“Đồ ăn của anh đây. Ăn ngon nhé!” Fia đặt cái đĩa lên bàn trước mặt Ash và anh thấy mùi nước hoa thoang thoảng nhưng rất thơm. “Và đừng quên nhé, cái này tôi mời.”
Đó là một đĩa mì Ý bò băm. Thông thường thì với một câu nói như vậy anh sẽ phải đáp lại bằng lời bông đùa, nhưng sự có mặt của Fia khiến anh cứng lưỡi và bối rối mãi. Lần này không phải là để thay đổi không khí. Còn chưa nói đến là đĩa mì Ý miễn phí này thực ra đã tốn của anh một trăm hai mươi bảng.
Đó là bữa trưa thứ Tư. Tối trước Fia và cậu bạn Aaron vô cùng xứng đáng chuyên-làm-việc-thiện đã đến nhà hát Colston Hall với hai tấm vé anh mua, và cho tới giờ cô đã nói tới bảy mươi ba lần rằng đó là buổi hòa nhạc hay nhất cô từng đi nghe.
OK, có thể không phải là bảy mươi ba lần. Nhưng rõ ràng là cô nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần.
“Anh biết không, ông ta thật là… tuyệt diệu.” Fia lắc đầu, mê mải ngưỡng mộ tài năng, vẻ đẹp trai và sự hiện diện đầy quyến rũ trên sân khấu của Richard Mills.
Ash không biết nếu những lời đó được thốt ra về mình thì anh sẽ phản ứng thế nào.
“Ngay đến tay tôi cũng thấy đau.” Cô chìa tay ra cho anh thấy hai lòng bàn tay. “Cả hai đều rát vì vỗ nhiều quá.”
Anh gượng cười, cố gắng không nghĩ đến việc đôi tay ấm áp đó rờ rẫm khắp người mình… không, không, giờ anh lại tự hành hạ bản thân rồi, không được nghĩ như thế nữa, có thể cô sẽ nhảy phắt dậy vì kinh tởm và chạy xa hàng cây số.
“Còn Aaron thì vẫn đang trên tầng mây thứ chín. Hôm nay cậu ấy gọi điện cho tôi đến ba lần rồi!”
“Tốt. Thế thì… tốt.” Ash cuộn mì Ý bằng dĩa, đưa lên miệng, và vươn người ra nhưng chỉ cắn được một sợi mì giữa hai hàm răng trong khi phần còn lại tuột khỏi dĩa rơi lại xuống đĩa. “Chết tiệt.” Anh tóm vội tờ khăn giấy lau vệt da cam vừa dính vào mặt trước áo.
“Anh bị bắn cả trên cằm nữa,” Fia nói giúp.
“Ừ, cảm ơn.”
Cô chỉ. “Và cả trên tai nữa.”
“Chà.” Đống mì Ý bất trị chết tiệt.
“Ừm, tôi nên quay lại làm việc thì hơn.” Fia quay bước nhún nhảy đi vào bếp, hát một đoạn trong bài nhạc Richard Mills đã hát đêm qua.
Ash thở hắt ra đoạn bỏ cái khăn lấm nước xốt xuống. Đây đã là tận cùng thế giới chưa? Có phải anh đã chạm đáy rồi?
Bởi vì nếu đúng là như vậy, thì có lẽ đã đến lúc anh nhấc máy gọi cho hội những người kém cỏi vô danh rồi.
Xin chào, tôi tên là Ash Parry-Jones và khi làm việc tôi hài hước, thông minh và nói năng trôi chảy như không… Tôi có hàng ngàn hàng vạn fan vặn đài để nghe chương trình của tôi mỗi sáng bởi vì họ biết tôi sẽ giúp họ giải khuây và mang lại cho họ một ngày vui vẻ.
Còn bên ngoài công việc, tôi là một thằng đại đần.
