Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mùa Hè Định Mệnh

Chương 3

Tác giả: Karen Robards

“Bà đã nghe thấy gì chưa? Idell nói là con trai bà ấy thấy Rachel Grant gặp ai đó ở bến xe bus chiều nay đấy, và bà có ngồi cả buổi cũng chẳng đoán ra là ai đâu!”

“Ai cơ?”

“Johnny Harris.”

“Johnny Harris! Sao cơ, hắn đang trong tù mà! Idell nhầm rồi.’

“Không, bà ấy thề là Jeff đã bảo thế. Hắn được khoan hồng hay sao ấy.”

“Giết người mà cũng được khoan hồng à!”

“Chắc vậy. Idell nói Jeff đã nhìn thấy rõ rành rành là Rachel đi với thằng ấy đấy, có tin được không chứ?”

“Làm gì có chuyện.”

“Đúng đấy, bà Ashton ạ,” Rachel cắt ngang cuộc trò chuyện. “Johnny Harris được khoan hồng, và cậu ấy sẽ làm việc ở cửa hàng dân dụng Grant.” Vẫn còn choáng váng sau vụ chạm trán với Johnny Harris như đã nói ở trên. Rachel phải cố gắng lắm mới nặn ra được một nụ cười bình thản với hai người hàng xóm của mình. Đây là điều hay nhất mà cũng là dở nhất ở Tylervilles: không thể nào tránh được việc bị người ta dòm ngó đời tư của bạn.

Hai người phụ nữ đang đứng ở một quầy thu ngân của siêu thị Kroger [1], và bận buôn chuyện đến mức không để ý thấy Rachel ở quầy kế bên. Bà Ashton tầm sáu mươi tuổi, bạn của mẹ Rachel, rất hay dòm ngó. Pam Collier trẻ hơn, có lẽ là tầm bốn nhăm tuổi, có một đứa con trai mười sáu tuổi hiếu động sắp trở thành học sinh của Rachel vào mùa thu này.

Rachel đã nghĩ rằng với một đứa con trai nghịch ngợm như vậy, Pam sẽ thông cảm đôi chút với hoàn cảnh của Johnny, nhưng hình như là không phải vậy.

[1] Hệ thống siêu thị được thành lập năm 1883 bởi Bernard Krogerd Cincinati, Ohio, Mỹ.

“Ồ, Rachel, thế còn nhà Edwards thì sao? Họ mà nghe tin đó thì sẽ chết ngất mất.” Nỗi thương cảm của bà Ashton dành cho gia đình của cô gái bị giết hiển hiện rõ trong đôi mắt.

“Cháu rất tiếc cho họ, bác biết là như thế mà,” Rachel nói, “nhưng cháu chưa bao giờ nghĩ rằng Johnny Harris đã giết Marybeth Edwards, và đến bây giờ vẫn vậy. Cháu dạy cậu ấy hồi cấp ba, xin bác nhớ cho như vậy, và cậu ấy không hư hỏng. Chí ít là không hư hỏng đến mức độ đó.”

Lương tâm bắt cô phải nói thêm câu cuối cùng ấy, Johnny Harris đã từng hư hỏng, theo kiểu hay bĩu môi, hay cãi, hay mặc áo khoác bằng dạ đen – từng ấy thứ đã đủ khiến những cư dân đàng hoàng của Tylerville ghét bỏ cậu trước rồi. Cậu ta say xỉn, đánh nhau túi bụi, đập vỡ bóng đèn và cửa sổ, nguyền rủa mọi người và đi xe máy. Những thằng con trai mà Johnny giao du cũng rác rưởi chẳng kém, và theo như lời đồn thổi thì cậu ta và bè lũ của mình đã tổ chức những bữa tiệc thác loạn chưa từng thấy ở Tylerville. Johnny góp mặt trong hầu hết những vụ gây rối cả trong lẫn ngoài trường, và miệng lưỡi sắc sảo của cậu ta cũng chẳng lấp liếm được tai tiếng lẫy lừng vốn có. Nhưng bù lại trong con mắt của Rachel, cậu ta thích đọc. Thật ra, đó là điều đầu tiên khiến cô nghĩ rằng cậu ta có thể khác so với vẻ bề ngoài.

Vào một ngày mùa thu trong kỳ dạy đầu tiên, cô là một giáo viên tình nguyện. Hồi đó cô mới sắp sang tuổi hai mươi hai, và cô đã thấy một cậu Johnny Harris mười sáu tuổi đi đứng nghênh ngang ngoài cổng trường như thể cậu ta có tất cả quyền trên thế giới này để làm như thế. Cô đi theo, nghi ngờ cậu này lén hút thuốc hay làm gì đó tệ hại hơn, và cuối cùng cô phát hiện ra cậu ta ở bãi đậu xe, đang nằm duỗi chân trên ghế sau xe của một sinh viên nào đó. Một mình, đôi giày cao cổ bị thủng một lỗ ở bên trái thò ra ngoài cửa sổ, đôi chân dài của cậu ta bắt tréo chỗ mắt cá chân, một cánh tay gập lại dưới đầu làm gối. Một cuốn sách để mở úp trên ngực áo dài tay.

