Đại úy Thìn trở về vào lúc trời tối mịt. Tình hình chiến sự ngày hôm đó đã buộc ông không thể về sớm hơn dù vào khoảng bốn giờ chiều, ông đã biết thím Hoa bỏ nhà ra đi.
Sau đợt máy bay ném bom vào thị trấn, không khí bình an đã trở lại như cũ. Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo tám chiếc máy bay bị ta bắn rơi. Anh hùng Nguyễn Viết Xuân trước lúc hy sinh đã để lại cho cuộc chiến tranh một khẩu hiệu nổi tiếng: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Trung đoàn pháo của Đại úy tiêu tốn hơn một trăm hòm đạn lớn chỉ được trên công nhận bắn được một chiếc bị thương từ hướng 34. Tất nhiên Đài Tiếng nói Việt Nam không hơi sức đâu mà thông báo loại máy bay bị thương. Biết để mà vui với nhau, an ủi với nhau, trong trung đoàn vậy thôi.
Đại úy rất bực bội vì chuyện này. Ông đã làm một “tăng” dài trước các sĩ quan thuộc quyền ông trong giờ giao ban hàng ngày. Lệ thường giờ giao ban chỉ kéo dài một tiếng rưỡi, từ mười lăm giờ đến mười sáu giờ ba mươi, nhưng Đại úy đã nói hết hai giờ, các sĩ quan phân bua mất hai giờ, sĩ quan trực chiến thông báo tình hình chiến sự mất nửa giờ, Chính ủy Trung đoàn đọc thư khen các tiểu đoàn mất mười phút, đọc “Quyết tâm thư” gửi lên cấp trên mất bốn mươi lăm phút, nên mặc dù giờ giao ban được tiến hành sớm hơn hai giờ, mãi đến mười tám giờ bốn mươi Đại úy mới giao quyền trực chỉ huy cho trung đoàn phó – tham mưu trưởng, lên xe đạp về nhà được.
Đại úy chưa về nhà vội, ông đạp xe một mạch đến nhà Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh. Đại úy bước vào nhà Bí thư khi ông chuẩn bị cắp cặp đi họp. Thấy Đại úy mặt mày hầm hầm vừa bắt tay vừa nói: “Tôi cần nói chuyện với anh. Xong, tôi đi ngay”. Bí thư huyện ủy quyết định bỏ họp tiếp chuyện với Đại úy. Ông thừa biết đây là chuyện nghiêm trọng.
– Anh cứ bình tĩnh anh ạ, có thể họ chỉ trốn đâu đó vài ngày. – Ông ân cần rót nước mời Đại úy, lựa lời an ủi.
– Nếu xét riêng cá nhân tôi. – Đại úy nói: – Thì cái việc họ bỏ trốn hai ngày hay hai trăm ngày đối với tôi chẳng có nghĩa lý gì hết. Tôi chỉ thấy xấu hổ khi phải mang tiếng là chồng của một con đĩ, là anh của một thằng phản động. Nếu chúng trở lại thì đừng hòng thoát khỏi tay tôi. Anh đừng nhầm là tôi đau khổ hay nuối tiếc.
Ông Thanh nghe Đại úy nói với thái độ rất nghiêm túc, thỉnh thoảng gật gật, sẵn sàng nghe Đại úy tiếp tục. Đại úy dựa hẳn vào thành ghế, dằn từng tiếng:
– Tôi đến đây không phải để than thở với anh về hoàn cảnh chó đẻ của tôi. Xin anh nhớ cho và đừng có an ủi.
– Thì tôi phỏng đoán vậy chớ đối với anh, an ủi cũng bằng thừa. – Ông Thanh chen ngang, giọng khá mềm mỏng.
Đại úy gật đầu nhất trí, và tiếp tục:
– Tôi đến đây để đặt lại vấn đề với anh rằng chính anh, chứ không phải tôi, đã phạm một sai lầm nghiêm trọng.
Đại úy ngừng lời, đưa mắt thăm dò ông Thanh. Vẫn khá bình thản, ông Thanh rót thêm nước, ngước lên nhìn Đại úy: “Anh cứ tiếp đi.”
– Cách đây ba tháng. – Đại úy hạ giọng, nói chậm rãi nhưng dễ nhận thấy đầu ông bắt đầu sôi lên vì tức giận: – Tôi đã đặt vấn đề với anh, không phải một mà nhiều lần, rằng chiến tranh có thể bùng nổ trên nửa nước còn lại, khi đó bọn phản động, bọn tư sản ở huyện này rất dễ ngóc đầu dậy để phản công chúng ta. Riêng trong huyện này có hai trăm mười tám đối tượng đáng nghi ngờ…
– Về quan điểm chung, tôi đã nhất trí với anh…
– Khoan, anh để tôi nói tiếp. Trong thời bình có thể quản lý được họ nhờ vào lực lượng chuyên chính vô sản vững chắc của chúng ta. Nhưng trong thời chiến, tất cả phải đương đầu với kẻ địch, lấy đâu ra một lực lượng đủ mạnh để quản lý hai trăm mười tám đối tượng đó. Tôi đã đề nghị anh có kế hoạch gô cổ từng nhóm một, giải quyết dứt điểm trước khi có chiến tranh. Cách đây một tháng tôi lại đặt vấn đề với anh một lần nữa. Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này nhưng anh đâu có nghe. Việc để lọt lưới thằng Tư và vợ tôi là một dẫn chứng điển hình về sai lầm của anh.
