Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Mảnh Đời Đen Trắng

Chương Hai

Tác giả: Nguyễn Quang Lập
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Lúc này đã sẩm tối, những người đánh cá đêm bắt đầu đỏ lửa dọc sông Linh.

Họa sĩ đang trở về túp lều của mình dưới chân đê, vừa đi vừa lắc lư. Trông dáng điệu Họa sĩ là biết say: ngật ngà ngật ngưỡng, bước biển bước trời.

Họa sĩ vừa chui vào quán thịt chó Cule ăn và uống và say. Trước đó Họa sĩ có đến chỗ Đại úy Thìn. Không phải để thăm Đại úy mà thăm thím Hoa. Họa sĩ là bạn thiếu thời của thím Hoa. Cả hai đang học dở để giật bằng Dip-lôm thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Họa sĩ lên rừng gia nhập Việt Minh, thím Hoa làm trợ giáo cho ba đứa con của một nhà giàu nhất thị trấn. Bây giờ Họa sĩ đã trở thành họa sĩ, thím Hoa là vợ của anh cùng cha khác mẹ của Họa sĩ. Từ ngày gặp nhau, họ mừng vui ra mặt. Họ nói với nhau hàng giờ bằng tiếng Pháp. Nói và hát và khua chân múa tay như những con vượn bị tách khỏi bầy lâu ngày mới gặp nhau. Chẳng ai hiểu họ nói về cái gì, vì cái gì mà cười…

Thím Hoa là người đàn bà đẹp đến mê li. Và dịu dàng, một sự dịu dàng tỏa ra từ tất cả những gì đức Chúa Trời ban phát cho thím. Cuộc tình của thím với Đại úy Thìn xảy ra chớp nhoáng sau trận công đồn cuối cùng giải phóng thị trấn. Lúc bấy giờ Đại úy nổi tiếng là một người lính dũng cảm có một không hai khắp tám huyện trong tỉnh. Tiếng tăm của Đại úy đến thị trấn trước khi ông có mặt. Miên man những huyền thoại về ông. Lính Pháp trong ba đồn đóng ở thị trấn hễ nghe Đại úy xuất hiện ở đâu là tất thảy đều sảng vía, kinh hồn. Đại úy đã đứng trước thím Hoa với một vầng hào quang sáng chói khiến thím ngợp thở. Đến nỗi khi Đại úy vừa ngỏ lời thím đã run lên, nghẹn ngào.

Cưới nhau gần một năm, thím mới biết chồng mình là anh cùng cha khác mẹ với Họa sĩ Tư, thật không ngờ. Đấy là ngày vợ chồng thím thắp hương cúng giỗ mẹ Đại úy. Khi tàn cuộc rượu, bà con nội ngoại ra về, thím ngồi rửa bát, thốt nhiên hỏi:

– Thế ba mất ngày nào?

Đại úy đang vui vẻ bỗng nghiêm mặt:

– Em hỏi để làm gì?

Thím dướn mày, ngạc nhiên:

– Ơ hay, cũng phải biết để mà thờ cúng chứ!

Đại úy vươn vai, ngáp một cái, lắc đầu:

– Tôi không có cha.

Thím im lặng. Thế là có chuyện.

Và câu chuyện mà Đại úy kể tối hôm đó đã làm cho thím bàng hoàng: Cha của Họa sĩ Tư là địa chủ cỡ bự ở ngoại vi thị trấn. Vào năm Họa sĩ chưa sinh ra, cha anh đã gạ gẫm và cưỡng bức một người ở đợ trong chín đêm. Đại úy là kết quả của cuộc tình cưỡng bức đó. Thuở thiếu thời, thím không hề nghe Họa sĩ kể chuyện này. Với lại, cái tuổi ngốc nghếch đó người ta chỉ biết nhau, có ai để ý đến hoàn cảnh của nhau bao giờ. Thím cũng thế, chỉ biết Họa sĩ là con một nhà giàu, thế thôi, cũng như thím – cháu nội một nhà giàu…

– Sao anh không nói gì cả? – Thím hỏi.

Đại úy vươn vai ngáp:

– Nói cái gì?

Thím thở dài:

– Có hai anh em mà cũng lánh mặt nhau.

Đại úy cả cười:

– Cô ngây thơ lắm. Anh em chỉ là quy ước của xã hội phong kiến mà thôi. Thực ra, tôi không coi cha tôi là cha tôi. Nghĩa là tôi không anh em gì với nó cả.

Thím ngước nhìn lên trần nhà, nước mắt vòng quanh. Lát sau, thím nói to như nói với trần nhà chứ không phải nói với chồng mình:

– Ai đẻ ra mình là cha. Ai cùng cha với mình là anh em, nghe chưa!

Đại úy đã thiu thiu ngủ, giật mình hỏi:

– Cái gì?

Thím nhắc lại, giọng mềm hơn. Đại úy cằn nhằn:

– Thôi, ngủ đi. Tôi không anh em với nó. Tôi không cùng giai cấp với nó.

Ông lật người, ôm riết thím vào lòng, hôn một cái thật dài ở cổ:

– Ngủ đi em. Mai còn làm việc…

Thím rùng mình: “Thì mình cũng không cùng giai cấp với chồng mình”.

Đúng vậy. Ông nội thím Hoa là một trong hai địa chủ giàu nhất huyện này. Cha của thím là thầy đồ Nho nổi tiếng một vùng. Ông chết vì bệnh hủi, để lại khá nhiều bài thơ chữ Hán rất hay. Nhiều người hiện nay còn thuộc thơ ông, mỗi khi nói chuyện thế sự lại đem thơ ông ra minh họa. Thím Hoa thuộc hết ba trăm hai mươi sáu bài thơ chữ Hán và nhiều bài tản văn của cha mình. Thím giỏi tiếng Pháp và tiếng Hán. Vì thế, sau khi lấy nhau được vài năm thím nhận ra rằng những gì thím biết thì Đại úy mù tịt, và ngược lại, những gì Đại úy thường rao giảng cho con thì thím chẳng biết gì cả.

Đại úy si mê Chủ nghĩa Xã hội, lúc nào cũng nói về nó với nỗi khát thèm bốc cháy. Còn thím chẳng quan tâm gì đến nỗi si mê của Đại úy, lặng lẽ chăm sóc Thùy Linh bằng các bản “nhạc vàng” và các bài thơ “lãng mạn” bị cấm.

– Cô không được nhả ra loại tư tưởng độc hại ấy cho con! – Đại úy đã quát to sau nhiều lần nhắc nhở mà thím không chịu nghe.

Cuộc chiến tranh bắt đầu xảy ra từ đó. Đầu tiên chỉ là thứ mụn nhọt cắm sâu trong tâm hồn thím. Sau thì không phải thế, có cái gì đau nhói và ghê tởm hơn ngày đêm quấy đảo thím.

Đôi lần thím kêu lên:

– Anh làm gì thế! Muốn cai trị tôi chắc?

– Im ngay!

Đại úy đập bàn đánh “rầm”, nhìn thím với đôi mắt có lửa.

Thím gục đầu trên bàn máy, liếc thấy Đại úy khoác áo chuẩn bị đi. Bao giờ cũng thế, mỗi bận cãi nhau, Đại úy lại khoác áo bước ra khỏi nhà.

