Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Martin Eden

Chương 5

Tác giả: Jack London

Sáng hôm sau, gã bừng tỉnh khỏi những cảnh tươi đẹp của giấc mơ, liền ngửi thấy hơi nước, sặc sụa mùi xà phòng và mùi quần áo bẩn, nghe tiếng chậu va vào nhau vang lên, những tiếng chói tai của một cuộc sống nhọc nhằn. Khi gã bước ra khỏi buồng, gã đã nghe tiếng nước đổ uồm uồm, tiếng rít the thé và tiếng phát đôm đốp của bà chị gã đang trút sự bực bội của mình lên đầu một đứa nào đấy trong lũ con lúc nhúc của bà. Tiếng khóc thét của đứa bé xoáy vào lòng gã như một mũi dao. Gã thấy tất cả những cái đó, ngay cả không khí gã đang thở đây thật ghê tởm và ti tiện. Gã nghĩ, cái không khí đẹp đẽ và thanh thản của căn nhà nơi Ruth ở mới khác làm sao. Ở đó toàn là tinh thần, ở đây toàn là vật chất, vật chất ti tiện.

“Alfred, lại đây!” gã vừa gọi đứa bé đang khóc lại, vừa thọc tay vào túi quần, chỗ gã để tiền một cách phóng túng, phóng túng như cuộc đời gã sống nói chung. Gã đặt đồng hai hào vào tay đứa bé, ôm lấy nó một lúc, dỗ cho nó nín khóc và bảo: “Thôi, chạy đi mua kẹo, nhớ chia cho các anh các chị một ít. Mua loại nào ngậm lâu hết ấy.”

Bà chị ngước bộ mặt đỏ ửng lên khỏi chậu giặt và nhìn gã:

“Cho nó năm xu thôi cũng đủ. Thật đúng là cái bộ cậu không biết quý đồng tiền. Thằng bé lại ăn đau bụng mất!”

“Thôi, chị ạ,” gã vui vẻ trả lời. “Tiền của em nó sẽ tự lo liệu lấy, chị chả phải lo hộ. Nếu chị không quá bận rộn em muốn hôn chị một cái chúc chị một buổi sớm tốt đẹp.”

Gã muốn tỏ lòng trìu mến đối với chị, người đàn bà tốt bụng mà gã biết rất rõ vẫn yêu thương gã theo lối riêng của bà. Nhưng vì lý do này khác, năm tháng qua đi, bà mất dần bản chất của mình và càng ngày càng trái tính trái nết. Gã tin chắc chính vì phải làm ăn vất vả, con cái đông, lại bị chồng giày vò nên chị thay đổi tính nết. Thoáng một cái gã tưởng tượng bản chất của chị như nhiễm tính chất của những mớ rau ôi, của mùi nước xà phòng nồng nặc, của những đồng xu, đồng tiền, đồng hào nhầy mỡ mà chị thu nhận ở quầy hàng.

“Thôi cậu đi mà ăn sáng,” chị nói cộc lốc, tuy trong thâm tâm chị cũng thấy vui vui. Trong bọn em lang bạt kỳ hồ, Martin bao giờ cũng được chị yêu nhất. “Tối nhất định sẽ hôn cậu một cái,” bà chị nói, lòng bỗng rộn đầy xúc cảm.

Lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ, bà lần lượt vuốt hết bọt xà phòng chảy dòng dòng ở cánh tay này, rồi đến cánh tay kia. Gã ôm vòng lấy cái lưng to béo của chị và hôn lên đôi môi ướt, nước đang bốc hơi của chị. Nước mắt chị trào ra – không phải vì xúc cảm mạnh mà chính là vì thấy mệt mỏi do công việc liên miên quá nhiều. Bà đẩy gã ra, nhưng gã đã kịp nhìn thấy đôi mắt của bà chị đẫm nước.

“Thức ăn sáng của cậu để ở lò ấy.” Chị vội vàng nói. “Chắc lúc này Jim cũng dậy rồi. Chị phải dậy sớm để giặt. Thôi đi mà ăn sáng, rồi liệu mà đi đâu, Tom nó bỏ đi rồi, chẳng còn ai, Bernard phải đi lái xe hàng đấy.”

