Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Martin Eden

Chương 24

Tác giả: Jack London

Tuần tiếp tuần, nhiều tuần trôi qua. Martin hết sạch cả tiền mà những tấm ngân phiếu của các nhà xuất bản thì vẫn còn xa xôi như bao giờ. Tất cả những bản thảo quan trọng của gã đều trở lại rồi lại được gửi đi, cả số phận những bài viết cốt để kiếm tiền cũng không hơn gì. Cái bếp nhỏ của gã không còn được điểm xuyết bằng những món ăn nhiều màu mè nữa. Gieo neo quá, chỉ còn một phần túi gạo và một vài cân mận khô, gạo và mận khô là món ăn ba lần trong một ngày của gã, đã năm ngày liền như vậy. Rồi gã bắt đầu thấy mình mắc nợ. Lão bán hàng thực phẩm người Bồ Đào Nha, trước đây mua gì gã đều trả tiền ngay, bây giờ thấy tiền nợ của gã đến lên tới con số ghê gớm là ba đôla tám mươi nhăm xu thì không bán chịu nữa. Lão nói:

“Anh biết đấy. Anh chả chịu đi làm đi ăn gì, thì tôi đến mất toi tiền.”

Martin không thể trả lời được, không có cách gì giải thích cả. Nguyên tắc làm ăn buôn bán nhất định không thể cho phép bán chịu ột anh chàng còn trai trẻ sức vóc, xuất thân trong tầng lớp công nhân mà lại quá lười biếng, không chịu đi làm.

“Anh cứ đi kiếm việc làm đi. Tôi sẽ bán chịu thêm cho anh.” Lão cam đoan với Martin “Không có việc làm, không bán chịu. Công việc buôn bán là phải thế.” Rồi để chứng tỏ đó chỉ là sự lo xa trong việc buôn bán chứ không phải vì thành kiến, lão nói tiếp “Vào làm ly rượu đã, ta vẫn là bạn tốt với nhau mà.”

Thế là Martin nhận lời uống, theo cái lối tự nhiên dễ dãi của gã, để tỏ ra gã vẫn là bạn tốt với nhà hàng; rồi về giường đi ngủ, bụng rỗng không.

Cửa hàng bán hoa quả tươi, nơi Martin thường mua rau, chủ là một người Mỹ, nguyên tắc buôn bán của lão này lỏng lẻo đến nỗi đã để cho Martin nợ năm đôla rồi mới thôi không bán chịu nữa. Lão bán bánh cho nợ đến hai đôla thì thôi, lão hàng thịt, bốn đôla. Martin cộng các món lại và thấy mình mang ở trên đời một món nợ tổng cộng là mười bốn đôla tám mươi nhăm xu. Gã còn nợ tiền thuê máy chữ, nhưng gã còn có thể chịu được hai tháng như thế là tám đôla. Đến lúc đó gã sẽ không còn trông vào đâu được nữa.

Lần mua cuối cùng ở cửa hiệu hoa quả là một túi khoai tây và suốt một tuần lễ liền gã chỉ có khoai tây, không gì khác ngoài khoai tây, ba lần một ngày. Họa hoằn ăn ở nhà Ruth giúp gã giữ được sức khỏe của cơ thể, tuy gã cũng thấy khá khổ tâm khi từ chối không lấy thức ăn thêm, trong khi bụng đói cào cấu thèm khát những thức ăn bày la liệt trên bàn. Thỉnh thoảng, tuy trong thâm tâm cảm thấy xấu hổ, những gã vẫn tạt vào nhà bà chị đúng vào lúc bữa cơm và ăn no, ăn nhiều, nhiều hơn ở bàn ăn nhà ông Morse.

