Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Martin Eden

Chương 17

Tác giả: Jack London

Martin học làm được nhiều thứ. Trong tuần lễ đầu tiên có một buổi chiều gã và Joe phải thanh toán hai trăm cái áo sơ mi trắng. Joe đứng máy, một cái máy trong đó chiếc bàn là nóng được móc vào một cái lò xo thép để tạo ra sức ép. Bằng cách này, Joe là cầu vai, cổ tay, cổ cồn, gấp sao cho cổ cồn thẳng góc và cuối cùng là ngực cho thật bóng. Ngay sau khi là xong, anh vắt áo vào một cái giá đặt ở giữa anh và Martin. Martin nhặt ngay lên làm nốt phần còn lại, là tất cả những chỗ không hồ của áo.

Đây là một công việc mệt nhọc, giờ nọ kế tiếp giờ kia, phải làm với một tốc độ rất nhanh. Ở ngoài kia, trên những hàng hiên rộng của khách sạn, đàn ông, đàn bà trong những bộ quần áo trắng mát, nhấp những cốc nước ướp đá cho hạ nhiệt. Nhưng ở trong xưởng giặt, không khí thật là ngột ngạt. Cái lò khổng lồ gầm réo, nóng đỏ, nóng trắng lên, trong khi bàn là miết trên vải ẩm làm bốc lên từng đợt hơi. Sức nóng của những cái bàn là này khác hẳn với sức nóng của những cái mà các bà nội trợ thường dùng. Một cái bàn là nếu lấy ngón tay ướt để vào thử theo lối thường mà chịu được thì đối với Joe và Martin hãy còn quá lạnh, lối thử như thế vô dụng. Phải để nó sát vào má, lường sức nóng của nó bằng một bí quyết nào đó của bộ óc mà Martin chỉ có thể thán phục chứ không sao hiểu nổi. Khi bàn là mới lấy ra còn quá nóng, họ móc vào những móc sắt và nhúng xuống nước lạnh. Việc làm này cũng đòi hỏi một mức độ tính toán chính xác tinh vi. Chỉ để quá một phần giây trong nước lạnh là mất các sức nóng cần thiết để là cho lụa đẹp và bóng lên. Martin có thì giờ để ngạc nhiên về sự chính xác, gã đã tạo ra được ình một sự chính xác máy móc – dựa trên tiêu chuẩn nhất định giống như cái máy, không thể nhầm lẫn được.

Nhưng gã cũng chẳng có nhiều thì giờ để mà ngạc nhiên. Tất cả tâm trí gã đều tập trung vào công việc. Hoạt động không ngừng, cả đầu cả tay, một cái máy thông minh, tất cả những cái gì đó tạo gã thành con người, gã đem cống hiến hết để nuôi dưỡng cái trí thông minh ấy. Trong óc gã chẳng còn chỗ nào để mà nghĩ đến vũ trụ và những vấn đề lớn lao của nó. Tất cả những dãy hành lang mênh mông rộng lớn của trí óc gã đều bị đóng chặt lại, niêm phong kỹ lưỡng. Căn phòng âm vang trong tâm hồn gã là một căn phòng chật hẹp, một buồng lái điều khiển những bắp thịt cánh tay và bả vai, mười ngón tay khéo léo đưa rà cái bàn là nhanh vun vút trên con đường bốc hơi của nó bằng những nhát rộng, chỉ cần đủ từng ấy nhát không hơn, trong phạm vi nhất định không được vượt quá một ly, đưa lướt đi trên những ống tay áo, lưng áo, đuôi áo, rồi cất cái áo là xong, không được nhàu, vào một cái khung đã để sẵn. Tâm hồn vội vã còn đang bị xô đẩy thì gã đã phải với lấy một chiếc áo sơ mi khác. Công việc cứ tiếp diễn hết giờ này qua giờ khác trong khi bên ngoài, mọi vật như ngất lịm dưới sức nóng của mặt trời California. Nhưng trong căn phòng nóng đến cực độ này thì lại không thể ngất đi được. Những ông khách mát mẻ trên những hàng hiên kia đang cần những bộ quần áo sạch.