Martin đi vào bếp, lòng buồn bã. Hình ảnh bộ mặt đỏ dừ của chị gã, và cái thân hình lôi thôi lốc thốc ấy thấm vào trí óc gã như một chất cường toan. Gã dám chắc, nếu chị gã chỉ rảnh việc ít thôi thì bà phải yêu gã lắm. Nhưng bà phải làm việc đến kiệt sức. Bernard thật là đồ súc sinh, nó đã bắt bà phải làm việc cực nhọc đến như vậy. Nhưng mặt khác, gã cũng không thể nào không cảm thấy không có một chút gì đẹp trong cái hôn của chị. Thật thế, một cái hôn rất bình thường. Đã bao năm nay, chị gã chỉ hôn gã khi gã ở xa về, hay sắp đi xa. Nhưng trong cái hôn hôm nay, gã thấy sặc mùi xà phòng, và đôi môi chị, gã thấy nó nhẽo nhợt, không dồn dập mạnh mẽ như phải có ở bất cứ một cái hôn nào. Cái hôn của chị gã là cái hôn của một người đàn bà mệt mỏi, mệt mỏi triền miên đến nỗi quên cả cách hôn. Gã nhớ lại chị gã hồi còn là con gái, trước khi lấy chồng, thường sau một ngày làm việc mệt nhọc ở xưởng giặt, chị vẫn nhảy suốt đêm như bất cứ ai và khi ngừng nhảy để lại bắt đầu một ngày làm việc mệt nhọc khác, lòng chị nhẹ nhàng, và rồi gã lại nghĩ tới Ruth, nghĩ tới sự dịu mát phải có ở đôi môi nàng cũng như phải có ở khắp người nàng. Cái hôn của nàng nhất định sẽ phải giống như cái bắt tay của nàng hay như khi nàng nhìn ai, thẳng thắn không e dè. Trong tưởng tượng, gã dám nghĩ đến đôi môi nàng đặt lên đôi môi gã, gã tưởng tượng mãnh liệt quá, đến nỗi cảm thấy choáng váng và dường như lách mình qua những đám mây cánh hoa hồng, trí óc gã tràn ngập hương thơm của hoa.

Ở trong bếp, gã thấy Jim, một gã ở trọ khác đang uể oải húp cháo, đôi mắt ốm yếu, lơ đãng. Jim là một anh thợ nguội tập việc, lẹm cằm bản chất vốn ưa khoái lạc, lại thêm cái tính đần độn hay cáu kỉnh, chẳng hứa hẹn đưa hắn đến đâu trong cuộc chạy đua đi tìm bánh và bơ.

“Sao đằng ấy không ăn đi?” Hắn hỏi, khi thấy Martin buồn bã nhúng thìa vào bát cháo bột lúa mạch nguội lạnh nấu chưa chín. “Tối qua đằng ấy lại say phải không!”

Martin lắc đầu. Gã ngột ngạt vì tất cả cái không khí kinh tởm chung quanh. Ruth, Morse, dường như càng xa gã hơn bao giờ hết.

“Đêm qua,” Jim cười huênh hoang, cộc cằn. “Đêm qua tớ khoái bằng chết. Ồ con bé xinh đáo để. Thằng Billy phải mang tớ về nhà.”

Martin gật đầu ra ý có nghe – gã có thói quen chú ý nghe bất cứ ai nói gì với gã, – và rót một tách cà phê âm ấm.

“Tối nay đằng ấy có đến Tiệm Hoa sen nhảy không?” Jim hỏi. “Ở đấy có bia và nếu lũ Temescal đến thì nhộn phải biết. Dù sao tớ cũng đếch cần, tớ cứ mang mèo của tớ đi theo. Mẹ khỉ, mồm đắng gớm!”

Hắn nhăn mặt và uống cà phê ồm hết đắng.

“Đằng ấy có biết Julia không?”

Martin lắc đầu.

“Mèo của tớ đấy. Mộng lắm nhớ. Tớ muốn giới thiệu cô ta với đằng ấy, có điều đằng ấy sẽ lại phỗng mất thôi. Thực thà, tớ không hiểu bọn con gái thấy cái gì ở đằng ấy, nhưng cái kiểu cậu phỗng của những thằng khác, thật ức đến chết.”

“Tớ chưa bao giờ phỗng mất đứa nào của cậu,” Martin trả lời, trong lòng không thấy thích thú gì. Dù sao thì bữa ăn sáng rồi cũng xong.

“Có chứ! Đằng ấy đã phỗng tay trên của tớ,” Jim nói sôi nổi. “Con Maggie đấy thôi.”

“Tớ chưa hề dính gì với nó, tớ chẳng nhảy với nó bao giờ, ngoài cái tối hôm ấy.”

“Phải, chỉ thế cũng đủ rồi đấy,” Jim kêu lên, “đằng ấy chỉ cần nhảy với nó, nhìn nó, ấy thế là xong hết. Tất nhiên, đằng ấy cũng chẳng có ý gì đâu. Nhưng tớ thế là tong. Bây giờ nó không thèm nhìn tớ nữa. Nó chỉ hỏi đến đằng ấy thôi. Nếu đằng ấy muốn, con bé sẵn sàng hẹn gặp gỡ ngay.”

“Nhưng mà tớ không muốn.”

