùng; ngay cả trong phòng hành quyết ông ta vẫn còn tuyên bố: “Nếu anh cho rằng nạo thai là hành động giết người, anh phải phản đối điều đó và làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn nó”.
Ta hãy xem xét những tranh cãi xung quanh chương trình “tăng cường thẩm vấn” tù nhân của chính quyền Bush áp dụng tại nhà tù Guantanamo và các nơi khác. Tra tấn là một tội danh theo luật liên bang. Nếu tra tấn bằng cách dội nước và các phương pháp tra tấn khắc nghiệt khác được áp dụng, thì các đặc vụ tham gia có bị truy tố không? Trong một biên bản ghi nhớ nổi tiếng vào tháng 8 năm 2002, Văn phòng Tham mưu Pháp luật của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tra tấn là chính đáng để ngăn chặn các âm mưu khủng bố đối với Hoa Kỳ. (Các tác giả của bản ghi nhớ này cũng đã rất sáng tạo khi lập luận rằng tra tấn được hiểu như một hành động tự vệ của một quốc gia trước nguy cơ khủng bố). Sau đó, Bộ Tư pháp đã phải rút lại bản ghi nhớ này và cho tới nay vấn đề này chưa từng được đặt ra bởi không ai trong số tác giả bị truy tố.
Các vụ án như thế này làm dấy lên những vấn đề bức xúc nhất về trách nhiệm hình sự và về mục đích của luật hình sự. Trong một số trường hợp, pháp luật có thể ngăn chặn và làm nhụt chí những người phản đối việc phá thai, để họ không thực hiện các hành vi bất hợp pháp. Thế nhưng, trong những tình huống cực đoan, liệu điều đó có thực tế? Liệu Dudley và Stephens có dám hy sinh tính mạng của mình và không ăn thịt Parker vì sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc vì tòa án đã quy định đó là việc làm sai trái? Có lẽ là không. Pháp luật dường như cũng nhận ra những giới hạn đó. Dudley và Stephens đã bị kết án tử hình, nhưng sau đó mức án được giảm xuống sáu tháng tù. Một trong những chức năng quan trọng của luật hình sự là tuyên bố cái gì đúng và cái gì sai để phát triển và củng cố tư tưởng đạo đức của người dân, và những vụ án này có thể phục vụ cho mục đích đó tốt hơn bất cứ điều gì khác.
Tại sao tội phạm được phép lấy cớ bị bệnh tâm thần để bào chữa?
Lời bào chữa vì lý do tâm thần là một phần của luật hình sự trong nhiều thế kỉ, và một giả thiết kinh điển giải thích ý nghĩa của lời bào chữa này là: một người đàn ông bị mất trí đã bóp cổ vợ mình, và lúc nào anh ta cũng nghĩa rằng anh ta đang bóp một quả chanh. Làm sao một người thậm chí không hiểu bản chất vật lý trong hành động của mình lại phải chịu trách nhiệm hình sự cho việc làm đó?
Dù vậy, trong những năm gần đây, lời bào chữa vì lý do tâm thần đã gây rất nhiều tranh cãi khi ngày càng được sử dụng rộng rãi ở các vụ án nổi bật, thường là các vụ án kì lạ. John W. Hinckley Jr., người đã bắn và làm bị thương Tổng thống Ronald Regan và ba người khác trong một vụ ám sát, đã được tuyên vô tội nhờ lý do bị bệnh tâm thần. Andrea Yates dìm chết năm người con của mình từ 6 tháng đến 7 tuổi trong bồn tắm ở nhà đã được tòa phúc thẩm lật lại bản án sơ thẩm bằng cách tuyên bố cô này vô tội vì bị bệnh tâm thần, do cô phải chịu hội chứng rối loạn tâm thần hậu sản và mất trí nghiêm trọng, tình trạng này khiến cô ta tin rằng mình đang cứu con khỏi địa ngục. Còn John DuPont, một triệu phú lập dị từng tuyên bố mình là Đạt Lai Lạt Ma, là Giê-xu và là hậu duệ cuối cùng của triều đại Romanovs, đã bắn Dave Schultz, một đô vật ở thế vận hội Olympic và thành viên trong đội đô vật cá nhân của DuPont, cũng bị tuyên có tội nhưng mắc bệnh tâm thần. Vậy hệ thống pháp luật hình sự nên làm gì với những người phạm tội nghiêm trọng khi bị bệnh tâm thần?
Sức khỏe tâm thần của bị cáo được xét tới vì một số mục đích. Trước tiên, người bị bệnh tâm thần và được nhận thấy là có nhiều nguy cơ gây thương tích cho bản thân hoặc người khác có thể bị buộc đưa vào cơ sở điều trị tâm thần trong thủ tục phi hình sự gọi là tống giam dân sự. Người bị tống giam dân sự không bị coi là phạm tội hình sự (thực ra, bệnh tâm thần có thể bao gồm cả hành vi phi hình sự) và có thể chỉ bị giam giữ chừng nào bệnh tâm thần của họ vẫn tiếp tục gây đe dọa.
Thứ hai, bị cáo bị bệnh tâm thần vào thời điểm xét xử có thể được tuyên là không đủ năng lực tham dự phiên toà. Ở đây, vấn đề về bệnh tâm thần không liên quan tới tội phạm. Thay vào đó, câu hỏi là bị cáo có thể hiểu được các cáo buộc chống lại họ và tham gia bào chữa hay không. Vì khi không hiểu được điều gì đang xảy ra hoặc không thể hỗ trợ luật sư đưa ra lời bào chữa thì bị cáo đã bị tước đi quyền theo Hiến pháp về thủ tục luật pháp phải theo để xét xử họ. Khi một người bị tuyên là không đủ năng lực tham dự phiên toà, bang phải quyết định xem sau này họ có thể đủ năng lực hay không và sẽ tiến hành điều trị cho họ hoặc thực hiện thủ tục tống giam dân sự đối với họ.
Thứ ba, ở đầu kia của quy trình, bị cáo bị kết án tử hình có thể sẽ không bị xử tử nếu anh ta không đủ năng lực tâm thần. Thông thường, tòa án sẽ không cho phép xử tử người không thể hiểu được rằng anh ta đã bị kết án và bị tuyên tử hình, và quyết định của Tòa Tối cao rằng việc xử tử người mất trí là vi phạm điều cấm các “hình phạt tàn nhẫn và bất thường“ trong Tu chính án thứ 8. Rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích quan điểm này, nhưng tựu chung lại, chúng thể hiện niềm tin rằng việc tuyên án tử hình với những người không thể nhận thức được tại sao mình bị như vậy, không phải là công bằng, thậm chí vô nhân đạo. Tuy nhiên, thiên hướng nhân đạo này lại tạo ra điều bất thường. Tử tù bị bệnh tâm thần sẽ được chữa trị để phục hồi năng lực tâm thần và tới lúc đó anh ta sẽ bị xử tử.
Lời bào chữa vì lý do tâm thần khác với tống giam dân sự, khác với tình trạng không đủ năng lực tham dự phiên tòa hoặc không đủ năng lực để bị xử tử. Bệnh tâm thần trong luật hình sự là một lý do bào chữa. Khi một người cố ý vi phạm một hành vi bị cấm theo luật hình sự – ví dụ, cố ý ám sát tổng thống, anh ta đã có đầy đủ mọi yếu tố cấu thành tội phạm: nổ súng vào tổng thống, ý thức được việc mình đang làm và rằng việc này có thể khiến tổng thống chết. Tuy nhiên, luật sư của anh ta lập luận rằng anh ta không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình vì anh ta bị tâm thần vào thời điểm phạm tội. Nếu lập luận của họ thành công, như lập luận trong vụ của John Hinckley, anh ta sẽ không bị kết án và không thể bị trừng phạt, dù anh ta bị giam giữ để đánh giá tâm thần và chỉ được thả nếu được nhận thấy là không thể tiếp tục gây đe doạ nữa thủ tục này có thể khiến bị cáo bị giam giữ vì bệnh tâm thần trong nhiều năm.
Tại sao tội phạm được phép thoát tội vì bị bệnh tâm thần? Hãy nghĩ về mục đích của luật hình sự và hình phạt hình sự. Mục tiêu chính của luật hình sự là trừng phạt, kết tội về mặt đạo đức và trừng phạt những người thực hiện các hành vi sai trái nghiêm trọng. Lý lẽ bào chữa dựa trên bệnh tâm thần phân biệt giữa người chịu trách nhiệm về hành vi của mình và người không chịu trách nhiệm đó. Theo cách nói thông thường, lời bào chữa vì lý do tâm thần phân biệt “người điên với kẻ xấu, người bị bệnh với kẻ độc ác”. Người thực hiện hành vi trong tình trạng tâm thần không khỏe mạnh không đáng bị kết án hay trừng phạt theo quy định thông thường của luật hình sự. Người phạm tội cần được điều trị hoặc thậm chí giam giữ nếu không thể điều trị, nhưng với tư cách người bệnh, chứ không phải tội phạm.
Luật hình sự còn có mục đích là ngăn chặn tội phạm và làm mất năng lực của người phạm tội. Người bị tâm thần, theo đúng định nghĩa của luật, thường không tính toán được hậu quả mà hành động của mình gây ra nên hình phạt không có tác dụng răn đe. Ngoài ra, sau khi được tuyên vô tội với lý do bị bệnh tâm thần, vì người phạm tội sẽ phải điều trị cho đến khi họ không còn tiếp tục gây đe doạ nữa, nên họ đã bị mất năng lực và bị ngăn chặn không thể tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội khác, ở mức độ cần thiết.
Dù lời khai y khoa trước tòa là cần thiết để thành lập bệnh tâm thần, nhưng đây là khái niệm pháp lý chứ không phải khái niệm y khoa. Theo mục đích và theo nguyên tắc của luật hình sự, vấn đề bệnh tâm thần được đặt ra để xem xét xem bị cáo có tình trạng tâm thần phù hợp để chịu trách nhiệm hình sự cho hành động của mình hay không. Trong hầu hết các vụ việc sử dụng bệnh tâm thần làm lý do bào chữa, tình trạng tâm thần của bị cáo đều được xác định cùng với hành vi phạm tội, song nó mờ mịt đến độ việc bắt anh ta chịu trách nhiệm hình sự cho hành động đó là thiếu thận trọng. Dần dần, nhất là từ sau phán quyết đối với Hinckley, định nghĩa được sử dụng để xác định bệnh tâm thần theo pháp lý đã thay đổi. Câu hỏi cơ bản là ta có thể xây dựng một bài kiểm tra bệnh tâm thần mà thoả mãn các mục đích và nguyên tắc này, đồng thời làm nó hài hòa với hiểu biết của ta về bệnh tâm thần và tác động của nó lên hành vi hay không.