Gã làm việc hết ngày nọ đến ngày kia, và hết ngày nọ đến ngày kia, người đưa thư vẫn mang cho gã những tập bản thảo bị ném trả về. Gã không có tiền mua tem, vì thế mà bản thảo chất thành đống ở gầm bàn. Rồi một hôm, suốt bốn mươi tiếng đồng hồ gã không được nếm một chút thức ăn nào. Gã không thể hy vọng một bữa ăn ở đằng nhà Ruth, vì nàng đã đi San Raphael chơi hai tuần; và cũng vì xấu hổ gã không thể tới nhà bà chị. Không may hơn nữa, người đưa thư đi phát chuyến thư chiều đã mang tới cho gã năm tập bản thảo bị trả về. Rồi vì thế mà Martin phải mặc áo khoác ngoài xuống Oakland, lúc trở về không còn áo, nhưng có năm đôla lẻng xẻng trong túi. Gã trả bớt cho bốn của hiệu, mỗi người một đôla, và về bếp rán thịt bò với tỏi, pha cà phê, trộn một xoong mận to tướng. Ăn xong, gã ngồi vào bàn hoàn thành trước nửa đêm một bài luận văn mà đặt tên cho nó là “Giá trị của sự cho vay lãi.” Đánh máy xong, gã quẳng nó xuống gầm bàn vì cũng không còn lại xu nào trong số năm đôla trên để mua tem.

Sau đó gã đem cầm đồng hồ, rồi sau đó lại cầm cả xe đạp, bớt tiền mua thức ăn để mua tem dán vào tất cả các bản thảo và gửi đi. Gã đã thất vọng đối với những bài viết cốt để kiếm tiền của mình. Không ai cần mua cả. So sánh chúng với cái gã thấy trên các tờ báo hàng ngày, các tuần báo, các tạp chí rẻ tiền, gã quả quyết rằng những bài của gã hơn những bài thông thường được đăng nhiều, hơn rất nhiều, ấy vậy mà chúng vẫn không bán được. Rồi gã khám phá ra hầu hết các báo chí hàng ngày đăng phần lớn những bài “do các nghiệp đoàn cung ứng đưa đến,” và gã tìm được địa chỉ của cái tổ chức cung cấp những tài liệu đó. Nhưng những bài của gã gửi đi vẫn bị trả về kèm theo một bức thư in sẵn báo cho gã biết rằng ban biên tập đã cung cấp đủ tất cả những bài cần thiết.

Ở một trong những tờ báo thiếu niên lớn, gã thấy bao nhiêu cột đăng khi những giai thoại, những mẩu chuyện tạp nhạp. Lại một cơ hội đây rồi. Nhưng những mẩu chuyện của gã lại bị trả về; mặc dù gã đã cố gửi đi gửi lại nhiều lần, vẫn không một truyện nào gửi lọt. Mãi về sau, khi không cần đến nữa, gã mới rõ bọn chủ bút và bọn phu việc đã tự tay viết những chuyện đó để tăng lương của chúng lên. Những tờ tuần báo trào phúng cũng gửi trả lại những mẩu chuyện khôi hài và những bài thơ châm biếm của gã, những bài thơ đả kích nhẹ nhàng gã viết cho những tạp chí lớn cũng không có chỗ dung thân. Lại còn những truyện ngắn trên báo hàng ngày nữa. Gã biết gã có thể viết hay hơn những cái đã được đăng. Tìm được địa chỉ của hai tổ chức cung cấp tài liệu cho các báo hàng ngày, gã tới tấp gửi truyện ngắn của mình đến, khi đã viết xong tới hai mươi truyện mà vẫn không được nhận đăng truyện nào, gã thôi không viết nữa. Tuy vậy, hàng ngày, đọc những truyện ngắn trên các báo hàng ngày, hàng tuần, biết bao là truyện, gã không thấy một truyện nào có thể sánh nổi với truyện của gã. Thất vọng, gã kết luận rằng gã không biết đánh giá một chút nào, rằng gã bị mê hoặc vì những cái mình viết, rằng gã chỉ là một thằng kiêu căng tự lừa dối mình.

Cái bộ máy biên tập không có tính chất con người cứ chạy một cách trơn tru như thường. Gã dán tem lên bản thảo, gấp lại, bỏ vào thùng thư, và cứ từ ba tuần đến một tháng sau người đưa thư lại bước lên bục cầu thang, đưa trả lại gã. Chắc chắn rằng ở đầu bên kia không có một ban biên tập con người. Đó chỉ toàn là những bánh xe, những răng cưa, những ổ dầu – một hệ thống máy móc tinh xảo được điều khiển bởi những người máy. Gã đã thất vọng tới mức nghi ngờ không biết bọn biên tập có thực tồn tại hay không. Gã không bao giờ nhận thức được một dấu hiệu gì về sự tồn tại của một tên chủ bút nào, và cái việc không có một lời nhận định mà cứ vứt trả lại tất cả những cái gã viết, dường như là một bằng chứng cụ thể tỏ ra rằng bọn chúng chỉ là những vật hoang đường được tạo ra, được nuôi dưỡng bởi một lũ lau nhau phụ việc, lũ thợ xếp chữ, bọn thợ in.