Ông Thanh điềm tĩnh trả lời:
– Nhưng hai trăm mười tám đối tượng mà anh lập danh sách đưa cho tôi, bảo tôi ký duyệt, liệu có phải tất cả đều đang có âm mưu chống lại Chủ nghĩa Xã hội hay không? Trên thực tế họ vẫn sinh sống, làm ăn lương thiện.
– Lương thiện là vỏ bọc, vỏ bọc anh ạ. – Đại úy khẳng định: – Tôi nói cho anh biết: họ là những người đang chờ cơ hội lật đổ chế độ ta.
– Anh nói khó thuyết phục quá. – Ông Thanh kêu lên.
– Sao lại khó thuyết phục? – Đại úy ngạc nhiên: – Anh không biết họ thuộc tầng lớp nào, giai cấp nào à? Anh không biết họ đã lẩn trốn các buổi lao động Xã hội Chủ nghĩa như chạch à? Anh không biết trên cái chợ thị trấn, họ là những kẻ làm chủ thị trường, mà chợ là môi trường cho Chủ nghĩa Tư bản phát triển, hay sao? Tôi lạ cho cái tình ủy mị của anh quá. Trên thực tế, do tính ủy mị của mình, anh đã có phần buông lỏng công cụ chuyên chính vô sản.
“Kết luận hồ đồ!” – Ông Thanh nghĩ bụng: – “Mà anh là cái gì mà cứ xía vào công việc của chúng tôi.” – Ông Thanh lại nghĩ bụng: – “Anh quá lơ mơ về Chủ nghĩa Xã hội, thế mà lúc nào cũng đòi bảo vệ nó.” – Ông Thanh tiếp tục nghĩ trong bụng. Đầu ông bốc máu. Ông muốn quát to: “Xin anh để yên cho chúng tôi làm việc!” Ông nén giận, lặng lẽ cho thêm chè, rót nước vào ấm. Ông làm một cách chậm chạp, cố tình kéo dài thời gian nghĩ ngợi. Bắt gặp đôi mắt đỏ rực của Đại úy đang dọi thẳng vào mình bỗng nhiên ông rùng mình nhớ đến hai chữ “tùy anh” của Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy.
Ông thở dài, trả lời giọng yếu ớt:
– Phải có bằng chứng anh ạ. Bắt ai cũng phải có bằng chứng, chứ không vu khống họ được. Ví dụ như Họa sĩ Tư chẳng hạn, ba lần anh giục tôi bắt nhưng bằng chứng đâu?
– Cha! Cha! Cha! – Đại úy kinh ngạc kêu to: – Sáu mươi tư bức tranh đồi trụy của nó – Một! Những lần nó chửi anh, chửi tôi, chửi xã hội mà chúng ta đang đổ mồ hôi sôi nước mắt xây dựng – Hai! Chín lần nó từ chối không vẽ tranh cổ động cho ta – Ba! Và đây nữa. – Đại úy rút trong túi tờ giấy tờ-rô-ki gấp tư, mở xòe ra. Đấy là bức tranh “Trăng thượng huyền”. – Đây là bức tranh nó vẽ vợ tôi và nó chuẩn bị tằng tịu trên mặt trăng. Mặt trăng là cái nơi Liên Xô nghiên cứu khoa học đặng áp dụng những thành tịu mới nhất cho hạnh phúc nhân loại thì chúng đòi nhảy lên đó tằng tịu. Bôi bác Chủ nghĩa Xã hội đến thế là cùng. Bằng chứng cả khối, vậy mà anh nhìn kiểu nào lại không thấy?
Ông Thanh chợt nở một nụ cười ngớ ngẩn.
– Gớm! Anh tấn công tôi dữ quá!
– Không phải tôi tấn công! – Đại úy vẫn cao giọng: – Mà tôi kiến nghị!
– Vâng! Vâng! Thế thì anh kiến nghị! – Rõ ràng ông Thanh cố tình xoa dịu.
– Tôi kiến nghị với anh: Lập tức cho công an làm lệnh truy nã hai tên phản động Tư và Hoa. Anh có làm không thì anh nói để tôi còn quay về đơn vị?
