Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Martin Eden

Chương 14

Tác giả: Jack London

Không phải vì Olney, nhưng bất chấp cả Ruth, cả tình yêu của gã đối với cô, cuối cùng, gã quyết định không học tiếng Latin. Tiền của gã là thời gian. Có rất nhiều cái quan trọng hơn tiếng Latin, còn nhiều vấn đề nghiên cứu đang ra mệnh lệnh thúc bách gã. Và gã phải viết. Gã đã kiếm tiền. Gã vẫn chưa có một bài nào được báo nhận đăng. Bốn mươi tập bản thảo cứ đi vòng mãi không ngừng, quanh các tạp chí. Không biết những người khác làm thế nào với tác phẩm của mình? Gã ngồi hàng giờ trong phòng đọc công cộng, đọc đi đọc lại những cái mà người khác viết, nghiên cứu tác phẩm của họ một cách say sưa và có phê phán, so sánh với tác phẩm của gã, và cứ ngạc nhiên hoài về cái mánh lới bí mật họ đã khám phá ra khiến họ có thể bán được tác phẩm của họ.

Gã ngạc nhiên về số lượng khổng lồ của những cái đã được in bây giờ đang nằm chết dí một xó. Không một chút ánh sáng, không một sức sống, không một chút màu sắc nào xuyên qua nó. Không có một chút hơi thở nào của cuộc sống trong đó, thế mà chúng vẫn bán được, hai xu một chữ, hai mươi đôla một ngàn chữ – những bài cắt trong tờ báo hàng ngày đã nói thế. Gã lạ lùng thấy có biết bao nhiêu truyện ngắn, nhiều không thể đếm được, viết thì cũng thanh thoát, khéo léo – gã thừa nhận như vậy – nhưng hoàn toàn không sinh khí, không hiện thực.

Cuộc sống lạ lùng và kỳ ảo biết bao nhiêu, nó chứa đầy những vấn đề to lớn, những giấc mơ, những hành động anh hùng, ấy vậy mà những truyện này chỉ nói nói đến những cái tầm thường của nó. Gã cảm thấy sức mạnh và sự thôi thúc của cuộc sống, những cơn sốt nóng, những giọt mồ hôi, những sự dấy loạn hung bạo – chắc chắn đó là những cái cần phải viết. Gã muốn ca ngợi những kẻ dẫn đường cho những niềm hy vọng bị lãng quên, những kẻ cuồng si, những người khổng lồ chiến đấu trong gian lao khổ ải, trong khủng khiếp và bi thảm, đem hết sức mạnh của mình làm cho cuộc sống rạn nứt ra. Ấy thế mà những truyện ngắn trong các tạp chí kia hình như chỉ chăm chăm chú ca ngợi những hạng người như ông Butler, những kẻ chạy theo đồng đôla bẩn thỉu, những mẩu chuyện tình ái nhỏ bé, tầm thường của những người đàn ông, đàn bà nhỏ bé tầm thường. Phải chăng những ông chủ bút của những tờ tạp chí kia cũng tầm thường? Gã tự hỏi. Hay là những nhà văn, những ông chủ bút, nhưng người đọc bản thảo họ sợ cuộc sống?

Nhưng khó khăn chủ yếu của gã là gã không quen một ông chủ bút hay một nhà văn nào. Không những gã không quen một nhà văn nào, mà còn chẳng biết một người nào có ý định viết văn nữa. Không có ai là người bảo cho gã biết, gợi ý cho gã, khuyên gã lấy một lời. Gã bắt đầu nghi ngờ những ông chủ bút không phải là những con người thực. Họ hình như chỉ là những răng cưa bánh xe trong một bộ máy. Đúng thế đấy, một cái máy. Gã đã dốc hết tâm hồn mình vào những truyện ngắn, những bài báo, những bài thơ và đã đem giao phó chúng ột cái máy. Cũng như vậy, gã đã gập chúng lại, gửi tem đúng qui định kèm theo với bản thảo bên trong chiếc phong bì dài, gắn si lại, dán thêm tem bên ngoài và bỏ vào hòm thư. Nó đã chu du khắp lục địa và sau một thời gian, người đưa thư lại đem trả lại gã bản thảo trong một chiếc phong bì dài khác, bên ngoài dán những con tem gã đã gửi kèm đi. Ở đầu bên kia không có một người chủ bút nào, mà chỉ có một bộ máy tinh quái đã chuyển tập bản thảo từ phong bì này sang phong bì khác và dán tem lên đó. Thật đúng như một cái máy bán hàng tự động, bỏ một đồng xu vào đó, máy kêu xòng xọc và nhả ra một thanh kẹo cao su, hay một thỏi sôcôla. Tùy theo bỏ xu vào khe nào thì sẽ được hoặc sôcôla hay kẹo cao su. Với cỗ máy xuất bản cũng vậy, khe này thì nhả ra những ngân phiếu, khe kia những thư từ chối. Cho đến bây giờ gã chỉ thấy khe kia thôi.

