Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Những Mảnh Đời Đen Trắng

Chương Mười

Tác giả: Nguyễn Quang Lập
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Họ đi sát bên nhau trong cái phần bóng tối của con người. Những con gà chán đêm đập cánh gáy vang động. Trăng mười chín sắp tàn, mờ ảo sau đám bạch đàn còn sót lại qua nhiều trận bom. Họ ngồi xuống. Một người quàng tay qua vai một người. Người này nói người kia cúi đầu. Người này hát người kia nấc lên. Người này ngã vào lòng người kia, phó thác đời mình cho người kia. Họ hôn nhau, những chiếc hôn dài, rất dài, kéo cả hai nằm dài xuống cát, trong cái phần bóng tối của con người.

Trăng mười chín sắp tàn, mờ ảo sau đám bạch đàn còn sót lại qua nhiều trận bom.

Một cái bóng trắng mờ úp lên một cái bóng trắng mờ. Cát bay tung tóe, vầng trăng đảo qua bên này lại quay lại bên kia. Người này nói “thôi”. Người kia nói “yên nào”. Vầng trăng đảo qua rồi quay lại, quay tít mù. Một tiếng rên ẩm ướt kéo dài. Và im lặng.

– Anh có khinh em không? – Thùy Linh hỏi.

– Anh yêu em. – Trần Hới trả lời, đưa cằm cà cà lên hai bờ vai trần của Thùy Linh.

Không phải đêm nay họ mới tìm gặp nhau ở đây, đây là điểm hẹn thường xuyên của họ. Và sau mỗi cuộc giao hoan ngút trời, bao giờ Thùy Linh cũng hỏi Trần Hới như thế, bao giờ Trần Hới cũng đáp lại như thế và đưa cằm cà cà lên bờ vai của Thùy Linh.

Thùy Linh ngã nhoài vào lòng Trần Hới, lim dim nhìn vầng trăng mười chín lúc này đã nhợt nhạt. Cô nhớ đến Hoàng một nỗi nhớ rưng rưng dịu ngọt, lẫn một chút cay đắng thường nhật đời thường. Đêm nào cô cũng nhớ Hoàng. Gương mặt Hoàng dần hiện rõ trong bất kỳ giấc mơ nào của cô, kể cả những giấc mơ ma quái nhất khiến cô nhiều lần giật mình vùng dậy, kêu váng nhà.

Họ đã bên nhau trong bốn năm, bốn năm của mối tình đầu dịu ngọt, rưng rưng… Đến phút cuối cùng bỗng nhiên tan vỡ nhanh hơn bong bóng xà phòng. Hoàng trốn nhà ra đi, để lại ông bố suốt ngày lảm nhảm với cái bóng của mình trên vách. Thùy Linh hay tin thì đã quá muộn. Cô chạy điên cuồng trên cát, tóc tung xõa miệng hét vang:

– Hoàng ơi! Hoàng ơi! Sao lại bỏ em mà đi, ơi Hoàng!

Không một tiếng đáp. Trắng băng những bãi cát hoang vu.

Cô đi, cái bóng của cô nghiêng ngả. Cái bóng tròn rung rung, đôi khi quay vòng, tít mù, đôi khi trơ ra như bóng dáng của cái chết. Cô cười. Cười ngặt nghẽo, cười rung đêm trăng suông, ngờm ngợp gió…

Vào lúc ấy Trần Hới có mặt. Cần phải có mặt đúng lúc khi người ta cần có mặt, đấy là biệt tài của Trần Hới. Thùy Linh đang cần cái nạng chống, mục rỗng hay cứng cáp, thối nát hay thơm tho… Cô không cần biết. Cô cần một cái nạng chống để đỡ lấy tâm hồn yếu đuối của mình. Sau cái “đêm thần kinh” trong hầm tối cùng với Trần Hới, Thùy Linh thấy kinh tởm cả chính mình. Lần đầu tiên, khi thấy bóng mình trong gương. Thùy Linh cảm thấy buồn nôn. Cô ôm ngực ho rũ rượi nằm liệt giường mấy ngày liền.

Trần Hới đến. Anh lẳng lặng ngồi bên cô hàng giờ liền, thỉnh thoảng lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Rồi cúi đầu, nói nhỏ:

– Anh về đây.

Trần Hới lủi thủi bước đi. Nhìn anh lúc này, ai ai cũng phải nói: “Đó là con người bất hạnh”.

Lần cuối cùng Thùy Linh hỏi:

– Sao thầy không nói gì cả?

Trần Hới đưa tay vuốt tóc, buồn rầu đáp:

– Biết nói gì bây giờ… cái số phận khốn kiếp của anh…

– Thầy nói thế…

Trần Hới nhếch mép cười, điệu cười của một kẻ bất mãn trầm trọng.

Thùy Linh đã nghe Trần Hới kể chuyện suốt một buổi chiều. Thì ra con người đó không ngờ cũng trải qua biết bao chua chát đắng cay. Xinh trai là thế, hiểu biết là thế mà yêu cô nào cũng bị phụ tình. Thậm chí đến cô Cam, người đàn bà xấu xí cũng bỏ thầy mà đi theo người khác…

– Tôi là một kẻ khốn nạn!

Trần Hới đứng bật dậy, bật ra tiếng kêu nghẹn ngào. Thùy Linh giật mình, cô vội vàng nắm lấy tay Trần Hới:

– Đừng nói thế…

– Sao?

– Em nghĩ…

Một cái hôn rơi vào cổ. Một cái hôn khác rơi xuống môi, Thùy Linh buông lỏng toàn thân, những cái hôn của Trần Hới tràn trề trên thân thể cô, nóng rực.

– Anh yêu em! Anh không thể sống thiếu em…

– Vâ-ân-âng.

