Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Mảnh Đời Đen Trắng

Chương Ba

Tác giả: Nguyễn Quang Lập
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh đi họp ở tỉnh về. Ông đi nhận chỉ thị mới tối quan trọng của cấp trên về tình hình chiến sự ở miền Nam đang diễn ra căng thẳng. Sau một loạt chiến thắng của ta đã kết thúc “Chiến tranh cục bộ” nhanh chóng chuyển sang “Chiến tranh đặc biệt” với sự đổ bộ ồ ạt của lính Mỹ vào miền Nam, thực hiện sáng kiến của Tay-lo “Bình Định miền Nam trong vòng 18 tháng”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giao lại phong trào “Gió Đại Phong” cho cấp dưới, chuẩn bị vào trận. Bộ Chính trị đang họp, sẽ có nhiều nghị quyết mới cho việc phòng thủ miền Bắc. Mỹ sẽ đem máy bay ra bắn phá miền Bắc, tính chất ác liệt không thể lường trước được, tùy theo các cú đấm của quân giải phóng vỗ mặt đế quốc Mỹ. Sắp bầu cử tổng thống Mỹ, Ken-nơ-đi em bị ám sát, có khả năng Giôn-xơn sẽ trúng cử, mọi hy vọng về các giải pháp hòa bình nhằm thống nhất hai miền Nam Bắc coi như chấm dứt. Đài BBC nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thị sát chiến trường khu Bốn. Sẽ đánh nhau to, rất to. Các cán bộ cấp huyện thì thầm với nhau và lao về cơ sở chuẩn bị vào trận.

Ông Thanh mới cho xe ghé vào ga-ra đã thấy đồn trưởng công an huyện đứng chờ ở cửa phòng làm việc của ông.

– Có việc gì thế? – Ông hỏi, thái độ không được vui vẻ cho lắm.

– Báo cáo anh…

– Ngắn thôi nhé!

– Vâng. Báo cáo anh, vừa qua trong khi anh đi vắng, có một chuyện không vui lắm…

– Ngắn thôi, tôi đã bảo là ngắn thôi…

– Vâng. Báo cáo anh, vừa qua trong khi anh đi vắng, có một chuyện không vui lắm. Ở dưới cơ sở báo lên tình hình hoạt động có tính phá hoại của Họa sĩ Tư. Trên cơ sở nhận định khách quan và chủ quan của bộ phận tham mưu…

Ông Thanh lật mũ mềm đặt lên bàn, cau có nói:

– Ngắn thôi, anh không nhớ à?

Trưởng đồn lúng túng, lật tắt qua mấy trang, vội vàng nói:

– Vâng. Trên cơ sở khách quan và chủ quan của bộ phận tham mưu, chúng tôi đã trực tiếp kiểm tra và thấy rằng…

– Các anh đang giữ Họa sĩ Tư phải không? – Ông Thanh cắt ngang.

– Vâng.

Đồn trưởng đưa mắt liếc nhanh Bí thư huyện ủy. Ông Thanh đứng dậy với tay lấy phích nước, uể oải nói:

– Thả ra nhé, trả lại tranh tre cho người ta.

– Vâng.

Đồn trưởng nhanh nhẹn bắt tay ông Thanh, vội vàng ra về. Mười phút sau, Họa sĩ được thả ra nhanh như bị bắt vào đồn. Đội trưởng cẩn thận đứng chờ ở cửa phòng giam, siết chặt tay Họa sĩ, vui vẻ:

– Thông cảm nhé, chẳng qua là vì nhiệm vụ chung.

Họa sĩ cười, vui vẻ:

– Thế à?

Và vỗ vai đồn trưởng:

– Anh cho tôi gọi nhờ điện thoại lên Phòng Văn hóa Thông tin tí chút.

– Vâng vâng vâng, mời anh.

Đồn trưởng nhanh nhẩu dắt Họa sĩ đến phòng trực. Họa sĩ quay đến mỏi tay, đầu kia dây nói mới có người cầm máy.

– Bỉ phải không? – Họa sĩ hỏi trưởng Phòng Thông tin Văn hóa.

– Vâng, Bỉ đây.

– Tư đây nhé.

– A! Thả ra rồi à?

– Chứ sao!

– Kha kha!… Hay!… Thịt chó chứ?

– Tất nhiên, tớ gọi điện cho cậu cũng vì chuyện ấy. Giam ba ngày, thèm quá.

– Rồi!

Bỉ và Họa sĩ là bạn của nhau thời theo học lớp hội họa ngắn hạn ở Thanh Hóa. Bỉ luôn nhận mình là kẻ bất tài, vẽ người ra ngợm, vẽ bò ra cáo… và chẳng hề đau khổ gì chuyện đó. Anh khâm phục những người có tài, khâm phục một cách chân thành, chẳng hề ghen tị.

Từ ngày Họa sĩ về hưu non, Bỉ chơi với Họa sĩ như bạn cố tri, luôn luôn kéo nhau vào quán thịt chó đánh chén, nói chuyện tào lao, khi say lên thì lè nhè: “Ông tài lắm ông Tư ạ. Tài, tài lắm. Tôi mà tài như ông nhỉ, ông Tư nhỉ!…”. Cứ thế hàng giờ liền.