Ông Thanh lặng đi một lát. Bỗng ông ôm ngực ho rũ rượi. Ho mãi. Vừa ho vừa nói vừa thở:
– Tôi… sẽ… cho… làm… lệnh… truy…
Đại úy Thìn bắt tay ông siết chặt: “Thế anh nhé” và bước ra khỏi nhà, đạp xe hùng hục trở về đơn vị. Ông không đủ thời gian để ghé qua nhà nữa, hàng đống công việc như núi đang chờ ông ở đơn vị. Đến ngã tư, vừa rẽ vào đường xuống bến phà thì Thùy Linh chạy vụt ra, dang hai tay hét lạc cả giọng:
– Ba!
Đại úy phanh kít lại giạng hai chân chống đất, hỏi:
– Thùy Linh à?
Thùy Linh lao tới, gục đầu vào ngực Đại úy, nức nở:
– Ba ơi, mẹ trốn rồi! Ba ơi, mẹ trốn rồi! Về nhà nhanh lên, nhanh lên ba ơi! Không kịp…
Đại úy lúng túng một vài giây rồi trấn tĩnh lại. Ông gỡ tay Thùy Linh ra khỏi áo mình, nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:
– Ba biết rồi. Vấn đề này giải quyết sau. Bây giờ ba phải về đơn vị. Ba bận quá!…
Thùy Linh sững người, cô ngơ ngác nhìn Đại úy. Nom thấy Đại úy chuẩn bị đạp xe đi, cô gầm lên:
– Không! Ba không đi đâu hết! Không đi-i-i!…
Cô rũ xuống đất, quằn quại giữa đường đêm. Hai bánh xe Đại úy quay vo vo. Đại úy gò lưng đạp. Được một quãng ông ngoái cổ lại, tặc lưỡi: “Tội nghiệp con bé!”. Ngực ông bỗng nhói lên nỗi xót xa cho số phận hẩm hiu của mình. Nhưng nỗi xót xa ấy cũng chỉ nhói lên một giây thôi, bởi vì ông nghĩ “Ông không được phép mềm yếu dù bất kỳ hoàn cảnh nào!” Ông cắm cổ đạp, hai bánh xe quay vo vo…
***
Hôm sau lệnh truy nã Họa sĩ Tư và thím Hoa dán chín nơi trong thị trấn. Mới tờ mờ sáng đã thấy công an mặc thường phục cầm một cuộn dày các thông báo và lệnh truy nã (kèm theo ảnh) vội vàng dán chồng lên các biển quảng cáo của đoàn ca kịch Nhật Lệ diễn vở Thoại Khanh Châu Tuấn.
Bác Cả Rí là người phát hiện đầu tiên. Các sự việc diễn ra vào tờ mờ sáng, bao giờ bác cũng là người phát hiện đầu tiên, vì bác phải dậy sớm đi thăm các bẫy lươn của bác. Bác chạy vùn vụt tới quán thịt chó Cule đập cửa thình thình.
– Cái gì thế? – Cule cầm dao phay băm thịt chó nhào ra mở cửa.
– Kinh lắm! Kinh lắm! – Bác Cả Rí thở hổn hển.
– Kinh là làm sao? – Cule trợn mắt hỏi.
Bác Cả Rí cầm tay Cule lôi đi đến chỗ gần nhất có dán lệnh truy nã… Cule giật mình, rơi dao.
Một lát, trấn tĩnh trở lại, Cule ôm Bác Cả Rí mếu máo:
– Bác Cả Rí ơi, chết em rồi! Chết em rồi!
– Chết là làm sao?
– Chết… tức là em cũng bị truy nã đến nơi… em là đồ sát sinh tức là sát… chó thì em sống sao nổi. Ai cho em sống?
Bác Cả Rí bịt miệng Cule, nghiêm mặt:
– Chuyện nghiêm túc mà bác cứ đùa. Tôi buồn quá. Có ai ngờ chú Tư và thím Hoa yêu nhau. Yêu nhau cũng đã kinh lắm rồi, lại còn rủ nhau bỏ làng xóm mà chạy. Bỏ chạy cũng đã ghê gớm lắm rồi, lại còn là Việt gian bán nước, bị truy nã thì khủng khiếp làm sao. Tôi nghĩ không ra, thưa bác.
Cule cầm cây dao phay chọc thẳng lên trời, nói:
– Đất lành chim đậu. Đất xấu chim bay. Có gì mà bác nghĩ không ra?
– Ờ nhỉ! – Bác Cả Rí thở dài, cầm xâu lươn đi thẳng, không thèm chào Cule một tiếng. Gặp ai bác cũng oang oang:
– Việt gian bán nước! Việt gian bán nước! Ra ngoài đường cái mà coi! Ối giời ơi, tôi sợ quá…
Cule đứng nhìn bác Cả Rí lủi thủi đi, bất giác cười, buột miệng nói trống không:
– Trời đã sinh ra mi sao còn sinh ra hắn.