Cái khó khi dọn dẹp một chút dưới nhà rồi lôi ba túi lớn đựng các món hầm bà lằng lên gác xép là cuối cùng chúng ta sẽ chẳng vứt gì đi cả mà chỉ trèo thẳng xuống. Trong lúc ở trên gác xép, chúng ta luôn phát hiện ra thứ ẩn khuất đâu đó bị bỏ quên bao nhiêu năm trời.
Cleo ngồi khoanh chân dựa lưng vào đống chăn, cô đã ở trên gác xép hai tiếng rồi. Cô vừa lục tung cái va li cũ đựng quần áo yêu thích của bố cô. Mất mẹ lúc mười một tuổi thật là khủng khiếp, nhưng cô biết mình đã rất may mắn khi còn một người cha dịu dàng đầy tình thương, đảm nhận vai trò của cả cha lẫn mẹ và cùng với Abbie hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ là nuôi cô khôn lớn. Một ngày nào đó cô sẽ thấy cần phải đóng góp mấy cái áo len sờn cũ và sơ mi kẻ bạc màu cho mấy cửa hàng từ thiện, nhưng chưa phải lúc này.
Rồi cô mở một thùng các tông đựng toàn những quyển sách cô yêu thích khi còn bé ra xem; OK, mấy cửa hàng từ thiện không thể sờ tay vào các quyển sách này được bởi vì một ngày nào đó cô định sẽ đọc cho con cô nghe, cho dù chúng có thích nghe hay không.
Rồi một cái thùng khác đựng toàn miếng ghép hình đáng ra cô nên vứt đi; trời đất, bọn trẻ con thế kỷ hai mươi mốt thà chết chứ không chịu chơi cái trò ghép hình này.
Cô cũng lục qua mớ nữ trang dạ hội của mẹ cô, một hộp giày chất đầy bưu thiếp cũ, một thùng sách vở và học bạ nguệch ngoạc hình vẽ graffiti. Kỷ niệm tràn về khi đọc lại những thứ đó – không phải kỷ niệm nào cũng hay. Thầy Elliot đã viết, “Nếu Cleo tập trung hơn trong giờ Lịch sử chứ không phải là ban nhạc Boyzone thì em đã có thể học khá hơn.” Cô Barlow viết, “Trên sân tennis, Cleo rất nhiệt tình.” Đó là cách nói tránh để chỉ ra rằng cô không thể đánh bóng qua lưới, nhưng không ngại đi nhặt bóng. Rồi thầy Haines, thầy toán đã mô tả cô là, “Dễ mất tập trung trong giờ học, thường do tự trò gây ra.”
Đúng là mỉa mai. Đâu phải lỗi tại cô khi cô không thể hiểu nổi cái phương trình bậc hai đó.
Dù sao thì, thuyết nhân quả cuối cùng cũng có tác dụng. Hai năm sau, thầy Haines bị cảnh sát dừng xe phạt do lái xe thiếu cẩn thận và tập trung trong lúc trên người chỉ có áo ngực xa tanh, tất dài, và nịt bít tất viền đăng ten.
Ui, chân cô tê dại. Cleo thay đổi cách ngồi, gập người ra đằng trước, và với một tập ảnh trong cái rương trước mặt cô.
Đây là thứ khiến cô ở lại trên này cả tiếng đồng hồ vừa rồi. Bố cô không bao giờ đi đâu mà không mang theo máy ảnh. Bố đã chụp không biết bao nhiêu ảnh hồi cô còn bé, và lúc đó cô thường ước là ông đã không làm vậy. Khi đó, cô cảm thấy xấu hổ và ngại ngùng chết đi được.