Sự kinh ngạc của cô gần như đến cùng lúc với sự bực mình khi bị phát hiện của cậu học sinh.

“Cái lũ nhà Harris đó đều xấu xa, từng đứa từng đứa một! Cháu còn nhớ hồi Buck Harris tuyên bố là đã đi tu rồi tự xưng là giáo sĩ, sau đó tự lập nhà thờ riêng chứ? Hắn đã thu không biết bao nhiêu tiền quyên góp, bảo là để hỗ trợ cho những trẻ em đang chết đói ở Appalachia. Thế rồi hắn lấy tiền đó đi đánh bạc, uống rượu và sống như một ông hoàng.

Hắn phải ngồi tù gần một năm vì vụ đó, mà đấy chưa phải là điều tồi tệ nhất mà hắn từng làm đâu. Không đời nào, nếu chúng ta biết được tất cả sự thật.” Bà Ashton mím chặt môi, nhớ lại.

Rachel băn khoăn không biết mình có quyên tiền cho “nhà thờ” của Buck Harris không nữa. Chuyện đó ầm ĩ khắp thị trấn đến mức chỉ có những người khờ khạo mới bị lừa. Dù sao thì ai mà tin Buck Harris cơ chứ? Cô nhỏ nhẹ nói, “Bác không thể kết tội Johnny vì những việc anh trai cậu ta làm được.”

“Hừm!” Bà Ashton nói, rõ ràng là không thấy thuyết phục.

Rachel nhẹ nhõm vì thấy Betty Nichos, nhân viên thu ngân, vẫn nhanh nhẹn đóng gói đống đồ tạp phẩm của mình ngay cả khi đang tròn mắt lên nghe câu chuyện ngồi lê đôi mách. Máu dồn lên thái dương cô báo hiệu cơn đau đầu sắp đến. Cô đã bị chứng bệnh đó nhiều năm rồi, từ hồi nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ rời Tylerville. Không bao giờ.

Những mối ràng buộc về tình cảm và trách nhiệm bao chặt lấy cô, và bây giờ nó quấn quanh cô như những vòng kim loại. Cô đã chấp nhận điều đó, đã chịu thua trước nó, và cảm thấy sự trào lộng đến trớ trêu trước số phận của mình. Cô, người luôn mơ ước được bay xa đến một cuộc đời hoàn toàn khác, cuối cùng đã tự cắt đi đôi cánh của mình. Cô cũng là một nạn nhân của chính cái mùa hè định mệnh cách đây mười một năm.

Cuộc đời cô bây giờ gắn chặt với lối mòn mà nó chắc chắn sẽ đi trong vòng năm mươi năm nữa: cuộc đời của một giáo viên cấp ba ở một thị trấn nhỏ. Trách nhiệm của cô là phải mở mang đầu óc cho giới trẻ của Tylerville, dạy cho chúng sức mạnh và vẻ đẹp của ngôn từ. Lúc đầu, viễn cảnh đó làm cô hứng thú. Nhưng qua nhiều năm, cô nhận ra rằng việc khơi lên trí tưởng tượng và sự sáng tạo không có thành tựu, chẳng khác nào tìm ngọc quý dưới đáy biển đầy hàu. Mà công việc gì cũng cần đôi lần thành công để làm động lực.

Johnny Harris từng là một trường hợp thành công như thế. Có khi lại là thành công chắc chắn nhất.

Vừa nghĩ về hắn, đầu cô đã bắt đầu đau nhức. Nhăn mặt, cô rờ rẫm trong túi xách để tìm quyển séc, cách này sẽ giúp cô sớm thoát khỏi cửa hàng tạp hóa. Lúc này, cô cần tránh cái áp lực phải bảo vệ Johnny Harris trước bất kỳ người nào trước khi bản thân cô thấy thoải mái với hắn (dù hắn có không phạm tội giết người đi chăng nữa thì cũng không còn là cậu con trai mà cô nhớ). Bây giờ, cô chỉ khát khao được ở một mình, mười phút thôi là đủ. Đồ của bà Ashton đang được chất lên chiếc xe đẩy, và vài món hàng cuối cùng của Pam Collier đang được đưa đến chỗ máy quét giá. Tạ ơn Chúa, sẽ không còn lâu nữa. Vài phút nữa thôi cô sẽ thoát được ra ngoài.

“Sue Ann Harris đúng là một người đàn bà hư hỏng. Bây giờ cô ta đang sống ở Detroit, nghe nói cô ta là một trong số những bà mẹ tốt phúc có hẳn ba đứa con với ba người đàn ông khác nhau. Và cô ta cũng chẳng cưới ai trong số họ cả.”

“Không phải thế chứ!” Bà Ashton lắc đầu.