Hôm trước người ta bê sáu mươi tư bức tranh đến gặp Bỉ, bảo: “Hãy đánh giá ý đồ tư tưởng của các bức tranh này”. Bỉ giãy lên như đỉa phải vôi:

– Ấy chết. Dạ… báo cáo các anh… làm sao tôi biết được!

– Anh cũng là họa sĩ!

– Dạ… Nhưng tôi là loại họa sĩ cà mèng, tôi non lắm. Với lại, tôi chuyên ngành tranh cổ động. Cái gì dính tới tranh cổ động may ra tôi còn biết, còn lại là tôi mù tịt. Báo cáo các anh, thật đấy!

Bỉ thường coi mình là kẻ vô thưởng vô phạt, có cũng được không có cũng xong. Mơ ước duy nhất của anh là được về hưu non như Họa sĩ. Việc gì xảy ra trong Ủy ban huyện anh cũng cười cười, “án binh bất động”. Người bảo anh ngu, kẻ bảo anh khôn, anh chỉ cười cười. Gặp ai anh cũng tỏ ra khúm núm, ngoan ngoãn. Anh “dạ” đều, “dạ” rền rĩ từ cán bộ có chức vụ cao nhất đến loại nhân viên loại xoàng nhất trong cơ quan. “Dạ” và bịt mũi cười một mình khi lừa được một cán bộ nào đó về việc gì đó. Đôi khi Bỉ ôm lưng Họa sĩ Tư, thì thầm: “Làm việc với những thằng ngu sướng lắm! Sướng lắm!” và ngửa cổ cười ha hả.

Vào quán thịt chó Cule, được một tợp rượu, Bỉ chùi mép nói với Họa sĩ Tư:

– Ông dại. Người ta đấu tranh giai cấp thì cứ mặc người ta. Việc của ông là vẽ.

– Bậy. – Họa sĩ lắc đầu – Mình đánh nhau hộc máu mồm với thằng Tây là để xây dựng xã hội…

– Cho thêm một đĩa dồi nhé!

Bỉ cắt ngang lời Họa sĩ bằng việc nhóng cổ gọi Cule, đoạn quay lại vui vẻ:

– Tôi hiểu ý ông rồi, nhưng khó lắm! Khó lắm!

Cule đứng cắt dồi, nghe trộm hai người thảo luận. Bê đĩa dồi ra, Cule cười hề hề:

– Các anh cứ việc đấu tranh giai cấp. Em nhát, em không dám. Em chỉ xin phục vụ thịt chó đầy đủ. Món nào ra món ấy. Giai cấp nào cũng ghiền thịt chó, thật đấy.

Nói xong, Cule xòa cả mười đầu ngón tay ngúng nguẩy, lăm xăm vào bếp. Bỉ ghé tai họa sĩ:

– Thằng ấy đểu.

Họa sĩ cười nhếch mép, vuốt mũi một cái, nói:

– Hắn nói thế chứ hắn không làm thế. Ở đời thường lắm thằng tự giễu cợt mình cho vui chứ cực tốt. Hắn cũng thế. Xưa là chủ thầu giao thông tỉnh này. Hòa bình lập lại, biếu không nhà nước toàn bộ gia sản của hắn, về mở quán thịt chó bán chơi.

Bỉ gật gù:

– Phải.

Họa sĩ tiếp:

– Tôi chỉ mong muốn chính quyền ta rũ sạch những thằng ngu.

Bỉ ngửa cổ cười khơ khơ. Họa sĩ ghé mắt sát chén rượu, chậm rãi nói:

– Tôi yêu Chủ nghĩa Xã hội, yêu thật sự, thậm chí có thể chết vì nó chứ không phải yêu để mà chơi. Có điều tôi không thể chịu được thứ Chủ nghĩa Xã hội qua mồm tay Thìn và những thằng ngu dốt khác. Đó là thứ chủ nghĩa ảo tưởng vì ngu dốt.

Bỉ đập tay xuống bàn:

– Thế thì ông cũng ảo tưởng!

Họa sĩ chùi mép trừng mắt nhìn Bỉ, đứng dậy bước ra quán, không thèm chào ai, túc tắc về phía túp lều mép bờ sông Linh.

Cule nhìn theo bóng Họa sĩ, lát sau đi vào, nói trống không:

– Đ. mạ, thời này không biết ai khôn ai dại.

Bỉ kêu to:

– Đúng! Cứ bom xuống, nhiều bom xuống là ra vấn đề hết.

Cule rụt cổ, ném vào mặt Bỉ một cái nhìn khinh bỉ, lúi húi vào bếp. Lúc này vào khoảng bốn giờ chiều. Đại úy Thìn về muộn hơn hai giờ so với thông lệ. Ông không ghé qua nhà, đạp xe thẳng lên ủy ban huyện xem người ta giải quyết “vụ Họa sĩ Tư” như thế nào. Nhác thấy Đại úy, Bỉ kêu to:

– Bác Thìn! Bác Thìn!

Đại úy buông hai chân chống đất, ngoảnh mặt vào:

– Anh Bỉ à?

– Làm chén rượu cho thơm mồm đã bác!

– Cám ơn, tôi đang vội.

– Ấy, tôi biết bác vội việc gì rồi. Họa sĩ Tư khỏe mạnh hồng hào, vừa được thả ra, vẫn lạc quan yêu đời như xưa.