Bước ra khỏi nhà vài bước, Đại úy quay lại nói tỉnh khô:

– Tôi thuộc về lực lượng chuyên chính vô sản. Cô là vợ tôi, cô phải biết điều đó.

Thím rũ người, lát sau mới òa khóc nức nở. “Mình không cùng giai cấp với chồng mình”, ý nghĩ ấy ám ảnh thím hàng năm trời không dứt. Rồi thím cũng biết im lặng, một sự cam chịu bản năng của đàn bà cộng với sự dịu dàng hiếm thấy của thím đã làm cho thím thay đổi hẳn về chất: cười, nói, đi, đứng, hát hò nhẹ nhàng như không.

Chỉ những lúc Đại úy trở về đơn vị, thím hoàn trả lại nguyên chất cái mà thím có. Thím ngồi bên bàn máy và hát, nhẹ nhàng và đằm thắm, ngọt ngào và sâu lắng, về những ký ức xa vời của tuổi xuân xanh, thời mà thím đã úp mặt vào ngực anh học trò gầy còm, bạn học của thím: ấy là Họa sĩ Tư. Rồi anh học trò ấy trở về, dù thuộc diện hưu trí nhưng vẫn chưa vợ, vẫn còn ngây thơ ngốc nghếch như năm nào. Thế là họ nói với nhau hàng giờ bằng tiếng Pháp. Nói và hát và khoa chân múa tay như những con vượn bị tách khỏi bầy lâu ngày mới gặp lại nhau…

Lúc đầu Đại úy đã biết im lặng trước các cuộc “Rốp rít… xốp xít” của họ. Sau, như người bị bệnh ghẻ ruồi, ông cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Rốt cuộc, khi đã hết khả năng chịu đựng, Đại úy đã lên tiếng. Thím Hoa im ngay sau khi Đại úy nhắc nhở lần thứ nhất. Thím bao giờ cũng là người đàn bà tuyệt vời, biết im lặng và lên tiếng đúng lúc, rất đúng lúc. Ngược lại, Họa sĩ Tư bắt đầu “nghênh chiến” với Đại úy ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Họa sĩ đút tay túi quần, cười hề hề, bình tĩnh phản công Đại úy từng vấn đề một như võ sĩ đấm bốc nhà nghề đấu với kẻ dưới tầm tay mình. Cuộc cãi cọ diễn ra một năm trời kể từ ngày Họa sĩ về hưu non.

Buổi chiều này cũng vậy.

Đại úy từ nhà Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy trở về. Bước vào ngõ, ông đã nghe hai người hát váng nhà loại bài hát “anh em chàng nàng”. Đại úy dừng lại lắng nghe thật chăm chú rồi thủng thẳng tiến vào. Tiếng hát im bặt. Thím Hoa vừa cắm cổ đạp bàn máy. Họa sĩ Tư khẽ gật đầu chào Đại úy. Ông lừ lừ nhìn hai người, không nói gì, tiến về phía mắc áo. Vừa cởi áo khoác Đại úy vừa ôn tồn nói cho hai người rõ từ nay không nên nhai lại loại nhạc tư sản hòng ru ngủ con người quên mất nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa.

– Đó là sản phẩm của bọn “Tờ-rốt-kít” và bọn “Nhân văn giai phẩm” – Đại úy nhẹ nhàng giải thích – Hát hò là phải chọn lọc. Tại sao không hát những bài ca cách mạng, những bài hát yêu nước đòi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?

Im lặng. Không ai nói với ai. Không ai nhìn ai. Lát sau, Họa sĩ đứng tựa vào cột nhà rút thuốc hút, miệng lẩm bẩm:

– Anh thì biết gì “Tờ-rốt-kít” với “Nhân văn giai phẩm” mà nói. Nghe người ta “kít” mình cũng “kít”

Lập tức mặt Đại úy đỏ rực. Thái độ cố gắng ôn hòa của ông phút chốc tan biến. Ông trừng mắt nhìn như muốn nuốt chửng Họa sĩ:

– Cái thái độ ngạo mạn, khinh khi của chú, tôi nói cho chú biết: đấy là con đẻ của giai cấp tư sản, chú coi chừng! 

Họa sĩ vẫn đứng tựa cột nhà, vuốt mũi một cái, cười ruồi. Thím Hoa đang ngồi may chợt ngẩng lên nói một câu nhẹ như tiếng đàn tơ:

– Ba mày nói đến là hay, cái gì cũng vu cho người ta là tư sản.

– Thùng rỗng hay kêu! – Họa sĩ Tư buột miệng.

“Rầm!” Một cái đập bàn cực mạnh của Đại úy. Ông hằm hằm nhìn hai người, dằn giọng:

– Tôi nói cho các người biết: nếu các người không tự tu dưỡng để cạo sạch ung nhọt mọc đầy trong đầu các người thì có ngày các người sẽ rũ tù. Chính tôi sẽ bỏ tù các người chứ không ai khác.

Thím Hoa ngừng may, nhìn ra ngoài vườn, mát mẻ:

– Ba nó thì luôn luôn nói chủ nghĩa xã hội là ưu việt, thế mà động tí là bỏ tù. Thế ra nhà tù của ba nó nhiều thế à?

– Thì cái nhà này cũng là một nhà tù chứ đâu xa! – Họa sĩ vỗ tay cái “bốp”, kêu to.

– Câm ngay! Đồ ung nhọt! – Đại úy gầm lên.

Thím Hoa cúi đầu may tiếp. Thím buộc phải đần độn trước mặt Đại úy, nhiều lần thím cố gắng đần độn để Đại úy yên lòng.

Họa sĩ Tư rời cột nhà, đưa mắt chào thím Hoa rồi quay về phía Đại úy nói chậm rãi nhẹ nhàng:

– Anh hay nổi nóng quá. Đã có gì đâu mà anh nổi nóng? Anh luôn nói là anh thuộc về lực lượng chuyên chính vô sản, là người đứng trong đội ngũ gác cổng chủ nghĩa xã hội. Thế mà anh rất lơ mơ về chủ nghĩa xã hội, anh Thìn ạ. Anh phải tìm thầy mà học. Muốn làm được cái gì phải học kỹ cái đó. Nếu không tìm ra thầy thì đến chỗ tôi, tôi cũng nói với anh được dăm bảy điều có ích. Chứ cái kiểu này thì… có ngày người ta buộc phải gọi anh là… là con bò đực đáng thương của chủ nghĩa xã hội mà thôi.

Đại úy cười khẩy, xua tay:

– Thôi chú về đi, từ nay đừng đến nhiễu sự tôi nữa. “Học, học nữa, học mãi”, Lê-nin dạy tôi rồi, chú không phải dạy khôn cho tôi.

Họa sĩ Tư đút tay túi quần túc tắc bước ra ngõ. Vừa đi vừa huýt sáo. Gặp bất cứ cái gì giữa đường Họa sĩ cũng đá một cái và huýt sáo.