Pam gật đầu. “Đấy là tôi nghe thế. Và ai cũng biết Grady Harris từng là kẻ buôn ma túy tầm cỡ nhất trong bang cho tới lúc chết đuối cách đây ba năm. Mà nếu hắn không dùng ma túy quá liều thì đã chả chết đuối.“

Rachel hít một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh. Đầu nhức như búa bổ nhưng cô phớt lờ cơn đau. “Cháu lại nghe nói là cậu ta và mấy người bạn tổ chức tiệc trên một con thuyền, rồi cậu ta ngã xuống và đập đầu vào đâu đó. Không ai có thể minh chứng được cậu ta có làm gì khác ngoài uống rượu bourbon không. Và nếu uống bourbon là một tội thì quanh đây có nhiều tội phạm lắm đấy ạ.” Mặc dù bản thân cô cũng nghi ngờ anh em nhà Harris, nhưng cô thấy mình vẫn phải nói ra sự thật. Như những người khác trong thị trấn, cô cũng biết về những tin đồn. Điều mà cô và mọi người không biết là những lời đồn đại đó đúng đến đâu. Tất nhiên là chuyện đó không thể ngăn người ta nhắc đi nhắc lại chúng được rồi. Chuyện ngồi lê đôi mách là nguồn sống của Tylerville. Nếu ngăn chúng lại thì cô ngờ rằng rất nhiều người dân nơi đây sẽ chết mất.

Mặc dù nếu thẳng thắn đối mặt với vấn đề, cô sẽ phải thừa nhận rằng lời nói của Pam và bà Ashton chứa khá nhiều sự thật. Xét về tổng thể thì nhà Harris không phải là những công dân được yêu mến nhất ở Tylerville. Rachel không nghi ngờ gì về điều đó. Tất cả những gì mà cô muốn làm là cho một cậu con trai – không, giờ là một người đàn ông rồi – cơ hội thứ hai trong đời, và cô tin người này xứng đáng. Cô không cố tôn vinh Johnny Harris lên làm thần thánh. Cô chỉ cảm thấy rằng trong vụ giết người liên quan đến Marybeth Edwards, hắn đã bị oan.

“Willie Harris có con ở khắp nơi nữa chứ. Thậm chí một số đứa ở Perrytown cũng là con của ông ta nữa, tôi nghe người ta nói vậy.” Pam hạ giọng khi thuật lại chi tiết hay hớm đó. Để hiểu được tầm quan trọng của nó, người ta phải biết rằng Perrytown là một khu vực tách biệt của người da đen nằm ở ngoại ô thị trấn. Mặc dù luật pháp quy định phải có sự đoàn kết và gần như tất cả mọi người ở Tyierville đều là những người lớn tiếng phản đối phân biệt chủng tộc, nhưng thực tế là đa số những người da đen vẫn sống cùng nhau trong cộng đồng bé nhỏ của họ.

“Ồ, tôi không tin điều đó đâu!” Thậm chí cả bà Ashton cũng có vẻ sốc trước lời nói xấu về cha của Johnny.

“Tôi nghe thế mà.”

“Tất cả là ba mươi bảy đô sáu mươi hai xu ạ, thưa cô Grant.”

“Sao cơ?”

Betty Nichos kiên nhẫn nhắc lại số tiền. Nhẹ nhõm vì thấy có việc để làm, Rachel vội vã viết một tờ séc và đưa nó cho Betty. Tất cả mọi người ở Tylerville đều biết nhau. Betty là học sinh cũ của cô, vậy nên cô không cần phải trình giấy phép lái xe hay giấy tờ gì đó tương tự. Cả thị trấn biết séc của nhà Grant có giá trị như vàng, cũng như cả thị trấn không ai chấp nhận bất kỳ tờ séc nào của nhà Harris.

Đó là cuộc sống ở Tylerville.

“Chào bà Ashton. Chào chị, Pam.” Rachel xách mỗi tay một túi và đi ra phía bãi đậu xe.

“Chờ chút, Rachel!” Bà Ashton gọi với theo sau. Pam cũng nói với theo điều gì đó, nhưng Rachel đã đi qua cửa tự động và không nghe được nữa. Cô cũng chẳng bận tâm.

Lái xe về nhà, đầu như búa bổ, Rachel thấy chưa bao giờ mình khốn khổ đến thế trong đời. Có lẽ là do nóng quá. Hoặc là do sự căng thẳng vì phải bảo vệ Johnny Harris.

Ví cô nằm trên ghế hành khách. Kéo nó về phía mình và dò dẫm tìm bên trong, Rachel tìm thấy hộp thuốc đau đầu cô luôn mang theo mình. Mở cái nắp nhỏ bằng kim loại mà không lạc tay lái quả là khó khăn, nhưng cô đã làm được và nuốt khan hai viên thuốc.

“Đây là bức thư của tôi dành cho thế giới/cái thế giới chưa bao giờ viết cho tôi…”

Những từ ngữ của Emily Dickinson vụt qua tâm trí Rachel. Cô vẫn luôn yêu thích thơ ca, và gần đây, cô cảm thấy dòng thơ đó dường như là bản tóm tắt chính xác cuộc đời của mình vậy. Với cô, nó là biểu tượng cho một tâm hồn đầy khát khao bị khóa chặt trong sự nhàm chán của một cuộc đời tầm thường. Như Emily Dickinson, dạo này Rachel nhận ra mình khao khát nhiều hơn, mặc dù cô không biết đích xác mình mong muốn điều gì. Cô thường cảm thấy cô đơn kinh khủng cho dù xung quanh cô không thiếu bạn bè. Nhưng không ai trong số những người cô quen biết có thể trở thành một người tri âm tri kỷ.