Nghẹt thở. Nóng rực và nghẹt thở. Thùy Linh ngập vào cơ thể cường tráng của Trần Hới. Toàn thân cô run lên, mịt mù cảm giác. Cô muốn hét lên một tiếng gì, một tiếng gì không biết nhưng phải hét lên…

Thế rồi đêm lại đêm Thùy Linh tìm đến Trần Hới, tự nguyện chân thành. Sau những cuộc giao hoan ngút trời, cô tự hỏi: “Rồi sẽ đi đến đâu?”.

Cô nằm mơ thấy Hoàng, những giấc mơ thật kinh khủng. Sáng hôm sau, cô tự nhủ: “Không thể tiếp tục được nữa!”. Nhưng rồi đến tối, nghe tiếng chặt lưỡi của Trần Hới, cô cuống lên: “Mau lên! Mau lên! Không chậm mất!”… Và lẻn đi, không báo cho Cule biết, lòng thầm nghĩ, “Thôi, lần này là lần cuối cùng…”

Thùy Linh đứng dậy thong thả cuốn tóc.

– Ta về thôi anh.

Trần Hới chống gối đứng dậy. Họ khoác tay nhau ra về, vừa đi vừa hát khe khẽ. Được vài trăm mét, một người đàn bà từ trong một khóm dứa dại nhảy xổ ra, hét vang:

– Hí ha ha… em thèm… (í a)… là em thèm… ối tình tang… Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam!!!… Anh Huy ơi, máy bay!

Thùy Linh ôm chầm lấy Trần Hới. Người đàn bà vung roi quất tới tấp trong không khí tiếp tục những lời điên dại.

– Ai thế anh? – Thùy Linh hỏi.

– Bà Hiền, vợ ông Huy, một người đàn ông hèn nhát. Bà ấy không chịu miệng lưỡi của người đời khích bác bà về sự hèn nhát của chồng bà. Nhục quá hóa điên…

– Thế thì em biết rồi.

Thùy Linh thì thầm. Cô ngước lên nhìn Trần Hới. Chưa bao giờ cô thấy Trần Hới đẹp như bây giờ. Đẹp mê hồn, đấy là người cô quyết định phó thác số phận của mình vào đấy.

– Hí ha hí ha… Tôi đố tôi tìm ai… ối cha mẹ ơi, em thèm… là thèm cái của (í a)… Máy bay! Keng! Keng! Keng!

Người đàn bà điên uốn cong người, lộn nhào mấy vòng trên cát, cười sặc sụa.

***

Máy bay!

Từ độ cao một ngàn năm trăm mét, tám chiếc F105 lần lượt bổ nhào xuống sư đoàn bộ. Chín đụn khói bốc lên từ phía phòng kỹ thuật. Sau đó là lửa, những ngọn lửa sáng trắng cao vói lên trời.

Tất cả các sĩ quan bổ nhào xuống hầm. Căn hầm sở chỉ huy vẫn lạnh tanh, nghiến răng chịu đựng từng lớp đất đá dội thẳng vào cùng với khói đen đặc cuồn cuộn xộc vào hầm, tất cả nhìn dán vào tấm mi-ca lớn vẽ ngoằn ngoèo các đường bay. Bốn trung đoàn liên tục réo điện thoại, các sĩ quan trực chiến hét vang vào ống nói. Trưởng ban tác chiến liên tiếp báo tọa độ các tốp máy bay. Sư đoàn trưởng ngồi yên, thỉnh thoảng đập tay xuống bàn ra lệnh, mắt vẫn không thôi nhìn dán vào bảng tiêu đồ. Phòng kỹ thuật bốc cháy. Có hơn tám chục sĩ quan và hạ sĩ quan lao vào chữa cháy. Phòng chính trị trúng bom. Một sĩ quan bay vọt lên trời, rơi xuống nằm vắt ngang trên đường dây cao thế. Thêm ba tốp F105 xuất hiện từ hướng tây – tây bắc. Pháo nổ rầm trời. Bom bay ràn rạt, chấn động toàn sư đoàn bộ. Quả đất như bị bóp vụn ra từng miếng nhỏ.

Sở chỉ huy vẫn lạnh ngắt, mọi biến động kinh khủng ở bên ngoài làm cho sắc mặt hết thảy bị căng ra, đỏ tím nhưng không thấy dấu hiện bỏ chạy hay rối loạn. Ai ngồi đâu ngồi đấy, đứng đâu đứng đấy. Tất cả vẫn dùng bằng khẩu lệnh khô khốc, bất chấp từng đợt đất đá bay ào vào, phủ đầy tóc tai mồm mũi mỗi người.

Riêng Đại úy Thìn cảm thấy lúng túng, ông thấy mình bị thừa trong cuộc chiến đấu này. Bây giờ người ta không hỏi ý kiến nữa, không ai để ý đến ông nữa. Ông ngồi ở vị trí số năm trong dãy bàn của sĩ quan trực chiến, ấy là vị trí dự phòng. Hai tay chống gối, ông nhóng cổ nhìn dán vào bảng tiêu dồ.

Sư đoàn trưởng lại đập bàn ra lệnh, các sĩ quan lại hét vang vào ống nói. Thêm chín tốp F105 nữa. Cuộc chiến gay go đây. Bên ngoài, trạm xá sư đoàn trúng bom, tháp nước gãy gục rơi xuống còng queo. Nhiều người nhảy ra khỏi công sự cứu thương binh. Có chín mươi cáng cứu thương chạy bời bời trong lửa khói. 

Sở chỉ huy vẫn lạnh ngắt. Mọi biến động kinh khủng ở bên ngoài hình như không liên quan gì ở đây. Tại đây, tất cả đang chú ý đến các vùng trời của các trung đoàn đang chiến đấu, chỉ vậy thôi, bất chấp mọi biến cố xảy ra xung quanh. Đại úy Thìn nhấp nhổm không yên. Ông không được giao một việc gì cả. Công việc của ông là ngồi chờ một sĩ quan trực chiến nào đó bị thương để thay thế. Đấy là công việc quá nặng nề đối với Đại úy.