Vụ án lớn đầu tiên liên quan tới bệnh tâm thần là vụ án của M’Naghten, đây là phán quyết của Anh từ năm 1843. Daniel M’Naghten đã bắn chết Edward Drummond, thư kí riêng của Tổng thống Robert Peel. M’Naghten bị hoang tưởng rằng Tổng thống Peel đang âm mưu giết ông ta nên ông ta đã bắn Drummond bất hạnh (người đang mặc áo khoác của Peel) vì nghĩ rằng mình đang bắn Peel. Bồi thẩm đoàn tuyên trắng án cho M’Naghten vì chứng hoang tưởng của ông ta (ngày nay, tình trạng này được mô tả là sản phẩm của chứng rối loạn tinh thần hoang tưởng), và kết quả là phán quyết dành cho Hinckley đã gây ra sự hỗn loạn lớn. Thượng viện đã tranh luận về vấn đề này và tìm ý kiến cố vấn của thẩm phán Tòa Tối cao. Ý kiến cố vấn đã tóm lại điều mà được gọi là quy tắc M’Naghten:
[Đ]ể thành lập lời bào chữa trên cơ sở bệnh tâm thần, phải chứng minh rõ ràng rằng, vào thời điểm thực hiện hành động đó, người bị buộc tội đang hành động trong tình trạng thiếu minh mẫn do bệnh tâm thần nên không biết bản chất và đặc tính của hành động mà mình đang gây ra, hoặc nếu anh ta có biết, anh ta cũng không biết việc mình đang làm là sai.
Quy tắc M’Naghten được áp dụng rộng rãi và có hiệu lực ở hầu hết các thẩm quyền xét xử của Mỹ dù ở hình thức này hay hình thức khác. Quy tắc này tập trung vào nhận thức: khả năng biết, hiểu và suy nghĩ về hành động của một người. Yêu cầu bước đầu là bị cáo phải bị bệnh hoặc khiếm khuyết tâm thần dù ta hiếm khi có thể định nghĩa được dạng bệnh nào là đủ. Vì bệnh này, bị cáo phải ở trong tình trạng không thể hiểu được bản chất của hành động hoặc không hiểu rằng hành động đó là sai. Họ có thể hiểu được vấn đề có tính trí tuệ hoặc có nhận thức sâu hơn về nó; họ biết giết người là sai, theo nghĩa là có thể kể lại thực tế đó, nhưng vẫn thiếu nhận thức cảm xúc về sự sai trái của việc giết người. Tòa thường không thể hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn xem nó mang ý nghĩa nào trong các ý nghĩa này, dù luật liên bang hiện đại yêu cầu rằng bị cáo phải “không thể nhận thức được” bản chất hành động của mình.
Tương tự, việc không hiểu “bản chất và đặc tính” của hành động hoặc không hiểu rằng hành động đó là sai cũng có nhiều định nghĩa khác nhau. Thông thường, bản chất và đặc tính thường được dùng để chỉ hậu quả vật lý của hành động – rằng bị cáo đang bóp cổ một con người chứ không phải vắt chanh và việc bóp cổ sẽ khiến người đó chết. Còn sai ở đây có thể là sai về mặt pháp lý hoặc sai về mặt đạo đức.
Quy tắc M’Naghten có ý nghĩa nếu xét về mục đích của luật hình sự. Nếu một người không hiểu họ đang làm gì hoặc không biết rằng làm thế là sai thì ta không thể ngăn họ làm việc đó và, vì thế họ không có tội xét về mặt đạo đức. Nhưng chuyên gia sức khoẻ tâm thần phàn nàn rằng nó dựa trên quan niệm lỗi thời về các tiến trình của trí tuệ và tập trung vào khiếm khuyết về mặt nhận thức trong khi bệnh lý học tâm thần thường ảnh hưởng tới toàn bộ nhân cách của con người.
Quy tắc M’Naghten bị hạn chế ở một khía cạnh quan trọng. Giả sử John Hinckley biết rằng bắn Ronald Regan sẽ giết chết ông ta, và thế là sai về luật pháp và đạo đức, nhưng tiếng nói trong đầu Hinckley ra lệnh cho ông ta bắn và ông ta không thể cưỡng lại mệnh lệnh đó do bị bệnh tâm thần. Theo quy tắc M’Naghten, Hinckley sẽ không được tha thứ vì ông ta hiểu bản chất và sự sai trái trong hành động của mình. Trước sự hạn chế này, một số bang đã áp dụng phép thử sự thôi thúc không thể cưỡng lại để bổ sung cho quy tắc. Nếu bị cáo không thể kiểm soát hành vi của mình do bị bệnh tâm thần thì họ không thể bị ngăn chặn và không có tội, nên họ sẽ được tuyên vô tội do bị tâm thần.
Phép thử sự thôi thúc không thể cưỡng lại không được áp dụng rộng rãi vì hai lý do chính. Thứ nhất, nó nỗ lực vẽ ra một ranh giới rất khó để vẽ ra – ranh giới giữa sự thôi thúc không thể cưỡng lại và đã không cưỡng lại được. Thứ hai, có thể ta sẽ không muốn vẽ ra ranh giới này, mà chỉ cần một hình phạt có tác động răn đe quan trọng để làm nhụt chí của người phải chịu sự thôi thúc này.
Đối thủ chính của quy tắc M’Naghten là Bộ Luật Hình sự mẫu. Bộ Luật Hình sự mẫu sửa lại quy tắc M’Naghten và phép thử sự thôi thúc không thể cưỡng lại để chấp nhận chứng cứ rộng hơn về tác động của bệnh tâm thần lên hành vi:
Một người không phải chịu trách nhiệm cho hành vi hình sự nếu vào thời điểm thực hiện hành vi đó, do tác động của bệnh hay khiếm khuyết tâm thần, anh ta thiếu năng lực quan trọng để nhận thức về sự phạm tội [sự sai trái] trong việc làm của mình hoặc để hành động theo yêu cầu của luật pháp.
Bộ Luật Hình sự mẫu bổ sung nhận thức về tầm quan trọng của ý chí (khả năng kiểm soát hành vi của một người) nêu trong phép thử trên cho sự tập trung vào nhận thức (hiểu biết về hành vi của một người) trong quy tắc M’Naghten. Nó cũng áp dụng cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với vai trò của bệnh tâm thần, cho phép tha thứ khi bệnh tâm thần khiến bị cáo thiếu năng lực quan trọng chứ không phải thiếu toàn bộ hiểu biết về bản chất hay sự sai trái của hành động hay thiếu mọi sự kiểm soát đối với sự thôi thúc bên trong anh ta.
Bộ Luật Hình sự mẫu cũng định nghĩa “bệnh hay khiếm khuyết tâm thần” để loại trừ “sự bất thường chỉ được biểu hiện ở tội phạm phạm tội nhiều lần hoặc các hành vi phản xã hội khác”. Theo quy tắc này, những người bị rối loạn nhân cách mà mắc bệnh khiến họ thực hiện tội ác khủng khiếp – như Jeffrey Dahmer, kẻ giết người hàng loạt sau đó ướp lạnh và ăn các phần cơ thể của nạn nhân – không thể được tha bổng vì bị tâm thần. Điều khoản này được áp dụng để ngăn không cho lý do bào chữa dựa trên bệnh tâm thần lấn át khái niệm phạm tội. Kẻ phạm tội nhiều lần có thể khẳng định rằng anh ta thiếu năng lực quan trọng để hành động theo yêu cầu của luật pháp hay không, nếu xét chứng cứ là thực tế anh ta vẫn tiếp tục phạm tội? Tuy vậy, điều khoản Bộ Luật Hình sự mẫu bị chỉ trích vì người rối loạn nhân cách thực sự thật ra không có tội, cho phép anh ta bào chữa cũng chẳng mất gì vì đó thường là triệu chứng bệnh hơn là tội phạm.
Bộ Luật Hình sự mẫu từng có ảnh hưởng rất lớn và được áp dụng ở một số số bang, cho đến vụ Hinckley. Vụ Hinckley khuyến khích kiểm tra lại lời bào chữa vì lý do tâm thần. Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ và Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ khuyến nghị thu hẹp phạm vi lời bào chữa này, còn Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ yêu cầu loại bỏ nó hoàn toàn. Chỉ trong vài năm, Quốc hội và hơn nửa số bang đã thay đổi quan điểm của mình về lời bào chữa vì lý do tâm thần, trong đó hầu hết đều thiên về áp dụng quy tắc M’Naghten còn một số ít loại bỏ hoàn toàn việc áp dụng lời bào chữa này.
Việc có hay không đưa ra phán quyết vô tội vì lý do bị bệnh tâm thần là vấn đề rất rắc rối nên tòa án và cơ quan lập pháp đã áp dụng hai bước để bổ sung thêm. Một vấn đề là một bị cáo rõ ràng đã phạm tội nghiêm trọng vẫn có thể được tuyên vô tội vì bị tâm thần, được tạm giữ để đánh giá và điều trị tâm lý, rồi sau đó được thả trong vòng một thời gian rất ngắn sau khi xét xử. Michigan là bang đầu tiên có phản hồi bằng cách áp dụng một phương án trung lập: phán quyết có tội nhưng bị tâm thần, là phán quyết của bồi thẩm đoàn về việc bị cáo bị tâm thần vào thời điểm phạm tội, dù không bị mất trí nếu xét theo luật. Tác động của phán quyết này là bị cáo bị tuyên có tội, không được tha bổng, nên thẩm phán có thể tuyên tống giam bị cáo. Tuy nhiên, đạo luật này quy định rằng trong thời gian ngồi tù, bị cáo sẽ được điều trị thích đáng bệnh tâm thần.
Phán quyết có tội nhưng bị bệnh tâm thần gây rất nhiều tranh cãi. Khoảng 15 bang đã áp dụng phán quyết này. Các luật sư bào chữa và một số chuyên gia về sức khoẻ tâm thần chỉ trích lý do gỡ tội này vì, theo họ, chúng giúp bồi thẩm đoàn thoát một cách dễ dàng khỏi các vụ án khó. Có thể bị cáo thực sự đáp ứng phép thử về bệnh tâm thần và từ đó không phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình theo tiêu chuẩn của luật hình sự, nhưng bồi thẩm đoàn vẫn e ngại rằng tội phạm nguy hiểm sẽ được thả nếu không được tuyên có tội. Có những người cho rằng những tù nhân bị bệnh tâm thần sẽ được hệ thống nhà tù đối xử khác so với tù nhân bị kết án đơn thuần, điều này cũng là ảo tưởng. Thông thường, luật không đặt ta yêu cầu nào về cái gọi là điều trị thích hợp, và tội phạm thường không nhận được gì ngoài các loại thuốc dành cho mọi tù nhân khác.
Một vấn đề khác của lời bào chữa vì lý do tâm thần là lý lẽ này là để dành riêng cho những dạng tâm thần bất thường nghiêm trọng nhất. Nhiều tội phạm bị bệnh tâm thần ở mức độ nào đó nhưng chưa tới mức không thể phân biệt được đúng sai hoặc không thể kiểm soát đáng kể hành vi của mình. Vậy ta có nên xét tới mức độ của bệnh tâm thần hay sự khiếm khuyết này? Và nếu sẵn sàng xét đến nó thì ta có nên cho phép đưa ra lời khai của chuyên gia về tình trạng tâm thần của bị cáo, không phải để có lý do gỡ tội mà chỉ gợi ý rằng bị cáo sẽ chịu trách nhiệm ít hơn cho hành vi của mình hay không?