Martin người đẫm mồ hôi. Gã uống nước nhiều vô kể. Nhưng trời nóng quá, gã dùng sức nhiều, nước cứ ứa ra qua những kẻ hở của da thịt, qua những lỗ chân lông. Ở biển, chỉ trừ một đôi khi quá bận còn công việc của gã làm luôn luôn cho phép gã có nhiều dịp quay về với tâm tư của mình. Trước kia, chủ tàu làm chủ thời gian của gã, nhưng ở đây lão quản lý khách sạn này còn làm chủ cả ý nghĩ của gã nữa. Gã còn nghĩ gì được, chỉ còn ý nghĩ về cái công việc đã làm cho não cân rã rời, thể xác bạc nhược. Ngoài cái đó ra, không thể còn nghĩ gì được nữa. Gã không biết rằng mình đang yêu Ruth. Nàng như không còn tồn tại nữa, vì tâm hồn bị giày vò của gã không còn có thì giờ để mà nhớ tới nàng. Chỉ cứ về đêm khi gã bò vào giường, hoặc buổi sớm mai lúc ăn sáng, thì hình ảnh nàng mới thấp thoáng hiện ra trong ký ức mờ ảo của gã.

“Đây là địa ngục, có phải không?” Có một lần Joe nói như vậy.

Martin gật đầu, nhưng bất giác gã cảm thấy hết sức bực bội với lời nhận định quá rõ không cần thiết. Trong khi làm việc họ không nói chuyện. Chuyện trò làm cho họ lỡ tay, như lần này nó đã làm cho Martin hụt mất một đường là, và sau đó để bắt kịp gã phải làm thêm hai động tác thừa.

Sáng thứ sáu, máy giặt chạy. Một tuần lễ hai lần phải giặt các đồ vải của khách sạn – nào là khăn rải giường, áo gối, áo chăn, nào là khăn bàn, khăn ăn. Làm xong, lại phải vục đầu vào việc “hồ những bộ cầu kỳ.” Công việc này chậm chạp, tỉ mỉ, tinh vi, Martin làm được cũng không phải là dễ. Mà thực ra gã cũng không dám làm. Làm hỏng thì thật là tai hại.

“Cậu trông đây,” Joe nói, vừa giơ lên chiếc nịt vú mỏng tang, vò lại có thể để gọn lỏn trong nắm tay mà không ai trông thấy. “Làm rách cái này mà chơi, cứ gọi là hai mươi đô la khấu vào lương đấy.”

Vì vậy, Martin không làm rách, gã phải nhẹ tay, không dám căng bắp thịt lên mà vò, tuy thần kinh gã càng ngày càng căng thẳng hơn bao giờ hết; gã nghe và đồng tình với những lời chửi rủa của Joe trong khi anh chàng làm việc khổ sở với những bộ đồ đẹp đẽ mà các bà các cô mặc, nhưng không bao giờ phải mó tay vào giặt. “Những bộ đồ cầu kỳ: là cơn ác mộng của Martin, chúng cũng là cơn ác mộng của Joe nữa. Chính những bộ đồ cầu kỳ này đã cướp đi mất những giây phút mà họ phải gian khổ mới giành được. Họ phải quần quật với chúng suốt ngày. Bảy giờ tối, họ tạm ngừng để đưa các đồ vải của khách sạn vào máy ép. Đến mười giờ trong khi khách khứa đã đi ngủ cả thì hai anh chàng thợ giặt này vẫn còn đổ mồ hôi trên “những bộ đồ cầu kỳ” cho đến tận nửa đêm, cho đến một giờ, hai giờ. Đến hai giờ rưỡi sáng họ mới nghỉ.

Sáng thứ bảy, vẫn “bộ đồ cầu kỳ,” và những thứ linh tinh, ba giờ chiều công việc của cả tuần mới gọi là xong.

“Mệt thế này, chắc cậu không phóng xe đạp bảy mươi dặm đi Oakland nữa chứ?” Joe hỏi vẻ hoan hỉ khi hai người ngồi trên bục cầu thang và hút một điếu thuốc.

“Đi chứ.” Martin trả lời.

“Đi làm gì? Thăm mèo à?”

“Không, cốt chỉ để tiết kiệm hai đô la rưỡi tiền tàu, tớ muốn đổi một vài quyển sách ở thư viện.”

“Tại sao không gửi qua bưu điện, mỗi lần chỉ mất một phần tư đô la.”