Nghe nói vậy, Đại úy dắt xe vào. Cule chạy ra, giơ cả hai tay lên trời:

– Trời phù hộ tôi! Mở quán được ba năm mới được đón bác, bác Thìn ạ.

Đại úy cười, lau mồ hôi trán.

– Chà tôi bận quá.

– Chứ còn gì nữa. – Cule tươi tỉnh tiến về phía Đại úy: – Cách mạng sắp thắng lợi đến đít rồi, bác bận là phải.

Đại úy ngẩng phắt lên, nhìn thẳng vào mặt Cule:

– Anh ăn nói kiểu gì lạ thế?

Đoạn, Đại úy dắt xe đạp đi luôn. Cule thè lưỡi, rụt cổ. Bỉ bịt mũi cười khục khục.

***

Sau mấy tuần kiên trì ngồi trên chiếc xe đạp được treo lên như chiếc xích đu đạp liên tục, thấy đã nhuyễn chân, Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy bê chiếc xe đạp xuống tính đạp một vòng quanh thị trấn chơi vui, tiện thể ghé qua huyện ủy thăm dò tin tức Bí thư huyện ủy đi họp tỉnh về có gì mới. Đàng hoàng dắt xe ra cổng, ngoái cổ lại nói to:

– Mẹ nó ở nhà nhé!

“Ngày thường đi bộ ông ấy có dặn thế bao giờ!”, bà Hiền ngồi thái rau lợn tủm tỉm cười.

Ông ngồi lên xe sẵn sàng, đạp. Chưa được một phần tư vòng quay bánh xe ông đã bị ngã nhào, chổng hai chân lên trời.

– Mẹ khỉ!

Ông phủi đít đứng dậy, liếc vào nhà xem vợ có trông thấy mình không. Bà Hiền vờ không trông thấy, cắm cúi thái rau.

Ông lại leo lên xe đạp. “Có lẽ lúc nãy mình ngồi không cân hoặc đạp chưa đều”, ông nghĩ. Ông ngồi cẩn thận, không ngoái cổ vào: “Mẹ nó ở nhà nhé!” như ban nãy, ông chú ý, cực kỳ chú ý các tư thế của mình. Khi đã xác định trăm phần trăm là chính xác, ông đạp. Lại ngã. Lần này đau hơn, ông văng vào gốc xoan và bị đánh bật trở lại, nằm sóng soài như người ngã ngựa ở tư thế thảm hại nhất. Ông hầm hập dắt xe vào, ném vào một xó. Bà Hiền giấu mặt vào liếp tre cười chảy nước mắt.

Đại úy Thìn vòng xe vào cổng, chạng cả hai chân xuống đất hỏi to:

– Bác Huy có nhà không đấy?

– Dạ có. Bác Thìn hả?

Đại úy vào. Cả hai người ngồi lên tấm phản pha trà uống.

– Tôi vừa lên huyện ủy về.

– Thế hả? Bác Thanh có cho tin gì mới?

– Tôi vừa cãi nhau với ông ấy xong đây.

– Chuyện gì thế, thưa bác?

– Ông ấy thả thằng Tư ra rồi.

Ông Huy giãy nãy như phải lửa:

– Ấy chết! Thả rồi à? Lại giao cho thị trấn chúng tôi quản lý à?

Đại úy gật đầu, mặt đầy vẻ tức giận. Quả là Đại úy vừa cãi nhau với Bí thư huyện ủy thật.

Sau khi được tin Bỉ cho biết Họa sĩ đã được thả, Đại úy vòng xe lên đồn công an huyện. Đồn trưởng thở dài báo tin đã giải phóng Họa sĩ cùng với sáu mươi tư bức tranh. Đại úy tức giận phóng một mạch lên phòng làm việc của Bí thư huyện ủy. Họ ngồi “cãi lý” với nhau non một giờ.

Đại úy hỏi:

– Tại sao anh không cần nghe cấp dưới báo cáo cụ thể về “vụ Họa sĩ Tư” đã vội vã ra lệnh thả ra?

Ông Thanh trả lời:

– Tôi tin Họa sĩ là kẻ vô hại.

– Nó vẽ tranh dâm ô trụy lạc thế mà anh bảo là vô hại! – Đại úy kêu lên.

Ông Thanh chậm rãi rót một chén nước trao cho Đại úy, nhẹ nhàng hỏi:

– Anh đã xem các bức tranh ấy chưa?

Đại úy lúng túng tìm cách trả lời. Quả là Đại úy chỉ mới nghe một vài người và các cháu nhỏ, tức là dư luận quần chúng, báo lại. Ông lập tức tin ngay, vì đối với ai còn phải điều tra lại chứ riêng với Họa sĩ thì khỏi cần, Đại úy nghĩ thế, cho là thế.

– Tôi chưa xem… tất nhiên tôi tin vào dư luận quần chúng.

– Còn tôi thì đã xem rồi. – Bí thư huyện ủy từ tốn nói: – Nói chung đó là những bức tranh tốt.

– Tốt? Tại sao anh không cho treo lên cho quần chúng xem mà học tập?

Lần này đến lượt Bí thư huyện ủy lúng túng. Ông cố gắng tìm một câu trả lời thật giản dị cho Đại úy hiểu.