Những giờ phút bên Ruth là những giờ phút sung sướng độc nhất của gã, mà cũng không phải mọi giây phút đều sung sướng. Gã luôn luôn bị dằn vặt bởi một sự day dứt gặm nhấm tâm hồn, nó còn làm cho gã đau khổ hơn là những ngày xưa kia khi gã chưa chiếm được tình yêu của nàng; bởi vì bây giờ tuy đã chiếm được tình yêu của nàng rồi, những chiếm được nàng vẫn còn là chuyện xa xôi hơn bao giờ hết. Gã đã xin nàng hai năm. Thời gian qua đi như bay, gã vẫn chưa đạt được cái gì cả. Hơn nữa, gã luôn luôn nhận thức thấy một sự thật là nàng không tán thành cái việc gã đang làm. Nàng không nói thẳng như vậy. Nhưng gián tiếp nàng đã để cho gã hiểu một cách rõ ràng, dứt khoát y như nàng đã nói ra. Nàng không tỏ ý bực bội, nhưng không tán thành; những người đàn bà khác không hiền dịu như nàng có lẽ đã tỏ ra bực bội lắm trong khi nàng chỉ tỏ ra thất vọng. Sự thất vọng của nàng là ở chỗ con người mà nàng định nhào nặn này lại từ chối không chịu để cho nhào nặn. Trước đây, nàng vẫn cứ cho rằng đến một mức độ nào đấy chất đất sét trong con người này sẽ dẻo lắm, thế mà nó hóa ra bướng bỉnh, từ chối không để cho nặn theo hình dáng của cha nàng hay của ông Butler.

Những cái lớn lao, mạnh mẽ trong con người gã, nàng đều không nhìn thấy, hay tệ hơn nữa, nàng đã hiểu nhầm nó. Cái con người này, mà chất đất sét mềm dẻo đến độ có thể sống trong bất cứ một cái ổ nào trong cuộc sống của con người, nàng lại cho là bướng bỉnh, là ngoan cố nhất, bởi bì nàng không thể nặn được nó, không bắt được nó phải sống trong cái ổ chim câu của nàng, cái ổ duy nhất mà nàng biết. Nàng không thể nào theo được đôi cánh bay bổng của tư tưởng gã, và khi trí óc gã đã vượt quá xa nàng, thì nàng lại cho gã là một con người kỳ quái. Từ xưa đến nay, chưa trí óc một ai vượt qua trí óc nàng. Nàng vẫn có thể hiểu được cha nàng, mẹ nàng, các anh em nàng, và Olney, và vì thế khi không hiểu nổi Martin thì nàng tin rằng lỗi là ở gã. Đó chính là tấn bi kịch cổ xưa khi cái thiển cận lại muốn làm thầy cho toàn vũ trụ.

“Em sùng bái tư tưởng chính thống.” Một lần gã đã nói với nàng, khi hai người thảo luận với nhau về Prap và Vanderwater. “Anh thừa nhận rằng kể đúng về mặt những người có uy tín để trích dẫn, thì họ là những người xuất sắc nhất – hai nhà phê bình văn học tiên tiến của Mỹ. Tất cả các ông giáo ở các trường trên đất này đều ngưỡng mộ coi Vanderwater như ông thần trong giới phê bình văn học ở Mỹ. Ấy vậy mà, anh đã đọc những bài viết lảm nhảm của hắn ta, và đối với anh hình như đó là biểu hiện đầy đủ nhất, của một thằng ngốc. Thật thế, hắn ta không hơn gì một tay nói sáo buồn tẻ như Gelett Burgess 1 nói. Prap thì cũng chẳng hơn gì. Như cuốn “Rêu độc” của hắn chẳng hạn, viết thì văn hoa lắm, không đặt sai một dấu phẩy, giọng văn thì ái chà… chà, mới cao quý, cao quý chứ. Hắn là một nhà phê bình được trả hậu hĩ nhất ở nước Mỹ này. Nhưng, trời ơi! Hắn không phải là một nhà phê bình chút nào. Ở Anh người ta làm công việc phê bình tốt hơn.