Chính những mảnh thư từ chối ấy đã hoàn thành quá trình làm việc như máy đáng kinh sợ ấy. Chúng đều in sẵn theo mẫu cố định và gã đã nhận được hàng trăm mảnh, mỗi bản trong những bản thảo đầu tiên ít nhất cũng nhận được hàng tá, hay hơn nữa. Chỉ cần gã nhận được một dòng, dòng viết tay cùng với một mảnh thư từ chối trong tất cả những mảnh thư từ chối kia, gã cũng đủ thấy sung sướng rồi. Nhưng không có một ông chủ bút nào đã tỏ ra ông ta đang tồn tại. Và gã chỉ có thể kết luận rằng ở đầu bên kia không những không có con người bằng da bằng thịt có tấm lòng ấm áp, mà chỉ có những răng cưa dầu mỡ trơn tru, quay thật đều, thật đẹp trong bộ máy này.

Gã là một kẻ chiến đấu kiên cường, nhiệt thành bất khuất, gã sẽ vui lòng tiếp tục nuôi dưỡng cái bộ máy đó nhiều năm nữa. Nhưng gã đã đổ máu đến kiệt sức, bây giờ không phải hàng năm, mà là hàng tuần sẽ quyết định cuộc chiến đấu. Mỗi tuần tờ hóa đơn thu tiền trọ lại đưa gã tới gần chỗ chết hơn, trong khi số tiền mua tem cho bốn mươi tập bản thảo kia cũng làm gã đổ máu nhiều không kém. Gã không mua sách nữa. Gã tiết kiệm đến mức ti tiện, cố tìm cách trì hoãn cái kết thúc không thể tránh khỏi được ấy; tuy nhiên, gã vẫn không biết tiết kiệm ra sao, gã đã cho Marian năm đô la để may áo, và như thế, ngày chết của gã lại rất gần thêm một tuần nữa.

Gã vật lộn trong đêm tối, không nhận được một lời khuyên bảo, không một lời khuyến khích và ở trong một tình trạng gần như tuyệt vọng. Đến ngay chị Gertrude cũng đã bắt đầu không tin gã nữa. Lúc đầu, chị còn tha thứ cho gã với tình thương yêu của một người chị những cái mà chị cho là xuẩn ngốc, nhưng bây giờ vì nỗi băn khoăn của một người chị, chị đâm ra lo lắng. Đối với chị, sự xuẩn ngốc đã trở thành sự điên rồ, Martin hiểu điều đó và thấy đau đớn thấm thía hơn sự khinh bỉ ra mặt và đểu cáng của Bernard Higginbotham. Martin tin ở mình, nhưng gã đơn độc trong niềm tin ấy. Ngay cả Ruth cũng không có lòng tin. Nàng muốn gã chuyên tâm vào việc học, và tuy nàng không phản đối ra mặt công việc viết lách của gã nhưng nàng cũng không bao giờ tán thành cả.

Gã chưa bao giờ đưa cho nàng xem tác phẩm của mình. Một sự thận trọng ngại ngùng đã ngăn cản gã. Hơn nữa, nàng đang phải học rất căng ở trường đại học, gã cảm thấy không đành lòng phải lấy mất thời gian của nàng, nhưng khi nàng thi đỗ xong, chính nàng đã hỏi gã cho xem một số những bài gã đã viết. Martin thấy vừa sung sướng vừa ngượng ngùng. Đã có một nhà bình luận rồi đây. Nàng, một cử nhân văn chương. Nàng đã nghiên cứu văn học dưới sự chỉ dẫn của các giáo sư có tài. Có thể những ông chủ bút cũng là những nhà bình luận có khả năng? Nhưng nàng sẽ khác những ông đó. Nàng sẽ không đưa cho gã một mảnh thư từ chối in sẵn theo mẫu cố định, nàng cũng sẽ không nói rằng tác phẩm của gã không được ưa thích, nhất thiết không phải vì nó không có một giá trị gì. Nàng sẽ nói như một con người có một tấm lòng ấm áp, nói hoạt bát, nói trong sáng, và quan trọng hơn hết, nàng sẽ thấy được con người Martin Eden thật. Trong tác phẩm của gã, nàng sẽ thấy rõ trái tim và tâm hồn gã như thế nào, nàng sẽ đi tới một chỗ hiểu một đôi chút, một đôi chút ít ỏi thôi về những giấc mơ của gã, và năng lực mạnh mẽ của gã.