Nhưng gần hai thập kỷ sau đó, yếu tố xấu hổ đã mờ nhạt và cô mừng vì bố đã làm như vậy. Cuộc sống trong làng được mô tả đến từng chi tiết nhỏ và thật tuyệt khi thấy dáng vẻ của mọi người bao nhiêu năm trước đây. Trong lúc soạn ảnh, cô bắt gặp một tấm của chính mình với mớ tóc mái cắt cao đại ngố đang khoe bộ áo liền quần màu vàng chanh trong vườn. Còn đây là cả xấp ảnh chụp ngày hội mùa hè trong làng… đây là Welsh Mac khi cậu ta vẫn còn tóc… và Glynis làm trong cửa hàng, mặc chiếc quần tây trắng bằng vải sợi nhân tạo và đi giày cao gót bị ngập trong cỏ lúc phục vụ quầy trò chơi ném vòng. Lật tiếp, cô thấy một tấm ảnh của Abbie và Tom lúc trẻ và đang yêu, tấm khác có chồng của Glynis là Huw trông có vẻ nóng và hơi liêng biêng bên ngoài lều bia. Và – ha! – phía sau là Johnny mặc quần jean và cái áo phông kẻ sọc lôi thôi đang chơi đùa với một vài người bạn trước quầy trò chơi ném dừa. Tấm tiếp theo là hình của cô – ôi trời đất – mặc cái váy hula tự chế với hoa giấy cài tóc trong buổi lễ hóa trang. Rồi một tấm khác có Johnny nằm dài trên cỏ cho chú chó Jack Russell sủa ăng ẳng của cha xứ ăn bim bim. Rồi một tấm ảnh Huw nằm ườn ra trên ghế ngủ say như chết, không hề biết là mấy đứa cháu gái đằng sau đang vui vẻ rắc hoa cúc và những mẩu cỏ lên đầu chú của chúng.
Cô vừa xem ảnh vừa cười. Tấm tiếp theo là hình của Wayne Carter, cậu ta luôn là đứa bất trị trong làng, đang gầm ghè trước ống kính và khua một lon bia nhẹ. Tóc cậu ta nhuộm đen và vuốt gel lỉa chỉa trông rất hung hăng, cậu ta mặc áo phông in hình ban nhạc Sex Pistol được xé tài tình để lộ ra cái khuyên cài trên đầu ti, hồi đó cái khuyên này từng làm cho cả làng sốc quay lơ. Bây giờ cậu ta đã là kế toán chính thức rồi.
Di động của cô kêu ầm ĩ, cô nhấc máy.
“Chào cậu, là tớ đây.” Nhịp tim cô nhanh hơn; không thể nhầm cái giọng lè nhè chớt nhả của Johnny được.
“Đúng là trùng hợp. Tớ đang xem mấy tấm hình của cậu!” Cleo nhanh chóng nói thêm, “Không phải theo kiểu lén lút đâu.”
“Trông tớ thế nào?”
“Giờ kiểu tóc của cậu đẹp hơn.”
“Thế trông cậu thế nào?”
“Tuyệt đẹp, dĩ nhiên rồi.”
Hắn cười. “Nghe này, có nhớ là cậu nói cậu thích phòng ăn mới của tớ không?”
“Ừ… có.” Khi hắn đưa cô đi xem quanh nhà tuần trước, cô đã rất thích màu sơn tường hắn chọn, một màu vàng ấm áp mịn mượt.
“Tớ vừa dọn dẹp đống đồ trong gara thì tìm thấy một thùng mười lít màu sơn đó. Tớ biết mình đặt hàng thừa mà, nhưng tớ không biết là thừa nhiều thế. Mà cậu nói là định sơn lại phòng khách, nên tớ không biết cậu có muốn lấy thùng sơn này không.”
“Tuyệt quá, cám ơn cậu!” Mười lít sơn chất lượng tốt, miễn phí ư? Tốt quá.
“Nếu cậu đang ở nhà thì tớ mang qua cho.”
“Tớ đang ở trên gác xép. Lên đây thì dễ chứ xuống thì khó,” Cleo nói, “nên cậu ráng chờ tớ năm phút. Nhưng cửa chỉ cài then thôi.”
Johnny không chần chừ. “Nếu thế thì cậu cứ ở nguyên trên ấy. Tớ sang bây giờ đây.”