***

Chủ quán thịt chó Cule, tên thật là Trần Ngọc Hiền, xưa nay là chủ thầu đường bộ nổi tiếng của tỉnh. Hòa bình lập lại, ông cống hiến cho nhà nước một trăm tấn xi măng, năm trăm tấn sắt và bốn xe vận tải cùng với ba kho dụng cụ làm đường. Nhờ sự thành thật của ông, người ta không làm phiền ông trong việc khai báo hành tích của mình dọc thời kỳ ông làm chủ thầu. Hơn nữa, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã nhiều lần bí mật cho ô tô vận tải chở gạo lên rừng giúp bộ đội. Chính ông cũng là một tài xế giỏi, ông lái xe như người làm trò ảo thuật, thoắt biến thoắt hiện với một tốc độ khủng khiếp nhưng an toàn tuyệt đối. Người ta hỏi ông bây giờ muốn hành nghề gì, hành nghề ở đâu? Ông toét miệng cười, nửa đùa nửa thật:

– Tôi xin làm nghề bán thịt chó. Quê hương tôi chưa có gì nổi tiếng, tôi muốn quê hương tôi khét tiếng về mặt thịt chó.

Nói thì đùa mà làm thì thật. Ông về mở quán thịt chó, một năm sau cả ba mươi mốt xã trong huyện ai ai cũng biết “quán thịt chó Cule bổ béo toàn diện”: rẻ, ngon và đặc biệt cứ bước vào quán là vui từ đầu bữa đến cuối bữa. Người ta nói ông là đại biểu của các chủ quán “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Vợ ông chết vì bệnh tim, để lại hai đứa con gái. Cả hai đều lấy chồng, đều ăn nên làm ra, khỏi cần phải cậy nhờ ông. Vậy là ông chỉ làm cho ông ăn. Không, ông giàu lắm, khỏi cần phải làm gì ông cũng đủ sống sung sướng. Nhưng ông thích nổi tiếng, ông nói vậy, không nổi tiếng nghề này phải nổi tiếng nghề khác, dứt khoát.

– Tôi thì chơi đến già cũng không chịu chết đói. Có điều, bây giờ khắp nơi đều phục vụ nhân dân, chẳng lẽ mình không tìm một việc gì mà phục vụ! Vô lý!

Ông trả lời “phỏng vấn” với mọi người như vậy. Ai ai cũng yêu quý ông, mỗi ngày ông tìm được một khách mới, một bạn mới. Họa sĩ Tư là bạn của ông, bạn mới “thường trú ba phần đời” tại quán thịt chó của ông.

Chiều nay Họa sĩ đến quán thịt chó của ông sớm hơn lệ thường một giờ. Cule đứng ở bậc cửa chào to:

– Hôm nay đến sớm thế!

Họa sĩ nhếch mép cười, đưa tay nhìn đồng hồ:

– Ờ nhỉ!

Cule chạy ra, kéo tay họa sĩ vào quán, thì thầm:

– Anh phải cẩn thận đấy.

– Cẩn thận cái gì?

Cule ghé tai Họa sĩ nói như vầy, như vầy… Họa sĩ “à” và cười to, cười rất to, cười rung quán thịt chó, khiến chủ quán Cule trố mắt.

Họa sĩ chùi nước mắt xong, nói:

– Dọn ra đi chứ?

Cule xắn tay hỏi:

– Có dồi chứ?

– Ờ, sống trên đời kiếm miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không.

Cule nhăn răng cười, cầm con dao phay khua khua:

– Không có đâu! Không có đâu! Dưới ấy tốt lắm!

– Rượu ngon chứ?

– Rồi!

Chủ quán nhanh nhẹn vào buồng trong, một loáng đã thấy bưng ra, đủ hết: rượu ngon, dồi ngon, tiết canh ngon. Cule nhìn Họa sĩ ăn, chép miệng:

– Không biết tiếp anh được… bao lâu nữa.

Họa sĩ ngước lên ngơ ngác:

– Cái gì?

– Là tôi nói… e hèm, – Cule dè dặt – Là tôi nói… người ta đồn anh không sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Họa sĩ nuốt đánh ực miếng dồi to nhất trong đĩa, gật đầu:

– Đúng đấy!

– Anh bảo sao?

– Tôi sống và làm việc theo ca dao và tục ngữ.

– Ớ trời!

Cule thè lưỡi, mặt như thằng đần độn hạng một. Ông dịch ghế lại gần Họa sĩ, nói nhỏ:

– Nhỡ người ta bắt anh thì sao?

Họa sĩ trợn mắt:

– Cặc!

Cule ghé sát tai Họa sĩ thì thầm như vầy, như vầy… Họa sĩ lại “à” và cười to, cười rất to, cười rung quán thịt chó.

Xong, Họa sĩ chùi mép đứng dậy, chìa tay cho chủ quán cầm lấy lắc lắc và bước ra khỏi quán, cứ ngửa cổ thế mà cười, ngật ngà ngật ngưỡng, bước biển bước trời, tiến về túp lều phía bờ sông Linh.

Lúc này đã tắt nắng, túp lều chìm trong bóng tối. Họa sĩ ngao ngán nhìn nó một chập rồi bước xuống phía hòn đá.

Mát rượi. Gió nồm từ biển thổi vào, chạy dọc bờ sông Linh, tràn qua cơ thể nóng hâm hấp của Họa sĩ.

Họa sĩ không ngủ được, mở mắt nhìn lên trời lác đác các vì sao, day dứt về một thời xa lắc. Và hát, nhẹ nhàng và đằm thắm, ngọt ngào và sâu lắng để hoài nhớ những giọt nước mắt trước lúc chia ly của người bạn gái thuở vừa dứt tuổi học trò.

“Thời ấy hay nhỉ? – Họa sĩ nghĩ: – Có thế mà cũng nhớ nhau. Chẳng được cái hôn nào mà cũng nhớ nhau.”

Thời ấy là thời “Toàn quốc kháng chiến”. Họa sĩ tình nguyện theo Việt Minh tham gia kháng chiến. Cuộc chuẩn bị chớp nhoáng, ra đi chớp nhoáng. Thím Hoa không hề được báo trước. Mãi đến buổi tối trước khi Họa sĩ cùng hai mươi chín trai tráng trong làng xắn quần móng lợn chuẩn bị lẻn qua trảng cát cứ thẳng hướng núi Chóp Chài mà tiến thì thím mới hay tin. Thím chạy tơi tả trong bóng tối, vượt qua một cánh đồng ngoại vi thị trấn, lội dọc suối Mật, cứ hướng ngọn cây dừa xóm Cau mà chạy. Tới nơi thì giờ xuất phát của hai mươi chín chàng trai đã bắt đầu.

– Anh Tư!

Thím kêu to. Một người ôm chặt thím, bịt mồm:

– Khẽ thôi.

Họa sĩ Tư chạy đến, kéo thím sang một góc.

– Đi ngay à?

– Đi ngay.

– Sao không báo trước?

– Vì bí mật.

– Bí mật cả Hoa nữa?

Thím nấc lên, úp mặt vào ngực Họa sĩ mà khóc, khóc như chưa bao giờ khóc.

– Yên tâm, rồi Tư về.

– Không! Không!

– Tư về thật mà.

– Bao giờ?

Một người đến gọi khẽ:

– Nhanh, Tư!

Họa sĩ gỡ tay thím, lặng lẽ chia tay.

Cả đoàn người nối chân nhau, cúi đầu bước. Núi Chóp Chài còn xa tít. Họ đi, từng bước một nặng nề.

Thím Hoa chạy theo sau, vừa chạy vừa gọi thầm:

– Anh Tư ơi, em nhớ anh lắm! Anh Tư ơi, em nhớ anh lắm!