Martin thu thập một số bản thảo đánh máy, những truyện ngắn, rồi do dự một lúc, gã thêm vào đó cả tập “Những bài ca về biển.” Một buổi chiều cuối tháng sáu, gã cùng nàng đi xe đạp lên đồi. Đây là lần thứ hai, gã đi chơi một mình với nàng, và trong khi người đi trong bầu không khí ấm áp ngát hương, mát lạnh vì có gió biển thổi về, gã cảm thấy một cách sâu xa rằng thế giới chung quanh thật là đẹp, thật có trật tự, được sống và được yêu là một điều hạnh phúc. Họ để xe đạp bên lề đường, trèo lên một đỉnh đồi trọc đất nâu, có cháy nắng tỏa ra hương vị của mùa gặt dìu dịu, khô khô, dễ chịu.

“Công việc của nó đã làm xong,” Martin nói, khi hai người ngồi xuống, nàng ngồi lên áo của gã, còn gã thì nằm dài trên mặt đất ấm áp. Gã hít mạnh mùi hương dìu dịu của cỏ xém nằng. Hương cỏ thấm vào óc gã, làm cho tư tưởng của gã quay cuồng suy từ cái riêng đến cái chung. “Nó đã hoàn thành lý do để tồn tại,” gã nói tiếp, tay mân mê đám cỏ khô một cách trìu mến. “Nó vươn lên rất nhanh với tham vọng dưới những trận mưa ảm đạm của mùa đông vừa qua, nó chiến đấu với mùa xuân sớm dữ dội, bừng nở hoa, quyến rũ những côn trùng và loài ong, gieo rắc hạt giống, hoàn thành nhiệm vụ trước cuộc đời và… ”

“Tại sao anh luôn luôn nhìn sự vật bằng một con mắt thực tế khủng khiếp như vậy?” Nàng ngắt lời.

“Bởi vì tôi đang nghiên cứu Tiến hóa luận, tôi chắc thế. Nói thực ra thì chỉ gần đây tôi mới biết nhìn.”

“Nhưng đối với tôi, hình như cứ nhìn một cách thực tế như vậy, thì anh đã để mất cái nhìn vẻ đẹp, anh sẽ tàn phá cái đẹp, chẳng khác gì những cậu bé bắt bướm rồi đem tuốt nhung tơ ra khỏi đôi cánh đẹp của chúng.”

Gã lắc đầu.

“Cái đẹp có ý nghĩa, nhưng trước đây tôi không hề biết ý nghĩa của nó. Tôi đã thừa nhận cái đẹp như một cái gì vô nghĩa, như một cái gì chỉ đẹp thôi, chẳng có ý nghĩa lý gì. Tôi không hiểu một chút gì về cái đẹp. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu, hay nói cho đúng hơn, tôi vừa mới bắt đầu hiểu. Giờ đây, ngọn cỏ này đối với tôi đẹp hơn vì tôi biết được tại sao nó là cỏ, biết được những tác dụng hóa hợp bí ẩn của mặt trời, của mưa, của đất đã tạo nó thành cỏ. Chứ sao, trong lịch sử cuộc sống của bất cứ ngọn cỏ nào cũng đều có chuyện mơ mộng, đúng thế, mà còn có cả phiêu lưu mạo hiểm nữa. Chỉ nghĩ thế thôi cũng đủ làm cho lòng tôi rung động. Khi nghĩ tới tác dụng của lực và vật chất và tất cả cuộc vật lộn sống còn khủng khiếp của nó, thì tôi cảm thấy dường như tôi có thể viết được một thiên anh hùng ca về cỏ.”

“Anh nói hay quá!” Nàng nói, vẻ lơ đãng và gã nhận thấy nàng đang đăm đăm nhìn gã.

Trong giây lát, gã thấy bối rối, lúng túng, máu dồn lên đỏ rực cả mặt, và cổ.

“Tôi hy vọng rằng tôi đang học tập để nói,” gã ấp úng. “Hình như trong tôi có nhiều cái tôi muốn nói, nhưng những cái đó lớn quá, tôi không thể tìm được cách nào để nói ra những cái thật sự trong tôi. Đôi khi tôi thấy hình như cả thế giới, cả cuộc đời, mọi vật ngự trị trong tôi, chúng thúc giục tôi phải thay chúng mà nói lên. Tôi cảm thấy, ôi… tôi không thể nào diễn đạt được. Tôi cảm thấy cái lớn lao của nó, nhưng khi nói tôi lại bập bẹ như một đứa trẻ thơ. Biến đổi những ý nghĩ, nhưng cảm giác được thành lời – viết hay nói – làm sao khi vào trong người đọc, người nghe, lời ấy biến đổi trở lại cũng thành những ý nghĩ, những cảm giác giống hệt như trước, thì đấy là một việc làm lớn lao. Đó là một nhiệm vụ cao quý. Cô nhìn xem, tôi vùi mặt tôi vào đám cỏ, làn hương tôi hít qua lỗ mũi làm cho tôi run lên với trăm ngàn ý nghĩa và mộng tưởng. Đó là hơi thở của vũ trụ mà tôi thở hít, tôi đã biết câu ca và tiếng cười, thành công và đau khổ, đấu tranh và chết chóc; và qua làn hương thơm của cỏ vì lý do này khác tôi trông thấy những hình ảnh trỗi dậy trong óc tôi, tôi muốn kể lại những cái ấy với cô, với mọi người. Nhưng tôi biết làm thế nào? Lưỡi tôi bị buộc chặt. Tôi đã thử bằng lời nói, như bây giờ, để miêu tả cho cô rõ cái tác động của hương cỏ đối với tôi. Nhưng tôi đã không thành công. Tôi chỉ mới đả động được đến một chút bằng những lời nói vụng về. Những lời nói của tôi, tự tôi cũng thấy lúng búng, ấy thế nhưng tôi vẫn thấy như nghẹn lại với niềm ao ước muốn nói. Ôi!” Gã vung tay lên với dáng điệu thất vọng. “Không thể được! Không thể hiểu được! Không thể truyền đạt được!”