Mấy tháng trước, Đại úy ngồi ở vị trí trung tâm sở chỉ huy trung đoàn la hét quát nạt và ra lệnh các tiểu đoàn của ông chiến đấu. Bây giờ ông trở thành một vật thừa, vô duyên giữa không khí căng thẳng nhưng sôi nổi này. Đôi khi có một sĩ quan nào đó chạy qua, đá phải chân ông đang duỗi thẳng, đã nhìn ông khó chịu, dù không nói ra nhưng khó chịu. Và ông tự hiểu, người ta không giao việc cho ông chỉ vì lòng trung thành với cách mạng của ông đã bị đánh dấu chân gà. Ông nuốt nước bọt ngậm thinh.

Phòng tác chiến trúng bom. Kho quân trang trúng bom. Nhà ăn sư đoàn bộ nát tan. Đường dây hữu tuyến bị cắt tơi tả. Đại úy Thìn đứng dậy:

– Báo cáo! Xin được về vị trí chiến đấu!

Sư đoàn trưởng liếc ông, mặt lạnh lùng:

– Ngồi yên.

Đại úy ngồi xuống, mồ hôi ướt đầm đìa. Một sợi đất đá lại bay ập vào. Hai nữ tiêu đồ bị choáng, bóng điện sở chỉ huy vỡ tan, cột an-ten bị đứt đôi. Mất liên lạc một trăm phần trăm. Các máy vô tuyến 2W 15W làm việc không đồng bộ, sư đoàn trưởng gầm lên…

Đại úy Thìn nhào ra khỏi sở chỉ huy sư đoàn. Ông giật lấy khẩu CKC từ tay một sĩ quan gãy chân đang nằm đợi băng bó.

Phải bắn cháy một chiếc máy bay! Ý nghĩ ấy đến bất thần và rực cháy trong ông. Ông chỉ huy trung đoàn đánh nhau sáu mươi bảy trận không bắn cháy chiếc máy bay nào, vậy bây giờ mình ông phải thực hiện bằng được. Thời kháng Pháp cũng có lần ông đã làm như thế này mà thành công. Đây là việc ông giao một tiểu đội trinh sát vào làng Hướng Phương xách cổ cho được thằng xã trưởng tàn ác khét tiếng trong huyện nhưng không thành, ba lần bảy lượt đều không thành. Thế là ông đi, trong vòng ba tiếng đồng hồ ông đã túm tóc nó lôi về trước sự kinh ngạc của mọi người.

Bây giờ cũng phải thế. Nhất định ông sẽ bắn cháy máy bay. Nhất định ông chứng minh cho mọi người hiểu rằng: không một nhiệm vụ nào cách mạng giao mà ông không hoàn thành. Lòng trung thành của ông đối với cách mạng là một khối vàng mười bất di bất dịch. Xin đừng ai nghi ngờ ông, khổ tâm lắm. Mấy tháng nay ông dằn vặt suốt ngày đêm, đau đớn nghĩ đến số kiếp của mình không dưng lại vớ phải lý lịch xấu.

Ông bắn. Chạng chân, dướn thẳng người mà bắn. Ông đối diện với từng chiếc F.105 đang lần lượt bổ nhào. Ông nghiến răng bóp cò. Phải bắn cháy, nhất định ông sẽ lập chiến công, khối vàng mười của ông mọi người sẽ xác nhận. Nhất định! Nhất định! Bắn! Lại bắn!

Một khối lửa trùm lên người ông, sau một giây ông bị đẩy lên trời. Ông thấy mát, mát rượi. Chao ôi là sung sướng. Hình như máy bay đã cháy rồi, cháy thật rồi. Hoan hô! Chao ôi là mát. Chao ôi là hòa bình. Ông bay vật vờ trên không trung, trên từng đám mây trắng xốp, trời xanh quá. Miền Nam kia kìa, bao nhiêu là cờ đỏ bay phấp phới. Hòa bình rồi! Chao ôi là mát…

Lúc này vào khoảng ba giờ chiều.

***

Lúc này vào khoảng năm giờ chiều.

Bác Cả Rí đập cửa phòng Trần Hới thình thình. Năm phút sau, Trần Hới ló đầu ra, hỏi:

– Cái gì thế?

– Có Thùy Linh ở đây không?

– Ông hỏi làm gì?

Bác Cả Rí trợn mắt quát:

– Có Thùy Linh ở đây không, tôi bảo!

– Không có!

Trần Hới khép kín cửa. Bác Cả Rí bặm môi ráng sức đạp tung cánh cửa ghép bằng ván ép. Cửa mở toang. Bác Cả Rí nhảy xổ vào buồng. Bác túm ngực Thùy Linh lôi dậy, nghiến răng quát:

– Còn nằm đây à? Ba mày chết rồi!

Thùy Linh đứng vụt dậy, cô lao ra cửa, cứ hướng cửa sông Linh mà chạy, không ai đuổi kịp, không cách gì đuổi kịp được cô.

Trần Hới chắp tay sau đít nhìn theo, chợt cau mày.

***

Có tiếng đập cửa, Cule lồm cồm bò dậy xòe diêm.

– Ai đấy?

Không có tiếng trả lời. Im lặng kéo dài. Cule cầm đèn đi ra, rút chốt cửa. Ông giơ đèn lên cao. Một cái đầu tóc rối bù từ từ nhô lên.

– Ối cha mẹ ơi!