Từ trước đến nay, vấn đề này vẫn gây nhiều tranh cãi, nhưng tòa án và cơ quan lập pháp đã nỗ lực đưa ra một số giải pháp. Đầu tiên, tòa án có thể chưa xem xét tới chứng cứ về tình trạng tâm thần của bị cáo trong quá trình luận tội, để đến khi tuyên án mới xem xét. Nếu thẩm phán có thể tự quyết khi kết án, trạng thái tâm thần của bị cáo sẽ là tình tiết giảm nhẹ bản án khắc nghiệt cho bị cáo, khiến anh ta phải chịu trách nhiệm nhưng ở mức độ ít hơn người bình thường.
Thứ hai, tình trạng tâm thần của bị cáo có thể được xem xét để phủ nhận một trong các yếu tố tâm thần cần thiết của tội danh. Đặc biệt, điều này áp dụng cho các yếu tố tâm thần đòi hỏi dự định cụ thể, chẳng hạn ý đồ giết người là yếu tố tâm thần cần thiết đối với tội cố sát cấp độ một, nhưng một số thẩm quyền xét xử áp dụng nó rộng hơn cho mọi loại tội phạm. Nếu bị cáo biết là anh ta đang giết người nhưng thiếu năng lực tâm thần để lên kế hoạch phạm tội, anh ta sẽ vẫn phạm tội giết người nhưng ở mức độ nhẹ hơn, như tội ngộ sát thay vì tội cố sát. Một mặt, lý lẽ bào chữa dựa trên năng lực bị suy yếu cho phép bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết phù hợp với đặc điểm cá nhân của từng tội phạm trong từng vụ cụ thể. Mặt khác, nó đẩy họ vào mê cung rối bời của các lời khai về tâm lý. Thêm một lần nữa, các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần sẽ rất khó phân biệt hành vi “bình thường” và “bất thường” và bồi thẩm đoàn thường bối rối trước các lời khai này hơn là được chúng trợ giúp.
Còn các lời bào chữa nào nữa?
Để hoàn tất phần tìm hiểu về các lý do gỡ tội, ta hãy xét đến 2 lý do bào chữa nữa là phạm tội khi say xỉn và phạm tội khi bị trấn áp. Say xỉn giống như tình trạng mất trí tạm thời, nhưng nó có được sử dụng để bào chữa hay không? Trong nhiều vụ án thì có thể. Giả sử Doc Holiday bị buộc tội cố sát cấp độ một vì đã bắn Billy Clanton. Ở phiên toà, Doc khai rằng ông ta có mặt vào thời điểm nổ súng và muốn giết Billy nhưng ông ta say đến nỗi không thể rút súng ra khỏi bao nên ông ta không phạm tội. Nếu bồi thẩm đoàn tin câu chuyện của Doc thì rõ ràng là ông ta không có tội, vì ông ta không thực hiện hành vi bị cấm khi phạm tội (là như giết Billy). Nhưng thay vào đó, giả sử Doc bào chữa rằng đúng là ông ta có bắn Billy, nhưng lúc đó ông ta say đến nỗi không nhận ra việc mình đang làm. Nếu bồi thẩm đoàn tin câu chuyện của Doc thì việc ông ta say xỉn có là lời bào chữa hay không?
Hầu hết các tòa đều nói Doc có lý do gỡ tội, ít nhất là đối với tội cố sát cấp độ một. Khi ông ta quá say nên không thể rút súng, thì việc say xỉn là tình tiết giảm nhẹ một trong các yếu tố hành vi của tội phạm. Còn khi ông ta quá say để biết mình đang làm gì thì việc say xỉn là tình tiết giảm nhẹ một trong các yếu tố tâm thần của tội phạm. Tội cố sát cấp độ một yêu cầu ông ta phải có dự định giết Billy. Nếu ông ta không có dự định này thì ông ta không phạm tội, ngay cả khi lý do làm ông ta không có dự định đó là vì ông ta đang say. Tội hình được quy định để trừng phạt người phạm tội đáng bị trừng phạt. Có thể Doc xứng đáng nhận hình phạt nào đó vì say xỉn, nhưng không phải ở mức độ liên quan tới tội cố sát cấp độ một.
Doc có thoát tội hay không còn tuỳ thuộc vào việc liệu ông ta có phạm tội nào khác nữa mà không thể sử dụng say xỉn làm lý do biện mình hay không. Nếu Doc bị buộc tội ăn trộm ngựa và lời bào chữa của ông ta là ông ta quá say để không biết con ngựa mình đang cưỡi đi là của người khác thì việc say xỉn là lý do bào chữa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi giết Billy, việc say xỉn có thể giúp giảm nhẹ yêu cầu về dự định trong tội cố sát cấp độ một, và mặc dù Doc không bị kết tội cố sát cấp độ một ông ta vẫn phạm tội cố sát ở mức độ nhẹ hơn vì tội này chỉ đòi hỏi Doc chủ quan.
Nhưng tại sao lại như thế? Chủ quan tức là dù tỉnh táo nhưng chủ ý xem thường một mối nguy đáng kể và vô lý – ví dụ, hành động điên cuồng bắn về phía đám đông được coi là chủ quan. Nếu Doc quá say, có thể ông ta không còn nhận thức được về rủi ro mà ông ta đang gây ra. Dù vậy, nhiều tòa án đã bác bỏ điều này. Ngay cả khi Doc không nhận thức được về rủi ro mà ông ta gây ra khi bắn người thì ông ta vẫn (hoặc giả định là thế) nhận thức được về rủi ro mà mình gây ra khi uống say. Về mặt chính sách, khả năng bị trừng phạt vì phạm tội trong lúc say sẽ hạn chế mọi người quá chén; còn xét về sự công bằng thì việc bắt một người chịu trách nhiệm cho những rủi ro mà mình gây ra trong lúc uống say không phải là điều vô lý.
Tiếp theo là lý do bào chữa phạm tội vì bị trấn áp. Giả sử ba người gí súng xông vào một chiếc xe tắcxi và doạ bắn tài xế nếu anh ta không chở họ tới ngân hàng mà họ định cướp rồi chờ để giúp họ bỏ trốn. Trên lý thuyết, tài xế đã thoả mãn mọi yếu tố của tội cướp của. Anh ta tham gia vào vụ cướp và đáp ứng điều kiện tâm thần cần thiết; dù rằng anh ta không hề muốn tham gia nhưng anh ta đã làm có chủ ý (tức là đã tham gia). Nhưng xét về đạo đức, anh ta không đáng chịu trách nhiệm cho vụ cướp này. Hay nói cách khác, anh ta nên được miễn trách nhiệm vì hành vi sai trái của mình – hỗ trợ cướp của – để tránh một hành vi sai trái hơn – bị ba tên cướp ngân hàng giết hại.
Lý do này được gọi là phạm tội do bị trấn áp. Khi một người phạm tội chỉ vì họ tin tưởng một cách hợp lý rằng chỉ có làm thế, họ mới tránh được cái chết hoặc thương tích thân thể nghiêm trọng sẽ xảy ra, thì họ có lý do và không có tội. Luật pháp thừa nhận rằng một người có thể bị ép lựa chọn giữa hai tội ác và luật pháp không trừng phạt họ vì đã chọn tội ác nhẹ hơn. Một người sẽ được tha thứ nếu anh ta làm điều sai trái nhưng ta hiểu lý do anh ta làm thế và tha thứ cho anh ta; người tài xế đã không tốt khi hỗ trợ bọn cướp ngân hàng nhưng ta không thể nói rằng anh ta nên hi sinh mạng sống của mình để không làm việc đó. Anh ta tham gia vụ cướp chỉ vì bọn cướp doạ giết anh ta nếu anh ta không làm, đây là sự đe doạ mà rõ ràng là chúng sẵn sàng, sẵn lòng và có thể thực hiện. Trừng phạt anh ta cũng không được gì vì ta không thể ngăn mọi người hành động tương tự; bất cứ ai cũng sẽ tham gia vụ cướp ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì rõ ràng, tội hình không tồi tệ bằng việc họ có thể bị chết. Ngoài ra, điều anh ta làm là sai nhưng không phải quá sai, tình hình sẽ khác nếu người tài xế, khi bị trấn áp, bắn ai đó trong lúc tiến hành vụ cướp.
Các lý do lời bào chữa vì bệnh bệnh tâm thần, say xỉn và bị trấn áp đã được công nhận từ lâu, song chưa phải là tất cả. Do chúng ta ngày càng hiểu biết hơn về các yếu tố xã hội và tâm sinh lý ảnh hưởng tới hành vi hình sự, nên theo lập luật của giới luật sư cần công nhận các lý lẽ bào chữa mới.
Người thừa kế nhà triệu phú Patty Hearst bị nhóm chiến đấu Quân đội Giải phóng Symbionese bắt cóc; sau đó cô tham gia cướp ngân hàng cùng nhóm đó. Khi bị bắt và đưa ra xét xử, cô khăng khăng nói là không phải mình, Patty Hearst, đã tiến hành vụ cướp, mà là “Tanya”, một quân cách mạng mà cô trở thành sau khi bị kẻ giam giữ tẩy não. Các cựu chiến binh Việt Nam lập luận rằng chấn thương tâm lý do chiến tranh để lại – một dạng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn đã được Hiệp hội Tâm lý Hoa kỳ thừa nhận – đã khiến họ mất kiểm soát và phạm các tội như giết người và cưỡng bức. Cặp anh em tuổi vị thành niên Lyle và Erik Menendez đã bắn chết bố mẹ đẻ trong chính phòng khách của gia đình vào một buổi tối, khi bị bắt họ khai rằng nhiều năm bị lạm dụng đã đẩy họ đến việc giết người.
Các nhà chỉ trích chế nhạo những lý do bào chữa này và coi chúng là sự phủ nhận trách nhiệm cá nhân và là chiến thuật cuối cùng của các luật sư sáng tạo nhờ sử dụng thứ khoa học bỏ đi. Giáo sư Trường luật Havard Alan Dershowitz đã phân loại và chỉ trích hơn 50 loại “lý do lạm dụng” kiểu này. Người ủng hộ cho rằng, một số lý do là chính đáng, vì đặc điểm truyền thống của luật hình sự là quá cứng nhắc: lành mạnh hoặc điên rồ, bị khiêu khích trực tiếp hoặc không. Người ta cho rằng khi ta đã hiểu các yếu tố phức tạp cấu thành hành vi phạm tội, thì luật pháp cần đưa ra các đánh giá đa sắc thái hơn về sự tự do ý chí và việc đáng bị xử lý. Một số lời bào chữa này đã được chấp nhận còn số khác thì không, nhưng cuộc tranh luận chắc chắn còn tiếp diễn.
Có ai bị kết án vì sắp phạm tội hay không?