Không ai nghe Cule nói, nếu có nghe cũng chẳng hiểu Cule định nói gì. Chỉ mình Cule hiểu lấy. Cule chợt cười, rân rấn nước mắt:
– “Đời là tiệc, tiệc tàn ly cốc đổ!”… Thế đấy! Thế đấy! – Cule bước vào quán giở cuốn sổ nợ ra. Sổ nợ ghi rành rành “Ngày 4/8/1964 – Họa sĩ Tư hai đĩa dồi chó, nửa lít rượu – hai đồng một hào”. Đây là bữa nhậu cuối cùng của Họa sĩ. “Vĩnh biệt nhé, chú mày!” – Cule thầm nghĩ. Ông lẩm nhẩm cộng số tiền nợ của Họa sĩ: tám mươi bốn đồng sáu hào. “Vĩnh biệt nhé, chú mày!” – Cule đánh dấu nhân bên cạnh số tiền nợ được đóng khung cẩn thận. Vẫn thấy không yên tâm, ông ghi một dòng chữ thật to: “Họa sĩ Tư hết nợ”. Ông gấp sổ lại, ngước lên, nhìn ra bờ sông.
Túp lều lá mía của Họa sĩ còn đó, cô đơn đứng giữa lưng chừng con đê. Nước mắt Cule chợt túa ra, chảy vòng vèo trên má. “Vĩnh biệt nhé, chú mày! Sống trên đời kiếm miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không!”…
Chợt Cule thấy bóng của Thùy Linh nổi rõ trên mặt đê. Cô đứng im, nhìn sang phía bờ bên kia. Rất lâu cô chạy về nhà… Cô chạy rất nhanh, gần như bay trên đường. Tóc xõa ra, bồng lên, bay bay bay. “Tội nghiệp con bé!”, Cule chép miệng thở dài, mắt vẫn không rời Thùy Linh. Cô đang chạy bỗng sững lại, chết đứng trước tờ lệnh truy nã… Cô bước lùi, bước lùi… hét lên một tiếng gì đó và ôm mặt chạy tơi bời trên đường cái quan. Nước mắt Cule chảy ròng ròng…
Thùy Linh chạy về nhà đã thấy Hoàng ngồi thu lu trên chõng tre. Họ nhìn nhau. Không ai nói với ai. Thùy Linh đổ sụp vào ngực Hoàng, khóc rưng rức. Hoàng dìu Thùy Linh vào nhà, im lặng để cho những giọt nước mắt tủi nhục của cô thấm qua áo mình. Anh quyết định ở bên cô suốt ngày.
Họ nhìn nhau, buồn rười rượi. Thảng hoặc có nói chuyện nhưng rất nhạt, chẳng đâu vào đâu. Ai cũng cố lảng đi cái chuyện đau đớn vừa xảy ra, đẩy đưa những chuyện không đâu, rốt cuộc lại bị hút vào cái chuyện đau đớn vừa xảy ra, rồi sực nhớ là mình đã sa đà, lại đẩy đưa những chuyện không đâu. Và im lặng. Có lúc cảm giác hai người đang ngồi dưới nấm mồ, rờn rợn.
Không còn hy vọng họ sẽ trở về nữa. Họ đã ra đi, đi hẳn. Thím Hoa không mang theo một thứ gì, kể cả những tư trang cần thiết. Hình như cuộc ra đi được họ quyết định chớp nhoáng, trong những giây phút éo le nhất, và đi, vội vội vàng vàng. Họa sĩ vứt toàn bộ gia sản của mình, không thèm gài cửa. Cứ thế là họ đi, đơn giản như đi xem cải lương, hát bội vậy.
Căn nhà Họa sĩ Tư đã được công an khóa lại, niêm yết cẩn thận sau khi đã lục soát, tìm dò gần bốn tiếng đồng hồ. Đi vậy mà đi à? Lấy gì mà ăn? Áo quần đâu mà thay? Dễ thường thím Hoa dứt tình với Thùy Linh chóng vánh làm vậy?
Thím thương Thùy Linh hết mực, thương hơn bản thân thím. Từ ngày Đại úy Thìn trở về và ra những điều lệnh khắc nghiệt quy định cho mẹ con thím thì hết thảy tình cảm của thím đều dồn hết cho Thùy Linh. Ngoài tình mẹ con thắm thiết, thím còn coi Thùy Linh như bạn. Hầu như thím chẳng còn ai mà tâm sự, ngoài quan hệ vụng trộm với Họa sĩ Tư. May còn có Thùy Linh để thím khóc, cười, rủ rỉ đủ chuyện trên đời cùng với cô. Lắm lúc chỉ vớ phải những may mắn bé nhỏ, hai người cũng ríu rít được một ngày hơn. Không có thì bịa chuyện để vui, kể cả những niềm vui không hoàn toàn thuộc về mình họ cũng reo lên như được của. Khi đã hết sạch không còn gì gọi là vui đến với họ nữa thì họ vui với những ký ức xa vời. Cái thời thím bán bánh đúc chẳng hạn. Thím vừa chạy vừa rao, còn Thùy Linh vừa chạy vừa ngủ. Nhiều lần bánh ế, hai mẹ con “liên hoan” cả ngày không hết. Chỉ vậy thôi là đủ cười rồi, ôm bụng mà cười, cù vào nách nhau để cười được lâu hơn.
