Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Mảnh Đời Đen Trắng

Chương Chín

Tác giả: Nguyễn Quang Lập
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Chiến tranh đến. Sau một trăm hai mươi chín ngày thị trấn Linh Giang nát tan như một cái bánh đa dưới sức tàn phá của một quả đấm con quái vật khổng lồ. Trước hết là bệnh viện, khu điều dưỡng: sau đó là bốn tòa nhà cao lớn của huyện ủy và ủy ban; sau nữa là các khu đông dân cư, các công ty xí nghiệp, cửa hàng bách hóa tổng hợp… cuối cùng là một bãi đất trắng, lổn nhổn gạch vụn, sắt thép, những cột nhà cháy ngổn ngang, những hố bom chồng lên những hố bom.

Thị trấn hoang lạnh như một bãi tha ma. Tất cả đã sơ tán ra rừng phi lao, bạch đàn sau thị trấn. Rồi rừng bạch đàn, phi lao cũng cháy rụi. Người ta chạy lùi xa, lùi xa mãi cách thị trấn bảy cây số. Đến đây không ai chạy nữa. Chiến tranh đã cháy lây lan khắp nơi, ngày nào cũng ngun ngút khói lửa, vậy còn biết chạy đi đâu?

Người ta đã liều mạng cắm lều trên bãi cát trắng băng, nhà này tiếp nối nhà khác lần lượt được mọc lên, kiên gan đối chọi với cái chết. Thế mà hóa hay, một thời gian khá dài máy bay Mỹ không tấn công đến những túp lều này, chúng tập trung oanh tạc bến phà sông Linh, dăm bảy cái cầu quanh thị trấn, đặc biệt là các khu chôn giấu dầu lửa. Ngửi thấy nơi nào có mùi dầu là chúng bu bám dai dẳng, ngày này qua ngày khác, tốp này đến tốp khác, bom đạn mù trời, cho đến lúc phuy dầu cuối cùng bốc cháy.

Lúc này vào khoảng năm giờ chiều, bãi dầu phía khu điều dưỡng bị phát hiện. Sau đợt tấn công đầu tiên, tốp F.4H đã xăm trúng một phuy dầu 2.000 lít. Cháy! Cháy ngùn ngụt, một đụn khói đen chọc thẳng lên trời.

Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy từ bụi dứa vụt ra, đứng như trời trồng ngóng về thị trấn. Ông đang đứng cách thị trấn hai mươi bẩy cây, giữa một vùng dứa dại. Phía thị trấn đang đùn lên những đụn khói đen. Cháy! Lại cháy! Bây giờ thì hết lý do để ông quay trở lại nữa. Cái đám cháy kia sẽ kéo dài mấy ngày, có khi mấy tháng. Thật kinh khủng.

Ông ngồi bệt xuống cát, ngơ ngác ngó xung quanh. Đây là chỗ nào nhỉ? Ngút ngàn cây dứa già mọc cao hơn đầu người đứng lặng phắc trước nắng chiều. Quả là nơi lý tưởng để ẩn nấp cho hết cuộc chiến tranh.

Liệu chiến tranh có thể kéo dài bao lâu nữa? Ông không biết! Ông chẳng nhớ gì hết, hai tai ù ù những âm thanh quái đản, trước mắt ông đang nhảy múa những con lân tinh… Ông đói, đói và mệt. Ờ nhỉ, đói khiếp đi được. Ở đây chẳng có gì nhá được. Mẹ khỉ, nơi nhiều khoai lắm lúa thì bom đạn mù trời, nơi yên tĩnh tuyệt vời thì cứt bò khô cũng không có.

Ông chống gối đứng dậy ngó ngu ngơ xung quanh. Một dòng mồ hôi chảy xuống miệng. Ông liếm từng giọt mồ hôi mặn chát. Càng liếm càng thấy đói, đói đứt ruột đứt gan, đói muốn hét váng lên được.

Đã hai ngày ông không có gì bỏ bụng. Thỉnh thoảng, dọc đường bỏ chạy, ông có nhặt được vài củ khoai sống, một ít rau cỏ nhét đầy bốn túi áo “Tôn Trung Sơn”, định bụng sẽ ăn vào lúc đói nhất. Nhưng tất cả đã rơi rụng đi đằng nào hết. Cứ một trận bom, bất kể xa gần, là ông vắt chân lên cổ chạy bán sống bán chết. Ông chạy trốn đã bao nhiêu ngày? Ông không nhớ nhưng hết thảy dân thị trấn thì nhớ như in – một trăm hai mươi chín ngày chứ còn bao nhiêu nữa.

Trận bom đầu tiên sau “cuộc chiến tranh hai mươi phút” đã kéo dài từ chín giờ sáng đến bốn giờ chiều. Lúc bốn chiếc F.4H bay từ Đèo Ngang chọc thẳng vào thị trấn, kẻng báo động bốn phương tám hướng khua vang, ông chạy vọt ra ngõ, ngoái cổ dặn vợ con:

– Mẹ con nó xuống hầm đi. Cứ bình tĩnh…

Nói rồi ông vụt thẳng tới Ủy ban. Đến cách Ủy ban chừng bốn trăm mét, ông đứng khựng lại, ông thấy cả bốn chiếc hình như đang nối đuôi nhau đâm thẳng xuống ngực ông. Ông té xấp xuống đường, hai tay ôm mặt. Một loạt bom kéo một vệt dài từ cửa hàng bách hóa tổng hợp xuống cầu Vĩnh Tét làm rung chuyển thị trấn. Ông nằm chết lặng giữa đường, mồ hôi ướt đẫm.