Thông thường, một người bị kết án chỉ khi anh ta (hoặc cô ta) đã thoả mãn mọi yếu tố trong định nghĩa về tội phạm. Ví dụ, tội cố sát tức là giết người có chủ ý. Hãy nghĩ về vụ mưu sát Don Vito Corleone trong truyện Bố già. Tên cướp mới nổi Salazzo và gia đình Tattaglia thuê hai sát thủ bắn Don Corleone trong lúc ông ta mua hoa quả. Nếu Don chết, hai kẻ đó đã phạm tội cố sát, nhưng vì ông ta không chết, có phải hai kẻ đó chỉ phạm tội hành hung với tình tiết tăng nặng? Hay họ sẽ bị truy tố theo điều mà họ dự định làm nhưng thất bại – tội cố sát? Ngoài ra, ngay cả khi Don chết, vậy Salazzo và gia đình Tattaglia thì sao? Họ không trực tiếp nổ súng nhưng chính họ đã nghĩ ra và dùng tiền để thực hiện việc này. Họ có bị kết tội theo vai trò của họ không – tội xúi giục hoặc âm mưu phạm tội?
Các vấn đề này liên quan tới cái gọi là phạm tội chưa đạt, vì hành vi hình sự chưa trọn vẹn hoặc không hoàn toàn. Tội cố sát của hai tên sát thủ là chưa trọn vẹn vì Don chưa chết, còn tội của Salazzo và gia đình Tattaglias là không hoàn toàn vì họ không thực sự giết chết ai. Luật hình sự trừng phạt ba phạm tội chưa đạt: cố ý, xúi giục và âm mưu phạm tội.
Luật hình sự trừng phạt hành vi phạm tội chưa đạt vì hai lý do. Thứ nhất, người cố ý, xúi giục và âm mưu phạm tội cũng nguy hiểm gần bằng người thực sự phạm tội. Tên sát thủ bắn không chính xác, ông chủ lập mưu giết người và những kẻ trung gian thuê sát thủ đều có tội gần bằng tên sát thủ đã ra tay thực sự. Có tội “gần bằng” là điều kiện cần thiết, vì có nhiều tranh cãi về việc người phạm tội chưa đạt có nên bị trừng phạt nặng như người đã hoàn tất công việc đó hay không. Một mặt, họ có tội ngang nhau về mặt đạo đức, xạ thủ bắn không trúng cũng phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức như kẻ đã bắn trúng. Nhưng mặt khác, họ không gây ra mức độ thiệt hại giống nhau, và luật pháp thường không trừng phạt một người chỉ vì mức độ dự định của họ khi họ chưa gây thiệt hại.
Thứ hai, việc quy định về hình thức phạm tội chưa đạt là rất cần thiết để đảm bảo việc thực thi luật. Nếu cố ý phạm tội không phải là một tội thì sĩ quan cảnh sát chứng kiến sát thủ rút súng và tiếp cận Don Corleone sẽ không thể bắt họ cho đến khi họ nổ súng. Và nhiều tội phạm, bao gồm cả tội phạm không có nạn nhân như ta vẫn gọi, bị truy tố vì tội cố ý và xúi giục phạm tội. Cảnh sát thường không thể chứng minh tội mại dâm vì vô cùng khó bắt gái mại dâm và khách hàng của cô ta trong lúc họ thực hiện hành vi mua bán dâm, nhưng họ có thể sử dụng cò mồi và đặc vụ ngầm để tới thoả thuận với gái mại dâm, sau đó truy tố cô ta vì tội gạ bán dâm.
Việc áp dụng hình thức phạm tội chưa đạt như một công cụ thi hành án là vấn đề chủ yếu trong lĩnh vực này. Một người không thoả mãn các yếu tố cấu thành của một tội danh như tội giết người hay mại dâm nhưng họ đã làm những điều khác khiến mình bị trừng phạt. Nhưng việc khác đó chính xác là gì? Nếu ta định nghĩa nó quá hẹp thì phạm tội chưa đạt sẽ mất ảnh hưởng. Còn nếu định nghĩa quá rộng thì ta sẽ hình sự hoá hành vi không gây thiệt hại.
Hãy bắt đầu từ luật về tội cố ý phạm tội để xem vấn đề này được xử lý thế nào. Cố ý trong luật hình sự được định nghĩa theo đúng nghĩa của nó ở mọi góc độ: Một người cố ý làm việc gì đó khi anh ta nỗ lực để đạt được nó. Vì thế, yếu tố tâm thần trong tội cố ý là dự định phạm tội. Yếu tố hành vi mới có nhiều vấn đề phức tạp. Hầu hết tội phạm đều liên quan tới một chuỗi sự kiện, bắt đầu từ việc hình thành dự định phạm tội qua các bước chuẩn bị để rồi thực hiện hành vi phạm tội. Trước tiên, tên sát thủ trong “Bố già” đồng ý giết Don, sau đó theo dõi ông vài ngày để tìm thời điểm dễ tấn công nhất trong lịch trình của ông ta; họ mua súng và chờ bên ngoài cửa hàng hoa quả, ra khỏi xe khi nhìn thấy Don đến, rút súng ra rồi cuối cùng bắn anh. Vậy ở thời điểm nào nêu trên, bị cáo có thể bị trừng phạt vì tội cố sát? Giả sử cảnh sát phát hiện ra kế hoạch, vậy cảnh sát sẽ phải chờ bao lâu để được phép bắt những người này và kết án họ tội cố sát?
Tòa án và cơ quan lập pháp đã xây dựng nhiều phép thử để xác định mức độ thực hiện của tên tội phạm tương lai để hắn bị coi là phạm tội cố ý. Các phép thử này cho thấy những điều quan trọng và hay gặp trong luật pháp. Nếu phép thử tương đối rõ ràng và dễ áp dụng thì nó sẽ đưa ra kết quả sai trong nhiều vụ án sai theo nghĩa là không cân bằng thỏa đáng giữa nhu cầu ngăn chặn hành vi phạm tội và mong muốn trừng phạt người có tội. Để cân bằng các chính sách này đòi hỏi phải có một phép thử mơ hồ hơn và gợi mở hơn, nhưng việc thực hiện một phép thử như vậy thường rất khó làm và khó đoán trước. Ta hãy xem xét một trong các phép thử này.
Bộ Luật Hình sự mẫu trừng phạt tội cố ý nếu bị cáo thực hiện một hành vi mà hành vi đó là “một bước quan trọng trong quá trình hành động đã được lên kế hoạch để tới đỉnh điểm là… phạm tội” và nếu bước quan trọng đó “chứng minh thuyết phục cho mục đích phạm tội của người thực hiện”. Điều này cho phép bồi thẩm đoàn đánh giá mọi tình tiết và luận tội bị cáo một cách có ý nghĩa, nhưng điều này đòi hỏi việc bồi thẩm đoàn xác định mỗi tình tiết của vụ án phải có tính đặc thù cao và khó đoán trước. Để tăng cường khả năng dự đoán, Bộ Luật mẫu đã liệt kê một số hành động được coi là cấu thành nên bước quan trọng đó, chẳng hạn như rình rập nạn nhân hoặc tàng trữ công cụ phạm tội gần hiện trường vụ án.
Tội phạm chưa đạt thứ hai là tội lôi kéo. Tội này liên quan tới việc cố gắng khiến người khác phạm tội. Giống như tội cố ý, nếu tội phạm hoàn thành thì tội lôi kéo gộp với tội danh chính. Nếu gia đình Tattaglia thuê sát thủ để giết Don Corleone thì tất cả sẽ phải chịu trách nhiệm theo cách nào đó về việc giết người. Nếu sát thủ từ chối việc này thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm về tội lôi kéo.
Vệc định nghĩa tội lôi kéo gây ra những vấn đề giống như việc định nghĩa tội cố ý. Người yêu cầu hoặc dụ dỗ người khác phạm tội là người nguy hiểm, cảnh sát cần có khả năng can thiệp còn tòa án cần có khả năng trừng phạt họ trước khi họ phạm tội. Giữa việc yêu cầu người khác phạm tội và thiệt hại do chính tội phạm này gây ra có một khoảng cách nhất định, vì thế nếu phạm vi của tội lôi kéo quá rộng thì điều đó đồng nghĩa với việc ta sắp trừng phạt một người chỉ vì họ nghĩ tới việc phạm tội hoặc mới tham gia vào khâu chuẩn bị.
Tội cố ý và lôi kéo thường hướng tới các tội gần là tội phạm – là những hành vi nguy hiểm nhưng chưa đi đến cùng thực hiện một tội phạm đã được xác định. Tuy vậy, hai tội này cũng có hạn chế của chúng và vì thế cơ quan lập pháp đã tạo ra các loại tội phạm mới, chúng được lập ra để hình sự hóa một hành vi trước khi nó thành công. Ví dụ là việc theo dõi. Giả sử một người tức giận với vợ cũ, anh ta ngồi trong xe theo dõi vợ cũ bên ngoài nhà cô, theo cô ta tới công sở và bám theo khi cô có hẹn. Không có hành vi nào trên đây mang tính hình sự, nhưng chúng có thể khiến cho người vợ cũ sợ sẽ bị anh ta công cô. Chính vì thế, một số bang đã coi theo dõi là một tội hình sự. Ví dụ, luật của California sẽ trừng phạt “bất cứ ai cố ý, có ác tâm và liên tục theo dõi hoặc quấy rầy người khác, và bất cứ chủ trương đe dọa để một người sợ hãi một cách hợp lý về sự an nguy của họ”. Quy định này đề cập tới mọi vấn đề của phạm tội chưa đạt. Ta có thể trừng phạt một người sớm tới đâu, trước khi họ thực hiện hành vi phạm tội rõ ràng? Nếu chờ quá lâu, có thể ta sẽ hành động quá trễ để ngăn chặn thiệt hại xảy ra; còn nếu quá vội vàng, ta có thể hình sự hoá quá nhiều hành vi, bao gồm cả những hành vi không gây hại.
Tội phạm chưa đạt thứ ba có tên là âm mưu phạm tội và cũng là tội phạm được các công tố viên sử dụng nhiều nhất. Âm mưu là sự thoả thuận giữa hai hoặc nhiều người với mục đích thực hiện hành vi trái phép. Các ông chủ trong gia đình Tattaglia thuê sát thủ chứ không tự tay giết chết Don Corleone, nhưng họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của sát thủ vì họ cùng tham gia một âm mưu. Nói rộng hơn, tất cả các thành viên trong gia đình Tattaglia đều phải chịu trách nhiệm với tư cách là kẻ âm mưu vì họ tham gia vào hoạt động tội phạm rộng hơn, liên quan tới việc đánh bạc, buôn bán ma tuý, mại dâm và cướp của.