Qua nhiều năm, cô đã nhận ra rằng mình không phù hợp với cuộc sống ở Tylerville. Cô khác với gia đình mình, khác hàng xóm của mình, khác đồng nghiệp và học sinh của mình.

Cô đọc tất cả những thứ mà mình có thể chạm tay vào: tiểu thuyết và kịch, tiểu sử và thơ ca, báo chí, tạp chí, hộp ngũ cốc… Tất cả mọi thứ. Mẹ và em gái cô đọc sách nấu ăn và tạp chí thời trang. Bố cô đọc Tuần báo Kinh doanh và Thể thao. Cô có thể ở một mình nhiều giờ liền. Nếu được lựa chọn, cô còn thích được ở một mình hơn. Họ lại không thể vui vẻ nếu không được trò chuyện giao tiếp liên tục. Cô thậm chí còn làm thơ và mơ mộng rằng một ngày nào đó chúng sẽ được xuất bản nữa.

Gia đình cô cười bao dung trước những dòng thơ nguệch ngoạc của cô.

Tuy vậy, cô vẫn yêu họ và họ cũng thế.

Đôi khi cô thấy mình như con thiên nga vụng về trong câu chuyện về chú vịt con xấu xí. Dù có cố gắng đến mấy để giống với những người khác – và cô đã cố thật, suốt bao nhiêu năm – cô vẫn không thể làm được điều đó. Cuối cùng cô học được một cách đơn giản là giả vờ mình cũng giống như họ. Chuyện đó khiến cuộc sống dễ dàng hơn, và lại không hề khó thực hiện. Tất cả những gì cô phải làm là giữ lại tám mươi phần trăm những suy nghĩ và cảm nhận cho riêng mình.

Lái xe vào giữa hai cột đá lớn đánh dấu lối vào trang trại rộng 250 mẫu Anh có tên là Walnut Grove của bao thế hệ gia đình Grant, Rachel cảm thấy sự căng thẳng bắt đầu thoát ra khỏi cơ thể mình. Cơn đau hai bên thái dương bắt đầu giảm dần, và cô nhẹ cả người khi nhận thấy điều đó. Cứ về nhà là cô thấy dễ chịu. Cô yêu ngôi nhà rộng rãi có tuổi đời tính theo thế kỷ mà mình đã lớn lên. Cô yêu con đường lái xe thật dài dẫn vào nhà mới được mở cách đây mười năm, con đường đó uốn lượn quanh co qua các hàng sồi và phong cao chót vót. Cô yêu những bụi sơn phù du và muồng búp đỏ luôn biến khu nhà thành một mảnh đất thần tiên đẹp rực rỡ trong mùa xuân, những cây đào mọc ở đằng sau cho quả sai trĩu trịt, và cả những cây óc chó rải rác trên đoạn đường gần tới sân, ra những quả cứng màu xanh lục vào mùa thu, chờ đến đông là ăn được. Cô yêu cảnh những con ngựa nhà nuôi đứng nhai cỏ giữa những cánh đồng có hàng rào gỗ phía trước ngôi nhà. Cô yêu chuồng gia súc mà ông nội và cụ của cô đã xây nên, ba cái ao, và cả cánh rừng trải dài ở phía sau ngôi nhà nữa. Cô yêu chiếc cổng ra vào cũ kỹ được mở rộng từ phần hông của ngôi nhà, nơi cô thường đậu xe. Cô yêu nước sơn trắng mềm bị bong đôi chỗ để lộ ra màu của đám gạch hồng xây nên ngôi nhà, cả màu đỏ của mái tôn tạo thành ngôi nhà ba tầng rưỡi với những chóp nhọn và đầu hồi. Cô yêu mái hiên rộng với những hàng, cột to màu trắng tôn thêm vẻ duyên dáng cho mặt tiền của ngôi nhà, cả lối đi lát đá dẫn ra sau nhà nữa. Cô xuôi theo lối đi ấy, hai tay ôm đầy những đồ tạp phẩm, để mặc cho cảnh tượng, mùi hương và âm thanh của nơi này vuốt ve những dây thần kinh đang căng cứng của mình. Như thường lệ, về nhà thật thoải mái.