Tình mẹ con, tình bầu bạn thắm thiết làm vậy lẽ nào thím dứt được mà đi. Còn nếu đi thật, đi không thèm ngoái lại, thì ít ra thím cũng nhắn gửi được một lời với Thùy Linh. Vì những lý do đó, chiều hôm qua Hoàng và Thùy Linh còn đinh ninh thế nào thím Hoa cũng trở về. Đến tối thì thấp thỏm, sợ hãi. Và sáng nay khi chín tờ “lệnh truy nã” được dán lên ở chín nơi trong thị trấn thì cả hai đều rũ người cay đắng nhận ra rằng: thế là vĩnh viễn họ không trở về nữa, không cách gì có thể trở về, trừ trường hợp bị giải về như những tên tội phạm.
Bất thần Thùy Linh vùng dậy chạy ào ra khóa cổng. Xong, cô lui vào khóa trái cửa chính lại, ngoặc chặt các cửa sổ. Cô lủi vào buồng riêng, vùi vào tấm chăn, toàn thân mềm nhũn. Hoàng vào theo, ngồi bó gối bên cạnh Thùy Linh, khẽ thở dài:
– Em đừng lo, người ta chẳng làm gì thím đâu.
– Anh nói sao?
– Người ta chẳng làm gì thím đâu, anh biết.
Thùy Linh lật nghiêng người, buồn rầu nhìn Hoàng:
– Người ta là ai?
Hoàng cúi mặt, im lặng. Thùy Linh bỗng òa khóc, khóc to, khóc rất to khiến Hoàng hoảng lên, nói líu lưỡi:
– Ba anh không muốn làm lệnh truy nã, ông ấy bị ép thôi.
Đột nhiên Thùy Linh nín bặt, vùng dậy hỏi, giọng lạnh tanh:
– Ai ép?
Hoàng lại cúi mặt, im lặng. Thùy Linh chồm người về phía Hoàng, túm ngực Hoàng day day, hét vang lên:
– Ai ép? Ai ép? Anh nói đi! Nói đi chứ! Ai ép…
Hoàng kiên nhẫn chịu đựng, nhẹ nhàng gỡ tay Thùy Linh. Cô không chịu, càng lay Hoàng dữ hơn:
– Nói đi! Anh phải nói! Ai ép? Ai ép?
Hoàng vùng đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt Thùy Linh, gầm lên:
– Ba em chứ ai! Chính ba em đã ép ba anh phải làm lệnh truy nã.
Thùy Linh sững sờ, cô đưa tay cố tìm một vật gì đó để nắm, tìm mãi…
– Anh nói sao? Anh vừa nói cái gì nhỉ?
Hoàng không trả lời, nằm vật xuống.
– Ba em phải không? Anh vừa nói là ba em ép ba anh phải không?
Hoàng vẫn im lặng. Anh thấy cổ họng mình nghẹn đắng. Anh muốn khóc òa như ngày xưa, không, như hai năm trước đây khi cả anh lẫn Thùy Linh vẫn còn là những đứa bé.
Thùy Linh ôm đầu nhìn Hoàng, mặt dại đi…
– Giá chúng ta là chim anh nhỉ?
– Em bảo sao? – Hoàng ngước lên, ngơ ngác.
Thùy Linh lắc đầu, không nói. Cô lẳng lặng xuống đất, đi thơ thẩn quanh nhà và đứng lại trước cửa, thổn thức:
– Em vừa thấy mẹ em đứng cuốn tóc chỗ này. Buổi chiều mẹ em kêu đau lưng nhờ em đấm lưng hộ. Cái áo của em, bà đã may xong đâu… Bà đứng chỗ này, không phải, chỗ này… đứng chỗ này để mặc áo khoác, em nhớ chứ…
– Thôi, đừng nhắc nữa, thêm buồn. – Hoàng rầu rĩ nói.
– Có lẽ mẹ em sẽ lên rừng. Nhiều lần bà nói với em là bà thích rừng hơn biển.
– Anh cũng nghĩ vậy.
– Giá chúng ta là chim anh nhỉ? – Thùy Linh chợt reo lên: – Chúng ta sẽ bay. Bay, bay, bay… như thế này này. Bay mãi. Vừa bay vừa gọi. Em thì gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Anh thì gọi: “Thím ơi! Thím ơi!”… vang cả núi rừng.
Chiếc loa kim gắn trên vách trái, sâu trong buồng của vợ chồng Đại úy bỗng “khọt khẹt, rột roẹt”. Mấy phút sau giọng nữ phát thanh viên đài truyền thanh huyện bình thản thông báo:
“Thông báo của công an huyện…
Hoàng vụt dậy. Chạy gần đến loa. Thùy Linh bước giật lùi, tựa lưng vào cột nhà, mặt trắng bệch.