Tội âm mưu không chỉ nhằm vào các hành vi gần là phạm tội, giống như như tội cố ý và lôi kéo, mà nó còn xử lý vấn đề lớn hơn là phạm tội theo nhóm. Nhóm tội phạm, dù là bang cướp Jesse James hay gia đình Corleone, đều nguy hiểm hơn tổng tội phạm mà các thành viên trong nhóm đã thực hiện; nhóm này có khả năng phạm tội nhiều hơn trong thời gian dài hơn, và phạm tội hiệu quả hơn thông qua việc phân chia lao động giữa cách thành viên (ví dụ, ông chủ và sát thủ sử dụng tài năng riêng của họ), và sự hỗ trợ, khích lệ nhau trong hoạt động phạm tội của các thành viên. Không những thế, tội âm mưu còn mơ hồ hơn hai loại tội chưa đạt kia. Đồng ý phạm tội có nghĩa là gì, và một trong các bên đồng ý phải chịu trách nhiệm đến đâu về việc làm của những người khác? Người ở cấp thấp nhất trong gia đình Tattaglia có phải chịu trách nhiệm hình sự cho mọi hành vi phạm tội và bạo lực mà các thành viên khác trong gia đình đã thực hiện hay không?
Tội âm mưu từng được gọi chính xác là “bé cưng” của các công tố viên vì sự phổ biến của tội danh này. Cả luật nội dung và luật tố tụng áp dụng đối với tội danh này đều có những lợi thế nhất định cho bên công tố.
Trước tiên, bản chất của tội âm mưu là sự thoả thuận, nên kẻ âm mưu có thể bị kết tội cho hành vi cách rất xa hậu quả hình sự thực tế mà luật về tội cố ý yêu cầu. Nhưng trừng phạt riêng sự thoả thuận giống như trừng phạt một dự định chưa thực hiện, và đây là điều mà luật hình sự không bao giờ làm. Để giải quyết vấn đề này, hầu hết các thẩm quyền xét xử đều yêu cầu chứng cứ về hành vi công khai của một trong các kẻ đồng mưu để xúc tiến cho âm mưu bên cạnh sự thoả thuận, nhưng đây không phải gánh nặng lớn cho công tố viên vì gần như hành vi nào cũng thoả mãn điều đó.
Thứ hai, không như các tội phạm chưa đạt khác, ở hầu hết các thẩm quyền xét xử, tội âm mưu không được ghép vào tội phạm đã hoàn thành. Nếu sát thủ thành công, họ có thể bị cáo buộc tội giết người nhưng không cùng với tội cố sát. Tuy nhiên, nếu sát thủ thành công, họ và những người khác có liên quan có thể bị buộc tội cố sát và mưu sát, và bị tuyên án riêng cho mỗi người. Vì thế, tội âm mưu có tác động gia tăng hình phạt cho tội phạm.
Thứ ba, mỗi người tham gia trong một âm mưu đều có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi hình sự mà những thành viên khác trong nhóm thực hiện. Điều này mở rộng đáng kể phạm vi trách nhiệm của những người có liên quan cụ thể, nó không chỉ làm cho họ bị kết án với nhiều tội danh hơn mà còn cho phép công tố dùng người ngày làm đối trọng bằng cách đứng ra khai báo chống lại những người khác, vì nếu không anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi mà mình không dính lýu. Trước đây, có một quy tắc cũ quy định phạm vi rất lớn đối với trách nhiệm này: Kẻ âm mưu phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm có thể dự đoán trước một cách hợp lý do người đồng mưu thực hiện để xúc tiến cho âm mưu đó. Nhưng ngày nay, hầu hết các thẩm quyền xét xử theo Bộ Luật Hình sự mẫu đều áp dụng quy tắc hẹp hơn, khiến bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm về những tội phạm mà họ lôi kéo, hỗ trợ hoặc đồng tình.
Thứ tư, tội âm mưu còn khác với các tội phạm khác ở chỗ các quy tắc tố tụng bình thường được nới rộng để tạo thuận lợi cho bên công tố. Tất cả những kẻ âm mưu có thể bị xét xử cùng nhau. Điều này có vẻ hiệu quả vì nhiều chứng cứ chống lại họ là giống nhau. Nhưng nó cũng tạo ra phiên tòa lớn và phức tạp, gây bất lợi cho bị cáo. Họ có nguy cơ bị kết tội giao du, khi chứng cứ chống lại một người này biến thành chứng cứ chống lại tất cả những người khác. Luật sư bào chữa cũng gặp vấn đề: Nếu rõ ràng là tội phạm đã được thực hiện thì các bị cáo có thể cố tìm cách thoát tội bằng cách buộc tội lẫn nhau, và hậu quả là cuối cùng tất cả đều có dính lýu. Hơn thế nữa, chứng cứ dựa vào tin đồn thường không được chấp nhận, ngoại trừ phát biểu có tính buộc tội của chính bị cáo. Tuy vậy, với tội âm mưu, tin đồn thường chỉ được chấp nhận chống lại một bị cáo có thể được chấp nhận để chống lại các bị cáo khác.
Còn có trường hợp khác, khi một người phải chịu trách nhiệm về tội phạm mà họ không thực hiện. Đây gọi là trách nhiệm tòng phạm, khi kẻ đồng loã không thực hiện hành vi phạm tội mà giúp cho kẻ phạm tội làm việc đó. Trách nhiệm tòng phạm có nét giống với tội âm mưu, nhưng nó tập trung vào hành động hơn là sự thoả thuận. Người lái chiếc xe chở sát thủ tới hiện trường vụ án và sau đó giúp họ bỏ trốn tuy không giết Don Corleone nhưng anh ta vẫn phải chịu trách nhiệm về vụ giết người. Theo các nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm hình sự, tài xế đó đã tham gia vào hành vi giết người với dự định là nó sẽ xảy ra. Người giúp kẻ phạm tội che giấu tội phạm hoặc trốn truy tố sau khi tội phạm được thực hiện cũng phải chịu trách nhiệm như kẻ đồng loã.
Giết người là gì?
Một cuốn sách có tính dẫn nhập chỉ có thể định nghĩa và thảo luận một số tội phạm. Ví dụ, luật pháp Bang New Jersey định nghĩa 200 tội danh khác nhau, từ giết người tới hút thuốc trên xe buýt công cộng. Cơ quan lập pháp vẫn tiếp tục bổ sung danh sách này, hình sự hóa một số hành vi như là một cách ứng phó với một vấn đề xã hội hoặc theo yêu cầu chính trị cụ thể. Vì thế, hãy xem xét một số tội danh quan trọng có tác dụng minh hoạ những vấn đề chung của luật hình sự, bắt đầu từ tội nghiêm trọng nhất: tội giết người.
Tội giết người là tội danh điển hình để bắt đầu, không chỉ vì tầm quan trọng của tội phạm mà còn vì sự phát triển của luật pháp về tội giết người minh hoạ cho quy tắc hoạt động cơ bản trong lịch sử luật hình sự: vẽ ra ranh giới khác biệt ngày càng tinh vi giữa các tội danh cũng như những khó khăn khi làm điều đó. Năm trăm năm trước, thông luật của Anh chỉ định nghĩa một dạng giết người – cố sát – và chỉ một hình phạt – tử hình. Từ đó đến nay, tòa án và cơ quan lập pháp đã tách biệt ra nhiều dạng giết người và quy định nhiều mức độ trừng phạt phù hợp với từng dạng. Ở mỗi bước, họ đều phải phân biệt các tội nghiêm trọng hơn với các tội ít nghiêm trọng hơn, căn cứ vào mục đích của luật hình sự.
Trước tiên là vấn đề sơ bộ. Tội giết người đòi hỏi việc giết một con người. Một số vụ án đã phải vật lộn với câu hỏi: sự sống của con người bắt đầu và kết thúc khi nào, và vấn đề này lại nổi lên trong các cuộc tranh luận hiện nay. Theo quy tắc thông luật, một bào thai trở thành con người vì mục đích này khi nó được sinh ra và còn sống. Một số cơ quan lập pháp còn định nghĩa các giai đoạn phát triển cuối của thai nhi cũng nằm trong phạm vi định nghĩa này, hoặc ban hành các đạo luật đặc biệt để xử lý việc giết hại thai nhi (dĩ nhiên, trên cơ sở phạm vi bảo vệ của Hiến pháp đối với quyết định phá thai của phụ nữ). Năm 2004, trước vụ giết Laci Peterson khi cô có thai vốn rất nổi tiếng ở thời điểm đó, Quốc hội đã ban hành luật Laci và Connor, quy định việc giết hại hoặc gây thương tích cho thai nhi là tội phạm liên bang. Ở đầu kia của sự sống, sự phát triển của công nghệ y học đã làm cho việc quyết định liệu một người gần chết có được coi là vấn còn sống hay không trở nên phức tạp. Hầu hết các bang khi định nghĩa về tội danh này đều tập trung vào sự ngừng hoạt động của chức năng não bộ nên việc tháo máy hô hấp ra khỏi một người đang trong tình trạng hôn mê nghiêm trọng khó qua khỏi không phải là giết người.
Sự gia tăng mức độ của tội giết người diễn ra theo cách dưới đây. Trước hết là sự phân biệt giữa tội ngộ sát và tội cố sát. Theo định nghĩa truyền thống hiện vẫn được nhiều bang sử dụng, tội cố sát là việc giết người với ác ý sẵn có. Định nghĩa pháp lý về ác ý sẵn có hơi khác nghĩa đen của nó và không liên quan gì tới sự ác ý hay ý định có từ trước. Thay vào đó, theo sự phát triển của luật pháp, nó trở thành một chuẩn mực thể hiện một loạt các trạng thái tâm thần và một trong số đó là đòi hỏi cần thiết để kết án bị cáo tội cố sát. Tội ngộ sát bao gồm cả các hình thức giết người khác. Tiếp theo, tội cố sát được chia thành các mức độ, phổ biến là cố sát cấp độ một và cấp độ hai. Về cơ bản, tội cố sát cấp độ một bao gồm việc giết người có chủ ý; còn tội cố sát cấp hai bao gồm các dạng khác. Ngoài ra, cũng có sự phân biệt giữa giết người không có ác ý và giết người không chủ tâm. Giết người do bị khiêu khích là một ví dụ tiêu biểu của tội giết người không có ác ý, còn giết người do chủ quan hay bất cẩn là tội giết người không chủ tâm.
Hãy bắt đầu bằng một số giả định dựa trên việc đánh bom vào Tòa nhà Liên bang Murrah ở thành phố Oklahoma năm 1995. Tên khủng bố chống chính phủ Timothy McVeigh đã bị kết án về tội này. Theo tài liệu của bên công tố, McVeigh mua nhiều nguyên liệu để làm một quả bom tự chế cỡ lớn trong một chiếc xe tải đi thuê và đậu xe đó bên ngoài tòa nhà trong ngày kỉ niệm thảm kịch ở Waco, bang Texas, trong đó các đặc vụ chính phủ chiến đấu với các thành viên của trào lưu phản chính phủ mà McVeigh ủng hộ.