“Nhưng anh nói hay đấy chứ!” Nàng nhắc lại. “Cứ thử nghĩ anh đã tiến bộ như thế nào trong thời gian ngắn từ khi tôi biết anh. Ông Butler là một diễn giả có tiếng. Trong những kỳ bầu cử ông ấy luôn luôn được Hội đồng Nhà nước mời đi diễn thuyết, thế mà tối hôm nọ trong bữa ăn anh đã nói hay chẳng kém gì ông ta. Có điều là ông ta điềm tĩnh hơn. Còn anh thì sôi nổi quá, nhưng rồi dần dần nhờ luyện tập, anh cũng sẽ khắc phục được cái đó. Sao, rồi anh cũng sẽ thành một diễn giả có tài. Anh có thể đi xa nếu anh muốn. Anh là người có tài. Anh có thể lãnh đạo được người khác, tôi tin chắc như vậy. Bất cứ một việc gì mà anh đã nhúng tay vào thì không có lý do gì anh không thành công, như anh đã từng thành công với cuốn ngữ pháp. Anh có thể trở thành một luật sư giỏi, một nhà hoạt động chính trị xuất sắc. Không gì có thể ngăn anh đạt được những thành công lớn như ông Butler. Và chỉ kém cái bệnh khó tiêu.” Nàng nói thêm và mỉm cười.

Hai người tiếp tục nói chuyện, nàng vẫn cứ nhắc đi nhắc lại một cách nhẹ nhàng thân ái, sự cần thiết phải có một nền học vấn cơ bản đầy đủ, và ích lợi của tiếng Latin; muốn làm nên sự nghiệp gì cũng phải lấy nó làm nền tảng. Nàng vẽ lên con người thành đạt lý tưởng của mình, phần lớn dựa vào hình ảnh của cha nàng, và một vài đường nét, màu sắc không thể chê vào đâu được của hình ảnh ông Butler. Gã nghe say sưa, nằm ngước mắt lên, thích thú nhìn đôi môi nàng cử động khi nàng nói, tai lắng nghe, nhưng óc không thể tiếp thu được lời nào. Những bức tranh nàng vẽ lên chẳng có gì quyến rũ cả. Gã cảm thấy một nỗi thất vọng đau đớn, và tình yêu của gã đối với nàng lại càng làm cho gã cảm thấy đau đớn thấm thía hơn. Trong tất cả những lời nàng nói, không một lời nào đả động đến chuyện viết lách của gã, và những tập bản thảo gã mang theo để đọc bị bỏ quên trên mặt đất.

Sau cùng, ngừng lại một lát, nhìn mặt trời xem còn cách chân trời bao xa, gã cầm tập bản thảo lên để nhắc khéo nàng.

“Ấy tôi quên mất,” nàng nói nhanh, “tôi muốn nghe lắm.”

Gã đọc cho nàng nghe một truyện ngắn, một truyện mà gã tự hào cho là một trong những truyện hay nhất. Gã đặt tên cho nó là: “Men rượu của cuộc đời.” Chất men ấy đã thấm vào óc gã khi gã viết, bây giờ lại thấm vào óc gã khi gã đọc. Có một cái gì kỳ diệu khi cốt truyện hình thành trong óc gã lúc ban đầu, và gã đã tô điểm nó nhờ sức mạnh kỳ diệu hơn của lời và từ. Tất cả ngọn lửa, tất cả nhiệt tình lúc gã bắt đầu viết lúc bấy giờ lại sống dậy trong gã; gã bị xô đẩy, lôi cuốn đi, đến nỗi gã không còn trông thấy, không còn nghe thấy những thiếu sót của nó nữa. Nhưng đối với Ruth thì không như vậy. Cái tai đã được rèn luyện của nàng thấy ngay những chỗ yếu, những chỗ quá đáng, quá cường điệu của người mới tập viết, và nàng nhận ra ngay mỗi khi nhịp câu bị hẫng và sai. Thực ra, nàng hầu như cũng không thấy rõ nhịp điệu của câu văn, chỉ trừ những đoạn quá khoa trương, những lúc ấy nàng cảm thấy rất khó chịu vì lối viết vụng về, non kém của nó. Ý kiến nhận xét cuối cùng của nàng về toàn bộ câu chuyện là – còn non kém, tuy nàng không nói ra với gã. Trái lại, khi gã đọc xong, nàng chỉ nêu lên một vài nhược điểm nhỏ và nói là nàng thích truyện này.