Cule quẳng đèn bỏ chạy, ông chui vào trong bếp đứng run. Lát sau, định thần trở lại, ông rón rén vào buồng đập chân Thùy Linh gọi dậy. Cả hai người rón rén đi ra, cùng một lúc giơ cao đèn, Họa sĩ Tư đứng ngang ngạch cửa nhăn răng cười.

– Khỏe chứ!

Cule sụp xuống vái lia lịa. Thùy Linh đứng ôm mặt, run bắn. Họa sĩ rung đùi cười to, cười rất to, cười rung quán thịt chó.

– Tốt. Xưa nay chưa ai lạy tôi bao giờ.

Nói rồi Họa sĩ kéo ghế ngồi, rút thuốc hút, mắt ngó ngơ lên trần.

– Vái thế đủ rồi. Có gì cho tôi ăn không, đói quá.

Cule đã hoàn hồn. Ông lết lại ôm chân Họa sĩ Tư mếu máo:

– Anh còn sống thật anh Tư?

– Chết rồi. Phải chết để biết chết ra làm sao. Xong, lại sống lại để mà chơi. Dại gì chết hẳn.

Thùy Linh tiến đến, cô sà vào lòng Họa sĩ Tư nấc lên:

– Chú Tư! Chú Tư ơi… mẹ cháu đâu? Mẹ cháu?

– Vẫn sống nhăn như tôi, không việc gì sất. Tôi sẽ kể, nhưng hãy cho tôi ba miếng đã, đói quá.

– Rồi!

Cule đập hai tay vào đùi, nhanh nhẩu tiến vào bếp. Thùy Linh vẫn bíu áo Họa sĩ, hỏi rối rít:

– Thế bây giờ mẹ cháu ở đâu?

– Ở bến Son.

– Bến Son ở đâu?

– Ở huyện Bố, xa lắm.

– Thế chú và mẹ cháu nhảy xuống sông tự vẫn rồi kia mà?

– Ờ, định thế nhưng không thành. Chết cũng khó bỏ mẹ chứ bỡn đâu.

Cule bưng hai đĩa dồi chó, cắp nách chai rượu nếp đi ra, cười hề hề:

– Tôi sướng quá! Tôi sướng quá!

– Thế à?

Họa sĩ Tư cười to. Hai người chạm cốc. Uống và ăn và cười sảng khoái.

– Nhậu với người dưới âm phủ lên thật đã.

– Dưới âm phủ không có thịt chó ông ạ.

– Thế à? Tôi đã bảo mà! Dưới ấy tốt lắm…

– Được!

Họa sĩ vỗ vai khen Cule. Cule khịt mũi, cười tít mắt. Rồi Họa sĩ bắt đầu thủng thẳng kể, tợp một ngụm rượu lại kể một đoạn trường.

Họ vượt sông Linh vào lúc nửa đêm bằng một chiếc thuyền nan không biết của ai neo bên gốc cây bần. Cứ nhằm thung lũng Chớp Ri mà tiến. Đến đấy, họ sẽ tìm một miếng đất nằm kẹp giữa hai đỉnh núi Ông, núi Bà. Họa sĩ Tư biết rất rõ vùng này. Thời kháng Pháp Họa sĩ đã sống mãi ở đây, thạo từng đỉnh núi, từng con suối, đến từng lối mòn trong rừng Họa sĩ cũng nhớ như in. “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”, đấy là khẩu hiệu để đảm bảo hạnh phúc hiện còn rất éo le của họ. Cuốc bộ ròng rã ba ngày đêm, rạng sáng thứ tư họ có mặt tại thung lũng. Thung lũng vẫn hoang vu như thuở Họa sĩ Tư đã sống. Lác đác vài nhà dân mọc dọc suối Tranh. Đây là vùng dân cư của người Kinh sinh sống đã lâu năm. Xa hơn, trên lưng chừng những đỉnh núi lớn là khu vực sinh sống người Vân Kiều, người Coh. Chỉ có thế, còn tất cả vẫn hoang vu, lạnh lẽo.

Họ mừng lắm. Càng hoang vu càng hay bởi vì nhờ thế mà khẩu hiệu “một túp lều tranh hai trái tim vàng” được bảo đảm. Họ chọn được một miếng đất nằm kẹp giữa hai đỉnh núi Ông, núi Bà. Ở đây sơn thủy hữu tình, tuyệt quá. Họ lăn trên cỏ, ôm nhau tính đến chuyện trăm năm. Bây giờ tính đến chuyện trăm năm cũng đã muộn nhưng không sao, tất cả sẽ bắt đầu từ con số không mà đi lên, hẳn thế. Sau ba ngày, họ đã dựng một túp lều nhỏ. Tốt quá! Tốt quá! Họ vật lộn tha hồ trong túp lều lá cây, cười hát, khoa chân múa tay suốt mấy ngày không chán.

Thế rồi họ hay tin có một tốp công an lên thung lũng này đi tìm họ. Chạy. Hai người bỏ thung lũng vượt rừng tìm đến một vùng cao khác. Được mấy ngày lại có một tốp công an khác đuổi theo. Lại chạy. Họ vòng sang một vùng rừng khác, hướng đất Lào mà đi. Ngày đi, đêm nghỉ. Đói khát lại đói khát… Cả hai gần như kiệt sức. Đến lúc ấy, họ phát hiện ra cái nơi mà họ tưởng là đất Lào là một vùng rừng giáp đồng bằng ven sông Linh. Ôi thôi, bỏ mẹ rồi, chạy! Không kịp, có một tốp công an đã phát hiện ra họ. Thế là cùng đường…

Họ chọn cao điểm 405 làm điểm nhảy sau khi để lại mấy dòng cho Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh. Dưới chân là sông Linh xanh thẳm, trên đầu là mây trắng vật vờ bay. Bốn xung quanh là bạt ngàn cây rừng, hoa dẻ nở tung như mây trắng. Họ cởi hết áo quần. Coi như họ đang đứng trên trăng lưỡi liềm trong bức tranh “Trăng thượng huyền” của họa sĩ vẽ tặng thím Hoa. Họ ôm nhau, áp sát vào nhau. Một thân hình còm cõi với một thân hình tròn lẳn nõn nà. Họ hôn nhau, lần hôn nhau cuối cùng, chiếc hôn kéo dài đến vô tận. Và rồi họ rơi từ độ cao bốn mươi mét xuống sông Linh như hai con cò bị trúng đạn.