…Công an huyện xin thông báo: vào hồi 9 giờ 30 phút ngày 5/3/1964, hai tên Nguyễn Tư và Bùi Thị Hoa đã trốn khỏi thị trấn Linh Giang sau nhiều hoạt động chống lại công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở huyện ta của chúng bị bại lộ…
– Tắt đài! – Thùy Linh hét lạc giọng.
Hoàng nhảy đại lên giường giật phăng dây điện. Tiếng loa im bặt. Hoàng lau mồ hôi trán bước ra. Thùy Linh ôm mặt run lên bần bật, miệng lắp bắp muốn nói một điều gì đó. Hoàng đến, đỡ lấy bờ vai Thùy Linh dìu vào giường. Đi vài bước, Thùy Linh vùng té chạy, hét vang:
– Em không muốn người ta bắt được mẹ em! Em không muốn người ta bắt được mẹ em!
– Thùy Linh!
Hoàng nhào tới ôm chặt Thùy Linh, bế xốc cô lên giường. Thùy Linh giẫy mạnh. Hoàng ra sức ấn Thùy Linh xuống, nằm đè lên mình cô. Thùy Linh không chịu, cô đạp Hoàng một cái cực mạnh, vùng chạy ra vườn.
– Mẹ ơi trốn đi! Mẹ ơi trốn đi-i-i…
– Thùy Linh!
– Trốn đi mẹ ơi! Trốn đi-i-i…
Hoàng ôm quàng lấy eo Thùy Linh, ghì sát vào gốc ổi. Thùy Linh thở hổn hển, mồ hôi ướt dầm dề. Lát sau, như một quả bóng xì hơi cô rũ xuống tay Hoàng nấc khẽ. Hoàng vuốt nhẹ tóc mai Thùy Linh, lau mồ hôi trán cho cô… Thùy Linh dần tỉnh lại, cô âu yếm nhìn Hoàng, từ từ quỳ xuống trước mặt anh, nghẹn ngào:
– Đừng ghét em. Đừng vì thế mà ghét em, anh nghe… Anh hôn em đi, vào chỗ này này…
Thùy Linh chỉ vào đôi mắt cô, ròng ròng những giọt nước mắt tủi hờn…
***
Lần đầu tiên Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh nổi nóng với ông Lanh, Chủ tịch huyện. Xưa nay ông Thanh chưa nổi nóng với ai bao giờ, ngay cả khi bực dọc nhất ông vẫn nhẹ nhàng tình cảm, hoặc chí ít cũng nặng nề ở gương mặt chứ không ở giọng nói. Sáng nay ông nổi nóng thật sự, ông Lanh vừa bước vào phòng làm việc của ông đã bị ông đập bàn, chỉ vào mặt, quát:
– Ai cho phép anh ra lệnh truy nã anh Tư, chị Hoa!
Ông Lanh ngớ ra, luống cuống:
– Ủa, người ta báo cho tôi là anh đã nhất trí kia mà.
– Người ta là ai! “Ủy ban” và “Huyện ủy” cách nhau có trăm mét mà anh làm như…
– Khoan đã, anh để tôi báo cáo từ từ…
Ông Lanh dịu giọng. Ông Thanh cũng ghìm lại, nói dịu hơn, bớt nóng nảy gay gắt hơn.
Sự thật vào khoảng bốn giờ sáng, ông Lanh đang ngủ trong phòng làm việc của mình chợt có tiếng điện thoại réo. Dạo này tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng, điện thoại réo vào giờ này ắt là có vấn đề. Ông chồm dậy. “A lô! Ủy ban đây!” – “Ai đấy?” – “Tôi Lanh đây! Ở đâu gọi đấy!” – “Tôi Thìn đây!” – “Anh Thìn hả?” – “Tôi đây! Anh đã biết chuyện thằng Tư và vợ tôi trốn thoát chưa?” – “Có! Có!” – “Vậy Thường vụ huyện ủy đã họp chưa?” – “Họp là sao?” – “Thế anh Thanh chưa báo với anh à?” – “Chưa!” – “Thế này nhé! Đề nghị anh báo với công an làm lệnh truy nã ngay! Hoa và Tư là hai tên phản động chống Đảng!…” – “Cái gì?” – “Hoa và Tư là hai tên chống Đảng. Hồ sơ đã có đủ bên công an huyện. Tối qua tôi có làm việc với anh Thanh. Anh Thanh đã nhất trí làm lệnh truy nã ngay, bọn chúng rất nguy hiểm. Tôi rất đau lòng trước tổn thất của mình nhưng không vì thế mà buông lơi cảnh giác được.” – “Vâng.” – “Thế anh nhé!”. Ông Lanh sững người: – “Quái! Chúng nó mà phản động! Ghê nhỉ?”. Ông vào giường nằm, được mươi phút ông lồm cồm bò dậy gọi điện sang công an. Viên hạ sĩ quan trực ngồi ngủ gật, quờ tay cầm ống nghe, vừa nghe vừa ngủ. Bỗng viên hạ sĩ quan giật mình, co cẳng chạy lên phòng trưởng công an huyện. Trưởng công an huyện không kịp mặc quần dài vội chộp lấy ống nghe, “Thường vụ” gặp giờ này ắt là có vấn đề. Quả là có vấn đề thật. Trưởng công an nghe xong, nghiêm mặt nói với viên hạ sĩ quan:
– Anh cho gọi các sĩ quan trực ban và ban chỉ huy vào phòng tôi họp ngay.