Nhưng gã đã thất vọng. Những lời phê bình của nàng là đúng. Gã thừa nhận điều đó, nhưng gã lại thấy rằng không phải gã mang tác phẩm của gã đọc cho nàng nghe với mục đích để nàng sửa chữa theo kiểu học trò như vậy. Những chi tiết nhỏ nhặt ấy có gì đáng kể. Tự chúng rồi cũng sẽ giải quyết được thôi. Gã có thể sửa chữa chúng, có thể học để sửa chữa chúng. Gã đã bắt được một cái gì lớn lao từ cuộc sống và gã, muốn nắm giữ nó trong truyện của mình. Gã đã đọc cho nàng nghe cái lớn lao ấy từ cuộc sống chứ không phải những câu cú, những dấu chấm phẩy. Gã muốn nàng cũng cùng cảm thấy với gã cái lớn lao ấy, cái mà gã đã nhìn thấy bằng chính đôi mắt, đã nắm được bằng chính bộ óc, đã ghi chúng lên những trang giấy đánh máy bằng chính đôi tay của gã. Phải, mình đã thất bại rồi, gã thầm nghĩ như vậy. Có lẽ các ông chủ bút đúng chăng. Gã cảm thấy cái lớn lao, nhưng truyền cảm lại thì gã đã thất bại. Gã giấu nỗi thất vọng của mình, và tiếp thu lời phê bình của nàng một cách dễ dàng đến nỗi nàng không thể nhìn thấy là sâu xa trong lòng gã đang rộn lên một phản ứng ngầm mãnh liệt.

“Còn truyện sau đây tôi đặt tên là “Cái soong,”” gã vừa nói vừa giở tập bản thảo. “Nó bị bốn, năm tạp chí từ chối không đăng, nhưng tôi vẫn cho là nó hay. Thực ra, tôi cũng không biết nghĩ về nó thế nào, có điều tôi thấy ở nó có một cái gì đó. Có thể không làm cho cô xúc động như nó đã làm cho tôi xúc động. Đó là một truyện ngắn – chỉ có hai ngàn chữ thôi.”

“Sao mà rùng rợn thế,” nàng kêu lên khi gã đọc xong. “Thật là khủng khiếp, khủng khiếp quá!”

Gã nhận thấy mặt nàng tái nhợt, mắt gã mở to căng ra, tay nắm chặt lại, và trong thâm tâm gã thấy thỏa mãn. Gã đã thành công. Gã đã truyền đạt được những ảo tưởng và cảm giác từ trong óc gã ra. Câu chuyện đã trúng đích bất luận nàng thích hay không thích nó, nhưng nó đã nắm được nàng, chinh phục được nàng, bắt nàng ngồi đó nghe và quên đi những chi tiết vụn vặt.

“Đó là cuộc sống,” gã nói, “và cuộc sống thì không phải lúc nào cũng đẹp. Tuy nhiên, có thể là tại vì tôi sinh ra khác với người khác nên tôi vẫn thấy có một cái gì đẹp ở trong đó. Đối với tôi cái đẹp hình như tăng lên bội phần vì ở trong đó… ”

“Nhưng tại sao người đàn bà đáng thương ấy lại không thể… ” nàng ngắt lời gã, giọng đứt quãng và để lộ sự phản ứng trong tư tưởng, nàng chỉ kêu lên: “Ôi! Thật là sa đọa! Không đẹp một chút nào! Thật là bẩn thỉu!”

Trong giây lát tim gã hình như ngừng đập. Bẩn thỉu! Gã không bao giờ ngờ tới điều đó. Ý gã không phải như thế. Cả câu chuyện hiện ra trước mắt gã, bằng những nét chữ lửa, tỏa ánh hào quang rực rỡ, gã không tìm đâu thấy cái gì là bẩn thỉu cả. Rồi tim gã lại đập. Gã không có tội.

“Tại sao anh không chọn một đề tài đẹp hơn?” Nàng nói. “Chúng ta biết trên đời này có nhiều cái bẩn thỉu nhưng không có lý do gì… ”

Nàng nói tiếp có vẻ bực bội lắm, nhưng gã không nghe nàng nói. Gã mỉm cười với mình khi gã ngước nhìn bộ mặt trong trắng của nàng, nó ngây thơ quá, ngây thơ một cách lạ lùng, sự trong trắng của nó hình như luôn luôn thấm vào người gã, gột sạch những dơ bẩn khỏi người gã, tắm gã trong bầu ánh sáng trong nhẹ lâng lâng, mát dịu, mượt như ánh sao “Chúng ta biết trên đời này có nhiều cái bẩn thỉu,” gã mỉm cười, thầm thích thú thấy nàng tưởng mình thực sự hiểu biết.