Rồi ông vùng té chạy, ông chạy cuống cuồng trên đường cái quan. May quá, có một cái hầm tròn đào dở nông choèn nằm sát cột điện. Ông chúi đầu xuống, nằm khoanh tròn dưới hố cho tới chín giờ đêm. Người ta đổ nhào ra đường tìm người chết, người bị thương, bị bom vùi. Nhà cháy rừng rực. Có đến hàng ngàn người lao ra dập lửa. Khoảng mươi phút lại có tin thêm một người chết… xôn xao khắp thị trấn. Tất cả bị xáo trộn hết, không ai nghe ai, không ai chỉ huy ai, mạnh ai nấy làm, tất cả cố gồng lên dập tắt đám cháy lớn nhất trong lịch sử thị trấn.

Đến sáu giờ chiều không khí dịu lại, mọi người ngồi nghỉ ngơi, lúi húi thổi lửa làm cơm, ồn ào những câu chuyện khiếp đảm trận bom vừa rồi. Có hai mươi chín người chết, bốn mươi người bị thương. Nức nở những tiếng khóc tang thương. Hàng xóm lục đục đến thăm viếng. Những xác chết liệm vải trắng, máu đỏ thấm ra ngoài. Hương khói nghi ngút, những gương mặt đau đớn đang kêu gào, những người thân cúi gập lạy tạ…

Thế còn Chủ tịch thị trấn? Thôi rồi! Ông ấy ở đâu? Mọi người bổ đi tìm, đào bới săm soi khắp nơi, không thấy. Chết rồi. Nguy rồi. Làm ăn thế nào mà đến giờ không tìm được ông Chủ tịch. Bà Hiền vợ ông khóc rống lên, cuống cuồng tìm ông khắp các ngã đường.

Ủy ban họp, Đảng ủy họp ra quyết định bằng mọi cách phải tìm cho ra Chủ tịch thị trấn hiện nằm ở đâu. Người này nói: “Lúc tám giờ sáng tôi thấy…”. Người kia nói: “Đến mười giờ trưa hình như tôi thấy…”.

– Thôi! Không bàn nữa! Đi tìm. Chia ra chín nhóm, phân tán ra, thắp đuốc lên!

Vừa lúc ông Huy lù lù xuất hiện. Mọi người ồ lên:

– Bác Huy! Bác Huy đây rồi!

Vợ ông nhào đến ôm lấy hai đầu gối ông mà tủi hờn:

– Thế mà tôi cứ tưởng mình…

– Ối giời ơi suýt chết!

Ông phịa ra ông bị bom vùi như thế nào, lấy que chọc lên làm hiệu với mọi người ra làm sao, cuối cùng ông đã ráng sức mà chui lên.

– Chui mãi rồi cũng lên được. – Ông cười khơ khơ khơ.

Mọi người xuýt xoa khen ông giỏi, thông minh, kiên cường chống chọi với cái chết… Ông gãi đầu:

– Tôi ngồi dưới hầm nóng ruột thấy mẹ không biết bà con làng xóm ra sao…

Tất cả lại ồ lên. Người khen thật lòng có, người nịnh có, về tinh thần vì bà con làng nước của Chủ tịch thị trấn. Ông cười tít mắt.

Phải đến vài trận bom sau người ta mới chắc mẩm ông Huy đã phịa ra vụ bom vùi để chữa thẹn. Thực tình ông đã khoanh tròn dưới hầm cá nhân nông choèn đến chín giờ đêm mới ló mặt lên. Sau đó nhiều người đã bắt được quả tang ông khi thì chui trong cái cống nước, khi thì rúc dưới gầm bàn, khi nằm co ro dưới cái ao cạn nước… mỗi bận có máy bay oanh tạc. Ông khiếp đảm đến nỗi trận bom đã dứt từ lâu mà ông vẫn chưa dám chui ra khỏi nơi ẩn nấp, tay chân mồm mũi lưng bụng cứ run lên bần bật. Ông là người đầu tiên kéo vợ con chạy mãi, chạy mãi đến bảy tám cây số vẫn chưa dám dừng.

Bà Hiền, vợ ông mếu máo:

– Mình là Chủ tịch mà chạy thế… Còn ngước mặt lên nhìn bà con làng xóm làm sao?

Ông quát:

– Ông đấm c. vào cái Chủ tịch. Ông chết, có lấy cái Chủ tịch mà cứu sống ông được không hả?

Đại úy Thìn đã tìm ông. Đại úy giận lắm, không ngờ Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy lại hèn nhát đến thế. “Phải củng cố tinh thần tiến công cách mạng cho tay này”, Đại úy ngẫm nghĩ và bỏ chút thời gian quý báu trong cuộc chiến căng thẳng này, mầy mò đi tìm ông.

Đại úy nói:

– Anh nghĩ sao về ý chí chiến đấu của người cộng sản?

Ông Huy xua tay:

– Thôi đi bác ơi, tôi chán cái ý chí của bác lắm rồi. Tôi sợ lắm. Trước đây các bác nói người cộng sản là xương sắt da đồng, tôi tin. Bây giờ… Mẹ! Bố láo. Chỉ một quả rốc két là nát như cám…

Đại úy mặt nóng phừng phừng, quát to:

– Đồng chí Lê Đức Huy.

Ông Huy rướn cổ gào to:

– Tôi không đồng chí, đồng chiếc gì hết nữa. Tôi chết… vợ con tôi ai lo? Bác có sống thay tôi được không? Mà tôi là Cu Lùn, Cu Lùn! Bác hiểu chưa? Không Lê Đức Huy, Lê Đức Hiếc gì cả!