– Tốt… nhưng mà phải có một trình độ thẩm mỹ khả dĩ mới thấy tốt. Còn bây giờ nếu treo lên… tôi sợ quần chúng hiểu sang khía cạnh khác.

Đại úy trợn mắt:

– Hay chửa! Thế ra các bức tranh ấy có tư tưởng hai mặt à? Các bức tranh ấy cần cho giới nào vậy? Có phải cho giới trí thức tiểu tư sản không? Chúng phục vụ cho giai cấp nào? Anh trả lời tôi đi…

Bí thư huyện ủy không trả lời. Đại úy càng tấn công, ông càng im lặng. Ông thấy đăng đắng ở miệng. Ông biết lúc này, trước mặt con người này, ông sẽ không có một câu trả lời hữu hiệu. Bởi vì giữa ông và Đại úy không hề có chung các khái niệm cơ bản của thẩm mỹ. Hiện tại, Đại úy đang thuộc về số đông. Bí thư huyện ủy cố gắng nghe Đại úy nói một thôi dài về tính giai cấp trong các bức tranh mà Đại úy chưa xem. Cuối cùng ông mệt mỏi kết luận:

– Thôi được, tôi sẽ nghiên cứu lại vấn đề này.

Đại úy chào ông ra về. Quá trình đạp xe về nhà Chủ tịch thị trấn, Đại úy nghĩ rất lung về bí thư huyện Trần Văn Thanh. Dù ông Thanh là bạn thủa thiếu thời của Đại úy, nhưng trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” này, Đại úy luôn tự răn mình phải đề cao cảnh giác. Có hai điều Đại úy đang nghi vấn về ông Thanh. Thứ nhất, ông Thanh là cán bộ cấp cao duy nhất trong tỉnh có bằng tú tài. Bằng tú tài dĩ nhiên là khác nhau về tính chính trị so với bằng lớp mười mà con gái Đại úy đang theo học. Một đằng là bằng tốt nghiệp do chế độ ta cấp, một đằng là bằng tốt nghiệp do chế độ thực dân nửa phong kiến cấp. Một người được đào tạo lên tận tú tài là cả một vấn đề cần lưu ý. Bởi vì phải nhuần nhuyễn các tư tưởng nô dịch của chế độ cũ như thế nào thì chúng nó mới cấp cho cái bằng ấy chứ? Thứ hai, điều này chưa thật chắc chắn lắm nhưng phải lưu ý, có một thời gian chừng một tháng ông Thanh bị địch bắt. Trong lý lịch của ông không thấy khai về việc này và cũng chưa có ai xác định chắc chắn là ông có bị địch bắt hay không, nhưng rõ ràng khi đã có dư luận là phải chú ý.

Đại úy chưa đặt vấn đề nghi vấn này với ai, kể cả Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy. “Cần có thời gian để tìm hiểu chứ không thể kết luận bừa bãi được” – Đại úy tự dặn mình. Riêng về vấn đề Họa sĩ Tư, về cách giải quyết của Bí thư huyện ủy đã làm cho Đại úy chú ý. Mối nghi ngờ bắt đầu có cơ sở…

Sau khi kể cho Chủ tịch thị trấn nghe cuộc “cãi lý” của hai người ở huyện ủy, Đại úy nói:

– Đây là việc nghiêm trọng. Tôi đề nghị bác phát văn bản khiếu nại lên tỉnh về cách giải quyết vội vàng của Bí thư huyện ủy.

Ông Huy trố mắt: 

– Khiếu nại bác Thanh?

– Chứ sao. Ai làm sai đều phải chịu trách nhiệm.

– Nhưng nhỡ tỉnh họ kết luận bác Thanh đúng thì sao? – Ông Huy dè dặt hỏi lại.

– Đúng làm sao mà đúng. Để sổng một phần tử phản cách mạng mà đúng à? Bác cứ phát văn bản đi, tôi sẽ viết kèm vào đấy.

– Vâng.

Ông Huy đồng ý. Thế là xong. Đại úy dắt xe ra về. Làm việc với Chủ tịch thị trấn thật nhẹ nhàng, bao giờ cũng nhẹ nhàng. Trong thị trấn, ông Huy là người đáng tin cậy nhất của Đại úy. Còn lại, bất cứ ai Đại úy cũng tìm thấy một chuyện đáng khả nghi, kể cả bí thứ huyện ủy Trần Văn Thanh, bạn thiếu thời của ông.

***

Đại úy dắt xe đạp vào nhà. Thím Hoa đã rời bàn máy, nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế mây được uốn cong như eo lưng đàn bà. Thím mặc quần lụa, kéo ống quần lên sát bẹn, ngực ưỡn ra, mắt lim dim. Đại úy thấy gai mắt quá, định nhắc nhở thím bỏ ngay cái kiểu nằm khiêu dâm ấy đi, nhưng nghĩ lại: “Mình mới về”, nên thôi.

Thím Hoa không có một phản ứng nào khi thấy chồng về. Vẫn cái kiểu nửa nằm nửa ngồi ấy, thím im lặng theo dõi Đại úy qua kẽ mắt lim dim.

Rất lâu sau thím ngồi hẳn dậy, hỏi:

– Anh biết chuyện gì chưa?

– Chuyện gì?

– Người ta bắt em anh rồi.