Trắng băng những bãi cát hoang vu.

Sau đó là những năm dài bặt tin nhau. Mãi đến ngày hòa bình lập lại, Họa sĩ mới hay tin thím Hoa đã có chồng. “Ờ, phải thôi”. Họa sĩ cay đắng nghĩ thầm. Rồi Họa sĩ lại hay tin: thím Hoa đã lấy anh cùng cha khác mẹ với mình. “Ờ cũng phải thôi”, Họa sĩ rưng rưng nước mắt, cười chua chát.

Hôm Họa sĩ về hưu non, thím Hoa có đến lều thăm Họa sĩ và xem tranh. Thoáng thấy thím, Họa sĩ mỉm cười gật đầu chào. Thím vào, ngồi xuống tấm ván rộng được kê lên bằng bốn hòn gạch. Họa sĩ rót nước, đặt bát vào tay thím. Thím đỡ lấy, nhìn đăm đăm vào đáy bát.

– Uống nước đi.

– Dạ.

– Hơ! Chị dâu mà “dạ”.

Thím Hoa nhìn Họa sĩ với tia nhìn đau xót rồi lặng lẽ nhìn bốn xung quanh. Đoạn, thím lôi đống tranh to tướng của Họa sĩ ra xem kỹ lưỡng từng chiếc một.

– Không ngờ anh lại trở thành họa sĩ. – Thím nói.

– Ờ. – Họa sĩ nói.

Và im lặng.

– Anh không thích “ấn tượng” à? – Thím hỏi.

– Xưa thì thích, giờ thì không. – Họa sĩ mỉm cười trả lời.

Một đợt gió bất ngờ thổi ập vào. Tóc thím bồng lên, tỏa ra tứ phía, phủ kín mặt. Thím vén tóc, khẽ khàng:

– Tại sao thế?

– Tại sao là…

– Tại sao anh không thích “ấn tượng”?

– À… vì mình đã quá nhiều đau khổ, phải cậy đến “siêu thực”.

Thím chăm chú nhìn từng bức, từng bức. Mãi sau thím mới ngước lên, nhìn Họa sĩ, buồn rầu nói:

– Thế thì anh chẳng hiểu gì “siêu thực”.

– Nhưng mà Hoa được học lúc nào mà giỏi thế?

Họa sĩ kêu to, chực lao đến thím. Thím cúi đầu, thì thầm:

– Lúc xa anh…

Thím từ từ ngước lên. Họ nhìn nhau. Mắt và mắt và mắt… Bất chợt thím lắc đầu, vùng dậy:

– Hoa về đây.

– Khoan! Khoan… đã!

Thím bước ra cửa lều, quay lại chào từ biệt Họa sĩ.

Biết làm sao, sau lưng thím là chồng thím, là con thím. Trước mắt thím là Họa sĩ, đằng nào thì cũng là em chồng thím.

Họa sĩ mỉm cười: Thế là hết. Gió thổi. Bao nhiêu là gió từ đáy sông Linh ùa lên. Những ngọn sóng nhỏ li ti gõ vào sườn trái Họa sĩ. Hòn đá và Họa sĩ ngủ đều trong tiếng ru hời khe khẽ của những ngọn sóng sông Linh.

Có một người kéo chân. Họa sĩ choàng tỉnh. Bốn người đứng quanh hòn đá: hai công an, hai dân quân. Hình như họ đứng vậy đã từ lâu.

– Có việc gì thế? – Họa sĩ lần lượt nhìn từng người, ngáp dài, uể oải hỏi.

Một công an có cái trán dô nói rõ ràng:

– Chúng tôi được lệnh khám nhà anh.

Và rút tờ giấy “Lệnh khám nhà” đưa cho Họa sĩ. Họa sĩ không để mắt đến tờ giấy, đứng bật dậy, vui vẻ nói:

– Tốt thôi, mời các anh vào. Chỉ lưu ý lần sau các anh dùng từ cho chính xác.

– Cái gì?

– Đây không phải là nhà mà lều! “Lệnh khám lều!”.

– À…

Cả bốn người chui vào lều. Họa sĩ đứng ngoài châm lửa hút thuốc, chờ đợi. Một lát sau, cả bốn người chui ra, trong tay họ ôm đủ sáu mươi tư bức tranh vẽ những mặt người méo mó, những con bò chạng háng, những cái mông đàn bà, những con cò hai cổ…

Người có trán dô bình thản nói:

– Anh bị bắt.

Họa sĩ dướn mày:

– Thế à?

Bốn người giải Họa sĩ về đồn, ôm cả đống tranh lên theo.

Tại đồn công an huyện, đồn trưởng công an tử tế mời Họa sĩ xơi nước:

– Trà ngon thật. – Họa sĩ chép miệng.

– Trà Thái Nguyên…

– Tốt. Khi nào tôi được thả, các anh để lại cho tôi một lạng…

– Hì hì… Khi đó trà mốc mất rồi.

– Thế à? Tiếc quá nhỉ?

Đồn trưởng nhã nhặn hỏi:

– Anh vẽ những bức tranh này phải không?

– Tôi vẽ. – Họa sĩ xác nhận: – Anh thấy có được không?

Đồn trưởng không trả lời, chìa ra tờ giấy liệt kê sáu mươi tư bức tranh, nói:

– Vậy anh ký vào đây.

– Vào đâu?

– Vào đây.

– Vâng.

Họa sĩ ký. Đồn trưởng hỏi:

– Tại sao anh vẽ những bức tranh này?

– Tôi thích.

– Tại sao anh lại thích?

– Vì tôi thích cái mà tôi thích.

Đồn trưởng lại rút ra một tờ giấy trắng, nói:

– Đề nghị anh tường trình quá trình vẽ những bức tranh này.

– Vâng.

Họa sĩ vui vẻ đỡ lấy tờ giấy và cây bút, hý hoáy viết.

“Tôi thích cái mà tôi thích. Rồi tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích. Tôi rất thích cái tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích. Sau đó tôi lại không thích cái cái tôi rất thích cái tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích. Rồi tôi thích cái mà tôi thích. Rồi tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích…”

Đồn trưởng đọc đi đọc lại bản tường trình của họa sĩ viết dựa vào lời nói đầu cuốn Dì Hulia và nhà văn quèn. Rất lâu sau đồn trưởng ngẩng lên, nghiêm mặt nói:

– Anh đùa với chúng tôi đấy à?

Họa sĩ nghiêm túc trả lời:

– Không. Đó là quá trình sáng tác sáu mươi tư bức tranh này của tôi.

Đồn trưởng nghĩ: “Chơi với loại này khó thật”, rồi nói:

– Chúng tôi tạm thời giữ anh tại đồn để điều tra thêm và chờ ý kiến cấp trên.

Họa sĩ nhếch mép:

– Thế à?

Một công an đã đứng chờ ở cửa. Họa sĩ theo người này đi vòng vào một hành lang hẹp tới căn phòng tạm giữ những người phạm pháp.

Họa sĩ lăn ra nền gạch hoa, hít một hơi thật sâu, ngủ tiếp giấc ngủ bị đánh động ban nãy. Anh ngủ được, ngủ khá sâu là đằng khác. Mãi đến khi nghe có tiếng người gọi mình, anh mới mở mắt.