– Đồ hèn! Mày là thằng hèn!

Đại úy nghiến răng ken két, bước ra khỏi nhà. Thế là hết, con người tin cậy cuối cùng của Đại úy đã bỏ chạy.

Đã bỏ chạy tất cả, không đúng, tất cả đã bỏ rơi Đại úy. Đầu tiên là người vợ xinh đẹp, sau đó là đứa con gái duy nhất. Họ đã bỏ Đại úy ra đi không chút luyến tiếc. Rồi người bạn chiến đấu của Đại úy, Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, giờ đây gặp Đại úy mặt lạnh lùng, khinh khỉnh. Người cuối cùng mà Đại úy luôn luôn tin tưởng đấy là con người trung thành nhất, ấy là Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy, đã trở thành một con chuột nhắt, suốt ngày chui nhủi trong các hầm hào, công sự, bụi rậm không dám ló mặt ra.

Từ chỗ là người có vị trí quan trọng nhất thị trấn, Lê Đức Huy đã trở thành kẻ hèn nhát bậc nhất, hèn nhát hơn cả đám tiểu tư sản có trong danh sách hai trăm chín mươi tám người bị nghi vấn là những kẻ chống đối cách mạng. Bởi vì hai trăm chín mươi tám người kia, khi chiến tranh đến, người thì nhập ngũ, kẻ thì cầm súng đánh nhau với không lực Hoa Kỳ, số còn lại đều lao vào lửa để chữa cháy, cứu thương… Có người đã ngã xuống đẹp như một người anh hùng. Còn con người ba đời cùng khổ kia đã bỏ chạy ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến, ném tất cả chức vụ, uy tín, Đảng Đoàn vào sọt rác để cao chạy xa bay. 

– Tôi là Cu Lùn! Bác hiểu chưa? Không Lê Đức Huy, Lê Đức Hiếc gì cả!

Thế đấy! Không còn biết sỉ nhục là gì nữa.

Chủ tịch thị trấn ngày ngày tìm cách trốn bom đạn. Ở đâu ông cũng không an tâm, hầm nào ông cũng thấy không chắc chắn. Ông trốn nhờ hầm nhà này vài giờ, lại chui sang hầm nhà kia… Cứ thế, cứ thế. Mỗi bận bà Hiền xách cơm tìm ông ngót nghét vài giờ đồng hồ mới thấy. Nhiều khi bà tính cắn lưỡi mà chết vì không chịu nổi sự gièm pha cười cợt của người đời. Ông trở thành biểu tượng hèn nhát có một không hai trong thị trấn, các giai thoại về sự hèn nhát của ông phát triển lây lan đến độ không còn quản lý được nữa. Bà Hiền cúi gầm mặt trước mọi người, cúi gầm như thế ngày này qua tháng khác. Cho đến một ngày, cách đây hai ngày, ông biến mất tăm, không ai còn thấy nữa.

Bà Hiền vừa cười vừa khóc. Cười, vì nhẹ nợ. Khóc, vì dù sao cũng mất một người chồng. Thế là hết, là chấm hết. “Ối ông ơi là ông ơi…” Bà lu loa một chập rồi ngửa cổ cười dài, vô duyên như một con vượn cái…

Bây giờ là năm giờ chiều. Ông ngồi giữa một rừng cây dứa dại, thè lưỡi liếm mồ hôi, liếm, liếm, liếm… Ông liếm từng giọt mồ hôi mặn chát. Càng liếm càng thấy đói, đói đứt ruột đứt gan, đói muốn hét váng lên được. Ông ngồi rũ ra, ngó ngơ lên ngọn cây dứa dại. Bỗng ông thấy một con rắn mối. Ông đứng dậy, rón rén, rón rén, hồi hộp tiến tới gần. Chộp! Trượt. Chộp! A ha, ông túm được cổ nó rồi. Một con rắn mối béo ngậy. Ông ngó sang các cây dứa dại khác, ối chao nhiều quá, nhiều quá. Bao nhiêu là rắn mối. Thế là ông sống rồi, sống được rồi, lại đàng hoàng chứ không bỡn. Ở đây an toàn lắm, an toàn lắm. Lại có cái để nhá, khỏi phải ăn xin. Rõ ràng Cu Lùn ngày nay khác hơn Cu Lùn ngày xưa một bậc. Ông cười tít mắt.

***

Đại úy Thìn đạp xe qua thị trấn lổn nhổn gạch vụn, tràn ngập hố bom, tìm về thị trấn lúp xúp những lều tranh mọc la liệt trên bãi cát trắng tinh.

Cuộc chiến đã đi vào giai đoạn quyết định. Không còn bóng dáng thị trấn cổ kính, ẩn khuất dưới những tàng cây cổ thụ bên sông Linh. Chỉ còn những ụ pháo mới lên, những chiếc xe cháy cong queo, những đống gạch vụn ngổn ngang, những hố bom mới đùn lên…