“Cô này vẫn chưa biết người ta vừa thả hắn ra”, Đại úy nghĩ thầm, nói:

– À, nó làm bậy thì người ta bắt.

Đại úy xách phích nước ra ngồi giữa sân, chậm rãi tráng ấm pha chè.

– Chuyến này về… – thím Hoa hỏi nhỏ: – Anh định xui ông Huy bắt thêm ai nữa?

– Thôi đi! Cô biết cái gì mà hỏi tầm bậy! – Đại úy gầm gừ.

– Sao lại không biết! Chính anh xúi giục ông Huy bắt chú Tư chứ còn ai!

– Sao lại xúi giục? – Đại úy mở to mắt: – Ơ kìa, sao lại xúi giục? Tôi chỉ nhận xét về các bức tranh phản tuyên truyền của nó chứ xúi giục cái gì? Không phải xúi giục, chính quyền không phải là trẻ con, cô hiểu chưa? Tôi có thông báo và kiến nghị…

Thím Hoa ôm bụng cười rũ. Vừa cười vừa ho. Nước mắt sống chảy giàn giụa.

– Các anh vui thật! “Xúi giục” thì gọi là “kiến nghị”, “mách lẻo” thì gọi là “thông báo”!… Ối giời ơi là thơm tho.

Đại úy đỏ mặt quát:

– Có im đi không. Cô điên hả? Không sợ người ta gô cổ cô lại hả?

Thím Hoa vẫn ôm bụng cười rũ rượi. Và buồn nôn. Thím muốn nôn quá, như là người ta ốm nghén.

Đại úy nuốt nước bọt lặng thinh. Vài tháng nay Đại úy phát hiện ra tâm tính của vợ mình có phần đổi khác. Cái phần hiền dịu bản chất của thím hình như đã bị đục khoét, thay vào đó là thái độ ngạo mạn và trâng tráo của Họa sĩ Tư.

Đại úy sợ, một nỗi run sợ âm thầm xưa nay không hề có, đang len lỏi trong ngực ông. Biết đâu sẽ có một thực tế nghiệt ngã xảy ra: thím Hoa sẽ rũ bỏ tất cả để bám theo Họa sĩ Tư, bất chấp mọi qui tắc đạo đức hiện có, đạp lên dư luận để mà yêu một con người từ lâu bị dân thị trấn coi như một thằng hề. Thế thì thật kinh khủng. Kinh khủng không phải việc Đại úy mất vợ, chính là ở chỗ, nó sẽ đập vỡ toàn bộ “ý thức hệ” của dân thị trấn về gia đình Đại úy, đặc biệt về Đại úy…

Sau ngày hòa bình lập lại (1954) có mười sáu người lính trở về thị trấn. Hết thảy họ là thương binh loại một đến loại bảy, trừ Đại úy Thìn. Đại úy không việc gì sất. Không một vết sẹo nào bám vào thân hình hộ pháp của ông. Chẳng ai dám đặt câu hỏi: liệu có phải Đại úy đã quá khôn ngoan, như một con chuột nhắt thông minh, luồn lách tài tình để bảo đảm an toàn một trăm phần trăm cơ thể sống của mình và kiếm được cái lon Đại úy ngon ơ khi tàn cuộc chiến?

Trái lại, Đại úy là người lính dũng cảm, đạt đến độ phi thường, kể từ ngày ông vác đại đao theo cách mạng tham gia kháng chiến đến lúc chỉ huy hẳn một tiểu đoàn quân chủ lực “tả xung hữu đột” một vùng rộng lớn phía Bắc tỉnh. Ngay cả những thương binh trở về cùng ngày với Đại úy cũng đã nói rằng chẳng phải Đại úy đã gặp may mà hình như bom đạn địch đã khiếp đảm khi nom thấy ông, chúng vội vàng rẽ cánh quạt biến mất.

Một con người đã quá nhiều huyền thoại về lòng dũng cảm vô song hoặc mãi mãi không bao giờ trở về hoặc trở về trọn vẹn, đàng hoàng với cái lon đại úy trung đoàn trưởng như Đại úy đã trở về. Khắp huyện không ai có cấp bậc và chức vụ như ông. Thêm vào đó, đồng lương của Đại úy cũng thuộc loại vô địch: có thể mua hoặc ba tạ gạo hoặc bốn mươi mét vải xa-tanh hoặc một con bò loại nhỏ…

Thời này đám sĩ quan trẻ chưa vợ được coi là đối tượng chủ yếu của đàn bà con gái chưa chồng. Người ta sẵn sàng bàn tán râm ri về một sĩ quan nào đó có cấp bậc loại xoàng nhất vừa viếng qua nhà một cô gái nào đó. Một vài đám cưới trong thị trấn được chuẩn bị kỹ lưỡng trong vài năm bị bỏ dở khi có một sĩ quan trẻ “dính” vào. Tình hình lập tức đảo ngược có lợi cho sĩ quan trẻ này, một đám cưới “mới” thay thế cho đám cưới “cũ” được tiến hành ầm ĩ một góc thị trấn. Các bài hát khích bác đám đàn bà con gái tham giàu, tham địa vị ở các sĩ quan, bỏ rơi người tình cũ đã nhanh chóng ra đời, dập dềnh khắp thị trấn. Đám trẻ con có nhiệm vụ thực hiện các bài hát này. Chúng đã thực hiện một cách xuất sắc nhưng trên thực tế rất ít có tác dụng. Đám đàn bà con gái “tham giàu, tham địa vị” này chỉ đỏ mặt đôi chút nhưng vẫn kiên trì bám đám sĩ quan, thậm chí còn dùng những thủ đoạn ranh ma mà chỉ có đàn bà, duy chỉ có đàn bà mới nghĩ ra được, để giành thắng lợi về mình.