Đấy là buổi chiều mịt mù sương khói.

Rạng sáng hôm sau Họa sĩ mở mắt, ngơ ngác thấy mình nằm trong nhà sàn của gia đình người Vân Kiều. Ôi thôi, chết kiểu gì mà lạ thế này? Có ai chết mà thở được, mà nói được, mà trông thấy được bao giờ! Khốn nạn rồi, vậy là Họa sĩ chưa chết. Còn thím Hoa, thím có chết không? Liệu thím có được cứu sống như Họa sĩ không?

– Chỉ thấy mình mày thôi, không thấy ai nữa.

Người đàn ông Vân Kiều đã ngụp lặn giữa vùng xoáy nước sông Linh lôi bằng được Họa sĩ lên bờ, trả lời. Ròng rã mười ngày trời, Họa sĩ đi dọc bờ sông Linh cố tìm cho ra xác thím Hoa trôi nổi ở đâu nhưng không thấy. Họa sĩ vật vã đau đớn cả tháng ròng. Họa sĩ rủ thím bỏ chạy, rồi rủ thím nhảy xuống sông tự vẫn. Thế mà Họa sĩ sống còn thím Hoa thì chết mất xác. Thì ra mình là thằng lừa ư? Một thằng đểu giả ư? Không được! Đã chết là cùng chết. Sống rồi phải chết lại. Chết không được lần này phải chết lần khác. Bao giờ chết kỳ được mới thôi. Lần thứ hai Họa sĩ đâm bổ xuống sông và bị người đàn ông Vân Kiều túm cổ kéo lên, cho một cái tát vào mặt.

– Đồ ngu! – Người đàn ông Vân Kiều nhổ nước bọt vào mặt Họa sĩ.

Ờ, có thể là ngu thật. Đã là người phải ham sống sợ chết. Dù cách nào cũng phải nghiến răng mà sống chứ. Anh cho anh là chân lý vĩnh cửu của đời sống vậy mà anh lại nhảy xuống sông để nhận lãnh lấy cái chết ngu ngốc thì chân lý ấy là cái thá gì, có cần thiết cho ai. Dám sống, đây là điều kiện tiên quyết để làm người. Thôi rồi, ngu thật rồi. Thế mà mình lại xui một người đàn bà tự chết, oan uổng làm sao! Họa sĩ khóc như mưa, quỳ xuống trước sông Linh mà vái suốt ngày đêm và ngửa mặt lên trời khóc triền miên ngày này sang ngày khác.

Đến khi người đàn ông Vân Kiều báo tin:

– Nó sống đấy!

– Ai? – Họa sĩ chụp lấy ngực người này, trợn mắt hỏi.

– Vợ mày.

Họa sĩ đứng vụt dậy. Đúng rồi, phải thế chứ. Thế mới có lý chứ. Vô lý lại có kẻ sống người chết, trời Phật muôn năm. Ôi cha mẹ ơi sướng quá.

Theo lời người đàn ông Vân Kiều, thím Hoa được người Coh cứu sống. Họa sĩ lên đường về các vùng dân cư có người Coh sinh sống thăm dò tin tức. Tiện đâu ngủ đấy, tiện đâu ngửa tay xin ăn đấy, ròng rã một năm trời, khi đã tuyệt vọng Họa sĩ tình cờ gặp một sĩ quan, người này cho biết có một người đàn bà đẹp, tên Hoa làm nghề chèo đò ở bến Son, Họa sĩ tìm đến, quả nhiên đúng.

Họ ôm nhau khóc cười nghiêng ngả. Không gì hạnh phúc hơn được tái sinh. Chính vì thế, sau vài giờ vui sướng đạt đến độ tâm thần vì được trông thấy nhau, thím Hoa đã ngồi lặng thinh hàng giờ liền, rồi nói:

– Chúng ta lại bắt đầu từ con số không.

– Đúng thế – Họa sĩ gật gù.

– Không phải bắt đầu xây dựng cái hạnh phúc trăm năm mà chúng ta mơ ước như ngày đầu trốn chạy đâu…

Thím Hoa nói đều đều như đang đọc một dòng của cuốn sách nào đó. Họa sĩ giật mình hỏi:

– Thế là sao?

Thím Hoa òa khóc nức nở, vùi đầu vào chăn, không trả lời. Lúc này Họa sĩ có dịp ngó quanh túp lều lá mía: chân dung Đại úy Thìn được đặt trên bàn thờ nhỏ, nén nhang đang nghi ngút khói, một nải chuối nhỏ, một bát cơm không… Họa sĩ biết: thế là Đại úy đã hi sinh. Chân dung Đại úy được vẽ bằng bút mực chính thím Hoa tự vẽ, chẳng giống Đại úy chút nào, chỉ đoán được bằng đôi quân hàm có bốn ngôi sao đeo trên cổ áo.

– Em vừa nghe chồng em chết cách đây một ngày.

Thím Hoa ngồi dậy rủ rỉ kể. Thím kể một năm qua, kể từ ngày nhảy xuống sông được người Coh cứu sống, thím đã đi những đâu, đã nghĩ ngợi những gì…

– Chúng ta ở cực bên này, còn anh Thìn ở cực bên kia.- Thím vuốt tóc, trầm tĩnh nói: – Anh Thìn và chúng ta đã sống bất bình thường, đã tự phi lý trước cuộc sống. Thế mà cả anh Thìn và chúng ta mỗi bên đều cho mình có lý. Em đã nghĩ chán ra rồi, cần phải trở lại đời sống bình thường như mọi người đang sống.