Đại úy thở dài, ông thấy bất lực, lần đầu tiên trong ba mươi năm mặc áo lính ông thấy bất lực. Đại úy thấy mình đã kiệt sức trong khi chưa có dấu hiệu gì báo cho ông hay cuộc chiến sẽ tàn. Với Đại úy và trung đoàn pháo năm bảy li của ông, đây là cuộc chiến đấu không cân sức. Có cái gì bí hiểm, vượt ra ngoài khả năng hiểu biết của Đại úy, làm cho ông lúng túng. Sáu chục trận chiến đấu của trung đoàn ông với máy bay Mỹ đã không đem lại chiến thắng gì, dù nhỏ. Số thương vong tăng đến mức báo động. Đại úy đã gồng mình để chống cự với tất cả các tình huống nguy hiểm của cuộc chiến. Nhưng vô hiệu. Càng nóng ruột vì sự thua thiệt Đại úy càng gồng lên, càng gồng lên càng thua thiệt. Nhiều khi uất quá, Đại úy gồng lên đau đớn và tức tối, rồi ôm mặt khóc thầm sau mỗi lần chiến bại. Vinh quang Đại úy dành được trong một trăm hai sáu trận thắng Pháp năm xưa đã bị sáu mươi bảy trận chiến bại ngày nay làm lu mờ. Thế đấy! Đời thằng lính là vậy! Cái chết và vinh quang chỉ gần nhau gang tấc, và vinh quang ngày hôm qua chẳng giúp ích gì cho danh dự của anh trong trận chiến bại ngày hôm nay.

Cule trông thấy Đại úy cắm cúi đi về phía nhà mình liền hét toáng lên:

– A Đại úy Thìn, bác Thìn! Thùy Linh ơi, ba đến!

Thùy Linh vụt đứng dậy, chực chạy ra, nghĩ thế nào cô lại ngồi xuống, lặng lẽ nhìn ra.

Đại úy bước vào, gật đầu chào Cule:

– Vẫn mở quán thịt chó à?

– Vẫn, thưa bác em là em không thua Đế quốc Mỹ đâu. Bác xem khẩu hiệu của em kìa…

Cule chỉ lên vách. Có hai hàng khẩu hiệu kẻ ngay ngắn. Dòng bên trái đề: “Quán thịt chó Cule quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Dòng bên phải đề: “Đ. Mẹ Đế Quốc Mỹ”.

Đại úy chỉ khẩu hiệu bên phải phê bình:

– Thiếu văn hóa!

Cule chập hai tay, khúm núm thưa:

– Đối với thằng Mỹ, chửi thế mới đã. Nói năng lịch sự với nó không ăn thua.

Đại úy nhếch mép cười. Thùy Linh bước ra, hỏi khẽ:

– Ba mới về?

Đại úy quanh lại, vồn vã:

– Ừ, ba đi tìm con đây. Cũng phải xem con sinh sống ra sao. Thú thực dạo này ba bận quá…

– Lúc nào ba chả bận. – Thùy Linh nói, mặt lạnh tanh.

Đại úy cười, xoa đầu Thùy Linh, cố tình làm lành:

– Kể ra ba có lỗi với con.

Thùy Linh lắc đầu, mắt rực sáng:

– Ba không có lỗi gì với con cả. Ba có lỗi với nhiều người khác.

Đại úy nghiêm mặt:

– Người khác là người nào?

Thùy Linh ngước lên, vẫn đôi mắt rực sáng dọi thẳng vào mắt Đại úy:

– Đến bây giờ mà ba còn hỏi! Thế mẹ con đâu? Chú Tư đâu? Bác Thanh đâu?

Đại úy cười khẩy:

– À, họ là những phần tử chống Đảng. Cách mạng đã trừng trị theo pháp luật. Ba không có lỗi gì với họ hết.

Thùy Linh đứng dậy, bước lùi mấy bước, đứng tựa vào vách hổn hển thở. Cô buồn nôn. Có cái gì ghê tởm đang ứ đầy trong cổ. Cô hét lên, toàn thân run bắn:

– Thế thì ba đi đi! Ba đi đi! Ba… cút đi!

– Câm mồm! – Đại úy trợn mắt quát lớn: – Đồ mất dạy!

– Con phải nói! – Thùy Linh khóc òa. Cô nghẹn ngào khóc, kể: – Mẹ con chết rồi, ba biết chưa?

– Cái gì?

– Mẹ con chết rồi, nhảy xuống sông tự vẫn! Ba mừng chứ, phần tử chống Đảng đã chết… ba mừng chứ? Hả? Ba mừng chứ?

Đại úy run lên, đứng như trời trồng, ông không biết nói gì, làm gì. Ông bước ra khỏi nhà, chạy. Ông chạy tơi bời trên trảng cát, ngực đẫm mồ hôi. Mệt quá. Khát quá. Ông cứ chạy, chạy miết. Đến đơn vị vào lúc năm giờ chiều, ông quỵ xuống trước ba-ri-e sở chỉ huy trung đoàn.

Hạ sĩ gác cổng bỏ vị trí chạy ra đỡ ông dậy, hét to:

– Trung đoàn trưởng bị thương! Cứu thương đâu? Cấp cứu!

***

Cule dìu Thùy Linh vào buồng, luống cuống pha cho cô một cốc nước chanh:

– Uống đi cháu. Phải bình tĩnh…

Thùy Linh đỡ lấy cốc nước chanh uống ừng ực. Cô ngước lên, đờ đẫn:

– Bác bảo bây giờ cháu phải làm gì?

– Cứ ở đây với bác.

Cule chặt tay vào không khí, tuyên bố. Thùy Linh lắc đầu:

– Đã đến lúc cháu muốn chết…

– Ỉa mồm! Bom đạn đầy trời, cháu cứ nói gở.

Thùy Linh ngã xoài xuống giường, khóc rưng rức.