Nhác thấy Thùy Linh đứng dán mặt vào những song cửa sổ, Họa sĩ vui vẻ ngồi dậy.

– Thùy Linh đấy à?

– Chú có việc gì không?

– Không, chẳng việc gì sất.

– Họ nói… sẽ giam chú bao lâu?

– Không phải giam, chỉ tạm giữ.

Họa sĩ tiến lại, tì vai vào song cửa sổ, thò tay vào túi tìm thuốc lá hút.

Thùy Linh ngạc nhiên khi thấy Họa sĩ bình thản như không. Cô và mẹ cô đã tưởng tượng quá ghê gớm cái cảnh bắt bớ giam cầm Họa sĩ. Thím Hoa đã đánh vỡ cái bình thủy tinh đựng dấm chua khi Thùy Linh chạy ào về báo tin Họa sĩ đã bị công an bắt giải lên đồn do Hoàng báo lại. Hoàng cũng không biết, nghe hàng xóm báo lại. Anh đang tập thể dục buổi sáng, trên bãi cỏ rộng chừng vài sào đất trước nhà thì bác Cả Rí đi câu lươn về gặp anh, nói:

– Họa sĩ Tư bị bắt.

Hoàng giật mình, hỏi:

– Bắt làm sao, bác Cả Rí?

– Bắt như bắt kẻ trộm, như bắt Việt gian bán nước chứ còn làm sao nữa.

– Thật hả bác?

– Bây giờ còn ở đồn công an.

Bác Cả Rí xách xâu lươn đi thẳng, vừa đi vừa oang oang:

– Việt gian bán nước nhiều như rươi, trên rừng dưới biển đủ hết! Ghê!

Hoàng chạy thục mạng về đồn xem sự thể ra sao.

– Người ta đang hỏi cung không cho ai vào.

Vài người trong đám đông đứng trước đồn công an nhóng cổ dòm vào nói với Hoàng như vậy. Hoàng chạy ra chợ tìm Thùy Linh. Anh biết giờ này bao giờ cô cũng đứng ở cửa chợ đón mua cá tươi dân nôốc chài đưa đến. Thùy Linh được tin vứt rổ cá chạy về. Hoàng chạy ngược lên huyện ủy tìm ba anh. Hoàng hy vọng nhờ tiếng nói bao giờ cũng quan trọng của ba mình mà Họa sĩ thoát nạn.

Họa sĩ có một quan hệ khá gắn bó với Hoàng và Bí thư huyện ủy từ xa xưa.

Người ta kể, không được rành mạch cho lắm, rằng năm 1946 Pháp tái chiếm thị trấn, Họa sĩ Tư gia nhập Việt Minh lên núi Chóp Chài hoạt động. Tại đây Họa sĩ đã gặp và yêu mẹ Hoàng, một mối tình thật dữ dội và lãng mạn. Cả hai bị kiểm thảo và kỷ luật rất nặng. Họa sĩ phẫn chí xin đi học lớp hội họa ngắn hạn ở Thanh Hóa, năm sau được gọi lên chiến khu Việt Bắc dự một lớp hội họa khác và ở lại đấy đến năm 1949 thì trở về đỉnh Chóp Chài. Người ta kể, không được rành mạch cho lắm, trước lúc chia tay với Họa sĩ Tư, mẹ Hoàng đã thề thốt nặng lời với Họa sĩ, nhưng khi Họa sĩ trở về thì mẹ Hoàng đã mang thai Hoàng, đã vợ chồng với ba Hoàng. Họa sĩ lặng lẽ bỏ đỉnh Chóp Chài ra Thanh Hóa. Khi nghe tin mẹ Hoàng chết, lúc Hoàng tròn một tuổi, Họa sĩ đã nháo trở lại Chóp Chài. Mẹ Hoàng đã được đồng đội chôn cất chu đáo, chỉ có Hoàng là lăn lóc trên tay người này sang người khác. Ba Hoàng không có mặt ở Chóp Chài, ông đã được lệnh đi vào Thừa Thiên trước khi mẹ Hoàng ăn phải nấm độc mà chết. Họa sĩ đã ẵm Hoàng, nuôi Hoàng từ đó cho đến khi thị trấn giải phóng thì gặp ba Hoàng và Đại úy Thìn. “Một cuộc hội ngộ đầy nước mắt”, người ta nói vậy. Họa sĩ lặng lẽ giao Hoàng cho ba Hoàng, không chờ một nửa câu cám ơn, vội vã ra đi. Có người nói, vì thế cho nên dù Họa sĩ có ăn nói ba bửa, phản động, mất lập trường thì vì ơn nghĩa xa xưa, ba Hoàng cũng bỏ quá đi cho. Có người nói, không được rành mạch cho lắm, rằng người đem ra kiểm thảo, kỷ luật nặng Họa sĩ Tư và mẹ Hoàng về mối tình dữ dội, lãng mạn của hai người không ai khác chính là ba Hoàng; rằng đó là âm mưu để “nẫng tay trên” mẹ Hoàng từ tay Họa sĩ Tư. Vậy nên chính ba Hoàng, dù là Bí thư huyện ủy, vẫn là người sợ Họa sĩ Tư chứ không phải ngược lại.

Việc Họa sĩ Tư nuôi Hoàng ba năm, kể từ ngày mẹ Hoàng mất và trao cho ba Hoàng tại thị trấn là sự thật duy nhất Hoàng biết được do cả Họa sĩ lẫn ba Hoàng đều kể lại. Còn những chuyện “không được rành mạch cho lắm” mà người ta xì xào thì tuyệt nhiên hai người không nhắc tới.

Hoàng hỏi ba anh:

– Có đúng như vậy không?

Ba cười nhỏ, hỏi lại:

– Người ta nói như vậy à?

Hoàng hỏi Họa sĩ Tư:

– Có đúng như vậy không?

Họa sĩ trợn mắt nhìn Hoàng rồi ôm bụng cười sặc sụa không nói gì.

Hoàng cứ áy náy không yên. Đôi lần anh nắm tay Thùy Linh chạy tràn trề dọc bờ sông Linh, vào những ngày cuối cùng trước khi kết thúc tuổi thơ, ngó thấy Họa sĩ cùng với túp lều của mình đứng chơ vơ trên bờ sông, anh cảm thấy xa xót một điều gì như là lỗi của chính anh. Họa sĩ bình thản bước từ nỗi cô đơn này sang nỗi cô đơn khác với bộ mặt dương dương tự đắc. Chưa bao giờ Họa sĩ nói được một lời tử tế với đàn bà. Trong một loạt bức tranh mô phỏng về thế giới đàn bà của Họa sĩ đều méo mó, trần tục, nhìn vào chỉ thấy buồn nôn…

Có lần ba Hoàng, Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, đã vỗ vai Họa sĩ, cười cười:

– Họa sĩ xin nhớ cho: năm nay Họa sĩ đã tứ tuần rồi đấy!

Họa sĩ cũng cười cười:

– Thì việc gì đến anh?

– Không việc gì cả! Nhưng rốt cuộc chú cũng phải sống với người nào đấy chứ.

– Nhưng tôi thấy không cần thiết lắm! – Họa sĩ khịt khịt mũi – Vả lại, tôi thích để vậy cho đàn bà nó thèm!

– A ha!