Gương lớn cho đám đàn bà con gái thị trấn nhìn vào đấy mà hành động là thím Hoa. Những năm Đại úy Thìn xa nhà đi đánh giặc, hai mẹ con Thím chạy vạy suốt ngày đêm vẫn không đủ ăn. Thím sống nhờ những đồng nợ lưu truyền, mượn người này trả người khác, và bằng gánh bánh đúc dở ẹc do ít vốn cứ sáng sáng chạy thục mạng về các vùng nông thôn ven thị trấn, cố gắng bán hết trước khi có gánh bánh đúc khác xuất hiện. Thím thuộc vào những người đàn bà lam lũ nhất thị trấn. Đùng một cái, Đại úy Thìn trở về, bằng ba tháng lương của ông, Thím đã tậu được một nhà ngói loại trung bình, đủ rộng cho ba người ở. Ít lâu sau, thím mua được đầu máy khâu Trung Quốc, bỏ nghề bán bánh đúc chuyển sang nghề may vá, đi đứng ra vào khoan thai nhẹ nhõm. Thím trở thành người đàn bà sang trọng nhất thị trấn về cả “tinh thần” lẫn “vật chất”.

Thực tế này đã làm rung chuyển đám đàn bà con gái, làm cho họ trân trọng đặt lên bàn cân để đo đếm tương lai của họ, như đã nói. Rõ ràng Đại úy Thìn có vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống người thị trấn, chưa kể những chiến công của ông trong một trăm hai mươi sáu trận ông tham gia đủ để mọi người phải kính nể, chưa kể ông là người duy nhất tỉnh bóp cổ thè lưỡi tên quan hai Pháp trong một trận huyết chiến ở phía tây thị trấn làm cho chính phủ nghe nói cũng biết đến tên tuổi của ông…

Đại úy ngồi uống nước chè giữa sân, ngẫm nghĩ các tình huống có thể xảy ra trong gia đình mình và cảm thấy sợ, một nỗi run sợ âm thầm xưa nay không hề có bây giờ len lỏi trong ngực ông. Đại úy sẽ mất uy tín như thế nào nếu thím Hoa, một người đàn bà chẳng có quá khứ tốt đẹp gì, lý lịch lại không trong sáng, ngang nhiên bỏ rơi Đại úy không một chút phân vân như “phương án 2” Đại úy dự trù. Tất nhiên Đại úy có hẳn một phương án phản công khi “phương án 2” xảy ra nhưng ông chẳng thú gì chuyện đó. Người ta sẽ đồn rầm lên, ông làm sao đủ sức để dập tắt dư luận được, dù trong tay ông có gần một ngàn quân?

Trời đã tối hẳn, Đại úy chống gối đứng dậy soạn sửa đến nhà Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh. Có nhiều chuyện quan trọng cần phải thảo luận với nhau, trong đó có việc phối hợp tác chiến giữa trung đoàn pháo của ông với huyện đội. Riêng Họa sĩ Tư, Đại úy sẽ không nhắc đến, ông có một phương án khác, tất nhiên, đối với ông việc gì chẳng có hai phương án.

***

Đại úy vừa ra khỏi nhà được mươi phút thì Thùy Linh từ ngõ chạy vào, nói như reo: “Chú Tư được thả ra rồi!”

Thím Hoa ngồi bật dậy, ngơ ngác:

– Cái gì?

Thùy Linh nhắc lại, cởi phăng áo ngoài, nhanh nhẩu đến bên thím Hoa, quỳ xuống ríu rít:

– Chú Tư được thả ra khoảng hai giờ chiều, con có gặp chú ở bờ sông. Chú nói: “Ối cha mẹ ơi, thèm thịt chó muốn chết!” – Thùy Linh bật cười khanh khách. – Ba về chưa, mẹ?

Thím Hoa không trả lời, ngồi thong thả bới tóc. Thím bới kỹ lưỡng từng sợi như đếm từng sợi, mắt đăm đăm nhìn vào một khoảng tối trong vườn. Thùy Linh đứng dậy, lùi vào buồng riêng. Cô không dám động đến nỗi ưu tư của mẹ mình. Cô lờ mờ nhận ra có một tai họa lớn, rất lớn sẽ giáng xuống bình yên trong gia đình mình và nơm nớp lo sợ.

Thốt nhiên cô thấy căm ghét bộ mặt xương xương, mái tóc rối bù và cái vuốt mũi đến gai mắt của Họa sĩ Tư. Họa sĩ bỗng đi lại, nói cười với vẻ trâng tráo của một kẻ ngạo đời trước mắt Thùy Linh. Cô rùng mình, rồi run lên. Cái mà người ta gọi là tình yêu thật kinh khủng.