Các sĩ quan trực và ban chỉ huy vội vàng đến phòng trưởng công an sau đó bốn phút. Ai cũng hồi hộp, thần kinh căng thẳng. Thủ trưởng gọi “giao ban” vào giờ này ắt là có vấn đề. Cứ thế, cứ thế… sáu giờ sáng, ba nhóm trinh sát lên đường. Sáu giờ, ba mươi phút sáng, chín tờ thông báo và lệnh truy nã được dán lên khắp thị trấn. Riêng ông Lanh, sau khi giao nhiệm vụ cho trưởng công an xong, đã tiếp tục giấc ngủ cho đến sáng. Ông ngủ say như chết.
Tính ông vốn vậy, xưa mẹ ông gọi ông là “thằng vô lo”, vợ ông gọi ông là “kẻ vô tâm”, bạn bè ông thì gọi ông là “người vô tư”. Sướng nhé! Công việc huyện nhiều như núi, không vô tư đếch ngủ được. Ông hiền lành, rất hiền lành. Ai nói gì cũng tin. Ai ông đã tin là tin mãi. Ông không hiềm khích ai, cũng chẳng ai hiềm khích ông. Bởi ông chẳng biết để bụng. Cả việc của ông, ông cũng không để bụng. Sau khi phê phán một cán bộ nào đó, dù rất gay gắt, ra khỏi cuộc họp là ông ôm người đó rưng rưng nước mắt: “Bác thông cảm cho tôi, chẳng qua là việc nước việc dân chứ tôi với bác có gì!…” Có khuyết điểm là ông nhận ngay, nhận chân thành, có khi còn tự thú thêm nhiều chi tiết mà người ta không biết. Ai chửi mắng, quát nạt, ông đều nghe rất chân thành và buồn bực, cau có vì mình không làm cho cái người đã chửi mắng, quát nạt mình vui lòng. Ai khen ông – khen ít nhiều, giả thật – ông đều sướng. Ông còn khoe với người khác, cũng rất chân thành: “Hôm qua thằng ấy nó khen mình thế này…”. Và ông cười to: “Đúng không? Nó khen mình đúng quá chứ lậy!”
Ông rất thích họp. Họp, hoặc là người ta khen ông, hoặc ông khen người ta, đều sướng cả. Ông không bao giờ chán mục giới thiệu trong các hội nghị, các đại hội của cơ sở. Người ta giới thiệu, ông đứng lên, ngoái lại phía đám đông. Vỗ tay. Người ta giới thiệu ông lên phát biểu chỉ đạo thì ông lên, từ tốn, nhẹ nhàng trong tràng vỗ tay ngất trời trước vị lãnh đạo số hai của huyện nhà. Ông nói, vẫn từ tốn, nhẹ nhàng tình cảm, và thường theo một công thức này:
1. Thưa…
2. Tôi đến thăm các đồng chí có sáu cái cảm động (hoặc bảy cái cảm động, năm cái cảm động, ba cái cảm động… là tùy vào đối tượng mà ông phát biểu. (Mỗi cái cảm động, ông lại lấy ngón tay trỏ tay phải ngoắc vào ngón út tay trái).
3. Trong không khí thi đua sôi nổi chào mừng ngày kỷ niệm… (Bao giờ ông cũng tìm ra không khí thi đua sôi nổi này. Ví dụ, nếu phát biểu vào tháng Một thì “trong không khí thi đua chào mừng ngày mùng ba tháng Hai”. Phát biểu vào tháng Hai thì “trong không khí thi đua chào mừng ngày hai sáu tháng Ba”. Phát biểu vào tháng Tư thì “trong không khí thi đua kỷ niệm ngày mùng một tháng Năm và ngày mười chín tháng Năm”. Phát biểu vào tháng Năm thì “trong không khí thi đua kỷ niệm ngày mùng một tháng Sáu”. Phát biểu vào tháng Sáu thì “trong không khí thi đua kỷ niệm ngày hai bảy tháng Bảy”. Phát biểu vào tháng Bảy thì “trong không khí thi đua kỷ niệm ngày mười chín tháng Tám và ngày mùng hai tháng Chín… vân… vân…)
4. Tôi rất hoan nghênh những kết quả các đồng chí đã làm được…
5. Cuối cùng, các đồng chí cần phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm…
Vỗ tay, rầm rầm rầm. Đại diện lên cảm ơn ý kiến chỉ đạo sâu sắc của ông. Lại vỗ tay. Đại diện hứa sẽ thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo về phương hướng công tác. Lại vỗ tay dài hơn. Rầm rầm rầm. Ông thích lắm, coi như cuộc họp đã thành công tốt đẹp, nhờ có ông mà thành công tốt đẹp.