“Con có mua sườn lợn không? Bố bảo muốn ăn thịt sườn đấy.” Elisabeth Grant, mẹ Rachel, gặp cô ở cửa bếp, giọng bà dạo này vẫn thường hay cáu kỉnh. Cao hơn mét rưỡi và nặng khoảng gần bốn nhăm cân, bà truyền cho con gái khổ người của mình. Ngoài ra, giữa họ không có nhiều sự tương đồng. Tóc Elisabeth ngắn và xoăn, trước đây mang màu đen tự nhiên nhưng giờ là đen nhân tạo. Da bà mỏng như tờ giấy, có màu nâu nhạt và nhăn lại sau nhiều năm nằm sưởi nắng, nhưng do được trang điểm kỹ lưỡng và trang nhã nên trông bà vẫn rất xinh đẹp. Thậm chí ngay cả khi chỉ định ở nhà chứ không đi đâu, Elisa¬beth vẫn ăn mặc rất chải chuốt. Trang phục của ngày hôm nay là chiếc váy thắt lưng bằng vải lanh màu xanh ngọc cùng với đồ trang sức bằng vàng thanh tú và đôi giày mềm rất hợp. Trước đây Elisabeth là một trang tuyệt sắc, đến bây giờ bà vẫn giữ được những đường nét đó. Rachel luôn cảm thấy mình đã làm mẹ thất vọng vì chẳng xinh đẹp gì. Màu da và hình thức bên ngoài của cô giống bố hơn.

“Có mẹ ạ, con có mua.” Rachel đưa túi đồ cho Til¬da, lúc ấy đã bước đến bên cạnh Elisabeth. Phúng phính trong chiếc quần co giãn và áo phông ngoại cỡ cực mốt bất chấp tuổi năm mươi hai của mình, Tilda đã là quản gia của nhà Grant từ khi Rachel còn bé xíu. Bà ấy và chồng là J.D., người cai quản chung của ngôi nhà, gần như là người thân thích của gia đình cô, mặc dù tối tối họ vẫn quay trở về ngôi nhà gỗ nhỏ của mình ở Perrytown.

“Bà Grant ơi, nếu bà cần gì thì phải bảo tôi đi mua chứ.” Giọng Tilda hơi có phần quở trách khi bà mang đống đồ đến chiếc bàn dài bên cạnh bồn rửa. Rachel như là con gái của bà, hay nói đúng hơn là một trong số những đứa con của bà, vì bà có tới sáu người con và Tilda không thích các con mình bị ai sai bảo làm gì. Kể cả là mẹ đẻ.

“Bà biết là hôm nay tôi cần bà ở đây để giúp J.D. phục vụ Stan mà, Tilda. Cứ theo cái kiểu cách của ông ấy bây giờ, tôi chẳng đủ sức mà chăm ông ấy được nữa”.

“Chắc là hôm nay bố thấy vui nên mới đòi ăn thịt sườn đấy ạ.” Rachel chôm một quả chuối từ cái túi mà Tilda đang mở ra và bóc vỏ. Stan là người cha kính yêu của cô, thật khó tin là giờ đây ông đã ngoài bảy mươi, ông bị bệnh alzheimer, và chỉ trong vòng tám năm vừa rồi, nó đã lấy đi của ông cả khả năng đi lại lẫn lý trí. Thi thoảng lắm ông mới thoát ra được khỏi làn sương mù u mê và nhận ra họ, hoặc là nói một điều gì đó.

“Đúng thế. Chà, sáng nay bố con nhận ra mẹ đấy. Ông ấy còn hỏi Becky đã trốn đi đâu rồi nữa. Tất nhiên là ông ấy hoàn toàn quên là con bé đã chồng con cả rồi.” Elisabeth cúi xuống để lấy chiếc chảo rán lớn bằng kim loại từ cái tủ bên cạnh lò nướng.

Becky là em gái của Rachel, con bé đang ở Louisville với chồng nó, Michael Hennessey và ba đứa con gái bé bỏng. Con bé là hình ảnh phản chiếu của mẹ, cả hình thức lẫn tính tình. Và Rachel nghĩ đó là lý do tại sao con bé lại được mẹ yêu mến. Elisabeth hiểu thấu Becky. Đầu tiên Becky là một cô nàng trong đội cổ vũ, sau đó là nữ hoàng ở vũ hội, rồi nữ hoàng ở nhà, nó và mẹ còn có chung sở thích về quần áo và đàn ông nữa. Ngược lại, Rachel lúc nào cũng chúi mũi vào sách vở và đầu óc luôn trên mây. Một kẻ mộng mơ, Elisabeth từng gọi cô như vậy, và đó không hẳn là một lời khen ngợi.

Sự thiên vị của Elisabeth không còn là mối bận tâm của Rachel nữa, mặc dù đó là một bí mật và là một nỗi đau thầm kín khi cô và đứa em gái còn nhỏ. Nhưng khi chị em đã lớn lên, Rachel đóng vai trò là con gái của bố, cùng bố đi chơi quanh thị trấn và đi câu cá, cố gắng học tất cả mọi thứ có thể học về việc kinh doanh đồ dân dụng để làm ông hài lòng. Ông không quan tâm xem cô xinh đẹp hay không, cũng không bực bội khi đôi lúc cô say sưa đọc sách đến mức để cháy cả bữa tối. Mối quan hệ đặc biệt với bố theo thời gian càng trở nên quý giá, và nhờ vậy sự thân thiết của Becky với mẹ đã thôi không còn khiến cô đau khổ nữa.