Từ khi Thùy Linh nhìn vào gương và đỏ mặt nhận thấy hình như mình đã lớn, đã “đàn bà” từ lúc nào đến hôm nay chưa đầy một năm. Chưa đầy một năm, thế mà cô thảng thốt nghĩ đến một ngày, không xa lắm đâu, cô sẽ yêu… sẽ lấy chồng, sinh con. Cô rùng mình, run lên. Họa sĩ cứ đi lại, nói cười với vẻ trâng tráo hết sức, trong khi bóng dáng của Hoàng cứ nhập nhòa như ảo giác.

Một nỗi sợ hãi từ phía khác cũng ám ảnh Thùy Linh, đó là ánh mắt thầy Trần Hới mà cô đã bắt gặp nhiều lần, đặc biệt chiều nay…

Thầy dạy Toán, dạy giỏi hẳn hoi, nói hay nhưng rất điệu. Ví dụ: cho hai điểm M, N… thì thầy cao giọng: “Cho hai điểm em mơ… en nơ!” hoặc: “Từ đó chúng ta… Chúng ta làm sao?… Chúng ta dễ dàng rút ra…” Nói chung cái gì thầy cũng “dễ dàng rút ra”, làm cho học trò phục sát đất.

Thầy hay kể về “ngày xưa” của thầy. Đó là một “ngày xưa” tuyệt vời. Thầy vô địch nơi nào cần vô địch. Có lần thầy đã làm cho Nguyễn Cảnh Toàn, giáo sư Toán nổi tiếng Việt Nam, phải kinh ngạc khi thầy chỉ ra sai sót cơ bản trong một lời giải thần tài của giáo sư! Có lần thầy đã đối thoại với Lê Khâm và Phan Tứ về cuốn Trước giờ nổ súng của Lê Khâm (cuốn sách đang nổi tiếng thời này). Thầy nói Lê Khâm là bạn học của thầy từ thuở hàn vi. Nhà văn họ Lê này đã nghe thầy phân tích kỹ lưỡng cuốn tiểu thuyết nói trên và công nhận là chưa có một nhà phê bình nào phân tích đúng như thầy. Thậm chí nhà văn Phan Tứ (nhà văn bậc đàn anh của Lê Khâm – thầy nói như thế) ngồi bên cạnh cũng phải xuýt xoa khen giỏi.

Thầy còn nói nhỏ (có dặn học trò không được nói với ai) là suýt nữa thầy bị dính vào vụ “Nhân văn giai phẩm” nhân thầy có giúp Phùng Quán viết mấy chương cuối cuốn Vượt Côn Đảo. Đôi khi cao hứng, thầy còn hát cho học trò nghe về các bài hát mà thầy sáng tác. Thầy nói những “hợp âm” đầu tiên của bài Xa khơi là thầy đã tặng Nguyễn Tài Tuệ để nhạc sĩ này phát triển thành ca khúc khét tiếng trong cả nước.

Thầy bị kỷ luật, buộc thôi dạy về coi Phòng Giáo cụ Trực quan vì bị bắt quả tang thầy ăn nằm với một học sinh lớn tuổi. Tuy vậy thầy vẫn không buông tha việc theo đuổi các học trò gái có chút ít nhan sắc. Cứ giờ tan học, bao giờ thầy cũng ra đứng tựa cửa ngóng ra sân trường. Nhiều lần Thùy Linh bắt gặp “tia sáng xanh” của thầy chiếu vào gáy mình. Cô còn cảm giác “tia sáng xanh” rọi vào gáy mình cho tới khi cô vượt ra khỏi cổng trường.

Cô sợ, không phải sợ thầy mà sợ cái gọi là tình yêu sẽ đến trong khi cô không có một chuẩn bị nhỏ nào để đón nó. Thêm nữa, các hình phạt của nhà trường đối với các học sinh lớn tuổi dính vào chuyện yêu đương rất nặng nề làm cô khiếp đảm. “Học sinh không được phép yêu khi đang học!” – Đó không chỉ là lời nhắc nhở thường xuyên của các thầy giáo chủ nhiệm trong các buổi sinh hoạt lớp chiều thứ Bảy, của thầy hiệu trưởng sáng thứ Hai hàng tuần, nó còn được kẻ thành khẩu hiệu ở câu lạc bộ của nhà trường.

“Học sinh không được phép yêu khi đang học!”. Điều ấy đúng, đến bây giờ vẫn đúng, nó giống như tiên đề không phải chứng minh. Có điều thời này khẩu hiệu ấy được thực hiện nghiêm khắc như lệnh thiết quân luật. Các cuộc truy quét các mối tình học trò với học trò, học trò với thầy giáo, học trò với đám sĩ quan trẻ được thực hiện nghiêm túc, triệt để và thường xuyên.

Có ba vụ bị “đưa ra ánh sáng” làm cho học trò thất kinh. Vụ thứ nhất thuộc về cặp học trò lớn tuổi lớp mười. Họ yêu nhau lúc nào không ai biết. Một tốp dân quân làng Chánh Trực tóm được họ trên bãi cát sau làng trong khi cả hai đang ở dạng “vận động viên bơi lội”. Họ bị toán dân quân trói quặt lại, lôi xềnh xệch về trường như hai con vượn bị cạo lông kéo lê trên bãi cát.