Còn ai để cô có thể bày tỏ được nỗi niềm? Hoàng đã nhập ngũ. Nhập ngũ vào đúng năm giờ sáng hôm qua. Anh bỏ nhà ra đi, tìm đến một đơn vị bộ đội nào đó, cho đến giờ vẫn không có tin tức gì. Không ai cho anh vào bộ đội thì anh trốn. Anh đã chán ngấy cái cảnh suốt ngày tha thẩn ở nhà, ăn và trốn bom đạn… Thêm vào đó, ba anh như người mắc chứng tâm thần, suốt ngày ngồi dính chặt vào ghế không đi đâu, nhìn vào bóng mình mà nói. Nói miết… đến ngủ ông cũng ngủ ngồi như thế. Bừng tỉnh, dụi mắt một cái, lại nhìn vào bóng mình mà nói.

Có lẽ bao nhiêu năm nay ông đã nhẫn nhục im lặng trước mọi chuyện ở đời. Bây giờ ông tự thấy cần thiết phải nói. Ông cho cái bóng của ông là người khác, người khác chứ không phải ông, và hôm nay cái bóng là người này, ngày mai nó là người khác. Vậy là ngày nào ông cũng tâm sự được một người.

Ông nói rất nhỏ, đủ cho “người đó” nghe về tất cả các quan điểm của ông, về cách nhìn người, cách đánh giá các quy luật đời sống, về các nghị quyết vô bổ, ông biết là vô bổ mà ông vẫn ký, về các bài diễn văn vỗ về dân chúng của ông, về cái trò phù phiếm cờ đèn kèn trống mà ông đã bịa ra để cố chứng minh đời sống chúng ta mới tốt đẹp làm sao, về các tràng vỗ tay lừa ông và ông đã lừa mọi người để giành được các tràng vỗ tay, về những kẻ xun xoe ông và ông đã xun xoe những kẻ khác, về các con đường làng rợp cờ đỏ đón ông và những cái bếp lạnh tanh lèo tèo vài củ khoai nướng dở, về sự nhất trí mà ông đòi hỏi mọi người và những kẻ đã bị ông kỷ luật về tội không nhất trí, về những kẻ có học nhưng ương bướng và những thằng ngu luôn sẵn sàng nhất trí cao ý kiến của ông…

Ông nói nhỏ, rất nhỏ, vì vẫn sợ người khác nghe lọt sẽ nguy hiểm. Nói nhỏ cũng là nói, còn hơn im lặng. Hai sáu năm ông đã im lặng, rất nhiều người hỏi ông nhưng ông đã im lặng, giờ chẳng ma nào hỏi thì ông nói. Càng nói càng thích nói, càng có cảm tưởng nhiều người nghe ông nói. Khi ông bừng tỉnh là đã có một người trên vách chờ ông rồi…

Riêng Hoàng, anh đã hết sức chịu đựng sự lạnh lẽo lẫn chút ma quái trong căn nhà này. Bao nhiêu lần anh viết đơn nhập ngũ, bấy nhiêu lần anh bị gạt ra. Lý do thật đơn giản: anh là con trai một, con một đồng chí Bí thư huyện ủy về hưu không có người đỡ đần. Lại nữa: anh bị kỷ luật vì tội hủ hóa với Thùy Linh. Người ta không bao giờ chấp nhận một tên hủ hóa đứng vào hàng ngũ những người lính dám hy sinh cho Tổ quốc.

Sau lần Hoàng đưa thư vĩnh biệt của Họa sĩ Tư đến cho Thùy Linh và bị Thùy Linh đuổi ra khỏi nhà, đã làm anh chán nản đến kiệt sức. Hoàng không thể hiểu vì sao Thùy Linh lại nổi giận với anh. Anh có tội gì? Sự thật vẫn là sự thật. Vô lẽ anh không đưa thư đấy cho Thùy Linh thì mẹ cô vẫn sống hay sao? “Cút ngay! Đồ… độc ác! Cút đi! Tôi đã bảo là cút đi mà. Tôi ghê tởm lũ các người! Tôi ghê tởm…” Bốn năm sau, khi đã trở thành một người lính dạn dày sương gió, Hoàng mới hiểu đó là phản ứng của nỗi đau, bởi vì Thùy Linh không bao giờ dám tin sự thật khủng khiếp kia, cô kinh sợ sự thật ấy dội vào đời cô, không ngờ chính anh đã làm cái việc dại dột đó.

Đó là bốn năm sau, còn bây giờ Hoàng cảm thấy bị xúc phạm, trái tim non nớt của anh chưa quen chịu đựng các chấn động lớn, giờ đây đã bị thương… Anh lánh mặt Thùy Linh. Nhiều lần Thùy Linh tìm anh đều bị anh từ chối, “miễn tiếp xúc”. Lần cuối cùng là buổi chiều nóng nực cách đây năm ngày, Thùy Linh như từ dưới đất mọc lên, đứng sững trước mặt Hoàng. Anh không kịp lẩn trốn, buộc đứng lại hỏi:

– Em đi đâu?

– Đi tìm anh. Nếu anh thích trốn em thì cứ việc… Em cứ đi tìm. Đố anh trốn được chỗ nào mà em không nom thấy.

Thùy Linh nói, môi run run. Cô muốn khóc, muốn khóc quá. Ôi, Hoàng ơi, Hoàng ơi, Hoàng ơi… Sao ngốc thế? Sao ngốc thế? Em yêu anh, em nhớ anh đến cháy gan ruột thế mà anh cứ lạnh tanh khi thoáng thấy bóng em. Tại sao thế?

Hoàng cười:

– Tìm tôi làm gì? Tôi ghê tởm thế, cô còn tìm tôi?

Thùy Linh đứng cúi đầu. Cô khóc thầm. Những giọt nước mắt cay đắng chảy ròng ròng trong ngực cô. Hoàng bỏ đi, hai tay đút túi, mặt vênh váo, khinh đời.