Ba Hoàng cất tiếng cười to. Ông có thể cất tiếng cười sảng khoái vô tư như vậy vào bất kỳ thời điểm nào. Những lúc không biết nói gì, hoặc nói ra bất tiện với người mình đối thoại ông thường cất tiếng cười rất to rồi vui vẻ rút lui.

Họa sĩ cũng cười theo, đắc chí tự vuốt mũi mình. Họa sĩ có cái kiểu vuốt mũi mình trông rất gai mắt.

– Nói vậy thôi, – Họa sĩ khinh khỉnh nhìn vào mắt ba Hoàng: – Đến đàn ông người ta còn khinh ghét tôi ra mặt, huống chi đàn bà. Ai sẽ lấy tôi? Không ai cả. Nhưng tôi sẽ lấy được bất cứ ai nếu tôi cần. Báo cho đồng chí Bí thư Huyện ủy biết trước. Nếu nhỡ may tôi có làm bậy thì anh cố bỏ qua đi cho. Nếu cái lực lượng “gác cổng Chủ nghĩa Xã hội” của anh Thìn có tóm cổ tôi thì xin anh một cú điện thoại giải thoát giùm.

Ba Hoàng cười to, bắt tay tạm biệt Họa sĩ. Ông không thích gây sự hoặc nói chuyện lâu với những kẻ coi trời bằng vung. Khi cần thiết phải bắt chuyện, ông thường nói chuyện tào lao, rồi “thôi nhé” và đi, rất nhanh gọn.

Chỉ có Hoàng là luôn luôn phải nghe Họa sĩ nói hàng giờ liền, thượng vàng hạ cám về chuyện đời, những lúc Họa sĩ đến chơi nhà mà không có (thường là không có) ba Hoàng ở nhà. Họa sĩ đến chơi không cần báo trước, không cần tính toán lịch làm việc của ba Hoàng chứ không nói đến chuyện xin phép hay đăng ký như một số người. Thích là họa sĩ đến, hai tay đút túi quần, tự tiện đẩy cổng bước vào, hỏi như quát:

– Anh Thanh có nhà không đấy?

Hoàng trả lời có hoặc không Họa sĩ đều vào. Họa sĩ nói rất to, tay vung lia lịa, vỗ xuống bàn. Đôi khi còn nhóng cổ hỏi ba anh:

– Anh hiểu chứ, hả?

Kết thúc “bài” nói chuyện tràng giang đại hải của mình, bao giờ Họa sĩ cũng nhét gói thuốc hút dở của ba Hoàng vào túi:

– Còn mấy điếu anh cho tôi nhé!

Hoàng thường chịu trận nhiều hơn ba anh. Làm sao anh có thể nói: “Thôi, mình bận chút việc, xin lỗi nhé!” như ba anh vẫn thường nói với rất nhiều người. Hoàng buộc phải im lặng nghe Họa sĩ giảng giải, tô vẽ “các trận chiến đấu ngàn cân treo sợi tóc” với đàn bà. Họa sĩ vừa khịt mũi vừa nói, mặt mày rạng rỡ như con nít vào mâm cỗ. Tất cả những gì Họa sĩ nói đều nằm ngoài vùng tưởng tượng của Hoàng. Đôi khi chán quá, anh định nhổm đít đứng dậy liền bị Họa sĩ ấn vai đè xuống:

– Ấy, ngồi yên. Tớ đã nói xong đâu.

Hoàng rùng mình, nổi da gà về những chuyện tởm lợm của Họa sĩ. Còn Họa sĩ thì ngửa cổ cười ha ha ha… Vuốt mũi một cái lại cười ha ha ha… Cười và bình thản bước từ nỗi cô đơn này sang nỗi cô đơn khác với bộ mặt dương dương tự đắc.

Tuy vậy Hoàng vẫn cảm thấy xa xót một điều gì, như là lỗi của chính anh, khi thấy Họa sĩ đứng chơ vơ cùng với túp lều của mình trên bờ sông…

Hoàng đến gõ cửa phòng ba anh. Phòng khóa trái. Một cán bộ tuyên huấn trả lời:

– Ba cháu đi họp ở tỉnh.

– Bao giờ về?

Bao giờ về? Bao giờ về? Bao giờ về? Hoàng chạy rối mù quanh căn buồng hẹp và rũ xuống trên thảm cỏ được tỉa tót rất đẹp trước căn phòng làm việc của ba anh.

Bây giờ túp lều của Họa sĩ Tư chỉ còn một mình, nó khẽ rung lên theo từng đợt gió từ cửa sông ùa vào. Chủ nó đang đứng trong phòng dành cho những người phạm pháp ở đồn công an huyện.

Họa sĩ tì vai vào cửa sổ, thò tay tìm thuốc lá, bình thản như không, khiến Thùy Linh rất đỗi ngạc nhiên. Cô nhớ là mẹ cô đá đánh vỡ bình thủy tinh đựng dấm chua, ôm mặt rú lên một tiếng ghê rợn như thế nào khi cô chạy về báo tin Họa sĩ bị bắt. Mọi sự khủng khiếp mà cô tưởng tượng trong quá trình chạy từ nhà đến đồn và đứng chầu chực trước cổng đồn chờ đến lượt được phép vào thăm Họa sĩ đều tan biến trước thực tế giản dị như thế này.

Họa sĩ ung dung nhả từng vòng khói thuốc tròn vo lờ đờ bay qua cửa sổ, đưa mắt âu yếm nhìn Thùy Linh:

– Về nói với mẹ cháu là chú vẫn bình an vô sự.

– Mẹ cháu khóc nhiều lắm, và run lên, làm việc gì cũng run lên.

Thùy Linh thì thầm. Chẳng việc gì phải thì thầm cả, cứ choang choang cũng chẳng sao nhưng cô cứ thì thầm như mọi người hễ bước qua cổng đồn công an là rón rén và thì thầm.

– Tất cả là vì ba cháu! – Thốt nhiên Thùy Linh nghẹn ngào.

Họa sĩ mỉm cười:

– Mẹ cháu bảo thế à?

– Không! – Thùy Linh lắc đầu – Cháu biết ba cháu lạc hậu lắm.

– Ô hô! – Họa sĩ phì cười – Chết, lạc hậu thế nào, tích cực lắm đấy! Ba cháu ấy mà, tích cực lắm đấy.

Họa sĩ nói to, cười lớn nên bị ho. Một đợt ho kéo dài gần một phút nhưng Thùy Linh có cảm giác cơn ho có thể kéo dài cả đời Họa sĩ. Cô nghe người ta đồn Họa sĩ bị bệnh lao.

Một đêm mẹ cô đi thăm Họa sĩ về, bỗng nhiên ôm bụng ho rũ rượi đã làm cô chợt rùng mình. Cô không tin rằng người ta có thể lấy chồng một người và yêu một người khác. Ở cái tuổi mười sáu non tơ của mình, Thùy Linh coi đó là sự lăng nhục đối với đàn bà con gái. Thím Hoa đã mỉm cười trước phản ứng ngốc nghếch của cô, im lặng nhìn cô với đôi mắt u sầu của một người đàn bà từng trải. Họ chẳng biết nói gì với nhau một khi cả quá khứ lẫn tương lai của họ gần như ngược nhau. Chỉ còn tình mẫu tử và sự thông cảm cùng giới, đặng nhờ đó mà che chở cho nhau tứ phía, kể cả những cơn ho phát sinh sau nhiều đợt thăm hỏi quá đáng của thím Hoa đối với Họa sĩ Tư.