Thế thì làm gì ông chả thích họp! Cứ vài ngày lại có một cuộc họp, dù lớn nhỏ dứt khoát cũng có một cuộc họp, cuộc họp lần nào cũng cần sự có mặt của ông cùng các ý kiến chỉ đạo sâu sắc – “Phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm”. Ông cắp cặp đi miết, giao phó công việc cho các phó chủ tịch. Họ – các phó chủ tịch cứ làm rồi báo cáo, ông chỉ cần ngồi nghe thật chăm chú, “thế hả?” – Vậy là xong , êm như “nhíp”.
Người ghét ông, người thương ông, người khinh ông, người vỗ tay nhiệt liệt. Ông chấp nhận tất, cười kha kha rồi ngủ say như chết.
Bây giờ ông cuống lên khi Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh chỉ tay vào mặt, quát to. Thời này Chủ tịch huyện không là cái gì so với Bí thư huyện ủy. Thêm nữa, ông thừa biết Bí thư huyện ủy là người “học rộng tài cao”, lại hiền lành, ít nói, bỗng nhiên nổi giận đùng đùng ắt là có chuyện. Ông trình bày, hấp ta, hấp tấp, lộn tùng phèo, đầu Ngô mình Sở. Đến nỗi ông cũng chẳng nhớ mình đang nói gì. Chỉ biết hơn nửa giờ sau, Bí thư huyện ủy ngắt lời ông, nhẹ nhàng:
– Thôi được, tôi hiểu.
Hơ, ông nói thế mà đồng chí Bí thư hiểu. Thế mới kỳ, ông nói mà ông chẳng hiểu gì hết còn đồng chí thì hiểu! Ông ngớ ra.
– Chiều nay vào khoảng ba giờ ta hội ý Thường vụ đột xuất.
– Ấy, tôi đã nhận khuyết điểm là manh động rồi kia mà! – Ông kêu to. Bí thư huyện ủy mỉm cười, lắc đầu:
– Chưa bàn đến khuyết điểm hay không. Vấn đề là chỗ có nên phát lệnh truy nã hay không.
– Vâng.
Ông cáo lui. Ra khỏi cửa còn ngó liếc Bí thư huyện ủy một cái rồi đi thẳng. Được mươi bước, ông dừng lại lau mồ hôi trán, ngẫm nghĩ: “Có lẽ phải đến huyện đoàn”…
Trần Hới hơi ngạc nhiên khi thấy bố vợ mình xuất hiện trước ngạch cửa với cái vẻ mặt hoảng hốt, nhớn nhác:
– Ba hỏi con cái này. – Ông vẫy tay gọi Trần Hới ra khỏi phòng.
– Bác Thanh phản đối ba phải không? – Trần Hới bình tĩnh hỏi nhỏ.
– Ấy! Thằng này tài!
Ông rỉ tai Trần Hới nói như vầy, như vầy… Trần Hới cả cười mà rằng:
– Ba thử gọi điện thẳng lên Tổ chức tỉnh ủy trình bày việc này. Thế là xong.
– Tức là sao?
Trần Hới rỉ tai ông nói như vầy, như vầy… Ông cười to, vỗ đùi đánh đét.
– Thằng này giỏi!
Một phút sau, cú điện thoại của ông đã có hiệu quả. Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy tức điên người, nói oang oang:
– Tôi sẽ báo cáo với Thường vụ tỉnh ủy ngay, đây là việc nghiêm trọng. Tôi nhắc lại với anh: cần phải cảnh giác những phần tử chống Đảng còn nắm những vị trí quan trọng trong tổ chức Đảng. Anh hiểu chưa?
– Dạ hiểu!
Ông dạ vang. Thả ống nghe ông bủn rủn chân tay. Lâu nay Đại úy Thìn mấy lần đề nghị ông phải cảnh giác Bí thư huyện ủy. Ông không tin, té ra bây giờ lại đúng! Khủng khiếp quá! Khủng khiếp quá! Nếu Bí thư huyện ủy thực sự chống Đảng thì nguy. Bởi vì sức ông không tài nào đối chọi với ông Thanh về mọi phương diện. Đối chọi có khi ông thua, ông là cái mả mẹ gì đâu, trình độ: sơ cấp chính trị, văn hóa: Lớp bảy bổ túc công nông! Thậm nguy! Thậm nguy!… Nhưng trấn tĩnh lại, ông nhớ đến Trần Hới, thằng con rể yêu quý của ông. Thằng này giỏi! Ông phải dựa vào nó, nó là quân sư của ông, đương nhiên rồi…