– Anh Hoàng!

Thùy Linh kêu to, đuổi theo. Cô níu áo anh, lắp bắp:

– Anh đừng giận… Em có lỗi… em xin… đừng giận em…

Hoàng nhìn cô khinh khỉnh:

– Thùy Linh chẳng có lỗi gì cả. Em rất sạch sẽ thơm tho vậy làm sao mà có lỗi? Chỉ có tôi, ghê tởm như tôi, mới có lỗi…

– Thôi mà, em xin… – Thùy Linh khụy xuống, tay bíu áo Hoàng, mặt ngước lên thành khẩn như con chim trước tượng chúa. Thế mà Hoàng dứt áo bỏ đi. Dù Thùy Linh van vỉ, anh vẫn hai tay đút túi quần thủng thẳng bước đi, mặt vênh váo khinh đời. Thùy Linh đứng ôm đầu. Tất cả đều đảo lộn. Những đụn cát xoay vòng, những cây phi lao chọc ngọn xuống đất, mặt trời quay tít mù… Cô gục xuống, lịm dần giữa bãi cát nóng rực.

Đến sẩm tối, một người cúi xuống, bế xốc thân thể nóng rực của cô, lúi cúi đi trong bóng tối. Có tiếng máy bay! Pháo sáng dọi ánh sáng vàng ợt tỏa khắp. Người đó bế Thùy Linh xuống hầm. Tối quá. Không nhìn thấy gì cả. Hình như cô đang bay, hình như thế. Cô là chim, Hoàng cũng là chim. Cả hai bay bay bay. Cô thì gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”, Hoàng thì gọi: “Thím ơi! Thím ơi!”. Vang cả núi rừng. Cô gặp mẹ, ôi chao mẹ vẫn trẻ, vẫn đẹp như ngày xưa. Hai mẹ con ôm nhau. Mẹ cô hôn cô điên dại. Hôn hôn hôn… Cô ngột thở, lại hôn hôn hôn… Và Hoàng nữa, Hoàng cũng hôn hôn hôn… Cô và Hoàng vùi trong cát, vùi trong nước… rối rít trong cuộc tìm kiếm đực cái muôn năm của người đời. Thùy Linh rên rỉ trong hầm tối, và khóc, và cười, và cắn vào vai Hoàng, và lịm đi.

Rạng sáng, hai khối ánh sáng từ hai cửa hầm từ từ lăn dần vào. Thùy Linh bừng tỉnh, cô nhìn cô, tràn trề một màu da trắng nõn. Cô nhìn sang bên cạnh, bỗng kinh hoàng rú lên:

– Thầy!

Trần Hới lật người cười mỉm:

– Em đừng hét to như thế.

– Thầy… – Thùy Linh run bắn người, mặt tái nhợt: – Thầy… đã… làm… cái… trò… gì?

Cô vội vã mặc quần áo chạy ra khỏi hầm, lao như điên về quán thịt chó Cule. Mặt trời lên đỏ rực. Trời xanh thế kia nhất định lại bom rơi đạn nổ, một ngày chết chóc nữa lại đến…

***

Đại úy Thìn bị điều động lên làm Phó ban tác chiến sư đoàn. Đại úy thừa biết đây là hình thức cách chức nhẹ nhàng tình cảm nhất. Đại úy ngậm đắng nuốt cay xách ca-táp lên sư đoàn, lẳng lặng ngồi vào ghế phó ban tác chiến – một cái ghế hữu danh vô thực. Không ai dám nói với Đại úy rằng ông là một trung đoàn trưởng kém năng lực nhất, rằng ông không còn phù hợp với cuộc “chiến đấu hiện đại” ngày hôm nay, rằng sự liều mạng mà nhờ đó ông đã đánh Đông dẹp Bắc thời kháng Pháp đã trở thành nguyên nhân của liên tiếp các trận chiến bại của trung đoàn do ông chỉ huy và làm tăng nhanh số thương vong đến mức báo động.

Sáu mươi bảy trận chiến đấu với máy bay Mỹ, dưới sự chỉ huy của ông, trung đoàn ông đã tiêu tốn một khối lượng đạn bằng ba trung đoàn bạn chập lại, số tử vong và thương vong đạt đến con số kinh ngạc: bằng 70% quân số tử vong và thương vong trong sư đoàn. Đã thế, đắng cay thay, trung đoàn không bắn cháy được một chiếc máy bay nào, các khu vực do trung đoàn bảo vệ đều nát như tương.

Thế thì Đại úy bị cách chức là việc đương nhiên. Nhưng vì vầng hào quang mà Đại úy giành được thời kháng Pháp sáng chói đến nỗi sư đoàn trưởng, nguyên là cấp dưới của Đại úy, không dám mở mồm nói với Đại úy rằng ông là kẻ bất tài hoặc hết năng lực chỉ huy; và nếu cứ để Đại úy liều mạng đánh nhau với tàu bay Mỹ như thời “mã tấu tầm vông” thì nguy to, rốt cuộc chẳng lấy đâu quân số bổ sung cho Đại úy.

Quyết định điều động Đại úy lên ban tác chiến sư đoàn được đưa ra vì một lý do khác: ban tác chiến quá cần một sĩ quan dạn dày kinh nghiệm như Đại úy, nếu không có Đại úy hỗ trợ, ban tác chiến sẽ rất lúng túng khi phải tham mưu cho Sư đoàn một lúc nhiều phương án chiến đấu cho bốn trung đoàn thuộc quyền chỉ huy của sư đoàn.