Ngay sau đó hằng hà sa số những chi tiết sự việc vụt hiện ra trong trí gã, gã trông thấy biển cả mênh mông tràn ngập những cái bẩn thỉu của cuộc đời nơi mà gã đã từng biết và qua lại bao lần, gã tha thứ cho nàng vì đã không hiểu câu chuyện. Nếu nàng không thể hiểu được thì cũng không phải là lỗi tại nàng. Gã cảm ơn Thượng đế vì nàng đã được sinh ra và được che chở để ngây thơ như vậy. Nhưng gã đã hiểu đời, với tất cả sự bẩn thỉu cũng như tất cả cái đẹp của nó, tất cả cái vĩ đại của nó mặc dù có bị bùn nhơ làm cho ô uế, và trời ơi! Gã sẽ nói hết về những cái đó ra với mọi người. Các thánh thần trên Trời! – nhất định là phải đẹp đẽ trong trắng, còn khác sao được? Không cần phải khen họ. Nhưng thánh thần trong bùn nhơ, – A! Đó mới thật là một sự kỳ diệu vĩnh cửu. Đó chính là cái làm cho cuộc đời đáng sống. Trông thấy đạo đức cao cả vượt ra khỏi vũng bùn nhơ của tội lỗi: tự vươn mình lên nhìn thấy cái đẹp ban sơ, mờ mờ, xa xăm qua đôi mắt hãy còn dính bùn; trông thấy sức mạnh, chân lý và phẩm chất tinh thần cao quý vượt ra khỏi sự yêu đuối, mỏng manh, xấu xa và thô bỉ…

Gã chợt nghe thấy một câu nàng thốt ra.

“Lời văn đều tầm thường. Mà trên đời này thì có bao nhiêu là cái cao cả. Chẳng hạn như tác phẩm “Kỷ niệm.” 1

Gã định dẫn chứng bài “Locksley Hall” và có lẽ đã nói ra nếu như gã không bị cái ảo ảnh nắm giữ lại khiến gã chỉ chằm chằm nhìn nàng, người đàn bà đồng loại với gã, cái người mà từ chất men đầu tiên đã bò ra leo lên cái thang bao la của cuộc sống, qua hàng trăm ngàn thế kỷ đã tới được bực cao nhất để trở thành Ruth ngày nay trong trắng, đẹp đẽ, thần tiên, có sức mạnh làm cho gã biết yêu đương, biết vươn tới cái trong trắng, ao ước được hưởng cái thần tiên; và gã – Martin Eden, do một sự biến ảo kỳ lạ, cũng đã vươn lên ra khỏi vũng bùn nhơ rác rưởi, và muốn ngăn những sai lầm, những thất bại trong quá trình thai nghén sáng tạo khôn cùng. Đó là ảo mộng, là kỳ diệu, là huy hoàng. Đó là cái để mà viết, chỉ cần gã tìm được lời. Các thánh thần trên trời! Họ chỉ là thánh thần và không thể làm gì khác được. Nhưng gã là một con người.

“Anh có sức mạnh,” gã chợt nghe thấy tiếng nàng nói. “Nhưng đó là một sức mạnh thiếu rèn luyện.”

“Như một con bò mộng trong cửa hàng đồ sứ,” gã nói đùa và nàng mỉm cười.

“Anh cần phải phát triển óc suy luận, cần phải để ý tới khiếu thẩm mỹ, sự tế nhị và phong cách nữa.”

“Cái gì tôi cũng dám làm hết,” gã lẩm bẩm.

Nàng mỉm cười tán thành, và chuẩn bị lắng nghe một truyện khác.

“Tôi không biết cô sẽ nghĩ gì về truyện này,” gã biện bạch. “Nó kỳ lạ lắm. Tôi e rằng tôi làm quá sức mình. Nhưng những ý định của tôi là tốt. Xin cô đừng quan tâm tới những nét nhỏ nhặt. Cô thử xem cô có thể cảm thấy được cái lớn lao trong đó không. Nó lớn lao, chân thật, nhưng rất có thể là tôi diễn đạt không được rõ ràng.”