Trước tiên, hãy xem xét các tình tiết được đưa ra, và giả định xa hơn rằng McVeigh muốn giết các thành viên chủ chốt của chính phủ để đưa ra một tuyên bố chính trị. Tình tiết này minh hoạ cho loại ác ý sẵn có đầu tiên nằm trong danh mục được gọi là ý đồ giết người. McVeigh có ý đồ giết chết các nhân viên chính phủ, nên đây là dạng giết người nghiêm trọng nhất. Hãy lưu ý rằng ta không quan tâm tới động cơ của anh ta – tại sao anh ta lại muốn giết họ mà chỉ quan tâm tới mục đích của anh ta – rằng anh ta muốn giết họ. Dù kẻ sát nhân có hành động vì một động cơ có đáng khen đi chăng nữa, thì anh ta vẫn có ý đồ giết người; nếu một người đàn ông bắn chết người vợ đã cao tuổi của mình đang phải chịu một căn bệnh hiểm nghèo và đau đớn, thì việc anh ta giết vợ chỉ vì muốn kết thúc sự đau khổ của người này không liên quan tới việc luận tội anh ta, mặc dù có thể liên quan tới hình phạt dành cho anh ta.
Giả sử McVeigh muốn đưa ra tuyên bố chính trị của mình bằng cách hủy hoại Tòa nhà Murrah chứ không quan tâm tới việc giết chết ai. Anh ta đậu xe tải chở bom đối diện tòa nhà. Khi người trong tòa nhà bị giết, McVeigh sẽ vẫn bị giam giữ vì đã hành động với ác ý sẵn có, theo bất cứ giả thiết nào. Nếu anh ta thật sự chắc rằng sẽ có người chết, vì anh ta biết bom do mình chế tạo sẽ gây nổ lớn, thì anh ta có tội, anh ta không nhất thiết phải muốn giết một ai đó nhưng anh ta biết điều đó sẽ xảy ra. Còn nếu anh ta không biết và cũng không quan tâm tới sức công phá của quả bom thì anh ta không có ý đồ giết người theo nghĩa là anh ta biết hành động của mình sẽ gây ra cái chết cho người khác, nhưng anh ta vẫn bị coi là đã hành động với ác ý sẵn có vì anh ta hành động mà không hề quan tâm tới sinh mạng con người – là điều được thông luật thường văn hoa gọi là “trái tim hư hỏng”. (Điều này tương tự như nguyên tắc làm cho bất cứ hành vi nào được thực hiện với ý đồ gây sát thương nghiêm trọng cho một người cũng bị coi là tội giết người; cố ý gây thương tích nặng như thế cho người khác là hành vi chủ quan). Điều này thể hiện giá trị được đặt ra với sinh mạng con người, nó cũng chỉ ra rằng ác ý sẵn có thực sự không liên quan gì tới tội cố sát có suy tính trước.
Theo giả thuyết, hãy trở về thời quá khứ để làm sáng tỏ nhánh cuối cùng của ác ý sẵn có. McVeigh làm bom từ phân hoá học, dầu nhiên liệu và hoá chất, và nó được kích nổ nhờ kíp nổ. Giả sử anh ta có kíp nổ bằng cách cướp một công trường xây dựng. Một công nhân xây dựng, do giật mình trước vụ cướp, tình cờ kích hoạt kíp nổ và nó phát nổ, giết chết cô. Theo quy tắc thông thường về tội cố sát, McVeigh không hành động với ác ý sẵn có vì anh ta không có dự định giết chết nữ công nhân và bản thân việc cướp công trường xây dựng không phản ánh sự chủ quan và coi thường sinh mạng con người. Tuy nhiên, trước kia McVeigh sẽ bị kết án cố sát theo quy tắc giết người cấp đại hình. Khi gây ra cái chết cho một người khi đang phạm một trọng tội (như cướp của), bị cáo sẽ mặc nhiên bị coi là phạm tội cố sát cho dù người đó có ý đồ giết người hay không.
Quy tắc tội giết người cấp đại hình khiến việc giết người trong quá trình phạm trọng tội trở thành tội phạm có trách nhiệm rõ ràng. Ngay cả khi kẻ phạm tội không có ý đồ giết người hoặc thậm chí không quan tâm đến điều đó, anh ta vẫn phải chịu trách nhiệm về việc giết người. Lý lẽ chính ủng hộ cho quy tắc này là nó gia tăng tính răn đe đối với những người có thể phạm tội nghiêm trọng và công nhận sự nghiêm trọng của hậu quả ngay cả khi họ không có ý đồ giết người cụ thể. Nhưng tòa án không dễ chấp nhận logic này, nhất là khi học thuyết được áp dụng với những vụ án kém rõ ràng hơn. Giả sử McVeigh cố gắng bảo vệ kíp nổ bằng cách giả mạo giấy phép liên bang cần thiết để mua thuốc nổ. Khi anh ta xuất trình giấy phép giả mạo cho nhà sản xuất, nhân viên kho của nhà sản xuất làm rơi kíp nổ và nó phát nổ, giết chết anh ta. Giả sử việc giả mạo giấy tờ liên bang là trọng tội, vậy McVeigh có phạm tội giết người cấp đại hình hay không? Có vẻ điều này đã đi quá xa, nên bây giờ hầu hết các thẩm quyền xét xử đều áp dụng giới hạn quy tắc tội giết người cấp đại hình cho các trọng tội bạo lực gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc cho danh sách cụ thể những trọng tội nghiêm trọng nhất như hiếp dâm, cướp của, bắt cóc, đốt phá và trộm cắp. Nhiều thẩm quyền xét xử giới hạn rõ hành vi giết người nào trong quá trình phạm trọng tội được coi là tội giết người cấp đại hình; nếu trong lúc McVeigh và kẻ đồng loã đang cướp công trường xây dựng thì cảnh sát tới và bắn kẻ đồng loã khi người này đang bỏ chạy thì McVeigh không phạm tội giết người cấp đại hình. Ngoài ra, điều luật của Bộ Luật Hình sự mẫu về tội giết người cấp đại hình chỉ đưa ra giả định về việc giết người trong lúc phạm trọng tội nguy hiểm là chủ quan (và vì thế là tội cố sát), nên bị cáo có thể bác giả định này.
Việc đi từ ý đồ giết người sang rất chắc chắn sang rồi đến vô cùng chủ quan sang tội giết người cấp đại hình để lấy đó làm cơ sở đưa việc giết người vào định nghĩa về tội cố sát đã mở rộng phạm vi trách nhiệm thông qua quá trình loại suy. Hành động vô cùng chủ quan không giống như hành động với ý đồ nhưng vẫn rất nghiêm trọng, vì thế tòa án trừng phạt nó như tội cố sát. Tiếp theo, ta sẽ phân biệt giữa các dạng cố sát khác nhau. Có phải một số dạng cố sát nghiêm trọng hơn các dạng khác và vì thế đáng phải nhận hình phạt nghiêm khắc hơn? Cụ thể, có nên tuyên án tử hình cho mọi dạng cố sát hay chỉ cho những dạng nghiêm trọng nhất?
Công thức kinh điển đã tách tội cố sát thành tội cố sát cấp độ một và tội cố sát cấp độ hai, trong đó chỉ kẻ cố sát cấp độ một mới có thể bị tuyên án tử hình. Dựa trên đạo luật năm 1794 ở Pennsylvania, tội cố sát cấp độ một phải “có chủ ý, có tính toán và có kế hoạch trước”; tức là kẻ giết người phải bình tĩnh và tỉnh táo đi đến quyết định giết người. Luật pháp Pennsylvania đã gợi ý về các dạng cố sát thuộc phạm vi quy định của định nghĩa này là “mọi vụ cố sát được thực hiện bằng cách dùng độc hoặc nhờ rình rập”. Luật pháp bang này cũng trừng phạt tất cả các vụ giết người được thực hiện trong quá trình phạm các trọng tội nghiêm trọng nhất như tội cố sát cấp độ một. Mọi dạng cố sát khác được xếp vào cấp độ hai. Vì thế, các vụ giết người có chủ ý mà không có kế hoạch hay tính toán trước, các vụ cố sát do vô cùng chủ quan và các dạng cố sát khác ở cấp đại hình đều là cố sát cấp độ hai, và trước kia tội này không bị phạt tử hình.
Rõ ràng, kẻ giết người bằng chất độc hoặc có rình rập đã tính toán trước hành động của mình và đáng bị trừng phạt đặt biệt nghiêm khắc hơn kẻ giết người có chủ ý nhưng không có mức độ suy tính như thế. Tuy nhiên, sau khi hai yếu tố “tính toán và có kế hoạch trước” được đưa vào định nghĩa, giới hạn của nó trở nên khó xác định. Người vợ mong muốn đầu độc chồng để lấy tiền bảo hiểm nhân thọ và kết hôn với người tình có thể lập kế hoạch cho vụ giết người hàng tuần bằng cách tính toán liều lượng phù hợp, mua chất độc trái phép, tìm cách che giấu vị của nó và tìm cơ hội để hạ độc giết người. Giả sử thay vì làm cách đó và cô ta không hề nghĩ đến âm mưu trên, cô ta đang chuẩn bị làm bữa tối thì nhận ra là có thể dễ dàng hại chết chồng bằng cách thả thuốc chuột vào ổ bánh mì của anh. Vậy cô ta có được coi là đã tính toán và lên kế hoạch trước hay không? Hầu hết các tòa đều sẽ nói là có. Giả sử cô ta đang bày thức ăn lên bàn thì nhận ra là có thể giết chồng bằng cách hoán đổi đĩa thức ăn cho chồngvì cô biết rằng trong đĩa thức ăn của cô có thành phần khiến anh có thể bị dị ứng nặng. Càng ngày, tòa càng đặt ra yêu cầu rằng việc lập kế hoạch và tính toán trước phải diễn ra trong một thời gian nhất định thì mới cấu thành tội cố sát cấp độ một.
Bộ Luật Hình sự mẫu đã tháo gỡ khó khăn khi phân biệt tội cố sát cấp độ một và cấp độ hai bằng cách loại bỏ chính sự phân biệt đó. Trước tiên, nó định nghĩa tội cố sát là hành vi gây chết người được thực hiện có chủ ý, có nhận thức hoặc chủ quan “trong các hoàn cảnh thể hiện sự thờ ơ cao độ với giá trị mạng sống con người”. Sau đó, Luật nêu ra các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ sẽ được xem xét khi quyết định nên hay không nên tuyên mức án tử hình. Các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ tập trung vào bản chất của tội phạm – nó “được thực hiện vì lợi ích tài chính” hoặc “đặc biệt tàn ác, hung bạo hoặc nhẫn tâm, thể hiện sự suy đồi đạo đức hiếm có”, hoặc nó “được thực hiện trong các hoàn cảnh mà bị cáo tin là có lý do chính đáng về đạo đức hoặc có lý do giảm nhẹ cho hành vi của mình?”. Luật cũng xem xét cả các tình tiết về tội phạm như tiền án, độ tuổi và khả năng nhận thức về sự sai trái trong hành vi của anh ta. Xét về khía cạnh này, bộ luật thể hiện sự tinh vi hơn khi không chỉ phân biệt các tội danh mà còn phân biệt cả cá nhân tội phạm và hoàn cảnh phạm tội.