Thế là họ chia tay. Thím Hoa chèo đò đưa họa sĩ qua sông, cứ một nhịp chèo một đợt nước mắt trào.

Đành phải thế thôi. Họa sĩ hãy về với mọi người để làm việc vì mọi người, công việc của một kẻ dám sống trước phong ba bão táp, ấy là công việc bình thường mà mọi người đang làm. Thím Hoa ở lại thờ chồng bên kia sông và lãnh lấy nghề chèo đò sang ngang giữa một trời bom đạn để trả giá cho những năm tháng sống bất bình thường của thím. Đò cập bến. Họ hôn nhau, nồng nàn trong nỗi đắng cay đành phải chấp nhận.

***

Họa sĩ Tư và Thùy Linh đứng cúi đầu trước nấm mồ trắng lạnh, hương trầm đang nghi ngút. Dưới nấm mồ kia là Đại úy Thìn, con người vừa đáng trọng vừa đáng khinh, vừa đáng thương vừa đáng ghét…

– Em cũng vậy thôi anh Thìn – Họa sĩ lầm rầm khấn: – Vừa đáng trọng vừa đáng khinh, vừa đáng thương vừa đáng ghét. Mai mốt em chết, em xin một chỗ nằm bên anh. Chúng ta là anh em, dù cả đời chưa lần nào anh công nhận em là em của anh cả. Mặc kệ anh, em vẫn là em của anh…

Thùy Linh rơm rớm nước mắt. Cô quỳ xuống vái. Nắng chiều đã nhạt, từng đụn cát trắng đã sẫm mầu hoàng hôn. Họ ra về, cả hai cúi đầu bước, thổn thức về một thời họ đã sống với con người ấy dưới nấm mồ kia.

Lội qua suối Mật, Họa sĩ bất ngờ hỏi:

– Cháu có nghén rồi phải không?

Thùy Linh thất sắc, lúng búng:

– Không… cháu không…

– Cháu có nghén hơn ba tháng rồi.

Họa sĩ buồn rầu nói, Thùy Linh đứng lặng cúi đầu. Họa sĩ đặt hai tay lên vai cô, thì thầm:

– Với ai thế?

Thùy Linh cắn môi im lặng. Họ tiếp tục lối rẽ vào quán thịt chó Cule. Đến gần nhà, thốt nhiên Thùy Linh sà vào lòng Họa sĩ Tư, nấc lên:

– Cháu khổ lắm chú ơi!

Họa sĩ vuốt nhẹ tóc Thùy Linh:

– Dù thế nào cũng phải nghiến răng mà sống. Mẹ cháu dặn cháu thế đấy.

– Không sống nổi đâu chú ơi, không thể sống…

Thùy Linh ôm mặt khóc. Họa sĩ xòe diêm châm lửa hút, bất chợt nhìn về phía dãy nhà hầm của ủy ban huyện. “Trần Hới ở cuối dãy, giờ này hắn đang làm gì?” – Họa sĩ ngẫm nghĩ – “Chắc là đang thò mồm vào vú một con bé nào đó, rồi nói những lời thống thiết”.

– Có thể lắm! – Họa sĩ bỗng nói to.

Thùy Linh vẫn ôm mặt khóc. Đường gân xanh nổi đậm ở thái dương giật giật. Họa sĩ lắc đầu xòe diêm châm một điếu khác.

“Không biết sẽ bắt đầu như thế nào với hắn đây. Không cẩn thận sẽ bị hắn cho nốc ao.” Họa sĩ nuốt nước bọt, rít liên tục nhiều hơi thuốc và nuốt chửng khói vào bụng. Bỉ đã nói đúng, chính Trần Hới đã gây ra bất hạnh cho Thùy Linh, chứ không còn ai khác.

Một tháng sau Đại úy Thìn hy sinh, thị trấn Linh Giang râm ri chuyện Thùy Linh có chửa. Người ta bàn tán không phải chuyện Thùy Linh bỗng nhiên có chửa, chuyện này đã quá nhàm, cứ năm bảy tháng lại có một người “không chồng mà chửa” lại xuất hiện, người ta bàn tán vì không biết ai phóng lên tin đồn chính Cule là bố của đứa trẻ trong bụng Thùy Linh. Thế mới khủng khiếp. Cule nghe được, rụng rời chân tay. Uất quá, cắm cây dao phay cắm xuống nền nhà, hét vang:

– Tao biết thằng nào nói tao cắt tiết như cắt tiết chó.

Vừa lúc bác Cả Rí đi câu lươn trở về, vừa bước vào cửa đã bị Cule chỉ vào mặt quát:

– Khai ra! Có nói không thì bảo!

Bác Cả Rí mặt tái xanh, lắp bắp:

– Nói cái gì?

Cule kể vắn tắt rồi nói:

– Có phải bác phóng ra không?

Bác Cả Rí đứng bất động, trân trố nhìn Cule, đoạn ngửa mặt lên trời mà than rằng:

– Trời đã sinh ra mi là cái thằng nói dóc, chuyên môn bịp chuyện mua vui, giờ mi hãy để bạn mi xin tí tiết.

Cule ngồi xuống ghế, vò đầu bứt tai:

– Chó má nhiều quá, giết mãi vẫn không hết.

Bác Cả Rí mặt đỏ bừng, rút dao phay đang cắm ngập giữa nền nhà, chĩa thẳng lên trời, nói:

– Tôi sẽ xách đầu cái thằng vu khống về trình bác.