Gã đọc, vừa đọc vừa nhìn nàng. Cuối cùng, gã đã tới được nàng, gã nghĩ thế. Nàng ngồi không động đậy, mắt đăm đăm nhìn gã, nín thở, bị cuốn đi, mê man, gã nghĩ thế, bởi sức dụ hoặc của cái mà gã đã sáng tạo ra. Gã đặt tên cho truyện đó là “Mạo hiểm.” Đó là sự thần thánh hóa mạo hiểm, không phải là mạo hiểm hư cấu trong tiểu thuyết mà là mạo hiểm thực: một tên đốc công tàn nhẫn, rất khe khắt, khi trừng phạt cũng rất rộng rãi như khi khen thưởng, tính tình kỳ quặc, bất tín, đòi hỏi người làm phải hết sức kiên nhẫn, ngày đêm khổ ải, trả công cho họ bằng ánh mặt trời cháy bỏng, hay là cái chết tối tăm sau những cơn đói khát, những cơn sốt mê man kinh khủng kéo dài; qua máu, mồ hôi, và những con bọ đốt tê buốt trên những con người lao khổ, nhờ những mánh khóe đê hèn bỉ ổi hắn đã leo tới những thành tựu hiển hách và tột bực huy hoàng.

Chính cái đó, tất cả cái đó và nhiều cái khác nữa là những cái gã đã viết trong truyện, và gã tin rằng chính những cái đó làm cho nàng rạo rực trong khi ngồi nghe. Mắt nàng mở to, đôi má xanh xao của nàng ửng hồng, và trước khi gã đọc hết, hình như gã thấy nàng thở gấp. Thật vậy, nàng đã rạo rực, nhưng rạo rực không phải vì truyện mà chính vì gã. Nàng cũng chẳng cho nó có giá trị gì nhiều, chính sức mạnh của Martin, cái sức mạnh tràn trề mà nàng đã quen biết hình như ào ra khỏi cơ thể gã, trùm lấp lấy người nàng. Điều trái ngược là chính truyện đã chứa chất trong nó tất cả sức mạnh của gã, nó như một eo biển, từ đó sức mạnh của gã ào tới nàng. Nàng chỉ thấy sức mạnh mà không thấy vật trung gian ấy, và trong khi hình như nàng bị cuốn đi mạnh nhất bởi những cái gã viết, thì thực ra nàng đã bị cuốn đi bởi một cái gì hoàn toàn xa lạ với nó, – bởi một ý nghĩ kinh khủng, nguy hiểm, vô tình thành hình trong óc nàng. Bất giác nàng tự hỏi hôn nhân là gì, và nàng thấy ý nghĩ đó táo bạo quá, sôi nổi quá, khiến nàng run sợ. Đó không phải là ý nghĩ của một người con gái đoan trang, nàng không phải là hạng con gái như thế. Nàng chưa hề để cho niềm tâm sự của một người đàn và giày vò mình, nàng chỉ sống trong xứ mơ của thơ Tennyson, nhưng không hiểu được cái ý nghĩa đầy đủ của nhà đại thi hào tế nhị ấy, ám chỉ một cách tế nhị đến những cuộc tình duyên ám muội của những bà hoàng hậu và những chàng hiệp sĩ. Từ trước đến giờ nàng vẫn ngủ say, và bây giờ cuộc sống cấp bách gõ rầm rầm vào mọi cánh cửa của cuộc đời nàng. Trong thâm tâm nàng thấy hoảng loạn, muốn cài then đóng gióng trong khi bản năng dục tình lại thôi thúc nàng mở rộng cửa để đón mời người khách lạ kỳ thú kia bước vào.

Martin đắc ý đợi chờ lời phán quyết của nàng. Nó sẽ như thế nào, gã không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng gã đã ngạc nhiên khi thấy nàng nói:

“Câu chuyện đẹp thật!”

“Câu chuyện đẹp thật,” nàng nhắc lại, nhấn mạnh sau khi ngừng một lát.

“Tất nhiên là nó đẹp rồi, nhưng trong truyện còn có một cái gì hơn cái đẹp đó, một cái gì huy hoàng rực rỡ khiến cho cái đẹp kia chỉ đành phận tôi đòi. Martin nằm yên lặng trên mặt đất, nhìn cái hình thù quái dị của mối nghi ngờ lớn đang hiển hiện trước mắt. Gã đã thất bại. Gã không diễn đạt nổi ý của mình. Gã đã nhìn thấy một trong những cái vĩ đại nhất của cuộc đời, và gã đã không diễn đạt được.

“Cô nghĩ thế nào về… ” Gã ngập ngừng, ngượng ngập vì lần đầu tiên dùng một từ lạ. “Về chủ đề?” Gã hỏi.

“Chủ đề không rõ ràng,” nàng trả lời. “Đó là ý kiến phê bình độc nhất của tôi đứng về đại thể. Tôi hiểu nội dung truyện, nhưng trong đó hình như còn nhiều cái khác nữa. Anh dùng lắm lời quá. Anh thêm vào cốt truyện nhiều tình tiết thừa… ”

Gã vội vàng giảng giải:

“Đó là chủ đề chính, chủ đề lớn bao trùm của truyện, nó có ý nghĩa vũ trụ và thế giới. Tôi cố gắng viết sao cho chủ đề khớp với câu chuyện mà dù sao tôi cũng thấy rất nông cạn. Con đường của tôi đi đúng nhưng tôi cho rằng tôi thể hiện chưa tốt. Tôi không thành công trong việc diễn đạt những điều mình muốn nói. Nhưng tôi sẽ kịp thời học tập.”