Cấp phân biệt tiếp theo giữa các tội giết người hình sự là giữa cố sát và ngộ sát. Một số hành vi gây chết người đủ nghiêm trọng để đáng bị trừng phạt nhưng không nghiêm trọng đến mức bị xếp vào tội cố sát. Đó là những hành vi gây chết người không có ác ý sẵn có. Như ta thấy, cụm từ này dùng chung cho nhiều loại hành vi xấu xa khác nhau, và tội ngộ sát cũng bao gồm nhiều loại hành vi gây chết người khác nhau. Trong tội ngộ sát, ta có thêm sự phân biệt giữa giết người không có ác ý và giết người không chủ tâm.
Hành vi gây chết người chủ yếu thuộc phạm vi tội giết người không có ác ý là giết người trong cơn nóng giận do bị khiêu khích – giết người khi tức giận chứ không phải với sự lạnh lùng như ở tội cố sát. Một trong những ví dụ kinh điển minh họa cho tội giết người không có ác ý là khi một người đàn ông về nhà và thấy vợ đang ở trên giường với một người đàn ông khác, trong cơn ghen tuông, anh ta đã bắn gã nhân tình. Thẩm phán truyền thống hiểu rằng người chồng bị sốc trước sự phản bội của vợ hoặc bị khích động khi danh dự bị sỉ nhục đến nỗi mất kiểm soát; dù giết gã nhân tình không phải là hành động đáng hoan nghênh nhưng ít nhất nó cũng dễ hiểu và vì thế tạo nên mức độ phạm tội thấp hơn tội cố sát, ngay cả khi anh ta có ý đồ giết người.
Về cơ bản, việc khiêu khích được phép dùng làm lý do để giảm tội từ tội cố sát sang ngộ sát thể hiện sự công nhận sự yếu đuối của con người; dưới các hoàn cảnh khắc nghiệt, ta không thể mong chờ con người hành động theo yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, nếu áp dụng lý lẽ này, nhiều hành vi gây chết người có thể được biện minh, vì thế luật hình sự chỉ công nhận sự khiêu khích hợp lý. Thêm một lần nữa, ta thấy sự mâu thuẫn giữa việc cá thể hóa từng hoàn cảnh cụ thể với việc đặt ra một quy tắc bao quát áp dụng với mọi loại vụ án. Trong hệ thống thông luật, tòa án quy định về các trường hợp khiêu khích được coi là hợp lý. Người chồng phát hiện ra sự phản bội của vợ là ví dụ kinh điển. Các nhóm khác bao gồm người tham gia ẩu đả và nạn nhân bị hành hung nghiêm trọng. Trước kia, “chỉ dùng lời nói” không tạo thành sự khiêu khích hợp lý; ví dụ, một người đàn ông bị vợ mình hoặc tình nhân của cô ta có những lời lẽ xúc phạm, đe doạ hoặc đòi hỏi không thể đáp lại những lời nói đó bằng hành vi gây chết người. Gần đây hơn còn có xu hướng cá thể hóa hoạt động điều tra; Bộ Luật Hình sự mẫu cho phép giảm tội cố sát xuống tội ngộ sát nếu bị cáo giết người trong tình trạng “rối loạn cảm xúc trầm trọng” nếu có “lời giải thích hoặc lý do hợp lý”.
Giết người không chủ tâm là danh mục cuối cùng của tội giết người. Yếu tố ác ý sẵn có ở tội cố sát có thể được thoả mãn bằng sự thờ ơ và coi thường nghiêm trọng tới rủi ro gây ra cho mạng sống con người – như lái xe điên cuồng lên vỉa hè đông đúc. Theo quy định của luật về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, trách nhiệm dân sự sẽ được đặt ra cho sự chủ quan hoặc bất cẩn thông thường – gây tai nạn do ăn Egg McMuffin trên đường đi làm và không chú ý nhìn đường. Giữa sự bất cẩn thông thường và bất cẩn quá đáng là một dạng khác của sự chủ quan và bất cẩn ở cấp độ hình sự, và chính dạng này dẫn tới tội giết người không có ác ý. Vấn đề này đặc biệt gây tranh cãi trong các vụ án liên quan tới tai nạn ô tô gây chết người. Trước kia, tòa án và bồi thẩm đoàn miễn cưỡng kết án các tài xế tội chủ quan gây chết người, có lẽ là theo suy nghĩ tự nhiên rằng “Đức Chúa trời gọi nên tôi phải đi”, nên cơ quan lập pháp tạo ra tội giết người do tai nạn xe cộ với tư cách là một tội phạm độc lập hoặc một dạng giết người không chủ tâm. Các phong trào tuyên truyền gần đây chống lại việc lái xe khi say rượu đã thể hiện sự sẵn sàng của hệ thống trong việc hình sự hoá nạn lái xe khi say rượu, như tội giết người không chủ tâm hoặc thậm chí là tội cố sát cấp độ hai.
Tại sao luật về tội hiếp dâm lại gây nhiều tranh cãi đến thế?
Hiếp dâm là một trong những lĩnh vực được công khai hoá cao nhất và gây nhiều tranh cãi nhất trong luật hình sự những năm gần đây, nó cũng là lĩnh vực chứng kiến sự thay đổi lớn nhất. Các vụ án nổi bật luôn thu hút đông đảo sự chú ý của giới truyền thông và công chúng. Vậy đàn ông, phụ nữ và luật hình sự thích ứng ra sao với những khuôn mẫu và quan niệm đang thay đổi về hành vi tình dục và vai trò của giới? “Không” luôn luôn có nghĩa là “không” hay chỉ là mức độ miễn cưỡng hoặc thậm chí kháng cự được mong chờ từ người phụ nữ?
Luật về tội hiếp dâm có nhiều chiều, từ các yếu tố về tội phạm tới dạng chứng cứ được chấp nhận ở phiên tòa và các yếu tố này đều thay đổi liên tục. Như với mọi vấn đề pháp lý khác, quyết định ở mỗi vụ án cụ thể thường dựa vào ngôn từ chính xác của đạo luật hoặc quyền hạn trong thẩm quyền xét xử. Khi tìm hiểu phần này, bạn hãy ghi nhớ thêm nhiều câu hỏi khái quát hơn về việc luật pháp đã ở đâu, đang ở đâu và sẽ ở đâu.
Ta sẽ bắt đầu với một vụ án gây ra nhiều tranh cãi ở Pennsylvania từ năm 1994, vụ Liên bang kiện Robert Berkowitz. Người thưa kiện là một nữ sinh viên đại học, tan lớp về phòng kí túc để uống rượu và ra sảnh để chờ bạn trai. Khi bạn trai không xuất hiện, cô tới một phòng kí túc khác để tìm bạn là Earl Hassel. Cô gõ cửa nhưng không thấy trả lời. Cô xoay núm cửa và thấy nó không khoá nên vào phòng và phát hiện ra một người đàn ông đang ngủ trên giường. Ban đầu, cô tin rằng người đàn ông đó là Hassel nhưng hoá ra đó là bạn cùng phòng của Hassel tên là Berkowitz. Berkowitz bảo cô ở lại một lát và cô đồng ý. Anh nhờ kì lưng nhưng cô từ chối. Anh gợi ý cô ngồi lên giường nhưng cô không làm mà ngồi dưới sàn.
Sau đó, Berkowitz xuống sàn ngồi cạnh cô, cởi áo sơ mi và áo ngực của cô rồi xoa bóp bầu vú. Sau đó anh ta cởi quần và định đưa dương vật vào miệng cô nhưng không thành công. Cả hai đứng dậy và anh ta khoá trái cửa. Anh ta quay lại, đẩy cô lên giường, người thưa kiện mô tả việc đó là “Anh ta đặt tôi xuống giường… Anh ta không ném tôi lên giường… Nó giống như là đẩy nhưng không phải vậy”. Rồi anh ta cởi quần của cô và kéo quần lót ra khỏi một bên chân. Berkowitz không hề đè nén mà chỉ nằm lên trên người cô, anh ta cũng không đe doạ cô. Sau đó, anh đưa dương vật vào âm hộ của cô. Người thưa kiện nói “không” trong suốt quá trình. Sau khi rút ra và xuất tinh trên bụng cô, anh ta bảo: “Anh đoán là cả hai ta đều thỏa mãn” nhưng cô đáp lại rằng: “Không, chúng ta không thoả mãn, chỉ có anh thoả mãn thôi”.
Đó có phải là hiếp dâm? Tòa Tối cao Pennsylvania nói là không, căn cứ vào quy định của luật truyền thống. Theo đạo luật về tội hiếp dâm của Pennsylvania, khi người đàn ông giao cấu với người phụ nữ không phải vợ mình bằng cách “dùng vũ lực để ép buộc”, đó là phạm tội. Theo quan điểm của tòa án, lời khai của người thưa kiện không cho thấy có dấu hiệu sử dụng vũ lực hoặc đe doạ vũ lực. Berkowitz không đẩy cô xuống hay đè ép cô. Việc nói “không” trong toàn bộ sự việc có thể cho thấy sự thiếu đồng ý nhưng không cho thấy Berkowitz sử dụng vũ lực.
Trong vụ án tương tự, Bang vì quyền lợi của M.T.S (1992), Tòa Tối cao New Jersey đã không đồng ý. Theo tòa án New Jersey, cái chính là sự đồng ý, không phải là vũ lực. Nếu không có “sự cho phép độc lập và quả quyết” thì bản thân hành động thâm nhập tình dục không được đồng ý đã bị coi là dùng vũ lực. Ta giải thích như thế nào về sự khác biệt giữa hai quyết định này? Quy định trong luật của Pennsylvania và New Jersey khác nhau nhưng không nhiều đến nỗi tạo ra khác biệt lớn như thế trong kết quả. Một cách để hiểu sự khác biệt này là tòa án Pennsylvania áp dụng quan niệm truyền thống về tội hiếp dâm, còn tòa án New Jersey áp dụng quan niệm hiện đại hơn.
Khái niệm cũ về tội hiếp dâm đòi hỏi vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong lúc vi phạm. Tình dục xảy ra do quyến rũ, lừa gạt hoặc đe dọa phi bạo lực không phải là hiếp dâm. Nếu người đàn ông thuyết phục người phụ nữ giao cấu bằng cách hứa hẹn về tình yêu bất diệt hoặc nếu lang băm bảo người phụ nữ rằng giao cấu là cần thiết để điều trị bệnh máu hiếm gặp thì hành vi đó đáng ghê tởm nhưng tội phạm này, nếu có, không phải là tội hiếp dâm. Nếu ông chủ bảo nhân viên rằng cô ta sẽ bị sa thải nếu không chấp nhận lời tán tỉnh của anh ta thì hành vi này là quấy rối tình dục chứ không phải là hiếp dâm.