“Nhưng điểm lý thú là lời lẽ nghe ra có vẻ hợp với đại chúng lắm, văn hoa, đạo lý, và có vẻ tự mãn. Những bài phê bình của các ông ấy làm cho anh nhớ tới một ngày Chủ nhật ở Anh 2. Họ là cái loa của đại chúng. Họ tôn các ông giáo sư văn học Anh của em lên, và các ông giáo sư văn học em cũng tôn họ lên. Nhưng trong bất cứ một cái sọ nào của bọn họ cũng chẳng có lấy được một tư tưởng độc đáo. Họ chỉ biết những cái đã được xác định. Tâm hồn họ yếu đuối và những cái đã được xác định nó in ngay vào con người họ dễ dàng như nhãn hiệu in vào một chai bia. Công việc của họ là bắt tất cả những chàng trai trẻ học ở Trường đại học phải xua đuổi khỏi đầu óc mình bất cứ một tư tưởng độc đáo le lói nào may ra có được ở trong đó và in vào đầu các chàng trai ấy tất cả những nhãn hiệu đã được xác định.”

Nàng trả lời:

“Khi em đứng về phía tư tưởng chính thống, thì em nghĩ rằng em gần với chân lý hơn anh là con người cứ hò hét quay cuồng như một gã đã phá thần tượng ở đảo Nam Hải.”

“Chính những nhà truyền giáo là những kẻ đã phá thần tượng,” gã cười lớn, “bất hạnh thay, tất cả những giáo sĩ đều vắng đi truyền giáo trong đám vô thần, vì thế ở nhà chẳng còn ai để mà phá hủy những thần tượng cổ lỗ là ông Vanderwater và ông Prap.”

“Và cả những giáo sư Đại học nữa chứ!” Nàng thêm.

Gã lắc đầu quả quyết. “Không, những giáo sư khoa học phải tồn tại. Họ là những người thực sự vĩ đại. Nhưng nên đem mà chặt cổ hết chín phần mười các ngài giáo sư văn học Anh, những con vẹt đầu óc nhỏ bé ấy đi!”

Đối với các giáo sư, lời nhận xét trên có phần nghiêm khắc, nhưng đối với Ruth đây là một lời báng bổ. Nàng không thể không so sánh những giáo sư, quần áo gọn gàng tề chỉnh, có vẻ học giả, lời nói uyển chuyển, lời nói ra là học thức, là tế nhị, với anh chàng trẻ tuổi hầu như không thể tả được này, con người mà không hiểu làm sao nàng đã yêu, con người mà quần áo không bao giờ vừa với thân hình, bắp thịt to, chắc, chứng tỏ đã phải lao khổ cực nhọc, con người mà mỗi lần nói là sôi nổi, là dùng những lời lẽ cộc cằn thay cho những nhận định bình tĩnh; những lời lẽ nóng nảy dễ bốc thay cho sự tự chủ trầm tĩnh. Ít nhất thì lượng các giáo sư cũng nhiều và – phải, nàng buộc lòng phải nhận thấy điều này – họ là những người thượng lưu, còn gã thì không thể kiếm được một đồng xu, và không như họ.

Nàng không coi trọng những lời nói của Martin mà cũng không căn cứ vào những lời nói đó để mà phê phán lý lẽ của gã. Nàng kết luận lý lẽ của gã sai bằng cách so sánh những cái bề ngoài giữa gã và họ, đành rằng việc so sánh nàng làm không có chủ tâm. Họ, những vị giáo sư, những lời phê bình văn học của họ là đúng, vì họ là những người thành công. Những lời phê bình văn học của Martin là sai bởi vì gã đã không bán được tác phẩm của mình. Hay là nói theo câu nói của gã, họ đã thành công, còn gã thì không thành công. Hơn nữa, hình như gã đúng là không hợp lẽ – gã, cái con người mà vừa mới độ nào thôi còn đứng, cũng ở trong cái phòng khách này, mặt đỏ dừ, vụng về đáp lễ khi được giới thiệu, sợ hãi nhìn quanh, chỉ lo cái vai đu đưa va phải làm vỡ đồ đạc, con người hỏi Swinburne chết từ bao giờ và khoe mình đã đọc “Vươn lên mãi” và “Bài ca cuộc sống.”