“Chẳng cần phải thế. Tớ vẫn bị ra rìa.” Jim nhìn Martin thán phục. “Nhưng này Martin, đằng ấy làm thế nào mà tài thế?”

“Cứ phớt họ đi,” Martin trả lời.

“Đằng ấy muốn nói là cứ làm ra vẻ đằng ấy phớt họ đi phỏng?” Jim hăm hở hỏi.

Martin nghĩ một lúc rồi trả lời. “Có thể làm như thế được đấy, nhưng đối với tớ, tớ lại cho là khác. Tớ chả bao giờ để ý đến họ nhiều. Nếu cậu cũng làm như thế, chắc chắn là ăn thua đấy.”

“Giá đêm qua có đằng ấy ở nhà thằng Riley thì tốt quá,” Jim nói không ăn nhập đâu vào đâu. Một đám anh chị chạm trán nhau ở đấy, có một thằng khốn kiếp từ Tây Oakland tới. Chúng gọi thằng này là “Chuột.” Kẻng lắm, chẳng thằng nào địch lại với nó được. Bọn chúng tớ chỉ mong giá có đằng ấy. Thế đằng ấy biến đâu thế?”

“Xuống Oakland.” Martin trả lời.

“Đi xem hát à!”

Martin gạt cái đĩa ra một bên rồi đứng dậy.

“Tối hôm nay có đi nhảy không?” Jim hỏi với.

“Không, tớ nghĩ có lẽ tớ sẽ không đi đâu hết.”

Gã bước xuống bậc thang đi ra ngoài phố, hít những hơi thật dài. Gã bị ngột ngạt vì cái không khí ấy, lời lẽ ba hoa của gã thợ phụ làm gã phát điên lên. Đã có lúc gã phải cố hết sức mới trấn tĩnh lại để khỏi chồm lên ấn đầu thằng Jim vào bát cháo. Nó càng ba hoa, thì Ruth đối với gã hình như lại càng xa vời. Làm sao mà gã, sống chung bầy với bọn này, lại có thể xứng đáng được với nàng. Vấn đề trước mắt làm cho gã kinh sợ. Cái địa vị của gã trong tầng lớp công nhân cứ ám ảnh, dìm gã xuống. Chị gã, căn nhà, gia đình chị gã, thằng thợ phụ Jim, tất cả mọi người mà gã biết, mớ dây ràng buộc cuộc đời. Cuộc sống không ngọt ngào với gã một chút nào. Từ trước đến nay, gã vẫn thừa nhận cuộc sống, gã vẫn sống cuộc sống ấy với mọi thứ chung quanh và cái đó như một chuyện tốt lành. Gã chả bao giờ chất vấn cuộc sống, chỉ trừ những khi gã đọc sách, nhưng lúc đó, chỉ là sách vở thôi, những câu chuyện thần tiên của một thế giới thần tiên hơn, không thể có được. Nhưng bây giờ, gã đã thấy cái thế giới đó rồi, nó có thể có và đã có thực sự và ở chính giữa là một bông hoa, tinh túy của đàn bà tên gọi là Ruth. Và từ đó trở đi, gã phải nếm bao mùi vị cay đắng, bao mong mỏi da diết đau đớn, thất vọng đang giày vò gã vì nó dựa vào hy vọng. Gã suy nghĩ không biết nên đến thư viện công cộng Berkeley hay là thư viện Oakland; cuối cùng, gã quyết định đến thư viện Oakland, vì nhà Ruth ở khu này. Biết đâu đấy? Thư viện là nơi thích thú của nàng nhất và gã có thể gặp nàng ở đấy. Gã không biết cách sắp xếp trong thư viện ra sao, gã lang thang giữa những dãy tiểu thuyết dài vô tận, mãi đến lúc có một cô gái vóc dáng mảnh dẻ trông như người Pháp, có vẻ như phụ trách thư viện, bảo với gã phòng tìm phiếu sách ở trên gác. Gã không biết gì nhiều, để mà hỏi người ngồi ở bàn, gã bắt đầu cuộc phiêu lưu ở góc để sách triết học. Gã đã nghe nói về triết lý sách vở nhưng gã không thể ngờ rằng người ta lại viết nhiều về vấn đề này như thế. Những giá sách cao, chồng chất chứa đầy những pho sách dày cộp làm cho gã thấy mình hèn kém, nhưng đồng thời lại khích lệ gã. Đây là công việc tạo sức mạnh cho trí tuệ gã. Gã thấy những cuốn sách về Tam giác lượng trong khu sách Toán, gã mở lướt những trang giấy và nhìn những công thức, những hình vẽ vô nghĩa. Gã có thể đọc được tiếng Anh, nhưng gã thấy ở đó một thứ tiếng xa lạ. Norman và Arthur biết rõ thứ tiếng đó. Gã đã nghe thấy họ nói. Mà họ lại là anh em của nàng. Gã thất vọng bước ra khỏi khu này. Từ bốn phía, sách như dồn ép gã, nghiến nát gã. Gã không bao giờ ngờ rằng kho tàng kiến thức của con người lại lớn như thế. Gã kinh sợ. Làm sao mà trí óc gã có thể nắm được tất cả những vấn đề này. Sau gã mới nhớ ra rằng có những người khác, rất nhiều người khác có thể nắm vững được, gã say sưa thốt lên một lời nguyền, lẩm nhẩm thề rằng: trí óc gã nhất định sẽ làm được những cái mà trí óc người khác đã làm.