Thùy Linh chợt rùng mình thấy Họa sĩ ôm bụng quằn quại khi cơn ho vừa dứt. Cô vội vã ra về, không quên dặn Họa sĩ cố ăn hết suất cơm mà thím Hoa sai cô đưa đến. Cô tha thẩn men vệ cỏ đường tỉnh lộ, vừa đi vừa ngoảnh mặt nhìn ra sông Linh. Túp lều lá mía nhô khỏi mặt đê, bé tý xíu như một dấu chấm hết.

“Chấm hết thế nào được ở cái nơi cuộc sống đang cuồn cuộn chảy thế kia!”. Ai nói vậy nhỉ? Hoặc Hoàng hoặc thím Hoa… không phải, hình như cô đọc được ở một cuốn tiểu thuyết loại “cà mèng” nào đó.

Thùy Linh tìm một lối mòn rẽ trái về phía bờ sông Linh. Thím Hoa có dặn cô lúc quay trở về nhớ qua túp lều của Họa sĩ ngó xem “Họ có làm gì không?” và đóng kín cửa lại. Gió từ bờ sông hun hút thổi làm tóc cô bồng lên, bay bay bay… Và vì không có ai đi ngược lại theo lối mòn cô đang bước nên hầu như cô chẳng chú ý lắm hai cúc ngực áo của mình đã bung ra để lộ bộ ngực non phơi phới trước nắng gió buổi sớm mai cuối mùa hạ. Thùy Linh nhìn xuống tí chút rồi mỉm cười ngước lên nhìn vói ra bờ sông, miệng mở tròn như chim non hớp gió.

Cô nhớ Hoàng, kể từ mùa hạ này lúc nào cô cũng nhớ Hoàng, một nỗi nhớ dịu ngọt rưng rưng…

Họ đã gắn bó từ thuở ấu thơ, sống bình yên và ngây thơ như những con còng gió dọc bờ sông Linh. Mãi đến bây giờ họ mới nhận ra lý do vì sao họ có thể gắn bó mật thiết với nhau từ thuở ấu thơ. Thì ra, trong khi họ chẳng có chút xíu quá khứ nào, bố mẹ họ lại có một mối quan hệ khá gắn bó từ thuở “chín năm” đến giờ vẫn không rứt ra được. Thêm vào đó, quá trình hành tiến vào cuộc sống để tự khẳng định vai trò của mình, cả hai gia đình đều bằng nhau về vận tốc. Ba Hoàng là Bí thư huyện ủy, ba Thùy Linh là Đại úy. Đó là hai người có cấp bậc và chức vụ cao nhất huyện này.

Thùy Linh nhớ khi Đại úy Thìn tuyên bố sẽ gả cô cho Hoàng, cô đã khiếp đảm như thế nào. Ngày đó Thùy Linh mới mười tuổi đầu, cô chạy băng băng qua cánh đồng từ nhà cô đến nhà Hoàng, xô ào cổng lao vào hổn hển báo tin:

– Hoàng có biết gì không?

– Biết gì?

– Lớn lên… Ba Thùy Linh sẽ gả Thùy Linh cho Hoàng!

Hoàng trợn mắt:

– Để làm gì?

Thùy Linh lắc đầu thật thà:

– Không biết… nhưng sẽ gả!…

– Ba cậu quyết rồi à?

– Quyết rồi!

– Ba cậu không có quyền! – Hoàng hét lên – Tớ sẽ mách ba tớ! Đó là một việc nguy hiểm!…

Thùy Linh nhìn Hoàng, dân dấn nước mắt. Hoàng cũng mếu máo suýt khóc. Suốt ngày hôm đó họ ngồi nhìn nhau, thở dài thườn thượt.

Mãi đến tối, khi nghe ba Hoàng giải thích cặn kẽ ý nghĩa của cái sự “gả” ấy, họ mới thở phào nhẹ nhõm, nhăn răng cười.

Cũng từ đó họ linh cảm nhận thấy tình bầu bạn của họ được cả hai gia đình theo dõi rất kỹ. Họ dần dần mất bạn, đến nỗi bây giờ họ chỉ còn “ánh xạ qua nhau”, theo lối ví von hoa hòe hoa sói của thầy giáo dạy Toán, chủ nhiệm lớp 9b của họ. Việc này có liên quan đến những huấn thị của Đại úy Thìn. Đại úy chỉ cho phép cô được chơi thân với Hoàng, bởi vì Hoàng là con của “đồng chí Bí thư huyện ủy”. Những bạn bè cùng tuổi với Thùy Linh không được phép bén mảng đến nhà Đại úy để rủ rê cô tham gia bất kỳ cuộc chơi nào. “Chúng nó” là con cái hoặc thuộc giai cấp bảo thủ, lạc hậu (nông dân), hoặc các tầng lớp ngáng trở con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội (tiểu tư sản), thế thì làm sao Thùy Linh có thể chơi thân với “chúng nó” được, trong khi Đại úy luôn lo sợ đứa con gái duy nhất của ông bị tiêm nhiễm các nọc độc tiểu tư sản đang tiềm ẩn khắp nơi trong thị trấn.

Hoàng cũng bị mất hết bạn như Thùy Linh mặc dù ba anh chẳng hề can dự vào các mối quan hệ của anh với mọi người. Hoàng đã chơi với Thùy Linh quá sa đà, quên hết các thú vui khác khiến bạn anh, hoặc bố mẹ của bạn anh, nghĩ đến tính chất “môn đăng hộ đối” vẫn được thiết lập khá bền vững trong thị trấn mà những người dân cày thì nói nôm na rằng: “nồi nào úp vung nấy”. Bạn bè Hoàng xác định “nồi” Hoàng chỉ vừa khít với “vung” Thùy Linh, đã nhanh chóng tẩu tán hết sạch.

Cả Hoàng lẫn Thùy Linh đều không nhìn thấy tính chất nguy hiểm của việc mất bạn. Họ thấy tràn trề hạnh phúc khi nắm tay nhau tung tăng dọc bờ sông Linh vào những buổi chiều mùa hạ như những con còng gió vẫn thường líu ríu dưới chân họ. Thậm chí họ cảm thấy thế là đã quá đủ, không cần phải thêm bớt gì trong các mối quan hệ của họ nữa. Tám năm sau, khi cả hai bị đẩy vào những bi kịch đau đớn thì họ mới nhận ra đó là một sai lầm nghiêm trọng khó lòng có thể cứu vãn nổi.