“Cái thằng Harris đó về rồi à?” Elisabeth mở túi thịt sườn mà Tilda đã đặt lên bàn và nói với giọng chê trách. Rachel giờ đã quản lý gần như mọi việc của cửa hàng, và cô không hỏi ý kiến mẹ trước khi nhận Johnny Harris vào làm việc. Thực ra, đến tận hôm qua cô mới nói với mẹ, mình đã làm gì khi mà không thể lảng tránh được nữa. Như Rachel tiên liệu, Elisabeth đã hoảng sợ khi biết rằng Johnny Harris sắp quay trở lại Tylerville. Về chuyện tuyển dụng hắn, bà đã nói rằng thà tuyển một con ác quỷ còn hơn. Bà cực kỳ điên tiết với con gái về chuyện đó. Rachel biết rằng mình sẽ phải chịu trừng phạt bằng những cú đòn tấn công tế nhị như chuyện bố cô nhắc đến Becky chứ không phải cô, trong một thời gian dài.

“Phải, mẹ ạ, cậu ấy về rồi.” Rachel cắn một miếng chuối thật to, chẳng còn thấy thích thú nữa, cô ném nửa quả còn lại đi. “Cậu ta rất biết ơn vì nhà mình đã cho cậu ta việc làm.”

Nếu đó là một lời nói dối thì nó cũng vô hại.

Mẹ cô khịt mũi. “Không phải chúng ta cho hắn việc làm. Mẹ sẽ không bao giờ làm điều như thế. Đó là việc của con, thưa quý cô, và chỉ có mình con phải chịu hậu quả thôi. Rồi xem, hắn sẽ tấn công cô gái nào đó hay làm điều khủng khiếp gì đó. Lúc nào hắn chẳng như vậy.”

“Con nghĩ là cậu ta sẽ làm tốt thôi, mẹ ạ. Bác Tilda, bố con đâu rồi?”

“Ông ấy ở trên phòng khiêu vũ ấy. J.D. đưa cho ông ấy một cái đĩa của Elvis mà ông ấy thích, và họ đang ở trên ấy nghe nhạc.”

“Cảm ơn bác Tilda. Con sẽ chạy lên gặp bố một lát. Nếu mẹ cần giúp gì thì cứ gọi con nhé.”

“Con biết là mẹ không cần ai giúp nấu nướng mà.” Khả năng nấu ăn của Elisabeth là niềm tự hào và niềm vui của bà. Rachel nói vậy chỉ để đáp trả cho cú đánh bất ngờ của bà lúc nãy mà thôi.

“Con biết rồi thưa mẹ.” Giọng Rachel dịu lại, rồi cô mỉm cười với mẹ trước khi ra khỏi bếp và rẽ trái, leo lên cầu thang sau chật hẹp. Họ vẫn luôn châm chọc nhau như thế, nhưng cô vẫn yêu bà. Cuộc đời thật tàn nhẫn khi bắt bà phải chấp nhận tình cảnh của Stan.

Elisabeth yêu chồng mình hơn cả Becky.

Còn chưa đến tầng ba, Rachel đã nghe thấy những giai điệu vui nhộn của bài “Hound Dog.” Phòng khiêu vũ – một cái tên rất kêu cho thứ thực ra là một khu ban công dành để nghỉ ngơi có lắp kính xung quanh chiếm nửa tầng trên cùng của ngôi nhà – chẳng có đồ đạc gì với sàn nhà bằng gỗ cứng không trải thảm để truyền sự sôi động xuống các tầng bên dưới. Âm thanh được khuếch đại lên nhờ sự trống trải của căn phòng. Mặc dù không phải là một fan cuồng của Elvis, Rachel cũng thấy lòng mình rộn rã theo điệu nhạc trong lúc đi dọc hành lang trên lầu. Bài hát thật cuốn hút. Stan vẫn luôn yêu thích Elvis và đã khóc như thể mất đi một người thân trong gia đình khi ông ấy qua đời.

Cánh cửa dẫn đến thang máy mà gia đình họ đã lắp cho Stan và cái xe lăn của ông vẫn để mở. Lát nữa nó sẽ đưa Stan và J.D. xuống tầng một để ông ăn uống và được đẩy ra ngoài đi dạo. Rồi sau đó nó sẽ đưa ông quay trở lại tầng hai để được tắm, uống một liều thuốc ngủ và được đặt lên giường. Đấy là những thói quen hàng ngày không bao giờ thay đổi của ông. Bất cứ khi nào nghĩ đến chuyện người bố hoạt bát của mình bị rơi vào cuộc sống đơn điệu buồn tẻ triền miên đó, Rachel lại muốn khóc. Vậy nên cô cố không nghĩ đến điều đó.

Đúng như cô dự đoán khi rẽ vào phòng khiêu vũ, Rachel thấy bố đang ngồi trong chiếc xe lăn, mắt nhắm lại, đầu gật gật theo nhạc. Nghe nhạc của Elvis là một trong số rất ít những sở thích mà ông vẫn còn duy trì được. Những bài hát ấy có thể chạm được tới ông trong khi không điều gì khác có thể làm được.