Nói rồi bác Cả Rí nhằm hướng huyện đoàn mà đạp tới. Thoáng thấy bóng bác Cả Rí, Bỉ hốt hoảng chạy tới, chắp tay vái lia lịa:

– Con lạy bác trăm ngàn mớ lạy!

– Trần Hới đâu? – Bác Cả Rí quát hỏi.

– Ấy, bác bớt nóng, bớt nóng. Bác làm thế thì em chết…

Bỉ nhăn nhó van xin bác Cả Rí hãy quay lui, đừng nhắc chi đến Trần Hới. Chính Bỉ đã tiết lộ cho bác Cả Rí chuyện này. Tuần trước thấy Trần Hới cặp kè với một cô tên là Lệ Minh. Bỉ bật cười, hát vang vang:

– Ngựa giấy (ôi a) ngựa giấy… tít mù nó lại vòng quanh… đèn cù, đèn cù (là) đèn ơi ơ hơi…

Bác Cả Rí nghe được, hỏi:

– Anh hát thế nghĩa là sao?

Bỉ liếc nhanh về phía Trần Hới, nói nhỏ:

– Khẽ thôi. Cháu ruột Bí thư Huyện ủy đấy…

– Cái cô ấy phải không?

– Ấy chết, bác bé mồm cho em nhờ.

Khả năng “xử lý thông tin” của bác Cả Rí không đến nỗi tồi. Vừa nghe Cule nói thế, bác đã hiểu ra. Chính hắn đã bỏ rơi Thùy Linh để theo đuổi cái cô gọi là Lệ Minh kia, và để trốn tránh trách nhiệm về cái thai trong bụng Thùy Linh, hắn đã phóng lên “tin thất thiệt” thuộc về phía Cule, y như cách đây một năm hắn đã vu khống cho cô giáo Cam tội ngoại tình để cắt đứt duyên nợ với cô giáo. Nghĩ thế, lập tức bác Cả Rí xách dao phay ra đi. Loại ấy là chém cổ, không tha. Mặt mày bác Cả Rí đỏ bừng bừng, may có Bỉ ngăn lại. Bỉ vái liên hồi, ôm bác đẩy ra xa, bác đành nuốt nước bọt quay lui, vừa đi vừa chửi đổng.

Chuyện ấy Họa sĩ đã biết. Bây giờ phải tính chuyện đấu với Trần Hới. Thằng này kinh lắm, không khéo bị hắn cho nốc ao như chơi. Họa sĩ lẩm nhẩm tính thế cờ bẫy đặt của mình trong cuộc đấu sống còn với Trần Hới.

Thùy Linh vẫn đứng ôm mặt khóc, hơn một giờ sau cô lảo đảo vào buồng nằm. Đến gần sáng cô nghe có người gõ cửa. Cule thắp đèn đi ra. Ba công an xộc vào, hỏi:

– Họa sĩ Tư đâu?

Cule tái mặt:

– Tôi… không.

Vừa lúc Họa sĩ bật dậy, thong thả bước ra:

– Tôi đây.

– Anh bị bắt.

Một người chìa lệnh truy nã từ thời còn Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, hai người túm tay Họa sĩ bẻ quặt ra sau, trói chặt. Họa sĩ nghĩ nhanh: “Chưa vào trận đã nốc ao, thằng ấy kinh thật”.

Thùy Linh chồm dậy, chạy ào ra. Họa sĩ bị đẩy ra khỏi cổng. Cô nhào tới ôm chặt Họa sĩ:

– Chú Tư ơi, đừng bỏ cháu mà đi.

– Cháu cứ yên tâm, rồi chú sẽ về. – Họa sĩ Tư buồn rầu đáp.

– Không! Không! Không!

Thùy Linh hét vang, hai tay bíu chặt Họa sĩ. Một công an gỡ tay Thùy Linh ra:

– Thôi đủ rồi.

Và đẩy Họa sĩ đi nhanh.

Thùy Linh chạy theo, nức nở khóc, hét đến khản tiếng:

– Chú Tư ơi đừng bỏ cháu mà đi! Chú Tư ơi…

Cule đứng trong nhà, lặng lẽ thắp hương đặt lên bàn thờ, lầm rầm cầu cho Họa sĩ tai qua nạn khỏi.

***

“Con lạy bác, bác cho con đi tìm mẹ con. Con biết nếu báo trước bác sẽ không cho con đi. Bởi vì đang khi bom đạn đầy trời, con lại bụng mang dạ chửa…”

Hoàng vân vê bức thư Thùy Linh gửi lại cho Cule, không nói một câu gì. Anh chào Cule, đi thẳng ra bờ sông, nơi có hòn đá “Trịnh – Nguyễn phân tranh” vẫn còn nguyên chỗ cũ. Hoàng nằm lên đấy, ngửa mặt nhìn trời. Mặt trời đã lặn, li ti những vì sao mờ. Sóng vỗ bên sườn trải từng đợt, từng đợt… Đây là buổi chiều ảm đạm nhất của đời anh.

Đơn vị cho anh về được sáu tiếng. Mười hai giờ trưa anh có mặt tại thị trấn. Ba anh không nhớ ra anh đi bộ đội từ lúc nào, nhìn anh cười ngớ ngẩn, rồi quay mặt vào vách lẩm bẩm nói liên miên. Anh chạy ra mộ Đại úy Thìn thắp hương. Quay ra chợ mua ít thức ăn ngon cho ba anh. Loanh quanh qua mấy nhà hàng xóm thăm hỏi. Làm tất cả những việc đó mất bốn tiếng đồng hồ và lúc nào anh cũng để ý đến quán thịt chó Cule, lúc nào anh cũng chực lao đến đó nhưng anh ghìm lại được.