Martin suy nghĩ.

“Ngày mai cần phải nghỉ ngơi một chút.” Joe ép. “Cậu cần phải nghỉ. Tớ thấy tớ cũng vậy. Mệt chết người.”

Joe quả có mệt như vậy thật. Một người không hề nào núng, không bao giờ nghỉ ngơi, vật lộn từng giây từng phút suốt tuần lễ, khắc phục mọi chậm trễ, san bằng mọi trở ngại, một nguồn năng lượng không gì chế ngự nổi, một bộ máy bằng da bằng thịt mở hết tốc độ, một con quỷ ra sức làm việc, bây giờ sau khi đã làm xong công việc của một tuần, anh ta ở trong một trạng thái suy sụp. Joe bơ phờ, hốc hác. Bộ mặt đẹp trai của anh sụp đi, mệt mỏi. Anh bập bập điếu thuốc, vẻ lờ đờ. Giọng nói của anh đều đều như chết rồi. Tất cả ngọn lửa và lòng hăng say của anh đã tiêu tan. Chiến thắng của anh là một chiến thắng thê thảm.

“Tuần sau lại phải lặp lại một công việc như thế,” Joe buồn bã nói. “Mà được cái gì kia chứ? Lắm lúc tớ chỉ muốn làm một thằng lang thang. Chúng nó không phải làm việc mà vẫn sống. Trời ôi, tớ chỉ muốn có một cốc bia, nhưng tớ chẳng có gan lê được xuống phố để uống. Thôi cậu đừng đi nữa, cứ gửi sách qua nhà bưu điện cũng được. Nếu không, cậu thật là một thằng rồ khốn kiếp.”

“Nhưng tớ biết làm gì ở đây suốt cả ngày chủ nhật?” Martin hỏi.

“Nghỉ ngơi. Cậu không biết là cậu đã mệt lắm rồi à… Sao, ngày chủ nhật tớ mệt đến nỗi tờ báo cũng không đọc nổi nữa. Có lần tớ đã bị ốm bệnh thương hàn. Ở nhà thương hai tháng rưỡi. Suốt thời gian đó, tớ không làm một chút việc gì cả. Thật là tuyệt.”

“Thật là tuyệt!” Joe mơ màng nhắc lại một phút sau.

Martin đi tắm. Tắm xong, gã thấy cái anh chàng thợ cả của xưởng giặt đã biến đâu mất. Rất có thể là anh ta đã đi kiếm cốc bia – Martin cá như vậy, nhưng nửa dặm đường xuống phố để xem xem có đúng không đối với gã lúc này chừng như là một cuộc hành trình dài. Gã cởi giày nằm lên giường để tĩnh trí lại. Gã không với tay ra lấy sách. Gã mệt quá không còn cảm thấy buồn ngủ; gã nằm dài ra hầu như không nghĩ gì cả, trong một trạng thái nửa sững sờ cho đến tận lúc ăn chiều. Lúc ấy, không thấy mặt mũi Joe đâu, nghe người làm vườn hoa, chắc chắn anh ta đang phá phách ở quán rượu. Martin hiểu ngay, ăn xong, gã lập tức vào giường và đến sáng hôm sau gã thấy gã đã nghỉ ngơi được nhiều. Joe vẫn chưa về. Martin lấy tờ báo ngày chủ nhật và nằm dưới bóng cây. Buổi sáng trôi qua, gã không biết nó đã trôi đi như thế nào. Gã không ngủ, không có ai đến quấy rầy gã, thế mà vẫn không đọc xong tờ báo. Sau khi ăn trưa xong, gã lại mở báo ra, nhưng rồi ngủ thiếp đi mất.

Thế là ngày chủ nhật trôi qua. Sáng thứ hai gã lại tất bật, vất vả phân loại quần áo, còn Joe, khăn buộc chặt lên đầu, mồm rên rỉ chửi rủa, đứng áy chạy và quấy xà phòng.

Anh ta giảng giải: “Tớ không thể nào nhịn được. Cứ tối thứ bảy là phải đi uống.”