Và như thế gã cứ lang thang đi tiếp, mắt ngắm nhìn những giá sách chứa đầy những kiến thức, lúc thì thất vọng, lúc thì hưng phấn. Trong một khu vực để sách linh tinh, gã chợt thấy cuốn “Toát yếu của Norrie.” Gã kính cẩn giở những trang sách. Về một mặt nào đó, ngôn ngữ trong cuốn sách cũng từa tựa như lời nói của gã. Cả gã và cuốn sách đều là của biển cả. Rồi gã tìm thấy một cuốn sách của Bowditch 1 và những tác phẩm của Lecky và Marshall. Đây rồi, gã có thể tự học nghề hàng hải. Gã sẽ thôi không uống rượu, sẽ cố gắng học và trở thành một thuyền trưởng. Ruth lúc này dường như gần gũi gã lắm. Là một thuyền trưởng gã có thể lấy được nàng (nếu nàng muốn lấy gã) – Nếu nàng không muốn thì cũng được, gã sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp giữa những con người, vì Nàng, nhất định gã sẽ bỏ hết rượu chè. Nhưng gã lại chợt nhớ ra rằng giữa ông chủ hãng bảo hiểm và ông chủ tàu – Hai ông chủ mà thân phận gã thuyền trưởng phải phục vụ quyền lợi luôn luôn va chạm nhau và cả hai đều có thể và sẽ làm cho anh ta điêu đứng. Gã đảo mắt nhìn quanh phòng và khép mi mắt lại tưởng tượng ra muôn ngàn cuốn sách. Không, không làm cái nghề đi biển nữa. Trong cái kho tàng sách vở kia có một sức mạnh phi thường, và nếu gã có làm nên được cái gì vĩ đại, nhất định gã sẽ phải làm nó trên mặt đất liền. Hơn nữa, thuyền trưởng lại không được phép đem vợ đi biển cùng với mình.

Trưa, rồi đến chiều. Gã quên cả ăn, cứ tìm mãi những sách dạy về phép xã giao. Vì thêm vào sự nghiệp, trí óc gã còn phải bận rộn về một vấn đề rất đơn giản và cụ thể: “Khi bạn gặp một thiếu nữ lịch sự trẻ trung và nếu nàng mời bạn đến chơi, thì cách bao lâu sau bạn có thể đến?” Đó là vấn đề gã luôn băn khoăn tự hỏi. Nhưng khi gã tìm thấy đúng ngăn để những quyển sách ấy, thì gã tìm hoài mà cũng chẳng thấy câu trả lời. Gã hoảng sợ trước tòa lâu đài mênh mông của phép xã giao, gã như lạc đường trong đám rối rắm những con đường không có lối ra của cách xử thế giữa những con người trong xã hội thượng lưu. Gã không tìm nữa. Gã không tìm thấy cái mà gã cần, dù gã đã thấy rằng muốn lịch sự thì phải mất cả đời người, và gã phải sống một cuộc đời dự bị trước để học làm sao cho lịch sự đã.

“Ông có tìm thấy cái ông cần không?” Người ngồi ở bàn hỏi khi thấy gã ra về.

“Thưa ông có,” gã trả lời. “Thư viện ở đây đầy đủ quá.”

Người ấy gật đầu. “Chúng tôi rất sung sướng được tiếp ông ở đây luôn. Ông là thủy thủ phải không?”

“Thưa ông, vâng. Tôi sẽ xin lại đây luôn.”

“Ừ, mà sao hắn lại biết được điều đó?” Gã tự hỏi mình khi bước xuống cầu thang.

Trên quãng hè khối nhà mọc đầu tiên dọc theo đường phố, gã bước vụng về, người cứng đơ, thẳng đuỗn cho đến khi miên man suy nghĩ, gã quên đi; cái dáng đi lắc lư lại trở về với gã một cách duyên dáng.

Chú thích:

2, Blathaniel Bowditch (1773 – 1838): một nhà toán học kiêm hàng hải người Mỹ.

Bình luận