J.D. ngồi khoanh chân trên sàn nhà bên cạnh Stan, bụng ông phình ra khỏi cạp của chiếc quần lao động màu xám, cái áo cũng màu xám nhưng nhạt hơn, phanh cúc ra để lộ áo lót màu trắng bên trong. Da đen hơn vợ, J.D. cũng sôi nổi hơn, bất cứ ai đi qua ông đều được tặng một nụ cười. Ông ngâm nga theo nhạc, những ngón tay xương xẩu gõ nhịp lên sàn nhà sáng bóng. Rachel chắc hẳn đã gây ra tiếng động, vì ông ngẩng lên nhìn và cười toe toét với cô. Rachel vẫy tay chào ông. Họ biết nói cũng chẳng ích gì vì loa mở quá to.

Cô đến chỗ bố và cầm tay ông.

“Chào bố.”

Ông không mở mắt, thậm chí còn có vẻ không biết rằng cô đang ở đó cũng như những ngón tay của cô đang đặt lên tay ông. Rachel để tay ở yên đó một lúc rồi nhấc ra và thở dài. Không phải là cô mong chờ phản ứng khác từ ông. Với cô, được thấy ông thoải mái và được chăm sóc kỹ lưỡng đã là đủ rồi.

Đáp ứng những nhu cầu về mặt thể chất của ông là tất cả những gì cô hay tất cả mọi người có thể làm. Ít nhất thì họ vẫn có thể giữ ông ở nhà. Nếu không có J.D., người có thể một mình chăm sóc cho ông khi ông trở nên bướng bỉnh, và nếu không có Tilda giúp đỡ, họ sẽ phải đưa ông vào viện dưỡng lão.

Rachel co rúm lại khi nghĩ đến điều ấy, mặc dù bác sĩ Johnson, người chuyên điều trị cho Stan, đã cảnh báo trước rằng việc đưa ông vào đó sẽ là cần thiết khi mà bệnh tình của ông đã chuyển sang giai đoạn cuối. Elisabeth cứ nghĩ đến chuyện đó là lại khóc nức nở. Họ đã lấy nhau được bốn mươi mốt năm rồi.

Trước đấy Stan là một người to lớn, cao trên mét tám và nặng gần một trăm cân. Bây giờ ông vẫn to lớn như vậy thôi, nhưng dường như bệnh tình đang làm ông nhỏ lại. Hay có lẽ, giờ đây khi mà ông phụ thuộc vào cô thay vì ngược lại, cách nhìn nhận của Rachel về khổ người của ông đã thay đổi. Trong bất cứ trường hợp nào, cô cũng cảm thấy một tình yêu mãnh liệt và bao dung khi nhìn xuống những lọn tóc bạc thưa thớt và cái đầu hói của ông. Già đi không bao giờ là một viễn cảnh thú vị, nhưng căn bệnh lấy đi tâm hồn trước cả cơ thể này thật kinh khủng.

“Con sẽ ở đây bất cứ khi nào bố cần, bố ạ,” Rachel thầm hứa, và tay cô siết chặt tay ông.

Bài “Hound Dog” chuyển sang bài “Love Me Tender,” và trước những nốt nhạc buồn bã, ngọt ngào ấy, Rachel cảm thấy nước mắt mình chực rơi. Thật nực cười. Điều duy nhất mà khóc lóc mang lại cho cô là một cái mũi tắc nghẹt. Khịt mũi, cô vỗ về tay ông một lần nữa, vẫy tay với J.D. và đi ra. Cô sẽ thay đồ trước khi xuống lầu. Nếu mẹ cô đang làm món thịt sườn phương Nam trứ danh của mình – một công việc mất khá nhiều thời gian, thì Rachel sẽ tha hồ sắp xếp lại suy nghĩ của mình trước khi họ ngồi ăn.

Rachel có thể nghe được âm thanh của bài “Heart break Hotel” trong lúc mặc chiếc quần soóc kẻ sọc màu xanh dương và xanh lục, kết hợp với áo thun màu xanh sáng. Một đôi tất trắng và giày mềm hoàn tất nốt bộ trang phục của cô. Đưa lược lên chải tóc rồi lấy tay giũ nhẹ nó ra, Rachel săm soi lại mình trong gương. Cô nhận ra là đã lâu lắm rồi mình mới thực sự ngắm nhìn bản thân chứ không phải kiểm tra qua mái tóc hay trang điểm. Thế rồi cô hiểu ra vì sao. Không thể tránh được sự ám ảnh về Johnny Harris thêm nữa, cô đang vô thức cố nhìn bản thân mình qua đôi mắt của hắn.

“Em vẫn thèm muốn cô từ khi còn học cấp ba. Đến bây giờ vẫn vậy.” Vô tình, lời nói của Johnny vọng lại trong đầu cô. Tay Rachel nắm chặt cái lược cô vẫn đang cầm. Chắc chắn là cậu ta không có ý như vậy. Cậu ta chỉ đang cố làm cho mình thấy khó chịu vì lý do nào đó mà mình không hiểu. Chắc chắn mình không phải là mẫu phụ nữ thường khiến đàn ông ham muốn. Đó là lý do tại sao mình đã bị lóa mắt vì Michael. Một Michael đẹp trai, thông minh… yêu mình. Thậm chí đến bây giờ, mình vẫn không tin nổi điều đó.