Lại một tuần lễ nữa trôi qua, cuộc chiến đấu ghê rợn lại tiếp diễn đêm đêm dưới ánh đèn điện, và kết thúc vào ba giờ chiều ngày thứ bảy; Joe lại tận hưởng cái phút chiến thắng thê thảm ấy và rồi lại vội vã xuống phố để quên. Ngày chủ nhật của Martin lại giống ngày chủ nhật tuần trước. Gã ngủ dưới bóng mát của hàng cây, vật lộn tờ báo không mục đích, nằm ngửa hàng giờ liền không làm gì, không nghĩ gì hết. Gã choáng váng quá không còn nghĩ gì được nữa, tuy gã không bằng lòng với mình. Gã tự ghê tởm mình, dường như gã đã làm một việc gì sa đọa, dơ bẩn tự trong tâm hồn. Tất cả những điều thần thánh trong con người gã đã bị xoá sạch đi rồi. Sự thôi thúc của tham vọng đã chùn bước, gã không còn sức sống để cảm thấy sự thôi thúc ấy nữa. Gã đã chết rồi. Gã là một con vật, một con vật biết làm việc. Gã không còn thấy vẻ đẹp trong ánh nắng luồn qua những đám lá xanh, mà cũng không còn thấy vòm trời ngăn ngắt đang thì thào như những ngày xưa cũ, nhắc nhủ gã về sự bao la của vũ trụ, những điều thần bí đang run lên chờ đợi được khám phá. Cuộc sống buồn nản và ngu ngốc không thể nào tha thứ được, hương vị của nó đắng chát trong miệng gã. Một tấm màn đen giăng qua tấm gương của cặp mắt nhìn nội tâm của gã và trí tưởng tượng nằm liệt trong căn phòng bệnh nhân tăm tối, nơi không một tia sáng nào lọt vào được. Gã thèm được như Joe, lê bước xuống phố phá phách để cho sâu rượu gậm nhấm trí óc, để say sưa một cách chán chường với những mùi vị chán chường, uống tuý luý, uống không còn biết gì trời đất, quên đi cái buổi sáng thứ hai và cả một tuần lễ lao khổ kinh khủng sắp tới.

Tuần lễ thứ ba lại trôi đi. Martin căm giận mình, căm giận cuộc đời. Gã bị ám ảnh bởi một tư tưởng thất bại choán ngợp. Cũng có lý do để những ông chủ bút từ chối những bản thảo của gã. Bây giờ gã có thể nhìn thấy điều đó rõ ràng. Gã tự cười mình, cười những giấc mơ gã đã từng mơ. Ruth gửi trả gã tập “Những bài ca về biển” qua bưu điện. Gã dửng dưng đọc thư nàng. Rõ ràng là nàng đã phải hết sức cố gắng để nói rằng nàng thích những bài thơ đó lắm và chúng thật là đẹp. Nhưng nàng không thể nói dối được, nàng không thể tự mình che dấu sự thật được. Nàng biết những bài thơ ấy thất bại. Qua mỗi dòng thờ ơ nhạt nhẽo, thiếu nhiệt tình trong bức thư của nàng, gã thấy rõ nàng không tán thưởng chúng. Và nàng có lý. Gã tin chắc như vậy khi gã đọc lại tập thơ. Cái đẹp và cái kỳ diệu đã rời bỏ gã đi mất, và khi đọc lại những bài thơ, gã thấy ngạc nhiên về những ý nghĩ gã có ở trong đầu khi gã viết chúng. Những câu văn táo bạo nghe thật kỳ cục, cách diễn đạt ví von bóng bẩy thật quái đản, tất cả đều vô nghĩa, không thực, không thể nào có được. Gã có thể đốt ngay tập “Những bài ca về biển” nếu như ý chí của gã đủ mạnh để mà đốt chúng đi. Có buồng máy kia, nhưng tập thơ không xứng để cho gã mất công sức đem đi vứt vào lò. Công sức của gã còn phải dùng để giặt những bộ quần áo của người khác. Gã không còn một chút công sức nào để làm việc riêng tư.

Gã quyết định đến chủ nhật sẽ cố gắng tập trung tư tưởng để viết thư trả lời Ruth. Nhưng chiều thứ bảy, công việc xong sau khi tắm, ý nghĩ muốn quên đi tất cả choán ngợp lấy gã. “Có lẽ mình phải xuống phố xem thằng Joe tiêu thì giờ ra sao?” Gã lại tự nói với mình như vậy, và đồng thời gã cũng thấy mình đã tự dối mình. Nhưng gã không còn đủ nghị lực để mà suy nghĩ về sự dối mình đó. Nếu như gã còn nghị lực chăng nữa thì gã cũng không muốn suy nghĩ đến nó, bởi vì gã muốn quên đi. Gã đi xuống phố, thẫn thờ, chậm chạp, nhưng khi gần tới quán rượu, vô tình gã đã rảo bước.