Đó là “tám năm sau”, còn bây giờ Thùy Linh đang rảo bước trên lối mòn chạy về túp lều của Họa sĩ Tư. Cô nhớ Hoàng, chỉ nhớ Hoàng, một nỗi nhớ dịu ngọt, rưng rưng… Không chú ý lắm hai cúc áo ngực đã bị gió đánh bung để lộ bộ ngực non phơi phới trước nắng gió buổi sớm mai cuối mùa hạ, cô nhìn xuống tí chút rồi mỉm cười ngước lên nhìn vói ra bờ sông, miệng mở tròn như chim non hớp gió, tóc cô bồng lên, bay bay bay… Vô vàn kỷ niệm của Thùy Linh và Hoàng đang ở trên bờ sông, dập dềnh dập dềnh… Cô bước nhanh hơn, nhanh nhanh nhanh… và chạy, cô chạy tha hồ về phía bờ sông trong sự hưng phấn đột khởi rằng bên cô đang có Hoàng, cô đang nắm tay Hoàng, chạy! Ù ù ù…

Thùy Linh chạy đến túp lều của Họa sĩ Tư. Cô đứng trước cửa lều thở hổn hển, và vui vẻ chui vào. Chợt cô sững lại, giật mình kinh hãi: một người đàn bà đang nằm sấp, chân tay duỗi thẳng, tóc xõa ra, bất động như người chết giấc.

Thùy Linh run lên, khụy xuống trước cửa lều. Người đàn bà đó là thím Hoa.

Đúng là thím Hoa. Thím đã làm cái việc mà thím đã dặn kỹ lưỡng Thùy Linh khi cô đưa cơm cho Họa sĩ. Thực ra thím chẳng việc gì phải cất công để “dọn dẹp đồ đạc”“gài cửa cẩn thận” túp lều này vì nó chẳng đáng cho bất kỳ kẻ gian nào để mắt tới. Nhưng thím cứ thấy không an tâm. Có một cục than nóng mỗi lúc mỗi đỏ rực, lăn lóc trong ngực thím. Thím vào vào ra ra như kẻ đã mất hết trí khôn, chờ đợi đến phát điên lên Thùy Linh vẫn không về.

Thế là thím đi.

Đầu tiên thím cứ thẳng đồn công an huyện mà bước. Không việc gì phải sợ, đường đường chính chính thím là chị dâu của Họa sĩ, thím có quyền tham dự vào mọi biến động của số phận Họa sĩ. Tại sao chị dâu lại không lên thăm em chồng khi “nó” bị bắt? “Nó” có hề hấn gì thì chị dâu vẫn vô sự hay sao? Thím đi trong vô vàn các lập luận mỗi lúc mỗi sinh sôi nảy nở trong đầu thím. Các lập luận đã giục giã thím bước nhanh, thậm chí có lúc thím đã định ù té chạy.

Được nửa đường thím bỗng gặp bác Cả Rí.

– Không gặp được đâu! Không gặp được đâu!

Bác Cả Rí đứng ngáng đường rỉ tai thím với bộ mặt rất nghiêm trọng. Mắt hấp háy, miệng nhai trầu đỏ hoét, bác nói một mạch:

– Người ta chặn hết các ngả đường, công an thổi còi điếc tai điếc óc! Tôi đây suýt nữa bị người ta cho một dùi cui vào mặt.

Tính bác vốn vậy, có một tột lên mười, gặp chuyện gì bác cứ nói khống lên thật kinh khủng. Bác chẳng có ý hại ai, cũng chẳng ai hại bác. Nuôi một vợ và bầy con tám đứa bằng nghề câu lươn tài hoa của mình, bác lang thang hết các ngóc ngách, các cống rãnh, “bờ vùng bờ thửa” quanh thị trấn, vừa câu lươn vừa “ngửi” chuyện để mà thêm thắt, bịa đặt ra đủ các chi tiết ly kỳ hấp dẫn nói cho sướng mồm mình và sướng tai người khác. Những bịa đặt của bác lập tức bị lật tẩy; không cần chối cãi, bác cười hề hề, lại đi tìm những chuyện khác để bịa đặt. Cứ thế, cứ thế… bác nổi tiếng là người “sáng tác” đủ các loại chuyện từ thượng vàng đến hạ cám. Ai nghe được thì nghe, không nghe được thì thôi, bác chẳng cần. Bác cứ sống nhởn nhơ trước mặt mọi người, và bịa đặt lung tung nhưng vô hại.

Đã biết tính bác Cả Rí, thím Hoa vẫn cứ sợ. Thím thoáng rùng mình, dừng lại cứng đờ giữa đường. Định hỏi bác Cả Rí liệu người ta có làm gì với Họa sĩ Tư không, nhưng thím không dám mở mồm, vì biết hễ thím cất tiếng là òa khóc. Nước mắt dễ làm cho bác Cả Rí biết chính xác tình cảm thật của thím và lấy đó làm chuyện mua vui trong thiên hạ. Dại gì, thím không dại, không bao giờ thím dại dột như vậy.

“Nó” vẫn là đứa em chồng hư hỏng của thím và thím phải đối xử với “nó” đúng như đứa em chồng hư hỏng của thím. Thái độ của chồng thím ra sao, thái độ thím phải y sì như vậy, không hơn không kém. Thế mới đúng, đúng như người đời vẫn nghĩ đúng về thím.

– Từ ngày thằng Ngô Đình Diệm hò hét “Bắc tiến” – Bác Cả Rí bỏ đi, nói oang oang với không khí – Việt gian, phản động nổi lên như rươi, một mét vuông tám thằng. Kinh thật.

Thím lần chần một chút rồi đi, không phải đi về phía đồn công an như các lập luận đã thúc giục thím mà rẽ về phía túp lều của Họa sĩ. Thím đến. Tất cả vẫn nguyên vẹn: ba cái soong nhỏ, hai đôi đũa, một lọ nước mắm, một hũ muối, một lọ mắm tôm, một cái đèn… Chúng đứng lặng ngắt trước mắt thím. Thím ngồi xuống, đờ đẫn ngó quanh và dừng lại gần như bị thôi miên vào khoảng trống nơi chất đống sáu mươi tư bức tranh. “Anh không thích “ấn tượng” à?” – “Xưa thì thích, giờ thì không.”“Tại sao thế?”“Vì mình đã quá nhiều đau khổ, phải cậy đến “siêu thực” để quên đi.” – “Thế thì anh chẳng hiểu gì “siêu thực”.”… Thím và “nó” đã nói với nhau như thế. “Nó” im lặng. Thím ngước lên nhìn “nó”, cái thằng em chồng hư hỏng. “Nó” và thím nhìn nhau, mắt và mắt và mắt, rồi thở dài. Chao ôi buồn cười chết đi được cái thời thím chạy tơi tả trong đêm tối, úp mặt vào ngực “nó”, nấc lên. Chao ôi là buồn cười…

“Thế rồi hết cuộc chiến tranh

Cái cô bạn ấy bỗng thành chị dâu….”[1]

[1] Thơ Phạm Việt Thư.

Thím cười thật, cười rũ rượi đến kiệt sức, ngã xoài ra, tay chân duỗi thẳng, tóc tung xõa, bất động như một kẻ chết giấc…

– Mẹ! – Thùy Linh gọi.

– Mẹ! – Thùy Linh lại gọi.

– Mẹ! Mẹ! Mẹ! Mẹ!

Thùy Linh nhào đến thím Hoa. Thím uể oải ngồi dậy. Họ nhìn nhau. Những người đàn bà nhìn nhau. Một chút ngượng ngập cả hai phía. Đỏ mặt và không nói gì, họ cố gắng tránh va vào cái điều cả hai đều đã biết quá rõ.

Mấy ngày sau vẫn đỏ mặt và không nói gì, họ lặng lẽ thăm dò thái độ của nhau trong nỗi đau đớn âm thầm mà cả hai đều nhận thấy hình như đã hết sức chịu đựng.

Bình luận