Vô tình, Ruth đã tự chứng minh cho quan điểm của gã, rằng nàng là một kẻ tôn thờ những cái đã được xác định. Martin theo dõi quá trình diễn biến của tư tưởng nàng, nhưng gã cố nén không tranh luận thêm nữa. Gã không yêu nàng vì những cái nàng nghĩ về Prap, về Vanderwater, về những ngài giáo sư văn học Anh. Gã bắt đầu thấy rõ và càng ngày càng thấy chắc chắn rằng gã đã nắm được những lĩnh vực của tri thức và tầm hiểu biết sâu rộng mà nàng không bao giờ có thể hiểu nổi, thậm chí cũng không biết rằng những cái đó tồn tại.

Về âm nhạc, thì nàng cho gã thật ra không hiểu biết, còn về nhạc kịch thì không những gã không hiểu biết mà còn bướng bỉnh một cách khó chịu.

“Anh có thích vở nhạc kịch không?” Nàng hỏi gã vào một buổi tối hai người ở nhà hát nhạc kịch về.

Đó là một đêm mà gã phải hết sức tiết kiệm, nhịn ăn trong một tháng mới mua được vé mời nàng. Đợi mãi không thấy gã phát biểu gì về vở nhạc kịch, nàng mới hỏi gã câu ấy, trong người nàng hãy còn bàng hoàng kích động vì những cái nàng vừa được xem và nghe.

“Anh thích màn mở đầu. Hay lắm.”

“Đúng, nhưng còn chính vở thì sao?”

“Cũng hay lắm. Anh muốn nói là ban nhạc ấy. Giá mà những con rối yên đi đứng ra trò thì anh thấy còn thú hơn nhiều.”

Ruth lặng người đi.

“Anh không định nói về Tetralani hay Barillo đấy chứ?” nàng hỏi.

“Tất cả bọn họ.”

“Nhưng họ là những tài tử vĩ đại chứ,” nàng cãi.

“Thì họ vẫn cứ làm hỏng cả bản nhạc, với những trò múa may và những cái không chân thực của họ.”

“Nhưng anh có thích giọng hát của Barillo không? Người ta cho rằng chỉ kém có Caruso 3 thôi.”

“Tất nhiên là có thích và anh còn thích giọng của Tetralani hơn nữa. Giọng của nàng thật là tuyệt diệu – hay ít nhất anh cũng nghĩ như thế.”

“Nhưng, nhưng… ” Ruth ấp úng, “em không hiểu ý anh là thế nào. Anh thán phục giọng của họ, thế mà lại nói là họ làm hỏng cả bản nhạc.”

“Đúng thế đấy. Nghe họ cùng hát, thì mất gì anh cũng muốn nghe, nhưng giá không phải nghe họ hát khi ban nhạc chơi thì anh còn thấy thú vị hơn nhiều. Anh e rằng anh là một anh chàng hiện thực khó tính. Ca sĩ vĩ đại không hẳn là diễn viên vĩ đại. Nghe Barillo hát một đoạn tình ca với một giọng thiên thần, nghe Tetralani hát đối cũng với một giọng thiên thần như thế, hòa theo với điệu nhạc phong phú đầy màu sắc, sáng ngời thì thật là tuyệt diệu, vô cùng tuyệt diệu. Không phải là anh chỉ thừa nhận, anh khẳng định như thế. Nhưng bao nhiêu cái hay cái đẹp đều hỏng hết khi nhìn họ – đào Tetralani cao năm bộ 4 mười đi tất ngắn không giày, thân hình nặng có đến một trăm chín mươi “pao” 5, kép Barillo ngắn ngủn năm thước tư, mặt bự mỡ, ngực ngang phè, trông như một anh thợ rèn lùn tịt, hai đào kép nhún nhảy điệu bộ, ôm ngực, vung tay lên không khí như những kẻ mất trí trong nhà thương điên, thế mà người ta đòi anh thừa nhận tất cả những cái đó là một cảnh trung thành với cảnh yêu đương giữa một nàng công chúa kiều diễm mảnh dẻ với một hoàng tử trẻ tuổi lãng mạn, đẹp trai, thì anh làm sao có thể thừa nhận được, có thế thôi. Thật là dơ dáng, thật là phi lý, không thực chút nào. Vấn đề là như vậy. Nó không thực. Không có một kẻ nào trên đời lại tỏ tình với nhau, theo cái kiểu như vậy. Chứ sao, nếu anh tỏ tình với em theo cái kiểu như vậy, thì có lẽ em đã bợp tai anh rồi.”