“Tớ nghĩ rằng cậu vẫn kiêng.” Joe đón chào gã bằng câu nói đó.

Martin cũng không buồn tìm cách bào chữa nữa, gã gọi lấy Whiskey rót đầy tràn một cốc rượu trước khi gã đưa trả lại chai rượu.

“Đừng có ngâm hết đêm đấy nhé!” Gã nói thô lỗ.

Joe đang ngả nghiêng khề khà bên chai rượu. Martin không đợi được, ngửa cổ nốc thẳng một hơi rồi lại rót đầy cốc khác.

“Bây giờ thì tớ đợi cậu được,” gã cau có, “nhưng nhanh nhanh lên”

Joe uống nhanh và cả hai cùng uống.

“Công việc khiến cậu phải như vậy hử?” Joe hỏi.

Martin không muốn bàn đến chuyện đó.

“Thật là một địa ngục, tớ biết, nhưng Martin à, tớ không muốn cậu lại sa vào vòng rượu chè – ồ, như vậy đấy!”

Martin lặng lẽ uống, cắn cảu gọi hết chầu nọ đến chầu kia khiến chú bồi bàn – một chú bé nhà quê ẻo lả như con gái, mắt xanh ướt, tóc rẽ giữa – phát sợ lên.

“Thật là nhục nhã, chúng nó bắt bọn mình làm như trâu như ngựa thế này.” Joe nói. “Nếu không say tuý luý thì tớ đã nổi xung lên mà đốt mẹ nó cái địa ngục ấy đi rồi. Tớ nói để cậu biết tớ uống say là phúc chúng nó đấy!”

Nhưng Martin không trả lời. Uống thêm vài cốc nữa, gã bắt đầu cảm thấy con sâu rượu say sưa đã bắt đầu bò trong óc gã. A, thế này mới là sống, hơi thở đầu tiên của cuộc sống mà ba tuần lễ nay gã mới được thở. Những giấc mơ lại quay về với với gã. Ẳo ảnh lại từ trong phòng tối bay ra, quyến rũ gã, bốc lửa huy hoàng. Tấm gương ảo ảnh trong như bạc, một bản ghi hình ảnh loé sáng, chói lọi. Cái đẹp và cái kỳ diệu lại cùng đi với gã, tay trong tay, tất cả sức mạnh của gã. Gã muốn nói với Joe điều đó, nhưng Joe cũng có những ảo tưởng riêng của mình, những kế hoạch không thể nào thất bại được, nhờ chúng anh ta sẽ thoát khỏi cái cảnh nô lệ của nghề thợ giặt và chính mình sẽ trở thành ông chủ của một xưởng giặt lớn chạy bằng máy hơi nước.

“Này, Martin ạ, trong xưởng giặt của tớ tuyệt đối không dùng trẻ con đâu nhé, tớ thề với cậu. Và nhất định sau sáu giờ chiều là không có một người nào phải làm việc nữa. Cậu nghe tớ nói chứ! Có đủ máy móc, có đủ người, làm việc có giờ giấc hợp lý, cậu sẽ giúp tớ, trông nom tất cả Martin ạ, tớ sẽ để cậu làm quản lý, trông nom xưởng trông nom tất cả tất cả. Kế hoạch của tớ như thế này, tớ sẽ thôi rượu, để dành và lúc đó… ”

Nhưng Martin đã quay đi, mặc cho Joe nói với chú bồi bàn, cho đến lúc chú này phải đi lấy rượu cho hai bác nông dân mới vào, họ đã nhận lời mời của Martin. Martin vung tiền rộng rãi như ông hoàng mời hết thảy mọi người, những bác nông dân, anh bồi ngựa, anh phụ vườn của khách sạn, chú bồi bàn và cả thằng ma cà bông lén lút lẻn vào như một cái bóng, rồi như một cái bóng, lướt xuống cuối tiệm.

Bình luận