Đại úy thừa hiểu đây là cách nói khéo của vị sư đoàn trưởng vốn rất kính nể ông. Đại úy lên ban tác chiến được một tuần, người ta vẫn tỏ thái độ trân trọng “xin anh có ý kiến” nhưng không ai nghe theo ý kiến của ông. Họ lẳng lặng làm theo ý họ.

Chiến tranh đạt đến độ căng thẳng, công việc ban tác chiến chất chồng, các sĩ quan túi bụi, ngược xuôi toát mồ hôi, riêng Đại úy gần như bị bỏ rơi, suốt ngày ngồi bên bàn với ấm nước chè loại ba hào không ai nhờ vả việc gì, ngoại trừ “xin anh có ý kiến” mà Đại úy cũng thừa biết đó là “động tác giả”, “xin” nhưng không “nghe”, đó là sự thật cay đắng mà Đại úy buộc phải chấp nhận. “Nghe theo ông ấy có mà chết”, nhiều người nói sau lưng Đại úy như vậy. Quả như vậy thật, nếu cứ bày binh bố trận theo ý đồ của Đại úy thì chỉ “nướng” quân mà chẳng đạt hiệu quả gì cả. Ai cũng biết thế nhưng chẳng ai dám nói với Đại úy. Còn Đại úy thì không nghĩ như thế, ông vẫn tin ông là một trung đoàn trưởng cự phách, tất cả ý đồ chiến thuật của ông nếu được thực hiện nhất định sẽ thành công. Có điều, đã đến lúc Đại úy bị nghi ngờ.

Đại úy nghĩ là ông đã bị đánh cái dấu chân gà thứ nhất vào lý lịch của mình khi ông cưới thím Hoa, cháu nội một địa chủ cỡ bự. Dấu chân gà thứ hai đậm hơn mới đánh dấu gần đây là việc Họa sĩ Tư, một tên tư sản phản động – công bố Đại úy là anh cùng cha khác mẹ với hắn. Dấu chân gà thứ ba, hóa ra vợ Đại úy cũng là một tên tư sản phản động “có nhiều hoạt động chống lại công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở huyện nhà”… Dấu chân gà thứ tư, con gái Đại úy cũng là một đứa chơi bời lêu lổng, hủ hóa lung tung, nhất định nhiễm phải nọc độc tư sản phản động của mẹ nó và chú ruột nó, ấy là Họa sĩ Tư. Một trung đoàn trưởng có bốn cái chân gà ấy hằn sâu trong lý lịch như vậy làm sao có thể làm trung đoàn trưởng được.

Ông đau đớn nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình. Rõ ràng, sau ba mươi năm cầm súng với tất cả tinh huyết của một người lính, ông đã bị nghi ngờ về lòng trung thành của ông đối với Đảng. Đối với ông, đấy là nỗi thất vọng kinh khủng nhất mà ông buộc phải nhận lãnh không một lời ca thán. Bởi vì chính ông đã ràng buộc số phận mình với quá nhiều người bất chính. Làm sao có thể thanh minh được? Ông nghĩ mãi vẫn không ra…

Có lần, ông đã hỏi điều này với trưởng ban tổ chức sư đoàn và được trả lời bằng một tràng cười sảng khoái:

– Ối giời ơi, bác Thìn ơi! Bác đa nghi như Tào Tháo! Có ai ngu lại đi nghi ngờ bác?

Đại úy không tin. Cán bộ tổ chức là vậy: Nói cười, bắt tay tâm sự… cứ như không, nhưng bụng nghĩ thế nào thì đố ai mà biết được. Đại úy trực tiếp hỏi sư đoàn trưởng, lại bắt gặp tràng cười kia:

– Ô hô hô! Anh là chúa nghi vấn! Lòng trung thành của anh đối với Đảng, tôi đố ai mà bì kịp. Khiếp, anh lại còn sợ tôi nghi ngờ anh…

Đại úy vẫn không tin. Đã nghi ngờ làm sao người ta nói thẳng cho ông được mà hỏi. Vô duyên. Đại úy buồn rầu tự trách mình. Cái số ông nó thế, không dưng lại tròng vào cổ cái lý lịch có nhiều vết đen đến thế.

– Chó chết! – Đại úy đập bàn kêu to.

Các trợ lý thất kinh, ngó sang bàn Đại úy làm việc. Mặt Đại úy đỏ rực. Đại úy bảo ai là chó chết? Tại sao lại đập bàn?

– Tôi có một lý lịch chó chết! – Đại úy nhắc lại.

À, thì ra thế. Mọi người cười to, ôm bụng cười, lăn ra mà cười và bu đến xoa dịu Đại úy bằng những cái vỗ vai, những lời xun xoe to nhỏ. Đại úy bỏ đi, đứng giữa sân, ngửa cổ cười sằng sặc.

Rồi Đại úy về thị trấn Linh Giang. Tin Đại úy bị cách chức đã loang rộng trong thị trấn. Bác Cả Rí kêu to khi trông thấy bóng Đại úy:

– Bác Thìn! Bác Thìn!

– Cái gì mà hét ầm lên thế? – Đại úy lừ lừ nhìn bác Cả Rí.

– Cơ khổ bác! – Mồm bác Cả Rí méo xệch.

– Là ý làm sao? – Đại úy hất hàm hỏi.

– Con gái bác nó sắp làm bà Phó bí thư huyện đoàn.

– Đừng giỡn!

Đại úy gạt bác Cả Rí đi thẳng. Bác Cả Rí kêu to:

– Đả đảo Đế quốc Mỹ!