Định nghĩa về tội hiếp dâm có vũ lực có liên quan tới yếu tố thiếu sự đồng ý và dẫn tới yêu cầu rằng nạn nhân phải chống cự “kịch liệt” lại kẻ tấn công cô. Tuy nhiên, yêu cầu về sự chống cự không áp dụng khi sự chống cự rõ ràng là vô ích khi gặp đe doạ quá lớn. Nếu kẻ hiếp dâm gí súng vào đầu nạn nhân thì cô không cần phải chống cự.
Gần đây hơn, yêu cầu về sự chống cự đã được giảm bớt dù nó vẫn được luật ở nhiều nơi quy định. Ở đó, luật yêu cầu sự chống cự phải là “sự chống cự hợp lý” hoặc “sự chống cự nghiêm túc” thay vì sự chống cự kịch liệt. Tòa Tối cao Hawaii đã nêu ra quy tắc đó như sau:
[Chúng ta] tin rằng người thưa kiện phải thể hiện nỗ lực thể chất thực sự để chống cự như được đánh giá theo hoàn cảnh của vụ án cụ thể. Các yếu tố được xem xét gồm có sức khoẻ tương đối của các bên, độ tuổi và tình trạng thần kinh, thể chất của người thưa kiện và bản chất, mức độ của vũ lực mà người tấn công sử dụng.
Một số thẩm quyền xét xử đã loại bỏ hoàn toàn quy tắc về sự chống cự, và lý do của họ khi làm thế là họ đã áp dụng cách tiếp cận hiện đại hơn về tội hiếp dâm. Tòa án theo quan điểm truyền thống có thể yêu cầu chứng cứ về sự chống cự vì sự chống cự của nạn nhân diễn ra song song với việc sử dụng vũ lực của kẻ hiếp dâm, và giao cấu có vũ lực là định nghĩa về tội hiếp dâm. Nhưng quan điểm hiện đại hơn lại tập trung vào hành vi của bị cáo chứ không phải sự chống cự của nạn nhân. Theo quan điểm này, hiếp dâm là sự giao cấu tình dục (theo định nghĩa rộng) bằng vũ lực hoặc không có sự đồng ý. Sự chống cự của nạn nhân có thể là chứng cứ cho thấy quan hệ tình dục được thực hiện bằng vũ lực và thiếu sự đồng ý nhưng đây là chứng cứ không cần thiết; việc cô ấy không thể chống cự không chứng minh dứt khoát được rằng bị cáo không sử dụng vũ lực hoặc có sự thuận tình của nạn nhân.
Ẩn dưới hai cách tiếp cận này với tội hiếp dâm là quan niệm phức tạp và mâu thuẫn về nam, nữ và hành vi tình dục. Ta đều hiểu điều mà học giả pháp lý Susan Estrick gọi là “hiếp dâm thực sự”: “Một người lạ gí súng vào đầu nạn nhân, doạ giết hoặc đánh đập cô rồi sau đó thực hiện hành vi giao cấu”. Nhưng hầu hết các vụ hiếp dâm thường khác mô hình này ở một khía cạnh nào đó, như Estrick giải thích: “Khi vũ lực ít được sử dụng hoặc không gây ra thương tích thể chất khác, khi sự đe doạ không rõ ràng, khi hai người biết nhau, khi bối cảnh không phải là con hẻm mà là giường ngủ, khi sự tiếp xúc ban đầu không phải là bắt cóc mà là buổi hẹn hò, khi người phụ nữ nói không nhưng không chống cự”. Trong các trường hợp này, liệu điều đã xảy ra có bị gọi là hiếp dâm hay không tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi người. Luật pháp cũ được thúc đẩy bằng các quan niệm như đàn ông quyết liệt trong tình dục còn phụ nữ bị động, phụ nữ có trách nhiệm tránh kích thích đàn ông hoặc tạo ra hoàn cảnh thoả hiệp nếu không muốn giao cấu, sự chống cự của phụ nữ trước đòi hỏi tình dục của đàn ông là một phần quen thuộc trong hành vi tình dục và “không” không phải lúc nào cũng có nghĩa là “không”. Còn luật pháp hiện đại được thúc đẩy nhiều hơn bằng quan niệm rằng phụ nữ có quyền tự quyết định và đàn ông có trách nhiệm đảm bảo rằng người phụ nữ đồng ý quan hệ tình dục. (Trước kia, chỉ có đàn ông mới có thể phạm tội hiếp dâm phụ nữ, nhưng một số đạo luật trung hòa về giới gần đây đã bảo vệ cả đàn ông khỏi sự tấn công tình dục có vũ lực).
Sự mâu thuẫn giữa các quan niệm này cũng thể hiện trong vấn đề về tình trạng thần kinh cần thiết ở tội hiếp dâm. Vì hiếp dâm tức là giao cấu không có sự thuận tình, nên liệu kẻ tấn công có thể biện minh cho hành vi của mình không nếu anh ta nhầm tin rằng người phụ nữ đó đang đồng ý? Hãy xem xét vụ án được bàn luận rất sôi nổi Regina kiện Morgan (1975). Morgan, là phi công thuộc Không lực Hoàng gia, đi uống rượu với ba phi công khác. Khi họ không kiếm được người phụ nữ nào cho buổi tối, Morgan gợi ý cả bọn về nhà anh ta và ngụ ý rằng vợ anh ta sẵn sàng quan hệ với tất cả bọn họ. Anh ta bảo những người kia rằng vợ mình có thể tỏ ra chống cự và vật lộn vì cô ấy “đỏng đảnh” và đó là cách để cô ấy đạt khoái cảm. Trước sự chống cự dữ dội của người vợ, ba phi công đã thực hiện hành vi giao cấu và các hành vi tình dục khác với cô. Khi họ kết thúc, cô liền tới bệnh viện địa phương và tuyên bố rằng mình bị hiếp dâm.
Nếu các phi công tin vào lời nói của Morgan rằng vợ anh ta chỉ đang giả vờ chống cự thì họ có phạm tội hiếp dâm hay không? Ta hãy xem xét các khả năng. Trước tiên, nếu tội hiếp dâm yêu cầu bị cáo phải cố ý thực hiện hành vi giao cấu và biết rằng mình không được nạn nhân cho phép thì niềm tin của các phi công này có thể là lý do bào chữa vì yêu cầu về ý đồ cụ thể nêu trên chưa được thỏa mãn. Tuy vậy, nhiều người cho rằng chuẩn mực này quá khoan dung. Yêu cầu về ý đồ phạm tội có thể được thoả mãn nếu bị cáo chủ quan hoặc có thể không chú ý tới sự việc nạn nhân không đồng tình. Việc tin rằng nạn nhân đã ưng thuận có tác dụng giải tội cho bị cáo – có thể như ở vụ của Berkowitz – còn nếu tin bất hợp lý thì không; trong vụ của Morgan, ngay cả khi các phi công tin lời của Morgan về vợ của anh ta thì họ làm thế vẫn là sai.
Vấn đề về sự hiểu nhầm này phần nào thể hiện quan điểm của con người về luật hình sự và tình trạng thần kinh cần thiết cho các yếu tố phạm tội nhất định. Nhưng xét về thực tế, nó còn phản ánh sự khác nhau trong thái độ tình dục đã được lưu ý ở trên. Nếu tòa án hoặc bồi thẩm đoàn tin rằng người phụ nữ thường giả vờ chống cự trong lúc quan hệ tình dục – tức là “không” thường có nghĩa là “có” – thì họ thường dễ tha thứ cho sự hiểu nhầm của bị cáo về sự thuận tình của nạn nhân, dù xét trên luật pháp hay xét trên các tình tiết của vụ án cụ thể. Còn ngược lại, nếu họ quan tâm hơn tới sự độc lập về tình dục, thì sẽ phù hợp hơn nếu tòa án hoặc bồi thẩm đoàn yêu cầu rằng ít nhất bị cáo phải đánh giá một cách hợp lý chứng cứ về sự không thuận tình của nạn nhân.
Hiểu nhầm cũng là một vấn đề trong các vụ án về tội hiếp dâm trẻ vị thành niên. Đây là tội nhằm vào các hành vi tình dục với nữ giới dưới một độ tuổi nhất định, nhất là khi bị cáo lớn tuổi hơn. Nếu người đàn ông trưởng thành tin rằng người phụ nữ mà anh ta giao cấu đã 18 tuổi trong khi thực ra cô mới chỉ 14 tuổi thì anh ta có vi phạm đạo luật này hay không? Trước kia, theo luật là có. Tội hiếp dâm trẻ vị thành niên là tội phạm có trách nhiệm rõ ràng được ban hành để bảo vệ các cô gái vô tội chưa đủ trưởng thành để đồng ý quan hệ tình dục, và sự nhầm lẫn về tuổi của cô gái không phải là lời bào chữa hợp lệ. Gần đây hơn, nhiều thẩm quyền xét xử đã thay đổi luật này để cho phép áp dụng lý lẽ bào chữa dựa trên sự nhầm lẫn hợp lý.
Các quan niệm khác nhau về hành vi tình dục cũng bóp méo vấn đề chứng cứ trong các vụ án hiếp dâm. Quan niệm truyền thống nghi ngờ các đơn kiện hiếp dâm và thể hiện sự nghi ngờ này trong ba quy tắc khiến việc truy tố theo các đơn kiện này trở nên khó khăn hơn. Trước tiên là quy tắc kiện ngay, yêu cầu nạn nhân phải báo cáo về vụ hiếp dâm ngay sau khi nó xảy ra. Thứ hai là quy tắc chứng thực, yêu cầu bị cáo không thể bị kết án chỉ dựa trên lời khai không được chứng thực của nạn nhân. Thứ ba là khả năng được chấp nhận của những bằng chứng về tiền sử tình dục của nạn nhân. Các quy tắc này đã gây rất nhiều tranh cãi và bị loại bỏ ở nhiều thẩm quyền xét xử, vì chúng thể hiện rõ ràng sự nghi ngờ về các đơn kiện hiếp dâm trái sự thật.
Hãy xem qua quy tắc thứ ba. Quy tắc này hiện nay thường bị đảo ngược bởi thứ gọi là luật bảo vệ cho nạn nhân bị hiếp dâm. Tại phiên xét xử, bên bào chữa có thể muốn đưa ra hai loại chứng cứ về tiền sử tình dục của nạn nhân: các hành vi tình dục trước đây giữa cô và bị cáo và các hành vi tình dục trước đây giữa cô và những người đàn ông khác và sự thiếu trinh bạch của cô nói chung. Loại đầu tiên liên quan tới vấn đề về sự đồng ý; nếu trước đây họ từng có quan hệ tình dục thì có nhiều khả năng là hành vi giao cấu đang được nghi vấn đã có sự ưng thuận. Loại thứ hai chỉ liên quan nếu ta theo quan điểm rằng người phụ nữ từng có quan hệ tình dục thường đồng ý với việc quan hệ tình dục trong tương lai. Tác động của cách tiếp cận này là đưa nạn nhân ra xét xử, để hạn chế việc khởi kiện. Vì lẽ này, nhiều thẩm quyền xét xử đã loại bỏ nó.