Nàng không hiểu ý gã. Nàng là một cử nhân văn chương thật đấy, nhưng gã đã vượt quá tầm hiểu biết hạn chế của nàng. Chính nàng không hiểu ý gã, nhưng nàng lại cho rằng tại gã diễn đạt thiếu mạch lạc.

“Anh nhiều lời quá! Nhưng có nhiều đoạn thật đẹp.”

Tiếng nói của nàng, gã nghe như từ một nơi xa xăm nào vọng lại, vì gã còn đương mải đắn đo không biết có nên đọc cho nàng nghe tập “Những bài ca về biển” không? Gã nằm đó, thất vọng tê điếng, trong khi nàng nhìn gã như tìm kiếm, miên man với những ý nghĩ táo bạo về hôn nhân vô tình đã thành hình trong óc nàng.

“Anh muốn nổi tiếng ư?” Nàng hỏi đột ngột.

“Vâng, cũng muốn đôi chút,” gã thú thật. “Đó là một phần của cuộc phiêu lưu. Không phải là sự nổi tiếng mà là quá trình để trở thành nổi tiếng, đó là điều mà tôi quan tâm. Và nổi tiếng đối với tôi chỉ là một phương tiện để đạt tới một cái gì khác. Tôi rất muốn được nổi tiếng vì cái đó và cũng chỉ vì lý do đó.”

“Vì em!” Gã muốn nói thêm như vậy và có lẽ gã đã nói rồi nếu như nàng tỏ ra nhiệt tình tán thưởng những cái mà gã đã đọc cho nàng nghe.

Nhưng nàng còn đang quá bận tâm, cố tạo ra cho gã một sự nghiệp mà ít nhất gã có thể thành công, nên cũng chẳng buồn hỏi tới “cái khác” cuối cùng gã muốn nói ấy là cái gì. Gã không thể xây dựng sự nghiệp văn chương được. Nàng tin chắc như vậy. Hôm nay gã đã chứng tỏ điều đó qua những tác phẩm có tính chất non kém vụng về của một cậu sinh viên năm thứ hai. Gã có thể nói hay, nhưng gã bất lực không diễn đạt nổi tư tưởng của mình bằng văn chương. Nàng đem Tennyson, Browning và những nhà văn khác mà nàng ưa thích ra so sánh, làm cho gã càng thêm thất vọng. Tuy nhiên, nàng vẫn không nói hết ý nghĩ của mình. Sự thích thú kỳ lạ của nàng đối với gã khiến nàng nhẹ lời đi. Sự ham mê viết lách của gã xét đến cho cùng chỉ là một nhược điểm nhỏ và với thời gian cũng sẽ mất đi thôi. Rồi đây, gã sẽ chuyên tâm vào những việc đúng đắn của cuộc sống và gã cũng sẽ thành công. Nàng biết như vậy. Gã mạnh mẽ lắm, không thể nào thất bại được – chỉ có điều là giá gã thôi đừng viết nữa.

“Anh Eden, tôi mong anh cho tôi được xem tất cả những cái anh đã viết.”

Gã đỏ mặt sung sướng. Nàng cũng thấy thích thú, điều đó gã không còn nghi ngờ gì nữa. Và, ít nhất, nàng không đưa cho gã một mảnh thư từ chối. Nàng đã ột vài đoạn trong tác phẩm của gã là đẹp, và đó là lời khuyến khích đầu tiên gã nhận được.

“Vâng, tôi sẽ đưa cô xem,” gã say sưa nói. “Tôi xin hứa với cô, cô Morse, là tôi sẽ thành công. Tôi đã đi xa, tôi biết như vậy, và tôi còn phải đi xa nữa, tôi sẽ đi hết con đường của tôi dù có phải quỳ lết mà đi.” Gã giơ lên một tập bản thảo. “Đây là “Những bài ca về biển,” khi cô trở về nhà, tôi sẽ đưa để cô đọc trong lúc rỗi. Cô phải hứa với tôi là cô sẽ nói thật những ý nghĩ của cô về tập thơ này. Cô biết đấy, cái mà tôi cần hơn hết mọi thứ là phê bình. Xin cô cứ thành thực với tôi.”

“Tôi sẽ hoàn toàn thành thực.” Nàng hứa như vậy, nhưng trong lòng bực bội thấy mình không thành thực và ngờ rằng không biết lần sau có thể hoàn toàn thành thực với gã được không.

Chú thích:

1. In – Memoriam: Một bản trường thi của A.Tennyson.

Bình luận