Đại úy quay ngoắt lại, chỉ vào mặt bác Cả Rí:

– Anh đả đảo Đế quốc Mỹ hay đả đảo tôi? Anh nghi ngờ tôi là Việt gian bán nước phải không?

– Ấy chết! Bác nói thế tội em. Là em nói thằng Mỹ nó ác, nó đem máy bay ra đây ném bom. Ấy là phải làm hầm mà trốn bom đạn… Tức là có chỗ hủ hóa tốt… tức là nguy… Mẹ kiếp!

Đại úy lắc đầu, đi thẳng. Ông biết bác Cả Rí nói lỡm vụ con gái ông ăn nằm với Trần Hới trong hầm, người ta đồn thế. Đại úy trực tiếp hỏi Trần Hới:

– Có đúng như vậy không?

Trần Hới cả cười:

– Tôi là Phó bí thư huyện đoàn, bác nhớ cho.

– Nghĩa là thế nào? – Đại úy trố mắt.

Trần Hới chắp hai tay sau lưng bỏ đi. Được một đoạn, anh quay lại cười khẩy:

– Nghĩa là lần sau bác đừng hỏi tôi những câu hỏi dớ dẩn kiểu ấy!

Đại úy đã hết thời, chẳng còn uy tín lớn lao nào đối với huyện nhà nữa. Bây giờ ông chỉ là “thằng trợ lý tác chiến” quèn, phỏng có ích gì khi dọa nạt Trần Hới. Cũng như ông Lanh, phỏng có ích gì khi ông đã rời huyện vào làm một phó ban trong tỉnh ủy.

Bố vợ Trần Hới đã hết thời. Sau khi ông Thanh rời huyện ủy ba tháng, ông Lanh luống cuống như gà mắc tóc. Công việc ở huyện rối tinh cả lên, không cách gì quán xuyến được. Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh đã về hưu, cái cẩm nang của ông đã bốc cháy. Một mình ông giữ hai chức vụ: bí thư và chủ tịch huyện, y như hai trái núi đè lên mình ông. Rồi chức bí thư sang vai một người khác, một mình ông gánh vác chức chủ tịch huyện cũng không xong. Tất cả đã bị bom đạn xới lên, không cách gì lập lại được trật tự. Càng gỡ rối càng rối thêm. Ông bù đầu bù tai, nhớ trước quên sau, quên cả việc quan trọng: tìm cách đẩy tay bí thư huyện đoàn cũ sang vị trí khác, đổi cái “ghế” trống này cho Trần Hới.

Cho đến lúc ông bị điều lên cơ quan tỉnh ủy, cái việc quan trọng ấy vẫn chưa thành. Ông đi được dăm bảy hôm, Trần Hới đưa đơn li dị cô giáo Cam vì lý do đã xấu xí lại dám ngoại tình. Ông Lanh không tin, con gái ông mà ngoại tình? Vô lý. Nó xấu thế, dám ngoại tình với ai và ai dám ngoại tình với nó? Khỉ!

Ông Lanh tìm gặp Trần Hới:

– Mày nói thẳng đi, con Cam có ngoại tình thật không?

Trần Hới cả cười:

– Ba nói thẳng đi, tại sao ba lại hỏi tôi câu đó?

Ông giận run người, nghiến răng quát:

– Tao nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà!

Trần Hới chắp hai tay sau lưng bỏ đi. Được một đoạn, anh quay lại cười khẩy:

– Ba ngây thơ lắm.

Đúng là ông Lanh thật ngây thơ, cũng như Đại úy Thìn thật ngây thơ. Ông Lanh đã hết thời, cũng như Đại úy đã hết thời, chẳng còn uy tín lớn lao nào đối với huyện nhà nữa. Ông ngơ ngác nhìn Trần Hới đang thủng thẳng bước đi. Một cái bóng cao lớn, trùm lên lối dẫn vào văn phòng huyện ủy.

Đại úy đứng ngơ ngẩn giữa đường. Ông đi thẳng về nhà Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy. Quen chân thì Đại úy bước chứ có còn cái ông chủ tịch ấy nữa đâu mà tìm về. Ông ấy đã cao chạy xa bay.

Đại úy bước vào nhà. Bà Hiền ngồi trên chõng tre, nhìn ra đường, mặt mày cứng đờ, xanh tái.

– Chị Hiền!

Bà Hiền không trả lời. Nhìn Đại úy từ đầu đến chân lại nhìn từ chân lên đầu.

– Ối anh ơi!

Bà lao đến ôm chầm lấy Đại úy. Bà ôm lấy Đại úy hôn lấy hôn để. Rồi bà rối rít xoa lưng, xoa ngực Đại úy… thọc tay vào lưng quần Đại úy.

– Chị này, ơ!

– Hà he he! – Bà Hiền cười ngặt nghẽo: – Cho em xem một tý. Em thèm…, (i a) là thèm… (i a). Ôi anh ơi, anh bỏ đi đâu mà lâu thế (i a)…

Bà Hiền vùng chạy khỏi nhà, bẻ một cành phi lao khua khua, nhảy tâng tâng:

– Em thèm… ối anh ơi… vì tình sâu nghĩa nặng… một vợ hai con, là em đây, một vợ hai con… (í a)… cơ chi mà anh chui là chui bụi chuối… anh chui là chui… bụi cà… Máy bay! Máy bay! Anh Huy ơi, Alô…

Đại úy Thìn nhìn bà Hiền quay cuồng trước mặt như một con vượn cái động đực, ông cúi đầu nghĩ thầm:

“Bà ấy điên từ lúc nào thế nhỉ?”

Bình luận