Vụ thứ hai là vụ thầy Trần Hới với một học trò lớp chín, hai mươi ba tuổi. Hồi này mối quan hệ giữa thầy giáo và học trò được thiết lập chủ yếu dựa trên “luật cấm cãi”. Thầy Hới đã áp dụng sáng tạo luật này để ép học trò lớp chín, hai mươi ba tuổi chui vào vườn dưa hấu của nhà trường. Người coi vườn sử dụng cái gậy và con chó rất linh hoạt đã tóm gọn được họ. Cả hai bị đẩy vào phòng hiệu trưởng, diễu qua gần ba trăm học trò đang tập thể dục buổi chiều.

Vụ thứ ba thuộc về một nữ học trò đẹp nhất khối lớp mười với một sĩ quan. Hai người bị một lão nông dân kiên trì rình rập ba ngày trời mới bắt được. Viên sĩ quan kia dễ dàng giẫy khỏi tay ông lão, cao chạy xa bay. Nữ học trò “xấu số” bị lão nông dân cởi quai nón cột chặt hai tay lại. Cô khóc lóc thảm thiết van xin lão nông dân tha bổng. Thậm chí cô đã nói: “Bác muốn làm gì cháu thì làm chứ đừng đưa cháu về nhà trường” nhưng lão không chịu. Lão thì còn làm được gì tốt hơn là đem cô nạp cho nhà trường! Tất cả đều được thông báo kỷ luật về địa phương.

Sau ba vụ đó, hầu hết các cặp học trò đã chuyển từ tình bạn sang tình yêu, lại phải vội vàng chuyển từ tình yêu sang tình bạn. Cố nhiên đấy chỉ là phép giao hoán giả vờ cốt để tai qua nạn khỏi.

Trần Hới là thầy giáo đẹp trai, rất đẹp trai. Bất cứ thanh niên nào trong thị trấn cũng không thể có được vẻ đẹp rực rỡ như thầy. Đặc biệt là đôi mắt thầy, cái “tia sáng xanh” ấy đã làm bủn rủn nhiều cô gái.

Thùy Linh sợ, nỗi sợ hãi ám ảnh cô kể từ ngày cô bắt gặp “tia sáng xanh” ấy. Cô không dám nói với ai, kể cả Hoàng. Cô tìm cách chạy trốn. Càng chạy trốn càng bắt gặp. Ban nãy, trước khi về nhà, Thùy Linh đã bị thầy “như mọc ở đất lên” đứng chắn ngang lối đi.

– Thùy Linh à? – Thầy hỏi nhỏ và đưa tay hất mái tóc rất đẹp của thầy lên.

– Dạ. – Thùy Linh cúi mặt trả lời. Cô liếc mắt tìm một lối khác để rẽ.

– Ba đã về chưa em?

– Thưa, chưa.

– Thế chú Tư?

– Thưa, rồi.

– Thế mẹ…

Thùy Linh bắt đầu run. Cô bắt gặp đôi mắt thầy đang cười cười…

– A! Trần Hới! Trần Hới!

Một người ngồi trong quán cháo lòng gọi to. Thầy quay lại. Lợi dụng cơ hội, Thùy Linh rẽ ngoặt, vừa chạy vừa thở như bị ma đuổi…

– Vào đây làm bát cháo cho ấm bụng!

Ôi, cám ơn cái người ở quán cháo lòng. Thùy Linh muốn quay lại nhìn người ấy là ai nhưng cô sợ. Cô chạy vù vù về nhà, hai tai nóng rực…

Mãi ám ảnh về đôi mắt thầy Trần Hới, Thùy Linh giật mình nhận ra cô đã đứng như trời trồng dưới bếp không biết đã bao lâu. Bất giác cô gọi to:

– Mẹ!

Căn nhà lặng ngắt, chỉ có ngọn gió đập cửa khe khẽ.

– Mẹ, mẹ ơi!

Thùy Linh kêu to và chạy ra. Mẹ cô đã đi vắng, thím Hoa đã đi vắng. Linh tính báo cho cô biết thím Hoa đang đi về hướng nào. Cô nhào ra cửa, chạy! Cô chạy đến kiệt sức trên con đường dẫn đến bờ sông Linh.

“Không kịp nữa rồi! Không kịp nữa rồi!”. Thùy Linh chạy trong nỗi thất vọng chua chát cho đến khi gần tới bờ sông Linh thì gặp thím Hoa đang đứng ôm đầu giữa đường.

Có một khoảng cách rất nhỏ, đủ cho một người đàn bà yếu đuối nín thở chạy một hơi là đến túp lều lá mía kia, nhưng thím đã đứng khựng lại. Như người bị choáng, thím quằn quại giữa đường đêm. Hình như thím đã nghe tiếng gọi thất thanh của Thùy Linh. Hình như thím nhận thấy có cái gì phi lý, rất phi lý đã buộc thím trốn con chạy tơi bời trong đêm tối như thế này…

– Mẹ!

Thùy Linh nhào tới ôm chầm lấy thím Hoa. Họ ôm nhau, hai người đàn bà ôm nhau quằn quại. Và khóc, khóc rất to nhưng không ai biết thốt lên một lời nào cho đúng. Không nói được, họ chỉ khóc, chỉ gục vào nhau mà nức nở. Chưa bao giờ họ khóc to thế. Trên con đường dẫn họ về nhà, họ vừa dìu nhau vừa khóc, như là họ đang đưa tiễn một đám tang, có khi còn hơn thế.

Bình luận