“Phải bình tĩnh”. Hoàng tự dằn lòng, bước chậm rãi khi sắp đến ngõ quán thịt chó. Hoàng bước vào, bắt gặp cái nhìn đau đớn của Cule, anh giật mình thảng thốt.

– Thùy Linh đâu, bác?

Cule rút trong ngực một tờ giấy, vuốt thật thẳng trao cho Hoàng. Hoàng đọc. Bức thư chỉ vài dòng, anh đọc ngót một tiếng đồng hồ. Anh ngơ ngác nhìn quanh, tự nhiên đôi hàng nước mắt vòng quanh má. Tất cả là vì anh, vì một chút tự ái vớ vẩn của anh. Hoàng nghẹn ngào muốn nói một câu gì mà không nói được.

Thùy Linh đi được bốn ngày. Bây giờ có lẽ đã đến bờ sông Son. Hai mẹ con cô sẽ ở đấy. Bao giờ hết chiến tranh, Hoàng sẽ tìm đến và đưa Thùy Linh về. Hoàng nằm ngửa mặt lên trời, nghĩ vơ vẩn, lòng nặng trĩu ưu tư.

Nếu Thùy Linh lùi lại bốn ngày, hẳn nhiên là đã gặp Hoàng. Nhưng cô làm sao biết được. Cô đi, lủi thủi một mình, ngày đi đêm nghỉ, vừa đi vừa hỏi, mải miết bốn ngày trời mới tới nơi. Cô đứng bên này bờ nhìn sang bờ bên kia thấy túp lều lá mía nhỏ như bàn tay, nằm nghiêng mép chân đê.

Con đò đang rời bến, hình như mẹ cô đang chèo. Có lẽ đây là chuyến đò cuối cùng trong ngày của mẹ. Cô cứ đứng im như thế, đợi đến lúc mẹ cô giục: “Chị kia ơi, có sang sông thì lên đò đi, kẻo tối”. Cô xắn quần lội ra, sát đò bất ngờ ngước lên, gọi: “Mẹ!”. Mẹ cô kêu lên một tiếng và nhảy ào xuống nước. Hai mẹ con ôm nhau, rối rít, rối rít…

Con đò đang tiến đến gần. Thùy Linh phấp phỏng đếm từng nhịp chèo một. Chút nữa thôi mà, đừng nóng ruột.

Mẹ cô sẽ hỏi: “Con có thai với ai?”. Cô sẽ trả lời: “Với một thằng đểu, mẹ ạ”. Mẹ cô sẽ ôm mặt khóc: “Con đừng nói người ta như thế. Người ta cũng là người…”. Mẹ cô bao giờ cũng nhân hậu. Chưa bao giờ Thùy Linh nghe mẹ nhiếc móc ai bao giờ, kể cả người đã từng chơi xỏ mẹ.

Con đò đã cập bến. Người lái đò không phải là mẹ cô. Đó là người đàn ông chừng bốn mươi tuổi.

– Lên đò đi. – Người đàn ông giục.

Thùy Linh lội ra, ngơ ngác hỏi:

– Mẹ cháu đâu?

Người đàn ông dướn mày, nhìn Thùy Linh chằm chằm. Một lúc, ông quỳ xuống hỏi:

– Có phải cô là Thùy Linh không?

– Thưa vâng. – Thùy Linh gần như reo lên – Mẹ cháu đâu, bác?

Người lái đò cắm sào, đứng ngoảnh mặt sang bờ bên kia thì thầm:

– Trước khi chết, mẹ cháu nhắc tên cháu hoài…

– A á á!

Thùy Linh rú lên. Một tảng đá đập vào trán cô, sau đó là gió, hun hút gió.

Người lái đò bế xốc cô lên đò, hối hả chèo sang bờ bên kia, nơi có túp lều lá mía. Thùy Linh đã chậm chân. Thím Hoa bị trọng thương trong khi chèo đò đưa một tốp thanh niên “ba sẵn sàng” qua sông. Thím vừa tắt thở cách đây bốn ngày. Một cái chết bình thường như mọi cái chết bình thường của những người dám sống để mà chết.

Nếu Thùy Linh lùi lại bốn ngày sẽ gặp Hoàng, đi trước bốn ngày sẽ gặp mẹ cô. Tất cả hình như là sự bày đặt trớ trêu của số phận.

Bây giờ cô đang nằm trong túp lều lá mía, thổn thức khóc gọi mẹ mình. Hoàng đang nằm trên hòn đá “Trịnh – Nguyễn phân tranh” đau đáu nghĩ về cô. Ba Hoàng đang ngồi nói chuyện với cái bóng của mình trên vách. Trần Hới đang cúi đầu xuống bộ ngực non tơ của Lệ Minh, thì thầm: “Anh yêu em, anh không thể sống thiếu em được”. Cule đang ra thăm mộ Đại úy Thìn, ông tự nguyện lãnh chăm sóc phần mộ Đại úy trong khi mọi người đều đi vắng. Bác Cả Rí đang đặt bẫy lươn. Ông Lê Đức Huy vừa vồ được một con rắn mối, ngồi nhai ngấu nghiến. Bỉ đang bịt miệng cười một mình. Họa sĩ Tư đang ngồi trong phòng xét hỏi ở thị xã Đ. Bà Hiền đang vung roi múa hát… Vào lúc nắng đã tắt, li ti những ngôi sao mờ, đấy là một buổi chiều ảm đạm của thị trấn.

Tôi hỏi ba tôi:

– Chiều ấy thuộc vào ngày nào?

Ba tôi đeo mục kỉnh, run run lật cuốn sổ nhật ký đã nhàu nát của ông lẩm nhẩm đọc, rồi ngước lên trả lời:

– Đó là ngày 6 tháng 10 năm 1966.

Năm đó tôi tròn mười tuổi.

Huế: Xuân – Hè – 1988

N.Q.L

Bình luận