“Nhưng anh nhầm,” Ruth phản đối, “bất cứ hình thức nghệ thuật nào cũng đều có giới hạn của nó. (Nàng đang cố nhớ lại một bài thuyết trình về những quy ước của nghệ thuật mà nàng được nghe ở trường Đại học). Trong hội họa chỉ có hai chiều, trên nền vải, ấy thế mà anh vẫn phải thừa nhận trong tưởng tượng là có ba chiều mà nghệ thuật của một họa sĩ giúp anh ta có thể đưa lên nền vải. Hay nói đến chuyện viết văn nữa, tác giả phải là một người có quyền vô hạn. Anh phải thừa nhận là hợp lý tất cả những đoạn tác giả thuật những những ý nghĩ thầm kín của một nữ nhân vật chính trong truyện, thế mà thực ra như anh biết đấy, nhân vật khi nghĩ những tư tưởng đó thì chỉ có một mình, tác giả cũng như không một người nào khác có thể nghe thấy được. Trong sân khấu, trong điêu khắc, trong nhạc kịch, trong tất cả các hình thức của nghệ thuật đều như vậy cả. Ta phải thừa nhận một vài cái không thể hòa hợp với nhau được.”

“Đúng, anh hiểu điều đó. Nghệ thuật nào cũng đều có những quy ước của nó.”

Ruth ngạc nhiên khi gã dùng danh từ đó, y như thể chính gã đã từng theo học ở Đại học, chứ không phải là tự trang bị ình rất tồi bằng cách vớ được quyển nào đọc quyển ấy ở Thư viện.

“Nhưng ngay cả quy ước đi nữa cũng phải chân thực. Những cây cối vẽ trên tấm phông phẳng bằng bìa cứng đặt ở hai bên sân khấu, ta phải thừa nhận đó là một khu rừng. Đó là một quy ước khá chân thực. Nhưng, trái lại, ta không thể nào thừa nhận cảnh biển là cảnh rừng được. Không thể nào thừa nhận được. Nó trái với lẽ phải. Ngày cả em nữa, em cũng sẽ, hay nói đúng hơn em không thể thừa nhận cái lối quằn quại vặn vẹo đau đớn như sắp chết của hai kẻ điên rồ ấy trên sân khấu đêm nay, coi đó là một biểu hiện của tình yêu có sức thuyết phục người khác.”

“Nhưng anh không tự ình là giỏi hơn tất cả những nhà phê bình âm nhạc chứ,” nàng vặn lại.

“Không, không, không khi nào. Anh chỉ giữ cái quyền của một cá nhân. Anh chỉ nói với em những điều anh nghĩ, cái để giải thích cho em hiểu tại sao đối với anh những điệu nhảy nhót nặng ình ịch như voi của bà Tetralani, đã làm hỏng cả ban nhạc. Những nhà phê bình âm nhạc trên thế giới này có thể là đúng cả. Nhưng anh là anh, anh không thể nào uốn cái sở thích của anh theo những lời bình phẩm chung của thiên hạ được. Nếu anh không thích một cái gì đó thì có nghĩa là anh không thích nó, có thế thôi; dưới bầu trời này không có một lý do gì khiến anh cứ phải đi bắt chước như một chú khỉ thích theo cái thích của người khác, chỉ vì đa số những người đồng loại với anh thích hay làm ra vẻ thích. Anh không thể nào đi theo mốt trong việc anh thích hay không thích.”