Một cơn đau quen thuộc làm Rachel nhăn mặt. Cách đây lâu lắm rồi, anh ta chia tay cô bằng một nụ hôn lên má và giải thích họ không hợp nhau. Trái tim cô tan vỡ, nhưng dường như anh ta không nhận ra hay quan tâm đến điều đó. Cô không còn nghĩ đến Michael nữa. Ít nhất là trong chuyện liên quan đến mình. Anh ta không còn là của cô để mà nghĩ đến nữa. Bây giờ anh ta là của Becky. Chồng của Becky.

Suy nghĩ của cô cứ thế miên man đến một chủ đề rắc rối hơn. Đó là việc cô đã gợi lên “sự thèm muốn” ở một học sinh cấp ba có tên Johnny Harris – một người có nhu cầu tình dục khá cao – chà, chuyện này mới tức cười làm sao.

Đơn giản vì cô không phải là kiểu người như vậy.

Cô ba mươi tư tuổi, gần ba nhăm rồi, mặc dù cô nghĩ trông mình không già đến mức đó. Nhờ thường xuyên tránh mặt trời (vì cô toàn bị cháy đen đi chứ không phải có làn da rám nắng) cô đã tránh được những nếp nhăn ngoại trừ một số đường quanh mắt. Hầu hết những cô gái ở tuổi ba mươi đều có những đường cong mà cô ghen tỵ. Bí mật được chôn giấu kỹ nhất của cô là cô có thể, và thường xuyên, mua quần áo ở cửa hàng Grumer chuyên bán đồ cho các cậu con trai. Tóc cô thẳng và có màu nâu, dài đến cằm và cong lại ở đuôi, ôm lấy khuôn mặt cũng ưa nhìn, với những đường nét điềm đạm và khuôn hình trái xoan, tuy nhiên hơi nhợt nhạt. Chắc chắn là không lấy gì làm xinh đẹp rồi. Mắt cô to và đẹp với hàng lông mi đậm và dày dặn, nhưng màu nâu lục nhạt của chúng không thể quyến rũ nổi bất kỳ người đàn ông nào. “Đáng yêu” là từ mà cô thường nghe người ta miêu tả về mình nhiều nhất. Thậm chí ngay cả Rob, người mà cô đã hẹn hò ẩm ương suốt hai năm vừa rồi, cũng nói cô như thế.

Rachel ghét bị coi là đáng yêu. Đó là từ dành cho những em bé tập đi và những chú chó con chứ không phải cho những người phụ nữ đã trưởng thành. Thậm chí nếu nó đúng chăng nữa, cô vẫn thấy ý nghĩa của nó hơi xúc phạm. Nhưng tất nhiên là Rob không thể biết được điều đó, và cô cũng không nói với anh ta. Anh ta là một người đàn ông tốt, và anh ta nói vậy chỉ để khen ngợi cô mà thôi. Rob có thu nhập khá – anh ta là một dược sĩ và có cửa hàng bán thuốc riêng – và tính tình cũng tốt, trông anh ta cũng khá điển trai. Cô chắc chắn anh ta sẽ là người cha tốt. Và cô đã bắt đầu muốn có con.

Đã đến lúc cô phải kết hôn rồi. Nếu như việc chia tay với Michael đã giết đi thứ gì đó khó nắm bắt trong cô thì, chà, đời là thế mà. Cô đâu phải là người phụ nữ duy nhất từng bị vứt bỏ. Trái tim tan vỡ của cô đã lành lâu lắm rồi. Chắc chắn là cô không còn đau vì Michael nữa. Tuổi tác đã cho cô sự thông thái và quyết tâm cần thiết để tiến tới hôn nhân. Nếu lưỡng lự vì vẫn còn nhớ đến niềm đam mê cháy bỏng với Michael và thấy mối quan hệ giữa mình và Rob thiếu đi điều đó, thì cô chỉ việc nhắc nhở bản thân rằng mình không còn là một đứa con gái ngây thơ với đôi mắt mơ mộng từng yêu hết mình và có niềm tin bất diệt vào hạnh phúc sau này nữa. Cô đã trưởng thành và khôn lên.

“Rachel! Rachel, xuống đây ngay mẹ bảo!”

Vì mẹ cô không thường hét lên như thế nên Rachel chú ý ngay lập tức. Quay người khỏi tấm gương, cô mở cửa và lao nhanh xuống bếp. Elisabeth đứng ở chân cầu thang, một tay cầm chiếc đĩa dài. Từ vẻ mặt của mẹ, Rachel biết bà đang thất vọng.

“Có điện thoại cho con,” bà nói trước khi Rachel hỏi xem có chuyện gì. “Từ Ben ở cửa hàng. Ông ấy nói con nên đi ngay. Cảnh sát đang ở đó. Có rắc rối gì đó với cái thằng Johnny Harris đấy.”

Bình luận