“Nhưng âm nhạc, anh biết đấy, là một vấn đề đòi hỏi phải tập luyện,” Ruth cãi lý, “mà nhạc kịch thì lại càng là một vấn đề đòi hỏi phải tập luyện lắm. Có thể là…”

“… anh không được tập luyện để hiểu nhạc kịch chứ gì?” Gã nói chặn ngay.

Nàng gật đầu.

“Đúng thế,” gã đồng ý. “Và anh tự coi là may mắn khi còn trẻ, anh không bị những cái đó hấp dẫn. Nếu không thì đêm nay chắc chắn anh đã phải nhỏ những giọt nước mắt tầm thường và những trò hề của đôi đào kép quý hóa kia có lẽ đã làm tăng cái đẹp của giọng hát của họ, cái đẹp của ban nhạc hòa theo. Em nói đúng đấy. Đó chính là một vấn đề đòi hỏi phải tập luyện. Bây giờ anh quá già rồi. Anh phải có những cái chân thực hoặc không có gì hết. Một ảo ảnh không có sức thuyết phục nổi ai thì chỉ là một điều dối trá trắng trợn, và đối với anh bản nhạc kịch cũng thế thôi, khi anh chàng Barillo lùn tịt lên cơn, ghì chặt lấy nàng Tetralani béo ị trong cánh tay (bà này cũng đang lên cơn) và thổ lộ là chàng đã yêu nàng say đắm biết chừng nào.”

Ruth lại đánh giá tư tưởng của gã bằng cách so sánh những cái bề ngoài phù hợp với niềm tin của mình vào những cái đã được xác định. Anh là ai mà lại có thể đúng còn cả thế giới học thức đều sai? Lời nói và tư tưởng của gã không gây một tác động nào đối với nàng. Nàng đã tin tưởng một cách quá vững chắc ở những cái đã được xác định nên không có thể có được một chút thiện cảm nào đối với những tư tưởng cách mạng. Nàng đã quá quen thuộc với âm nhạc, nàng đã đi xem nhạc kịch từ hồi còn nhỏ, và những người cùng tầng lớp với nàng cũng thích nhạc kịch. Thế thì cái anh chàng Martin Eden kia, một con người vừa mới nhoi lên khỏi những điệu nhạc xô bồ của giai cấp công nhân có quyền gì mà dám phê phán âm nhạc của thế giới? Nàng bực bội với gã, và trong khi đi bên cạnh gã, nàng có một cảm giác mơ hồ như đang bị sỉ nhục. Nhưng với lòng bao dung của mình, nàng nghĩ cho cùng ra, nàng coi những quan điểm của gã chẳng qua cũng chỉ là một ý nghĩ bất thường, hơi xấu tính, một lời đùa cợt không đúng lúc, bạ đâu nói đó. Nhưng khi gã ôm nàng trong cánh tay ở trước cửa nhà, hôn nàng từ biệt một cách rất dịu dàng, thì nàng quên hết, trong sự rộn ràng của tình yêu đối với gã và đêm khuya hôm đó, trằn trọc trên chiếc gối nàng bối rối, như nàng vẫn thường bối rối trong những ngày gần đây khi nàng tự hỏi không hiểu tại sao mình lại yêu được một con người kỳ lạ như vậy, yêu bất chấp cả sự không đồng ý của gia đình.

Ngày hôm sau, Martin vứt hết những bài viết lặt vặt sang một bên, gã say sưa mê mẩn gò một bài luận văn của gã đặt tên là: “Triết lý của tư tưởng.” Một cái tem dán lên đưa nó đi chu du, nhưng nó lại chịu chung cái số phận phải nhận nhiều cái tem dán lên mình để đi chu du nhiều chuyến trong những tháng tiếp theo.

Chú thích:

1. Một tác giả người Mỹ sinh năm 1866 không rõ chết năm nào.

2. Ở Anh những người theo đạo Cơ đốc, ngày chủ nhật không lui tới những chỗ giải trí khiêu vũ, vui chơi, chỉ đi nhà thờ. Ý Martin muốn nói một ngày chủ nhật rất buồn nản, không có gì là hứng thú.

3. Purico Caruso (1873 – 1921) một ca sĩ giọng nam cao người Ý.

4. Bộ Anh (feet) = 0,3048m.

5. Một pao (pound) = 0,4538kg.

Bình luận